; }

NHỮNG VẾT CHÂN TRÂU

Nhật Tiến



Hôm được Tổ Sản Xuất phân công bừa mảnh ruộng có bốn sào ở cạnh con ngòi chạy qua cổng Quán, Vịnh mừng rơn. Nghĩ ra còn nhẹ tội hơn là gánh đất về cho Hợp tác xã làm gạch nung.

Nhưng điều mà không bao giờ Vịnh nghĩ tới là cái thái độ lừ đừ bất thường của con trâu. Đã đành rằng nó là một con trâu già. Đã đành rằng nó gầy nhom và yếu sức hơn hết thẩy mười bốn con trâu khác của Hợp tác xã Nông nghiệp có tên là “3 Tháng 2” này. Nhưng làm thân trâu mà lại ngại ngần chuyện cầy bừa thì là điều không thể chấp nhận được. Cho nên Vịnh sử dụng tối đa ngọn roi tre để quất lên làn da mốc thếch của nó, vừa làm bộ hung hăng giận dữ vừa hò hét tưởng đến khan cả cổ họng.

Trời nắng cháy làm mồ hôi bốc ra che mờ cả ánh mắt của Vịnh. Nước bùn lệt sệt ở dưới chân được hun nóng từ buổi sáng bây giờ trở nên bóng nhẫy. Vậy mà con trâu vẫn cứ bước chậm rì.

Vịnh biết là nó mệt mỏi. Vịnh nghe rõ cả tiếng thở phì phò của nó qua cái miệng há hốc ra, lòng thòng những rớt rãi. Cả đến cái khung xương của nó cũng như gồ lên dưới làn da tong teo đến độ Vịnh có thể đếm được từng chiếc xương sườn. Hình như đã có lần lão Thược cảnh báo mọi người về sự khai thác sức lao động mức của con trâu. Cầy. Bừa. Kéo gỗ. Thồ hàng. Chở gạch. Và cả việc lôi cần cán máy cán, ép bên lò nung nữa. Lão phát biểu công khai trong các buổi họp chung :

- Phải dưỡng sức trâu thì nó mới phục vụ được lâu dài. O ép nó quá mức, tới lúc nó quỵ rồi mới cho mà biết ….

Lão nói vậy vì chỉ nghĩ đến con trâu, một tài sản hiếm quý của Hợp tác xã. Con trâu mà se mình thì còn đáng sợ hơn con người bị nhiễm cảm. Nguời nhiễm cảm thì chỉ ít bữa đâu lại vào đó, chứ trâu se mình dám làm cả bầy ngã quỵ.

Nhưng thiện ý của lão lại bị gã Bí thư bẻ queo đi. Hôm họp riêng chi bộ, chỉ có vài tay chân thân tín, gã đặt vấn đề :

- Lão Thược phát ngôn như vậy là sao? Lão ám chỉ cái gì thế ?Ai o ép ai? Ai làm cái gì mà lão cho là o ép quá mức? Lại còn nói “ Rồi cho mà biết!” Ái chà chà ! Bộ tính nổi loạn đấy chắc ?

Một tay cán bộ chợt bật lên:

- Cực kỳ phản động !

Thế là từ bữa đó, lão Thược bị lãnh đạo nhìn bằng một con mắt khác, mặc dù mọi người dân thường trong cái Hợp tác xã này ai cũng đều biết rằng cái thứ như lão Thược thì có gan gì mà dám nổi loạn. Nhưng thôi. Kệ lão. Ai có thân thì người nấy lo. Thứ nhất ngồi lỳ. Thứ nhì đồng ý. Cái kinh nghiệm sống ấy, ai mà chả rõ.

Sự việc ấy lâu ngày rồi cũng tạm êm. Lão Thược không dấn thêm vào một sai sót nào mới cả, mà ngược lại, cả hai vợ chồng đều sẵn sàng đảm nhận bất cứ công tác nào được giao phó. Rồi lại tới vụ thằng con của lão đăng ký nghĩa vụ quân sự. Thế là lão đã trở thành “bố anh bộ đội” rồi còn gì.

