; }

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA 02

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
PART 2
CHƯƠNG 7 : ỦY BAN LIÊN HỢP HOA KỲ
STUART HERRINGTON
(Đại úy – Ủy ban Liên hợp Quân sự, phái bộ Hoa Kỳ)
“Không ai s bị bỏ lại! Đng lo!”


Tôi rất lạc quan khi trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm 1972. Nhưng vào khoảng thời gian vụ ngưng bắn được ký kết, tôi bớt lạc quan đi. Lúc nghe tin Nixon giải nhiệm, tôi bắt đầu cảm thấy khá chắc chắn: Xứ này có lẽ sẽ sụp đổ. Khi Nixon rời nhiệm sở ngày 8 tháng tám năm 74, tôi lắng nghe tin trên máy thu thanh trong văn phòng tôi tại Sàigòn, và đối với tôi, tin này mang một giá trị then chốt. Niềm tin tưởng Nam Việt Nam có thể thắng và sống còn đã tuyệt đối rúng động. Rồi đến vụ thất thủ Phước Long đầu năm 1975 mới là cái biến cố đã làm cho tôi phải gửi hết vật dụng sở hữu về nhà, làm tôi viết thư cho ông bà già mà nói rằng “Con sẽ về, có lẽ trước tháng tám.” Nó đã làm tôi viết đơn cho Ngũ giác đài để bắt đầu tìm kiếm nhiệm vụ mới. Chính đấy là biến cố đã làm cho tôi đưa vợ con ra khỏi vùng đồng bằng, về Sàigòn ở sát bên tôi.
Bấy giờ tại văn phòng Tùy viên Quân sự, chúng tôi sống trong cái không khí ngày qua ngày, tùy thuộc vào việc Quốc hội Mỹ chấp thuận hay khước từ những yêu cầu viện trợ thêm. Và lúc bấy giờ chỉ còn hàng loạt khước từ. Tùy viên Quân sự lúc ấy, Tướng John Murray rất thất vọng, đôi khi ông than thở với tôi. Ông cay đắng và chua chát. Việc ra đi của tướng Murray và sự cay đắng của ông ghi lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tình cờ, tôi có mặt trong văn phòng ông sau khi ông lớn tiếng trong điện thoại với một nhân vật nào đó từ Bộ Quốc phòng. Nhân vật này đã gọi để khiển trách ông vì cuộc phỏng vấn nói về việc “đổi máu lấy đạn” với một phóng viên tờ New York Times. Ông kể cho tôi nghe cuộc phỏng vấn, rồi bảo: “Tôi vừa nói với họ là nếu họ còn gọi điện thoại cho tôi chuyện ấy nữa, tôi sẽ mở hẳn một cuộc họp báo tại Hạ Uy Di mà kể huỵch toẹt tất cả cái câu chuyện khốn nạn này ra.”
Chuyến đi Hà Nội cho Ủy ban Liên hợp Quân sự vào ngày 11 tháng Tư là chuyến đi Hà Nội cuối cùng của tôi. Sau đó, Harry Summers phụ trách vụ đi này. Dầu sao, không còn nghi hoặc gì nữa, bọn Bắc Việt đang nói một cách dõng dạc và minh bạch rằng: “Chúng tôi sẽ để cho bọn các anh ra đi, hãy mang theo người của các anh. Sẽ không có tắm máu. Máu chảy đã đủ rồi. Chúng tôi sẽ cần có sự ủng hộ của nhân dân miền Nam để tái thiết đất nước.” Nhưng cái thông điệp dõng dạc và minh bạch nhất, đó là: Bắc Việt không có ý định cản trở việc ra đi của chúng tôi.
Họ muốn phái bộ Mỹ trong Ủy ban Liên hợp Quân sự ở lại – Họ muốn giữ hiệu lực cho Hiệp định Ba Lê, bởi vì Hiệp định này chứa đựng những cam kết của Hoa Kỳ hứa hẹn trả tiền hàn gắn vết thương chiến tranh trong điều khoản XXI. Họ mong muốn củng cố hiệp định ấy, mặc dầu ngay việc ngưng bắn tự nó cũng đã đổ vỡ do sự vi phạm của Thiệu, và mặc dầu, chẳng cách gì chúng ta có thể hoàn tất được điều khoản VIII (b) là điều khoản liên hệ đến việc tìm kiếm người mất tích trong khi thi hành công tác. Bắc Việt cảm thấy hiệp định Ba Lê là một thứ khí cụ pháp lý để đạt viện trợ Hoa Kỳ.
Do đó, hiọ đã nói với tôi, với Harry Summers và bất cứ ai chịu lắng nghe, rằng phái bộ Mỹ nên ở lại Sàigòn, bất kể tình trạng xảy ra cách nào, chúng tôi vẫn sẽ được an toàn.
Tôi gửi các vật dụng sở hữu của tôi ra khỏi xứ chỉ vì tôi cảm thấy tất cả mọi người đang rời đi. Cho đến bốn tuần lễ cuối cùng, chúng tôi mới bắt đầu nghĩ phái bộ Mỹ trong ủy ban liên hợp quân sự có thể sẽ ở lại. Đại tá John Madison liên lạc với Roger Shields, họ nói với ông ta: “Chúng tôi nghe rõ rệt là người ta muốn chúng tôi ở lại. Chúng tôi cần được chỉ thị về việc này.” Chúng tôi được họ bảo sửa soạn mà ở lại. Cho đến tận buổi sáng ngày 29 khi vào toà Đại sứ, chúng tôi vẫn còn nghĩ chúng tôi sẽ ở lại.
Buổi sáng cuối cùng hôm ấy khi rời Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đã có: thuốc men, máy thu thanh, thực phẩm. Chúng tôi có một đoàn ba chiếc xe chất đủ thứ, chúng tôi tuyển mộ cả một tay phụ trách truyền tin ở lại với chúng tôi. Lúc ấy có một khoảng thời gian chừng như các nhà lãnh đạo quốc gia muốn chúng tôi ở lại, và đây là một hành vi tượng trưng chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng lo liệu vụ những người mất tích. Vì thế, giống như những người lính tốt, chúng tôi chuẩn bị thi hành, mặc dầu nói cho ngay cá nhân tôi không lấy gì nồng nhiệt cho lắm về việc ở lại Sàigòn sau khi người Mỹ rút đi. Chúng tôi cười đùa với nhau việc này, chúng tôi nói là chúng tôi sẽ chui vào một căn phòng trong toà đại sứ, khoá cửa lại cầu nguyện để chờ bộ đội Bắc Việt kéo đến. Lại còn phải chuẩn bị đối phó một chuyện nữa, ấy là: Chúng ta đã bỏ rơi những người miền Nam Việt Nam. Họ không lấy gì làm vui lắm về chuyện này đâu.
Khoảng một giờ sáng ngày 28 tháng tư, Đại tá Summer, Đại tá Madison và tôi đến khu hồ tắm tại căn cứ văn phòng Tùy viên Quân sự, nơi chất người lên xe buýt đưa ra máy bay di tản. Tôi định đến văn phòng leo lên ghế dài chợp mắt vài ba giờ. Tôi lái một chiếc xe Land Rover, đi ngang Trạm gác số 2 của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Trạm này ở ngang bên lề đường, sát căn cứ, lúc ấy có hai Hạ sĩ Darwin Judge và Charles McMahon đang ứng trực. Tôi ngừng lại, hỏi: “Mọi việc ra sao, các cậu.” “Tốt thôi, thưa Đại úy.” Cả hai đều mặc áo giáp. Tôi vào văn phòng, ngả lưng một lúc trên cái ghế đệm dài của Đại tá Madison. Trong phòng, có hệ thống vô tuyến truyền thanh để liên lạc với Thủy quân Lục chiến ở toà Đại sứ. Hệ thống này liên hợp tất cả các trạm gác, tôi cho máy chạy. Đến bốn giờ sáng, địch pháo kích. Một quả sang bên kia đường, trúng ngôi nhà của ông tướng. Một quả đúng chỗ hai anh Hạ sĩ Judge và McMahon đứng. Một quả nữa vào khu để xe moóc. Sức công phá của rốc-kết 122 ly thật dữ dội làm rung chuyển cả toà nhà văn phòng Tùy viên Quân sự. Tôi nhớ lá cờ đặt trên bàn làm việc của Đại tá Madison rơi xuống. Lập tức, tôi nghe tiếng la trong máy vô tuyến là khu tập thể dục đã trúng đạn, bị nhiều thiệt hại. Tôi chạy ra khỏi văn phòng. Tôi đến trạm y tế, phá cửa ra. Các Thủy quân Lục chiến tại cao ốc bấy giờ đang ở cả trong công sự trú ẩn nằm phía ngoài cổng bộ chỉ huy văn phòng Tùy viên Quân sự.
Lệnh báo động vẫn còn. Tôi la lớn: “Ở đây có ai phụ trách cứu thương không?” “Thưa, có tôi.” Tôi bảo người lính Thủy quân Lục chiến chỗ để thuốc, tôi bảo anh ta lấy một chiếc xe chạy ra khu tập thể dục. Trước đấy tôi đã thấy khoảng bốn trăm người trong khu này. Tôi nghĩ nếu quả rốc-kết đánh trúng khu này thì thật lôi thôi.
Rồi tôi chạy đến cổng gác số hai. Chiếc xe cứu thương đang đậu ở đấy, viên Trung sĩ Kevin Maloney đang đứng đấy, rồi chiếc xe cứu thương trở bánh chạy đi. Còn Maloney vẫn đứng như trời trồng. Hắn đứng thẳng đuỗn người. Tôi hỏi: “Anh làm gì vậy?” Hắn đáp: “Trình diện Đại úy, tôi Trung sĩ Maloney, Tiểu đội Trưởng Cảm tử. Tôi đang canh gác vị trí. Hai người của tôi đã tử thương.” Hắn vừa dứt, thì một quả rốc-kết phóng đến nổ tàn bạo bên kia đường. Đây thực là một thứ vũ khí khủng khiếp. Cả hai chúng tôi nhảy ùm vào một đường rãnh. Tôi nói: “Bạn già Maloney ơi. Nếu muốn canh gác thì chỗ này tốt hơn. Nằm chỗ này mà canh.”
Đúng lúc quả rốc-kết 122 ly bắn đến, đại liên bắt đầu khạc đạn. Toàn thứ dữ, loại một trăm ba mươi ly. Đạn bay phía dưới đường, bên kia đường. Nhìn lửa cũng có thể biết một loạt ngắn đã rơi xuống ngay bên kia đường, trước mặt chúng tôi. Gần đến phát khiếp. Miểng đạn văng ra, đụng mấy sợi xích cánh cổng kêu rổn rảng ngay phía sau chúng tôi.
Tôi không có mũ sắt, chỉ đội mũ vải. Cái mũ sắt đã để trong khu Cư xá Sĩ quan độc thân. Tôi bò đến lượm một cái mũ sắt nằm lăn lóc trên mặt đất, đội vào đầu, rồi bò về lại chỗ Maloney. Lúc ấy họa có khùng mới đứng dậy. Tôi cứ nằm đấy, chờ dịp bò ra. Trong không khí nặng nề của lệnh báo động và những loạt đạn rơi, chẳng ai dại đánh bạc với tính mệnh để đứng dậy đi quanh. Cho nên chúng tôi nằm phục ở đấy. Đây sẽ là vị trí canh gác của Maloney, khi nào hoàn hồn, hắn sẽ ngồi đấy mà canh. Lửa phụt từ phía bên kia đường, chỗ dốc Tân Sơn Nhứt. Có nhiều tiếng phát nổ. Maloney chợt thấy bóng người băng ngang đường chỉ cách chúng tôi năm mươi, sáu mươi bộ Anh về phía trái. Hắn nhắm mũi súng, dù không biết đấy là ai. Chúng tôi nhảy vọt ra. Hắn cầm khẩu M- 16, tôi cầm khẩu 45, chặn họ lại. Hoá ra là hai an ninh người Việt làm cho một hãng thầu Mỹ. Maloney bắt họ dừng. Tôi nhận ra họ. Họ nói tiếng Việt bảo tôi họ phải chạy ra vì đạn bắn rất chính xác, ở đây nguy hiểm quá.
Một vài chiếc máy bay cất cánh trong lúc vẫn còn lệnh báo động, ít nhất có một chiếc AC-119 bay lên. Rồi một chiếc thám thính cơ cũng bay lên. cả hai đều bị hoả tiễn tầm nhiệt bắn hạ. Hàng ngàn người chứng kiến việc ấy.
Tôi nhớ còn có một chiếc Hueys của hãng Air America bay lởn vởn, nhưng tôi nhớ chắc chắn một chiếc AC-119 và một chiếc máy bay bà già L-19 đã cất cánh, cả hai đều bị bắn hạ trong tầm chứng kiến của cả thành phố Sàigòn.
Chúng tôi về nằm lại chỗ đường rãnh một lúc. Bấy giờ trời bắt đầu hửng sáng. Maloney và tôi ngồi dậy – Lệnh báo động đã rút. Chúng tôi đi quanh. Chúng tôi tìm thấy mảnh vụn các tử thi rơi vung vãi. Một chiếc giầy bốt còn nguyên bàn chân bên trong. Một phần của khẩu M- 16 với cò súng và cơ bẩm còn nguyên danh số nhờ đó sẽ xác định được của ai. Vài miếng thịt da người văng lên, mắc vào sợi giây xích sắt móc trên cổng ra vào.
Sau đó tôi tìm ra là loạt đạn đại liên đã rơi ngay vào sân đánh banh tay của văn phòng Tùy viên Quân sự. Những bức tường gỗ của sân banh găm đầy miểng đạn. Tôi nghĩ chỉ có một, hai người bị thương nhẹ, thế thôi. Mấy vòng bắn tạo ra sợ hãi hơn là thiệt hại. Còn Hạ sĩ Judge và Hạ sĩ McMahon chẳng may đã đứng ở một chỗ xui vào một lúc xui.
Tôi mang khẩu M-16 vào trung tâm chỉ huy đưa cho Đại tá Thủy quân Lục chiến Slade, đụng đầu Joan là vợ của tướng Homer Smith khi bước vào. Bà ấy thét lên khi thấy tôi. Tôi chẳng hiểu tại sao bà ấy thét dữ dội thế, tay cứ chỉ vào tôi.
Tôi dở cái mũ sắt khỏi đầu. Cái mũ sắt tím bầm máu. Tôi vào phòng vệ sinh, cạo rửa lớp máu, thấy một cái lỗ to tướng ngay trên thành mũ. Giống như có ai đã dùng dao mở hộp mà khoét một cái lỗ trên ấy.
Đó là cái mũ sắt của Hạ sĩ Judge mà tôi nhặt được và đã đội lên đầu. Sau đó tôi đội cái mũ này trong suốt cuộc di tản. Tôi đội cái mũ ấy ở Bangkok. Rồi tôi gửi cái mũ sang Mỹ kèm lá thư kể rõ lai lịch cho Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ. Tôi nói tôi cảm thấy họ phải giữ cái mũ này, cái mũ có viết tên Hạ sĩ Judge với một cái lỗ to tướng trong ấy. Tôi gửi cho Thủy quân Lục chiến để đưa vào viện bảo tàng của họ, nhưng không bao giờ nhận, một chữ hồi âm. Tôi nghi có thằng chó đẻ nào đã xoáy mất cái mũ này. Đáng lẽ, tôi cứ giữ lấy cái mũ thì hơn. Tôi đã định gửi cái mũ cho gia đình người lính trẻ, nhưng tôi suy ngẫm, tự bảo: “Đừng làm thế, Herrington ạ. Làm thế hơi quá. Có những người bố muốn giữ cái mũ của con, nhưng có những người bố không thể chịu đựng nổi. Hãy để yên cho các đại diện tang ma của Thủy quân Lục chiến đến mà chia buồn với gia đình nạn nhân.”
Vào Trung tâm Chỉ huy, tôi lấy một tấm bản đồ – bởi vì không phải tôi cứ nằm phưỡn mà chơi. Tôi cố tính toán xem đạn bắn đến từ hướng nào. Tôi vẽ mũi tên chỉ hướng đạn bay tới, tìm cách định điểm vị trí đặt súng. Tôi tính toán đầy đủ, để sẵn trong trung tâm ngõ hầu có ai cần phản ứng gì, hoặc dội ít quả bom xuống bọn chúng chăng. Rồi người ta bảo là Đại tá Madison và Đại tá Harry Summers đang kiếm tôi, chúng tôi được lệnh phải làm báo cáo cho toà Đại sứ.
Tôi liên lạc với Đại tá Madison và Đại tá Harry Summers lúc bảy giờ sáng. Chúng tôi ăn điểm tâm trong văn phòng Đại tá Madison. Bữa ăn do tôi nấu. Vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào mới được ăn bữa kế, nên với cả đống đồ ăn ở đây, chúng tôi ăn thả dàn. Tôi chiên trứng với thịt heo muối, khui một chai sâm banh, nghe thật tởm, nhưng tôi nhớ tôi đã làm như thế. Ăn nhậu kiểu này, coi như sẵn sàng chấp nhận mọi tai ương của số mệnh, mà hỏi “Tốt lấm, cái gì bây giờ đây?” Thật hiển nhiên chung cuộc đã gần kề. Chúng tôi lai rai một lúc, giữ liên lạc với toà Đại sứ cho đến khi được lệnh lên đấy.
Lái xe đi, chúng tôi sẵn sàng một chuyến sôi nổi, vì lúc ấy mọi con đường đều dẫn đến Tân Sơn Nhứt. Khắp nơi, lũ lượt người Việt tỵ nạn kéo đến Tân Sơn Nhứt, người Mỹ nào thò mặt ra đường trong bối cảnh này đương nhiên phải chấp nhận mọi rủi ro rắc rối thôi. Vì thế, chúng tôi phải đi hai, ba xe. Tôi lái chiếc Land Rover. Madison và Summers đi chiếc Ford đen – cho xe ra cổng, chúng tôi bảo: “Phải đi sát nhau. Lạy Chúa. Cầu cho chúng ta đi đến nơi về đến chốn!”
Bấy giờ đường phố đang hỗn loạn, rất dễ trở thành nạn nhân của lính Việt Nam Cộng Hoà. Họ đang bất bình. Cái ấy mới đáng lo, chứ chúng tôi không nghĩ gì đến lính Bắc Việt. Vừa ra cổng đã thấy có chuyện lộn xộn, tôi phải quành xe ra rìa đường, leo qua rãnh mà tránh đám chướng ngại. Tôi không còn nhớ có chuyện quỷ quái gì xảy ra, nhưng tôi nhớ đã phải chạy trước với chiếc Land Rover như vậy. Tôi nhìn gương chiếu hậu, van vái cho Madison và Summers cùng qua được. Và họ cũng vọt qua được. Trên đường đến toà Đại sứ chúng tôi nhìn thấy những đám đông chạy quanh như cơn lốc, mọi thứ xảy ra đều có một vẻ rất là bất định. Sau lưng chúng tôi, những cột khói bốc lên từ Tân Sơn Nhứt. Tôi cảm thấy nhẹ người khi thoát được khỏi cổng Tân Sơn Nhứt, bởi sau đó sẽ còn nhiều chuyện xảy ra đến rợn tóc.
Chúng tôi lái xe chạy đến toà Đại sứ. Trong toà Đại sứ, có một trung úy Thủy quân Lục chiến phụ trách máy truyền tin đứng trên sân thượng gọi chuồn chuồn vào. Cha này trượt chân khỏi bãi đáp trực thăng, rơi lộn cổ từ sân thượng toà Đại sứ xuống mái nhà cách khoảng 15 bộ Anh, cấm đầu xuống, phải chở hắn ra ngoài hạm đội chữa trị. Lúc ấy, thỉnh thoảng mới có trực thăng bay vào, rất rời rạc, chúng tôi không biết tại sao. Máy truyền tin của lính Thủy quân Lục chiến không được tốt để liên lạc với văn phòng Tùy viên Quân sự. Họ có thể nói chuyện với trực thăng, nhưng không gọi vào văn phòng Quân sự được.
Khi chúng tôi biết như thế thì trời đã tối. Chúng tôi đều sửng sốt. Đại tá Madison bảo: “Lạy Chúa tôi. Đây là một chuyện ngu xuẩn nhất mà tôi chưa hề được biết.” Vì vậy tôi vào, tóm một cha, tôi hỏi: “Này, lôi thôi quá. Bạn biết tần số của Trung tâm Điều hành Di tản tại Tân Sơn Nhứt không?” Hắn cho biết, tôi bèn đi ra cái xe thùng trong đó có máy vô tuyến. Tôi lôi máy ra, gắn một cây ăng-ten dài, sử dụng tín hiệu của Thủy quân Lục chiến tại toà Đại sứ mà gọi vào văn phòng Tùy viên Quân sự.
Hóa ra mấy cha bên văn phòng không biết chuyện gì đang diễn ra bên toà Đại sứ cả. Khi họ nghe tiếng gọi trong đêm, có một người đến trả lời máy. Tôi bèn hỏi: “Chuyện gì vậy? Chúng tôi đợi mãi sao không thấy trực thăng đến?” Hắn bảo: “Tình trạng ở đấy ra sao?” Tôi đáp: “Tình trạng ở đây là có vài ngàn người đang đợi trực thăng. Trực thăng đâu?” Hắn bảo tôi đợi.
Thế đấy, chúng tôi chỉ cách nhau có năm dặm Anh mà lại không có phương tiện truyền thông. Lúc ấy khoảng tám giờ đêm 29 tháng tư. Sau đó, chúng tôi biết việc di tản ở văn phòng Tùy viên Quân sự tiến hành nhanh chóng, không trở ngại gì nhiều, và việc di tản đã được dành ưu tiên cho nơi này. Chừng nửa đêm sau khi công tác tại đấy hoàn tất, ưu tiên của chuồn chuồn sẽ chuyển sang chúng tôi. Chúng tôi chỉ cần bình tĩnh đợi thôi.
Nhưng khoảng nửa đêm, gần như tất cả các chuyến bay tại toà Đại sứ đều ngưng. Nếu biết trước như thế, chúng tôi đã có thể sắp xếp. Sắp xếp, nghĩa là chúng tôi đã có thể nói cho mọi người được biết. Vì tình trạng như thế làm người ta tưởng chúng ta đã bỏ rơi họ, nên chúng tôi phải vất vả đương đầu với những người này. Họ rất sợ bị bỏ rơi. Chúng tôi cứ phải đi quanh nói với mọi người rằng: “Đã có lời hứa tất cả chúng ta sẽ ra đi – Trực thăng sẽ đến. Đừng lo, cuộc di tản chưa chấm dứt. Ngoài ra, tôi vẫn còn đang ở đây với quý vị, chính phủ tôi chắc chắn sẽ không bỏ rơi tôi. Hãy bình tĩnh. Chừng nào tôi còn đây thì tôi sẽ đi chuyến chót sau khi tất cả quý vị đã ra đi. Vậy xin hãy cộng tác với chúng tôi bằng cách trở lại hàng cho ngay ngắn, đứng vào với gia đình, đừng xô đẩy, chen lấn nữa.”
Bấy giờ rất tối. Nhiều lộn xộn xảy ra. Người ta chen khủng khiếp, đến độ kinh hoàng. Một thông dịch viên người Việt trẻ tuổi chạy đến thầm thì vào tai tôi, nói mấy người xô đẩy đó là đám người Đại Hàn. Họ không hiểu chúng tôi nói gì, nên cứ xô đẩy chen lấn. Vì vậy tôi cầm cái loa nói bằng tiếng Anh hỏi xem có sĩ quan Đại Hàn nào ở đấy không. Một sĩ quan Hải quân Đại Hàn, tùy viên Đại sứ Đại Hàn, cùng vợ tiến đến. Tôi nói: “Ông phải giúp chúng tôi điều khiển người của các ông.”
Họ có chừng bốn mươi, năm mươi người đàn ông đàn bà, nhân viên toà Đại sứ Đại Hàn. Ông Đại sứ, bí thư, các Tùy viên Quân sự, Tùy viên Hải quân, cùng với gia đình họ đều có đấy. Đầy đủ cả mà chúng tôi không biết.
Ông Đại sứ Đại Hàn, bí thư Đại sứ, các Tùy viên Quân sự sau cùng đều đi được, nhưng họ đã cố quyết mang vào trực thăng những chiếc vali của họ, nên tôi phải bắt bỏ lại. Chúng tôi đã bảo mọi người không được mang theo vali. “Xem lại vali của quý vị, lấy ra những gì quý giá: thư từ, giấy tờ…đem theo. Nhưng vali không được phép mang đi. Trực thăng chỉ chở người, không chở hành lý.” Tất cả những người Việt Nam đều tỏ vẻ chịu đựng tuân hành. Chúng tôi bảo mọi người là họ có thể mang theo mấy cái xách tay nhỏ, hay cặp giấy nhỏ, thì được. Bấy giờ tôi kiểm soát lối vào trực thăng, nên khi một người Đại Hàn tiến đến với một cái vali, tôi giật vali khỏi tay hắn, ném vào mấy bụi cây. Một cha thứ hai lại cố làm như vậy, tôi lại giật cái vali, ném vào bụi. Người thứ ba là một phụ nữ, kéo lê một cái vali nữa, tôi giật lấy khỏi tay, lại ném vào bụi cây. Cô ta rú như tử thần, bò lăn lộn, nhào ra lấy lại cái vali, cố đưa vào trực thăng lần nữa. Tôi giật khỏi tay cô ta lần thứ hai, ném cái vali bảo cô vào trực thăng mau. Cô ta lại chạy trở ra, nhặt cái vali. Cô ta bíu chắc lấy cái quai xách, nhất định không buông. Cuối cùng, tôi lấy khẩu M-16 dộng báng súng vào cánh tay cô ta khoảng ba lần, tôi hét lên những câu không thể in ra đây được, cho đến khi cô ta la thét lên vì đau mà buông cái vali ra. Tôi nhấc bổng cô ta, ném vào trực thăng, chiếc trực thăng bay đi. Cái trực thăng này là chuyến cuối cùng chở thường dân. Sau này tôi được biết đó là thư ký riêng của Đại sứ Đại Hàn. Cô ta bị bầm khắp cánh tay. Sau này Đại tá Harry Summers cũng có nói với một sĩ quan Đại Hàn rằng: “Anh nên giải thích cho cô ấy biết nếu Đại úy Herrington không nhét cô ấy vào trực thăng thì giờ này có thể cô ấy đang nằm tù ở Hà Nội. Ông ta đã cho cô ấy đi. Nếu ông ta để cô ấy ở lại với cái vali thì giờ này cô ấy vẫn còn ở đấy với cái vali.” Chiếc vali đựng vàng và nữ trang. Nó nặng phát khiếp. Hiển nhiên, nó đựng tất cả những gì quý giá thu nhặt của tất cả những người Đại Hàn. Đại tá Harry bảo người sĩ quan này hãy thuyết phục cô ta rằng cô đừng phiền trách gì tôi, bởi chính tôi đã cứu cái mạng còm của cô ta.
