; }

Monday, December 28, 2020

TRỞ VỀ NHÀ

 HUY PHƯƠNG

“…Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta…”

Vào ngày 15 tháng 8 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Hành TrìnhTrở Về Nhà” (Operation Homecoming,) khoảng 140 cựu tù nhân chiến tranh của Hoa Kỳ (POW,) đã từng bị giam cầm ở Bắc Việt, sẽ tập họp về thành phố Frisco, phía Bắc Dallas, để gặp gỡ nhau trong bốn ngày từ 15 -19 tháng 8. Sáng kiến tổ chức buổi hội ngộ này là do một cựu chiến binh Mỹ gốc Việt, anh Tanner Ðỗ, từng chiến đấu tại Iraq và Syria, nhằm để vinh danh các cựu tù binh Mỹ trong nhà tù Bắc Việt. Một việc làm ý nghĩa hơn nữa là một buổi ăn trưa đặc biệt sẽ do Hội Cựu Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt khoản đãi để tỏ tình đoàn kết và tri ân những người Mỹ đã một thời chiến đấu cho tự do của miền Nam.

Người tù Hoa Kỳ bị Bắc Việt giam cầm lâu nhất là Trung uý Phi Công Everett Alvarez, cũng là phi công đầu tiên bị bắn hạ tại Hòn Gai, Quảng Ninh. Ông bị bắt vào tháng 8-1964 và đã ở trong nhà tù Hoả Lò 8 năm 7 tháng.

Về mặt tuyên truyển, Trần Trọng Duyệt, trưởng cai tù Hoả Lò ca tụng tính “khoan hồng, nhân đạo” của Bắc Việt: “Trên thế giới, có lẽ không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở nước ta. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có từ hàng ngàn năm trước của dân tộc ta!” Trong khi đó thì sử gia Hoa Kỳ Andrew H. Lipps, trong “Operation Homecoming: The Return of American POWs from Vietnam” đã ghi nhận:

“Hãy tưởng tượng bạn đang bị nhốt trong một cái chuồng; hãy tưởng tượng chung quanh chuồng đầy mùi xú uế; hãy tưởng tượng những thức ăn hư thúi bạn phải ăn có nhiều dòi bọ đến độ nếu bạn chỉ nuốt phải vài con thôi là kể như bạn có phước; hãy tưởng tượng bạn biết rõ mình có thể chết bất cứ lúc nào, tuỳ hứng của gã cai tù; hãy tưởng tượng ngày này qua ngày khác bạn bị tra tấn cả thể xác và tâm lý, bằng những thủ đoạn không phải để bẻ gãy xương mà là tinh thần của mình. Làm tù binh cộng sản Bắc Việt là như vậy đó!

Sau hiệp định Paris, vào hai tháng đầu năm 1973, đã có 591 tù binh Hoa Kỳ bị Việt Cộng giam cầm về đến Hoa Kỳ, trong khi có những người “trở về trên chiếc băng-ca,” như Trung Sĩ Chuyên Viên Không Quân James R. Cook, hay “hòm gỗ cài hoa” xếp hàng trên những chuyến C.130 về Travis AFB. Cũng có tới 1,200 quân nhân Mỹ hy sinh trên chiến trường Việt Nam không để lại dấu vết (MIA.)

Dù thua hay thắng, những người tù trở về hẳn đã bỏ hết một thời xuân xanh, gia đình đổ vỡ và có những vết thương tâm lý không thể nào hàn gắn được. Nhưng người chiến binh Hoa Kỳ còn lá cờ tổ quốc, được trải thảm đỏ, được mặc lại bộ quân phục ngày xưa và được trở lại phục vụ cho đất nước của mình.

Còn xót xa nào như của những chiến sĩ VNCH đang bị giam cầm trong nhà tù đối phương, mà nghe tin thua trận, quốc gia đầu hàng, không còn con đường về. Người lính TQLC Cao Xuân Huy bị địch bắt trên đường lui binh, trong nhà tù, nghe tin miền Nam thất trận, đang châm thuốc lào, cây đóm cháy đến tay mà không biết nóng. Phi công trực thăng Chung Tử Bửu gãy cánh ở Hạ Lào, trong khi đang bị đày lên Thạch An, Đông Khê, Cao Bằng (BắcViệt,) cùng những tù binh miền Nam, nghe tin Saigon thất thủ mà lòng tan nát.

Trong một quốc gia thất trận, khốn khổ đổ lên đầu dân chúng, nhưng người lính vẫn là người chịu trách nhiệm và nhận sự nhục nhã. Vì vậy mà chúng ta đã có những tướng lãnh và quân nhân can trường tự sát trong ngày lui binh để cho chúng ta còn có thể hãnh diện vì có những đồng đội như thế!

Ai bị địch quân cầm tù ngoài chiến trận cũng hy vọng được giải thoát, được có ngày trở về nhà bằng cách này hay cách khác, vượt thoát, chiến thắng hay qua điều đình, nhưng người lính miền Nam thì không.

Đành rằng cũng có những người cựu chiến binh Hoa Kỳ bị hoàn cảnh nghiệt ngã xô đẩy trở thành những kẻ không nhà, nhưng những người tù binh miền Nam, ra khỏi nơi giam cầm phải chịu bao nhiêu cảnh ngang trái đau lòng. Chúng ta trở về không phải trên thảm đỏ, mà trên con đường cát bụi gập ghềnh với bao nhiêu nỗi khó khăn khuất mặt đang chờ đón.

Ngày nay những người tù miền Nam lưu lạc trên khắp trái đất này, nhưng cũng như có người cam phận ở lại, chịu số phận lưu vong ngay trên quê hương mình.

Những cuộc hội ngộ cựu tù nhân chiến tranh của Hoa Kỳ (POW,) đã từng bị giam cầm ở Bắc Việt thì thỉnh thoảng chúng ta mới biết đến, nhưng những cuộc hội ngộ chúng ta, những quân nhân VNCH đã mang số phận tù đầy dưới danh từ mỹ miều là “cải tạo” ở hải ngoại này thì có rất nhiều. Người Mỹ chỉ có một hội “Hoả Lò,” trong khi chúng ta có hàng chục Hội Tù qua những địa danh ở hai miền, Nam phải kể Bình Điền- Ái Tử, Quảng Nam- Đà Nẵng, Hàm Tân, Suối Máu; Bắc có Yên Bái- Phong Quang- Vĩnh Quang, Nam Hà, Thanh Phong, Phú Sơn, Nghệ Tĩnh…Những cuộc hội ngộ Tù Binh Mỹ không có vinh danh người vợ tù, như những vợ, người mẹ Việt Nam đã trải qua những ngày bữa đói, bữa no, đã từng theo những chuyến xe trâu, băng đồng, vượt suối thăm chồng, vì những người vợ nhà ở Mỹ còn có quyền lợi lãnh tấm check lương của chồng, nhưng người tù miền Nam thì không?

Phi Công Everett Alvarez, đã ở trong nhà tù Hoả Lò Bắc Việt 8 năm 7 tháng, nhưng những người tù miền Nam đã ở trong tay “anh em” của họ, nhiều nhất là 17 năm.

Đại tá Nguyễn Công Vĩnh ở tù Việt Bắc hai lần. Trong trận chiến 1972, khi chúng ta còn chính phủ, ông chỉ ở tù một năm, sau đó (1973) được trao trả tù ninh. Năm 1975 khi mất nước, thời gian ở tù của ông kéo dài 13 năm. Không còn đơn vị, không còn cấp chỉ huy, không còn đồng đội, trong cảnh “sẻ nghé tan đàn,” mỗi người để buông trôi theo số phận an bài. Không ít anh em tan nát gia đình, sống đơn độc, quạnh hiu cho tới ngày cuối đời trong một căn nhà dưỡng lão nào đó, mà không ai biết đến sự ra đi của mình.

Nếu không có nước Mỹ, quốc gia đã dấn thân vào cuộc chiến bảo vệ cho miền Nam, một lần nữa điều đình với kẻ thù cho chúng ta được sống tự do, cuộc sống của hằng trăm nghìn tù nhân “cải tạo” và gia đình sẽ ra sao?

Quả thật là hôm nay chúng ta có tự do, nhưng là tự do của một người tỵ nạn, bị bứt gốc rễ khỏi quê hương. Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người lưu vong Tây Tạng đã cho rằng tự do này là thứ “tự do trong lưu đày.” Tâm sự của ông Quách Tòng Đức, một nhân vật của thời Đệ I Cộng Hoà thì: “Lưu đày, dù trên mảnh đất dân chủ, chưa phải là Tự Do, Người Việt tha hương, vào tuổi gần đất xa trời, vừa đau buồn hướng về Đất Mẹ, vừa thao thức tự vấn như Thôi Hiệu trong bài thơ Đường Hoàng Hạc Lâu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!”

(Quê nhà biết ở nơi đâu?

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

Tản Đà.)

Sunday, November 1, 2020

NHÀ NGÔ THỨ NHÌ NẰM XUỐNG LOẠN LẠC NỔI LÊN

TS Nguyễn Tiến Hưng


Lăng Ngô Quyền
Chụp lại hình ảnh,

Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm: con trai ông là Ngô Xương Văn, tức Nam Tấn Vương đã cầm quyền được 15 năm rồi bị bắn chết ở vùng nay là Sơn Tây

Năm 963 khi vua Ngô Xương Văn (tự là Nam tấn Vương) bị sát hại, Việt Nam rơi vào cảnh hỗn loạn Thập nhị sứ quân.

Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, nhà sử học Trần Trọng Kim viết: "Thế lực nhà Ngô bấy giờ mỗi ngày một kém, giặc giã nổi lên khắp mọi nơi. Nam Tấn Vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Khi đi đánh giặc ở hai thôn Thái-Bình, không may bị tên bắn chết."

Sau khi vua Ngô Xương Văn chết đi thì "Lúc bấy giờ trong nước có cả thảy 12 sứ quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn 20 năm... Trong số này có Tướng của thời nhà Ngô tên là Đỗ Cảnh Thạc cũng giữ một chỗ, xưng là Sứ quân."

Năm 1963 - đúng 1,000 năm sau, một nhà Ngô nữa bị sát hại và cảnh Thập nhị sứ quân lại tái diễn.

Tướng Charles de Gaulle đã từng nói "Après moi le deluge" (Sau ta là hồng thủy).

Tuy không nói ra nhưng chắc Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã nghĩ 'Sau ta là bão tố.'

Cơn lốc chính trị, quân sự, xã hội tại Miền Nam sau ngày đảo chính đã tàn phá Miền Nam đến mức nào thì nhiều độc giả (cao niên) còn nhớ.

Tình trạng rối ren ở Sàigòn đã ảnh hưởng sâu xa tới tình hình quân sự. Trong một điện tín gửi về Washington, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã kèm theo luôn một báo cáo của đại diện USOM ở tỉnh Long An (ngày 7 tháng 12, 1963) nói về tình hình an ninh suy giảm quá mạnh.

