Friday, December 22, 2023
Thursday, November 30, 2023
VÀI QUAN ĐIỂM VỀ CỰU NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ HENRY KISSINGER
TRỊNH XUÂN LẠNG
HENRY KISSINGER (ảnh : Wikipedia) |
Được biết Henry Kissinger mang Quốc tịch Đức nhưng gốc là người Do thái. Vào gần cuối thế chiến thứ II. Kissinger được một người Bác ở Mỹ bảo lãnh sang Hoa kỳ. Để có thể có Quốc tịch Mỹ mau lẹ hơn quy định, Kissinger xin gia nhập quân đội Hoa kỳ với cấp bậc binh nhì và được điều động sang chiến trường Âu châu. Nhờ biệt tài đánh giá các tin tức chiến trường xuất sắc, Kissinger từ cấp bậc binh nhì đã leo lên đến cấp bậc Trung úy . Thế giới chiến tranh thứ II chấm dứt, Kissinger giải ngủ và nhờ có học bổng GI Bill , Kissinger được gia nhập trường đại học Harvard và tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa ở viện đại học danh tiếng này.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon (trái) trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger (phải) tại Tòa Bạch ốc vào ngày 16/09/1972 (ảnh : Getty Images)Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon đã tìm ra một thiên tài và một chính trị gia cực kỳ bá đạo sáng giá có một không hai trên thế giới này qua luận án ra trường và các bài khảo luận về quan hệ ngoại giao quốc tế do Kissinger viết.
Dưới đây là một số kỳ tích ngoại giao làm đảo lộn trật tự thế giới do Kissinger làm được kể từ năm 1972 cho đến ngày nay:
1- Tìm ra sự rạn nứt giữa hai hệ phái Cộng sản Đệ tam (cộng sản Việt nam và cộng sản Liên xô) và Cộng sản Đệ ngũ (Trung quốc đại lục).
2- Đưa Trung quốc cộng sản trở về với quỹ đạo Tư bản chủ nghĩa qua thỏa thuận Thượng hải (Shanghai communique).
3- Thỏa hiệp với cộng sản Việt nam rút toàn bộ Hải Lục Không quân Hoa kỳ ra khỏi Việt Nam Cộng hòa. Cắt đứt hoàn toàn viện trợ kinh tế, tài chánh, quân sự cho miền nam Việt nam và cam đoan sẽ không đưa B 52 trở lại chiến trường Việt nam Tự do và để mặc cho Hà nội xua quân chiếm hết lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.
4- Đích thân Kissinger đưa cho Mao Trạch Đông đọc nghị quyết của Bộ Chính trị đảng cộng sản Liên xô (thời Leonid Brezhnev) và 27 không ảnh cở 18x24 chụp 49 sư đoàn khinh chiến nguyên tử Liên xô và trải quân sát biên giới Trung - Xô chỉ cách Bắc kinh không quá 450 cây số, cũng theo nghị quyết này thì dảng cộng sản Liên xô nghị quyết lật đổ Mao Trạch Đông bằng phương tiện quân sự và đưa Tưởng Giới Thạch lên làm nhà lãnh đạo Trung hoa Đại lục.
5- Năm 1991, khối Cộng sản quốc tế sụp đổ tan tành. Hai nhân vật có công nhất trong việc làm khối cộng sản Quốc tế tan rã, đó chính là Henry Kissinger và Lê Duẫn.
6- Karl Marx là cha đẻ ra chủ nghĩa Cộng sản thế giới. Marx là người Đức Do thái. Kissinger 70 năm sau chỉ dùng có miệng lưỡi bá đạo mà phá tan khối Cộng sản Quốc tế. Kissinger cũng là người Đức gốc Do thái.
TRỊNH XUÂN LẠNG
Friday, November 10, 2023
CUỘC CHIẾN BÍ MẬT CHỐNG NGA CỦA CIA VÀ TÌNH BÁO UKRAINE
LÊ TÂY SƠN
Blogger quân sự Vladlen Tatarsky (tên thật Maxim Fomin), một trong những
tiếng nói cực đoan hiếu chiến của Nga, đã bị tình báo Ukraine giết tại
Saint Petersburg (ảnh: Maksim Konstantinov/SOPA Images/LightRocket via
Getty Images)
Chiếc xe hơi chở một người mẹ và cô con gái 12 tuổi hầu như không gây sự chú ý đối với nhân viên an ninh Nga khi nó tiến đến một trạm kiểm soát biên giới. Nhưng món hành lý ít dễ thấy nhất (một cái thùng dành cho mèo) lại chứa một… quả bom được lắp bởi tình báo Ukraine.
Bốn tuần sau, thiết bị phát nổ ngay bên ngoài thủ đô Moscow trong một chiếc SUV do Daria Dugina, con gái của một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga cầm lái, kẻ đã hô hào “giết, giết, giết” người Ukraine. Kế hoạch ám sát sử dụng chuồng thú cưng mới tiết lộ được tổ chức bởi SBU, cơ quan an ninh nội địa Ukraine tiến hành vào Tháng Tám 2022. Vụ nổ như lời cảnh báo: Tình báo Ukraine có thể đến tận Moscow!
Hợp tác trong bóng tối
Các cơ quan tình báo Ukraine đã dành ra gần một thập niên để phát triển khả năng thực hiện các điệp vụ bí mật, kể từ khi Nga chiếm giữ bán đảo Crimea vào năm 2014, trong đó có cả việc xây dựng mối quan hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
The Washington Post cho biết, kể từ năm 2015, CIA đã chi hàng chục triệu đôla để biến các cơ quan tình báo do Liên Xô thành lập ở Ukraine thành đồng minh quan trọng chống lại Moscow. CIA đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống giám sát tiên tiến, đào tạo tân binh tại các địa điểm bí mật ở Ukraine cũng như ở Mỹ, xây dựng trụ sở mới cho các đơn vị thuộc Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) và chia sẻ thông tin tình báo ở quy mô rộng lớn ngay từ trước khi Nga sáp nhập trái phép Crimea và kích động cuộc chiến tranh ly khai ở miền Đông Ukraine. CIA cũng hiện diện đáng kể ở thủ đô Kyiv, dù giới chức tình báo Mỹ khẳng định, CIA không tham gia các hoạt động “ám sát mục tiêu” của phía Ukraine.
Vụ đánh bom xe giết chết Dugina cho thấy Ukraine chấp nhận một loại hoạt động mà Kyiv gọi là “vũ khí thanh lọc trong chiến tranh”. Trong 20 tháng qua, SBU và GUR đã thực hiện hàng chục vụ ám sát nhằm vào giới quan chức Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, trừ khử những người cộng tác đắc lực cho Nga, các chỉ huy Nga và những người Nga chống Ukraine một cách cực đoan.
Sự hợp tác giữa CIA-Ukraine bắt nguồn từ sau sự kiện biểu tình chính trị năm 2014 khiến Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải chạy trốn sang Nga, sau đó là Nga sáp nhập Crimea và trang bị vũ khí cho phe ly khai ở Donetsk và Luhansk phía Đông. Thoạt đầu, sự hợp tác chỉ mang tính thăm dò vì cả hai bên đều lo ngại các cơ quan an ninh Ukraine đã bị FSB (cơ quan của Nga, cơ quan kế thừa của KGB) xâm nhập rất sâu. CIA đề nghị SBU thành lập một tổng cục hoàn toàn mới gồm những người không thân Nga và tách biệt khỏi các bộ phận khác của SBU để làm việc với CIA. Đơn vị mới được mệnh danh là “Tổng cục thứ Năm” (Fifth Directorate) để phân biệt với bốn tổng cục kỳ cựu của SBU. Một “Tổng cục thứ Sáu” được bổ sung thêm để làm việc với cơ quan gián điệp MI6 của Anh.
Giới chức Mỹ cho biết các địa điểm huấn luyện điệp viên mới nằm bên ngoài Kyiv, nơi những tân binh được tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ được CIA đào tạo. CIA cung cấp thiết bị liên lạc gài mã an toàn, thiết bị nghe lén cho phép Ukraine chặn tín hiệu, các cuộc gọi điện thoại và email của Nga. Thậm chí CIA còn trang bị đồ cải trang để giúp điệp viên Ukraine dễ dàng lẻn vào các thị trấn bị chiếm đóng.
Thoạt đầu nhiệm vụ của họ chủ yếu là tuyển dụng những người cung cấp thông tin bên trong các lực lượng ủy nhiệm của Nga và nghe lén trên mạng và điện tử nhưng nhanh chóng mở rộng hoạt động sau đó. Trong khoảng thời gian ba năm, ít nhất nửa tá đặc vụ Nga, chỉ huy cấp cao, quan chức làm việc cho Nga bị thiệt mạng “do thanh toán nội bộ” nhưng thực tế là bị giết bởi “sát thủ” của SBU.
Trong số những người thiệt mạng có Yevgeny Zhilin, thủ lĩnh một nhóm chiến binh thân Nga ở miền Đông Ukraine. Đương sự bị bắn chết năm 2016 tại một nhà hàng ở Moscow. Năm sau đó, một chỉ huy phiến quân có biệt danh “Givi” ở vùng Donetsk cũng bị khử.
CIA xây dựng lực lượng tình báo mới cho Ukraine như thế nào?
Từ khi giúp xây dựng ban giám đốc mới của SBU, CIA đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng hơn nhiều với việc hợp tác với GUR. Nhân sự không quá 5,000 người, GUR chỉ bằng một phần nhỏ của SBU và tập trung hẹp hơn vào các hoạt động gián điệp tích cực chống lại Nga. GUR cũng có lực lượng trẻ hơn và ít có “dấu vết” để lại từ thời Liên Xô hơn (trong khi SBU vẫn bị nghi có tình báo Nga xâm nhập).
Từ 2015 trở đi, CIA đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi GUR sâu rộng đến mức chỉ trong vòng vài năm, nó gần như làm mới lại hoàn toàn. Để thay máu, GUR tuyển dụng các đặc vụ mới cho hoạt động gián điệp tích cực của họ. Tại các địa điểm huấn luyện ở Ukraine và sau đó là Mỹ, đặc vụ GUR được đào tạo các kỹ năng khác nhau, từ cách hoạt động bí mật sau phòng tuyến kẻ thù đến kỹ thuật vũ khí và chất nổ. CIA trang bị cho GUR hệ thống giám sát và nghe lén điện tử hiện đại gồm các thiết bị di động có thể cài dọc các tuyến đường do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine, cũng như phần mềm nghe lén điện thoại di động của các quan chức Kremlin đến thăm lãnh thổ bị chiếm đóng.
