; }

Sunday, February 28, 2016

BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NIÊN TRƯỞNG TRỊNH XUÂN LẠNG (CHT/ĐƠN VỊ 17)

trích đoạn bài của Đại tá NGUYỄN HUY HÙNG
trong Hồi ký : DUYÊN NỢ TRUYỀN TIN 




  1.   . . . . . . . .1.- Thiết trí một giàn máy mẫu đơn giản trên xa bàn, để giới thiệu Hệ thống tổng đài điện thoại tự động của hãng OKI (Nhật) mới thiết trí tại Bộ Tổng Tham Mưu, có khả năng cung cấp hàng ngàn đường dây nối các máy điện thoại liên lạc suốt 24/24 giờ, quanh năm ngày tháng, giữa các Cơ quan Đơn vị Quân lực tại Thủ đô Saigon. Hai người xem đứng bên nhau, một người nhấc máy điện thoại lên, quay số máy điện thoại của người kia, trong khi quay đĩa số có thể nhìn thấy các tầng relay selector tự động vận hành để tìm số và nối cuộc điện đàm giữa 2 máy với nhau, không cần đến chuyên viên tổng đài ngồi nghe để tiếp nối đường dây như loại tổng đài thường dùng xưa nay ai cũng biết.

    2.- Thiết lập một hệ thống chuyển vận hỗn hợp dây (CF1, CF2) và vô tuyến (siêu tần số) ngay trong gian hàng, để giới thiệu cho người xem thấy được hiệu năng cao của phương tiện truyền tin hiện đại đang được Quân lực Việt Nam Cộng hoà xử dụng. Người ta có thể cho 4 máy viễn ấn tự và 3 máy điện thoại cùng hoạt động để trao đổi tin tức giữa các đơn vị đóng xa nhau hàng trăm cây số, trên cùng một đường dây, chuyển qua cùng một tần số vô tuyến, trong cùng một thời gian.Tổng Thống Diệm tỏ lộ sự hài lòng, khi thấy một trong các máy viễn ấn tự đang hoạt động liên tục không người điều khiển, in ra lần lần hình của Tổng Thống xếp bằng những hàng chữ X trên trang giấy, khi ông dừng chân nghe Trung Tá Khương Chỉ huy trưởng Viễn Thông trình bầy về công dụng và lợi ích của loại phương tiện truyền tin tối tân quân đội đang xử dụng (thời 1956).



    3.- Một giàn máy trưng bầy kỹ thuật Vô tuyến truyền hình thu phát tại chỗ (close circuit TV), được đặt ngay giữa gian hàng cho khách thăm viếng chiêm ngưỡng. Quang cảnh các người đang đứng xem trước máy thu hình, được ghi nhận, chuyển qua hệ thống điện tử và hiện ngay lên trên màn ảnh nhỏ của chiếc máy TV để bên cạnh.

    Lúc đó Saigon chưa có hệ thống Vô tuyến Truyền hình, nên mọi người rất thích thú đứng coi và trầm trồ ca ngợi. Họ trông thấy chính họ cùng các bạn đứng bên đang làm gì, nói gì, máy cũng thu vào và chuyển ngay lên màn ảnh trước mặt cho họ coi. Thật lạ lùng ngạc nhiên đối với các vị cao tuổi, không có hoàn cảnh tìm hiểu những phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, và những người chưa có dịp đi nước ngoài, chưa được thấy Vô tuyến Truyền hình. Theo tin tức do anh Trịnh Xuân Lạng cho biết thì hệ thống Truyền Hình Cable trình bầy trong gian hàng của Binh chủng Truyền Tin này là do hãng Nippon Electric Company (NEC) đem từ Nhật sang cho mượn và thiết trí trưng bầy. Lúc đó anh Lạng là Thiếu Úy thuộc Phòng Mật Mã Trung Ương, nhờ sinh trưởng bên Hồng Kông nên có khả năng anh văn rất vững, nên đã được BCH Viễn thông yêu cầu cho biệt phái sang Phòng Kỹ thuật để làm việc giao dịch với các Công ty OKI, Nippon Telegraph Telephone Public Corporation (NTTPC), và Nippon Electric Company (NEC) của Nhật Bản đang thực hiện các công tác thực hiện dự án nghiên cứu thiết trí hệ thống điện thoại tự động tại Saigon và hệ thống Siêu tần số và Vi ba đa mạch cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đặt dọc theo duyên hải miền Nam Việt Nam từ Saigon đến Gio Linh (Quảng Trị).


