; }

CHIẾN TRANH VÔ TUYẾN ĐIỆN ( PHẦN KẾT )

CHƯƠNG 21. Cuộc xung đột Falklands

Quân Argentina tuần tra Port Stanley ngày 2 tháng 4 năm 1982 sau khi chiếm đảo

Vào đêm 01 sang ngày 02 Tháng 4 năm 1982, cách vài km tới Port Stanley - thủ phủ của quần đảo Falkland, chín mươi lính Thủy quân lục chiến, chuyển từ khu trục hạm Argentina "Santisima Trinidad" sang tàu đổ bộ, hướng vào bờ biển. Sau khi đổ bộ, quân biệt kích được chia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên, số lượng ba mươi người, tiến đến dinh Thống đốc Anh tại Port Stanley và nhóm kia, quân số sáu mươi người, đồng thời với nhóm đầu tiên, tiến đến doanh trại Thủy quân lục chiến Hoàng gia. Đó là giai đoạn đầu tiên của "Chiến dịch Tom" - chiến dịch quân sự chiếm đóng quần đảo Falkland hoặc theo tiếng Argentina - Islas Malvinas (quần đảo Malvinat).

Tại dinh Thống đốc, ba mươi người của nhóm đầu tiên dưới sự chỉ huy của một Trung úy, gặp phải sự kháng cự mạnh của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh. Chỉ huy của họ bị giết chết, nhưng người Argentina có ưu thế áp đảo về hỏa lực, và Thống đốc nhận ra rằng ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh cho Thủy quân lục chiến đầu hàng.

Trong khi đó, các lực lượng xâm lược chính của người Argentina đã đổ bộ lên đảo từ các hộ tống hạm "Granville" và "Drummond", tàu ngầm, một số chiến hạm khác và các
phi cơ vận tải quân sự C-130 Hercules và Fokker. Họ nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự và kéo cờ Argentina lên trên quần đảo đang tranh chấp.

Một trạm mặt đất của COMSAT ở Hortolândia, gần Campinas, trên lãnh thổ Brazil, năm 2005.

Ba ngày sau, từ Portsmouth, để đưa Quần đảo Falkland trở về với Vương quốc Anh - lực lượng viễn chinh Anh xuất quân thực hiện "Operation Corporation". Trong khi đó, những nỗ lực tuyệt vọng đã được tiến hành nhằm giải quyết vấn đề bằng các khả năng ngoại giao. Gần một tháng không có gì xảy ra, còn tại thời gian này lực lượng viễn chinh Anh đang tiến đến quần đảo Falkland. Tốc độ di chuyển của họ dường như cho thấy ý định của người Anh giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao nhiều hơn là biện pháp quân sự nghiêm túc. Cả thế giới theo dõi sự chậm chạp lỗi thời này với sự tò mò và hoài nghi lớn.

Trong khi đó, để theo dõi các sự kiện ở Nam Đại Tây Dương, Liên Xô bắt đầu đưa vào không gian các vệ tinh gián điệp. Ngoài ra, họ điều đến đấy một số
phi cơ Tu-95 và các tàu gián điệp thông thường cải trang thành các tàu đánh cá để theo dõi liên tục lực lượng viễn chinh Anh. Phi cơ lớn nhất của Hải quân Liên Xô - Tu-95 được sản xuất dưới dạng nhiều phiên bản. Một trong số đó - Tu-95RT, sử dụng để trinh sát và giám sát trên biển. Thường để theo dõi tình hình Nam Đại Tây Dương, họ hoạt động từ các căn cứ không quân do quân đội Cuba kiểm soát ở Angola. Ngoài ra, Tu-95 có thể tiến hành cả nhiệm vụ SIGINT.

Các vệ tinh đầu tiên của Liên Xô được đưa vào không gian ngày 31 tháng 3 - hai ngày trước khi người Argentina đổ bộ. Đó là: "Kosmos-1345" và "Kosmos-1346", nhiệm vụ chính của chúng tương ứng là, đánh chặn bức xạ radar (ELINT), và nghe lén cùng ghi lại thông tin trao đổi của các phương tiện liên lạc vô tuyến (COMINT). Ngày 02 tháng 4 vệ tinh trinh sát hình ảnh "Kosmos-1347" được phóng vào không gian. Nó phải thả xuống các bao thu hồi chứa các cuộn phim đã chụp mỗi lần bay qua một địa điểm cụ thể trên lãnh thổ Liên Xô. Từ 16 đến 23 tháng 4, để thay thế các tài nguyên đã cạn kiệt và tiếp tục quan sát, các vệ tinh khác được phóng lên hàng loạt, các "Kosmos" - 1350, 1351, 1352, 1353. Và ngày 29 tháng 4 vệ tinh chuyên dụng quan sát đại dương "Kosmos-1355" được phóng lên.

Vệ tinh "Kosmos-1355" và hỏa tiển mang "Cyclon-2K" (Циклон-2К). "Kosmos"-1355 - thiết bị vũ trụ làm nhiệm vụ trinh sát biển loại "US-P" (vệ tinh có điều khiển - thụ động). Trong những năm 60 thế kỷ 20, ngành khoa học và công nghiệp Liên Xô được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống giám sát từ vũ trụ trong mọi thời tiết đầu tiên trên thế giới, để giám sát các mục tiêu mặt nước trên toàn bộ các vùng mặt nước đại dương của Địa cầu, truyền trực tiếp dữ liệu về các trung tâm chỉ huy trên mặt đất hoặc trên tàu biển, được gọi là "Legenda" ( "Huyền thoại"). Trong giai đoạn 1968-1973, hãng thiết kế OKB-52 thuộc Tổ hợp Công nghiệp Quân sự Liên Xô đã phát triển và đưa vào trang bị các vệ tinh loại "US" phục vụ cho hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu trên biển từ vũ trụ.Kiểu đầu tiên của vệ tinh US-P là một tổng hợp trinh sát điện tử được tạo ra để phát hiện và trắc giác các đối tượng có bức xạ điện từ. Thiết bị vũ trụ có hệ thống ba trục định hướng và ổn định hóa với độ chính xác cao trong không gian. Nguồn nuôi - pin năng lượng mặt trời kết hợp với pin hóa học. Trang bị
hỏa tiển nhiên liệu lỏng đa chức năng bảo đảm thiết lập sự ổn định của thiết bị vũ trụ và điều chỉnh độ cao quỹ đạo của nó. Để đưa thiết bị vũ trụ vào quỹ đạo người ta sử dụng hỏa tiển "Cuồng phong". Năm 1982, một cơ hội tuyệt vời đã tới, giúp kiểm tra hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu trên biển trong thực tế hoạt động. Trong thời gian chiến tranh Falklands, các dữ liệu từ các vệ tinh không gian đã cho phép Bộ Tư lệnh Hải quân Liên Xô theo dõi sát tình hình tác chiến chiến dịch-chiến thuật ở Nam Đại Tây Dương, tính toán chính xác các hành động của hạm đội Anh, và thậm chí dự đoán với độ chính xác đến vài giờ thời gian và địa điểm cuộc đổ bộ của quân đội Anh tại Falklands.

Sau đó, Nga đã đưa vào không gian hàng loạt các vệ tinh "Vũ trụ" khác (-1356, 1357, 1364, 1366, 1367, 1369, v,v) với mục đích duy nhất là giám sát tình hình ở quần đảo Falkland. Một số các vệ tinh này có thể xác định tọa độ của tất cả các tàu ở Nam Đại Tây Dương và chụp ảnh, các ảnh đó ngay lập tức được chuyển về các trạm mặt đất của Nga để phân tích.

Người Mỹ cũng theo dõi tiến trình các sự kiện tại các cảng Argentina nhờ vệ tinh và trên thực tế, họ đã cảnh báo người Anh nguy cơ người Argentina sắp đổ bộ lên quần đảo Falklands. Tuy nhiên, quan sát của họ không giới hạn chỉ ở Nam Đại Tây Dương. Theo các nguồn tin không chính thức, người Mỹ sử dụng một lượng lớn phương tiện của Cơ quan An ninh Quốc gia của họ (NSA). NSA có vệ tinh thông tin liên lạc riêng của nó (COMSAT), có các trạm mặt đất được trang bị rất tốt để đánh chặn và các trung tâm giải mã, trang bị các máy tính mạnh nhất, được IBM phát triển chuyên dụng riêng. NSA đã sử dụng các phương tiện này để chặn thu thông tin trao đổi của các khí cụ liên lạc vô tuyến Argentina và phá mã, do đó cho phép họ cung cấp cho người Anh thông tin có giá trị liên quan đến việc triển khai quân đội Argentina trên quần đảo Falklands và sự di chuyển của các tàu Argentina.

Người ta không biết liệu người Nga có kịp thời phá mã hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh hay không. Tuy nhiên, thực tế là các tàu chiến Anh đã giảm số lượng các chương trình phát sóng của mình xuống mức tối thiểu, khi các vệ tinh của Nga bay qua đầu họ.

HMS "Conqueror" tại vùng biển Falklands

Chủ nhật, ngày 2 tháng 5, từ Nam Đại Tây Dương xa xôi lan đến một tin tức bất ngờ, tàu ngầm hạt nhân Anh "Conqueror" phóng ngư lôi vào tuần dương hạm Argentina "General Belgrano" ngoài khơi bờ biển Patagonia. "General Belgrano" là một tàu cũ của người Mỹ, tham gia Chiến tranh Thế giới II, có lượng rẽ nước 13.645 tấn, lớp "Brooklyn" - tuần dương hạm "Phoenix". Chiếc tuần dương hạm đi về phía quân đoàn viễn chinh, nhưng vẫn còn ở bên ngoài vùng cấm 200 dặm, mà phía Anh thông báo không được đi vào. Trên tàu không có vũ khí chống tàu ngầm (ASW - ПЛО), nhưng nó được hộ tống bởi hai tàu ASW trọng tải nhỏ hơn, tuy nhiên chúng thiếu vũ khí chống tàu ngầm hiện đại. Như các tàu Argentina khác tham gia vào cuộc đổ bộ "General Belgrano" sử dụng radar và liên lạc vô tuyến của mình khá cẩu thả, có lẽ chúng không biết rằng tất cả các bức xạ điện từ của chúng đã bị người Mỹ ngăn chặn, họ cho phép đồng minh NATO của nó - Vương quốc Anh, tiếp cận tất cả các thông tin này.

Tàu ngầm hạt nhân của Anh có động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân, nó đi nhanh không khó khăn gì trong tư thế ngầm, tiến tới con tàu Argentina già cỗi và chiếm vị trí thuận lợi để phóng ngư lôi. Tuy nhiên, trước khi phóng ngư lôi, chỉ huy tàu ngầm trung tá hải quân Christopher Rexford Brown quyết định một cách đúng mực hỏi ý kiến London qua radio. Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, nói với ông ta rằng, các chiến hạm Argentina là mối đe dọa hiển nhiên đối với các lực lượng viễn chinh đang sắp tới, bà ra lệnh cho thuyền trưởng tàu ngầm phóng ngư lôi vào tàu đối phương.

Lúc 16:00, trái ngư lôi đầu tiên bắn trúng đuôi chiếc tuần dương hạm bên dưới đường mớn nước, nơi đặt phòng máy. Ngay lập tức nguồn cấp điện trên tàu bị mất, con tàu chìm vào bóng tối hoàn toàn. Ba giây sau, một trái ngư lôi khác trúng phần mũi tàu. Lúc 16:07, con tàu bị hư hại nghiêng mạnh đến nỗi sau 15 phút thuyền trưởng Bonzo ra lệnh rời tàu. Biển động, hai tàu hộ tống sợ sẽ bị đánh chìm nên nhanh chóng rút lui. Các hoạt động cứu nạn rất khó khăn. Khoảng 400 thủy thủ người Argentina đã thiệt mạng trong trận đánh gây tranh cãi và chỉ trích rộng rãi này, sự cần thiết hành động của nó bị đặt dấu hỏi. Ngày 02 tháng 5, lúc 17:00, tàu tuần dương bị chìm với một lá cờ còn đang vẫy.

Xét từ quan điểm tác chiến, không có gì đáng ngạc nhiên khi tuần dương hạm "General Belgrano" bị bắn chìm. Sườn phía nam "gọng kìm" Hải quân Argentina, có mục đích bao vây lực lượng viễn chinh Anh và buộc họ phải tham chiến, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Hải quân Hoàng gia và quân đổ bộ Anh, bất kể nó có đi vào hay không đi vào khu vực cấm, mà tuyên bố vùng cấm rõ ràng đã hạn chế các hoạt động tấn công của người Anh. Điều thú vị là Tư lệnh Hải quân Argentina khu vực Nam Đại Tây Dương khẳng định (theo kênh truyền hình BBC năm 1984), rằng vụ bắn chìm
tuần dương hạm "General Belgrano" bên ngoài khu cấm là hợp pháp và cần thiết xét trong điều kiện của các hoạt động quân sự, và rằng nếu là ông ta cũng sẽ làm tương tự.

Điều đáng kinh ngạc trong trường đoạn này chỉ là sự dễ dàng khi "Conqueror" bắn chìm tuần dương hạm. Vì nó không có đủ hộ tống và vũ khí chống ngầm, trên thực tế, nó không thể tránh khỏi việc sẽ bị bắn chìm. Tuy nhiên, "Conqueror" bám sát
tuần dương hạm nhiều giờ, và hơn thế, đã bắn chìm nó bằng các trái ngư lôi thủy âm Mk8 thời Thế chiến II vì viên chỉ huy tàu ngầm không tin tưởng ngư lôi Mk24 Tigerfish điều khiển bằng dây dẫn. Mặc dù loại sau đã áp dụng các công nghệ tiên tiến, độ tin cậy tổng thể của nó còn chưa đủ. Nếu "General Belgrano" có thể bị bắn chìm tương đối dễ dàng như bằng loại ngư lôi phát triển cách đây đã 40 năm và được phóng ở cự ly tương đối gần như thế, tự nhiên sẽ xuất hiện câu hỏi, khi đó các chiến hạm phải làm gì để chống lại mối nguy hiểm chết người của các trái ngư lôi tự dẫn tối tân, được sử dụng trên cự ly lớn bởi các tàu ngầm hạt nhân tốc độ cao.

Thậm chí chống lại các ngư lôi tối tân, vẫn có thể sử dụng đối kháng với một số hy vọng thành công. Tất nhiên, đó phải là đối kháng âm thanh dưới nước, vì sóng điện từ không thể truyền trong nước một cách hiệu quả như âm thanh. Phương pháp cổ điển để tránh ngư lôi âm thanh, phát minh trong quá trình Thế chiến II, dựa trên việc đánh lạc hướng âm. Máy phát tiếng ồn, mà tàu kéo theo phát ra tiếng ồn cũng giống như con tàu, nhưng mạnh hơn nhiều, và ngư lôi, như vậy, khóa vào mục tiêu giả mà không phải con tàu.

Đương nhiên, các hệ thống sử dụng ngày nay khác với các hệ thống trong Thế chiến II. Tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực này đã dẫn đến việc tạo ra các hệ thống kiểm soát bằng máy tính và hoàn toàn tự động để đánh lừa hoặc phá hủy ngư lôi, ví dụ như các ngư lôi chống thủy lôi. Vì ngư lôi tối tân, bao gồm cả loại điều khiển bằng dây, trang bị hệ thống tự dẫn âm thanh trong phân đoạn cuối của cuộc tấn công, đã tìm ra các phương pháp âm thanh ECW và phản ECW, chúng vẫn thường xuyên được cải tiến. Cũng như trong lĩnh vực sóng điện từ, trong lĩnh vực ECW âm thanh, mỗi bên sẽ cố gắng vòng tránh địch thủ.

Các tàu Argentina không thể đem so sánh với tàu ngầm hạt nhân Anh về bất cứ cái gì và vụ bắn chìm "General Belgrano" cho thấy rõ ràng ai thống trị biển cả !