Vận hành các hệ thống này là điệp viên Ukraine nhưng mọi thứ thu thập đều phải chia sẻ với người Mỹ. Lo ngại các cơ sở cũ kỹ của GUR dễ bị tình báo Nga xâm nhập, CIA đã bỏ tiền xây dựng trụ sở mới cho đơn vị bán quân sự “spetsnaz” của GUR với một ban giám đốc riêng chịu trách nhiệm về gián điệp điện tử.
Một cựu quan chức cấp cao của GUR nhớ lại: “Trong một ngày, chúng tôi có thể chặn 250,000 đến 300,000 liên lạc từ các đơn vị quân đội và FSB của Nga. Có quá nhiều thông tin đến nỗi chúng tôi không thể tự mình quản lý được”. Hàng loạt dữ liệu phải chuyển về bản doanh CIA ở Washington, nơi chúng được các nhà phân tích của CIA và NSA sàng lọc và phân loại. Khi được hỏi về quy mô đầu tư của CIA, cựu quan chức trên nói: “Hàng triệu đôla đã được chi ra để có thể tiếp cận các liên lạc của Nga”.
Theo thời gian, GUR đã phát triển được mạng lưới nội gián trong bộ máy an ninh Nga, kể cả đơn vị FSB chịu trách nhiệm về các hoạt động ở Ukraine. CIA được phép tiếp xúc trực tiếp với các đặc vụ do tình báo Ukraine tuyển dụng và điều hành nhưng phần lớn thông tin không được công khai, dù thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ. Ví dụ, SBU cố tình phát tán những đoạn ghi âm các chỉ huy Nga thảo luận về trách nhiệm của đất nước họ trong vụ bắn hạ máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014.
Khả năng tình báo mới của Ukraine ngày càng tốt hơn. SBU đã thu thập được thông tin tình báo về các mục tiêu có giá trị cao, tiến hành các cuộc tấn công giết chết một số chỉ huy và suýt giết được Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga. Trong năm qua, các cơ quan an ninh Ukraine đã tập trung hơn vào các mục tiêu không chỉ ở phía sau phòng tuyến của kẻ thù mà còn ở bên trong lãnh thổ Nga.
Đối với SBU, không có mục tiêu nào ưu tiên cao hơn Cầu Kerch, một hành lang quân sự quan trọng và mang ý nghĩa biểu tượng đối với Putin. SBU đã tấn công cây cầu hai lần trong năm qua, một vụ vào Tháng Mười 2022 khiến năm người thiệt mạng và tạo ra một lỗ hổng trên các làn đường giao thông hướng Tây.
Giám đốc SBU Malyuk đã mô tả thành công này khá chi tiết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay khi thừa nhận cơ quan của ông đã đặt một chất nổ cực mạnh bên trong một chiếc xe tải chở những cuộn giấy bóng kính công nghiệp. SBU tiến hành cuộc tấn công thứ hai vào cây cầu vào chín tháng sau đó bằng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, hai cơ quan tình báo Ukraine phủ nhận có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công vào Tháng Chín 2022 nhằm vào đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic, bất chấp Mỹ và các cơ quan tình báo phương Tây khác kết luận thủ phạm là tình báo Ukraine. Gần đây, GUR đã sử dụng đội máy bay không người lái để thực hiện hàng chục cuộc tấn công trên đất Nga, gồm cả cuộc tấn công xuyên thủng hệ thống phòng không Moscow vào Tháng Năm 2023 đốt cháy một phần mái nhà ở Kremlin.
Ngoài máy bay không người lái tầm xa được phóng từ lãnh thổ Ukraine còn có sự tham gia của các nhóm du kích bên trong Nga. GUR còn mạo hiểm thực hiện một số vụ ám sát khác. Vào Tháng Bảy, cựu chỉ huy tàu ngầm Nga, Stanislav Rzhitsky bị bắn bốn phát vào ngực và lưng ở Krasnodar. Rzhitsky, 42 tuổi, đã sử dụng ứng dụng thể dục Strava để ghi lại lộ trình chạy hàng ngày của mình, khiến vị trí bị lộ.
Nguồn : https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cuoc-chien-bi-mat-chong-nga-cua-cia-va-tinh-bao-ukraine/
Tuesday, October 31, 2023
Monday, October 16, 2023
KỲ TÀI GIÁN ĐIỆP DO THÁI
Từ sau thế chiến thứ 2, kỹ thuật gián điệp đã biến đổi toàn diện. Bắt đầu là phi công Gary Powers bay chụp hình không phận Liên sô bằng phi cơ trinh sát tân kỳ U-2. Rồi đến những tàu đánh cá trá hình trang bị dụng cụ điện tử bén nhậy. Rồi đến triều đại vệ tinh với những Cosmos, Samos và Midas bay vòng quanh trái đất, có thể nghe thấy, nhìn thấy dễ dàng.
Nhiều người tưởng lầm những tiến bộ điện tử sẽ làm nhân viên gián điệp trở thành vô dụng. Thực tế đã chứng nhận là máy móc không thể và không bao giờ thay thế được con người trong lãnh vực tình báo và gián điệp.
Vụ điệp viên Do thái Cohen (Elie Cohen) xẩy ra năm 1967, nghĩa là vào thời kỳ các cường quốc đã biết cách xử dụng những máy móc do thám siêu việt, cho thấy rằng con người vẫn tiếp tục là yếu tố quyết định. Độc giả đã nghe nói nhiều đến thành tích của gián điệp Tây phương, đặc biệt trong 2 trận đại chiến. Và nhắc đến thành tích điệp báo, độc giả thường có cảm tưởng đó là thành tích của MI-6 (Anh quốc), của OSS (Trung ương Tình báo C.I A.), quân báo D.I.A. (Hoa kỳ), của Phòng Nhì Pháp, hoặc của Quốc tế Tình báo Sở (Trung cộng), G.R.U & K.G.B (Liên sô).
Nhưng điệp viên Cohen lại không có chân trong những tổ chức đàn anh vừa kể. Thế mà thành tích của Cohen đã làm các điệp viên đàn anh lác mắt.
Những đồng nghiệp của Cohen cũng đã làm thế giới ngả nón khâm phục. Cohen là nhân viên của một tổ chức điệp báo sinh sau đẻ muộn, tên là Shin Bet, song được liệt vào hàng xuất sắc, từ đông sang tây ai cũnq kính nể. Chưa tổ chức điệp báo nào lại được tổ chức kín đáo bằng Shin Bet Tabet. Mặc dầu Shin Bet hoạt động chặt chẽ với các cơ quan chính quyền Do thái như Sở Tình báo Trung ương, và Trung tâm Truy tầm Tội phạm Đức Quốc xã, những thủ lãnh cao và trung cấp, Shin Bet vẫn bảo vệ được sự vô danh. Nhiều điệp viên Shin Bet đã phục vụ từ năm 1947, năm quốc gia Do thái được thành lập. Phần đông là các cựu sĩ quan Haganah, đạo quân bí mật lãnh đạo cuộc kháng chiến đuổi người Anh ra khỏi vùng đất Palestine. Hiện nay, Shin Bet có một màng lưới rộng lớn trên khắp thế giới. Shin Bet đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những trận chiến với các quốc gia Ả rập. Đặc biệt là trận chiến chớp nhoáng Sáu ngày năm 1967.
Một trận chiến lạ lùng. Còn lạ lùng hơn cả hai trận chiến 1948 và 1956. Trước đây dân Ả rập thua Do thái là chuyện còn có thể hiểu được. Nhưng với sự chi viện to lớn của Liên xô với một quân số hùng hậu, lần thất trận này không phải là sự kiện bình thường.
Chẳng qua Shin Bet có những siêu điệp viên. Và đây là một nén hương lòng đốt cho siêu điệp viên Elie Cohen...
Về phía biên giới Do thái là một giải đất khá rộng, bằng phẳng, quanh năm cây cỏ xanh tươi, rải rác các nông trại và làng mạc. Đó là thung lũng Hula. Phong cảnh thật hữu tình nếu đâu đây không có những hố đạn sâu hoắm như trên da mặt người mang thẹo đậu mùa. Từ gần hai chục năm nay, quân đội Syria vẫn dùng thung lũng Hula đầy thi vị làm nơi thử đạn trọng pháo. Họ không cần biết nông dân Do thái bị trúng đạn và bị tử thương. Giữa Do thái và Syria cũng như giữa Do thái và các nước Ả rập vây bọc chung quanh thì tình trạng cừu địch ấy vẫn cứ tiếp diễn, tiếp diễn tưởng như không bao giờ ngừng.
Thung lũng Hula chạy dài đến sát biên giới thì khựng lại. Từ đó, mặt đất không còn bằng phẳng và ngoan ngoãn nữa. Bắt đầu có núi. Thoạt tiên là một con đường nhỏ, gập ghềnh chỉ vừa đủ cho dê cừu lên xuống, lượn ngoằn nghèo giữa những vực thẳm hun hút và những vách đá cao ngất, thẳng tắp, trơn trượt, trông rùng mình sởn gáy. Rồi sau cùng là đỉnh núi Golan.
Trên đỉnh, một đồn binh Syria được thiết lập. Nhờ vị thế thiên nhiên, các khẩu pháo trong đồn có thể kiểm soát hoàn toàn thung lũng phía dưới, bom đạn của không quân chẳng đi đến đâu vì đá cứng như sắt, hệ thống phòng thủ được đúc chìm trong khối bê-tông, lại gồm toàn võ khí tối tân và kiến hiệu nhất của Hồng quân sô viết. Các kỹ sư công binh Nga tuyên bố đồn binh Golan là đồn binh bất khả xâm phạm. Muốn chiếm, địch chỉ có thể tiến đánh bằng mặt tiền. Song sườn núi quá dốc, xe tăng không bò lên nổi. Dùng bộ binh thì khác nào làm mồi ngon cho quân phòng thủ. Trừ phi địch hy sinh hàng sư đoàn... Nhưng địch ở đây lại là Do thái. Và điều các kỹ sư Sô viết và các tướng lãnh Ả rập không bao giờ ngờ tới đã xảy ra.
