Còn
một tuần nữa cậu út Hào sẽ về quê bái tổ vinh qui. Nhà ông bà Hội Đồng
Phú rộn rịp tưng bừng chẳng khác chi ngày Tết. Không quan trọng sao
được, bao nhiêu năm dùi mài kinh sử
nơi Ba Lê ánh sáng, cậu út giờ đây nghiễm nhiên là một ông Dược Sư trẻ
tuổi đẹp trai. Ông bà Hội lên Sài gòn từ mấy hôm trước để đón cậu quí tử
từ Pháp trở về. Như tất cả những nhà giàu lớn ở cái xứ Nam Kỳ lục tỉnh
này, ông bà Hội có căn biệt thự khá khang
trang trên Sàigòn. Trong ba người con thì Cô hai Lệ Hằng lấy chồng sớm
về bên Long Xuyên.
Cô
ba Lệ Hương và cậu út ở Sàigòn tiếp tục đi học. Cô ba sau khi đậu bằng
thành chung cũng lên xe hoa về làm dâu ông bà Cả Lễ dưới Sa Đéc. Cậu út
có Tú tài toàn phần xong là từ
giã gia đình, xuống tàu trực chỉ Pháp quốc học nghề bào chế thuốc. Thời
gian thấm thoát thoi đưa, cậu sắp trở về quê cha đất tổ với mảnh bằng
dược sư trong túi…
…
Rồi cái ngày trọng đại đó cũng đến. Trước khi lên Sài gòn cùng với hai
cô con gái, ông bà Hội đã dặn dò kỹ lưỡng mấy người giúp việc
trong nhà, nên hôm cậu út về tới, trong nhà ngoài ngõ đều trang hoàng
hực hở. Mọi người dậy từ hồi gà gáy hiệp nhứt. Một con bò tơ, hai con
heo đúng tạ, cộng thêm một số gà vịt tôm cá đáng kể đã oanh liệt hy sinh
cho ngày trở về của cậu út! Ngoài những ông
bạn đồng liêu, những nhà tai mắt trong tỉnh, ban hội tề làng Tân An,
ông bà cho mời hết bà con trong gia tộc tới dự. Dân làng, người nghèo
nhứt cũng có phần ăn.
…Đãi
đằng suốt ba ngày mới xong. Ai nấy đều mệt đừ nhưng rất vui. Ở nhà quê
ngoài mấy ngày Tết, cúng Đình hay cưới hỏi, ít có dịp cho mọi người
hưởng một không khí tưng bừng, náo
nhiệt. Vì vậy tiệc mừng cậu út được hưởng ứng hết mình. Hai cô Lệ còn ở
chơi với cậu em út ít hôm để nghe em kể chuyện bên Tây. Cậu út đem về
rất nhiều quà cho ba má và hai bà chị. Hai cô thích nhứt son phấn và dầu
thơm. Lệ Hương tò mò hỏi làm sao biết chọn
son phấn thì cậu út chỉ cười mỉm chi nói cậu cũng có vài cô bạn gái lựa
dùm. Mấy cô đầm tự nhiên dễ thương lắm. Lệ Hằng hỏi vậy em có thương cô
nào không, cậu trả lời nếu có cô nào em đâu có trở về nước. Ông bà Hội
nghe cũng lấy làm yên chí…
Suốt
ba ngày quay mòng mòng với khách khứa tới dự tiệc, cậu út mệt đứt hơi,
đâu có thời giờ để ý đến những người chung quanh. Tới ngày thứ tư, cậu
ngạc nhiên nhìn sững cô gái hai
tay bưng mâm thức ăn sáng thoăn thoắt từ nhà dưới đi lên. Cô mỉm cười
cúi đầu chào cậu. Cậu út nhíu mày cố nhớ nhưng không tài nào nhớ ra được
dù thấy hơi quen quen. Lúc cô trở xuống bếp, cậu út quay qua cô Lệ
Hương hỏi là ai mà thấy quen quá. Cô chị cười
:
–
Em quên cũng phải. Năm năm rồi chớ ít ỏi gì. Con Lụa con của thiếm Hai
Nhiên đó. Năm em đi Tây nó mới có mười ba tuổi. Bây giờ mười tám rồi làm
sao em nhìn cho ra. Con gái trổ
mã thay đổi dữ lắm. Cách đây ba năm lúc chị sanh đứa thứ hai, má cho nó
qua ở phụ việc nhà với chị. Nó thiệt sáng dạ, dạy cái gì một lần là làm
được liền. Càng lớn lại càng đẹp. Cô quay nhìn bà Hội rồi hỏi:
–
Má à, hình như hồi xưa trước khi tới ở cho nhà mình, thiếm hai bị ông
chủ trước …làm bậy có bầu, rồi bị bà chủ đuổi đi phải không má?
Bà Hội gật:
–
Ừ, hồi đó má con Lụa ở đợ cho một gia đình giàu có tuốt đâu bên miệt
Thốt Nốt. Trời sanh có nhan sắc cũng không phải là may. Nó bị ông chủ
hãm hiếp tới mang bầu. Bà Hoạn Thư biết
được liệng hết quần áo ra đường, biểu đi càng xa càng tốt, mụ mà còn
gặp mặt thì đánh cho chết luôn. Má nó bơ vơ phải tới xin tá túc trong
chùa sư nữ. Nhưng chùa chứa chấp một cô gái có chửa hoang cũng bất tiện.
Nhằm lúc má qua thăm dì Hai tụi con tu ở đó,
thấy tình cảnh đáng thương quá má dẫn bả về luôn.
Lệ Hương ngắt lời mẹ:
–
Hồi thiếm Hai Nhiên sanh con Lụa, con cũng đã lớn xộn, con còn nhớ con
nhỏ dễ thương lắm. Cặp mắt tròn vo đen mun. Tức cười nhứt là khi có bầu,
thiếm hai chỉ thích ăn đọt lụa
chấm mắm kho, nên khi sanh nó ra thiếm đặt tên con nhỏ là Lụa! Rồi sau
đó thiếm ưng chú Hai Nhiên phải không má?
–
Ừ, con Lụa được đâu hai tuổi thì vợ thằng Hai Nhiên sanh khó qua đời,
để lại đứa nhỏ còn đỏ hỏn. Con Lụa mới vừa dứt sữa nên má nó nhận cho
con thằng hai bú thép. Qua lại đâu
được nửa năm thì hai đứa nó xáp ở với nhau luôn. Bà Hội chép miệng:
–
Ai cũng tưởng cuộc đời má con nó từ đây thuận chèo mát mái. Có ngờ đâu
năm năm sau thằng hai bị trúng thương hàn qua đời. Buồn quá, má con Lụa
đem hai chị em nó tới năn nỉ má
cho vô ở lại luôn trong gia đình mình, thề suốt đời không lấy ai nữa.
Cũng may con Lụa với thằng Cầm cũng đễ dạy. Thằng Cầm đối với mẹ ghẻ
hiếu thảo như mẹ ruột. Ừ, mà dầu không có công sanh nhưng có công dưỡng.
Bà nói với cậu út:
–
Con Lụa qua Sa Đéc với chị ba con, nhưng ba tháng trước đây thiếm hai
bị té gẫy cánh tay mặt, nó phải trở về vừa săn sóc thiếm hai vừa phụ
công chuyện nhà.
Cậu út Hào gật đầu:
– Té ra con nhỏ Lụa ốm nhom ốm nhách hồi xưa. Hèn gì con thấy quen quen. Không ngờ bây giờ lớn lên lại đẹp như vậy.
– Ờ, tuy má nó có chửa hoang nhưng dầu sao ba của nó cũng là nhà giàu.
Bà Hội thêm vào:
– Có mấy chỗ ngấm nghé mà nó còn chưa chịu chỗ nào hết. Con nhỏ coi vậy mà kén dữ!
Cô ba Lệ Hương cười:
–
Đúng vậy. Có một thầy ký làm bên tòa bố ở Sa Đéc gặp nó đi chợ. Thẩy
chịu quá, lần hồi dò ra tông tích, rồi nhờ người tới thưa chuyện với anh
chị xin cưới. Vậy mà nó chê thẩy
già không chịu ưng. Ông ta mới ba mươi chớ mấy. Về đây ưng mấy đứa
trong làng rồi lại tay lấm chưn bùn khổ một đời!
Cả
gia đình vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Tới lúc Lụa trở lên dọn bàn, cậu
út để ý nhìn Lụa kỹ hơn. Trong chiếc áo bà ba bằng cẩm vân màu tím cà,
làn da trắng hồng mịn màng như…lụa.
Mày thanh mục tú. Nếu được chưng diện, con nhỏ sẽ đẹp không thua gì mấy
cô tiểu thơ con nhà giàu. Thấy cậu út nhìn mình chăm chú, Lụa ngượng
ngùng chớp chớp cặp mắt đen lay láy, mặt ửng hồng, vội vã bưng mâm đồ ăn
thừa đi xuống bếp. Cậu út nhìn theo miệng
cười…mím chi, trong đầu bỗng hiện lên bao nhiêu kỷ niệm của thời cậu
còn nhỏ dại, hàng ngày chơi đủ thứ trò con nít với chị em Lụa. Thời gian
thấm thoát thoi đưa…Tiếng ông Hội cất lên lôi cậu trở về thực tại:
–
Ba tính con ở nhà chơi độ mươi bữa, nửa tháng cho khoẻ rồi theo ba lên
Sàigòn. Ba có người bạn là Bác sĩ Đương, có cái dưỡng đường lớn trên
đường Lê Quang Định gần chợ Bà Chiểu
đó con nhớ không?
