; }

Thursday, January 31, 2019

VỤ ĐỘT KÍCH SƠN TÂY: MỘT SỰ NGHỊCH LÝ TÌNH BÁO

Sharon A. Maneki
(Center for Cryptologic History,National Security Agency)
Ngô Bắc dịch
(gio-o)

Trại tù Sơn Tây

“Barbara” là mật hiệu của một mô hình đúng theo kích thước của trại giam Sơn Tây
 được xây dựng bởi Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ và được sử dụng 
để huấn luyện lực lượng tấn kích Sơn Tây tại Căn Cứ Không Quân Eglin, Tiểu Bang Florida
***
Vụ đột kích Sơn Tây hồi Tháng Mười Một 1970 trong Chiến Tranh Việt Nam đã là một trong các mưu toan giải cứu can đảm và táo bạo nhất trong lịch sử.  Mặc dù nó đã xảy ra hơn 35 năm trước đây, nó vẫn còn là một đề tài được chú ý và gây tranh cãi.  Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã xâm nhập sâu vào trong lãnh thổ địch, chỉ cách Hà Nội 23 dặm Anh (mile) về hướng tây bắc, nhằm mang về nước khoảng 55 đồng bào của họ đang bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh (prisoners of war: POW).
       Bất kỳ sự tiến quân nào vào lãnh thổ địch đều nguy hiểm – phòng vệ thủ đô luôn luôn là một ưu tiên cao nhất cho một quốc gia, và các lực lượng phòng thủ thiện chiến nhất ứng trực để bảo vệ thủ đô.  Vì thế, phái đoàn quân đến quá gần Hà Nội thì rất hiểm nghèo.  Trong cuộc chiến, quân Bắc Việt được chứng tỏ là các kẻ chiến đấu ngoan cường với một quyết tâm mạnh mẽ hầu giành đạt được mục đích của họ bất kể cuộc chiến kéo dài bao lâu hay họ phải gánh chịu các tổn thất nhiều đến đâu.