Vấn đề đấu tranh đối kháng chống các tàu ngầm hạt nhân thì các hạm đội hải quân lớn nhất trên thế giới đều đã va chạm, trong đó người Mỹ và người Nga ở mức độ lớn nhất. Những nỗ lực rất lớn đã được tiêu tốn vào việc tạo ra một chuỗi các cảm biến âm thanh dưới nước điều khiển bằng máy tính, có thể phát hiện tàu ngầm từ lâu trước khi chúng ra đến tuyến tấn công.
Rất nhanh chóng, người Argentina báo thù cho ARA "General Belgrano" của mình. Ngày 04 Tháng 5 năm 1982, một phi cơ tuần tra ven biển PV2 Neptune của Argentina phát hiện binh đoàn viễn chinh Anh ở cự ly khoảng 110 km về phía đông quần đảo Falkland, hiện gồm một tàu nhỏ và một tàu lớn. Đó là hàng không mẫu hạm Hải quân Hoàng gia HMS "Hermes" và khu trục hạm đề án 42 HMS "Sheffield", chiếc sau được sử dụng như một trạm radar tuần tiễu và ở cách tàu lớn khoảng 32 km. Hai phi cơ tấn công Super Etandard, cả hai trang bị
hỏa tiển AM-39 Exocet ngay lập tức, theo lệnh Bộ Chỉ huy tối cao của Argentina cất cánh tấn công các tàu trên.

Để tránh bị phát hiện bởi radar các
phi cơ  Anh, chúng bay thấp, ép xuống đỉnh sóng. Chiếc P2V Neptune, sau khi phát hiện binh đoàn đặc nhiệm hải quân Anh, đã dẫn đường cho các phi cơ Super Etandard tới mục tiêu và chỉ huy chúng lấy độ cao gấp để bảo đảm radar của phi cơ cường kích khóa được mục tiêu. Ở cự ly khoảng 40 km cách nơi các chiến hạm Anh bị phát hiện, cả hai chiếc Super Etandard nhanh chóng đạt độ cao 150 mét, chúng bật radar trên phi cơ trong một thời gian ngắn đủ để xác định vị trí hai mục tiêu và bằng cách đó lập trình cho máy tính của hỏa tiển Exocet rồi hạ xuống độ cao thấp ban đầu. Điều kiện thời tiết trong ngày hôm ấy khá xấu, sương mù hạn chế tầm nhìn chỉ đến 400 mét. Ở cự ly khoảng 36 km, cả hai phi cơ phóng hỏa tiển rồi ngoặt lại - trở về phi trường, sau khi đã "nhìn thấy" mục tiêu chỉ qua radar trên phi cơ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi có bức xạ radar của phi cơ Super Etandard, một chiến hạm Anh trong khu vực đã phát hiện bức xạ của chúng. Việc chặn thu này ngay lập tức được thông báo đến tất cả các tàu của lực lượng viễn chinh, bao gồm cả HMS "Sheffield". HMS "Hermes" - tàu chỉ huy hệ thống PK của binh đoàn viễn chinh đặc nhiệm có lẽ đã xác định bức xạ bị chặn thu là của phi cơ ngăn chặn Mirage III của Argentina hoặc phi cơ cường kích chiến thuật, nhưng không phải Super Etandard. Sai lầm trong đánh giá trên, chắc chắn đồng nghĩa với thời gian đã bị bỏ lỡ và mối nguy hiểm bị lượng định thấp một cách trầm trọng. Ngoài thực tế đó, thì hai chiếc phi cơ đã bay ngược về, dường như cho thấy chúng quyết định tránh tấn công. Hơn nữa người Anh tính rằng, người Argentina chưa sẵn sàng sử dụng Exocet từ Super Etandard. Với tất cả những lý do trên, người Anh không coi trọng đúng mức bức xạ radar chặn thu được.

Chính vào thời điểm này, "Sheffield" (khu trục hạm đề án 42 được trang bị thiết bị đầu cuối hệ thống thông tin vệ tinh Scot Skynet) truyền và nhận thông tin qua vệ tinh - tiến hành một chiến dịch đòi hỏi tất cả các thiết bị bức xạ năng lượng điện từ phải tắt để tránh ảnh hưởng nhiễu tới hệ thống thông tin vệ tinh: đó có thể là lý do quan trọng nhất tại sao radar trên tàu không kịp thời phát hiện
phi cơ địch. Hơn nữa, hệ thống ESM của "Sheffield" cũng không phát hiện thấy bức xạ radar đầu tự dẫn hỏa tiển. Thật kỳ lạ vì đầu tự dẫn hỏa tiển sẽ bật lên ở cự ly khoảng 10 km cách mục tiêu (giả định rằng thiết bị ESM trên tàu bị tắt cùng vì lý do trên, xem tạp chí Defense Electronics, tháng 11 năm 1983. "Falklands." Nhưng việc con tàu, hoạt động như một picket radar đồng thời ngắt cả radar và thiết bị ESM là không đủ thuyết phục).

Mặt khác, trong khu vực này môi trường điện từ đã rất bão hòa, làm việc ở đây có các phương tiện liên lạc vô tuyến điện, hệ thống nhận dạng quốc tịch và radar của các chiến hạm Anh và vô số tàu buôn đi đến quần đảo Falkland phục vụ hậu cần cho quân đoàn viễn chinh.

Trong khi đó, hai hỏa tiển không bị phát hiện, bay tới tàu trên cao độ sát đỉnh sóng ở tốc độ cận âm, khép dần khoảng cách từ mục tiêu tới chúng trong khoảng hai phút. Chỉ bốn giây trước khi tiếp đich, người quan sát trên cầu điều hướng hành trình của "Sheffield" mới nhìn thấy một trong những
hỏa tiển. Thời gian này chỉ đủ để thuyền trưởng ra lệnh cho thủy thủ đoàn ẩn nấp. Hỏa tiển chạm thân "Sheffield", ở khoảng 1,8 mét so với đường mớn nước và bắn trúng Cabin điều khiển hoạt động tàu. Hỏa tiển kia rơi xuống biển, có thể là do hỏng hóc trong hệ thống dẫn đường, hoặc có lẽ vì một lý do khác. Hỏa tiển sau khi bắn trúng "Sheffield" đã gây ra một đám cháy lớn, giết chết hai mươi người và làm bị thương hai mươi bốn người. Nhiên liệu còn sót lại chưa đốt hết của quả đạn bốc cháy, lửa bùng thành ngọn đuốc khổng lồ. Các đường dây cáp điện - hệ thống thần kinh của con tàu, cũng bốc cháy và hệ thống thông gió của con tàu làm cho đám cháy lan ra khắp tàu. Ở vị trí trúng đạn, kim loại thân tàu chuyển từ nóng đỏ sang sáng trắng, thủy thủ đoàn di chuyển rất khó khăn và ngộp thở vì làn khói dày đặc bao phủ toàn bộ tàu. Tuy nhiên, trong vòng bốn giờ, các thủy thủ đã chiến đấu tuyệt vọng với hỏa hoạn, cố gắng cứu con tàu, đến khi ngọn lửa len lỏi đến chỗ các hỏa tiển và nơi chứa nhiên liệu, thuyền trưởng ra lệnh rời tàu.

Nhưng "Sheffield" chưa nổ và chìm ngay. Tàu được cứu kéo với hy vọng đưa về Anh quốc; sau sáu ngày kéo, do hư hại nặng nề và bị đốt cháy, cuối cùng, vào ngày 10 tháng 5, tàu bị chìm trong một cơn bão lớn. Người ta cho rằng
hỏa tiển Exocet có thể không làm nó nổ tung, nhưng phần dưới vỏ tàu "Sheffield" đã bị hư hại nhiều bởi vụ nổ và cháy.

"Sheffield" là tàu đầu đàn trong số 12 khu trục hạm đề án 42 được đặt hàng. Đề án này bị chỉ trích mạnh mẽ vì thiếu cả vũ khí phòng thủ lẫn tấn công. Tàu có lượng dãn nước 4100 - 4700 tấn, trang bị vũ khí đầy đủ theo trang bị bao gồm một đôi ống phóng
hỏa tiển phòng không Sea Dart, một pháo hạm cỡ nòng 4,5 dium, hai pháo 20 mm Erlicon, sáu ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm và một phi cơ trực thăng chống tàu ngầm Lynx. Các chiến hạm tối tân được bảo vệ chống lại hỏa tiển bằng vũ khí hay trang bị "mềm" (ECW), hoặc bằng sát thương "cứng" (bằng vũ khí chống hỏa tiển, ví dụ, British SAM Sea Wolf hoặc pháo rất nhanh.Vũ khí thế hệ mới kiểu này như Seaguard, Goalkeeper, Phalanx và v.v có tốc độ bắn rất nhanh - đến 4000 phát bắn mỗi phút. Đạn của chúng thuộc kiểu "động học" cải tiến đặc biệt bảo đảm sự phá hủy hỏa tiển chỉ bằng một viên đạn).

Liên quan đến sát thương "cứng", thì tổ hợp SAM Sea Dart trên khu trục hạm "Sheffield" có thể đánh chặn
hỏa tiển, nhưng cự ly ngắn hơn Exocet. Ngoài ra, người Anh chẳng hề có phi cơ AWACS, vì họ từ chối bố trí chúng trên hàng không mẫu hạm, do đó bất kỳ cảnh báo bị tấn công nào cũng giới hạn bởi các phát hiện trên tuyến quét quan sát trực tiếp của radar trên chiến hạm. Thực tế, "Sheffield" hoạt động như một phương tiện chiến tranh điện tử. Điều này có nghĩa rằng phi cơ Super Etandard có thể phóng hỏa tiển của nó ngoài cự ly diệt mục tiêu của SAM Sea Dart - tình thế thuận lợi như vậy gọi là khả năng "ứng dụng từ xa" ("standoff"). (Chỉ vài tuần trước đó, phi cơ Hải quân Argentina mới bắt đầu ráo riết tập luyện cách sử dụng kết hợp Super Etandard - Exocet. Vì mục đích này, đã sử dụng các thiết kế và sản phẩm của người Anh loại khu trục hạm đề án 42 "Hercules" và "Santisima Trinidad").

Sơ đồ bố trí khu trục hạm trang bị
hỏa tiển có điều khiển của Anh kiểu <Sheffield>: 1 - trực thăng <Lynx> WG-13; 2 - ăng-ten radar 909 đuôi tàu; 3 - ăng-ten radar 992; 4 - ăng-ten radar 965; 5 - ăng-ten radar 909 phần mũi tàu; 6 - pháp 20-mm; 7 - ống phóng SAM <Sea Dart>; 8 - pháo 114-mm

Kết luận rút ra là, có thể bay đến đủ gần các khu trục hạm đề án 42, mà "Sheffield" thuộc về lớp đó, và phóng
hỏa tiển Exocet ở độ cao thấp để tránh bị radar phát hiện. Hỏa tiển có thể phóng ngoài vùng tiêu diệt của SAM Sea Dart, và ngay sau khi phóng, Super Etandard không làm gì khác ngoài việc quay về. Trong trường hợp này,  không gặp nguy cơ bị bắn trúng, còn hỏa tiển của nó, để tấn công, sẽ hạ độ cao đến sát mực nước biển. "Sheffield" không có hệ thống đối kháng chống mục tiêu bay thấp, vũ khí trang bị của nó được phát triển trước khi ra đời các hỏa tiển có khả năng như vậy trong trang bị vũ khí của các hạm đội trên thế giới và, ngoài ra, Anh quốc không chuẩn bị chiến tranh với các nước có vũ khí NATO. Chỉ duy nhất phương tiện phòng thủ "cứng" khả dĩ, mà "Sheffield" có thể viện đến là các loạt bắn của pháo 20-mm, nhưng nó hoàn toàn không hiệu quả khi chống lại mục tiêu nhỏ cỡ như Exocet.

Sơ đồ khối của các mô-đun cơ bản của hệ thống UAA-1 Abbey Hill.
Tín hiệu được đưa tới các máy thu định hướng, nằm trong khối đặt ngay bên dưới ăng-ten và từ đó đến bộ xử lý từ xa (RPU - Remote Processing Unit). Ăng-ten đa hướng liên lạc với các máy thu tần số, cũng nằm trong RPU. Các khối này xử lý tần số và phương vị mỗi tín hiệu dưới dạng số nhị phân và chuyển chúng đến bàn điều khiển của thao tác viên. Màn hình hiển thị tình hình chiến thuật ở trung tâm điều khiển sẽ hiển thị tất cả các tín hiệu thu được trong một hoặc một số dải tần trên hệ tọa độ trực giao tần số-phương vị đúng. Việc phân tích sâu hơn các tín hiệu bằng máy phân tích tự động có thể được khởi xướng bởi thao tác viên, và các thông số lập tức được hiển thị trên màn hình hiển thị văn bản, nằm dưới màn hình hiển thị tình hình chiến thuật. Hệ thống cảnh báo tự động sẽ bảo đảm lưu trữ các thông số của một số tín hiệu của các mối đe dọa và cảnh báo tự động khi chặn thu được một trong những tín hiệu đó. Bộ phân tích xung thủ công bên trái màn hình hiển thị tình hình chiến thuật, cho phép nhân viên nghiên cứu tín hiệu chi tiết hơn và làm việc với các dạng tín hiệu mới chưa biết.

Phân tích vũ khí hủy diệt "mềm" của "Sheffield", khi không có tài liệu chính thức liên quan đến yếu tố nhạy cảm quốc phòng này, đòi hỏi khảo sát kỹ cấu trúc thượng tầng con tàu, cột tháp chính và ăng-ten, tất cả đều nhìn thấy rõ trên những bức ảnh. Trên bức ảnh con tàu trúng
hỏa tiển Exocet của Argentina (xem hình trong phụ lục) ta thấy trên cột chính các ăng ten trang bị của hệ thống ESM UAA-1Abbey Hill - máy thu ESM nổi tiếng, sản phẩm của công ty Anh MEL Equipment Co., thiết bị đã được tiếp nhận trang bị cho Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1973.

UAA-1 là máy thu ngăn chặn bức xạ radar và hệ thống trắc giác, thiết kế để lắp đặt trên các tàu mặt nước hoạt động trong điều kiện sử dụng bão hòa radar. Phát triển vào cuối những năm 60 và bị hạn chế bởi trình độ công nghệ thời đó, nó được thiết kế để thực hiện hai chức năng cơ bản:

- phát hiện xa ngoài đường chân trời các tín hiệu bức xạ điển hình của radar, hiện thân cho các mối đe dọa chủ yếu với con tàu.
- giám sát phổ điện từ, ngăn chặn, phân tích và nhận dạng các tín hiệu bức xạ điển hình của radar trong dải tần 1-8 GHz và đồng thời xác định phương vị của chúng.

Để cho các chức năng này vận hành được, điều cần thiết là phải biết các đặc tính cụ thể của các radar nguy hiểm tiềm tàng: tần số, độ dài xung, tần số lặp lại xung, v.v.. xác định được khi phân tích tự động hoặc thủ công, được ghi lại trong block thiết bị thường gọi là "thư viện". Bức xạ đe dọa có mức ưu tiên cao hơn, chẳng hạn như radar của
hỏa tiển, được ghi lại trong mục đặt tên là "cảnh báo" để nhận dạng tự động và cảnh báo phòng ngừa. Bất cứ khi nào trong một tình thế chiến đấu thực, khi chặn được các bức xạ radar như vậy thì ngay lập tức tự động vang lên âm thanh cảnh báo về sự xuất hiện mối đe dọa có mức ưu tiên cao nhất. Việc nhận dạng các tín hiệu radar nguy hiểm tiềm tàng được thực hiện bằng cách so sánh các thông số tín hiệu một cách tự động với "kiến thức" có được trong "thư viện". Việc cảnh báo hoàn toàn tự động được thực thi nếu phát hiện bất kỳ tín hiệu nào đã lập trình. Chức năng giám sát bảo đảm hiển thị trên màn hình trắc thủ tất cả các bức xạ có trong thinh không. Các trắc thủ-nhân viên có thể nhanh chóng phân tích và nhận dạng các bức xạ nguy hiểm, cũng như khởi tạo việc bám sát phương vị các tín hiệu được lựa chọn.

Trong trường hợp của "Sheffield", hệ thống Abbey Hill đã không thi hành được chức năng nào kể trên. Nó không đưa ra được bất kỳ cảnh báo nào, có thể do sự hiện diện của nhiễu điện từ, hoặc có lẽ vì các thông số radar
hỏa tiển Exocet chưa được liệt kê trong mục "cảnh báo", tức là chưa được lập trình như mối đe dọa có mức ưu tiên cao nhất (RWR của hầu hết các tàu NATO đều được lập trình với radar Liên Xô. Hơn nữa, thiết bị Abbey Hill có những khả năng rất hạn chế khi làm việc với các mục tiêu được lập trình sẵn. Cũng cần lưu ý rằng phiên bản hỏa tiển Exocet - phiên bản diện-đối-diện MM-38 được trang bị cho nhiều tàu hải quân Argentina). Bản thân bức xạ cũng không được phân tích bởi vì các thao tác viên-trắc thủ không có thời gian thực hiện các hành động cần thiết.