Vì thế, dù cảnh giác cách nào thì Hội đồng Liên tịch trong Hợp tác xã cũng không thể từ chối ban phát một tấm giấy khen cho vợ chồng lão. Lão trịnh trọng dán tấm giấy “Gia đình Tiên tiến” ấy lên vách gỗ. Đó là thành quả lao động của những ngày bì bõm dưới đồng sâu hay oằn lưng vác gạch. Một thời gian sau, lão được cất nhắc lên làm Tổ trưởng sản xuất bên lò nung gạch. Vợ lão thì tham gia Hội Phụ lão, chẳng biết làm cái gì, quanh năm đi họp chẳng phát biểu được câu nào, chỉ thấy luôn tay nâng cái giải yếm lên lau đôi mắt toét nhèm và khi biểu quyết thì mụ cũng giơ cánh tay lên cao hơn chút đỉnh.

Đùng một cái, có văn thư của Quận Ủy gửi xuống truy lùng thằng con lão Thược can tội đào ngũ ! Cả làng nhao lên là thằng đó ăn phải bả phồn vinh giả tạo trong Sài Gòn nên quên phứt nhiệm vụ quốc tế vô sản đáng lẽ phải xung phong sang Kampuchia trợ giúp nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhưng cái quân có gan tầy trời như thế, đã đào ngũ trong Sè Goòng rồi thì nó dại gì lại quay về quê cũ để lực lượng an ninh ở đây mất công sục sạo, truy lùng. Hẳn bây giờ thì nó đã tan biến vào đâu đó trong cái xã hội bầy hầy, đầy dẫy tàn dư phản động ở trong Nam kia kìa.

Tuy nhiên các đồng chí công an xã cũng như lực lượng dân phòng đã chấp hành nghiêm chỉnh và rất tận tình văn thư của Quận Ủy. Họ súng ống, gậy gộc ùa vào nhà lão Thược như đi bắt giặc. Nhà cửa của lão thì sộc sệch, tuyênh toang, có cái gì mà có thể giấu giếm được. Ấy vậy mà cả đám cũng xông xáo, đi tới đi lui, đục, cậy cả giờ, và chủ yếu là hoạnh hoẹ:

- Nó mới mò về đêm qua phải không ? Lão giấu nó ở đâu ?

- Gia đình tiên tiến con mẹ gì mà có thằng đào ngũ.

- Xé cái bằng khen đi. Phen này thì Hợp tác xã mất mẹ nó điểm thi đua.

Mụ Thược càng nghe càng tu lên khóc, giọng mụ cứ kéo dài ra nghe thê thảm:

- Ới con ơi ! Con bỏ mẹ mà đi đâu thế hả con….

Riêng lão Thược thì ngồi bó gối ở dưới chân một cây cột nhà, lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Trong thâm tâm, lão giận thằng con lắm. Nó tìm cách an thân đã đành, nhưng gieo tai hoạ tầy trời cho cả bố lẫn mẹ. Lão thấy trước những gì rồi sẽ xẩy ra cho cái gia đình này. Ít lắm thì cũng mất chức, mất việc, rồi bị cô lập trong mọi sinh hoạt thường ngày. Cũng phải thôi. Người ta phải làm dữ để dằn mặt bọn trai trẻ thuộc những gia đình khác, hãy nhìn vô đó mà làm gương chứ.

Quả nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, hai vợ chồng lão bỗng nhiên trở thành hai kẻ tội đồ sống bên lề xã hội. Ra đường, gặp người quen chào hỏi, ai cũng giả bộ làm ngơ ngoảnh mặt quay đi. Một vài người còn đôi chút tình nghĩa thì ném cho một cái nhìn chia sẻ cảm thông nhưng rồi cũng hốt hoảng làm bộ ngó quanh, len lét như sợ hãi có cặp mắt nào đang theo dõi hành vi của mình.

Nhưng cái đáng sợ hơn cả là biện pháp cắt hộ khẩu, ngưng tem phiếu. Còn tem phiếu thì còn được mua nhu yếu phẩm theo giá chính thức. Không tem phiếu thì kể như đã bị gạt ra khỏi mâm cơm chung của toàn xã hội dù cái mâm chỉ được bầy biện những khoai cùng sắn, quanh năm chỉ được ăn một hai bữa cơm tuyền có thêm vài miếng thịt vào dịp tết nhất hay dịp liên hoan mừng những ngày lễ lớn.

