; }

Tuesday, March 22, 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE : CHUYỆN BÊN.. LỀ ? NGHE LÉN ? VÀ PHÁ SÓNG ?

 Trấn Lý

Nghe lén ? :

      Truyện Phong Thần có ông  thần Thuận phong Nhĩ nghe xa hàng .. vạn dặm ?

(Chiến tranh Việt Nam có các đơn vị tình báo viễn thông VNCH nghe được tin tấn công của CSBV như trận VC tấn công Phi trường Phù cát .. bị đánh tan tác; Trận KonTum , quân VNCH chờ sẵn.. vì biết giờ CSBV tấn công..)

     Các ông chỉ huy ISIS tại Afghanistan bàn chuyện bằng.. phone cầm tay : drone Mỹ từ đâu bắn tới.. toi mạng !.. Bin Laden khôn hơn, ra lệnh cho quân bằng.. Thư do tay chân thân tín chuyển giao ..

    Coi chừng.. nghe lén ! Quân đội Hoa Kỳ có một binh chủng riêng mang tên là SIGINT 

chuyên lo nghe lén các làn sóng và .. nghe luôn cả của các bạn Đồng Minh..

Tin SkyNews (8 March 2022 :

“.. nhờ nghe lén cuộc nói chuyện của 2 Sĩ quan tình báo viễn thông Nga, nên Ukraine mới biết.. Tướng Nga bị.. tử trận !”

  Quân đội Nga tại Kharkiv đã bất ngờ tự tắt các hệ thống liên lạc viễn thông ( được mã hóa để bảo đảm an toàn) của họ.., xẩy ra do họ phá hủy nhầm những tháp 3G của chính họ.. Quân Ukraine đã vào được hệ thống liên lạc của Nga và nhận được  các báo cáo của Nga về cái chết của Tướng Vitaly Gerasimov qua cuộc nói chuyện của Sĩ quan tình báo cao cấp Nga tên Christo Grozev cùng các nhân viên ! Bộ Tư lệnh Nha muốn dấu nhưng bị lộ nên đành công bố !

  Sự kiện này cho thấy Quân đội Nga đang gặp phải các trục trặc về kỹ thuật và về  thiết bị viễn thông quân sự trong trận chiến đang diễn ra ?

  Tình báo quân đội Ukraine cho biết Tướng Gerasimov, Tham mưu trưởng Quân đoàn 41st đã bị giết tại ngoại ô Kharkiv, một thành phố phía Đông, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 30km, thành phố này đang bị Nga bao vây và pháo kích”

  Trong cuộc liên lạc mà Ukraine nghe được này , sĩ quan tình báo Nga được thông báo là Hệ thống viễn thông  bảo mật Era của Quân đội Nga.. đã không còn hoạt động ? Era được xem là một hệ thống liên lạc viễn thông mã hóa (crypto) tối tân và rất đắt tiền của quân đội Nga, Bộ Quốc phòng Nga mới chỉ đưa vào hoạt động vào  đầu năm vừa qua và bảo đảm là sẽ hoạt động được 24/24 trong mọi thời tiết.. : Hệ thống này cần có hệ thống kết nối dữ liệu 3G/4G để hoạt động (data connections) .. Quân Nga khi tấn công vào Kharkiv đã phá hủy các tháp 3G/4G này và thay vào bằng các trang bị viễn không.. không đồng bộ   (loại Stingray từng xài tai Syria ), do đó  Era..hết hoạt động ? (Lý do.. không ai hiểu được ?)

    Các quan sát viên độc lập ghi nhận : “quân Nga.. bỏ xe ra ngủ ngoài trời vì sợ bị tấn công, lý do là vì  họ đang phải dùng các trang bị viễn thông dân sự để liên lạc với nhau .. và có khi phải dùng cả điện thoại cầm tay di động để thông tin cho nhau ?