Một hai tuần lễ trước khi xứ này sụp đổ, tôi lấy làm ngờ về việc cá nhân tôi có thể ra đi trong vòng danh dự. Tôi hết sức lo lắng, tôi nói với ông bà già của tôi rằng với cách giải quyết tình hình đã xảy ra từ nhiều năm qua, thì chẳng lý do gì để mong đợi một sự đối phó mã thượng vào giây phút cuối. Tôi lo lắng cực độ rằng chúng tôi sẽ bỏ rơi người của chúng tôi, các nhân viên chúng tôi, gia đình họ, các bạn hữu của tôi. Là một người Mỹ, mặc dầu chính tôi đang phụ trách việc di tản tất cả những người Việt có lý do chính đáng ra đi, tôi thực lo sợ vào phút chót, có thể người ta sẽ bảo “Hãy cứu lấy người Mỹ, quên mẹ nó những bọn khác đi.” Tôi lo lắng việc ấy ngay từ đầu. Không có bao nhiêu người Mỹ quan tâm về những người Việt trong cái bối cảnh ấy, nhưng có tôi, có Đại tá Madison, Đại tá Harry Summers đã lo lắng về họ.
Nhưng đêm hôm đó tại toà Đại sứ, trực thăng bay rất nhanh, chỉ kịp đủ thì giờ cho chúng tôi quẳng người vào. Khoảng đâu chừng từ nửa đêm đến ba giờ sáng (ba giờ rưỡi là chuyến chót bay vào), Đại tá Madison đã phát biểu nhiều câu rất nặng với Wolf Lehman, Phó Đại sứ, người thực sự phụ trách công việc. Theo quan niệm của tôi và của rất nhiều người khác, Đại sứ Martin đã đau yếu trầm trọng vào cái bối cảnh của cuộc chơi này. Ông có ra ngoài, tự xem xét công việc với một vệ sĩ, nhưng ông run lẩy bẩy, cho nên người có thẩm quyền để chúng tôi liên lạc chính là Wolf Lehman. Lehman rất điềm tĩnh, ông ta lạnh như tiền. Ông ta bước ra, nói: “Quý ông biết là phải tranh thủ gấp, sắp hết giờ, Hoa Thịnh Đốn mất kiên nhẫn rồi.” Madison bảo: “Chúng tôi đã đếm đầu, còn lại 420 người ở đây, chúng tôi còn cần vài chiếc trực thăng nữa.” Và Lehman nói: “Được, ông sẽ có những gì ông cần.” Cho đến lúc đó, chúng tôi đã tuyệt đối kiểm soát tình thế. Chúng tôi đã cho người tỵ nạn đứng thành nhóm, chỉ còn sẵn sàng đẩy họ vào mấy chiếc chuồn chuồn. Suốt đêm đó khi chuồn chuồn bay vào, chúng tôi đặt sẵn từng nhóm, chỗ này 50 người, chỗ kia 50 người. Nếu là chuồn chuồn lớn, chiếc CH- 53 đến thì chúng tôi đẩy cả nhóm vào. Nếu là chuồn chuồn nhỏ, chiếc CH-46, thì một nửa nhóm vào. Lúc Lehman ra kiểm điểm tình hình, Madison báo cáo với ông ta còn lại bao nhiều người, còn cần bao nhiêu trực thăng, thì Lehman nói: “Được, tôi sẽ thu xếp,” chính đến lúc đó, mọi việc đổ vỡ.
Cầu thang lên nóc thượng toà Đại sứ chen chúc người. Vì nếu chỉ dùng bãi đáp tại khu đậu xe không đủ, nên phải dùng cả sân thượng cho chuồn chuồn đậu. Chúng tôi đã nhồi vào cầu thang mấy trăm người Việt giống như bóp ống kem đánh răng. Họ sẽ đi bằng trực thăng CH-46 trên nóc thượng. Người ta từng bảo sân thượng này không chịu đựng nổi sức nặng của chiếc CH-46, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải dùng.
Rồi người ta bảo chúng tôi là chỉ còn sử dụng một bãi đáp thôi, hãy mang hết người Việt trong cầu thang, đẩy họ ra, để tất cả mọi người ở ngoài. Lehman lại bước đến bảo Madison: “Tôi nghĩ sắp dứt điểm rồi.” Madison nói: “Sao được, hãy còn 420 người nữa, việc này chắc chắn làm được, chúng ta đã cam kết với họ.” Madison khá cứng rắn việc ấy. Lehman trả lời: “Được, tôi sẽ sắp đặt chuyện này.”
Cho nên khi Lehman bước khỏi bãi đậu xe thì Madison tưởng chúng tôi đã nhận được lời bảo đảm của người điều khiển chương trình là sẽ lo liệu cho tất cả mọi người ra đi. Nên ông bảo tôi đi loan báo cho tất cả mọi người được biết. Do đó tôi đã thi hành.
Tôi nói với họ bằng tiếng Việt: “Không ai se bi bo lai! Dung lo!” (Không ai sẽ bị bỏ lại, đừng lo!) Tôi nhắc đi nhắc lại như thế nhiều lần. Chính tôi cũng đã tin như thế. Madison đã tin như thế. Summers đã tin như thế. Rồi đột nhiên không còn chuồn chuồn nữa.
Kean bước đến gần Madison, tôi thấy họ nói chuyện với nhau một cách trầm trọng. Bấy giờ tối trời, nhưng có đèn pha và đèn xe hơi rọi. Madison cãi với Kean, ông ta bảo: “Phải có mấy cái trực thăng mà họ đã hứa với tôi, nếu không tôi sẽ trình chuyện này lên ông Đại sứ.” Kean nói với Madison rằng: “Đây là lệnh Tổng thống, tôi không thể cho lính của tôi chịu thêm hiểm nghèo ở đây nữa.” Madison bảo: “Được, nếu cần hãy để tôi trình Đại sứ.” Kean nói: “Ông không trình được nữa đâu. Đại sứ đã đi rồi.” Kean chỉ tay lên chiếc CH-46 vừa cất cánh khỏi nóc sân thượng, chiếc máy bay mang số 09 do phi công Gerry Berry lái. Bấy giờ là lúc 4 giờ 47 phút sáng.
Madison ngẩn người. Ông gọi Harry Summers và tôi lại bàn tán “Cứt thiệt – Chúng ta làm gì bây giờ.” Madison nói: “Thủy quân Lục chiến đang rút. Đây là lệnh Tổng thống. Chúng ta là bọn thua cuộc rồi.”
Và Madison bắt buộc phải ra một cái lệnh cứng rắn. Ông ta nói với tôi: “Stu Herrington, anh ra đứng với mấy người Việt Nam. Hãy cho Harry và tôi đủ thì giờ thu xếp rồi lên sân thượng. Xong, anh lên nóc thượng.” Bấy giờ hãy còn lính Thủy quân Lục chiến ở ngoài, trên bức tường. Những người Việt còn lại, 420 người lúc ấy tất cả đều ở trong bãi đậu xe. Họ ngồi thành hàng. Những hàng này sắp ngay sau những chiếc xe mở máy, đèn pha đều bật sáng. Tôi ra ngồi trên thành một chiếc xe với một cái máy truyền tin. Vào thời điểm này, không có gì để nói trong máy cả, vì lẽ khi đóng toà Đại sứ lúc nửa đêm, người ta đã phá hủy toàn bộ hệ thống truyền tin rồi. Cái máy truyền tin chẳng là gì, nhưng tôi chỉ làm bộ như tôi đang liên lạc với trực thăng mà thôi. Tôi bảo những người Việt: “Đừng lo lắng gì cả, sẽ có một cái trực thăng to lắm đến đây, rồi tất cả chúng ta sẽ ra đi.” Đó là một điều khó nói, bởi lúc ấy tôi đã biết rõ, như vậy tức là tôi đã lừa bịp người ta.
Tôi cứ ngồi đấy như thế đến 15 phút, có lúc đã định buột mồm bảo “Thây kệ” và tôi tự tranh cãi với mình về dự định tự đem tôi ra làm con tin mà bảo “Đem thêm trực thăng vào đây, không thì tôi không đi.” Và rồi tôi nhận ra lính Thủy quân Lục chiến đang ra đi, người ta sẽ không bao giờ đưa trực thăng đáp xuống vùng không an toàn, như thế tôi sẽ bị cầm tù, và rồi sẽ hồi hương. Đường binh nghiệp của tôi sẽ tàn vì bất tuân lệnh Tổng thống, rồi tôi nhận ra hiển nhiên mặc cho tôi có buồn đau về việc này thế nào chăng nữa, tôi cũng không thể đưa họ đi được. “Đừng có khùng, anh không thể đưa những người này đi nổi. Anh có vợ con, có một sự nghiệp trong quân đội. Anh sẽ không đưa họ đi làm gì. Như thế tốt lành gì cho anh? Anh chẳng đạt được gì cả.” Tất cả những ý nghĩ ấy cứ thế chạy qua trong đầu tôi.
Trong đám người lúc ấy, nhiều gia đình có trẻ con. Tôi còn nhớ rất rõ những người lính cứu hỏa Việt Nam mặc áo choàng mầu vàng trong đám người này. Tôi sẽ không bao giờ quên những người lính cứu hỏa ấy. Tôi nhớ họ, vì trước đấy tôi đã hỏi họ có muốn đi chưa, nhưng họ đều nói “Chưa đâu, chúng tôi còn phải ở lại, lỡ có chiếc trực thăng nào trục trặc gì thì chúng tôi mới biết sử dụng các khí cụ mà cứu chữa.” Gia đình họ đi trước để họ rảnh tay làm việc. Vì thế tôi đã đưa hết gia đình họ lên một chiếc chuồn chuồn vào lúc giữa trưa.
Trong lúc tôi đứng đấy thì một chiếc chuồn chuồn đến, đáp xuống sân thượng rồi cất cánh. Madison không dặn tôi nên đứng đấy bao lâu. Tôi nghĩ “Chà, không chừng mình phải nên ở trên cái máy bay này.” Lúc ấy rất tối, tôi cố nhìn xem có ai ra hiệu gì không. Liệu tôi có thể thấy họ ở trên nóc thượng không? Cuối cùng sau 15, 20 phút, trong lúc làm bộ như đang gọi máy nói chuyện với một cái trực thăng, tôi nhìn người Việt Nam ngồi gần nhất mà nói: “Tôi phải đi tè một cái nhé.” Người ấy cười, tôi lẻn vào bụi rậm với điệu bộ như sắp đi tiểu.
Chỗ ấy có một căn nhà và một hàng rào cây chung quanh. Tôi bước vào hàng rào, luồn quanh căn nhà, khuất khỏi tầm mắt họ, tôi đi vào cổng hậu toà Đại sứ. Trước đó, lúc ban ngày, có một tấm bảng kỷ niệm, một chút lịch sử mà tôi có nhiệm vụ phải lấy mang đi. Tôi đã tìm gặp một ông Hải quân hồi hưu, kỹ sư Toà Đại sứ, ông này kiếm được một cái xà beng, hai chúng tôi đã cố nậy tấm bảng ra. Tấm bảng rất lớn, rất nặng. Chúng tôi đặt tấm bảng lên sàn nhà, ngay phía trong cửa, dựng bên chân tường. Khi ra đi tôi sẽ phải lấy tấm bảng này mang theo.
Tấm bảng khắc hàng chữ “Để tưởng niệm những người Mỹ can đảm đã bảo vệ toà Đại sứ này trong trận tổng công kích Tết 1968.” Và ghi tên những người quân cảnh, những người lính Không vận, những người Thủy quân Lục chiến đã chết. Có năm người đã chết, tên họ ở trong tấm bảng ấy. Tôi đã nghĩ tôi không nên bỏ lại tấm bảng. Nhưng khi đi ngang phòng khách, nơi để tấm bảng, tôi đang buồn phiền tức giận về lệnh di tản. Tôi nghĩ “sau khi mấy ông này đã chiến đấu và bỏ mình ngay tại chỗ tôi đang đứng đây, họ đã chết để bảo vệ cái toà Đại sứ này, mà bây giờ tôi lại chạy đám Cộng sản ngoài ngưỡng cửa thành phố, bỏ rơi tất cả những người ngoài kia, thì chắc là họ phải lăn lộn ở dưới mồ.” Rồi tôi tự bảo: “kệ xác cái tấm bảng này”, tôi bỏ nó lại đấy.
Tôi chạy lên tầng thứ hai. Tôi vào hành lang văn phòng Đại sứ – Hành lang trống rỗng. Tôi chạy thêm bốn, năm bước nữa, nhòm vào văn phòng Đại sứ. Mọi thứ vẫn ngăn nắp như ông Đại sứ sắp sửa triệu tập một buổi họp. Tôi chạy trở lại cầu thang, soát xét thử văn phòng Quân vụ xem còn thứ gì của chúng tôi không. Tất cả đã như biến mất hết. Tôi chạy lên sân thượng thấy Trung sĩ Xạ thủ Pace và Bill Bell ở đấy. Madison, Summers và Bill Herron đã đi cả rồi.
Bell, Pace và tôi nhảy vào chiếc CH-46. Bell mệt lử, hắn bỏ lên thành cầu mà vào máy bay. Từ trong bóng tối, thêm một lính Thủy quân Lục chiến nữa chạy đến. Như vậy chiếc trực thăng cất cánh chỉ chở có bốn người. Bốn người Mỹ thôi! Chuyện ấy thật tởm. Cái trực thăng này ít nhất còn có thể chở thêm bốn mươi lăm người nữa. Tôi nhìn lui, thấy đám người chờ bên dưới, thấy đèn đường Sàigòn và ngôi toà Đại sứ. Trong trực thăng mọi người im lìm như chết.
Tất nhiên tôi cảm thấy tởm đến phát bịnh. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi thấy tệ hại như lúc bỏ rơi những người ấy mà chạy. Sau khi chuồn chuồn cất cánh, đến một cao độ nào đó, họ đóng cánh cửa hầm sau lại. Tôi nhớ khi bốc lên, nó nghiêng sang một bên, tôi nhìn thấy toà Đại sứ, bãi đậu xe, những ngọn đèn đường. Và nỗi yên lặng. Đường phố im lìm, không xe cộ, không đám đông, không có gì cả. Trông như lệnh giới nghiêm đang được tuân hành.
Khi chúng tôi đến tàu U.S.S. Okinawa thì Madison đã gặp Jim Bolton. Tôi thấy Jim Bolton, nhưng tôi không tò mò nghe câu chuyện riêng giữa anh ta và Madison. Sau đó Summers và Madison bảo tôi là họ đã nói chuyện với Bolton. Tất cả chúng tôi đều giận phát điên. Chúng tôi tức tối vì trong nhóm chúng tôi, tất cả đều đã bị bức bách phải phản bội những người Việt Nam. Chúng tôi đã phải nói dối người Việt, mặc dầu đó không phải là chủ tâm chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ rơi những con người đáng thương ấy ở lại. Không một ai trong chúng tôi không cảm thấy giận ghét chuyện này.
Một gã phóng viên của tờ Cleveland Press ở trên tàu Okinawa đã phỏng vấn Summers, rồi sau đó phỏng vấn tôi. Summers hỏi gã: “Anh có biết anh vừa chứng kiến chuyện gì không?” Gã phóng viên trả lời “Sự sụp đổ của Sàigòn.” Summers nói: “Anh vừa chứng kiến một sự phản bội cực kỳ hạ tiện.”
Gã phóng viên phỏng vấn tôi những gì đã xảy ra ở toà Đại sứ, bởi tôi là người cuối cùng ra đi. Tôi nhớ là tôi không cầm được nước mắt khi gã phỏng vấn tôi. Cứ nghĩ đến việc bỏ rơi những người ấy, khi nói chuyện tôi lại khóc. Tôi xấu hổ hết sức về việc tôi đã bỏ lại những ngưòi ấy.
Sau đó tôi bay sang vịnh Subic, đến Thái Lan. Đến Thái Lan chẳng bao lâu, lại được triệu về Vịnh Subic để gặp một ủy ban thuộc bộ Tham mưu Quân đội có nhiệm vụ điều tra cuộc di tản. Tôi được triệu về đó (Madison và Summers đã được gọi sang Hạ Uy Di, tôi đoán thế) để báo cáo những việc xảy ra vì tôi là người sĩ quan chót ra đi, tôi là chứng nhân cho những biến cố tại toà Đại sứ. Cái bí mật lớn lao nhất chính là ở toà Đại sứ. Họ không có một kế hoạch nào cho những tác vụ di tản lớn từ toà Đại sứ cả. Kế hoạch đã có của toà Đại sứ quá sức đơn giản: tối đa vài trăm người sẽ được chở bằng xe buýt ra Tân Sơn Nhứt, còn lại năm sáu chục người gồm Đại sứ và nhân viên sẽ được bốc đi bằng máy bay Air America từ nóc sân thượng. Phương tiện xe buýt sẽ là một phần của kế hoạch để chở tối đa vài trăm người ra Tân Sơn Nhứt. Thế thôi. Cho nên khi toà Đại sứ trở thành trung tâm điểm của những vụ trực thăng vận lớn, đó chỉ là do hoàn cảnh tình cờ. Và bởi họ đã không hoạch định việc này, nên họ đã không biết cái gì. Hiển nhiên đã không có phương tiện truyền thông giữa toà Đại sứ và văn phòng Tùy viên Quân sự trong nhiều tiếng đồng hồ. Không ai biết một chuyện gì xảy ra ở tòa đại sứ cả.
Cho đến tận giây phút cuối cùng, tất cả những người di tản với tướng Smith, những người ở văn phòng Tùy Viên Quân Sự, những người đã ra tàu, những người ở bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, ở Bộ Tư Lệnh tại Thái Lan, không một ai hay biết chuyện gì xảy ra cả.
Vì lẽ đó, tôi đã bị gọi ra trước ủy ban để thẩm vấn, họ đã thẩm vấn nhiều người bên Thủy Quân Lục Chiến, nhưng cái trở ngại là những người này đã mô tả một hình ảnh tổng quát của chiến dịch di tản ” Frequent Wind” mà thôi.
Tôi không hẵn tin người ta cố ý trình bày sai sự thật, mặc dầu nhiều người từng châm biếm là các Thủy Quân Lục Chiến đã bóp méo sự thật để chứng tỏ họ là những chiến sĩ can trường: Họ là những người đầu tiên đã đến chiến đấu, họ cũng là những người cuối cùng đã chiến đấu trong đơn độc. Tôi không nhất thiết phải tin như vậy, mặc dù có lúc tôi từng cả tin như thế.
Thủy Quân Lục Chiến từ hạm đội được đưa tới tòa Đại Sứ thì ngay từ đầu họ đã nhận tin có 2 người chết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Tất nhiên ai chẳng biết Sài Gòn lúc bấy giờ đang bị bao vây bởi 16 sư đoàn với trọng pháo, tức là chỉ trong vòng có 20 đến 30 cây số. Chẳng có gì bí mật chuyện quân đội Bắc Việt có thể và sẽ vào Sài Gòn. Địch quân đem theo cả hỏa tiễn địa không SAM đi từ miền Bắc dọc đường số 1, đi từ khu vực Khe Sanh xuống, đây là tin do bên tình báo ước đoán. Như thế tất nhiên  khi Thủy Quân Lục Chiến vào Sài Gòn, họ đã biết rõ họ chỉ là một lực lượng rất nhỏ nhoi, có thể bị chụp dưới lửa đạn của toàn thể quân đội miền Bắc Việt Nam. Và rồi xảy ra những chuyện 2 Thủy Quân Lục Chiến tử thương, chuyện bắn rốc -kết, bắn đại liên.
Chúng tôi biết việc quân Bắc Việt tấn công Sài Gòn vào buổi sáng ngày thứ 30. Chúng tôi biết có một đạo quân vào từ hướng Tân Sơn Nhứt. Một đạo quân khác từ phía bắc qua lối Tân Cảng. Và có một gọng kìm của ít nhất 3 đạo quân nữa thọc vào Sài Gòn nhằm tiến chiếm các mục tiêu là Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và Dinh Tổng Thống.
Sự việc quả như thế, nhưng các Thủy Quân Lục Chiến ở vịnh Subic lại tạo ra một ấn tượng rằng chúng tôi đã thoát được trong đường tơ kẽ tóc với lửa đạn dữ dằn để chống lại cuộc di tản.
Các Thủy Quân Lục Chiến tạo ra ấn tượng trong buổi thuyết trình là tình trạng Tòa Đại Sứ nóng bỏng. Tôi ngồi yên suốt buổi thuyết trình ở Subic. Đôi khi lạc lõng. Ba mươi ông Thủy quân Lục chiến ăn nói hùng hồn trong phòng thuyết trình. Ông Tướng Carey cứ ngồi đó mà nghe trình bầy. Phiền quá. Những điều tôi nghe họ nói về toà Đại sứ thiệt không giống gì với những điều tôi đã chứng kiến và trải qua. Tôi bèn viết một mảnh giấy chuyển cho tướng Cleveland, Chủ tịch ủy ban. Tôi nói: “Tôi rất phiền. Tôi sẽ phải đứng dậy để trình bày về tòa Đại sứ, nhưng những gì sẽ nói lại mâu thuẫn hẳn mấy ông Thủy quân Lục chiến này.” Trước giờ nghỉ ăn trưa, Tướng Cleveland bảo: “Tôi biết ông phiền muộn lắm, Đại úy Herrington ạ.” Tôi nói: “Thưa ông vâng. Nếu đó là cái toà Đại sứ như cách họ mô tả thì tôi không còn rõ là tôi đã ở đâu, bởi vì nó không giống những điều họ nói chút nào.” Ông ta bảo: “Tốt, bởi thế mà anh đã ở đây. Tôi muốn anh trình bầy đúng sự thực xảy ra – Có lẽ tốt hơn hết chúng ta sẽ ở lại đây trong giờ ăn trưa và cùng làm việc với nhau.” Tôi đáp: “Thưa vâng”. Do đó tôi đã ở lại trong giờ ăn trưa. Tôi vẽ ngay ngắn một tấm bản đồ khu vực toà Đại sứ, đâu là hồ tắm, đâu là các bức tường, tất cả đầy đủ rồi tôi thuyết trình. Phải bạo phổi mới nói được bài thuyết trình này, vì ngay lập tức, các ông Thủy quân Lục chiến dựng đứng cả lên.
Tôi trình bầy với họ cuộc di tản tại toà Đại sứ diễn ra không có một đối lực nào cản trở. Không có chuyện khói lửa dữ dằn tại toà Đại sứ. Chẳng có súng nhỏ, súng máy, tiểu pháo, đại pháo, chẳng có lửa khói gì sất. Chung cuộc của toà Đại sứ đã diễn ra thật hấp tấp vội vã – điều này chúng tôi không thể hiểu nổi – là tại sao không quét dọn cho sạch sẽ. Mấy ông Thủy quân Lục chiến đã trình bầy rằng cuộc di tản tại toà Đại sứ hoàn tất tốt đẹp, và đây là một thành công cực kỳ vĩ đại. Nếu Kean có ở đây, anh ta sẽ có thể nói thẳng cho mọi người rõ: cuộc di tản ấy chẳng thành công vĩ đại chút nào. Hiển nhiên, mấy ông Thủy quân Lục chiến không hề có mặt tại toà Đại sứ. Họ chỉ thuyết trình theo cái cách họ hiểu chuyện dựa trên lời mấy phi công trực thăng nói với họ qua máy vô tuyến mà thôi.
Tôi chấm dứt bài thuyết trình – Tướng Carey loại riêng ra những gì tôi nói. Tôi bèn bảo: “Thưa, điều duy nhất mà tôi có thể nói là tôi đã thuyết trình dựa trên trí nhớ đã phối kiểm, đã xác nhận của cả một nhóm nhiều người, gồm năm trung sĩ xạ thủ Thủy quân Lục chiến và tôi. Sáu người chúng tôi có lẽ đã có tổng cộng từ hai mươi lăm đến ba mươi năm kinh nghiệm chiến đấu. Nếu quả vụ di tản tại Tòa Đại Sứ bị ngăn trở, thì tại sao chẳng có một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến nào bắn lấy một phát đạn? Cái quy luật đầu tiên của sự dấn thân chiến đấu là bắn trả lại kia mà? Có nhiều người, thí dụ các phi công Thủy Quân Lục Chiến đã nhầm lẫn. Thấy khói bốc ra do việc nhân viên trung ương tình báo sử dụng khí cụ phá hủy hệ thống truyền tin trên mái nhà, họ đinh ninh rằng Tòa Đại Sứ bị tấn công bằng hơi ga, họ gọi máy la hoảng lên. Khói trên nóc Tòa Đại Sứ là khói do việc tiêu hủy tài liệu đã được mô tả thành ra “Tòa Đại Sứ bị cháy”. Lúc ấy nghe bất cứ một tiếng nổ nào quanh Tòa Đại Sứ – nhưng ở tận ngoài Sài Gòn- là lính Thủy Quân Lục Chiến cũng nháo nhào chạy mà kêu thét ầm ĩ “Địch lọt vào bờ tường phía Bắc”, “Địch lọt vào bờ tường phía Nam”. Những chuyện ấy lập đi lập lại suốt đêm, họ cứ chạy từ bờ tường này sang bờ tường kia la hoảng là địch xâm nhập chỗ này, địch xâm nhập chỗ nọ… nhưng thật ra chẳng có chuyện gì. Mấy cậu lính Thủy Quân Lục Chiến non choẹt đã sợ mất hồn vì 2 người bị giết, chỉ bấy nhiêu thôi. Còn chuyện Tòa Đại Sứ đặt trong tình trạng bị tấn công, cuộc di tản ở Tòa Đại Sứ bị đặt trong tình trạng chiến đấu thì KHÔNG!.
Tôi trình bày với lối như thế, và bảo họ rằng có khoảng 420 người bị bỏ rơi tại đấy. Tôi có cảm tưởng các Thuỷ Quân Lục Chiến có mặt không thích bài thuyết trình của tôi chút nào. Tôi tin họ đã nhìn thấy các hình ảnh của vụ di tản ấy chỉ qua lời kể của các phi công, và đã hiểu sai những sự kiện diễn ra trên mặt đất. Cái ấn tượng tổng quát họ vẽ ra là chúng ta khó khăn lắm mới thoát được nơi ấy, xe tăng Bắc Việt đã đến gõ tận cửa rồi. Quý vị đã rõ: Sự việc không xảy ra như thế.
