; }

Friday, September 22, 2017

BÍ ẨN ĐÀI PHÁT THANH MA HOẠT ĐỘNG TỪ THỜI LIÊN XÔ

Bản quyền hình ảnh iStock
Nằm giữa vùng đầm lầy ở Nga, cách không xa thành phố St Peterburg, có một cánh cổng vuông bằng kim loại. Phía sau những song sắt han gỉ là hàng loạt các cột phát sóng radio, những tòa nhà bỏ hoang và những đường dây điện được bao quanh bằng bức tường đá hộc.
Địa điểm bí mật này là tâm điểm của điều bí ẩn gợi nhắc về thời đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Nơi đây được cho là trụ sở của đài phát thanh có tên "MDZhB", một đài không ai thừa nhận là người vận hành.

Hai mươi tư giờ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần, trong suốt ba thập niên rưỡi qua, nơi này luôn phát đi một làn sóng đơn điệu, buồn tẻ. Cứ vài giây nó lại thêm vào một âm thanh thứ hai, như chiếc tàu ma hụ hồi còi trong sương mù. Sau đó những tiếng vo vo vẫn tiếp tục.
Một hoặc hai lần mỗi tuần, sẽ có một giọng đàn ông hoặc phụ nữ đọc vài từ tiếng Nga, như từ "dinghy" hay "chuyên gia nông học". Chỉ có vậy.
Bất cứ ai, bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể nghe thấy, chỉ bằng cách đơn giản là chỉnh sóng đến dải tần số 4625 kHz.
Điều này quá bí ẩn, cứ như thế đài phát sóng được thiết kế bởi các tay theo đuổi thuyết âm mưu.
Hiện nay, đài có số lượng theo dõi trên mạng đến hàng chục ngàn, những người biết nó trìu mến dưới tên gọi "Đài Buzzer" (còi tàu). Nó kết hợp hai đài phát sóng bí ẩn tương tự nhau, đài "Pip" và "Squeaky Wheel" (Bánh xe Nhào lộn).
Những người hâm mộ thừa nhận rằng họ hoàn toàn không biết bản thân đang nghe cái gì. 
 Bản quyền hình ảnh iStock  

  Ai cũng có thể nghe được đài Buzzer, chỉ cần dò tới tần số radio 4625 kHz là được
Trên thực tế thì không ai biết gì cả. "Hoàn toàn không có thông tin gì về làn sóng đó," David Stupples, một chuyên gia về tình báo tín hiệu ở Đại học City University, London nói.

Vậy điều gì đang diễn ra?

Tần số trên được cho là thuộc về quân đội Nga, mặc dù họ không bao giờ thực sự thừa nhận.

Đài bắt đầu phát sóng vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi phe cộng sản suy yếu. Ngày nay, nó phát sóng từ hai địa điểm, tại St. Peterburg và một địa điểm gần Moscow.
Điều kỳ lạ là sau sự sụp đổ của Liên Xô, thay vì đóng cửa thì hoạt động của đài này lại tăng rõ rệt.
Có không ít giả thuyết giải thích đài Buzzer hoạt động vì mục đích gì - từ việc để giữ liên lạc với tàu ngầm cho đến việc liên hệ với người ngoài hành tinh.
Có một giả thuyết cho rằng đài này hoạt động như tín hiệu "Bàn tay Chết" (Dead Hand): trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân, âm thanh vo vo sẽ kết thúc và hành động trả đũa sẽ được tự động kích hoạt. Không thắc mắc gì hết, những gì sẽ xảy ra sau đó là việc xóa sổ mọi thứ ở cả hai phe bằng hạt nhân.
Nói vậy thôi chứ mọi thứ không phải là quá kỳ quặc. Hệ thống này ban đầu là hệ thống tiên phong dưới thời Xô Viết, sử dụng hệ thống máy tính quét qua các làn sóng trong không khí để tìm những tín hiệu sự sống hoặc các rò rỉ phóng xạ hạt nhân.
Điều đáng báo động là rất nhiều chuyên gia tin rằng đài này vẫn đang tiếp tục được sử dụng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu năm nay nói rằng "không ai có thể sống sót" khỏi một cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ.
Liệu đài Buzzer có tránh khỏi điều này?