Hào bật cười lớn:
–
Con còn nhớ hồi chín mười tuổi gì đó, con bịnh phải tới cho ổng khám.
Sau đó còn bị cô y tá chích cho một mũi thuốc đau thấu trời xanh!
Ông Hội cũng cười:
–
Chính ổng đó. Ông ta biết con từ hồi nhỏ. Sau này nghe nói con học dược
ổng thường hay hỏi thăm. Ông có ngỏ ý với ba chừng nào con về nước, nếu
thấy thuận tiện ổng sẽ mở một cái
nhà thuốc cạnh dưỡng đường cho con cai quản.
Cô hai Lệ Hằng hỏi giọng cà rỡn:
–
Ba à, hình như hôm trước con nghe nói nếu muốn cai quản nhà thuốc tây
phải …cai quản luôn cô con gái rượu của ổng nữa phải không ba?
Thấy con trai hết nhìn cô chị tới nhìn ông già tỏ ý không hiểu, bà Hội vội nói:
–
Chuyện là vầy. Bác Đương có đứa con gái năm nay hăm hai tuổi chưa lập
gia đình. Bác có ý muốn làm suôi gia với ba má. Một đứa hăm hai, một đứa
hăm bốn thiệt xứng đôi.
Lệ Hương ngắt lời:
–
Con nghe tiếng cô Thu Thảo làm cao lắm đó. Mập, ốm, cao, lùn gì cổ cũng
chê tuốt luốt hết. Mà còn đầm hơn đầm chánh cống nữa nghe!
Bà Hội chận liền:
– Chèn ơi, học giỏi lại lịch sự trai như em con mà sợ cổ chê hay sao? Thắp đuốc kiếm đỏ con mắt còn chưa có nữa à.
Ông Hội chẫm rãi lên tiếng:
– Dưỡng đường Bác sĩ Đương bây giờ mở lớn hơn xưa nhiều. Nếu có viện bào chế bên cạnh chắc chắn sẽ khá lắm. Bà Hội chen vô:
– Nhà người ta gia tài chỉ có một trai một gái. Con vô đó sẽ được cưng như vàng.
Hai cô Lệ nhìn nhau cười:
– Sao má không nói luôn như chuột sa hủ nếp!
Bà Hội nhăn mặt:
–
Hai đứa bây thiệt tình. Làm như nhà mình nghèo lắm vậy đó. Dầu gì ba
bây cũng là ông Hội Đồng! Ai nghe người ta cười, tưởng mình ham giàu. Bà
quay qua hỏi cậu con trai nãy giờ
ngồi im nghe mọi người nói
– Hào, con nghĩ sao?
Cậu út cười:
–
Ba má cho con xả hơi một thời gian. Con hứa với ba sẽ tới thăm bác
Đương. Lúc ở bên Pháp một mình con nhớ nhà đứt ruột. Bây giờ hàng ngày
chỉ muốn được ăn mấy món ngon của má
nấu cho đã thèm. Thảnh thơi ngắm trời mây sông nước. Trong đầu không
còn bận rộn chuyện bài vở, thi cử gì hết. Nhớ lại năm năm học hành cực
khổ bên Pháp con thấy…phục con sát đất!
Mọi người nghe cậu diễu đều cười xòa, đứng lên ai lo công việc nấy.
Cậu
út lững thững đi ra phía trước nhà. Chú Tám Trọn, người làm vườn cho
gia đình Hào từ mấy chục năm nay, thấy cậu chủ lật đật lột cái khăn quấn
đầu khúm núm chào. Hào thân mật
vỗ vai chú:
–
Mới năm năm không gặp tóc chú đã bạc trắng hết rồi. Mặt cũng nhăn nhiều
hơn xưa. Chú Tám cười khoe hàm răng đã thưa đi nhiều cái:
–
Thưa cậu tui cũng ngoài năm mươi rồi chớ ít ỏi gì. Năm ngoái mới đau
một trận nặng thất kinh. Chưa theo ông bà ông vải là may lắm rồi.
–
Chú không cần thưa gởi gì cho mắc công. Cứ coi như út Hào hồi xưa chú
thường dẫn đi chơi, dạy nhắp cá lóc, đi đặt trúm, đi bắn chim đó mà.
Chú Tám gãi gãi đầu, ấp úng:
– Cậu bây giờ đường đường là ông Dược Sư.Tui hổng dám nói chuyện như xưa, sợ ông bà Hội quở. Hào cười:
–
Thì chú cứ nói cậu út cho phép. Nói rồi Hào đi bọc qua hông nhà ra phía
sau hè. Cậu nhớ phía sau vườn có hai cây nhãn rất thơm ngon. Lúc này
lại là mùa nhãn. Hào định ra hái ít
chùm. Chưa qua khỏi mấy bụi chuối già hương lá xanh biếc, phe phẩy
trong gió sớm, Hào đã nghe tiếng sột soạt bên hướng mấy cây nhãn trong
góc vườn. Chàng thận trọng núp sau bụi chuối nhìn. Thì ra Lụa đang cầm
cái lồng đưa lên hái mấy chùm nhãn nặng trĩu đong
đưa trên cây. Hào không bước ra vội mà đứng đó nhìn cô gái cho mãn
nhãn. Lụa cao vừa tầm. Mái tóc đen óng mượt kẹp gọn bằng chiếc kẹp đồi
mồi dài tới thắt lưng. Cô ngước lên để lộ chiếc cổ trắng ngần, thon dài
như cổ thiên nga. Lúc cầm cái lồng tre đưa lên
cao, Lụa rướn mình , khuôn ngực căng phồng dưới làn áo mỏng, thật tràn
trề sức sống. Đợi cô gái hái đầy một rổ Hào mới bước ra kêu :
– Lụa!
Bất ngờ, Lụa giựt mình suýt làm rớt cái lồng đang cầm trên tay. Chừng thấy Hào, cô đưa bàn tay lên chặn ngực:
– Cậu út làm em hết hồn!
Hào cười:
– Xin lỗi. Không ngờ Lụa yếu bóng vía tới như vậy.
Cô gái vội chống chế:
– Không phải tại em nhát đâu, tại em đang suy nghĩ…
Hào hỏi tới:
– Lụa đang nghĩ chuyện gì hay nghĩ tới ai. Nói nghe được không?
Mặt cô gái chợt đỏ lên. Cô ấp úng:
– Cậu…Cậu…biết để làm chi?
Thấy nét mặt thẹn thùa, lúng túng của Lụa dễ thương quá, Hào càng chọc ghẹo thêm:
– Thì biết để …biết vậy mà. Bộ Lụa có chuyện gì cần giấu phải không?
Cô
nhỏ chẳng biết trả lời sao, đành đứng im lắc đầu, ánh mắt nhìn Hào đầy
vẻ van lơn. Lúc đó Hào mới cười, ngắm Lụa từ đầu tới chân :
–
Chọc Lụa chút thôi. À, mà cô Lụa bây giờ khác xa con nhỏ Lụa vừa ốm vừa
đen hồi xưa đó nghe. Gặp ngoài đường chắc nhận không ra.
Lụa cũng cười sau khi lấy lại bình tĩnh:
–
Dạ, tại hồi xưa tối ngày dăng nắng. Nội cái đi bắt cào cào, châu chấu
cho cậu câu cá cũng đủ đen rồi…Sau này xuống Sa Đéc với cô ba, em ở
trong nhà thường xuyên nên mới nhả nắng.
Nhưng cậu đâu có thay đổi mấy. Chỉ mập hơn xưa chút xíu thôi. Dù gặp ở
đâu em cũng nhận ra cậu liền.
Hào nhìn chăm chú cái miệng cười có hàm răng đều đặn trắng như ngà:
– Lụa không bao giờ quên tôi thiệt hả?
Cô nhỏ hấp tấp trả lời, giọng nghiêm túc:
– Thiệt mà. Lúc nào em cũng nhớ tới cậu.
Hào nghiêng đầu, nhìn sâu vào đôi mắt đen, cũng lấy giọng thật nghiêm túc:
– Thiệt? Lập lại lần nữa đi.
Lúc
đó mới nhận ra sự trả lời hấp tấp của mình và thái độ đùa cợt của Hào,
Lụa mắc cở cúi xuống bưng rổ nhãn, cầm cái lồng rồi nói:
– Thôi em phải vô nhà lo bữa ăn trưa. Xong quày quả bỏ đi.
Hào nhìn theo lắc lắc đầu cười một mình, rồi lững thững đi vô nhà, miệng huýt sáo một bản nhạc vui.
Những
ngày sau đó, Hào đi thăm bà con xa gần trong làng. Thỉnh thoảng rủ chú
Tám xách cần câu đi rê cá lóc, cá bông. Hoặc đem võng ra sau vườn, dăng
giữa hai cây dừa, vừa nằm đọc
sách vừa nghe tiếng chim hót líu lo thánh thót trên cây. Tâm hồn thật
sảng khoái. Có hôm gió mát quá ngủ quên, lúc thức dậy thấy có cái mền
mỏng đắp trên ngực. Hào đoán biết là ai nên khi đi ngang qua bếp, cậu
thò đầu vào nói cám ơn Lụa. Cô nói em sợ cậu bị
trúng gió. Hào gục gặc đầu cười rồi bước đi, nhưng trong lòng thầm cảm
ơn sự ý tứ của cô nhỏ.