    4.- Một màn biểu diễn thí nghiệm khoa học bằng mấy chiếc bóng đèn néon treo tòng teng giữa không gian, gần một cần ăng-ten của chiếc máy vô tuyến điện SCR 694, để chứng minh cho người xem nhìn thấy được lúc nào có làn sóng vô tuyến được phát ra trong không khí. Cứ mỗi khi có người quay bộ phát điện cho máy vô tuyến hoạt động thì người ta thấy mấy bóng đèn néon, không gắn trên giá cắm vào dòng tiếp điện nào cả, bỗng dưng sáng lên. Lúc đó người xem cũng có thể tự tay mình cầm một bóng đèn néon khác để ngay trên bàn, đưa qua lại gần cần ăng-ten để thấy được bóng đèn sáng lên, và lại tắt khi bóng néon dang xa cần ăng-ten. Thật là một trò chơi lý thú. Nhiều người được mời cầm bóng đèn néon thí nghiệm thử, không dám làm vì sợ bị điện giật.

    Sau này người ta thấy rất nhiều gia đình trong xóm lao động, cư ngụ tại vùng sát quanh đài phát sóng gần khu rừng cao su Phú Thọ, đã dựng những cây sào dài có mắc mảng lưới sắt, nhô cao phía trên nóc nhà, và nối dây tiếp xuống đốt sáng đèn néon trong nhà, mà họ gọi là dùng điện trời. Chẳng biết ai đã bầy cho họ cái trò tiết kiệm liều lĩnh nguy hiểm này. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng Tổng tấn công các thành phố tại Nam Việt Nam, khu rừng cao su Phú Thọ được phá đi để xây dựng thành khu phố Chợ Tân Bình rất xầm uất, suốt từ ngã tư Bẩy Hiền đến tận bên Trường Nữ Quân Nhân và đài phát sóng gần trường đua ngựa Phú Thọ.


    . . . . .

     TRÍCH ĐOẠN

    . . . . . .Hôm nay, 42 năm sau ngày rời ngành Mật Mã, đọc đoạn văn mở đầu bài “Ân tình Mật Mã” của chiến hữu Nguyễn văn Riễm, nguyên Trưởng Phòng Mật Mã Lục Quân Cục Truyền Tin, trong Bản Tin Trần Nguyên Hãn số 2, Tôi rất xúc động, sung sướng và hãnh diện, vì không ngờ cái việc làm mộc mạc, chân tình, thiện chí ban đầu của Tôi đối với ngành Mật Mã quân đội Việt Nam, đã được các chiến hữu đến sau duy trì, và làm tăng trưởng lũy tiến hiện đại theo kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ mặc dầu không còn sự hiện diện của Tôi.

    Sự kiện này cũng làm Tôi nhớ lại một kỷ niệm về “Ân tình Mật Mã” trong một cuộc vui Xuân của nhóm anh em Phòng Mật Mã Trung Ương và Quân khu 1, tại chợ Thủ Đức vào đầu năm 1956. Hôm đó có Lý Thái Vượng, Nguyễn Bỉnh Thiều, Trịnh Xuân Minh, Trịnh văn Phát (sau sang Không Quân), Trịnh Xuân Lạng (sau là Trung Tá Chỉ Huy Trưởng đơn vị 15), Nguyễn Thành Nghiệp (Trưởng Phòng MM/QK1) và Tôi. Chúng tôi thường lợi dụng những buổi họp vui
    thân thiện như vậy, để bàn luận và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, sai lầm cần sửa chữa, những dự án trong tương lai, những khó khăn gia đình của riêng mỗi anh chị em trong đơn vị, để mọi người cùng tham gia hỗ trợ giúp đỡ nhau vượt qua cách nào êm dẹp, thực tế và hữu hiệu nhất. Vì chúng tôi quan niệm rằng gia đình có được chăm lo đầy đủ, ổn định, thì tinh thần mới được thơ thới minh mẫn để hết lòng lo nhiệm vụ, cũng như không bị mua chuộc rơi vào cạm bẫy phản bội Quân Đội và Dân Tộc. Buổi vui đó có rượu, có gà quay, có xôi chiên phồng, có nem chua… và men nồng hứng khởi đã khiến anh Thiều, anh Vượng và Tôi, làm một bài thơ “liên ngâm, tứ tuyệt” lưu niệm. Riêng Tôi vẫn nhớ chẳng bao giờ quên. Xin ghi lại ra đây để các bạn cùng thưởng thức.