kế hoạch giải cứu Sơn Tây
Kế Hoạch Tấn Công Trại Giam Sơn Tây
       Mặc dù trại giam tù binh chiến tranh POW Sơn Tây phần nào biệt lập bởi vị trí của nó trên bờ một chi nhánh của sông Hồng, vẫn có các mối nguy hiểm phụ trội.  Một thị trấn gần trại giam tiếp nhận một số cơ sở và thiết bị quân sự, chẳng hạn như các toán quân truyền tin và các trường huấn luyện phòng không.  Ngoài ra, có hàng nghìn nhân viên quân sự Bắc Việt tại khu vực này.  Mối nguy hiển nhiên về sự tấn công của địch không phải là hiểm họa duy nhất mà quân Mỹ phải đối diện.  Nội việc đáp an toàn xuống trại giam đã là một thách đố bởi có các hàng rào và diện tích nhỏ hẹp.  Các cây to lớn, ba tháp canh gác, và một bức tường cao bảy bộ Anh (feet) bao quanh trại giam.  Khoảng cách giữa các bức tường phía bắc tới phía nam chỉ dài 185 bộ Anh.  Khoảng cách giữa các bức tường phía đông sang tây chỉ có 132 bộ Anh.  1
       Bài viết này sẽ khảo sát vai trò của Tình Báo Tín hiệu (Signals Intelligence: SIGINT) trong cuộc đột kích Sơn Tây.  Nghịch lý của vụ Sơn Tây rằng việc hoạch định và thi hành chính xác cuộc đột kích tạo ấn tượng lớn nhất.  Song, cuộc đột kích vẫn còn gây tranh cãi bởi nó liên can đến một trong các sự thất bại tình báo to lớn trong suốt Cuộc Chiến Tranh Việt Nam.  Ngoài vai trò của SIGINT, các câu hỏi khác sẽ được khảo sát trong bài viết này là: Đâu là các khía cạnh thành công của cuộc đột kích? Tại sao một sự thất bại như thế đã xảy ra? Liệu đã có quá nhiều sự phân cách bao quanh nhiệm vụ này này hay không? Liệu Bắc Việt đã có sự hay biết trước về cuộc đột kích Sơn Tây hay không?
       Trong năm 1970, khi vụ đột kích Sơn Tây được hoạch định và thi hành, sự ủng hộ của Mỹ cho Chiến Tranh Việt Nam đang tàn lụi.  Ngay các nhân vật bảo thủ, chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Barry Goldwater (Đảng Cộng Hòa, Tiểu Bang Arizona), các kẻ đã ủng hộ chiến tranh nay đang thấm mệt vì nó.  Như Goldwater, kẻ phẫn nộ về các quy tắc giao chiến bị hạn chế, đã giải thích: “Nếu chúng ta không đi đến cả việc cố gắng để chiến thắng thứ chết tiệt đó, khi đó hãy thoát ra khỏi đó.  Các con người hữu ích đang chết một cách vô ích. 2
       Tiến trình triệt thoái các binh sĩ Mỳ cũng đã được tiến hành trong năm 1970.  Để chống đỡ cho sự triệt thoái các binh sĩ Mỹ, Tổng Thống Nixon đã chấp thuận một cuộc xâm nhập vào Căm Bốt.  Cuộc xâm nhập, khởi sự hôm 1 Tháng Năm 1970, được giả định nhằm ngăn trở luồng nhân sự và tiếp liệu vào Nam Việt Nam từ Bắc Việt.  Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tịch thu được một khối lượng khổng lồ về vật liệu, Bắc Việt vẫn tiếp tục sử dụng Đường Mòn Hồ Chí Minh để chống đỡ cho nỗ lực chiến tranh của nó tại Nam Việt Nam.
       Các cuộc hòa đàm ở Paris, khởi sự từ ngày 13 Tháng Năm 1968, nhưng kết quả chỉ có sự tiến bộ nhỏ.  Thí dụ, suốt năm 1968, các nhà thương thuyết đã không làm gì ngoài việc tranh luận về hình dạng và kích thước của chiếc bàn thương nghị.  Vào năm 1970, các cuộc hòa đàm vẫn còn dẫm chân nơi các sự tranh luận về thủ tục.  Với sự triệt thoái của binh sĩ Mỹ và thời gian nằm bên phía họ, Bắc Việt đã không có lý do để nhượng bộ các đòi hỏi của Mỹ về sự từ bỏ lãnh thổ hay chấp nhận chế độ Nam Việt Nam. 3 Một mối thất vọng khác cho Hoa Kỳ là vì Bắc Việt còn giam giữ các người Mỹ làm tù binh chiến tranh.  Trong năm 1970, có vào khoảng 630 Tù Bình Chiến Tranh (POW).  Nếu sự phóng thích các tù binh này không thể được thương thảo, một quyền lực quân sự hùng mạnh chẳng hạn như Hoa Kỳ buộc có thể phải có hành động.
Trong Tháng Tư 1970, Phi Đội Hoạt Động Đặc Biệt Thứ 1127, Bộ Chỉ Huy, Không Lực Hoa Kỳ, có nhận được tin tức tình báo cho hay Bắc Việt giam giữ các tù binh Hoa Kỳ tại ngoại ô thành phố Sơn Tây, Bắc Việt.  Phó Giám Đốc Kế Hoạch và Chính Sách Không Lực, James R. Allen, nêu đề nghị về một nỗ lực giải cứu với Chuẩn Tướng Donald D. Blackburn.  Blackburn, phụ tá đặc biệt về chống phiến loạn và các hoạt động đặc biệt, đã thuyết trình trước Bộ Tham Mưu Liên Quân: BTMLQ (Joints Chiefs of Staff: JCS) hôm 5 Tháng Sáu và đề nghị rằng các nhân viên hoạch định tham mưu không quân khảo sát khả tính về việc liệu các TBCT Mỹ có thể được giải cứu ra khỏi Sơn Tây hay không.  Mặc dù tính khả thi của việc giải cứu các tù binh khỏi vài trại giam đã được nghiên cứu, chỉ có trại Sơn Tây được tuyển chọn bởi có nhiêu tin tức tình báo được cung ứng về vị trí này hơn là các trại khác.  Sau một số nghiên cứu sơ khởi bởi một toán nhỏ gồm các đại diện của mọi ngành và Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng (Defense Intelligence Agency), Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird và BTMLQ đã chấp thuận ý niệm và ra lệnh thành lập một Nhóm Đặc Nhiệm Tình Trạng Bất Ngờ hỗn hợp. 
       Nhóm Đặc Nhiệm phụ trách việc khai triển các kế hoạch hành quân chi tiết và tổ chức cũng như huấn luyện nhân viên thực hiện việc giải cứu.  Nó được kích hoạt vào ngày 8 Tháng Tám 1970.  Tư Lệnh Lực Lượng Các Hoạt Động Đặc Biệt Không Lực Hoa Kỳ tại Căn Cứ Không Quân Eglin thuộc tiểu bang Florida, Chuẩn Tướng Leroy J. Manor, trở thành tư lệnh của nhóm này.  Đại Tá Arthur D. Simons, Lục Quân Hoa Kỳ, thuộc Quân Đoàn Nhảy Dù 18 tại trại Fort Braggs, tiểu bang North Carolina, là phó tư lệnh.  Phi hành đoàn và các lực lượng diện địa được tuyển chọn và túc trực tại Eglin vào ngày 6 Tháng Chín.  Việc hoạch định và huấn luyện phải diễn ra đồng thời bởi hạn kỳ thì ngắn.  Nhóm Đặc Nhiệm đề nghị rằng công tác diễn ra vào ngày 21 Tháng Mười, với một nhật kỳ dự khuyết là ngày 21 Tháng Mười Một.  Khái niệm chiến thuật được chấp thuận bởi BTMLQ và bộ trưởng quốc phòng trong Tháng Chín.  Vào ngày 8 Tháng Mười, Nhóm Đặc Nhiệm đã thuyết trình trước Tiến Sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Nixon.  Tổng Thống chấp thuận kế hoạch nhưng đã triển hoãn sự thi hành nó cho đến Tháng Mười Một. 4
       SIGINT đã không được gia nhập vào việc lập kế hoạch cho đến 10 Tháng Tám 1970, khi BTMLQ yêu cầu Tư Lệnh Thái Bình Dương (Commander-in-Chief Pacific: CINPAC) chỉ định một đại diện của SIGINT vào Nhóm Đặc Nhiệm.  Vị trưởng Nhóm Trợ Giúp SIGINT cho Cơ Sở Phân Tích Phòng Không của Không Lực Thái Bình Dương (Pacific Air Force’s Air Defense Analysis Facility) tại Hawaii được chỉ định vào ban tham mưu của Manor.  Vào ngày 26 Tháng Tám 1970, giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (CQANQG – National Security Agency: NSA), Đô Đốc Noel Gayler, đã đặt bí danh “Adrenaline” cho dự án với đại diện trực tiếp của ông trong Nhóm Đặc Nhiệm.  Vị đại diện này (danh tính vẫn còn được giữ bí mật cho đến nay) đã tập hợp một mạng lưới phức tạp và phân cách của các tổ thu thập, phân tích, và báo cáo.  An ninh là quan tâm tối thượng trong đầu óc các người lập kế hoạch.  Đại diện CQANQG của Gayler giữ các chi tiết về công tác, phân cách với các nhân viên phân tích các năng lực phòng không của Bắc Việt.
