; }

Monday, April 27, 2020


CHỮ TRẦM CHỮ THĂNG

Nguyễn Trung Tây
Lời dẫn: Ngày 30 tháng 4 đang về. Xin ghi lại một vài tư tưởng về một khoảng thời gian biến động của Việt Nam. "Chữ Trầm Chữ Thăng" đã hình thành bởi tác giả vẫn gặp khá nhiều em thanh niên tuổi hai hoặc ba mươi hỏi, "Sao hồi đó cha lại đi vượt biên vậy?" “Chữ Trầm Chữ Thăng” là cách tác giả chia sẻ lý do "Tại sao?"

Giờ này là những ngày cuối tháng 4 mùa Xuân. Tấm hình máy bay trực thăng đậu trên nóc tòa nhà của thủ đô Sài Gòn giờ phút hấp hối với hàng người nối đuôi dưới chân trực thăng bất ngờ lần đường quay về lại trong đầu. 30 tháng 4, thủ đô miền Nam sụp đổ! Chữ “Trầm” chữ “Thăng” có lẽ là hai danh từ chính xác đánh dấu một khoảng thời gian dài sau ngày định mệnh!

Ký ức của Sài Gòn đập mạnh nhất trong bộ nhớ của tôi (tính đến ngày hôm nay) là một buổi chiều tối tháng 4 năm 74, anh em tôi xuống phố coi phim chiếu trong rạp. Phim tên gì? Tôi quên rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ đèn đường xanh đỏ huyền ảo chớp sáng trên những trục lộ giao thông rực rỡ đường Lê Văn Duyệt. Sau Ngã Sáu (?), đường đổi sang mấy tên khác, cuối cùng dẫn thẳng tới tòa nhà Quốc Hội. Về đêm đèn đường, đèn xe hơi, đèn xe “bus,” đèn xe taxi, đèn xe máy, đèn tòa nhà Quốc Hội, ngàn vạn ngọn đèn thắp sáng rực rỡ thành phố một thời tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông.

Hơn một tháng sau, anh tôi tuổi nhập ngũ khoác lên quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Sáng Chúa Nhật, chị tôi tóc đen áo dài trắng nữ sinh dẫn tôi đón xe lửa lên Thủ Đức thăm. Căn cứ Sóng Thần nắng trưa hè hôm đó chiếu sáng rực rỡ chị tôi áo trắng tinh khôi và anh tôi màu xanh áo lính. Tôi ngồi trên ghế gỗ yên lặng nhìn anh nói chuyện với chị và ăn xôi đậu phộng, mẹ tôi nấu. Giây phút chia tay, mắt chị đỏ hoe hoe! Anh tôi quyết định dậy, vẫy tay chào!

Tháng 12 năm 1974, hai chị em lại dẫn nhau lên căn cứ Sóng Thần thăm anh. Nhưng lần đó, đợi hoài vẫn không thấy. Mãi sau, hai chị em lủi thủi dẫn nhau ra ga xe lửa về lại nhà. Mấy lon Guigoz cơm, ruốc chà bông và thịt heo kho trứng vịt ngày hôm đó phải mang về, bởi giờ này anh tôi đã theo sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra trấn Cổ Thành Quảng Trị. Khuya hôm đó, tôi thấy Mẹ tôi ngồi trước bàn thờ miên man với những lời kinh. Bên ngoài, Sài Gòn thủ đô của những ngày cuối năm 74 gió Bắc Cực thổi về se da thịt; Sài Gòn vẫn sáng rực rỡ đèn đường; Sài Gòn vẫn rộn ràng những dòng xe cộ ngược xuôi; Sài Gòn có mẹ tôi nằm trên giường, khóc!

Sài Gòn thủ đô lăn những vòng quay dẫn tới biến cố 30 tháng 4, trận đại hồng thủy bôi xóa chính quyền, tư duy, tên đường phố và nhiều sinh mạng. Sáng định mệnh, tôi đứng ngay bên lề đường Lê Văn Duyệt nhìn những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh trên đường lộ thủ đô. Tôi con nít ngơ ngác nhìn những người chủ nhân mới của thành phố. Sài Gòn mùa Xuân 75 trời kéo mây đen khi đài phát thanh Sài Gòn vang vang lời kêu gọi đầu hàng của vị Tổng Thống cuối cùng.

Sài Gòn, giờ thứ 25 tháo chạy trên bầu trời và hỗn loạn dưới đường phố!
Sài Gòn, xe tăng Bắc Việt húc tung cửa sắt Dinh Độc Lập!
Sài Gòn, mặc cho ngày ngày mẹ tôi đứng ngóng trước cửa, bóng của anh tôi, người lính Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng Cổ Thành, vẫn khuất dạng nơi đường chân trời! Tôi đã từng nghĩ nhưng không dám nói với ai về suy nghĩ anh tôi có thể đã gục ngã ở một góc rừng nào đó. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn hy vọng!

Sài Gòn, cải tạo không bản án!
Sài Gòn, kinh tế mới!
Sài Gòn, đổi tiền!
Sài Gòn, đói xanh xao!
Sài Gòn, đêm khuya tiếng gõ cửa công an vang dội!
Sài Gòn, mất niềm tin vào mình, vào người và vào xã hội!
Rồi thuyền gỗ!
Rồi biển xanh!
Rồi hải tặc!
Rồi trại tỵ nạn!

Có những quãng đời Sài Gòn sau biến cố 75, viết thêm chi tiết hóa ra dư thừa. Chỉ nhắc lại vài chữ, tựa như tên một cuốn sách, thế cũng đã đủ thấm thía!

Đến ngày hôm nay, nghe Việt Dũng hát Lời Kinh Đêm, Khánh Ly hát Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của Châu Đình An, xúc động xôn xao nổi dậy, bởi vẫn còn nằm nguyên vẹn trong góc hồn tôi những tháng ngày của chữ Trầm.

Mỗi lần có dịp nhìn thấy hình ảnh của trại tỵ nạn Pulau Bidong, nhìn tượng đài thuyền nhân trên đồi Tôn Giáo, nhìn cầu gỗ Jetty, tôi vẫn bồi hồi, bởi dù muốn dù không, ký ức của một thời lang thang tại đảo lại quay về. Năm 82, khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706. Thời đó, trên nghĩa trang khu F, tôi nhận ra mộ của bạn thời tiểu học. Hắn ngủ yên trên nghĩa trang khu F. Pulau Bidong giờ này còn đó, chứng tích và cũng là hình ảnh của chữ Trầm.

Có lần tôi gặp một người sinh viên Việt Nam du học tại Úc Châu. Em đọc một số bài tôi viết về biến cố 75 và đời tỵ nạn, khi thuyền lênh đênh trên biển, những kinh nghiệm gặp gỡ ngư phủ Thái, những hung tàn trên khoang thuyền gỗ, những tàn nhẫn nhân gian không gặp trong cơn ác mộng. Em hỏi tôi,

— Những chuyện chú viết về thuyền nhân là chuyện thật hay là giả tưởng vậy?

Tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng như có người hỏi, “Chuyện Hitler và lò hơi ngạt là chuyện thật hay giả tưởng vậy?”

Cái thời của chữ Trầm nó thấm sâu và bùi ngùi với câu hỏi của người trí thức tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm đó. Câu hỏi vẫn đi theo tôi. Khi có dịp, tôi lại nhắc lại câu hỏi của em với người Việt và người ngoại quốc. Những hương hồn của thiếu nữ Việt Nam bỏ mình trên biển. Bạn tôi nằm ngủ yên trên nghĩa trang Khu F của đảo Bidong. Bao nhiêu thân xác Việt Nam đã chìm sâu trong lòng biển và gục ngã trên đường bộ. Xác thịt đã tan, xương trắng đã biến mất, nhưng linh hồn của họ vẫn còn đó, vẫn còn anh linh hiển hiện trong cõi muôn trùng. Và riêng tôi, vẫn còn đây, vẫn là một nhân chứng cho một thời của chữ Trầm.

Nhưng cuối cùng chữ Trầm rồi cũng chuyển mình, từ sâu hóa bướm, hóa ra chữ Thăng.

Trận hồng thuỷ trong trang sử Việt mang nhiều mảnh đời Việt Nam trôi dạt sang xứ người. Nhiều sinh mạng đã bỏ mình trên đường bộ và đường biển. Nhưng cũng nhiều sinh mạng đã đặt chân tới bờ.

Sau những ngày tháng vật vờ tại trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông, những người sống sót không tuyệt vọng, nhưng âm thầm và kiên nhẫn làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Rồi thương xá Việt: Little Saigon, Thung Lũng Hoa Vàng.
Rồi con cái Việt lớn lên hoặc sinh ra trên vùng đất mới, vươn vai cao lớn, sắc son giữ gìn truyền thống Việt Nam.
Rồi những thành tựu mới tinh khôi trên vùng đất mới.
Rồi niềm tin vào mình và vào người, niềm tin vững vàng.
Rồi niềm hy vọng vào một ngày mai, hy vọng tràn trề.