Tôi đã viếng thăm Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Chiến Tranh Việt Nam vài ba lần. Lần đầu tiên đến đấy, tôi cố kiếm tên những người tôi biết ở Việt Nam. Tôi kiếm tên của Judge và McMahon. Tôi không có cảm xúc sâu đậm về Đài Kỷ Niêm này. Không giống những người đã gặp trở ngại trong việc đương đầu với các kinh nghiệm Việt Nam mà Đài Kỷ Niệm này gợi lên cho họ thêm ưu tư phiền muộn, lòng xấu hổ và niềm ân hận, những cái ấy không xảy ra trong tôi. Tôi nghĩ đó là một cái Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong khá trang nghiêm, nhưng nó không gợi lên những cảm xúc nào khác trong tôi nữa cả. Tôi cũng chẳng hào hứng gì về những chuyện kiến trúc của cái Đài này. Nó chỉ là một bức tường.
Tôi không thấy đấy là một ý tưởng kiến trúc kỳ diệu gì, tôi cũng chẳng có gì để phê bình, công kích. Tôi chỉ thấy đó là một bức tường với vô khối tên người, tôi cũng chẳng rõ tại sao người ta phải tranh cãi chuyện ấy. Đối với tôi, đài này là một lời phát biểu, bởi vì khi nhìn thấy năm mươi tám ngàn cái tên của năm mươi tám ngàn con người được khắc vào cùng một chỗ, thì cái ý tưởng được phát biểu ra ấy là sự tàn ác trong việc hy sinh tính mạng con người. Nhưng tôi không gặp vấn đề khó khăn trong việc đương đầu với chuyện này. Mặc dầu bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thời gian ở Việt Nam, và bản thân tôi có rất nhiều lý do để cảm thấy nhờm tởm khủng khiếp về những gì đã xảy ra, nhưng may mắn thay, tôi thuộc vào nhóm đại đa số thầm lặng của những cựu chiến binh Việt Nam đã đương đầu được tình trạng này một cách khá tốt đẹp.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hình ảnh của những cựu chiến binh Việt Nam râu ria lởm chởm, mặc những bộ đồ trận cũ kỹ, khóc than trách móc về những thất bại của cuộc đời họ là do chiến tranh Việt Nam, đây chỉ là một số rất nhỏ của tập thể cựu chiến binh Hoa Kỳ dự trận Việt Nam. Họ không phải là những người đại diện. Những người cựu chiến binh Hoa Kỳ dự trận Việt Nam điển hình là những người đã khá thích nghi lại đời sống bình thường một cách tốt đẹp, họ là những người lứa tuổi bốn mươi thành công trong công ăn việc làm hoặc bất cứ công cuộc nào họ theo đuổi. Tôi không chấp nhận ý niệm rằng những cựu chiến binh của trận địa Việt Nam bình thường là những người quý vị đã thấy: họ tự nhốt mình trong cái cũi nhốt cọp bên đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong để cố thuyết phục mọi người là họ vẫn đang còn sống như những tù nhân. Bản thân tôi đã cứng cáp thêm sau chiến tranh Việt Nam bởi vì cái viễn tượng đã truyền đạt được toàn bộ triết lý của đời sống tôi. Và tôi nghĩ rằng có nhiều người như chúng tôi hơn là những người mặc đồ trận, đội mũ rừng ôm nhau khóc sướt mướt vào những ngày lễ truy điệu chiến sĩ trận vong. Tôi không có ý bảo tôi không có lòng thương cảm những chuyện đó, nhưng tôi rất tiếc mà phải nói rằng: Hình ảnh của tập thể cựu chiến binh trận Việt Nam trước mắt dân chúng Mỹ đã mù mờ và bất chính xác như là chính cuộc chiến tranh xảy ra – Tôi chẳng nên ngạc nhiên gì về việc báo chí truyền thông Mỹ đã bóp méo cái hình ảnh của các cựu chiến binh Việt Nam. Toàn bộ cuộc chiến này, sự thực về cuộc chiến này cũng đã bị họ bóp méo rồi.
CHƯƠNG 8 : BỘ CHỈ HUY HẢI VẬN
HAROLD J. MURPHY
(Thợ mộc, thủy thủ tàu Greenville Victory)
“Chúng tôi là những cứu tinh”
Vào năm 1975 tôi lại nghe biển cả thôi thúc. Tiếng réo gọi của biển đôi lúc vọng về. Ông ạ, nếu ông có thân quyến hoặc bạn bè đi biển, ông sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Tôi đã nghe tiếng biển khơi réo gọi từ khi còn trẻ, cho nên chẳng bao giờ có thể ngừng đi. Có kẻ nào đi biển – khi đã lên đất liền – mà lại không nghĩ đến chuyện trở về với biển đâu?
Cho nên năm ấy, tôi đi Nữu ước. Ở đó, trên chiếc tàu Greenville Victory người ta đang thiếu một chân thợ mộc. Thế đấy. Tôi lại ra khơi trên chiếc tàu Greenville Victory với tư cách là một bác phó mộc. Chúng tôi sang bờ biển miền Tây, đến Port Chicago, chất một chuyến vũ khí
đạn dược, rồi vượt sóng đại dương đến vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng.
Bấy giờ, người Việt Nam không hiểu rõ tình hình đã tệ hại đến mức nào. Tôi chắc chắn như vậy. Chúng tôi cũng không biết trời trăng gì hơn. Nói cho đúng, chúng tôi biết tình hình rất xấu, đất nước này chẳng tồn tại được lâu. Tuy nhiên tôi nghĩ là không có ai biết được việc đổ vỡ đã xảy ra nhanh chóng đến như thế.
Đầu tiên, chúng tôi cho tàu đến Vịnh Cam Ranh, rồi đến Đà Nẵng. Đà Nẵng lúc ấy căng thẳng. Người ta đã cảm thấy được có chuyện sắp xảy ra. Địch quân thường cho người nhái lội đến gài mìn, người ta phải để hàng thùng lựu đạn trên tàu. Cứ khoảng năm mươi bộ Anh lại để một thùng, thỉnh thoảng liệng xuống nước vài trái phòng ngừa.
Chúng tôi đến Thái Lan, chất một mớ hàng quân dụng, rồi quay về Mỹ. Nhưng vừa cập bến, mọi chuyện đã bùng ra. Người ta yêu cầu tàu quay lại Việt Nam. Bấy giờ nhằm ngày chủ nhật, lễ Phục Sinh, khoảng cuối tháng ba, chúng tôi được yêu cầu đi Đà Nẵng. Họ bảo đi giải cứu những người sống sót.
Lúc ấy, chúng tôi đã hiểu những gì đang xảy ra. Hiệp Chủng Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam từ một, hai năm trước. Tôi hiểu người miền Nam Việt Nam đang lôi thôi to. Chúng ta đã gây nhiều tệ hại cho họ, tôi cảm thấy có mặc cảm phạm tội về chuyện này.
Địa điểm đầu tiên tàu vào lần này cũng là Cam Ranh. Chúng tôi bốc người tại bến tàu, nhưng việc bốc người trở nên hỗn loạn nên chúng tôi phải đưa tàu ra ngoài bỏ neo. Tại đây, người ta dùng thuyền nhỏ bơi ra, chúng tôi bốc họ lên. Những người ấy sinh sống trên những con thuyền, ông có hiểu không, nhiều người đã đem theo tất cả của cải. Nhưng tất nhiên làm sao chúng tôi có thể bốc lên tất cả mọi thứ, ngoại trừ người, một ít đồ ăn, và những chiếc xe Honda 50 phân khối be bé của họ. Những chiếc xe này, chúng tôi cho phép họ đem theo, cũng chẳng rõ đã chở đi tất cả bao nhiêu chiếc.
Thôi thì đủ loại người: thường dân, đàn bà, con trẻ, nhà binh, mấy người này hiển nhiên đang tháo chạy, chúng tôi phải cố mọi cách tước khí giới, không thể để cho họ giữ đủ các thứ vũ khí lung tung trên tàu được. Chúng tôi làm việc cật lực, nhưng ông phải có mặt ở đấy mới thấy, tình trạng hết sức hỗn loạn xô bồ. Chúng tôi sử dụng mọi phương tiện bốc họ vào tàu: nào trục từ bên thành tàu, nào câu họ vào bằng lưới bốc hàng. Chúng tôi bốc người như bốc hàng hoá, họ cứ đeo nhau, len lấn mà lên tàu.
Chúng tôi tìm cách tước khí giới họ bằng mọi giá – súng trường, súng lục, lựu đạn, đủ thứ vũ khí chất đầy một phòng, mà vẫn còn sót, không lấy được hết.
Trên chuyến tàu này, chúng tôi chở khoảng mười ngàn con người. Ông nhớ cho, đây là chiếc Victory, dài 500 bộ Anh. Tàu chở đạn trọng tải chín, mười ngàn tấn, với 5 năm khoang chở hàng. Cứ thế chúng tôi nhét họ vào như nhét hàng. Chỗ nào cũng là người. Ngay trên mấy tàu cấp cứu cũng đầy người.
Chúng tôi cố ngăn không cho họ vào khoang chính trong lòng tàu, là khu vực thủy thủ làm việc. Ấy thế mà người ta vẫn tràn vào. Mặt khác, chúng tôi cố lo cho họ đồ ăn thức uống, nhưng số người đông quá sức. Chúng tôi chỉ có thể lo liệu được trong khả năng thôi. Chúng tôi – ít nhất, chính bản thân tôi – đã cảm thấy cần phải chuộc lỗi chút đỉnh với họ về những chuyện tệ hại chúng ta đã gây ra. Đúng thế, chúng ta đã gây nhiều tệ hại cho họ. Đáng lẽ ngay từ đầu, chúng ta đừng nên đến đất nước ấy, có lẽ như thế, nhưng khi đã đến đấy rồi thì cần phải xử sự cho đúng đắn. Nhưng không, chúng ta đã bỏ rơi họ và nói rằng: “Đấy, bây giờ các anh tự làm lấy mọi thứ đi.” Và họ làm sao có khả năng làm chuyện ấy?
Trên tàu không thực phẩm, không nước uống, không cả tiện nghi vệ sinh. Xin ông bỏ lỗi, mười ngàn con người, ông thử tưởng tượng xem? Tàu không có đồ ăn, nhưng họ có mang gạo – với máy lọc nước, tàu chỉ có thể cung cấp chừng mười lăm tấn nước ngọt mỗi ngày, nhưng họ đã dùng đến ba mươi tấn.
Chúng tôi tìm cách bắt vòi rồng, chạy bơm nước cứu hỏa để ít ra người ta có thể tắm gội bằng nước biển, và để chùi dội những thứ họ bài tiết trên khoang tàu. Tình trạng hết sức tệ.
Những khoang chứa có lót ván gỗ để bảo vệ đạn dược, người ta phá vách tháo gỗ ra chụm lửa thổi cơm. Còn nói gì nữa, hỏa hoạn phải xảy ra thôi. Có nhiều vụ cháy chúng tôi bở hơi tai mới dập tắt được. Sau chúng tôi cho cắt đôi các thùng sắt đựng dầu loại 50 ga-lông, chúng tôi cho họ dụng cụ tháo gỗ và chẻ củi cho tử tế, rồi dùng các thùng sắt này làm bếp nấu cơm để tránh xảy ra hỏa hoạn.
Ông ạ, lối vào Vịnh Cam Ranh bao quanh bởi những vách đá cao có đặt đại liên 105 ly. Chúng tôi lo, chẳng biết các họng súng này có nhả đạn vào chúng tôi không. Nhưng may mắn, lúc bốc lên tàu đủ số người có thể chở được rồi, thì một trận mưa gió mù mịt nổi lên. Không ai còn có thể nhìn thấy gì nữa. Chính trận mưa gió mù mịt này đã che chở cho tàu ra khơi.
Bấy giờ hạm đội ở cả bên ngoài. Có lệnh không được vào gần bờ ba mươi hải lý, nên họ ở cả ngoài khơi, nhưng tất nhiên chúng tôi liên lạc với họ bằng vô tuyến để nhận lệnh chỉ huy từ hải quân. Thủy thủ đoàn chúng tôi đều là dân sự, nhưng tàu là của hải quân.
Họ bảo chúng tôi đưa người tỵ nạn đến một hòn đảo, tên là đảo “Phú Quốc,” hòn đảo này nằm ở ngoài khơi giữa biên giới Việt Nam và Cam Bốt. Tôi nhớ hải trình mất đến hai hay ba ngày. Khi đến đảo, chúng tôi thả neo, định cho người xuống, rồi trở lại xem có thể giúp thêm một số người khác chăng. Nhưng họ từ chối không ra khỏi tàu.
Mấy chiếc xuồng đổ bộ đáng lẽ phải ra đưa người vào, nhưng xuồng không thấy ra. Cho nên chúng tôi cứ bỏ neo chờ, chừng đâu một ngày thì phải. Người tỵ nạn trở nên bứt rứt bực bội. Sau cùng, họ đưa một phái đoàn đến tận phòng lái. Về chuyện này, tôi nhớ là vì về sau thuyền trưởng Ray Iacobacci cứ bảo ông ta may mắn lắm mới sống sót. Phái đoàn gồm có một ông cha Công giáo, một số đại diện những người trên tàu. Những đòi hỏi họ đưa ra là chúng tôi phải rời vùng ấy ngay tức khắc. Họ sẽ không lên bờ. Họ bảo, điều thứ nhất, Phú Quốc nguyên là chỗ đi đày, nghe như thế họ đã không thích rồi. Điều thứ hai, lỡ Cộng sản đến, họ mắc kẹt. Chẳng có lối nào thoát ra khỏi đảo, cứ ở đấy thì sẽ trở thành những cái tử thi thôi.
Tiếp theo, họ bảo họ có vũ khí, có chất nổ trong tay – đủ sức phá tung chiếc tàu. Nếu chúng tôi không chịu rời đi ngay, họ sẽ làm đúng y chang những lời họ nói. Họ mang theo một bản đồ hải hành. Chúng tôi hỏi thế họ muốn đi đâu. Họ chỉ “Vũng Tàu.” Đó là một cái cảng ở ngay cửa sông dẫn đến Sàigòn. Trong tình thế ấy, tất nhiên quyết định tối hậu phải là: “Khôn hồn đi quách khỏi nơi đây.”
Phải nói tôi có cảm tình với những người này. Tôi không trách họ, nếu ở hoàn cảnh ấy, tôi cũng làm thế thôi. Cho nên khi thuyền trưởng hỏi: “Phải làm gì bây giờ?” Tôi bảo: “Kệ xác. Nhổ neo đi quách khỏi nơi đây.” Thật giản dị. Tôi nghĩ mọi người đã hiểu rõ những gì họ nói. Ớ góc đảo ấy, lấy đâu ra lối thoát?
Bấy giờ, ông hiểu không, tôi biết họ nói là họ làm. Tôi không ngờ vực gì chuyện họ dọa nổ chìm tàu. Họ sẽ làm đúng điều họ nói. Thế mà, ông hiểu không, suốt lúc ấy tôi không hề cảm thấy một nỗi hiểm nguy nào cho tính mạng tôi cả.
Họ không hề dọa dẫm bất cứ một cá nhân nào trong thủy thủ đoàn. Ô, thưa ông không. Chúng tôi chính là những cứu tinh của họ.
Thế đấy, chúng tôi đã rời đảo Phú Quốc quay lại Vũng Tàu. Tôi quên mất tổng cộng số thời gian ở trên tàu bao lâu, nhưng ít nhất phải năm ngày trời. Năm ngày ròng rã không thức ăn nước uống gì trên tàu cả.
Cập đến Vũng Tàu, sau rốt chúng tôi thả hết được họ xuống. Xuồng đổ bộ chạy ra, đưa tất cả những người trên tàu vào đất liền. Chúng tôi bèn cho tàu ngược dòng sông, đến Sàigòn chùi rửa. Chuyện này thì hết chỗ nói.
Trong suốt tác vụ, chỉ thiệt một nhân mạng. Lúc bốc người từ thuyền vào tàu, một đứa bé rơi xuống biển, giữa khoảng cách của thuyền và tàu, không ngoi lên được nữa. Đó là thiệt hại nhân mạng duy nhất. Tuy nhiên trong thực tế, nhân số lại sinh sôi, bởi lẽ đã có hai đứa trẻ ra đời ở trên tàu.
Khi quốc gia này mất, chúng tôi vẫn còn ở Vũng Tàu. Tại đây, chúng tôi nhìn thấy trực thăng từ toà đại sứ bay qua, chúng tôi hiểu mọi sự đến lúc cáo chung rồi. Lúc ấy, sự rối loạn hỗn độn lại bục ra. Hàng ngàn chiếc tàu: tàu lớn, tàu nhỏ, ghe thuyền đủ thứ đủ loại chạy túa ra. Chúng tôi bốc người lên tàu đa số bằng cách thả lưới bốc hàng. Trước khi rời thuyền, họ đục lỗ ở thùng xăng, châm lửa để Cộng sản không lấy được thuyền của họ. Cả một khu vực trên mặt biển lúc ấy đầy những ghe thuyền tàu bè bốc cháy. Những ghe thuyền này đều là nhà của họ. Thật đáng buồn khi nhìn người ta tự thiêu đốt chính căn nhà của mình.
Với những gì đã xảy ra, với những gì tất cả những con người này phải trải qua, nếu là trường hợp người Mỹ, tôi nghĩ người ta đã hoá điên hết mất thôi. Họ châm lửa đốt nhà cửa của cải. Họ không thể đem đi theo bất cứ một thứ gì.
Tàu chúng tôi lúc ấy chốc chốc phải di chuyển, vì lẽ họ kéo đến đông quá. Với bấy nhiêu ngàn con người, chúng tôi còn có thể làm gì được. Thỉnh thoảng, chúng tôi cho tàu ra chừng một hải lý, rồi lại quay trở vào, cứ thế vài lần. Chúng tôi đánh chìm mất một thuyền tỵ nạn, vì chân vịt của tàu chặt xuống trong lúc lùi. Bấy giờ là một lúc hoàn toàn rối rắm. Chúng tôi tiếp tục bốc và chất người lên tàu trong tình trạng như thế cho đến tối mịt thì đầy. Chúng tôi chở số người ấy nhắm hướng đến Vịnh Subic ở Phi Luật Tân. Chúng tôi không gặp khó khăn nào. Chúng tôi đã cố tịch thu vũ khí càng nhiều càng tốt. Một số vũ khí được giữ lại trên tàu, hàng ngàn món vũ khí khác cứ thế liệng xuống lòng biển.
Vì người ta mong muốn ra đi, nên họ đã hết lòng cộng tác với chúng tôi – Tất cả những người trên tàu làm được gì, họ làm nấy – Bất kể việc gì cần, họ làm, từ bồng bế di chuyển trẻ qua những đường cầu tàu: Vô số trẻ con, trẻ sơ sinh đã phải chuyển dần từ người này qua người khác dọc theo đường từ mũi đến lái.
Toàn bộ thủy thủ đoàn nỗ lực tham dự mọi việc trăm phần trăm. Những việc này, tất nhiên mang nhiều ý nghĩa hơn là việc khiêng vác chuyên chở đạn dược. Những con người này đang gặp hoàn cảnh cực kỳ bi đát khốn cùng. Cuộc sống của họ treo trên chỉ mành, và chúng tôi là tất cả mối hy vọng duy nhất để giúp họ rời khỏi xứ. Trong nhãn quan của người miền Bắc, họ là những cảm tình viên của người Mỹ, họ là những người cộng tác với Mỹ, họ là “Ngụy”. Chúng ta là kẻ thù của Cộng sản, họ là những người đã cộng tác với chúng ta. Điều này đây chính là một bản án tử hình cho họ.
Suốt hải trình đi Subic, không nhân mạng nào mất mát. Chưa kể lại thêm một chú bé ra đời, tăng nhân số người tỵ nạn lên trong chuyến đi.
Chuyến này chúng tôi chuẩn bị chu đáo hơn chuyến trước. Khi ghé Sàigòn, nhiều cơ quan cứu trợ đã tiếp tế lên tàu hàng tấn thực phẩm. Chúng tôi đã chu đáo tổ chức những khu nấu cơm, cung cấp cho họ những cái bếp ba chân để chụm lửa. Chuyến thứ nhất, quả thực chúng tôi không hề rõ những gì sẽ xảy ra. Bấy giờ chỉ biết: Đi, đi xem có thể giải cứu gì một số người tỵ nạn chăng.
Những người tỵ nạn xét ra là những người rất thân thiện. Tương đối so với tất cả những gì đã xảy ra, những gì họ đã phải trải qua, họ là những con người tuyệt diệu – và quá sức là đông. Chỗ nào cũng là – người. Mỗi lần tôi đi từ giữa tàu đến mũi tàu là phải đi ngang đám người đông đảo ấy, họ đều dãn ra hai bên nhường lối cho tôi qua. Mỗi một phân vuông trên tàu đều chen chúc toàn người là người.
Tại Vịnh Subic, một hòn đảo được sử dụng làm khu tạm ngừng – Mọi người đều được đưa đến đảo ấy, tôi đoán mục đích để kiểm chứng tên tuổi, căn cước và thiết lập hồ sơ, nên tất cả đều phải chờ ở đây. Thủy thủ đoàn chúng tôi cũng đều phải ở lại Vịnh Subic một hoặc hai tháng dự phòng trường hợp chúng tôi cần đưa họ sang Guam, là khu vực tạm cư chính. Nhưng sau đó người ta không cần chúng tôi làm công tác ấy nữa. Đa số người tỵ nạn được đưa sang Guam bằng máy bay, nhưng chúng tôi vẫn cứ nán lại suốt thời gian ấy để dự phòng.
Tôi nghĩ chúng tôi đã thi hành công tác này một cách tốt đẹp. Chúng tôi đã đưa đi được mười tám ngàn người. Thật ra, ước chi chúng tôi có thể đưa đi được nhiều hơn nữa.
Sau khi rời Vịnh Subic, tàu chúng tôi vượt biển về Mỹ, đến thành phố Mobile ở tiểu bang Alabama. Tại thành phố này, người ta đã dành cho chúng tôi một cuộc tiếp đón hết sức trọng thể. Thị trưởng và tất cả dân chúng trong thành phố đã ùa ra nghênh đón với ban nhạc kèn đồng, và nhiều thứ tốt đẹp khác, chắc ông cũng biết. Mỗi chúng tôi đều nhận được một tấm giấy, họ nói cảm ơn chúng tôi đã làm việc tốt, cử chỉ này thực là khả ái.
Ông ạ, có nhiều việc sau khi làm rồi thì người ta mới kiếm cách giải thích, chứ thực ra trước đó có nghĩ gì đâu? Bấy giờ đối với chúng tôi mọi chuyện giản dị hết sức: “Đó, người ta đầy ra đó. Bốc họ đi khỏi chỗ ấy ngay!” Thế là xông vào làm thôi, những lúc ấy, kích thích tố trong cơ thể dâng lên làm cho người ta hăng hái, người ta xắn áo, bắt tay vào việc thôi. Bọn đi biển kỳ khôi lắm, ông biết đấy. Việc gì cần làm, họ làm gọn. Họ là những người rất tốt, những người tốt nhất đời mà tôi được biết. Họ luôn luôn làm tròn công việc của họ. Đây là tôi nói bọn đi biển chuyên nghiệp, chứ không nói về bọn nhà binh. Bọn đi biển chuyên nghiệp làm gấp mười bọn nhà binh. Ông thấy chiếc tàu Greenville Victory đấy, chiếc tàu trọng tải mười ngàn tấn mà thủy thủ đoàn chỉ cần có ba mươi tám mạng. Nếu là tàu hải quân, họ phải xài ba trăm năm mươi thủy thủ là ít. Bọn tôi là bọn đi biển chuyên nghiệp, nó khác, bao giờ tôi cũng hãnh diện mà nói như thế, thưa ông.
Từ sau những chuyến đi ấy đến nay, thật đáng tiếc là tôi chưa hề có dịp gặp lại một người tỵ nạn Việt Nam nào từng ở trên chiếc tàu chúng tôi đã đưa đi.
Tôi vẫn ao ước phải chi tôi có giữ được tên của một trong những người ấy mà gặp gỡ chuyện trò, bất cứ người Việt Nam nào đã đi trên chiếc tàu Greenville Victory năm ấy mà nay đã đến Mỹ định cư.
Cách đây chẳng lâu, tôi có dịp đọc nhật trình cũng thấy nói về cộng đồng Việt Nam bên miền Tây. Báo chí nói họ được thành công, nhiều người đã khá lắm. Họ là những người chăm chỉ, những người tốt đấy. Họ chịu khó làm việc cực nhọc chớ không chịu ăn trợ cấp, họ luôn luôn cố gắng làm việc để nuôi con cái ăn học. Gần đây, tôi còn nghe nói có một người Việt đã đỗ cả thủ khoa trường võ bị. Người Việt Nam là những người rất thông minh, chăm chỉ. Tôi đã ở Viễn Đông khá lâu, với những kinh nghiệm trải qua ở Việt Nam, tôi hiểu những người Việt Nam như thế nào.
Còn mấy đứa con tôi, đứa ba mươi bảy, đứa ba mươi lăm, đứa ba mươi ba, một thằng cháu nội đã mười lăm tuổi đầu. Khi tôi về, kể chuyện chúng ta đã bỏ rơi dân tộc ấy, chẳng đứa nào buồn hỏi câu gì. Không đứa nào hỏi một câu, ví dụ quan niệm tôi thế nào, chúng ta có nên rút đi và bỏ lại những người ấy hay không?
Những buồn tiếc không thể kể hết được, ông ạ. Khi tôi nhìn vào mắt những người Việt Nam lúc ấy, tôi cảm thấy một cách sâu xa cái câu hỏi chứa đựng trong lúc họ ngước nhìn: “Tại sao bỏ rơi chúng tôi? Tại sao người Mỹ đã bỏ rơi chúng tôi?” Các cặp mắt ấy không hề tỏ lộ oán thù. Những cặp mắt ấy chỉ như mắt đứa bé con ngước nhìn cha mà hỏi: “Bố ơi, tại sao bố lại đánh con?” (!)
Người Việt Nam là những người tuyệt diệu. Tôi yêu mến họ lắm. Tôi ước chi tôi có thể mang hết tất cả người Việt ra đi. Nhưng tất nhiên, tốt hơn nữa, tôi ước chi đã không để xảy ra những lý do làm cho họ cần phải ra đi. Đáng lẽ, họ không phải bỏ xứ ra đi.
CLINTON J. HARRIMAN, JR.
(Thủy thủ tàu Greenville Victory)
“Mình ơi, ít nhất mình được cùng chết bên nhau.”
Tôi bắt đầu làm cho Bộ Chỉ huy quân Hải vận kể từ 1967. Trước đây tôi đã ở trong nghề đi biển này nhiều năm rồi. Dạo đang làm hoa tiêu dẫn tàu vào bến cho một hãng tư ở Virgin Island, tôi bỗng khoái đi Việt Nam. Tôi đã đến Viễn Đông nhiều lần, nhưng chưa từng tới Việt Nam bao giờ. Dạo ấy là lúc xảy ra trận tổng công kích Tết Mậu Thân, nhưng nói cho ngay, khi tôi đến Việt Nam, tình hình đã tốt rồi.
