; }

Wednesday, May 4, 2016

GIỞ NHỮNG TỜ LỊCH CŨ 1975: TUYẾN THÉP XUÂN LỘC. (9 tháng Tư – 20 tháng Tư, 1975)

Nguyễn Hữu Chế


Bài có liên quan đến BIỆT ĐỘI 18 KỸ THUẬT ĐẶC BIỆT

Thiếu tướng Lê Minh Đảo họp báo tại Mặt trận Xuân Lộc ngày 13.4.75.
D/- DIỄN TIẾN
1/- Từ ngày 9 đến 11.4.1975:

Tờ mờ sáng ngày 9 tháng Tư năm 1975, quân CSBV bắn vào thị xã Xuân Lộc hàng ngàn trái đạn pháo. Pháo rơi vào khu dân cư và bệnh viện, khu trường học, nhà thờ và chùa chiền, khu bến xe Long Khánh và chợ Xuân Lộc. Một số đạn pháo rơi vào các trại gia binh, hậu cứ các đơn vị Sư đoàn và Tiểu khu Long Khánh. Nhưng pháo giặc chỉ gây thiệt hại nhẹ cho quân trú phòng. Bởi vì tất cả các chiến binh Sư đoàn 18BB đang nằm trong các chiến hào trên tuyến phòng thủ bao quanh thị xã.Tư dinh Tướng Tư lệnh trúng pháo. Pháo giặc rót vào như mưa, cùng khắp, kiểu như vãi trấu. Không một thước đất nào của thị xã Xuân Lộc là không bị đạn pháo giặc cày nát. Một số đạn xuyên qua mái nhà. Ngôi nhà hai tầng lầu, mái ngói. Vài trái đạn rớt xuống ngay phòng ngủ. Nhưng thật may mắn! Ông Tướng không có ở trong nhà. Ông đang ở BTL/SĐ tại Long Bình. Tưởng cũng nên biết, khi Sư đoàn 18BB nhảy vào An Lộc thay thế Sư đoàn 5BB của Tướng Lê Văn Hưng, đơn vị đã đặt BTL/Tiền Phương tại căn cứ Long Bình. Các đơn vị yểm trợ và tiếp liệu của Sư đoàn cũng dời về Long Bình để tiện việc ra vào An Lộc bằng cầu hàng không. Sau đó khi hết nhiệm vụ ở An Lộc, Sư đoàn 18BB trở thành lực lượng cơ động của Quân đoàn III, hành quân hoạt động cùng khắp lãnh thổ Vùng 3 Chiến thuật. Chuẩn tướng Lê Minh Đảo đã trình xin Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tổng Tham Mưu Phó Tiếp Vận, được tiếp tục xử dụng một phần căn cứ Long Bình. Từ đó Hậu cứ Sư đoàn với các Phòng Ban, và cơ sở Tiếp vận đều di chuyển về đây. Hậu cứ BTL/SĐ tại Long Bình được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Huỳnh Thao Lược, Tham Mưu Trưởng Sư đoàn. Vào những ngày biến động, chuẩn bị trận chiến, Xuân Lộc chỉ là nơi đặt BTL/Tiền Phương Sư đoàn. Tướng Lê Minh Đảo thường xuyên đi về giữa Tiền phương (Xuân Lộc) và Hậu cứ (Long Bình).

Buổi chiều ngày hôm trước, nghe tin Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân đoàn III tử nạn, ông bay về Biên Hòa để xem hư thực về cái chết của Tướng Hiếu. Đồng thời ông cũng ghé lại Hậu cứ Sư đoàn gặp Đại tá Lược, để biết rõ hơn về thực trạng tiếp liệu của đơn vị. Ông đã nghỉ qua đêm tại đây. Vào lúc quân CSBV bắn pháo và mở cuộc tấn công vào Xuân Lộc, ông được Đại tá Hứa Yến Lến, Tham Mưu Trưởng Hành quân Sư đoàn báo cáo. Ngay tức thì, ông bay vào Xuân Lộc, có mặt tại Trung tâm Hành quân Sư đoàn vừa di chuyển đến ngã ba Tân Phong, gần quận đường Xuân Lộc.
Quân CSBV ấn định giờ “G” tấn công là 5 giờ 30. Nhưng tại Chỉ huy sở Sư đoàn 341, 10 phút trước khi khai hỏa pháo, các Tiền sát viên pháo cộng sản thấy sương mù chưa tan, vẫn còn dày đặc. Màn sương hạn chế tầm quan sát, nên xin trễ lại 10 phút. BTL/Quân đoàn 4 của Thiếu tướng Hoàng Cầm chấp thuận. Đúng 5 giờ 40 phút sáng, Quân đoàn phát lệnh. (Theo George J. Veith & Merle L. Pribbenow II – “Fighting Is An Art”).
Các đơn vị pháo Quân đoàn 4/CSBV đồng loạt nổ súng. Hàng ngàn trái đạn pháo đủ loại trút xuống vùng đất nhỏ, diện tích chỉ vài cây số vuông. Trận mưa pháo dữ dội và tàn bạo, có tính cách hủy diệt. Pháo bắn liên tục, dồn dập đúng 1 tiếng đồng hồ. Hai trái pháo hiệu màu đỏ bắn lên trời cao, lóe lên, xuyên qua màn sương sớm. Tín hiệu tấn công đã phát đi.
a/- Góc chiến trường hướng Đông:
Sư đoàn 7/CSBV:
Sư đoàn để Trung đoàn 141 làm lực lượng trừ bị, đồng thời cầm chân Chiến đoàn 48 đang hoạt động trên QL.1, vùng ngã ba Tân Phong, tung 2 Trung đoàn tấn công Xuân Lộc bằng 2 mũi:
Mũi tấn công của Trung đoàn 165:
Đơn vị này có xe tăng và bộ đội đặc công dẫn đường tấn công vào hướng Đông thị xã. Chiếc xe tăng T-54 đầu đàn trúng mìn, nổ tung. Quân trú phòng với M-16, M-60, đại bác 90ly của chiến xa đồng loạt nổ súng. Pháo từ Núi Thị bắn chận, ào ạt phá tan đội hình tấn công của giặc:

