Tôi không hình dung ra được nghĩa trang Bắc Việt tương tế cũng chính vì khu vực này toàn là doanh trại quân đội, nào là trại Trần Hưng Ðạo, Bộ Tổng tham mưu, phía xéo tay trái là cổng Phi Long vào phi trường Tân Sơn Nhất. Bước vào khu vực này thường dành cho những đoàn đưa đám chứ người dân qua lại nơi đây thường không để ý. Ngay cả ông Bình Nguyên Lộc lang thang Sài Gòn cũng chỉ biết đường vào nghĩa trang này phải rẽ vào Ngã ba Ông Tạ, qua chùa thì thấy cổng nghĩa trang. Nhưng thực tế từ chùa Ông Tạ đến được phần đất rộng lớn của Hội tương tế Bắc Việt phải đi thẳng băng qua đường Cách Mạng 1/11 (đường Nguyễn Văn Trỗi) xéo công viên qua đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ ngày nay), là đến sân vận động quân đội (nay là sân vận động Quân khu 7), rồi đi theo con đường không tên đến nghĩa trang. Chính xác từ chùa Ông Tạ đến được nghĩa trang còn xa cả hơn cây số. Con đường không tên đó ngày nay mang tên Phổ Quang, phía trên là đường Ðào Duy Từ là một khu gia cư lớn hầu hết dành cho người Bắc sau năm 1975 vào Sài Gòn sinh sống.
Việc ông Phạm Quỳnh dùng chữ “vườn nghĩa địa” làm tôi hình dung ra được thời ấy nơi người sống đã dành cho người chết một nơi an nghỉ nên thơ với khung cảnh hữu tình mà ngày nay người ta gọi là “công viên nghĩa trang” như cái mốt nở rộ cho các nhà kinh doanh địa ốc dành cho người chết mò đến các tỉnh quanh Sài Gòn như Long An, Bình Dương, Ðồng Nai đầu tư kiếm nhiều lợi nhuận. Một vườn nghĩa địa chỉ có vài ba nấm mồ thì phong cảnh hẳn nhiên là nên thơ giữa cảnh trí rộng lớn, còn một khi đông đúc người chết chen nhau phần mộ thì cái đẹp hữu tình thiên nhiên kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nhất là từ khi các làn sóng di cư qua nhiều thời kỳ từ các tỉnh sau vĩ tuyến 17 đổ về Sài Gòn tìm sự bình yên làm ăn sinh sống.
Sau năm 1975, nghĩa trang Bắc Việt cùng với nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi giải tỏa dời mộ gần như cùng thời gian. Ông Ngô Ðình Cẩn chôn ở Bắc Việt nghĩa trang cùng hai ông em Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu chôn ở nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi bị cải táng về an nghỉ tại Lái Thiêu. Trước đó, từ giữa thập niên 1960, làn sóng di cư từ các tỉnh miền Trung ồ ạt vào Sài Gòn sinh sống, Hội tương tế miền Trung đã tìm riêng cho mình mảnh đất làm nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Ðức).
Ở Sài Gòn, nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi được xem như nghĩa địa “quý tộc” dành riêng cho quan chức từ thời Pháp và những người thuộc giới thượng lưu. Ðến khi giải tỏa, ngoài trừ những người Pháp không biết có quy hồi cố hương hay không nhưng người Việt giàu có, quyền cao chức trọng được thân nhân cải táng mang về quê chôn cất chứ ít khi hỏa táng đem tro cốt vào cất trong chùa. Tiếp đến là giải tỏa khu nghĩa trang lính Pháp tại Ngã tư Bảy Hiền (sau này xây thành Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình) và một số mồ mả quanh khu vực Lăng Cha Cả. Hồi học cấp hai có vài lần tôi đến phần đất đầy mồ mả lúp xúp thẳng hàng như bàn cờ vua nhưng lòng chẳng thấy sợ ma bởi nghĩa trang này hoang phế, không còn người chôn. Ðất Thánh Chà cũng nằm trong trường hợp tương tự, khu Hoà Hưng nơi gia đình tôi cư ngụ, có nhiều mảnh đất nghĩa trang nhỏ của người gốc Ấn, sau năm 1954 và 1975 người Ấn di cư ra nước ngoài, đất Thánh Chà đóng cổng suốt năm hiếm khi tiếp nhận một đám ma.
Do làn sóng di cư từ các tỉnh về Sài Gòn, những vùng đất trống quanh Sài Gòn nhà cửa cất lên san sát. Người chết cần thêm nhiều nghĩa trang mới hoặc mở rộng thêm như khu An Dưỡng Ðịa Phú Lâm, nghĩa địa Bình Hưng Hoà. Trong đó Bình Hưng Hoà là khu nghĩa trang lớn nhất do đất đai rộng rãi, có thể chứa đến vài chục ngàn mộ phần. Người Sài Gòn sau năm 1975 thường gọi cái tên Bình Hưng Hoà như một địa chỉ dành cho người chết vì một số nghĩa trang nói ở trên đã bị giải tỏa không còn cái tên để nhớ. Nhưng rồi Bình Hưng Hoà cũng bị giải tỏa tiếp tục để xây công viên và khu dân cư. Xét cho cùng, người chết trở về với cát bụi mà cũng không được yên thân, đất đai Sài Gòn chỉ dành cho người đang sống.
Riêng Nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất các tử sĩ VNCH ngày trước vẫn còn đấy tuy cái tên đã đổi thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Nghĩa trang Biên Hoà ít được thân nhân người quá cố chăm sóc nên hàng ngàn mộ phần hư hao, cảnh quan tiêu điều. Một số người hảo tâm hay đoàn thể đồng hương sống ở nước ngoài thỉnh thoảng về đây thắp nén hương tưởng niệm, tu bổ một số phần mộ nhưng chẳng thấm vào đâu nếu như không được chính quyền hiện thời quan tâm đúng mức xem nghĩa trang như một chứng tích chiến tranh, chẳng cần phải phân biệt bạn và thù.
Nhiều nghĩa trang trên thế giới vẫn dành sự cảm thương cho kẻ thua cuộc một nơi yên nghỉ vĩnh hằng dù khác màu da chủng tộc, trong khi ở VN thì hận thù cả những ngôi mộ.
TN
NGUỒN : http://baotreonline.com/nghia-dia-o-sai-gon-ngay-truoc/
No comments:
Post a Comment