Nguyễn Tiến Hưng
Ngay sau cuộc rút quân khỏi Pleiku (15 Tháng Hai, 1975), ông Bửu Viên, phụ tá tổng trưởng Quốc Phòng VNCH, nói với chúng tôi: “Trung Cộng muốn đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam để đánh lạc hướng và cầm chân quân đội Bắc Việt, nhằm ngăn chận cuộc tổng tấn công vào miền Nam.”
Ít lâu sau, tôi lại được nghe Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc xác nhận: “Trung Cộng có liên lạc và đề nghị một kế hoạch tiếp cứu VNCH, nhưng Tổng Thống Thiệu thẳng thừng từ chối.”
Thời điểm ấy, chúng tôi coi đây là chuyện hoang đường. Trung Quốc từng yểm trợ Bắc Việt từ bao nhiêu năm, sao nay lại muốn ngăn cản chiến thắng? Thêm vào đó, lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của Tổng Thống Thiệu đã thể hiện rõ ràng trong hải chiến Hoàng Sa 1974 – khiến chúng tôi càng tin việc đó khó có thể xảy ra, cho nên đã quên không hỏi thẳng Tổng Thống Thiệu. Chỉ có một lần tại London, Anh, tôi có hỏi sơ qua rằng người nào của Trung Quốc đã liên lạc với ông Bắc, thì ông Thiệu nói: “Lãnh sự của Trung Cộng ở Hồng Kông.”
Nhưng ngày nay, với những bằng chứng mới, chúng tôi có thể xác nhận câu chuyện này hoàn toàn có thật, được chi tiết trong cuốn sách “Bức Tử VNCH – Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm” (2024).
Hai bí mật lớn cuối cuộc chiến
Sau 15 năm chiến đấu vai kề vai với quân đội Bắc Việt (1960-1975) cuối cùng thì Mặt Trận Giải Phóng (MTGP) lại muốn thương thuyết thẳng với Mỹ và VNCH.
Trung Quốc thực sự muốn can thiệp để ngăn chận chiến thắng của Bắc Việt.
MTGP tìm cách điều đình riêng với Hoa Kỳ và VNCH
Về việc MTGP – với sự hỗ trợ của Trung Quốc – muốn tách rời khỏi Hà Nội để điều đình thẳng với Mỹ thì trong hồ sơ của Đại Sứ Graham Martin trao cho chúng tôi – gồm trên 20 mật điện giữa Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và Bộ Ngoại Giao ở Washington, DC vào Tháng Tư, 1975, có hai công điện của Ngoại Trưởng Henry Kissinger cùng ngày 25 Tháng Tư, 1975 gửi ông Martin nói đến việc ông Phạm Văn Ba, đại diện MTGP tại Paris, cho biết họ muốn liên lạc trực tiếp với Hoa Kỳ và nhờ Pháp sắp xếp một cuộc gặp gỡ.
Công điện thứ nhất, ngày 25 Tháng Tư, 1975:
“Tòa Đại Sứ Pháp đã thông báo cho chúng tôi vào chiều ngày 24 Tháng Tư rằng MTGP tiếp tục nói với Pháp họ muốn thiết lập liên lạc trực tiếp với Hoa Kỳ. Người Pháp lưu ý rằng lời phát biểu này là tiếp theo một phát biểu tương tự trong cuộc trao đổi với ngoại trưởng (Pháp) như đã báo cáo trước đây. Họ đã coi sự việc này như một lời yêu cầu để người Pháp sắp xếp một cuộc gặp gỡ với chúng ta.” – Kissinger.
Công điện thứ hai trong cùng ngày 25 Tháng Tư, 1975:
“Tòa Đại Sứ Pháp thông báo cho chúng tôi về trao đổi ngày 25 Tháng Tư giữa ông Phạm Văn Ba, đại diện MTGP, và ông Quai D’Orsay, quyền giám đốc phụ trách các vấn đề Á Châu của Bộ Ngoại Giao Pháp.Ông Ba nói ông muốn mọi người hiểu rằng MTGP coi một công thức chính trị có thể chấp nhận được, đó là đặt Tướng (Dương Văn) Minh làm quốc trưởng, với điều kiện ông ấy phải thành lập một chính phủ với tinh thần hòa giải dân tộc.”
