; }

PO DHARMA, TÁC PHẨM SỐ III : LỊCH SỬ 33 NĂM CUỐI CÙNG CỦA CHAMPA

PDF Print E-mail
Written by BBT Champaka.info   
Sunday, 04 November 2012 05:38
po 2-10
Pgs. Ts. Po Dharma
Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa (1802-1835) là tác phẩm thứ 3 nằm trong danh sách của 18 công trình nghiên cứu khoa học mà Pgs. Ts. Po Dharma đã ấn hành trong suốt 3 thập niên bôn ba ở hải ngoại. Tác phẩm này do Viện Viễn Đông Pháp xuất bản tại Paris vào năm 1987 với nhan đề bằng tiếng Pháp: Le Panduranga-Campa. Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835).

Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa tổng cộng 471 trang, gồm hai tập. Tập I : 198 trang và tập II, 273 trang. 

Công trình nghiên cứu về “Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa” của Po Dharma kéo dài trong 8 năm từ năm 1978 đến 1986. Mục tiêu của công trình này nhằm điểm lại những biến cố chính trị đã xảy ra giữa năm 1802 và 1835 ở Panduranga-Champa, một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ ở khu vực miền nam trung phần Việt nam với một qui chế độc lập cho đến khi triều đình Huế quyết định sáp nhập vương quốc này vào lãnh thổ của mình và xóa bỏ danh xưng Panduranga-Champa trên bản đồ Ðông Dương vào năm 1832 để thành lập hai đơn vị hành chánh của Việt Nam: huyện Phan Lý Chàm và An Phước.

Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa đã diễn ra trong một thời gian cố định đó là giữa năm 1802-1835. Việc giới hạn thời gian này có một nguyên nhân chính yếu: 1802 là năm lên ngôi của Nguyễn Ánh tại Huế với danh hiệu Gia Long, người đã có công tái lập lại cơ chế độc lập của Panduranga-Champa, một vương quốc đã bị xóa tên trên bản đồ vào thời kỳ chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (1771-1802). Còn về năm 1835 chỉ là niên đại đánh dấu sự suy tàn của cuộc khởi nghĩa cuối cùng do Ja Thak Wa lãnh đạo nhằm phục hưng lại Champa độc lập, sau khi vua Minh Mạng quyết định xâm chiếm lãnh thổ còn lại của vương quốc Champa vào năm 1832. Và sự thất bại cuộc vùng dậy của Ja Thak Wa vào năm 1835 đã ghi lại một dấu ấn trong lịch sử một cách dứt điểm, đó là trận chiến cuối cùng của dân tộc Panduranga chống lại triều đình Huế sau ngày vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ Ðông Dương vào năm 1832.

*

Cũng nhờ những bia đá viết bằng chữ Chăm cổ hay Phạn ngữ được tìm thấy trên khu vực miền trung Việt Nam bây giờ, những tư liệu Trung Quốc, tư liệu Việt Nam và Kampuchia, các chuyên gia lịch sử học, kể từ thế kỷ thứ 19, đã kiến tạo lại lịch sử của một vương quốc Champa huy hoàng từ ngày lập quốc vào thế kỷ thứ 2 đến 1471, năm đánh dấu sự thất thủ kinh đô Vijaya (Ðồ Bàn). Sau năm 1471, bia đá của vương quốc Champa đã biến mất. Viện lý do là thiếu tư liệu, các nhà nghiên cứu không còn chú tâm đến lịch sử Champa nữa. Ðây không phải là lý do khoa học chính đáng. Vì rằng, trong khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và nhất là trong các thư viện Âu Châu còn lưu lại nhiều biên niên sử (Sakkarai dak rai patao) viết bằng chữ Chăm hiện đại, thường đề cập đến lịch sử Champa trước và sau thế kỷ thứ 15.

E. Aymonier là nhà nghiên cứu Pháp đầu tiên, vì không nắm vững thể chế chính trị của vương quốc Champa, đã nhận định vào năm 1890 rằng biên niên sử Chăm (Sakkarai dak rai patao) chỉ là một câu chuyện huyền sử nói về vương quốc Champa. Vì E. Aymonier cho rằng những chi tiết lịch sử, niên đại và tên vua chúa trong biên niên sử Chăm (Sakkarai dak rai patao) không có sự liên hệ gì với yếu tố lịch sử của vua chúa Champa đóng đô ở Vijaya (Bình Ðịnh). Kể từ đó, tất cả tác giả nghiên cứu về Champa thường lập đi lập lại những nhận định sai lầm của E. Aymonier để rồi quên đi công tác kiểm chứng hầu định giá lại quan điểm của E. Aymonier có đúng sự thật hay không? Nhưng trên thực tế, E. Aymonier đã quên đi một yếu tố quan trọng, đó là biên niên sử mang tên Sakkarai dak rai patao không phải là biên niên sử của liên bang Champa, mà là biên niên sử của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam Champa mà thôi.

Mười lăm năm sau, ông E. Durand, một nhà nghiên cứu khác về Champa, đã phát biểu vào năm 1905 hoàn toàn đi ngược lại giả thuyết của ông E. Aymonier. Theo E. Durand, biên niên sử (Sakkarai dak rai patao) viết bằng chữ chăm hiện đại không phải là "những chuyện hoang đường và vô giá trị" như E. Aymonier nêu ra. Ðây là một tư liệu vô cùng quan trọng liên quan đến lịch sử vua chúa Panduranga, tiểu vương quốc ở miền nam Champa, chứ không phải lịch sử vua chúa liên bang Champa ở miền bắc (Vijaya), tức là trung tâm chính trị và nền văn minh của quốc gia này kéo dài từ thế kỷ II đến thế kỷ thứ 15.