Lão Thược phải đôn đáo chạy qua tận xã bên xin làm đổi công cho những nhà có máu mặt. Vợ lão thì lặn lội vô tận đồng sâu, lội bì bõm từ sáng đến chiều mò cua bắt ốc để kiếm thêm bất cứ chút gì có thể ăn được. Cả hai bây giờ nom thảm hại như những con ma vùi. Điều này khiến đồng chí Bí thư Chi bộ cười vẻ đắc ý và nói như nhắc nhở bà con:

- Đó là hậu quả của những tên phản lại đường lối, chính sách của Đảng. Tất yếu là như vậy thôi !

****

Vào đúng cái lúc mà Vịnh loay hoay với con trâu già dưới thửa ruộng quánh bùn thì vợ lão Thược cũng lõm bõm ở con ngòi với cái giỏ ốc đeo bên lưng. Mụ ta nghe rõ tiếng thằng Vịnh chửi rủa con trâu. Mụ cũng thấy rõ bàn tay của gã múa lên chiếc roi làm bằng đọt tre non và đập liên hồi lên cái khung xương còm cõi của con vật. Bước chân của nó tuy thế lại vẫn ngày càng chậm rì. Cho đến một lúc thì nó run lên bần bật. Nó làm như không còn đủ sức để rút một cẳng chân ra khỏi lớp nước sền sệt bùn. Cái bừa thì trì lại. Nước bỏng rẫy dưới chân làm Vịnh muốn nổi cơn điên lên thêm. Gã quất lên con vật tưởng đến bật máu ở một bên gò xương hông.

Nhưng con vật bây giờ thì đã hoàn toàn khựng lại. Nó đổ mồ hôi đầm đìa. Cổ nó vươn lên. Mặt nó ngửa ra. Rồi nó thốt lên một tiếng kêu như một tiếng rống nhỏ rồi cả thân mình còm cõi của nó quỵ xuống. Con trâu đã hoàn toàn gục ngã trên thửa ruộng như một người lính can trường gục ngã trên chiến địa.

Sự kiện bất ngờ làm Vịnh phát hoảng lên. Gã sững sờ nhìn con trâu nằm tênh hênh trên thửa ruộng mà chân tay của gã như quíu lại. Rồi bỗng gã vứt cái roi tre xuống cạnh con trâu và cất tiếng la bảì hải :

- Ối các đồng chí ôi !! Ối các đồng chí ôi ! Ra mà coi con trâu nó chết rồi này…

Vừa la gã vừa co giò chạy lên mặt lộ. Gã bắt gặp ngay cặp mắt mở to thao láo của vợ lão Thược lúc ấy cũng mang đầy vẻ sững sờ. Con trâu tội nghiệp này đối với vợ chồng lão cũng như thể một người thân quen. Mụ biết rõ gốc gác của nó từ ngày nó mới sinh ra, đã ở những nhà nào, chủ là ai. Mụ cũng biết trên đầu của nó có bao nhiêu cái khoáy, sừng của nó có bao nhiêu khoanh vòng, và ngay cả tính nết của nó nữa. Vậy mà bây giờ nó chết!

Trong tình cảnh tứ cố vô thân chẳng còn ai, họ hàng thân quen nay đã ruồng bỏ, mụ Thược chợt thấy rằng chỉ có mỗi con trâu này là kẻ thân thiết gần gũi. Nó đâu có nhìn mụ bằng đôi mắt hằn học, rẻ khinh kể từ ngày thằng con trai của mụ dại dột đi đào ngũ. Nó cũng đâu có ngoảnh mặt quay đi mỗi khi mụ đến gần nó thân mật, vỗ về. Thế là tự nhiên mụ tu lên khóc như khóc một người thân, thân đúng nghĩa chứ chẳng phải ví von một cách quá lời.

