; }

CÂU CHUYỆN BUỔI VIẾNG THĂM ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU

TƯỢNG "THƯƠNG TIẾC"
NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA
(1966 - 1975)


TÁC GIẢ
Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu (1934)
Nguyên Thiếu Tá Cục Quân Nhu QLVNCH

“Tôi làm tôi chịu. Tàu chìm tôi chìm theo,
máy bay rớt tôi rớt theo, tượng chết tôi chết theo.
Chứ tôi không thể đổ cho người khác được..."
-----***-----

Câu chuyện buổi viếng thăm Thầy Thu tại tư gia vào sáng ngày 15/02/2017

Một buổi sáng đẹp trời vào những ngày cuối xuân, ba anh em - Anh Nghĩa, anh Phúc & tôi - chúng tôi cùng hẹn nhau đến thăm thầy Thu (Tác giả bức tượng “Thương Tiếc” đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa 1966 - 1975). Đây cũng là một dịp tốt giúp tôi có cơ hội tìm hiểu thêm những chi tiết lịch sử về bức tượng của một người lính mà lâu nay có nhiều tin đồn rất ly kỳ và huyền bí này khi được tiếp xúc với chính người đã tạo ra nó.
Khi đến nơi thì tôi mới biết nhà của thầy Thu là một quán cà phê sân vườn có tên là “Tượng Đá” nằm trong khuôn viên rộng lớn tọa lạc trong khu vực quận Bình Thạnh. Vì không có hẹn trước, nên sau một lúc ngồi nhâm nhi cà phê hơn ba mươi phút chúng tôi mới thấy bóng dáng thầy Thu xuất hiện trong bộ đồ ngắn - áo thun, quần đùi. Trông dáng người ông còn khỏe mạnh, hình như ông đang chuẩn bị làm một công việc gì đó. Anh em chúng tôi dõi mắt nhìn theo ông chứ chưa tiện bước ra chào hỏi. Tiếp sau đó, ông kéo một chiếc xe đất nhỏ đem đến bón vào chậu cây mai đã tàn hoa sau những ngày tết, cạnh một bức tượng cô gái cầm bó lúa thật cao đặt trước sân vườn nhà ông.
 
Đợi thầy Thu làm sắp xong anh Nghĩa mới đến bên cạnh giơ tay chào và kề vào tai ông nói lớn: “Em là Nghĩa nè, Nghĩa lính ruột của Tướng Lê Văn Hưng hồi ở An Lộc và Vùng IV Chiến Thuật ngày xưa đó. Vừa rồi em có tới thăm anh hồi trong năm đó, anh có nhớ không? Anh làm xong chưa, mời anh vào uống cà phê với tụi em nghen”. Anh Nghĩa phải lập đi lập lại câu nói này hai ba lần, phân làm từng đoạn khi ông chưa nghe được mà chỉ "hả hả, cái gì..?". Thầy Thu nhìn anh Nghĩa đăm đăm một hồi như để nhớ ra rồi gật gật đầu, nhưng rồi ông vẫn khom người cắm cúi làm việc tiếp tục.
 
Một lúc sau ông mới đi rửa tay, thay chiếc quần sọt và đội lên đầu cái mũ Beret màu đen đã cũ kỹ rồi đi đến bàn ngồi vào uống cà phê với anh em chúng tôi. Lúc đó tôi với anh Phúc ngồi nhìn theo anh Nghĩa mà cũng hơi hồi hộp, không biết thầy Thu có nhận lời hoặc sẽ cáu gắt gì không đây. Vì được anh Nghĩa cho biết trong lúc ngồi chờ, thời gian sau này thầy Thu đã thay đổi nhiều, thầy khó tính hơn trước vì đã lớn tuổi (84t) và do bịnh lãng tai nặng nên làm cho ông không còn muốn tiếp xúc với ai nữa, nhất là người lạ mặt - mà đặc biệt là ông rất ghét những ai đến có ý muốn tò mò về ông.
 