Ngoài ra, "Sheffield" được trang bị hai máy phóng PRLO Corvus (hay Protean), nhưng chúng không được sử dụng đơn giản chỉ vì không có
hỏa tiển hoặc phi cơ nào, mà chúng cần phải hành động chống lại, được phát hiện và các dữ liệu cần thiết không được trao cho chúng một cách kịp thời. Để sử dụng hiệu quả, PRLO - phương tiện ECW thụ động, cần được phóng đúng thời điểm, đúng hướng, đúng số lượng để sao cho "dụ" được radar đầu tự dẫn lệch xa khỏi hướng con tàu.

Như hầu hết các tàu của Hải quân Hoàng gia, "Sheffield" có lẽ cũng trang bị các các phương tiện đối kháng điện tử chủ động: máy phát nhiễu mô phỏng Bexley 669 để bảo vệ chuyên chống
hỏa tiển, máy gây nhiễu tạp 667/668 để gây nhiễu radar giám sát của tàu và các phi cơ địch. Ban đầu, cả hai khí cụ này được thiết kế để đối kháng với các hỏa tiển của Liên Xô T-15U "Termit-U" và các hỏa tiển khác thuộc thế hệ này. Bởi vì theo nguyên nhân, như đã nói ở trên, các thiết bị gây nhiễu đó đã không được bật.

Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất là việc thiếu RWR hồng ngoại trên tàu và một máy phát nhiễu bất định phương tối tân hơn, vì một hệ thống như vậy phải là tuyến phòng vệ cuối cùng của "Sheffield", khi tất cả các hệ thống khác tỏ ra bất lực.

"Exocet" MM38 trang bị trên tàu cao tốc Hải quân CHLB Đức S74 Nerz, kiểu 143A Gepard class fast attack craft

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc phát triển phương tiện đối kháng điện tử có khả năng chống lại các
hỏa tiển tương tự Exocet sản xuất ở phương Tây, chưa kể đến thế hệ mới như Otomat, Harpoon, v.v, không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Exocet, mặc dù được chấp nhận trang bị từ năm 1973, có một số phương pháp phản đối kháng điện tử khác nhau và phức tạp, làm cho nó có khả năng ổn định chống ECW, bao gồm cả gây nhiễu đánh lạc hướng. Đó là - loại hỏa tiển "bắn và quên" - một thuật ngữ có nghĩa là sau khi bắn hỏa tiển, phi cơ có thể rời khỏi ngay lập tức, do đó giảm nguy cơ bị phát hiện và tiêu diệt. Radar Agave trên phi cơ (Agave - là một radar nhẹ, đơn xung, lắp đặt trên phi cơ Pháp Super Etandard và Jaguar. Nó bảo đảm tìm kiếm và bám sát trong vị trí không-đối-không và không-đối-diện, truyền dữ liệu về cự ly và dẫn đường vào radar đầu tự dẫn hỏa tiển. Đầu tự dẫn hỏa tiển có radar làm việc trong phạm vi 8-10 GHz) chỉ phải phát hiện mục tiêu và ngay sau đó dữ liệu về cự ly và hướng của mục tiêu được tự động nhập vào hệ thống máy tính dẫn đường của hỏa tiển. Vì vậy, tất cả những việc còn lại đối với phi công, đó là phóng hỏa tiển và quay về nhà, anh ta thậm chí không cần phải nhìn thấy mục tiêu. Sau khi phóng ra, phân đoạn đầu của Exocet là bay dưới sự điều khiển của hệ dẫn đường quán tính rất ổn định trước ECW, máy đo vô tuyến của nó sẽ duy trì độ cao 10 mét. Cách mục tiêu khoảng 10 km, radar nhỏ ADAC trong phần mũi hỏa tiển sẽ được bật lên, nó sẽ phát hiện và khóa mục tiêu, dẫn hỏa tiển lao vào mục tiêu. ADAC - radar bám sát đơn xung hoạt động trong dải X-band (8,5-12,5 GHz) và ổn định trước ECW. Phương pháp đơn xung không phải điều mới, nó đã được sử dụng trong tổ hợp hỏa tiển phòng không "Osa" của Liên Xô, cũng như trong các tổ hợp hỏa tiển phòng không tối tân hơn S-300 và "Buk".

Hơn nữa, Exocet có cả các phương pháp phức tạp khác bảo vệ chống nhiễu tạp và nhiễu đánh lạc hướng. Một trong các phương pháp phản-ECW như vậy được biết đến là tái tạo tần số, cho phép radar tái tạo lại tần số hoạt động khi bị áp chế. Phương pháp khác, được gọi là "tự dẫn vào nguồn nhiễu" ("Home-On-Jam") tự động dẫn
hỏa tiển đến nguồn phát nhiễu, và phương pháp thứ ba, được gọi là "cạnh trước" ("LeadingEdge"), là phương pháp siêu-phức tạp và tối mật. Vì vậy, không dễ dàng tạo ra thiết bị có khả năng đánh lừa hoặc can thiệp vào loại hỏa tiển này.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa giải pháp cho vấn đề trên là không có. Rõ ràng khi bùng nổ đột ngột cuộc chiến tranh Falklands, một số tàu của Anh, trong đó có "Sheffield", đang ở trong tình trạng thiếu trang thiết bị EW tối tân, có khả năng đối kháng lại các
hỏa tiển có kỹ thuật tiên tiến hơn của phương Tây như Exocet. Lý do chính, vì thế mà các con tàu như "Sheffield" không được trang bị đúng đắn, là lý do kinh tế thuần túy. Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng Anh buộc Hải quân Hoàng gia phải trì hoãn việc tái trang bị cho lớp tàu mà "Sheffield" thuộc về nó. Tuy nhiên, mặc dù tất cả các sự cắt giảm đó, Hải quân Hoàng gia vẫn cần phải thay thế hệ thống ESM Abbey Hill sang hệ thống ESM Cutlass mới; các phương tiện ECM chủ động đã già cỗi cũng đang trong quá trình thay thế sang các máy phát nhiễu mô phỏng Ramses 670 và máy gây nhiễu tạp Millpost.

Vệ tinh do thám Mỹ KH-9 Hexagon Big Bird
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, dữ liệu ghi trong trong bộ nhớ của các hệ thống ECW đầu tiên trên các chiến hạm khối NATO là tham số của các hỏa tiển Liên Xô, có lẽ vì vậy chúng không hiệu quả trước các
hỏa tiển tinh vi hơn của phương Tây. Ngoài ra, yếu tố thời gian có giá trị tối quan trọng khi đề cập đến ECW; đối kháng điện tử phải được áp dụng lập tức và tự động ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên, điều ấy đã không xảy ra trong trường hợp của "Sheffield", khi mà phi cơ Argentina và hỏa tiển được phát hiện quá muộn.

Để kết luận, phải nói rằng thiết bị Abbey Hill của "Sheffield", nếu nó thực sự có khả năng làm việc, có thể không nhận dạng và phân tích tức thì bức xạ điện từ của radar trên
phi cơ Super Etendard và trên hỏa tiển Exocet, hoặc vì nhiễu, hoặc vì năng lực hạn chế của nó.

Ngày 07 Tháng Năm, Anh quốc chuyển sang phong tỏa hàng hải, sau khi thông báo rằng tất cả các chiến hạm và
phi cơ Argentina, hiện diện trong cự ly lớn hơn 18 km tính từ đường bờ biển Argentina sẽ được coi là thù địch và sẽ được xử lý phù hợp. Một vài ngày sau, chính phủ Argentina công bố hạn chế tương tự đối với các tàu và phi cơ Anh.

Ngày 09 tháng 5, hai
phi cơ đa năng cất hạ cánh đường băng ngắn (STOL) BAE Sea Harrier của Anh, khi đang tuần tra phát hiện tàu đánh cá "Narval", mà họ đã thấy ở gần lực lượng viễn chinh một tuần trước. Chắc chắn, đó là một tàu gián điệp Argentina, cả hai chiếc Sea Harrier thả vài trái bom, một trong số đó bắn trúng con tàu, làm bị thương mười bốn người và làm hư hại nặng thân tàu. "Kỳ lân biển" Narval buộc phải đầu hàng, còn thủy thủ đoàn của nó bị bắt lên trực thăng lực lượng viễn chinh. Như người Anh tuyên bố, các thiết bị điện tử và tài liệu tìm thấy trên con tàu đánh cá, chưa kể đến sự hiện diện của các sĩ quan hải quân Argentina trên tàu, cho thấy rõ ràng con tàu đang thực hiện các hoạt động tình báo. Trong cùng ngày các tàu của quân viễn chinh, được hỗ trợ bởi phi cơ và trực thăng, lần đầu tiên bắn phá Quần đảo Falkland, khi cố gắng cắt đứt đường liên lạc của người Argentina và phá hủy trung tâm chỉ huy và kiểm soát của họ.

Người Nga, có lẽ đã cung cấp các dữ liệu về vị trí của của quân đội Anh cho người Argentina, chúng được thu thập bởi nhiều vệ tinh gián điệp của họ trong các quỹ đạo trên quần đảo Falkland. Ngoài nguồn này, Argentina cũng có các
phi cơ phản lực bốn động cơ Boeing 707, được nâng cấp để tiến hành giám sát điện tử và giám sát hàng hải, phi cơ tuần tra ven biển Lockheed P-2V Neptune, phi cơ Grumman S2F Tracker và Gates Learjet 35A - tất cả được sản xuất tại Mỹ.

Người Anh cũng được sử dụng những lợi ích từ nguồn quan sát vệ tinh và hệ thống trinh sát biển. Mặc dù họ không có vệ tinh riêng, tàu của họ được trang bị các ăng-ten đặc biệt Scot Skynet, có khả năng nhận dữ liệu từ vệ tinh Big Bird của Mỹ và từ vệ tinh mới nhất KH-11. Vệ tinh sau được coi là vệ tinh hoàn hảo nhất trong tất cả các vệ tinh, vì có khả năng thu nhận và ghi lại hình ảnh của bề mặt trái đất dưới dạng kỹ thuật số và ngay lập tức chuyển tiếp chúng cho các trạm mặt đất nằm rải rác trên toàn thế giới, dưới dạng thức cho phép họ sử dụng được chúng ngay lập tức.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy những gì mà thiết bị quang học của KH-11 có thể làm được gần 10 năm sau nhiệm vụ đầu tiên, là hình ảnh vệ tinh được đánh giá cao do tạp chí quân sự ra hàng tuần Jane's Defense Weekly công bố, cho thấy các con tàu Liên Xô đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Nikolaev trên Biển Đen. Những hình ảnh chụp từ độ cao hơn 200 dặm này bị rò rỉ cho tạp chí Jane's bởi nhà phân tích tình báo hải quân Mỹ Samuel Morison, người phải trải qua 16 năm tù vì tội cung cấp hình ảnh mật cho phương tiện truyền thông. Jane's không bao giờ kiểm tra xem việc công bố những hình ảnh đó sẽ gây ra những thiệt hại thế nào. Bằng cách đó, họ đã nói cho Liên Xô biết rằng KH-11 có khả năng cho độ phân giải hình ảnh từ 3,9-6 inch và dải nghiêng tuyệt vời.

Trong vài ngày sau, người Nga, trong khi đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chiến tranh điện tử và các hoạt động chiến thuật, đã phóng một vài vệ tinh lên không gian, đưa chúng vào quỹ đạo cho phép các vệ tinh bay qua trên quần đảo Falkland với gián cách thời gian khoảng hai mươi phút. Một trong số đó là "Kosmos-1372", có nhiệm vụ giám sát các đại dương, được trang bị radar có nguồn nuôi từ thiết bị phản ứng hạt nhân, những vệ tinh khác là "Kosmos-1370" - để trinh sát hình ảnh, "Molnia" - để bảo đảm thông tin liên lạc, và "Kosmos-1371" - làm nhiệm vụ SIGINT. Sau đó, từ trên trạm không gian "Saliut-7" đã phóng ra một vệ tinh thông tin liên lạc nhỏ.

Trong khi đó, lực lượng viễn chinh Anh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của TQLC lên quần đảo Falklands. Người Anh tăng cường các cuộc không kích và bắn phá các tàu của hạm đội Argentina cùng các căn cứ bờ, họ tiến hành các hoạt động trước đổ bộ sau đây:
- Bí mật tiến hành trinh sát các đảo để chọn một phân đoạn bờ biển thích hợp;
- Dùng các đội người nhái gài bom quét sạch tất cả các chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo trên đáy biển tại địa điểm chọn đổ bộ;
- Thiết lập trên đảo Đông Falkland các cảm biến tự động đặc biệt để thu nhận dữ liệu về việc triển khai và di chuyển của quân đội Argentina trên đảo;
- Tiến hành các cuộc đột kích của quân commandos trên các hòn đảo khác nhau để phá hủy các công trình và kho tàng của kẻ thù (cuộc tấn công trên đảo Pebble đặc biệt thành công, người Anh đã phá hủy mười
phi cơ Argentina loại Pucara và một kho đạn dược lớn);
- Thực hiện các hoạt động biệt kích phá hoại trên các vùng bờ biển khác, cách xa địa điểm đổ bộ đã chọn, nhằm gây nhầm lẫn cho người Argentina về vị trí nơi đổ bộ.

Cũng trong khi đó, người Anh và Argentina tiếp tục tăng cường lực lượng của mình, chuẩn bị cho trận chiến quyết định. Anh quốc phái thêm sáu chiến hạm, hai mươi
phi cơ Harrier và chiếc tàu khách sang trọng "Nữ hoàng Elizabeth II" lượng rẽ nước 67.140 tấn, chở theo 3.000 binh sĩ trên tàu. Hiểu những thiếu sót của các hệ thống điện tử một số loại tàu của mình, theo kinh nghiệm với "Sheffield", một số lượng lớn PRLO được gửi tới để các tàu sử dụng khi bị không kích. Chiến thuật sử dụng phi cơ trực thăng rải PRLO cũng đã được nghiên cứu. Sau đó, PRLO thường được sử dụng để làm mù radar giám sát hoặc để đánh lệch hướng hỏa tiển của kẻ địch. Để bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công từ phi cơ, người Anh phát triển một phương pháp phóng PRLO từ ống khói tàu cùng với khí thải. Tuy nhiên, việc sử dụng PRLO ở Nam Đại Tây Dương không phải lúc nào cũng có hiệu quả như mong muốn, vì chúng thường bị gió bão phân tán.

Lực lượng viễn chinh Argentina có khoảng 10 000 quân được trang bị ATGM Cobra 2000 do Đức chế tạo, điều khiển bằng dây dẫn, các thiết bị hồng ngoại, SAM  Roland tối tân do Pháp-Đức hợp tác chế tạo,
phi cơ cường kích FMA IA-58 Pucara và Aermacchi MB 326G và MB339.

Ngày 21 tháng 5, hai giờ trước khi mặt trời mọc, người Anh bắt đầu đổ bộ nhằm lấy lại quần đảo Falkland: chiến hạm của lực lượng viễn chinh tiến vào vùng biển San Carlos, bắt đầu bắn phá các khẩu đội pháo bảo vệ bờ biển gần cảng San Carlos. Việc pháo kích kèm theo cuộc đổ bộ 2.500 quân, chủ yếu là lính thủy quân lục chiến hoàng gia và lính nhảy dù, có nhiệm vụ đánh chiếm bàn đạp để đổ bộ các lực lượng chủ yếu vào vịnh San Carlos, vịnh này được bảo vệ khỏi các cơn bão ở Nam Đại Tây Dương. Người Argentina không ngờ cuộc đổ bộ xảy ra ở đây, nên không tỏ ra đề kháng nghiêm túc. Đòn đáp trả của họ, tuy nhiên lại đến từ trên không với các
phi cơ CF 326, Skyhawk và Mirage, thả bom và bắn hỏa tiển không ngừng nghỉ xuống các tàu của Anh ở trong vịnh, năm trong số đó đã bị bắn trúng. Một trong số trên là frigate đề án 21 "Ardent", độ choán nước 3250 tấn bị hư hỏng rất nặng và một lần nữa, trong ngọn lửa bao trùm giết chết hai mươi hai người, làm bị thương ba mươi người, con tàu vẫn tiếp tục cháy trong tình trạng không kiểm soát được, cho đến khi nó bị chìm.

