; }

THỊ NGHÈ








I - Cầu Thị Nghè

Thị Nghè là một địa danh quen thuộc, nhưng trong quá khứ, tên gọi này, đặc biệt là tên con rạch, đã thay đổi trong từng thời kỳ:
- Thời Gia Long. Bản đồ Trần Văn Học 1815 chú thích là rạch “Môi Nghi”, âm nôm đọc là Mụ Nghè.
- Triều Minh Mạng. Theo Gia Định thông chí (GĐTC), con rạch tên là bà Nghè.
- Triều vua Tự Đức. Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) viết Thị Nghè kiều.
Riêng người Pháp gọi rạch Thị Nghè là l’arroyo de l’Avalanche, lấy tên con tàu đầu tiên tiến vào rạch.
Ngày nay vượt qua chiếc cầu đúc rộng, đẹp và kiên cố. chúng ta khó lòng tưởng tượng rằng, khoảng hai thế kỷ rưỡi trước, cũng trên khúc rạch này, cây cầu khiêm tốn đầu tiên đã được bắc ngang, và gần một thế kỷ rưỡi trước, trong mục Tân Lương (cầu, bến) các sử thần triều Nguyên đã mô tả :
“Cầu Thị Nghè nằm trong huyện Bình Dương, dài chín thước. Người xưa đồn rằng Thị Nghè, con gái thống suất Nguyên Cửu Vân, đã khai khẩn ruộng đất, bắc cầu giúp khách qua sông nên lấy tên ấy. Năm Minh Mạng thứ 17 cầu được sửa sang lại.” (1)
Cũng mục Tân Lương, ĐNNTC kể thêm một số cầu khác, tiêu biêu như Cầu Kiệu dài sáu trượng (một trượng = 10 thước).
Thời Pháp, chính quyền đã bắc một cây cầu dành cho tuyến xe điện Sài Gòn – Gia Định - Gò Vấp. Ở Đa Kao, tuyến này vượt qua rạch Avalanche trên một cây cầu sắt dài 40m.(2)
Cầu Thị Nghè dài 9 thước, ước độ 3 hoặc 4m (3). Sự chênh lệch về độ dài giữa hai cây cầu trên cùng một con rạch quá lớn, vậy liệu có chính xác không ? Chúng tôi không dám võ đoán, chỉ phỏng định :
- Bà Nghè đã chọn khúc rạch hẹp nhất để tiện việc bắc cầu.
- Con rạch này, dưới triều Nguyên đã được nạo vét, khơi thông, bởi thế khi Pháp chiếm Sài Gòn, tàu Avalanche mới có thể cặp bến, bỏ neo.