Cộng đồng Việt Nam hải ngoại như rồng vàng Thăng Long ngày nào vươn cao, chuyển mình thay đổi.
Thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố 75 là một điều không thể từ chối.

Ngày 30 tháng 4 năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu di tản tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối. Mấy năm sau, nhờ những thước vải và hộp thuốc tây anh gửi về, gia đình tôi cầm cự với cơm trộn bo bo và khoai sắn.

Năm 82, sau những hãi hùng với biển và người, thuyền tôi dừng lại tại bến cảng Mã Lai.
Năm 87, mẹ tôi, chị và em đường bộ đặt chân tới đất Thái.

Giờ này Thung Lũng Hoa Vàng trở thành quê hương thứ hai (riêng Mẹ tôi, quê hương thứ ba). Nơi đó, thế hệ thứ ba và thứ tư của gia đình tôi đang vươn cao hóa ra thiếu nữ thanh niên, vừa nói tiếng Việt giọng Bắc vừa nói tiếng Anh giọng Mỹ. Cháu tôi đọc bài tôi viết, và không bao giờ hỏi tôi chuyện đó chuyện thật hay giả tưởng, bởi chính bố mẹ các cháu là nhân chứng cho một giai đoạn của chữ Trầm.

Biến cố tháng 4 năm 1975 sẽ được ghi lại trên trang sách lịch sử Việt Nam. Hậu thế Việt Nam sẽ đánh giá và nhận xét về một giai đoạn đánh dấu bằng hai cột mốc: Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 và Hiệp Định Paris dẫn tới biến cố năm 1975. Nhận xét và đánh giá ra sao, không ai biết. Nhưng mỗi lần tháng 4 quay về trên những trang lịch, người Việt hải ngoại vẫn nhắc nhở nhau những câu chuyện của một thời, thời của chữ Trầm. Riêng đối với tôi, nhắc để nhớ và trên hết tất cả hy vọng tôi học được một bài học quý giá cho riêng mình để chữ Trầm sẽ không bao giờ lập lại thêm một lần nữa.

Ngày 30 tháng 4, như một thường lệ vẫn quay về trên những trang lịch. Tờ lịch 30 tháng 4 hằng năm nhắc nhở người Việt một thời bể dâu và cũng là dấu mốc thành công của cộng đồng hải ngoại. 30 Tháng 4 của ngày hôm nay là của chữ Trầm và trên tất cả cũng là của chữ Thăng.

Nguyễn Trung Tây – 30/4

Thursday, April 23, 2020

SÀI GÒN ĐÃ GIẢI PHÓNG TÔI

Nguyễn Quang Lập

Mãi tới ngày 30 Tháng Tư năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kỳ chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Ðúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại.” Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi.
Sau ngày 30 Tháng Tư cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết,” giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn.” Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản.” Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kỳ diệu.
Dù chưa được vào Sài Gòn nhưng tôi đã thấy Sài Gòn qua ba vật phẩm lạ lùng, đó là bút bi, mì tôm và cassette của thằng Minh cùng lớp, ba nó là nhà thơ Viễn Phương ở Sài Gòn gửi ra cho nó. Chúng tôi xúm lại quanh thằng Minh xem nó thao tác viết bút bi, hồi đó gọi là bút nguyên tử. Nó bấm đít bút cái tách, đầu bút nhô ra, và nó viết. Nét mực đều tăm tắp, không cần chấm mực không cần bơm mực, cứ thế là viết. Chúng tôi ai nấy há hốc mồm không thể tin nổi Sài Gòn lại có thể sản xuất được cái bút tài tình thế kia.
Tối hôm đó thằng Mình bóc gói mì tôm bỏ vào bát. Tưởng đó là lương khô chúng tôi không chú ý lắm. Khi thằng Minh đổ nước sôi vào bát, một mùi thơm rất lạ bốc lên, hết thảy chúng tôi đều nuốt nước bọt, đứa nào đứa nấy bỗng đói cồn cào. Thằng Minh túc tắc ăn, chúng tôi vừa nuốt nước bọt vừa cãi nhau. Không đứa nào tin Sài Gòn lại có thể sản xuất được đồ ăn cao cấp thế kia. Có đứa còn bảo đồ ăn đổ nước sôi vào là ăn được ngay, thơm ngon thế kia, chỉ dành cho các du hành vũ trụ, người thường không bao giờ có.
Thằng Minh khoe cái cassette ba nó gửi cho nó để nó học ngoại ngữ. Tới đây thì tôi bị sốc, không ngờ nhà nó giàu thế. Với tôi cassette là tài sản lớn, chỉ những người giàu mới có. Năm 1973, quê tôi lần đầu xuất hiện một cái cassette của một người du học Ðông Ðức trở về. Cả làng chạy đến xem máy ghi âm mà ai cũng đinh ninh đó là công cụ hoạt động tình báo. Suốt mấy ngày liền, dân làng tôi say sưa nói vào máy ghi âm rồi bật máy nghe tiếng của mình. Tôi cũng được nói vào máy ghi âm và thất vọng vô cùng không ngờ tiếng của tôi lại tệ đến thế. Một ngày tôi thấy tài sản lớn ấy trong tay một sinh viên, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Minh nói, rẻ không à. Thứ này chỉ ghi âm, không có radio, giá hơn chục đồng thôi, bán đầy chợ Bến Thành. Không ai tin thằng Minh cả. Tôi bĩu môi nói với nó, cứt! Rứa Sài Gòn là tây à? Thằng Mình tủm tỉm cười không nói gì, nó mở casette, lần đầu tiên chúng tôi được nghe nhạc Sài Gòn, tất cả chết lặng trước giọng ca của Khánh Ly trong Sơn ca 7. Kết thúc Sơn ca 7 thằng Hoan bỗng thở hắt một tiếng thật to và kêu lên, đúng là tây thật bay ơi!
Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gòn. Kỳ nghỉ Hè năm sau, Tháng Tám năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế,” nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh ,ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi. Thán phục chứ không ngạc nhiên, vì đó là nhà của ông triệu phú. Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy. Quay lại thấy nụ cười bà chủ, nụ cười khá giả tạo. Cả tiếng dạ cũng giả tạo nhưng với tôi là trên cả tuyệt vời. Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, luôn coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lý.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần. Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt.
Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp, dạ có! Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi. Tất nhiên tôi không hề tức giận, tôi cảm ơn cô đã bán sườn cho tôi và vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất. Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
Rời quầy tạp hóa tôi tìm tới một quán cà phê vườn. Uống cà phê để biết, cũng là để ra dáng ta đây dân Sài Gòn. Ở Hà Nội tôi chỉ quen chè chén, không dám uống cà phê vì nó rất đắt. Tôi ngồi vắt chân chữ ngũ nhâm nhi cốc cà phê đen đá pha sẵn, hút điếu thuốc Capstan (cho anh phát súng tim anh nát/nhưng anh tin số phận anh còn), tự thấy mình lên hẳn mấy chân kính. Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên. Tôi thêm một lần sửng sốt.
Một giờ sau tôi quay về nhà ông bác, phát hiện sau nhà là một con hẻm đầy sách. Con hẻm ngắn, rộng rãi. Tôi không nhớ nó có tên đường hay không, chỉ nhớ rất nhiều cây cổ thụ tỏa bóng sum suê, hai vỉa hè đầy sách. Suốt buổi sáng hôm đó tôi tha thẩn ở đây. Quá nhiều sách hay, tôi không biết nên bỏ cuốn gì mua cuốn gì. Muốn mua hết phải chất đầy vài xe tải. Giữa hai vỉa hè mênh mông sách đó, có cả những cuốn sách Mác-Lê. Cuốn Tư Bản Luận của Châu Tâm Luân và Hành Trình Trí Thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung cùng nhiều sách khác. Thoạt đầu tôi tưởng sách từ Hà Nôi chuyển vào, sau mới biết sách của Sài Gòn xuất bản từ những năm sáu mươi. Tôi hỏi ông chủ bán sách, ở đây người ta cũng cho in sách Mác-Lê à? Ông chủ quán vui vẻ nói, dạ chú. Sinh viên trong này học cả Mác-Lê. Tôi ngẩn ngơ cười không biết nói gì hơn.
Chuyện quá nhỏ, với nhiều người là không đáng kể, với tôi lúc đó thật khác thường, nếu không muốn nói thật lớn lao. Tôi không cắt nghĩa được đó là gì trong buổi sáng hôm ấy. Tôi còn ở lại Sài Gòn thêm 30 buổi sáng nữa, vẫn không cắt nghĩa được đó là gì. Nhưng khi quay ra Hà Nội tôi bỗng sống khác đi, nghĩ khác đi, đọc khác đi, nói khác đi.
Bạn bè tôi ngày đó gọi tôi là thằng hâm, thằng lập dị. Tôi thì rất vui vì biết mình đã được giải phóng.
29 Tháng Tư 2016
(Nguồn: https://www.facebook)

Tuesday, April 21, 2020

NGƯỜI LÍNH LẪM LIỆT GIỮA THÁNG TƯ HUNG HÃN !