“Trúng ngay chiếc tăng T-54 rồi. bây giờ chiếc xe đã bị lật, nằm ngang trên ụ đất phía ngoài vòng đai…”
Tiếng báo cáo oang oang trên máy PRC-25 của Trung úy Pháo binh Đinh Văn Phùng tại chiến tuyến cho Đại úy Nguyễn Hữu Nhân, Pháo đội trưởng PĐA đang sát cánh cùng Trung đội 1A của Trung úy Trung tại Núi Thị, đã làm nức lòng quân bạn, làm phấn chấn tinh thần các chiến binh trong giờ phút sinh tử. (Theo Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân – Những Giờ Phút Sau Cùng ở Xuân Lộc Long Khánh).
Khi mặt trời lên, máy bay chiến đấu của Sư đoàn 3/KQ/QLVNCH cất cánh từ Phi trường Biên Hòa bắt đầu can thiệp. Những phi tuần A-37, F-5E thay nhau trút bom lên đầu giặc. Đám bộ đội CSBV xâm nhập, vượt qua được vài hàng rào kẽm gai thì vướng mìn banh xác. Đám bộ đội “cụ Hồ” đang lúng túng trong các bãi đất trống trải thì bị lưới đạn dày đặc của quân trú phòng bắn chận, chết phơi thây! Đám giặc ở tuyến sau thì nằm im bất động, nét mặt sợ hãi, ngơ ngác, chỉ muốn tìm cách chém vè! Chúng như con cá nằm trên thớt, đang chờ những nhát dao thành thạo của người nội trợ! Sau những loạt đạn pháo, là những đợt bom của không quân. Bom pháo thay nhau trút lên đầu giặc. Một số xe tăng bị trúng bom đạn cháy hoặc đứt dây xích, lúng túng, quằn quọai trong vũng lầy. Quân CSBV đã bị vướng vào “hàm cá mập”, không cách nào thoát ra được. Càng cố vùng vẫy, càng bị nuốt gọn!
Đợt tấn công đầu thất bại, giặc tổ chức đội hình mở đợt tấn công lần thứ hai. Nhưng các tay súng Chiến đoàn 43 đã chờ sẵn. Với loại hỏa tiễn 2.75 gắn trên dàn phóng tự tạo, phối hợp cùng pháo binh Sư đoàn, máy bay ném bom của Sư đoàn 3/KQ, xe tăng và bộ đội CSBV đang phơi mình trên vùng đất trống trải trước phòng tuyến, chỉ là món đồ chơi trẻ con. Trong một thời gian ngắn, 4 chiếc xe tăng của giặc đã bị tiêu hủy, rất nhiều bộ đội “cụ Hồ” bị phơi thây. Mũi tấn công này của Trung đoàn 165 đã bị chận đứng, đã thất bại hoàn toàn: “Sư trưởng Nam Long hét vào điện thoại chỉ huy hết mũi tiến công này đến mũi tiến công khác. Ông đang chỉ huy trận đánh mà nói năng rất tếu. Sư trưởng điện cho anh Đình chính trị viên D2 (tiểu đoàn 2): ‘Cái chốt bằng cái l. trâu ấy mà một ngày rồi các anh không ăn được à? Tôi ra lệnh nội đêm nay phải ăn cho hết cái l. trâu đó, nghe rõ chưa!’. Câu ra lệnh làm mọi người trong hầm chỉ huy ôm bụng mà cười”. (Ngô Minh, Sư đoàn 7/QĐ4 “Kể Về Trận Tấn Công Cứ Điểm Xuân Lộc).
Mũi tấn công của Trung đoàn 209:

Từ QL.1 ở hướng Đông, có xe tăng và bộ đội đặc công dẫn đường, Trung đoàn 209/Sư 7 tiến về hướng sân bay thị xã. Nhưng đơn vị này gặp Tiểu đoàn 82/BĐQ của Thiếu tá Vương Mộng Long chận lại:
“Khi chiếc PT-76 vướng vào cuộn kẽm gai vòng nơi góc rào tây bắc của trại 181 Pháo binh Sư đoàn 18 thì cũng là lần đầu đoàn quân xâm lăng khựng lại hoảng hồn bởi những tiếng hô, ‘Biệt Động! Sát!’ ‘Biệt Động! Sát!’ Chiếc xe tăng đầu tiên lãnh trọn một quả M.72. Chiếc PT-76 xấu số cháy bùng. Những anh bộ đội Cộng sản tùng thiết rút lui trối chết về hướng rừng lau”.
“…Ngày qua ngày, …những tổ chống tank 3 người của TĐ82/BĐQ ẩn hiện như ma trơi, sau ô mối, sau gốc xoài, trong bụi chuối, cứ từ từ rang hết con cua T-54 này đến con cua T-54 khác.” (Thiếu tá Vương Mộng Long – Tháng Tư Lại Về).
Sau nhiều ngày vừa đi vừa chiến đấu để vượt thoát từ Cao Nguyên Miền Trung về, Tiểu đoàn 82/BĐQ chỉ còn khoảng 200 tay súng . Dù quân số ít, đang mệt mỏi, nhưng họ đã chiến đấu rất dũng cảm. Đơn vị này đã chống đở 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 209/CSBV có xe tăng yểm trợ. Đó là TĐ5 và TĐ7 bốn lần tấn công vào sân bay, nhưng không thành công. Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo đã đánh giá cao đơn vị này.
“Tiên Giao (Thiếu tá Long) đây Hằng Minh (Tướng Đảo) gọi!”
“Hằng Minh, Tiên Giao nghe”
“Come on! Gắng lên nghe em! Đánh cho nó tà đầu, hết cục cựa! Okay?”
“Vâng, tôi nghe 5, đánh cho nó tà đầu hết cục cựa!”
“Okay! You’re a man! Don’t let ‘em run away! Okay?”
“Vâng, không cho nó ôm đầu mà chạy!”
“Kill ‘em! Kill ‘em Okay!”
“Vâng! Đây là cái tank thứ hai, ba…đó nghe Hằng Minh! Nó vào cái nào, tôi hạ cái nấy nhé!”
“Okay! I like the way you fight!”
“Vâng, tôi nghe rõ 5!”
“You’re great! You’re excellent!”
(Hồi ký của Thiếu tá Vương Mộng Long – Tháng Tư Lại Về)
Điều đặc biệt của Tướng Đảo, mỗi khi có một đơn vị chạm địch từ cấp Đại đội trở lên, ông liền bay trực thăng C&C bao vùng. Từ cao nhìn xuống, ông có cái nhìn chính xác vị trí của ta và của giặc, hầu giúp đơn vị trưởng dưới đất điều quân. Để địch kiểm thính mà không hiểu được nội dung cuộc điện đàm khẩn cấp, ông xử dụng cả ba ngôn ngữ: Việt – Pháp – Anh. Trên đây là mẫu đối thoại bình thường của Tướng Đảo với các đơn vị trưởng ngoài mặt trận. Lệnh của ông truyền ra rất thân tình, rất “Huynh đệ chi binh”, chứ không thô lỗ, cộc cằn và hách dịch như cấp chỉ huy của CS.
b/- Góc chiến trường hướng Tây – Bắc:
Sư đoàn 341/CSBV:
Mũi tấn công của Trung đoàn 266:

Sư đoàn 341 để Trung đoàn 273 làm lực lượng trừ bị, đồng thời cầm chân Chiến đoàn 52 của Đại tá Ngô Kỳ Dũng. Tên Sư trưởng Đại tá Trần Văn Trấn theo sát Trung đoàn 266, xuất phát từ những cánh rừng cao su thuộc đồn điền Bình Lộc, vượt qua ngã ba Cua Heo, qua làng Phế Binh, tiến vào khu vực bến xe, và khu chợ. Ba Tiểu đoàn của Trung đoàn 266 xâm nhập được vào vùng ven thị xã, nhưng bị pháo binh Sư đoàn và đại liên 20ly từ chiếc C.119 của Sư đoàn 3/KQ bắn hạ. Một toán bộ đội đặc công đột nhập Tư dinh Tỉnh trưởng treo cờ. Vài toán bộ đội khác đi lạc vào khu phố, khu trường học và nhà thờ thì gặp Đại đội Trinh sát 18 của Đại úy Phạm Hữu Đa chận lại. Một số bị tiêu diệt. Những tên sống sót tìm cách ẩn núp trong các cống rãnh, để rồi sau đó lần lượt 20 tên bị bắt làm tù binh. Chúng đều ở trong độ tuổi 17, chưa được huấn luyện đã bị đưa vào Nam. Đám này như Mán về thành. Thật sự thì chúng là đám khỉ trên rừng Trường Sơn mới xuống. Sợ chết, sợ tiếng súng, không quen trận mạc, chúng trốn chui trốn nhủi, hoặc tìm cách “chém vè”. Lúc bị bắt, cấp số đạn ít ỏi 70 viên mang theo, nhưng chưa bắn một viên nào!
Đợt đầu tấn công thất bại. Sư trưởng Trần Văn Trấn cho tổ chức lại đội hình, mở đợt tấn công lần thứ hai. Hắn điều quân chuyển hướng về hướng Đông, nhưng quân giặc lại gặp các chiến sĩ ĐPQ/LK chận lại. Ta với giặc đánh nhau ác liệt.
Lúc 11 giờ sáng, Tiểu đoàn 1/48 của Thiếu tá Trần Cẩm Tường và Chi đoàn 3/5 Thiết kỵ của Đại úy Lê Sơn được lệnh phản công tái chiếm làng Thương Phế Binh ở gần Cua Heo. Dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Đại úy An, Tiểu đoàn Phó, Đại đội 2/1 của Trung úy Dự, và Đại đội 3/1 của Trung úy Kiệt, cùng với hỏa lực hùng hậu của Chi đoàn 3/TK của Đại úy Lê Sơn, CĐT, quân bạn đã tiến công như vũ bão, quyết tái chiếm mục tiêu. Chúng cố thủ trong những căn nhà, cố gắng ngăn chận cuộc phản công của ta. Trận chiến diễn ra thật gay go. Nhưng do đơn vị địch quá bất ngờ trước một đối thủ thiện chiến với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chúng đã bị đè bẹp. Đại úy Lê Văn Dự (cùng với Kiệt, được thăng cấp Đại úy sau chiến thắng này) cho biết: “Đây là một chiến thắng lớn, ta tịch thu rất nhiều vũ khí. VC chết vô số kể, không tản thương được, do ta với địch sát gần nhau. Tiếng la khóc của thương binh VC dậy trời. Số lượng vũ khí địch bị quân ta tịch thu quá nhiều, tôi đã cho bó lại từng 5 cây AK làm một, xin Lao công Đào binh vận chuyển. Điều đáng nói là quân ta hoàn toàn vô sự!”
Theo hồ sơ trận liệt, đám giặc cỏ này là Trung đoàn 266, do đích thân tên Sư trưởng Trần Văn Trấn chỉ huy. Theo báo cáo của Hạ sĩ Nhất Kim Mỹ (ĐĐ3/1, hiện định cư tại Úc): “Ta bắt sống 3 tù binh, hàng trăm tên giặc bị hạ sát, trong đó có tên Chính ủy Trung đoàn, nhiều vũ khí bị tịch thu.”
Ngày 11 tháng Tư, lúc 11 giờ 30, giặc tấn công trại Huỳnh Văn Điền (hậu cứ Trung đoàn 52), nằm trên đường Hoàng Diệu. Đây là căn cứ cũ của Trung đoàn Kỵ binh Mỹ do Đại tá Patton, con trai của cố Danh tướng Thiết giáp Mỹ Patton, chỉ huy. Lực lượng phòng thủ chỉ là quân nhân hậu cứ, những quân nhân loại 2 chờ giải ngũ, những bệnh binh đang nghỉ dưỡng sức, và một vài gia đình binh sĩ không chịu xa chồng. Nhưng Sư trưởng Sư 7 Lê Nam Phong tung Trung đoàn 141 có chiến xa yểm trợ, từ hướng ấp Bảo Vinh A tấn công. Quân nhân hậu cứ 52 đã chống trả quyết liệt. Tất cả bọn họ đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm. Cổ nhân từng nói: “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”. Huống hồ họ là lính, là vợ, là con của lính. Đây là trận chiến có tính cách quyết định. Họ phải chứng tỏ cho CSBV thấy rằng quân dân Miền Nam yêu chuộng Tự Do, dù phải chết, cũng chiến đấu đến cùng. Họ không bao giờ chấp nhận chế độ độc tài Cộng sản. Kết quả phe ta đã hạ sát hơn 50 tên giặc xâm lược, tịch thu 32 vũ khí đủ loại, bắn cháy 2 xe tăng T-54. Thật là một kỳ công!
Đêm 11.4.75, từ ấp Nguyễn Thái Học, tuyến phòng ngự của CĐ52 tại ngã ba Dầu Giây, Tiểu đoàn 2/52 của Đại úy Huỳnh Văn Út được lệnh khẩn cấp hành quân tăng viện cho Xuân Lộc. Buổi sáng ngày 12, sau khi vượt qua tuyến giặc tại đèo Mẹ Bồng Con do Trung đoàn 274 của Sư 6 đóng chốt, đơn vị của Út đã tao ngộ chiến với quân CSBV tại ấp Suối Tre, tiêu diệt một đoàn xe chở quân và đồ tiếp tế, hạ sát hơn 100 tên bộ đội “cụ Hồ”, tịch thu nhiều vũ khí, trong đó có 1 thượng liên phòng không 37ly gắn trên xe. Đơn vị của Đại úy Út tiếp tục tiến vào Xuân Lộc để bắt tay CĐ43. Lại một cuộc tao ngộ chiến nữa, khi gặp địch đang đưa lưng ra, đang chăm chăm hướng về thị xã. Đám giặc bất ngờ bị đánh tập hậu. TĐ2/52 đã tiêu diệt gọn trên 60 tên và tịch thu toàn bộ vũ khí của giặc.
Mũi tấn công của Trung đoàn 270:
Quyển lịch sử cái gọi là “Quân đội Nhân dân Việt Nam” (mà khẩu hiệu của quân đội này lại là chỉ trung với Đảng!), viết rằng trong đợt pháo đầu tiên bắn vào Xuân Lộc, đã làm tê liệt hệ thống truyền tin của Sư đoàn 18BB, và đánh sập cây anten 292 tại Núi Thị. Nhưng chỉ là tưởng tượng! Hệ thống truyền tin của Sư đoàn vẫn hoạt động tốt, cây anten 292 tại Núi Thị không hề bị đánh sập.
Có một điều quân CSBV không biết. Buổi trưa ngày 13 tháng Tư, sau khi phái đoàn báo chí Tây phương vừa rời Xuân Lộc, pháo CS đánh hơi được, đã pháo kích tàn bạo vào vị trí mà Tướng Đảo vừa gặp gỡ báo chí. Trận mưa pháo của giặc đã đánh sập cây cây antenna 292 của TTHQ/SĐ. Hệ thống truyền tin bị gián đoạn một lúc. Đại úy Truyền tin Sư đoàn Đặng Trần Hoa cùng các nhân viên thuộc cấp đã “đội pháo” giặc, lập tức dựng lại cây antenna. Một Thượng sĩ già, thấy pháo giặc bắn rát quá, sợ pháo giặc làm hư hỏng mấy khẩu pháo 105ly, liền cùng một vài pháo thủ, tìm cách kéo pháo ra khỏi trận địa pháo. Từ hầm chỉ huy, Tướng Đảo say sưa quan sát những hành động dũng cảm của quân nhân thuộc quyền, một mảnh đạn pháo giặc ghim vào cánh tay của ông. Rất may mắn, mảnh đạn chỉ gây thương tích nhẹ cho Tướng Đảo.