1 - Bà Nghè với dòng họ Nguyễn Cửu

Thị Nghè là con gái Nguyên Cửu Vân, có anh trưởng là Nguyên Cửu Triêm, một người anh em nữa là Nguyên Cửu Đàm.
- Nguyên Cửu Vân : “Năm Ất Dậu đời Hiến Tông thứ 15 (tức năm 1706 - đúng ra là 1705) cam man (?) (Khâm sai) Nguyên Phước Vân dẫn lính thủy bộ đón đánh quân Xiêm. Thắng trận, ông về kinh báo công, để con trai trưởng là Triêm ở lại trấn thủ Biên Hòa... Năm Ất Vị (1716 - đúng ra là 1715) Vua ra thượng dụ ban phần đất tốt nhất đã khai khẩn cho Vân để thưởng công. Đám ruộng này khi ấy gọi là ”ruộng Châu Phê” và khúc rạch chảy ngang cũng là “rạch Châu Phê”” (G.Đ.T.C. - của Trịnh Hoài Đức, dịch lại từ bản dịch của Aubaret - ấn bản 1863).
- Nguyễn Cửu Triêm con trai trưởng của Nguyên Cửu Vân.
Đ.N.N.T.C. ghi : “Triều ta, năm Ất Dậu, đời Duệ Tông thứ 15, đức Vua sai Thống suất Nguyên Cửu Vân vỗ an Cao Miên, đoạn khai khẩn vùng Cù Úc, lại hô hào quân dân cùng làm. Về sau con ông là Cửu Triêm xin được ăn lộc riêng khu ruộng ấy. Vua ưng chuẩn nên ruộng này gọi là ruộng Châu Phê.” (4)
- Nguyễn Cửu Đàm con thứ Nguyên Cửu Vân không rõ anh hay em bà Nghè. Ông để lại hai công trình lớn :
- Đắp lũy Bán Bích năm 1772 tạo thành vành đai phòng thủ phía Bắc Sài Gòn, khép kín từ kinh Tàu Hủ tới rạch Thị Nghè. Đ.N.N.T.C mô tả : “Lũy Bán Bích ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long dài 866 trượng, hình như nửa tấm vách. Lại có lũy đất dài 1.323 trượng. Tiền triều đốc chiến là Nguyên Cửu Đàm đắp, nền cũ hãy còn” (bản dịch của Tu Trai Nguyên Tạo).
- Cũng năm 1772, ông Đàm nạo vét kinh Ruột ngựa, sửa lại dòng chảy cho ngay thẳng.
- Và Nguyễn Thị Khánh - Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên của sử thần triều Nguyễn đề cập đến bốn đời dòng họ Nguyên Cửu, từ khi ông tổ trốn vào Nam giúp chúa Nguyễn, nhưng không dành cho bà Nghè một dòng nhỏ nào, kể cả trong mục liệt nữ. Trong khi đó hai bộ G.Đ.T.C và Đ.N.N.T.C. cho biết tên Khánh, nhưng không hề cho biết năm sinh và năm dựng cầu. Tuy nhiên căn cứ vào thời gian hoạt động của gia đình bà (1705 cha và anh cả đi đánh Cao Miên. Cũng năm đó anh bà ở lại trấn thủ Biên Hòa), ta có thể phỏng đoán mà không sợ sai : vợ chồng bà sinh vào khoảng cuối TK 17 hoặc đầu TK 18 và dựng cầu khoảng nửa đầu TK 18.
G.Đ.T.C. nói sơ về nhân thân của bà :
“Con rạch tên Bà Nghè, nguyên vì lấy tên con gái một vị quan lớn, khâm sai của Vua tên Vân. Bà trước khi lấy chồng tên Nguyên Thị Canh, nhưng sử gọi trệch là bà Nghè, vì bà là người đầu tiên đã lập ra vùng này, bà dựng một cái cầu để có thể thông thương với Thành. Chiếc cầu đó được gọi là cầu Bà Nghè, chẳng bao lâu con rạch cũng lấy tên ấy” (dịch lại từ Aubaret).
Tài liệu này cũng cho biết tên của bà. Tuy nhiên Aubaret đã phiên âm sai. Các học giả Pháp thường bỏ bớt phụ âm h - theo họ là h câm - chẳng hạn Bình Thuận âm thành Binh Tuân. Tên thật bà là Nguyễn Thị Khánh.

2 - Mục đích làm cầu : thương chồng ?

Các bộ sách cổ đều nói chung chung, làm cầu để :
- Thông thương với thành (G.Đ.T.C)
- Giúp khách qua sông (Đ.N.N.T.C)
Năm 1960 trong Đất Việt trời Nam, Thái Văn Kiêm nói rõ hơn:
“Thị Nghè là tên của bà Nguyên Thị Canh, con của Vân Trường hầu và làm vợ của ông Nghè làm việc ở dinh Tổng Trấn. Muốn chồng mình đi làm việc khỏi phải chèo đò sang sông, bà mới xuất tiền làm một cái cầu gỗ” (trang 381).
Rõ ràng khi viết Nguyên Thị Canh, tác giả đã dựa vào bản dịch của Aubaret và giữ nguyên cách phiên âm sai. Tuy nhiên ông lại suy diễn thêm về mục đích làm cầu : thương chồng, một mục đích riêng tư. Chi tiết này không hề có trong các bộ sử lịch triều.

3 - Thấp thoáng bóng ông Nghè

Sách vở cổ bỏ quên ông Nghè, nhưng cùng với Thái Văn Kiểm và cùng năm 1960, một nhà văn khác cho ta đôi nét : “Chồng bà là một ông Nghè chính cống, làm lại mục trong dinh Tả quân. Bà thương chồng sang đò cực thân nên tu kiều. Âm đức lưu truyền đến ngày nay” (Vương Hồng Sển - Sài Gòn năm xưa).
Nhân vật ông Nghè được phác họa. Nhưng ở đây lại có hai điểm đáng ngờ.

a - Ông Nghè chính cống.