Phan Nhật Nam 



Kính tiễn biệt Thiếu Tướng Lê Minh Đảo

Để nhớ ngày “Anh Tư Về Trời”

Bỏ lại cuộc chiến dang dỡ không thành

Nơi Quê Nhà Việt Nam.

(30/4/1975-19/3/2020)




I. Giữa vũng lầy chính trị

Trong những ngày đầu tháng 4, 1975, Cựu Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã nay giữ chức vụ cố vấn riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Singapore theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu.

Cá nhân cố vấn Nhã rất ái mộ nhà lãnh đạo họ Lý, bởi vị này đã thành công trong quá trình cai trị (dẫu bị phê phán là độc tài, độc đảng theo thói tục của chính giới Tây Phương) bằng việc thực hiện cho người dân Singapore những điều mà chế độ cộng sản hứa hẹn “sẽ có nơi địa đàng trần thế”: Tự do, dân chủ, việc làm, phồn thịnh kinh tế, ổn định xã hội.

Mức sống người dân Singapore được xếp hạng cao nhất Châu Á. Môi trường, thành phố, phi cảng Singapore được đánh giá là những địa điểm công cộng sạch nhất thế giới. Tháp Đôi ở thủ đô này có chiều cao nhất hơn hẳn toàn nhà Empire State Building hay Twin Tower của New York.

Thủ Tướng Diệu không mời Cố Vấn Nhã đến do liên lạc bình thường giữa những chính khách, ông mời ông Nhã đến để trao gởi một “nguồn tin” quan trọng. Thủ Tướng Lý vào thẳng vấn đề: “Đừng để mất thì giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc (ở Việt Nam) sắp xảy đến. Rockefeller vừa hỏi ý kiến tôi cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác, liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Thiệu ra đi hay không.”

Hóa ra chuyến viếng thăm không chính thức các nước Đông Nam Á của Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller nhân dịp viếng lễ tang người lãnh đạo cuối cùng của thế hệ Thế Chiến thứ Hai, Thống Chế Tưởng Giới Thạch vừa qua (5 tháng 4) là để thông báo điều: “Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần thay người cầm quyền ở Nam Việt Nam.”

Thủ Tướng Lý không nói thêm điều gì khác - việc “ai” sẽ thay thế ông Thiệu là vấn đề của Sài Gòn với những người như Đại Tướng Minh, Khiêm, hoặc Cựu Phó Tổng Thống Kỳ. Ông chỉ thúc dục cố vấn Nhã: “Hãy khẩn báo cho ông anh của ông như thế mà thôi. Riêng ông nên ở lại đây. Đừng về lại Sài Gòn, tôi sẽ lo liệu cho gia đình ông ra khỏi nước. Người Mỹ cũng đã xếp đặt sẵn một nơi cho ông Thiệu lưu trú.”

 Không biết cuộc mạn đàm đã được thâu băng, cũng như nơi Dinh Độc Lập máy ghi âm mật (do văn phòng CIA Sàigòn gài) luôn hoạt động, Nhã thông báo liền cho Tổng Thống Thiệu nguồn tin chẳng mấy phấn khởi này; một phần ông cố vấn cũng đã hiểu ra thực tế: “Giới quân nhân, những tư lệnh chiến trường đã không còn tin tưởng nơi ông tổng thống vốn xuất thân từ quân đội này nữa.” Cuộc rút bỏ Tây Nguyên sau ngày 10 tháng Ba (ngày quân đội Bắc Việt tổng tấn công Ban Mê Thuộc), tiếp theo lần di tản Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang (cuối tháng 3) với thảm cảnh kinh hoàng của dân và lính vượt khỏi tất cả những dự kiến; làm tan vỡ sức chiến đấu, phá hũy quân trang cụ, vũ khí của hai Quân Khu I và II đã bày ra điều cùng cực phi lý và tàn nhẫn: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa không nắm vững chính trị lẫn quân sự của tình thế. Chỉ riêng về mặt quân sự không thôi ông cũng đã là một người chỉ huy mất khả năng kiểm soát chiến lược lẫn chiến thuật mà một nhà lãnh đạo cần phải có.

Nghĩ cho cùng cũng chẳng phải riêng của Tổng Thống Thiệu với tình thế VN. Lời thông báo của Phó Tổng Thống Rockefeller cũng không là ý kiến riêng của người lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc nhưng là phản ảnh thực tế về quyết định của chính giới Mỹ đối với tình thế chung cho toàn vùng Đông Nam Á. Ngày 12 tháng 4 Nam Vang thất thủ, người lãnh đạo Sirik Matak cùng tất cả bộ trưởng của chính phủ Long Boret (chỉ trừ một người thuận di tản theo đề nghị của tòa Đại Sứ Mỹ) là những nạn nhân đầu tiên của cách hành hình man rợ hơn cả thời trung cổ do đám đao phủ Kmer Đỏ hành quyết.

Họ không chết do bất ngờ, vì không lường được tính ác ghê rợn của lực lượng cộng sản Khmer mà hơn ai hết, vị cố vấn chính trị của tổng thống Campuchia đã có lá thư tuyệt mệnh gởi đến Đại Sứ Dean John của Hoa Kỳ với lời lẽ khẳng quyết bi tráng như sau: “Kính gởi Ngài Đại Sứ và các Bạn... Tôi chân thành cảm ơn lá thư ngài chuyển tới với đề nghị giúp tôi phương tiện đi đến vùng tự do. Nhưng hỡi ơi, tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như thế được. Xin ngài cứ ra đi, và tôi cầu chúc ngài cùng đất nước Hoa Kỳ có được nhiều điều hạnh phúc dưới cõi trời này. Nếu tôi có phải chết thì cũng chết trên đất nước mà tôi vô cùng yêu quý dẫu cho đấy là điều bất hạnh, nhưng chúng ta ai chẳng sinh ra và một lần mất đi. Tôi chỉ phạm một lỗi lầm là đã tin vào ngài và tin vào những người Bạn Mỹ.”

Lời báo động của người thân cận Hoàng Đức Nhã cùng tình thế bi thảm của Campuchia, lẫn thực tế tuyệt vọng của miền Nam khi phòng tuyến Phan Rang (mà cũng không bao giờ đã là một tuyến phòng thủ vững chắc được bởi đấy là một vùng đất có thể tiếp cận đến bởi bất cứ hướng tiến quân nào, kể cả hình thái bao vây, chia cắt) bị tan vỡ buộc Tổng Thống Thiệu phải hiểu ra rằng: Những lá thư bảo đảm của Tổng Thống Nixon với những lời trịnh trọng “Tự do và độc lập của Việt Nam Cộng Hòa luôn là mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tôi hằng dốc sức thực hiện mục tiêu ấy suốt cuộc đời chính trị của bản thân” đã không còn mảy may có giá trị, vì người viết như giòng chữ (cho là thực tâm kia) đã đi ra khỏi Tòa Bạch Ốc với tình cảnh của kẻ “phạm tội” sau vụ Watergate (9/8/1974).

Người thay thế ông, tổng thống không do dân cử, Gerald Ford lại bị trói buộc toàn diện bởi Nghị Quyết Sử Dụng Vũ Lực Chiến Tranh đã được quốc hội phê chuẩn từ tháng 11, 1973, cho dù Tổng Thống Nixon đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ. Nghị quyết này thật sự là phần hiện thực hiến định của đạo luật cắt bỏ quỹ “Hoạt Động Tác Chiến” do Tu Chính Án Cooper-Church đệ trình Thượng Viện Mỹ nhằm hạn chế quyền lực sử dụng quân đội Mỹ ở Đông Dương từ 1970 - Tất cả điều khoản, đạo luật này đã được lưỡng viện Quốc Hội Mỹ phê chuẩn thi hành sau khi ký Hiệp Định Paris (27 tháng 1, 1973) và Thông Cáo Chung của Kissinger cùng Lê Đức Thọ, ngày 13 tháng 7 cùng năm để “thúc đẩy các bên ký kết thi hành hiệp định “Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam (sic).”

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhất quyết không để thân phận mình kết thúc tan thương oan khốc như tình cảnh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng không muốn “hiển thánh vị quốc vong thân” trước nòng súng của binh đội cộng sản. Ông dư biết “những kẻ thù chính trị  sẽ không để cho ông yên thân; ông lại càng ngao ngán tình đời vì Cựu Phó Tổng Thống Kỳ đã xuất hiện lại với một khẩu P38 cặp kè bên hông hiện thực lời răn đe “phải làm một cái gì... và Sài gòn sẽ là một Stalingrad” như trong lần nói chuyện ở Trường Chỉ Huy Tham Mưu tại căn cứ Long Bình.