Sáu mươi năm sau bài viết của E. Aymonier, Dorohiem và Dohamide ra mắt tác phẩm Dân Tộc Chàm Lược Sử vào năm 1965. Ðây không phải là công trình nghiên cứu khoa học, mà là công tác viết lách hoàn toàn dựa vào nội dung hoang đường của biên niên sử Chăm do E. Aymonier xuất bản vào năm 1890 và Lịch Sử Champa của G. Maspero (1928) để phát họa lại lịch sử vương quốc Champa theo quan điểm riêng tư của hai tác giả này. Vì rằng Dorohiem và Dohamide là hai trí chức Chăm, nhưng không phải là chuyên gia sử học.

Vì không bao giờ đọc công trình nghiên cứu của E. Durand xuất bản vào năm 1905, Dorohiem và Dohamide tự tiện biến bài khảo luận mang tên “Biên niên sử hoang đường của dân tộc Chăm” (Légendes historiques des Chams) của E. Aymonier thành "Biên niên sử liên bang Champa" thật sự. Bắc nguồn từ đó, hai tác giả này tự gán một số địa danh thủ đô ở Panduranga như Bal Sri Banây, Bal Batthanâng,v.v. nằm trên lãnh thổ Champa ở miền bắc như Vijaya và Amaravati. Thậm chí hai tác giả này tự đưa ra kết luận rằng Chế Bồng Nga là Po Binthuer. Nhưng tác giả quên rằng Chế Bồng Nga là vị vua liên bang Champa lên ngôi ở Vijaya (1369-1390). Còn Po Binthuer gốc làng Bal Riya (Bính nghĩa) là vua của tiểu vương quốc Panduranga (1316-1361 hoặc 1328-1373, tùy theo dị bản). Sự sai lầm trong cuốn sách Dân Tộc Chàm Lược Sử của Dorohiem và Dohamide có một tác hại vô cùng quan trọng đối với nền tảng lịch sử Champa. Vì rằng sau ngày ra mắt cuốn Dân Tộc Chàm Lịch Sử, hàng loạt nhà nghiên cứu Việt Nam và nhất là giới trí thức Chăm, chỉ biết lập đi lập lại bao sự sai lầm trong tác phẩm của Dorohiem và Dohamide, nhưng không cần phán đoán và cũng không cần tra cứu thêm những tư liệu khác xuất bản ở Âu Châu có một giá trị khoa học hơn. Và sự sai lầm này vẫn còn tái diễn trong nhiều bài báo cáo khoa học đăng trong tập san tiếng Việt gần đây.

*
Dựa vào giả thuyết của E. Durand, Po Dharma đi tìm lại những tư liệu lịch sử viết bằng tiếng Chăm hiện đại và đối chiếu lại với những biên niên sử của các quốc gia láng giềng (Việt Nam và Kampuchia) để đúc kết thành luận án cao học của ông tại đại học Sorbonne vào năm 1979. Kết quả của cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng, biên niên sử Chăm (Sakkarai dak rai patao) đúng là một văn kiện lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam Champa mà thôi. Tất cả địa danh như Bal Sri Banây, Bal Hanguw, Bal Batthannâng, Bal Pandarang đều nằm trong lãnh thổ Panduranga chạy dài từ khu vực Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) đến biên giới Baigaor (Sài Gòn). Chính vì thế, tư liệu này không đề cập đến những gì đã xảy ra ở khu vực Amaravati (Quảng Nam-Huế) hay Vijaya (Bình Ðịnh) như Dorohiem và Dohamide đã nêu ra, mà chỉ nói về lịch sử Panduranga của miền nam Champa, tức là tiểu vương quốc có một qui chế chính trị riêng biệt, thường giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành liên bang Champa, nhưng cũng thường có nhiều quan điểm chính trị bất đồng trong mối quan hệ ngoại giao với Champa ở miền bắc.

Ai cũng biết, sau ngày thất thủ Vijaya vào năm 1471, vương quốc Champa bị thu hẹp lại trong lãnh thổ của tiểu vương quốc Panduranga và thánh địa Kauthara, chạy dài từ khu vực Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên) đến Baigaor (Sài Gòn). Mặc dù thành Ðồ Bàn đã bị sụp đổ, nhưng các tư liệu lịch sử Việt Nam viết bằng tiếng Hán vẫn tiếp tục dùng chữ Chiêm Thành để gọi vương quốc Champa này. Trước cuộc nam tiến của Việt Nam, nhà Nguyễn bắt đầu chiếm đóng Phú Yên vào năm 1611 và đặt quyền cai trị trong khu vực thánh địa Kauthara (Nha Trang) vào năm 1653. Thế thì Champa sau năm 1653 chỉ còn vỏn vẹn ở trong khu vực Panduranga (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết), một tiểu vương quốc nhỏ bé, nhưng cố đương đầu nhằm duy trì thể chế độc lập của quốc gia này hầu thoát ra khỏi quyền kiểm soát chính trị của nhà Nguyễn cho đến đầu thế kỷ thứ 19.