Nghè chuyên nghĩa là phòng làm việc trong cung (gọi là các, nội các). Từ đó Nghè còn chỉ những người làm việc trong các. Triều Lê lấy chân Tiến sĩ, bởi thế Tiến sĩ cũng được gọi là ông Nghè. Nói theo cách cụ Sển : ông Nghè chính cống tất phải hiểu là Tiến sĩ. Tuy nhiên đời Nguyễn, nhân viên trong các không cần đậu Tiến sĩ. Lý do :
Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược cho biết :
“Năm Đinh Hợi (1674) chúa Nguyên mở khoa thi gọi là thi Chính đồ và thi Hoa văn... Thi Chính đồ... những quyển đậu thì chia làm ba hạng : hạng thứ nhất gọi là giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện.
Năm Ất Hợi (1695)... mở khoa thi... văn chức và thi tam ti...
Năm Canh Thân (1740) Vũ Vương Nguyên Phúc Khoát định lại phép thi: những người đậu kỳ... đệ tứ gọi là Hương cống, được bổ làm tri phủ, tri huyện”> (sđd - tr.76).
Và Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu :
“Trong đời Gia Long chưa mở khoa thị Hội. Mãi đến năm 1822, vua Minh Mạng mới mở khoa thi Hội đầu tiên : các Tiến sĩ cũng chia làm ba giáp như đời Lê” (sđd - trang 87).
Như vậy hơn hai thế kỷ rưỡi, từ 1558 Nguyễn Hoàng vào Nam, đến 1822 triều Nguyễn không cấp học vị Tiến sĩ và chồng bà Nghè sinh khoảng đầu thế kỷ 18, tất nhiên không thể là ông Nghè chính cống được.

b - Làm lại mục trong dinh Tả quân. Dinh Tả quân Lê Văn Duyệt hoạt động từ năm 1813 – 1832, như vậy nếu làm việc trong dinh Tả quân, tất lúc đó ông phải tròm trèm 100 tuổi.

II - Thị Nghè, địa giới

1 - Thị Nghè trên bờ trái sông Bình Trị

G.Đ.T.C : “Bà là người đầu tiên lập ra vùng này và đã dựng một cái cầu để thông thương với thành”. Như vậy khởi thủy Thị Nghè là vùng đất bên bờ trái sông Bình Trị.
Cụ Vương Hồng Sển cho biết: nhân lễ Trùng ngũ (mồng 5 tháng 5) Tả quân xuất hành để hành lễ “tịch điền” bên Thị Nghè (Sđd). Khu Tịch điền gần nhà Dưỡng lão bên kia cầu. Chi tiết của cụ Sển chứng minh điều đã nói trên.

2 - Thị Nghè vượt qua bờ phải

Thời bà Nghè, vùng đất này gói gọn bên bờ trái như hiện nay. Tuy nhiên Thị Nghè là một đơn vị dân cư, không phải địa bàn hành chánh, nên không có ranh giới cố định và Thị Nghè đã... vượt sông.
Silvestre trong l’Empire d’Annam et le peuple annamite (ấn bản 1889) cho biết:
“Nguyễn Ánh một lần nữa lại làm chủ Sài Gòn, nhà chúa lập hành dinh ở đồn Bình Dương, quen gọi là Thị Nghè.” (5)
Thời chúa Nguyễn ở Sài Gòn toàn bộ công thự, hành quán tập trung trong phạm vi giữa rạch Thị Nghè và kinh Tàu Hủ, những đồn ngoại biên như Tả Định, Hữu Bình không phải là nơi chúa đóng dinh. Như vậy cuối TK 18, Thị Nghè bao gồm phần đất cả hai bên bờ. Sự phát triển theo chiều rộng vùng đất này gắn liền với một họ đạo : họ Thị Nghè.
Thừa sai Louvet khi viết về đám tang Gíam mục Bá Đa Lộc đã cho những chi tiết cụ thể :
“Ngày 16.10, đám tang đã về tới Sài Gòn, linh cữu được hạ từ trên tàu xuống đất và rước tới tòa Giám mục, lúc đó nằm trong họ đạo Thị Nghè, cạnh cầu Avalanche, không xa chỗ hiện nay là kho thuốc súng.” (6) (7)
Dựa vào ảnh hưởng của Đức cha Bá Đa Lộc, dân Công giáo các nơi đã tập trung xung quanh tòa Giám mục, mở rộng phạm vi họ đạo Thị Nghè. Tòa Giám mục lúc đó là dinh Tân Xá, nằm bên trái viện bảo tàng trong sở thú hiện nay.
Silvestre xác định :
“Giữa mặt Đông - Bắc thành và rạch Thị Nghè là tư dinh Gm. Bá Đa Lộc nằm tại trung tâm một khu vực lúc ấy tất phải là họ Thị Nghè (Silvestre - Sđd - trang 296). (8)
Ba dữ liệu trên cho phép chúng ta kết luận tới cuối TK 18, khu vực dân cư Thị Nghè bao quát một vùng rộng lớn cả trên bờ trái lẫn bờ phải con rạch.