Sau những lời thăm hỏi, anh Nghĩa mới giới thiệu anh Phúc và tôi cho thầy Thu biết. Chờ cho ông nhấm nháp hết ly sữa đá để tinh thần được sảng khoái, chúng tôi mới kiêng dè hỏi thăm ông từng câu về câu chuyện của bức tượng “Thương Tiếc” cũng như cuộc đời binh nghiệp mà ông đã trải qua và cuộc sống của ông hiện tại. Sau khi trở lại trạng thái thoải mái dễ chịu, thầy Thu bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của ông.
Câu chuyện thầy Thu kể lại theo từng đoạn như sau:
-         Hồi đó (1966), thật sự là tôi chưa từng được dịp quen biết hay tiếp xúc với Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, mặc dù lúc đó tôi là Đại Úy ở Cục Quân Nhu. Nhưng không hiểu vì sao Tổng Thống lại biết đến tôi và cho gọi tôi đến trình diện để bàn về việc thành lập Nghĩa Trang Quân Đội QLVNCH, tôi hết sức bất ngờ. Thì sau đó, như các anh đã biết rồi đó, tôi đã tiến hành công việc phải thực hiện hoàn thành bức tượng “Thương Tiếc” đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. 

Hình ảnh bệ đài tượng "Thương Tiếc" tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Trước & Sau 1975
 
Sau khi làm xong bản mẫu của bức tượng thì tôi có một đề nghị hết sức táo bạo và cũng hơi run khi trình lên Tổng Thống là xin được đúc bức tượng này bằng đồng. T.T Thiệu hỏi lại tôi: “Tại sao anh có ý này mà không nói trước, bây giờ đang chiến tranh gay gắt mình không có dư tiền và lấy đồng đâu ra để đúc một bức tượng to lớn như vậy”. Tôi trả lời: “Dạ thưa Tổng Thống, do ý tưởng mới nảy sinh, là công trình Quốc Gia nên tôi nghĩ mình nên đúc bức tượng này bằng đồng để được tồn tại vĩnh viễn muôn đời. Xin phép Tổng Thống cho tôi xin được vào khu căn cứ Long Bình tìm vỏ đạn đồng của đại bác đã được thu gom lại có thề là đang để trong đó rất nhiều". Tổng Thống nghe có lý, ông vui vẻ chấp thuận và cho đúc luôn bức tượng bằng đồng theo nguyên bản (nặng 10 tấn, cao 6,5m). Sau khi hoàn thành xong bức tượng “Thương Tiếc” được đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, Tổng Thống Thiệu đã ban thưởng thăng cấp Thiếu Tá cho tôi ngay lúc đó. Tôi rất biết ơn ông.
 
-         Nhưng cũng vì bức tượng quá nổi tiếng mà cuộc đời của tôi sau đó cũng gần như muốn chết theo bức tượng này trong những ngày tháng tù cải tạo. Tôi bị đánh đập rất nhiều và quá hiểm nên lỗ tai bên trái của tôi bị điếc hẳn luôn từ đó đến bây giờ. Chỉ còn lại tai bên phải, khó khăn lắm mới nghe được. Tôi bị đi cải tạo hết 8 năm, sau đó sang định cư tại Mỹ được 15 năm (1989 - 2004) thì tôi trở về VN ở luôn cho đến bây giờ.
-         Nơi đây là miếng đất hương quả của cha mẹ tôi qua đời để lại rộng hơn 2.800.m2 và tôi đã ở đây từ nhỏ. Tôi có cả thảy 6 đứa con - 5 trai, một gái. Bà xã tôi và mấy đứa con cùng ở chung quanh trên mảnh đất này. Quán cà phê này là của đứa con gái út buôn bán sống đắp đổi qua ngày thôi.
 