       SIGINT (Tình Báo Tín hiệu) đã đóng một vai trò đáng nể cả trong việc hoạch định lẫn thực hiện cuộc đột kích Sơn Tây.  Nhóm Đặc Nhiệm đã hy vọng rằng SIGINT có thể cung cấp tin tức về hệ thống phòng không của Bắc Việt hầu sẽ xác định các tuyến đường xâm nhập và rút lui tốt nhất và ít phòng vệ nhất cho máy bay tấn công.  Một sự phác họa phức tạp về các phản ứng và các năng lực khả hữu của Bắc Việt đã được soạn thảo.  Tình Báo Truyền Tin (Communications Intelligence: COMINT) và Tình Báo Điện Tử (Electronic Intelligence: ELINT) đã cung cấp các tin tức về sự chỉ huy và kiểm soát, các thời gian phản ứng của các hỏa tiễn địa-đối-không và các đơn vị pháo binh phòng không, các thời gian báo cáo và sự chính xác của radar và các mạng lưới quan sát hay chấm định, và vị trí và tình trạng của các máy bay MiGs.  Vị trí và các hoạt động của các phi công máy bay MiG có khả năng bay đêm là một loại tin tức trọng yếu khác mà Nhóm Đặc Nhiệm nhận được từ SIGINT.
       Một yêu cầu SIGINT trọng yếu nữa cho Nhóm Đặc Nhiệm là nhu cầu báo cáo đặc biệt về tình trạng khí tượng địa phương trên các đường bay này, và các tin tức về các sự thay đổi có thể ảnh hưởng đến công tác.  Vùng chung quanh Sơn Tây nổi tiếng có sương mù ở độ thấp, hơi nước và mưa trong Tháng Mười Một, thời điểm đề nghị cho cuộc đột kích. 5
       Suốt Tháng Tám và hầu hếtTháng Chín, Giám Đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA), Đô Đốc Gayler, đại diện của ông tại Nhóm Đặc Nhiệm, và đại diện Cơ Quan NSA tại Bộ Quốc Phòng, Milton Zaslow (danh tính của Gayler và Zaslow được sử dụng bởi họ đã sẵn là các nhân vật được công chúng biết đến) là các người duy nhất tại NSA biết đến cuộc đột kích Sơn Tây.  Gayler và Zaslow đã quyết định phái thêm nhiều nhân viên vào hoạt động này bởi họ cảm thấy rằng đại diện của NSA tại Nhóm Đặc Nhiệm đã không có sự tiếp cận đến mọi tin tức mà người đó có thể cần đến.  Họ thông báo có năm nhân viên cao cấp bổ túc, là các người sắp xếp cho các phân tích viên NSA thực hiện các cuộc nghiên cứu hơn nữa về hệ thống phòng không của Bắc Việt.  Cũng giống như các phân tích viên dưới quyền vị đại diện NSA tại Nhóm Đặc Nhiệm, các phân tích viên tại Bộ Chỉ Huy NSA thực hiện các cuộc nghiên cứu khác nhau đã không được cho hay về lý do thực sự cho các cuộc nghiên cứu này. 6
       Thu thập tin tức không phải là mối quan tâm duy nhất cho các nhà hoạch định SIGINT.  Một sự cứu xét quan trọng khác đối với phía Mỳ là không vô tình tiết lộ cho phía Bắc Việt qua việc thực hiện bất kỳ khuôn mẫu hoạt động bất thường nào.  Thí dụ, các phi vụ RC-135 thuộc chương trình thám thính thu thập tin tức bằng máy bay, được gọi là Combat Apple (Trái Táo Chiến Đấu), được sắp đặt để trợ giúp Nhóm Đặc Nhiệm, sẽ phải làm việc vào buổi tối trên Vịnh Bắc Việt, một thời khoảng mà các chuyến bay SIGINT hoàn toàn chưa bao giờ phi hành.  Đại diện Nhóm Đặc Nhiệm đã giải quyết vấn đề này bằng việc dàn xếp với Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Lược (Strategic Air Command: SAC) thiết lập một phác đồ phi hành như thế trong các tuần lễ trước khi dẫn đến công tác sao cho Bắc Việt sẽ nhận thức các phi vụ này là bình thường.
       Khi thời điểm chỉ định đến gần, đại diện [NSA] trong Nhóm Đặc Nhiệm đề xuất các kế hoạch cho các hoạt động của SIGINT trong suốt phi vụ.  Năm ngày trước cuộc đột kích, ông ta bay đến Đà Nẵng, nơi là tổng hành dinh của ông cho cuộc hành quân.  Một ngày trước khi thực hiện nhiệm vụ, các viên chức NSA đã sắp xếp một tin nhắn sẽ được gửi đến mọi địa điểm để theo dõi các hoạt động trên không phận Bắc Việt – mà không tiết lộ bản chất của phi vụ. 7
Thời biểu của cuộc hành quân được di chuyển sớm hơn một ngày bởi có sự tiến đến của Trận Bão Patsy từ phía tây.  Bão Patsy đã sẵn đổ xuống Phi Luật Tân hôm 19 Tháng Mười Một và đe dọa Biển Nam Trung Hoa và vùng Vịnh Bắc Việt.  Sự dến nơi của trận bão có thể ảnh hưởng đến thời tiết trên đường xâm nhập của máy bay chở nhóm biệt kích.  Đường xâm nhập khởi hành từ Takhli, Thái Lan, ngang qua Lào và dọc theo phần phía tây của Bắc Việt.  Bầu trời quang đãng thì cần thiết cho việc tái tiếp tế nhiên liệu trên đường xâm nhập, và đã có nhu cầu trăng sáng cho lực lượng tấn công một khi họ công kích trại giam POW.  Ngoài ra, nếu biển quá biến động, cuộc không kích đánh lạc hướng của Hải Quân tại hải cảng Hải Phòng sẽ phải bị bãi bỏ.
Vào lúc 21 giờ tối hôm 20 Tháng Mười Một, các máy bay trực thăng và máy bay vận tải C-130 chở các lực lượng giải cứu, và các máy bay hộ tống chúng bắt đầu rời Thái Lan đến Sơn Tây. Hơn một trăm máy bay chủ yếu cho công tác và yểm trợ hoạt động từ bảy căn cứ và ba hàng không mẫu hạm đã tham dự vào công tác.  Để gây rối loạn địch quân, Hải Quân đã phóng ra một hoạt động đánh lạc hướng trên hải cảng Hải Phòng trong khi các may bay đang bay tại hướng ngược lại đến Sơn Tây.  Kế hoạch của Hải Quân đòi hỏi các máy bay từ ba hàng không mẫu hạm của Lực Lượng Đặc Nhiệm 77 thực hiện năm mươi chín phi vụ, trong đó chúng sẽ thả các hỏa châu bên trên hải cảng.  Với quá nhiều hoạt động trên không phận của Bắc Việt, sẽ có một nhu cầu lớn lao về sự hỗ trợ của SIGINT.
Sự yểm trợ trên đất liền và trên không của SIGINT đã là một phần kết hợp của công tác Sơn Tây.  Iron Horse (Ngựa Sắt), một hệ thống máy điện toán tự động hóa sự thu nhận và chuyển đổi các sự theo dõi bằng radar của Bắc Việt, là một thí dụ của sự yểm trợ trên đất liền.  Trong suốt cuộc hành quân, các lực lượng đã phải bay ở các cao độ rất thấp để tránh sự phát hiện bởi các radar của Bắc Việt.  Sự cần thiết của các đường bay ở độ thấp có nghĩa các radars Hoa Kỳ không thể theo dõi tiến độ của chúng.  Vì thế, SIGINT sẽ là nguồn tin tức duy nhất để duy trì sự giám sát tiến độ của cuộc hành quân cho vị chỉ huy trận đánh.  Cách hay nhất để cung cấp tin tức về phản ứng và ý định phòng thủ thực sự của Bắc Việt trong suốt cuộc hành quân là việc sử dụng Combat Apple; Trái Táo Chiến Đấu.

