Kỳ 1: Chính phủ Quốc Gia Việt Nam từ 1948 đến tháng Bảy 1954
Lời tòa soạn: Cách đây
70
năm, vào ngày 20 tháng 7, Hội nghị quốc tế về tình hình Đông Dương nhóm
họp tại Genève đã kết thúc sau gần 3 tháng thảo luận. Văn kiện chính
được công bố tại hội nghị này là Hiệp định đình chiến ở Việt Nam với 47
điều chia làm 5 chương. Nội dung chính của Hiệp định là thành lập tại vĩ
tuyến 17 đi qua sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, một giới tuyến quân sự tạm
thời và phân chia đất nước Việt Nam ra hai khu phi chiến ở hai bên giới
tuyến đó: từ phía Nam vĩ tuyến 17 là lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của
chính phủ Quốc Gia Việt Nam (trở thành Việt Nam Cộng Hòa kể từ 26 tháng
10/1955); từ phía Bắc vĩ tuyến 17 trở ra do chính quyền Cộng sản Việt
Nam kiểm soát. Trước khi Hiệp định được ký kết, đại diện cho Chính phủ
Quốc Gia Việt Nam là Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã ra tuyên ngôn phản đối
với những điểm chính được tóm lược như sau: “Việc ký kết hiệp định giữa
Pháp và Việt Minh trong đó có những điều khoản mang nặng những nguy hại
cho tương lai của dân tộc Việt Nam. Việc hiệp định đã nhường cho Việt
Minh những vùng mà Quân đội Quốc Gia còn đóng quân và việc tước mất của
Việt Nam quyền bất khả xâm phạm để tổ chức phòng thủ... Việt Nam long
trọng phản đối việc ký Hiệp định Genève, Chính phủ Quốc gia Việt Nam
hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc
Việt Nam trong cuộc thực hiện thống nhất, độc lập và tự do cho xứ sở.”
70
năm đã qua đi, các sử gia chân chính luôn nhận định rằng ngày 20 tháng 7
năm 1954 là ngày Quốc hận của Dân tộc Việt Nam. Trong tình thần tưởng
niệm ngày lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt, Việt Báo trân trọng giới thiệu
đến bạn đọc loạt bài tổng hợp về sự hình thành của chính phủ Quốc Gia
Việt Nam và diễn tiến hiệp định Genève.
* 1948: Chính phủ lâm thời Quốc Gia Việt Nam thành lập
Ngày 2 tháng 6/1948, một đại hội nhân sĩ và đại diện các đảng phái
nhóm họp tại Sài Gòn. Tại hội nghị, sau khi nghe Thủ tướng Nam Kỳ là
Trung tướng Nguyễn Văn Xuân trình bày, và sau khi nghe chiếu thư của
Hoàng đế Bảo Đại, tất cả đã đồng thanh bầu Trung tướng Nguyễn Văn Xuân
làm Thủ tướng lâm thời Quốc gia Việt Nam. Ngày 5 tháng 6, Hoàng đế Bảo
Đại từ Hồng Kông đến vịnh Hạ Long trên một phi cơ đáp trên nước của hãng
hàng không Anh Hồng Kông Calatina, phi cơ hạ cánh trên một chiến hạm
Pháp. Trên chiến hạm này, Hoàng đế đã cùng Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và
đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định Hạ Long. Theo hiệp định, chính phủ
lâm thời không có quyền về ngoại giao, nhưng Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân
nói với ông Tổng thư ký nói rõ một điểm: Nếu cần, chánh phủ Lâm Thời
Trung Ương có thể chỉ định một số đại sứ ở ngoại quốc. Hoàng đế Bảo Đại
đã ở lại Hạ Long một đêm, sau đó đã đi Bangkok, từ Bangkok đổi lấy phi
cơ dân sự để qua Pháp.