    Men nồng sưởi ấm những lòng son,
    Việc nước chung lo khó chẳng sờn.
    Dâu biển Thế thời dù biến đổi,
    Nghĩa tình Mật Mã vẫn keo sơn.

    Ghi chú: 2 câu đầu do Tôi khởi xướng, 2 câu sau do các anh Thiều và Vượng tiếp thêm cho trọn vẹn ước mong của anh em.
    . . . . . . 

    TRÍCH ĐOẠN


    . . . . . . Sau 2 ngày làm việc ở Huế và Quảng Trị xong, chúng tôi dùng xe hoả từ ga Bạch Hổ Huế chạy qua An Cựu, Phú Bài, Truồi, Lăng Cô, rồi leo núi và chui qua hầm Đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng, vào buổi

    chiều tối ngày mồng 5 Tết. Một gặp gỡ “kỳ ngộ” đã xẩy ra trên chuyến xe hoả đầu năm Con Khỉ này, cũng ghi lại cho Tôi và anh em Phòng Mật Mã Trung Ương một kỷ niệm vui vui. Số là, khi anh Trung úy Trịnh xuân Minh và Tôi vừa bước vào phòng hạng nhất trên toa

    xe hoả, thấy có 2 nữ sinh cỡ tuổi đôi mươi, xinh xinh dễ thương đang ngồi trong đó. Chúng tôi sắp xếp hành lý rồi ngồi vào chỗ xong, mới bắt đầu khơi truyện làm quen 2 người đẹp. Nhờ Huệ Chi và Kim Lan đều là thân quyến của gia đình lính, nên câu truyện hàn huyên trở nên thân thiện dễ dàng nhanh chóng. Huệ Chi có anh rể thuộc đơn vị Thiết giáp đóng ở Thủ Dầu Một. Còn Kim Lan có thân quyến thuộc Không quân làm việc ở Tân Sơn Nhất. Hai người cùng là bạn học Gia Long cũ, nhân dịp Tết rủ nhau đi thăm Huế, lúc ra về thì gặp chúng tôi đi cùng chuyến tầu đêm vào Đà nẵng. Sau này về tới Saigon, anh em Phòng Mật Trung Ương chúng tôi (Vượng, Thiều, Minh, Lạng và Tôi) có nhiều dịp lại nhà riêng Huệ Chi thăm, nên biết Huệ Chi cũng là một “nữ thi sĩ tài tử” của trường Trung học Gia Long. Để làm cho sự quen biết ngày một thêm thắm thiết, anh Lý Thái Vương đã làm 2 câu thơ để yêu cầu Huệ Chi phụ hoạ,

    “Người đâu gặp gỡ làm chi,

    Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.

    Huệ Chi không phụ họa ngay, nói để lần khác sẽ trả lời.
    Trước lạ sau quen, nhờ những kỳ thăm như vậy, nên chúng tôi đã mời được Huệ Chi tham gia Ban Hợp Ca của Phòng Mật Mã Trung Ương (Ban Hợp ca M2, có cả Vợ của Tôi), lên trình diễn giúp vui trong các buổi học tập Chính trị Tố Cộng bài Phong do Bộ Chỉ huy Viễn Thông tổ chức. Những ngày Chủ nhật mọi người thường tới nhà Tôi để tập dượt hợp ca, và lần nào cũng được Vợ Tôi đãi trà bánh hoặc xôi chè đậu.





    Ban hợp ca M2 (em hai=Mật Mã), ảnh chụp năm 1957 tại tư gia trong trại gia binh Bà Chiểu
    Từ trái sang phải, hàng trước: Trần Kim Huê (nữ phụ tá), Huệ Chi, Bà Hùng,
    Hàng sau: Nguyễn-Huy Hùng, Lý Thái Vượng, Trịnh Xuân Minh, Trịnh Xuân Lạng,
    Nguyễn Bỉnh Thiều, và Trung sĩ Hạp (không nhớ Họ gì)

No comments:

Post a Comment