Hiệu triệu gián điệp toàn cầu

Khi điều đó xảy ra, sẽ có các manh mối trong chính bản thân tín hiệu.
Giống như mọi đài phát thanh quốc tế, Buzzer hoạt động ở tần số khá thấp được gọi là "sóng ngắn". Điều này có nghĩa là nếu so sánh với các đài phát thanh địa phương, điện thoại di động và tín hiệu TV thì đài Buzzer có ít sóng đi qua một điểm trong mỗi giây hơn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng được truyền đi xa hơn.

Trong khi bạn khó có thể bắt được một kênh radio địa phương nếu bạn không có mặt tại chỗ, chẳng hạn như nghe kênh BBC London, thì những trạm phát sóng ngắn như BBC Thế giới Vụ lại được phát tới những khán giả ở những nơi xa xôi như Senegal hay Singapore. Cả hai kênh đều phát sóng từ cùng một tòa nhà. 
 Bản quyền hình ảnh Public Domain/ US DoD  

  Nếu như hệ thống 'bàn tay chết' không phát hiện ra những tín hiệu phát ra từ cấp quân sự được định sẵn, nó sẽ tự động kích hoạt hành động trả đũa
Sóng vô tuyến điện được truyền đi là nhờ vào "sóng trời". Các tín hiệu radio ở tần số cao chỉ có thể di chuyển theo một đường thẳng, và rốt cuộc sóng sẽ mất khi gặp phải vật cản hoặc sau khi di chuyển được một khoảng cách nhất định.
Nhưng tần số sóng ngắn có một 'mánh' riêng để tránh được trở ngại đó - chúng đẩy các hạt điện tích lên tầng khí quyển cao hơn, và điều đó khiến sóng di chuyển theo đường zig-zag qua lại giữa mặt đất và bầu trời, di chuyển xa hơn đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn dặm.

Điều này đưa chúng ta quay trở lại với giả thuyết Bàn tay Chết. Như ta biết, sóng ngắn hiện được sử dụng rất rộng rãi. Ngày nay, sóng ngắn được dùng trên tàu, máy bay và trong quân đội để truyền tin giữa các lục địa, đại dương và dãy núi.
Nhưng cũng có một trở ngại.
Tầng khí quyển nơi tiếp nhận các hạt điện tích không phải là một tấm gương phẳng mà là một lớp sóng, cứ gợn nhấp nhô, dập dềnh như bề mặt đại dương. Vào ban ngày, tầng sóng này dâng cao dần lên phía không trung, còn vào ban đêm, nó hạ dần xuống phía mặt đất.
Nếu bạn muốn đảm bảo chắc chắn là kênh radio của mình đến được với các thính giả ở bên kia địa cầu - và nếu bạn sử dụng đài để đưa ra dấu hiệu cho một cuộc chiến hạt nhân - thì tần số phát sóng cần phải được thay đổi phù hợp, tương ứng với từng thời điểm trong ngày để duy trì được phạm vi phủ sóng liên tục. Đây là cách mà BBC Thế giới Vụ luôn áp dụng. Nhưng Đài Buzzer thì không.
Một ý kiến khác cho rằng đài phát thanh này tồn tại để "phát ra" xem tầng các hạt điện tích có thể di chuyển được bao xa. "Để có kết quả tốt từ các hệ thống radar mà người Nga dùng để phát hiện tên lửa, bạn cần biết điều này," Stupples nói. Tín hiệu càng tốn nhiều thời gian để đi lên trời và đi xuống thì tần số sóng nó càng phải cao.
Nhưng mà vẫn không đúng. Để phân tích độ cao của tầng các hạt điện tích thì tín hiệu sẽ thường có một âm thanh nhất định, như tiếng còi xe hơi chẳng hạn. "Chúng nghe không có gì là giống đài Buzzer cả," Stupples nói.
Đáng ngạc nhiên thay, có một đài phát sóng khác có một vài điểm tương đồng nổi bật.
Đài "Lincolnshire Poacher" (Những tay săn trộm ở Lincolnshire) hoạt động từ giữa thập niên 1970 cho đến năm 2008.
Cũng như đài Buzzer, người ta có thể nghe nó từ bên kia địa cầu. Cũng như Buzzer, nó phát sóng từ một địa điểm bí mật, được cho là ở đâu đó tại Cyprus. Và cũng như đài Buzzer, quá trình truyền sống của nó chỉ thuần túy là kỳ quặc.
Và đầu mỗi giờ, đài này sẽ chơi một hoặc hai dòng ca khúc của một bài dân ca Anh, bài Lincohnshire Poacher.
"Ồ đây niềm vui của tôi dưới đêm tỏa rạng
Vào mùa trong năm
Khi tôi học việc ở Lincolnshire nổi tiếng
Tôi đã phục vụ ông chủ gần bảy năm ròng"
Sau khi lặp lại đoạn ca khúc này 12 lần, nó bắt đầu đọc các thông điệp bằng một giọng mũi của nữ, đọc các dãy năm chữ số "1-2-0-3-6" bằng một giọng Anh trau chuốt, kiểu cách.
Liệu sự trùng hợp này có giúp 'giải mã' được sự bí hiểm của đài Buzzer? Mời các bạn xem trong bài Cuộc bố ráp trụ sở Arcos của Liên Xô tại London.