Rồi ông phàn nàn: "Tôi thật bối rối vì thấy thiếu quyết tâm chiến đấu: các thành viên của tập đoàn tướng lãnh cho tôi những câu trả lời thật tuyệt vời và rõ ràng, và nói cái gì cũng hay hết, nhưng những việc gì đang xảy ra thì chẳng có là bao nhiêu."

Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Chỉ một tháng trước đó, vài ngày sau đảo chánh, ông Lodge đã báo cáo về Washington:

"Chúng ta không nên bỏ qua mà không để ý tới ý nghĩa của cuộc đảo chánh, đó là nó sẽ có thể giúp rút ngắn cuộc chiến này để cho người Mỹ được sớm trở về nuớc mình."

Nếu như tình hình ở Miền Nam bất ổn thì vào thời điểm này, tình hình chính trị tại Hoa Kỳ cũng trở nên phức tạp.

Đúng ba tuần sau cái chết của Tổng thống Diệm thì Tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas. Phó Tổng thống Lyndon Johnson lên kế vị.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson (trái) và Tổng thống JF Kennedy (phải) đón Thủ tướng Nehru của Ấn Độ thăm Hoa Kỳ
Chụp lại hình ảnh,

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson (trái) và Tổng thống JF Kennedy (phải) đón Thủ tướng Nehru của Ấn Độ thăm Hoa Kỳ

Cơn khói lửa bùng lên

Ngay từ lúc còn làm Phó cho Tổng thống, ông Johnson đã cố vấn cho Tổng thống Kennedy rằng "Nếu chúng ta buông xuôi tại vùng Đông Nam Á thì phải rút tuyến quốc phòng của Hoa Kỳ về tận San Francisco."

Lên chức tổng thống, việc đầu tiên ông làm là tham khảo đại sứ Cabot Lodge về Việt Nam. Ông Lodge báo cáo về tình hình đen tối tại Sàigòn.

Sau đảo chính, bây giờ lại khó khăn, rối ren hơn nhiều, và lãnh đạo ở Sàigòn lại đang có khuynh hướng đi về hướng chính sách 'trung lập.'

Ông Lodge kết luận là cần phải có ngay những quyết định hết sức khó khăn "và Ngài phải lấy những quyết định ấy." Tổng thống Johnson tuyên bố không lưỡng lự:

"Tôi sẽ không để mất Việt Nam, tôi sẽ không là người Tổng thống đầu tiên để cho Đông Nam Á sụp đổ giống như Trung Quốc đã sụp đổ."

Ngày 8 tháng 3, 1965 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng.

Cuộc chiến khói lửa bắt đầu bùng nổ.

Các góc cạnh của đảo chính

Về bối cảnh đưa tới đảo chính thì chúng tôi đã đề cập trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào (KĐMNV) dựa trên các chứng cớ là các văn kiện được giải mật ngày 13 tháng 6, 2011. Nơi đây chúng tôi chỉ nhắc lại vài nét đại cương.

1960 - Bước ngoặt của bang giao Việt - Mỹ

Sau năm năm vàng son vừa phát triển vừa hòa bình (1955-1960), tình hình quân sự và chính trị Miền Nam bắt đầu chuyển hướng vào năm 1960.

Về quân sự thì lực lượng cộng sản đã bắt đầu tấn công vùng đồng bằng với những trận đánh vào dịp Tết tại Bến Tre và Tây Ninh ở Tây bắc Sàigòn. Về chính trị thì chính phủ Diệm càng ngày càng bị chỉ trích là độc tài, phe đảng và tham nhũng.

Cuối mùa Xuân 1960 một nhóm nhân sĩ họp ở Khách sạn Caravelle nhau kiến nghị Tổng thống Ngô Đình Diệm phải cải tổ toàn bộ chính phủ và chính sách ("Tuyên ngôn Caravelle"), nhưng ông Diệm cho rằng có Mỹ đứng đàng sau giật giây vì khuyến nghị này lại giống y như những lời cố vấn của Đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow.

Ssau này, ông Durbrow đã xác nhận là chuyện này có thật.

Tới mùa Thu 1960 thì có đảo chính: đạn bắn vào ngay phòng ngủ của Tổng thống Diệm. Đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow cố vấn ông nên điều đình với phe đảo chính. Sau khi đảo chính thất bại, Durbrow lại khuyên ông nên khoan hồng cho những sĩ quan liên quan.

Thế là từ bấy giờ giữa Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ thì cơm chẳng còn lành và canh cũng chẳng còn ngọt.

1961 - Thuở ban đầu với tân tổng thống John F. Kennedy

Mối giây liên lạc Việt - Mỹ đang căng thẳng cuối năm 1960 bỗng đổi chiều vào đầu năm 1961 khi Hoa Kỳ có Tổng thống mới.

Nghị sĩ John F. Kennedy lên kế vị TT Dwight Eisenhower. Ở tuổi 42, ông là tổng thống Mỹ trẻ nhất. Ngày đăng quang ông hùng biện tuyên bố một lập trường hết sức cứng rắn 'để bảo đảm sự sống còn và sự thành công của tự do.'

Tổng thống Diệm nhận được bức thư đầu tiên của TT Kennedy đề nghị Hoa Kỳ tiếp tay với ông để 'tăng cường nỗ lực chiến thắng và đẩy mạnh sự tiến bộ kinh tế và xã hội của Việt Nam.'

Ông Diệm hân hoan đáp ứng lời đề nghị này, nhưng đặt trên căn bản là "vì quyền lợi chung của cả hai nước" (chứ không phải chỉ vì quyền lợi của VNCH). Tình nghĩa hai bên thật nồng nàn, thắm thiết vào thuở ban đầu của nhiệm kỳ Kennedy.

1962 - Mỹ quyết định bỏ Lào

Mặc dù đã tuyên bố một lập trường rất cứng rắn, Tổng thống Kennedy đã quyết định bỏ Lào. Ông Diệm hết sức lo ngại: liệu những hành động quyết liệt của ông Kennedy có bền vững hay không?

Lúc ấy thì tình trạng Lào đã tác động mạnh mẽ vào tâm lý của các lãnh đạo ở Đông Nam Á. Chính phủ Diệm rất nghi ngờ về ý chí của Hoa Kỳ.

Lào
Chụp lại hình ảnh,

Lực lượng cộng sản hành quân tại Lào. Quyết định của Kennedy "bỏ Lào" khiến chính quyền của TT Diệm nghi ngờ các cam kết của Mỹ

Chính tình báo Mỹ NIE đã thẩm định rằng: "đã có những cảm nghĩ hết sức sâu đậm ở Đông Nam Á về những biến chuyển mới đây về khủng hoảng ở Lào. Các chính phủ nơi đây có khuynh hướng cho rằng cuộc khủng hoảng Lào là một thử thách tượng trưng giữa sức mạnh của Tây phương và Khối Cộng sản. Liệu Hoa kỳ có tiếp tục bảo vể vùng này hay không? Thử thách rõ ràng nhất là khả năng bền vững của chính sách Hoa kỳ tại Việt Nam."

Ngày 21 tháng 4, trong một báo cáo, ông Edward Landsdale (CIA) nhận xét về Việt Nam:

"Về tâm lý - Việt Nam luôn nghĩ mình mới là đối tượng chính - và họ tự hỏi 'khi tới lần chúng tôi, liệu sẽ có bị đối xử giống như Lào không.' Chính sách của Mỹ đã biến Lào thành nước 'trung lập' với một chính phủ liên hiệp, làm cho TT Diệm hết sức lo âu vì nghĩ rằng sau Lào thì Mỹ sẽ tính đến việc trung lập hóa Việt Nam và áp đặt một chính phủ liên hiệp với Cộng sản. Bởi vậy, Landsdale cho rằng việc chính là phải làm sao cho chính phủ Miền Nam tin tưởng rằng việc rút lui ở Lào không có nghĩa là sẽ rút khỏi Việt Nam."

Để làm tăng thêm sự tin tưởng vào Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Lyndon Johnson được gửi sang thăm viếng Tổng thống Diệm với sứ mệnh của Tổng thống Kennedy là phải 'tuyên bố sự ủng hộ mãnh liệt của Hoa Kỳ và lòng tin tưởng vào Tổng Thống Diệm." Ông Johnson trao cho ông Diệm bức thư của tân Tổng Thống Hoa Kỳ. Bức thư thuở ban đầu thật nồng nàn, thắm thiết.

Tuy nhiên, Tổng thống Diệm không hoàn toàn tin tưởng. Trong bức thư phúc đáp ông nói tới sự lo ngại về Lào:

"Những biến chuyển gần đây tại Lào đã làm nổi bật mối quan ngại trầm trọng của chúng tôi về nền an ninh của (VNCH) với những đường biên giới kéo dài và dễ bị tấn công..."

Để biết rõ sự suy nghĩ của Tổng thống Diệm, Đại sứ Nolting gặp Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần (Bộ trưởng Phủ Tổng thống) để tham khảo. Ông Thuần tiết lộ là đề nghị của Hoa Kỳ đã làm cho Ông Diệm hết sức ưu phiền, "hay là Hoa Kỳ đang sửa soạn để bỏ rơi Việt Nam…như là đã bỏ rơi Lào?"

Đi tìm giải pháp hòa bình

1963 - Mùa Xuân: yêu cầu Mỹ rút cố vấn

Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận lời chúc mừng từ Cao ủy Pháp Henri Hoppenot
Chụp lại hình ảnh,

Tháng 10/1955: Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận lời chúc mừng từ Cao ủy Pháp Henri Hoppenot

Số cố vấn Mỹ vào Miền Nam ngày một tăng nhanh. Tháng 4/1963: thêm 4,500 cố vấn và binh sĩ nữa.

Trạm trưởng CIA là ông William Colby sau này nhận xét: "Ngay từ đầu 1962 cơ quan CIA đã có những mối liên lạc và ảnh hưởng trên toàn lãnh thổ Miền Nam, từ cổng trước và cổng sau Dinh Độc Lập tới những xóm làng ở thôn quê…"

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post vào tháng 5 ông Nhu tuyên bố Mỹ có thể rút đi một nửa số cố vấn. Báo chí thổi phồng lên, Tổng thống Kennedy phật lòng, tuyên bố sẵn sàng rút đi.

Suy nghĩ lại về giai đoạn này, Đại sứ Pháp Lalouette, người đã chứng kiến và tham gia vào nhiều biến cố tại Việt Nam đã cho rằng "quyết định của ông Nhu vào hồi tháng 4 yêu cầu rút cố vấn cấp tỉnh đã là lý do chính để người Mỹ quyết định lật đổ ông Diệm."

1963 - Mùa Hè: khủng hoảng Phật Giáo

Vào chính lúc Washington đang nhắm vào ông Nhu thì một cơn bão tố nữa lại ập tới: khủng hoảng Phật Giáo, bắt đầu vào Lễ Phật Đản ngày 8 tháng 5. Xáo trộn leo thang rất nhanh. Viên chức Bộ Ngoại giao buộc tội chính phủ Diệm đã 'phá nát chùa chiền.'