biệt kích

Toán biệt kích đổ bộ trại giam Sơn Tây
Công tác là một phi vụ lâu dài về mặt thời gian.  Tổng số thời gian công tác từ lúc phóng ra cho đến lúc thu quân vào khoảng năm tiếng rưỡi đồng hồ, với ba mươi phút ngưng bay khi các binh sĩ có mặt trên nền đất tại Bắc Việt.  Đây là một thời khoảng gây lo ngại lớn lao cho mọi người can dự vào cuộc hành quân.8
Bởi vì SIGINT được cung ứng gần như cùng thời điểm tiến hành thực sự về tiến độ của công tác, một phòng hội nghị đã được thiết lập tại Ngũ Giác Đài cho BTMLQ và các đại diện cao cấp từ các binh chủng và cộng đồng tình báo đẻ quan sát cuộc hành quân.  Vào khoảng ba mươi hay bốn mươi phút sau khi khởi sự công tác, nhóm tuyển chọn tại Ngũ Giác Đài được cho hay về một sự báo động phi cơ MiG chống lại công tác đang được tiến hành.  Zaslow phản đối rằng tin tức này là không chính xác.  Điều được hay biết xuyên qua SIGINT rằng các phi công MiG có thể bay đêm không có mặt trong khu vực.  Vào lúc này, một nhân viên dân sự trẻ tuổi có nói với BTMLQ và các viên chức cao cấp khác rằng người của họ tại chỗ đã sai lầm.
Vào khoảng năm phút sau đó, họ hay biết rằng sự báo động đã được bãi bỏ.  Như Zaslow đã giải thích, “Đó là năm phút lâu dài đối với tôi.  Sự khả tín của SIGINT đối với quân đội đã gia tăng một cách đáng kể nhờ ở kinh nghiệm này”.  Một sự cảnh cáo máy bay MiG đã được phát ra trong sự nhầm lẫn, và Combat Apple đã cải chính tin tức sai lạc này. 9
Các sự tiên đoán SIGINT khác về phản ứng của hệ thống phòng không Bắc Việt đối với sự xâm nhập này đều rất chính xác.  Sự tuyển chọn các đường bay vào và ra khỏi Bắc Việt đã được chứng tỏ là tuyệt hảo.  Sự tiên đoán rằng nếu máy bay Hoa Kỳ bay ở cao độ dưới 2,500 bộ Anh (feet), chúng có thể tránh được sự phát hiện bởi các radars của Trung Cộng và Bắc Việt, là chính xác.  Lực lượng tấn công chính yếu không hề bị phát hiện trong khi xâm nhập hay rút ra.  Thời gian phản ứng dành cho các hỏa tiễn địa-đối-không của Bắc Việt lâu hơn các sự ước định của SIGINT.  SIGINT ước lượng là hai mươi bẩy phút.  Thời gian thực sự trôi qua từ lúc phát hiện ban đầu chiến đấu cơ bao trùm bởi các cơ sở radar của Bắc Việt cho đến hỏa tiễn đầu tiên được khai hỏa là ba mươi sáu phút và bốn mươi hai giây.
Nhắm vào các mục tiêu bên hướng đông và hướng tây của các phi trường chiến đấu cơ chính yếu của Bắc Việt đã tạo ra sự hoang mang lớn lao.  Đã có một sự rối loạn hoàn toàn trong hệ thống chỉ huy và kiểm soát phòng không của Bắc Việt.  Sự đánh lạc hướng trù hoạch bởi Hải Quân Hoa Kỳ rõ ràng có hiệu quả. 10 Các kế hoạch và sự thi hành gần như không có khuyết điểm.  Song, khi các lực lượng tấn công đổ bộ trại giam Sơn Tây, các phòng giam trống rỗng.  Sau một cuộc lục soát kỹ lưỡng nhà giam, các lực lượng đã bay về lại Thái Lan.
       Vào những giờ tảng sáng hôm 21 Tháng Mười Một 1970, các POW Mỹ bị giam tại nhà tù Dan Hoi [?], chỉ cách trung tâm Hà Nội mười dặm về phía tây, bị đánh thức bởi tiếng súng nổ và các vụ nổ cách họ khoảng mười dặm về phía tây tại vùng phụ cận của thị trấn Sơn Tây.  Một trong các điều trớ trêu của Chiến Tranh Việt Nam rằng các tù binh tại Dan Hoi có nghe được tiếng đạn và các tiếng nổ của nỗ lực giải cứu tại Sơn Tây có nghĩa để giải cứu cho họ.  Các POW đã được chuyển đến Dan Hoi [trong nguyên bản ghi sai là Dong Hoi (?), chú của người dịch] — một trại giam gần Hà Nội hơn và với các tiện nghi tốt hơn – hôm 14 Tháng Bảy, 1970 để tránh lụt lội từ sông Côn, gần nơi tọa lạc của trại giam Sơn Tây. 11 May mắn là đã không có sự tổn thất nhân mạng Mỹ trong cuộc đột kích.  Nghịch lý rằng xuyên qua tình báo phía Mỹ biết quá nhiều, ngoại trừ việc không hay biết rằng trại giam trống rỗng.
Trong Tháng Tư 1970, các phi vụ chụp không ảnh trên trại giam được bay bởi máy bay SR-71 và các máy bay thám thính không người lái “Buffalo Hunter’ đã xác định sự hiện diện của các POW.  Tuy nhiên, trong bảy tháng kế tiếp, các phi vụ chụp không ảnh tiếp theo, hai mươi chuyến cho mỗi máy bay SR-71 và các máy bay không người lái trong vùng, đã cho thấy không có sự hiện diện của các POW.  Các phi vụ chụp ảnh này không tìm thấy các lính gác hay bất kỳ hoạt động nào, chẳng hạn như lửa khói nấu ăn, các đội hình, hay các xe tiếp tế đi liền với hoạt động của nhà tù.  Tuy nhiên, sự vắng bóng của bất kỳ hoạt động nào tại Sơn Tây xem ra không hề gây thắc mắc cho các nhà hoạch định công tác để đặt câu hỏi liệu các POW còn ở đó hay không.
Trong suốt bảy tháng hoạch định và huấn luyện bởi nhóm giải cứu trước cuộc đột kích, không người nào can dự đã cố gắng chứng thực rằng liệu các tù nhân chiến tranh vẫn còn ở đó hay không.  Tại sao các nhân viên lại không đặt ra một câu hỏi căn bản như thế? Việc hoạch định và huấn luyện vẫn tiếp diễn, gần như thể công tác đã có một động lực của riêng nó bất kể những gì có thể thực sự là tình hình tại Sơn Tây. 12
An ninh chung quanh công tác Sơn Tây chắc chắn là cần thiết, nhưng đã có quá nhiều sự phân cách chăng?  Các phân tích viên ở cả tổng hành dinh của NSA lẫn tại các địa điểm tại chỗ là những kẻ đang nghiên cứu hệ thống phòng không Bắc Việt và tìm kiếm bằng chứng về sự hay biết trước không hề được nói cho biết bản chất đích thực của công tác cho đến khi nó được tiến hành.  Phi hành đoàn từ Phi Đội An Ninh (Security Squadron: SS) 6990 bay các phi vụ của Combat Apple trong cuộc hành quân chỉ hay biết phạm vi thực sự của các nhiệm vụ của họ khi họ đang trên không.  Làm sao các phân tích viên lại có thể tìm kiếm các tin tức nếu họ không biết về những gì họ đang tìm kiếm?
Điều không rõ ràng rằng các tin tức về vị trí các tù binh đã được cung ứng tại SIGINT.  Các kết quả có thể khác biệt nếu các phân tích viên hay biết được mục đích đích thực công việc của họ.  Nếu có ít sự phân cách hơn, có lẽ câu hỏi rằng liệu các tù binh vẫn còn ở Sơn Tây sẽ được nêu lên.  Các phân tích viên phải luôn luôn hỏi các câu hỏi khó khăn.
Câu hỏi là liệu phía Bắc Việt có được báo hiệu về công tác Sơn Tây hay không đáng được khảo sát thêm.  Tôi muốn phủ nhận hai sự tuyên bố về sự hay biết trước bởi phía Bắc Việt hàm ý đến từ các nguồn tin SIGINT.  Sự tuyên bố đầu tiên xảy ra trong năm 1971 trong một bài viết trong số Tháng Một của tờ Human Events, một tạp chí chính trị.  Bài viết, nhan đề “Bắc Việt Đã Được Thông Báo Về Cuộc Đột Kích Của Hoa Kỳ Vào Trại Giam POW?”, tuyên bố rằng Cơ Quan NSA có nghe trộm được một sự cảnh cáo từ Bắc Việt cho thấy sự hay biết trước về cuộc đột kích Sơn Tây. 13 Cơ Quan NSA có đưa ra một tường thuật từ Bắc Việt cảnh cáo về hoạt động của địch hôm 29 Tháng Mười, hai mươi mốt ngày trước chuyến công tác Sơn Tây.  Tin điện, được truyền đi hôm 23 Tháng Mười, cảnh cáo về hoạt động của địch dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh, trong suốt mùa khô.  Không có sự đề cập nào đến Sơn Tây hay ngay cả các tù binh chiến tranh.  Trung Đoàn Công Binh số 1 Bắc Việt, hoạt động tại Lào, đưa ra các chỉ thị cho các đơn vị phụ thuộc phải tăng cường an ninh dọc theo chiều dài của Đường Mòn Hồ Chí Minh.  Các công nhân được nói cần cảnh giác “các kẻ lạ đáng nghi ngờ”.  Họ cũng được chỉ thị “tăng cường sự ngụy trạng bảo vệ của mình …cung cố công sự và các địa điểm đóng quân … và chuẩn bị nhiều vị trí lưu động để cất giấu xe cộ”. 14
Đại diện NSA tại Nhóm Đặc Nhiệm có hay biết về báo cáo ngày 29 Tháng Mười, nhưng đã không có lý do để bị hoảng sợ bởi nó.  Phía Bắc Việt đang sử dụng Đường Mòn Hồ Chí Minh, từ Bắc Việt xuyên qua vùng cán chảo của Lào xuống Nam Việt Nam, để tiếp tế cho các binh sĩ của nó tại Nam Việt Nam từ 1959.  Câu chuyện của tờ Human Events không có giá trị gì.
Mười hai năm sau trận đột kích Sơn Tây, tờ Washington Post có đăng tải một bài viết của Jack Anderson tuyên bố rằng các viên chức Ngũ Giác Đài có hay biết rằng trại giam bị bỏ trống nhưng vẫn cứ tiến hành cuộc đột kích bất luận ra sao.  Theo bài viết ngày 12 Tháng Hai này, Ngũ Giác Đài đã tiến hành cuộc đột kích “để tạo ấn tượng nơi phía Bắc Việt về sự khả dĩ bị xâm kích của họ”.  Nguồn tin của Anderson là hai cá nhân từ Phi Đội 6990 SS, các người tuyên bố rằng họ đã cảnh báo Cơ Quan NSA rằng trại giam trống không.  Các người này tuyên bố rằng một tá máy bay vận tải Ilyushin đã chở các tù bình đi từ phi trường Sơn Tây. 15
Sự tuyên bố của Anderson thì không xác thực bởi vài lý do.  Trước tiên, như đã đề cập trước đây, bởi có sự quan tâm an ninh, rất ít phân tích viên tình báo hay biết rằng cuộc đột kích sắp xảy ra.  Chỉ có nhân viên giám sát công tác trên không và sĩ quan chỉ huy của Phi Đội 6990SS là hay biết về cuộc đột kích trước khi nó diễn ra.  Thứ nhì, bởi trại giam Sơn Tây tọa lạc gần một phi trường, các chuyến bay của Ilyushin-18 trong khu vực không phải bất thường.  Hơn nữa, tại sao phía Bắc Việt lại sử dụng các máy bay để chuyên chở các tù nhân trên một khoảng cách có mười dặm? Các tù binh chiến tranh POW đã được vận chuyển bằng các xe tải từ Sơn Tây trong Tháng Bảy, 1970, như một phần của một sự củng cố tổng quát các trại giam POW của Bắc Việt. 16
Điều nghịch lý của vụ đột kích Sơn Tây vẫn còn lại; tình báo Hoa Kỳ biết nhiều về các năng lực của địch, nhưng đã không chứng thực rằng các tù binh đã được di chuyển đến trại giam khác.  Cuộc giải phẫu là một sự thành công, nhưng bệnh nhân đã từ trần./-
_____
Bài viết này dựa trên các tài liệu được giải mật gần đây bởi Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency).  Các quan điểm là của tác giả và không nhất thiết phản ảnh các quan điểm của Cơ Quan NSA hay Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.  Danh tính của một số cá nhân nào đó không thể được xác định cụ thể bởi còn được giữ bí mật.
CHÚ THÍCH