Như vậy là tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1968 với tư cách đệ nhất sĩ quan của tàu Robinson. Sau tôi trở thành thuyền trưởng tàu này. Công việc chúng tôi là chuyên chở đạn dược võ khí từ Hoa Kỳ sang Việt Nam. Chúng tôi đã đi vài chuyến như vậy. Tôi lấy vợ Việt Nam. Vợ tôi tên Trần Thị Tất. Hôm đám cưới, có ông Hội đồng làng đến chủ tọa, rồi ghi vào gia phả, thế là xong. Ở xứ ấy, đấy là hợp pháp, nhưng việc ấy chẳng giá trị khỉ mốc gì. Sang đến Mỹ, sau này chúng tôi phải cưới lại. Chúng tôi có một đứa con gái đặt tên là “Thu Hồng,” nghĩa là “đoá hoa hồng mùa thu,” nó sinh ngày 10 tháng 2, 1970. Một đứa con trai tên Minh, cha nó là chồng trước của vợ tôi. Còn đứa con trai út của chúng tôi sinh ở Mỹ, chúng tôi đặt tên là “Chiến Sĩ,” có nghĩa là “anh hùng đánh giặc.”
Vào lúc tình hình đang tanh bành ra vào mùa Xuân 1975 thì tôi đang ở Mỹ. Vì vợ con ở cả Việt Nam, tôi cố về lại mà không được. Tôi kẹt ở Nữu Ước. Tôi hiểu cái tình thế khốn nạn này tuột dốc nhanh lắm, cho nên tôi tìm gặp viên Chỉ huy hải cảng, xuống nước năn nỉ để xin một chân đi Việt Nam trên chiếc tàu Greenville Victory. Đây là chiếc tàu duy nhất của chúng tôi ra đi và chiếc tàu duy nhất tôi có hy vọng đi theo.
Nhưng vào tháng Ba, lúc sắp sửa đi, tôi đạp nhằm một cục nước đá, gẫy giò. Tôi vẫn cứ cố đi. Tôi khập khễnh bước, mặc dù đau thấu trời. Nhưng đến lúc cái cẳng sưng vù lên, tôi đành tới Bác sĩ Hải quân. Ông này thấy thế, bảo: “Cái cẳng như vầy, làm việc sao được? Ông không thích hợp với công tác.” Tôi nói: “Khỉ mốc! Tôi bắt buộc phải đi chuyến này.” Ông ta bảo: “Không, tôi không cho phép anh đi.” Tôi vẫn nói: “Tôi phải đi,” tôi giải thích lý do cho ông ta hiểu. Nghe xong ông ta bảo: “Lạy Chúa, anh chịu đựng nổi chớ?” Tôi nói: “Được mà. Trời đất ơi, tôi là sĩ quan trợ y trên tàu này chớ bộ.” Vì thế ông ta đành để cho tôi đi.
Hôm lên tàu, Thuyền trưởng Ray Iacobacci cõng tôi trên lưng, bước lên cầu mà vào chiếc Greenville Victory. Suốt tuần lễ, tôi chả làm được công việc khỉ mốc gì.
Chiếc tàu chở đầy đạn dược đến Cát Lái. Sau đó, đi Đà Nẵng, rồi rỡ hết hàng ở Cam Ranh. Rồi chúng tôi đi Thái Lan và cứ ở ì một chỗ ấy. Chúa ạ, có đêm ở trên tàu đúng là chỉ có mỗi một mình cha thuyền trưởng ngồi chỏng chơ. Thành phố này là chỗ ăn chơi động trời mà. Đến lúc nhận được lệnh trở lại Việt Nam di tản người, thì Thuyên trưởng phải chui vô xe taxi sục sạo khắp thành phố mới kiếm đủ người đưa về tàu.
Tôi có một căn trong chung cư tại Sàigòn và một căn nhà ở vùng ngoại vi Tây Ninh. Căn nhà này ngon lành hết xẩy. Vợ tôi là gái quê, khi nào tôi đi biển thì mụ vợ lui cui ở nhà. Khi tàu đến thả neo ở Vũng Tàu, tình hình đến lúc cận kề lắm rồi. Tôi bảo thuyền trưởng Ray Iacobacci rằng: “Đây là cái cơ hội hiếm hoi để tôi đưa vợ con đi đây”. Ray bảo: “Ô Kê, Harry, đi đi.”
Cái cớ để tôi đi là tháo cái băng bó bột ở chân. Mỗi ngày tôi phải đứng từ mười bốn đến mười sáu tiếng, cái băng bột mềm èo, cẳng tôi đã sưng phồng lên rồi.
Tôi đến bịnh viện Cơ Đốc với mụ vợ để tháo cái băng bột chết tiệt này ra. Mấy cha ở đấy bảo: “Chúng tôi không cho phép ông xuất viện, trừ phi ông bước được từ đây đến cuối phòng.” Tôi nói: “Lạy Chúa, tôi không dám nghĩ là tôi bước nổi.” Nhưng rồi tôi cũng bước được.
Khi tôi ở Sàigòn, Thuyền trưởng Iacobacci đã đem tàu ngược lên hướng Bắc để thi hành công tác. Bấy giờ là lúc bọn “cứt” tiến đến. Chúng tôi có một căn chung cư rất đẹp bên kia sông, trong một nhánh nhỏ của sông Sàigòn, và vợ tôi nói: “Hổng có chuyện gì đâu, rồi cũng êm thôi,” vân vân, vân vân… Tôi thì tôi biết không thể êm được. Tôi đi gặp một người bạn, Đại tá Vọng, một cha ngon lành hết xảy, ông ta đề nghị cho chúng tôi ra Tân cảng. Ông ta là Chỉ Huy trưởng căn cứ ấy, ông ta có một căn nhà rất to lớn đẹp đẽ. Chúng tôi ở đấy mới được một đêm thì họ hàng nhà ông đại tá kéo đến, nào mẹ, nào chị em, cô chú đủ thứ. Người Việt Nam lạ lùng hết chỗ nói, bất kể trí thức hay nông dân gì cũng vậy, cái chuyện mười lăm con người ngủ chung một phòng, họ coi như không. Tôi tự bảo: “Lạy Chúa tôi, cha này dễ thương hết sức, nhưng tôi chỉ là khách ở đây. Thôi xuống tỉnh kiếm cái khách sạn mà ở.” Với cái chân sưng to như cái cột cắm dù, chúng tôi đến khách sạn Majestic, thuê một phòng rộng thênh thang. Rồi cứ ở đấy chờ tàu. Tôi tự bảo: “Mẹ kiếp phải vọt khỏi đây thôi.” Bà má vợ tôi vì đã trải qua hai trận giặc Pháp và Nhật Bổn, cứ cho rằng đây chỉ là một trận giặc nhỏ của hai trận ấy thôi, không có gì đáng sợ, mấy chuyện như thế ông hiểu không.
Nhưng tôi biết chắc chắn kỳ này là cáo chung. Chắc chắn đến tận mạng rồi. Vì thế tôi đi kiếm cho được một người bạn nữa tên là Brit, hắn điều khiển một công ty thuyền bè nhỏ. Cha này thu xếp được cho tôi một cái xe Renault, đời 39,40 gì đấy. Cái xe coi bộ ngon lành lắm, với một tay tài xế già.
Chúng tôi dùng xe chạy đi tìm chiếc tàu Greenville Victory khi tàu này trở lại Vũng Tàu. Đường đi mỗi lúc một xấu, nhiều chướng ngại vật. Có khoảng năm hay sáu dặm đường, chiếc xe chỉ rì rì chạy được với tốc lực mười lăm dặm một giờ. Nhưng rồi cũng tới nơi. Chúng tôi đến cổng hải cảng, nhìn bừa bãi heo lợn, rổ rá bỏ lại. Mấy chiếc xe Lambretta đổ lăn kềnh sang một bên. Tôi đã có thể nhìn thấy cả chiếc tàu đậu trong cảng. Nhưng khi xe tiến đến gần hàng rào chướng ngại, thì một thằng lính chết tiệt mặt đầy mụn tiến đến dí khẩu súng vào cửa xe, chỗ tài xế lái. Tôi và vợ con ngồi cả ghế sau. Thằng lính nói: “Ra khỏi xe, đi bộ!” Giêsu ma lạy Chúa tôi, làm sao tôi đi cho nổi? Lợi dụng việc thằng lính không hiểu tiếng Anh, tôi bảo vợ tôi là: “Nói với cha tài xế quay mẹ cái xe khốn nạn này mà về lại Sàigòn.” Người Việt Nam họ nói tiếng còn dịu hơn là người Ái Nhĩ Lan. Vợ tôi nghiêng người sang nói rất nhẹ, đến nỗi tôi cũng không nghe thấy tiếng. Cha tài xế già lúc ấy đang hoảng sợ tận mạng, vội vọt chiếc xe vòng trở lại, chỉ trong gang tấc suýt đụng một chiếc xe vận tải. Thế là vèo một cái chúng tôi quay ngoặt trở lại đường cũ.
Đó là một con đường khá đẹp, do Mỹ làm. Nó chẳng khác gì cái xa lộ bốn lằn, ở giữa có rào ngăn hai chiều: một chiều chạy hướng Bắc, một chiều chạy hướng Nam. Bấy giờ ở chiều bên kia, xe đạp, xe lam, xe gắn máy, xe vận tải, xe nhỏ xe lớn lũ lượt nối đuôi nhau. Còn chiều bên này trống như bãi tha ma, chạy thả dàn. Trên đường bên này chúng tôi chạy được chừng đâu hai mươi lăm dặm, thì bắt đầu thấy mấy cha để một mớ thùng xăng loại 55 ga-lông làm chướng ngại vật chặn đường. Đến lúc ấy tôi tự bảo “Rồi, tới lúc rồi.”
Ông tài xế già rút tốc lực lại. Trong xe, tôi để sẵn trên sàn một thùng lựu đạn tay, một khẩu tự động 45. và một khẩu 38 đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi còn có bốn năm hộp đạn 45, thêm hai ba hộp đạn 38. Tôi bảo vợ tôi: “Hãy nói với lão già này…” – Mặc dầu xin ông tin cho, tôi không bao giờ thích chạy xe tốc lực nhanh, nhưng ngày hôm đó, có lẽ trên đời không còn thứ xe nào có thể chạy cho đủ nhanh như tôi muốn “…Nói lão già này dậm ga tối đa. Chúng ta phải vọt qua mấy cái thùng mắc dịch kia đi. Tôi không muốn kẹt ở cái chỗ khốn kiếp này đâu!”
Cha tài xế già nói với vợ tôi: “Chèn đét, họ bày mấy cái thùng kia, tui làm chi được bây giờ?” Tôi bảo: “Nói với chả nếu không vọt qua là tôi để ngay một phát đạn này vào đầu chả.” Tới lúc này, gã nhấn ga.
Chúng tôi bay trên đường, phóng đến. Mấy cha lính bấy giờ đang lấy sỏi dưới bờ đường để đổ vào trong thùng, nếu họ đổ vào thùng rồi mà chúng tôi đụng tới là tiêu thôi… Thế là cha tài xế già hung hăng phóng tới chả khác tướng Grant ào ạt đánh chiếm thành Richmond, nhưng chả chỉ đụng cái thùng chút đỉnh. Cái thùng bay lên không trung. Lúc này mấy cha lính nằm trườn lên bờ đường, mỗi cha chơi hai ba phát, nhắm vào chiếc xe. Chả biết lý do nào, hoặc vì chiếc xe đang quay vòng trở lại, hoặc vì mấy chả bắn tồi quá, nhưng chúng tôi không mảy may xây xát gì.
Bấy giờ cha tài xế nói: “Nè, nghe tui nói nè, hình như họ cắt đường rồi. Hồi trẻ tui có đi làm đồn điền cao su, hổng xa đây lắm đâu. Ở đó có con đường nhỏ. Nếu đi chậm lại, rẽ tay trái, lấy đường ấy mà đi cũng được.”
Tôi nghĩ: “Mẹ kiếp, vô bẫy rồi sao đây?” Nhưng trên đường chính mấy thằng cha lính mắc dịch vẫn chờn vờn đó, nên tôi đành biểu chả đi đi. Chả phóng qua khỏi con đường mấp mô thì đến một con đường nhựa rất nhỏ, có lẽ đã làm từ đời những năm 1920. Chả cho xe vào đường ấy. Nhìn sang tay phải, qua cửa sổ xe, chúng tôi thấy xa lộ chính, chúng tôi thấy có hai chiếc trực thăng đậu, trông không có vẻ gì là của phe ta.
Bất kể mấy cha sử gia của trận chiến này sẽ nói chuyện khỉ mốc gì với ông, nhưng bấy giờ, trong cái xe ấy, tôi biết chuyện gì đang xảy ra sờ sờ trước mắt: Tôi thấy rõ bọn lính Bắc Việt mặc quân phục ôm súng AK 47 đang bước ra khỏi trực thăng.
Tôi bảo vợ: “giờ phút này mình có thể vĩnh biệt bất cứ lúc nào,” và tôi tự bảo: “Mẹ kiếp, tôi mà tiêu thì cũng phải mang vài thằng cùng xuống địa phủ!” Vợ tôi lúc ấy can đảm bảo tôi rằng: “Mình ạ, ít nhất mình được cùng chết bên nhau.” Bả nói câu ấy làm tôi vững bụng trở lại. Tôi chẳng rõ bả có hiểu mình nói cái gì không, nhưng nghe vậy cũng mát lòng.
Chúng tôi bèn cho xe chạy rù rù xuống con đường nhỏ dọc dòng sông, rồi chạy vụt vào ẩn trong rừng một lúc. Sau đó chạy khoảng tám mươi dặm nữa, chúng tôi đến được một cánh cổng có bốt gác, nơi này có mấy thằng cha lính khốn kiếp, người nhỏ thó, cực kỳ khó chịu. Bọn lính ít khi ưa chuyện đàn bà Việt Nam đi với đàn ông da trắng. Chúng tôi bèn trình đủ thứ giấy tờ có hình tôi, hình vợ tôi, thông hành Mỹ của tôi, mấy tờ thông hành có chữ ký của Đại tá Vọng. Chữ ký của Đại tá Vọng làm cho chúng chú ý ngay lập tức, tôi xin nói rõ như thế. Nhờ vậy chúng tôi đi được vào cổng, một nơi mà tôi vẫn chưa rõ là đâu. Hoá ra chúng tôi đã vào một căn cứ, nơi đây bây giờ vắng hoe. Quanh quẩn tôi nhìn ra cái câu lạc bộ thủy thủ, một cái câu lạc bộ đẹp đẽ to lớn. Đến lúc này cẳng tôi đau thấu trời, tưởng sắp gẫy lìa đến nơi. Bấy giờ, vợ tôi nói: “Mình ơi, ông già muốn uống nước ngọt!” Tôi bảo: “Lạy Chúa, mụ vào kiếm cho ổng một chai.”
Vợ tôi bước vào, đến cánh cửa gương thứ hai, bả dòm vào rồi bước trở ra nói: “Vô trỏng tui sợ lắm.” Tôi hỏi: “Sao vậy?” Bả nói: “Hổng có ai trong đó cả.” Tôi chụp khẩu súng, đi cà nhắc bước vào. Đây là một toà nhà rất lớn, bấy giờ êm lặng như tờ, đánh rơi cái kim cũng nghe tiếng. Mấy cha trước làm việc ở đây đã biến đâu hết. Tôi tự bảo: “Cách nào tôi cũng kiếm được một món uống chùa, khỏi phải trả tiền.” Cái quầy rượu nằm cuối phía dưới, tôi đi xuống dưới ấy và Chúa ơi, trong máy tính tiền còn vương vãi cả tiền bạc đủ thứ. Không một bóng ma. Bồi bàn, đầu bếp, không một người ở đấy.
Tôi vòng ra sau quầy rượu, tự rót cho mình một cốc Vốt-ka ngon lành, đầy nhóc, ực một cái. Vào giây phút ấy chẳng cần rượu thì kích thích tố đã bốc rạo rực rồi. Tôi rót cho mình một cái Vốt-ka nữa, kiếm cho ông già taxi một chai nước ngọt, rồi đi cà nhắc trở ra. Đưa chai nước cho ông ta. Vợ tôi bảo: “Cho ổng ít tiền.” Chà, tôi còn lại sáu trăm đô trong túi, làm sao cưu mang mụ vợ với đứa con gái nhỏ đến tận Thái Lan với sáu trăm bạc đây?
Tôi bèn hỏi: “Hai chục đủ không?” Vợ tôi nói: “Hai chục được rồi.” Tôi đưa cho ông già hai chục bạc. ông quay ra chiếc xe Renault, rút chìa khoá, đề máy. Cái máy xe chó đẻ không nổ. Sau một trăm sáu mươi dặm với tốc lực rì rì như thế, có lẽ đã hết nhớt rồi.
Hình ảnh cuối cùng tôi thấy là lão già cuốc bộ ra cửa, vừa đi vừa ực chai nước ngọt. Tôi không rõ sau đó chuyện gì xảy ra cho ông ta.
Tôi vẫn còn lại 580 đô và hai khẩu súng ngắn. Thế cũng đủ dễ chịu. Bấy giờ mọi việc có một vẻ lắng dịu trước cơn bão tố sắp xảy ra. Tôi điện thoại cho Bill Ryder, hoá ra hắn ở ngay trong căn cứ này. Đúng ra, hắn chỉ cách chỗ chúng tôi vài trăm thước thôi! Tôi bảo vợ: “Thả bộ xuống chỗ ấy nào!”
Văn phòng Bộ Chỉ huy quân Hải vận đầy nhóc bọn con gái Việt Nam coi hết sức ngon lành làm việc ở đấy. Các cô này không muốn ở lại. Thời bấy giờ bất cứ cô nào làm việc cho Mỹ cũng chỉ cho yêu mà không được hôn. Vui chơi thôi, không tình nghĩa gì. Tin tôi đi, bấy giờ xứ ấy đang ở vào một giai đoạn đầy náo động.
Ryder là một gã tuyệt vời hết sức. Hắn cố thu xếp cho tôi đi bằng chiếc Pioneer Contender để ra Vũng Tàu. Tàu ấy được điều khiển bởi một thằng cha thuyền trưởng tên là Flink. Cái văn phòng của Ryder đầy bọn con gái Việt Nam ngồi rỉ rả cắn móng tay, mặc những bộ áo dài đẹp nhất của họ, trong lúc máy vô tuyến cứ phát tin ra, nhận tin vào.
Thế là họ thu xếp cho chúng tôi một cái xe hơi to tổ bố, có lẽ là xe Buick thì phải, với tài xế đàn bà lái để chở chúng tôi đến chiếc tàu chuyển vận tư nhân Hoa Kỳ, chiếc Pioneer Contender. Đường lên cầu tàu dài dằng dặc, vì cái cẳng khốn kiếp của tôi giờ đây sưng phù như cái ống bễ rồi.
Thường thường vợ tôi vẫn cho con mặc quần áo Mỹ vì mỗi lần về nước tôi lại đem sang ít quần áo. Nhưng hôm ấy, Chúa ạ, đứa con gái của tôi lại mặc bộ bà ba Tàu. Con gái tôi rất trắng, nhưng bộ quần áo khốn nạn nó mặc hôm ấy như thế là sai lầm.
Tôi lên tàu, ở đó thằng cha thuyền trưởng Flink đang ngồi sau bàn làm việc của Công ty Chuyển vận mắc dịch này. Tôi nói: “Bill Ryder gửi tôi xuống đây nhờ ông chở tôi và con gái tôi đi.” Vợ tôi lúc ấy ở trên cảng bà ấy sẽ phải đi tìm thằng con trai. Tôi nói bả cứ chờ đó với người tài xế cho đến lúc tôi ra hiệu hãy đi. Tôi rất sợ không có xe, với cái cẳng của tôi như thế mà leo được vào phòng thuyền trưởng là đã chả khác leo lên tận Hy Mã Lạp Sơn.
Vậy mà thế đấy, vào giờ phút Sàigòn sắp đổ, mà hai thằng Mỹ là cha Flink và tôi vẫn còn ở đây, và cái thằng thuyền trưởng mặt mẹt vênh váo ngồi chành bành sau bàn giấy ấy lại bảo tôi rằng: “À há, còn phải đợi chớ. Tôi không thể nhận ông làm hành khách được.” Tôi nói: “Chúa ơi, ông không có ý định bỏ chúng tôi lại cái cảng khốn nạn này chớ?” Hắn nói “Nè! Còn phải có luật lệ? Công ty chúng tôi làm ăn có luật lệ đàng hoàng.”
Ông biết không, sau này không lâu cái công ty chuyển vận hàng hải ấy phá sản. Lúc đó tôi đã nói với hắn: “Cứ theo cách làm việc của mấy người như ông thì công ty ông đến phá sản thôi.” Tôi quả không thể tin nổi thái độ làm việc của mấy thằng cha như vậy.
Tôi đành quay lại văn phòng tìm Ryder, nhưng khi nghe có vài phát súng, cô tài xế đã chở vợ tôi đi mất. May tôi không phải cuốc bộ. Tình cờ gặp được một cậu lính Việt Nam có xe gắn máy, tôi bèn nhờ chở tôi với đứa con gái thẳng tới văn phòng. Bill Ryder vẫn còn ngồi đấy với lũ con gái cắn móng tay. Bill hỏi: “Mày làm cái con mẹ gì mà còn chờn vờn ở đây thế?” Tôi đáp: “Cái thằng chó dưới ấy không chịu đưa đi.” Bill Ryder nói: “Bố tiên sư nó.” Thế là hắn lấy một cái xe khác đưa tôi chạy lại tàu, leo lên phòng thuyền trưởng. Bill Ryder bảo: “Nè, anh phải đưa người này đi ngay.” Thằng cha Flink lúc ấy ấp a ấp úng vì có Bộ Chỉ huy quân Hải vận thì các công ty hàng hải này mới sống nổi, cho nên Bill Ryder bảo: “Mấy anh nghe tôi nói đây. Nếu anh không chịu, tôi cho các anh treo giò.” Treo giò có nghĩa là không được trả tiền, mỗi ngày khoảng 27,000 đô la. Chà, nghe như thế thằng cha Flink nhẩy nhổm. Cuộc đời thuyền trưởng của hắn kể như xong. Hắn lắp bắp: “À, trong trường hợp này thì…” Thế là chỉ trong vòng nửa giờ sau mọi chuyện êm thắm. Hắn đưa chúng tôi ra sông, nhắm hướng Vũng Tàu mà đi.
Thằng cha thuyền trưởng Flink bấy giờ có lẽ đã đái trong quần, hắn cho tàu chạy hết tốc lực ra Vũng Tàu. Thuyền trưởng Iacobacci phái một xuồng cấp cứu chạy đến bốc chúng tôi. Vợ tôi bấy giờ đã về nhà quê đón con trai. Đại tá Vọng cũng giúp đỡ sắp xếp cho mọi việc. Bả đi, tay vác cái va li, tay dắt con lội bộ hơn hai mươi ba dặm đường. Phải đi qua nào rừng cao su, nào rừng dừa, đủ các thứ cứt ỉa như vậy, khó khăn lắm mới qua được, cũng đều nhờ Đại tá Vọng cả. Bả về được đến Sàigòn. Vào căn cứ, tại đó bả là người đàn bà duy nhất. Nhờ có mấy tấm giấy với chữ ký của Đại tá Vọng, bả đi được bất cứ chỗ nào. Đại tá Vọng là tổ sư luật pháp ở đây mà.
Phần tôi và con gái đi tàu Greenville Victory, đến Phi Luật Tân. Vợ tôi và con trai đi tàu Boo Heung Pioneer, chuyến tàu cuối cùng.
Tôi còn nhớ khi tàu đậu ở bến có một cha mặc bộ vét đen coi trịnh trọng lấm, hắn leo lên tàu, rồi chạy sục sạo khắp nơi. Hắn đi kiếm con chó của ông Đại sứ! Thực thế đấy. Trong lúc người ta đang bận rộn bốc đi 11,000 người di tản, thì thằng cha hình như là đệ nhị bí thư – Chức tước mả mẹ gì không rõ – Cứ chạy sục sạo từ tàu này sang tàu khác để kiếm con chó của ngài Đại sứ Martin!
Chúng tôi đến Phi Luật Tân, ở đó tôi gặp một cha thuyền trưởng tên là Ruebasmen, quen biết từ trước. Cha này là tay tổ bên Bộ Chỉ huy Quân Hải vận thì phải. Lúc ấy tôi đang ngồi trong câu lạc bộ sĩ quan tại căn cứ Hải quân ở Vịnh Subic, cha này tiến đến chào hỏi, hắn nói: “Tiện thể xin cho bạn biết, vợ bạn đang ở East Le Grande. Bả vừa mới tới bằng tàu Boo Heung Pioneer.” Tất nhiên như thế tôi biết vợ tôi đã đón được Minh ra đi. Cả Bill Ryder và Đại tá Vọng đã giúp bả ra đi trên tàu này, bả còn được ngủ ngay trong phòng thuyền trưởng. Bấy giờ đã mười giờ rưỡi đêm rồi. Ruebasmen nói: “Sáng mai bạn có thể lấy xuồng của tôi mà chạy đi tìm vợ.” Thế là mọi sự đã ổn. Sáng hôm sau, tôi phóng đi tìm bả. Nhưng bả lại đi mất. Họ đã mang bả sang Guam. Ít nhất tôi cũng yên tâm là bả đang ở trên đường sang Mỹ. Tiếp theo, tôi nghe tin bả được đưa đến trại tỵ nạn Indian Town Gap, ở Pennsylvania. Tôi gọi ngay điện thoại tới bảo: “Không nhúc nhích đi đâu hết! Ở đâu ở nguyên đó!”
Tôi xin kể thêm cho ông nghe một việc; Căn nhà của chúng tôi tại ngoại vi thành phố Tây Ninh là một căn nhà rất thần tiên. Một toà nhà đẹp tuyệt trần. Bọn Cộng sản ngày nay cứ gọi Việt Nam là “Cộng Hoà” này, “Cộng Hoà” nọ, “Nhân dân” này, “Nhân dân” kia, đều là chuyện cứt khô! Mấy thằng cán bộ cao cấp trong chính phủ Cộng sản còn sống đế vương hơn cả hoàng đế Nga! Ông có biết mẹ vợ, các anh chị em vợ tôi ngày nay ở đâu không? Họ đang ở trong mấy cái nhà kho. Thế ông có biết ai đang ở trong căn nhà đẹp đẽ của chúng tôi không? Thằng cha tỉnh ủy Cộng sản. Tụi nó chỉ đổi cái huy hiệu trên cái mũ. Thế thôi. Đ.M. Bọn nó gỡ cái huy hiệu cũ ra, gắn lên một cái ngôi sao, rồi dọn ngay vào ngôi nhà mắc dịch của chúng tôi mà ở, thế thôi.