“Báo cáo của Pháp nói ông Ba đã xác nhận rằng Hoa Kỳ nên giải quyết vấn đề Nam Việt Nam với MTGP chứ không phải với Hà Nội. Về phần mình, MTGP sẵn sàng để mở cuộc đối thoại.” (Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, trang 578-579).
Về điểm này thì Trung Tướng Trần Văn Đôn, cựu phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc Phòng, cũng xác nhận với chúng tôi là MTGP đã liên lạc với ông ở Paris và ở Sài Gòn về ý muốn điều đình thẳng với chính phủ VNCH. Mục đích là để thành lập một miền Nam trung lập chứ không hội nhập với miền Bắc.
Trung Quốc đề nghị nhảy vào tiếp cứu
Ngày nay chúng tôi đã có được bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc đề nghị với VNCH cho phép nhảy vào để đánh chận cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975 khi quân đội Bắc Việt đang tiến nhanh vào Sài Gòn, nhưng lãnh đạo VNCH đã dứt khoát từ chối.
Trước hết là câu chuyện của một nhân chứng còn sống. Đó là Đại Tá Không Quân Nguyễn Quốc Hưng (hiện ở Salem, Portland). Ông kể lại cho chúng tôi – với ghi chú của mình trong cuốn nhật ký “AGENDA 1975” mà ông còn giữ được. Đại Tá Hưng là cựu phụ tá tham mưu phó hành quân, Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH.
Sau đây là một trang của cuốn “AGENDA 1975” mà ông Hưng đã lục lọi tìm lại được, có ghi ngắn gọn những sự kiện vào ngày Thứ Bảy, 26 Tháng Tư, 1975, chỉ bốn ngày trước khi quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn.
Ông nói “Mấy dòng sau đây là do tôi vội vàng ghi lén tại chỗ:”
Và chi tiết trang nhật ký là như sau:
“Hồi 9 giờ 15 phút sáng ngày 26 Tháng Tư, 1975 tôi bay chiếc A-37 đánh ở Bắc Long Thành vì nơi đây đang bị pháo kích nặng, và đã trở về an toàn (vô sự). Trung Tướng (Nguyễn Cao) Kỳ gọi và nói anh và Cử đến đây gặp tôi ngay. Cử là Nguyễn Văn Cử, cựu phi công (người đã đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1962 nhưng không thành), lúc đó là dân biểu.
Lúc 10 giờ 10 phút thì tôi và Cử tới họp mật với ông Kỳ ở câu lạc bộ Không Quân Huỳnh Hữu Bạc, Tân Sơn Nhất. Vừa bắt đầu họp thì có một chiếc trực thăng UH-1 đáp xuống phía sau câu lạc bộ do phi công Mỹ lái và ba người Tàu mặc quần áo dân sự đi với một thông dịch viên. Cử hỏi nhỏ ông Kỳ: ‘Tại sao tụi nó đi máy bay Mỹ?’ Ông Kỳ nói: ‘Ba thằng tướng Trung Cộng này được Đại Sứ Martin sắp xếp để đến và yêu cầu tôi gặp.’
Sau khi chào hỏi và nói mấy câu xã giao, tướng Trung Quốc, qua thông dịch viên, hỏi: ‘Các ông có cần và đồng ý để chúng tôi cho hai sư đoàn đã sẵn sàng ở Bắc Lạng Sơn tràn qua đánh tập hậu quân đội Bắc Việt không?’
Lúc 10 giờ 20 phút, ông Kỳ trả lời vắn gọn: ‘Thắng trận hay bại trận là quyền định đoạt của Nam Việt và Bắc Việt Nam chúng tôi, xin mời các ông rời nơi đây ngay.’
Ba tướng Trung Quốc nhìn nhau ngỡ ngàng, một tướng lắc đầu, rồi họ chào ‘good bye’ và lên trực thăng.