-         Gốc cây đa (đường kính hơn 5m) giữa sân này là do tôi trồng từ lúc còn là cái nhánh nhỏ nay đã được 55 tuổi rồi (1962). Còn những tảng đá lớn đặt kế bên gốc cây đa làm hòn non bộ là của ông Tướng Trần Văn Đôn cho Công binh chở đến tặng tôi sau khi làm xong bức tượng “Thương Tiếc” để sau này tôi sử dụng tiếp tục tạc tượng cho Quốc Gia.
Hai bức tượng mẫu chuẩn bị cho công trình Quốc Gia tại Mỹ Tho
"Được Mùa"                                               "Chín Đầu Rồng"
 
-         Thời điểm 1973, có lần Tổng Thống Thiệu đến nhà tôi chơi, ông nhìn thấy bức tượng hình cô gái cầm bó lúa mà tôi đã làm hồi mấy năm trước, ông hỏi bức tượng này tên là gì?. Tôi trả lời là “Được Mùa”. Ông ngắm nghía, tấm tắc khen và bảo: “Nếu tôi muốn làm nó cao 15m, đúc bằng đồng để đặt trong sân ngay bồn phun nước trước Dinh Độc Lập làm biểu tượng cho nông nghiệp hùng mạnh của miền Nam. Nếu làm được thì anh tính xem rồi cho tôi biết kinh phí khoảng bao nhiêu?”. Sau thời gian tính toán kỹ lưỡng tôi mới trả lời cho Tổng Thống biết tổng kinh phí là khoảng 45 triệu đồng VNCH. Tổng Thống đồng ý và bảo tôi sau này sang gặp Đại Tá Cầm để nhận tiền về làm. Sau đó trong lòng tôi mãi ngẫm nghĩ, nếu đặt bức tượng "Được Mùa" này trước Dinh thì thật sự là không hay lắm về ý nghĩa của nó. Nhưng khổ nỗi là tôi lại không dám trình với ngài về ý này vì sợ phật lòng ông, cho nên tôi cứ lần lựa lãng tránh để tìm cách nào đó thưa lại với Tổng Thống chuyện này. Lúc đó Đại Tá Cầm cho người gọi tôi lên bảo: "Có tiền rồi sao anh Thu không đến nhận để tiến hành làm tượng cho Dinh đi". Tôi trả lời là vì lý do sức khỏe và công việc bận rộn quá, từ từ tôi sẽ làm. Cuối cùng tôi cũng nhờ được ông Tỉnh (Tổng trưởng Bộ Giáo Dục) trong dịp về dự hội nghị tại trường Võ Trường Toản, nơi tôi đang dạy lúc bấy giờ. Ông Tỉnh đã giúp tôi có dịp trình bày lại với Tổng Thống. Sau khi nghe tôi thuyết trình, tuy không đồng tình lắm nhưng Tổng Thống cũng hỏi lại tôi: "Vậy, nếu tôi muốn đặt nó tại Mỹ Tho làm biểu tượng cho vùng lúa gạo trù phú của đồng bằng sông Cửu Long, mà nếu đặt tại đó thì anh phải làm cho bức tượng này lớn gấp 10 lần nữa, tức cao 150m, để mọi người ở khu vực miền Tây ai cũng đều nhìn thấy được nó. Anh tính xem có làm nổi không và cho tôi biết kinh phí khoản bao nhiêu?”. Tôi trằn trọc cả tháng trời ngày đêm suy nghĩ, tính toán. Và sau đó tôi mới trình với Tổng Thống: "Dạ thưa Tổng Thống, nếu đặt bức tượng “Được Mùa” ở đó thì rất phù hợp nhưng có thể tôi sẽ làm thêm tượng "Chín Đầu Rồng" bao quanh để tượng trưng cho Cửu Long Giang thì sẽ đầy đủ ý nghĩa hơn và đặt tên là: "Cửu Long Được Mùa". Công trình này tổng kinh phí phải tốn hơn cả tỷ đồng mới làm được ạ!”. Tổng Thống trả lời: “Tôi cũng biết nó phải tốn kém lớn cở như vậy rồi, nhưng bây giờ thì ngân sách quốc gia chưa có đủ tiền. Thôi thì ta tạm gác lại kế hoạch này, đợi lúc thuận tiện mình sẽ tính tiếp”. Tuy ngài nói vậy, nhưng tôi biết trong lòng ông rất nôn nao để thực hiện công trình đặc biệt này cho Quốc Gia.
 