Để đánh giá lại chính phủ Diệm, một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ do Dân biểu Clement Zablocki (Wisconsin) hướng dẫn gồm 8 thành viên đi Sàigòn để thẩm định tình hình. Phái đoàn tiếp xúc với rất nhiều thành phần chống Tổng thống Diệm cũng như với ĐS Lodge và các quan chức Mỹ và báo chí ở Việt Nam. Trở về Washington, ông Zablocki đã nộp bản báo cáo bênh vực Tổng thống Diệm là người - tuy có nhiều khuyết điểm, chuyên quyền, và khoan dung cho hối lộ, áp bức, nhưng ông ta có khả năng bền bỉ và đang chiến thắng.

Mà cũng không ai thay thế được ông ta. Zablocki đặt nặng trách nhiệm của báo chí: "báo chí đã ngạo mạn, dễ bị kích động, thiếu khách quan, và không có những thông tin trung thực" trong những tin tức, bình luận về biến cố Phật Giáo cũng như về Tổng thống Diệm.

Ngô Đình Diệm
Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Ngô Đình Diệm thăm Đài Loan và được Thống chế Tưởng Giới Thạch đón

Mặc dù phái đoàn nhận xét như vậy, nhưng giới truyền thông vẫn tiếp tục tấn công. Cho nên tình hình Việt - Mỹ vào cuối hè 1963 đã trở nên căng thẳng tới mức có tin đồn là Nhà Ngô định ám sát tân Đại sứ Lodge.

1963 - Sang Thu: khả năng ông Nhu định điều đình với Bắc Việt.

Trong tình huống sôi động ấy lại có tin ông Nhu định điều đình với Bắc Việt. Đại sứ Lodge (vừa tới Sàigòn được một tuần) thông báo ngay về Washington rằng chính ông cũng có nghe như vậy.

Về sự việc này thì ngày nay ta đã có thêm tài liệu để soi sáng cho rõ hơn về ý định của hai ông Diệm và Nhu muốn đi tìm một giải pháp hòa bình vì biết trước sau rồi Mỹ cũng bỏ Miền Nam.

Nhưng vào lúc ấy thì sau điện tín của ông Lodge, ông Roger Hilsman (Giám đốc Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại Giao) đã bình luận về mục tiêu tối thiểu và tối đa của ông Nhu rồi đi tới kết luận:

"Ông Nhu đã quyết định dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, cho nên ta không thể nào tiếp tục con đường hòa giải với ông ta được nữa."

Tới đây, ông Nhu trở thành mục tiêu duy nhất của Hoa Kỳ

Trong một điện tín gửi cho ĐS Lodge (công điện số 272), Tòa Bạch Ốc nói về việc có nên thử nói với ông Diệm hãy loại bỏ ông bà Nhu hay không, đã kết luận rằng "sẽ không thành công nếu chỉ thuyết phục suông," trừ phi "đưa ra một lời răn đe dọa cắt viện trợ."

Thế nhưng nếu răn đe như vậy thì "có nguy cơ rất cao là ông Diệm sẽ coi đó là chỉ dấu sắp có hành động chống lại ông và ông bà Nhu đến nơi rồi, và tối thiểu rất có thể ông ta sẽ có biện pháp mạnh đối với các Tướng lãnh hay thậm chí có hành động quái đản thí dụ như kêu gọi Bắc Việt yểm trợ để trục xuất người Mỹ đi."

Quá là nhanh, chiều ngày 31 tháng 8, ông Lodge báo cáo Washington ngay về việc này rằng chính ông ta cũng đã "có nghe tin ông Nhu đã bí mật giao thiệp với Hà Nội và Việt Cộng qua Đại sứ Pháp (Lalouette) và Ba Lan (Maneli), cả hai chính phủ các nước này đều tán thành một giải pháp trung lập giữa Bắc và Nam Việt Nam." Như vậy là đã trật đường ray!

Về việc điều đình hiệp thương Nam - Bắc, theo sự nghiên cứu của chúng tôi thì có hai nhân chứng khả tín là ông Mieczyslaw Maneli (Trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến), người trực tiếp làm môi giới giữa Bắc - Nam và ông Cao Xuân Vỹ (Đặc trách Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa) là người đã cùng đi với ông Ngô Đình Nhu gặp ông Phạm Hùng. Bởi vậy, ta nên xem hai ông đã thuật lại như thế nào?

Ông Cao Xuân Vỹ:

Quân Mỹ
Chụp lại hình ảnh,

Giờ cầu nguyện của Thủy quân lục chiến Mỹ trên bãi biển gần Đà Nẵng

Đại cương: theo tác giả Minh Võ thì ông Vỹ đã kể lại trong một cuộc phỏng vấn như sau:

"Về các điều kiện để hiệp thương thì nhiều lần Tổng Thống Diệm đã nói, phải có 6 giai đoạn,

  • - Bắt đầu bằng việc cho dân hai miền trao đổi thư tín tự do.
  • - Rồi cho dân qua lại tự do.
  • - Thứ 3 là cho dân hai bên được tự do chọn định cư sang bên kia nếu muốn.
  • - Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn.
  • - Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương.
  • - Và sau cùng là tổng tuyển cử (để thống nhất trong hòa bình).

Ông Mieczyslaw Maneli nói gì?

Ngày 15 tháng 2, 1975 (hai năm sau khi Hòa Đàm Paris ký kết) ông đã viết một bài tên tờ Washington Post với tựa đề: 'Vietnam: 63 and Now' và nói rằng giải pháp hòa bình do ông làm môi giới năm 1963 nếu thành công thì đã thuận lợi cho Miền Nam và Thế giới Tự Do hơn Hiệp định Paris đầu năm 1975 rất nhiều. Ông kể lại:

"Mùa Xuân năm 1963, Đại sứ Pháp Lolouette nói với tôi là Tổng thống Diệm và bào đệ của ông có nhờ tôi tìm hiểu với Chính Phủ Hà Nội xem có khả năng nào để giải quyết cuộc chiến bằng phương tiện hòa bình hay không. Trong mấy tháng sau đó tôi đã thảo luận nhiều với giới lãnh đạo cao cấp nhất kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Câu hỏi căn bản tôi đặt ra cho họ là: trong trường hợp Mỹ rút khỏi Miền Nam, những bảo đảm thực sự nào Miền Bắc có thể đem ra để chứng tỏ rằng một Việt Nam thống nhất sẽ không phải là một nước của thế giới Cộng sản? Lãnh đạo Miền Bắc thảo luận nhiều lần và dần dần đi tới một kế hoạch mà tôi đã dựa vào đó để thảo luận với một nhóm các đại sứ Tây phương. Theo như kế hoạch này, hai Miền Bắc - Nam sẽ từ từ đi từng bước bắt đầu từ liên lạc bưu chính, kinh tế, văn hóa. Sản phẩm kỹ nghệ Miền Bắc sẽ được dùng để mua thóc gạo Miền Nam.

"Miền Bắc sẽ không đòi hỏi phải thống nhất nhanh chóng, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập tại Miền Nam. Tôi hỏi liệu ông Diệm có thể là lãnh đạo của chính phủ này hay không? Tới mùa hè 1963 thì câu trả lời sau cùng là có. Sau đó, tôi lại hỏi thêm: nhưng làm sao phía Thế giới Tự do có thể tin rằng Hà Nội sẽ giữ lời hứa? Câu trả lời là nếu Mỹ đồng ý rút, Miền Bắc sẽ sẵn sàng đưa ra những bảo đảm có thực chất, gồm cả việc Mỹ tham dự vào việc giám sát giải pháp hòa bình… ngoài ra Miền bắc cũng sẽ có quan hệ ngoại giao và thương mại với thế giới Tự do, và sau cùng nhưng rất quan trọng, là quyền lực về kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ sẽ vẫn còn nguyên, không bị bớt đi vì cuộc chiến (cũng sẽ là một bảo đảm nữa)."

Chúng tôi cho rằng về phía Miền Bắc, rất có thể động cơ chính để điều đình là yếu tố kinh tế: đó là khủng hoảng thực phẩm năm 1963 tại miền Bắc. Tình hình thiếu hụt thực phẩm năm ấy đã trở nên khủng hoảng sau những cơn hạn hán rất nặng và bão tố kéo dài từ mùa Xuân 1961 tới mùa Đông 1962. Như chúng tôi đã có dịp phân tích trong cuốn Economic Development in Socialist Vietnam, 1955-1975 (New York: Praeger Publisher, 1977): trong những năm không bị thiên tai như lụt lội, bão tố, hay hạn hán, Miền Bắc cũng vẫn phải dựa vào thóc gạo của Miền Nam thì mới đủ ăn.

Như vậy thì đại cương về những bước liên lạc hiệp thương, lập trường trung lập để đi tới thống nhất thì đại cương, điều ông Maneli viết cũng giống như những gì ông Vỹ kể lại.

Ông Roger Hilsman bình luận về hai mục tiêu của ông Nhu

Ngày 16 tháng 9, ông Hilsman viết một Bản Ghi Nhớ, bình luận về mục tiêu tối thiểu và tối đa của ông Nhu:

  • tối thiểu là sẽ "giảm mạnh số người Mỹ đang giữ những chức vụ chính yếu tại các tỉnh và trong chương trình ấp Chiến Lược," và
  • tối đa là ông ta sẽ "điều đình với Bắc Việt để ngưng chiến, rồi chấm dứt sự có mặt của Mỹ, đi tới một Miền Nam trung lập hoặc theo kiểu Tito (ở Nam Tư) nhưng vẫn là một phần đất riêng biệt."
Quân Mỹ
Chụp lại hình ảnh,

Quân Mỹ giao tranh với lực lượng Bắc Việt ở Nam Việt Nam

Hilsman kết luận rằng "ông Nhu đã quyết định dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, và bởi vậy, không thể nào tiếp tục con đường hòa giải với ông ta bằng cách dùng ngoại giao và thuyết phục được nữa, mà phải theo con đường dùng áp lực.

Tướng Taylor và Bộ trưởng McNamara đổ thêm dầu vào lửa:

Tiếp theo đó là chuyến viếng thăm Sàigòn từ ngày 23 tháng 9 tới 2 tháng 10 của phái đoàn Taylor-McNamara. Khi trở về Washington hai ông báo cáo tình hình quân sự là tốt, bênh ông Diệm và cho rằng Hoa kỳ không nên đôn đốc một cuộc đảo chính, và chỉ nên dùng áp lực viện trợ. Tuy nhiên, trong báo cáo, hai ông lại thêm một nhận xét là "Sự ve vãn của ông Nhu với ý định điều đình (với Hà Nội) - cho dù là nghiêm chỉnh hay không đi nữa - cũng đã cho thấy có sự bất tương phùng căn bản đối với những mục tiêu của Hoa Kỳ."

Ngày 5 tháng 10, ngày định mệnh của Tổng thống Diệm

Sau báo cáo Taylor-McNamara, thì có tới 7 sự việc không may xảy ra cho TT Diệm vào ngày này (xem KĐMNV, Chương 21).