Hôm
sau cậu út đạp xe xuống chợ Cao Lãnh chơi, tiện thể mua ít món đồ cho
bà Hội. Tuy chỉ có bảy cây số nhưng lúc về trời nắng gắt, mình mẩy Hào
ướt đẫm mồ hôi. Nghỉ một hồi cho
ráo, Hào xách khăn xuống sông tắm. Nước đang lớn nên trong xanh. Bờ nọ
cách bờ kia chừng năm mươi thước. Hào có thể lội qua lội lại không cần
nghỉ mệt. Lúc lội về, Hào thấy Lụa đang ngồi trên đầu cầu giặt quần áo.
Cô khen:
–
Cậu út lội vẫn giỏi như xưa. Em chưa bao giờ dám lội một mình qua bờ
bên kia. Nhớ lúc Lụa còn nhỏ, chính mình đã tập lội cho nên Hào nổi tánh
tinh nghịch hỏi:
– Bây giờ có muốn lội qua bển không nè?
Lụa
chưa kịp trả lời đã bị Hào nắm tay lôi lọt tòm xuống nước. Tuy biết lội
nhưng bất ngờ quá, Lụa la oai oái. Mà càng la nước càng tràn vô miệng
làm cô nhỏ sặc sụa. Hào cười lớn
không suy nghĩ ôm Lụa vào lòng, lấy tay vỗ vỗ lên lưng. Lụa vừa ho vừa
vuốt nước trên mặt. Đến lúc tỉnh hồn thấy Hào đang ôm mình trong tay, cô
hoảng hốt đẩy cậu ra. Hào hụt chân té ngửa ra đằng sau. Nhưng khi lấy
lại thăng bằng, cậu lặn dưới nước kéo chân
Lụa. Cô nhỏ lại té nhào. Hào trồi lên khỏi mặt nước cười khoái chí. Cậu
không thấy bà Hội đang đứng trên bờ, cau mặt nhìn cái cảnh hai người
đang ngụp lặn dưới nước. Đợi lúc Lụa lội vô tới cầu, bà Hội mới lên
tiếng:
– Hai đứa làm gì mà giỡn hớt như con nít vậy? Lụa, giặt quần áo rồi chưa?
Lụa vừa vắt nước mái tóc vừa nói:
– Dạ, tại cậu út lôi con té xuống sông…
Hào cười như không có chuyện gì xảy ra:
– Giỡn chút cho vui mà má. Bà Hội cắt ngang:
– Hai đứa lớn đầu rồi. Giỡn kiểu này xóm riềng dị nghị. Thôi tắm lẹ rồi lên, lâu quá coi chừng bị trúng nước.
Cậu út dạ một tiếng, nheo mắt với Lụa rồi đi lên, sau khi lấy cái khăn bàn lông quấn ngang bụng.
Còn lại một mình, Lụa nhớ tới lúc bị cậu út ôm gọn ơ trong tay mặt bỗng đỏ bừng, người nóng ran như vừa uống một ly rượu mạnh…
…Giấc
ngủ trưa khiến cậu út cảm thấy sung sức nên lấy xe đạp đạp vòng vòng.
Nay mai cậu phải theo ông Hội lên Sàigòn thăm Bác Sĩ Đương. Nghĩ tới cô
tiểu thơ Thu Thảo cậu cảm thấy
vui vui. Nhớ lại lúc còn bên Pháp, Hào rất thân với Marc, một thanh
niên Pháp học cùng lớp. Gia đình Marc rất giàu, có nhà nghỉ mát ở vùng
quê. Thỉnh thoảng cuối tuần hoặc nghỉ lễ, Hào thường theo Marc và gia
đình về đó. Marc có cô em gái rất đẹp tên Mylène.
Cô bé thua Hào hai tuổi nhưng khôn dàn trời! Hào xem cô ta như em gái
và lúc nào cũng thủ lễ. Mặc dù đôi khi cô nàng, không biết vô tình hay
cố ý, có những cử chỉ rất khêu gợi với Hào. Cho đến một lần vào mùa
đông. Chỉ có Marc cùng cô bạn gái tên Annie, Mylène
và Hào về nhà nghỉ mát để trượt tuyết. Bốn người định ở một tuần, nhưng
tới ngày thứ ba Annie đột nhiên đau bụng dữ dội. Tưởng bị trúng thực,
nhưng uống thuốc qua một đêm vẫn không thuyên giảm.Tới sáng Annie còn
hâm hấp sốt. Marc lo lắng đưa cô bạn về Paris
gấp, nhưng khuyên Hào và Mylène cứ ở lại chơi thêm. Về lúc này cũng
chẳng làm gì.
Suốt
một ngày trượt tuyết ngoài trời, cả hai về nhà mệt đứ đừ. Trong khi
Mylène đi tắm thì Hào đốt lò sưởi nơi phòng khách. Những thanh củi bằng
gỗ sồi cháy bập bùng, toả hơi ấm
khắp căn phòng. Phòng khách nhỏ nhưng ấm cúng, vừa cho một bộ salon,
một chiếc divan nệm và một cái bàn cà phê thấp. Trên sàn nhà lót gỗ bóng
ngời, giữa bàn nước và lò sưởi có trải một tấm thảm dầy màu huyết dụ.
Ông già Marc mê ngựa nên trên tường treo toàn
tranh ảnh ngựa. Bên cạnh là nhà bếp, nhỏ nhưng đầy đủ dụng cụ nấu ăn.
Trên gác có ba phòng ngủ.
Khi
Hào lo xong lò sưởi thì Mylène cũng vừa tắm xong từ trên gác đi xuống.
Chàng hơi ngỡ ngàng khi thấy cô mặc áo ngủ, tuy bên ngoài có khoác cái
áo choàng. Mylène nhìn thấy ánh
mắt ngạc nhiên của Hào, nhưng làm lơ như không biết, hối chàng đi tắm
và cô sẽ sửa soạn bữa ăn tối. Hào hơi hồi hộp vì lần đầu ở một mình với
một cô gái. Chàng chưa có kinh nghiệm về đàn bà! Nhưng cậu tự nhủ tới
đâu hay tới đó. Không lẽ sợ bị ăn thịt hay sao?
Mà bị một cô gái xinh đẹp như Mylène “ăn thịt” chắc cũng…vui lắm chớ?
Nghĩ vậy chàng bật cười một mình.
Hào
đi xuống cũng vừa lúc Mylène từ trong bếp khệ nệ bưng một khay thức ăn
ra phòng khách. Chàng vội đón lấy đặt xuống bàn. Mylène nói:
– Chỉ có hai đứa ăn dưới bếp buồn lắm. Ngoài này có lò sưởi ấm cúng hơn.
Nói
rồi ngồi bệt xuống thảm. Cái áo choàng xòe rộng chung quanh, trông
Mylène như một đoá hoa trắng muốt trên nền thảm đỏ. Nghe Hào nói vậy
Mylène cười dòn dã nói không ngờ Hào
có tâm hồn thi vị như vậy. Hào ngồi trên sofa đối diện với Mylène. Cả
hai bắt đầu ăn. Chỉ có một đĩa xà lách trộn olive, jambon, vài loại
fromage, bánh mì và một chai rượu vang đỏ. Cả hai đều đói nên ăn rất
ngon miệng. Rồi cứ cùng nhau uống cạn ly đầy và rót
đầy ly cạn, chai rượu hết hồi nào không hay. Ngoài trời tuyết bay phấp
phới, càng lúc càng nhiều. Vạn vật phủ một màu trắng xóa. Thỉnh thoảng
gió làm lay động mấy cành thông đập nhè nhẹ vào cửa sổ nghe xào xạc. Bên
trong, hơi ấm từ lò sưởi toả ra thật ấm áp
dễ chịu. Hơi nóng cộng với mấy ly rượu đỏ khiến Hào cảm thấy ngà ngà.
Chàng đưa mắt nhìn Mylène thì thấy nàng cũng đang nhìn mình đắm đuối.
Rồi không nói không rằng, Mylène từ từ tháo dây chiếc áo choàng ném ra
xa. Trên người chỉ còn lại chiếc áo ngủ mỏng
manh, trong suốt. Không rời mắt khỏi khuôn mặt của Hào, Mylène gọi nhỏ:
– Hào, lại đây với em.
Như
bị nam châm hút, Hào từ từ đứng lên tới bên cô gái rồi quì xuống trước
mặt nàng, hai tay buông thõng không dám chạm vào người cô ta. Mylène
cười khẽ, cũng quì lên, đưa tay ôm
trọn khuôn mặt Hào, kề đôi môi mọng đỏ vào môi chàng hôn nhẹ. Mùi thơm
dịu dàng từ người cô gái tỏa ra, cộng thêm chiếc hôn khiến Hào ngây
ngất. Chàng đưa tay ôm gọn thân hình nóng bỏng của Mylène, hôn tới tấp
lên mặt, lên cổ, lên vai của nàng. Mylène cũng
hưởng ứng cuồng nhiệt không kém. Đột nhiên sợi giây nhỏ xíu của chiếc
áo ngủ tuột khỏi bờ vai nõn nà của cô gái… Lúc này chắc chỉ có trận bão
tuyết cấp…năm mới có thể dập tắt nổi ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy trong
người Hào!!! Mylène ngả mình nằm xuống thảm.
Hào trân trối nhìn cái thân hình như đúc bằng thạch cao. Mái tóc vàng
óng màu lúa chín, cặp mắt xanh ngọc bích đang khép hờ, cặp môi hồng mọng
đầy he hé mở, Mylène đẹp đâu kém gì mấy bức tượng Vệ nữ trong viện Bảo
tàng. Cho nên lúc cô nàng mỉm cười đưa hai
cánh tay lên mời gọi, Hào không còn tự chủ nổi…!