 

Cuộc bố ráp trụ sở Arcos của Liên Xô tại London


Sau vụ Arcos bị bố ráp tại London, người Nga nhận ra rằng họ cần có cách liên lạc có độ an toàn cao hơn với các điệp viên hoạt động ở nước ngoài

Cộng đồng Hợp tác Toàn Nga (Arcos) là một tổ chức thương mại quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý giao dịch giữa Anh Quốc và Liên bang Xô Viết thời đầu. Hay ít nhất, đó là điều họ nói họ đã làm.
Vào tháng 5/1927, vài năm sau khi một điệp viên của Anh tóm được một nhân viên lẻn vào văn phòng tin tức cộng sản ở London, cảnh sát ập vào tòa nhà của Arcos. Tầng hầm gắn đầy các thiết bị chống xâm nhập và họ khám phá ra một căn phòng bí mật không có tay nắm cửa, bên trong các công nhân đang vội vã đốt nhiều tài liệu.

"Đó là sự nhầm lẫn của mệnh lệnh đầu tiên trong việc thực hiện cuộc bố ráp," Anthony Glees, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tình báo tại Đại học Buckingham cho biết.
Để biện minh cho lý do tiến hành cuộc bố ráp đó, thủ tướng Anh thậm chí đã phải đọc to nội dung một số điện tín đã được giải mã trước Hạ Viện.
Kết quả là người Nga đã phải sáng chế lại toàn bộ cách mã hóa tin nhắn. Gần như chỉ qua đêm, họ chuyển thành "mật mã dùng một lần". Theo hệ thống này, một mã khóa mặc định được người gửi tin nhắn tạo ra và chỉ chia sẻ cho người nhận tin. Chừng nào mà mã khóa này thực sự là ngẫu nhiên đến mức hoàn hảo, thì mật mã không thể bị phá. Giờ chẳng còn lo lắng ai có thể nghe tin nhắn của họ nữa.
Vậy là đến thời của các "trạm số"- là các kênh phát thanh chỉ phát đi các tin nhắn đã được mã hóa cho các điệp viên hoạt động ở khắp nơi trên thế giới. Người Anh cũng nhanh chóng dùng cách này: Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy gia nhập cùng họ, như cách người Anh nói.
Để tạo ra một mã số hoàn toàn ngẫu nhiên là việc tương đối khó khăn. Lý do là bởi một hệ thống chịu trách nhiệm là việc đó về bản chất lại hoàn toàn có thể đoán được - đó chính xác là điều người ta muốn tránh. Thế là các nhân viên ở London nghĩ ra một giải pháp rất thông minh.
Họ treo một micro bên ngoài một cửa sổ trên đường Oxford Street và ghi âm các âm thanh giao thông.
"Có thể có một chiếc xe bus bấm còi cùng lúc khi một cảnh sát la lớn. m thanh này là độc đáo duy nhất, nó sẽ không xảy ra lại lần nữa," Stupples nói. Sau đó họ chuyển âm thanh này thành một mã ngẫu nhiên.
 Bản quyền hình ảnh iStock