   Các máy vô tuyến quân sự của Nga , mà quân Ukraine thu hồi từ các quân xa Nga bỏ lại, cùng loại  với quân Ukraine được trang bị.. nhưng việc Nga dùng liên lạc viễn thông dân sự để truyền tin.. thì quả thật khó hiểu nổi ?

    Các tay ‘chơi vô tuyến tài tử, rà các làn sóng radio đều nghe được nhiều tin ‘bạch hóa’ giữa các sĩ quan Nga tại chiến trường ?

   Và quân đội Nga tại Krarkiv  còn đang liên lạc với nhau bằng.. phone di động (texting !), xài các thẻ sim địa phương có sẵn .Ukraine cứ nghe lén tự do ?

2- Phá sóng và gây nhiễu :

    Chiến tranh điện tử (Electronic warfare = EW), không tiếng súng nhưng lại vô cùng quan trọng vì sẽ quyết định thắng bại của trận chiến, chỉ bằng ..các trò chơi như các em nhỏ chơi.. games !

  EW có thể gây ‘kẹt’ (jam) các tín hiệu điện tử từ các dàn radar, phá các tần số vô tuyến (radio frequencies), làm các vũ khí có dẫn đường (guided).. bị ‘mù’ và dĩ nhiên là phá rối mọi cuộc hành quân của đối phương..

  Electronic Warfare (xin phân biệt với Cyber-warfare), theo định nghĩa của Bộ Quốc   Phòng Mỹ là “những hoạt động dùng năng lượng điện từ (electromagnetic energy) để kiểm soát ‘phổ điện từ’ (electromagnetic spectrum, gọi tắt là spectrum) để tấn công đối phương và spectrum bao gồm tất cả mọi làn sóng vô tuyến..các tia nhìn được và cả các tia gamma mất thường không thấy. EW đã diễn ra từ Thế chiến thứ 2 , bằng các radar và.. Các cách gây nhiễu radar..Trong chiến tranh VN : Mỹ và khối Cộng đã dùng nhiều thiết bị cảm ứng, thiết bị ngăn chặn làn sóng để cản trở việc hoạt động của các phi cơ chiến đấu..

   Tân tiến hơn , các tín hiệu GPS, tối cần thiết cho việc định vị của xe quân sự.. là những tín hiệu vô tuyến…Một máy phát sóng có thể ngăn chặn drone, không cho nhận tín hiệu của Trung tâm điều hành và drone không cất cánh được, Tại Syria, Nga đã dùng các xe quân sự gắn hệ thống Krasukha-4 để ‘gây loạn’ drone. TQLC Mỹ đã dùng hệ thống gây nhiễu MRZR LMADIS từ 2019..

      Quân đội Nga đã dùng các Hệ thống gây nhiễu GPS trong khu vực Đông Ukraine từ khi khởi động cuộc chiến Crimea (2014)

   Tướng hồi hưu Mỹ Lt Gen.Ben Hodges giải thích về vấn đề tại sao EW của Nga lại không hữu hiệu để chống Ukraine ?

“Quân đội Ukraine đã phân tán một số cơ cấu chỉ huy để tránh các phá hoại tập trung của Nga ?

EW của Nga đã được ghi nhận khi họ xâm lấn Vùng Donbass, phía Đông Ukraine từ 2014  và bài học Ukraine ứng dụng để chống đỡ  là phân tán, tránh tập trung các hệ thống ..vì  Nga rất có thể chưa có kinh nghiệm tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc :   Khi tập trung thành Trung Tâm Hành quân,, trung tâm này sẽ phát rất nhiều tín hiệu điện tử mà các cảm ứng= sensors của Nga dễ tìm ra. Nga có Hệ thống EW ‘rất tập trung’ nhưng lại rất yếu kém về cách thực hiện các chiến dịch phức tạp cần phối hợp đồng bộ ?

    Ukraine đang hoạt động với các hệ thống vô tuyến, không có thiết bị phối hợp chung (networking ) các cảm ứng điện tử ? và do đó tránh được sự theo dõi của EW  Nga khi Nga muốn định vị trí gọi là ‘line of bearing’ đánh dấu ‘vết điện tử’ (electronic signature). !