Nhưng cốt yếu đối với người “bạn Mỹ,” người bạn mà vị chính khách Campuchia Sirik Matak bên nước láng giềng kia đã phẫn uất kêu lên lời tán thán – Ông Nguyễn Văn Thiệu phải ra tay trước - Vất bỏ gánh nặng mà ông cho là “vô lý” với luận cứ: “Người Mỹ đòi hỏi chúng ta làm một việc bất khả thể. Tôi đã từng nói với họ: Các ông đòi chúng tôi làm một việc mà các ông không làm nỗi với nửa triệu quân hùng mạnh, với những viên chỉ huy tài giỏi, và tiêu hơn 300 tỷ (Mỹ kim) trong hơn sáu năm. Rồi bây giờ tương tự như các ông chỉ cho tôi 3 đồng, bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất, thuê phòng khách sạn 30 đồng một ngày, ăn bốn, năm miếng bíp-tếch, uống bảy, tám ly rượu vang mỗi ngày. Đấy là một chuyện hết sứ vô lý.”

Sau khi so sánh cuộc chiến đấu của một dân tộc với cách thức đi ăn tiệc với giá biểu “kỳ cục” kể trên, ông cao giọng tố cáo người bạn quý không e dè: “...các ông để mặc chiến sĩ chúng tôi chết dưới mưa đạn pháo. Đấy là một hành động bất nhân của một đồng minh nhân.” Ông chát chúa lập lại: “Từ chối giúp một đồng minh và bỏ mặc họ là một hành vi bất nhân.”

Những giới chức cao cấp của Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất (đối diện với Dinh Độc Lập, nơi ông tổng thống đang nói cho buổi truyền hình trực tiếp) theo dõi đủ nội dung của bài nói chuyện với những lời lẻ nặng nề như trên (bài nói chuyện của một người đang cơn nóng giận chứ không phải ngôn ngữ ngoại giao của một vị nguyên thủ quốc gia, một chính khách lãnh đạo). Tuy nhiên, người Mỹ luôn là một người “bạn tốt.” Họ đã chuẩn bị cho ông một nơi an toàn và cách ra đi kín đáo (cũng không thể kín đáo hơn), thích hợp với “danh dự của một vị nguyên thủ” vì dù gì ông đã giúp họ cởi bỏ gánh nặng chiến tranh qua lần rút quân có tính “danh dự” khỏi Việt Nam theo điều khoản của Hiệp Định Paris.

Tuy nhiên, cuối cùng lời của Ông Nguyễn Văn Thiệu có phần chính xác như câu nói bất hủ: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” vì quả thật pháo đang rơi xuống, đang trút xuống như mưa lũ trên đầu người lính... cũng trên đầu người dân. Đạn pháo, hỏa tiễn của binh đoàn quân cộng sản Bắc Việt (thuần là đơn vị quân đội Hà Nội) đang dội xuống như mưa lũ ở Long Khánh- Cửa ngỏ phía đông- bắc dẫn vào Sài Gòn - nơi bản doanh Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo giữ quyền tư lệnh - Vị tướng lãnh thăng cấp cuối cùng của quân lực để chứng thật cùng thế giới và lịch sử: Người Lính nào đã quyết tâm chiến đấu thực hiện nghĩa vụ Bảo Quân An Dân nơi Miền Nam. Và sự sụp vỡ ngày 30 tháng Tư, 1975 hoàn toàn vượt tầm đạn bắn ra từ nòng súng chiến đấu của họ- Quân Lực Cộng Hòa.


II. Mặt đối mặt qua bãi lửa

Bình nguyên Tỉnh Long Khánh trãi rộng trên vùng rừng miền đông Nam Bộ, tả ngạn sông Đồng Nai, trước đây vốn là Quận Xuân Lộc thuộc Tỉnh Biên Hòa. Năm 1955 Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thành hình những đơn vị hành chánh mới, Xuân Lộc tách ra thành một tỉnh riêng với thủ phủ là vị trí của quận đường cũ nay được mang thêm danh xưng là Quận Châu Thành Tỉnh Long Khánh. Long Khánh nằm trên ngã Ba của Quốc Lộ 20 (đi Đà Lạt) và Quốc Lộ I, lối ra Trung, đường đi Hàm Tân, Phan Thiết.

Sau thành công đánh chiếm Tây Nguyên (Vùng II) và Vùng I Chiến Thuật do sự rút bỏ hỗn loạn của quân đội Miền Nam (mà thật sự chỉ do quyết định toàn quyền, độc nhất của Tổng Thống NguyễnVăn Thiệu), phía cộng sản rút kinh nghiệm từ Mậu Thân (1968) và Tổng công kích Xuân-Hè 1972 (thất bại do phân tán lực lượng trên nhiều mục tiêu, lẫn lộn giữa “điểm-mặt trận chính” và “diện- mục tiêu phụ”).

Chiến dịch năm nay, 1975, Bộ Tổng Quân Ủy quân đội Miền Bắc quyết tâm tiêu diệt Miền Nam qua chiến thuật tập kích tấn công từ một điểm xong mở rộng ra, tránh giao tranh nếu gặp kháng cự mạnh để tất cả đồng nhất tiến về Sài Gòn - Mục tiêu cuối cùng phải đánh chiếm của cuộc chiến tranh “giải phóng ngụy danh.”

 Trung Ương Đảng ra lệnh cho Trung Ương Cục Miền Nam cùng tất cả lực lượng vũ trang phải hoàn thành công cuộc giải phóng Miền Nam. “Xung phong tiến lên tấn công Sài Gòn, mà hiện tại kẻ thù đang tan rã, không còn sức mạnh chiến đấu. Chúng có năm sư đoàn, chúng ta có mười-lăm sư đoàn, chưa kể đến lực lượng hậu bị chiến lược. Chúng ta phải chiến thắng bất cứ giá nào: Đấy là quan điểm của Trung Ương Đảng. Khi tôi (Lê Đức Thọ) rời miền Bắc, các đồng chí ở Bộ Chính Trị đã nói rằng: ‘Đồng chí phải đoạt thắng lợi, đồng chí chỉ trở về với chiến thắng’.”

Chiến dịch Hồ Chí Minh được đặt tên qua công điện 37/TK do chính Lê Đức Thọ, Chính ủy chiến dịch phổ biến đến với tất cả lực lượng vũ trang đang có mặt tại miền Nam- Mười lăm sư đoàn quân chính quy cộng sản Bắc Việt. Những danh xưng này cần phải viết đủ để trả lời cho những quan điểm chiến lược vạch nên từ Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, được phổ biến khắp hệ thống truyền thanh, truyền hình thế giới trong bao năm qua: “Chiến tranh Việt Nam là do lực lượng Việt cộng (những người “quốc gia yêu nước Miền Nam” nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa); nếu lực lượng của Hà Nội có kể đến chăng thì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đóng vai trò “yểm trợ” vì “98% của vấn đề (chiến tranh) là ở Miền Nam, chứ không là Miền Bắc.”

Bởi quan niệm như thế kia, nên sau lần ký Hiệp Định Paris hai năm, ba tháng, tình hình quân sự hóa nên tồi tệ như một điều tất yếu, và chắc rằng Lê Đức Thọ được chọn lựa giữ nhiệm vụ chính ủy cho chiến dịch đánh chiếm không phải do tình cờ, vô cớ - bởi đấy là kẻ được thế giới trao tặng giải Nobel Hòa Bình do đã thiết lập cùng Ngoại Trưởng Kissinger cái gọi là hiệp định “tái lập hòa bình tại Việt Nam” kia. Chúng tôi không đủ nhẫn tâm, trâng tráo để viết hoa nên nhóm danh tự này- Vì nếu thế sẽ được đánh giá là “đã tham gia vào một quá trình lừa lọc - Quá trình đùa cợt và khinh miệt nỗi khổ đau của toàn Dân Tộc Việt” - Khối dân bi thương luôn cầu mong dược sống một ngày bình an qua gần nửa thế kỷ sống trong lửa.

Chúng ta trở lại chiến trường với Tướng Quân Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa. Ở mặt trận Long Khánh, ngay từ ngày đầu của năm 1975, Sư đoàn 18 đã phải đối phó với tình trạng căng quân ra giữ vững vùng lãnh thổ trách nhiệm, cùng tập trung lực lượng để chiếm lại phần đất đã bị lấn chiếm. Tiếng gọi là một sư đoàn, nhưng Tướng Đảo chưa hề tập trung đủ lực lượng cơ hữu để điều động trong một cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn. Đầu tháng Ba 75, Trung Đoàn 48 lại tăng phái cho Sư Đoàn 25 trách nhiệm mặt trận Tây Ninh, vùng Tây Sài Gòn cũng chung Vùng III Chiến Thuật với Sư Đoàn 18.