Tất nhiên, điều này không thể ngăn cản người ta cố tìm cách phá khóa. Trong Thế Chiến thứ Hai, người Anh nhận ra trong thực tế họ có thể giải mã được các tin nhắn này, nhưng họ cần phải chạm tay được vào cái mật mã dùng một lần dùng để mã hóa chúng.
"Chúng tôi nhận ra rằng người Nga sử dụng các tờ giấy hết hạn của các mật mã một lần làm giấy vệ sinh ở trong các bệnh viện quân y của Nga ở Đông Đức," Glees nói. Khỏi phải nói, các sĩ quan tình báo Anh sớm lập tức lùng sục tìm kiếm các nội dung trong nhà vệ sinh của phe Xô Viết.

Chuẩn bị phát động chiến tranh?

Cách truyền thông tin mới quá hiệu quả. Chẳng bao lâu, số lượng các đài phát sóng số xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Có những cái tên hoa mỹ được đặt cho các kênh, như "Nancy Adam Susan", "Russian Counting Man" (Người Nga đếm người) và "Cherry Ripe" (Anh đào chín) - đài phát thanh chị em của đài Lincolnshire Poacher, cũng phát các đoạn nhạc dân ca Anh.

Ít nhất về mặt tên gọi, Đài Buzzer hợp ngay với nhóm này.
Trong bài Bí ẩn đài phát thanh ma hoạt động từ thời Liên Xô, chúng ta đã biết đài Buzzer phát sóng đều đặn mỗi ngày từ một nơi nào đó gần St Petersburg của Nga từ suốt 35 năm qua với nội dung hầu như chỉ là một làn sóng đơn điệu, buồn tẻ.
Cách truyền thông tin mới cũng phù hợp với hàng loạt vụ bắt giữ tại Hoa Kỳ vào năm 2010. Cục điều tra Liên bang FBI nói họ đã phá tan một mạng lưới gián điệp Nga "ẩn mình kín và lâu dài", được cho là đã nhận chỉ thị qua các tin nhắn mã hóa bằng sóng ngắn radio, đặc biệt là trên tần số 7887 kHz. 
 Bản quyền hình ảnh Getty Images

  Các thông điệp sử dụng mật mã dùng một lần đạt độ an toàn cao, không thể bị bẻ khóa
Giờ đây Bắc Triều Tiên cũng đã tham gia hoạt động này. Vào ngày 14/4/2017, đài phát thanh Bình Nhưỡng bắt đầu phát đi: "Tôi đang đưa ra các tổng kết công việc về các bài học công nghệ thông tin tại đại học sư phạm vùng sâu vùng xa dành cho điệp viên viễn chinh Số 27." Thông điệp quân sự không được che giấu kín đáo này theo sau đó là hàng loạt các con số trang giấy - Số 69 trang 823, trang 957 - nghe rất giống như một mật mã.
Thật đáng ngạc nhiên rằng các đài phát sóng số vẫn còn được sử dụng - nhưng chúng có một ưu thế đáng kể. Tuy người ta có thể đoán được ai là người đang phát sóng nhưng bất cứ ai cũng có thể nghe được thông điệp, vì vậy bạn không thể biết thông điệp đang được gửi cho ai. Điện thoại di động và internet có thể nhanh hơn, nhưng nếu mở một tin nhắn hay email gửi đi từ một tổ chức tình báo đã được tên là bạn đã có thể bị lộ tẩy ngay.