Khi một ‘dấu’ electronic signature, được phát sóng, nơi phát ra tín hiệu có thể bị địch quân tìm ra.. và Ukraine thường ‘tắt máy’ phát sóng khi không dùng đến, để Nga.. không truy tìm được.”

  • Quân đội Ukraine và EW ?

  Quân Ukraine đã được trang bị một số Hệ thống EW từ Mỹ và NATO  Đa số các trang thiết bị được gửi đến UKraine từ sau cuộc chiến Crimea khi Ukraine phải đương đầu với EW của Nga

Hệ thống căn bản và quan trọng của Ukraine là Bukovel-AD (anti-UAV system), hệ thống phòng vệ chống UAV (Counter-unmanned aerial vehicle) chống định vị, phá rối liên lạc vô tuyến và khiến đầu đạn ‘tinh khôn’ bị lạc.. Hệ thống  Bukovel được thiết kế để chống  các UAV Orlan-10 của Nga và  đã chứng tỏ khả năng hữu hiệu khi.. drone của Nga  hầu như vắng mặt trên không phận vùng Donbass

                                          Bukovel- AD R4 EW-system                                        

                        Bukovel tại Mặt trận

  • Hòa Lan gửi radar canh báo cho Ukraine (thêm một cuộc thi đua vỏ khí ?)

  Bộ QP Hòa Lan cung cấp cho Ukraine 2 dàn radar, di động 2D canh chừng dưới đất Thales Squire và 5 hệ thống võ khí AN/TPQ-36 Firefinder để xác định vị trí radar.

          Thales-Squire radar system                                                        

  Hệ thống Squire sẽ giúp pháo binh Ukraine xác định mục tiêu chính xác hơn, phát hiện bộ binh Nga di chuyển trong vòng 10 m và các xe tăng di động trong vòng 48km, Đạn pháo kích có thể biết trước biết trước khi đạn còn cách xa vị trí của quân trú phòng 20km và  nhận diện các UAV.. cách phe ta từ 5-6 km..

      AN/TPD-36 là loại radar di động 3D có khả năng định vị các ổ pháo của địch quân  cùng một lúc.. Quân đội Ukraine đã được US Army cung cấp 2 giàn này từ 2015..

                                     AN/TPD-36 vừa do Hòa Lan.. tặng

Trận chiến Ukraine , sau 2 tuần sẽ còn nhiều chuyện bất ngờ.. khó hiểu ?

                                                                    Trần Lý 10/ tháng 3

Nguồn : https://dongsongcu.wordpress.com/2022/03/12/chien-tranh-ukraine-chuyen-ben-le-nghe-len-va-pha-song-tran-ly/

Sunday, March 13, 2022

VIỆT NAM DÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀO NGÀY 11/3/1945 HAY 02/9/1945 ?

Đỗ Kim Thêm

Tìm hiểu lịch sử

VN-Map

Vấn đề

Theo đúng chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á đã đề ra từ trước, ngày 11/3/1945, Nhật thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu. Nhân dịp này, Bảo Đại tuyên bố là kể từ nay, chính phủ Việt Nam được hoàn toàn độc lập, có chủ quyền ở ba Kỳ, bãi bỏ các hiệp ước do Pháp bảo hộ và cùng hợp tác quốc tế để đạt được mục đích chung theo tinh thần của tuyên ngôn Đại Đông Á.

Về sau, lúc 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, khi nhân danh đại diện cho phong trào giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quảng trường Ba Đình là Việt Nam từ nay thoát khỏi sự cai trị của chế độ thuộc địa của Pháp và tình trạng chiếm đóng của Nhật. 

Dựa theo nội dung trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4 tháng 7 năm 1776 của Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson, ông Hồ hô hào là tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, vì “Đấng Tạo hoá đã trao cho chúng ta quyền bất khả chuyển nhượng: quyền sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc”. 