Nhưng chả sao. Chúng tôi được an toàn, hạnh phúc êm ấm tại đây. Đứa con trai lớn là con riêng vợ tôi, bả lấy một người chồng Việt Nam đã chết trong chiến tranh. Khi tôi gặp bả, thằng bé chỉ lớn hơn ổ bánh mì chút xíu, hắn không biết ai là cha hắn ngoài tôi. Cho đến năm hắn mười lăm tuổi, tôi mới kể chuyện cho hắn nghe, bởi vì một lần tôi có nói với hắn rằng: rồi đến lúc mười bảy tuổi nhìn vào gương hắn sẽ nhận ra tôi không phải cha đẻ của hắn. Hắn có vẻ mặt rất Á Đông, nhưng hắn ngoan lắm, như con ruột tôi vậy. Ngoài ra chúng tôi cũng có hai đứa con đẻ.
Các ký ức chiến tranh không làm phiền tôi vì tôi đã trải qua nhiều chuyện rồi. Hồi đệ nhị thế chiến tôi đã sống sót trong một vụ đắm tàu ngoài khơi biển Ba Tây. Tôi cũng không nói là tôi không sợ, vì suốt một hai tuần lễ đầu khi trở về Mỹ cứ nghe chuông điện thoại là tôi ớn, chả khác gì còi báo động. Nhưng chỉ một vài tuần là hết. Rồi tôi lại làm một chuyến đi nữa trên tàu Mayaguez vào năm 1975, nhưng đấy lại là một chuyện khác.
Nếu phải bắt đầu tất cả mọi sự, tôi sẽ không ngần ngừ một phút. Nói thẳng ra, trong thực tế, bây giờ chả có gì khoái trá hơn đối với tôi trong cõi đời mắc dịch này là: Được bước về căn nhà của chúng tôi ở Tây Ninh, đá đít cái thằng cha Tỉnh ủy Cộng sản mắc dịch, cho nó đi chơi chỗ khác.

CHƯƠNG 9 : THỦY QUÂN LỤC CHIẾN HOA KỲ
 
IM KEAN
(Thiếu tá Thủy quân Lục Chiến)
“Tôi biết chắc chắn phải có một giải pháp tốt đẹp hơn”
Tôi đã học ở trường Chiến Tranh Thủy Bộ (AWS), một phần trong chương trình huấn luyện trung cấp của tôi. Trước đây, lúc tôi đang dạy ở trường Huấn Luyện căn bản dành cho các sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, thì có lệnh gọi đi học. Oliver North cũng đã dạy ở trường Huấn Luyện căn bản này và cũng đến thụ huấn tại AWS một lúc với tôi.
Khi mãn khóa vào mùa Hè năm 1973, tôi được sử dụng ngay vì tôi có học tiếng Tàu, và cũng có bằng Á Châu Học tại Đại học Berkeley. Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến điện thoại cho tôi biết: “Còn trống chỗ tại một đơn vị ở Hồng Kông”. Họ hỏi: “Bạn có khoái đi Hồng Kông chăng?” Tôi đáp; “Bắt tôi bơi sang bên ấy, tôi cũng không từ chối”.
Đây là chuyện đi được phép mang theo gia đình, một cơ hội hiếm hoi cho tôi đưa gia đình theo ra hải ngoại. Trong truyền thống Thủy quân Lục chiến, người ta không cho mang gia đình theo. Thế là tôi trở thành sĩ quan Thường vụ của Đại đội C, Tiểu đoàn Phòng vệ Thủy Quân Lục Chiến tại Hồng Kông. Sĩ quan chỉ huy, Thiếu tá Don Evans sẽ mãn phiên trong một năm. Như thế tôi sẽ có cơ hội kế nhiệm ông. Chẳng bao lâu, tôi thăng Thiếu tá, đủ tư cách chỉ huy đơn vị.
Lúc ấy nhiệm vụ của tôi bao gồm việc bảo vệ an ninh chạy suốt từ Ấn Độ đến Bắc Kinh, Tokyo xuống đến Wellington. Cả thảy có hai mươi ba tòa Đại sứ và tòa Lãnh sự Mỹ khác nhau trong vùng mà Thủy Quân Lục Chiến phải phụ trách bảo vệ.
Trong năm đầu tiên, tôi chia các chuyến đi với các sĩ quan chỉ huy, nhờ thế tôi có kinh nghiệm để sau này phụ trách Phòng Chỉ Huy. Đến lúc trở thành Sĩ quan chỉ huy đơn vị, tôi đến mỗi tòa Đại sứ hoặc tòa Lãnh sự theo lịch trình bình thường, cứ mỗi nơi sáu tháng một lần. Cũng có những chuyến đi bất thường để giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Lính Thủy Quân Lục Chiến gặp trục trặc, thường là chuyện đàn bà gái gấm lôi thôi, là tôi cũng phải đến giải quyết cho bọn nhỏ.
Kể ra những chuyến du lịch và những kinh nghiệm ấy cũng đã đem lại cho tôi một nhãn quan rộng rãi hơn để biết những gì thực sự xảy ra ở Á Châu. Nhờ thế tôi biết được cảm giác của người Ấn Độ, hiểu được những người Nhật Bản hay người Đại Hàn suy nghĩ thế nào.
Khi đến nhiệm sở, vì thủ tục an ninh cá nhân, tôi phải nói chuyện với những sĩ quan chính trị vụ, các nhân viên Trung Ương Tình báo, các viên chức Bộ Ngoại Giao. Những cuộc gặp gỡ ấy là một học hỏi thích thú. Từ đấy tôi cũng trở nên tinh tế hơn về vấn đề Việt Nam.
Thế rồi biến cố Việt Nam xảy ra. Thật đột ngột. Tôi biết thiếu gì người có học thức cho rằng chuyện ấy cuối cùng vẫn phải xảy ra, nhưng đối với tôi nó có vẻ đột ngột quá. Đầu tiên là vụ Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột vào tháng Ba, 1975. Rồi cuộc triệt thoái Cao nguyên của quân đội Nam Việt Nam. Sau đó là cả một cơn đại hồng thủy. Một ngọn sóng triều tràn ngập quân đội và chiến xa Bắc Việt. Lính miền Nam rút khỏi Cao nguyên đúng lúc lính miền Bắc nỗ lực tiến vào. Chợt một cái tất cả tan nát từng mảnh vụn.
Khi người ta bắt đầu tuôn chạy, mọi người cứ như thế ào lên chạy. Các đơn vị tan tã. Những người quyết định chiến đấu đến chết thì đã chết dưới lửa đạn, hoặc cũng bị cô lập mà thảm bại. Một số kéo dài việc chiến đấu lâu hơn, cuối cùng cũng thất bại thôi.
Bấy giờ nếu ông có dịp du lịch Đông Nam Á, ông sẽ thấy nhiều điều đáng tò mò. Tôi sẽ cho một thí dụ về nước Lào chẳng hạn. Trước khi mất Cam Pu Chia và Việt Nam, Lào đã được cả đôi bên chiếm đóng. Tại thủ đô Lào, quân Pathet Lào và quân chính phủ cứ thản nhiên đi ngược chiều nhau trên đường phố. Nhưng khi tình hình Việt Nam và Cam Pu Chia bắt đầu lộn xộn, sự căng thẳng ở Lào gia tăng. Những vụ đối đầu dần dà xảy ra. Quân Pathet Lào ở Vạn Tượng được từ từ thay thế từng người một bằng lính chính quy thứ dữ của Bắc Việt mặc quân phục Pathet Lào. Lực lượng Pathet Lào nguyên chỉ là lính du kích, làm gì có quân lực nặng? Thế rồi, đùng một cái, người ta chứng kiến đầy những binh sĩ chính quy có kỷ luật, có huấn luyện kỹ càng, người ta đương nhiên phải biết tác giả những vụ ấy là ai.
Cam Pu Chia tan vỡ.
Bấy giờ vào mùa Xuân năm 1975 tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn. Tôi về dự một buổi hội nghị thì nhận tin từ Bộ Tư Lệnh Tiểu đoàn Phòng Vệ Thủy Quân Lục Chiến cho biết: “Đã có phiền phức xảy ra. Có lẽ chúng ta sẽ phải di tản khỏi Nam Vang.” Khi nghe Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn cho biết thế, tôi nói: “Nếu ông cho phép, tôi cuốn gói về ngay”. Tôi bèn trở về Bangkok.
Thực ra, việc di tản Nam Vang, chiến dịch “Eagle Pull” dễ như sơi bánh. Trước hết bởi vì Đại sứ Gunther Dean chính là một viên Tướng Thủy Quân Lục Chiến mặc thường phục. Nhiệm vụ của ông chỉ có việc đưa đi khoảng hai trăm nhân viên then chốt đến một bãi đáp duy nhất, nơi biệt đội đổ bộ của Tiểu đoàn dự trù đáp xuống. Họ mau chóng thiết lập an ninh vòng đai, ném hết mọi người lên trực thăng mà đi. Bố già ra đi với một lá cờ Mỹ được gói ghém cẩn thận. Mọi chuyện giản dị như học trò làm bài tập, Nam Vang nằm trong tầm tay của hạm đội đổ bộ. Biệt đội của Tiểu đoàn nhảy xuống, làm an ninh khu vực xong là rút đi ngay trong một chiến dịch hết sức gọn gàng. Đấy, những gì xảy ra đúng y như thế. Tôi giữ lại Bangkok vài cậu Thủy Quân Lục Chiến trước đó ở Nam Vang, xếp đặt cho các cậu khác cũng từ Nam Vang ra. Xong, tôi quay về Hồng Kông. Tuy nhiên, các biến cố thê thảm khác tiếp tục mở tung. Chuông báo động đang điểm. Tôi theo dõi thấy tình hình gần Đà Nẵng đã khẩn trương. Khi được lệnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn ở Hoa Thịnh Đốn, tôi tức khắc đi Việt Nam ngay.
Tôi quay lại Việt Nam ngày 19 tháng Tư, trong bộ thường phục. Tất cả lính Thủy Quân Lục Chiến làm cho Bộ Ngoại Giao đều phải mặc thường phục lúc không có nhiệm vụ hoặc khi du hành.
Bấy giờ thực ra không có náo loạn mà tôi chỉ nghĩ lúc ấy là một tình trạng căng thẳng đáng ngại thôi. Chợt một cái, người ta phủi bụi, moi ra những tư liệu cũ viết từ năm 1973 về “kế hoạch di tản khẩn cấp”. Người ta nhìn mà bảo: “Chúa ôi! Những thứ kế hoạch này chỉ là đống cứt khô. Chúng tôi phải làm gì đây hỡi Trời!” Và vào khoảng thời điểm này Tư lệnh Thái Bình Dương, Đề đốc Noel Gayler bắt đầu cho người vào phụ. Tư lệnh Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Tướng Richard Gayler đến xem xét. Những người bên bộ phận truyền thông của Không quân cũng đến xem xét. Rồi họ đi đến kết luận: Nếu muốn di tản một số lượng đông đảo người ra khỏi đây, người ta phải phối hợp với nhau.
Lúc ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội C thuộc Tiểu đoàn Phòng Vệ Thủy Quân Lục Chiến, cũng là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến khu vực trực thuộc Bộ Ngoại Giao, ở Viễn Đông. Tại Việt Nam, nhiệm vụ tôi là điều động Thủy Quân Lục Chiến phụ trách bảo vệ an ninh các cơ sở của người Mỹ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Biên Hòa và Saigon. Đó là tất cả phần nhiệm vụ của tôi với Bộ Ngoại Giao. Khi Đà Nẵng và Nha Trang mất, một số lính bảo vệ chạy vào Saigon đã trải qua nhiều gay go, họ được di tản khỏi xứ ngay. Có những người vào Saigon một cách dễ dàng, nhưng trên căn bản, những người từ Đà Nẵng và Nha Trang đều được đưa ra khỏi xứ. Còn những người ở Biên Hòa khi được kéo về, tôi giữ họ lại Saigon.
Hãy nhớ những người lính bảo vệ ấy nói chung đều là Thủy quân Lục Chiến trẻ tuổi. Mà bọn thủy quân trẻ thì rất năng nổ. Những gì đang xảy ra đây có lẽ là chuyện kích thích nhất đời họ. “Nghe ghê nhỉ. Rùng rợn lắm. Nhưng chắc chắn tôi rất khoái ở đây”. Họ có thể nói thế. Tôi không bông lơn đâu. Tôi nghĩ chuyện ấy tuyệt đối đúng như thế. Nhưng sau khi mọi việc đã xong, sẽ có nhiều phản ứng khá mãnh liệt xảy ra. Bọn nhỏ nhiều tên đã phải trải qua những kinh nghiệm khó tin. Cuối cùng những kinh nghiệm ấy đã để lại nhiều vết sẹo rất sâu trong đời họ, nhưng chúng ta chỉ thấy khi mọi việc xảy ra rồi. Còn lúc ấy, chỉ là những chuyện kích thích và căng thẳng mà họ vẫn kiểm soát được. Và Thượng đế mới biết tất cả những gì họ đã phải kinh qua, phải chứng kiến: những đứa bé, những trẻ sơ sinh bị nghiền nát, những con người giết chóc lẫn nhau, dầy đạp lên nhau trong cơn hoảng hốt, tất cả những chuyện như thế đấy.
Tôi là người chỉ huy, nhưng tôi chắc không thể nào lường trước được tất cả những trạng huống xảy ra cho họ. Cụ thể là những thảm kịch của đám lính trẻ phải bỏ lại người yêu, bỏ lại các bạn thân tình mà sẽ chẳng bao giờ hy vọng có ngày còn sống mà gặp lại nhau. Những việc như thế xảy ra luôn. Trừ khi họ đến nói cho tôi biết, còn không thì chẳng thế nào biết được hết. Cũng đôi ba trường hợp, tôi giúp được họ chút đỉnh.
Đôi lúc tôi cho mấy cậu nhỏ ra khỏi bờ tường tòa Đại sứ để tìm các người thân. Điển hình là lúc họ quay về, họ nhoẻn cười, chào mà nói: “Thưa Thiếu tá, em đã cứu được họ rồi. Cám ơn Thiếu Tá”.
Sau đó tôi cũng tìm cách viết cho họ vài tờ giấy ban khen, để họ kiếm cái huy chương đeo ở ngực áo. Nếu họ thực sự có công trạng gì được biết, họ sẽ được những huy chương cao cấp hơn.
Trong quan niệm của tôi, Đại sứ Graham Martin, người đã bị lôi kéo vào công việc ở Saigon, là người đã gắn bó với tất cả những hành động mà ông cảm thấy là tốt nhất cho Hoa Kỳ và cho Việt Nam, đồng minh của chúng ta. Ông thực sự là một thứ chồn già cứng cỏi. Ông rất gắn bó với việc duy trì sự có mặt và duy trì danh dự của người Mỹ trong các cam kết với dân chúng Nam Việt Nam. Ngày hôm nay, trong trí tôi tuyệt đối không nghi ngờ việc đó. Bởi vì ông là một sức mạnh dữ dội, vì ông có một cái tôi bất hủ, nên có lẽ ông đã phạm lỗi trong việc nghĩ rằng với các sức mạnh của cá tính ông và cái sự kiện ông rất cứng cỏi ấy, ông sẽ có thể nhìn thủng vấn đề, dù cho cái ánh sáng lù mù mỗi ngày một tối đi khắp chung quanh ông và ngay tại Hoa Thịnh Đốn kia. Có thể ông đã là đề tài cho người ta phê phán, đả kích vào lúc ấy và ngay cả bây giờ, nhưng xin nhớ cho rằng ông đã là người nắm trách nhiệm. Thực khó cho tôi sau này trong việc ngồi đó mà phê phán ông. Tôi cảm thấy đại sứ Martin đã cố sức giữ cho sự hiện diện của chúng ta ở lại Việt nam càng lâu càng tốt, và có lẽ ông đã không muốn làm những gì vội vàng khinh xuất khi chúng ta rút, ông cố tránh để các tai ương đừng xảy ra. Và nói cho thật công bằng, suốt đến tận năm ngày trước khi chúng ta rút lui, ông đã thành công, bởi vì tất cả đều tương đối trật tự, yên ổn. Nhưng chợt một cái, mọi thứ khốn kiếp trở nên lỏng lẻo. Đã có rất nhiều người thực hiện sẵn các kế hoạch đấy, nhưng làm sao có thể đương đầu chuyện di tản một số lượng người rất lớn lao trong một thời gian ngắn ngủi, với mười bảy sư đoàn địch đang xiết chặt vào? Làm thế nào dự liệu hết những chuyện kẹt đường trong thành phố? Vâng, người ta đã cố gắng hết sức những gì có thể. Họ đã dự liệu kế hoạch cho trực thăng quân đội hoặc trực thăng Air America bốc người từ nóc thượng, nhét người vào những chuyến xe buýt càng đông càng tốt để có thể rút bớt việc nghẽn xe trên đường phố. Nhưng ông cũng hiểu, tôi chắc chắn nếu người ta có tới Hoa Thịnh Đốn vác mấy cuốn cẩm nang phòng vệ dân sự ra xem, thì trong trường hợp bị tấn công nguyên tử, có lẽ người ta cũng chỉ viết mấy chuyện như tài xế xe buýt phải có trách nhiệm chở người ra khỏi thành phố, vân vân.
Đấy, các kế hoạch thường vẫn thiếu phù hợp với thực tế như thế.
Và nhiều kế hoạch cũng đã được viết từ trước bởi những người không thể thấu hiểu hết mọi chuyện có thể xảy ra. Cho nên, chỉ đến khi các cậu bé bự bắt đầu bước vào tỉnh, nhìn thấy tận mắt những gì cần thiết thì kế hoạch thật sự mới được làm ra. Như khi họ bảo cần phải có một số hệ thống máy truyền tin cụ thể nào đó, họ có thể nêu ra đủ thứ vấn đề then chốt mà có lẽ họ phải đối đầu, nhưng thật ra, ngay cả đến mức ấy, cuối cùng cũng chỉ là những dự liệu tạm. Đúng như vậy, ông hiểu không? Người ta đã chất đủ trực thăng lên chiến hạm, đã đưa đủ chiến hạm đến biển Nam Hải, đã có đủ Thủy Quân Lục Chiến, đã có đủ các máy móc truyền tin, nhưng cho đến khi bắt đầu vào việc thì cuối cùng cũng phải giơ tay lên mà la ó và ra thủ hiệu thôi.
Trong thời gian di tản, tôi đã nói chuyện với tướng Carey ở ngoài chiến hạm Blue Ridge qua điện đài của Trưởng toán trực thăng. Mỗi khi chuồn chuồn bay vào, tôi thường chạy đến, người trưởng toán thường trao máy để tôi nóỉ chuyện vối ông tướng ngoài chiến hạm.
Bấy giờ trong suốt thời kỳ dự liệu kế hoạch, người ta đã bàn thảo về việc có hai chuyến CH-6 sẽ bốc người trên sân thượng để dành cho đại sứ và nhóm người cuối cùng. Cách người ta tính toán lúc ấy là cứ hai mươi người một chuồn chuồn. Như thế tức là chúng tôi chỉ tính bốc đi có lẽ từ hai mươi đến bốn mươi người ra từ tòa Đại sứ. Còn tất cả những người khác thuộc Tòa Đại sứ và ở trong thành phố sẽ được chở xe ra Tân Sơn Nhất. Rồi một lúc thuận tiện nào đó, sau khi mọi việc xong xuôi, Đại sứ sẽ ra đi.
Trong những ngày cuối tháng Tư ấy, chúng tôi làm việc 24 giờ mỗi ngày. Tôi dàn xếp với Trưởng xạ thủ, Trung sĩ J.J. Valdez, là phải giữ lính Thủy quân lục chiến không có nhiệm vụ ở lại Tòa Đại sứ chứ không cho về trại nữa. Lính tráng lễ mễ khiêng đồ đạc vật dụng vào ngay Tòa Đại sứ, ngủ trên ghế bố trong cao ốc bên cạnh hồ tắm. Chúng tôi tiên liệu tình thế sẽ xấu hơn.
Ngày một ngày hai, chúng tôi đều phải họp bàn xem phải hành động thế nào trong trường hợp đóng cao ốc, liệu có nên mang người vào trong và để cho những người khác ở ngoài không. Rồi làm thế nào chúng tôi thoát khỏi cao ốc, những chi tiết đại loại như thế. Bây giờ việc giữ an ninh cho văn phòng Tùy viên Quân sự ở Tân Sơn Nhất được phụ trách bởi một số người trong Bộ binh, Không quân và một số người khác – Vâng, trong tuần ấy họ đã cho biết là họ cần thêm người phụ giúp, những người thuộc loại bảo vệ an ninh đã được huấn luyện đàng hoàng. Họ yêu cầu chuyện ấy với Phó Đại sứ Wolf Lehman. Đầu tiên, tôi bảo Valdez đến từ chối không gửi được. Nhưng sau, có vẻ như họ thực sự rất cần người, nên tôi tự mình lên gặp Lehman, trình bày việc ấy không phải là ý kiến tốt. Nhưng Phó Đại sứ Lehman khẳng định phải gửi. Tôi nhớ ông ấy bảo phải đưa 16 Thủy quân Lục chiến đến canh phòng vòng rào Văn phòng Tùy viên Quân sự. Vì thế, tôi điện thoại đến văn phòng, nói chuyện với một Đại tá và một Thiếu tá Thủy quân Lục chiến đã ở ngoài ấy. Tôi bảo họ: “Nếu tôi gửi bọn nhỏ đến, quý vị chăm sóc chúng được chớ? Quý vị chắc chắn hộ là khi trực thăng bay đi thì đừng quên mấy thằng nhỏ nhá! Lỡ có gì bọn này chẳng thể vọt qua tỉnh mà lo cho mấy thằng con đâu. Bọn này phải có dự liệu trước mọi chuyện chu tất vậy thôi”.
Họ nói sẽ lo liệu cho mấy thằng nhỏ tôi gửi đến. Thế là với lệnh của Phó Đại sứ Lehman, tôi gửi đi một Trung sĩ xạ thủ tên Martin và mười lăm Thủy quân Lục chiến trẻ tuổi khác. Chúng tôi chọn đám này vì tương đối họ mới đến đơn vị, họ cũng không thắc mắc gì khi được gửi sang bên ấy. Họ cũng hiểu là có lẽ họ sẽ đi thẳng từ bên ấy. Hạ sĩ Darwin Judge và Hạ sĩ Charles Mc Mahon có mặt trong toán này. Judge và McMahon hai cậu cai mới tinh. Họ mới trình diện, chưa hề bỏ một tuần canh nào tại Tòa Đại sứ, vì thế đó cũng là lý do để xếp họ vào toán đi canh văn phòng Tùy viên Quân sự.
Bấy giờ là sáng 29 tháng Tư, sau bốn giờ sáng một chút, quân đội Bắc Việt di chuyển đến, bắt đầu pháo Tân Sơn Nhất, vài quả rốc kết rơi ngay doanh trại văn phòng Tùy viên Quân sự. Rồi tôi nhận tin có một số thiệt hại xảy ra cho lính Thủy quân Lục chiến. Tôi hãy còn nhớ cú điện thoại ấy. Chúng tôi dùng hệ thống điện thoại thường của Saigon gọi đi gọi lại để lấy tin. Tôi nói chuyện với một sĩ quan Thủy quân Lục chiến, với một Đại tá Bộ binh, rồi với đủ mọi người mà tôi có thể bắt được đường dây- Họ cho biết hai thằng nhỏ của tôi đã bị giết – Judge và Mc Mahon. Chết ngay tức khắc vì một cú bắn trực tiếp. Họ đang ra ngoài kiếm thi thể xem còn lại gì chăng. Chẳng gì sót lại. Một mẩu chân cụt đã cháy, dăm miếng thịt còn rơi vãi. Họ nhét tất cả vào bao. Mấy cái bao được ghi chú rõ rồi bỏ lên xe cứu thương chạy vào bệnh viện Cơ Đốc. Đấy là những thủ tục tiêu chuẩn phải thực hiện trước khi chết. Mọi thứ được thực hiện đúng sách vở. Tin tức sẽ chuyển sang Mỹ, gia đình họ sẽ được thông báo và không có gì lầm lẫn trong các bản báo cáo nữa.
Tôi định gọi cho sĩ quan khác phụ trách, những người chứng kiến nội vụ để yêu cầu giải thích lý do xảy ra, bởi tôi chẳng cách gì có thể rời tòa Đại sứ ra tận nơi xem xét được. Nam Việt Nam đã di chuyển một số máy bay từ phi trường Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất. Tất nhiên, những máy bay ấy đã trở thành mục tiêu của Bắc Việt khi họ đến. Sau khi đã dựng dàn pháo ở khu vực Biên Hòa, và đã tiến đến gần như thế, họ bắt đầu bắn vào các máy bay ở Tân Sơn Nhất. Doanh trại Tùy viên Quân Sự nằm ngay trên đường bắn. Chỉ cần một sai chạy nào đó trên đạn đạo, nếu rơi gần là đạn trúng ngay xuống doanh trại Tùy viên Quân sự thôi. Tôi thành thật nghĩ quân Bắc Việt không có ý định bắn Văn phòng Tùy Viên Quân sự. Họ chỉ bắn máy bay Nam Việt nam mà xảy ra chuyện ấy.
Trách nhiệm của tôi là giúp trực thăng hạ cánh. Tôi đã quan sát một vài địa điểm bên ngoài bờ tường Tòa Đại sứ, và đã ghi chú những địa điểm ấy. Còn bên trong sân Tòa Đại sứ, tôi đi đến kết luận là phải hạ bỏ cái cây lớn cản lối thì trực thăng mới xuống được. Nhưng Đại sứ Martin đến nói riêng với tôi là nếu tôi chỉ chạm một ngón tay lên cái cây ấy, thì tôi sẽ có chuyện lôi thôi với ông ngay. Cái cây đã trở thành một biểu tượng. Đã có khối chuyện tiếu lâm về cái cây này, tôi xin nói cho ông biết.
Đã có lần, có người khoanh dây thừng chung quanh gốc cây, họ buộc vào đấy một cái rìu và một tấm bảng nhỏ. Họ đề là: “Bực bội quá hả? Thử bửa một nhát coi!”. Vâng, tôi đã để mắt đến cái cây ấy vì chừng nào nó còn đứng đấy, trực thăng không thể đáp xuống an toàn. Tôi không nhớ đích xác giờ nào người ta quyết định cho chặt. Bấy giờ, sau buổi trưa, có lẽ khoảng trước ba giờ, cuối cùng Martin đồng ý. Ông ta bảo: “Thôi được, làm đi, hạ cái cây xuống!”. Thế là mọi người xúm vào rất mau. Cả bọn gồm an ninh tòa Đại sứ, lính Hải quân Tạo tác, Thủy quân Lục chiến, ngay cả mấy tay nhà báo úc Đại Lợi, Tân Tây Lan cũng xúm vào. Sau khi cái cây khốn nạn được hạ, bưng vác quét dọn xong xuôi, tôi bèn bảo Thủy quân Lục chiến và Hải quân tạo tác chạy ra ngoài kiếm một mớ sơn phát quang. Tôi muốn vẽ một chữ H thật to. Mọi chuyện đã được thực hiện xong trước 5 giờ chiều hôm ấy.