Có một giả thuyết nghe thuyết phục: Đài phát thanh Buzzer được giấu ở một nơi thanh thiên bạch nhật, chỉ huy một mạng lưới gián điệp Nga bất hợp pháp khắp nơi trên thế giới. Chỉ có một vấn đề. Đài Buzzer không bao giờ phát đi một thông điệp số nào.
Điều này không hẳn đã là vấn đề, vì mật mã dùng một lần có thể dùng để diễn dịch bất cứ gì - từ các từ ngữ mã hóa cho đến các đoạn diễn văn bị cắt xén. "Nếu cuộc gọi điện thoại này được mã hóa, bạn sẽ nghe thấy "…enejekdhejenw…", nhưng thông điệp này sẽ xuất hiện ở đầu dây bên kia với nội dung hoàn toàn bình thường," Stupples nói. Nhưng điều này có thể để lại những manh mối trong tín hiệu.
Để gửi thông tin qua làn sóng phát thanh, cần thiết nhất là bạn phải điều chỉnh tần số và khoảng cách của các đợt sóng truyền tin. Ví dụ, hai làn sóng thấp trong một lần có nghĩa là x, hoặc ba làn sóng gần nhau có nghĩa là y. Khi một tín hiệu mang thông tin, thay vì gọn gàng, thậm chí ngay cả các con sóng bị ngắt quãng đều đều như những gợn sóng trên đại dương, thì bạn sẽ nhận được sóng như một cái bóng mờ nhòe của một dải điện tâm đồ.
Đài Buzzer thì không phải vậy. Thay vào đó, rất nhiều người tin rằng đài phát sóng là một hỗn hợp của hai thứ. Những tiếng vo vo liên tiếp chỉ là cách để khẳng định rằng "làn sóng này là của tôi, làn sóng này là của tôi…" qua đó không cho người khác sử dụng làn sóng đó.
Người ta cho rằng nó chỉ trở thành trạm phát sóng số vào thời điểm khủng hoảng, ví dụ như khi Nga bị xâm lược. Sau đó nó có thể có tác dụng hướng dẫn mạng lưới điệp viên toàn thế giới và quân lực của họ đang chờ đợi ở các vùng xa xôi. Xét cho cùng thì đó là một quốc gia có kích cỡ lớn gấp 70 lần Anh Quốc.
Có vẻ như họ đã tập luyện. "Vào năm 2013, họ phát đi một thông điệp đặc biệt. 'LỆNH 135 ĐƯỢC BAN HÀNH' - đó được cho là một tin nhắn thử nghiệm yêu cầu sẵn sàng chiến đấu," Māris Goldmanis, một người đam mê đài phát thanh đã nghe đài này từ nhà của ông tại một quốc gia vùng Baltic, nói.
Bí ẩn của đài phát thanh Nga có thể đã được giải mã. Nhưng nếu những người hâm mộ của đài này lý giải đúng, thì hãy cùng hy vọng là những tiếng vo vo sẽ không bao giờ ngừng lại.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Sunday, September 10, 2017

CHỖ ĐỨNG NÀO CHO MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Phạm Trần

06/Sep/2017

Trong một bài viết trên báo Gíao dục Việt Nam (GDVN) ngày 31/08/2017, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Cộng sản Việt Nam (CSVN), Tiến sĩ Trần Công Trục viết rằng:”Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp được ra đời từ thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam là đã lật đổ chính thể Việt Nam Cộng hòa, và lập ra một cách hợp pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tính chính danh của chính thể Việt Nam Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại đã bị xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngày 30/4/1975.”

Nhưng điều được gọi là “thắng lợi” ấy từ đâu mà có ? Chính phủ và quân độị của nhà nước Cộng sản đội lốt “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ở miền Bắc đã đóng vai trò gì trong “thắng lợi” này. Và liệu tổ chức gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” và “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” có thể làm nên cơm cháo gì nếu không có quân miền Bắc xâm lược miền Nam ?

Vì vậy nếu chỉ nói mà không nói cho hết ngọn nguồn của những Tổ chức hữu danh vô thực như : Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (và) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì lịch sử sẽ thành ngụy sử.

THẾ NÀO LÀ BÙ NHÌN, TAY SAI ?

Vậy trước hết hãy thử tìm hiểu thế nào là bù nhìn, là tay sai ?

Ta hãy cùng nghe ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam mới phát hành ngày 18-8-2017, giải thích tại sao “các nhà sử học “ của đảng CSVN đã “thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa”

Ông nói:”Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".

"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây".

"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn". (Lan Hương, RFA, 21/08/2017)

Lời nói sặc mùi kỳ thị, chủ quan và xuyên tạc của ông Cường đã lột mặt gỉa tạo được gọi là “trung tính” khi bỏ lối gọi xách mé, thù hận và mặc cảm “ngụy quân, ngụy quyền” bằng “quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn”.

