; }

Tuesday, August 16, 2022

NÓI VỀ NGƯỜI THƯỢNG, NGƯỜI VIỆT VÀ ĐÔNG TÂY NAM BẮC NGHE CHƠI…

NGUYỄN GIA VIỆT

Đọc được một đoạn của ông Bình-nguyên Lộc, ông viết:
"Chúng tôi tin rằng người Thượng Việt là gốc tổ của Lạc bộ Trãi và Thượng Nam Dương là gốc tổ của Lạc bộ Mã".
Hồi trước 1975 người Việt kêu những dân tộc thiểu số sống trên núi rừng là "người Thượng".
Rất đơn giản, chữ 上 (thượng) có nghĩa ở phía trên và chữ 下(hạ) có nghĩa ở phía dưới.
Ngoài Bắc họ kêu đầy đủ hơn là người ở miền thượng du, dân thượng du là Mường, Thổ, Thái và Mán.
Có vùng thượng du sẽ có miền trung du và hạ thu. Hạ du là đồng bằng, trung du là giữa đồng bằng và đồi núi.
Ông Nguyễn Đức Toàn có bài "Quê em miền trung du" nổi tiếng qua tiếng hát Thái Thanh:
"Quê em miền trung du
Đồng suối lúa xanh rờn
Giặc tràn lên thôn xóm
Dâu bờ xanh thắm
Nong tằm chín lứa tơ
Không tay người chăm bón"
Người Miền Nam không kêu thượng du, họ kêu thẳng là "Thượng" khi ám chỉ người Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông.
Ông Lê Dinh có bài "Chiều lên bản Thượng":
"Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương
Nắng úa trên ngàn lá khi ánh chiều buông
Tiếng hát cô Mường vương trên rừng chiều bao la
Qua suối đồi khe lá"
Người Việt xưa xác định hướng là: Đông, Tây, Nam, Bắc và Thượng, Hạ.
Trong "Quan Âm Thị Kính" thằng mõ rao vầy:
"Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ Tây Đông
Con gái phú ông
Tên là Mầu Thị
Tư tình ngoại ý
Mãn nguyệt có thai
Già trẻ gái trai
Ra đình ăn khoán."
Tất cả các làng Việt ở Bắc đều có người rao mõ.
Thằng Mõ là một nét đặc trưng của làng xã Miền Bắc, trong Nam không có Thằng Mõ.
Thằng mõ thường cầm cái mõ bằng đốt tre già khô và cái dùi tre, đi tới đâu gõ một hồi rồi cất tiếng rao cho mọi người biết những điều muốn thông báo.
Mõ đều là “dân ngụ cư”.
Dân chánh cư trong làng phải có hai điều kiện: đã cư trú ít nhứt 3-5 đời và có điền sản.
Còn ngoài ra là dân ngụ cư ráo trọi, dân ngụ cư phải dựng nhà ở rìa làng, ngoài đê không được vào đình, không được tham dự việc làng, không được hưởng ruộng công và sống bằng nghề làm mướn, phải đi rao mõ.
"Chiềng làng" là gì? Nhiều người nói chiềng là "thưa trình".
Một câu chèo cổ khác được Lương Thế Vinh thế kỷ XV ghi lại trong cuốn Hí phường phủ lục như sau:
“Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hoà trung
Nghe tôi giáo trống...”
Tuy nhiên có lẽ không phải!
Thái Lan có nhiều tỉnh tên Chiang (Chiềng) như Chiang Mai, Chiang Rai. Chiềng là thủ phủ của một mường. Bên Lào thì chiềng thành xiêng, thí dụ Xiêng Khoảng, Xiêng Khọ.
Vậy chiềng trong ngôn ngữ Việt là làng mà thôi. Tức chữ chiềng có bà con dân tộc Mường, Thái.
Văn hóa Việt cổ ở Bắc Kỳ có dính chút xíu với tộc Mường này. Người Mường hay người Mol, Mon, Mwon, Mwal, Mul và Mọi…
Mường là một từ tiếng Thái, được người Thái và người Mường dùng để chỉ một vùng, một địa phương, một làng của người sơn cước nói chung, sau này không hiểu sao dân tộc Mường lại có tên Mường?
Chiềng hay Xiềng là cái làng của người Thái. Bên Thái Lan có thành phố Chiang Mai đó. Mường là cái làng của người Mường.
Chạ là cái làng cổ của người Việt xưa ở Bắc Kỳ.
Như vậy “làng chạ” tức là làng xóm.
Thành ra các từ ngữ chỉ sự “ăn dầm nằm dề” như chung chạ, lang chạ, ăn chung ở chạ là có dính ở cái mé này.
Còn lang là gì? Thanh Hóa có huyện Lang Chánh. Lang là một ông đứng đầu mường.
Người Mường quan niệm rằng họ và Việt xưa có chung một tổ tiên trực hệ đều là người Lạc Việt.
Ai cũng nói Mường và Việt là hai dân tộc có dính nhau, bằng chứng là cách mặc váy và yếm của người đàn bà Mường và đàn bà Miền Bắc xưa cũng giống nhau.
Tuy nhiên điều này chưa ai chứng minh rõ vì bỡi ngày nay hai tộc Mường và Việt đã khác xa nhau và rất khác biệt nhau về mức độ văn minh.
Nói về Miền Nam đi.
Theo truyền thống lập làng, thường địa danh Nam Kỳ xưa theo nguyên tắc khi tách, chia làng thì sẽ thêm vô sau tên làng cũ chữ Nhứt, Nhì, Đông, Tây, Nam, Bắc và Thượng hoặc Hạ làm tên làng mới.
Bốn hướng Đông,Tây, Nam, Bắc xuất phát từ chữ tứ trấn (四 鎮) hay tứ chánh.
Nam Kỳ đọc thành "Tứ chiếng".
Đại Nam nhất thống chí đã nhận định: “Dân thôn dã thì chất phác, dân thành thị thì du đãng”.
Như vậy có thể hiểu thôn tứ chiếng là thôn có chợ và bến ghe thuyền ở bốn hướng tụ lại.
“Trai tứ chiếng, gái giang hồ
Gặp nhau ta nổi cơ đồ cũng nên”
Năm 1836 thời Nguyễn huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình (Gia Định) có 6 tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hoà Thượng, Dương Hoà Trung, Dương Hoà Hạ.
       Địa danh Tân Thới Nhứt là một trong hai mươi thôn thuộc tổng Dương Hoà Thượng
Tân Thới Nhứt sau đó lên xã và tồn tại tới ngày nay.Nghe chữ là biết Tân Thới Nhứt là tách ra từ làng gốc Tân Thới.
Đó là vùng "Thập bát phù viên" (18 thôn vườn trầu).Từ 1698 có 6 thôn đầu tiên là:
Tân Thới Nhứt
Tân Thới Nhì
Tân Thới Trung
Tân Phú
Thuận Kiều
Xuân Thới Tây
Sau đó có thêm và tổng cộng là :
Tân Thới Bình
Tân Thới Đông
Tân Thới Tây
Tân Thới Trung
Tân Thới Nhứt
Tân Thới Nhứt Tây
Tân Thới Nhì
Tân Thới Nhì Tây
Tân Thới Tam
Tân Thới Tứ
Đệ nhứt chữ Nhứt ở đất Sài Gòn phải là Tân Sơn Nhứt.
Tân Sơn Nhứt là một giáp thuộc thôn Tân Sơn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào Gia Định, sau nâng lên thành thôn Tân Sơn Nhứt.
Tân Sơn Nhứt thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; phía đông giáp thôn Phú Nhuận, An Hội; phía Tây giáp thôn Tân Sơn Nhì; phía Nam giáp Phú Thọ và thôn Tân Sơn Nhì; phía Bắc giáp thôn Hạnh Thông Tây, thôn An Hội.
Sau thời Pháp, thôn Tân Sơn Nhứt thành làng rồi xã. Làng này rất cao ráo, không bao giờ ngập nước nên chúa Nguyễn Ánh đã lập lăng mộ linh mục Bá Đa Lộc ở làng này.