Núi Thị, căn cứ của TĐ2/43 với tòa lâu đài cỗ.
Khu vực Núi Thị, nơi trấn giữ của Tiểu đoàn 2/43, là vị trí quan trọng trong trận chiến Xuân Lộc. Nếu là một cấp chỉ huy giỏi, có học trường lớp đàng hoàng, Tướng Trà và Tướng Cầm phải ưu tiên tiêu diệt vị trí này. Núi Thị không cao lắm, diện tích lối ½ cây số vuông, nằm cách xa thị xã hơn 3 cây số về hướng Tây. Tại đỉnh cao nhất, một cây thị lớn còn sót lại, nay trở thành cây cổ thụ có thân cây lớn hơn hai vòng tay ôm, nên ngọn núi được người dân địa phương gọi là Núi Thị. Về phương diện chiến thuật, cao điểm Núi Thị có thể khống chế Xuân Lộc về hướng Đông, và Dầu Giây về hướng Tây. Trước khi trở thành điểm cao quân sự, Núi Thị là sở hữu của viên chủ đồn điền cao su người Pháp. Núi có hình thế yên ngựa. Một tòa lâu đài cỗ, với những bức tường dày bằng bê tông cốt sắt, sừng sững chiếm hết đỉnh cao của ngọn núi. Không khí trong các phòng ốc mát lạnh như khí hậu ở Đàlạt, hàn thử biểu thường chỉ trên dưới 22 độ C. Được biết hàng năm Bộ Quốc Phòng VNCH phải trả tiền trưng dụng tòa lâu đài đó với số tiền 3 triệu đồng. Từ lâu, Núi thị là Hậu cứ của Tiểu đoàn 2/43, từng bị VC đánh đặc công một lần, khi đơn vị này đang hành quân vượt biên sang Kampuchia năm 1970. Trong những ngày chuẩn bị trận chiến, Tướng Đảo cho thiết lập tại đây một Trung tâm Hành quân dự phòng cho Sư đoàn với đầy đủ thiết bị, có đài siêu tầng số. Hệ thống truyền tin tại Núi Thị hoạt động rất tốt. Suốt trong 12 ngày đêm của trận chiến, truyền tin tại Núi Thị không hề bị gián đoạn. Hai pháo đội 105ly, một pháo đội 155ly được kéo lên đây để có thể bắn yểm trợ cho Xuân Lộc và Dầu Giây. Trung đội pháo 105ly diện địa vốn được bố trí tại đây, được kéo trả về cho Tiểu khu Long Khánh. Những người lính Tiểu đoàn 2/43 rất sung sướng khi được chỉ định trấn giữ đất nhà. Nhưng việc bảo vệ điểm cao chiến thuật, và giữ gìn an ninh cho giàn pháo hùng hậu của Sư đoàn không phải là dễ. Tuyến phòng thủ của đơn vị phải mở rộng, phải có những toán tiền đồn, phục kích từ xa, hầu ngăn chận không cho cộng quân mon men đến gần dùng đạn bắn thẳng hay súng cối, bắn vào uy hiếp các pháo thủ. Trung đội Biệt kích Tiểu đoàn (BK/TĐ), một tổ chức ngoài bảng cấp số, được thành lập từ khi Tướng Đảo về giữ chức Tư lệnh, với quân số đầy đủ trên 42 chiến sĩ, đặt dưới quyền chỉ huy của một Thiếu úy tốt nghiệp Võ bị Đàlạt, phụ tá là một Trung sĩ Nhất từng phục vụ trong Binh chủng Lực lượng Đặc biệt, nằm tiền đồn xa, hoạt động rất hữu hiệu. Các chiến binh của Trung đội này đều được gửi đi học các khóa Viễn Thám và Rừng Núi Sình Lầy tại Trung tâm Huấn luyện BĐQ/Dục Mỹ. Họ là những chiến binh đa năng đa dụng, rất dũng cảm. Họ từng nhảy vào Tánh Linh cắm cờ và rút lui an toàn, khi quận này bị quân CSBV đánh chiếm hồi mùa Thu năm 1974. Trước khi trận chiến mở màn, các toán trinh sát và cấp chỉ huy của Sư đoàn 341/CSBV tìm cách mon men đến gần Núi Thị điều nghiên, đã bị các toán phục kích và tiền đồn của TĐ2/43 tiêu diệt. Đêm 8.4.75, tại sườn đông Núi Ma, cách căn cứ hoả lực Núi Thị lối 2 cây số về hướng Tây-Bắc, một toán trinh sát địch trên 10 tên, gồm có tên tiền sát viên pháo và các tên chỉ huy cao cấp lọt vào tuyến phục kích của Trung đội BK/TĐ. Chúng đã bị diệt gọn do các trái mìn clamore được kích nổ kịp thời, và những tràng tiểu liên M.16 bắn chính xác. Từ đó, các toán trinh sát của địch không còn dám mạo hiểm đến gần. Suốt trong trận chiến, căn cứ hỏa lực Núi Thị không hề bị đạn bắn thẳng hay súng sối địch quấy phá. Mặc dù Tiểu đoàn Đặc công thường xuyên bám sát.
Sáng sớm ngày 9 tháng Tư, sau trận mưa pháo kéo dài lối một tiếng đồng hồ, Sư 341 tung Trung đoàn 270 có đơn vị đặc công dẫn đường, mở cuộc tấn công biển người, quyết san bằng căn cứ hỏa lực Núi Thị.
Dưới cặp mắt của một nhà quân sự, hai việc cần phải ưu tiên làm truớc nhất để đánh chiếm Xuân Lộc là:
Thứ nhất, phải triệt hạ Núi Thị, vì đó là một cao điểm quân sự quan trọng, có thể khống chế Xuân Lộc và ngã ba Dầu Giây.
Thứ hai, tiêu diệt Chiến đoàn 52 ở ngã ba Dầu Giây, vì từ đây, quân bạn có thể tiếp cứu Xuân Lộc, cũng là vị trí nối liền Biên Hòa và Xuân Lộc.
Tướng Trà đã thấy được điểm này, nên ngay sau khi từ sào huyệt Lộc Ninh xuống đến chỉ huy sở Quân đoàn 4 của Cầm đóng trên bờ sông La Ngà, sau khi nghe báo cáo tình hình thực tế, Trà đã đồng ý với ý kiến của Hoàng Cầm là phải “Tiêu diệt Trung đoàn 52 ngụy ở ngả ba Dầu Giây và Núi Thị. Sau đó đánh chiếm Xuân Lộc…”
Thật ra Cầm chậm hiểu, hay nói một cách khác là Cầm đã không tiên liệu được hoạt động hữu hiệu của căn cứ hỏa lực Núi Thị. Với suy nghĩ đơn giản, nếu không chiếm đuợc Núi Thị, thì chỉ cần khống chế bằng các loại pháo là được. Nhưng Cầm đã lầm. Các pháo thủ Sư đoàn 18 tại Núi Thị đã “đội pháo” giặc để bắn yểm trợ đơn vị bạn khi cần thiết. Quân đoàn 4 đã không chỉ thị rõ ràng và quyết liệt cho Đại tá Trần Văn Trấn, Chỉ huy Sư 341 phải ưu tiên triệt hạ Núi Thị, trước khi tiến đánh khu vực cổng số 1 của thị xã. Với trình độ chỉ huy tác chiến kém cỏi của Trấn, sau khi tung Trung đoàn 270 tiến đánh Núi Thị thất bại, đã cho lệnh rút ra, để tăng cường cho mũi tấn công của Trung đoàn 266 đang bị cầm chân ở làng Thương Phế Binh và đầu thị xã. Trấn đã không có “tư duy” của một nhà chỉ huy quân sự cấp Sư đoàn.