Ngày 22 tháng 5, bàn đạp của người Anh nhận được tiếp viện - hơn 2.500 binh sĩ; họ được trang bị các thiết bị hồng ngoại tuyến (bộ khuếch đại ánh sáng và kính hồng ngoại), xe tăng hạng nhẹ Scorpion, xe chiến đấu bộ binh cùng với SAM Rapier, MANPADS Blowpipe, pháo hạng nhẹ 105-mm, súng cối và nhiều radar phòng không.

Các ngày 23, 24 và 25 tháng 5, người Argentina, tiến hành một loạt các cuộc không kích xuống quân Anh. Hết lớp này đến lớp khác, các máy bay Skyhawk và Aermacchi, với sự hỗ trợ của
phi cơ tiêm kích Mirage và Dagger, liên tục thả bom cả quân viễn chinh lẫn các tàu trong vịnh. Ngày 23 tháng 5, tại một trong những cuộc tấn công, frigate đề án 21 "Antelope" của Anh đang thực hiện nhiệm vụ do thám gần Falkland Sound, đã bị trúng một trái bom 2270 kg vào đúng buồng máy, nhưng không phát nổ. Trái bom phá vỡ lập tức việc quét mìn, giết chết hai sĩ quan và làm hỏng nặng phần đuôi "Antelope".

HMS "Antelope" ngày 25 tháng 5 năm 1982
Mặc dù chịu tổn thất rất nặng nề, phi công của các
phi cơ Argentina, vẫn biểu thị lòng can đảm vô song và kỹ năng tuyệt vời của mình trong việc liên tục đột kích các tàu Anh các ngày từ 24-25 Tháng Năm. Lúc 18:30, ngày 25 tháng 5, một toán phi cơ Skyhawk thả bom và bắn chìm khu trục hạm đề án 42 "Coventry". Một nhóm các phi cơ khác, bao gồm cả Super Etendard trang bị hỏa tiển Exocet, hướng tới một mục tiêu lớn mà họ tưởng là hàng không mẫu hạm "Hermes", song thực ra là tàu container "Atlantic Conveyor". Con tàu chở theo các trực thăng Wessex và Chinook cùng các phụ tùng thay thế, đã bị trúng Exocet. Nó bị hư hại rất nặng, và chìm ngay sau khi thủy thủ đoàn rời tàu. Mất số hàng hóa chở theo "Atlantic Conveyor" là một đòn rất nghiêm trọng giáng vào quân đoàn viễn chinh Anh. Chiến thuật của cuộc tấn công này cũng gần giống như chiến thuật được sử dụng chống lại "Sheffield". Khi phi công của các phi cơ Super Etendard bay lên độ cao 150 mét để kiểm tra tình hình trong khu vực này, trên màn hình radar của họ, có một mục tiêu lớn bao quanh bởi một số mục tiêu nhỏ hơn, hộ tống cho nó. Sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo, các tàu hộ tống phóng ra một số lượng lớn PRLO, gây nhiễu có hiệu quả và làm lệch hướng  Exocet khỏi đường bay của nó. Tuy vậy, ngẫu nhiên mà một trong những hỏa tiển đang đi lạc đã khóa được đúng mục tiêu và đánh trúng "Atlantic Conveyor", vốn là một chiếc tàu buôn hoàn toàn không có thiết bị điện tử bảo vệ riêng.

Trong vài ngày sau, kết quả của những cuộc không kích của người Argentina cũng làm hư hỏng thêm: khu trục hạm "Antrim" - lớp "County", độ choán nước 6200 tấn; khu trục hạm đề án 22 "Broadsword", độ choán nước 4000 tấn; frigate "Argonaut" - lớp "Linder" độ choán nước 3200 tấn được trang bị
hỏa tiển chống hạm Exocet, cùng một số tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ. Trong những cuộc tấn công đường không trên, lần đầu tiên SAM Sea Wolf phiên bản hải quân, trang bị trên "Broadsword" đã được sử dụng. Nó bắn trúng và tiêu diệt một phi cơ Skyhawk Argentina. Một tàu khác của lực lượng viễn chinh - "Brilliant", cũng được trang bị SAM - Sea Wolf, nhưng không loại nào trong số các hỏa tiển SAM giáp trận với  Exocet trong suốt cuộc chiến tranh Falklands.

Các phi vụ Super Etendard trong Chiến tranh Malvinas
Chiến thuật áp dụng của các phi công Argentina tuy đơn giản, mà tinh vi. Họ đột kích lúc hoàng hôn, theo các đội từ 4-10
phi cơ các loại khác nhau. Tất cả hướng đến một mục tiêu nhằm dùng các vết mục tiêu làm "bão hòa" radar trên tàu và các phương tiện phòng không khác. Họ bay hầu như sát mực nước biển và tiến tới điểm cận bắc quần đảo, sử dụng hòn đảo và những ngọn đồi trên đảo làm vật cản tránh radar của các chiến hạm Anh. Sau đó họ đột nhiên vòng lại rồi đồng thời xuất hiện từ sau dãy núi ven biển của hòn đảo cực Bắc, tấn công tàu-mục tiêu đã chọn từ mọi hướng. Các trắc thủ radar Anh không thể đồng thời bám sát tất cả phi cơ đối phương và một hoặc hai chiếc trong số đó gần như lúc nào cũng vượt qua sự đeo bám một cách thành công, thả được bom và phóng hỏa tiển của họ. Sau khi người Argentina áp dụng chiến thuật "bão hòa", thiết bị ESM trên tàu cũng vô hiệu lực vì người Argentina bay với radar không mở và trong thinh không không có bức xạ điện từ để có thể bị phát hiện.

Trong khi đó, lực lượng quân đội Anh đổ bộ vào cảng San Carlos, đến lúc này đã chuẩn bị xong về hậu cần, bắt đầu chia hai ngả tiến về cảng Stanley. Một nhóm tiến đến Douglas và Tea Inlet trên địa hình rất khó khăn, trong khi nhóm kia tiến quân về Darwin và Goose Green, nằm ở phần phía nam hòn đảo.

Ngày 27 tháng 5, bắt đầu một trận chiến lớn giành quyền kiểm soát phi trường Goose Green. Quân đội Argentina được
phi cơ Pucara yểm trợ, còn người Anh - phi cơ Harrier. Cuộc chiến kéo dài khoảng mười bốn giờ, hầu hết trong điều kiện ban đêm, đó là một lợi thế cho các lực lượng Anh được trang bị các bộ khuếch đại ánh sáng và kính hồng ngoại, do đó họ có thể sử dụng các chiến thuật chiến đấu ban đêm của NATO.

Người Argentina tỏ rõ sức kháng cự mạnh mẽ, nhưng không thể giữ nổi hai điểm dân cư quan trọng - Darwin và Goose Green, chúng đều rơi vào tay người Anh. Chẳng bao lâu người ta biết rằng, binh sĩ Anh - đều là quân tình nguyện, hơn hẳn quân Argentina, phần lớn là những người lính nghĩa vụ còn rất trẻ, thiếu nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, khí hậu lạnh của quần đảo Falkland có lợi cho Thủy quân lục chiến và lính dù Anh, họ đã thích nghi với cái lạnh trong các cuộc tập trận của NATO ở vùng Bắc cực, Bắc Âu.

Cả hai bên đều tổn thất nặng trong trận Goose Green. Theo báo cáo của người Anh, Argentina mất 250 người và 1.400 người khác bị bắt làm tù binh. Người Anh mất 17 người và 13 người bị thương. Việc chiếm được Goose Green cho người Anh một căn cứ để từ đó họ có thể tấn công vào Port Stanley.

Ngày 30 tháng 5, người Argentina đã thực hiện một cuộc tấn công khốc liệt nữa vào lực lượng viễn chinh Anh, thời gian đó đang tăng cường thả bom và pháo kích các căn cứ của họ tại cảng Stanley. Lực lượng viễn chinh Anh ở cách 152 km về phía đông bắc quần đảo Falkland, từ nơi đó, các
phi cơ Sea Harrier, cất cánh từ hàng không mẫu hạm "Hermes" và "Invincible", bay vào tấn công cảng Stanley. Trong cuộc tấn công này của người Argentina, tham gia có hai Super Etendard, một trong số đó mang quả đạn Exocet cuối cùng còn lại của Argentina, bốn A-4 Skyhawk cùng sáu Mirage và Dagger (phiên bản Israel của loại phi cơ Mirage của Pháp), có nhiệm vụ đánh lạc hướng và "chiếm vị" radar trên tàu chiến Anh. Trước khi các phi cơ Super Etendard tiến vào công kích, các phi cơ Skyhawk và Dagger, tiếp cận từ phía đông, vượt qua phương tiện phòng không mặt đất của người Anh một cách thành công, thu hút về mình sự chú ý của các radar Anh và thu hút chiến đấu cơ xuất kích từ hàng không mẫu hạm "Invincible". Trong khi đó, phi cơ Super Etendard tiến vào phóng hỏa tiển chống hạm Exocet cuối cùng, mà theo các nguồn tin Argentina, đã bắn trúng hàng không mẫu hạm "Invincible". Trong cuộc tấn công này, hai phi cơ Argentina Skyhawk bị bắn rơi, và người Anh đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ thiệt hại nào của "Invincible".

Các đợt không kích HMS "Invincible" ngày 30 tháng 5 năm 1982
Trong các cuộc không kích, người Argentina mất khoảng một phần ba số
phi cơ của mình. Không nghi ngờ gì nữa, việc thiếu khí cụ EW trên hầu hết cácphi cơ  của họ, đóng góp phần lớn vào những thương vong nặng nề đó. Các phi cơ  duy nhất có thiết bị như vậy là Super Etendard và Dagger, trang bị RWR, tương ứng do người Pháp và Israel cung cấp.

Tổn thất của người Anh, xét từ một mặt khác, có nguyên nhân ở việc họ lựa chọn cảng San Carlos làm nơi đổ bộ. Hiệu quả của radar phòng không của người Anh giảm đáng kể do nhiễu địa vật từ các ngọn đồi xung quanh. Cũng xứng đáng để chỉ ra rằng, tổn thất của người Anh sẽ còn cao hơn nhiều nếu tất cả các quả bom thả trúng tàu đều phát nổ. Việc nhiều trái bom không nổ có thể do thực tế là các phi công Argentina đã buộc phải bay quá thấp nên bom không có đủ thời gian để tự động mở ngòi.

Quân đội Anh tiếp tục cuộc tấn công của họ vào Port Stanley, sử dụng chiến thuật "nhảy cóc", điểm cốt yếu nằm trong các cuộc triển khai đêm trên các cự ly nhỏ. Các cuộc khai triển được dọn trước bằng các cuộc bắn phá tuyến phòng thủ Argentina từ trên không và từ ngoài biển bằng pháo binh và súng cối, có hiệu chỉnh hỏa lực nhờ hệ thống dẫn đường hồng ngoại và quang-điện tử.

Hỏa lực được hướng dẫn và điều phối bởi ba hệ thống tương tác điện tử. Đầu tiên, là hệ thống có tên gọi FACE (Field Artillery Computing Equipment) là một máy tính-mini, tính toán dữ liệu để thực hiện xạ kích; hệ thứ hai - ALICE, tự động chuyển các dữ liệu tính toán trên tới các khẩu đội pháo binh dã chiến; và hệ thứ ba - AWDATS (Automatic Weapons Data Transmission System), bảo đảm đồng thời việc xạ kích cho hai mươi bốn khẩu đội pháo, bố trí tại các trận địa khác nhau.

Kết quả làm việc của các hệ thống điện tử trên là hỏa lực súng cối và pháo binh của người Anh rất chính xác, người Argentina bị tổn thất nặng, còn radar của họ và các hệ thống thông tin liên lạc khác thường xuyên bị đánh hỏng. Ngoài ra, người Anh có cơ quan thông tin vượt trội hẳn, dựa trên việc đánh chặn các tin điện chiến thuật của các phương tiện thông tin liên lạc và dựa trên tin tình báo của các toán trinh sát đặc biệt. Như vậy, bộ chỉ huy Anh luôn luôn biết kẻ thù ở nơi nào và đang làm gì. Tại một trong các trường hợp như vậy, ngay sau một vụ thả bom, họ chặn thu được một bức điện trong đó Chuẩn tướng Mario Benjamin Mendez bày tỏ nỗi lo sợ rằng, nếu mọi thứ vẫn diễn ra như thế này, tình hình quân Argentina có thể xấu đi nhanh chóng; chính vì thế, người Anh có ưu thế trong việc biết tình thế người Argentina khó khăn ra sao.

Ngày 06 và 07 Tháng 6, cùng với việc khởi đầu cuộc tấn công quyết định vào Port Stanley, đã ở khá gần, rất nhiều nhóm commandos được đào tạo chu đáo được thả sâu vào trong tuyến phòng thủ của người Argentina để phá hủy các công trình thông tin liên lạc và các trạm radar, qua đó làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của đối phương. Và một lần nữa, trong lĩnh vực thông tin liên lạc, người Anh lại phát thông tin giả cho đối thủ thông qua việc sử dụng các phương tiện đối kháng, tuyên truyền và xâm nhập, được sự hỗ trợ rất nhiều của người dân Falklands.

Ngoài việc người Anh đọc được điện tín của người Argentina, người Argentina cũng không may mắn trong việc họ nhận được thông tin từ người Nga, thông tin của họ thường không chính xác hoặc đã lỗi thời. Mặt khác, người Argentina luôn luôn có thể nhận được thông tin chính xác liên quan đến hành động của người Anh qua việc đánh chặn thông tin vô tuyến của người Anh bằng cách chặn thu các điện tín trao đổi giữa các
phi cơ, chiến hạm và lực lượng mặt đất.

Phi cơ Dagger KQ Argentina tấn công tàu Anh trong vịnh San Carlos

Ngày 08 tháng 6, Không quân Argentina tiến hành thêm một loạt trận tấn công dữ dội vào quân đội Anh và chiến hạm Anh tại cảng Stanley, buộc người Anh chậm giải phóng thủ phủ quần đảo. Trong những cuộc tấn công này, hai tàu đổ bộ - "Sir Tristan" và "Sir Galahed" đã bị
phi cơ Argentina bắn hư hại nặng, trong số các binh sĩ đang cố gắng đổ bộ có vô số người chết. Người Argentina được trợ giúp rất nhiều bởi đài radar di động AN/TPS-43 của công ty Westinghouse, được triển khai ở vị trí gọi là "Sapper Hill". Đây là loại radar 3 tọa độ cỡ lớn do Mỹ sản xuất, nó là một phần của Trung tâm Chỉ huy-Thông tin-Kiểm soát (CIC), do Không lực Argentina xây dựng tại quần đảo Falkland để phối hợp các lực lượng trong hệ thống phòng không. Người Anh đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào trạm radar này, một lần thậm chí đã sử dụng hỏa tiển chống radar AGM-45 Shrike, phóng từ một oanh tạc cơ tầm xa Vulcan. Tuy nhiên, tất cả các cuộc tấn công đều không thành công và radar vẫn hoạt động hiệu quả cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ngày 11 tháng 6, trong một cuộc không kích của Argentina vào eo biển Falkland, frigate "Plymouth" độ choán nước 2.800 tấn và tàu xung kích "Fiarless" bị hư hại nặng.

Trong khi đó, quân đội Anh tiến ngày càng gần hơn đến Port Stanley, và đêm 11 tháng 6, với sự trợ giúp của trực thăng Lynx, trang bị rốc-két, họ đột ngột tấn công tuyến phòng thủ của đối phương. Binh sĩ Argentina khi đó còn ngủ, nhưng dù sao vẫn kịp tỏ rõ sự kháng cự mãnh liệt, mà một vài giờ sau biến thành một cuộc chiến giáp lá cà. Nhưng cuối cùng, họ đã buộc phải rút lui, bỏ lại đồi Two Sisters cho người Anh.

Trận Tumbledown ngày 11-12 tháng 6 năm 1982. Radar AN/TPS-43 đặt tại Sapper Hill tồn tại và hoạt động tốt đến hết chiến tranh, rồi rơi vào tay quân Anh.