Đúng 10g30 sáng hôm ấy, một sáng thứ sáu tháng 6 năm 1967, sau 4 ngày chịu đựng những trận mưa đạn pháo kích ác liệt của đồn Golan, binh sĩ Do thái đã mở cuộc tấn công bằng mặt tiền. Lối đánh của Do thái cũng như lữ đoàn được dùng vào công việc đánh đồn Golan có thể được coi là độc nhất vô nhị. Từ hơn 10 năm lữ đoàn này được huấn luyện trong bầu không khí bí mật tuyệt đối với một mục đích rõ rệt: tiến chiếm đồn binh bất khả xâm phạm trên ngọn núi Golan dọc biên giới hai nước.
Cuộc xung kích diễn ra từ sáng đến chiều. Dĩ nhiên không quân Do thái oanh tạc dữ dội chưa từng thấy, nhưng đó chỉ là phần phụ. Phần chính là những nỗ lực của bộ binh với 2.700 người được sự yểm trợ của 200 xe tăng và xe bọc thép, và đặc biệt là 20... xe ủi đất khổng lồ.
Xe ủi đất có nhiệm vụ mở đường tiến cho thiết giáp. Pháo trên đồn rót xuống tới tấp cùng với đại liên, mìn, lựu đạn... song xe ủi đất vẫn không bị hề hấn, vì nó được bọc thép thật dầy. Đến khi đạo quân phòng thủ tìm ra cách hóa giải đoàn xe ủi thì đã muộn, chiến xa Do thái đã bò lên đến nơi bộ binh quyết tử. Ánh nắng chiều vừa tắt ở đường chân trời thì cuộc giao phong kinh khủng nhất của trận chiến Do thái-Ả rập năm 1967 cũng chấm dứt.
Đồn binh bất khả xâm phạm Golan thất thủ.
Sau đó, nhiều thông tin viên báo chí và các chuyên viên quân sự từ nhiều nơi trên thế giới đến viếng thăm Golan. Toàn thể đều ngạc nhiên, Golan đã rơi vào tay Do thái, vậy mà không ai tin là thật. Phát ngôn viên của quân đội Do thái giải thích là chiến thắng vô tiền khoáng hậu Golan là do “Tinh thần chiến đấu cao độ, sự can đảm siêu đẳng, sự tham chiến của một lữ đoàn được đặc biệt huấn luyện, và công trình chuẩn bị 10 năm...”.
Phát ngôn viên Do thái chỉ nói một phần sự thật. Phát ngôn viên cố tình quên nói rằng trước ngày tấn công Golan quân đội Do thái đã có dưới tay đầy đủ họa đồ của đồn binh trên mỏm núi. Mỗi người trong đoàn xung kích đều thuộc làu vị trí của từng phiến đá, vị trí của từng ổ súng được ngụy trang tài tình và an toàn. Tầm bắn xa của mỗi ổ súng là bao nhiêu, những ai chỉ huy đồn binh... nhất nhất Do thái đã biết hết.
Thắng lợi ở Golan là một thắng lợi đáng kinh ngạc. Nó còn là một thắng lợi điệp báo nữa. Muốn tìm hiểu thắng lợi ở Golan không thể không tìm hiểu hoạt động của một viên chức kế toán Do thái, người đã đội lốt công dân Ả rập Syria đánh cắp hầu hết những bí mật chính trị, quân sự của Syria, kể cả họa đồ đồn binh Golan.
Nguời Do thái này có thể được coi là điệp viên vĩ đại nhất trong thời gian 5, 7 năm qua...
II.
Đầu năm 1957, Ai cập đang rối như nồi canh bẹ thì Cohen hồi hương. Ai cập vừa thua trận thê thảm. Quân đội bị đánh tan hoang từ vùng kênh đào Suez (Suez Canal, Canal de Suez) chạy dài đến sa mạc Sinai rộng mênh mông. Dân chúng Ả rập trút mối giận hờn thua trận lên đầu những người Do thái đang sinh sống trên đất nước họ. Vì vậy một số lớn kiều dân Do thái ở Ai cập bị trục xuất.
Trong đám đông người lánh cư sợ hãi bị xua lên một con tầu bỏ neo ở cảng Alexandria (Alexandria- Alexandrie) buổi sáng hôm ấy có một thanh niên 35 tuổi, dong dỏng cao tên là Cohen. Vợ là Nadia và 2 con cùng với Cohen. Sáng hôm ấy Cohen không thể ngờ trong tương lai gần chàng sẽ trở thành siêu điệp viên Shin Bet. Cohen là người Do thái, song dung mạo lại giống người Ả rập.
Trở về Do thái, Cohen vẫn nghèo kiết xác, sản nghiệp của gia đình chàng được thu gọn vào chiếc va-li nhỏ. Dân tị nạn lũ lượt kéo về hàng ngàn người, mảnh đất Do thái tí xíu đã đầy ắp đến cổ, thực phẩm bị khan hiếm, công ăn việc làm càng bị khan hiếm hơn.
Sau một thời gian ngắn lãnh trợ cấp của chính phủ trong trại định cư đông nghẹt, Cohen ra ngoài tìm việc. Chàng nhận làm kế toán viên không thường trực. Với số lương ít ỏi, chàng cùng gia đình chui rúc trong một căn phòng thiếu tiện nghi. Ngay cả sở làm chết đói này cũng không cưu mang được lâu. Hãng buôn đóng cửa, Cohen bị thất nghiệp.
Chàng tiếp tục thất nghiệp luôn 2 năm ròng rã. Đúng ra chàng không hoàn toàn thất nghiệp, thỉnh thoảng chàng vớ được chỗ làm, song không nơi nào được bền. Cohen rất siêng năng nên vợ con không đến nỗi bị thiếu hụt nhiều. Cũng như mọi công dân Do thái trung bình khác, Cohen nói tiếng mẹ đẻ không thông thạo vì lẽ được chào đời ở nước ngoài, chàng không mấy ngoan đạo, tuy nhiên chàng lại có tinh thần ái quốc thiết tha, sẵn sàng hy sinh mạng sống để quốc gia Do thái được trường tồn.
Cohen có một biệt tài mà chàng không biết. Biệt tài này chỉ nẩy nở trong các cuộc họp đông đảo. Đó là biệt tài nói chuyện. Cohen có lối nói lôi cuốn, ai nghe cũng mến. Chàng lại còn đóng kịch rất khéo. Và bắt chước y hệt giọng nói cũng như cử chỉ của bất cứ ai. Kể cả đại tá Nasser, tổng thống Ai cập, hay tổng thống De Gaulle. Cohen còn giỏi ngoại ngữ. Chàng biết 5 thứ tiếng.
Một hôm kia Cohen đang đi ngoài đường thì có hai người lạ đến làm quen. Họ chìa chứng minh thư cho chàng coi. Họ muốn bàn bạc chuyện riêng với Cohen.
Họ là sĩ quan Shin Bet.
Từ 20 năm qua, Do thái và Ả rập chỉ nghĩ đến ăn tươi nuốt sống nhau. Họ chỉ đánh lớn cả thảy 3 trận. Nhưng về đánh nhỏ, đánh lẻ tẻ thì hầu như tháng nào cũng có. Về hoạt động gián điệp thì ngày cũng như đêm hai phe không tha nhau nửa bước...
Phe Ả rập cố gắng rất nhiều song thành công thì lại rất ít. Người Do thái dường như có khả năng về cải trang và hoạt động gián điệp. Họ từ khắp nơi trên thế giới đổ về nên biết nói nhiều ngôn ngữ. Trong số những người hồi hương này có rất nhiều phần tử ưu tú vừa lập nghiệp trên lãnh thổ Ả rập. Do đó Shin Bet trà trộn điệp viên trong hàng ngũ địch không có gì khó khăn. Phương chi Shin Bet lại được coi là một trong các cơ quan điệp báo hữu hiệu nhất hoàn vũ...
Mỗi ngày chính phủ Do thái một chiếu cố nhiều hơn đến công tác gián điệp hậu địch. Syria tuy không lớn bằng Ai cập, nhưng về thói lộn xộn thì hơn Ai cập xa. Hàng trăm chuyên viên quân sự Sô viết được Syria mời đến, chở theo hằng hà sa số những võ khí hiện đại. Binh sĩ Syria được huấn luyện ráo riết dưới sự hướng dẫn của cố vấn Hồng quân.
Do thái bắt đầu ăn không ngon, ngủ không yên. Dọc biên giới phía bắc, kỹ sư công binh Sô viết rầm rộ kéo đến núi Golan. Người Do thái ở thung lũng bên dưới có thể nghe rõ tiếng mìn nổ, phá núi để đổ bê-tông xây hầm và công sự phòng thủ. Shin Bet được lệnh khám phá những bí mật bên trong đồn binh. Một kế hoạch thâm nhập được đề ra: Shin Bet tung chuyên viên đi khắp nơi, xục xạo các trung tâm tiếp cư để tuyển chọn một nguời hội đủ điều kiện cải trang làm đại thương gia Ả rập.
Kế hoạch thâm nhập này đòi hỏi một thời gian dài. Đành rằng thời gian quá gấp rút song Shin Beth không thể nào làm khác.
Và Shin Bet để mắt tới Cohen... .
III.
Khỏi cần tham dự cuộc hội kiến kín đáo giữa Cohen và hai phái viên Shin Bet, người ta đã biết họ nói với nhau những gì. Cohen hằng chờ đợi cơ hội để phục vụ đất nước. Nhiều phiên họp khác được tiếp theo và sau cùng Shin Bet kết nạp Cohen vào tổ chức. Vợ Cohen được thông báo là Cohen được chánh phủ trọng dụng. Vì công vụ, Cohen thường phải xa nhà, Cohen đột ngột biến dạng. Thỉnh thoảng chàng mới về thăm vợ con.
Trong những ngày vắng nhà này Cohen theo học khóa huấn luyện đặc biệt tại một cơ sở của Shin Bet. Chàng được dạy kỹ thuật chụp hình, rửa hình, làm phim vi-ti, xử dụng mật mã và điện đài vô tuyến. Chàng phải học thuộc lòng thánh kinh Koran của người Hồi giáo, chàng giành thật nhiều thời giờ để nói thạo tiếng Ả rập. Chàng phải làm quen với nội tình Syria. Chàng phải nhớ vanh vách lịch sử Syria, tên tuổi các yếu nhân lãnh đạo. Tóm lại chàng phải làm cách nào để lột bỏ cốt cách Do thái, biến thành người Ả rập sinh trưởng tại Syria. Khóa huấn luyện của Cohen kéo dài đúng một năm.