  1. Leroy J. Manor, “Sơn Tây”, Air Operation Review, Tháng Mười Một 1971, 1-2.
  2. James S. Olson và Randy Roberts, Where the Domino Fell: America and Vietnam 1945-1990 (New York, 1991), 217.
  3. Cùng nơi dẫn trên, 220-30.
  4. Leroy J. Manor, “JCS Joint Contingency Task Group Report on the Sơn Tây Prisoner of War Rescue Attempt Operation”, không ghi niên kỳ, 10-15, Center for Cryptologic History, NSA.
  5. John E. Kennedy, “Cryptologic Support to the U.S. Operation to Extract American Prisoners of War From Sơn Tây North Vietnam”, 26 Tháng Mười Một, 1970, cùng nơi dẫn trên.
  6. John R. Jameson, phỏng vấn với Rob Farley, 27 Tháng Năm, 1980, Oral History 1980-22, cùng nơi dẫn trên.
  7. Cùng nơi dẫn trên.
  8. Robert Hanyok, Spartans in Darkness: American SIGINT and the Indochina War (Fort Meade, MD.: Center for Cryptologic History, 2002), chương 5: “Xerxes’ Arrows: SIGINT Support to the Air War, 1964-1972”.
  9. Milton Zaslow, phỏng vấn bởi Charles Baker, Guy Vanderpool, và Tom Johnson, 14 Tháng Chín, 1993, Oral History 1993-17, Center for Cryptologic History, NSA.
  10. Kennedy, “Cryptologic Support” 
  11. Benjamin F. Schemmer, The Raid (New York, 1976), 1-7.
  12. Hanyok, Chương 6.
  13. Paul Scott, “Were the North Vietnamese Informed About U.S. Raid on POW Camp?”, Human Events, 9 Tháng Một 1971.
  14.  “North Vietnamese …. NVA 1st Engineer Regiment Subordinate to Binh Trạm 217 Operating in Laos Gives Instruction, 12 Tháng Mười, 1970”, Center for Cryptologic History, NSA.
  15. Jack Anderson, “Reports on Raid of POW Camp Ruffles Admiral”, Washington Post, 12 Tháng Hai, 1982.
  16. Hanyok, Chương 6.
_____
NguồnSharon A. Maneki, The Son Tay Raid: An Intelligence Paradox, The Journal of American-East Asian Relations, Vol. 10, Nos. 3-4 (Fall-Winter 2001), các trang 211-219