Thí dụ như lần đầu tiên trong nhiều tuần lễ, một nhà sư nữa tự thiêu tại bùng binh Chợ Bến Thành lúc 12 giờ 25 trưa. Đó là Đại Đức Thích Quảng Hương. Đây là vụ tự thiêu thứ sáu kể từ Hòa thượng Thích Quảng Đức. Washington cực lực phản đối về việc chính phủ Sàigòn cấm cản báo chí chụp ảnh về vụ này. [Chúng tôi còn nhớ vào thời điểm ấy, báo chí và tivi Mỹ phổ biến rất rộng rãi những vụ tự thiêu, dân chúng hết sức xúc động. Câu chuyện ở Washington lúc ấy chỉ xoay quanh vụ này].

Thêm vào đó là áp lực chính phủ Diệm phải đặt những cuộc di chuyển của Lực Lượng Đặc Biệt phòng vệ tổng thống do Đại tá Tung chỉ huy dưới quyền của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội. Như vậy là lực lượng này bị bó tay để hết ngăn chận đảo chính.

Tổng thống Diệm đã gặp nhiều sự may mắn vào tháng 10 trong những năm trước:

Tháng 10, 1954: vào lúc khủng hoảng chính trị đang nóng bỏng ở Sàigòn và Pháp đang âm mưu loại bỏ Thủ tướng Diệm, TT Eisenhower đã viết bức thư đầu tiên, thông báo quyết định của Hoa Kỳ viện trợ thẳng cho Việt Nam thay vì qua chính phủ Pháp:

"Tôi đã chỉ thị cho Đại sứ Mỹ ở Việt Nam để xem xét với Ngài, với tư cách Ngài là Lãnh đạo của Chính phủ, làm sao để một chương trình của Hoa Kỳ viện trợ thẳng cho Chính phủ của Ngài có thể yểm trợ được nước Việt Nam trong giờ phút thử thách này…"

  • Tháng 10, 1955: Việt Nam Cộng Hòa khai sinh và ông Diệm trở nên tổng thống đầu tiên.
  • Tháng 10, 1956: cột trụ của chính thể mới là Hiến Pháp của nền Cộng Hòa bắt đầu có hiệu lực.
  • Tháng 10, 1960: Tổng thống Eisenhower viết thư cho Tổng thống Diệm ca ngợi thành quả của ông Diệm và nhân dân Miền Nam: "Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ thật nhanh chóng."
  • Tháng 10, 1961, nhân dịp kỷ niệm sáu năm thành lập VNCH, Tổng thống Kennedy viết cho Tổng thống Diệm: "Thành tích mà Ngài đã đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ Miền Bắc đã nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất và được điều hành tốt nhất trong thời hiện đại."

Thế nhưng tháng 10 năm 1963 thì những sự khuyến khích và cơ may ấy đã không còn nữa: Tổng thống Diệm sửa soạn hành trình để đi về thế giới bên kia khi tháng 11 bắt đầu.

Ngày ám sát Tổng thống

Buổi sáng hôm ấy, ngày 2/11/1963, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang khắp nơi, báo hiệu đã tới giờ đại lễ, các tín đồ Công giáo cầu xin Thiên Chúa xá tội để những người đã quá cố được sớm về cõi trường sinh. Lúc ấy, trong số những vong linh được cầu nguyện, đã có thêm hai linh hồn nữa. Họ vừa mới thoát khỏi chốn trần gian này mấy phút trước đó.

Kinh cầu ở các thánh đường vang lên: "Requiescat in pace" xin Thiên Chúa cho tất cả được an nghỉ.

Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chọn ngày 1 tháng 11 là ngày Quốc Khánh.

Hằng năm, khi tới ngày này, với tư cách tổng thống, ông Nguyễn Văn Thiệu, người đã tham gia đảo chính, mở tiệc khoản đãi ngoại giao đoàn và quan khách theo thủ tục ngoại giao.

Giáo hoàng Paul VI và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Chụp lại hình ảnh,

Đức Giáo hoàng Paul VI đón Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm Vatican năm 1970. GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết ông Thiệu vẫn cầu nguyện cho Tổng thống Diệm mỗi năm dịp 02/11

Nhưng cùng ngày đó, trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ tại Dinh Độc Lập, hai vợ chồng ông dự thánh lễ để tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổng thống Diệm.

Vị linh mục làm lễ, Cha Khổng Minh Giác hỏi về ý chỉ trong buổi lễ, và ông Thiệu đáp: "Xin cho linh hồn Người sớm được về nơi Diễm Phúc, và xin người cầu cho chúng tôi trong giờ phút nguy khốn này."

Ông Thiệu an ủi ông Diệm nơi thế giới bên kia - nhưng ông cũng đang cầu nguyện vừa cho ông Ngô Đình Diệm vừa cho chính mình.

Tổng thống Diệm ra đi đã mang theo với ông viễn tượng hòa bình cho Việt Nam. Trong cuốn 'A Death in November,' tác giả Ellen Hammer thuật lại lời của Đại sứ Pháp Lalouette nói với Đại sứ Maneli, người môi giới hiệp thương giữa Nam-Bắc:

"Nếu Mỹ lật đổ ông Diệm, cơ hội cuối cùng về hòa bình ở Việt Nam sẽ bị phá hủy. Vì bất cứ ai lên thay ông ta cũng sẽ phải lệ thuộc vào Mỹ. Chỉ mình ông Diệm là người độc lập đủ để may ra có thể vãn hồi được hòa bình."

Lịch sử miền Nam Việt Nam sau đó diễn ra thế nào thì chúng ta đã biết.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh Tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh Nhảy vào (2016)

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-41843675

Monday, October 5, 2020

CHIẾN DỊCH MỸ HẠ SÁT ĐÔ ĐỐC NHẬT CHỈ HUY TRẬN TRÂN CHÂU CẢNG


See the source image
Đô đốc Isoroku Yamamoto

See the source image


See the source image

Bất chấp thất bại trong trận Midway năm 1942, Nhật vẫn kiên quyết không đầu hàng, thúc đẩy Mỹ lên kế hoạch hạ sát đô đốc Isoroku Yamamoto.
Yamamoto, đô đốc nổi tiếng nhất của hải quân Nhật khi đó, là người chỉ huy cuộc tập kích bất ngờ vào căn cứ Mỹ ở Trân Châu Cảng hồi tháng 12/1941. Chỉ trong hai giờ, đợt tấn công đã phá hủy 4 tàu chiến, gần 190 phi cơ, khiến hơn 2.000 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 1.200 người bị thương. Trận đánh này được coi là "nỗi nhục" với Mỹ và dẫn tới quyết định tham gia Thế chiến II.
Yamamoto được đánh giá là một người tài năng và vô cùng thông minh, nhận được sự tôn trọng từ cả hai bên chiến tuyến. Trước chiến tranh, ông đã sống vài năm tại Mỹ và học ở Đại học Harvard, nên từng phản đối cuộc chiến với nước này, thậm chí là việc gia nhập Hiệp ước Ba bên với Đức và Italy, hình thành nên phe Trục.
Mục tiêu của Yamamoto chỉ là một lòng phụng sự đất nước. Dù nhận thức được rằng Nhật đã lựa chọn con đường sai lầm, đô đốc này vẫn hỗ trợ tổ quốc hết sức có thể.

See the source image
Đô đốc Isoroku Yamamoto của hải quân Nhật Bản trong Thế chiến II. Ảnh: Dan Hampton
 
See the source image
Vị trí máy bay chở Đô đốc Yamamoto bị bắn hạ. 
tia-chop-p-38-tiem-kich-ban-ha-nhieu-may-bay-nhat-the-gioi
Chiến đấu cơ P-38 Lightning (Tia chớp)
See the source image
 
See the source image
Trung úy Rex Barber của Mỹ là người khai hỏa vào oanh tạc cơ đầu tiên
See the source image
See the source image

"Trong 6-12 tháng đầu tiên của cuộc chiến với Mỹ và Anh, tôi sẽ hành động quyết liệt và lần lượt giành chiến thắng. Nhưng nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó, tôi không kỳ vọng vào thành công", Yamamoto nói trong một cuộc họp với nội các Nhật, điều sau này trở thành hiện thực với thất bại nặng nề của hải quân Nhật trong trận Midway, sự kiện định đoạt mặt trận Thái Bình Dương.
Ngày 14/4/1943, các chuyên gia mật mã Mỹ đã thu thập và giải mã được một bức điện về kế hoạch thị sát của Yamamoto tại Quần đảo Solomon. Bức điện chứa nhiều thông tin chi tiết, như thời gian khởi hành, địa điểm, tuyến đường bay chính xác, thậm chí cả số lượng và loại máy bay được triển khai làm nhiệm vụ này, tạo thời cơ cho Mỹ hạ sát đô đốc Nhật.
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt khi đó tỏ ra dứt khoát và không suy tính gì thêm sau khi nghe về Chiến dịch Báo thù. Kế hoạch được tất cả thành viên trong bộ máy lãnh đạo Mỹ phê chuẩn chỉ trong vòng ba ngày, thuộc loại nhiệm vụ tuyệt mật và khẩn cấp.
Chiến đấu cơ P-38 Lightning (Tia chớp), một trong những loại chiến đấu cơ hiệu quả nhất thế giới, được lựa chọn thực hiện chiến dịch nhờ khả năng bay đường xa vượt trội hơn bất kỳ máy bay nào khác trong kho vũ khí của Mỹ. Phi đội gồm 18 chiếc P-38 chỉ biết họ được giao nhiệm vụ "đánh chặn một quan chức cấp cao" của Nhật. Trong mỗi tốp 4 chiến đấu cơ sẽ có một chiếc nhận trách nhiệm "tiêu diệt", số còn lại yểm trợ cho chiến đấu cơ tấn công.
Các sĩ quan tham mưu Mỹ đặt ra khả năng máy bay chở Yamamoto di chuyển theo đường thẳng từ Rabaul, Papua New Guinea, đến sân bay Balalae trên quần đảo Solomon, dài khoảng 507 km. Dựa vào đó, Washington phải dự đoán thời gian và vị trí đụng độ, đồng thời hy vọng các phi công Nhật không trì hoãn chuyến bay hoặc thay đổi tuyến đường.
Tướng John Mitchell, chỉ huy Chiến dịch Báo thù, tính toán rằng vụ đánh chặn sẽ xảy ra vào 9h35 sáng 18/4/1943, vài phút trước khi máy bay chở Yamamoto hạ cánh xuống Balalae.
7h hôm đó, chỉ có 16 chiến đấu cơ P-38 cất cánh từ sân bay Kukum Field trên đảo Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon, do hai chiếc gặp trục trặc. Thêm vào đó, phi đội phải tránh radar và vùng biển địch kiểm soát bằng cách bay thấp, ở độ cao hơn 12 m so với mực nước biển, hoàn toàn không trao đổi qua sóng vô tuyến suốt chặng đường dài 640 km.
Lực lượng Mỹ đã gặp may mắn khi mọi thứ diễn biến theo đúng dự tính ban đầu, không bên nào thay đổi kế hoạch. Trận không chiến bắt đầu lúc 9h34 gần đảo Bouganville thuộc Papua New Guinea. Các phi công Mỹ phát hiện hai oanh tạc cơ Mitsubishi G4M của Nhật được 6 chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zero hộ tống.