Ông Kỳ quay sang nói với Cử và tôi: ‘Không thể cõng rắn độc để cắn chết gà nhà được.’ Rồi ông còn thêm: ‘Tổng Thống Thiệu đã từ chối chúng nó trước rồi. Bây giờ cứ tiếp tục.’
Nghe vậy, Cử mặt tái mét. Sau buổi họp, tôi hỏi tại sao thì Cử nói ‘moi’ xanh mặt vì sợ tụi Tàu tức giận sẽ ập xuống đánh luôn cả mình.’”
Ông Hưng thêm: “Khi tôi hỏi tại sao Trung Quốc lại muốn đánh chận quân đội Bắc Việt thì ông Kỳ nói: ‘Chúng nó đã biết Lê Duẩn theo Liên Xô rồi.’”
![]() |
Bìa cuốn sổ tay của Đại Tá Không Quân Nguyễn Quốc Hưng. (Hình: Nguyễn Tiến Hưng cung cấp) |
Những thông tin khác
Gần đây lại có thêm những thông tin về câu chuyện này. Những trích dẫn sau đây là từ bài khảo luận của tác giả George Jay Veith với tựa đề: “China and the Fall of South Vietnam: the Last Great Secret of the Vietnam War” đăng trên mạng của Wilson Center, Washington, DC, ngày 22 Tháng Chín, 2022: wilsoncenter.org/blog-post/china-and-fall-south-vietnam-last-great-secret-vietnam-war.
Thông tin của ông Veith dựa trên hơn một thập niên phỏng vấn và trao đổi email với Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Phong trước khi ông qua đời vào Tháng Bảy, 2017. Ông Phong từng là phó trưởng phái đoàn VNCH trong suốt thời gian đàm phán với phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại Paris từ năm 1968 đến năm 1975.
Sau đây là một số chi tiết:
1972 – Theo ông Phong thì vào đầu năm “Trung Quốc đã chuyển đến ông nhiều thông điệp để tìm cách thiết lập một cuộc đối thoại với Tổng Thống Thiệu, nhưng ông Thiệu đã không trả lời.” Chúng tôi cho rằng những thông điệp này đã trùng hợp với cuộc “Tấn Công Lễ Phục Sinh” (Easter Offensive), miền Bắc gọi là “Chiến Dịch Xuân-Hè,” bắt đầu từ ngày 30 Tháng Ba, 1972 và kết thúc ngày 22 Tháng Mười, 1972 sau “Mùa Hè Đỏ Lửa.”
1974 – “Sau trận Hoàng Sa (ngày 19 Tháng Giêng, 1974), khi trả tù binh VNCH về nước, Trung Quốc đề nghị mở một cuộc họp giữa hai bên, nhưng VNCH không trả lời. Vào mùa Hè năm đó, Trung Quốc lại nhờ người nói chuyện lần nữa với chính phủ VNCH, nhưng người này lại trình bày với Đại Sứ Graham Martin của Mỹ, và ông Martin giữ im lặng luôn.”
Qua kinh nghiệm làm việc gần gũi với ông Martin trong thời gian từ 1974 tới 1975 về vấn đề viện trợ và biết được tâm tư tuyệt vọng của ông trước sự lạnh nhạt, phản bội của Washington, chúng tôi cho rằng ông Martin đã không im lặng, và đã bí mật cho ông Thiệu biết, vì thấy nguy cơ sụp đổ của VNCH ngay trước mắt. Ông là viên chức cao cấp Mỹ duy nhất còn hết lòng ủng hộ VNCH sau Hiệp Định Paris, một phần có thể vì con ông, cậu Glenn, đã lái trực thăng và tử trận tại Bình Thuận ngày 23 Tháng Mười Một, 1965.
Trước khi ra đi về nơi chín suối (13 Tháng Ba, 1990) ông Martin còn nói với chúng tôi: “Một ngày nào tôi sẽ nói lời cuối cùng về Kissinger” (như được ghi lại trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”).