Trước đây, chàng nói tiếng Ai-cập còn trật trẹo. Tiếng Ai-cập và tiếng Syria đều là tiếng Ả rập, song về giọng nói và ngữ vựng có nhiều chỗ khác nhau. Giờ đây, công dân Syria trăm phần trăm cũng đinh ninh Cohen là đồng hương. Tuy vậy thượng cấp của Cohen trong Shin Bet vẫn chưa thỏa mãn. Họ yêu cầu chàng phải học thêm nữa. Nói giỏi tiếng Syria cũng chưa đủ, Cohen phải biết suy nghĩ, hành động, ăn uống, chơi bời như người Syria.
Tốt nghiệp lớp huấn luyện bổ túc này, Cohen được đưa tới một văn phòng riêng, tại đó chàng lấy tên một thương gia Syria giàu sụ chỉ có trong trí tưởng tượng và học thuộc mọi chi tiết về gốc gác gia cảnh, đời sống của người lái buôn ma ấy. Các chuyên viên Phản gián lão luyện lần lượt truy khảo Cohen để khám phá hớ hênh. Song Cohen đã tỏ ra khôn ngoan, bất cứ cạm bẫy nào cũng vượt qua dễ dàng.
ELI COHEN |
Với giấy tờ giả, Cohen từ giã Do thái. Cuối năm 1960, chàng được tạt về nhà hú hí với vợ con. Chàng chỉ nói với vợ là xuất ngoại công tác, chứ không nói là đi đâu và làm gì. Cuộc sống gián điệp bó buộc Cohen phải đóng kịch cả với những người thân nhất.
Cohen lên đường đi Buenos Aires, thủ đô Á căn đình (Argentina). Tại các hải cảng lớn trên thế giới thường có nhiều kiều dân Syria. Họ lập nghiệp ở Buenos Aires khá đông, tuy nhiên một phần gia đình họ vẫn còn ở lại quê hương. Tabrt - tức điệp viên Cohen - gia nhập đám kiều dân Syria này tháng 1-1961.
Sổ thông hành của Tabet cho thấy Tabet từng sống khá lâu ở Âu châu. Tabet cho bạn đồng hương biết chàng chuyên về thương mãi quốc tế. Và để chứng tỏ khả năng kinh doanh của mình, Tabet mở một văn phòng xuất nhập cảng lớn.
Tính tình Tabet không lạnh lùng, song cũng không vồ vập. Chàng chỉ làm điều nào xét ra cần thiết, chàng không kết bạn vội vàng, và bừa bãi. Sau một thời gian hãng xuất nhập cảng của Tabet có tiền vào tiền ra sung túc, kiều dân Syria mới lưu ý đến, và mời chàng đến lễ bái tại giáo đường, đồng thời gia nhập hội người Syria ly hương.
Tabet không bỏ lỡ cơ hội nào có thể đả kích Do thái. Có lần Tabet nói say sưa hơn cả đảng viên Đức Quốc xã đối với Do thái nữa, và sau đó chàng được một người đàn ông trung niên, khỏe mạnh, nghiêm nghị mặc quân phục tướng lãnh bộ binh Syria đến bắt tay khen ngợi nồng nhiệt. Vị tướng Syria này là Amin el Hafez, là tùy viên quân sự tại sứ quán Syria. Hai người trở thành bạn thân và trong tương lai Hafez đã vô tình giúp Tabet đắc lực trong nhiệm vụ gián điệp chống Syria.
Trong những buổi trà dư tửu hậu Tabet thường lộ vẻ buồn. Bạn bè gặng hỏi, chàng mới thở dài nói là nhớ nhà. Sức khỏe của chàng mỗi ngày một kém, chàng chỉ sợ nhắm mắt mà không được thấy lại đất nước thân yêu. Khi rời quê cha đất tổ, chàng còn nghèo kiết, giờ đây, chàng đã giầu sụ, chàng càng nhớ nhà bội phần.
Tabet xin gia nhập quốc tịch Á-căn-đình để có thể về thăm Syria dễ dàng. Chàng quen rộng, hồ sơ lại tốt nên không phải chờ đợi điều tra lâu lắc. Chàng được cấp sổ thông hành Á-căn-đình. Sổ thông hành chính hiệu. Chứ không phải sổ thông hành Syria giả. Kế hoạch thâm nhập Syria của Shin Bet tiến thêm được một bước.
Tháng 1-1962, một năm sau khi đến Á-căn-đình, Tabet đáp tàu biển về Syria. Cuộc tiễn đưa diễn ra linh đình. Đó là điều dĩ nhiên vì Tabet đã chiếm được cảm tình và sự trọng vọng của hầu hết kiều dân Syria, ngay cả viên chức chính quyền bản xứ cũng mến chàng.
Đầu thế chiến thứ hai, một cuốn kim chỉ nam gián điệp của Nga tựa đề “Phương thức tuyển mộ và gặp gỡ điệp viên” lọt vào tay phản gián Đức quốc xã. Đức liền cho phiên dịch và phổ biến trong các trung tâm huấn luyện điệp báo của họ. Cuốn cẩm nang này đề ra một nguyên tắc căn bản và quan trọng cho mọi điệp viên hoạt động trên đất địch, ấy là tìm mọi cách giao du thân mật với các nhân vật cao cấp của địch, càng cao cấp càng tốt, vì nhân viên của địch càng cao cấp thì tin tức, tài liệu thu hoạch được càng thêm quý giá.
Tabet tuân theo cuốn cẩm nang của G.R.U. sô viết. Thật trớ trêu vì G.R.U. cố vấn cho Phản gián Syria, chống lại Shin Bet Do thái. Ngay trên con tàu lênh đênh trên biển cả, Tabet cũng đã nghĩ cách làm quen với một triệu phú Syria, giòng giõi quý tộc [1]. Nhà triệu phú này đi lại giữa các thủ đô Tây phương như đi chợ, mặc y phục Tây phương sang trọng và tiêu xài hào phóng. Tabet cũng phóng tiền tài thu phục nhân tâm cho nên khi con tàu sắp cặp bến Li-băng thì hai người đã trở thành tri kỷ. Hành khách và hàng hóa đi Syria đều qua Li-băng. Tabet có sổ thông hành hợp lệ mà không có chiếu khán hợp lệ. Shin Beth ra lệnh cho chàng tránh xin dấu chiếu khán nhập nội tại sứ quán Syria, Buenos Aires. Shin Bet sợ họ điều tra cặn kẽ và sẽ phăng ra sổ thông hành giả mạo. Vì vậy Tabet phải đến Beirut, thủ đô Li-băng (Beirut - Liban Libanon), tìm người đỡ đầu để xin chiếu khán tại đó.
Nhà triệu phú gặp trên tàu đã vô tình đỡ đầu cho điệp viên Tabet. Trong bữa ăn thịnh soạn, Tabet giả vờ giật mình vì quên xin chiếu khán tại Á-căn-đình. Nhà triệu phú nhận lời giúp ngay, chuyện gì chứ xin dấu nhập nội thì dễ ớn.
Đặt chân lên thương cảng, Tabet được nhà triệu phú Syria mời lên chiếc xe nhà oai vệ, có tài xế mặc đồng phục lái.
Tại trạm kiểm soát ở biên giới Syria, nhà triệu phú vào văn phòng quan thuế, gọi điện thoại cho một viên chức chỉ huy tại Damas (Damas, Damascus). Viên chức này ra lệnh cho đội công an biên phòng, Và Tabet được phép nhập cảnh vô điều kiện.
Thế là Tabet tức Cohen, điệp viên Do thái, nghênh ngang đến Syria. Syria chỉ cách Do thái một đồn binh Golan mà Tabet phải vòng vo Tam quốc, đi tận Nam-Mỹ rồi từ Nam-Mỹ xa xăm lộn về Trung Đông.
Đêm ấy Tabet nằm thao thức trong lữ quán sang trọng bậc nhất. Tabet không sao ngủ được vì đây là đêm đầu tiên của người gián điệp trên đất địch. Vợ con, bạn bè ở gần trong tầm tay mà lại rất xa...
IV.
Tabet lặp lại chiến thuật đã áp dụng thành công tại Á-căn-đình. Từ từ kết thân. Chọn bạn mà chơi, Tabet làm quen với toàn những kẻ ăn trên ngồi trước. Chàng không gặp khó khăn, phần vì có nhiều thư giới thiệu của kiều dân Syria đang sống tại Á-căn-đình. Một phần cũng do quà cáp, mời mọc...
Dần đà Tabet được chấp nhận vào xã hội thượng lưu Damas gồm các tướng tá, bộ trưởng, lãnh tụ chính trị, đại thương gia. Chàng luôn luôn bầy tỏ lập trường chính trị dứt khoát: sự hiện diện của Do thái là đại họa cho đạo Hồi, đại họa cho khối Ả rập, do đó, người Ả rập phải vùng dậy, quét Do thái ra biển, Syria phải cấp thời gia tăng tiềm lực binh bị.
Cơ sở thương mãi ở Á-căn-đình tiếp tục hoạt động. Tabet chuyển một số tiền lớn từ Á-căn-đình về Syria. Để tiêu xài cho bõ những năm tha phương cầu thực. Và cũng để mở một hãng xuất nhập cảng tại quê nhà Damas thân yêu. Tabet lôi kéo được một số yếu nhân chính quyền, cho họ chấm mút vào nghiệp vụ xuất nhập cảng. Nếu không lôi kéo được bằng tiền bạc, chàng dùng sự biếu xén, mời mọc du hí.
Trong số bạn bè của Tabet có đại tá Hatoum, tư lệnh lữ đoàn xung kích dù, và đại tá Dalli - là một quân nhân trung niên nhiều thủ đoạn, mượn binh nghiệp làm nấc thang danh vọng. Ngoài ra, chàng còn quen thân một số bộ trưởng và tướng lãnh.
Sau mấy tháng ở Damas, Tabet ngỏ ý muốn trở lại Á-căn-đình. Không ai bằng lòng cho chàng rời Syria vì tổ quốc đang cần những đứa con trung thành, quả cảm và tài giỏi như chàng giữa lúc thù trong và giặc ngoài đe dọa trầm trọng. Chính phủ mời chàng làm trưởng ban chương trình hướng về Tây ban nha và Nam-Mỹ trong sở Vô tuyến Truyền thanh và Truyền hình. Dĩ nhiên là Tabet nhận lời. Bạn bè chàng tỏ vẻ mừng rỡ vì họ đã thành công trong việc thuyết phục đại thương gia Tabet gác bỏ mọi quyền lợi vật chất riêng tư để phục vụ đất nước.