Mũi tiến công của Trung đoàn 270 đã bị chận đứng ngay tại tuyến phòng ngự bên ngoài. Bộ đội CSBV từ ấp Suối Tre, từ hướng giữa đèo Mẹ Bồng Con và Núi Ma, với chiến thuật biển người cố hữu, sau khi dứt loạt đạn pháo cuối cùng, và khi nhìn thấy hai trái hỏa châu lóe sáng trên bầu trời, như dấu hiệu tấn công, đã ồ ạt vượt qua sân bay đồn điền cao su, vượt qua đường QL1, tiến vào phòng tuyến Đại đội 1 của Trung úy Chánh và Đại đội 2 của Trung úy Mười. Đám bộ đội vượt qua khu đất trống trải là miếng mồi ngon cho những trái mìn claymore được kích nổ kịp thời, những tràng đạn tiểu liên M.16, đại liên M.60 nổ dòn, những trái lựu đạn M-26 được ném ra, đã đốn ngã tất cả bọn chúng. Một số nát thây khi lọt vào bãi mìn. Lớp trước ngã, lớp sau tiến lên, chúng như những con thiêu thân lao vào ánh đèn, với những tiếng la xung phong đặc sệt giọng Nghệ – Tỉnh rất man rợ. Dù liều chết, dù quyết tâm, chúng đành phải “sinh Bắc-tử Nam”, vẫn không chọc thủng được phòng tuyến quân bạn. Xác địch nằm la liệt trước phòng tuyến. Trời sáng dần. Chúng cố gắng mang theo đồng đội bị thương vong, nhưng vất lại vũ khí, lủi sâu vào ấp Suối Tre và Núi Ma.
Tấn công Núi Thị thất bại, tên Thủ trưởng được lệnh cho rút bớt 1 Tiểu đoàn, di chuyển về thị xã, hợp lực cùng Trung đoàn 266, tấn công cạnh sườn Tiểu đoàn 1/48 và Chi đoàn 3/5 Thiết kỵ đang phản công chiếm lại làng TPB và Cua Heo.
Khi màn đêm xuống, toàn bộ Trung đoàn 270 được lệnh bỏ mục tiêu Núi Thị, chi viện Trung đoàn 266 đang bị cầm chân ở thị xã, chỉ để lại Tiểu đoàn đặc công. Tấn công bằng quân bộ chiến thất bại, chúng chuyển qua tấn công bằng pháo. Những trận mưa pháo tàn bạo, có tính cách hủy diệt, liên tục trút lên Núi Thị. Nhưng những pháo thủ vẫn can trường “đội pháo” bắn yểm trợ quân bạn. Dù sao, những trận mưa pháo của giặc cũng gây tổn thất đáng kể cho Tiểu đoàn. Một Đại úy Đại đội trưởng, một Thiếu úy Đại đội phó, một Sĩ quan Tham mưu và nhiều binh sĩ bị thương vong. Trực thăng tản thương phải liều lĩnh đáp xuống trong lưới đạn phòng không dày đặc, để kịp đưa các chiến sĩ bị thương nặng về Long Bình cứu chữa. Những chiến binh bị thương nhẹ vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu. Những ai chẳng may qua đời, đơn vị đành phải an táng tại chỗ. “Vùi nông một nấm”, và sau ngày 21.4.75, đành phải “mặc tình cỏ hoang”.
Tiểu đoàn được tăng phái một Toán Kỹ thuật thuộc Biệt đội Kỹ thuật của Đại úy Phát, Phòng 7/BTTM. Trưởng toán là một Trung sĩ trẻ, anh Út, hiện định cư ở San Diego, California, rất thành công. Út thông minh và nhanh nhẹn. Nhờ giải mã mau lẹ các cuộc điện đàm của địch, đơn vị đã giảm thiểu được tối đa sự tổn thất. Rất nhiều lần, Út báo cho TĐT những đợt tấn công pháo của Bắc quân. Có lúc lệnh cho quân sĩ xuống hầm, chờ mãi một hai phút sau đạn pháo địch mới đến. Toán Kỹ thuật cũng đưa cho xem những bản mật điện trao đổi giữa cấp chỉ huy của quân CSBV có nội dung rất bi đát, nhưng cũng khá là khôi hài. Có một bản văn do một Thủ trưởng D, tức TĐT, gửi cho Thủ trưởng E, tức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 266 với nội dung:
“Báo cáo đồng chí Thủ trưởng, đơn vị chỉ còn 25 chiến sĩ, lương thực hết, đạn dược hết, nước uống không có, xin được rút ra”.
Bản văn trả lời của tên Thủ trưởng:
“Phải bám sát trận địa, sẽ có quân chi viện. Các đồng chí phải khắc phục!”
Đại loại nội dung các bản văn đều gần giống nhau. Cấp dưới thì tuyệt vọng, tinh thần xuống thấp. Cấp trên thì cứ hứa hẹn suôn, và giải quyết vấn đề là hai chữ “Khắc phục”, như một liều thuốc tiên!
Các Toán Kỹ Thuật là những quân nhân làm việc âm thầm trong một căn phòng nhỏ, với nhiều máy móc truyền tin. Họ là những chiến sĩ vô danh, nhưng đã gián tiếp góp công lớn trong chiến thắng Xuân Lộc. Khi bắt được những bức điện mật của quân CSBV, họ giải mã mau lẹ, và gửi ngay về Sư đoàn. Tại đây, Trung tá Thịnh, Trưởng Phòng 2/SĐ và bộ tham mưu của ông phân tích, đánh giá, phân loại, rồi trình lên tướng Tư lệnh. Nhờ những tin tức tương đối chính xác đó, đối chiếu với nhiều nguồn tin khác, Tướng Tư lệnh cho bắn pháo và xin đánh bom. Mỗi ngày Sư đoàn 3/KQ đã cung cấp đến 50 phi xuất, với những loại bom 250, 500, và 750 cân Anh đánh lên đầu giặc. Pháo binh Sư đoàn thì rất dồi dào trong những ngày đầu của trận chiến. Đây cũng là điểm son của ông Tư lệnh. Như ta đã biết, đạn dược và quân dụng của QLVNCH bị giới hạn bởi điều khoản “một đổi một” của Hiệp định Paris, nên ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Tướng Đảo đã chỉ thị các đơn vị trưởng báo cáo con số tiêu thụ đạn dược gấp hai hay ba lần con số thực. Số sai biệt đó, các đơn vị chôn dấu để qua mắt Phái đoàn Thanh tra của BTTM/QLVNCH. Chính nhờ số đạn dự trử được chôn dấu đó, được các chiến binh Sư đoàn 18BB đem ra xử dụng tối đa trong những ngày đầu của trận chiến, đã ngăn chận được những đợt tấn công biển người của quân giặc.
Suốt 12 ngày đêm của trận chiến Xuân Lộc, căn cứ Núi Thị vẫn đứng vững. Trung đoàn 270 thuộc Sư 341/CSBV do tên Đại tá Trần Văn Trấn chỉ huy, phối hợp cùng 1 Tiểu đoàn Đặc công, đã hai lần mở cuộc tấn công qui mô, nhưng đều thảm bại. Bộ đội địch đã không thể nào vượt qua khỏi tuyến chiến đấu ngoài cùng của đơn vị phòng thủ. Vô số bọn cán binh CSBV bị thương vong, vẫn không chọc thủng được phòng tuyến. Tên Sư trưởng Trấn đành phải bỏ cuộc, lệnh cho đơn vị này nằm tại chỗ bao vây, và đơn vị đặc công tìm cách đột nhập quấy phá. Mười hai khâu pháo tại căn cứ là miếng mồi ngon cho những tên “sinh Bắc tử Nam” này. Nhưng dù có liều lĩnh, dù “cố đấm ăn xôi”, trước sau đều thất bại. Trong số xác cộng quân để lại tại trận địa, ta phát hiện một tên cấp Thiếu úy, chức vụ C trưởng (đại đội trưởng). Thế nhưng CSBV vẫn lếu láo. Và Tướng Trà trong quyển “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, trang 262, đã viết: “Đêm 13 rạng ngày 14.4, theo quyết tâm mới của quân đoàn 4, sư đoàn 6 đã tiêu diệt gọn một tiểu đàn của trung đoàn 52 thuộc sư đoàn 18 và mộ chi đoàn thiết giáp, giải phóng ngã ba Dầu Giây. Tiếp theo hôm sau đã chiếm Núi Thị…”
