; }

CHUYỆN TÌNH CHIẾC BÁNH RÁN


Mỗi sáng đi học, vừa ra đến ngõ là thể nào Quang Anh cũng gặp bà Liên bánh rán. Lập tức, cậu được phát ngay hai cái bánh miễn phí.



Khi đưa bánh cho Quang Anh, vẻ mặt bà Liên rất vui và giọng nói của bà thật dịu dàng: “Bánh của con đây! Đi học ngoan nhé!”. Bánh rán bà Liên rất ngon, dòn, dẻo và thơm, Quang Anh ăn mãi thì nghiện, hôm nào không có thì nhớ. Cậu được ăn bánh miễn phí vì bà Liên chơi rất thân với ông nội của Quang Anh.

Câu chuyện cũng bắt đầu từ chiếc bánh rán.

Một buổi sáng ông Hậu gọi bà Liên mua hai chiếc bánh rán. Vừa cắn một miếng, ông Hậu đã gật đầu khen: “Ngon. Bánh được làm bằng bột nếp cái hoa vàng rất thơm, bột xay nhuyễn, nhân không quá ngọt và rán rất khéo. Nhưng tờ giấy gói thì không đạt.

Bà biết không, giấy báo cũ rất bẩn vì nhiều người sờ tay vào và trong mực in có chì nên rất độc. Từ mai tôi sẽ biếu bà một bó que xiên. Ống tre cưa dài 15 phân, chẻ nhỏ ra, vót nhọn một đầu là thành cái que xiên. Bà để cả bó que vào cái bình nhựa, dội vào đấy một phích nước sôi, thế là được một bó que xiên sạch sẽ. Người ta cầm cái que ấy ăn thấy sạch sẽ yên tâm hơn, vì thế cái bánh của bà càng ngon hơn”.

Bà Liên hỏi ông Hậu: “Liệu có cho mãi được không?”. “Được. Miễn là bà cho tôi ăn bánh rán miễn phí”. “Sợ ông không ăn mãi được thôi chứ bánh thì thiếu gì”. Từ bữa đó, mỗi sáng bà Liên đều đến ấn chuông nhà ông Hậu, lặng lẽ đưa cho ông một cái túi nhỏ có 5 cái bánh rán. Buổi chiều, tầm khoảng 3 - 4 giờ bà Liên lại đến nhà ông Hậu chơi và lấy một bó que xiên mang về.

Được khoảng 1 tuần như thế thì ông Hậu bảo bà Liên: “Từ mai bà không phải mang bánh rán cho tôi nữa. Bánh của bà rất ngon nhưng ăn mãi cũng chán, chỉ thằng Quang Anh nhà tôi thì có thể ăn mãi được. Nó rất thích bánh rán của bà. Buổi sáng nó đi học, nếu bà gặp nó thì cho nó hai cái bánh. Còn các buổi chiều xin mời bà cứ đến đây lấy que xiên, uống với tôi chén trà mạn và trò chuyện cho vui”.

“Như thế thì tôi phải trả tiền cho ông chứ, vì ông phải mua tre cơ mà”. “Có đáng là bao đâu. Mỗi cây tre làm được hàng nghìn que xiên. Tôi nghe nói thỉnh thoảng bà vẫn mang bánh rán lên cho bọn trẻ ở làng SOS , tôi cũng muốn góp một chút công sức để chăm sóc các cháu mồ côi. Vả lại không có việc gì làm cũng buồn.

Ngày xưa bà lão nhà tôi còn sống. Bà ấy đau yếu luôn. Ngày nào tôi cũng phải phục vụ vợ, sắc thuốc bắc, đấm lưng, bóp chân, bóp tay.... Giờ vợ mất rồi tôi thành người thừa. Hóa ra có một bà vợ, dù ốm đau bệnh tật vẫn còn hơn phải thui thủi một mình”.

Giọng ông Hậu trở nên bùi ngùi khiến bà Liên thấy nao lòng. “Thì tôi cũng thế. Chuyện ăn mặc và tiêu pha các con tôi đều lo đủ cho mẹ. Nhưng không làm gì thì buồn lắm. Chồng mất sớm, tôi lam lũ nuôi con mãi thành quen rồi, giờ ngồi không không chịu được”.