Một thời gian ngắn sau đó. Tabet thay đổi nếp sống. Chàng dọn đến một tòa biệt thự sang trọng trong một khu vực sang trọng, đối diện với dinh Thủ tướng. Biệt thự của chàng được thiết trí toàn đồ đạc và tiện nghi đắt tiền. Ngày nào cũng như ngày nào, chàng mở các cuộc tiếp tân và hưởng lạc với sự tham dự của hầu hết các vị tai to mặt lớn ở thủ đô.
Ai cũng tưởng triệu phú thương gia Tabet là kẻ chơi bời. Ai cũng tưởng Tabet thức thâu đêm bên gái đẹp, tiệc tùng và bài bạc. Không ai biết rằng tất cả chỉ là một tấn kịch. Bên trong tòa nhà mênh mông ngàn một đêm lẻ. Tabet đã bí mật đặt một phòng chụp hình, rửa hình vi-ti. Những báo cáo đầu tiên của Tabet cho Shin Bet được thu nhỏ thành dấu chấm trên đầu chữ i trong các cạt-pốt-tan gửi về cho các bằng hữu ở Á-căn-đình. Ngay từ những báo cáo sơ khởi này Tabet đã nắm được rất nhiều tin tức quan trọng về mức chi viện của Liên xô cho Syria, nhằm đánh gục Do thái.
Tabet còn một thể thức gửi tin tức khác, qua đài bá âm chính thức Damas. Với tư cách trưởng ban chương trình, chàng viết nhiều bài bình luận đả kích “kẻ thù” Do thái, và chỉ có trụ Sở điệp báo Shin Bet mới hiểu được rằng những bài bình luận sặc mùi xuyên tạc căm thù này đã chứa đựng một số tin tức quân sự và chính trị có lợi cho Do thái.
Trung ương Shin Bet tỏ ra vô cùng hân hoan, điệp viên của họ đã thành công trên mức dự tính. Để giúp Tabet phương tiện báo cáo cho nhậm lẹ và kín đáo hơn, họ ngầm gửi tới một điện đài nhỏ xíu, đồng thời ra lệnh cho chàng kết thân với đảng Baath, một đảng cực tả theo khuynh hướng sô-viết. Sở dĩ Shin Beth ban hành chỉ thị này là vì Liên xô đang ngấm ngầm tiếp tay cho đảng Baath cướp chính quyền, và một khi có sự toa rập của Liên xô thì cuộc đảo chánh chắc chắn thành công.
Tức thời Tabet thay đổi lập trường. Nội trong tuần ấy, chàng gia nhập đảng Baath. Shin Bet tiên liệu không sai, chỉ mấy tuần sau đảng Baath đã lật đổ chính phủ trong một cuộc đảo chánh. Cách mạng thành công, đảng Baath mở tiệc ăn mừng, và dĩ nhiên trong số quan khách đến cụng ly có đại thương gia kiêm trưởng ban chương trình đài truyền thanh và truyền hình Tabet. Tướng Hafez, bạn cũ của chàng ở Á-căn-đình, được phe đảo chánh cử làm tân tổng thống, nên chàng được đối xử một cách biệt nhỡn và thâm tình.
Trong những ngày đầu cách mạng, có tin đồn Tabet được tướng Hafez mời tham gia nội các. Phiền một nỗi Tabet lại là công dân Á-căn-đình. Nhưng Tabet không muốn trở thành yếu nhân của chính phủ. Công an mật vụ Syria có thể dí mũi vào dĩ vãng của chàng và sẽ khám phá ra Tabet là người tưởng tượng, Thượng sách là đứng ở hậu trường, tiếp tục giao du với giới tướng tá lãnh đạo. Đại tá Hatum, Dalli và triệu phú đã đỡ đầu cho chàng hồi mới nhập cảnh. Ba người này là nguồn cung cấp tin tức dồi dào bất tận. Cả ba đều mang bệnh hảo ngọt, thấy đàn bà đẹp là híp mắt, lại ưa thích gái tơ. Tabet bèn biến tòa nhà lộng lẫy của chàng thành động đào, và trong khi các ông bự của chế độ mới say sưa với mỹ nhân thì trong gian phòng kín Tabet hoạt động gián điệp...
V.
Năm 1964 mở đầu với một sự thay đổi nhỏ trong nếp sống của Tabet. Chàng vẫn tiếp tục khoản đãi tân khách, bạn bè. Các phòng ăn và giường ngủ trong tòa biệt thự tráng lệ của chàng vẫn tiếp đón các yếu nhân mỗi đêm. Tuy nhiên, vì muốn lôi kéo thêm những lãnh tụ tối cao, vì muốn rút tỉa thêm những tin tức quan trọng, Tabet đã giành riêng một số phòng để tổ chức những thú vui đặc biệt.
Trứng cá caviar, loại đắt tiền nhất, được chở từ Nga tới bằng phi cơ cùng với whisky nguyên xứ, sâm-banh hiếm và rượu mùi của Pháp, thôi thì sơn hào hải vị, của ngon vật lạ từ khắp nơi trên thế giới đều được Tabet mua về, cung ứng thừa mứa cho các con mồi tướng lãnh và tổng trưởng. Thuốc hút thì có cần sa được trồng ngay tại địa phương, hoặc á-phiện trắng chế tạo tại Pháp. Khoảng nửa đêm, những ngọn đèn lớn đều tắt, chỉ còn lại một số ánh sáng huyền ảo, rồi tấm màn nhung được kéo dạt ra, một đạo binh gái đẹp xuất hiện, trình diễn múa bụng Ai-cập, thoát y vũ tây phương, múa nhảy á-đông và... những trò giải trí xác thịt tân kỳ và hấp dẫn độc nhất vô nhị...
Giữa cảnh trác táng này, Tabet là con người sành sỏi, hầu như quốc tế. Không ai biết rằng hồi nhà, bên cạnh vợ con, chàng là người cha, người chồng gương mẫu, không hề rượu chè, đĩ điếm.
Lần lượt những bí mật của quốc gia khuynh tả Syria lọt vào tay Tabet và tình báo Do thái. Nhưng đề phòng bị Syria tấn công, Do thái cần nắm giữ họa đồ kiến trúc đồn binh bất khả xâm phạm Golan.
Việc này được giao cho điệp viên Tabet.
Tabet lại trổ tài đóng kịch. Mỗi khi gặp các tướng lãnh, chàng đều phàn nàn về việc quân đội Syria được trang bị khí giới hiện đại, và có tinh thần chiến đấu cao độ, nhưng hệ thống phòng vệ biên giới lại quá yếu kém, sợ khó cản chân xâm lăng Do thái. Tabet yêu cầu bộ tổng tư lệnh cải tiến các đồn binh dọc biên giới. Hội kiến với tổng thống Hafez mùa hè 1964, chàng lặp lại nhận xét bi quan này. Dĩ nhiên Hafez sửng sốt, vì Hồng quân sô-viết đã giúp Syria tăng cường phòng thủ tối đa. Tabet bi quan chẳng qua vì không am hiểu thực tình. Tổng thống Hafez bèn gọi điện thoại cho bộ tổng tư lệnh và Tabet được mời viếng thăm các vị trí quân sự biên giới mà chàng chê là yếu kém. Chính phủ cũng như quân đội muốn chứng tỏ cho công dân ưu tú và hữu công Tabet hiểu rằng Syria không hề yếu kém trước kẻ thù Do thái như chàng lầm tưởng.
Sau hai ngày tham quan lý thú, Tabet được hướng dẫn lên đỉnh Golan. Chàng xin phép được nghỉ đêm tại đồn binh để có thời giờ quan sát phong cảnh nên thơ và nghĩ đến lúc quân đội Syria anh dũng tràn ngập thung lũng Hu la xanh tươi phía dưới, đánh đuổi “bọn chó ghẻ” Do thái. Dầu cho Tabet đóng kịch xuất phàm, chắc chắn tim chàng đã đập thình thịch và mặt chàng xanh tái khi chàng đứng trên cao nhìn xuống thung lũng. Vì đó là quê hương đích thật của chàng. Đó là nơi vợ con và đồng bào của chàng đang sống. Đó là nơi Shin Beth ngày đêm trông chờ họa đồ đồn binh Golan, công sự phòng thủ kiên cố nhất và vĩ đại nhất Trung Đông.
Khi viên tư lệnh đồn binh chỉ con đường ngoằn ngoèo bị kẹt giữa những tảng đá lớn, Tabê giả vờ giật mình:
- Nếu “bọn chó ghẻ” Do thái liều mạng đánh từ mặt này lên thì sao?
Viên tư lệnh cười, tin tưởng:
- Chỉ có một lối công đồn.Bằng con đường ông vừa nói. Nhưng nếu chúng lên đây bằng con đường ấy, chúng sẽ chết không còn một mống, cho dẫu chúng huy động hàng trăm phi cơ oanh tạc, và dưới đất chúng tung ra hàng trung đoàn... Vì... vì những ổ súng lớn nhỏ của ta được ngụy trang kỹ lưỡng và giấu trong hầm bê-tông, ta có thể tiêu diệt cả những vật nhỏ bé như ruồi kiến, chứ đừng nói là chiến xa và bộ binh của địch nữa... Đây này... mời ông coi...
Viên tư lệnh huênh hoang dẫn Tabet đến những nơi cất súng. Đủ mọi loại súng. Kể cả đại pháo và súng phóng hỏa tiễn. Viên tư lệnh nói đúng, vị trí độc nhất vô nhị của đồn Golan cộng với khả năng hỏa lực có thể tiêu diệt hàng trung đoàn tấn công của Do thái.
Tabet bèn giả vờ ngu ngốc, viên tư lệnh giải thích mãi chàng vẫn còn lo ngại, chàng lại nhai nhải là khi trở về gặp tướng tổng tư lệnh và tổng thống sẽ yêu cầu gia tăng biện pháp phòng thủ, rốt cuộc viên tư lệnh phải mời chàng về hầm chỉ huy mở tủ sắt lấy họa đồ cho chàng xem. Óc Tabet là cái máy chụp hình bén nhậy và trung thật nên viên tư lệnh giảng đến đâu thì chàng nhớ vanh vách đến đó.
Đêm ấy Tabet chỉ giả vờ ngủ. Chàng phải thức để làm nhẩm bản báo cáo chi tiết gửi về trụ sở Shin Bet.