-         Thầy Thu chỉ tay về phía bên kia hòn non bộ, còn đây là phần đầu của bức tượng người lính Thủy Quân Lục Chiến với tư thế quỳ chân trước chân sau chồm lên ném lựu đạn, toàn thân tượng cao 4,5m. Tôi rất tâm đắc với tác phẩm này, và bức tượng đó cũng được Tướng Nguyễn Chánh Thi khen ngợi. Nguyên vào năm 1974,  Tổng Thống Thiệu có yêu cầu tôi nên tạc một mẫu tượng nào cho nó có vẻ hùng hồn hơn để thay cho bức tượng “Hai Người Lính Thủy Quân Lục Chiến Xung Phong” đang đặt trước tòa nhà Quốc Hội. Ngài bảo tôi phải làm gấp rút. Nhưng đến khi bức tượng này hoàn thành thì Tổng Thống do dự chần chừ, ông chưa muốn thay đổi vì ngại có sự hiểu lầm nhau trong nội bộ. Do tác giả của bức tượng "Hai Người Lính Thủy Quân Lục Chiến Xung Phong" này là Điêu khắc gia - Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ thuộc Bộ Tổng Tham Mưu
Toàn bộ chi phí để làm ra bức tượng người lính mới này lúc đó trên ba trăm ngàn đồng. Vì lý do đó mà sau khi làm xong rồi tôi vẫn chưa nhận được tiền gì cả. Thôi thì tôi cũng cam lòng chấp nhận chia sẻ với hoàn cảnh khó xử của Tổng Thống trong tình hình đất nươc lúc bấy giờ. Sau ngày 30/4/75, tôi bị đi cải tạo thì cách mạng vào cho giật sập đổ bức tượng này trong sân nhà tôi, chỉ còn lại cái phần đầu là nguyên vẹn. Khi cải tạo về, tôi đem đặt nó vào tảng đá này để làm kỷ niệm đến bây giờ. Mỗi lần nhìn vào những bức tượng trên tôi buồn nhớ đến một thời làm việc của mình và nhớ đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ông rất tốt với tôi. Hơn nữa, tôi rất kính phục ông vì lúc nào ông cũng rất quan tâm đến chuyện đất nước đang bị chiến tranh và đời sống của đồng bào.
 
-         Lúc qua định cư ở Mỹ, tôi được người bạn cũ đang ở bên Pháp cho hay là Tổng Thống Thiệu sẽ có buổi diễn thuyết với đồng bào VN mình tại California. Ông bạn kêu tôi chuẩn bị thời gian đến đó để có dịp gặp lại Tổng Thống, mọi việc bạn tôi sẽ sắp xếp cho. Tôi rất mừng vì bao năm xa cách bây giờ có dịp gặp lại nhau, thật là một diễm phúc đối với tôi. Sau buổi nói chuyện với đồng bào tị nạn, bạn tôi đưa Tổng Tống đến tận nơi tôi ngồi, ông bắt tay tôi thăm hỏi thật vồn vã thân tình và cảm ơn tôi đã từng giúp ông trong thời kỳ ông còn làm Tổng Thống ở VN.
 ​  ​
-         Còn những bức tượng còn lại xung quanh đây thì có nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có bức tượng “Ngày Về” cũng là một kỷ niệm lớn với Tổng Thống vì chưa kịp thực hiện trước tháng 4/75, là điều nằm ngoài ý muốn mà thôi. Có nhiều người đến hỏi mua lại nhưng tôi nhất quyết là không bán, vì nó là kỷ niệm một thời của tôi từ “Đỉnh Danh Vọng đến Đáy Địa Ngục” (như lời của học trò nói về cuộc đời tôi trải qua). Và cũng trong số những tác phẩm nghệ thuật còn lại này là có sự kết hợp ý tưởng gợi ý của Tổng Thống để làm nên thì làm sao tôi rời xa nó được. Chính vì vậy mà tôi đã trở lại VN để sống nốt cuộc đời còn lại tại nơi đây.
 