Như vậy, Bảo Đại và Hồ Chí Minh khai sinh ra nền độc lập cho Việt Nam trong hai ngày khác nhau. Đâu là sự thật của lịch sử? 

Nhìn lại đất nước lâm cảnh hỗn loạn theo trình tự của biên niên sử, thế hệ hậu chiến đã có những cách giải thích khác biệt.

 Nhật lật đổ Pháp

Sau khi không kích đột ngột Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, Nhật chiếm nhiều lãnh thổ khác tại châu Á. Nhìn chung, nếu so với các đế quốc khác như Pháp, Anh và Hà Lan, thực ra, Nhật đối xử với người dân thuộc địa tàn bạo và đẩm máu hơn. 

Từ tháng 8 năm 1944, Đồng minh giải phóng Paris. Việt Nam nhận ra ngay một vận hội mới: ngày tàn của chế độ Pháp đã bắt đầu và nguy cơ đang đến gần hơn bao giờ hết.

Khi phát hiện Pháp chuẩn bị chống Nhật trong lúc Đồng minh đổ bộ vào Đông dương, ngày 9/3/1945, Nhật nhanh chân lật đổ Pháp. 

Tại Sài Gòn, đại sứ Nhật Matsumoto trao cho Đô đốc Decoux một tối hậu thư đòi Pháp phải trao quyền lãnh đạo quân đội Pháp cho Nhật. Sau 2 giờ tham khảo, Đô đốc Decoux quyết định bác bỏ yêu cầu này. 

Trong vòng 48 giờ, Nhật tước quyền của Đô đốc Decoux, cùng lúc ra lệnh bỏ tù hoặc tập trung các nhân viên Pháp. Cũng tương tự như tại Sài Gòn, tại Hà Nội, Nhật tập trung nhiều người Pháp, nhưng có hành hạ một số cho đến chết. 

Do đó, chỉ trong hơn một ngày, chế độ thực dân Pháp trên toàn Đông dương không còn tồn tại và Nhật cai trị thay cho Pháp. 

Đế quốc Việt Nam với Hoàng đế Bảo Đại 

Nhật báo Sài Gòn loan tin Đế quốc Việt Nam tuyên bố độc lập.
Hai hôm sau, ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố là kể từ nay, chính phủ Việt Nam có chủ quyền ở ba Kỳ, độc lập, bãi bỏ các hiệp ước do Pháp bảo hộ và cùng hợp tác quốc tế để đạt được mục đích chung theo tinh thần tuyên ngôn Đại Đông Á của Nhật.

Ngày 7/4/1945, Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các đầu tiên do Trần Trọng Kim đề nghị. Ngày 17/4/1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim nhậm chức và ngày 12/5 Bảo Đại tuyên bố giải thể Viện Dân biểu Trung kỳ. 

Thực tế cho thấy là có những cáo buộc cho rằng Bảo Đại không có thực lực, khi quyền tự trị tài chính và điều động nhân sự cho đất nước đều do Nhật nắm giữ. 

Cũng như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng, Bảo Đại có bù nhìn hay không, đó chỉ là một lối giải thích về bản lĩnh chính trị nhất thời của giới lãnh đạo, mà tình thế không cho phép có thể xảy ra khác hơn. Về sau, các nước khác cùng hoàn cảnh như Việt Nam cũng thoát ra khỏi sự lệ thuộc của Nhật.

 Về mặt pháp lý, ngày 11/3/1945 là một sự kiện quan trọng để cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và có chủ quyền ra đời mà Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim là giới lãnh đạo đầu tiên.

Khi Việt Nam đã thành hình, thì Hồ Chí Minh một lần nửa lại khai sinh cho Việt Nam và tự quyền tuyên bố là Việt Minh giành độc lập vào ngày 2/9, thực tế đây là một diễn biến các cuộc bạo loạn thuộc về xáo trộn nội chính để cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim.