03 panduranga 1 copy
Tác phẩm 33 năm cuối cùng cùa vương quốc Champa

Cũng trong công trình nghiên cứu này, Po Dharma tập trung những tư liệu có giá trị về mặt lịch sử nhằm bác bỏ ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng Champa là một vương quốc có thể chế trung ương tập quyền như tổ chức chính trị ở Việt Nam hay Trung Quốc. Theo quan điểm Po Dharma, Champa không phải là một quốc gia tập quyền chính trị ở trung ương, nhưng là một thể chế liên bang (fédération) tập trung nhiều tiểu vương quốc như Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga. Nhưng cũng có đôi lúc, dù thời gian không kéo dài cho lắm, Champa cũng có một thể chế liên hiệp các quốc gia (confédération). Hoàn toàn khác hẳn với quan điểm của nhiều tác giả đã viết về Champa, Po Dharma tập trung tư liệu để chứng minh rằng Champa không phải một vương quốc dành riêng cho dân tộc Chăm và do người Chăm cai trị, mà là một quốc gia đa chủng tộc, bao gồm nhiều sắc dân như Edhé, Jarai, Banar, Sédang, Katu, Hroi, Cru, Raglai, Kaho, Stieng, Mạ, v.v. trong đó có dân tộc Chăm. Mỗi sắc tộc đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong vương quốc này.

Dựa vào tư liệu lịch sử viết bằng tiếng Chăm, nhất là tư liệu hoàng gia Panduranga-Champa hiện đang lưu trữ tại Pháp, Po Dharma khẳng định rằng Champa không phải vương quốc dành riêng cho dân tộc Chăm. Nội dung của các tư liệu này đã chứng minh một các rõ ràng là giữa thế kỷ thứ 17 và thế kỷ thứ 19 có nhiều quan lại gốc Raglai, Kaho, Cru, v.v. đã từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Panduranga-Champa thời đó. Họ là sắc dân mà người ta thường gọi là dân tộc cao nguyên trung phần Việt Nam. Po Rome, người xuất thân từ sắc tộc Churu lên nắm chính quyền Panduranga-Champa vào năm 1627 và hình thành một triều đại lâu dài cho đến vua Po Cei Brei (1783-1786) là một thí dụ điển hình.

Sau cuộc kiểm tra và nghiên cứu vào năm 1980 về hai tác phẩm viết bằng Akhar Thrah Chăm mang mã số CAM MICROFILM 17(1) và CM 29(1) đề cập đến lịch sử Panduranga từ năm 1802 đến 1835 và nhiều tư liệu khác nói về cuộc khởi nghĩa của dân tộc Champa chống lại âm mưu đô hộ của nhà Nguyễn vào những năm 1826, 1833-1834, 1834-1835, Po Dharma cho rằng đó là những tư liệu lịch sử quí giá đáng được đưa ra phân tích và nghiên cứu. Mặt khác, Po Dharma còn đối chiếu lại với các tư liệu Việt Nam viết bằng tiếng Hán. Kết quả cho thấy các sách Chăm cổ viết bằng Akhar Thrah liên quan đến tiểu vương quốc Panduraga-Champa là những tư liệu lịch sử đáng tin cậy mà người ta có quyền dựa vào đó để phát họa lại lịch sử cận đại của Panduranga-Champa.

Theo biên niên sử Chăm (Sakkarai dak rai patao), sự hiện hữu chính thức của vương quốc Panduranga-Champa với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, kéo dài đến ngày từ trần của vua Po Saong Nhung Ceng vào năm 1822. Po Saong Nhung Ceng (1799-1822) là vị vua cuối cùng ghi trong biên niên sử này. Ngược lại, những tư liệu khác viết về Panduranga cho rằng vương quốc này hoàn toàn bị tiêu diệt vào năm 1832 dưới triều Minh Mệnh, chứ không phải vào năm 1822. Mười năm đối với lịch sử chỉ là khoảng thời gian rất ngắn ngủi, nhưng mười năm đó rất quan trọng, vì nó khẳng định một lần nữa sự tồn tại của Panduranga-Champa dưới lá cờ độc lập, dù qui chế độc lập này đặt dưới sự bảo hộ của triều đình nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19. Và mô hình độc lập này vẫn còn tồn tại dưới triều đại của vua Minh Mệnh (1820-1841), một vị quốc vương chỉ nghĩ đến chính sách trung ương tập quyền, không bao giờ chấp nhận một thể chế tự trị của quốc gia láng giềng nào nằm trong không gian biên giới đặt dưới quyền bảo hộ của mình. Ðây cũng là một khúc quanh lịch sử đã diễn ra trong khu vực Ðông Dương mà các nhà nghiên cứu cần phân tích và nghiên cứu lại, nhất là đặt ra câu hỏi tại sao vua Minh Mệnh chấp nhận tha thứ cho sự tồn tại của Panduranga-Champa với danh nghĩa của một quốc gia độc lập cho đến năm 1832.