Hôm sau về Damas, chàng đến thẳng bộ tổng tư lệnh, xin lỗi về thái độ thiếu tin tưởng của mình và không ngớt lời khen ngợi các đơn vị biên phòng. Chàng không quên để lại tấm chi phiếu 35.000 đô-la tặng anh em chiến sĩ “gối đất nằm sương để bảo vệ tổ quốc”. Tại các nước Ả rập, đảo chính xảy ra như cơm bữa nên các nhà triệu phú thường hào phóng với quân đội. Tiền tặng quân đội chỉ là một hình thức đầu tư khôn ngoan.
Bản báo cáo quá dài, Tabet không gửi đi bằng điện đài. Chàng dự định về Do thái để phúc trình miệng, và cũng để thăm gia đinh luôn thể. Chàng rời Damas nói là đi Âu châu lo việc buôn bán, nhưng khi ghé Zurich chàng lén mua vé về Do thái, mang theo họa đồ đồn binh Golan tự chàng vẽ lại bằng trí nhớ. Tabet gặp giám đốc Shin Bet rồi phóng xe về nhà. Vợ con chàng mừng mừng tủi tủi, sau mấy năm trời xa cách, không thư từ. không tin tức, gia đình được đoàn tụ. Vợ hỏi chàng làm gì, ở đâu nhưng chàng không thể tiết lộ.
Tabet không thể lưu lại nhiều ngày ở Do thái. Trong thời gian ngắn ngủi này chàng lại phải nhóm họp liên miên với các chuyên viên Shin Bet. Chàng chẳng còn bao nhiêu thời gian để giành cho vợ con. Rồi ngày vui qua mau, Tabet lại phải dứt áo ra đi. Chàng bay lộn lại Zurich, đáp chuyến phi cơ sớm nhất về Damas, tiếp tục cuộc sống trà đình tửu quán thượng, sát nách Tử thần.
VI.
Gần như là số phận chung, hầu hết các siêu điệp viên từ xưa đến nay đều bị tử thần gọi đi giữa tuổi thanh niên, giữa những hoạt động thành công rạng rỡ. Vì vậy siêu điệp viên Tabet không sao tránh được Tử thần...
Điệp viên chết vì bại lộ. Bại lộ vì bản thân vụng về hớ hênh. Song phần lớn, bại lộ vì một lỗi lầm nào đó ở trung ương. Trung ương Shin Bet đã phạm một lỗi lầm tai hại khi ra lệnh cho Tabet dùng điện đài làm phương tiện gửi tin duy nhất.
Đành rằng kỹ thuật vô tuyến điện đã tiến triển vượt bực, điện đài gián điệp ngày nay không còn là cái va-li cồng kềnh như trong thế chiến thứ hai nữa. Nó có thể được thu nhỏ bằng cuốn tự điển, bằng nửa hộp bánh bích quy hoặc bằng gói thuốc lá 20 điếu. Nhưng nó có tối tân đến đâu cũng vẫn không được an toàn. Ngày xưa, nó dễ bại lộ vì nó kém tối tân. Ngày nay, nó tối tân hơn. Phản gián khó khám phá hơn. Tuy nhiên chẳng sớm thì muộn nó cũng phải bại lộ.
Phàm truyền tin bằng điện đài, điệp viên trên đất địch thường gồm 3 bộ phận riêng biệt, bộ phận cung cấp tin tức, soạn tin tức thành mật điện, bộ phận giao liên, và bộ phận điện đài có nhiệm vụ đánh bức điện. Bộ phận cung cấp và bộ phận điện đài không biết nhau. Bộ phận điện đài dễ bại lộ nhất. Bộ phận cung cấp quan trọng nhất, nên khi bộ phận điện đài bị lộ, bị bắt thì bộ phận cung cấp tin tức thường có kịp thời giờ để trốn thoát. Đằng này trong trường hợp của Tabet, chàng phải kiêm luôn 3 bộ phận, chàng đi lấy tin tức, chàng soạn thành mật điện và cũng tự tay chàng đánh đi.
Việc kiêm nhiệm này là một lỗi lầm thứ hai của Shin Bet. Điều làm các chuyên viên điệp báo ngạc nhiên là không hiểu tại sao Shin Bet là cơ quan lão luyện lại phạm 2 lỗi lầm căn bản như vậy. Có lẽ vì Tabet quá tự tin. Tabet đã trở thành yếu nhân ở Damas. Tabet là bạn của tổng thống Syria. Tabet là anh anh tôi tôi thân mật với các tướng lãnh cao cấp Syria. Tabet nghĩ rằng không ai dám ngờ vực một người như chàng...
Một đêm mùa thu 1961, ban kiểm thính của sở Phản gián Syria bắt gặp một âm thanh kỳ quặc từ thủ đô Damas phát đi. Phản gián biết đây là điện đài của địch. Nó chỉ kéo dài mấy giây đồng hồ nên ban kiểm thính không ghi âm được. Họ chỉ ghi thời khắc và luồng sóng, rồi kiên nhẫn chờ đợi.
Đêm hôm sau, ban kiểm thính chăm chú nghe ngóng. Không có gì. Trong những ngày, những tuần kế tiếp, họ vẫn không lơi lỏng cảnh giác. Kiên nhẫn vốn là đức tính số một của nghề phản gián. Nhất là phản gián kiểm thính, chuyên tìm điện đài của địch. Rồi một đêm kia, họ lại bắt được âm thanh lạ. Nhưng giờ giấc cũng như luồng sóng đã được thay đổi.
Ban kiểm thính nghiên cứu cuộn băng ghi âm. Họ biết đây là một lối truyền tin tinh vi, bức điện thoạt tiên được chuyển thành mật điện, sau đó được đánh đi, khi đánh đi âm thanh của mã-tự chạy qua một cái máy thu băng đặc biệt, máy này chạy với tốc độ cực nhanh làm cho âm thanh của mã-tự đổi khác. Phản gián ghi âm được cũng vô ích. Phải nắm được mật mã, nắm luôn cả máy thu băng mới hiểu được nội dung mật điện.
Ban kiểm thính chia nhau canh chừng không phận Damas. Sau nhiều lần dò dẫm, tính toán, họ đã phăng ra một sự thật động trời: âm thanh kỳ quặc này xuất phát từ tòa biệt thự sang trọng của đại thương gia Tabet, xế dinh thủ tướng. Nhân viên Phản gián ập vào, mục kích một cảnh tượng mà không ai dám ngờ tới, cảnh đại thương gia chống Do thái Tabet đang xử dụng điện đài, gửi tin tức gián điệp về Do thái, trong căn phòng được trang bị máy móc khoa học, kể cả một máy thu băng với tốc độ cực nhanh.
Điệp viên Tabet bị bắt.
Tin Tabet bị bắt về tội làm gián điệp là tin quá quan trọng nên chính phủ Syria không thể bưng bít nổi. Nó lan rộng trong giới thượng lưu Syria như tia lửa trên đường thuốc súng. Chỉ mấy ngày sau thường dân cũng biết mặc dầu nhà chức trách tìm đủ mọi cách giấu diếm. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng như mơ ngủ. Một tuần lễ nặng nề trôi qua rồi ngày 24-1-1965, đài bá âm Damas loan đi một tin ngắn về vụ “một tên gián điệp Do thái nguy hiểm vừa bị sa lưới”.
Cơn sốt gián điệp làm toàn quốc run rẩy. Phản gián long trọng thông báo là 13 điệp viên Do thái khác bị lột mặt nạ. Những người biết chuyện không tin họ là điệp viên thật sự, chẳng qua chính phủ Syria thừa gió bẻ măng, lợi dụng vụ Tabet để loại trừ luôn phe đối lập trong xứ. 13 điệp viên này bị lôi ra tòa án quân sự, vô tuyến truyền thanh và truyền hình làm rùm beng và toàn thể đều bị treo cổ.
Sau khi Tabet tức Cohen bị bắt, người ta nghe đồn chàng có thể không bị hành quyết. Vợ Cohen với sự trợ giúp của chính phủ Do thái đã mời ông Jacques Mercier là một trong những luật sư hữu danh nhất Âu châu để biện hộ cho bị cáo. Luật sư Jacques Mercier từ Ba lê đến Damas và được chính phủ Syria cho phép làm tròn nhiệm vụ bào chữa.
Tại một thành phố ở Âu châu, các viên chức Do thái và Syria bí mật gặp nhau để bàn luận về số phận Cohen. Cuộc dàn xếp này bị tiết lộ ra ngoài. Và tờ Thời báo Chủ nhật (Sunday Times) ở Luân đôn loan tin: “Do thái đề nghị chuộc mạng điệp viên Cohen bằng 28 triệu mỹ-kim, cùng một số xe cam nhông, máy cày và dược phẩm. Nhưng Syria đã bác bỏ. Do thái bèn đề nghị đổi Cohen lấy 10 điệp viên Syria cũng vẫn bị bác bỏ.
Cohen bị mang ra xử tại một phiên tòa quân sự gồm 5 sĩ quan cao cấp do đại tá Dalli ngồi ghế chánh thẩm. Phụ tá cho Dalli là đại tá Hatum. Cả Dalli lẫn Hatum đều là bồ bịch của Cohen. Phiên tòa được cử hành trong bầu không khí bí mật tuyệt đối.
Dư luận trong và ngoài nước sôi sục nên chính phủ Syria đành phải cho phép ký giả săn tin. Cohen và 37 bị cáo khác cùng bị xét xử hôm đó được xuất hiện một lát trên ống kiếng vô tuyến truyền hình. Chính phủ Syria không cho biết tên những bị cáo này. Tuy nhiên, một nguồn tin thành thạo cho hay họ chỉ là những viên chức cấp dưới chịu tội thay cho xếp, và 17 nữ bị cáo có mặt trước vành móng ngựa không hề làm gián điệp. Chẳng qua họ đã tham dự nhưng cuộc vui giật gân thâu đêm do Cohen tổ chức.
Trên máy thu hình. Cohen có vẻ nhợt nhạt và mệt mỏi, song không hề tỏ ra bối rối, lo sợ. Mặt chàng luôn luôn bình thản. Trước khi nhận lãnh nhiệm vụ của Shin Bet, Cohen đã đoán trước tương lai. Dĩ nhiên Cohen không nghĩ là mình sẽ bị bắt, bị chết. Nhưng chàng đã biết rõ số phận những điệp viên bị địch bắt.
Cuộc xử án chỉ là một thủ tục lấy lệ. Số phận của Cohen đã được quyết định từ trước. Luật sư Jacques Mercier không được thông báo giờ giấc phiên xử khai mạc cũng như bế mạc. Và quan tòa cũng không quan tâm đến những lời biện hộ hùng hồn của luật sư.