c/- Góc chiến trường hướng Tây:
Sư đoàn 6/CSBV:
Trung đoàn 812 làm lực lượng trừ bị. Trung đoàn này thuộc Quân khu 6, còn có tên là Sư đoàn Sông Mao. Trong những ngày cuối tháng 3, tham gia chiến dịch đánh chiếm Võ Đắc và Võ Su của quận Hoài đức. Sau đó tiến về hướng Bắc, đánh chiếm Di Linh của tỉnh Lâm Đồng.
Trung đoàn 274 tiến chiếm Đèo Mẹ Bồng Con, cách Núi Thị lối 3 cây số về hướng Tây. Đơn vị này đã tổ chức hệ thống kiềng chốt khá kiên cố để có thể ngăn chận quân bạn cứu viện từ Dầu giây, từ Xuân Lộc hay ngược lại. Một con suối nhỏ chảy qua Đèo, nối liền Núi Ma đến cánh rừng phía Nam, đi ngang qua đồn điền cao su de Suzannah. Đó là con đường tiến sát rất an toàn, có rừng cây che mắt phi cơ quan sát. Một bộ phận tiến chiếm ấp Trần Hưng Đạo (chỉ có 1 Trung đội NQ giữ an ninh).
Trung đoàn 33 tiến chiếm ấp Phan Bội Châu (cách ngã ba Dầu Giây hơn 1 cây số về hướng Nam), và đánh xã Hưng Lộc – Hưng Nghĩa. Tại đây, lực lượng trú phòng chỉ là NQ và Nhân Dân Tự Vệ. Nhưng các chiến sĩ áo đen đã chống trả quyết liệt. Họ đã giữ được Hưng Nghĩa, nhưng Hưng Lộc lọt vào tay giặc. Ngã ba Dầu Giây được Tiểu đoàn 1/52 của Thiếu tá Cam Phú trấn giữ, và chỉ mất vào tay giặc buổi tối ngày 13.4.75. Trung đoàn 33 còn có tên Trung đoàn Quyết Thắng Long Khánh. Đơn vị này dù mang danh là Quyết Thắng, nhưng đã hơn ba lần đại bại trước Tiểu đoàn 2/43 (Trận đánh Cẩm Mỹ, trận đánh tại ngã ba Dầu Giây ngày đình chiến tháng 1.73, và trận Võ Đắc – Võ Su tháng 12 năm 1974). Tên Thủ trưởng Trung đoàn 33 đã chỉ thị cho bộ đội của hắn tránh đụng độ TĐ2/43. Khi tao ngộ chiến, phải tìm cách chém vè, nếu không muốn bị tiêu diệt (Theo cung từ tên tù binh Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 33 bị bắt tại trận đánh ở ngã ba Dầu Giây, và một mảnh giấy viết vội để lại trên một đống vũ khí tại Võ Đắc ghi: “chúng tôi thua phen này, hẹn gặp lại”).
Tình thế đã bất lợi về phía quân CSBV. Trần Văn Trà thú nhận trong tập hồi ký “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm”: “… vào cuối ngày 10 trở đi tình hình trở nên căn thẳng. Địch phản kích điên cuồng tuy chúng bị thiệt hại nặng. Máy bay địch đánh phá ác liệt, có tính chất hủy diệt các mục tiêu chúng đã mất (sai, chỉ mất khu bến xe và khu chợ trong buổi sáng đầu tiên, nhưng chỉ tái chiếm bằng bộ binh, không hề đánh bom, vì nằm bên trong thị xã). Quân đoàn đã kêu thiếu đạn các loại nhất là sư đoàn 1 (tức 341) và sư đoàn 6. sư đoàn 7 thì thiếu quân số…Rồi báo báo cáo từng vị trí ta chiếm được phải bỏ lần lượt. Có vị trí thay đổi chủ vài lần (khu bến xe và khu chợ). Số thương vong của sư đoàn 1 cao hơn các đơn vị khác vì kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều ở chiến trường ác liệt. Tình hình rất gay go.”
Lịch sử cái gọi là “Quân đội Nhân dân” viết: “Trong 3 ngày đầu tiên (9,10,11/4/75) Sư đoàn 7 thiệt hại 300 chiến sĩ, và Sư đoàn 341 tổn thất 1,200, hầu hết pháo 85ly và 57ly bị tiêu hủy”.
Lê Đức Thọ: “Kết cục là anh em cũng không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra”.
Ngày 11.4, sau 3 ngày tấn công vào Xuân Lộc thất bại, tên “Thái Thượng Hoàng” không ngai Lê Đức Thọ cùng Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) và Trần Văn Trà họp khẩn cấp để tìm “phương án” mới.
Sau cuộc họp của các tên đầu sỏ, Trần Văn Trà được phái đến mặt trận Xuân Lộc tìm hiểu cụ thể để có thể đề ra “phương án” mới thực tế hơn, thích hợp hơn với tình hình đang biến chuyển mau lẹ, nếu cần, Trà sẽ trực tiếp nắm quyền chỉ huy mặt trận Xuân Lộc.
Chiều ngày 11 tháng Tư, Trà lên đường đến thẳng chỉ huy sở của Quân đoàn 4 đóng trên bờ sông La Ngà. Trà vượt sông Đồng Nai bằng phà tại bến Tà Lài, ra gặp QL.20 ở Phương Lâm. Sau khi quan sát thế trận tại chỗ, theo dõi hoạt động không quân và pháo binh của ta, được báo cáo kỹ tình hình diễn biến trận đánh, tình hình quân ta và thực lực của chúng, Trà quyết định chọn một giải pháp mới.
Quân đoàn 4 được tăng cường thêm Trung đoàn 95B vừa từ ngoài Trung vào. Đó là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của quân CSBV. Đơn vị này đã tham gia chiến dịch tấn công Ban Mê Thuột, rồi được tăng cường cho Sư đoàn 320 ngăn chận đoàn quân di tản của Quân đoàn II từ Cao Nguyên, trên con đường 7B. Các đơn vị của Cầm gấp rút được bổ sung quân số và đạn dược, chúng lại được tăng cường thêm 1 đại đội xe tăng, một số pháo tầm xa và cao xạ phòng không.
Trận chiến đã bước sang ngày thứ ba, bộ đội của Cầm vẫn dậm chân tại chỗ. Sau khi quan sát tình hình thực tế, nhất là khi thấy Xuân Lộc được quân Dù tăng viện, Trần Văn Trà quyết định triễn khai kế hoạch mới. Với kế hoạch này, giặc không đánh trực diện, mà tìm cách đánh vào những vị trí ngoại vi của Xuân Lộc:
1/- Ngã ba Dầu Giây: Tuyến phòng thủ chỉ là CĐ52 (-) của Đại tá Ngô Kỳ Dũng (TĐ2/52 của Đại úy Huỳnh Văn Út đã được lệnh xuất phái cho Xuân Lộc từ chiều ngày 11.4). Tuyến bố phòng chưa được vững chắc vì mới di chuyển về đây chiều ngày 8.4 thì rạng sáng ngày 9.4 trận chiến đã mở màn. Quân số không nhiều.