-         Sức khỏe của tôi bây giờ đã yếu lắm vì vừa mới qua cơn bạo bệnh. Không hiểu sao tôi bị cảm sốt liên tục kéo dài mấy tháng trời tưởng đâu tôi "tiêu" luôn rồi, hôm nay như vậy cũng đỡ lắm rồi đó. Nhờ trước đây tôi thường xuyên tập tạ suốt mấy chục năm từ lúc còn trẻ nên mới có sức chịu đựng biết bao sóng gió, nghiệt ngã cho tới bây giờ. Nhưng cũng không sao, nếu ăn ngủ tốt thì vài tuần tôi sẽ lấy lại sức thôi. Coi vậy chứ cơ bắp tôi cũng còn chắc lắm không đến nỗi gì, chỉ có buồn cái là sức khỏe không còn tốt để tạc tượng nữa. Nhiều năm qua tôi rất ít khi đi lại bên ngoài và cũng không thích gần gũi tiếp xúc với ai vì trong người lúc nào cũng mang một nỗi buồn man mác, lại khó chịu vì cái bệnh lãng tai nặng của mình. Bạn bè thì thỉnh thoảng có tới thăm nhưng ít lắm. Còn học trò của tôi thì rất nhiều, ở khắp nơi trên thế giới và ở SG mà liên lạc hay lui tới thì chẳng được bao nhiêu.  Tôi biết, con người ai cũng có số phận cả, mình cũng phải chấp nhận vậy thôi. (Nói tới đây Thầy Thu nhếch miệng cười cùng cái lắc đầu trong giọng buồn trầm lắng).
-         Ước mong của tôi bây giờ là muốn có dịp đi Mỹ một chuyến để thăm lại các bạn bè, chiến hữu ngày xưa lúc cuối đời nhưng lại không có tiền đâu để mà đi, thôi đành sống ẩn dật thế này cho đến ngày theo ông bà vậy. Các anh cho tôi gửi lời thăm chúc sức khỏe đến các anh em chiến hữu, tôi luôn nhớ đến các anh em. Cảm ơn các anh em đã còn nghĩ đến tôi.
------***------

Video Clip phỏng vẩn ĐKG Nguyễn Thanh Thu




CHIẾC MŨ BERET & BỨC TƯỢNG NGUYÊN TÁC


* Tiếp theo “Câu chuyện buổi viếng thăm thầy Thu vào ngày 15/02/2017”.

Vào sáng ngày 15/02, sau buổi thăm hỏi tâm tình với thầy Thu thì trời đã quá trưa nên anh em chúng tôi có ý nán lại mời thầy Thu dùng bữa cho thân tình, vì hiếm khi mới có được dịp này. Do tại quán café có phục vụ luôn cơm trưa cho giới bình dân trong khu dân cư và cũng nhân tiện để ủng hộ cho cô Út quán nhà thì được thầy Thu vui vẻ nhận lời. Bữa ăn rất giản dị nhưng thịnh soạn, ngon lành với món đặc sản đồng quê: mắm kho + rau sống.
Sau bữa ăn, ngồi trò chuyện thêm vài mươi phút thì chúng tôi cáo từ thầy Thu ra về và xin hẹn tuần sau sẽ quay lại thăm nếu được ông đồng ý. Khi bắt tay từng người lúc tiễn khách, đột ngột thầy Thu quay sang hỏi anh Phúc: “Anh còn cái Beret nào không?”. Anh Phúc luống cuống trả lời: “Dạ có, có chi vậy thầy”. Thầy Thu nói tiếp: “Hay quá, nếu vậy thì anh cho tôi xin một cái, tôi thích nó lắm, cái mũ này đã cũ quá rồi”. Anh Phúc vội gật đầu hẹn tuần sau sẽ mang đến. Khi ra ngoài bãi xe, anh Phúc tần ngần đứng lại nói với anh Nghĩa và tôi với vẻ lo lắng: “Thôi chết rồi, tôi làm gì có cái Beret nào. Đột nhiên nghe thầy Thu hỏi, tôi chưa hiểu ý ông muốn nói gì nên cứ gật đầu đại luôn, sợ hỏi đi hỏi lại thì ông bực bội. Ai dè... Bây giờ biết lấy đâu ra để cho ông đây!”. Anh Nghĩa cười: “Có gì đâu mà lo, thì cứ ra chợ Dân Sinh ở Q.1-SG là thiếu gì, cái gì mà chả có. Mua tặng cho ông hai ba cái luôn cũng được, yên chí đi”.