Trở lại vấn đề biên niên sử Chăm (Sakkarai dak rai patao), Po Dharma cho rằng đây là một tư liệu lịch sử chỉ nói đến gia phả của của các vua chúa và đại thần thuộc tiểu vương quốc Panduranga cho đến năm 1822, chứ không phải biên niên sử của liêng bang Champa có thủ đô ở Vijaya (Bình Định). Ngược lại, những tư liệu tiếng Chăm khác mà Po Dharma sử dụng cho đề tài nghiên cứu của ông không những đề cập đến gia phả của vua chúa, bối cảnh lịch sử xã hội, kinh tế của nhân dân Panduranga-Champa, mà cả mối quan hệ chính trị và quân sự giữa Panduranga-Champa và triều đình Huế trong khoảng thời gian ba mươi năm, đó là từ năm 1802-1832. Nội dung của tư liệu này cấu thành một yếu tố quan trọng nhằm góp phần vào công trình phát triển kiến thức về bối cảnh lịch sử Ðông Dương vào đầu thế kỷ thứ 19. Vì trong khoảng thời gian 30 năm đó (1802-1832), triều đình Huế bắt đầu tìm cách đặt quyền ảnh hưởng của mình trên cơ cấu tổ chức chính trị và quân sự trong nội bộ của Panduranga-Champa để rồi cuối cùng sát nhập lãnh thổ của vương quốc nhỏ bé này vào đơn vị hành chánh của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ở Việt Nam. Vả lại những văn bản Chăm còn lại mà Po Dharma đưa ra nghiên cứu, đã cho phép độc giả hiểu được phần nào chiến lược mà triều đình Huế đã áp dụng để xâm chiếm Panduranga-Champa cũng như chính sách Việt Hóa dân tộc Champa thời đó.

Trước bàn cờ chính trị xâm lăng của triều đình Huế, Po Dharma cũng không quên đặt một câu hỏi ngắn gọn: có chăng chính sách đô hộ và chủ thuyết Việt Hóa vương quốc Panduranga-Champa mà các văn bản tiếng Chăm đã kể lại, chỉ là một sự kiện lịch sử mang tính cách ngoại lệ trong quá trình của sự hình thành quốc gia Việt Nam hay là một truyền thống văn hóa của người Việt, một dân tộc duy nhất ở khu vực Ðông Nam Á thường nâng cao chủ thuyết Nam tiến lên hàng đầu để xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia láng giềng ở phía nam, tức là Champa và Campuchia? Trả lời cho câu hỏi này dĩ nhiên là việc làm vô cùng khó khăn, vì rằng các tư liệu tiếng Chăm này chỉ do bàn tay của quan lại nằm trong triều đình Panduranga-Champa biên soạn và viết ra mà thôi. Theo Po Dharma, dù tác giả này là quan lại gốc người Chăm đi nữa, nhưng nội dung của những tư liệu này đáng được tin cậy vì truyền thống dân tộc Chăm không bao giờ sử dụng văn chương chính trị nhằm qui tội cho đối tượng của mình.

Dựa vào những văn bản tiếng Chăm đề cập đến thời kỳ 1802-1832, Po Dharma cố gắng phát họa lại lịch sử Panduranga-Champa trong suốt ba mươi năm đó, một bối cảnh chính trị chưa bao giờ được nhắc đến trong quá trình lịch sử Việt Nam. Phương pháp làm việc khoa học của Po Dharma cũng là vấn đề cần thiết phải nêu ra. Theo Po Dharma, mỗi biến cố ghi trong tư liệu Chăm cần phải có sự xác minh rõ ràng và thuyết phục. Chính vì sự gò bó của phương pháp khoa học này, Po Dharma chỉ dựa vào những tư liệu tiếng Chăm có sự kiểm chứng với tư liệu lịch sử của các nước láng giềng hầu triển khai vấn đề chính trị trọng đại tại vương quốc Panduranga-Champa. Vì rằng, mỗi quan điểm nhằm bào chữa cho vương quốc Champa có thể đi ngược lại hoàn toàn với yếu tố lịch sử. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu không thể đứng ra phân tích giá trị của một biến cố lịch sử, nhưng chỉ dựa vào sự suy đoán riêng tư của mình. Theo Po Dharma, thà chỉ viết sơ lược lịch sử Panduranga-Champa rút gọn trong 33 năm đó, nhưng lịch sử sơ lược này phải được đặt trên một nền tảng khoa học vững chắc, hoàn toàn dựa vào những tư liệu lịch sử thuyết phục, còn hơn là thực hiện một công trình nghiên cứu đồ sộ, nhưng lại khó đứng vững trước những bài bình luận trong tương lai.

Song song với những biến cố lịch sử đã xảy ra, Po Dharma cũng không quên đề cập đến mối bang giao chính trị giữa vương quốc Panduranga-Champa và triều đình Huế cũng như mối liên hệ xã hội giữa nhân dân Champa và cư dân Việt sinh sống trên lãnh thổ Champa. Po Dharma cho rằng mối quan hệ chính trị giữa Panduranga-Champa và triều đình Huế là một vấn đề rất phức tạp đối với những ai không am hiểu lịch sử Việt Nam vào thời kỳ đó. Lý do chính đáng là vương quốc Panduranga-Champa ngày càng bị bóp nghẹt về mặt quân sự và chính trị trong suốt 30 năm (1802-1832), vì hoàn cảnh địa lý của mình. Vì rằng biên giới phía bắc của Panduranga vào thời điểm đó lại giáp giới với lãnh thổ của triều đình Huế ở Cam Ranh, trong khi đó biên giới phía nam giáp với Biên Hòa, đất đai của Campuchia đã lọt vào tay của triều đình Huế vào năm 1658. Thêm vào đó, Panduranga-Champa lại trở thành nạn nhân của bao cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ Việt Nam, nhất là từ năm 1820 đến năm 1832. Ở đây, Po Dharma muốn nói đến sự tranh chấp giữa Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Ðịnh Thành và hoàng đế Minh Mệnh. Sự tranh chấp này đã bao lần đưa đẩy vương quốc Champa vào cuộc chiến giữa người Việt, hay nói một cách khác, giữa Lê Văn Duyệt và vua Minh Mệnh. Liên quan đến biến cố này, Po Dharma thấy không cần thiết phải dành quá nhiều trang giấy hầu viết lại bối cảnh lịch sử Việt Nam thời đó mà nhiều sử gia đã đề cập trước ông. Ngược lại, Po Dharma cũng không quên nhắc đến một số sự kiện thiết yếu trong lịch sử Việt Nam có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai sống còn của Panduranga-Champa, một vương quốc không ngừng đóng vai trò trên bàn cờ chính trị của triều đình Huế thời đó.