         Chừng năm 1920 Pháp đã giải tỏa lấy đất gần hết làng Tân Sơn Nhứt xây sân bay, và gọi là phi trường Tân Sơn Nhứt.
Phần đất còn lại nhỏ hẹp hợp với phần còn lại của làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
 Tổng diện tích của Tân Sơn Nhứt khi đó là nó rộng hơn 3.600 ha. Phi trường Tân Sơn Nhứt vang danh thế giới, vậy mà phải ngậm đắng nuốt cay bị đổi tên thành Tân Sơn Nhất sau 30/4.
Người Nam Kỳ ngày xưa viết nhứt rõ ràng.
Nam Kỳ ta xưa kêu số đếm,chữ 一 là nhứt ,nhì (nhị ) 二 ,tam 三
"Nhứt gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối"
Ăn chơi có câu: "Nhứt lưỡi nhì râu tam đầu tứ củ".
Người Bắc không kêu được chữ Nhứt, kêu bị lẹo lưỡi.
Đất Bà Quẹo có con đường thiên lý từ cổng thành Sài Gòn trổ ra tới Tây Ninh khúc biên giới qua Cam Bốt, con đường này ngày nay là Trường Chinh, là ranh giới hai làng Tân Sơn Nhứt và Tân Sơn Nhì.
Ngày nay ở Hóc Môn vẫn còn đình Tân Thới Nhứt ở góc đường Phan Văn Hớn - Nguyễn Ảnh Thủ, đình Tân Thới Nhì ở đường Dương Văn Dương được dựng vào thời vua Tự Đức vẫn còn đình Tân Thới Trung ở xã Tân Trung, đình thần Xuân Thới Thượng.
Bà Điểm nay vẫn còn các địa danh ấp Trung Lân, Tiền Lân, Hậu Lân, Đông Lân, Nam Lân, Tây Bắc Lân.Tất cả các ấp có chữ Lân nầy xưa thuộc xã làng Tân Thới Nhứt của tỉnh Gia Định.
 