Hai người đã sống cuồng bão trong suốt ba ngày liền. Ban đầu Hào còn lo là mình có lỗi với Marc, nhưng Mylène cười nói:
–
Anh khờ ơi, bộ anh tưởng Marc là Thánh hay sao. Tuy rằng ở chung phòng
với em, nhưng đêm nào Annie cũng qua ngủ với anh Marc. Miễn tụi mình giữ
sao cho khỏi có bầu thì thôi. Anh
thừa biết anh không phải người đầu tiên của em mà.
Hào
yên chí lớn. Mỡ đưa tới miệng mèo thì cứ…xực. Chàng là con trai sợ gì
lỗ! Cuộc tình giữa chàng với Mylène kéo dài được hơn năm thì nàng đi lấy
chồng. Chồng nàng lớn tuổi hơn
Hào rất nhiều, bù lại có gia sản kếch sù. Sau đó Hào có thêm vài cô bạn
gái nhưng chỉ qua đường. Chàng bây giơ øđã nếm mùi ân ái. Ăn quen nhịn
không quen. Cũng may là mấy cô đầm dễ dãi. Không thích nữa thì chia tay…
…Hào
đang thong thả đạp xe dọc theo đường lộ, dưới mấy hàng me keo rợp bóng
mát, bỗng từ phía chân trời xa mây đen cuồn cuộn kéo tới. Chàng vội vàng
đạp riết về nhà. Vừa cất xe
vô lẫm lúa, thì cơn mưa ập xuống. May chưa bị ướt. Lẫm lúa khá lớn được
cất phía sau hè, lợp ngói đàng hoàng. Vào mùa lúa, lúa ruộng thâu về
chất đầy kho nhưng mùa này chỉ còn một bồ nhỏ, mấy lu gạo và những thứ
lặt vặt. Trong góc nhà có một chồng bao bố tời.
Hào bước lại phía cửa sổ ngó ra ngoài. Nước mưa rơi xuống những tàu lá
chuối tạo nên một âm thanh lộp độp vui tai. Mấy ngọn tre ẻo lả oằn oại
dưới những cơn gió lướt qua… Hào nhủ thầm mưa lớn dữ, chắc còn lâu mới
tạnh. Đứng một lúc mỏi chân, chàng quay lại
định kiếm chỗ nào đó ngồi chờ, nhưng bỗng giựt mình đứng yên. Trong
cảnh tranh tối tranh sáng lờ mờ trong vựa lúa, một bóng người quay lưng
về phía Hào, đang đưa tay hất mái tóc ướt đẫm ra sau lưng. Quen mắt, Hào
nhận ra Lụa nên cất tiếng gọi:
– Lụa…
Tưởng chỉ một mình trong vựa lúa, nên Lụa hết hồn quay lại rồi kêu lên:
– Cậu út! Cậu làm gì ở đây?
Hào cười:
– Thì chắc cũng giống như Lụa thôi. Tôi đang đụt mưa. Còn em?
Lụa lúng túng vì không biết làm sao che cái áo bà ba ướt nhẹp đang dán sát vào người:
–
Em đang hái mớ rau càng cua ngoài vườn soài, định chiều nay trộn dấm.
Không ngờ mưa tới lẹ quá chạy vô nhà không kịp! Nói rồi cô đưa mắt nhìn
chung quanh. Cái cảnh vắng vẻ chỉ
có hai người, ngoài kia mưa vẫn rơi nặng hột, khiến Lụa có cảm giác bất
an, len lén đưa mắt nhìn Hào. Hào cũng nhìn lại cô gái. Lúc này bỗng
dưng chàng thấy Lụa…hấp dẫn quá đỗi. Thấy cặp mắt Hào nhìn mình chăm
chú, tuy không lạnh mà Lụa bỗng run khan! Cô cúi
gầm mặt không dám nhìn Hào, hai cánh tay khoanh trước ngực như muốn tự
bảo vệ trước một nguy cơ nào đó! Thấy thái độ sợ sệt của cô gái, Hào
bỗng động lòng…trắc ẩn, bước tới bên cạnh nắm lấy tay của Lụa. Thấy hai
bàn tay vừa lạnh ngắt vừa run rẩy, chàng kêu
lên:
–
Chết, sao em run quá vầy nè? Chắc tại mặc áo ướt. Coi chừng bị cảm
lạnh. Hay cởi áo ướt ra, mặc tạm áo của anh cho ấm. Vừa nói Hào vừa cởi
nút áo của mình .
Tiếng Lụa thảng thốt:
– Cậu út. Đừng làm vậy kỳ lắm!
Hào chắt lưỡi:
– Kỳ gì mà kỳ. Ở đây có ai đâu mà sợ? Bộ em muốn bịnh lắm hả? Không chịu cởi anh … cởi dùm à.
Vừa
nói Hào vừa đưa tay định cởi…thiệt! Lụa hoảng hồn xoay người định
tránh, nhưng lại vô tình khiến hàng nút bóp bật ra vì hai ngón tay Hào
đang cầm mí áo. (Chắc anh chàng quên
mất con gái Việt Nam không giống mấy cô đầm bên Pháp. Nói cởi là cởi
liền! Hay vì Lụa chỉ là một cô gái làm công nghèo khổ?). Sẵn trớn Hào
tuột luôn cái áo ướt. Trên người Lụa chỉ còn cái áo lá. Hào khoác cái áo
của mình lên người Lụa xong rồi máng cái áo
ướt lên cây đinh trên vách. Tất cả xảy ra trong chớp mắt khiến Lụa
không kịp có phản ứng. Sau đó nhìn ra ngoài, thấy trời vẫn mưa như trút
nước, Hào kéo tay Lụa tới ấn ngồi xuống đống bao bố tời nói “ngồi đây
cho khỏe, đứng hoài mỏi chân”. Thấy cô gái vẫn
run như cầy sấy, Hào tự nhiên choàng tay qua vai nàng kéo gần lại:
– Xích lại cho ấm Lụa. Bây giờ kể chuyện của em cho anh nghe đi. Ngoài cái ông thơ ký toà bố dưới Sa Đéc, em có thương ai chưa?
Thấy cậu út xưng anh với mình, Lụa càng mắc cở. Cúi gầm mặt cô ấp úng:
– Dạ, em có thương ai đâu…
Cởi
trần nãy giờ, Hào thấy lành lạnh, nên hơi ấm tỏa ra từ người cô gái
khiến chàng cảm thấy rất dễ chịu, chỉ muốn ôm luôn cô ta vào lòng. Ý
nghĩ này bỗng dưng khiến cả người Hào
nóng ran. Chàng một tay nâng cằm, một tay ôm ngang cái eo thon của Lụa
kéo sát lại gần, thì thào:
– Lụa, em đẹp lắm, biết không?
Nói
rồi hôn nhẹ lên trán cô gái. Bị tấn công bất ngờ, Lụa ú ớ… nhưng không
kháng cự. Thấy vậy, Hào hôn lần xuống mắt, xuống môi…Lụa từ từ trở nên
mềm nhũn như một con búp bê bằng
vải trong vòng tay của Hào. Cô muốn chống cự cũng không còn hơi sức.
Hào đã có nhiều kinh nghiệm với những người tình qua đường bên Paris, sá
gì một cô gái quê còn thơ ngây như Lụa. Chính sự ngây thơ này càng kích
thích chàng hơn nữa. Hào từ từ ngả mình xuống
đống bao bố tời êm ái, kéo Lụa nằm xuống theo. Rồi vừa mơn trớn vừa thủ
thỉ những câu nói đầy tình tứ, Hào đã làm chủ tấm thân băng tuyết ngọc
ngà của Lụa…Đêm đó nằm một mình trong buồng ở nhà dưới, Lụa nhớ lại tỉ
mỉ những giây phút trao thân cho Hào mà lòng
còn đầy xao xuyến. Cô biết mình đã mất đi cái quý nhứt của đời con gái,
nhưng không chút hối tiếc. Từ nào tới giờ Lụa vẫn biết mình thương cậu
út Hào rất sâu đậm. Từ lúc lên bảy tới tuổi mười ba, biết bao nhiêu lần
cô nhỏ đã cùng thằng Cầm tham dự những trò
chơi của cậu út. Có lần cậu còn đánh lộn với thằng Quan con ông Hương
quản Tôn, vì thằng này dám chọc Lụa tới phát khóc!
Lần
cuối về quê thăm nhà trước khi xuống tàu qua Pháp, cậu út còn tặng cho
thằng Cầm cây kèn harmonica của cậu. Phần Lụa được sợi dây chuyền có
hình trái tim nhỏ xíu bằng bạc. Cậu
nói sẽ không bao giờ quên chị em Lụa. Nàng cất sợi dây chuyền rất kỹ
trong cái hộp bánh Bisquit Lu mà cô ba Lệ Hương đã cho. Chỉ dịp nào đặc
biệt mới lấy ra đeo. Tối nay Lụa lại đem sợi giây chuyền ra ngắm. Cô
chắc rằng với thời gian, cậu út đã quên hết những
chuyện xưa rồi. Lụa thì không bao giờ. Những tấm hình cậu út chụp gởi
về từ Pháp đều được bà Hội chưng la liệt nơi phòng khách. Mỗi ngày lau
bụi bậm, Lụa ngắm hoài không chán. Cậu lúc nào cũng ở trong trái tim của
Lụa. Nhưng nàng cũng tự biết mình chỉ là người
làm của gia đình cậu, nên không bao giờ dám nghĩ đến chuyện viễn vông.
Và cô không chút hối hận đã hiến thân cho cậu.