Vấn đề mối quan hệ xã hội giữa nhân dân Panduranga-Champa và cư dân người Việt sống trong lãnh thổ này nói chung cũng như thái độ của một số quan lại của triều đình Huế ở Panduranga-Champa thời đó nói riêng, thường gây ra bao sự khủng hoảng xã hội, kéo theo những cuộc vùng dậy của nhân dân Champa nhằm bài trừ người Kinh thời đó. Sự khủng hoảng này kéo dài trong suốt 33 năm cuối cùng của vương quốc này, thường ghi lại trong các biên niên sử viết bằng tiếng Chăm, nhưng chỉ xuất hiện thấp thoáng trong những biên niên sử Việt Nam. Chính vì thế nhiều độc giả có quyền nghĩ rằng có chăng đây chỉ là sự thổi phồng quá đáng của các tác giả người Chăm viết biên niên sử bằng tiếng Chăm nhằm kết án chính sách của triều đình Huế đối với vương quốc Panduranga?

Ðứng trên phương diện khoa học mà phân tích, đây không phải là sự thổi phồng mang màu cờ chính trị, mà là sự kiện lịch sử có minh chứng. Một thí dụ cụ thể mà Po Dhrma muốn đưa ra ở đây, đó là nhiều tư liệu lịch sử Việt Nam như Minh Mệnh Chính Yếu chẳng hạn, đã xác nhận sự kiện này khi nói đến cách cư xử quá kiêu ngạo hay thái độ thực dân của một số quan lại người Việt mà triều đình Huế đã gởi đến Panduranga nhằm áp dụng chính sách Việt Nam Hóa tại vương quốc này. Minh Mệnh Chính Yếu không ngần ngài đứng ra cảnh cáo cách cư xử thô bạo của Việt kiều cư trú ở phủ Bình Thuận, chỉ biết dựa vào quyền lực nhằm tước đoạt tài sản nhân dân Champa thời đó.

*
Ðọc qua chủ đề nghiên cứu của Po Dharma, độc giả có thể đoán rằng phương pháp trình bày tác phẩm “Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa: 1802-1835” dường như đã được vạch sẳn, dựa vào sự diễn tiến của biến cố theo tuần tự của thời gian, mặc dù lịch sử Panduranga-Champa và mối bang giao chính trị với triều đình Huế vào giai đoạn đó chưa bao giờ được nghiên cứu cả. Tuy nhiên phương pháp trình bày nội dung của tác phẩm theo tuần tự của thời gian (chronologie) cũng cần có một định hướng rõ rệt. Ðiều mà Po Dharma đã nghĩ đến đó là có cần thiết hay không phải đăng toàn bộ những đoạn văn ghi trong biên niên sử Việt Nam và những ký sự bằng tiếng Chăm có liên quan đến giai đoạn này? Nếu nêu ra tất cả các chi tiết lịch sử, Po Dharma cho rằng chỉ riêng về biên niên sử Việt Nam cũng đủ để tăng thêm hơn một trăm trang trong tác phẩm của ông. Vả lại việc đó chỉ làm cho các mạch văn sẽ luôn luôn bị ngắt đoạn và sẽ đưa độc giả vào khúc quanh co khi đọc cuốn sách này. Chính vì thế mà Po Dharma có một định hướng riêng về cách cấu trúc nội dung của tác phẩm. Một mặt, Po Dharma trình bày chi tiết những biến cố đã xảy ra trong phần phụ bản với những đoạn dịch sang tiếng Pháp có chú giải của hai tư liệu tiếng Chăm: CAM MICROFILM 17(1) và CAM 29(1), mà ông sử dụng nhiều nhất. Ðây là lần đầu tiên mà văn bản viết bằng tiếng Chăm được công bố kèm theo bản dịch sang tiếng Pháp. Việc này tạo thêm thuận lợi cho sự tra khảo nguồn gốc văn bản Chăm một cách trực tiếp. Mặt khác, về những chi tiết trong biên niên sử Việt Nam, Po Dhrma chỉ ghi chú trong phần chú giải nhằm làm sáng tỏ thêm vấn đề hay khẳng định bản văn viết bằng tiếng Chăm. Vì rằng đa số biên niên sử Việt Nam đã được dịch sang quốc ngữ và xuất bản dưới dạng sách khoa học rồi.

Nhằm giúp độc giả có một khái niệm tổng quát về giá trị tư liệu liên quan đến giai đoạn này, Po Dharma đặt ngay ở đoạn đầu của tác phẩm một danh sách tập trung hàng trăm tư liệu mà ông đã dùng để viết chủ đề này, chứ không phải tư liệu mà ông đọc sơ qua. Danh sách này tập trung ba nguồn tư liệu. Tư liệu đầu tiên đó là biên niên sử và ký sự bằng tiếng Chăm. Tư liệu thứ hai là biên niên sử Việt Nam. Cuối cùng những sách và bài báo cáo khoa học bằng đủ các thứ tiếng mà Po Dharma dùng tham khảo và trích dẫn trong công trình nghiên cứu này.