Thầy Thu với chiếc mũ Beret cùng bức tượng nguyên tác trước & sau 16 năm
(2001 - 2017) 
 

Vài ngày sau đó, vào buổi xế trưa, anh Phúc gọi cho tôi hay là anh với anh Nghĩa đang lẩn quẩn trong chợ Dân Sinh, các anh đã mua được hai cái mũ Beret rồi (màu đen & nâu). Trong chợ này anh tình cờ phát hiện có bức tượng “Thương Tiếc” (bằng thạch cao - cao khoảng 40cm - sơn màu đen) bày bán với giá 5 triệu đồng. Anh chuyển hình chụp qua Viber cho tôi xem, tôi so sánh với tấm hình nguyên mẫu trên internet thì không được giống, nếu không muốn nói là xấu hơn nhiều.

Mẫu tượng nguyên tác của thầy Thu  -   Bức tượng bán ngoài chợ Dân Sinh
 
Đến hẹn lại lên. Đúng một tuần sau, kể từ ngày đến thăm thầy Thu lần trước, ba anh em chúng tôi đến thăm thầy Thu với món quà mà anh Phúc đã hứa. Hy vọng lần viếng thăm này sẽ mang đến cho ông một niềm vui nho nhỏ.
Khoảng 8g30’ sáng, chúng tôi vào quán ngồi nhâm nhi hơn nửa ly café rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng thầy Thu đâu. Hỏi thăm cô phụ quán thì cô này bảo sáng giờ chưa thấy ông cụ ra. Lát sau, bỗng nhiên anh Nghĩa quay sang phía sau lưng thì giật mình khi nhìn thấy thầy Thu ngồi thu mình trong một góc sân râm mát, ông đang cầm tờ báo đọc lẩm bẩm tự bao giờ. Chúng tôi không dám gọi sợ quấy rầy ông và tiếp tục ngồi chờ. Khoảng 10 phút sau, thầy Thu đứng lên đi lại cầm cái lon múc nước tưới mấy chậu kiểng nhỏ để gần đó mà chẳng nhìn thấy chúng tôi đang ngồi sát bên cạnh cho đến khi anh Nghĩa đứng lên chào và mời ông vào bàn uống café.

 

Hôm nay trông nét mặt thầy Thu có vẻ tươi khỏe hẳn và cử chỉ tiếp xúc nhiệt tình hơn lần trước. Sau khi ông yên vị rồi, việc đầu tiên là anh Nghĩa móc từ trong túi xách ra cái mũ Beret màu đen trao cho ông và nói: “Đây là món quà của Phúc hôm trước có hứa với thầy đây, thầy xem coi có vừa ý không?”. Ông “Hả hả, cái gì...?” rồi nét mặt rất vui khi nhìn thấy cái mũ Beret đưa ra. Ông mân mê cái mũ trên tay tươi cười nói: “Hay quá, tốt quá, các anh đã giữ đúng lời hứa. Cảm ơn, cảm ơn các anh nhiều lắm”. Thầy Thu liền đội chiếc mũ đen lên đầu, vừa nắn nót chỉnh sửa vừa cười hỏi chúng tôi: “Các anh nhìn xem có đẹp không, có OK không!”. Chúng tôi cùng trả lời và đưa ngón tay cái lên: “Rất OK!”.