Cái tin sét đánh của Vịnh chạy về hớt hải tung ra chỉ một thoáng là loan truyền khắp Hợp tác xã. Mọi người bỏ cả công việc để đổ xô về phía cổng Quán. Rõ ra là một con trâu quý giá hơn một con nguời. Trong chiến tranh, ở đây có bao nhiêu là người chết, nhưng có cái chết nào lại gây ra một sự khích động mạnh mẽ như thế cái chết của con trâu này đâu. Rõ nhất là ở nơi ông Chủ nhiệm Hợp tác xã. Người ông to béo, phục phịch. Chỉ thấy ông đi, người ta đã thấy mệt, huống hồ lại chạy. Vậy mà bữa nay ông chạy. Lại chạy nhanh khiến bọn trẻ con ùa theo cũng muốn hụt hơi.

Khi tới nơi, ông thở như con bò rống. Mặt ông đỏ gay. Đôi mắt ông long lên giận dữ. Ông vung cái gậy tre trong tay, vừa vụt vào khoảng không vừa tác xác nói với cả đám đông đang bu chung quanh ông bên bờ ruộng :

- Đứa nào lo cái việc cắt cỏ cho trâu ở Tổ 4 đây ? Tổ sư chúng mày ham chơi rồi bỏ trâu đói, làm sao nó không quỵ. Ông sẽ lột mẹ hết khăn quàng đỏ cho chúng mày chừa thói ham chơi…

Trên nguyên tắc, nói như vậy là ông đụng đến danh dự đoàn thể. Phải như kẻ khác mà phát ngôn như thế thì vấn đề sẽ xé ra to không biết tới đâu.

Nhưng đồng chí Bí thư chi bộ cũng đang chia sẻ sự giận dữ ấy với ông, chỉ khác cái cung cách phát biểu. Một đằng thì lu loa, chửi rủa om sòm, một đằng thì mặt cứ tím đi, cặp môi bậm sịt lại. Vả chăng lũ nhi đồng quàng khăn đỏ thì cũng đều là con cháu trong nhà cả, nghe ông quát cả bọn đã sợ chết rúm lại rồi, hơi sức đâu mà đặt vấn đề danh dự đoàn thể. Mấy đứa nhỏ đứng ở vòng ngoài ghé tai vào nhau xì xào:

- Tuần này đến phiên đội nào chăn trâu Tổ 4? Phải đội thằng Năng không?

- Không ! Đội thằng Quý. Mà tao thấy tụi thằng Quý kéo nhau đi bắt cua trên đồng Ông Súng.

Một đứa hớt lẻo, nói to giọng cốt để ông Chủ nhiệm ở xa nghe thấy :

- Kỳ này tới phiên đội thằng Quý cắt cỏ.

Ông Chủ nhiệm quay phắt lại. Ông nhìn thằng nhỏ mới phát ngôn như túm lấy được bằng cớ hiển nhiên. Ông định tuôn ra một hồi chửi rủa, đào mả cha, mả ông thằng Quý lên, nhưng ông kịp bụm miệng ngay lại vì phát hiện ra thằng Quý là con ông Uỷ viên An ninh. Vuốt mặt còn nể mũi, huống chi lại là thứ dữ. Vì vậy ông chỉ khua cái gậy thêm một vòng nữa rồi nói bâng quơ:

- Thằng nào thì thằng, kỳ này tao phạt hết. Giấy khen có ký rồi tao cũng dẹp hết.

Nói rồi ông quay sang đám thanh niên ra lệnh khiêng con trâu lên bờ đường.

Mọi người phát hiện ra rằng con trâu chưa chết. Nó chỉ bị kiệt sức đó thôi. Ông Chủ nhiệm hợp tác xã nhỉnh mặt lên được một tí và ông hơi hối tiếc là mình đã quá nặng lời. Ông liền đổi giọng dễ nghe hơn:

- Nó đói đấy thôi. Cho nó nghỉ ngơi dưỡng sức, bồi dưỡng rơm cỏ đầy đủ là khoẻ ra ngay.

Thế là con trâu được một dịp không phải lao động mà không nhân danh một ngày lễ lớn nào. Tuy nhiên lời nhận xét của ông Chủ nhiệm đã chẳng đúng như những điều mà ông mong mỏi. Kể từ lúc khiêng con trâu về chuồng, là nó nằm liệt luôn. Nó không đói. Cả một sọt cỏ xanh mơn mởn đem kề vô miệng mà trâu không hề nhếch mép. Nó chỉ như một con quay sắp hết đà, chẳng mấy chốc sẽ quỵ xuống và không bao giờ còn gượng dậy được nữa.