2/- Núi Thị:
Tuyến phòng thủ chỉ có một Tiểu đoàn. Dù hệ thống bố phòng vững chắc, nhưng nếu lực lượng tấn công là cấp Trung đoàn, được tăng cường thêm đơn vị đặc công, lấy nhiều đánh ít, thì lực lượng trú phòng khó chống đở. Nếu là mộ cấp chỉ huy quân sự giỏi, Tướng Trà và Tướng Cầm phải bằng mọi cách triệt hạ Núi Thị trước khi tiến đánh Xuân Lộc. Hay là cùng tiến đánh, nhưng mục tiêu Núi Thị phải ưu tiên hàng đầu. Trà và Cầm đã bỏ lỡ cơ hội “ngàn vàng”.
Lúc này lực lượng trấn thủ Xuân Lộc đã có thêm TĐ2/48 của Thiếu tá Đổ Duy Luật đang bảo vệ thị xã Hàm Tân (Bình Tuy) được trực thăng vận về; TĐ2/52 của Đại úy Huỳnh Văn Út đang trấn đóng vùng ngã ba Dầu Giây được lệnh tăng cường Xuân Lộc. Như vậy đến cuối ngày 11.4.75, lực lượng trú phòng tại Xuân Lộc đã có 2 Trung đoàn Bộ binh, 1 Tiểu đoàn BĐQ, 1 Thiết đoàn (-), và ĐĐ18TS.
Tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân “Giải Phóng” và Tướng Hoàng Cầm, TL/QĐ4 đều nhận định không thể tiếp tục đánh Xuân Lộc. Vì đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, càng đánh càng thua. Trà chỉ thị Hoàng Cầm:
Xử dụng 1 Sư đoàn tiêu diệt CĐ 52 ở Dầu Giây và TĐ 2/43 ở Núi Thị.
Lực lượng mạnh của QĐ4 (Sư 7) kèm chặt Xuân Lộc.