3 - Thị Nghè, bước tiến, bước lui

Liền sau đoạn trích văn trên. Silvestre viết tiếp :
“Khu vực này - họ Thị Nghè - từ bên kia sông, lại bị đẩy lui một lần nữa, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và Minh Mạng tái chiếm Sài Gòn” - Sđd (9).
* Đợt 1 : Khi Nguyễn Ánh lập thủy trại tại vàm Thị Nghè.Louvet viết : “Từ cuối năm 1789, vua Đàng Trong đã có ba chiếc tàu Âu châu lớn... Ở Sài Gòn người ta lập một thủy trại đóng tàu, hàng năm xuất xưởng nhiều chiến thuyền và cả những tàu kiểu Tây” (Louvet - Sđd. Cuốn I, trang 439) (10).
* Đợt 2 : Khi quân triều đánh tan Lê Văn Khôi, Minh Mạng ra lệnh phá thành Quy (11), xây thành Phụng gần rạch Thị Nghè (năm 1836). Đại bộ phận khu hữu ngạn bị giải tỏa. Hơn nữa giáo dân phải bỏ nhà cửa đào tẩu, trước dụ cấm đạo gay gắt của Minh Mạng.
* Đợt 3 : Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết Pháp dời “làng Đà Nẵng” từ vàm Thị Nghè về phía cầu Bông để có chỗ xây dựng một xưởng sửa chữa tàu, ta gọi là Ba Son (Địa chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, tập I - trang 258).“Làng Đà Nẵng” do giáo dân Đà Nẵng chạy theo Pháp vào Sài Gòn (1859) lập. Đám giáo dân này dời về Đa Kao, bởi thế người Pháp quen gọi Đất Hộ - Đa Kao là Tourane.
Tới đây toàn bộ Thị Nghè bên bờ phải đã bị giải tỏa trắng.

III - Thị Nghè, thời hậu giải tỏa và cuộc đấu xảo năm 1866

Pháp chiếm Sài Gòn, bờ phải không còn cư dân. Pháp nới rộng thủy trại triều Nguyễn thành Hải quân công xưởng (Arsenal) với quy mô rất lớn.
Năm 1864 lập vườn Bách Thảo. Lúc đầu vườn Bách Thảo không rộng như hiện thời, mặt phải giới hạn bởi đường Nguyên Du (Taberd). Từ Nguyên Du tới Nguyên Thị Minh Khai (Route de Biên Hòa, sau đổi thành Chasseloup-Laubat) dùng làm tổng kho (Magasins généraux).
Trong khuôn viên này, năm 1866 Pháp đã tổ chức cuộc đấu xảo canh nông và công nghệ đầu tiên ở Sài Gòn với sự tham dự của các tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang và Cao Miên.
Trong biên khảo về Tôn Thọ Tường (ấn bản 1942), ông Khuông Việt đã dành trọn bảy trang mô tả cuộc đấu xảo này :
“Dựa bờ rạch Thị Nghè, day mặt ra Route de Biên Hòa, một dãy nhà cây lợp ngói mà xưa nay ai cũng biết là nhà kho chứa khí cụ của sở thủy quân, hôm nay lại được trang hoàng thanh nhã” (trang 47)
Cuộc đấu xảo khai mạc từ 25.1.1866, kéo dài tới hết ngày 3 tháng 3, ngày 4 phát giải. Ngoài thống đốc De La Grandière, còn có hầu đủ các vị tai to mặt lớn Pháp, Việt, Hoa của Sài Gòn thuộc địa. Hơn 700 món hàng được trưng bày gồm thổ sản trong xứ, gia súc các loại, các máy móc công nghệ tây phương. (theo Khuông Việt)
Cuộc đấu xảo một mặt biêu lộ sức mạnh của giai cấp thống trị, mặt khác nó cũng làm sống dậy tinh thần tự lực, tự cường của những người có tâm huyết với sự tồn vong của đất nước.

Ngày nay nếu đặt cây cầu gỗ 9 thước của bà Nghè bên cạnh chiếc cầu đúc hiện đại, chúng ta sẽ hình dung được mức độ phát triên của Thị Nghè qua bao gian khổ.

No comments:

Post a Comment