Thế nên khi trận chiến bắt đầu 9 tháng 4, 1975 ông chỉ có một lực lượng sư đoàn (trừ) gồm những đơn vị: - Chiến đoàn 43 do Đại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy gồm trung đoàn 43 (trừ Tiểu Đoàn 2/43 đóng giữ các cao điểm quan trọng) gồm Tiểu Đoàn 2/52 (cơ hữu của Trung Đoàn 52); Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Phải nói qua đơn vị kỳ lạ này với sự tồn tại tưởng như huyền thoại. Tiểu Đoàn 82 vốn thuộc Quân Khu II Tây Nguyên, khi mặt trận Ban Mê Thuộc bị vỡ, Thiếu Tá Long vừa đánh vừa rút lui xuống đồng bằng. Từ Ban Mê Thuộc, Long đưa đơn vị vượt Cao Nguyên Di-Linh băng rừng về Bảo Lộc (nằm trên Quốc Lộ 20 khoảng giữa đường đi Đà Lạt), ông tiếp tục băng rừng theo hướng tây-nam về Long Khánh.

Ngày 6 tháng 4 (gần một tháng sau trận Ban Mê Thuộc, ngày 10 tháng 3), Tướng Đảo nhận được một công điện khẩn từ các toán tiền đồn. Một đơn vị lạ với y phục Biệt Động Quân xuất hiện. Sau khi kiểm chứng với Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu III (Biên Hòa), Tướng Đảo dùng trực thăng bốc toán quân của Thiếu Tá Long- một tiểu đoàn biệt động chỉ còn khoảng 200 người. Lực lượng Chiến Đoàn 43 có nhiệm vụ phòng thủ nội vi Xuân Lộc hợp cùng các đơn vị của Tiểu Khu Long Khánh do Đại Tá Phúc làm chỉ huy trưởng. Chiến Đoàn 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng gồm Trung Đoàn 52 (trừ Tiểu Đoàn 2/52 tăng phái như kể trên) và các đơn vị trinh sát, thiết giáp, pháo binh thống thuộc hành quân. Đơn vị này trấn giữ dọc Quốc Lộ 20 (Bắc-Tây Bắc Long Khánh) từ Kiệm Tân (cứ điểm chận đường từ Đà Lạt xuống) đến Ngã Ba Dầu Giây (giao điểm của hai Quốc Lộ I và 20), nút chận về Biên Hòa, nơi đặt bản doanh của Quân Đoàn III, Sư Đoàn 3 Không Quân, thị xã cách Sài Gòn 30 cây số về hướng Bắc.

Trước khi trận chiến bùng nỗ lớn, Thiếu Tướng Đảo khẩn thiết yêu cầu viên tư lệnh quân đoàn, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn hoàn trả lại Trung Đoàn 48; khi nhận được trung đoàn này về, Tướng Đảo sử dụng đơn vị để trấn giữ mặt đông thị xã - đoạn đường từ Xuân Lộc đến thị trấn Giá Rai, mặt bắc của Ngã Ba Ông Đồn đường đi vào Quận Tánh Linh, Tỉnh Bình Tuy, trung tâm của mật khu Rừng Lá  mà từ đầu khởi cuộc chiến (1960) đã là một vùng bất khả xâm phạm do đấy là hành lang chuyển quân từ đồng bằng, vùng biển (Vùng III của VNCH) lên miền Tây Nguyên.

Với quân số như kể trên, Sư Đoàn 18 Bộ Binh quả thật đã gánh một nhiệm vụ quá khổ dẫu trong thời bình yên chứ chưa nói về tình thế khẩn cấp của tháng 4, 1975. Trước 1972, vùng này được tăng cường một lữ đoàn thuộc lực lượng Hoàng Gia Úc-Tân Tây Lan, Lữ Đoàn 11 Chiến Xa do Đại Tá Patton chỉ huy (con của Danh Tướng Patton của lực lượng thiết kỵ Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến) cùng những đơn vị bộ binh, nhảy dù Mỹ; chưa kể đến Sư Đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan tăng phái, trách nhiệm vùng Long Thành, dọc Quốc Lộ 15, đường đi VũngTàu.

Sư đoàn lại là một đơn vị tân lập (chỉ trước Sư Đoàn 3 Bộ Binh của Vùng I), nhưng những người lính cơ hữu cùng các đơn vị diện địa, tăng phái đã lập nên kỳ tích tưởng không thực vào trong lúc toàn bộ quân lực, đất nước thậm khẩn cấp nguy nan, những đại đơn vị đã vỡ tan vì cách điều quân “di tản chiến thuật” quái đản phát xuất từ Dinh Độc Lập. Thành lập từ năm 1965, đầu tiên đơn vị có danh hiệu là “Sư Đoàn 10 Bộ Binh,” và quả như số hiệu không mấy may mắn này báo trước, theo báo cáo lượng giá hằng tháng SAME (System Advisor Monthly Estimation) của giới chức cố vấn Mỹ cao cấp trong năm 1967, sư đoàn bị xếp hạng là một trong những đại đơn vị yếu nhất của quân lực. Tính đến năm 1972, hiệu kỳ sư đoàn chỉ nhận một lần tuyên công.

Nhưng tất cả điều này đã thuộc về quá khứ, năm 1974 đơn vị trở nên thành đơn vị xuất sắc nhất mang giây Biểu Chương Quân Công Bội Tinh (11) Bởi một điều đơn giản nhưng vô cùng thiết yếu đã được thực hiện: Tướng Quân Lê Minh Đảo về nắm quyền chỉ huy đơn vị từ sau trận chiến Mùa Hè 1972, và ông đã dựng nên sự biến đổi thần kỳ kia với bản lãnh thực sự của một “võ tướng”: Sống-Chết cùng Binh Sĩ-Đơn Vị. Phải, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo không có gì ngoài những người lính gian khổ dưới quyền, những viên sĩ quan cấp úy trung đội trưởng, với quân số còn lại đúng “mười-hai người” chờ đợi để chết trước lần một biển người, chiến xa, đại pháo dập tới. Nếu có một người (chỉ một người thôi) để ông có thể trao lòng tin cậy cùng là một vị tướng nổi danh liêm khiết - Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III- Nhưng oan nghiệt và uất hận thay, trong giờ phút sôi lửa kia, vị tướng trung chính ấy đã chết vì một viên đạn bức tử tại văn phòng do “sẩy tay, lạc đạn khi chùi súng?!” Quả thật, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo không còn ai, không có ai ngoài tập thể những Người Lính đang quyết lòng giữ chắc tay súng - nhiệm vụ mà họ xả thân tận hiến từ một thuở rất lâu không hề nói nên lời. Trận thử sức cuối cùng, tháng 4, 1975 tại Xuân Lộc, Long khánh là một dấu tích sẽ còn lại muôn thuở với lịch sử.

Chúng ta không nói điều quá đáng. Hãy nhìn sang phía đối phương để thử tìm so sánh, từ đấy lập nên phần thẩm định chính xác. Đối mặt binh đội của Tướng Đảo là Quân Đoàn IV cộng sản BắcViệt do Trung Tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Một quân đoàn vừa thành hình trong ngày 20 tháng 7, 1974 theo sách lược chung của cộng sản Hà Nội - Toàn phần vất bỏ Hiệp Định Paris, quyết thanh toán Miền Nam bằng vũ lực với trận mở màn thử xem phản ứng của chính quyền, quân đội Mỹ: Tấn công Thị Xã Phước Long thuộc tỉnh Phước Bình (Đông-Bắc Sài Gòn, 12 tháng 12, 1974). Sau lần toàn phần chiếm đóng Phước Long (6 tháng 1, 1975) mà chính phủ Mỹ hoàn toàn im lặng, cũng tương tự như phản ứng thụ động của Hạm Đội 7 Mỹ để mặc Hải Quân Trung Cộng chiếm đóng Trường Sa, tấn công tiêu diệt Hạm Đội Việt Nam, Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Hà Nội quyết định thanh toán Miền Nam bằng súng đạn, điển hình qua câu nói khoái trá của Phạm Văn Đồng trong buổi hội đầu năm 1975: “Cho kẹo Mỹ cũng vào lại Việt Nam.”

Hoàng Cầm chủ nhân của loại bếp ém khói, là tiểu đoàn trưởng của lực lượng tấn công vào trung tâm phòng thủ Điện Biên Phủ năm 1954; khi chiến tranh khởi cuộc (1960), Hoàng Cầm giữ chức tư lệnh Sư Đoàn 312, chuyển vào Nam năm 1965 để chỉ huy Sư Đoàn 9 khi đơn vị này mới thành lập; Mậu Thân 1968, Cầm phụ trách tham mưu của Trung Ương Cục Miền Nam; Tổng Công Kích 1972, tiếp lên chức tham mưu trưởng và bây giờ, kể từ 1974 tư lệnh Quân đoàn 4, trách nhiệm tấn công Sài Gòn từ mặt đông-bắc qua ngõ Long Khánh của Tướng Đảo. Tướng Hoàng Cầm có dưới tay ba sư đoàn: 6, 7 và 341, chưa kể lực lượng địa phương, yểm trợ thuộc Quân Khu 7 cộng sản. Tương quan lực lượng coi như 4 đánh 1. Nhưng cũng không hẳn thế, Tướng Hoàng Cầm còn được cả một bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, yểm trợ và tăng cường với Văn Tiến Dũng, Tổng tham trưởng quân đội Miền Bắc, Phạm Hùng, bí thư Trung ương cục Miền Nam, Lê Đức Thọ ủy viên Bộ chính trị, Bí thư chiến dịch. Tất cả đã có mặt tại Lộc Ninh, nơi chỉ cách chiến trường Xuân Lộc hơn 100 cây-số đường chim bay.