ThángTư, 1975 – “Sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương nhận chức ngày 21 Tháng Tư, 1975, Trung Quốc lại cử đại diện đến gặp và đề nghị tiếp viện cho VNCH, nhưng ông Hương từ chối. Ông nói với giới thân cận: “Cho Trung Cộng vào, chiến cuộc tiếp diễn trên lãnh thổ ta, ngay cả nếu chiến thắng thì khi nào mới đuổi Trung Cộng ra được…”
Khi ông Hương chuyển quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh thì “vài ngày sau, ông Phong gặp cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn (bạn của ông Minh) và một đại diện của Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam (MTGP) để thảo luận về khả năng thành lập một chính phủ liên hiệp…ông Phong thông báo một cách tế nhị với giới chức MTGP rằng Pháp và các nước khác sẽ giúp đỡ chính phủ mới…”
Trung Quốc muốn đưa hai sư đoàn dù nhảy xuống Biên Hòa để tiếp cứu
Theo ông Phong thì “Trung Quốc rất muốn MTGP nắm quyền thông qua công thức chính phủ liên hiệp do Pháp đề nghị với Tướng Minh để ngăn chặn Bắc Việt đơn phương tiếp quản miền Nam. Sau khi một liên minh như vậy được thành lập, ông Minh sẽ đưa ra lời kêu gọi để yểm trợ. Người Pháp sẽ đáp lại bằng một ‘lực lượng quốc tế’ vào Nam Việt Nam để bảo vệ chính phủ mới. ‘Sức mạnh’ ban đầu để bảo vệ, như ông Phong gọi, sẽ là ‘hai sư đoàn dù Trung Quốc nhảy xuống Biên Hòa.’”
Bắc Kinh yêu cầu phải cần bốn ngày để sắp xếp quân đội của họ và đưa họ đến căn cứ không quân. Ông Phong giải thích như sau:
“Bắc Kinh không thể trực tiếp đứng ra làm công việc này, nhưng họ cho mọi người biết rằng họ (muốn) để cho người Pháp lãnh trách nhiệm này! Vì chính trị quốc tế, Bắc Kinh không thể trắng trợn can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Pháp cần phải kêu gọi một ít quốc gia tham gia vào ‘lực lượng quốc tế’ – với Pháp đóng vai trò mũi nhọn – để Bắc Kinh có thể can thiệp.” (Chúng tôi xin mở ngoặc nơi đây để nhắc lại rằng trong chín quốc gia ký vào bản Hiệp Định Quốc Tế ngày 2 Tháng Ba, 1973 “để bảo đảm hòa bình Việt Nam” có cả Pháp và Trung Quốc).
“Có một số câu hỏi mà Bắc Kinh phải đối mặt vào lúc đó: Bao nhiêu quân sẽ được đưa vào và sẽ ở lại miền Nam bao lâu? Trung Quốc hứa rằng họ sẽ ở lại một thời gian cần thiết, nhưng họ nghĩ rằng từ ba đến sáu tháng là thời gian tối đa họ có thể tham chiến… vì họ không muốn bị buộc tội chiếm đóng miền Nam Việt Nam bằng quân sự.”
Ngoài ông Phong, “Pháp còn đề nghị với tân Tổng Thống Minh cùng một thông điệp giống như với ông Phong – qua trung gian Tướng Paul Vanuxem của Pháp đã về hưu.“Nhưng sau khi suy nghĩ, ông Minh đã từ chối.” Ông Vanuxem cũng là người quen biết ông Thiệu từ lúc còn chiến đấu ở ngoài Bắc (trước 1954) và sau này đôi khi có lui tới Sài Gòn để thăm ông.
![]() |
Một trang nhật ký của Đại Tá Không Quân Nguyễn Quốc Hưng. (Hình: Nguyễn Tiến Hưng cung cấp) |
Vì sao Trung Quốc muốn ngăn Bắc Việt?
Thoạt nghe thì thấy là mâu thuẫn. Trung Quốc từng hết lòng viện trợ Bắc Việt. Tại sao đến 1975 lại muốn ra tay ngăn chiến thắng của Hà Nội?