 HMS Glamorgan đang bắn yểm trợ quân Anh trên bờ trong chiến tranh Malvinas. Theo một phiên bản sự kiện khác, khu trục hạm  Glamorgan tránh được đạn Exocet trúng giữa thân là do sĩ quan trên cầu điều hướng hành trình phát hiện được hỏa tiển đang bay đến bằng mắt thường và kịp lệnh cho tàu di chuyển quay dọc để giảm diện bộc lộ rộng. Các khí cụ Type 992Q Target Indicator radar và 965M surveillance radar đều không phát hiện được hỏa tiển đang bay tới. Hỏa tiển không phát nổ ngay khi chạm mục tiêu cũng là điều may mắn cho HMS Glamorgan.

Trong thời gian đó, chiến hạm của lực lượng viễn chinh tiếp tục bắn phá các công trình phòng thủ và cảng Stanley. Ngày 11 tháng 6, trong một cuộc bắn phá như vậy, khu trục hạm
hỏa tiển cỡ lớn "Glamorgan", độ choán nước 6200 tấn, bị trúng hỏa tiển chống hạm AM-38 Exocet, phóng từ một đại đội bảo vệ bờ biển, tàu bị trúng đạn vào phần đuôi, lỗ thủng ở vị trí 2 mét trên đường mớn nước, và mặc dù hỏa tiển không phát nổ, mười thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng cùng mười bảy người bị thương. "Glamorgan" bị radar AN/TPS-43F phát hiện và khi tính đến độ chính xác của hệ thống và độ chính xác của bản thân hỏa tiển Exocet, điều tỏ ra kỳ lạ là con tàu chỉ bị bắn trúng phía đuôi mà không phải ở giữa thân tàu, như trường hợp của HMS "Sheffield", hơn nữa, vào thời điểm đó tàu đang tiếp cận bờ. Nhiều nguồn tin không chính thức của phía Anh ghi sự kiện này xảy ra do việc sử dụng tổng hợp các phương tiện ECW chủ động (có thể là do máy phát nhiễu đánh lạc hướng Bexley) và PRLO.

Tới lúc này, người Anh đã chiếm đóng tất cả các ngọn đồi xung quanh Port Stanley,và các ngày 12 và 13, tiếp tục các cuộc bắn phá liên tục, chính xác và chọn lọc vào doanh trại đồn trú quân Argentina, đã rút lui vào khu vực công trường xây dựng cảng Stanley. Ở giai đoạn kết thúc cuối cùng này của trận chiến, các phương tiện chiếu xạ laser đã được áp dụng để hỗ trợ
phi cơ chiến đấu trong các khu vực đô thị. Cụ thể, phi cơ phản lực Harrier đã thả bom LGB vào các mục tiêu được chiếu xạ bằng chùm tia laser, sử dụng chiến thuật tương tự mà người Mỹ đã dùng tại Việt Nam.


Chiến lợi phẩm quân Anh thu được: thùng phóng
hỏa tiển MM38 Exocet đã tấn công HMS Glamorgan hồi 6:37 thứ 7 ngày 12 tháng 6 năm 1982

Đòn tấn công đầu tiên là vào khu vực giữa trang trại Two Sisters và ngọn đồi Tumbledown.
Phi cơ Harrier GR.3 thực hiện hai vụ tấn công riêng biệt sử dụng LGB Paveway (chế tạo bởi Texas Instruments trong chiến tranh Việt Nam. Nó thuộc dòng bom LGB "thông minh" và đa dạng, tất cả đều trang bị khối dẫn đường gắn ở phần mũi bom) từ cự ly 6-7 km. Trong cả hai trường hợp, bom đều trượt mục tiêu, vì chùm laser được bật sớm. Cả hai lần, phi cơ Harrier, mỗi lần mang hai quả bom đều bay đến từ phía Tây Nam ở độ cao 150 mét, ẩn đằng sau dãy núi Harriet. Sau đó, phi công, được hướng dẫn bởi một điểm tham chiếu được xác định trước trên mặt đất, giảm độ cao thả bom xuống một điểm được lập trình trước, đồng thời thông báo cho người dẫn đường yểm trợ đường không tiền duyên về thời điểm thả bom. Tiếp theo phi công di chuyển ra khỏi ngay, thậm chí không nhìn mục tiêu. Quân nhân hướng dẫn không yểm tiền sát viên, từ vị trí thuận tiện của mình, cho phép anh ta quan sát mục tiêu mà không bị đối phương phát hiện, ngay sau khi nhận tin đã hướng chùm tia laser rọi vào mục tiêu được lựa chọn. Chiến thuật này cũng được sử dụng đối với các phi vụ thả bom phi trường ở Port Stanley, nhưng kết quả rất đáng thất vọng.

Trong trận tấn công trạm radar AN/TPS-43 nói trên của không quân Argentina, vũ khí đặc biệt cũng đã được áp dụng. Lúc bắt đầu chiến tranh, hai oanh tạc cơ tầm xa B2 Vulcan, trang bị bốn
hỏa tiển chống bức xạ AGM-45 Shrike, đi làm nhiệm vụ áp chế radar. Chúng xuất phát hoạt động từ phi trường Wideawake trên đảo Asuncion - căn cứ không quân Anh gần quần đảo Falkland nhất. Chuyến bay đến quần đảo Falkland là một kế hoạch được lập từ trước và có vài lần tiếp nhiên liệu từ phi cơ tiếp dầu Victor. Các chuyến bay của Vulcan tới quần đảo Falkland là các chuyến bay chiến đấu dài nhất từng thực hiện. Một trong các Vulcan, số sê-ri XM 597, lần đầu tiên được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ này vào đêm ngày 28 tháng 5. Tuy nhiên, nhiệm vụ không hoàn thành do phát sinh khó khăn trong tiếp nhiên liệu từ một trong những phi cơ tiếp dầu Victor. Hai ngày sau, nhiệm vụ được lặp lại, cuộc tấn công của Vulcan được phối hợp cùng với đòn không kích của các phi cơ Harrier thuộc lực lượng viễn chinh, nhưng kết quả là đáng nghi ngờ. Kết quả của trận tấn công cuối cùng ngày 02 tháng 6 là không thuyết phục; chính chiếc Vulcan, số sê-ri XM 597, ở trong khu vực mục tiêu gần một giờ đồng hồ, cố gắng kích động bức xạ radar của đối phương, nhưng người Argentina tắt radar bất cứ khi nào phi cơ tiếp cận để tấn công, vì thế hỏa tiển Shrike không thể khóa được bức xạ, mà nó cần để dẫn đường tới radar.

Đội nhân viên kỹ thuật chuẩn bị vũ khí và gắn
hỏa tiển chống radar AGM-45 Shrike lên phi cơ Aero Vulcan B2 KQ Anh trong chiến tranh Malvinas

Tuy nhiên, tới thời gian này người Anh đã giữ chặt trong tay mình doanh trại đồn trú Argentina, và sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 12 tháng 6, người Argentina chẳng thể làm gì tốt hơn việc đề nghị ký hiệp ước đình chiến để kết thúc chiến tranh.

Vào cuối chiến tranh, hai bên đã công bố báo cáo về thiệt hại mình chịu và tổn thất mình gây ra cho đối phương, nhưng những dữ liệu này không phù hợp với nhau. Người Anh khẳng định họ chỉ mất một Harrier và không hề mất Sea Harrier nào (người Anh cũng tuyên bố, họ chỉ mất 12
phi cơ, trong đó 8 chiếc là Harrier và Sea Harrier). Đây là loại phi cơ đã tham gia nhiều trận không chiến tại Falklands và thực tế nó tránh được bị hỏa tiển bắn trúng, có lẽ chính vì ưu thế của thiết bị EW của người Anh. Tất cả các phi cơ Anh quốc đều trang bị RWR, máy phóng nhiễu PRLO và bẫy hồng ngoại. Phi công phi cơ Harrier cho rằng họ thường tránh được SAM Roland Argentina, khi cơ động gấp tránh đạn phòng không ngay sau khi RWR của anh ta cảnh báo hỏa tiển đang đến gần. Mặc dù các phi cơ Sea Harriercó thể mang theo ECW pod, phi cơ Anh trang bị đầy đủ nhất các phương tiện ECW, tuy nhiên, lại chính là oanh tạc cơ Vulcan. Trước khi được phái tới quần đảo Falkland, loại phi cơ này được trang bị máy phát nhiễu của Mỹ AN/ALQ-101, được gỡ xuống từ phi cơ BAE Bucsaneer. Đây - chắc chắn là một trong những lý do vì sao không chiếc Vulcan nào bị mất (ALQ-101 - thiết bị đầu đàn của họ các máy phát nhiễu đặt trong thùng chứa. Chúng được lắp trên các phi cơ-cường kích sử dụng tại Việt Nam. Nó đã được tối tân hóa nhiều lần, rồi tiến đến sản xuất phiên bản mới - ALQ-119, đã được bán cho nhiều quốc gia. Trong cuộc xung đột Falkland, để vô hiệu radar dẫn bắn của Argentina nó được gắn trên oanh tạc cơ Vulcan). Phi cơ đa năng Harrier của Hải quân Hoàng gia được trang bị để treo các hỏa tiển Mỹ, loại không-đối-không AIM-9L Sidewinder, còn phi cơ tấn công chiến thuật Harrier của RAF đã nhanh chóng được tối tân hóa để mang AIM-9L Sidewinder trước khi được lực lượng viễn chinh gửi đến quần đảo Falkland. AIM-9L thuộc thế hệ thứ ba của một họ hỏa tiển nổi tiếng có đầu tự dẫn hồng ngoại, nằm trong trang bị của Không lực nhiều quốc gia NATO và phương Tây. Có được cơ hội "tấn công toàn góc" (ALASCA), từ đó trở đi, nó thay đổi hoàn toàn trận không chiến. Không giống như các thế hệ trước của hỏa tiển có đầu tự dẫn hồng ngoại, nó cũng có thể được sử dụng để tấn công trong bán cầu trước. Trong cuộc xung đột Falklands, trong số hai mươi bảy quả đạn AIM-9L được phóng đi, hai mươi bốn đạn bắn trúng các phi cơ Argentina - một kết quả tự nói lên tất cả.


Radar AN/TPS-43 (S-Band)

Khi đánh giá cuộc chiến tranh Falklands, trên quan điểm của EW, trong các trận chiến mặt đất có áp dụng nhiều đổi mới: sử dụng rộng rãi hệ thống hồng ngoại tuyến và chiến thuật chiến đấu ban đêm mới. Tuy nhiên, trong không trung và trên biển không thực sự có điều gì mới. Việc sử dụng radar của người Argentina trong không chiến khá hạn chế và điều này, cùng với việc quân đội Anh được trang bị để tiến hành các hoạt động tác chiến điện tử trong các chiến dịch, khác với những gì họ đã từng phải làm, có nghĩa là khả năng thực sự của hệ thống EW của họ không thể sử dụng được hết công suất. Yếu tố chính - huấn luyện: người Anh đã bắt giữ một số lượng đáng kể vũ khí Argentina để tiến hành đánh đêm và các thiết bị điện tử tinh vi, chẳng hạn như các cặp kính hồng ngoại. Và, có lẽ, nếu trong chuyện đó người Argentina cũng trội hơn người Anh, vậy thì những người lính Argentina đã được trang bị tốt hơn, nhưng được đào tạo tồi tệ hơn và có ít động lực hơn các lính chuyên nghiệp Anh. Cũng phải nói rằng một số tàu Hải quân Hoàng gia đã không được trang bị để đối phó với các mối đe dọa mới, chẳng hạn như các hỏa tiển của phương Tây trong điều kiện thinh không bão hòa. Người Argentina trong các cuộc không kích rất ít sử dụng hệ thống EW. Xét trên mặt khác, họ nổi bật bởi cách sử dụng rất mạnh mẽ vào mục đích quân sự các phương tiện tác chiến điện tử thụ động để tiến hành nhiệm vụ ELINT và ESM, sau khi đã nhanh chóng chuyển đổi trang bị
phi cơ chở khách dân dụng cỡ lớn kiểu Boeing 707.

 CHƯƠNG 22. Li-băng

Cuộc tấn công của Israel vào thung lũng Bekaa ngày 9-11 tháng 6 năm 1982

Hồi 11:25, ngày 06 tháng 6 năm 1982, sau hai ngày không kích và pháo kích từ biển một cách dữ dội, lực lượng vũ trang Israel đã phát động một cuộc tấn công rất táo bạo và đã chờ đợi từ lâu vào các căn cứ địa của người Palestine nằm ở miền nam Lebanon. Mục tiêu rõ rệt của họ là tạo ra một vùng đệm rộng 50 km chạy dọc biên giới Israel - Lebanon để không cho phép người Palestine tấn công Israel.

Trên đường tiến về phía bắc, quân đội Israel sau khi dễ dàng vượt qua sự kháng cự của các chiến binh Hồi giáo fedayeen của PLO, nguy cơ đối đầu với quân đội Syria thuộc lực lượng giữ gìn hòa bình Ả Rập ở Lebanon đã trở nên ngày càng có khả năng hơn. Tình hình bùng nổ vào Thứ 5 ngày 9 Tháng Sáu, ngay sau khi người Do Thái đến gần thung lũng Bekaa, nơi có 600 xe tăng Syria, được bảo vệ bởi "chiếc ô" phòng jhông, bao gồm hai mươi đại đội : các tổ hợp SAM "Kub" di động và cố định S-75 và S-125 của Nga.

Không lực Syria đã chuyển trạng thái SSCD toàn phần. Ban ngày, ngay khi ba đoàn xe đi đầu của lực lượng thiết giáp Israel chạm trán đội tiên phong của hai lữ đoàn thiết giáp Syria (xem hình trang 250), Bộ Chỉ huy Tối cao Syria ngay lập tức cho cất cánh sáu mươi
phi cơ MiG-21 và MiG-23 để yểm trợ đường không trực tiếp cho các xe tăng của họ. Tuy nhiên, người Israel không bị bất ngờ, vì phi cơ E-2C Hawkeye của họ do Mỹ chế tạo, trang bị radar phát hiện sớm kích thước khổng lồ, đã bay tuần tra bờ biển Lebanon để giám sát việc phi cơ Syria cất cánh từ các căn cứ không quân sâu bên trong lãnh thổ và dẫn đường cho phi cơ chiến đấu của Israel nghênh chiến với họ. Vậy là, chín mươi phi cơ lập tức cất cánh lên không trung: đó là các phi cơ chiến đấu tối tân do Mỹ sản xuất McDonnel Douglas F-15 Eagle và General Electric F-16 Fighting Falcon - để tiến hành không chiến, các phi cơ IAIKfir do Israel chế tạo, và cựu chiến binh McDonnel Douglas F-4 Phantom - để tấn công các mục tiêu mặt đất, cũng như McDonnel Douglas A-4 Skyhawk - để yểm trợ đường không trực tiếp. Ngoài ra, cất cánh lên không trung còn có phi cơ phản lực bốn động cơ Boeing 707 để tiến hành chiến tranh điện tử, chặn thu và gây nhiễu radar cùng các phương tiện thông tin liên lạc của kẻ thù bên ngoài vùng diệt mục tiêu của hệ thống phòng không Syria (gây nhiễu từ khu quần vòng). Ngay khi các phi cơ Syria tiếp cận khu vực "nóng", thông tin vô tuyến giữa họ và bộ chỉ huy mặt đất đã bị áp chế, để bằng cách đó, cắt đứt việc truyền các mệnh lệnh tấn công và chỉ dẫn đường bay.

Mặt khác, các phi công Israel, được hướng dẫn rất tốt từ
phi cơ E-2C, đã chiếm được các vị trí lý tưởng để tấn công phi cơ MiG Syria. Các phi cơ Israel được trang bị các máy tính điều khiển, phương tiện tác chiến điện tử tối tân nhất, cũng như các thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser mới nhất, các hỏa tiển không-đối-không AIM-9L Sidewinder có đầu tự dẫn hồng ngoại, hỏa tiển chống radar AGM-45 Shrike và AGM-65 Maverick. Như vậy, tin tưởng vào tính chuyên nghiệp và ưu thế về trang bị điện tử rất cao, các phi công Do Thái mở hết tốc lực lao về phía đối phương.