Thọ vừa đến từ Hà Nội không phải theo “đường mòn Hồ Chí Minh” với ba lô trên lưng như cách “mô tả” thành thạo trong những cuốn sách “nghiên cứu” về chiến tranh Việt Nam; nhưng Thọ đến từ sân bay Nam Vang, đi xe hơi đến biên giới Việt-Miên, xong dùng Honda chở tới Lộc Ninh (để tránh phi cơ và biệt kích của phía VNCH phát hiện). Trước những nhân vật kể trên, Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 7 báo cáo về tình hình quân sự. Phạm Hùng hỏi về tiếp liệu đạn dược; viên cán bộ phụ trách hậu cần trả lời: “Báo cáo đồng chí, ta có đủ đạn để bắn (bọn ngụy) sợ đến ba đời.”(15)

Đấy không không phải là lời nói đùa, vì sau này khi thắng lợi nghiêng về phía quân cộng hòa, bộ tư lệnh mặt trận (cộng sản) đã cho thay thế Tướng Hoàng Cầm bằng Trần Văn Trà, vốn là người chỉ huy chiến trường miền Đông từ chiến tranh 1945-1954; và tăng cường thêm Sư Đoàn 325, đơn vị tổng trừ bị quân đội miền Bắc, lực lượng nỗ lực chính đánh chiếm Nha Trang, Phan Rang đầu tháng 4, và Trung Đoàn 95B biệt lập từ vùng châu thổ Sông Cửu Long kéo lên tăng cường - nâng tỷ số tác chiến (ban đầu) lên thành 5 đánh 1.


III. Trận đánh

Thiếu Tướng Tư Lệnh Lê Minh Đảo chuẩn bị chiến trường đến mức được coi là toàn hảo. Lấy kinh nghiệm đau thương của những đơn vị bạn thuộc hai Quân Khu I và II: Sở dĩ các đơn vị này mất sức chiến đấu mau chóng vì không có người lính nào còn được khả năng chiến đấu khi trong tay họ thay vì nắm chắc vũ khí bấy giờ chỉ để bế đứa con nhỏ, lưng cỏng cha, mẹ già bị nạn. Bằng tất cả mọi phương tiện có được, Tướng Đảo cho di tản toàn bộ gia đình binh sĩ về hậu cứ Long Bình và tổ chức một hậu phương an lành, tương đối đầy đủ cho tất cả.

Cất bỏ được nặng gánh gia định, người lính chỉ còn một hướng trước mặt- hướng địch quân tiến tới. Pháo binh là một yếu tố chiếm giữ phần lớn quyết định sự thắng, bại chiến trường. Một khuyết điểm mà quân lực cộng hòa thường vấp phải là luôn tập trung pháo binh lại một địa điểm để dễ chỉ huy, điều động. Nay Tướng Đảo thay đổi chiến thuật, ông phân tán pháo binh lên những cao điểm như Núi Thị (bên cạnh Đường 20 lên Định quán, đi Đà Lạt), đồi Mẹ Bồng Con (cạnh Quốc Lộ I, đường về Biên Hòa), những cao điểm phía đông và đông-nam Xuân Lộc, nơi ngã ba Tân Phong (cũng là một vị trí di động của bộ chỉ huy; phần sau của chiến trận, giai đoạn rút lui về Bà Rịa (Phước Tuy), dọc Tỉnh Lộ 2 những vị trí pháo này sẽ yểm trợ vô cùng hữu hiệu cho đoàn quân di tản).

Tuy phân tán nhưng khi tác xạ, những vị trí pháo này cùng bắn một lượt nên “tập trung được hỏa lực vào một mục tiêu” mà địch không dò tìm, phát hiện được vị trí pháo bắn đi (để phản pháo). Thứ đến yếu tố an toàn cho bộ chỉ huy là một yêu cầu tối thượng phải thực hiện, Tướng Đảo cho thiết lập những vị trí chỉ huy khác nhau được đánh số 1, 2, 3. Khi một vị trí bị pháo, ông cho di chuyển qua vị trí thứ hai, và luôn thay đổi trong suốt trận đánh (vị trí thứ 1 ở nhà ông trong thị xã; cái thứ hai ở Tân Phong; thứ ba trong một vườn vú sữa phía đông của vị trí thứ 2). Để không cho đối phương an toàn trong vùng họ chiếm giữ, ông tổ chức những trung đội thám sát hoạt động đằng sau phòng tuyến địch, chỉ định vị trí tập trung quân, vị trí pháo binh (địch) xong gọi pháo binh (bạn) bắn tiêu diệt.

Điểm cao nhất của thị xã, Trường Trung Học Hòa Bình, ông thiết trí trung tâm đề kháng với Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn do viên đại úy cứng cựa nhất trong số những sĩ quan đại đội trưởng, Đại Úy Lê Phú Đa, Khóa 25 Đà Lạt.(16) Và cuối cùng, bảo mật liên lạc truyền tin của ta, khai thác truyền tin của địch để phát hiện ý đồ, cách điều quân, các hướng tiến quân của đối phương để chận đánh, giải quyết chiến trường, phá vỡ mưu định tấn công của giặc.

5 giờ 40 sáng ngày 9 tháng 4, 1975- “Giờ H của Ngày N,” chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc bắt đầu (17) với một trận mưa pháo 2,000 quả đạn từ nhiều vị trí cùng đổ xuống trung tâm thị xã Xuân Lộc lập lại cảnh tàn sát của một ngày năm 1972, cũng buổi sáng tháng 4 tại An Lộc. Chính xác một giờ sau, 6 giờ 40, tám xe tăng được lính Trung Đoàn 165, đơn vị tiền phong Sư Đoàn 7 tùng thiết xông vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, nơi đặt bộ chỉ huy Sư Đoàn 18. Lính cộng sản ngỡ rằng sau đợt pháo hung hãn, và đội hình ào ạt, bề thế của những chiếc T54, thế nào cũng sẽ tràn ngập mục tiêu dễ dàng như đã xảy ra ở những mặt trận “không cần giao tranh” nơi Vùng I và II của tháng 3 vừa qua. Họ cũng được học tập, “Sư Đoàn 18 chỉ là một đơn vị bộ binh tầm thường, nếu không nói là yếu kém.”

Nhưng hoàn toàn không phải là như thế, những xe tăng này mắc kẹt giữa bãi mìn của một hệ thống tám lớp kẻm gai và mìn bẫy mà Thiếu Tướng Đảo đã sẵn bố trí; không những chỉ thế, những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đều đặn, đội hình của toán quân tùng thiết, chiến xa cộng sản trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi. Nhưng lính bộ binh của Trung Đoàn 165 không nhận ra chỉ dấu  thất bại, họ tiếp tục tiến lên đợt xung phong thứ hai với những chiến xa còn lại.

Lính Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 48 đã đợi sẵn với “hỏa tiễn 2.75 ly” đặt trên giá hai chân (lưu ý yếu tố một đại đội đương cự một trung đoàn - tức là tỷ lệ “1 chống 16”; và hỏa tiễn 2.75 vốn là vũ khí cơ hữu của trực thăng vũ trang, sau khi quân đội Mỹ rút đi, khối lượng hỏa tiễn này trở nên thặng dư, Thiếu Tướng Đảo biến chế thành vũ khí bộ binh dùng để chống chiến xa bằng cách đặt trên giá tre hai chân, kích hỏa bằng pin) bắn hạ ngay những chiến xa này trên tuyến phòng thủ cuối cùng (nếu như thoát được những lớp mìn bẫy tiền tuyến.)

Mặt đông của thị xã, dọc Quốc Lộ I, Trung Đoàn 209 (cũng của SĐ 7) số phận cũng không mấy khả quan hơn - bởi họ gặp một đơn vị đang cơn uất hận - Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Lính biệt động đánh để trả hận lần lui quân bi thảm của tháng trước từ mặt trận Ban Mê Thuộc, hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 209 bị chôn chân trước tuyến phòng thủ của 82 Biệt Động và Tiểu Đoàn 3/48 của Tướng Đảo.

Sau này Hoàng Cầm ghi lại trận đánh trong Hồi Ký Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: “Những đợt xung phong đánh vào sở chỉ huy của Sư Đoàn 18 và hậu cứ Trung Đoàn 52 ngụy đều không thành công. Chiến sĩ ta giành giựt với địch từng đoạn giao thông hào, qua mỗi căn nhà, căn phố. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc tấn công đã bị chận lại không phải chỉ do pháo binh và không quân yểm trợ, hệ thống phòng thủ vững chắc và sức chiến đấu ngoan cố của Trung đoàn 43 ngụy, nhưng điều đáng nói là Đảo đã tổ chức cho từng người lính thuộc sư đoàn mỗi một vị trí chiến đấu.”(18)

Mặt trận phía bắc của Sư Đoàn 341 tương đối khả quan hơn, một phần địa thế không thích hợp cho việc bố phòng của Chiến Đoàn 52 do Trung Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy. Viên tư lệnh sư đoàn cộng sản Trần Văn Trấn đi theo với Trung Đoàn 266, đích thân chỉ huy cuộc tiến công. Bộ đội cộng sản tùng thiết thoạt tiên mở được đường qua lớp kẻm gai, mìn bẫy thứ nhất tiến gần đến vùng “Hố Heo Rừng,” nơi Quốc Lộ I chạy một đường quanh gắt trước khi đổ vô thị xã.