Việt Minh cướp chính quyền 

Diễn biến đầu tiên là ngày 17/ 8, tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, Tổng hội Công chức của chính quyền Trần trọng Kim có tổ chức một cuộc biểu tình để ủng hộ chính phủ trong việc thu hồi chủ quyền. Trong khí thế hân hoan, đoàn người biểu tình hát vang bài Tiếng Gọi Thanh Niên và hô to khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", các thành viên của Việt Minh nhảy lên khán đài với súng ngắn trong tay và dồn các viên chức chính phủ vào một góc, hạ cờ Việt Nam xuống, trương cờ đỏ sao vàng lên và hô to "Ủng hộ Việt Minh". Tình trạng hỗn loạn cực độ trong buổi lễ làm cho ban tổ chức không thể tái lập trật tự. Nhân dịp này, các cán bộ Việt Minh kêu gọi quần chúng ủng hộ để đánh đổ chính quyền tay sai, đấu tranh cho độc lập dân tộc, phân phát cờ đỏ cho dân chúng để đón quân giải phóng sắp ở chiến khu về.

Sau đó, Việt Minh điều khiển hàng trăm người vào Bắc bộ phủ hô các khẩu hiệu đả đảo phát xít, hoan hô giải phóng, hô hào dân chúng đi chiếm các công sở.

Sáng ngày 18/8, Việt Minh chiếm nhà số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) dùng làm trụ sở. 

Ngày 19/8, lúc 10 giờ rưỡi, Thanh niên tự vệ, một tổ chức của Việt Minh tại Hà Nội, huy động được nhiều dân chúng đến Quảng trường Nhà hát lớn, xâm chiếm Phủ Khâm sai và bắt giữ Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuận Chữ mà không gặp bất kỳ kháng cự nào. 

Tối 19/8, Việt Minh đạt được một thoả thuận với tướng Tsuchihashi, Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật, là phía Nhật sẽ không can thiệp vào các hoạt động của Việt Minh; đổi lại, Việt Minh sẽ không tấn công binh lính Nhật. 

Tại Huế, tình hình yên tĩnh hơn, nhưng đại diện của Nhật yết kiến vua Bảo Đại và tỏ ý muốn can thiệp chống lại Việt Minh để vãn hồi trật tự. Bảo Đại và Trần Trọng Kim không đồng ý với lý do là Nhật đang đầu hàng Đồng minh và đang chờ giải giới, mà cũng có thể giải thích là cả hai có khuynh hướng hiếu hoà trong hoàn cảnh bất ổn.

Đó là một thuận lợi cho Việt Minh trước tình thế này. Nếu Nhật được phép can thiệp quân sự, diễn biến chắc chắn sẽ khác hẳn, vì thực lực của Việt Minh lúc bấy giờ còn trong giai đoạn phôi thai. 

Không thể bảo vệ ngai vàng cho Bảo Đại và điều hành công việc nội chính, Trần Trong Kim xin từ chức. Việt Minh biết tận dụng thời cơ này bằng cách gây áp lực buộc vua Bảo Đại thoái vị trong ngày 22/8. Đó cũng là một thuận lợi khác. 

Ngoài mọi dự liệu, Bảo Đại chấp nhận thoái vị một cách đơn giản khi tuyên bố : “Muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị.” và muốn trở thành công dân Vĩnh Thuỵ. Vào ngày 25/8 tại Huế, khi công dân Vĩnh Thụy trao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Việt Minh và được gắn huy chương, buổi lễ thoái vị được kết thúc. 

Đây là một món quà vô giá mà Bảo Đại tặng cho Việt Minh và làm thay đổi triệt để lịch sử Việt Nam cận đại. Đế quốc Việt Nam với triều đại Bảo Đại chấm dứt và Việt Minh nhận trách nhiệm lịch sử trong một khởi đầu đầy giông bão. 