Bây giờ thì nó nằm xuội lơ ở một góc chuồng, giương đôi mắt đục lờ nhìn ra phía ngoài một cách đờ đẫn. Ở hai bên mép, những dòng bọt trắng xoá cứ sùi ra, mỗi lúc một nhiều. Đồng chí Phó Chủ tịch buông sõng một câu :

- Đem thịt quách đi thôi !

Mấy người quanh năm ước mơ một miếng thịt không giấu được vui mừng, nhẩy lên reo ngay:

- Phải đó ! Phải đó ! Thịt đi thôi. Làm ngay còn được ăn trâu lành, chờ ít bữa là hoá trâu toi đó !

Ý kiến vừa nêu ra làm ai nấy đều thích mê. Ngàn năm một thuở mới có một bữa thịt ngoài tiêu chuẩn. Vả chăng trâu già cỡ đó, có chạy chữa cách mấy cũng chẳng còn khai thác ở nó được thêm chút lao động nào. Tuy nhiên, trâu vừa ngã xuống, Hợp tác xã còn phải đương đầu với khó khăn mới do cái chết của nó gây ra, chuyện chưa giải quyết mà lại bàn đem trâu ra làm thịt thì có vẻ thiếu tinh thần trách nhiệm quá. Cho nên ông Chủ nhiệm không muốn nêu ý kiến biểu đồng tình ngay.

Tối hôm đó, ông triệu tập một phiên họp Liên tịch để bàn chuyện bù đắp chỗ khuyết của con trâu. Có người phát biểu:

- Không có trâu thì kể như một số phần vụ bị tê liệt, mà Hợp tác xã ta đang ở vào thời điểm các công việc đang căng nhất. Đề nghị xuất quỹ ra mua một con trâu khác.

Ý kiến này lập tức bị ông Chủ nhiệm bác bỏ với lý do :

“ Nếu giải quyết vấn đề mà giản dị như thế thì ai cần triệu tập phiên họp liên tịch làm gì ”.

Thật ra trong thâm tâm, ông không muốn quỹ bị hao hụt đi một đồng xu trời ơi đất hỡi nào. Nó còn phải được vun đắp thêm để Hợp tác xã có thể mua được một chiếc xe con, tức là xe hơi loại nhỏ. Ông vẫn luôn luôn bầy tỏ ý kiến rằng cái xe con là vô cùng quan trọng với Hợp tác xã. Bởi có nó, ông mới rộng cẳng chạy đây chạy đó, nay Tỉnh, mai Quận, liên hệ với các Ban, Ngành, các cơ quan để mậu dịch mua bán các loại sản phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nào hột giống, nào phân bón, nào xăng dầu….Ông làm như cái xe con để ông sử dụng giống như một cái chìa khoá có thể cứ mở cánh cửa ra là được cung ứng đủ mọi thứ.

Bên phía phụ nữ thì bàn thảo lạc đề với ý kiến đề nghị mua một dàn máy bơm thay thế cho hệ thống gầu giai, gầu sòng vừa chậm chạp vừa phải bổ sung một lực lượng lao động đông đảo cho việc tát nước. Đồng chí ấy giải thích :

- Chúng ta đang ở vào thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, do đó phải biết vận dụng phương tiện khoa học kỹ thuật vào công tác sản xuất.

Nhưng có kẻ bàn ngang:

- Đồng ý là có khoa học kỹ thuật thì cũng tốt thôi. Nhưng đồng chí cũng nên nhớ rằng sức người mà quyết tâm thì sỏi đá cũng biến thành cơm đấy nhé!

Chị phụ nữ nói dỗi:

- Thế thì đồng chí kéo cầy thay trâu đi. Rồi cũng sẽ có cơm như lúc còn trâu vậy.

Câu nói này thốt nhiên làm bừng lên trong đầu óc mọi người một sáng kiến nghe khá tuyệt vời :

“Kéo cầy thay trâu”.

