; }

Friday, October 19, 2018

NHỮNG PHỤ NỮ GIẢI MẬT MÃ THIÊN TÀI CỦA MỸ

Những phụ nữ giải mật mã thiên tài của Mỹ - Ảnh 1.
Bức ảnh của Angeline Nanni hồi đầu thập niên 1950, khi mới bắt đầu vào làm cho dự án Venona - Ảnh tư liệu
Đối với Angeline Nanni, các con số như câu chuyện thân thuộc. 12 tuổi, sống ở vùng nông thôn bang Pennsylvania trong giai đoạn Đại suy thoái, Angie (tên thân mật) cất tủ sách của mình trong cửa hiệu tạp hóa của cha. Trong trường, cô bé ngấu nghiến tất cả các lớp học về toán.
Vào học trường dạy chăm sóc sắc đẹp sau khi tốt nghiệp trung học - thẩm mỹ là một trong các lĩnh vực phụ nữ Mỹ được tiếp cận hồi thập niên 1940 - Angie tập trung vào kinh doanh, trong khi hai người chị Mimi và Virginia học làm tóc. 
Trước chiến tranh, ba chị em mở một cửa hiệu chăm sóc sắc đẹp ở thị trấn Blairsville, Pennsylvania, do Angie điều hành. Toán là tình yêu của cô mà.
Bài kiểm tra
Nhưng các con số trong bài kiểm tra này không giống chút nào với những thứ cô gái từng thấy.
Angie, trong tư thế hết sức duyên dáng, hăng hái và kiên định, được xếp ngồi trong một phòng học nhỏ thuộc một tòa nhà lớn xây tồi tàn. Đó là năm 1945, Chiến tranh thế giới lần hai đã kết thúc.
Chị em nhà Nanni trước đó dời đến sống ở thủ đô Washington D.C để làm những công việc hỗ trợ cuộc chiến, nhưng đến lúc cửa hiệu làm đẹp ở Blairsville gọi họ trở về. Chỉ riêng Angie muốn ở lại, và bài kiểm tra này sẽ quyết định liệu cô có thể hay không.
Buổi kiểm tra được tổ chức trong một cơ sở bí mật của chính phủ Mỹ ở Quận Arlington, bang Virginia. Xung quanh Angie là 8-9 cô gái khác, gương mặt mỗi người có một biểu cảm căng thẳng riêng. Hầu hết họ - Angie lo lắng nghĩ - đều là sinh viên đại học, còn cô thì không.
Trên tờ giấy trước mặt mỗi người là 10 tổ hợp số, được sắp xếp thành các nhóm có 5 chữ số. Các số này đại diện cho một thông điệp mã hóa. Mỗi tổ hợp 5 chữ số mang một ý nghĩa bí mật. Bên dưới dãy 50 con số đó là một dãy 50 con số khác, cũng được chia thành nhóm tương tự. Viên nữ giám khảo yêu cầu họ trừ toàn bộ hàng dưới cùng từ hàng trên cùng, theo thứ tự.
Angie không có chút khái niệm gì về đề bài, nhưng cô nhìn vào dãy số và điều gì đó bật ra trong đầu. Cô suy ra số 4, trừ đi số 9, kết quả là bằng 5, vì bạn vừa mượn thêm một số 10 "tàng hình". Đơn giản! Angie làm một hơi, loại hết các chữ số thừa để phăng ra ý nghĩa của thông điệp.
Bà giám khảo tiến lại gần và thấy cô gái đã hoàn thành bài kiểm tra trước mọi người. "Đúng rồi, Angie! Đúng rồi!" - bà kêu lên. Người phụ nữ mừng rỡ chạy ra khỏi phòng để báo cho cấp trên rằng họ đã tìm thấy một ứng viên mới cho dự án giải mật mã của Liên Xô.
Những phụ nữ phi thường
Những phụ nữ giải mật mã thiên tài của Mỹ - Ảnh 2.
Nhà vật lý người Đức Klaus Fuchs (chân dung) giúp thúc đẩy chương trình hạt nhân của Liên Xô bằng cách bán bí mật dự án Manhattan của Mỹ - Ảnh tư liệu
Khoảnh khắc xuất thần đó đã thay đổi cuộc đời của Angie Nanni. Nó cũng kết liễu luôn số phận của vài người Mỹ khác, chẳng hạn như cặp vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, bị hành quyết năm 1953 vì tội bán bí mật nguyên tử cho Liên Xô. Bản án được đưa ra một phần dựa trên phát hiện của Angeline Nanni và một nhóm phụ nữ.