* Năm 1949: Quốc trưởng Bảo Đại về nước chấp chánh
Ngày 15-3, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân qua Pháp. Sau mấy ngày tiếp xúc
với các yếu nhân trong chính phủ Pháp, Thủ tướng Xuân đã xuống miền Nam
nước Pháp và yết kiến Hoàng đế Bảo Đại để trình bày tình hình đất nước
và thỉnh cầu Hoàng đế về nước để trực tiếp điều khiển quốc gia. Đầu
tháng 4/1949, Thủ tướng Xuân tổ chức một đại hội với 1,000 đại biểu là
cư dân Nam Kỳ và 700 đại biểu là kiều dân Pháp tại Nam Kỳ, quyết định
xin sát nhập miền đất Nam Kỳ vào nước Việt Nam. Thuộc địa Nam Kỳ được
xóa bỏ ngày 25 tháng 4 năm 1949 do biểu quyết của đại diện các đoàn thể
tôn giáo, chính trị và đồng bào các giới dự họp. Dựa trên quyết định đó,
Quốc hội Pháp chấp thuận hủy bỏ quy chế thuộc địa Nam Kỳ. Tại Pháp,
Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố sẽ về nước vào ngày 28 tháng 4/1949 và chọn Đà
Lạt làm nơi đặt văn phòng thay vì Huế.
Ngày 26 tháng 8/1949, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cùng phái đoàn chính
phủ lâm thời bay qua Singapore để rước Hoàng đế Bảo Đại về nước. Hoàng
đế muốn được đón tiếp ở Singapore thay vì ở Pháp để tránh tốn kém cho
phái đoàn. Ngày 1 tháng 7/1949, thành phần chính phủ Quốc gia Việt Nam
được chính thức công bố do Quốc trưởng kiêm nhiệm chức vụ Thủ tướng, với
các thành viên: Phó Thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng: Trung tướng
Nguyễn Văn Xuân; Tổng trưởng Ngoại giao: Nguyễn Phan Long; Tư pháp:
Nguyễn Khắc Vệ, Kinh tế và kế hoạch: Trần Văn Văn, Nội vụ: Vũ Ngọc Trân;
Tài chánh: Dương Tấn Tài; Ngoại giao: Lê Thăng; Quốc Phòng: Trần Quang
Vinh; Thương mại và Kỹ nghệ: Hoàng Cung; Canh Nông, Xã hội, Lao động:
Phan Khắc Sửu; Công chánh, Giao thông, Kiến thiết: Trần Văn Của; Quốc
gia Giáo dục: Phan Huy Quát; Y tế: Nguyễn Hữu Phiếm; Thông tin: Trần Văn
Tuyên. Thủ hiến Bắc Việt: Nguyễn Hữu Trí. Trung Việt: Phan Văn Giáo, Nam
Việt: Trần Văn Hữu.
* Năm 1950: Pháp công nhận quyền độc lập của Quốc gia Việt Nam
- Ngày 21 tháng 1/1950, Trung tướng Nguyễn Văn Xuân từ chức Phó Thủ
tướng, nhân dịp này Quốc trưởng Bảo Đại bỏ chức vụ Thủ tướng kiêm nhiệm,
chỉ giữ chức Quốc trưởng, và cử ông Nguyễn Phan Long giữ chức Thủ tướng
kiêm Tổng trưởng Ngoại giao và Nội vụ. Ông Nguyễn Phan Long giữ chức Thủ
tướng chỉ được hơn 3 tháng thì xin từ chức, Thủ hiến Nam Việt Trần Văn
Hữu được chỉ định giữ chức Thủ tướng kiêm tổng trưởng Ngoại giao và Quốc
phòng.
- Ngày 29/6/1950, Pháp chính thức công nhận Quốc Gia Việt Nam là một
thành viên có chủ quyền trong khối Liên Hiệp Pháp. Sự công nhận này được
công bố theo thỏa ước Pau. Cuối năm 1950, chánh phủ Pháp cử Đai tướng De
Lattre de Tasigny sang Việt Nam với chức vụ Toàn quyền về Quân sự và Dân
sự.
Về ngoại giao, ngày 7 tháng 2/1950, Hoa Kỳ và Anh cùng một số
quốc gia chính thức công nhận và lập bang giao với Quốc Gia Việt Nam.