Đêm
trước khi theo ông Hội lên Sài gòn, Hào lại kín đáo hẹn Lụa ra ngoài
vựa lúa sau khi mọi người yên giấc. Nàng ngần ngại, suy đi nghĩ lại cả
buổi, nhưng cuối cùng trái tim đã
thắng. Lúc Hào đẩy cửa bước vô, Lụa đã ngồi đó, trong ánh sáng lờ mờ
của cây đèn trứng vịt. Thấy chàng Lụa e ấp định đứng lên, nhưng Hào đã
bước vội tới ôm cô siết chặt vào lòng, vừa hôn tới tấp vừa nói nhớ em
quá, nhớ em quá đi…Nét mặt ngây thơ không son
phấn, mái tóc mây dài mượt mà thơm mùi chanh đã khiến Hào ngây ngất.
Trước sự vồ vập của Hào, Lụa cảm thấy sung sướng. Nàng cho người mình
thương tất cả mà không hề nghĩ đến hậu qua, hoặc đòi hỏi một sự trả lại
nào cả. Phần Hào, chàng chấp nhận sự hiến dâng
của Lụa như một chuyện tự nhiên, như ăn, ngủ, hít thở khí trời… Lụa
giản dị chỉ là một đứa tớ gái trong nhà. Một đứa tớ gái đẹp đã kích
thích lòng ham muốn của cậu.Vậy thôi. Chàng tự hứa lần sau ở Sài gòn về
sẽ mua cho Lụa vài món quà đáng giá…
Sau
khi gặp ông bà Bác sĩ Đương và cô gái rượu tên Thu Thảo, Hào thấy cũng
không có gì trở ngại. Phải công nhận là Thu Thảo đẹp sắc sảo, phong cách
sang trọng. Biết trang điểm để
nâng cao những nét đặc biệt của mình.Tánh tình tự nhiên như mấy cô bạn
Pháp của chàng bên Paris. Ông bà Bác sĩ chỉ có một gái nên cưng như ngọc
như ngà. Từ nhỏ muốn gì là được nấy, không ai dám làm cô phật lòng. Ý
của cô là mệnh lệnh. Nhứt hô bá ứng. Có vài
đám muốn nhảy vô đều bị cô chê cù lần, nhà quê! Đến lúc giáp mặt Hào.
Cái tít Dược Sư từ Pháp về cộng thêm sự lịch duyệt, nét đẹp trai của
chàng đã khiến cô tiểu thơ đài các, khó tánh này xếp giáp quy hàng. Hai
gia đình lại môn đăng hộ đối. Hôn lễ đựơc cử
hành ba tháng sau đó. Mọi người đều đồng ý cưới vợ thì phải cưới liền
tay. Của hồi môn là cái nhà thuốc tây bên cạnh dưỡng đường, cộng thêm
căn biệt thự trên đường Công Lý. Ông Hội Đồng đâu chịu mất mặt, quà cưới
cho hai trẻ là chiếc xe hơi đời mới nhứt và
dĩ nhiên phần lớn cái gia sản của ông bà sau này sẽ về tay cậu út. Đám
cưới của tiểu thơ Thu Thảo cùng Dược Sư Nguyễn Phú Hào đã làm chấn động
giới thượng lưu của Sài thành hoa lệ. Cặp trai tài gái sắc này cũng
khiến rất nhiều người ganh tị. Tóm lại, một tương
lai huy hoàng đang mở rộng trước mắt cặp vợ chồng mới Thu Thảo-Phú Hào.
Tuần trăng mật trong cảnh sắc vừa tráng lệ vừa huyền bí của Đế Thiên Đế
Thích càng cột chặt hơn sợi dây hôn nhân của hai người.
Sau
đám cưới, vì công chuyện làm ăn lu bu nên Hào rất ít khi về quê. Hơn
nữa Thu Thảo không chịu được sự thiếu tiện nghi và buồn chán ở nhà ba má
chồng. Sau tuần trăng mật hai người
có về cúng bái tổ tiên nhà họ Nguyễn. Ở đúng hai bữa, Thu Thảo nằng nặc
đòi trở lên Sàigòn. Trong hai ngày này vì bị Thu Thảo bám cứng nên Hào
không gặp riêng Lụa lần nào. Chỉ gặp những lúc dọn cơm. Mà Lụa lại như
cố tình tránh né không muốn gặp cậu. Đang
vui duyên mới nên Hào cũng không để ý.
Tuy
biết rằng phận mình không thể trèo cao, nhưng gặp lại Hào cùng vợ mới,
lòng Lụa đau như bị dao cắt. Ban ngày cố giữ bộ mặt bình thản, nhưng đêm
đến, một mình trong buồng, Lụa
để mặc cho nước mắt tuôn rơi. Vùi mặt vào gối để tiếng khóc khỏi thoát
ra sợ mẹ ngủ buồng bên cạnh biết được.
Sách
có câu phước bất trùng lai họa vô đơn chí. Hơn một tháng sau từ khi
trao thân cho cậu út, Lụa thấy trong mình bải hoải, lúc nào cũng buồn
ngủ. Chỉ cần ngửi mùi xào nấu là ụa
mửa. Tháng rồi lại không hành kinh, Lụa sợ lắm. Thấy con ói thiếm hai
đè ra cạo gió. Nhưng sao cạo hoài mà con nhỏ vẫn bị…trúng gió, thiếm
sanh nghi. Buổi tối, đợi Lụa dọn dẹp bếp núc xong xuôi, vừa vô buồng là
thiếm bước theo. Nhìn nét mặt của mẹ, Lụa đoán
bà đã nghi rồi nên không giấu được sự bối rối. Huống chi tình cảnh này
thiếm đã trải qua! Chỉ cần vài câu hỏi khéo léo là thiếm biết được sự
thật. Nhưng khi biết tác giả cái bào thai là cậu út thiếm chết trân như
bị trời trồng. Tưởng thằng mắc dịch nào khác
trong làng thiếm còn hy vọng bắt nó cưới hỏi đàng hoàng, đằng này lại
là cậu út. Trời cao thiệt không có mắt! Đời thiếm đã vậy, tưởng con Lụa
sẽ khá hơn, ai ngờ cái bi kịch đó đang tái diễn y chang như trước. Khổ
hơn nữa là đứa con gái ngu muội của thiếm lại
hết lòng yêu thương cậu út!!! Thiếm kêu trời liền miệng. Có nên thú
thật với bà Hội không? Không thú thì cái bụng càng ngày càng lớn của Lụa
cũng sẽ tố cáo với mọi người. Nhưng thiếm sợ không biết ông bà Hội sẽ
phản ứng ra sao?.. Còn vợ cậu út nữa chi? Mắng
mỏ con gái một hồi mỏi miệng, thiếm hai bỏ về buồng của mình…suy nghĩ
tiếp! Lụa chỉ biết ngồi đó khóc mùi mẫn mà thôi!
Đến
nửa tháng rồi mà thiếm hai vẫn không đủ can đảm thú thật cùng bà Hội.
Một buổi trưa, ngồi trên bộ ván dưới bếp lau lá chuối, sửa soạn gói bánh
ít bánh tét đem lên Sài gòn thăm
vợ chồng cậu út, bà Hội vọt miệng hỏi:
–
Nè vợ Hai Nhiên, lóng rày sao tao thấy con Lụa như không được khỏe. Mặt
mày nó chao dao. Có cần cho nó xuống chợ Cao Lãnh bắt mạch hốt thuốc
không vậy?
Biết
không thể giấu giếm lâu hơn nữa, thiếm Hai ngồi thụp xuống ôm hai đầu
gối bà Hội khóc ròng. Kinh ngạc tột độ bà lính quính hỏi chuyện gì.
Thiếm Hai vừa thút thít khóc vừa kể
ngọn ngành với bà Hội. Bà có cảm tưởng như trời đất quay cuồng, phải
nhắm mắt một hồi mới định thần được. Trời ơi chuyện này đổ bể ra làm sao
ông bà còn nhìn mặt ai được?! Nhứt là ông bà Bác sĩ Đương. Thằng út
giết ông bà trận này rồi! Còn con Lụa nữa. Nếu
nó không rù quến thằng kia thì làm sao xảy ra chuyện? Nghĩ tới đây bà
nổi giận đùng đùng, mắng thiếm hai là đồ bội bạc, lấy oán trả ơn. Nếu
con dâu bà biết được thì ăn nói làm sao? Thiếm hai ngồi chịu trận cho bà
trút cơn giận dữ. Chưởi một hồi bà dịu lại
nói để bàn với ông Hội rồi tính sau.
Ba
bữa sau, cơm tối xong ông bà kêu thiếm Hai lên nhà trên nói chuyện.
Thiếm hồi hộp run như người bị sốt rét. Ông Hội nói xưa nay vẫn coi mấy
mẹ con thiếm như người trong gia đình.
Bây giờ chuyện này xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của mọi người. Đứa trẻ
trong bụng con Lụa tuy là máu mủ của cậu út, nhưng vì hạnh phúc của cậu
ông đành phải hy sinh. Ông sẽ cho mấy mẹ con thiếm một số tiền lớn với
điều kiện đi xứ khác làm ăn và tuyệt đối
phải giữ kín chuyện này.
Thiếm
Hai khóc như mưa, cám ơn lòng tốt của ông bà Hội và hứa sẽ không tiết
lộ với bất cứ ai. Thiếm cũng cho biết có người chị em bà con làm ăn trên
Nam Vang. Tạm thời thiếm sẽ
dắt hai đứa nhỏ lên đó. Nơi xứ lạ không ai biết mẹ con thiếm. Ông bà
Hội hài lòng với giải pháp này. Phần ông bà sẽ nói với vợ chồng cậu út
và hai cô Lệ Hương- Lệ Hằng là Lụa đã lên Nam Vang lấy chồng, đem mẹ
theo luôn.