Ông Cường cũng đã trắng trợn xuyên tạc vì Mỹ không biến miền Nam thành một “thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ”.

Và Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa hề là “một đội quân đi đánh thuê” cho bất cứ ai. Có chăng là khi VNCH bị miền Bắc xâm lược thì được Hoa Kỳ và các nước Đồng mình giúp để chiến đấu tự vệ chống lại cuộc xâm lăng không thể chối cãi được của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nếu vẫn còn nghi ngờ thì ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường và các nhà viết sử Cộng sản hãy đến khấn vái trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn để nghe ông nói:”Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản. Văn Nghệ, 1997, tr. 422)

Như vậy thì lịch sử đã nói rõ “ai là kẻ đánh thuê”, phải không ?

Tại sao như thế ? Bởi vì tất cả những tổ chức mang tên “miền Nam Việt Nam” không hòan toàn do người miền Nam chủ động mà lại do những người Cộng sản nằm trong đảng Lao Động Việt Nam (Cộng sản) , công khai thành lập và chỉ huy.

Tên gọi đảng Lao Động Việt Nam, được sử dụng từ tháng 2 năm 1951 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Tuyên Quang, vì nhu cầu chính trị để sửa sai những lỗi lầm khi còn mang tên Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930.

Sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 sau khi chấm dứt Chiến tranh , tên Đảng lại được đổi lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGUỒN GỐC KHUẤY PHÁ TRONG NAM

Để chứng minh cho tham vọng gây chiến, phá hoại Việt Nam Cộng hòa của ông Hồ và đảng CSVN, tài liệu Bách kha toàn thư mở viết:”Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1960 chính thức hóa công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó và đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tại miền Nam. Tại miền Nam, đảng bộ Miền Nam năm 1962 công khai lấy tên Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam, là thành viên và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam , tuyên truyền chủ nghĩa Marx - Lenin (thành phần Mặt trận còn có Đảng Dân chủ, và Đảng Xã hội cấp tiến và các tổ chức,... do những người cộng sản chủ trương thành lập).”

Nghị quyết của Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam,từ ngày 5 - 10/9/1960 đã viết :”Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược:

“Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau.

Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ tất yếu sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam, cho sự phát triển của cách mạng trong cả nước, cho việc gìn giữ và củng cố hòa bình ở Đông Dương, Đông - Nam á và thế giới.

Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy phương châm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam.”

Sau Đại hội đảng III, theo tài liệu Bách khoa toàn thư mở thì:”

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh (tên chính thức trong nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ) hoạt động bí mật ở miền Nam. Lãnh đạo ban đầu là Võ Chí Công, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương.”

Sau đó, tại tại Đại hội lần thứ nhất khai mạc ngày 16 tháng 2 năm 1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) chính thức bầu Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Tuy nhiên ai cũng biết Tổ chức này được thành lập dưới sự hậu thuẫn của chính phủ và quân đội Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, các tài liệu phổ biến trên Internet đã viết:”Mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Cục miền Nam. Những người Cộng sản miền Nam hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, hoạt động công khai và là thành viên tham gia Mặt trận. Trung ương Cục Miền Nam là tổ chức đại diện Đảng Lao động trong Nam, hoạt động bí mật (đến 1969 công khai), thời kỳ chiến tranh không công khai về vai trò chỉ đạo (trong khi Đảng Nhân dân Cách mạng là đảng hoạt động công khai), trực tiếp chỉ đạo hay phối hợp với Trung ương Mặt trận - Chính phủ, với Ban dân vận Trung ương Cục (phụ trách dân vận - mặt trận - chính quyền) là cầu nối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt đại diện tại căn cứ địa của Mặt trận (và Chính phủ cách mạng sau này), và Mặt trận (Chính phủ cách mạng lâm thời) đặt đại diện tại Hà Nội.”

Tài liệu viết tiếp:”Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.”

Vậy cái chính phủ này quan hệ với miền Bắc như thế nào ?