Thursday, January 3, 2019

MẶT TRẬN GƯƠM THIÊNG ÁI QUỐC


image052
Lâm Lễ Trinh
Drive them crazy with Psywar.
(William Colby)
            Cuối năm 1962, William Colby, trưởng lưới CIA tại Sàigòn, về Hoa Thịnh Đốn phụ trách Nha Giám Đốc Kế hoạch CIA Vùng Đông Á. Tổng thống Kennedy ra lệnh một mặt, điều nghiên lại các họat động bí mật thất bại của cơ quan này ở Bắc Việt và mặt khác, "gấp tạo bất ổn trên đất địch như địch đang làm ở Miền Nam". 
 Nhận thức CSVN - cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác - nơm nớp lo sợ nội loạn, gián điệp và phá họai, Colby chủ trương cần "làm họ điên đầu bằng cách leo thang tâm lý chiến,". 
 Thời Chiến tranh lạnh, tâm lý chiến gồm có lãnh vực tuyên truyền (radio, truyền đơn, truyền hình, báo chí...) và những kỹ thuật khác thuộc khoa tâm lý (dựng ra những mặt trân hay tổ chức đối kháng giả tạo...). Colby chọn Herb Weisshart, từng phụ tá cho ông ở Sàigòn và làm việc trước đây trong vùng Đông Bắc Á châu, thay mặt CIA trong chiến dịch nàỵ Chủ đích của tân chiến dịch là gì? "Buộc Bắc Việt xoay về bảo vệ hậu cần hơn là dồn nổ lực viễn chinh ở Miền Nam. You couldn’t expect much more, Không còn muốn gì hơn!", Herb Weisshart xác nhận như thế.  
 image053
Năm 1963, theo chương trình chuyển tiếp Switchback, Ngũ Giác Đài thay CIA phụ trách chiến tranh bí mật chống Hà Nội vì "Quân đội có tiền, nhân lực và khí cụ." Herb Weisshart và một số nhân viên CIA được biệt phái về Phái bộ Quân sự HK tại VN, Military Assistance Command Vietnam, hay MACV, để xúc tiến kế họach OP 39 tại cơ quan Nghiên cứu và Thám sát SOG, Studies & Observation Group, do Đại tá Clyde Russell. chỉ huỵ cho đến ngày chấm dứt vào tháng 11.1968, dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, kế hoạch OP 39., (còn được mệnh danh, Chương trình dương đông kích tây, Diversionary Program) đã thực hiện một số công tác khá độc đáo về chiến tranh tâm lý chống Bắc Việt. 
 Căn cứ vào hồ sơ vừa giải mật của Ngũ Giác Đài, quyển sách "The Secret War Against Hànội" của Richard H. Shultz, Jr., giáo sư chính trị học tại Fletcher School of Law and Diplomacy, đã phân tích khá tinh vi những công tác ấỵ Mặt trận Gươm Thiêng Ái Quốc, Sacred Sword of the Patriots League. 
Một trong những mục tiêu phức tạp nhất của kế hoạch OP 39 là thử cấy trong tâm trí người dân Miền Bắc ý niệm một tổ chức chống cộng, Về tình báo, tổ chức này cần dựa vào một sự tích khả tin. Weisshart đã phỏng vấn nhiều người Việt và nhờ họ, được biết chuyện "kiếm thần" của vua Lê Lợi. 
 Năm 1406, vua Minh xua quân Tàu xâm chiếm và đô hộ VN một cách dã man khiến Lê Lợi, một chủ trại giàu có, khởi nghĩa tại Thanh Hóa. Lê Lợi nhờ có những sáng kiến tuyệt vời về chính trị, tâm lý lẫn quân sự để tạo chính nghĩa và thu hút sự ủng hộ của toàn dân. Sử chép rằng ngài dùng một bút nhọn thấm mỡ súc vật viết "Lê Lợi là vì vua" trên các lá cây trong rừng. Khi kiến ăn hết mỡ, câu này lộ ra, dân chúng cho rằng đây là điềm Trời. Họ tung hô Lê Lợi và ào ạt tham gia kháng chiến. 
 Vì thế địch quá mạnh, Lê Lợi phải rút vào vùng núi Hà Tịnh để đánh du kích. Năm 1428, quân Minh đại bại, rút lui, Lê Lợi xưng vương với danh hiệu Lê Thái Tổ và thành lập triều đại nhà Lê, trị vì VN hơn ba thế kỷ. Ngoài công trình dựng nước hiễn hách, vua Lê Lợi còn là đầu đề của một huyền thoại khác. Tục truyền rằng một ngày nọ Ngài du thuyền trên Hổ Lục Thuỷ giữa đế đô Hànội, bổng có kim quy nổi lên mặt nước, vua liền phóng kiếm, kim quy lặn mất mang theo thanh kiếm.. Theo dân chúng truyền tụng, Lê Lợi đã nhận thần kiếm để dẹp giặc và thống nhất sơn hà, nay sứ mạng hoàn tất, kiếm phải trả lại Thượng Đế. 
 Để tưởng nhớ câu chuyện vừa nói, Hồ Lục Thủy được đổi tên thành Hồ Hoàn kiếm, The Lake of the Returned Sword. Dân Việt, già trẻ, đều thuộc nằm lòng sự tích, họ hãnh diện về Lê Lợi, người anh hùng quốc gia điển hình, xuất thân từ cái nôi cách mạng Hà Tịnh, đã dùng du kích đuổi kẻ thù nghìn kiếp Trung hoa ra khỏi xứ. 
 Đảng CS cũng kính nể nhưng xếp Lê Lợi sau "Bác" Hồ! 
 SOG chọn cốt chuyện Lê Lợi để đặt tên cho Mặt trận Gươm Thiêng Ái quốc, MTGTAQ, (The Sacred Sword Patriots League, gọi tắt SSPL) vì nghĩ rằng kỷ niệm của vị minh chúa nhà Lê có đủ hấp lực để phát động một phong trào bí mật chống cộng sản vong quốc và thu hút quần chúng Bắc Việt vẫn câm thù vụ cải cách ruộng đất đẫm máu từ 1953 đến 1956, theo lệnh của Bắc Kinh. 
 SOG sắp xếp lớp lang chi tiết để tạo tính cách khả tin cho tổ chức giả tưởng vừa nói: "Trong phiên Đại hội vào tháng chạp 1961, Mặt Trận đồng thanh bầu Lê Hưng Quốc - nhân vật ma -làm Chủ tịch; Mặt trận ra Tuyên ngôn chống sự can thiệp của tất cả ngoại bang vào nội tình VN và yêu cầu mọi lực lưọng võ trang, cố vấn và ảnh hưởng của các nước ngoài phải rút khỏi hai Miền Nam, Bắc; đặc biệt, Tuyên ngôn đả kích nhóm lãnh đạo Hànội làm tay sai cho Trung cộng, tái diễn trò nô lệ của thời xưa và đẩy đất nước vào thế nạn nhân trong cuộc tranh chấp Mỹ- Hoa.
 Kết thúc MTGT kêu gọi Hànội thay đổi gấp chính sách" Về mặt tuyên truyền, MTGT rêu rao không ngừng phát triển mạnh trong lãnh vực chính trị lẫn quân sự, đã cho thành lập nhiều tổ ở khắp nơi và năm 1965, có 10,000 đảng viên, trong đó 1,600 được võ trang. Chứng minh thư có đóng dấu triện "MTGTAQ Xứ Ủy Nam Bộ", do Uûy viên Thường vụ Lê Hùng Cường ký tên, được phát cho một số "cán bộ quân sự nồng cốt... sinh họat với các Tổ Tỉnh trên toàn xứ". 
 Tiến thêm một bước, vào tháng tư 1965, Đài Tiếng nóí của Mặt Trận, Voice of the Secret Sword of the Patriots League,VOSSPL, tự xưng đặt trên vùng núi Hà Tịnh, phát thanh thường xuyên về phiá Bắc Việt. SOG thuê một số phi công gốc Đài loan (từng côïng tác với CIA trong thập niên 50) dùng phi cơ không mang dấu hiệu rải truyền đơn ban đêm trên vĩ tuyến 17. Truyền đơn tung tin có khu giải phóng "dưới vĩ tuyến 19".
image056
            Để bên kia chiến tuyến tin MTGTAQ là một thực thể, kế hoạch OP 39 tổ chức quy mô - như trong phim giả tưởng Hollywood - một vùng tự do, liberated zone. Thiên Đàng đảo, Paradise Island. Làm thế nào cơ quan SOG có thể lập một khu giải phóng cho MTGT khi Hoa Thịnh Đốn từ chối cho phép giữa năm 1963 kế hoạch OPLAN 34A gài du kích vào Bắc Việt? OP 39 giải quyết trở ngại bằng cách chọn dưới vĩ tuyến 17, ngoài khơi Đà nẳng, Cù lao Chàm (được Mỹ đặt tên Paradise Island) và xây cất tại đây những làng giống hệt ngoài Bắc để cài giáo số ngư phủ gốc Bắc bị các thuyền mang cờ MTGT bắt được trong lãnh hải Bắc Việt kể từ tháng 5.1964.  
 Những thuyền này cất dấu tại Đànẳng, làm bằng cây để tránh bị radar địch phát hiện và được điều động bởi nhóm thủy thủ Việt hoá trang. Khi sa vào lưới của SOG, các ngư phủ bị bịt mắt và đưa về đảo. Họ ở đây ba tuần, tiếp xúc với dân làng toàn nói giọng Bắc (để họ có cảm tưởng sống trong một vùng giải phóng ở BV), được cho ăn uống no đủ, săn sóc sức khoẻ chu đáo và, đồng thời, được cung cấp tin tức về tình trạng tham nhũng, hủ hoá và bè phái trong giới lãnh đạo CS. 
Trước ngày bị bịt mắt lại để đưa trở về nguyên quán cũng bằng đường biển, mỗi ngư phủ nhận được một ra dô pin, đã gài sẵn băng tầng Đài Tiếng Nói MTGT, và vài món quà thực dụng như xà phòng, quần aó v.v... Họ được chỉ dẫn cách liên lạc bí mật với những tổ bạn hoạt động tại địa phương.   
image057
Năm 1966, có 353 dân BV được "huấn luyện" tại Thiên Đàng đảo. Từ 1964 cho đến 1968, tổng số lên đến 1.003. Để Hànội đừng khám phá ra mặt thật của kế hoạch, OP 39 áp dụng một số phương pháp khác, với sự đồng ý của Hoa Thịnh Đốn. Thí dụ: Một Toà án MTGT tuyên xử tử hình, vì tội phản quốc, các người bị bắt trong những trận đụng độ giữa thuyền bè Bắc Việt và Mặt trận nhưng sau đó, họ được Măt trận ân xá và cho học tập. Trước ngày hồi hương, họ tuyên thệ trung thành với MT. Một số nhận làm gián điệp và đưa tin. Nếu họ quyết định đào ngũ và rời vĩnh viễn BV thì họ được định cư trong Nam.  
 image058
Hoa Thịnh Đốn, mặt khác, bác bỏ một số dề nghị "quá khích" của OP 39 như dùng Đài phát thanh của MTGT cổ võ nổi lọan ở BV và ám sát vài lãnh tụ CS. Đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh MACV đưa ý kiến MTGT nên chuyển qua giai đọan tổ chức đánh phá thật sự CS trên phần đất của họ, Toà Bạch ốc cũng không chịu vì bốn lý do: hoạt động bí mật phải phản ảnh chính sách công khai; không thể để tình thế vuột khỏi tầm tay kiểm soát; bị khiêu khích, Hànội sẽ tăng cường mức độ xâm lăng Miền Nam; và Trung cộng không ngồi yên trước cảnh đàn em BV tan rã.
 Chiến dịch tấn công bằng truyền thanh, truyền đơn và tặng phẩm.  