Tôi biết thời gian gấp rút. Nhưng tôi hãy còn cảm thấy bình tĩnh. Tôi trấn an Đại sứ về việc sau rốt chúng ta cũng phải điều chỉnh lại lịch trình của trực thăng từ văn phòng Tùy viên Quân sự sang bốc người bên tòa Đại sứ, vì chẳng thế nào chỉ sử dụng chỗ đậu xe trên nóc thượng mà thôi. Cần phải có trực thăng lớn để chuyển người đi.
Vâng, chỉ một chặp sau khi chuồn chuồn lớn bay vào Tân Sơn Nhất, tôi điện thoại cho Đại tá A.M. Gray, người phụ trách ngoài ấy, để ông biết chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đương đầu với đám đông. Ông đồng ý gửi thêm Thủy quân lục chiến cho tôi. Tôi nghĩ là có chừng một trăm cậu lính trẻ từ Biệt đội đổ bộ 2/4 của Đại tá George Slade được phái đến tăng cường Tòa Đại sứ.
Từ sau vụ pháo đêm 28, phía Nam Việt Nam ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm. Một nỗi sợ hãi đang bành trướng, từ từ trở thành hỗn loạn. Người Việt tụ tập phía ngoài Tòa Đại sứ. Tôi bắt đầu lo ngại thực tình. Đến trưa ngày 29, tôi phỏng định có khoảng mười ngàn người bu quanh phía ngoài tòa Đại sứ, và chúng tôi chỉ có chừng 160 lính canh Thủy quân Lục chiến để giữ an ninh khu vực. Không đủ Thủy quân Lục chiến để canh mấy bức tường giữ cho người ta đừng leo vào trong Tòa Đại sứ. Mấy bức tường có vẻ khá chắc chắn, nhưng một khi họ quyết tâm tràn vào, chỉ có Trời mới gạt họ được. Chúng tôi đặt người trên bờ tường để mong bảo đảm là người bên ngoài không nhảy qua, hoặc leo qua được. Ngoài ra, làm sao biết rõ những bên ngoài là ai? Chúng tôi, và nói chung lính Thủy quân lục chiến đều biết những người bên ngoài đơn thuần chỉ là những người Việt Nam muốn đi Mỹ. Nhưng trong đám đó, cũng có những tay phá rối, có thể có cả những đội ám sát, những tên mang theo khí cụ phá hoại, những thứ như thế. Chúng tôi đã nhận được lời báo động từ phía quân đội Nam Việt nam thông qua Trung ương tình báo suốt buổi trưa hôm ấy.
Đại sứ muốn lái chiếc xe của ông ra ngoài cổng để đi vòng về phía tư thất. Ông yêu cầu tôi cho mở cổng (Khúc này đã được một nhóm phóng viên làm tin đứng thu hình hết mọi chuyện). Tôi trả lời: “Vâng, thưa Đại sứ, tôi sẽ cố gắng”. Thế là Trung sĩ xạ thủ Schlager, cùng với vài cậu Thủy quân lục chiến và tôi mở cánh cổng ra. Nhưng chẳng có cách trời trăng gì mà mở cho nổi. Tôi quay lại bảo ông: “Thưa Đại sứ, với tất cả sự kính trọng của tôi, chẳng có qủy thần nào đưa xe ngài ra khỏi đây được. Xin khuyên Ngài trở lên lầu thì hơn”. Đến phút ấy. Đại sứ nổi đoá. Ông bước ra khỏi xe, mặt xám ngoét. Ông đóng sầm cánh cửa lại, bước đi. Tôi bảo Valdez: “Sau vụ này tao tuột xuống binh nhất là cái chắc”. Nhưng trưa hôm đó, Đại sứ Martin đến tìm tôi. Khi thấy tôi, ông đặt tay lên vai mà bảo: “Anh đã làm việc rất đúng đắn”. Ông ta như thế đấy. Bấy giờ người ta đang chịu nhiều áp lực thực khủng khiếp.
Nhưng Trời hành tôi, vì ông ta vẫn lại đi bộ về nhà cùng với đám lính cận vệ của ông. Chúng tôi vội tập họp người đi cửa sau vòng qua Tòa Đại sứ Pháp, ra đường mà đến tư thất ông. Đám Thủy quân Lục chiến vào đến đấy, sử dụng lựu đạn tiêu hủy tất cả mọi thứ còn lại trong cái két sắt. Trong nhà để xe hãy còn chiếc Jeep, chúng tôi nổ máy đưa ông chạy từ tư thất về lại Tòa Đại sứ. Khi ông trở lại, chúng tôi đều biết đã đến lúc ông sắp rời khỏi xứ.
Có một cái cửa hai chiều được dựng ngay trong nhà ăn thuộc khu giải trí, thông sang Tòa Đại sứ Pháp. Tôi giữ kế hoạch nguyên thủy của Đại sứ Martin là sẽ vào trong ấy để nếu có chuyện gì xảy ra, ông sẽ đợi đấy mà trình ủy nhiệm thư. Tôi nghĩ ông đã dự định ở lại, nhưng rồi kế hoạch được thay đổi sau những giờ phút trôi qua.
Suốt buổi trưa, buổi chiều tối hôm ấy, chúng tôi biết có một người chúng tôi cần phải đưa đi nhưng hãy còn kẹt trong đám đông ở phía ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi không thể mở cổng được. Cho nên, nếu cần đưa ai vào, chúng tôi cho người leo lên tường, thòng tay xuống kéo lên. Thôi thì nắm cổ áo, nắm tóc, giật lên giật xuống thật là khổ. Bọn Thủy quân Lục chiến kéo người như khiêng thịt. Một tình trạng tuyệt đối hỗn loạn. Suốt buổi trưa hôm ấy tôi đã được nghe nhiều chuyện xảy ra suốt dọc bờ tường. Những chuyện thật kỳ lạ. Nhiều chuyện thật đáng buồn. Một cậu Thủy quân Lục chiến đã được người ta dúi vào tay cả một bao giấy đựng đầy ngọc quý chưa cắt. Hắn trả lại, bao ấy là của một thương gia giàu có người Tàu muốn được đưa cả gia đình ra khỏi nước trước khi quá muộn.
Mấy cánh cổng chúng tôi đã cho xiềng khóa chặt. Chúng tôi đặt Thủy quân Lục chiến đứng canh. Bất cứ trường hợp nào cũng không mở cổng, bởi vì người ta đè vào. Một khi cánh cổng hé ra, nó sẽ bung, người sẽ như nước lũ tuôn, không cách chi chặn được.
Suốt thời gian ấy tôi luôn luôn ý thức cao độ và chính xác tất cả những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi đang tháo chạy. Tất nhiên cũng có nhiều cậu Thủy quân Lục chiến trẻ người non dạ hãy còn nhìn cách khác. Theo cách quan tâm của họ, người Mỹ hãy còn đang tham dự vào cuộc chiến. Thế đấy, có lẽ cũng có khá nhiều người khác cảm thấy như thế, nhưng thật ra, một cách chính thức thì từ 1973, chúng ta đã phủi tay xong xuôi. Bây giờ là lúc chúng ta ra đi thôi. Và nếu phải đi thì có lẽ đây là cách duy nhất để chúng tôi ra đi được. Phải đi với cái cách ấy, hoặc cứ ở lại tái tục cả một trận chiến khốn nạn lần nữa. Rồi rõ rệt quân Bắc Việt đang nhịp chân bước vào. Tôi muốn nói, quỷ thần ạ, họ có đến tất cả 17 Sư đoàn tiến vào Saigon. Mười bảy sư đoàn cả thảy! Nhưng tôi nghĩ, mặc dầu vậy, cái lối quân Bấc Việt kéo đến bao quanh thành phố, là cái lối họ mời chúng tôi ra đi cho. Hiển nhiên họ đã mở một hành lang để trực thăng bay vào bay ra mà không hề có một hành vi thù địch. Họ không muốn lộn xộn gì với người Mỹ. Điều ấy thực rõ rệt. Tuy vậy, hiển nhiên vẫn có một sự kiện nguy hiểm là bất kỳ lúc nào nếu có sự tiếp giáp của những đơn vị nhỏ, chẳng ai có thể kiểm soát hết mọi chuyện cho được. Nếu bất cứ lúc nào họ khai hỏa bắn lính Mỹ, người ta sẽ lại phải chơi toàn bộ một trận mới nữa. Như thế chúng ta cũng phải quay về lại với chiến tranh thôi.
Tất nhiên, đệ thất hạm đội cũng đã có sẵn 9,000 lính Thủy quân Lục chiến liên tục đặt trong tình trạng báo động từ 48 giờ qua. Họ được đặt sẵn trên tàu và được trang bị đủ thứ vũ khí đầy ắp đến tận răng.
Buổi trưa hôm ấy chuồn chuồn gặp khó khi tiến vào bãi đậu. Sự việc không người nào bị thương tích gì quả đã là một bản tuyên dương nghề nghiệp cho những tay đi bay. Họ tỏ ra tuyệt vời. Họ đã bị bắn sẻ bởi những bọn hôi của, những bọn có vũ khí ăn cắp mà chúng tôi gọi là bọn cao bồi. Trong lúc tranh tối tranh sáng người ta có thể nhìn thấy những vạch đạn bắn lên, và những khi như thế tôi gọi cho các phi công trực thăng đang tiến vào mà bảo: “Chúng nó đang bắn bạn” thì họ đáp: “Biết rồi! Biết rồi!”. Vài chiếc trực thăng bị những lỗ đạn, nhưng chả làm gì được. Nếu những bọn cao bồi ở trên những cao ốc bên kia mặt đường tòa Đại sứ, và chúng tôi thấy được tia lửa tóa ra từ khu ấy, thì chúng tôi chỉ có cách gọi cảnh sát Việt Nam lên thử dẹp đám khốn nạn bắn bừa ấy thôi.
Các phi công trực thăng cũng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Họ chỉ có khoảng 70 bộ Anh theo chiều thẳng đứng để hạ xuống tòa Đại sứ. Họ phải lượn đến, bay lởn vởn rồi hạ 70 bộ xuống cái lỗ này, và bề rộng không được bao nhiêu. Lỡ mất một cái trực thăng là hỏng hết, tin tôi đi.
Sức chở bao nhiêu là họ phải nhồi người vào trong chiếc chuồn chuồn bấy nhiêu. Sau đó họ phải tìm cách bay thẳng đứng, thay vì theo phương thức “chuyển động tịnh tiến” nghĩa là cho chuồn chuồn bốc khỏi mặt đất rồi liệng về phía trước. Không đủ chỗ làm chuyển động tịnh tiến. Đúng y chang là họ phải bốc thẳng lên khỏi 70 bộ Anh. Tôi còn nhớ rõ một chiếc trực thăng mà tay phóng viên Ken Kashiwahara của hãng ABC đã leo lên. Quỷ thần ạ, cái trực thăng cố bốc mà bốc hết nổi. Họ phải thả bớt người xuống, lại cố bay lên, vẫn không xong. Lại gạt thêm người xuống nữa. Cuối cùng gạt đủ số mới bay lên được. Chúng tôi bảo cha phi công: “Vác bố nó cái trực thăng khặc khừ chó đẻ này cất đi cho được việc!”.
Trong lúc cuộc di tản diễn ra, tôi cũng đã nghe chuyện các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp của quân đội Việt nam bỏ chạy. Tuy nhiên, đích mắt tôi không thấy ai. Lính Thủy quân Lục chiến điện thoại bảo tôi họ thấy một người Việt cao cấp nhảy vào chiếc C-141 ở Tân Sơn Nhất, thắt giây lưng lại mà đi. Trong tình trạng rối loạn ấy cũng chẳng có gì bất thường khi chứng kiến những người bỏ hàng ngũ chạy. Nhưng chúng tôi biết nhiệm vụ chúng tôi cũng giống nhiệm vụ của người lính cứu hoả. Chúng tôi phải ở lại cho đến phút chung cuộc cay đắng. Chúng tôi phải ở lại và phải chứng kiến cảnh tượng đầy những người đang trốn trước chúng tôi.
Với bao con người, với những chiếc chuồn chuồn túi bụi bay vào bay ra, lúc ấy thực ồn ào hết sức. Tất nhiên rất mất trật tự. Có lẽ, tôi có thể nói nó kém trật tự so với các phi trường ở New York, nhưng hãy còn trật tự hơn một trận tranh giải túc cầu ở Peru.
Suốt buổi trưa và buổi tối hôm ấy, người ta mặc nhiên xem như tất cả mọi người trong phạm vi tòa Đại sứ sẽ được ra đi, mặc dầu điều ấy không bao giờ được loan báo cả. Tôi không nghĩ là có sự loan báo chính thức nào về chuyện ấy. Nhưng ông biết, bền bỉ như các phi công Thủy quân Lục chiến rồi cũng chẳng bay mãi được. Đôi lúc họ hết xăng. Đôi lúc họ cũng phải nghỉ ngơi, ngủ nghê. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải tin rằng tất cả mọi người sẽ được ra đi. Điều tin tưởng ấy làm cho nơi này tương đối êm ả.
Nhưng lúc nào mà chẳng có cái nguy cơ của sự hỗn loạn. Dĩ nhiên, luôn luôn có những kẻ nóng nảy khùng điên. Và mỗi khi trực thăng đến, chúng tôi đều nhét người vào càng nhiều càng tốt, rồi đếm xem số còn lại bao nhiêu. Những người còn lại luôn luôn tỏ ra bồn chồn lo lắng. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào công việc. Với sự làm việc, chúng tôi đã rút bớt mối nguy cơ hỗn loạn xuống mức tối thiểu.
Công việc tôi lúc ấy là phải lo kiểm soát truyền thông. Tôi có một máy truyền tin xách tay của Thủy quân Lục chiến, nhờ đó có thể liên lạc được với tất cả các Thủy quân Lục chiến khác. Tôi phải lo bãi đậu trên nóc thượng Tòa Đại sứ. Tôi phải hướng dẫn chuồn chuồn ra vào. Các phi công cần định điểm chỗ tôi đứng, để tôi hướng dẫn họ vào. Tôi có thể nhìn tất cả mọi chuyện diễn ra trên nóc thượng và từ trên ấy tôi có thể thấy hết mọi bờ tường. Tôi cần phải đóng vai trung tâm, luôn luôn hiện diện cho mọi người thấy để đôn đốc công việc. Tôi bận bịu như thế suốt đêm ngày cho đến nỗi mắt cá chân sưng phồng, đi không nổi.
Mỗi lần cần chỉ thị của Đại sứ Marrtin, tôi lại phải tự mình chạy kiếm ông già. Có lúc ban đêm, tôi chạy quanh, khi thì leo bực thang, khi thì đi thang máy để kiếm ông già hỏi xem kế hoạch thế nào. Có lúc lên tuốt nóc thượng, đeo máy truyền tin nói chuyện với chiến hạm, rồi lại ba chân bốn cẳng chạy xuống. Lúc nào cũng bận bịu chạy lên chạy xuống như thế. Một lần tôi và Valdez vừa bước vào thang máy thì ông già – Đại sứ Martin – đã đứng trong ấy với Polgar, viên Trưởng nhiệm sở Trung ương Tinh báo. Polgar đã tuyên bố vớ vẩn gì đó, ông già Martin biết được và không bằng lòng. Tôi còn nhớ lúc ấy Martin rõ rệt đang hết sức giận dữ. Martin bảo anh ta: “Nếu tôi còn nghe anh nói bất cứ chuyện gì như thế thì anh sẽ được xuống Nam cực làm việc cho đến mãn đời!”. Suốt lúc ấy Valdez và tôi đã cố thu mình cho họ khỏi trông thấy.
Lúc ấy Martin trông rất mãnh liệt. Nhưng xin nhớ đã bảy mươi tiếng đồng hồ qua hoặc hơn nữa, ông chỉ được nghỉ ngơi rất ít. Và ông cũng không còn là một thanh niên trai tráng.
Đêm buông xuống. Đám người trong sân tòa Đại sứ vẫn đông đầy. Tôi nhận ra rằng cần có đèn, nhưng mấy cột đèn trong tòa Đại sứ không sáng nữa. Vì thế chúng tôi bèn mang những chiếc xe hơi trong Tòa Đại sứ ra sắp thành vòng bán nguyệt. Chúng tôi xem xét lại xăng trong xe, mở máy nổ, cho để đèn sáng. Sau đó chúng tôi gọi phi công trực thăng khi họ bay vào để soát lại cho chắc: “Các bạn có thấy rõ không”. Họ đáp “Thấy”. Nhưng đêm khuya hôm ấy, tình trạng trở nên rất căng. Chúng tôi hiểu bắt buộc phải đặt một giới hạn cho con số người đi. Thế là chúng tôi chạy quanh để đếm người xem ai được đi, ai phải ở lại. Việc ấy thực nhẫn tâm.
Vấn đề luôn luôn có kẽ hở. Chẳng cách nào Martin có thể định được chính xác số người. Tôi nghĩ có lẽ sẽ đưa đi được khỏi tòa Đại sứ 2,500 người là dứt. Nhưng đêm hôm ấy, bất cứ lúc nào số người trong sân tòa Đại sứ cũng có vẻ y như cũ, không hề suy suyển gì.
Trước đấy vào buổi chiều có lúc các chuyến bay đã tạm ngưng, người ta quyết định chuồn chuồn không bay sau 5 giờ. Nhưng rồi lại đổi, người ta quyết định sau trời tối, vẫn cứ bay. Rồi lại phải quyết định: Bay bao nhiêu lâu sau khi trời tối? Sau này, người ta cho tôi biết: Tướng Lou Wilson, người sẽ trở thành Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, lúc bấy giờ đang là Tướng chỉ huy Thủy quân Lục chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đã ra lệnh chuồn chuồn tiếp tục bay đến khi nào bốc hết người trong tòa Đại sứ và tại văn phòng Tùy viên Quân sự mới thôi.
Họ tiếp tục bay. Nhưng lại có vụ tạm ngưng lần thứ hai. Lần này là lần chúng tôi được tin đích thân Tổng thống Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ ra lệnh: Chỉ 20 chuyến nữa là phải chấm dứt. Hết.
Và rồi mọi sự đã xảy ra như thế này: Một cậu hạ sĩ quan đứng trên nóc sân thượng với khẩu súng máy đã gọi cho tôi. Hắn bảo: “Chuồn chuồn của Đại sứ đã đến rồi”. Tôi trả lời: “Hãy khoan, cần có thêm chỉ thị đã”.
Chiếc trực thăng đã vào khu vực để đợi Đại sứ Martin và đoàn tùy tùng ra đi. Chiếc trực thăng này được chỉ thị cụ thể là chỉ có nhiệm vụ đón Đại sứ. Ông Đại sứ chưa có mặt trên chỗ đáp. Tôi đến lấy chiếc điện đài của trưởng toán phi hành, gọi thẳng cho tướng Carey. Tướng Carey bảo Tổng thống Hoa Kỳ đã chỉ thị là Đại sứ phải đi ngay bây giờ. “Và những chuyến bay sau đó chỉ được dành cho….” tôi hãy còn nhớ câu nói này, vì lúc đó với tôi, nghe có vẻ thực khôi hài… “Các nhân viên Thủy, Bộ Hoa Kỳ mà thôi”. Tướng Carey lập lại với tôi những khẩu lệnh của thượng cấp như thế. Tôi giải thích với tướng Carey tình trạng bây giờ của tôi như sau: “Lính của tôi đang ở trên bờ tường. Giữa bờ tường và cánh cửa tòa nhà Đại sứ là khoảng bốn trăm người đang đợi di tản…” Tôi không nhớ chính xác từng chữ, nhưng tôi đã nói rất cẩn thận “Tôi mong Ngài hiểu rõ khi rút lính Thủy quân Lục chiến vào tòa nhà Đại sứ, tức là những người ấy sẽ bị bỏ lại”. Tôi muốn chuyện ấy phải được hiểu thật rõ và tôi không muốn trở thành người gánh chịu trách nhiệm về việc bỏ những con người ấy lại. Tôi đã sửa soạn mang họ đi, và tôi hiểu lệnh của ông ta là không bao gồm những con người này. Tôi biết lời điện đàm của tôi đang được phóng thanh trên mấy cái loa tại phòng chiến sự, như thế những nhân vật chỉ huy của chiến hạm U.S.S Blue Ridge đều được nghe thấy rõ. Tướng Carey hiểu thế.
Ông lập lại lệnh một lần nữa: “Tôi muốn anh hiểu rõ: Đây là chỉ thị của Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”.
Tôi đáp: “Thưa Ngài, vâng”.
Trong lúc Đại sứ đang đợi, tôi cho một cậu hạ sĩ trẻ ôm súng máy đứng canh chiếc trực thăng.
Tôi bảo hắn là tôi không muốn chiếc chuồn chuồn này bay đi cho đến khi nào chuyện này được giải quyết xong. Rồi tôi đến trình với nhóm tùy tùng của Đại sứ biết về các chỉ thị tôi nhận được. Chính đây là lúc mà Ken Moorefield đã nói với ông Đại sứ một câu lịch sử: “Đã đến lúc phải ra đi!”.
Đại sứ Martin nhìn về phía tôi một lát. Ông không nói một lời. Không biểu lộ một xúc cảm nào. Trông ông mệt mỏi. Ông biết giây phút buồn bã này trước sau cũng đến. Chợt nó đến.
Ông lên sân thượng, bước vào chiếc trực thăng, rời Việt Nam. Ông mang theo bên ông lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tôi rời văn phòng, xuống nhà. Đại tá Bộ binh John Madison, tùy viên Ủy Ban Liên Hợp Quân sự bước đến phía tôi. Tôi bảo ông không còn chuyến bay nào cho thường dân nữa, và đã đến giờ phải đi. Lúc ấy vụ cãi cọ xảy ra. Đại tá Madison muốn đưa tất cả các thường dân đi. Tôi bảo ông không còn cách gì. Ông bảo ông từ chối không đi, trừ phi chúng tôi mang hết 400 người ấy đi. Tôi bảo ông là tôi có chỉ thị của tôi. Tôi nói xin cứ ra ngoài tàu rồi giải quyết chuyện này, còn bây giờ là lúc phải đi thôi. Trong lúc đang cãi cọ như thế thì nhân vật số hai của Đại tá Madison bước đến dòm ngó chiếc trực thăng. Ông ta muốn chắc chắn là sẽ có chỗ trên chuyến bay ra. Đại tá Madison trừng trừng nhìn tôi với vẻ mặt mất tinh thần. Ông không biết làm gì nữa. Ông giơ hai tay trên trời, quay lưng bước đi. Trong số 400 người bị bỏ lại sân tòa Đại sứ, có rất nhiều người tốt. Cho đến nay, tôi vẫn còn cảm thấy áy náy về chuyện ấy.
Bên phía khu giải trí, qua bên kia bức tường, cạnh hồ tắm có một quầy rượu. Mấy ông ngoại giao Nam Hàn đã phóc vào trong ấy. Họ uống hơi quá chén một chút. Anh nào anh nấy lăn ra ngủ khò. Khi tỉnh dậy, cuộc di tản sẽ dứt điểm. Cho nên khi hơi men đã hết, chắc chắn một tràng tiếng Cao Ly sẽ được xổ ra, nó sẽ có nghĩa là: “Đ…đ…đù mẹ! Mấy cái trực thăng bỏ mình lại đây mà bay mất tiêu rồi!”
Trong lúc di tản cũng có nhiều người khác uống rượu. Một số rất đông đã nhậu, nhưng không say. Trong tòa nhà Đại sứ, trên tầng ba cũng có một quầy rượu. Rất đông các nhân vật then chốt đã nhậu, mặt đỏ ké. Thế đấy, chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa, cuộc đời họ sẽ rã rời. Nói cho thẳng ra, đó là lý do vì sao tôi chỉ thích tiếp xúc trực tiếp với Đại sứ Martin. Tôi biết ít nhất là mặc dầu mệt mỏi, ông vẫn tỉnh táo. Tôi không thích phải nói chuyện với ai ngoài ông, đặc biệt với mấy cha nhậu nhẹt mặt đỏ nhừ.
Đến gần cuối chiến dịch di tản, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà trong tòa Đại sứ. Tôi thường gọi cô ta một cách thân mến, với một cái tên: “Hilda, cô vắt sữa”. Bởi vì cô có bộ ngực bự sự, dáng dấp tháo vát, khỏe mạnh. Đấy là một người đàn bà hết xảy. Tôi nghĩ cô ta là thư ký của một tay Trung ương tình báo, loại đàn bà có thể giúp sắp xếp công việc ngăn nắp đâu vào đấy. Thấy lính vất vả, cô xông vào, chẳng cần ai hỏi. Lăng xăng đưa người này cốc cà phê, hỏi người kia xem có cần gì không. Cô dừng lại bên tôi một lần, làm tôi thấy dễ chịu. Bởi vì cô nắm cánh tay tôi một lúc và nói: “Anh làm việc dữ quá, để em lo cho anh một cốc cà phê nhé?” Tôi còn biết trả lời gì nữa ngoài hai tiếng “Cám ơn”.
Sau khi Đại sứ và tùy tùng đã đi, bây giờ là lúc phải lo cho tất cả những người Mỹ khác ra đi. Chúng tôi dàn xếp với nhau là sẽ ra tín hiệu ở bãi đậu xe bằng hỏa châu loại cầm tay. Chúng tôi chuyển khẩu lệnh cho mọi Thủy quân Lục chiến biết khi tín hiệu ban ra, tất cả đều phải bắt đầu lùi về phía cửa, lập thành một hình vòng cung bao ngay trước mặt tòa Đại sứ. Dĩ nhiên tất cả đều hiểu khi lùi khỏi bức tường là người bên ngoài sẽ tràn vào, những người ở trong sân tất sẽ rối ren hoảng hốt. Hẳn việc ấy sẽ xảy ra vì đám người này bị bỏ lại, trái với lời chúng tôi đã suốt đêm hứa hẹn với họ.
Thế là tôi cho người đi vào trong những cánh cửa lớn bằng gỗ lim của tòa Đại sứ. Tôi bảo họ khi Thủy quân Lục chiến lùi về phía họ, họ phải để mắt canh chừng đám đông. Những người đứng trong cửa phải tiếp tay lôi lính ngay vào cho nhanh. Tôi sắp đặt để cho càng ít phải sử dụng bạo lực càng tốt.
Mọi sự xảy ra y như vậy. Hỏa châu đốt lên, cuộc rút lui bắt đầu. Lúc đó chả khác địa ngục vỡ tung. Đám đông bên ngoài biết chuyện đang xảy đến, họ ý thức được họ đang bị Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ bỏ rơi, họ ào vào một cách hỗn loạn khủng khiếp.