Ông Chủ nhiệm vỗ đùi đánh đét một cái rồi reo lên:

- Đồng chí Tài bên Công đoàn nói đúng đấy. Ta mà quyết tâm thì chẳng khó khăn nào không thể vượt qua. Sỏi đá cũng biến thành cơm mà. Như vụ con trâu đang gây khó cho ta về lực lượng lao động. Bộ nó chết rồi là chúng ta khoanh tay nhìn hết cả sao ? Đề nghị các đồng chí thảo luận về cái giải pháp tạm lấy sức người thay trâu.

Chị phụ nữ trợn mắt lên nhìn:

- Nghĩa là người kéo cầy thay trâu ?

- Có sao đâu ! Trước đây trong chiến tranh, nhiều Hợp tác xã Nông nghiệp đã phát huy cái sáng kiến này để tranh thủ thêm công tác sản xuất và giải quyết được những thiếu thốn khó khăn trước mặt.

Chẳng ai có thể cãi được với lập luận khắc phục khó khăn theo kiểu đó, nhưng buổi họp lại bế tắc ở chỗ ai là kẻ chịu đứng ra làm trâu để đi kéo cầy đây ? Bên cánh phụ nữ thì dứt khoát là không rồi. Không thể buộc cho họ cái nhiệm vụ khó khăn cần nhiều sức lực đó, dù từ lâu họ vẫn bênh vực quan niệm phụ nữ phải bình quyền. Bình gì thì bình, các khó khăn phải để bên Thanh niên gánh vác trước. Mà bọn thanh niên thì cứng đầu. Thích thì làm. O ép quá, chúng nó phá đám thì Hợp tác xã chỉ có con đường phá sản. Dầu vậy, ông Chủ nhiệm cũng động viên một cách vớt vát không che giấu được sự khẩn khoản :

- Thôi để bên các đồng chí Thanh niên họp riêng với nhau đề cử người luân phiên, mỗi người một buổi cầy thay trâu. Mong các đồng chí thể hiện tinh thần : “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Anh đại diện Chi đoàn Thanh niên biết ngay đang đụng phải một vấn đề hóc búa. Anh biết rõ chẳng có tên thanh niên nào chịu đứng ra làm trâu kéo cầy. Không phải vì không có sức vóc, nhưng đã làm trâu rồi thì còn đâu thể diện mà đi tán gái. Nó sẽ không gọi tên thực mình ra mà lại cứ kêu “anh Trâu” thì có mà độn thổ ! Đó là nguyên do chính, ai cũng nghĩ tới mà ai cũng chẳng dám nêu ra.

Quả nhiên, sau tới hai buổi họp Chi đoàn và dùng đủ mọi biện pháp động viên vẫn chẳng có ai chịu đứng ra xung phong hết. Trong khi ấy, Vịnh bám sát tình hình sức khoẻ của con trâu để báo cáo thường xuyên từng giờ từng phút, như thể “ Nó hết ngóc được cái đầu rồi”, “Nó bắt đầu ngáp mỗi lúc một nhiều”, “Hai chân nó bắt đầu giẫy giẫy”. Và cứ mỗi lần loan một tin như thế, gã lại kèm theo một câu :

- Thịt đi thôi, kẻo lại hoá trâu toi !

Qua ngày hôm sau nữa, bỗng mọi người thấy bóng dáng của lão Thược đứng khúm núm trong phòng làm việc của ông Chủ nhiệm Hợp tác xã. Có cả sự hiện diện của đồng chí Bí thư Chi bộ. Ngàn năm một thuở lão Thược mới có cơ hội xin “ đái tội lập công”, dù tội của lão chỉ là cái tội có một đứa con dám bạo gan đi đào ngũ.

Lão cũng tự biết mình cũng chẳng mạnh khoẻ gì hơn con trâu lúc này, nhưng còn nước còn tát. Sau gần một năm trời sống bên lề xã hội, lão đã quá hãi hùng với bầu không khí bị xóm làng cô lập và bị nhà nước cúp mất hộ khẩu. Nghĩa là bị chặt đến tận gốc rễ về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Như vậy thì có xá gì cái chuyện đưa vai ra kéo cái cầy thay chỗ cho con trâu. Lão khẩn khoản nói:

- Trình với hai đồng chí, tôi tuy già nhưng sức lực còn dẻo dai lắm, dư kéo một cái cầy. Vả chăng lại còn có con mụ vợ tôi nó phụ một tay nữa. Mụ tiếng thế mà dai như đỉa ấy.