Thế là đôi bạn già trở nên thân thiết. Cứ chiều đến là ông Hậu lại pha sẵn ấm trà và mở toang cửa chờ bà Liên. “Trà của ông ngon quá. Tôi uống mãi thành nghiện mất rồi”. “Biết là bà thích nên tôi phải nhờ người mua chè từ trên Tân Cương gửi về đấy. Phải là chè Tân Cương mới được cả hương lẫn vị. Tôi nghiện trà lâu rồi. Giờ thì nghiện thêm một thứ nữa, đó là nghiện nghe chuyện của bà”.

Bà Liên nguýt ông Hậu một cái rõ dài: “Ông thật lắm chuyện! Chúng ta đều già cả rồi, còn nụ cà hoa mướp gì nữa đâu”. “Già thì không được nhớ nhau nữa ư? Tôi cứ nhớ bà đấy, ai cấm được tôi nào!”. Bà Liên mỉm cười. Cái miệng cười cắn chỉ như làm bà trẻ lại đến 10 tuổi. Ông Hậu đã nhiều lần mê cái miệng cười cắn chỉ ấy.

Phải là người thật thuần hậu mới biết cười như thế. Ông đưa cho bà Liên một chén trà nữa và nhân cơ hội nắm lấy cổ tay của bà. “Kìa ông!”. Bà Liên khẽ kêu lên đầy ngạc nhiên nhưng không rụt tay lại. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau trong giây lát. “Tôi sợ rồi con cái chúng nó sẽ cười cho”. Ông Hậu nói rất kiên quyết: “Cười hở mười cái răng. Có ảnh hưởng gì đến chúng nó đâu. Tôi có lương hưu, tiền tôi tôi tiêu, bạn tôi tôi chơi”.

Hôm đó bà Liên ra về, bước chân của bà cụ gần 70 tuổi giờ thấy nhẹ phơi phới và nụ cười tươi rói luôn lấp lánh trên môi bà. Rồi một buổi chiều như mọi buổi chiều khác, bà Liên đến uống trà với ông Hậu và nói: “Có người ra đảo Bạch Long Vỹ, tôi nhờ họ mua cho ông một chai rượu bào ngư, ông sang mà lấy về. Nghe bảo rượu ấy uống tốt lắm”.

Thấy ông Hậu im lặng có vẻ chần chừ, bà Liên nói thêm: “Ông sang đi! Con đi làm, cháu đi học, nhà có ai đâu. Ông ở nhà chung cư, một cầu thang 4 - 5 căn hộ. Còn tôi ở nhà riêng, chỉ có một mình”. Ông Hậu gật đầu: “Lát nữa tôi sẽ sang thăm bà”. Và ông Hậu đến thật. Sau cơn mưa rào ban trưa, không khí buổi chiều mát rượi. Gió hây hẩy đùa trên những tán lá xanh mởn mơ. Hai người ở bên nhau hơn 1 giờ rồi ông Hậu mới ra về.

Bà Liên âu yếm hỏi ông: "Có mệt không?". "Không. Bình thường thôi". "Già rồi còn ham hố. Tham là chết đấy!". "Ai tham?". "Còn ai nữa! Thế ai chủ động?". "Vậy còn ai gật đầu?". "Nỡm ạ! Chải lại tóc và sửa lại quần áo cho ngay ngắn rồi hẵng ra về. Còn chai rượu đây nữa, mang về chứ, hay bắt người ta phải mang sang?".

Suốt mấy ngày liền không thấy bà Liên đi bán bánh rán. Nghe mọi người nói ông Hậu bị ốm nặng, đang điều trị trong bệnh viện và bà Liên bận vào viện chăm sóc ông. Rồi bà tổ trưởng dân phố đến từng nhà thông báo cho mọi người biết tin buồn - ông Hậu đã qua đời.

Chúng tôi đi viếng người quá cố. Ông già nằm thanh thản như đang ngủ say. Đôi môi ông như đang mỉm cười. Có lẽ ông đang có một giấc mơ đẹp. Chỉ bà Liên thì nom tội nghiệp lắm. Bà phờ phạc và già như bà cụ 80.

No comments:

Post a Comment