image060
Ngoài đài Tiếng Nói của MTGT, kế hoạch OP 39 còn xử dụng một số phương tiện truyền thông cho nhiều mục tiêu riêng biệt. Một trong các chủ đích là báo cho dân chúng trên vĩ tuyến 17 biết - để gây hoang mang - có hoạt động chống chính phủ Hànội tại BV. Bằng kỹ thuật đánh lừa mệnh danh snuggling, một đài phát thanh được đặt sát cạnh Đài radio CS Hànội, cùng chung một tầng số và mang cùng một tên, để khuấy phá.  

image061
Tháng 5.1965, Toà Bạch ốc cho thành lập cơ quan JUSPAO, Joint US Public Affairs Office, do Barry Zorthian chỉ huy, để phối hợp tất cả các công tác tâm lý chiến, dân sự và quân sự, kể luôn công tác mật tại BV và dài theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Miên. Juspao điều hành đài rađô Tiếng Nói Tự Do, Voice of Freedom (VOF) phát thanh 75 giờ mỗi tuần bằng 5 ngôn ngữ, chuyên đả phá Radio Hànội và đưa vào BV tin tức của thế giới tự do, tin chiến trường xác thực, chương trình văn hoá và giải trí, bình luận so sánh đời sống hai miền Nam, Bắc…
 Hệ thống tuyên truyền SOG gồm có Radio Red Flag, mệnh danh là tiếng nói của nhóm chống đối trong đảng CS Bắc Việt. Đài này không gay gắt với Nga sô nhưng chỉ trích mạnh Chính trị bộ ngã theo Bắc kinh đem lại đau khổ và chết chóc cho dân tộc. Ra dô Hồng Kỳ, đặt ở ngoại ô Sàigòn, xử dụng một số cán bộ hồi chánh Việt và kỹ sư Phi Luật Tân. CIA điều hành từ Miền Nam đài phát thanh riêng mang tên Sao Đỏ, Red Star Radio, chủ trương đặc biệt tố cáo Mặt trận Giải phóng Miền Nam là công cụ của CS Bắc Việt. 
 Khẩu hiệu của đài là "Miền Nam của dân Nam". Đài Ra dô Hànội giả áp dụng kỹ thuật điện tử ghosting để phá những buổi phát thanh của địch và thay thế vào đó những tin tức hay chỉ thị trái ngược. Qua chiến dịch Peanuts, nhiều chục nghìn chiếc máy ra dô pin tí hon Nhựt, với tầng số xếp sẵn, được thả dù ban đêm bên kia vĩ tuyến hay đưa vào bằng đường biển, chung với truyền đơn và những gói tặng phẩm đựng viết, đèn cầy, sách..vv..  
Nhiều bức thơ giả mạo được viết và gởi từ Paris, Hongkong, Tokyo, Bangkok... về địa chỉ của một số cán bộ cao và trung cấp CS ở Hànội bịa ra những mối liên lạc mật hay chỉ trích Trung ương Đảng. Cơ quan kiễm duyệt gắt gao của BV có thể sa vào bẩy. Các cán bộ CS hồi chánh ở Miền Nam cũng được khuyến khích viết thơ cho thân nhân trên vĩ tuyến 17 đề cao đời sống ở Miền Nam. 
 Chương trình Soap Chips chuyên lo việc gắn vào xác của chiến binh BV thơ trối trăn (giả) của họ gởi về gia đình, mô tả cảnh sống cơ cực trong Quân đội Nhân dân và thái độ cư xử hống hách của cố vấn Tàu cộng. OP 39 cũng có chương trình Eldest Son mua lại từ quốc gia đệ tam loại súng AK-47 và súng cối 82 ly do Trung cộng chế tạo, để tháo gở ra, gài vào bên trong chất nổ, xong ráp lại để thả dù tại vùng CS ở Lào và Miên. Những võ khí này gây thiệt hại cho dối phương không ít. Trước khi qua đời vào năm 1969, Hồ Chí Minh có lệ hằng năm gởi thơ chúc Tết cán bộ tại ngũ.  
Quần chúng mỏi mệt và oán ghét Bắc kinh vì chiến cuộc kéo dài. Mùa Xuân 1971, OP 39 cho in và phổ biến ở Lào, Miên và Miền Nam 22.000 tấm thiệp ký tên Trường Chinh, nhân vật khét tiếng thân Trung cộng đề cao "trường kỳ kháng chiến nhất định thắng công". Theo sự tiết lộ của Bob Andrews, một chuyên viên Tâm lý chiến, SOG có đề nghị tràn ngập BV bằng giấy bạc giả để làm suy sụp nền kinh tế CS nhưng "thượng cấp" không chấp nhận. 
 