Vừa nói lão vừa ngước mắt nhìn ra ngoài. Qua cánh cửa sổ mở rộng, cả đồng chí Bí thư lẫn ông Chủ nhiệm Hợp tác xã đều cùng nhìn thấy mụ Thược đang ngồi bó gối thu lu ở một gốc cây trong sân trụ sở. Bên cạnh mụ còn có một cái giỏ cua. Mụ ngồi so ro như một con mèo ốm, đôi mắt đăm đăm nhìn ra phía bên kia hàng rào trên một khoảng sân rộng mênh mông có nhiều bóng người lố nhố đi lại khuân vác những chồng gạch mầu máu bầm mới được chuyền ra khỏi lò nung. Tuy từ đây tới đó còn cách nhau một khoảng xa nhưng mụ vẫn có thể nhận biết được hình dáng của những người quen thuộc. Lão Ấu. Mụ San. Mụ Hào. Lão Hối. Và cả những đứa trẻ mười một, mười hai. Họ đang khuân những viên gạch từ trong khu vực lò đem ra xếp thành hàng dài ở trên sân đất nom như những con kiến đang tha những vật liệu đem về làm tổ.

Tất cả họp thành một xã hội, cái xã hội lam lũ, nghèo nàn mà trong đó con người đang bị vắt cho tới lúc sức cùng, lực kiệt. Nhưng tuy vậy chỗ đó vẫn còn là ước mơ mong được đạt tới của vợ chồng lão Thược bây giờ.

Gần một năm nay mụ chưa được sờ lại tờ tem phiếu, mẩu này là gạo, mẩu kia là muối, là dầu, là củi, là sợi chỉ, cây kim, lâu lâu còn có ký đường, vuông vải. Cũng đã lâu lắm mụ cũng không được cái hân hạnh chen chúc xếp hàng, vật lộn, cãi vã nhau ở trước cửa hàng mậu dịch, có hôm thì dưới trời mưa rả rích, có ngày dưới nắng chang chang, chung quanh bốc sặc lên mùi nồng nặc chua loen loét của đủ loại mồ hôi.

Những hôm lội lõm bõm mò cua ở dưới đồng sâu, mụ cầu Trời khấn Phật cho thằng con ham chơi của mụ lang thang đâu đó rồi sẽ có ngày sẽ lại quay về. Bất quá đi tù, nhưng còn mẹ còn con. Rồi mãn hạn tù, nhà nước khoan dung, nhà lại có hộ khẩu, tem phiếu. Mụ nghĩ đến tem phiếu như nghĩ đến một ước mơ thật xa vời.

Có hiểu được tâm tình của mụ lúc này thì mới thấy được hiện bây giờ mụ đang nôn nóng biết bao. Thỉnh thoảng mụ lại liếc về phía cửa sổ văn phòng để ngóng chờ tin vui của lão Thược. Mụ ngồi đấy chờ chồng với tất cả nỗi băn khoăn, hồi hộp của một kẻ tội đồ chờ đợi phiên toà sắp tuyên ra một bản án.






Cho đến lúc có bóng của lão Thược xuất hiện ở ngoài khung cửa chỗ văn phòng của ông Chủ nhiệm hợp tác xã thì mụ vội vã đứng bật dậy, giương cả hai cặp mắt lên nhìn. Mụ thấy lão Thược đang nhe hàm răng móm mém ra cười.

Thôi thế là Trời Phật đã chứng giám cho lời cầu xin chân thành của mụ rồi. Mụ thấy lão Thược đi xộc về phía mụ. Chân lão bước thoăn thoắt. Hai bàn tay của lão múa lên. Lão lên tiếng thật to, giọng đầy vẻ vui mừng:

- Bà ơi ! Các ông ấy chấp thuận rồi ! Mình sẽ được thế chỗ của con trâu !

Nhật Tiến
http://khaiphong.org/showthread.php?

 

No comments:

Post a Comment