Rạng đông ngày 18-5-1965, tử tội Cohen bị giải từ xà-lim đến pháp trường thiết lập tại quảng trường Damas. Tín đồ đạo Hồi thường đi lễ sớm, khi Cohen đút đầu vào thòng lọng thì tiếng cầu kinh từ giáo đường kế cận vọng lại rì rầm và những người bán hàng rong trên vỉa hè bắt đầu rước khách. Trên thi thể Cohen treo tòng teng được găm một mẩu giấy trắng đề chữ Ả rập như sau “bị hành hình về tội chuyển tin tức liên quan đến an ninh cho địch”.
Ngày hôm sau, tường thuật vụ xử gián điệp viên Cohen, một nhật báo Ả rập hàng đầu ở Beirut [2] đã viết: “Một sự thật đau buồn là Cohen đã đạt được những thắng lợi kinh hoàng. Nếu Chính phủ Damas nhóm họp buổi sáng để cứu xét và quyết định một vấn đề gì thì ngay đêm ấy Cohen đã báo cáo đầy đủ về Do thái”.
Tử tội Cohen được chôn trong một nấm mồ vô danh ở Damas. Những người bạn xa gần của Cohen trên chính trường Syria đều lần lượt lui vào quên lãng phũ phàng cũng như nấm mồ vô danh ấy. Tổng thống Hafez bị mất chức và nằm tù. Đại tá Hatum kém may mắn hơn là đã bị xử bắn. Họ bị nằm tù hoặc bị xử bắn chẳng phải vì họ có liên hệ đến điệp viên Cohen. Lên voi xuống chó vẫn là truyền thống chính trị ở Syria.
Sự hy sinh của Cohen không đến nỗi vô ích. Đồn binh Golan đã rơi vào tay Do thái. Con đường ngoằn ngoèo, nhỏ xíu từ thung lũng lượn qua kẽ đá hiểm trở không còn nữa. Công binh Do thái đã ủi đắp thành con đường lớn giốc thoai thoải, quân xa lên xuống dễ dàng. Sau 20 năm thung lũng Hula sống trong tiếng đạn pháo kích rùng rợn, giờ đây hòa bình đã vãn hồi. Du khách từ phương xa đến thăm đồn Golan trên đỉnh núi do binh sĩ Do thái trấn giữ đều nhìn thấy rải rác khắp nơi những xác đen xe tăng, xe bọc sắt và xe ủi đất, di tích của trận công đồn ác liệt và kỳ lạ.
Dĩ vãng dường như còn lảng vảng đâu đây. Đêm đêm, lính gác trên mỏm đá cheo leo vẫn nghe tiếng gió hú. Có lẽ đó là linh hồn siêu điệp viên Tabet tức Cohen, anh hùng điệp báo của một dân tộc bé nhỏ, bị vây bọc tứ bề nhưng không bao giờ chiến bại.
NGƯỜI THỨ TÁM
Nguồn: FB. Nguyen Pham
__________
[1] Tên người này là Sheik Majed el Ard.
[2] Nhật báo El Hayat, xuất bản tại Beirut- Li-băng.
Saturday, September 30, 2023
“MINH MẠNG THẬP TỨ, THẰNG TRỨ PHÁ ĐỀN” LÀ GÌ ?
Phan Nhật Nam
Ông Dương Văn Minh (Getty Images)
Bài Hai
Dẫn Nhập:
Xin nói về Người/Nhân vật (có thật trong lịch sử) Moïse gốc Do Thái sinh ở Ai Cập. Ông có tên Moïse (Theo Ngữ Âm Do Thái có nghĩa là “Người được cứu từ nước”, do sự tích ông được cứu từ một chiếc bè nhỏ bởi một công chúa con của Pharaon, vua Ai Cập. Lớn lên, ông phạm tội giết một người Ai Cập vì người nầy đánh chết một người Do Thái/Gốc tộc của ông. Moïse trốn vào sa mạc cưới vợ, trông coi đàn cừu của bố vợ cho đến năm 80 tuổi. (Số 80 là niên hạn thứ hai của chu kỳ 40 năm một).
Moïse được Đấng Thiêng Liêng/Thiên Chúa hiện ra qua hình thái Ngọn Lửa trong bụi gai chuyển cho ông sứ mạng: Đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập về Đất Hứa Canaan. Ông chết vào tuổi 120 trên ngưỡng miền Đất Hứa nầy. Bỏ qua những “chi tiết thần thoại” như lần vượt Hồng Hải do phép lạ của Thiên Chúa làm biển hóa cạn khô xong khi đoàn người Do Thái đi qua thì biển khép lại! Chúng ta chỉ đề cập sự kiện: Đoàn người Do Thái đã vượt qua biển, đi trong sa mạc 40 năm – Năng lực vật thể và tinh thần nào giúp một người chăn cừu 80 tuổi đưa một dân tộc đi qua sa mạc trong 40 năm? Lấy gì để ăn? Lấy gì để uống? Và đâu là phương hướng để nhắm về vùng gọi là Đất Hứa (có thật)?!
Nhân vật/Người thứ hai, tên đọc theo âm Hán–Việt, Bồ-đề-đạt-ma dịch nghĩa là Giác Pháp (Tiếng Phạn, Bodhidharma; Tiếng Nhật, Bodai daruma). Ông người gốc Ấn Độ, sinh sống trong khoảng 470-543. Ông được tuyên xưng là người khai sáng Thiền Học và Võ Thuật Trung Hoa. Những thông tin cụ thể có Sử Tính (thật) về tiểu sử Bồ Đề Đạt Ma có rất ít, nếu không nói chẳng có gì nhiều, chủ yếu chỉ là truyền thuyết.
Chỉ biết chắc rằng ông có đến đất Trung Hoa, nhưng thời điểm cũng khác nhau, một trong những thuyết nói rằng ông đến vào triều đại Lưu Tống (420-479) hay muộn hơn vào triều đại nhà Lương (502-557) qua “sự kiện có thật”: Đạt Ma đã bàn luận Đạo với Lương Võ Đế (502-549). Ông là Tổ Thứ 28 và cuối cùng sau Phật Thích Ca Mâu Ni của Thiền Tông Ấn Độ, và là Tổ Thứ Nhất của Thiền Tông Trung Hoa: Là những yếu tố/chứng liệu lịch sử Có Thật.
Bài viết loại bỏ những truyền thuyết: Đạt Ma diện bích 9 năm, chiếc bóng in lên vách đá thành hình người; Sau 9 năm (Số 9 có tính tượng trưng/Như 40 năm của Moise), từ Trung Hoa ông dùng khinh công chạy trở về Ấn Độ (hay Tây Tạng?), chạy nhanh quá [có người (thật) thấy] nên đánh rơi chiếc dép!
Tranh của Đạt Ma có hình ông vác chiếc gậy mang một chiếc dép! Bài viết chỉ đề cập lại với câu hỏi thực tế: Đạt Ma Sư Tổ dùng (với) khả năng gì/như thế nào để đi Trung Hoa từ Ấn Độ (hoặc Tây Tạng) xong chạy trở về? Khả năng gì/như thế nào đưa ông lên núi Thiếu Thất (ở đâu) để lập Võ Phái Thiếu Lâm/Sự kiện có thật.
Trở lại với luận giải sấm ký: “Minh Mạng Thập Tứ”” qua giải thích ở Phần #4/Bài Một là: “Minh Mạng Thập Tứ được/phải được ĐỌC RA THỜI ĐIỂM 30-4-75”.
Nay, Bài Hai tiếp tục trình bày: Tại sao có “Minh Mạng Thập Tứ?” Và từ đâu, như thế nào là: “Thằng Trứ phá đền”? Và đâu là liên kết với ngọn đồi mang Số Hiệu 1515 mà Trường Đà Lạt đã được dựng lên?
I/ Trước nhất và cụ thể là Biến Cố 30/4/1975 có liên quan trực tiếp đến một nhân tố hàng đầu mang tính quyết định: Trung Tướng Dương Văn Minh – Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng – Nhân sự, tổ chức, điều hành cuộc binh biến 1 Tháng 11, 1963 – Biến cố đưa đến kết thúc, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát; Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ: Tiền đề ắt có và đủ của lần sụp vỡ Miền Nam, 30 Tháng 4, 1975 mà vẫn không với ai khác: Chính là Đại Tướng Dương Văn Minh được Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lãnh đạo quốc gia trong chiều ngày 28/4/1975.
Cần nói rõ, phần sau tiếp trình bày sự kiện “Thằng Trứ phá đền” trong sấm ký qua thực tế lịch sử chứ không là phê phán đúng/sai về con người và lịch sử đã xẩy ra tại 5:30 chiều ngày 28/4/1975.
Trong bài diễn văn đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội, ngày 26/4/1975, Tổng Thống Trần Văn Hương cho biết đã tiếp xúc với Đại Tướng Dương Văn Minh để mời ông Minh đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng. Nhưng ông Minh không chịu mà đòi phải nhường cho ông chức Tổng Thống. TT Hương đã diễn đạt (theo trí nhớ của người viết): “Chức tổng thống không phải là là cái mùi-soa mà tôi rút ra trao cho đại tướng!” Nhưng ông Minh nài nỉ: “Xin thầy (TT/Hương vốn là một thầy giáo) hãy “hy sinh” thêm một lần nữa!”. Ngày hôm sau (27/4) lưỡng viện Quốc Hội họp, đồng ý sửa lại Hiến Pháp để TT/Trần Văn Hương trao Quyền Tổng Thống cho ĐT/Dương Văn Minh nhằm thương thuyết với phía cộng sản. Chỉ có hai phiếu chống đối của Chủ Tịch Quốc Hội Trần Văn Lắm và Dân Biểu Phạm Văn Út.
Cuối cùng, 5:30 chiều ngày 28/4/1975, TT/TVHương chính thức từ chức, và trao Quyền Tổng Thống cho ĐT/Dương Văn Minh. Buổi lễ trao quyền diễn ra với không khí của một đám tang, người trao và người nhận rũ xuống trong tư thế suy sụp và tuyệt vọng toàn diện. Chẳng phải đợi lâu: 10:45 sáng 30 Tháng 4, 1975 Chính Ủy Trung Đoàn Xe Tăng 203 Bùi Tùng dẫn toán bộ đội nhào vào tòa đại sảnh Dinh Độc Lập với súng cầm tay (hình ảnh còn lưu giữ).