Thẩm lượng kế họach OP 39. Lý do thất bại:
image062
Hoa kỳ đã đầu tư rất nhiều tiền, sáng kiến và kỹ thuật vào tâm lý chiến chống Hànội. Tuy nhiên, phần kết trong phúc trình thẩm lượng tháng hai 1968 của nhóm MACV Ad Hoc Evaluation Group, do Thiếu tướng AR. Brownfield,Jr. chủ tọa, cho biết " Chương trình SOG không rõ ràng và quá rộng, not clear and too broad." Ba Đại tá chỉ huy liên tiếp SOG là Clyde Russel, Don Balckburn và Jack Singlaub cũng thú nhận kế hoạch OP 39 không đem lại kết quả mong muốn. Nếu đào sâu, sẽ thấy nhiều lý do:
 1 - Thiếu mục tiêu chiến lược, Lack of strategic purpose. Đúng vậy, Hoa Thịnh Đốn không cho phép SOG tổ chức một phong trào chống đối thật sự trên vĩ tuyến 17 hay khuyến khích dân chúng BV hành động. Năm 1956, vì Ngoại trưởng John Foster Dulles chống đối, HK đã bỏ qua cơ hội tổ chức dấy lọan để lật đổ CS Bắc Việt. Chủ trương của Tổng thống Kennedy năm 1961 tạo bất ổn ở Miền Bắc để trả đũa cũng lần hồi xuống giọng. Năm 1963, William Colby đề nghị áp dụng "bài học Hung gia Lợi" ở BV nhưng không được chấp nhận vì sợ Bắc kinh phản ứng. Chính sách "vừa đánh, vừa thủ" của HK làm cho Bob Andrews, một trong chuyên gia điều khiển OP 39, than trách: Think small, don’t think big, because if you think big, you’ll never get it done."
 2 - Thiếu sự phối trí và bổ sung, lack of coordinated planning and integration, giũa các phần bộ của kế hoạch OP 39 bị chia cách quá đáng, viện lẽ cần tích cực bảo mật. Không có một kế hoạch đầu não não, không ai trong OP 39 thật sự hiểu kế hoạch sẽ dẫøn đến đâu.
 3 - Nhân sự không có đủ kinh nghiệm về tâm lý chiến và không thông hiểu văn hoá Việt Nam. Quân nhân Mỹ và nhân viên CIA biệt phái qua kế hoạch OP 39 không được huấn luyện thích hơp để thi hành công tác đúng đắn. 
4 - Thẩm lượng không chính xác ảnh hưởng của những cuộc hành quân tâm lý chiến đối với mục tiêu Bắc Việt. 
Trong kế hoạch OP 39, Phòng Sưu tầm và Phân tích, Research & Analysis, có trách nhiệm thu thập, đối chiếu và giải thích tin tức từ Miên Bắc để một mặt, tìm ra các yếu điểm tâm lý của phe địch và mặt khác, ấn định hiệu quả của việc áp dụng kế hoạch.  
Mục đích thứ hai không hề thực hiện được. Bill Rydell, nguời điều khiển chót OP 39, cho rằng sự thẩm lượng này không dễ trong một chế dộ công an trị sau bức Màn sắt. Ít khi đối phương chịu tiết lộ hiệu quả thật sự hay phản đối công khai.
 Bắc Việt chống trả mãnh liệt.  
Vì bị gián điệp ám ảnh thường xuyên và lo ngại HK tấn công bằng chiến tranh tâm lý nên CS đề phòng bằng nhiều phương thức gắt gao như cho báo giới liên tục kêu gọi dân chúng cảnh tỉnh, siết chặt mạng lưới công an khắp nới, phổ biến sâu rộng tài liệu "Chỉ dẫn và Biên pháp" và ban hành luật phạt tối đa (tử hình, khổ sai) những hành động "phản quốc, phá rối trật tự." 
 Đặc biệt, từ 1965 đến 1967, CS tạo trong xứ một bầu không khí căng thẳng tối đa ố hơn cả tình trạng bị xâm nhập thật sự - để thức tỉnh dân về chiến dịch bí mật của Mỹ. Tháng sáu 1967, hai tờ báo Học Tập và Nhân Dân công khai tố Mặt trận Gươm Thiêng Ái quốc là một tổ chức ma và cấm nhặt quần chúng lén nghe các "đài phát thanh lậu", đọc truyền đơn và nhận các góí tặng phẩm từ bên ngoài. Tuy nhiên có một điều mà Hànội không biết rõ là Hoa Thịnh Đốn không đồng ý cho lật đổ chính phủ CS bằng võ lực.
 Đầu tháng 11.1968, Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh chấm dứt hai kế hoạch OP 39 và OP 34 vì Bắc Việt chiụ bắt đầu nói chuyện hoà bình. 
image063
 Ngũ Giác Đài đợi nhiều thập niên mới bạch hoá hồ sơ chiến tranh bất quy ước chống Hànội sau khi thua cuộc chiến quy ước năm 1975. Đây là một bài học đắt giá khác cho Hoa kỳ bị đánh bại lần đầu tiên từ ngày lập quốc.
 Trong bao nhiêu tính toán sai lầm, ít nữa có một điều mà trùm CIA William Colby đự đoán không trật: Tâm lý chiến đã làm Cộng sản thật sự "phát điên" vì tạo cho họ một cuộc sống ngày đêm hoảng hốt. Cuộc chiến bằng trí óc này đáng lý đem lại kết quả khá hơn nếu thượng tầng lãnh đạo Hoa kỳ quyết tâm đánh để thắng và thông suốt tâm lý Á châu./ 
 

Lâm Lễ Trinh