Tác phẩm “Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa” chia thành nhiều tiết mục.

Tổng luận đầu sách

Khởi đầu tác phẩm là chương mở đầu mang tựa đề: Tổng luận đầu sách (prolégomène) nhằm trình bày vài chi tiết khái quát liên quan đến lịch sử Panduranga-Champa trước năm 1802. Tổng luận đầu sách là tiết mục rất cần thiết, vì rằng lịch sử cổ của Panduranga-Champa rất ít người biết đến. Chương này sẽ cung cấp hai phần không cân xứng cho lắm về tổng số trang. Phần ngắn nhất là phần tóm lược lịch sử Champa, từ ngày lập quốc đến ngày thất thủ của Vijaya vào năm 1471. Trong phần này, Po Dharma nhấn mạnh vai trò của tiểu vương quốc Panduranga trong quá trình hình thành lịch sử liêng bang Champa, một chủ đề chỉ nêu ra trong một vài báo cáo khoa học mà thôi. Vì rằng đa số các tác giả nghiên cứu về Champa ít để ý đến lịch sử của Panduranga, một tiểu vương quốc ở miền nam Champa. Trong phần thứ hai, Po Dharma trình bày lịch sử khái quát của Panduranga từ cuối thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ thứ 18. Đây là phần quan trọng hơn và đáng được triển khai đúng mức, vì cho đến ngày hôm nay ít người quan tâm đến.

Theo Po Dharma, tóm tắt sơ lược lịch sử Panduranga trong tác phẩm này này là điều cần thiết, vì nhiều biến cố lịch sử dồn dập kể từ thế kỷ thứ 17 ở Panduranga có một ảnh hưởng trực tiếp đến giai đoạn 1802-1832 nằm trong công trình nghiên cứu của ông.

Chương I
Panduranga-Champa dưới quyền cai trị của
vua Po Saong Nhung Ceng và Po Klan Thu (1802-1828)

Chương thứ nhất là chương khởi đầu của tác phẩm nhằm trình bày những biến cố lịch sử đã xảy ra ở Panduranga-Champa vào thời kỳ 1802-1828. Trong khoảng mười tám năm đầu, Panduranga-Champa là một vương quốc độc lập đặt dưới quyền "bảo hộ" của quốc vương Gia Long và phó vương Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành. Cũng trong thời gian này, Po Saong Nhung Ceng là nhà quân sự gốc người Chăm được vua Gia Long đưa lên làm thủ lãnh của Panduranga-Champa, một vương quốc có cơ chế tự trị về hành chánh, chính trị và quân sự rất là rộng rãi và đã hưởng sự thanh bình gần như toàn diện.

Sau ngày từ trần của vua Gia Long vào năm 1820, tình hình chính trị ở Panduranga-Champa bắt đầu đi vào một khúc quanh mới. Thể chế độc lập của vương quốc này trở thành một vấn đề gai góc đối với vua Minh Mệnh vừa mới lên ngôi. Vì rằng Minh Mệnh là ông vua quân chủ chuyên chế, không bao giờ ưa thích những chế độ cá thể của địa phương nào và cũng không bao giờ chấp nhận qui chế tự trị mà vị vua cha (Gia Long) đã ban cho một số vùng trên lãnh thổ Việt Nam như Gia Định Thành, Bắc Thành hay cơ chế độc lập dành cho quốc gia láng giềng Panduranga-Champa. Mặc khác, nhằm dập tan cuộc đấu tranh của Lê Văn Duyệt (phó vương Gia Ðịnh Thành) chống lại triều đình Huế nhằm bảo vệ chủ thuyết phân chia quyền chính trị ở miền nam, vua Minh Mệnh quyết định nắm lấy quyền kiểm soát trực tiếp trên lảnh thổ của Panduranga-Champa bằng cách đặt vương quốc này dưới sự bảo hộ duy nhất của triều đình Huế và chọn Po Klan Thu, một nhân vật người Chăm chỉ biết phục tùng hoàng đế Minh Mệnh, nắm quyền thủ lãnh của vương quốc Panduranga. Sau đó Minh Mệnh bắt đầu tìm cách xóa bỏ cơ chế tự trị của Panduranga-Champa do vua Gia Long ban hành vào năm 1802. Chính sách mới của Minh Mệnh đã dấy lên hai cuộc vùng dậy của nhân dân Panduranga-Champa. Lần thứ nhất vào năm 1822 nhằm chống lại chính sách chuyên chế của triều đình Huế và lần thứ hai vào năm 1826 nhằm phản đối chính quyền Panduranga-Champa mà nhân dân Champa kết tội là chỉ biết làm tay sai cho vua Minh Mệnh và triều đình Huế.

minh menh dulichhue.com
Hoàng đế Minh Mệnh (Ph. Dulichhue.com)

Chương II
Panduranga-Champa dưới quyền cai trị của
Po Phaok The (1828-1832)

Chương thứ hai của tác phẩm là chương trình bày những biến cố trong những năm 1828-1832. Đây là giai đoạn phản ảnh về tình hình xáo trộn chính trị trong triều đình Huế mà Lê Văn Duyệt (phó vương Gia Ðịnh Thành) lợi dụng những hoàn cảnh thuận lợi để đặt một người Chăm thân cận của mình là Po Phaok The lên nắm chính quyền ở Panduranga nhằm chống lại ý đồ của vua Minh Mệnh muốn đưa một người Chăm khác lên làm vua ở vương quốc này. Kể từ đó, Lê Văn Duyệt tìm cách tách rời vương quốc Panduranga-Champa ra khỏi sự bảo hộ của triều đình Huế để đặt dưới quyền kiểm soát duy nhất của mình ở Gia Ðịnh Thành. Nhưng chiến lược của Lê Văn Duyệt không giải quyết được những sự rạn nức trầm trọng trong mối liên hệ giữa cư dân Việt định cư trên lãnh thổ Panduranga-Champa và nhân dân Champa thời đó. Và chính sách này cũng không tìm ra một giải pháp hữu hiệu nào nhằm giải tỏa chính sách của vua Minh Mệnh tìm cách Việt Hóa dân tộc Champa với bất cứ giá nào.