Một sĩ quan Hải quân tạo tác tiến lên. Anh mặc thường phục, người ngợm đồ sộ vạm vỡ. Anh vớ được cái đòn gỗ khổng lồ thường để cài cánh cổng. Anh ta khiêng lên, quài tay quay cái đòn, xoay mòng mòng. Ai vô phúc trúng một đòn là đo đất tức khắc. Đám đông lui trở lại. Anh ta cứ thế múa tới múa lui. Lúc ấy ở phía trong, người ta nắm lấy bọn Thủy quân Lục chiến mà kéo tuột vào rồi.
Tôi đưa tất cả mọi người vào trong nhà được an toàn thì bắt đầu kéo cái cửa sắt sau cánh cửa gỗ lim lại. Cửa này được điều khiển bằng máy, nhưng nó tắc nghẽn lưng chừng. Chúng tôi bèn bảo “kệ mẹ nó” rồi chạy lại phía thang máy.
Chúng tôi bấm hai cái thang máy lên đến từng sáu thì cắt điện để không ai sử dụng thang máy được nữa. Rồi chúng tôi ùa chạy vào cầu thang lên từng sáu. Tại từng hai và từng bốn, có hai cánh cửa lưới. Chúng tôi đóng, khóa chặt lại. Tổng cộng chúng tôi có khoảng sáu mươi người, di chuyển lên từng sáu với một tác phong trật tự tương đối. Chúng tôi tiến qua cái hành lang dài từ từng sáu để lên từng thượng. Từ từng thượng lên chỗ đậu trực thăng, có một cái thang sắt ngắn. Chúng tôi cho đi cứ hai mươi người mỗi chuyến đến khi chỉ còn mười một người cuối cùng.
Cho đến khi chỉ còn lại mười một người ở sân thượng, chúng tôi chính là lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tất cả bây giờ đều mệt lử. Đã mười hai giờ đồng hồ không ngủ. Vài cậu nhỏ ngồi bệt xuống, mắt nhìn mông vào quãng không. Nỗi băn khoăn lo lắng đến cao độ. Những người khác còn lại trong tòa Đại sứ đang kinh hoảng, tuyệt đối kinh hoảng. Họ đều muốn ra khỏi nước. Muốn thế, họ phải leo lên mái nhà, mà chúng tôi lại không cho phép làm chuyện ấy. Với những người còn lại trong tòa nhà, chúng tôi không có thể phân biệt được ai với ai, và những phiền phức có thể đến bất cứ lúc nào.
Hãy nhớ đây là những cậu Thủy quân Lục chiến ít tuổi. Ngày này, giờ này họ sẽ không bao giờ quên được. Nhìn họ, tôi nghĩ: “Trời ạ, mình đến cái chỗ lộn xộn này từ năm 1966. Còn họ, thực khó cho họ hiểu được tất cả những điều này có nghiã gì. Một mai đây, chẳng biết họ sẽ nghĩ sao về chuyện này?”
Chiếc trực thăng không đến đón chúng tôi ngay. Và thời gian trôi qua. Vài cậu nhỏ dựa lưng nghỉ. Rồi trôi vào giấc ngủ.
Ánh sáng bình minh ló dạng .
Chúng tôi đều tò mò muốn nhìn những gì đang xảy ra ở Saigon, trong ánh sáng của buổi sớm mai chúng tôi nhìn ra thành phố, chúng tôi có thể thấy bằng chứng của những gì xảy ra ban đêm. Hiển nhiên đã có những vụ cướp bóc hôi của, rác rưởi vương vãi. Tại một vài khu, lửa đang cháy, khói dâng cuồn cuộn. Những người không ngủ trong bọn tôi, nằm trên nóc thượng ngắm nhìn. Tôi không bao giờ được xác nhận vì chẳng có cách gì xác nhận được, nhưng có một đoàn xe mà tôi đoán là xe của Minh Cồ, tân Tổng thống Nam Việt Nam đã tiến qua ngay cửa Tòa Đại sứ, có xe Cảnh sát Quốc gia hộ tống. Họ rút súng bắn vào lũ hôi của để dẹp đường cho Minh tiến đến dinh Tổng thống. Tôi nghĩ ông ta đang tiến đến để sửa soạn chào đón quân đội Bắc Việt và đầu hàng.
Nằm trên ấy nhìn, chúng tôi cảm thấy khích động. Chúng tôi đang nhìn lịch sử tạo dựng, và cùng một lúc, chính chúng tôi cũng là một phần của lịch sử. Tôi còn nhớ việc ấy đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt trong trí tôi, bởi vì chúng tôi chính là những người Mỹ cuối cùng được thấy, được nhìn.
Chúng tôi có thể nhìn thấy ánh lửa loé lên từ họng súng của quân Bắc Việt ở phía xa. Chúng tôi đã có cơ hội để suy tưởng suốt hai tiếng đồng hồ. Đó là những gì mà tất cả mười một con người chúng tôi đã làm: suy tưởng. Chúng tôi nhìn ngược lại các chuyện cũ, chúng tôi nói về những kinh nghiệm đã trải qua, và chúng tôi nghĩ “Trời ạ, thực lộn xộn”. Chúng tôi nhận thức được chính mười một con người chúng tôi đây gần như đã đại diện cho việc can thiệp quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Vào lúc đó, có người đã bày tỏ nhiều hối tiếc và cay đắng. Nhưng đây là những người khác, không phải tôi. Đấy không phải là cảm giác của tôi, bởi lẽ cái tôi cảm thấy là cuối cùng đây chính là chuyện tốt nhất. Và tôi nghĩ cũng đáng buồn. Tôi nhớ lại cái cảm giác thực rất giống cảm giác của một người lính cứu hoả sau khi đã suốt đêm cật lực chiến đấu chống ngọn lửa bên tiếng còi báo động liên hồi, để sau đó chấm dứt với một nỗi sầu muộn sâu xa. Để thấy sung sướng vô cùng vì ngọn lửa đã tắt. Nhưng nhìn đống tro tàn, vẫn không thể tránh được cái buồn bã u hoài.
Sau khi nói chuyện trầm lặng với nhau một lúc, tôi đã làm một chuyện đáng buồn cười. Trên sân thượng, có một đĩa ăng ten bắt qua vệ tinh. Trong cơn bực bội, tôi bước lại gần. Rút khẩu súng lục 45 ra, tôi trút hết đạn bắn vào cái đĩa khốn kiếp ấy.
Để ngăn người từ dưới nhà tìm cách đi lên, chúng tôi thả hơi cay xuống cầu thang. Chúng tôi sợ họ ùa lên, níu lấy chúng tôi mà tuôn vào trực thăng, nếu họ lên được.
Lúc ấy Steven Bauer đã làm một công việc quan trọng. Hắn là một hạ sĩ. Người nhỏ thó, hắn chui lọt vào cái lỗ cuối hành lang. Ở mỗi cuối hành lang có một lối thoát phòng hỏa, một trong những lối đó có cái cửa sổ bằng kính, bên trong là kim khí. Người ta đã đập cái cửa này để cố chui vào. Tay ôm vài trái lựu đạn cay, Bauer ngồi canh trong cái lỗ ấy. Hễ có ai thò vào, hắn lại thả một quả cay để xua ra. Chính hắn đã thủ vai hàng rào cuối cùng cho bọn chúng tôi.
Nhưng rồi có một cha ở phía ngoài tòa nhà cũng đã cố tìm cách leo lên mái với chúng tôi. Chúng tôi bèn giáng cho gã một nhát vào đầu. Cú ấy đủ cho gã tởn. Gã leo đã gần đến từng thượng thì mới có người thấy. Họ bèn ném cái gì đó không rõ, cú ấy đánh bật hắn té rụng xuống bên cạnh tòa nhà.
Suốt cuối đêm ấy cho đến khi mặt trời mọc, không ai biết chúng tôi đâu, trừ những người chạy theo. Những người này vào được cầu thang, quanh quẩn bên mấy chân thang. Những người này chắc chắn không được thoải mái, vì họ phải kiếm cho ra khăn ướt để bụm mặt mà thở. Trong hành lang sặc sụa hơi cay.
Tôi biết rất rõ chúng tôi còn lại bao nhiêu vũ khí đạn dược để ngộ lỡ quân Bắc Việt bắt đầu tấn công. Nhưng những ý nghĩ chỉ chạy thoáng qua đầu. Tôi không mất thì giờ nghĩ nhiều về việc ấy, vì lúc nào cũng phải bận rộn đối đầu với những việc xảy ra trước mắt.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một sự kiện mà tôi cảm thấy rõ ràng: Quân đội Bắc Việt đã làm tất cả những gì có thể để cho phép chúng tôi đi quách khỏi nơi này trong vòng yên ổn trật tự. Và mối quan tâm của tôi bấy giờ không phải là lo bị quân Bắc Việt bắn, mà là lo phải chiến đấu để khỏi bị cầm tù. Mối quan tâm đó là: Trên phương diện kỹ thuật, đây chẳng là còn cuộc chiến tranh của chúng tôi nữa.
Chúng tôi ngồi chụm với nhau. Hình như Bobby Frain thì phải, moi ra một chai rượu. Chúng tôi chuyền tay nhau. Chúng tôi lặng lẽ chờ trực thăng đến.
Đúng trước 8 giờ sáng, tôi thấy chiếc trực thăng bay vào. Tôi nhận thấy nó tiến đến từ xa. Một chiếc CH 46 không hộ tống, từ phía đông mặt trời mọc, nó tiến đến đón chúng tôi. Tôi thấy nó trước khi nghe thấy tiếng. Tôi bảo mọi người sẵn sàng.
Cuối cùng, chiếc trực thăng đáp xuống, đúng vào lúc 7 giờ 58 hoặc 7 giờ 59 phút sáng. Chúng tôi lên trực thăng. Tôi nghĩ, một vài người trong bọn ý thức được rằng đây là giây phút cuối cùng. Giây phút của lịch sử. Chúng tôi chính là những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Thoạt tiên, mọi người đều chạy đến trực thăng. Rồi trên sân thượng chỉ còn lại ba người: Bauer, Valdez và tôi. Bauer ngồi xa nhất nên anh ta là người sau chót đến bên trực thăng. Nhưng theo tôi nhớ, Valdez đã dừng lại ở đuôi trực thăng để bấm một tấm ảnh. Thật ra, tôi nhớ hắn đã bấm đến 2 tấm ảnh rất nhanh khi mọi người leo vào trực thăng. Tất cả chúng tôi đều mừng rơn vì được đón đi.
Trong lúc phi công chuẩn bị bốc, chúng tôi bị một luồng hơi lựu đạn cay. Anh phi công cũng bị dính. Bọn tôi không ai có mặt nạ chống hơi độc. Luồng hơi cay thoảng lên từ cầu thang, lọt vào trực thăng. Nhưng bây giờ anh phi công cũng bất kể. Chỉ mong đi nhanh cho thoát khỏi chỗ ấy thôi.
Khi vào trực thăng, ai nấy đều im lặng, mừng được ra đi. Không ai mở miệng nói gì suốt một lúc. Nhưng rồi cậu Trung sĩ Bobby Frain tìm được một cái máy truyền tin PRC-25 lăn trên sàn. Hắn lượm cái máy làm bộ vặn máy. Hắn diễn xuất hệt như đang nói chuyện với người trong máy. Cả bọn chúng tôi ngồi yên, ai nấy đều nghĩ “Mẹ kiếp, đi mau ra khỏi đây cho rồi”. Nhưng Bobby cất tiếng la lên. Tiếng hắn át tiếng cánh quạt bắt đầu kêu phành phạch: “Thưa Thiếu tá! Họ hỏi muốn ăn thứ bánh ‘pizza’ gì khi đến Manila?”
Tôi tin đó chính là câu nói cuối cùng của một Thủy quân Lục chiến Mỹ trước khi chúng ta vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi bật cười với lời nói đùa của Bobby. Lời nói đùa này phá vỡ sự căng thẳng. Chúng tôi cười vì câu nói, nhưng cũng cười vì chúng tôi đều mừng rỡ là cuối cùng chúng tôi sẽ được về với gia đình.
Sự thực lúc ấy phi hành đoàn chỉ lấy đủ xăng để bay khỏi Saigon. Họ không đổ thêm. Trên lúc bay ra chiến hạm Okinawa, có đèn báo động trên cả hai bình xăng. Tôi khá lo. Tôi thấy chiếc đèn thứ nhất bật lên. Cả phi công chính và phi công phụ cũng đều để ý. Rồi chiếc đèn thứ hai bật lên. Tôi nói “Lạy Chúa, cầu cho cái trực thăng đừng hết xăng trước khi đến nơi đến chốn!”.
Nhưng rồi hạm đội hiện ra. Sáng hôm ấy là một buổi sáng trong trẻo. Khi vừa thấy mấy chiếc chiến hạm, chúng tôi thấy ngay các thứ còn sót lại của những chiếc trực thăng trên mặt nước chung quanh tầu. Mọi thứ lộn xộn như cái sở thú. Trên sàn bay của chiến hạm Okinawa người ta xếp thành hàng để làm thủ tục. Vũ khí bị tước lấy, ném đi.
Tôi dám cá rằng mười mấy Thủy quân Lục chiến của nhóm tôi ít nhất có đến 36 món vũ khí. Khi lên tàu, vài cậu đeo súng đầy mình chẳng khác tướng cướp Pancho Villa. Cá nhân tôi có một khẩu Colt 45, một khẩu súng lục tự động 9 ly, và một M-16. Mấy cậu nhỏ khác có cả lô vũ khí đã nhặt trên mái tòa Đại sứ để giữ làm kỷ niệm. Vài khẩu AR-15 báng gấp. Một khẩu súng lục .32 mạ kền. Vài khẩu súng lục Tiệp Khắc. Đủ các thứ vũ khí mà người ta có thể tưởng tượng ra. Ông biết là ngay khi chúng tôi bước lên tàu Okinawa họ tước hết vũ khí ném qua thành tàu. Cũng hơi buồn, nhưng bọn Thủy quân Lục chiến vẫn thường gặp cảnh này luôn. Tôi đoán khi nhặt nhạnh vũ khí, chúng tôi quên bẵng chuyện này. Tước vũ khí tất cả mọi người trên tàu là biện pháp duy nhất để tránh tai nạn vậy.
Chúng tôi thấy người Việt lái trực thăng ra đang cố hạ xuống sàn chiến hạm. Nhưng tôi quá mệt để đứng nhìn cảnh này. Làm thủ tục xong, tôi chui ngay vào túi ngủ, đánh một giấc sáu tiếng đồng hồ. Thế rồi họ thức tôi dậy, bảo tướng Carey muốn gặp tôi bên chiến hạm Blue Ridge ngay tức khắc. Tôi nhảy vào trực thăng. Họ đưa tôi bay qua tàu bên kia. Nhưng vào lúc trực thăng chúng tôi sắp hạ thì đã có một chiếc khác đang cố hạ xuống mũi tàu. Đừng quên đây không phải là Hàng không Mẫu hạm. Chiếc trực thăng Việt Nam ấy đã đụng gẫy một số cột ăng ten, suýt gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng họ đã tuyệt vọng cố bay ra khỏi xứ. Họ bay vòng vòng khắp trên không trung.
Sau khi tất cả các biến cố trôi qua, tôi vẫn không dám chắc là sẽ được tưởng thưởng hay sẽ bị một cú đá đít đích đáng vì việc đã sử dụng lựu đạn cay. Sau cùng, họ cho tôi một huy chương ngôi sao đồng.
Khi trở lại Hồng Kông, tôi và Bob Lewis, sĩ quan chấp hành của tôi ngồi xuống. Chúng tôi làm sẵn bốn mươi hai bằng tưởng lục cho tất cả những thuộc cấp khắp từ Nam Vang, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa và Saigon. Sau khi nhận đủ các báo cáo công trạng, ai làm chuyện gì, chuyện gì xảy ra, tôi ngồi xuống nghiền ngẫm. Tôi biết tác dụng của việc tưởng thưởng, tôi rất quan tâm đến việc làm sao cho mỗi cậu nhỏ đều được để ý đến bằng cách này hay cách khác. Vì thế tôi đã làm hết sức mình. Đôi trường hợp tôi được báo cáo đầy đủ. Đôi trường hợp, tôi phải thêu dệt ra. Cho nên lời khen thưởng nào nghe cũng từa tựa như nhau. Nhưng hiển nhiên, tôi biết họ đã là một phần của hành động, họ đã tham dự. Sau đó tôi đem các bảng tưởng lục đến cho Tổng Lãnh sự tại Hồng Kông ký, như thế các nhân vật của Bộ Ngoại Giao phải tiến cử. Và như thế Bộ Tư Lệnh Thủy quân Lục chiến chắc chắn sẽ không thể gạt đi được.
Kết quả, tất cả mọi người đều được tưởng thưởng. Đa số tuy không được thưởng đúng mức, nhưng cũng có người được huy chương Quân công của Hải quân, hoặc huy chương Tuyên dương của Hải quân. Sau này, tôi ngạc nhiên khi tìm ra nhiều người trong số vẫn còn ở lại binh chủng Thủy quân Lục chiến. Steven Bauer chẳng hạn. Lần cuối cùng tôi gặp, anh ta vẫn ở trong binh chủng, lúc ấy đã trở thành Trung sĩ xạ thủ. Tất cả những cậu lính này đều có một chút gì giống như các cậu lính của Napoléon. Napoléon đã lưa ý đến một sự kiện là người ta thường làm những hành vi can đảm chỉ vì muốn được một miếng huy chương. Tôi thực ngạc nhiên khi gặp những cậu lính vẫn còn tiếp tục ở lại Thủy quân Lục chiến sau biến cố ấy.
Chúng tôi đã cụng ly uống đến say mềm ở Manila. Mười một người chúng tôi. Sau đó chúng tôi không bao giờ còn có dịp tụ họp lại với nhau nữa.
Phần tôi, tôi ở binh chủng Thủy quân Lục chiến cho đến tháng Bảy năm 1983. Nhưng thực ra, tôi vẫn luôn luôn là một người lính chiến. Tôi nghĩ cuộc di tản ở Saigon đã trở thành những gì đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp khá dài của tôi ở binh chủng Thủy quân Lục chiến.
Vào thời gian ấy tôi đã nhạy cảm với những gì đã xảy ra với tất cả các ý nghĩa của nó. Đây là lần đầu tiên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tháo chạy và đã phải thừa nhận rằng mình cạn hết năng lực.
Tôi đã viếng Đài Kỷ Niệm các chiến sĩ bỏ mình trong trận chiến Việt Nam. Tôi nghĩ đài này rất đẹp với những cái tên, chỉ những cái tên thôi, khắc trên đá hoa đen. Và tôi cảm thấy khi người ta nhìn vào và đọc một số tên, thì cái đài đó đã đạt được những kết quả mong muốn rồi.
Tôi rời Thủy quân Lục chiến, không tình nguyện đăng thêm.
Nói một cách thẳng thắn, cách tôi tham dự cuộc chiến là chỉ vì bản chất tôi thích liên hệ vào mọi chuyện diễn ra. Đó là việc xảy ra trong một thời điểm của đời tôi, tôi đã rất muốn tham dự vào. Đó là một biến cố hệ trọng. Nó cho tôi dịp chia sẻ kinh nghiệm của cha tôi trong kỳ đệ nhị thế chiến.
Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ngừng lại và nghĩ nhớ về Việt Nam. Tôi tưởng như vẫn còn thấy những khuôn mặt, nghe những giọng nói, tiếng động, ngửi thấy những mùi vị xa xưa trở về. Đây đó vẫn tưởng ra những giây phút xưa cũ, những biến cố ngày nào. Nhưng tôi không hề bao giờ bị chấn thương vì kinh nghiệm chiến tranh cả.
Ông biết, khi đọc tin trên báo, khi thấy các hình ảnh là tôi đều cảm thấy như quay cuồng về chốn cũ. Tôi có thể cho ông hàng tá thí dụ về những chuyện như thế. Tôi nhớ hình ảnh những đứa bé đẹp đẽ. Tôi nhớ mùi xăng đốt khét lẹt. Tôi nhớ những buổi đi hành quân tuần tiễu.
Tôi nhớ một chuyện đặc biệt khi chúng tôi hành quân qua làng đã gặp một bà già Việt nam. Một bà già nhỏ thó. Ngón tay cái của bà già mưng mủ, nó bị thối hoại. Người lính quân y bèn rửa ráy sạch sẽ, cắt thịt hư, bôi trụ sinh lên, băng bó cẩn thận ngón tay cho bà già. Khi chúng tôi gặp bà già này thì ngón tay mưng mủ ấy được trét phân bò và bó bằng lá chuối. Người lính quân y có nói được đôi chút tiếng Việt, và qua lời người thông dịch, hắn đã dặn dò bà già phải đi bác sĩ. Bởi vì nếu bà không giữ sạch sẽ, vi trùng thối hoại đã sẵn đấy, bà có thể mất ngón tay, hoặc nếu nó lan rộng thì có thể mất mạng như không.
Đó là cái thông điệp chúng tôi đã chuyển cho bà già. Tuy nhiên chúng tôi không thể giải phẫu ngón tay cho bà trong lúc hành quân. Nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đã giúp bà khá nhiều, và đã cứu mạng bà rồi.
Ba ngày sau trở lại ngôi làng ấy, bà già vẫy mời chúng tôi uống cà phê. Khi bà mang cà phê đến, chúng tôi thấy bà đã vứt hết bông băng rồi lại trét phân bò, quấn lá chuối lên ngón tay. Bà già nhỏ thó ấy, trông như đã 126 tuổi nhưng có lẽ chỉ ngoại tứ tuần, nếu cứ như thế bà sẽ chết thôi. Chúng tôi sẽ không thay đổi được gì hết. Tôi bị kích động vì những chuyện hiển nhiên như vậy.
Một lần khác nữa chúng tôi đi hành quân qua ruộng lúa, có một chiếc chiến đấu cơ Phantom bay qua. Bay rất thấp. Khi nghe tiếng động cơ chúng tôi ngửng nhìn. Kìa trên bầu trời là một chiếc máy bay tân kỳ trị giá mười triệu đô la đang trưng ra với những người làm ruộng mà chắc rằng họ chẳng thể nào biết gì về nó. Tương tự như một chiếc oanh tạc cơ bay qua hòn đảo New Guinea vào thời đệ nhị thế chiến. Những người dân quê sống trong mấy túp lều, đi cày với mấy con trâu khi ngửng lên thấy chiếc Phantom, làm thế nào họ có thể hiểu đây là cái gì, nó bay đến đây làm gì?! Chuyện ấy không thể hiểu được đối với họ. Tất cả những gì họ hiểu ra được một cách chắc chắn, ấy là nó chỉ làm phiền cho cuộc sống của họ thôi.
Tôi vẫn nhớ đến những con người đã ngửng nhìn chiếc Phantom một lát rồi tiếp tục làm việc. Những nỗi hoài niệm phiền muộn ấy cứ quay về trở đi trở lại mãi.
Tôi xin nói với ông là ký ức rất quan hệ đối với tôi, bởi vì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Mỗi khi mắc kẹt với các câu hỏi như việc can thiệp của Hoa Kỳ ở Trung Mỹ, tôi lại nhớ đến những điều ấy, bởi vì đấy là những kinh nghiệm thực của tôi. Những lúc ấy tôi thường nói: “Chúng ta không thể xuống dưới vùng ấy với những lý tưởng kiểu Mỹ để giải quyết vấn đề của họ, bởi vì chúng ta sẽ không có câu trả lời”. Có lẽ cách tốt nhất là nằm ở nhà, tránh quách những chuyện ấy, ngoại trừ việc cấp viện trợ kinh tế, hoặc hỗ trợ các kế hoạch hoà bình. Chúng ta phải nhớ bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế của mỗi xứ đã mâu thuẫn phân chia giữa những “cái có” và những “cái không có” thì đều có triển vọng cho các xáo trộn thực sự xảy ra. Không một người đàn ông nào đáng giá một hột muối lại sẽ đứng thụ động quá lâu để chứng kiến cảnh gia đình mình đói khổ cả.
Cách tệ hại nhất mà chung ta làm chính là đưa giải pháp quân sự xuống dưới ấy, ấn vào tay những người không cần đến. Và đấy cũng là lý do tại sao tôi đã hoàn toàn phủ nhận các giải pháp quân sự. Xin ông hãy tin tôi, giải pháp quân sự không giải quyết được vấn đề gì. Tôi nghĩ người ta phải có khả năng tự vệ, nhưng hệ thống ngày nay đã có vẻ hoàn toàn mất kiểm soát rồi. Hiện nay tôi chính là một người thực sự chủ trương hòa bình. Đặc biệt là với vấn đề ngân sách quốc phòng, ngày nay đã trở thành quá sức tưởng tượng.
Với tất cả lòng thành của tôi trước Thượng đế, tôi không cho rằng tôi sẽ là một người cha thành công nếu con cái của tôi thích chuyện súng gươm. Tôi thành thực tin như vậy. Tôi mong các con tôi sẽ làm một chuyện gì xây dựng – một người thợ nề lương thiện xây nhà, dựng tường, một người viết văn lương thiện viết một cuốn sách tốt đẹp. Chứ tôi không muốn một đứa con nào đi vào binh nghiệp cả.
Tôi không bao giờ sử dụng đến súng nữa. Trong nhà – tôi không giữ một khẩu súng nào. Tôi không vui khi thấy con tôi mở mấy cuốn sách quảng cáo để xem mấy khẩu súng bắn đạn bi, hoặc đứng nhìn mấy khẩu súng trường bày bán ở các tiệm thể thao. Mỗi khi thấy thế, tôi cắn môi. Tôi muốn người ta vứt hết mấy thứ rác rưởi ấy đi cho xong.
Tôi biết (Tổng thống) Ronald Reagan cùng tuổi với cha tôi. Trong khi Reagan đóng phim ở Hollywood thì suốt bốn năm đệ nhị thế chiến, tôi không được gần cha. Tôi không muốn nói xấu về việc ấy, vì ít nhất Reagan cũng đã còn giơ tay lên mà tình nguyện làm một chuyện gì. Nhưng tôi tuyệt đối phẫn nộ đối với bọn chủ chiến không ra gì, chúng bao quanh lấy ông ta. Những cái lỗ đít ấy chẳng từng bao giờ ở trong quân đội, những thằng mập xịt ngồi ứ để chơi trò sức mạnh võ biền. Bọn nó xắn tay áo, phun nước bọt, gửi những thằng bé mười chín tuổi đầu ra chỗ chết. Thê thảm.
Cho nên một Tổng thống cần phải biết nghe khuyến cáo mỗi khi những bọn hiếu chiến bắt đầu khua động loảng xoảng gươm dao. Ông Tổng Thống cần phải nhớ rằng cả một thế hệ đã lớn lên và không hề biết một chút gì về Việt Nam. Thế hệ ấy dễ tin, dễ cảm vào mấy thứ rác rưởi như “Rambo”. Những thứ như thế thúc đẩy bọn trẻ con máu nóng nhảy ra chiến đấu và chết. Chúng sẽ không chết ở Việt Nam. Cuộc chiến ở đấy đã xong. Nhưng chúng sẽ chết ở một nơi xa xôi nào khác nữa.