 

Ông liền xoay qua tôi bảo chụp cho ông tấm hình với tư thế đưa tay chào trên chiếc mũ Beret. Tiếp tục, anh Nghĩa trao thêm cho ông một cái mũ màu nâu nữa cùng với cái túi vải, ông cũng lập lại lời cảm ơn và làm những động tác giống y như vừa rồi. Trước sự biểu lộ niềm vui này của thầy Thu làm cả ba anh em chúng tôi thật cảm động và rất vui. Chúng tôi thật không ngờ niềm vui của thầy Thu trước một món quà quá đơn sơ và kết quả hôm nay ngoài dự đoán như vậy. Trong niềm vui, thầy Thu nhẹ nhàng chỉ lên cái mũ trên đầu nói: “Tôi thích đội mũ Beret từ lâu rồi, vì hồi xưa tôi có nhiều bạn bè mũ đen, mũ đỏ, mũ nâu... oai phong lắm. Nên khi đội nó lên đầu cũng là để tưởng nhớ đến mấy người bạn thân thiết ngày đó bây giờ không còn nữa. Nhớ lắm, thương lắm!”. Sau vài giây lắng đọng, ông vui trở lại và hỏi thăm từng người chúng tôi, rồi ông kể thêm vài mẫu chuyện ngắn về cuộc đời của ông ngày xưa.

 
Thấy tinh thần thầy Thu hôm nay vui vẻ cởi mở như vậy, anh Phúc định kể lại chuyện gặp bức tượng “Thương Tiếc” bày bán ngoài chợ Dân Sinh vừa qua cho ông nghe nhưng hơi ngần ngại, chưa biết có nên nói hay không. Sau một hồi đắn đo, anh Nghĩa bèn lên tiếng thay anh Phúc vì anh thuận chỗ ngồi bên tai phải của ông. Nghe xong, thầy Thu gật gù bảo có hình không cho ông xem thử coi nó ra sao. 


Xem hình tượng "Thương Tiếc" giả trong IPhone của anh Phúc xong, ông điềm tỉnh hỏi: “Ở đâu làm vậy? Cái này làm sao mà giống tượng thật được, hàng nhái thì có giá trị gì”. Thấy ông không tỏ vẻ gì khó chịu là chúng tôi cũng yên tâm, anh Nghĩa liền trả lời: “Thấy ngoài chợ bán tụi em xem chơi cho biết thôi chứ không có mua đâu thầy ơi!”. Ông ngồi lặng thinh, mắt ông nhìn ra xa, nhíu mày suy nghĩ mông lung một hồi lâu rồi ông đứng lên đi vào trong nhà. Lúc này anh em chúng tôi cảm thấy băn khoăn lo ngại, nghĩ chắc ông đã buồn vì nhìn thấy tác phẩm của mình bị ai đó làm nhái đem bày bán ngoài chợ trời.

Anh Nghĩa, anh Phúc & thầy Thu.

Ngồi đợi một hồi lâu mà vẫn chưa thấy thầy Thu trở ra. Tình thế có vẻ không ổn nên chúng tôi bàn nhau chắc phải rút lui sớm, kẻo ông nổi quạu thì rắc rối. Tôi đứng lên định đi vào vệ sinh xong thì anh em sẽ cùng về. Nhưng, vừa bước vào phía sau quán được nửa chừng thì thấy bóng của thầy Thu đi ra, dáng lom khom như đang bê một vật gì trên tay. Tôi liền ngoái lại nhìn theo, thật ngạc nhiên khi nhìn rõ ra là thầy Thu đang khệ nệ từng bước ôm bức tượng nguyên tác của ông đi ra, tôi vội vàng móc máy ra chộp liền một tấm. Tôi quay ngược trở ra đi theo sau lưng ông. Đột nhiên ông đứng lại, và bất ngờ quay sang trao bức tượng qua tay tôi. Ông bảo: “Đây nè, bức tượng thật của tôi đây. Tôi cho các anh mượn để xem nó đó, cứ xem đi cho biết. Ừ, anh ôm cho chắc, cẩn thận đó nghe”. Cảm giác của tôi lúc bấy giờ thật là mừng và gần như không thể tin vào mắt mình. Tôi liền kêu to: “Anh Nghĩa, anh Phúc ơi, lẹ lên, lại chụp hình dùm. Nhanh đi, nhanh đi”. Anh Phúc chạy vội tới chộp lia lịa cho tôi được mấy tấm.