Vị trí máy bay chở Đô đốc Yamamoto bị bắn hạ. Đồ họa: Google.
Vị trí máy bay chở Đô đốc Yamamoto bị bắn hạ. Đồ họa: Google.

Trung úy Rex Barber của Mỹ là người khai hỏa vào oanh tạc cơ đầu tiên, bắn trúng động cơ bên phải khiến máy bay bốc cháy và rơi xuống rừng. Đây chính là phi cơ chở đô đốc Yamamoto. Oanh tạc cơ thứ hai chở phó đô đốc Matome Ugaki của Nhật cũng bị trung tá Besby Holmes bắn hạ và lao xuống biển.
Ugaki được giải cứu và sống sót, nhưng Yamamoto thì không. Đô đốc nổi tiếng của Nhật trúng hai phát đạn và tử vong trước khi máy bay rơi xuống. Thi thể ông được tìm thấy vào hôm sau, hỏa táng rồi gửi về Tokyo trên thiết giáp hạm Musashi, con tàu cuối cùng mà Yamamoto làm chỉ huy.
Một tháng sau, người dân Nhật được thông báo về cái chết của Yamamoto, mất mát được cho là to lớn với nước này. Ngược lại, tinh thần của người Mỹ dâng cao nhờ Chiến dịch Báo thù, khi một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của họ đã bị loại bỏ.
See the source image

Ánh Ngọc (Theo War History) Hình ảnh bổ sung Andy Van

See the source image


Monday, September 21, 2020

NỘI CÁC CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM

 

Nội các Đế quốc Việt Nam của Thủ tướng Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng

Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.
Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.
Nhân chuyện một cuốn sách của Trần Trọng Kim vừa bị thu hồi ở Việt Nam, các bạn tìm hiểu ít nhất năm việc lớn chính phủ của ông làm được năm 1945:
1. Lập lại quốc hiệu Việt Nam
Đây là tên nước 'ước mơ' của Hoàng đế Gia Long nhưng không được Thanh triều công nhận.
Tên nước Đại Nam do Vua Minh Mạng đặt đã bị Pháp xóa để lập ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong Liên bang Đông Dương.
Được Nhật Bản trao trả 'độc lập', vua Bảo Đại và chính phủ đã nhanh chóng tuyên bố quốc hiệu là Việt Nam.

Báo 'ĐIỆN TÍN' đăng tin Việt Nam tuyên bố Độc lập
Đây cũng là cái tên mà Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đặt cho các đảng phục quốc, cách mạng.
Riêng phái cộng sản chưa dùng tên này cho ba đảng đầu tiên của họ mà từ 1930 đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

"Lá cờ vàng là từ xưa nước ta vẫn dùng. Trong sách Quốc sử diễn ca nói khi bà Triệu Ẩu nổi lên đánh quân Tàu, đã dùng lá cờ ấy khởi nghĩa, nên có câu rằng: "Đầu voi phất ngọn cờ vàng". Vậy lấy sắc cờ vàng là hợp với cái ý cách mệnh của tổ quốc...Chữ ly còn có nghĩa là lửa, là văn minh, là ánh sáng phóng ra bốn phương."   Trần Trọng Kim  

Quốc hiệu Việt Nam do chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố với thế giới sau đã thành tên nước cho cả hai chế độ ở Nam và Bắc đến 1975 và ngày nay.

Đế quốc Việt Nam năm Bảo Đại 20 chọn cờ vàng ba sọc đỏ với một sọc đứt quãng theo quẻ Ly của Kinh Dịch làm quốc kỳ.
Nhà Nho học Trần Trọng Kim dẫn sử để nói đó là màu cờ vàng của Triệu Thị Trinh khi khởi nghĩa chống quân Ngô.
2.Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục
Dù có một số nỗ lực dùng tiếng Nhật thời Nhật Bản chiếm Đông Dương, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Việt và một số văn bản Hán ngữ đến năm 1945.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, đóng vai trò chính trong việc ra quyết định dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp.
Ông soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt và đưa bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Đây là cơ sở cho chương trình trung học trên toàn Việt Nam ở cả hai miền dưới hai chế độ đối nghịch.
Các sách giáo khoa chịu ảnh hưởng của giai đoạn Hoàng Xuân Hãn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu từ 1936 đến 1947.
Đó là thời gian ông xuất bản tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, soạn từ vựng danh từ khoa học Toán Lý Hóa cho người Việt Nam.
3.Đòi lại miền Nam để thống nhất lãnh thổ
Theo sử gia Lê Mạnh Hùng, ngày 16/06, Vua Bảo Đại ra tuyên bố thống nhất tương lai của ba kỳ về một.
Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ngay lập tức đàm phán với Nhật để đòi lại ba thành phố trực trị của người Pháp trước đó là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cuộc gặp của Trần Trọng Kim với gặp Trung tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật tại Đông Dương trong tháng 7 đã đem lại kết quả quan trọng.
Tân chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo ba đô thị lớn: Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh làm Thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).
Hà Nội thời Pháp: phố mang tên nhà thám hiểm thực dân Jean Dupuis ở lối vào Ô Quan Chưởng
Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên phố từ tên Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
Sang tháng 8/1945, Nhật Bản đồng ý trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Không có quân đội riêng, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ dựa vào tình thế và quyết tâm của các trí thức để đàm phán với Nhật Bản.
Nhưng về mặt chính trị, tâm lý dân tộc và hành chính, nhận lại Nam Kỳ là thành tựu có tính biểu tượng quan trọng.
Hành động này không chỉ xóa nỗi nhục bại trận - cuộc chiến mất nước của Đại Nam bắt đầu từ Nam Kỳ - mà còn duy trì giấc mơ thống nhất ba miền các bậc tiền bối nuôi dưỡng.
4.Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập
Dù không có thực quyền và không được các đại cường công nhận - bởi là chính quyền có quan hệ mật thiết với Đế quốc Nhật - Trần Trọng Kim, đã lập ra Hội đồng dự thảo Hiến pháp
 Hội đồng gồm các trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường.
Hiến pháp công nhận tự do lập nghiệp đoàn, các hội nghề nghiệp.
Tổng hội Công chức ra đời để làm lực lượng chính trị ủng hộ cho tân chính phủ.
Các hội đoàn thanh niên sau là cơ sở cho các phong trào vũ trang chống Pháp của cả phe cộng sản và cộng hòa.
Trong Tuyên chiếu 03/05/1945, vua Bảo Đại đã viết:
"Muốn cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến pháp.
Hiến pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của nhân-dân."
Đặc biệt, theo lời nhà vua, "Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả."
Tuy nhiên, hoạt động lập pháp này đã không hoàn tất được vì các công việc cấp bách hơn như cứu đói cho miền Bắc.
Theo sử gia Trần Gia Phụng, chính phủ Trần Trọng Kim tuy được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, đã hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.
5. Rút lui và trao quyền cho thế hệ cách mạng
Các hạn chế của chính phủ Trần Trọng Kim đã được nói đến nhiều, gồm cả việc không có Quốc hội, không có quân đội và không được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản.
Nội các này đã tan rã trong làn sóng cách mạng nổi lên và mục tiêu giành giật vùng ảnh hưởng của các đại cường.
Ý thức được những vấn đề đó, các trí thức trong chính phủ này đã chọn con đường trao lại quyền lực không đổ máu cho một chính quyền do Việt Minh lãnh đạo.
Được biết vua Bảo Đại đã không cho binh lính mai phục bắn vào nhóm thanh niên theo Việt Minh trèo lên kỳ đài ở Huế hạ cờ vàng và kéo cờ đỏ sao vàng lên cột ngày 21/08.
Tại Hà Nội, tuần hành của Tổng hội Công chức ngày 19/08 bị 'cướp cờ' biến thành biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo.
Dù vậy, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại đã không cho Bảo an binh bắn vào đoàn biểu tình và cũng không yêu cầu quân Nhật can thiệp.
Là chính phủ chuyên viên đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại, nội các Trần Trọng Kim đã rút lui trong hòa bình để trao quyền lại cho thế hệ các chính khách và nhà làm cách mạng chuyên nghiệp.
Theo chính lời ông Trần Trọng Kim kể lại, quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào giai đoạn tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng trong các năm 1945-46.
Về thể chế, Đế quốc Việt Nam rút lui đã khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cộng hòa với các tiến bộ và hệ lụy như đã biết về sau.

Saturday, September 12, 2020

CUỘC CHIẾN KIỂM THÍNH THÀNH CÔNG NHẤT CỦA TÌNH BÁO MỸ

 

Click image for larger version

Name:	d.jpg
Views:	0
Size:	90.5 KB
ID:	1652228
Thiết bị nghe trộm đặc biệt "Cocoon"; Nguồn: topwar.ru
 

Trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã thu thập thông tin tình báo bằng mọi cách, kể cả dùng tàu ngầm và thiết bị chuyên dụng để nghe trộm qua các đường cáp dưới đáy biển.

Khởi đầu đối đầu trên biển

Trong Chiến tranh Lạnh, người Mỹ rất muốn có được thông tin về công nghệ tàu ngầm và hỏa tiển của Liên Xô, đặc biệt là việc thử ICBM và khả năng tấn công hạt nhân đầu tiên.

Các nỗ lực đầu tiên để thu thập thông tin tình báo về Liên Xô bằng tàu ngầm bắt đầu vào cuối những năm 1940. Tuy nhiên, chuyến do thám của hai tàu ngầm diesel-điện USS "Cochino" (SS-345) và USS "Tusk" (SS-426) của Mỹ gần bờ biển bán đảo Kola năm 1949 đã bị thất bại hoàn toàn.

Những chiếc tàu ngầm được trang bị thiết bị trinh sát điện tử hiện đại đã không thể thu được một số khả dĩ thông tin có giá trị, trong khi tàu ngầm Cochino còn bị hỏa hoạn.

Tàu ngầm "Tusk" đã tìm cách đến cứu chiếc tàu bị nạn, đưa một phần thủy thủ đoàn khỏi "Cochino" và kéo nó về các cảng của Na Uy. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm xấu số này không đến được Na Uy, một vụ nổ đã xảy ra, và tàu bị chìm; bảy thủy thủ thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Mặc dù thất bại, các Hải quân và cộng đồng tình báo Mỹ không từ bỏ dã tâm của mình.

Các tàu của Mỹ thường xuyên tiếp cận bờ biển Liên Xô để do thám cả ở bán đảo Kola và Viễn Đông, bao gồm cả vùng Kamchatka. Mùa hè năm 1957, gần Vladivostok, các tàu hộ vệ chống ngầm của Liên Xô đã phát hiện và buộc tàu trinh sát đặc nhiệm USS "Gudgeon" của Mỹ phải nổi lên. Hải quân Liên Xô cũng không từ việc sử dụng cả bom độ sâu.