Hai
hôm sau, ba mẹ con tom góp hết những gì có thể đem theo được, từ giã
ông bà Hội xuống tàu đò lên Nam Vang. Lụa ra đi lòng đau như cắt. Mắt
không ngớt quay lại nhìn nơi cô đã
chào đời và cũng là nơi khiến cô lâm vào cảnh bi đát như hôm nay! Lụa
tự hứa dù ở bất cứ trường hợp khó khăn nào, cô cũng cố gắng nuôi đứa con
đang tượng hình trong bụng. Nó là kết quả của mối tình dù là một chiều
của Lụa. Nàng yêu cậu út biết bao nhiêu…Không
được làm vợ cậu, nhưng Lụa có đứa con với cậu là đủ…
…Chuyện
đời nào ai ngờ được. Ông Trời có cho ai được hưởng trọn bao giờ? Thuyền
lớn thì gặp sóng to. Cuộc nhân duyên của Hào và Thu Thảo bắt đầu thật
tốt đẹp. Cái tiệm thuốc tây
của Hào càng ngày càng phát đạt. Hào làm việc siêng năng, từ chín giờ
sáng tới mười hai giờ trưa. Về ăn cơm với vợ rồi trở ra nhà thuốc tiếp
tục tới năm giờ chiều. Cuối tuần đưa vợ đi nơi nào nàng thích. Thu Thảo
rảnh rỗi hết về nhà mẹ lại đi phố chơi với
bạn bè. Ông bà Hội có thúc hối sanh cháu nối dõi Thu Thảo chỉ cười thưa
rằng hai vợ chồng còn trẻ lắm, đợi vài năm. Đúng ra nàng không thích
con nít lắm, nhứt là lúc có bầu, thân hình ột ệt mất hết thẩm mỹ! Cuối
cùng bị hối quá, hơn hai năm sau Thu Thảo cấn
thai. Hào mừng như điên. Nhưng mừng nhứt phải là ông bà Hội. Hào càng
cưng chìu vợ hơn. Lúc được hơn bốn tháng, anh chị Thu Thảo ra nghỉ mát
ngoài Vũng Tàu một tuần rủ hai người đi theo. Sẵn mùa hè nóng nực Thu
Thảo chịu liền. Hai nhà đi hai xe hơi riêng.
Lúc trên đường từ Vũng Tàu về Sàigòn ngang qua Bà Rịa, hai vợ chồng
đang vui vẻ tranh cãi nhau về tên của đứa nhỏ sắp chào đời, Hào thấy con
hoẳng phóng qua đường quá trễ, nên bị lạc tay lái. Lúc anh chị Thu Thảo
đến nơi thấy chiếc xe chổng bốn bánh lên trời
bên vệ đường. Hào văng ra ngoài nhưng Thu Thảo vẫn còn trong xe. Hào
bất tỉnh nhân sự, nằm như một cái xác không hồn. Thu Thảo còn tỉnh táo
nên khi thấy mặt anh chị thì khóc òa lên, mếu máo hối anh chị cứu chồng
…Hai gia đình hết sức đau đớn trước cái tai
nạn bất ngờ này. Hào bị chấn thương cột sống, tuy không bị liệt tứ chi
nhưng cũng phải nằm nhà thương cả hai tháng trời. Cái sốc thể xác và
tinh thần khiến Thu Thảo không giữ được bào thai. Là một đứa bé trai. Bà
Hội trong khoảnh khắc già xọm cả chục tuổi.
Bà đi hết chùa nọ miếu kia để cầu phước, cầu an cho con trai. Nhiều đêm
không ngủ được bà cũng nghĩ lan man đến những chuyện xưa kia…Không biết
có phải tại…? Nhưng rồi bà tự an ủi, tụi nó còn trẻ, lo gì không sanh
đẻ nữa. Dù vậy trong thâm tâm bà vẫn cảm thấy
bất an.
Sức
khỏe Hào từ từ bình phục lại. Hai vợ chồng ráng quên đi chuyện đau buồn
để sống vui như trước. Nhưng thật quái lạ, dù có cố gắng cách mấy Hào
vẫn không thể làm tròn phận sự
của người chồng trong chuyện gối chăn. Ban đầu cả hai cho rằng tại Hào
còn yếu, từ từ rồi đâu sẽ vô đó. Nhưng ngày tháng trôi qua, tình hình
vẫn không có gì thay đổi. Ban đầu Thu Thảo còn an ủi chồng, lâu ngày
chính nàng đâm ra chán nản. Nàng còn trẻ, cơ thể
dạt dào nhựa sống. Đêm đêm bị hôn hít, vuốt ve, kích thích đến cực điểm
rồi bị…buông xuôi, Thu Thảo bực tức có lần không kìm hãm được đã nói
thẳng vào mặt Hào:
– Anh là tên bất lực. Từ nay đừng đụng tới người tôi nữa. Chán lắm rồi!
Tới
nước này Hào phải chấp nhận sự thật: sau tai nạn, chàng đã trở nên bất
lực. Còn nỗi đau nào kinh khiếp hơn? Vợ chồng lấy nhau mới ba năm. Thu
Thảo còn quá trẻ để có thể chấp
nhận sự “thiếu thốn” này. Nàng là một cô gái theo trào lưu mới, quen
được chìu chuộng, chắc chắn không chịu đựng nổi tình huống này lâu dài.
Biết bao lần Hào đã đớn đau tự hỏi: phải làm sao. Phải làm sao bây giờ?
Thu
Thảo vắng nhà thường hơn. Đi chơi với bạn bè. Đôi khi ngủ luôn nhà ba
má ruột. Buồn chán Hào đâm ra uống rượu. Thường thường phải say nhừ mới
ngủ được. Hai vợ chồng ít khi gặp
mặt. Mà gặp nhau là gấu ó. Nhất là sau khi Hào biết được lúc này Thu
Thảo hay đi chơi, ăn uống với người bạn trai xưa, trước khi nàng thành
hôn với ông Dược Sư Nguyễn Phú Hào từ Pháp về! Hai bên gia đình đã biết
chuyện. Ông bà Bác Sĩ Đương tuy rất thương Hào,
nhưng còn thương con họ hơn. Ông bà Hội buồn lắm. Bà đã khóc cạn hồ
nước mắt của một người mẹ. Họ tự trách đã nhẫn tâm để mẹ con Lụa ra đi.
Chắc là trời quả báo! Ông bà cho người lên Nam Vang kiếm. Nhưng chim
trời cá nước, biết đâu mà tìm? Tính lại đứa cháu
nội của ông bà bây giờ đã gần ba tuổi. Không biết nó sống hay chết.
Sướng hay khổ. Đầu óc bà rối nùi với những câu hỏi không có lời giải
đáp.
Buổi
trưa ít khi về nhà. Ngôi nhà đối với Hào bây giờ lạnh lẽo không khác
nào một nấm mồ. Chàng lái xe ra chợ Sàigòn định mua ít nho tươi và lê
tàu ngày mai về quê thăm cha mẹ.
Bà bán hàng vừa mới cân ký nho, Hào thoáng thấy một bóng người rất quen
đi qua. Ngó theo sau lưng, vóc dáng cô gái trong chiếc áo dài màu tím
tươi lấm tấm hoa vàng sao hơi giống Lụa. Trả tiền xong Hào lật đật đi
theo hướng cô gái vừa đi. Nàng vô trong mấy
gian hàng bán vải. Ít phút sau Hào đã bắt kịp nhưng không dám kêu, sợ
không phải thì quê! Nàng bước vô trong một sạp vải khá lớn. Người đàn bà
ngồi sau quầy reo lên: Cô Lụa về tới rồi hả. Mua gì ăn trưa đây? Cô gái
cất tiếng trong trẻo trả lời: Cơm sườn được
hôn? Không còn nghi ngờ gì nữa. Chính là Lụa rồi. Nhưng lạ, sao má nói
Lụa có chồng về Nam Vang? Hào bước tới đứng ngay giữa sạp vải nhìn vô
đúng lúc cô gái cũng ngước mắt nhìn lên. Mặt nàng chợt tái xanh như đang
gặp ma! Hào vui mừng kêu lớn:
– Lụa. Sao em ở đây? Anh tưởng em với thiếm Hai còn ở trên Nam Vang. Về đây mà không cho anh biết. Tệ quá!
Lụa
đưa mắt nhìn Hào trân trối. Cặp môi run run không thốt nên lời. Đến khi
nghe giọng nói đầy lo lắng của Hào: Lụa, em sao vậy?- cô mới giựt mình,
như vừa ra khỏi một cơn mơ. Cô
gượng cười:
– Cậu út. Cậu đi đâu đây?
Tình
cờ gặp lại Lụa, Hào mừng lắm. Có cảm giác như vừa tìm lại được một thứ
gì rất gần gũi, rất thân thương nên không để ý thái độ cực kỳ bối rối
của cô. Chàng vui vẻ hỏi tiếp:
– Bây giờ em với thiếm Hai và thằng Cầm ở đâu? Hôm nào dắt anh về thăm thiếm nghen.