Tài năng và sự kiên trì của họ đã mang lại một trong những thắng lợi phản gián lớn nhất Chiến tranh lạnh: Venona - dự án tuyệt mật của Mỹ nhằm phá vỡ thông tin liên lạc mã hóa của gián điệp Liên Xô.
Trong gần 40 năm, Angie và hàng chục nữ đồng nghiệp của cô đã giúp phát hiện những kẻ chuyển bí mật của Mỹ và đồng minh cho Liên Xô trong và sau Thế chiến thứ hai.
Họ lật tẩy các gián điệp nổi tiếng như sĩ quan tình báo Anh Kim Philby, nhà ngoại giao Anh Donald Maclean, nhà khoa học gốc Đức Klaus Fuchs và nhiều người khác. Công việc của họ bí mật đến nỗi Tổng thống Harry Truman (1945-1953) có thể còn không hay biết gì.
Các thông điệp nhóm Venona xử lý được mã hóa trong một hệ thống vô cùng phức tạp, khó đến mức các cô gái phải xới tung kho dữ liệu trong hàng chục năm, xem đi xem lại các nhóm mật mã, đào lên những cái tên, lật đi lật lại khi thông tin mới xuất hiện.
Vào đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh - vốn cũng là đỉnh điểm của giai đoạn bùng nổ dân số, thời kỳ mà phụ nữ Mỹ được khuyến khích giữ vai trò nội trợ - chính phụ nữ là những người đã khởi động dự án Venona, xây dựng và giữ cho nó tồn tại.
"Hầu hết chúng tôi là phụ nữ độc thân. Chúng tôi sợ gặp gỡ người khác vì thời điểm đó không ai biết người mình sắp gặp là ai, đó có thể là một gián điệp Liên Xô. Tôi thậm chí sợ đi nhà thờ" - Angie nhớ lại.
Cùng với Angeline Nanni còn có Gloria Forbes, Mildred Hayes, Carrie Berry, Joan Malone Calla-han, Gene Grabeel… Tất cả đều là phụ nữ trẻ xuất thân từ vùng quê. Trong thập niên 1950-1960, khi cuộc chiến do thám - phản gián giữa Liên Xô và Mỹ lên cao trào, các cô gái trẻ này nằm trong số ít những người Mỹ biết được sự thật.
Bất cứ ai trông thấy họ ngoài đường có thể nhầm lẫn với một hội chị em nào đó. Các cô gái cũng diện váy đầm, mang túi xách, làm tóc kiểu. Họ thích đi dã ngoại, mua sắm và giải trí cùng nhau.
Điều người ta không thấy được là các cô gái này sở hữu bộ óc phi thường, khả năng ngôn ngữ, toán siêu đẳng, và một tinh thần ái quốc cứng như thép tôi luyện. Giống với Angie, hầu hết họ đến Washington trong chiến tranh và chọn ở lại.
Những phụ nữ giải mật mã thiên tài của Mỹ - Ảnh 3.
Mùa xuân năm 2018, bà Angeline Nanni, 99 tuổi, trở về thăm Arlington Hall, nơi nhóm Venona từng làm việc - Ảnh: Smithsonian
******
Năm 2001, tức 6 năm sau khi chương trình Venona được giải mật, Jim Deluca lang thang trên mạng thì bắt gặp bản tin của NSA kể về lịch sử của dự án. Anh lướt qua những cái tên, này thì Meredith Gardner, Gene Grabeel và những người khác.
Rồi Jim bỗng thấy: Angeline Nanni. Chờ đã - cái gì? Dì Angie!? Venona?
Jim chạy đi hỏi dì Angie (khi đó 81 tuổi). "Ồ, cái đó có gì đâu" - bà trả lời tỉnh như không.
Năm nay (2018) bà Angie đã 99 tuổi, vẫn còn minh mẫn, chỉ mỗi việc nhắc đến công việc thời trẻ là bà cảm thấy không thoải mái. "Tôi không muốn đề cập đến nếu như có thể" - bà giãi bày.

PHÚC LONG (Theo Smithsonian)

No comments:

Post a Comment