Ngược dòng lịch sử, có thể giải thích nghịch lý với những sự kiện sau đây:
-Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận chính phủ VNDCCH (ngày 18 Tháng Giêng, 1950). Kể từ đó, Bắc Kinh nhất mực yểm trợ Hà Nội chống Pháp (1946-1954).
-Tới ngày 7 Tháng Năm, 1954, Hà Nội chiến thắng Pháp tại trận Điện Biên Phủ. Sau đó, tại Hội Nghị Geneva, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng, từ yểm trợ chiến đấu đến giảm thiểu kết quả của chiến thắng.
Và đây là cái nghịch lý đầu tiên.
Câu chuyện là như thế này:
-Tại Hội Nghị Geneva: Vào cuối Tháng Sáu, 1954, giữa lúc cuộc thương thuyết về Đông Dương trở nên căng thẳng, phái đoàn Mỹ báo cáo về Washington rằng Trung Quốc đã làm áp lực với Việt Minh để chấp nhận giải pháp hai giai đoạn, giai đoạn đầu là quân sự, tức là ngưng chiến, rồi mới tới giai đoạn thứ hai là chính trị, tổng tuyển cử.
Theo ông Jean Chauvel, trưởng phái đoàn Pháp tại hội nghị, “ông Chu Ân Lai đã có lập trường hoàn toàn mới, đó là công nhận có hai chính phủ ở Việt Nam. Và đây là lần đầu tiên ông Chu công nhận chính phủ Miền Nam là một chính phủ hợp pháp.”
Sau đó, tân thủ tướng Pháp, ông Mendes France, lại yêu cầu ông Chu áp lực với Hà Nội để sớm đi tới một hiệp định, và ông Chu đồng ý giúp (như chúng tôi đã ghi lại trong cuốn “Khi Đồng Minh Nhảy Vào,” trang 177).
Kết quả của Hội Nghị Geneva năm 1954 là giải pháp chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Đó là một giải pháp đã được Trung Quốc áp lực Bắc Việt phải chấp nhận, vì lúc ấy miền Bắc – thừa thắng xông lên – muốn tiếp tục chiến đấu. Điều này làm cho phái đoàn VNDCCH cùng nhiều thành phần kháng chiến ở miền Nam rất bất mãn.
-Cuối thập niên 1950, lại có một biến chuyển mới: đó là sự chia rẽ giữa hai đồng minh lớn nhất của VNDCCH: Tình hữu nghị Trung Quốc-Liên Xô bị rạn nứt. Sự rạn nứt lên tuyệt đỉnh vào lúc có những giao tranh đẫm máu giữa hai quốc gia này tại sông Ussuri năm 1969. Liên Xô đã tính đến tấn công Trung Quốc bằng nguyên tử (xem “Tâm Tư TT Thiệu,” Chương 24). Xung đột này đặt Hà Nội vào cái thế phải “đu giây,” và có thể đã thấy Hà Nội không hoàn toàn đứng về phía mình.
-Tháng Bảy, 1971, Tổng Thống Richard Nixon tuyên bố sẽ viếng thăm Trung Quốc vào đầu năm 1972 sau 20 năm thù nghịch. Ông cũng tiết lộ rằng ông Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh để sắp xếp chuyến đi này. Hà Nội (và Sài Gòn) bỡ ngỡ, lo ngại là Mỹ và Trung Quốc sắp xích lại gần nhau. Thấy vậy Bắc Việt phản ứng.
-Tháng Mười Một, 1971, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của Bắc Việt đi Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Mao Trạch Đông. Trong một buổi họp rất căng thẳng, ông Đồng kiến nghị ông Mao đừng gặp ông Nixon. Ông Mao nói “chính những thắng lợi của Bắc Việt khiến ông Nixon phải tới Trung Quốc.” Rồi ông trích dẫn một câu tục ngữ: “Nếu cán chổi của ta ngắn quá, không thể với tới con nhện ở trên cánh tủ cao kia, thì ta nên để nó nằm yên tại chỗ.” Lời ông Mao nhắn nhủ đã rõ ràng. Đó là Hà Nội không nên đi tìm một sự toàn thắng ở miền Nam. Rồi ông nói thêm: “Vì cái chổi của Trung Quốc rất ngắn nên chúng tôi đã phải để ông Tưởng Giới Thạch ở lại Đài Loan. Cũng vậy, vì Việt Nam chỉ có một cái chổi ngắn, vậy đồng chí nên để ông Thiệu ở lại.” Ông Đồng, lúc đó đang trong cái khí thế “chống Mỹ cứu nước,” đáp lại: “Xin lỗi chủ tịch, nhưng cán chổi của Việt Nam chúng tôi đủ dài rồi…” (xem cuốn “The Palace File,” trang 54).