Nhìn lại biến chuyển này trong toàn cảnh, người hậu thế sẽ dễ nhận ra là Bảo Đại vẫn còn có những giải pháp tương ứng khả thi khi Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức.

Trước áp lực của buổi giao thời, Bảo Đại vẫn có thể tìm một chính khách khác bản lĩnh hơn Trẩn Trọng Kim để đảm nhiệm chức vụ, ngay cả việc mời Hồ Chí Minh hợp tác, thí dụ như để thành lập một chính phủ mới trong một khuôn khổ khác hơn. Điển hình là Bảo Đại có thể đứng ra kêu gọi thành lập chế độ Quân Chủ Lập Hiến mà nhiệm vụ là soạn hiến pháp, lập chính phủ lâm thời với chủ trương đại đoàn kết dân tộc.

Khi can đảm hơn, Bảo Đại có nhiều triển vọng thành công để thi hành sách lược này. Sự thật hiển nhiên là uy tín của hoàng triều vẫn còn vững vàng trong dân chúng trong khi Việt Minh không có ảnh hưởng nào đáng kể tại miền Trung và miền Nam. Dĩ nhiên đây là một giả thuyết không hơn và không kém.

Nhưng một đại bất hạnh cho Việt Nam trong giai đoạn này là 95% dân chúng mù chử và không ai am tường chính sự, nên không có một tiếng nói nào gây tiếng vang trong chính trường.

Việc Bảo Đại thoái vị, giải tán chinh phủ và triều đình, trao toàn quyền cho Việt Minh đang chưa có thực lực và thanh thế là một sai lầm nghiêm trọng về trách nhiệm chính trị và lịch sử.

Tình thế ngả nghiêng và dân chúng hoang mang. Tại miền Nam, Việt Minh cũng biết nắm lấy thời cơ. Ngày 25/8/1945 tại Sài Gòn một tổ chức của Việt Minh trá hình ra đời là Uỷ Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ, gồm có 9 Uỷ Viên trong đó Việt Minh chiếm đa số và Trần văn Giàu tự xưng là Chủ tịch. 

Tại miền Bắc, Việt Minh thuận lợi hơn khi nhanh chóng chiếm được sáu tỉnh và gây ảnh hưởng mạnh đến các chính quyền thân Nhật trong khu vực.

Có nhiều lý do để giải thích về sự thành công khá nhanh chóng và lan rộng của Việt Minh, không phải chỉ vì chiếm đóng của Nhật lỏng lẻo, Nhật không can thiệp giúp cho Đế Quốc Việt Nam làm cho tình thế ổn định và Bảo Đại và Trần Trọng Kim bất lực, mà còn nhiều lý do khác. Điển hình nhất là vì chính sách kinh tế Nhật phục vụ cho chiến tranh nên gây lạm phát cao độ, chính sách nông nghiệp có nhiều sai lầm là lo thu mua thóc để xuất cảng nên gây ra nạn đói tràn ngập tại miền Bắc trong năm 1944 và 1945. Kết qủa là trên hai triệu người chết đói và hàng trăm ngàn người nghèo có lý do để đi theo Việt Minh. 

Kết luận 

Nhìn lại bối cảnh của đất nước theo biên niên sử, ngày 11/3/1945 ngày Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập phải được xem là ngày chính thức chế độ thực dân Pháp cáo chung. Sự thật này phải đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945. 

Các diễn biến được sử gia Việt Minh gọi chung là Cách mạng tháng Tám đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập không thể xảy ra theo đúng như sự thật của tiến trình lịch sử  trong khi Việt Minh giành quyền của chính phủ Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật. 

Tóm lại, Hồ Chí Minh không có căn bản nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam và đây cũng là lý do để chứng minh là Việt Nam giành được độc lập vào ngày 11/3/1945, không thể khác hơn.

 Đỗ Kim Thêm

Nguồn : https://vietbao.com/a311432/viet-nam-gianh-doc-lap-dan-toc-vao-ngay-11-3-1945-hay-2-9-1945-