Ngày 12 tháng Tư, Quân đoàn III xử dụng một trong hai lực lượng trừ bị cuối cùng (lực lượng kia là Lữ đoàn 3 Xung kích của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi), là Lữ đoàn 1 Dù của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh, cho trực thăng vận vào Xuân Lộc. Đơn vị này vừa từ ngoài Trung vào, chưa kịp nghỉ ngơi, nhưng với quyết tâm “Nhảy Dù! Cố gắng!”, những thiên thần mũ đỏ gồm các Tiểu đoàn 1, 8, 9, ĐĐ1/TS, ĐĐ3/CB, ĐĐ1/QYDù và TĐ3/PBDù, đã làm cho Sư 7 của Lê Nam Phong thất điên bát đảo!
Khi Lữ đoàn 1 Dù vào, Chiến đoàn 48 bàn giao trách nhiệm, di chuyển về bố trí dọc theo LTL.2 từ ngã ba Tân Phong (Chi khu Xuân Lộc), phía Nam thị xã, đến căn cứ Long Giao (Hậu cứ Trung đoàn 48); trở thành lực lượng trừ bị cho Sư đoàn.
Theo Hồi ký Chiến trường của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh, Lữ đoàn trưởng LĐ1Dù, vừa nhảy vào trận địa, các đơn vị Dù liền mở cuộc hành quân phản công địch. TĐ9Dù tiến quân về hướng Đông, tìm cách bắt tay với lực lượng Nghĩa Quân tại hai ấp Bảo Định và Bảo Bình. Mặc dù là lực lượng bán quân sự với quân số rất khiêm nhường, nhưng các chiến sĩ Nghĩa Quân đã chiến đấu kiên cường, giữ được xã ấp cho đến khi quân Dù đến. Nhưng một tin xấu đã đến với quân Dù, do không liên lạc được với nhau, những trái đạn súng cối từ trong ấp bắn ra đã gây thương tích trầm trọng cho vị TĐT, Trung tá Nho và hai binh sĩ. Sau khi bắt tay được với lực lượng trú phòng, TĐ9 và TĐ1 hoán đổi nhiệm vụ.
TĐ8Dù tiến quân tảo thanh hướng Bắc QL.1, đã chạm súng mạnh với TĐ1/141/CSBV, hạ sát nhiều quân giặc. Với lối đánh thần tốc và táo bạo của các thiên thần mũ đỏ, vòng vây quân CSBV bị tan rã dần.
Tại trận chiến Xuân Lộc, Biệt Đội Kỹ Thuật thuộc Phòng 7/BTTM, với những chuyên viên giải mã giỏi, đã góp công lớn tạo nên chiến thắng mà bớt đổ máu. BĐKT bắt được những mật điện của chúng với nội dung hoàn toàn tuyệt vọng:
“Tình hình thật khẩn trương. Đồng chí N. (TĐT/TĐ1) và nhiều đồng chí khác hy sinh, phải chôn tại chỗ. Chúng tôi đang tìm đường rút, nhưng bị quân Dù ngụy bao vây mọi hướng.”
Nhưng sau 35 năm trận chiến, Lê Nam Phong đã là Trung tướng, được đề bạt chỉ huy Quân đoàn 1, trong một bài phỏng vấn, đã nói khoác: “Bộ đội chúng tôi ngừng tấn công thị xã, chuyển ra tấn công trên QL.1 để bao vây Xuân Lộc, chỉ để lại một đơn vị nhỏ bám sát trận địa. Nhưng địch lầm tưởng chúng đã đẩy chúng tôi ra…” Thật ra chúng không bị đẩy ra, mà bị bao vây chia cắt, bị tấn công tiêu diệt, không rút ra được. “Đơn vị nhỏ” mà Tướng Lê Nam Phong nói là Sư đoàn 7 do hắn chỉ huy!
Một bức điện mật khác:
“Lương thực hết. Hơn 100 chiến sĩ hy sinh, phải vùi họ ngay tại chỗ. Nhiều đồng chí bị thương. Chúng tôi không thể mang theo số vũ khí và máy truyền tin. Xin đồng chí Thủ trưởng cho chỉ thị…”
Mật điện trả lời của tên Thủ trưởng:
“Nếu không mang theo được thì hãy chôn và đánh dấu…Tôi muốn nhắc nhở các đồng chí…hãy nhớ đến chiến thắng Điện Biên Phủ và Tàu Ô. Đêm nay tôi sẽ cho Đại đội Trinh sát vào mang các đồng chí ra”.
Nhờ BĐKT giải mã kịp thời, quân bạn biết được ý định của quân CSBV, cho dàn trận phục kích. Đêm đó, khi đơn vị trinh sát địch xuất hiện, chúng đã lọt vào bẫy sập của TĐ1Dù, tất cả bị diệt gọn.
Một vài bức điện mật khác của quân CSBV:
“Hiện tại chúng tôi chỉ còn 39 chiến sĩ, nhưng đã có gần 200 đồng chí bị thương. Việc di chuyển rất khó khăn. Chúng tôi không thể bắt tay được với đơn vị trinh sát”.
“Đêm nay TĐ2 sẽ chi viện các đồng chí. Các đồng chí phải giữ vững tinh thần.”
TĐ1Dù lại áp dụng chiến thuật cũ, nhưng lần này, TĐ3/PBDù đã góp công lớn. Những loạt đạn với đầu nổ cao, đầu chạm nổ, đã tiêu diệt hoàn toàn những tên sống sót của đơn vị thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 7/CSBV.
Chính nhờ hoạt động hữu hiệu của Toán BĐKT, quân bạn đã có hành động đúng lúc, đúng chỗ. Do đó sự thiệt hại của quân CSBV là không tránh khỏi.
Nhưng tên cựu Sư trưởng Sư 7 Lê Nam Phong đã nói dóc không biết ngượng miệng: “…Đối diện với hiểm nguy bị tiêu diệt, Tướng Đảo phải bỏ Xuân Lộc và đã chuồn đi trong đêm mưa. Ngày 21 tháng Tư, 1975, sau 13 ngày chiến đấu ác liệt, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh long Khánh hoàn toàn được giải phóng.
Tiêu diệt cánh cửa thép Xuân Lộc, Quân đoàn 4 đã mở con đường cho đại quân của ta tiến về Sàigòn, với tinh thần ‘một ngày bằng 20 năm’…”
Nếu không được lệnh bỏ ngõ Xuân Lộc, vẫn giữ trận địa, cứ để cho QĐ2 và các đơn vị QK5 do Lê Trọng Tấn thống lĩnh từ hướng QL.15 đánh lên, QĐ3 từ hướng QL.20 đánh xuống, ta xử dụng bom BLU-82 hay CBU-55 đánh hủy diệt các mũi tiến công của chúng, rồi lực lượng ta từ Xuân Lộc đánh tập hậu, thì liệu quân CSBV có vượt qua được sông Đồng Nai để tiến về Sàigòn ngày 30.4.75 (?), hay đã bị tan tác.
Qua các bức điện mật, và những cuộc điện đàm được giải mã, ta thấy rõ TĐ1 Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn của hắn đã bị quân Dù xóa sổ, các đơn vị khác cũng kiệt quệ, có tiểu đoàn chỉ còn 39 tên. Nhưng cái bệnh ba hoa khoác loác, làm láo báo cáo hay của con người cộng sản thì đã thành cố tật, không thể sửa chữa được. Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã để lại một câu nói để đời:
“Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Từ chủ động tấn công, chọn thời gian, chọn địa điểm, bây giờ quân xâm lăng CSBV đã rơi vào thế bị động. Chúng chỉ lo co cụm và chống đở, hoặc tìm cách “chém vè” để sống sót. Các đơn vị tham chiến của Hoàng Cầm hầu như hoàn toàn tan rã và mất tinh thần. Cái hào quang Điện Biên Phủ năm nào, khi Cầm là Trung đoàn trưởng cùng bộ đội Việt Minh cắm lá cờ chiến thắng lên nóc hầm của Tướng bại trận de Castries, đã tiêu tan. Bây giờ Cầm chỉ là tên bại Tướng! Tên Hoàng Nghĩa Khánh, Tham mưu trưởng Quân đoàn làm một bản phân tích tình hình, rồi đề nghị:
“Bỏ Long Khánh, đi vòng diệt Trảng Bom rồi đánh Biên Hòa”. Hoàng Cầm thì đề nghị: “…diệt Trung đoàn 52 ở ngã ba Dầu Giây và Tiểu đoàn 2/43 ở Núi Thị, rồi đánh chiếm Xuân Lộc.”
Sau khi tổng hợp các ý kiến, Trà kết luận:
“Xuân Lộc là điểm then chốt quan trọng, nên địch cố giữ. Hiện nay lực lượng chúng đã chiếm ưu thế. Ta không còn giữ được yếu tố bất ngờ. Vì vậy tiếp tục đánh vào Xuân Lộc là không lợi…Địch từ Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây không mạnh. Ta phải tận dụng lợi thế này của đường 20 và sơ hở này của địch …”
Căn cứ vào những phân tích ấy, Trà quyết định:
Xử dụng 1 sư đoàn tiêu diệt Trung đoàn 52 ở Dầu Giây và Tiểu đoàn 2/43 ở Núi Thị. Chận và diệt quân tiếp viện từ Trảng Bom ra.
Lực lượng mạnh của Quân đoàn 4 kèm chặt Xuân Lộc.
Chính Trà quyết định lực lượng mạnh của Quân đoàn 4 kèm chặt Xuân Lộc, thế mà Tướng Lê Nam Phong nói: “chỉ để lại một đơn vị nhỏ…”. Thật là láo khoét. Lịch sử được viết lại theo quan điểm của kẻ thắng. Mặc dù Sư 7 của Lê Nam Phong, Quân đoàn 4 của Hoàng Cầm bị đại bại, nhưng đứng trong phe chiến thắng, nên chúng tha hồ “vẽ rắn thêm chân”. Bảo Ninh, một tên văn nô Hànội, cũng với giọng điệu Lê Nam Phong, viết trong quyển “Nổi Buồn Chiến Tranh”, rằng “…Hồi bọn tớ tràn qua Xuân Lộc đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18, ở những rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. Xe chạy tới đâu ruồi bâu tới đấy…” Thật là dị hợm! Nói không biệt ngượng miệng. Nhưng thật đáng tiếc, sách của hắn đã được Hànội cho dịch ra rất nhiều thứ tiếng để tuyên truyền, và lừa bịp những ai cả tin. Người đọc mấy ai biết được sự thật. Trong suốt 12 ngày đêm chiến trận, không một chiếc xe tăng nào của Bắc quân vào được bên trong thị xã. Chỉ có vài chiếc chạy về hướng sân bay thì bị các chiến sĩ Mũ Nâu săn lùng và bắn hạ. Còn lại phần lớn bị thiêu hủy từ ngoài vòng rào kẽm gai. Một số mon men đến gần thì bị trúng mìn, bị M.72 hay súng nòng dài của chiến xa Thiết đoàn 5 Kỵ binh bắn hạ.
Quân CSBV đã thay đổi kế hoạch trước khi quân Dù đến. Thi hành chỉ thị của Trần Văn Trà, Sư đoàn 341 được lệnh của Hoàng Cầm rút ra, lùi về phía sau để tránh bị tiêu diệt. Ngay trong đêm, Trung đoàn 266 đã hoàn tất việc rút quân, Trung đoàn 270 được lệnh trở lại Núi Thị, tăng cường Tiểu đoàn Đặc công, tiếp tục mở những cuộc tấn công vào căn cứ hỏa lực đơn độc này. Sư đoàn 6 vẫn ở nguyên vị trí, phối hợp cùng Trung đoàn 95B, một đơn vị thiện chiến của CSBV, từ Cao Nguyên vừa được Tướng Văn Tiến Dũng điều động xuống tăng cường Quân đoàn 4. Giặc đang triễn khai kế hoạch mới. Theo kế hoạch này, Sư đoàn 7 phải chận đứng các cuộc tiến công của quân Dù. Nhưng “lực bất tòng tâm”. Mặc dù cố gắng, mặc dù hạ quyết tâm, Sư 7 cũng đã bị đánh tan tác, bị đại bại. Tội nghiệp cho Lê Nam Phong phải chịu đựng những quả đấm mạnh của các Thiên thần Mũ đỏ.
Trong lúc đó lực lượng Quân đoàn 2 của Thiếu tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 do Lê Trọng Tấn thống lãnh, từ ngoài Trung đang tiến vào theo đường duyên hải. Chúng được vận chuyển bằng xe molotova, chạy phon phon trên đường QL.1. Giặc đã xuất hiện ở Rừng Lá. Rừng lá chỉ cách Xuân Lộc hơn 1 giờ xe hơi!
Ngày 13 tháng Tư, Trung đoàn 95B đã vào vùng. Ngoài ra Quân đoàn 4 cũng được tăng cường thêm 1 đại đội xe tăng, một số pháo và cao xạ, đồng thời gấp rút bổ sung quân số và đạn dược.
http://khaiphong.org/showthread.php?5869


         
          

Nửa Hồn Xuân Lộc
_________________________
một bài thơ bi hùng của người lính Sư Đoàn 18BB
khi phải nhận lệnh rút quân khỏi Xuân Lộc
vào trung tuần tháng 4/1975




Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người gục trên vai.

Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung càng xa vời.

Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi

Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười…
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui

Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui?
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.

Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

Ta biết dưới hầm em đang khóc
Thét gầm pháo địch dập không thôi
Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc
Xích sắt nghiến qua những xác người.





Nguyễn Phúc Sông Hương
Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3, Sư Đoàn 18BB

No comments:

Post a Comment