Nhưng quả như ước tính của Tướng Đảo, đại đội trinh sát của Đại Úy Đa giăng một hàng lưới lửa bằng đại liên 50 chống chiến xa, hiệp cùng máy bay AC119 Hỏa Long từ tầng trời đan kín thêm bằng đại liên Minigun bốn nòng chống biển người vô cùng hữu hiệu. Sư Đoàn 341 vốn là một sư đoàn tân lập gồm những thanh thiếu niên vùng Quảng Bình vào Nam do nhu cầu “chính trị-quân sự” hơn là một đơn vị tác chiến thuần thành, nên đám tân binh thiếu kinh nghiệm của đơn vị này quá hoảng sợ hỏa lực của đại đội trinh sát, phi cơ Hỏa Long chạy dạt qua phần đất của các Đại Đội 340 và 342 Địa Phương Quân Tiểu Khu Long Khánh.

Thật không may, đấy lại là những đại đội địa phương cự phách của tiểu khu, cũng là của vùng chiến thuật, nên cuối cùng đám lính trẻ tuổi của hai Tiểu Đoàn 5 và 7 thuộc Trung Đoàn 266 phải tan hàng, chạy vào lẫn trốn trong khu vực dân cư, bến xe, nhà thờ, trung tâm thị xã. Đại Đội Trinh Sát của Đại Úy Lê Phú Đa lập lại thành tích “1 chống 16 - Một đại đội chận đứng mũi tiến công một trung đoàn.”

Tưởng cũng nên nói rõ cũng không thừa chi tiết: Theo tổ chức “tứ chế” của quân đội cộng sản, một tiểu đoàn có 4 đại đội; một trung đoàn có 4 tiểu đoàn. Vậy Trung Đoàn 266 kia đã sử dụng đến 16 đại đội để tấn công một đại đội trinh sát của Đa. Cho dù rằng Sư Đoàn 341 báo cáo đã chiếm được một vài cơ sở trong thành phố như dinh tỉnh trưởng, bến xe, khu chợ, nhưng đến 11 giờ cùng ngày, Thiếu Tướng Đảo tương kế tựu kế, sử dụng những đơn vị trừ bị, Tiểu Đoàn 1/48 và chiến xa của Chi Đoàn 1/5 đẩy Trung Đoàn 270 ra khỏi ngoại vi thị xã; phần bên trong Xuân Lộc, ông phối hợp với vị tỉnh trưởng, Đại Tá Phúc dùng hai đại đội địa phương tăng cường Tiểu Đoàn 1/43 diệt gọn tất cả các ổ chống cự lẻ tẻ do những đám nhỏ của Trung Đoàn 266/Sư Đoàn 341 xâm nhập được nhân cơ hội đợt pháo kích sáng sớm.

Tổng kết ngày chiến trận đầu tiên, chỉ riêng Sư Đoàn 341 đã bị thiệt hại khoảng 600 chết và bị thương, cùng một số tù binh (ba-mươi người) bị bắt giữ. Đám thanh thiếu niên nông thôn miền Bắc ngồi ngơ ngẩn giữa nhà cửa, gạch ngói tan vỡ do đạn pháo họ vừa thực hiện, hiểu mường tượng ra về một phần ý nghĩa của công tác “giải phóng” sau lần giao tranh với quân lực Miền Nam.

Buổi chiều, Thiếu Tướng Đảo khi đi thanh sát mặt trận bên trong thị xã, ông không quên ra lệnh cho Phòng Quân Tiếp Vụ sư đoàn trích một số khẩu phần lương khô để nuôi ăn đám tù binh còn rất mới. Chiều tối ngày 9 tháng 4 không hẳn là thời gian nghỉ ngơi, phía cộng sản lại dụng tâm gây căng thẳng bằng cách pháo vào khu vực thị xã thêm một loạt liên tục, cũng khoảng 2,000 ngàn quả đạn trên khắp các vị trí, không loại trừ khu vực dân chúng, nhà thương, chùa, nhà thờ. Những địa điểm mà họ ước tính dân chúng hay tập trung để trú ẩn do có ý nghĩ tội nghiệp cam chịu: “Việt cộng sẽ tránh các nơi dân cư đông đúc, chốn tôn nghiêm, nhà thương trường học.”

Năm 1972, ở An Lộc người dân đã nghĩ như thế và pháo cộng sản cũng đã đánh giá Bệnh Viện Bình Long là một mục tiêu phải bị hủy diệt vì bọn ngụy sẽ tải thương người bị thương đến đấy. Đêm 9 rạng 10, ngày 11 tháng Tư, 1975 ở Xuân Lộc cuộc pháo kích cũng mang chung một tính chất với cường độ ác liệt hơn- do để yểm trợ cho bộ binh tiến chiếm bởi Bộ tư lệnh Quân Đoàn 4 cộng sản vẫn không tin quân phòng thủ Xuân Lộc đứng vững sau hai cuộc tấn công. 5giờ 30 sáng ngày 11, đợt tấn công thứ hai bắt đầu. Sư Đoàn 341 tiến chiếm từ hướng Tây-Bắc dọc Quốc Lộ 20; Sư Đoàn 7 từ mặt Bắc đâm thẳng vào thị xã; Sư Đoàn 6 từ hướng Đông, chân núi Chứa Chan nơi đặt bộ tư lệnh chiến dịch của Quân Đoàn 4. Tất cả ba mũi dùi đồng hẹn ở điểm đến- trung tâm thị xã, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18. Kết quả cũng tương tự như ngày 9, quân cộng hòa giữ chắc vị trí, có khác chăng thêm một số chiến xa bị bắn hạ trên tuyến phòng ngự và một số tù binh bị bắt.

Những ngày chẳng mấy vinh quang này được Hoàng Cầm viết lại trong Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: “Trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch, Sư Đoàn 7 bị tổn thất 300 chiến sĩ; Sư Đoàn 341 thiệt hại 1,200. Cụ thể tất cả pháo 85 và 57 ly đồng bị phá hũy “(19).

Cùng lúc Văn Tiến Dũng cũng phải thú nhận trong Đại Thắng Mùa Xuân: “Từ ngày đầu mặt trận Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Những sư đoàn của ta. tổ chức nhiều đợt tấn công vào thị xã, đánh đi đánh lại để chiếm từng vị trí, và phải đẩy lui nhiều cuộc phản công của địch.”

Cùng ngày Không Quân VNCH cũng góp thêm vào chiến thắng qua hũy diệt hơn 100 xe quân sự tăng viện cho mặt trận. Ở Sài Gòn, không khí lạc quan hừng lên, Tổng Thống Thiệu thúc dục Tướng Toàn cố gắng giữ vững Xuân lộc để có thế đảo ngược tình thế... để “B52 có thể trở lại!” Tướng Toàn sử dụng Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi từ Trảng Bom cố mở đường tiếp cận với cánh quân Xuân Lộc, nhưng lực lượng thiết kỵ không thành công trong việc phá chốt ở Ấp Hưng Lộc. Không thành công trong việc dùng chiến xa để giải toả áp lực cộng sản tại Xuân Lộc, Tướng Toàn sử dụng một thành phần hữu hiệu hơn - Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm bốn tiểu đoàn 1, 2, 8 và 9 được Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù trực tiếp yểm trợ.

Cuộc hành quân không vận lớn nhất của trận chiến thực hiện trong hai ngày 11, 12 đưa đơn vị tổng trừ bị cuối cùng của Miền Nam vào trận. Sự xuất hiện của lực lượng nhảy dù tại trận địa đặt nên vấn đề nghiêm trọng đối với tập thể lãnh đạo bộ tư lệnh chiến dịch. Chiều ngày 11 tháng Tư, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà duyệt soát lại kế hoạch tấn công theo chiều hướng mới. Dũng có ý kiến: “Nếu địch tăng cường lực lượng phòng thủ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để tấn công chúng nữa. Chúng ta nên sử dụng sức mạnh của mình để đánh những lực lượng ngoại vi (hàm chỉ Lữ Đoàn I Dù) trước khi chúng đặt chân xuống đất. Cũng nên dùng pháo tầm xa phá hũy căn cứ Biên Hòa để máy bay chúng không thể cất cánh.”