Mỗi
phi cơ Israel được trang bị một màn hiển thị trên kính chắn gió trước mặt phi công (HUD - head-up display), giảm được đáng kể khối lượng thao tác cho phi công. Trong hệ thống này, các số liệu dẫn đường và chỉ thị mục tiêu, do máy tính tính toán và chuyển đến khối xử lý hiển thị, khối này chuyển số liệu thành các dãy phát sáng lân tinh màu xanh và màu cam, chiếu lên kính hiển thị đặt song song với kính chắn gió của đèn chiếu. Thông thường, HUD làm việc cùng với radar hoặc telecamera ánh sáng thấp (LLLTV) và bảo đảm cho phi công trong mọi điều kiện thời tiết, nhận được "bức tranh" chính xác môi trường kề cận xung quanh và tình hình không lưu để anh ta không bị phân tâm vì liên tục phải liếc nhìn đủ các khí cụ lái khác nhau trên bảng điều khiển hoặc khi phải làm các tính toán đạo hàng phức tạp.

HUD trên 1
phi cơ F/A-18C của VFA-151 hải quân Mỹ

Ngoài ra,
phi cơ Israel được trang bị các máy phát nhiễu đánh lạc hướng mới nhất hoàn toàn tự động, điều khiển bằng máy tính, có khả năng làm lệch hướng bay ngay cả những hỏa tiển phòng không tiên tiến nhất, và như vậy, bảo đảm sự sống còn cho các phi công, và thiết bị RWR, ngay lập tức cảnh báo phi cơ của anh ta đang bị "khóa" bởi radar bám sát hoặc radar đầu tự dẫn của hỏa tiển. Ngoài ra, các phi cơ Israel được trang bị phương tiện ECW thụ động dùng một lần: PRLO và bẫy-IR để ứng dụng chúng vào lúc cần thiết nhằm "gạt" hỏa tiển đang bay đến gần.

Ngay khi chín mươi  Israel xuất hiện trong vùng trời thung lũng Bekaa, chúng lập tức rơi vào thinh không bão hòa bức xạ điện từ của hàng trăm radar và đài
phi cơ vô tuyến của đối phương. Trong các trường hợp như thế này, phi công cần thực hiện tức khắc việc phân tích và nhận dạng tất cả các radar hệ thống phòng không, các hỏa tiển của chúng và xác định vị trí của các phi cơ đánh chặn của đối phương, tất cả đều là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn của anh ta. Không có bộ não riêng nào của chính anh ta, không hệ thống quang điện vô tuyến trên máy bay theo kiểu truyền thống nào có khả năng theo dõi nổi một số lượng lớn tín hiệu đe dọa như vậy và xác định đâu là những tín hiệu nguy hiểm nhất. Chính ở đây các "phần mềm" máy tính (tức là, tất cả các thông tin và hợp lý được lập trình, đã nhập vào máy tính trước đó), sẽ trở thành yếu tố quan trọng sống còn. Do đó, các phi công Israel có thể tiến gần các phi cơ địch, khi họ bay, chủ yếu, theo vector đường bay được  E2-C Hawkeye chỉ dẫn.

Trong chuyến bay, thiết bị RWR trên
phi cơ thông báo cho phi công về hiểm họa radar SAM khóa phi cơ anh ta. Gần như tức khắc, máy tính hệ thống EW sẽ phân tích và nhận dạng các mối đe dọa khác nhau, xác định mức ưu tiên của chúng, và chỉ ra công cụ phòng thủ hiệu quả nhất để chống lại mỗi một trong các hiểm họa cụ thể.

Cuộc chiến diễn ra từ ngày 09-11 tháng 6. Trong suốt trận chiến, người Israel sử dụng quyết liệt các máy phát gây nhiễu đánh lạc hướng để gạt hỏa tiển được dẫn đường RF và bẫy IR để gạt hỏa tiển được dẫn đường bằng đầu tự dẫn hồng ngoại. Khi phi công Israel vừa thấy MiG Syria trên HUD của mình, tất cả những việc anh ta phải làm là đặt biểu tượng chỉ thị mục tiêu trên HUD nhắm vào máy bay địch, bấm nút sử dụng vũ khí để kích hoạt hệ thống vũ khí thích hợp nhất được máy tính lựa chọn. Tất cả công việc còn lại được thực hiện bởi cảm biến IR của hỏa tiển Sidewinder tàn nhẫn.

Mặt khác, các
phi cơ  Syria không được trang bị các khí cụ EW, mà như thường lệ, người Nga vẫn tháo các thiết bị như vậy khỏi phi cơ xuất cảng. Bên cạnh đó, các phi công Syria không có lợi thế vì radar và liên lạc vô tuyến của họ đã bị áp chế bởi phi cơ Boeing 707 của Israel. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các khẩu đội phòng không mặt đất rất hạn chế, một phần do người Israel gây nhiễu, và một phần vì có quá nhiều phi cơ trên bầu trời, và có nghĩa là tồn tại mối nguy cơ rất lớn bắn phải phi cơ của chính quân mình.

Kiểm soát không phận Lebanon bằng
phi cơ AWACS và các trạm radar giám sát của Israel.

Như thường lệ, giữa số liệu thiệt hại mà 2 bên công bố có sự khác biệt. Người Israel tuyên bố đã bắn rơi bảy mươi chín
phi cơ kẻ thù, làm hư hại ít nhất bảy chiếc khác và phá hủy mười chín trên hai mươi bệ phóng S-75 , S-125 và "Kub" đã triển khai, trong khi thiệt hại của họ chỉ là một phi cơ. Người Syria tuyên bố đã bắn rơi mười chín phi cơ địch.

Ngoài việc sử dụng rộng rãi hệ thống EW, chiến thắng của Israel cần được quy một phần cho chiến thuật mới, lần đầu tiên sử dụng trong trận chiến này. Quan trọng nhất là chiến thuật tiêu diệt các khẩu đội SAM "Kub". Một thời gian trước sự kiện này, người Israel đã sắp đặt làm công tác huấn luyện trong sa mạc Negev một số mô hình các khẩu đội SAM "Kub", để các
phi cơ thông thường và UAV tập hoạt động chống lại chúng.

Chiến thuật của Israel áp
chế tổ hợp SAM "Kub"
Chiến thuật điển hình tìm kiếm và tiêu diệt các trận địa SAM Syria của
phi cơ tấn công Israel. Một UAV (A1), mang một telecamera, bảo đảm trinh sát quang học trận địa SAM; một UAV khác (A2), bức xạ tín hiệu bắt người Syria tin rằng chiếc phi cơ nhỏ, chế tạo bằng sợi thủy tinh, chính là phi cơ phản lực Israel (A3). Người Syria, bật công tắc hệ thống vũ khí có radar kiểm soát của họ hướng vào nguồn bức xạ, cho phép UAV "tiếp nhận" bức xạ radar và truyền thông tin này đến phi cơ chỉ huy và kiểm soát E-2C, phi cơ này sẽ dẫn đường cho các phi cơ tấn công Israel tới tiêu diệt trận địa SAM (B). Việc tiêu diệt các radar dẫn bắn được thực hiện cả bằng các hỏa tiển không-đối-diện, phóng từ F-4 Phantom (C), và các hỏa tiển diện-đối-diện (E). Bên tấn công tự bảo vệ mình bằng cách phóng PRLO (D) và bẫy-IR để phá việc mình bị khóa bởi radar bám sát và radar đầu tự dẫn hồng ngoại của hỏa tiển. Sau khi vô hiệu hóa radar, bệ phóng SAM trở thành mù và sẽ bị hủy diệt bằng bom chùm từ phi cơ F-15 và F-16.
Áp chế hệ thống phòng không của đối phương là hành động đầu tiên, đòi hỏi phải thâm nhập không phận của đối phương và thiết lập ưu thế trên không. Do đó, không quân Israel đã bắt tay tiêu diệt các khẩu đội SAM Syria cả trước lẫn trong thời gian không chiến trên bầu trời Lebanon, chúng là mối đe dọa chết người đối với các phi cơ tấn công của họ. Để phục vụ cho mục đích này tất cả các phương tiện sẵn có đã được sử dụng, bao gồm cả các UAV Scout và Mastiff do Israel chế tạo.

Các UAV này có kích thước khá nhỏ - sải cánh chỉ 3,6 mét; Scout có chiều dài 3,51 mét và chiều cao khoảng 0,64 mét; ngoài ra, chúng được làm bằng sợi thủy tinh, trong suốt đối với bức xạ RF. Vì vậy, radar của đối phương rất khó phát hiện và định vị chúng, do đó chúng có khả năng thâm nhập không phận của đối phương với nguy cơ bị sát thương tối thiểu. Vì lý do này, chúng rất lý tưởng cho nhiệm vụ trinh sát chiến trường và giám sát. Để thực hiện nhiệm vụ trên, một số phiên bản đã được trang bị TV-camera có các thấu kính phóng đại và một hệ thống liên lạc có khả năng truyền đến điều phối viên trên mặt đất dòng hình ảnh liên tục về các trận địa địch. Các phiên bản khác được trang bị gương phản xạ bức xạ RF, nó sẽ phản xạ bức xạ radar với cường độ như thể nó chính là các máy bay tấn công. Những phiên bản khác hoạt động như phương tiện mang hệ thống DRTR (ESM), chặn thu và phân tích bức xạ radar của kẻ thù và chuyển tiếp chúng xuống các trạm mặt đất hoặc
phi cơ trong không trung. Cuối cùng, một số các UAV được trang bị bộ chỉ thị mục tiêu laser để chiếu xạ các mục tiêu, dự kiến sẽ tấn công bằng các hỏa tiển với sự dẫn đường bằng laser.

UAV Tadiran-Mastiff-III của Israel

Chiến dịch áp
chế SAM (xem trang 253) bắt đầu bằng một loạt các chuyến bay do thám của các UAV trang bị TV-camera. Ngay khi một trong số chúng phát hiện được khẩu đội SAM và truyền hình ảnh trận địa về sở chỉ huy mặt đất, hai UAV nữa được phóng lên không trung, một - làm mồi nhử mô phỏng phi cơ  tấn công để bắt khẩu đội SAM phát bức xạ còn chiếc UAV kia, trang bị hệ thống DRTR (ESM) - để đánh chặn bức xạ radar SAM, sẽ phân tích nó và chuyển tiếp tới phi cơ E-2C và Boeing 707. Tiếp đến, thông tin nhận được về các thông số của bức xạ sẽ được máy điện toán trên phi cơ xử lý, để cung cấp, trong quy mô thời gian thực, các dữ liệu chỉ đường cho hỏa tiển chống radar. Sau đó, một trong những phi cơ trên sẽ ra lệnh phóng hỏa tiển chống radar diện-đối-diện Zeev do Israel sản xuất, nếu khẩu đội SAM ở trong phạm vi 40 km diệt mục tiêu của loại hỏa tiển đó, còn nếu không, mệnh lệnh được chuyển cho phi cơ F-4 Phantom đang mang hỏa tiển Shrike.

Đôi khi, người Syria biết rằng kẻ thù sử dụng UAV để đánh chặn bức xạ radar của họ và sau đó phóng
hỏa tiển chống radar vào mục tiêu, lập tức họ tắt radar, làm mất chùm tia điện từ tự dẫn của đầu tự dẫn hỏa tiển Israel. Trong trường hợp này, người Israel phóng lên không trung loại UAV có bộ chỉ thị mục tiêu laser và phi cơ tấn công, trang bị các hỏa tiển có đầu tự dẫn bằng laser AGM-65 Maverick. Ngay sau khi đánh trúng đài radar, khẩu đội SAM lúc này đã bị mù, sẽ bị tấn công bằng bom chùm, bom sẽ phá hủy bệ, đạn SAM cũng như các phương tiện vận tải của tổ hợp.

Việc sử dụng bất thường như vậy các UAV và các
phi cơ Phantom, kết hợp hoàn hảo với E-2C và Boeing 707, cho phép người Israel tiêu diệt hầu hết các khẩu đội SAM trong khu vực, do đó lấy đi của các lực lượng tăng thiết giáp Syria sự yểm trợ từ trên không.

Sự thành công chưa từng có của các hoạt động KQ này, không nghi ngờ gì nữa, được củng cố bởi kinh nghiệm của các sự kiện người Israel thu nhận được trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, khi Israel không kích chớp nhoáng lò phản ứng hạt nhân của Iraq, đang xây dựng ở Tammuz, cách thủ đô Baghdad khoảng 20 km. Cuộc tập kích, ngày 09 tháng 6 năm 1981, được thực hiện bởi nhóm tám chiếc F-16 và F-15 , bay ở độ cao rất thấp. Chúng bay qua phía bắc Saudi Arabia, dọc theo biên giới Jordanie, không phận Iraq, thẳng tiến đến tận Tammuz. Tấn công xong mục tiêu và không bị kháng cự, chúng bay thẳng qua Jordanie, quay trở về Israel. Là kết quả của một kế hoạch chu đáo và sử dụng ECW, các
phi cơ Israel đã lẫn tránh thành công sự phát hiện của các trạm radar giám sát của Saudi, Iraq và Jordanie, cũng như những radar trên phi cơ tiên tiến nhất của các phi cơ AWACS của Saudi Arabia, mà Không lực Hoa Kỳ cho họ thuê theo hợp đồng !

Sơ đồ không kích của Israel tiêu diệt hệ thống phòng không "Feda" ngày 9 tháng 6 năm 1982 tại thung lũng Bekaa.

Ở Lebanon, các phi công Israel lần đầu tiên sử dụng một chiến thuật không chiến mới nữa, để tấn công trong giai đoạn tấn công cuối cùng vào
phi cơ địch từ bên sườn, nhằm tăng diện tích mục tiêu.

Còn trên mặt đất, các kết quả đã đạt được nhờ sử dụng máy đo xa laser, hệ thống chỉ thị mục tiêu laser và ATGM TOW điều khiển bằng dây dẫn, tất cả chúng đều được máy tính kiểm soát. Tại một trong những trận đánh đầu tiên giữa xe tăng Israel và các đơn vị tiền tiêu của hai lữ đoàn thiết giáp Syria, xảy ra vào ngày 9 ở phía nam thung lũng Bekaa, người Syria mất khoảng sáu mươi T-55 và T-62. Ngày hôm sau, sâu hơn trong thung lũng Bekaa, ở phần phía bắc của nó, diễn ra một trận đánh lớn giữa 300 - 400 xe tăng Israel và cùng một số lượng như vậy các xe tăng Syria T-55, T-62 và T-72, triển khai dọc tuyến đường Beirut - Damascus. Trong trận chiến có sự tham gia của pháo binh và trực thăng Israel, cũng trang bị ATGM TOW, và theo người Israel, toàn bộ xe tăng Syria đã bị loại khỏi vòng chiến, nhiều xe bị đánh chiếm.

Lo lắng bởi các đặc tính kỹ-chiến thuật kém của
phi cơhỏa tiển chuyển giao cho Syria, phía Liên Xô ngay lập tức phái đến Lebanon một đội ngũ chuyên gia đứng đầu là Phó Tư lệnh Không quân Xô viết, sau đó vận chuyển về Liên Xô một xe tăng T-72 bị phá hủy để kiểm tra.

Như là bước đầu tiên trong việc bù đắp cho thiệt hại SAM "Kub", Không quân Nga cung cấp cho KQ Syria nhiều tổ hợp SAM "Osa" và "Strela -1". Tổ hợp SAM "Strela -1" lần đầu tiên ra mắt tháng 11 năm 1975 tại cuộc diễn binh quân sự hàng năm nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Vì vậy, nó không hề là vũ khí mới, nhưng tại Li-băng, gần như ngay lập tức,  ngày 25 tháng 6, nó đã bắn hạ thành công một F-4 Phantom, có lẽ vì chiếc Phantom không được trang bị đúng cách để phản ứng với mối đe dọa hồng ngoại mới. Sau đó, người Do Thái đã thành công trong việc chiếm được bộ khí cụ SAM "Osa" và "Strela-1", cũng như tăng T-72 của Liên Xô, mà ở phương Tây thực sự người ta chưa biết gì. Điều này dẫn đến sự phát triển các công cụ ECW, cho phép người Israel trong tháng 9 năm 1982 phá hủy được năm hoặc sáu khẩu đội SAM tại Li-băng.