Mặc
cho Hào hỏi han huyên thuyên, Lụa chỉ trả lời cầm chừng. Sau đó thấy có
khách tới coi hàng, chàng từ giã nhưng hẹn sẽ trở lại. Đêm đó một mình
trên giường, Hào nhớ tới những
giây phút nóng bỏng mà hai người đã trải qua trong lẫm lúa. Nhớ tới nét
mặt ngây thơ, tấm thân trinh bạch đã hiến dâng cho chàng vô điều kiện,
Hào bỗng thấy thương Lụa vô cùng. Cô không thay đổi gì mấy. Có chăng là
đẹp mặn mà và…hấp dẫn hơn xưa. Hào mong đêm
qua thật mau. Có cái gì nơi Lụa đã thu hút chàng mạnh mẽ. Trưa hôm sau
Hào ra chợ Bến Thành, đến sạp vải hôm qua, nhưng Lụa không có đó. Chàng
hỏi thăm người đàn bà đứng tuổi đang bán hàng thì được bà ta trả lời cô
chủ bận việc không ra bữa nay.
Hào
thất vọng ra về. Ba hôm liền chàng đều không gặp Lụa. Hỏi địa chỉ bà ta
nói không biết. Hào buồn bã không hiểu tại sao cô lại tránh né chàng
như vậy? Ắt hẳn phải có lý do. Nghĩ
vậy hôm sau Hào đợi gần tới giờ đóng cửa mới đến. Đứng cách đó vài gian
hàng rồi kín đáo nhìn về phía sạp của Lụa. Quả nhiên nàng đứng phía sau
quầy, đang sửa soạn ra về. Có lẽ nghĩ rằng Hào đã chán nản bỏ cuộc nên
Lụa không nghi ngờ gì cả, ra cửa Bắc kêu
xích lô về nhà. Hào cũng vội vàng nhảy lên một chiếc xích lô khác chạy
theo. Qua khỏi chợ Cầu Kho một khoảng, xe ngừng trước một ngôi nhà gạch
nhỏ khang trang, có khoảnh sân phía trước. Lụa mắc trả tiền nên không để
ý tới chiếc xích lô chở Hào chạy vụt qua.
Chàng xuống xe cách đó vài chục thước. Đợi Lụa mở cổng bức vô sân chàng
mới vội đi ngược trở lại, núp sau bụi bông giấy nhìn vô. Có tiếng đứa
trẻ reo lên má về. Má về rồi ngoại ơi. Má? Hào ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc
nhiên này có thấm vào đâu khi chàng thấy
rõ mặt đứa bé mà Lụa đang ẵm trên tay và hôn chùn chụt lên cặp má bầu
bỉnh. Nó là hình ảnh của chàng hơn hai mươi năm về trước! Hào choáng
váng như bị sét đánh, không tin vào cặp mắt của mình. Đến khi bình tĩnh
lại thì Lụa đã bồng đứa nhỏ vô trong nhà. Phản
ứng tự nhiên Hào định chạy theo, nhưng kịp nghĩ tới thái độ tránh né
của cô mấy bữa nay, Hào chùn bước. Chắc chắn có bí ẩn gì đây. Phải điều
tra cho minh bạch.
Sáng
sớm hôm sau Hào tức tốc về quê. Thấy sắc mặt nghiêm trọng của con bà
Hội hơi lo. Quả nhiên, Hào đi thẳng vào vấn đề, hỏi mẹ có chuyện gì giấu
diếm về sự ra đi mẹ con Lụa? Sẵn
đang bị lương tâm cắn rứt từ lâu, bà Hội rơm rớm nước mắt kể cho Hào
nghe sự dàn xếp của ông bà khi biết Lụa mang thai. Bà buồn rầu kết luận:
– Lúc đó ba má chỉ nghĩ đến hạnh phúc của con, nhưng không ngờ gia đình mình lại chịu quả báo trầm trọng như vậy!
Hào
thở ra. Có nằm mộng chàng cũng không ngờ được. Rồi Hào đem chuyện chàng
gặp lại Lụa với đứa nhỏ kể cho mẹ nghe. Bà Hội mừng muốn phát điên, đòi
theo Hào lên Sài gòn lập tức.
Chàng phải ngăn lại, giải thích rằng lúc này hẳn Lụa còn oán hận mẹ con
chàng lắm lắm. Bà gặp Lụa chỉ bất lợi. Để từ từ rồi tính…
Hào
đổi chiến thuật. Không gặp Lụa mà gặp thẳng thiếm Hai Nhiên. Chàng lái
xe tới đậu cách nhà Lụa độ trăm thước, rồi ngồi chờ Lụa lên xích lô xong
mới xuống xe, tới trước cổng
bấm chuông. Thấy mặt Hào thiếm Hai như người từ cung trăng rớt xuống.
Thiếm há hốc miệng ngó chàng trân trân. Lúc Hào gọi thiếm Hai bà mới
giựt mình, kêu lên thảng thốt:
– Cậu út! Sao cậu biết tui ở đây? Rồi ngó dáo dác, giọng đầy lo lắng:- Ông bà Hội có biết không?
Hào vội vàng trấn an:
–
Thiếm đừng lo. Tôi tới một mình. Còn đứa nhỏ đâu? Mới đầu thiếm hai
định giấu, nhưng sau cùng nghĩ lại, mời Hào vô nhà. Thiếm hỏi:
-Ai
cho cậu biết mẹ con tui ở đây? Hào chưa kịp trả lời thì thằng nhỏ kháu
khỉnh từ nhà dưới chạy lên sà vô lòng thiếm Hai, đưa mắt sợ sệt nhìn Hào
hỏi ai vậy ngoại? Thiếm ú ớ không
biết trả lời sao cho phải. Hào nhìn đứa nhỏ, chắc trăm phần trăm là con
của mình, đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó, cất giọng trìu mến:
– Ba là ba của con. Lại đây ba cưng.
Nhưng
thằng nhỏ giựt tay lại và càng ôm chặt bà ngoại. Thấy vẻ thất vọng của
Hào, thiếm an ủi nói tại nó chưa quen. Rồi một lần nữa thiếm hỏi sao cậu
biết chỗ này. Thấy thái độ
hòa nhã của thiếm Hai, Hào mừng lắm, đem chuyện tình cờ gặp Lụa ngoài
chợ Sàigòn kể cho thiếm nghe. Thiếm nói vậy mà nó đâu có nói gì. Hào thở
dài não nuột nói chàng hiểu tâm trạng của Lụa. Bây giờ chàng chỉ còn
biết xin lỗi Lụa và thiếm Hai đã vì sự vô trách
nhiệm của chàng mà phải chịu khổ. Thiếm cũng mếu máo nói dù khổ cách
nào thiếm cũng không dám oán trách ông bà Hội, người đã cưu mang thiếm
trong cơn hoạn nạn xưa kia. Sẵn trớn thiếm kể luôn khoảng thời gian ba
mẹ con ở trên Nam vang. Sau khi rời khỏi Cao
Lãnh, thiếm may mắn kiếm được người chị bà con. Với số vốn ông bà Hội
cho, hai mẹ con mở một cửa hàng xén sống qua ngày. Khổ nỗi sanh đẻ xong
Lụa càng đẹp lộng lẫy. Một hôm theo con bà dì đi hội chợ Tết, vô phước
lọt vô cặp mắt dâm dục của một tên sĩ quan
cao cấp trong Hoàng Gia. Hắn theo đuổi, mua chuộc Lụa bằng đủ mọi cách.
Khổ nỗi hắn đã có ba bà vợ! Cho tới khi nhận được những dấu hiệu đe dọa
của mấy mụ sư tử Hà Đông thì Lụa biết mình không thể dung thân ở đây
được nữa. Thiếm Hai sang tiệm, cầm lá thơ xuống
Sài Gòn gặp người nhà của ông anh rể. Hai ông bà này có sạp vải trong
chợ Sài Gòn. Ban đầu Lụa làm công cho họ. Sau bà vợ cứ đau rề rề, họ lại
không con nên quyết định sang luôn sạp vải cho Lụa, còn cho trả góp
hàng tháng. Nhờ vậy mới có tiền sang căn nhà
gạch nho nhỏ này được nửa năm nay. Thiếm Hai ở nhà coi thằng Hiệp và
săn sóc nhà cửa, cơm nước. Hào nghe xong bồi hồi cảm động rồi cũng đem
chuyện mình kể hết cho thiếm Hai nghe. Chàng nói với thiếm gia đình
chàng coi như đã tan nát. Sớm muộn gì Hào cũng phải
trả tự do cho Thu Thảo, để cô ta làm lại cuộc đời. Trước đây không biết
thì thôi, bây giờ mọi chuyện đã ra ánh sáng, chàng phải gánh trách
nhiệm với mẹ con Lụa. Giọt máu của chàng không thể là một đứa con không
cha. Tuy trong bụng mừng rỡ, nhưng thiếm Hai
còn e dè nói sợ ông bà Hội không đồng ý. Hào vội vàng trấn an thiếm.
Chàng chua chát nói với tình trạng sức khỏe của chàng bây giờ, để có
được thằng cháu trai nối dòng, ông bà Hội chắc chắn sẽ sẳn sàng xóa
bỏ…ranh giới! Điều tha thiết nhứt của chàng bây giờ
là được gặp và săn sóc cho Lụa với thằng Hiệp thường xuyên, để chuộc
phần nào lỗi lầm xưa kia…Hào với thiếm Hai còn chuyện trò rất lâu, nhắc
nhở bao nhiêu là kỷ niệm. Thiệt ra trước kia thiếm cho Hào là thứ vô
tình bạc nghiã. Hóa ra chàng chẳng hay biết gì
cả, nên bây giờ thiếm đã hết giận. Còn hứa sẽ năn nỉ Lụa dùm cho chàng.
Trong khi hai người lớn nói chuyện, thằng cu Hiệp cứ nhìn Hào lom lom.