Nội dung buổi hội cũng bàn thảo lại chiến thuật tấn công chính diện mà đã không đem lại kết quả từ bốn ngày qua. Hẳn Trà và giới chức lãnh đạo Trung ương Cục không quên lần tấn công thất bại An Lộc trong Mùa Hè 1972, cũng trên địa bàn Quân Khu III này với lực lượng Quân Khu 7 cộng sản.  Theo quan điểm của Dũng, Tướng Cầm, Tư lệnh Sư Đoàn 7 ra lệnh cho các Trung Đoàn 165, 266 tiếp tục giữ vững vị trí đang trách nhiệm để sau đó từ từ rút đi, riêng Trung Đoàn 209 trở hướng tấn công vào đơn vị nhảy dù vừa nhảy xuống trận địa. Tóm lại, bộ tư lệnh chiến dịch quyết định mở một mặt trận giả (để đánh lạc hướng quân phòng thủ) bằng hai cuộc tấn công chính diện vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 1/43 (có nhiệm vụ giữ thị xã) để phía quân đội cộng hòa nghĩ rằng phía cộng sản vẫn cố công dứt điểm Xuân Lộc theo như kế hoạch ban đầu - Trong khi chuyển hướng tấn công bằng cách đi vòng Xuân Lộc để (thực sự) tiến thẳng về Sài Gòn.

Trần Văn Trà thay thế Hoàng Cầm để trực tiếp thực thực hiện kế hoạch. Ngày 13 Trà họp ban tham mưu của Quân Đoàn 4 để thông báo về việc thay đổi kế hoạch với luận cứ chính xác: “Địch tăng cường phòng thủ Xuân Lộc sẽ gây nhiều bất lợi cho ta nếu cứ tiếp tục tấn công thị xã. Thế nên, nếu chúng ta tiến chiếm Dầu Giây (nam Xuân Lộc, trên Quốc Lộ I, lối về Biên Hòa) thì Xuân Lộc không còn nằm trong tuyến phòng thủ của chúng nữa. Đồng thời ta sử dụng pháo tầm xa 130 ly pháo sân bay Biên Hòa thì địch sẽ bị hạn chế khả năng cho phi cơ xuất kích yểm trợ.”(22)

Trong chiều hướng của kế hoạch này, lực lượng cộng sản dần rút đi nới rộng vòng đai phòng thủ của thị xã. Tướng Đảo lập tức ra lệnh cho các đơn vị chiếm lại những vị trí bị phía cộng sản chiếm giữ, tiếp nhận thực phẩm, quân trang, đạn dược và tải thương. Cũng quả thực ông không biết được sự thay đổi quan trọng về kế hoạch của Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo từ Hà Nội. Nhưng ông làm được gì hơn với chức vụ tư lệnh một sư đoàn bộ binh trong giờ phút nguy nan nhất của cuộc chiến - mặt nổi của lần xếp lại “một trật tự mới trên toàn thế giới.”

Hai trái bom CBU 55 “Daisy Cutter” nặng 15,000 cân Anh rơi xuống từ lòng chiếc C130 phá toang một vùng rộng lớn trong phòng tuyến của quân cộng sản dọc Quốc Lộ 20 tăng cường thêm sự quyết tâm giữ vững Long Khánh của phía quân cộng hòa, nhưng cũng chính là màn khói (bất đắc dĩ phải chấp nhận) giúp cho lần rút đi của bộ đội cộng sản với 235 xác đếm được trên trận địa thêm phần hợp lý - Không một ai trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hòa, nơi Phòng hành quân Tổng Tham Mưu Sàigòn có ý niệm địch sẽ siết chặt Biên Hòa-Sài Gòn với hai gọng kềm (hướng Bắc và Đông) bằng cách cắt Quốc Lộ I ở Dầu Giây và Quốc Lộ 15 ở Long Thành qua thay đổi quan niệm chiến thuật theo tình hình thực tế nên bỏ qua Long Khánh nơi họ đã thực sự thất bại - và biến thất bại này thành một kế nghi binh.

Kế sách này càng thêm hữu hiệu khi mặt trận được tăng cường thêm hai đơn vị mới, Sư Đoàn 325, tổng trừ bị quân đội Miền Bắc, đơn vị chủ lực trong trận tấn công Nha Trang, Phan Rang ngày đầu tháng 3; và Trung Đoàn 95B biệt lập từ đồng bằng Sông Cửu Long kéo lên tăng cường. Tòa Đại Sứ Mỹ phấn khởi trước chiến thắng Long Khánh cố nài Quốc Hội Mỹ chuẩn chi $722 triệu quân viện khẩn cấp cho Việt Nam, nhưng trong phiên họp ngày 17 tháng 4, Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện bác bỏ thẳng thừng như câu nói bất cận nhân tình của hai Nghị Sĩ Jacob Javits và Edmund Muskie trong show truyền hình đại chúng Face the Nations. “Cho tiền để lo việc di tản thì bao nhiêu cũng được chứ một xu cho ngân sách quân sự cho Thiệu cũng không có.” Hai con người này trong ngày 15 tháng Ba vừa qua cũng đã “cứu giúp” toàn bộ Dân Tộc Campuchia với giá tiền đúng $82.5 triệu đô-la Mỹ.  Đây là quan điểm thống nhất của Thượng lẫn Hạ Viện Mỹ lúc ấy do Đảng Dân Chủ nắm đa số mà không thiếu mặt hôm nay với Joe Biden, hai nhiệm kỳ Phó Tổng Thống thời Obama (2008-2016), cũng là ứng viên đảng Dân Chủ sáng giá nhất của trong cuộc bầu cử năm nay 2020.

Chiến trận lắng xuống, các đơn vị cộng sản dần rút đi, chỉ còn pháo kích cầm chừng vào các vị trí phòng thủ. Ngày 20 tháng 4, Tướng Toàn và Đại Tá Thọ, Trưởng Phòng Hành Quân Quân Đoàn III đích thân đến giao cho Tướng Đảo một lệnh mơ hồ như vô cùng kích động: Rời bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn- Hóa ra quân cộng sản đã hoàn tất kế sách bỏ trống Xuân Lộc từ một tuần trước. Thiếu Tướng Đảo phản đối, nhưng viên tướng tư lệnh khẳng định: Đó là lịnh của ông Thiệu!

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân bao gồm lực lượng một sư đoàn cơ hữu cùng các đơn vị tăng phái và yểm trợ, chưa kể thành phần diện địa của Tiểu Khu Long Khánh. Hành quân rút lui là hình thái hành quân khó nhất - Bởi đã mang sẵn mầm thất bại - Những danh tướng của quân sử thế giới mấy ai thực hiện được kể cả Hốt Tất Liệt, Napoléon, Rommel. Nhưng như một phép mầu- một mầu nhiệm do trí tuệ và dũng lược kết hợp nên thành, cộng với lòng yêu quý chiến sĩ, đơn vị của một  tướng lãnh trên chiến địa, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn.

Cũng một phần, lực lượng giữ phần hậu vệ đoàn di tản là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy. Trung Tá Đỉnh là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù - Đơn vị đã giải tỏa An Lộc trong trận đánh ngày 8 tháng 6, 1972 mà đơn vị cộng sản đóng chốt ở Xa Cam, nam An Lộc chỉ còn đúng một người- Tù binh tên Nguyễn Văn Tiền. Cũng có một điều cần ghi thêm là Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn dù đã bất chấp lệnh của tổng tham mưu, vất bỏ mưu đồ “xé lẻ” đơn vị bách thắng này của ông Thiệu (do lo sợ một cuộc đảo chánh), nên đã gởi một đơn vị nhảy dù khác - Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do TrungTá Nguyễn Lô, Lô “lọ rượu” đơn độc đưa quân đi ngược Tỉnh Lộ 2 (từ Bà Rịa (Phước Tuy) lên Long Khánh) đón đoàn quân di tản. Lô dẫn quân đi như ánh chớp, và Tiểu Đoàn 7 Dù là đơn vị cuối cùng chận giặc nơi Cầu Xa Lộ, cửa ngỏ chính của Sài Gòn ở hướng Bắc.

IV. Kết từ

Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn vào hướng Trường Bộ Binh Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn Trung Liệt Đài của Nghĩa Trang Quân Đội, Long Bình. Ông thấy thấp thoáng bức Tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn. Người lính cuối cuộc chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn:

Vì anh là Lính áo rằn
Ra đi nào biết mấy trăng mới về.

Những câu thơ của em ông, Trung Tá Lê Hằng Minh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến “Trâu Điên,” người lính đã ra đi từ ngày Hè năm 1966 nơi chiến trường Thị-Thiên, ở chân Cầu Câu Nhi Phường. Cầu thuộc Phường Câu Nhi, Phong Điền, Thừa Thiên là nơi đâu? Rất nhiều người lính đã ra đi, không trở về từ những vùng đất không mấy ai biết. Hôm ấy, sáng 30 Tháng Tư năm 1975, rất nhiều người lính không còn chốn trở về, trong số có Anh, Người Lính mất Quê Hương - Người Lính Sống- Chết một lần với Miền Nam. Với Việt Nam.
Viết tại Cali, 19 tháng 3, 2020
Phan Nhật Nam