1966 1764-1832 
 Phó vương Lê Văn Duyệt (tiền ấn hành 1966)

Chương III
Giai đoạn 1832-1833

Chương thứ ba nhằm triển khai những tình hình chính trị sau ngày từ trần của Lê Văn Duyệt vào 1832, năm đã đưa vương quốc Panduranga-Champa vào một khúc quanh mới trong mối liên hệ chính trị với triều đình Huế.

Được tin Lê Văn Duyệt từ trần ở Sài Gòn vào năm 1832, vua Minh Mệnh lợi dụng cơ hội xô quân xâm chiếm Panduranga, xóa bỏ danh xưng vương quốc Champa trên bản đồ Ðông Dương và trừng phạt vô cùng dã man những quan chức Champa đã phục tùng phó vương Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành nhằm chống lại uy quyền của triều đình Huế.Thêm vào đó, vua Minh Mệnh ra lệnh tăng cường chính sách Việt hóa nhân dân Champa nhằm biến dân tộc này thành người Việt thật sự. Trước biến cố này, nhân dân Champa không còn trông cậy gì vào quyền lực của chính quyền Panduranga-Champa để bảo vệ quyền lợi của họ nữa. Cuộc sống của họ hoàn toàn rơi vào ách thống trị độc đoán và tham ô thối nát của các vị quan lại người Kinh do triều đình Huế gởi đến. Họ bị đè nén bởi những thuế cao và tạp dịch khốn cùng. Chẳng những họ bị cưỡng đoạt tất cả những đất đai và tài sản của mình, nhưng họ còn phải bị lưu đầy về phía núi rừng ở hướng Tây (khu vực Ðồng Nai-Lâm Ðồng) để nhường chỗ cho những người Việt vừa mới nhập cư vào phủ Bình Thuận được thành lập vào năm 1694 nhằm cai quản trực tiếp dân cư Việt sống rải rác trên lãnh thổ Panduranga-Champa thời đó.

Dựa vào uy quyền của phủ Bình Thuận, tức là đơn vị hành chánh của triều đình Huế nằm trên lãnh thổ Champa, những cư dân người Kinh không ngần ngại ép buộc nhân dân Champa phải phục dịch cho họ và đôi lúc biến dân bản xứ Champa này thành những người nô lệ của mình. Sự kiện này đã từng xãy ra trước mắt của các vị quan lại triều đình Huế tại chức ở phủ Bình Thuận. Trước bối cảnh lịch sử này, nhân dân của vương quốc Panduranga-Champa không còn hy vọng gì để đấu tranh giành lại độc lập và quyền sống của họ nữa. Ðối với họ, tương lai sống còn của Panduranga-Champa chỉ là một bức tranh ảo vọng, ngoại trừ sự vùng dậy đậm máu.

Chương IV
Phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat (1833-1834)

Cuộc vùng dậy lần thứ nhất nhằm phục hưng nền độc lập Panduarang-Champa đã diễn ra vào cuối năm 1833, đặt dưới sự lãnh đạo của ông Katip Sumat, gốc Chăm hồi giáo ở Kampuchia và đã từng sống lâu năm ở Makah (thánh địa Hồi Giáo), ám chỉ cho tiểu vương quốc Kelantan, Mã Lai. Sự vùng dậy của Katip Sumat có mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược của triều đình Huế nhằm giải phóng đất đai Champa ra khỏi ách nô lệ của Việt Nam. Ðể hướng đến mục tiêu này, Katip Sumat tìm cách biến mặt trận đấu tranh của mình thành phong trào "thánh chiến Hồi Giáo" chống lại quân xâm lược Việt Nam ở Panduranga-Champa. Tiếc rằng, chiến lược “thánh chiến” này đã đưa đến sự thất bại nhanh chóng trước đoàn quân hùng mạnh của triều đình Huế.

Chương V
Cuộc vùng dậy của Ja Thak Wa (1834-1835)

Chương thứ V đề cập đến sự khởi nghĩa của Ja Thak Wa, một nhân vật đã từng đóng vai trò quan trọng trong mặt trận của Katip Sumat. Sự khởi nghĩa của Ja Thak Wa có chiến lược hoàn toàn khác biệt với ba cuộc nổi dậy vào năm 1822, 1826 và 1833, đã gây bao chấn động trên bàn cờ chính trị Ðông Dương thời đó. Vì rằng Ja Thak Wa là nhân vật đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang ở khu vực Đông Dương đã biến sự vùng dậy của mình thành “mặt trận giải phóng” trong nghĩa rộng của nó. Trước tiên, Ja Thak Wa bắt đầu tổ chức trong khu vực đặt dưới quyền kiểm soát của ông, một bộ phận chính trị mang thể chế "chính quyền quốc gia lâm thời". Sẵn có một lực lượng quân sự trong tay, Ja Thak Wa tiến hành chiến tranh giải phóng thật sự nhằm chống lại quân xâm lược của triều đình Huế.