Chiến tranh là một sự phí phạm. Thế thôi. Tôi là người đã chứng kiến. Đã sống sót. Và ngày nay vẫn còn thấy trong tâm trí cuộc chiến ấy. Tôi biết chắc chắn rằng phải có một giải pháp tốt đẹp hơn.
TRUNG Sĩ KEVIN MALONY
(Cận vệ của Đại sứ Martin)
“Phục sinh từ đám tro tàn”
Tôi phục vụ ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Warsaw, Ba Lan, cho tới 22 tháng Giêng 1975 thì chuyển về Saigon. Thực tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Tháng Mười năm trước tôi rời Hoa Thịnh Đốn đi Âu Châu vài tuần. Thêm vào chương trình huấn luyện thông thường mà các vệ binh Tòa Đại sứ phải thụ huấn, tôi có tham dự chương trình cận vệ bảo an các yếu nhân. Rồi phục vụ tại Luân Đôn, tại Frankfurt, Tây Đức, sau đó là Warsaw. Tôi chỉ ở Warsaw có mười tuần lễ rồi tình nguyện đi Saigon.
Tại Saigon theo quy định tôi chỉ mặc thường phục, và là cận vệ Đại sứ Martin cho đến ngày 28 tháng Tư.
Khi tới Saigon vào tháng Giêng, tôi nghĩ mình sẽ ở đây một năm, nhưng rồi “Cuộc chơi lớn” bắt đầu.
Saigon khá an ninh lúc tôi đến. Nay mỗi lần nghĩ tới tôi lại càng ngạc nhiên. Sĩ quan an ninh khu vực bảo tôi trong vòng sáu mươi dặm Anh tại Saigon không hề có Việt Cộng. Tuy nhiên Saigon lúc ấy chính là một trại lính. Tòa Đại sứ ở đây có lẽ còn an ninh hơn bất cứ một Tòa Đại sứ nào.
Bên kia thành phố, tại tư thất Đại sứ, chúng tôi gồm tất cả sáu người lo phụ trách bảo vệ cho Đại sứ. Nhiệm vụ của tôi thuần túy là nhiệm vụ bảo vệ Đại sứ Hoa Kỳ. Có một trung tâm truyền thông đặt ngay trong tư thất Đại sứ, tôi là người canh giữ trung tâm ấy. Trong giai đoạn sau, tôi cũng là người phụ giúp việc truyền thông giữa Tòa Bạch ốc và Đại sứ. Có lần một số vị trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đến đấy, tôi đã có mặt trong lúc quý vị ấy họp bàn kế hoạch.
Khi gặp Đại sứ lần đầu, thấy một ông già mặc cái quần ka-ki cũ, cái áo lụng thụng, lăng xăng trong sân, tôi cứ ngỡ là ông làm vườn. Trông không có vẻ gì Đại sứ cả.
Tôi được giới thiệu với ông vào ngày hôm sau tôi đến. Ông là người lịch thiệp, gây nhiều ấn tượng sâu sắc. Thực là một tay cứng cỏi. Bấy giờ đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng ông còn làm việc bền bỉ hơn tôi.
Trong giai đoạn cuối, Đại sứ tỏ ra rất kiên quyết. Ông không muốn lộ việc người Mỹ di tản vì chuyện ấy có thể gây náo loạn. Vì thế chúng tôi đã phải giữ cho mọi việc có vẻ vẫn bình thường.
Cuộc di tản, có lẽ là một trong những biến cố trọng yếu nhất đời tôi. Ngày 28 tháng Tư, tôi bị giải nhiệm vì tác phong: Tôi nhậu nhẹt quá sá và đã tạo thành vấn đề. Chính Thiếu tá Kean là người đã đề nghị đưa tôi ra tòa quân sự. Nhưng Thiếu tá Kean cũng cho tôi đoái công chuộc tội: Nếu làm việc tử tế, ông sẽ nương tay. Sau đó khi về Mỹ, tôi chỉ bị các hình phạt quân kỷ, khỏi phải ra tòa. Tôi bị phạt và bị thuyên chuyển thôi.
Cấp bậc của tôi là Trung sĩ. Tôi được chỉ định phụ trách một số quân nhân có nhiệm vụ canh giữ doanh trại văn phòng Tùy Viên Quân Sự. Hạ sĩ Mc Mahon và Hạ sĩ Darwin đều là hai người làm việc trong tiểu đội tôi, họ mới đến có hai tuần lễ. Tôi biết họ chưa lâu, mới ít ngày. Hai người bồ bịch thân thiết nhau lắm, tôi cho là chẳng ai tách rời họ được. Họ đến cùng lúc, thân thiết với nhau ngay. Lúc tôi tới, lính tráng thường cười đùa trêu chọc Judge vì anh ta hay nhái giọng nói miền Boston của Mc Mahon.
Tôi tới đây vào lúc chiếc phi cơ A-37 của Việt Nam bị tấn công. Chúng tôi vác cả súng trường lẫn súng lục ra mà bắn.
Sau khi máy bay được đưa đi hết, yên lắng lại, chúng tôi mới trò chuyện với nhau. Chắc ông từng nghe người ta nói “Chết đến nơi thì phải tin Trời, Phật, Thánh, Thần”. Đúng thế, Judge là người Thiên Chúa Giáo, hắn đã trò chuyện với tất cả mọi người về niềm tin của hắn. Hắn thuyết về đạo giáo cho tất cả lính tráng trong đơn vị trước khi tôi đến, sau đó lại rao giảng với chính tôi. Tôi biết hắn đúng, tôi đồng ý. Trước đây tôi chưa từng nghe chuyện tôn giáo. Bây giờ là lúc quyết định: Đúng ngày hôm ấy tôi đã trở thành một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Ngay tại đấy, và từ đó cuộc đời tôi rõ rệt đổi khác.
Cái kinh nghiệm sáng hôm ấy của tôi là kinh nghiệm của một người trở về đối diện với chính mình, nhận được rằng mình đã sống cuộc đời đáng tởm. Tôi ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đã bốn năm, đã sống với cái hình ảnh của tài tử cao bồi John Wayne, cái lối nhậu nhẹt dữ dằn, kiểu sống khó thương của dân Thủy quân Lục Chiến. Đời sống ấy tạo trong tôi một sự trống rỗng, làm cho tôi chẳng còn là tôi, có lẽ đó chính là lý do tại sao bia rượu tàn phá tôi. Tôi đã bị hủy hoại, chẳng sót lại gì. Bao nhiêu điều tốt đẹp khi gia nhập Thủy Quân Lục Chiến chỉ còn lại tro than.
Mọi sự giống như cơn lốc xoáy. Tôi đã khá thành công trong binh chủng Thủy quân Lục chiến. Từ binh nhì lên trung sĩ chỉ trong thời gian ngắn. Nếu đừng vấp vấn đề lôi thôi ở Saigon, có lẽ tôi đã là người trung sĩ trẻ tuổi nhất binh chủng.
Vào đêm hai chú nhỏ bị giết, chính tôi là người bố trí trạm gác.
Lúc ấy 4 giờ kém 15 phút sáng, tụi hắn trúng ngay quả rốc-kết đầu tiên bắn tới. Tôi đoán là một quả 122 ly, sau đó tôi có tìm được cái cơ phận quả đạn. Lúc ấy tôi đang ở căn cao ốc kế cận, quả rốc-két đã đánh bật tôi ra khỏi giường. Ở ngoài ấy với tụi hắn, còn một chú nhỏ nữa. Tụi hắn ở phía góc căn trại, còn chú nhỏ kia tên là Holmes, ở phía cổng. Chú này bị ngay đầu. Có tiếng đạn cá nhân nổ liên hồi, hóa ra là dây lưng đựng đạn cá nhân của Judge phát nổ trong đống xe Honda bốc cháy, thoạt nghe như súng máy nổ ngoài cổng.
Quả rốc-két có lẽ rơi cách Mc Mahon và Judge chỉ khoảng mười tám phân Anh. Trúng đạn tụi hắn chết tức khắc. Không ai có thể nhắm trúng đến thế. Mc Mahon hứng ngay luồng đạn, thân thể hoàn toàn nát bấy, đầu một nơi, mình một nơi, tay chân một nẻo. Judge còn khá nguyên vẹn. Lúc đầu nhìn, tôi cứ tưởng hắn còn sống. Tôi kéo hắn ra khỏi ngọn lửa, nhưng hắn đã chết rồi. Stu Herrinton nhặt cái mũ sắt của Judge mang đi.
Sáng hôm ấy tất cả bắt đầu rung chuyển. Không quân Việt Nam cố di tản máy bay đi, mấy chiếc C-130 trúng rốc-két cháy tại chỗ. Đám nhân viên phi hành chạy vào. Chúng tôi cố núp tránh miểng đạn. Người ta có thể nghe đại pháo 130 ly rít qua đầu, nổ ầm trong đám kho xăng. Tôi nhìn thấy một chiếc C-l 19 cất cánh rồi bị bắn hạ.
Lúc ấy tôi là người tin số mạng, cái gì đến thì đến, nếu số tôi tới thì tới, vậy thôi. Không biết bây giờ tôi còn tin thế không, nhưng lúc ấy tôi tin như vậy. Tôi là loại cứng cổ, dù có sợ cũng không thừa nhận với chính mình.
Thiếu tá Tony Woods là người có trách nhiệm đưa đa số người Mỹ đi khỏi Saigon. Ông và tôi lái xe buýt quanh thành phố để đón người Mỹ tại các khách sạn. Có rất đông nhà báo. Thiếu tá Woods đã được một huy chương sao đồng về các hành động tại đây.
Ông ta và tôi nhảy lên một chiếc Jeep chạy quanh mấy nút chặn của lính Việt Nam trên đường phố Saigon. Chúng tôi lái đến mấy nút chặn ấy xem họ làm gì. Nhiều cha nổi nóng. Họ nổ súng nhưng chúng tôi không trả đũa. Sau đó ông ta và tôi lạc nhau trong một vụ nổ. Ông đi một đường, tôi đi một nẻo.
Việc ấy xảy ra ngay bên ngoài phi trường Tân Sơn Nhất. Người ta cứ đại ngôn về việc chúng tôi có thể đi ra phi trường mà không bị bắn chác gì. Vâng, những người nói chuyện như thế là những người không có mặt ở Saigon.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không bắn chúng tôi, nhưng lính của họ thì có. Vô khối lính đã nã đạn lên trời, cũng vài chiếc xe buýt bị trúng đạn.
Thiếu tá Woods và tôi hộ tống mấy chiếc buýt cho đến khi chúng tôi lạc nhau. Tôi lọt xuống trung tâm thành phố thì chợt phía sau là một xe vận tải đầy lính Việt Nam trang bị súng ống, cứ thế lừ lừ chạy theo. Tôi vòng một khu đường để đi sau chiếc vận tải thì bọn lính chĩa súng về phía chúng tôi. Đến khi chiếc xe buýt về tới Tòa Đại sứ, người trên buýt bước xuống, và khi vừa thoát khỏi bọn lính Nam Việt Nam, tôi chui ngay vào trong Tòa Đại sứ.
Tôi leo tường vào. Lúc ấy tôi mặc đồ rằn của lính Nam Việt Nam để di chuyển trong thành phố. Tôi cũng mang một khẩu M-16 và một khẩu .38. Ngày hôm ấy, họ cho chặt bỏ cái cây để trực thăng đáp xuống.
Tôi đã vào giữ vị trí ở cổng khu giải trí vài tiếng đồng hồ cho đến khi người ta bỏ khu này. Tôi nghĩ tôi là người cuối cùng còn ở bên ngoài. Địa bàn chúng tôi thu hẹp dần. Vài người và tôi đã đi qua tất cả các phòng của Tòa Đại sứ, từng phòng một để kéo mọi người ra. Rồi lên nóc thượng.
Tôi đi trên chiếc trực thăng bay lúc mặt trời mọc. Trên trực thăng này chỉ có lính Thủy Quân Lục Chiến. Chúng tôi ném hết nón sắt áo giáp để ngưòi khác có chỗ vào thêm.
Đến lúc ấy, tôi mệt lử. Tôi nhớ chiếc trực thăng bay, nhưng tôi nghĩ gì thì chẳng nhớ để kể cho ông nghe được.
Tôi đã nhìn xuống thành phố Saigon lúc bay ra. Chắc chắn tôi phải nhìn xuống. Mặt trời vừa mọc. Chúng tôi bay qua bến tàu, qua sông, tôi nhớ đã thấy mấy lằn đạn bắn đến, có lẽ đạn của lính Nam Việt Nam bắn chỉ thiên, hoặc là của súng phòng không. Chúng tôi bay qua bãi biển, đấy là điều cuối cùng tôi nhớ trước khi hạ xuống chiếc tàu Okinawa.
Nói chung tôi cho rằng đây là một sự mất mát không thể tưởng tượng. Và tôi đã có mặt để chứng kiến tới giây phút cuối cùng. Tôi nghĩ chúng ta đã bỏ rơi những người bạn và tôi không thích chuyện mà người ta gọi là “hoà bình trong danh dự”. Chúng ta đã ù té chạy, bỏ họ lại cho bọn Bắc Việt. Và ông thừa hiểu bọn ấy “tử tế” như thế nào.
Lúc ấy tôi chỉ mới hai mươi hai tuổi đầu. Đó chính là thời điểm thay đổi hẳn đời tôi. Tôi vẫn còn nghĩ đến rất nhiều. Tôi có thể quên nhiều thứ trong đời, nhưng không bao giờ quên được lúc ấy mặc dầu đó là một kinh nghiệm bi thảm, và sau khi ra đi tôi đã thay đổi hẳn. Năm 1975 là năm tệ hại nhất đời tôi, tạo nhiều khó khăn cho tôi, nhưng hồi tưởng lại thì chính nhờ đó tôi thay đổi để sống một cuộc sống tốt lành hơn.
Một phần của con người tôi đã chết ở chốn ấy. Nhưng một phần khác đã trỗi lên từ đống tro tàn. Tôi đã phải đối diện một cuộc phấn đấu lâu dài, nhưng nay tôi trở thành tốt đẹp hơn. Tôi tìm thấy sự thiện hảo trong niềm tin vào Chúa.
CHƯƠNG 10 : TÙ BINH CHIẾN TRANH
DENNIS CHAMBERS
(Phi công Tù bỉnh)
“Chúng ta thắng trận phải không? Xin làm ơn nói thật”
Tháng Tám năm 1967 trong lần thực hiện phi vụ thứ một trăm lẻ một, tôi đã bị bắn hạ tại Đồng Hới, ngay phía Bắc vùng phi quân sự. Tôi là phi công phụ của chiếc máy bay F-4C. Phi công chính và tôi thoát chết, nhưng sau đó đã bị giam suốt năm năm rưỡi tại nhà tù Cộng sản, Hỏa Lò, nơi người ta vẫn gọi là “Khách sạn Hilton Hà Nội.”
Trước khi xảy ra vụ này, trong tôi đã tan vỡ nhiều ảo tưởng về cuộc chiến. Vì sao? Mục đích cuộc chiến tuyệt đối đúng, nhưng phương thức chúng ta chiến đấu, cách chúng ta muốn đạt đến mục đích thật hết sức sai lầm.
Tôi đóng ở Cam Ranh. Tôi đến đấy vào tháng 3 năm 1967. Ngay sau phi vụ đầu tiên, tôi đã phải viết thư cho dân biểu của tôi mà hỏi: “Chúng ta đang làm gì ở đây?” Chúng ta đang làm một lỗi lầm lớn, ai cũng có thể thấy rõ như vậy!
Ngay lúc mới đến Cam Ranh, người ta đã căn dặn chúng tôi đừng ai ra phố. Không được vượt qua cây cầu vào thị xã. Lý do, họ bảo là vì dân chúng bất thân thiện. Lạy chúa, bất thân thiện! Ngay tại Cam Ranh này mà dân chúng không đối xử thân thiện với chúng tôi. Họ là bạn, họ là đồng minh kia mà? Vậy nếu họ không thân thiện với chúng tôi thì việc gì đang xảy ra ở đây. Hoàn cảnh này là hoàn cảnh nào?
Về việc dội bom: chúng tôi đã dội bom dã man lên tất cả mọi thứ. Không bao giờ lại phí bom thả xuống biển. Sau mỗi phi vụ khi bay về, nếu còn dư bom, chúng tôi luôn luôn cố kiếm ra một cái gì mà dộng xuống. Bọn phi công sẽ kiếm một thứ gì, bất cứ cái gì để dội lên với số bom còn lại. Tôi cũng đã nghe kể nhiều chuyện về lính bộ binh thường nhả đạn giết dân bừa bãi chỉ vì lý do không ưa cái bộ dạng của người ta! Không ưa cách người ta nhìn, họ bóp cò. Tình trạng có vẻ thực vô kiểm soát. Bấy giờ là năm 1967. Sau này tình trạng lại còn tệ hại hơn. Sĩ quan không kiểm soát nổi lính tráng. Chúng ta có rất đông quân, mà chúng ta lại không hề bao giờ chính thức tuyên bố chiến tranh. Chúng tôi cứ bay, cứ dộng bom, và nếu tôi hỏi “Chúng ta đi đâu, chúng ta làm gì đây” thì câu trả lời luôn luôn vẫn là “không biết!”
Ấy thế rồi họ trói tay chúng tôi lại. Họ bảo chúng tôi là có một số việc chúng tôi không được phép làm. Ví dụ nếu tìm ra được các chiến đấu cơ MIG, chúng tôi phải làm các thủ tục nhận diện cho chắc chắn là MIG, rồi mới được phép bắn. Trong tình trạng ấy quý ông có biết cơ may sống sót của chúng tôi mỏng manh đến đâu? Một chiếc MIG có khả năng làm lắm chuyện hơn cả mấy chiếc F-4C, F-105, hoặc là F-111. Với những chiếc máy bay nguy hiểm như thế mà chúng tôi lại còn phải cố nhận diện đã, thì sinh mạng của chúng tôi chịu biết bao may rủi? Rồi chúng tôi lại bị cấm không được phép bắn những chiếc tàu dài hơn 50 bộ Anh, hoặc ngắn hơn 20 bộ Anh. Như vậy tất nhiên Việt Cộng cứ cho chở hết mọi thứ trong những chiếc tàu nhỏ là tha hồ an toàn xuôi ngược trên sông! Tôi cảm thấy thực cay đắng với tất cả những chuyện như thế.
Ngoài ra ở đấy người ta đã lừa bịp dối trá như điên. Con số máy bay được đếm là chỉ bằng nửa con số chúng tôi báo cáo. Số máy bay chúng ta mất xảy ra rất đều đặn: Chỉ trong năm tháng tôi ở đấy, chiếc máy bay của tôi đã là chiếc thứ 13 tại Cam Ranh bị mất. Và người ta chỉ ghi vào thống kê những chiếc máy bay mất nếu có người nào nhìn thấy tận mắt. Không nhìn thấy máy bay bị hạ kể như không mất. Thật là khùng!
Trong Hỏa Lò Hà Nội, các tù binh Mỹ còn sống sót được nhờ những lý do khác nhau. Tinh thần bác ái và tinh thần Thiên Chúa giáo đã giúp một số người sống còn. Riêng tôi, chính hận thù giúp tôi sống còn! Tôi hận thù Lyndon Johnson. Tôi hận thù Richard Nixon. Tôi hận thù chiến tranh. Tôi hận thù người Việt miền Bắc. Tôi hun đúc tất cả những hận thù ấy để sống còn.
Những hận thù ấy cũng tạo nên cho tôi một tinh thần hoài nghi sâu đậm. Khi được thả vào năm 1973, họ đưa chúng tôi vào chiếc máy bay C-141 từ Hà Nội đến Phi Luật Tân, lúc ấy tôi không còn một niềm tin vào bất cứ gì nữa. Đặc biệt tôi đã không tin được một lời nói nào của Cộng sản. Tôi cứ nghĩ chúng sẽ không bao giờ thả chúng tôi ra. Cho nên khi máy bay rời Hà Nội, tôi chắc mẩm là chúng sẽ bắn hạ chiếc máy bay này. Tôi đinh ninh chờ đợi một chuyện xảy ra: Có lẽ chúng đã đặt bom. Có lẽ một chiếc chiến đấu cơ MIG, hay một hỏa tiễn SAM sẽ phóng theo. Tôi tự bảo: “Không thể tin được! Chuyện này không thể xảy ra được! Đấy là mơ chứ không thể là thực.”
Thế rồi khi máy bay rời Hà Nội, một nhóm bác sĩ, y tá và những người trợ tá đến săn sóc chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều nắm lấy họ mà cùng hỏi một câu: “Chúng ta thắng trận phải không? Xin làm ơn nói thật.” Và một sĩ quan Mỹ trên máy bay bảo: “Chắc chán là thế. Trên căn bản chúng ta đã thắng. Địch đã bại – Nhờ máy bay B-52, chúng ta đã thắng!” Khi nghe như thế, chúng tôi ngây ngất. Những năm tháng tù đầy của chúng tôi nhờ vậy mà xứng đáng. Không còn chữ nào ngọt ngào hơn mấy chữ “Chúng ta đã kết thúc xong.” Họ nói với chúng tôi như thế.
Rồi khi về nhà chúng tôi khám phá ra cuộc chiến chưa kết thúc. Chúng ta chưa thắng. Chúng tôi lại bị dối trá. Người ta không cho biết sự thật.
Khi Sàigòn sụp đổ, tôi đang sống tại căn nhà ở vùng núi Santa Cruz tại tiểu bang California. Tôi không coi truyền hình nhưng mỗi ngày đều đọc báo và nghe tin trên máy phát thanh. Khi đọc và nghe những chuyện xảy ra bên ấy, tôi có thái độ bi thảm của cái kiểu như là: “Đó, tôi đã bảo mà, thấy chưa.”
Tất cả những gì xảy ra thực sự chỉ là kết quả của hàng chuỗi lỗi lầm nghiêm trọng mà chúng ta đã tạo nên sau nhiều năm tháng.
Vào cuối tháng Tư, khi bắt đầu nghe tin về cuộc tỵ nạn và những con người đáng thương bên ấy đang cố ra khỏi xứ, tôi cảm thấy muốn phát bịnh. Bao nhiêu người đã từng làm việc cho chúng ta ở bên ấy giờ đây bị đối xử cạn tầu ráo máng. Chúng ta bỏ lại rất nhiều người. Lời hứa của Mỹ chẳng còn một giá trị gì. Bây giờ, ở Á Châu, lời hứa của người Mỹ không còn đáng một cục cứt!
Những gì đáng lẽ chúng ta phải thực hiện, đó là phải bảo đảm an ninh cho bạn hữu của chúng ta. Nhưng chính dư luận công chúng đã chống lại Việt Nam. Chính khách đã chống lại Việt Nam. Mỉa mai quá! Nếu trước đó họ chống vấn đề Việt Nam sớm hơn, thì mọi việc chẳng xảy ra như vậy. Tôi quy trách nhiệm cho toàn thể nước Mỹ về việc bỏ rơi những bạn hữu của chúng ta ở lại Việt Nam. Không một ai đứng dậy mà phản đối việc chúng ta bỏ rơi bạn, những người đã cật lực làm việc cho chúng ta. Bây giờ chúng ta thản nhiên bỏ rơi họ.
Những gì đáng lẽ chúng ta phải làm, thực giản dị. Đáng lẽ chúng ta phải thiết lập một khu vực “Không người” và bảo bọn Cộng sản rằng: “Nếu các anh vượt ranh giới này, chúng tôi giết.” Chúng sẽ hiểu điều ấy. Như thế, chúng ta sẽ mang tất cả những người bạn ra. Và chúng ta đáng lẽ phải nói: “Nga Sô, tránh ra! Trung Cộng tránh ra! Chúng tôi sẽ rời khỏi xứ trong 6 tháng – Nếu Bắc Việt can thiệp, chúng tôi sẽ xoá Hà Nội khỏi bản đồ tức khắc!”
Đáng lẽ chúng ta phải thiết lập tình trạng khẩn cấp, tuyên bố rõ rệt những gì sẽ thực hiện, yêu cầu quan sát viên Nga Sô và Trung Quốc đến để chứng tỏ chúng ta sẽ không quay trở lại. Chúng ta sẽ ra đi, và chúng ta sẽ mang theo các bạn hữu của chúng ta. Chúng ta cần mở những trại định cư tại Mỹ với các tiện nghi tạm cư cho các bạn của chúng ta. Vào thời đệ nhị thế chiến khi xảy ra vụ Nhật-Mỹ, họ dựng trại nhanh lắm. Thế thì chắc chắn họ cũng có thể dựng trại tạm cư rất nhanh cho các bạn của chúng ta vào năm 1975. Nhưng chúng ta đã không làm như vậy. Không ai còn có can đảm quyết định. Không ai muốn chấp nhận trách nhiệm.
Chúng ta đã chờ đợi quá lâu. Đáng lẽ chúng ta không nên để kết cuộc phải xảy ra trên cái nóc nhà khốn nạn của toà Đại sứ Mỹ ở Sàigòn. Đáng lẽ chúng ta có thể chấm dứt tình trạng rối loạn với một vài lời đoan quyết. Nhưng không ai đã nói một lời nào. Và bọn Cộng sản khốn kiếp cười vào mặt chúng ta. Chúng ta đã bị một bọn lùn xủn bu lấy đá vào mắt cá chân. Hy vọng là chúng ta có thể học được đôi điều trong chuyện này.
Tôi đã mất cái khả năng yêu thương tại Việt Nam. Tôi không còn yêu thương, tôi cũng không còn sát sinh được. Tôi không săn bắn, tôi không câu cá, mà tôi cũng không còn sức yêu thương. Khi trở về, họ gọi tôi là anh hùng. Không, tôi không phải là anh hùng. Tôi đâu có tự ý tình nguyện xin ngồi tù cho đến năm năm rưỡi? Tôi chỉ tình nguyện chiến đấu cho xứ sở. Tôi chỉ tình nguyện chiến đấu cho tự do. Tôi đã tình nguyện lái một chiếc máy bay.

Khi mọi sự tan vỡ vào năm 1975, tôi cảm thấy thời gian phục vụ của tôi ở Việt Nam thực là uổng phí. Ngày nay tôi chẳng nằm mộng hay thấy ác mộng gì về chuyện ấy. Tôi không nghĩ gì về Việt Nam nữa. Không, tôi hoàn toàn không nghĩ gì về những chuyện ấy nữa. Mọi phương tiện đối với người Mỹ này đều đã được tận dụng, kể cả việc làm giấy tờ giả mạo.

No comments:

Post a Comment