 
Trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"có câu:
“Khá thương thay:
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ“
Dân ấp,dân lân là cái gì?
Thời Nguyễn ở Nam Kỳ có 3 loại làng:
- Làng lớn còn gọi là đại thôn, còn gọi là xã.
- Làng vừa gọi là trung thôn.
- Làng nhỏ gọi là tiểu thôn, còn gọi là lân, ấp, phố, phường, mạn, nậu…
Mỗi xã có thể chia ra 2, 3 thôn. Mỗi thôn có thể chia ra 2 – 3 ấp hoặc 2 -3 lân
Dân ấp, dân lân là cái gì? Là dân ở xóm thôn nhỏ,xa xôi cách trở.
Nhà Nguyễn quy định mỗi xã, đại thôn và trung thôn phải có một cái đình và một quán canh tuần, còn lân, ấp thì không cần.
Biên Hòa còn đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên.Long An ở Cần Đước còn xã Tân Lân.
Vậy đó!

Đình Thạnh Hòa Thốt Nốt

Tại xứ Long Xuyên xưa có địa danh Thốt Nốt là tên một cái chợ nhỏ tại làng Thạnh Hòa Trung thuộc tỉnh An Giang nhà Nguyễn.
Pháp qua, làng Thạnh Hòa Trung được chia ra thành hai làng mới, lấy tên là làng Thạnh Hòa Trung Nhứt và làng Thạnh Hòa Trung Nhì.Khi đó, chợ Thốt Nốt thuộc về làng Thạnh Hòa Trung Nhứt.
Pháp cho lập quận Thốt Nốt tỉnh Long Xuyên là lấy theo tên chợ Thốt Nốt.
 