Nói chung, các trận đánh ở thung lũng Bekaa đã chứng minh tính hiệu quả của việc sử dụng phối hợp các vũ khí điều khiển bằng sóng radio, cùng với sự lặp đi lặp lại không ngừng các biện pháp EW. Nhưng trên hết, các trận chiến trên không và trên mặt đất, cùng nhau đưa ra hình mẫu đầu tiên của một cuộc chiến tranh "quy mô thời gian thực"; một cuộc chiến tranh mà trong đó trinh sát đường không, phân bố các kết quả của nó cho các lực lượng tấn công và bản thân các đòn tấn công được thực hiện gần như đồng thời trong một chuỗi kế tiếp nhanh chóng, được phối hợp rất nhuần nhuyễn với việc sử dụng rộng rãi các hệ thống EW. Các kết quả xuất sắc mà người Israel đạt được cho thấy khái niệm mới của chiến tranh trong "thời gian thực", được hỗ trợ bởi việc lập kế hoạch chính xác các chiến dịch EW, trở thành chìa khóa cho thành công của họ. Bộ chỉ huy của tất cả các nước cần phải xem xét các sự kiện xảy ra ở thung lũng Bekaa vào tháng Bảy năm 1982, vì chúng sẽ làm sáng tỏ trận chiến trong tương lai sẽ như thế nào.

22.1. Các chiến dịch đường không của Pháp và Mỹ tại Li-băng

Super Etendard chuẩn bị được phóng từ hàng không mẫu hạm Clemenceau (R98), ảnh chụp ngày 16 tháng 7 năm 1997.

Chiến thắng của người Israel ở thung lũng Bekaa vào năm 1982, cũng như các chiến thắng trước đó của họ vào năm 1967 và năm 1973, không giải quyết được điều gì ở Trung Cận Đông. Tại Lebanon, cuộc chiến đẫm máu vẫn tiếp tục như vậy. Trong suốt năm 1983 đã diễn ra một chuỗi dài các cuộc đụng độ giữa các phe phái đối địch, các cuộc tấn công, các cuộc đụng độ đẫm máu, các cuộc không kích, các
phi cơ và UAV của Israel bị bắn rơi và cuối cùng là đỉnh điểm - một vụ nổ kinh hoàng sử dụng một chiếc xe tải đậu tại chỗ chứa chất nổ khủng bố doanh trại lính Pháp và Thủy quân lục chiến Mỹ thuộc lực lượng quốc tế duy trì hòa bình vào tháng Mười năm 1983, làm chết và bị thương hàng trăm người.

Đương nhiên, chẳng phải chờ lâu, cuộc trả thù đã bắt đầu. Người Pháp đáp trả đầu tiên. Vào buổi trưa ngày Thứ Năm 17 tháng 11 năm 1983, từ
hàng không mẫu hạm "Clemenceau" đang đi ngoài khơi cách bờ biển Lebanon khoảng 160 km, tám phi cơ Super Etendard cất cánh. Các phi cơ tiến sâu vào đất nước tới Baalbek để tấn công các doanh trại cũ Lebanon của Sheikh Abdullah, trong đó có các tình nguyện viên Hồi giáo, bị nghi ngờ chính họ tổ chức cuộc tấn công đẫm máu vào doanh trại của quân dù Pháp.

Diện tích mục tiêu mà các phi công Super Etendard phải đối phó là rất nhỏ, do đó, vài ngày trước, đã tiến hành trinh sát ảnh đường không rất kỹ lưỡng. Mệnh lệnh về việc thi hành nhiệm vụ được phát đi từ Paris, nhưng việc lựa chọn ngày xuất kích được trao lại cho Phó Đô đốc Klotz đang ở trên
hàng không mẫu hạm "Clemenceau", tùy thuộc vào điều kiện thời tiết tại khu vực và các yếu tố khác.

Mỗi một trong số tám chiếc Super Etendard mang một bom 400 kg và ba bom 250 kg. Yểm trợ từ trên không được bảo
đảm bởi hai phi cơ tiêm kích F-8E Crusader Pháp bay cao hơn Super Etendard, vừa bảo vệ chúng, vừa sẵn sàng can thiệp một khi phi cơ Syria xuất hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, khả năng thành công của chiến dịch này là rất thấp khi không có sự bảo đảm của các phi cơ EW hoạt động từ khu quần vòng.

Không có gì bí mật chuyện người Syria, với sự giúp đỡ của người Nga, đã tạo ra một hệ thống phòng không chưa từng có để bảo vệ không phận Lebanon, gồm: các tổ hợp SAM S-75 với cự ly diệt mục tiêu 40-50 km, các tổ hợp S-125 - tầm bắn 25-30 km, các tổ hợp SAM S-200 (đặt căn cứ tại Syria) - có tầm bắn 300 km, các tổ hợp SAM "Kub" - tầm bắn 30-60 km và tổ hợp SAM "Osa" - tầm bắn 13 km (tất cả có radar kiểm soát hỏa lực), các tổ hợp MANPADS có đầu tự dẫn hồng ngoại "Strela-2M" - tầm bắn 10 km và tổ hợp SAM mới nhất có đầu tự dẫn kết hợp IR / radar "Strela-1" - tầm bắn 8 km; cùng rất nhiều khẩu đội PPK 23mm ZSU-23-4 và 57mm ZSU-57-2 (cả hai đều có radar kiểm soát hỏa lực).

Sự cần thiết trang bị cho
phi cơ các hệ thống tác chiến điện tử là điều hiển nhiên và trên hàng không mẫu hạm "Clemenceau" R98 không có phi cơ nào như vậy, vì thế người Pháp kêu gọi sự trợ giúp của Hạm đội 6 Hải quân Hoa Kỳ, hạm đội này đang đi trong vùng biển phía đông Địa Trung Hải đã được một thời gian. Để hỗ trợ gây nhiễu từ khu vực quần vòng cho họ, người Mỹ điều động cho người Pháp các phi cơ EA-6B Prowler; trong suốt chuyến bay của các phi cơ Super Etendard, phi cơ Prowler đã gây nhiễu các đài radar giám sát và radar dẫn bắn của đối phương trong khi bản thân ở bên ngoài cự ly diệt mục tiêu của họ.

EA-6B Prowler gắn các ECM pod

Với sự giúp đỡ của các hệ dẫn đường INS của mình, các phi công Pháp đã bay chính xác tới mục tiêu và thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ, mỗi nhóm vào công kích lần lượt từng đợt, ban đầu theo nhóm 2 chiếc, tiếp theo 4 chiếc và lại nhóm 2 chiếc. Sáu chiếc đầu tiên thả bom của mình đúng theo kế hoạch, nhưng hai chiếc cuối cùng phải ngừng cuộc không kích do lưới lửa
phòng không dày đặc từ mặt đất.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, viên chỉ huy trung đoàn KQ Pháp đã quyết định một cách hợp lý rằng, vì hệ thống phòng không to lớn của người Syria đang sẵn sàng chiến đấu, sẽ là không khôn ngoan khi phái
phi cơ trinh sát ảnh Etendard IVP đến để xác nhận kết quả cuộc không kích. Tuy nhiên, nhiệm vụ đã được hoàn thành 100% một cách thành công về mặt kỹ thuật thuần túy.

Một vài tuần sau, ngày 04 Tháng Mười Hai năm 1983, người Mỹ đã tiến hành không kích-trả đũa chống lại các trận địa phòng không của Syria, mà trong vài ngày vừa qua, đã tấn công một
phi cơ trinh sát Mỹ tuần tra trong khu vực. Vào lúc bình minh, mười sáu chiến đấu cơ A-6E Intruder và mười hai phi cơ A-7E Corsar cất cánh từ hàng không mẫu hạm "JFK" và "Independence". Như thường lệ, đối với loại hình nhiệm vụ được gọi là áp chế phòng không, đầu tiên cất cánh lên không trung là phi cơ AWACS E-2C Hawkeye để giám sát từ khu vực quần vòng và phát hiện các trận địa SAM Syria. Hơi lệch sang một bên, làm nhiệm vụ bảo đảm tuần tra chiến đấu, bay kèm hộ tống chúng có một số phi cơ tiêm kích F-14 Tomcat. Những chiếc cuối cùng, nhưng không phải kém quan trọng nhất, tất nhiên là EA- 6B Prowler, chúng cất cánh lên không trung để gây nhiễu radar đối phương.

Nhiệm vụ áp
chế các khẩu đội phòng không Syria được phân chia giữa các phi cơ A-7E Corsar và A-6E Intruder : loại đầu tiên tấn công các radar của tổ hợp SAM và PPK bằng hỏa tiển chống radar Shrike, loại sau công kích tiêu diệt trận địa phóng đạn hỏa tiển phòng không có điều khiển.

Tuy nhiên, chuyến bay của một nhóm
phi cơ bay lớn như vậy không thoát khỏi sự chú ý của các  tuần dương hạm và tàu-do thám của Liên Xô, họ vẫn như thường lệ, bám theo các đơn vị của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ như một cái bóng. Có lẽ vì sợ có thêm một thất bại mà trong đó các vũ khí họ cung cấp cho Syria có thể bị phá hủy, đồng thời mạng sống của các cố vấn quân sự Liên Xô trong khu vực này có thể gặp nguy hiểm, người Nga ngay lập tức qua radio thông báo cho Damascus về cuộc xuất kích của một nhóm phi cơ lớn của Mỹ. Vậy là, người Syria có thời gian cần thiết để chuẩn bị tiếp đón các phi công của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ một cách thích hợp.

Các sĩ quan trung đoàn TLPK 231 Liên Xô bên tổ hợp S-200VE «Vega-E» tại Syria năm 1983.

Do đó,
phi cơ Mỹ đã đụng độ với khoảng bảy mươi khẩu đội SAM Syria và vô số các khẩu đội phòng không, đang chờ đợi chúng trong trạng thái hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Chúng bước vào tấn công theo một hàng dài, điều đó cho phép người Syria dễ dàng điều chỉnh hỏa lực của họ. Các trắc thủ radar Syria chỉ bật radar của họ một cách định kỳ, mà điều này có nghĩa là không phải tất cả đạn SAM đều có thể được phóng. Trong vòng mười bốn hay mười lăm phút diễn ra cuộc tấn công, bắn vào các phi cơ Mỹ ít nhất có bốn mươi hỏa tiển và vô số đạn pháo. Khi những chiếc phi cơ Mỹ quay trở lại các hàng không mẫu hạm, trong đội hình của chúng thiếu một chiếc A-6E và một chiếc A-7E, và còn một chiếc nữa bay với một phần ống xả bị hư hỏng vì hỏa tiển có đầu tự dẫn hồng ngoại. Phi công của chiếc A-7E bị bắn rơi đã nhảy dù thành công và anh ta đã được một tàu tuần tra Lebanon vớt trên biển gần Dzhuniyakha. Phi công bị bắn rơi của một chiếc A-6E hai chỗ ngồi đã chết, viên hoa tiêu bị bắt làm tù binh, nhưng được phóng thích vào ngày 03 Tháng 1 năm 1984, sau nhiều tháng bị giam giữ.

Theo tuyên bố của đại diện Hải quân Hoa Kỳ, mục tiêu chiến dịch đã đạt được và các cuộc tấn công tiếp theo của người Syria vào các
phi cơ trinh sát Mỹ đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, việc mất hai  bị nhiều người coi là sự xúc phạm đối với Hải quân Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi các phi cơ Israel từng hai lần, ngày 3 và ngày 4 tháng 1 năm 1984, thực hiện các cuộc không kích vào Li-băng mà không bị thiệt hại. Trong cuộc không kích đầu tiên vào một trại huấn luyện ở Baalbek của các lính tình nguyện Hồi giáo, có sự tham gia của mười hai chiếc phi cơ; và chỉ có bốn trong số đó - là oanh tạc cơ Kfir của Israel sản xuất, thực hiện công kích, trong khi tám chiếc còn lại làm nhiệm vụ bảo đảm yểm trợ trên không và hộ tống ECW (gây nhiễu radar đối phương và thả PRLO cùng bẫy hồng ngoại). Trong cuộc không kích thứ hai có mười sáu phi cơ Israel tham gia, nhưng lần này chỉ có hai trong số đó công kích, số mười bốn chiếc còn lại được sử dụng để hộ tống tầm xa và bảo đảm một hàng rào bảo vệ cho những oanh tạc cơ bằng PRLO, các khí cầu chứa khí nóng và các bẫy hồng ngoại.

Máy bay Mirage V của KQ Do Thái quần đảo trên cao nguyên Gô-lan

Không nghi ngờ gì nữa, các cuộc không kích của người Mỹ đã được so sánh với các cuộc không kích của người Israel và người Pháp; gần như tất cả đều nhất trí rằng sự khác biệt không phải ở trình độ của phi công, không phải ở đặc điểm kỹ chiến thuật máy bay của họ, không phải ở chiến thuật họ sử dụng, mà chỉ ở các công cụ đối kháng được dùng. Như người phát ngôn Hải quân Hoa Kỳ có nói, lý do cho việc mất hai
phi cơ Mỹ và làm bị thương chiếc thứ ba, là các sửa đổi của người Nga đối với các cảm biến hồng ngoại các tổ hợp SAM "Strela-2M" và "Strela-1" của họ. Chúng đã trở nên chính xác hơn. Và quả thực, các bước sóng làm việc và các bộ lọc của cảm biến đã được thay đổi, cho phép hỏa tiển tự dẫn tới luồng lửa phụt của động cơ máy bay mà không phản ứng với bẫy hồng ngoại người Mỹ phóng ra. Sự sửa đổi này, do ngành công nghiệp điện tử Liên Xô đưa ra, tuy nhiên đã được dự đoán, khi ta tính đến độ nhạy cảm cao của đạn hỏa tiển có điểu khiển của tổ hợp SAM "Strela-2" đối với biện pháp đối kháng-hồng ngoại, đã lộ rõ trong tất cả các cuộc xung đột bắt đầu từ cuộc chiến tranh Yom-Kippur. Lý do sự nhạy cảm này của đạn SAM có đầu tự dẫn hồng ngoại nằm ở chỗ cảm biến bức xạ nhiệt không được làm mát sẽ dễ dàng "buông" việc "khóa"  nhiệt của phi cơ, mà bị hút sang bẫy-IR có năng lượng nhiệt lớn hơn. Theo các chuyên gia Hải quân Mỹ, phiên bản mới của "Strela-2M" có các tính năng sau đây:

- Cải tiến bộ lọc, phân biệt tốt hơn mục tiêu thực và giả;
- Thay đổi bước sóng hoạt động;
- Cảm biến được làm mát có độ nhạy tốt hơn.

Các cải tiến tương tự cũng đã được thực hiện trong đầu tự dẫn hồng ngoại tổ hợp SAM "Strela-1", đặt trên một xe bánh hơi bốn bệ phóng, khác với "Strela-2M", vốn là một hệ thống MANPADS. Để cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu của tổ hợp SAM "Strela-1" mới, trên xe người ta gắn radar Gun Dish, nó bảo đảm cung cấp cho hệ thống độ chính xác rất ấn tượng. Radar tìm diệt này cũng được sử dụng để điều khiển xạ kích cho xe phòng không Nga gắn pháo cao xạ cỡ 23 mm 4 nòng ZSU-23-4 "Shilka".

Có khả năng là ngoài việc triển khai toàn bộ các loại hệ thống phòng không của Liên Xô từ S-75 đến "Strela-1", người Syria còn triển khai cả các tổ hợp SAM hiện đại nhất : S-300, "Buk" và "Strela-10" được thiết kế để thay thế các tổ hợp SAM 2K11 "Krug", "Kub", "Strela-1", một cách tương ứng.

Để đối kháng lại một tập hợp ấn tượng như vậy các phương tiện phòng không, các máy bay A-6E và A-7E của người Mỹ, tuy vậy cũng mang theo một tập hợp không kém ấn tượng các phương tiện ECM cài đặt trên
phi cơ, giống như những chiếc phi cơ của Không quân Israel. Có thể các phi cơ Mỹ A-6E và A-7E có các thiết bị sau : hai máy phóng đối kháng AN/ALE-39, mỗi máy có khả năng bắn rải ba mươi băng PRLO RR-129 và ba mươi bẫy IR; thiết bị RWR AN/ALR-45 có khả năng tự động phóng PRLO; máy phát đánh lạc hướng  AN/ALQ-I26 - bản phát triển tiếp theo của AN/ALQ-IOO.

AN/AAQ-13 LANTIRN navigation pod gắn trên F-15E (trái) và màn heads-up display thể hiện ảnh hồng ngoại từ AN/AAQ-13 LANTIRN navigation pod (phải).