Ðối với vua Minh Mệnh, sự phản nghịch này là một dự án ly khai sẽ tạo ra mối đe dọa thật sự cho oai quyền của triều đình Huế. Thêm vào đó, sự vùng dậy của Ja Thak Wa đã đưa mối quan hệ giữa hai cộng đồng Việt và Champa ở khu vực Panduranga vào những cuộc bạo động không lối thoát và kéo dài trong suốt hai năm trường. Chính vì thế, vua Minh Mệnh quyết định phải dập tắt nhanh phong trào Ja Thak Wa với bất cứ giá nào bằng cách đưa ra sắc lệnh đốt phá tất cả thôn làng người Chăm sống ven biển trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hầu ngăn chận người Chăm vượt biên sang Mã Lai để cầu xin viện trợ, tru di tam tộc những gia đình người Chăm nào có thành viên tham gia phong trào Ja Thak Wa và nhất là ra lệnh tăng lương cho quân viễn chinh của triều đình Huế có công chặt đầu 3 người Chăm mỗi ngày. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao dân số Chăm chỉ còn chưa đầy 60 ngàn người vào đầu thế kỷ thứ 20.

1835-xuanbich.vn
Minh Mệnh tử hình người Thiên Chúa 1835 (Ph. Xuanbich.vn)

Trước bối cảnh tang thương mà dân tộc Chăm đã gánh chịu vào thời điểm đó, Po Dharma đưa ra nhận định rằng đây không phải là chính sách của vua Minh Mệnh nhằm tiêu diệt người Chăm vì yếu tố hận thù dân tộc mà là phương pháp trả thù của vua Minh Mệnh chống lại dân tộc Chăm về tội theo Lê Văn Duyệt và Lê Văn Khôi ở miền nam và cổ động cho phong trào « thánh chiến Hồi Giáo » trong khi đó triều đình Huế đang đương đầu với cuộc bành trướng Thiên Chúa Giáo trên lãnh thổ của quốc gia này. 

Vào năm 1835, Ja Thak Wa đã hy sinh tánh mạng của mình trên bãi chiến trường. Vua Minh Mệnh, bấy lâu nay rất lo âu đối với hai cuộc vùng dậy này, lợi dụng cái chết của Katip Sumat và Ja Thak Wa nhằm lật lại thế cờ mới và dùng những biện pháp chính trị thích đáng để ngăn chặn dân chúng Panduranga không còn nổi dậy nữa.

Phần bố cục

Trong phần bố cục (épilogue), Po Dharma đã đúc kết những gì mà công trình nghiên cứu của ông đã mang lại, nhằm làm sáng tỏ thêm lịch sử Panduranga-Champa thời đó. Cũng trong phần này, Po Dharma cố gắng tìm hiểu tại sao những nhà nghiên cứu về Champa và Việt Nam không bao giờ quan tâm đến những yếu tố vô cùng quan trọng nằm trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam thời đó: nào là sự hiện hữu của vương quốc Panduranga-Champa độc lập kéo dài cho đến 1832, dù sự độc lập này đặt dưới sự bảo hộ của triều đình Huế đi nữa; nào là sự đấu tranh ngấm ngầm giữa Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt vào năm 1820-1832 nhằm kiểm soát Panduranga-Champa và phủ Bình Thuận; nào là chính sách trừng phạt vô cùng dã man đối với dân chúng Panduranga-Champa sau năm 1832; nào là sự hình thành vào năm 1833-1834 của một cuộc khởi nghĩa dựa vào chủ thuyết “thành chiến Hồi Giáo” để làm nền tảng cho cuộc đấu tranh; nào là cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa (1834-1835) mang mô hình tổ chức của một « mặt trận giải phóng » thời đó ; nào là tính chất đa chủng tộc trong vương quốc Panduranga-Champa thời đó, v.v.
minh menh1838
Xử lăng tri dưới thời Minh Mệnh 1838

Sau cùng, Po Dharma cũng cố gắng cung cấp một số dữ liệu bước đầu để trả lời cho một số câu hỏi vô cùng khó khăn, đó là sự xâm chiếm vương quốc Paduranga-Champa vào năm 1832 kéo theo chính sách Việt Hóa dân tộc Champa có chăng nên hiểu như một trường hợp ngoại lệ trong tiến trình lịch sử Việt Nam, hay đó chỉ là một truyền thống của dân tộc Việt trong suốt chiều dài của lịch sử Nam Tiến. Trong chương cuối cùng, độc giả có quyền đặt lại vấn đề là tại sao Po Dharma thường hay lập đi lập lại những gì mà người ta đã viết và chưa viết về vương quốc Panduranga-Champa cho đến hôm nay, nhưng ông không đưa ra một lời chỉ trích nào đối với một số dữ kiện lịch sử sai lầm đã đăng tải trên các báo chí khoa học liên quan đến vương quốc này. Một lý do chính đáng, đó là Po Dharma không quên công ơn đối với những nhà nghiên cứu Champa đi trước cũng như đối với nhà viết sử Việt Nam.

Trong công trình nghiên về « Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa », Po Dharma chỉ đi tìm kết luận cho một vấn đề đặt ra bằng cách nêu lên những câu hỏi mà từ trước tới nay chưa ai nghĩ đến và cố gắng đưa ra những dữ liệu nhằm phục vụ cho việc trả lời những câu hỏi đó.

 

No comments:

Post a Comment