      Gò Công là tỉnh nhỏ. Gò Công có 5 tổng và 40 làng,xứ này đất hẹp, người đông, phong thổ gần biển nên ruộng có nước mặn, nhiều phèn và mỗi năm chỉ làm ruộng có một mùa.
Gò Công xưa có làng Bình Phục Nhứt và Bình Phục Nhì, nguyên thủy là từ làng Bình Phục mà ra.
Ngày nay Bình Phục Nhứt thuộc Chợ Gạo, còn Bình Phục Nhì thì bị bỏ chữ Phục, thành xã Bình Nhì thì thuộc huyện Gò Công Tây.
Chữ Thượng và Hạ còn rất rõ ở tỉnh Long An, tỉnh này chia ra hai vùng thường và hạ.
Nhà thơ Hoài Vũ có bài thơ "Gửi người Miền Hạ" mà sau này được làm nhạc thành bài "Anh ở đầu sông em cuối sông" tả cảnh hoàng hôn đẹp chết ngất ở sông Vàm Cỏ khúc Miền Hạ Cần Đước như sau:
"Anh ở đầu sông em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông
Thương nhau đã chin ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!
Ôi bát ngát chân trời miền hạ!
Tím tình yêu, tím cả ước mong
Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá
Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng"
Hóc Môn vẫn còn xã Xuân Thới Thượng và Trung Lập Thượng.
Cái chữ thượng và hạ còn rất rõ trong Quốc Hội, lưỡng viện.
Việt Nam Cộng Hòa từng có lưỡng viện Quốc Hội gồm Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện.
Trụ sở Hạ Nghị Viện nay là Nhà Hát Thành Phố, còn trụ sở Thượng Nghị Viện là Hội Trường Diên Hồng.
Hạ Viện có nhiệm kỳ 4 năm, bầu theo từng cá nhân, theo từng tỉnh. Hạ Viện có từ 100 đến 200 dân biểu. Hạ Viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm và 2 người thuộc dân tộc thiểu số Bắc Việt di cư vào Nam.
Dân Biểu thường là dân điền chủ, trí thức, bác sĩ, doanh nhân, nhà giáo lâu năm.
Thượng Viện có từ 30 tới 60 nghị sĩ, nhiệm kỳ là 6 năm, bầu theo liên danh, lấy toàn quốc làm đơn vị độc nhứt.
Bắc Kỳ kêu mùa nóng nhứt trong năm là mùa hạ,Nam Kỳ kêu mùa hè.
Hạ trong tiếng Hán có nghĩa là phía dưới và mùa hè.
Hạ là dưới,thượng là trên nên địa danh Nam Kỳ có Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, sông Sở Thượng, sông Sở Hạ ở Đồng Tháp.
Rồi có câu chửi "đồ thượng đội hạ đạp" là trên nịnh dưới khinh của tiểu nhơn.
Hạ là hè xuất xứ từ tiết hạ chí của lịch Tàu, hạ chí nóng bức, bực bội.
Bắc kêu mùa nóng là mùa hạ.
Ở Nam Kỳ nhà nào cũng có cái hè nhà, hè là phần đất hai bên hoặc dưới cái nhà sau tương đối trống trải vì có ao hồ, kinh rạch, cây cối và gió mát.
Nam Kỳ thường cất nhà bếp, đặt mấy hàng lu chậu và chất củi chụm, cất chuồng trâu, đặt cây rơm bên hè nhà.
Câu đố vầy:
"Anh dắt em ra sau hè
Vừa đẩy vừa đè nước chảy re re"
Đó là mài dao.
Có bài hát "Còn thương góc bếp chái hè" thì hiểu là cái bếp nằm mé bên cái chái tạm sau hè
Mùa hạ chí nóng nên dân Nam Kỳ hay xách đít ra hè đón gió nên lâu ngày kêu mùa nóng là mùa hè.
"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn".
Kêu mùa hè nhưng trong lịch dân Nam Kỳ vẫn đọc và ghi tiết "hạ chí" chứ không ghi "hạ hè" nha.
Người Thượng hay người Khmer, người Chàm đều mang quốc tịch Việt.
Chữ "Việt" là chữ linh thiêng.
Chúng ta qua nhiều triều đại,từ Nam Việt ,Đại Cồ Việt tới Đại Việt, Đại Nam (Đại Việt Nam) và Việt Nam đều đề cao chữ Việt. Trên bia mộ cổ thời chúa Nguyễn và cả thời Gia Long hay có chữ 越 故 (Việt cố)
Chữ 越 (Việt) trên bia mộ thời chúa Nguyễn không phải là một sự tùy tiện, nó có ý nghĩa rõ .
Hai chữ này được dịch: “nước Việt xưa”; “nước Cổ Việt”; “Nước Việt cổ”; “nước Việt ngày cũ”.
Nhìn sơ qua để thấy chữ Việt quan trong trong văn hiến nước ta cỡ nào, sống làm người Việt, chết làm kẻ cố lại Việt, làm ma Việt.
Người Việt thời phải là dân tộc Việt chứ.
"Duy, ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam bắc chi phong tục diệc dị"
(Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác)
Khi sắp xếp các dân tộc thời có người Việt gốc Khmer, người Việt gốc Chàm, người Việt gốc Thượng m.
Duy nhứt, có người "Kinh" gốc Việt thiệt sự vô duyên. Sau 1975 chữ "Kinh" làm người Việt không hiểu ở đâu nó lòi ra.
NGUYỄN GIA VIỆT