Riêng Mỹ, tòa đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ đặt tại Sài Gòn do ông Donald
Heath, một nhân vật ngoại giao kỳ cựu làm đại sứ. Ngày 6 tháng 3/1950,
Hoa Kỳ đặt phái bộ quân sự. Ngày 9 tháng 3/1950, ông Achelon, một đặc
sứ của Tổng thống Mỹ Truman đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ viện trợ quân sự
cho Việt Nam.
* Năm 1951: Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam; Quốc gia Việt Nam gửi
đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc...
- 16/2: Thủ tướng Trần Văn Hữu trình diện nội các mới sau khi nội
các cũ do ông làm Thủ tướng bị giải tán.
-19/3: Chính phủ Quốc gia Việt Nam phê chuẩn Hiệp định của Hoa Kỳ
gồm 16 triệu Mỹ kim dành cho 3 quốc gia Đông Dương.
- 15/7: Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 12 ban hành quy chế quân dịch.
- 18/12: Quốc gia Việt Nam gửi đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc do
đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc Chauvel chuyển cho Tổng thư ký Liên
Hiệp Quốc.
* Năm 1952: hai lần thay đổi nội các; Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội
Quốc Gia Việt Nam chính thức thành hình.
-8/3: Thủ tướng Trần Văn Hữu lại cải tổ chính phủ lần nữa, ông kiêm
nhiệm Tổng trưởng Quốc phòng và Tài chánh.
-1/5: Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam chính thức thành
lập sau khi các quân chủng và một số binh chủng, binh đoàn đã được thành
lập từ năm 1950 đến tháng 4/1952. Tổng tham mưu trưởng đầu tiên là Thiếu
tướng Nguyễn Văn Hinh (thăng Trung tướng 1953)
-6/6: Thân phụ của Tướng Nguyễn Văn Hinh là ông Nguyễn Văn Tâm,
nguyên Tổng trưởng bộ Nội vụ của nội các Trần Văn Hữu được Quốc trưởng
Bảo Đại bổ nhiệm làm Thủ tướng, Thủ tướng Tâm vẫn kiêm Tổng trưởng Nội
vụ.
* Năm 1953: Quân đội Quốc gia Việt Nam phát triển; cải tổ chính
phủ.
- 8/1: Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cải tổ chính phủ, ông vẫn kiêm nhiệm
bộ Nội vụ, Tổng trưởng Quốc phòng là ông Lê Quang Huy.
- Ngày 24-2, Hội đồng quân sự Việt Pháp nhóm họp quyết định thành
lập 54 tiểu đoàn commando và 14 đại đội trọng pháo với sự yểm trợ về vũ
khí, quân dụng của Hoa Kỳ. Các tiểu đoàn commando sau đổi thành tiểu
đoàn Khinh quân.
- 1/9: Thành lập 4 liên đoàn Bộ binh đầu tiên của
Quân đội Quốc gia Việt Nam.
* Năm 1954: Chiến sự sôi động, Pháp thất thủ Điện Biên Phủ, Hiệp
định Genève chia đôi đất nước. Hai lần thay đổi nội các.
- 11/1: Hoàng thân Bữu Lộc được cử giữ chức Thủ tướng thay ông
Nguyễn Văn Tâm. Tân Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ, Tổng trưởng Quốc
phòng là bác sĩ Phan Huy Quát (năm 1965 là Thủ tướng).
- Ngày 6-7, ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ và chính thức chấp
chánh ngày 7-7 (Song Thất), Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ và Quốc
phòng.
- Ngày 20 tháng 7/1954: Hiệp định Genève ký kết chia hai đất nước,
Cộng sản chiếm phía Bắc vĩ tuyến 17, phía Nam là lãnh thổ Việt Nam Tự
Do, đường ranh giới là sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị. Phái đoàn của Quốc
gia Việt Nam do ngoại trưởng Trần Văn Đỗ làm trưởng đoàn đã phản đối
việc việc ký hiệp định này.
Vương Hồng Anh
Nguồn: Việt Báo
No comments:
Post a Comment