Nếu như hệ thống tình báo điện tử toàn cầu Echelon của Mỹ - Anh đều được biết đến rộng rãi, thì hoạt động gián điệp của Pháp vẫn nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên, mới đây tạp chí Le Point đã đưa ra những thông tin và hình ảnh đầu tiên về cái mà họ gọi là "Frenchelon".
"Frenchelon" ra đời như thế nào?
Mặc dù trên danh nghĩa là những đồng minh của nhau
nhưng trong và sau chiến tranh lạnh, Pháp luôn là đối tượng bị “săm soi”
số một của cộng đồng tình báo Mỹ. Ngay trên lãnh thổ châu Âu, Cơ quan
An ninh quốc gia Mỹ NSA đang điều hành 2 trong số những căn cứ tình báo
điện tử lớn nhất của họ: F-83 tại Menwith Hill, Anh, và F-91 tại Bad
Aibling, Đức. Đối với nhiều nước châu Âu, nhất là Pháp, đó thực sự là
những cái gai trong mắt họ. Và với tư cách là trụ cột của EU, Pháp không
thể ngồi yên để người Mỹ mặc sức “hoành hành”.
Ít ai biết được rằng trong một thời gian dài, Paris đã
âm thầm thiết lập một mạng lưới tình báo điện tử có quy mô toàn cầu với
hàng loạt căn cứ nghe trộm nằm rải rác khắp các châu lục cùng với một
mạng lưới vệ tinh gián điệp trong không gian.
Mạng lưới này được Jean Guisnel, phóng viên kỳ cựu của Le Point
gọi là “Frenchelon”, một cách chơi chữ nhằm so sánh với mạng Echelon
của Mỹ - Anh. Nhờ các nguồn thông tin rò rỉ trong cộng đồng tình báo
Pháp cũng như tiết lộ của chính những nhân viên có liên quan đến
Frenchelon mà Le Point đã giúp dư luận phác họa được phần nào về mạng lưới gián điệp điện tử này.
Khác với Echelon vốn nằm dưới sự điều hành của các cơ
quan tình báo điện tử độc lập (NSA của Mỹ và CGHQ của Anh), Frenchelon
thuộc quyền quản lý của Cục Tình báo đối ngoại Pháp DGSE. Mạng lưới này
bao gồm 4 căn cứ nghe trộm trên mặt đất: một tại Domme, vùng Dordogne
miền tây nam nước Pháp; một ở Tân Caledonia, Thái Bình Dương; một ở Các
Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và cái cuối cùng tại French Guiana,
thuộc địa cũ của Pháp tại khu vực Caribê.
Mỗi căn cứ này được điều hành bởi 6 sĩ quan tình báo
cấp cao cùng với khoảng trên dưới 100 nhân viên bao gồm các kỹ thuật
viên, chuyên gia ngôn ngữ, kỹ sư máy tính. Các căn cứ tại Tân Caledonia
và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất có nhiệm vụ “bắt” các thông điệp
dưới dạng dữ liệu và giọng nói được truyền bằng hệ thống thông tin liên
lạc vệ tinh và thông tin siêu sóng ngắn trong phạm vi khu vực châu Á và
Trung Đông.
Căn cứ nghe trộm tại Caribê tập trung chủ yếu vào các
cuộc liên lạc trong lãnh thổ nước Mỹ. Còn căn cứ Domme tại Pháp đóng vai
trò trung tâm chỉ huy của mạng lưới, bao quát phần lớn khu vực châu Âu
và Bắc Phi.
Trong không gian DGSE đang điều hành một mạng lưới vệ
tinh gián điệp cùng với các máy chụp ảnh do thám không gian có độ phân
giải cao. Thế hệ vệ tinh do thám đầu tiên của Frenchelon là Helios 1-A
được phát triển trong một dự án có tên gọi là Euracom vào giữa những năm
80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, thế hệ vệ tinh này không được đánh giá
cao do tính năng kỹ thuật hạn chế trong việc nghe trộm và truyền tín
hiệu.
Do đó, bắt đầu từ tháng 8/1995, Pháp cho phóng lên vũ
trụ các vệ tinh thế hệ mới trong khuôn khổ dự án Cerise, với các tính
năng kỹ thuật được cải thiện đáng kể. Trong vài năm qua Pháp tiến hành
phát triển dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay có tên Zenon với
mục tiêu mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động tình báo điện tử của
tình báo Pháp. Theo một quan chức tình báo Pháp, chương trình này đang
gặp phải một số khó khăn vì lý do ngân sách hạn chế.
Ngoài việc thu thập các thông tin tình báo phục vụ cho
mục đích ngoại giao, chiến dịch quân sự toàn cầu của quân đội Pháp,
chống khủng bố và ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí phi thông thường thì
thông tin tình báo kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong
hoạt động của Frenchelon, một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ.
Các thông tin quan trọng thu được sẽ được gửi trực
tiếp đến chủ tịch những công ty lớn cũng như các quan chức Chính phủ
Pháp, nhân vật này cho biết thêm. Theo Le Point, trong việc thu
thập các thông tin tình báo thương mại, Frenchelon tập trung vào các vệ
tinh liên lạc dân sự là Intelsat và Inmarsat.
Liên minh tình báo điện tử Pháp - Đức
Pháp và Đức luôn có một mối quan hệ đặc biệt trong
lĩnh vực tình báo mặc dù tại nước này đang tồn tại một căn cứ nghe trộm
của NSA. Quan chức tình báo Pháp tiết lộ DGSE và Cơ quan Tình báo Liên
bang Đức BND đã ký một hiệp định chia sẻ thông tin tình báo thu được,
đổi lại phía Đức đóng góp tài chính cho dự án này. Đây được xem như một
sự hỗ trợ quan trọng đối với sự hạn chế về ngân sách của Frenchelon,
đồng thời củng cố sự hợp tác lâu năm giữa 2 trụ cột của EU này.
Ngoài Đức, những thông tin tình báo và các bức ảnh
được chụp bởi các vệ tinh do thám trong mạng Frenchelon của Pháp còn
được chia sẻ với các cơ quan tình báo Tây Ban Nha và Italia.
Sự khởi đầu cho một hệ thống gián điệp điện tử của riêng châu Âu?
Từ lâu, Pháp và Mỹ đã không tin tưởng lẫn nhau trong
hợp tác tình báo. Ngay cả trong Chiến tranh lạnh, Pháp theo đuổi một
chính sách tình báo riêng trong việc tiếp cận với Liên Xô. Theo Le Monde, trong hơn một thập niên qua thì việc cân bằng với mối đe dọa từ Echelon là một mối bận tâm hàng đầu của Chính phủ Pháp.
Ngoại trừ Anh, cho đến nay, Mỹ đã thất bại trong việc
ve vãn các nước châu Âu tham gia vào cái gọi là liên minh tình báo điện
tử với Mỹ. Pháp và Nghị viện châu Âu nhiều lần công khai chỉ trích hoạt
động do thám toàn cầu của Mỹ và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tiềm
lực công nghệ tình báo điện tử cũng như thiện chí về đề nghị một liên
minh của Washington.
Thay vào đó các nước châu Âu mà cụ thể là EU đang
hướng đến một mô hình độc lập trong hoạt động tình báo điện tử, như là
một đối trọng với sự bành trướng của người Mỹ trong lĩnh vực này. Trong
đó Pháp là nước đi tiên phong. Châu Âu đã làm được điều đó khi xây dựng
hệ thống Galileo, trở thành một đối thủ đáng gờm đối với hệ thống định
vị toàn cầu GPS của Mỹ.
(Theo ANTG/Le Monde)
No comments:
Post a Comment