Tình hình thực sự bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện ồ ạt của các tàu ngầm nguyên tử, vốn có thể hoạt động độc lập hơn nhiều và không phải nổi lên mặt nước trong suốt chiến dịch.

Việc chế tạo tàu ngầm trinh sát dùng năng lượng hạt nhân đã mở ra các cơ hội và khả năng mới. Một trong những tàu ngầm loại này là USS Halibut (SSGN-587), được hạ thủy vào tháng 1/1959 và được đưa vào trang bị tháng 1/1960.

Tàu ngầm hạt nhân Halibut

Tàu ngầm do thám chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Halibut; Nguồn: topwar.ru    
 
Tàu ngầm hạt nhân USS Halibut (dịch sang tiếng Nga là "Cá chim", còn có ký hiệu SSGN-587) ban đầu được thiết kế như một tàu ngầm cho các chiến dịch đặc biệt.

Nhưng trong một thời gian dài, nó đã được sử dụng để phóng thử
hỏa tiển dẫn đường và với vũ khí hỏa tiển, nó cũng được sử dụng như một tàu ngầm hạt nhân đa năng. Năm 1968, Halibut đã được hiện đại hóa sâu và được tái trang bị cho các nhiệm vụ do thám hiện đại.

SSGN-587 là tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ có lượng choán nước trên mặt nước hơn 3.600 tấn và dưới nước khoảng 5.000 tấn, có chiều dài 106,7m, tốc độ tối đa trên mặt nước 15 hải lý/giờ và tốc độ khi lặn 20 hải lý/giờ, lò phản ứng hạt nhân có công suất cực đại 7.500 mã lực, chứa được 97 thủy thủ.

Năm 1968, tàu ngầm Halibut được hiện đại hóa tại nhà máy đóng tàu Mare Island (California) và quay trở lại căn cứ tại Trân Châu Cảng vào năm 1970.

Trong thời ở nhà máy, các thiết bị đẩy bên, sonar gần và xa, một phương tiện kéo bằng tời dưới nước, thiết bị hình ảnh và video trên tàu, và một camera lặn đã được trang bị cho chiếc tàu ngầm này.

Ngoài ra, trên tàu ngầm được cài đặt các thiết bị máy tính hiện đại và mạnh, cũng như một bộ thiết bị khảo sát hải dương khác nhau. Với các trang thiết bị này, Halibut đã nhiều lần đến biển Okhotsk, kể cả trong lãnh hải của Liên Xô, để thực hiện các hoạt động do thám.

Chiến dịch do thám Ivy Bells

Vào đầu năm 1970, giới chức quân sự Mỹ biết được sự tồn tại của một đường dây liên lạc bằng cáp giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) ở Kamchatka và Sở chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok được đặt dưới đáy biển Okhotsk.

Thông tin được nhận từ các đặc vụ đã được xác nhận bởi trinh sát vệ tinh, và thực tế Liên Xô tuyên bố biển Okhotsk là lãnh hải của mình, đưa ra lệnh cấm tàu nước ngoài qua lại. Các cuộc tuần tra thường xuyên, cũng như các cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương được thực hiện trên biển, các cảm biến âm học đặc biệt được đặt ở phía dưới.

Hải quân, Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cục An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đã quyết định tiến hành một chiến dịch tình báo bí mật mang mật danh “Ivy Bells” (“Hoa thường xuân”) - nghe trộm cáp liên lạc dưới biển để bắt các thông tin đặc biệt quan trọng về công nghệ tàu ngầm hạt nhân và
hỏa tiển chiến lược của Liên Xô đóng tại căn cứ ở Vilyuchinsk.

Halibut với các thiết bị trinh sát hiện đại đã được sử dụng cho chiến dịch đặc biệt này, có nhiệm vụ tìm một cáp ngầm và lắp đặt một thiết bị nghe trộm đặc biệt có tên là "Cocoon".

"Cocoon" được tích hợp tất cả những thành tựu của công nghệ vô tuyến-điện tử tiên tiên nhất của người Mỹ vào thời điểm đó. Hình dáng bên ngoài thiết bị được đặt ngay phía trên cáp biển này là một khối hình trụ dài khoảng 7m, đường kính 1m.

Ở phần đuôi của nó có một nguồn năng lượng plutonium, về thực chất, là một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ. Nó cần thiết cho hoạt động của thiết bị được lắp đặt trên tàu, bao gồm cả máy ghi âm, được sử dụng để ghi lại các cuộc trò chuyện/đàm thoại.

Tháng 10/1971, Halibut đã thâm nhập thành công biển Okhotsk và tìm được cáp thông tin liên lạc dưới nước của Hải quân Liên Xô ở độ sâu lớn (các nguồn khác nhau cho biết từ 65 đến 120m). Tại khu vực đã định, một phương tiện điều khiển dưới biển sâu được phóng từ một tàu do thám, sau đó các thợ lặn căn chỉnh và lắp đặt Cocoon lên dây cáp.

Thiết bị này thường xuyên ghi lại mọi thông tin các cuộc đàm thoại giữa các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô ở Petropavlovsk-Kamchatsky và Vilyuchinsk và Bộ chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok.

Trình độ công nghệ của những năm đó còn hạn chế, thiết bị không có khả năng truyền dữ liệu, tất cả thông tin đều được ghi lại và lưu trữ trên phương tiện từ tính. Mỗi tháng một lần, các tàu ngầm Mỹ phải quay lại khu vực cài thiết bị để các thợ lặn thu thập băng từ đã ghi, lắp đặt băng từ mới trên Cocoon. Sau đó, thông tin nhận được được đọc giải mã và nghiên cứu toàn diện.

Một phân tích về các đoạn ghi âm cho thấy Liên Xô tin tưởng vào độ tin cậy và khả năng không bị nghe trộm của cáp, vì vậy nhiều bản tin được truyền đi dưới dạng văn bản mở, không mã hóa.

Nhờ các thiết bị trinh sát và việc sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng, hạm đội Mỹ trong nhiều năm đã có được các thông tin tuyệt mật liên quan trực tiếp đến an ninh của Liên Xô và Mỹ. Quân đội Mỹ tiếp cận được thông tin về căn cứ chính của các tàu ngầm chiến lược thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Chiến dịch Ivy Bells bị bại lộ

Sĩ quan NSA Pelton tiết lộ về chiến dịch Ivy Bells bị bắt năm 1985; Nguồn: topwar.ru

 Chiến dịch Ivy Bells là một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất của Hải quân Mỹ, CIA và NSA trong Chiến tranh Lạnh, nhưng nó đã kết thúc trong thất bại. Sau hơn 8 năm nghe trộm thông tin liên lạc của Hải quân Liên Xô ở Viễn Đông, bí mật về thiết bị nghe trộm kết nối với cáp dưới biển đã được KGB biết đến. Một sĩ quan NSA đã cung cấp thông tin về chiến dịch này cho đặc vụ Liên Xô cư trú tại Hoa Kỳ.

Sĩ quan NSA đó là Ronald William Pelton - người đã thất bại trong một cuộc kiểm tra nói dối vào tháng 10/1979 khi được hỏi về việc sử dụng ma túy. Bài kiểm tra được thực hiện là một phần hồ sơ và ảnh hưởng đến sự nghiệp của Pelton - người bị giáng chức, bị tước quyền truy cập thông tin mật, và lương hàng tháng của nhân viên NSA bị cắt một nửa.

Cay cú với việc này, tháng 1/1980, tiếp cận Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, Pelton - người đã làm việc tại NSA trong 15 năm - đã chia sẻ những thông tin quý giá có thể tiếp cận trong suốt sự nghiệp của mình, trong đó có chiến dịch Ivy Bells.

Thông tin có được đã cho phép Hải quân Liên Xô trong những ngày cuối tháng 4/1980 tìm thấy và trục vớt, đưa lên mặt nước thiết bị trinh sát "Cocoon"của Mỹ.

Chiến dịch do thám Ivy Bells chính thức bị khép lại. Điều đáng nói nữa là nhờ thông tin có giá trị, Pelton đã nhận được từ Liên Xô 35 nghìn USD - số tiền không thể so sánh với chi phí của Mỹ cho chiến dịch do thám ở biển Okhotsk và những thông tin thực sự vô giá mà Bộ chỉ huy Mỹ nhận được trong nhiều năm.

 Tuấn Anh/VOV

Tuesday, August 25, 2020

NHỮNG ANH THƯ Ở HOA KỲ

Hình  như chúng ta chỉ nghe nói nhiều tới các NAM TƯỚNG. Kể cũng lạ ! Ngày nay chốn “ba quân” đâu có phải chỉ toàn là các đấng nam nhi. Được đeo sao trên ve áo trong quân ngũ Mỹ không phải chuyện dễ, NAM TƯỚNG hay NỮ TƯỚNG cũng đều phải theo một trình tự khe khắt như nhau. Thử nhìn vào con số trước. Số chuẩn tướng trong quân đội Mỹ hiện có như sau: 
-Hải Quân: 110 Phó Đề Đốc 
-Coast Guard (Tuần Duyên) : 19 Phó Đề Đốc
-Thủy Quân Lục Chiến: 40 Chuẩn Tướng 
-Lục Quân : 150 Chuẩn Tướng
-Không Quân : 139 Chuẩn Tướng. 
Tổng cộng là 439 Phó Đề Đốc và Chuẩn Tướng.
Các điều kiện để được đề nghị phong cấp Chuẩn Tướng khá khó khăn. Trước hết phải mang cấp Đại Tá được 3 năm. Sau đó phải là Chỉ Huy Trưởng xuất sắc. 
Tiến trình sau đó tuần tự như sau: 
- được Hội Đồng Thăng Cấp chọn lọc
-Tư Lệnh quân chủng đề nghị lên Bộ Trưởng Quốc Phòng
-Thượng Viện duyệt xét
-Tổng Thống quyết định bổ nhiệm. 
Thường chỉ có 3% các Đại Tá được đề nghị trở thành Chuẩn Tướng ! 

Ngày nay, chị em phụ nữ Việt chúng ta ở bên Mỹ cũng mang đồng phục nhưng oai phong hơn nhiều. Họ cũng xông pha ra chỗ mũi tên hòn đạn ngang ngửa với các nam nhi. Nam nhi người Việt cũng như nam nhi người Mỹ, to như những ông hộ pháp. Cạnh tranh trong một tình thế lép vế như vậy nhưng chị em phụ nữ oai hùng chẳng kém chi ai. Chẳng phải là ngày phụ nữ, chẳng lễ mẹ chi, tự nhiên tôi muốn nhắc tới NHỮNG BẬC ANH THƯ Việt Nam lỗi lạc này bởi vì tôi ngợp với những CON CHÁU BÀ TRƯNG BÀ TRIỆU nơi xứ người.