Rồi có lẽ cảm thấy ông khách lạ này cũng có nét…quen quen, nên cu cậu
không phản đối để yên cho ông ta hôn lên trán
trước khi giã từ.
Hào
sung sướng đến nỗi không ngủ được. Mỗi lần nhớ tới gương mặt thằng cu
Hiệp là lòng chàng lại rộn lên một niềm vui khó tả. Hôm sau Hào trở lại
nhà Lụa trước khi cô từ chợ về.
Cu Hiệp reo vui khi thấy mấy món đồ chơi mắc tiền Hào đem tới cho nó.
Thiếm Hai mời cậu út ở lại ăn cơm chiều luôn. Lúc Lụa mở cửa bước vô
nhà, nàng không tin ở cặp mắt mình: Cu Hiệp và Hào đang quì dưới gạch
trong phòng khách chơi xe lửa. Thằng cu cười khanh
khách khi thấy mấy chiếc wagon nhỏ xíu chạy xoành xoạch trên đường rầy.
Hào nhìn nó với ánh mắt chan chứa yêu thương. Lòng Lụa chợt nhói lên.
Không cho cha con họ nhìn nhau thì trái với lương tâm. Nhưng giữa Lụa và
Hào thì không thể nào được! Bữa cơm diễn
ra trong bầu không khí không được thoải mái lắm! Lụa im lặng ăn. Hào
khen lâu lắm mới được ăn lại món canh chua cá lóc và cá rô kho tộ ngon
tuyệt của thiếm Hai. May mà còn có cu Hiệp nói luôn miệng về mấy món đồ
chơi của nó, nên mọi người mới không bị…nghẹt
thở! Ăn xong Hào ngồi lại một chút rồi cáo từ. Từ đó cứ cách một hai
bữa chàng lại tới thăm họ. Hào áp dụng chiến dịch trường kỳ kháng chiến.
Cu Hiệp được bác Hào chìu chuộng và cho vô số đồ chơi thì thích lắm .
Hôm nào vắng mặt, nó nhắc bác Hào liền miệng
làm Lụa muốn điên luôn. Ờ mà lạ chưa, vắng cậu út tự nhiên nàng cũng
thấy…nhơ nhớ, buồn buồn! Chuyện gì đây???
Từ
từ thấy cu Hiệp quấn quít và Lụa cũng bớt lạnh nhạt với mình Hào rất
phấn khởi. Hôm Trung thu, chàng tới sớm với cái đèn con cá và một hộp
bánh nướng. Cu Hiệp nhảy lên ôm hôn
bác Hào cái chụt, cám ơn bác cho cái đèn. Thấy cảnh đó Lụa nao nao muốn
khóc. Thiếm Hai có ý bày cái bàn nhỏ ra sân ăn bánh, ngắm trăng. Cu
Hiệp cầm đèn đi quanh sân miệng bi bô hát. Trên cao vầng nguyệt bạch
tròn lồng lộng, tỏa ánh sáng dịu mát xuống khắp
nơi. Tự nhiên Hào buột miệng nói với Lụa:
– Anh có cảm giác như mình là một gia đình rất đầm ấm.
Lụa
không trả lời chỉ mủm mỉm cười đưa mắt nhìn theo cu Hiệp. Thiếm hai lấy
cớ pha thêm trà đứng lên đi vô nhà. Hào mạnh dạn nắm bàn tay mềm mại
của Lụa bóp nhẹ, giọng buồn buồn:
–
Anh biết mình là một phế nhân. Em còn trẻ, đẹp. Vì vậy anh đâu dám đòi
hỏi em điều gì. Chỉ năn nỉ xin em ban cho anh cái hạnh phúc được làm
cha. Nếu sau này em lập gia đình…
Lụa ngắt lời, giọng đầy trách móc:
– Cậu thừa biết là từ nhỏ tới lớn lòng em chỉ có cậu. Nếu không em đâu có dễ dàng trao…
Hào nhăn nhó:
– Em làm ơn bỏ dùm tiếng cậu được không. Mình đã có con với nhau mà cứ cậu này cậu nọ hoài.
Lụa ngượng ngùng nhìn Hào chớp chớp mắt:
–
Dạ. Em đã nguyện với lòng là ở vậy nuôi thằng Hiệp. Từ xưa em đã biết
mình không xứng với địa vị của…anh, nên dù có thương, em cũng chỉ giấu
trong lòng.
Hào nhìn Lụa bằng cặp mắt thương cảm:
–
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với Thu Thảo, bây giờ anh biết chân hạnh phúc
không phải thuần tuý là tiền tài hay địa vị. Anh thấy nhiều cô tiểu thơ
đài các mà công dung ngôn hạnh không
bén gót chân của em. Bây giờ anh xin nói thật lòng, nếu em không chê
anh là một kẻ…tàn phế, anh xin em nhận lời làm vợ anh.
Nghe tới đây Lụa hốt hoảng giựt tay lại:
– Không được đâu. Dưới quê ai cũng biết mẹ con em là người làm của gia đình anh. Em không thể làm anh mất mặt.
Hào nói vội:
–
Chuyện này em không lo. Hiện tại em là chủ một sạp vải khá lớn ở chợ
Sài gòn, chớ đâu còn là người làm của ai nữa. Ngoài ra thiếm đã kể cho
anh biết ba em xưa kia là một ông Đại
Hương Cả chớ đâu phải dân khố rách áo ôm. Rồi qua ba năm ở với chị Ba,
em đã được chỉ dạy dỗ nấu nướng, thêu thùa, cách ăn nói, xử sự đâu có
thua bất cứ cô gái con nhà giàu nào. Vậy em làm ơn dứt bỏ cái mặc cảm đó
đi. Hơn nữa chúng mình sẽ ở Sài gòn chớ đâu
có về quê mà em ngại. Lụa cúi đầu suy nghĩ một hồi rồi ngước lên nhìn
Hào, ánh mắt reo vui:
–
Nếu anh không ngại thì em sẽ chờ. Sau khi anh giải quyết chuyện nhà
xong xuôi tụi mình sẽ tính tới. Hào mừng quá đưa hai tay ôm gọn khuôn
mặt Lụa, đang tràn ngập ánh trăng xanh,
nhìn sâu vào đôi mắt nhung thì thầm:
– Lụa, em là người đàn bà đẹp hoàn toàn đối với anh. Cả tâm hồn lẫn thể xác. Chỉ tiếc là…
Nói
tới đây Hào buông tay, quay mặt về phía khác, buông tiếng thở dài. Biết
chàng đang muốn nói tới “vấn đề” đó, Lụa vội vã nắm tay Hào lắc lắc:
–
Hào, anh biết em thương anh là vì anh chớ đâu phải vì chuyện đó. Nếu
không em đã lấy người khác lâu rồi. Lụa chợt trở nên e ấp:
–
Mà em nói cái này anh đừng cười. Cách đây mấy bữa em vô Chợ Lớn bổ
hàng. Trong khi chờ đợi lấy vải, em nghe hai bà khách khác nói chuyện
với nhau. Một bà nói với bà kia rằng bả
biết một ông thầy người Tàu châm cứu hay như thần. Chồng bả bị té trên
mái nhà xuống, một chân bị liệt và “cái đó” cũng ảnh hưởng theo luôn!
Vậy mà ổng châm cứu hết bịnh rồi. Em nghe nói mừng quá xin địa chỉ ổng
liền, nhưng còn ngại chưa dám nói với anh…
Hào nghe nói mừng như chết đi sống lại, ôm chầm lấy Lụa siết chặt vào lòng:
–
Cám ơn Trời đất. Lụa ơi anh tưởng đời anh đã bế tắc, không ngờ được gặp
lại em và con. Từ đây chúng mình có nhau. Anh sung sướng quá em à!
Lụa mắc cỡ đẩy ra:
– Anh, coi chừng thằng Hiệp thấy.
Nghe
nhắc tên, cu cậu chạy tới. Hào đứng dậy ẵm thốc cu ta lên quay vòng
vòng. Cu Hiệp thích chí cười hinh hích. Nhìn cảnh hai cha con
họ giỡn với nhau, trong lòng Lụa bỗng dạt dào một niềm hạnh phúc mà cô
tưởng đời này không thể nào có được. Cô ngước nhìn vầng trăng thu sáng
vằng vặc, có cảm tưởng như vầng trăng kia cũng đang nhìn xuống, mỉm cười
chia xẻ niềm vui với cô. Thiếm Hai chứng
kiến từ đầu, lúc này mới cầm bình trà bước ra, rót vô ba cái tách rồi
nói, giọng sũng nước mắt:
–
Lụa à, đời má bữa nay là vui nhứt. Má sao cũng được, miễn con với thằng
Hiệp được hạnh phúc là má mừng. Bây giờ có nhắm mắt má cũng
ngậm cười…
Lụa vội la:
– Má, má nói gì kỳ vậy.
Hào cũng xen vô:
– Thiếm Hai à, chuyện của tụi cháu cứ coi như tiền hung hậu kiết. Cháu hứa sẽ hết lòng thương yêu Lụa.
Vừa nói Hào vừa một tay ẵm cu Hiệp, một tay ôm lưng Lụa kéo lại gần, ghé sát tai nàng thì thầm:
– Và nhứt định sẽ có thêm vài đứa em cho cu Hiệp. Chịu hôn?
Lụa mắc cỡ đỏ mặt, liếc Hào một cái sắc như dao rồi chu mỏ:
– Ứ ừ.. anh kỳ quá hà!!!
Tiểu Thu
No comments:
Post a Comment