Tùng đến trước dãy ghế có những người đang ngồi, hỏi: “Ai là Dương Văn Minh?”. Ông Minh đứng dậy, nhục nhằn khép nép: “Thưa quý quan (do thấy những ngôi sao trên quân hàm cộng sản), chúng tôi đã ngồi ở đây từ sáng để chờ quý quan đến để bàn giao chính quyền”. Chính ủy Tùng chĩa súng vào DVMinh nói to: “Các ông chẳng còn gì để bàn giao cả” – theo tài liệu của Hà Nội sau 1975. NHƯNG SỰ THẬT LÀ “TAO BẮT MÀY ĐẦU HÀNG!”
Toàn bộ nhục nhằn của bi thảm kịch “nước mất, nhà tan” hiện thực chính xác: “Minh Mạng thập-tứ. Thằng Trứ phá đền: MINH MẬP TẠNG THÚ. THẰNG TRỨ PHÁ ĐỀN”. Bởi Dương Văn Minh là BIG MINH họ DƯƠNG/CON DÊ – DẠNG TƯỚNG CON HEO (TRƯ/Con heo + Một cách chắc chắn/Dấu “Sắc”), VỚI TÁC NGƯỜI TO MẬP NHƯNG KHÔNG BÓ CHẶT XƯƠNG CỐT. Khác với dạng tướng Con Voi của Tướng Nguyễn Văn Toàn với xương thịt liền một khối chắc chắc.
Không chỉ với Ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh/BIG MINH/MINH MẬP TẠNG THÚ đã PHÁ ĐỀN lần Nhất: Sau 1/11/1963, hủy bỏ toàn bộ Hệ Thống Ấp Chiến Lược mà Đệ Nhất Cộng Hòa đã xây dựng từ sau 1960. Nhưng “Minh Mập tạng thú/Big Minh” không chỉ là vậy. Mời xem qua Phần II.
II/Tiền đề “Minh Mạng thập-tứ. Thằng Trứ phá đền: MINH MẬP TẠNG THÚ. THẰNG TRỨ PHÁ ĐỀN” đã được hiện thực qua sự kiện: Ngày 23 Tháng 11, 1963, Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, Quốc Trưởng VNCH gắn cấp bậc Thiếu Úy cho Thủ Khoa Nguyễn Anh Vũ. Quý độc giả cần lưu ý các yếu tố:
#21- Ngày 23 —> = 2+ 3 = 5; 2×3 = 6; 5+6 = Số 11 —> Hai Số 1
#22- Tháng 11, năm 1963 —> Số 11 và 1+9+6+3= 19 —> 1+9=10 —> Số 11 và Số 1
#23- Trung Tướng/Ba Ngôi Sao —> Ba Số 1= 111
#24-Thủ Khoa NAVũ —> Thiếu Úy NAVũ về Tiểu Đoàn1ND, tử trận Tháng 11/1964 —> Tất cả nói rõ về Số 1/Cũng là Số 11 với 1964 —> 1+9-6+4 = Hai số 10 —> 1+0
Nhưng không chỉ chừng ấy yếu tố (qua việc chủ tọa Lễ Mãn Khóa K.18 với Thủ Khoa NAVũ) có liên hệ đến Tướng DVMinh, chúng ta có thể nại thêm những yếu tố cụ thể:
#25- TT/NĐDiệm (Số 1) đặt viên đá đầu tiên (Số 1) xây dựng Trường Võ Bị Đà Lạt trong Ngày 5 Tháng 6, 1960. Từ đây ta có 5+6= 11; 1+9+6+0 = 7 (Con Số Linh của Thuật Số Đông lẫn Tây). Và 11+ 7 = 18 —> Lần Chủ Tọa Lễ Mãn Khóa K. 18 là nghi lễ chính thức/độc nhất (Số 1) trong suốt sự nghiệp của Tướng DVMinh tại địa điểm TT/NĐDiệm đặt viên đá xây dựng.
#26- Khóa 18 mang tên Thiếu Tá Bùi Ngươn Ngãi, người chỉ huy lực lượng thiết giáp trong ngày 1/11/1963; và Đại Úy Phan Hòa Hiệp là người đi cuối cùng của đoàn Thiết Vận Xa M113 đi đón NĐDiệm và CV/NĐNhu trong ngày 2/11/1963 – Hiện thực giấc mơ/lẫn thực tế đối với người viết (Pnn) qua /Hình Tượng XE chiếc xe bọc thép của Trung Úy Phan Hòa Hiệp treo nơi căn nhà Số 5 (thuộc quần thể Gia Tộc họ Phan, Phường Phú Cát, Huế) trước năm 1950 – Đã trình bày trong Phần Dẫn Nhập/1/Bài Một.
#27-Yếu tố “xe thiếp giáp” càng chính xác hơn với Bùi Tùng (Họ Bùi/Chính Ủy đoàn 203 chiến xa CSBV) trong ngày 30/4/1975 với Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập như phần trên đã trình bày.
#28- Và cuối cùng Trường Võ Bị Đà Lạt/Biểu Tượng Chính của “Ngôi Đền Miền Nam/QLVNCH” xây dựng trên Đồi 1515, di tản Ngày 30 Tháng 3, 1975 với Khóa Cuối Cùng mang số 31.
Từ những yếu tố kể trên, chúng ta có tiếp những SỐ HIỆU không thể phủ nhận:
–281/ Đồi 1515 —> 15+15 =30 —> Hai Số 5 —> 2+5=7 —> 75 —> 30 Tháng 3, 75
-282/Để hiện thực cụ thể hơn cho những luận giải trên, cần lưu ý thêm sự kiện: Khóa 17 Võ Bị mãn khóa Ngày 30 Tháng 3, 1963 – TT/NĐDiệm chủ tọa lần cuối cùng với quyết định đặt tên khóa là Lê Lai – Biểu Tượng Hy Sinh của Lịch Sử Dân Tộc Việt – Là cụm từ “HY SINH” mà ĐTg/DVMinh đã thúc dục TTg/TVHương trao quyền”.
-283/ Khóa 31—> 3 Số 1 —> Ngày 1/11/1963: Ngày Dương Văn Minh phá ngôi đền lần thứ nhất. Cũng là Ba Vạch Đỏ trên nền Vàng của Quốc Kỳ Quốc Gia Việt Nam/Việt Nam Cộng Hòa, hậu thân Cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam thời Chính Phủ Dân Chủ đầu tiên của Thủ Tướng Trần Trọng Kim với Hoàng Đế Bảo Đại – Hoàng đế cuối cùng của 13 Vua Triều Nguyễn – Cũng là Số 1 và Số 3.
Kết Từ:
Như trong Phần Dẫn Nhập đã trình bày, dẫu các nhân vật Moïse, Đạt Ma Sư Tổ được “truyền thuyết/thần thoại hóa” đến bao nhiêu, trong thực tế họ cũng phải chịu sự giới hạn, điều kiện của CON NGƯỜI TRẦN THẾ. Cũng thế, chúng ta có thể suy diễn rằng: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong quá trình suy nghiệm với thân phận, điều kiện con người hẳn đã nhận được soi sáng bởi nguồn lực Ân Điển Siêu Việt như Đại Sư Yoganada (1893-1952) ở thời hiện đại đã chứng nghiệm với di tích còn lưu tại Lake Shrine, Pacific Palisades, CA.
Trong quá trình suy nghiệm vị Tôn Sư hẳn đã xác chứng:
1/Không có gì là Ngẫu Nhiên – Trước/Sau/Quá Khứ/Hiện Tại/Tương lai CHỈ LÀ MỘT.
2/Chữ Viết – Đọc như thế nào –NGHĨA là vậy – Hán Việt/Nôm/Quốc Ngữ CHỈ LÀ MỘT; Con Số chỉ bao nhiêu-Sự vật/Việc là bấy nhiêu. Thế nên, Trạng Trình đã không thấy/biết gì khác qua những hình tượng thực tế.. Dê; Ngựa; Trâu; Chó… Ngôi Đền, Sông, Biển…v.v.
Từ đấy mới có “Mã đề, Dương Cước anh hùng tận” Có điều, con người không biết “Mã nào? Dương nào?” Cho đến khi năm “Ngọ/Mã/1942/1954” hay “Mùi/Dương/1943/1955” xẩy ra thì mới NHẬN RÕ được. Tương tự như thế: “Minh Mạng Thập Tứ. Thằng Trứ phá đền” đã xẩy ra với 30 Tháng 4, 1975.
Nhưng không chỉ có thế, trí lực siêu việt của Trạng Trình cũng đã nói rõ hơn với câu sấm phổ biến: “Cửu cửu càn khôn dĩ định/Thanh Minh thời tiết hoa tàn/ Trực đáo dương đầu mã vĩ/Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”.
Với “Cửu cửu/Chín chín”—> những năm quan trọng có Tổng Số 9: 1945/1954/1963. Còn hơn thế nữa, “Cửu cửu —> 81” để có 81 Năm sau Hòa Ước Harmand 1884, chính thức hóa cuộc đô hộ của Thực Dân Pháp là lần đổ bộ TQLC Mỹ lên Đà Nẵng, 8 Tháng 3, 1965 – Khởi động Chiến Tranh VN.
Và cuối cùng, “Trực đáo dương đầu mã vĩ/Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”, phải được hiểu: Cuộc Đánh tráo ngang ngược/Trực đáo/Tráo đực gọi là “Giải phóng Miền Nam” thực hiện qua sự kiện “Dương đầu —> Dương (Minh) đầu hàng”, và “Mã vĩ —> Mỹ vã —> Mỹ ra đi (Vas – Pháp Ngữ) cũng có nghĩa “cái tát/vả/đánh thẳng mặt sự tốt lành, đẹp đẽ (chế độ VNCH) với “8 vạn binh của Hồ “Chiến dịch HCM với 4 Quân Đoàn gồm 16 Sư Đoàn CSBV.
4, 16 là phân số, bội số, từ Số 8.
Ý niệm, lời báo trước của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải chỉ riêng ông, trí huệ của Phật Thầy Tân An, Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Miền Nam cũng đã có những báo động tương tự với ngôn ngữ, hình ảnh khác.
Người Việt hiện tại biết được gì? Như thế nào tùy thuộc căn duyên của mỗi cá nhân. Người viết là một Người Lính nhận đủ khắc nghiệt của thân phận Việt Nam nên cố tìm cho ra lẽ chứ không hề là “nhà tiên tri sấm giảng”.
Phan Phi Danh
CA, Tháng 10/2022
Để nhớ 26/10/1955,
Ngày dựng Ngôi Đền VNCH
Subscribe to:
Posts (Atom)