Tướng gốc Việt trong quân đội Mỹ có năm vị. Dẫn đầu là :
-Thiếu Tướng Lương Xuân Việt của Lục quân. 
-Vệ Binh Quốc Gia có Chuẩn Tướng Lập Thể Flora. 
-Thủy Quân Lục Chiến có Chuẩn Tướng William Seely. 
-Không quân có Chuẩn Tướng John Edwards. 
-Hải Quân có Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn. 
Vậy là Hải Lục Không Quân kèm thêm Thủy Quân Lục Chiến và Vệ Binh Quốc Gia, chúng ta đều có tướng. 
Chúng ta tự hào về những NAM TƯỚNG GỐC VIỆT trong mọi binh chủng này.

Nhưng chúng ta tự hào hơn nếu biết là chúng ta còn có hai vị nữ tướng gốc Việt trong quân đội Mỹ. Đó là Chuẩn Tướng Danielle Ngô và Phó Đề Đốc Vũ Thế Thùy Anh.

1-CHUẨN TƯỚNG DANIELLE NGÔ
Như vậy là bà đi từ cấp bậc thấp nhất lên tới tướng trong 29 NĂM QUÂN NGŨ.
-NĂM 1990, Danielle Ngô gia nhập Lục quân Hoa Kỳ phục vụ trong ngành Công Binh. 
-NĂM 1994, Bà theo học khóa sĩ quan và được gắn lon Thiếu Úy 
Bà có mặt trong hàng ngũ công binh Nhảy Dù và công binh chiến đấu trên các chiến trường Iraq và Afghanistan. 
-Chỉ trong tám năm, bà đã lên tới Trung Tá, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 52 Công Binh. 
-Năm 2012, bà đã chỉ huy vụ dập tắt đám cháy rừng rộng lớn Waldo Canyon. 
-Năm 2013 vào tháng 9, bà lại hoàn thành vụ dập tắt đám cháy rừng lớn hơn Black Forest Fire ở Colorado. 
-Thắng ông thần lửa, bà cũng thắng ông thần nước trong vụ mưa lũ làm sạt lở căn cứ tối mật của Không Quân xây ngầm trong núi Cheyenne Mountain cũng ở Colorado. 
-Năm 2014 vào tháng 8, bà được vinh thăng Đại Tá. 
-Năm 2017, bà Danielle Ngô đảm nhận chức Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Công Binh 130, hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương. 
-Năm 2019 vào tháng 6, Chuẩn Tướng Danielle Ngô được GẮN SAO trên ve áo.
Về học vấn, bà có bằng :
-Cử Nhân Tài Chánh, Đại học Massachusetts
-hai văn bằng Cao học tại trường Command and General Staff College và Đại học Georgetown.

2-PHÓ ĐỀ ĐỐC VŨ THẾ THUỲ ANH
Viên nữ tướng gốc Việt thứ hai trong quân đội Mỹ là Vũ Thế Thùy Anh.
Chào đời vào năm Mậu Thân 1968, di tản qua Mỹ vào năm 1975, Thùy Anh sau đó theo học ngành Dược tại Đại học Maryland. -Ra trường năm 1994, bà làm việc tại Đại học John Hopkins. Là con gái đầu của Hải Quân Đại Úy Vũ Thế Hiệp, bà quyết định theo nghiệp hải hồ của cha. Bà gia nhập U.S.. Public Health Service, viết tắt là PHS, và trở thành SĨ QUAN QUÂN DƯỢC của Hải quân. 
-Năm 2015, sau 12 năm phục vụ trong PHS, bà Vũ Thế Thùy Anh đã mang lon Đại Tá
-Năm 2019 vào tháng 6 Bà được GẮN SAO trên ve áo cùng thời gian với bà Danielle Ngô nhưng vì phục vụ trong Hải quân nên
-quan hàm chính danh của bà gọi là Rear Admiral, PHÓ ĐỀ ĐỐC, tương đương với CHUẨN TƯỚNG trong các binh chủng khác. 

TỔ CHỨC PHS
Ra đời vào năm 1798, PHS được quân đội hóa vào năm 1889 với một chuỗi các bệnh viện Hải quân đặt ở các hải cảng quan trọng như Boston, Charleston, New Orleans…để kiểm soát dịch bệnh khỏi thâm nhập vào Mỹ. Thành viên của PHS là các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá. Họ mang cấp bậc quân đội và hoạt động cho cộng đồng khi có thiên tai, bão lụt, bệnh tật hay dịch bệnh. PHS có nhiệm vụ cách ly và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trước khi nó bùng nổ và phát tán ra khắp nơi trong cả nước. Chính PHS đã đóng một vai trò quan trọng trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cộng tác với cơ quan phòng chống dịch Centers for Disease Control (tên viết tắt là CDC ) trong trận chiến chống Covid-19 hiện nay.
Như vậy là hiện tại chúng ta có 
-5 NAM TƯỚNG
-2 NỮ TƯỚNG gốc Việt trong quân đội Mỹ.

3-ĐẠI TÁ BÁC SĨ MYLENE TRẦN HUỲNH ( TÊN VIỆT TRẦN THỊ PHƯƠNG ĐÀI)

Một nữ lưu gốc Việt được đề nghị lên tướng nhưng ĐÃ VỂ HƯU không kịp chờ ngày sao mọc trên ve áo. 
Đó là Đại Tá Bác sĩ Mylene Trần Huỳnh, tên Việt là Trần Thị Phương Đài. Bà là con của Bác sĩ quân y Dù Trần Đoàn và Dược sĩ Phan Thị Nhơn. 
Năm 1975, khi Sàigòn Thất thủ, Mylene mới chỉ được 9 tuổi. Gia đình bị kẹt lại, Bác sĩ Trần Đoàn bị tống vào trại tù cải tạo. Cũng may ông chỉ ở tù một năm. Họ vượt biển thành công và tới được Manila, Phi Luật Tân. 
Tới Mỹ, bà đã tốt nghiệp bác sĩ tại Đại Học V irginia và phục vụ trong Không Quân Hoa Kỳ suốt 18 năm. 
Bà giữ chức Giám Đốc của Air Force Medical Service, viết tắt là AFMS, thuộc Chương Trình Chuyên Viên Y Tế Quốc Tế (International Health Specialist), trực thuộc văn phòng “Office of the Air Force Surgeon General”. 
Cựu Trung Tướng Lữ Lan đã ca ngợi Bác sĩ Mylene Trần Huỳnh trong buổi lễ bà được vinh thăng Đại Tá : “Thành tựu của Bác sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tỵ nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé “thuyền nhân” nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân y của quân lực Hoa Kỳ… Điều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán y tế của mình đã NHIỀU LẨN TRỞ VỀ VN để săn sóc y tế cho người nghèo và những kẻ thiếu may mắn”.

4-BÀ DƯƠNG NGUYỆT ÁNH-BOMB LADY
Không ở trong quân ngũ, không lon, không sao nhưng được mệnh danh là “Bomb Lady”, bà Dương Nguyệt Ánh đúng là một anh thư kiệt xuất. 
Bà sanh năm 1960, rời Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ bằng trực thăng năm 1975. Sau thời gian ở trại tạm cư tại Pennsylvania, gia đình bà đã tới định cư tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bà tốt nghiệp các văn bằng :
-kỹ sư hóa học
-khoa học điện toán 
-và hành chánh. 
Bà làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu của Hải Quân tại Maryland. 
-Là Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật (Director of Science and Technology) của chi nhánh Indian Head Division thuộc Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân Hoa Kỳ (Naval Surface Warfare Center), 
Bà đã đoạt được nhiều giải thưởng. Thành quả nổi đình nổi đám nhất của bà là :
-Người  đã chế ra bom áp nhiệt (thermobaric bomb). 

BOM ÁP NHIỆT (THERMOBARIC BOMB) HAY BOM DIỆT HẦM NGẦM
Trong bài phỏng vấn bà Dương Nguyệt Ánh của báo Washington Post, số ra ngày Chủ Nhật 30/4/2006, có đoạn viết như sau : “Chuyên gia về chất nổ Dương Nguyệt Ánh chỉ huy một nhóm khoa học gia, chỉ trong 67 NGÀY ĐÃ CHẾ RA BOM ÁP NHIỆT đầu tiên của Hoa Kỳ, loại bom mà khi nổ sẽ tạo ra một vầng mây hóa chất và một làn sóng chấn động có khả năng hủy diệt tất cả những gì trong tầm sát hại của nó. 
Được gọi là “bom diệt hầm ngầm”, đây là loại vũ khí dùng để hủy diệt các hang động, địa đạo được dùng làm căn cứ chỉ huy của đối phương trong cuộc chiến A Phú Hãn sau vụ khủng bố 11/9”. 
-Ngoài trái bom “chấm dứt chiến tranh A Phú Hãn” này, 
-bà còn cùng một toán chuyên viên chế tạo ra 18 vũ khí khác trong chỉ có 12 năm. 
Coi bà như… tướng chắc cũng không có chi quá đáng !

Bà Dương Nguyệt Ánh được cộng đồng người Việt trên khắp thế giới biết nhiều rồi. Nếu cần nói thêm chúng ta phải nhắc tới chuyện bà đã đi nhiều thành phố trên nhiều quốc gia để nói lên tiếng nói của hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 29/4/2017 bà đã tới thành phố Montreal nơi tôi ngụ cư và tôi đã tham dự buổi nói chuyện của bà. Là một nhà khoa học nhưng bà không nói chi về việc làm của bà mà chỉ nói tới tấm lòng của bà với tổ quốc Việt Nam. Bà tri ân những người lính đã chiến đấu can trường trong cuộc chiến đầy chính nghĩa trước 1975 và muốn con cháu chúng ta biết rõ những hy sinh của những người đi trước để tự hào về dòng giống của chúng ta.
Cái tôi tâm phục nơi bà là dáng vẻ lịch thiệp và cách nói tình cảm nhưng không thiếu sôi động của bà đã tỏ ra là một con dân một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Nếu tìm hiểu về dòng dõi của bà, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về phong thái của bà. Bà là dòng dõi của cụ nghè Dương Khuê, một khuôn mặt văn học rất nổi tiếng, thơ văn được giảng dạy trong nhà trường Việt Nam. Dòng họ này có cách dùng chữ lót trong họ tên theo từng thế hệ, tương tự như đế hệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. 
Chữ lót cho tên phái nam cho các thế hệ tiếp nối là: Tự, Thiệu, Hồng, Nghiệp. 
Chữ lót cho Bên nữ là : Hạ, Nguyệt, Vân, Thúy. 
Như vậy bà Dương Nguyệt Ánh đồng vai vế với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Giáo sư Dương Thiệu Tống.