 
Sau đó tôi ôm bức tượng thận trọng từng bước một đem đến đặt lên cái bàn trống kế bên chỗ ngồi để các anh cùng chiêm ngưỡng. Thật là một dịp may hiếm có. Chúng tôi đến bên cạnh bàn nhìn bức tượng săm soi từng nét và chụp hình xoay quanh nhiều góc độ. Thầy Thu ngồi đó nhìn lại cười và hỏi anh Nghĩa: “Bộ các anh tính chụp để làm tượng giả nữa hay sao mà chụp chi dữ vậy?”... Sau đó thầy Thu cho chúng tôi biết: “Đây là nguyên tác của tôi làm ra trước khi đúc bức tượng “Thương Tiếc” bằng đồng đặt tại Nghĩa Trang QĐ-BH năm 1966. Tôi giữ nó trên 50 năm rồi, nó như máu thịt của tôi vậy. Đi Mỹ tôi cũng mang theo, về VN tôi cũng mang nó về đây. Cũng vì nó mà có lúc tôi phải sống chết với nó suốt quãng đời đã qua”.

 
Một buổi sáng mà có quá nhiều niềm vui, tất nhiên là buổi trưa hôm đó anh em chúng tôi có dịp cùng ngồi lại ăn cơm trưa với thầy Thu thêm lần nữa, cũng với mấy món đồng quê mà cô con út của ông nấu rất ngon. Có lẽ niềm vui với cái mũ Beret vẫn còn đó nên thầy Thu mời chúng tôi mỗi người làm một chai bia Sài Gòn với ông cho ngon miệng.

 
Trước khi chia tay ra về, chúng tôi có hỏi lại thầy Thu có cần mua gì nữa không cho biết để lần sau có dịp sẽ mang tới thăm ông. Ông lắc đầu bảo: “Thôi, tôi không dám yêu cầu gì cả, tốn kém cho các anh lắm, tới thăm tôi như vầy là đủ vui lắm rồi. Cảm ơn các anh nhiều, khi nào rảnh cứ tới chơi với tôi”. Anh Phúc chợt nhắc lại câu hỏi hôm trước mà thầy Thu đã một lần từ chối: “Thầy có cần máy trợ thính không, thầy nên dùng đi để tụi em đóng góp mua tặng thầy?”. Ông do dự một chút rồi gật đầu: “Ừ, thôi thì cũng được, nếu có thì cũng tốt để sau này dễ nói chuyện hơn. Nếu được thì nên có hai cái chứ một cái thì chắc cũng không nhằm nhò gì đâu, vì một tai bên trái của tôi thì coi như không còn cảm giác lâu rồi. Tôi xin gửi lời cảm ơn các anh trước”.
...

Anh Phúc nhận xét lần này thầy Thu rất thân thiện và thích nói chuyện nhiều với tôi,
thật là mừng. Vì lần trước, tôi là người bị ông cự nhiều nhất vì hay chộp lén ông😊.

* Trong đoạn video clip của Xuân Trường phỏng vấn thầy Thu vừa qua là thực hiện cách đây đã hơn 16 năm, lúc đó ông (68t) còn khỏe mạnh và nói năng còn lưu loát. So với hôm nay thì tình trạng sức khỏe của ông (84t) đã kém đi rất nhiều về mọi mặt. Hai chân khi bước đi chỉ lít khít từng bước nhỏ, không dang ra được xa. Tay thì hơi run, miệng thì hay bị lập bập lúc ngồi một mình. Tâm trí ông cũng tương đối ổn định thôi chứ không còn được sáng suốt lắm.
...

Xuân Vinh.

No comments:

Post a Comment