-Tháng Ba, 1972, bốn tháng sau chuyến đi của ông Đồng, Bắc Việt hành động ngược lại với lời khuyên của ông Mao và tung ra cuộc tấn công “Easter Offensive” ngày 30 Tháng Ba, 1972 như đề cập ở trên. Bắc Việt sử dụng tới trên 200 xe tăng T-54 của Liên Xô, dẫn đến “Mùa Hè Đỏ Lửa.” Như vậy là Trung Quốc đã thấy rõ Hà Nội đang cần và đã ngả về phía Liên Xô rồi.
-Tháng Năm, 1973, sau Hiệp Định Paris, như chính ông Kissinger viết lại trong cuốn “Years of Upheavals,” trang 302: “Tới Tháng Năm, 1973 thì Hà Nội đưa thêm được 30,000 quân vào miền Nam quả ngả Lào, cộng với 30,000 tấn thiết bị quân sự hạng nặng và xe tải, cùng với 400 xe tăng (T-54), 300 khẩu đại pháo, và thiết lập được một hệ thống phòng không (với hỏa tiễn SAM).” Tất cả là từ viện trợ của Liên Xô.
-Tháng Mười Hai, 1974, ngay trước trận Phước Long, Tướng Viktor Kulikov, tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, tới Hà Nội (ngày 22 Tháng Mười Hai, 1974) để thẩm định tình hình (lấy cớ là nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam). Sau chuyến đi, Liên Xô tăng viện gấp bốn lần cho Bắc Việt.
Và Bắc Việt đã thực sự ngả hẳn về Liên Xô ở thời điểm đó. Đây chính là điểm mà Tướng Kỳ nói với ông Cử và ông Hưng như đề cập ở trên.
Tại sao như vậy? Đó là vì sách lược của Bắc Kinh đối với Việt Nam vẫn nhất quán từ thập niên 1950 cho tới 1975. Đó là Trung Quốc chỉ muốn loại Mỹ khỏi Việt Nam, nhưng không muốn Hà Nội toàn thắng và làm bá chủ Đông Dương, có thể liên kết với Liên Xô để ngăn chận Trung Quốc bành trướng ở phía Nam, cửa ngõ của Đông Nam Á.
Kết luận
Tiếp theo Tổng Thống Thiệu, cả cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, rồi Tổng Thống Trần Văn Hương cùng Tổng Thống Dương Văn Minh, hai tổng thống cuối cùng của VNCH, dù chỉ tại vị có mấy ngày, không ai bảo ai, đều nhanh chóng và dứt khoát gạt bỏ cái giải pháp cho Trung Quốc vào cứu nguy, dù trong tình cảnh “thập tử nhất sinh.”
Nội trong bốn ngày trước khi xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập, cả hai đề nghị rõ ràng của Trung Quốc, (1) Đưa hai sư đoàn bộ binh tràn qua Lạng Sơn đánh tập hậu từ phía Bắc và (2) cho hai sư đoàn dù nhảy xuống Biên Hòa đánh bọc từ phía Nam, đều bị từ chối.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng cả ba nhà lãnh đạo cuối cùng của VNCH đã chọn thà bại trận còn hơn là để cho Trung Quốc nhảy vào.
Trong phút sinh tử, lòng tự tôn dân tộc vẫn thắng thế. Văng vẳng đâu đây, vẫn còn câu nói của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.” [đ.d.]
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/bi-an-cuoi-cung-cua-cuoc-chien-viet-nam/
No comments:
Post a Comment