5-Bà GIAO PHAN

Bà Dương Nguyệt Ánh là anh thư chế bom
Bà Giao Phan là anh thư đóng hàng không mẫu hạm loại xịn nhất của Hải quân Mỹ. Đó là hàng không mẫu hạm lớp Ford, lớp tàu hiện đại nhất của thế giới. 
Chức vụ của bà là TỔNG GIÁM ĐỐC của Program Executive Office-Aircraft Carrier, Cơ Quan Điều Hành Chương Trình Hàng Không Mẫu Hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn của đài VOA : “Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa. Tóm lại, từ đầu tới cuối. 
Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng hai sao của Hải quân là Đề Đốc Brian Antonio. 
Tôi là phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là cấp CHỈ HUY DÂN SỰ CAO CẤP NHẤT trong tổ chức. Chúng tôi có ngân sách 40 tỷ đô la để điều hành”. 
Nói cho vui, đứng ngay sau ông tướng hai sao, nếu chúng ta có gắn cho bà một sao cũng là chuyện không có chi quá đáng! Bà đã trông coi việc đóng ba hàng không mẫu hạm lớp Ford tối tân nhất trên thế giới. Đó là các tàu 
-USS Enterprise
-USS Kennedy 
-và USS Gerald R. Ford. (Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford)
USS Gerald R. Ford có 5 đặc điểm ăn trùm thiên hạ: giúp máy bay cất cánh bằng điện từ (electro-magnetic aircraft launch system): hệ thống phát năng lượng tối tân nhất; thiết kế mới cho kích thước và vị trí của phi đạo; hệ thống tác chiến hợp nhất (integrated warfare system) và hệ thống điều hòa không khí tối tân nhất.

Hai bà không có sao mà như có sao Dương Nguyệt Ánh và Giao Phan làm người Việt chúng ta tự hào. Nhưng chưa đeo sao cũng có thể là loại xịn. Xịn trên chiến trường đàng hoàng. Đó là hai nữ phi công gốc Việt xuất sắc trong quân đội Mỹ: 
-Trung Tá Michelle Vũ 
-và Trung Tá Elizabeth Phạm

6-TRUNG TÁ MICHELLE VŨ 
Trung Tá Michelle Vũ là nữ phi công duy nhất trong phi đội Kỵ Binh 6-17. Hoa lạc giữa rừng gươm! 
Tốt nghiệp Đại học năm 22 tuổi, Michelle nhập ngũ, học lái máy bay trực thăng trong hai năm tham gia chiến trường Iraq. Phi đội Kỵ Binh 6-17 gồm 35 thành viên, chỉ có bà là nữ.






7-TRUNG TÁ ELIZABETH PHẠM

Người nữ quân nhân gan dạ, quả cảm và nhiều máu phiêu lưu nhất không ai khác ngoài Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Elizabeth Phạm. 
Nhỏ con nhưng chơi đồ chơi thứ xịn nhất: chiến đấu cơ siêu thanh F-18. 
Tốt nghiệp Đại học UCSD, University of California San Diego, 
Bà gia nhập Không quân và được học lái máy bay tại trường T34 của Hải quân Hoa Kỳ tại Florida. 
Tiếp tục học cao hơn tại trường T45 Goshawk thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Meridian tại tiểu bang Mississippi, bà tốt nghiệp thủ khoa “Top Hook”. 
Bà là phi công đầu tiên được chọn để lái chiến đấu cơ siêu thanh F-18. 
Tại chiến trường Iraq, bà phục vụ tại không đoàn nổi tiếng “Bats”, không đoàn Dơi, có nhiệm vụ yểm trợ cực cận cho các lực lượng bộ binh. 
Những phi công của không đoàn này là những phi công ưu tú nhất được tuyển chọn. Là nữ phi công duy nhất của không đoàn, bà có khả năng yểm trợ hỏa lực chính xác nơi những mục tiêu chỉ cách bộ binh 180 thước ! 
Muốn yểm trợ chính xác như vậy, bà phải bay thấp và đã nhiều lần trúng đạn tại chiến trường Iraq. Bạn đồng ngũ đặt cho bà biệt danh “Miracle woman”. Hiện nay bà đang phục vụ tại vùng Thái Bình Dương, đặt căn cứ tại Nhật Bản.

Nữ Trung Tá Phi Công Elizabeth Phạm là nữ phi công gốc Việt đầu tiên lái chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Cô Elizabeth Phạm sinh ngày 13 tháng Giêng, 1978 trong một gia đình Công Giáo, con của Bác Sĩ Phạm Văn Minh  và từng sống ở Seattle, tiểu bang Washington, sau đó gia đình cô dời xuống San Diego, California, định cư.
Phi công Elizabeth Phạm tốt nghiệp Đại Học University of San Diego. Sau đó, cô gia nhập quân đội Hoa Kỳ và được huấn luyện phi hành tại tiểu bang Florida. Cô ra trường với cấp bậc Thiếu Úy, và sau đó tiếp tục được huấn luyện bay cao cấp tại tiểu bang Mississippi.
Cô Elizabeth Phạm tốt nghiệp thủ khoa khóa huấn luyện bay, vì cô đã đáp xuống chiến hạm Ronald Reagon chính xác và dội bom với độ chính xác cao. Cô Elizabeth Phạm đã đánh bại tất cả các nam phi công, và nhờ thành tích nổi bật đó mà đích thân Đại Tướng Chỉ Huy Trưởng đã trao bằng khen và thăng cấp Trung Úy cho cô, đồng thời cô được chọn làm nữ phi công đầu tiên của Thủy Quân Lục Chiến, điều khiển phản lực cơ siêu thanh F/A 18 Hornet vào năm 2003. Chiếc oanh tạc cơ F/A 18 Hornet mà cô điều khiển trị giá hơn $35 triệu Mỹ Kim.
Sau khi tốt nghiệp đại học, vị nữ sĩ quan này đã gia nhập Phi Công Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ; cô đậu thủ khoa trong khóa học đáp xuống hàng không mẫu hạm, thử thách lớn nhất cho mọi phi công.
Cô đã phục vụ tại lực lượng tiền phương vùng Thái Bình Dương, chiến trường Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq, tăng cường hỏa lực, yểm trợ tại mặt trận cho lực lượng TQLC Hoa Kỳ trong các chiến dịch tại đó. Cô đã bay tổng cộng hơn 130 phi vụ
Sau một thời gian phục vụ tại Bộ Quốc Phòng tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhiệm vụ của Trung Tá Elizabeth Phạm là phi công trong lực lượng ứng chiến thường trực tiền phương của Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, căn cứ tại Nhật Bản với hàng không mẫu hạm.
Với các thành tích đáng tự hào của mình, cô đã được lên chức thiếu tá. Sau một thời gian, đến ngày 1 tháng Ba năm 2019, Thiếu Tướng Craig C. Crenshaw, Giám Đốc Nhân Sự của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã quyết định thăng cấp cho cô lên Trung Tá và tổ chức buổi lễ trên chiến hạm USS Midway ở San Diego.

Vùng Southbay ở miền Nam California còn được mệnh danh là thủ đô của các máy bay chiến đấu được sản xuất tại đây.
Tất cả có 1,458 chiếc FA-18 A/B đã được sản xuất và trị giá 41 triệu dollars cho mỗi chiếc.
Ba nhà sản xuất chính thời bấy giờ là McDonnell Douglas/Boeing và Northrop Aircraft. Mười bảy năm sau, 11/29/1995, chiếc FA-18 Model E/F bay thử lần đầu tiên, trị giá mỗi máy bay lên đến 55.2 triệu dollars.
Tính đến nay 350 máy bay loại này đã được sản xuất, và Elizabeth Phạm là một phụ nữ đầu tiên đã sử dụng loại máy bay chiến lược này.
-Từ những ngày đầu chiếc máy bay FA-18 ra đời lúc ấy, cô Elizabeth Phạm chỉ là một trẻ sơ sinh.
Phu quân của cô Elizabeth Phạm cho biết bây giờ cô không phải chỉ là một phi công bình thường mà Elizabeth Pham được vinh danh trong" Hạng những Phi công xuất chúng. ""
-Và cũng có thể cô đang sử dụng loại máy bay EA-18G -trị giá mỗi chiếc lên đến 66 triệu dollars- là loại mà tất cả gần như tàng hình (stealth) vì nằm trong chương trình “Top secret” bí mật chiến lược quốc phòng.
-Chính vì vậy nên cấp trên đã không cho phép cô thố lộ bất cứ một điều gì với bất cứ ai liên quan đến công việc của cô. 
Còn chiếc máy bay hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, chiếc X-35 JSF, cô Elizabeth Phạm cũng mong muốn được sử dụng trong tương lai sắp đến.
Tôi tin trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có thêm ít nhất một nữ tướng. Bà Trưng ngày xưa cưỡi voi mà nên tướng
Con cháu bà ngày nay cưỡi chiến đấu cơ siêu thanh F-18 trị giá 66 triệu đô thì lên tướng cấp kỳ là cái chắc.

8-TRUNG TÁ JOSEPHINE CẨM VÂN - US NAVY (Hải Quân)

Cô Josephine Cẩm Vân Nguyễn đỗ hạng nhì (Á khoa) tại Học Viện Hải Quân Annapolis, Maryland năm 1999; đây là nơi đào tạo với chương trình 4 NĂM  các SĨ QUAN HIỆN DỊCH  của quân chủng Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Vài cựu sinh viên sĩ quan nổi tiếng trong số nhiều vị khác là cựu tổng thống Jimmy Carter (sĩ quan tiềm thủy đĩnh nguyên tử), nghị sĩ John McCain (sĩ quan phi hành trên hàng không mẫu hạm), nghị sĩ Jim Webb (sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến). Theo hệ thống tự chỉ huy của quân trường, cô Cẩm Vân chỉ huy 2 tiểu đoàn sinh viên sĩ quan với quân số 2,000. Mỗi năm Học Viện tiếp nhận một khóa khoảng 1,000 sinh viên và luôn có 4 khoá tại trường.
Cô theo học Y KHOA tại STANDFORD UNIVERSITY khi tốt nghiệp thực tập tại Bethesda Naval Medical Center, trung tâm y tế có nhiệm vụ theo dõi và săn sóc sức khoẻ cho các tổng thống đương nhiệm. 
Sau khi theo học PHI HÀNH tại Pensacola, Florida, cô được thăng cấp hải quân đại úy với nhiệm sở tại Yokosuka và đi theo hàng không mẫu hạm Kitty Hawk trong vai trò BÁC SĨ QUÂN Y PHI HÀNH từ 2005-2009. Hiện nay, cô là Trung Tá đang làm việc tại Trung tâm quân y Walter Reed, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.

H1:BÀ CHUẨN TƯỚNG DANIELLE NGÔ
H2: PHÓ ĐỀ ĐỐC VŨ THẾ THUỲ ANH
H3: ĐẠI TÁ BÁC SĨ MYLENE TRẦN HUỲNH ( TÊN VIỆT TRẦN THỊ PHƯƠNG ĐÀI)
H4: BÀ DƯƠNG NGUYỆT ÁNH-BOMB LADY
H5: BÀ GIAO PHAN
H6: BÀ MICHELLE VŨ
H7:BÀ ELIZABETH PHẠM
H8: BÀ JOSEPHINE CẨM VÂN