Bách khoa toàn thư mở viết:”Trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở miền nam Việt Nam, nhưng không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (tình trạng một quốc gia nhiều nhà nước-mô hình liên bang). Hai miền lập đại diện. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp ở Miền Nam Việt Nam, do đó các văn kiện của nhà nước này có lúc khẳng định có hai chính thể độc lập nhau, nhưng có lúc vẫn khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của cả nước, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có chủ quyền tại Miền Nam.”

Tài liệu cũng viết rõ:”Ngày nay Nhà nước Việt Nam khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng như các mặt trận trước đó và sau này là các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đoàn kết toàn dân dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam để đạt mục tiêu chính trị do Đảng đề ra.”

Về những nhân vật Mặt trận GPMN được miền Bắc dựng lên, đáng kể hơn là là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam. Trước khi qua đời, ông được đảng CSVN cho giữ chức Phó Chủ tịch nước rồi Chủ tịch Quốc hội.

Người thứ hai là Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), nguyên Chủ tịch Chính phủ gọi là Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 5 tháng 3 năm 1945.

Người thứ ba là bà nguyên Bộ trưởng Ngọai giao của Chính phủ Việt Cộng Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927), được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948 vì vậy bà được trao Huy chương 70 năm tuổi đàng ngày 31/08/2017.

Ngoài ba nhân vật chóp bu này, nhiều trí thức miền Nam theo Việt Cộng đã quay ra chống đảng CSVN sau khi chiến tranh kết thúc. Nổi bật nhất là Luật sư Trương Như Tảng , nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Huỳnh Tấn Phát.

Nhưng về sau, ông Tảng (sinh ngày 19/05/1923) công khai bất đồng với Chính quyền Cộng sản vì không thi hành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc sau 1975.

Ngày 25 tháng 8 năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và hơn một tuần sau thì được một tàu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia. Sau này ông sinh sống ở Pháp.

Trong hồi ký viết bằng tiếng Pháp, Mémoire d'un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng), ông đã tố cáo chính sách cai tri hà khắc của đảng CSVN đối với “những người miền Nam thua trận”.

Người thứ hai phải kể là cựu chiến binh Nguyễn Hộ (1916-2009) trong Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Theo Bách khoa Tòan thư mở thì:”Ông là một trong số lãnh đạo hàng đầu của “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ” cùng với các ông La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Tạ Bá Tòng và thượng tướng Trần Nam Trung. Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của nhóm này ra mắt số đầu tiên vào tháng 9 năm 1988 nhưng sau đó vì quan điểm bị cho là chỉ trích chính quyền nên báo buộc phải đình bản. Tổ chức này năm 1989 cũng bị chính quyền giải tán.

Bất bình, ông từ bỏ Đảng năm 1991 sau hơn 53 năm trong đảng. Sau đó ông bị bắt và quản thúc tại gia vì tội "chống Đảng".

Từ đó ông càng phản đối mãnh liệt hơn qua những văn bản như bài luận "Giải pháp Hòa hợp Hòa giải" và cuốn sách “Quan điểm và cuộc sống”. Sách của ông kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng vì quan điểm của ông mà ông bị nhà chức trách bắt lần thứ hai năm 1994. Theo ông Việt Nam ở thời điểm năm 2008 chỉ có độc lập chứ không có tự do.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã trao ông giải thưởng Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu).

Ông mất ngày 2 tháng 7 năm 2009, thọ 93 tuổi.

Cũng không nên quên, khi giao chiến ở miền Nam, các đơn vị quân miền Bắc đều treo cờ Mặt Trận Giái Phóng miền Nam ở những vùng đất tạm chiếm để tuyên truyền bịp bợm, hay trên cây ăng ten của xe Tăng để diễu hành phô trương. Tiêu biểu cho hình ảnh này là chiếc xe tăng của quân đội miền Bắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Như vậy rõ ràng những gì mà sách báo của nhà nước CSVN viết về Tổ chức MTGPMN, hay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) cũng cần phải “giảo nghiệm” xem chúng đã phản ảnh được bao nhiêu phần trăm “bù nhìn” và “tay sai” cho đảng và quân đội CSVN.

Nếu cứ nhắm mắt nói bừa cho cái chính danh gỉa tạo thì lịch sử sẽ thành “nát sử”. -/-

Phạm Trần

(09/017)