Tuy nhiên, ngoài các khí cụ này,
phi cơ Israel còn có một phương tiện đối phó hồng ngoại  khá đơn giản, mà các phi cơ Mỹ A-6E và A-7E không có. Nó là phễu xả kéo dài của động cơ phản lực mà nhiệm vụ dự kiến là để bảo đảm rằng đạn hỏa tiển phát nổ tại một khoảng xa đáng kể cách các yếu tố quan trọng sống còn của kết cấu máy bay, giúp giảm hậu quả thương vong ảnh hưởng đến sự sinh tồn của máy bay. Người Israel đã sử dụng thiết bị này cả trên F-16 Fighting Falcon của họ do Mỹ cung cấp. Thật không may, thiết bị đó không thể sử dụng cho các  trên hàng không mẫu hạm,vì với một ống xả phản lực dài như vậy, chiếc phi cơ không phủ hợp với kích thước tiêu chuẩn của máy nâng, được sử dụng để vận chuyển phi cơ giữa hầm chứa (hangar) và boong bay (flight deck).

Tuy nhiên, người Mỹ có một hệ thống đối kháng hồng ngoại AN/ALQ-123 để đánh lừa đầu tự dẫn hồng ngoại của
hỏa tiển. IR-ECM hoạt động tương tự như phương tiện đối kháng  radar có chức năng quét hình nón. Trong thực tế, hệ thống phát ra chế áp hồng ngoại phát ra bức xạ ra hồng ngoại được điều chế một cách thích hợp, mà khi kết hợp với năng lượng nhiệt (năng lượng hồng ngoại) phát ra từ phễu xả động cơ phản lực phi cơ sẽ tạo ra tín hiệu mục tiêu lệch hướng về góc, bắt đầu tự dẫn hỏa tiển nhắm mục tiêu theo hướng sai.

Thế nhưng cho đến nay (thời điểm sách xuất bản: 1985), kể cả AN/ALQ-I23 lẫn bẫy hồng ngoại đều chưa đủ hiệu quả để
phi cơ bảo đảm sự sinh tồn của các phi công trên các phi cơ được trang bị phương tiện IR-ECM, vì phi công không bao giờ biết chính xác khi nào các hệ thống ấy hoạt động. Mỗi chiếc phi cơ chỉ mang theo được một số lượng hạn chế bẫy hồng ngoại, mà có thể trong một số trường hợp, được bắn ra trước khi tình hình đạt đến điểm có độ nguy hiểm cao nhất. Một hệ thống đối kháng chủ động khác, thậm chí có thể gây phản-hiệu quả nếu dùng quá sớm hoặc không sử dụng đúng thời điểm thích hợp.

AN/ALQ-211(V)9 của Mỹ cung cấp cho F-16 KQ Pakistan năm 2011

Giải pháp duy nhất cho vấn đề này - đó là một máy thu hiệu quả của thiết bị cảnh báo sớm hồng ngoại IR-RWR hoặc IRWR. Tuy nhiên, có lẽ nhược điểm chính của IRWR - xác suất cảnh báo sai mà người Mỹ vẫn chưa thoát khỏi. Thiết bị IRWR hiện đại cực kỳ hiệu quả khi phát hiện nguồn năng lượng nhiệt, song tiếc thay, nhiệt có thể xuất phát từ bất cứ nguồn nào gần đó, mà không phải chỉ từ
hỏa tiển, kết quả là - hệ số báo động giả cao đến mức không chấp nhận được (cùng một vấn đề đặc trưng như thế đối với hỏa tiển có đầu tự dẫn hồng ngoại). Không nhiều quốc gia có thể giải quyết thách thức kỹ thuật khó khăn này và những người giải quyết được nó, tất nhiên sẽ giữ nó trong vòng tối mật nhất.

Với một phân tích sơ bộ, một lần nữa ta có thể tự tin nói rằng hai chiếc
phi cơ của Mỹ bị bắn rơi, và chiếc thứ ba bị bắn hỏng, là vì những thiếu sót trong hệ thống bảo vệ riêng của chúng, mà chưa đủ tinh vi để đối phó với các mối đe dọa mới nhất. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia dành những khoản tiền khổng lồ cho quốc phòng, có hầu hết các mẫu thiết bị tiên tiến trên thế giới, cũng hoàn toàn chưa chuẩn bị kỹ cho Lebanon xét trên phương diện đối kháng hồng ngoại, cũng như điều đó đã xảy ra với ECW trong thời chiến tranh Việt Nam.

22.2. Những bài học mới từ các cuộc xung đột Falklands và Lebanon

Trận địa SAM SA-6 của Syria cạnh đường cao tốc Beirut-Damascus, kiểm soát thung lũng Bekaa, đầu năm 1982.

Các sự kiện được mô tả một lần nữa cho thấy gương mặt của chiến tranh đã thay đổi, trong lĩnh vực quân sự các yếu tố mới và khái niệm chiến thuật mới bắt đầu đóng vai trò của chúng.

Yếu tố mới đầu tiên bắt nguồn từ ứng dụng các công nghệ máy tính. Hải quân Hoàng gia Anh, với truyền thống nhiều thế kỷ chiến tranh rực rỡ trên biển của họ, thành công của họ trong cuộc xung đột Falklands phải chịu ơn công tác tổ chức chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo tuyệt vời. Tích hợp các ngành trên được xác định ở phương Tây như là C3I. Biểu thức thể hiện theo kiểu cấp số nhân (C mũ ba I) được sử dụng để nhấn mạnh hiệu quả cấp số nhân có được khi kết hợp với nhau và tăng cường mạng lưới độc lập chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc.

Trong cuộc chiến tranh trên không, trên biển và trên đất liền, quyết định của người chỉ huy phải nhanh chóng, đặt cơ sở trên sự thông tin chính xác. Các hệ thống máy tính hóa tối tân C3I có khả năng bảo đảm ra quyết định dựa trên các số liệu tình báo trong "quy mô thời gian thực", cần phản ảnh được tình hình sao cho có thể đưa ra đánh giá nhanh chóng và áp dụng những hành động thích hợp nhất một cách kịp thời tương ứng với một hoặc nhiều mối đe dọa.

Israel đã đạt được những kết quả xuất sắc khi sử dụng hệ thống C3I vào các chiến dịch đường không và mặt đất của mình. Và đặc biệt là khi sử dụng phối hợp
phi cơ và UAV để trinh sát trong "quy mô thời gian thực" và tấn công các tổ hợp SAM Syria triển khai ở thung lũng Bekaa. Hệ thống C3I cho phép Israel có được tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến các hành động của đối thủ và truyền thông tin về bộ chỉ huy mà không hề chậm trễ.

Một yếu tố khác cũng tạo thuận lợi rất nhiều cho thành công của người Israel ở Lebanon, là việc sử dụng phối hợp ECW chống lại hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc của đối phương. Sự đối kháng như vậy, không phải chỉ là đối kháng điện tử, được viết tắt là C3CM.

Trong tất cả các cuộc xung đột giữa người Ả Rập và Israel mười năm qua, người Do Thái chịu tổn thất nhỏ hơn, nhưng họ chưa bao giờ đạt đến tương quan có lợi cho họ như trong trận chiến với người Syria ở Lebanon. Tỷ lệ tổn thất về
phi cơ là hơn 50:1, việc chế áp toàn bộ mạng lưới các tổ hợp SAM của Syria ở thung lũng Bekaa, tổn thất rất nhỏ của binh sĩ quân đội mình và sự phá hủy một số lượng lớn xe tăng địch như vậy, có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhưng hai yếu tố chính trong đó - chiến thuật tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn.

Tuy nhiên, lần này, cũng có nhiều yếu tố bổ sung. Đầu tiên - việc sử dụng phối hợp trên quy mô lớn ECW và các hệ thống vũ khí chống lại các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc của đối phương. Trước đó không lâu và ngay trước khi bắt đầu trận chiến, các hệ thống vũ khí và phương tiện ECW được sử dụng chống lại radar, hệ thống thông tin liên lạc, các đầu mối chỉ huy và kiểm soát của đối phương, để chung cuộc làm tê liệt kẻ thù, khiến đối phương bằng bất kỳ cách nào cũng không thể nghe, nhìn và duy trì thông tin liên lạc. Có thể thấy rõ ràng, phải tiến hành chiến tranh điện tử thế nào, khi khai thác tối đa lợi thế của nguyên tắc C3CM và sử dụng tình báo trong "quy mô thời gian thực" một cách toàn vẹn. Người Israel đã thể hiện trình độ phối hợp rất cao giữa UAV, dẫn đường và kiểm soát các
phi cơ của họ với việc sử dụng phi cơ E-2C, gây nhiễu radar và thông tin liên lạc thông qua việc sử dụng máy bay Boeing 707, và cuối cùng là các biện pháp thực sự trực tiếp phá hủy khí cụ trang bị kỹ thuật, chẳng hạn như việc sử dụng các phi cơ trang bị hỏa tiển chống radar và các UAV nhồi đầy thuốc nổ, được dẫn đến các radar và các khẩu đội SAM "Kub" của đối phương.


E-2C Hawkeye phi đoàn 111 KQ Israel năm 2008

Nếu hệ thống C3CM vẫn tiếp tục tiến triển với tốc độ tương tự như các năm trước, sẽ sớm đến lúc khi mà cuộc chiến có thể thắng thậm chí trước khi nó được bắt đầu ! Sẽ là đủ để sử dụng các phương tiện ECW và vũ khí thích hợp (
hỏa tiển chống radar, đạn phá hủy hệ thống ăng-ten, v.v) ngay trước khi khởi đầu trận chiến, để làm tê liệt "bộ não và hệ thống thần kinh trung ương" của kẻ thù - hệ thống C3I của họ. Ngoài ra, việc sử dụng máy tính và các bộ vi xử lý đã cách mạng hóa kỹ thuật điều khiển hỏa lực và dẫn đường cho hỏa tiển, làm cho các loại vũ khí hiện đại trở nên chính xác hơn.

Các sự kiện tại quần đảo Falkland và Lebanon cũng chỉ ra rằng trong các trận không chiến  tương lai sẽ cần phải có radar cảnh báo sớm trên
phi cơ (AEW). Việc người Israel sử dụng hợp lý E-2C Hawkeye để phát hiện và theo dõi các phi cơ chiến đấu của Syria từ thời điểm họ cất cánh tại căn cứ của họ, cùng với việc sử dụng các hệ thống trinh sát vô tuyến thụ động để phát hiện và nhận dạng radar và các vị trí hỏa tiển của đối phương - là hai yếu tố quan trọng nhất trong thành công của họ. Ngược lại, người Anh cảm thấy rất thiếu khả năng cảnh báo sớm trong suốt cuộc chiến tranh Falklands, do đó các chiến hạm của họ đã bị bất ngờ với các phi cơhỏa tiển của đối phương.

Trong chiến dịch tại Li-băng, giá trị của các UAV đã được chứng minh cả khi tiến hành chiến tranh điện tử, không nghi ngờ gì nữa, chúng sẽ có ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai (trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999, lực lượng NATO đã sử dụng phổ biến các UAV, chủ yếu là của Mỹ như Hunter, Predator, Pioneer, và CL-289, Crecerelle và phiên bản
hỏa tiển hành trình Tomahawk, để thực hiện trinh sát ảnh và trinh sát điện tử vào sâu trong lãnh thổ đối phương. 23 chiếc trong số chúng đã bị bắn hạ. Chú thích của người dịch bản tiếng Nga).

Quân đoàn viễn chinh hiện đại cần phải có một hệ thống phòng không tích hợp gồm các hệ thống, tạo thành một loạt các vòng tròn đồng tâm giảm dần bán kính. Hội tụ từ chu vi bên ngoài vào trung tâm quân đoàn viễn chinh, các vòng tròn đó có các yếu tố sau đây:
- Radar cảnh báo sớm đặt trên
phi cơ (AWACS, E-2C, v.v) gắn kết với các phi cơ tiêm kích ngăn chặn trực chiến trên không trung thuộc hệ thống phòng không để tiêu diệt các phi cơ đối phương trước khi chúng ở trong các giới hạn của khu vực sử dụng hỏa tiển hoặc bom; hệ thống giám sát lắp trên các chiến hạm và trực thăng được triển khai cách xa các lực lượng chính của Quân đoàn viễn chinh một cự ly nhất định và được trang bị các khí cụ trinh sát vô tuyến điện tử tầm xa DRTR (ESM) để phát hiện và nhận dạng các mối đe dọa; radar hải quân để tìm kiếm các mối đe dọa và chỉ thị mục tiêu; các thiết bị phát nhiễu để gây nhiễu radar giám sát và ngăn chặn, hoặc ít nhất, giữ chậm phi cơ địch.
- Hệ thống
hỏa tiển phòng không và pháo phòng không tầm xa và tầm trung, có nhiệm vụ tiêu diệt bất kỳ máy bay nào có thể vượt qua các phương tiện phòng thủ nói trên;
- Các trực thăng ECW để tạo ra các mục tiêu radar nhân tạo giả sai và rải PRLO và bẫy hồng ngoại;
- Các phương tiện trinh sát hồng ngoại chi tiết (IRSM) để phát hiện
hỏa tiển bay thấp và / hoặc các phi cơ theo bức xạ nhiệt của chúng, và để chỉ thị chính xác mục tiêu cho vũ khí;
- Các máy phát nhiễu mô phỏng
hỏa tiển  đang tấn công, các máy phát nhiễu mô phỏng chống-hỏa tiển và dùng một lần để đánh lừa đầu tự dẫn hỏa tiển và máy phát nhiễu để các tàu chiến sử dụng khi tấn công hỏa tiển;
- Các pháo chống
hỏa tiển tối tân (hệ thống vũ khí cận chiến - CIWS).

Tàu chiến lớp "Sheffield" - tàu khu trục đề án 42, chắc chắn có thể được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử
tối tân hơn so với những thứ họ đã thực sự được trang bị, vì các hệ thống như vậy đã được ngành công nghiệp quốc phòng Anh chế tạo. Lý do tại sao những con tàu đó không được trang bị các thiết bị tối tân nhất, có lẽ nằm trong việc cắt giảm thông thường ngân sách quốc phòng Anh. Hải quân Hoàng gia cho rằng tốt nhất là trang bị các thiết bị EW tối tân nhất cho các tàu mới được đóng về sau, còn hơn là nâng cấp loại tàu kiểu 42 hiện có.

Ngoài ra, các chiến hạm của Quân đoàn Viễn chinh đã trải qua cả các nhược điểm của các hệ thống hồng ngoại thụ động
tối tân phát hiện phi cơ, trước hết là các hỏa tiển bay thấp "là là đỉnh sóng". Hệ thống tìm kiếm hồng ngoại, toàn cảnh, tối tân, tất nhiên, sẽ cho phép các tàu Anh quốc phát hiện và định vị hỏa tiển Exocet, thậm chí bay ở độ cao cực thấp, vì các hệ thống hồng ngoại, không giống như radar, hoạt động ổn định trước nhiễu.

Các sự kiện tại quần đảo Falkland cho ta một bài học quan trọng, đó là để phát hiện mối đe dọa chết người của các
hỏa tiển tối tân, các tàu chiến không còn có thể dựa vào hệ thống radar và trinh sát kỹ thuật vô tuyến on-board hiện có, mà cần phải hướng tới tất cả các thành tựu và cải tiến mới nhất được các công nghệ tối tân cung cấp. Bổ sung cho các hệ thống IRSM nói trên, hạm đội phải được trang bị các máy phát tối tân, sử dụng một lần của các hệ thống ECW - ví dụ, các máy phát nhiễu gây lạc hướng chống hỏa tiển chống hạm được phóng ra bằng hỏa tiễn; và cả các phi cơ trực thăng-gây nhiễu, khi lợi dụng ưu thế  cơ động của mình cần phải được bố trí giữa mối đe dọa và các con tàu được bảo vệ, phát nhiễu và đánh lừa hỏa tiển và phương tiện mang chúng.

Thực tế chỉ ra rằng trong tất cả các trận không chiến và hải chiến tại quần đảo Falkland, sự kết hợp của
hỏa tiển, phi cơ, phương tiện mang, trong trường hợp này là Exocet-Super  Etendard, thực sự đã cách mạng hóa cuộc chiến tranh trên biển. Tuy nhiên, về các khả năng kỹ thuật của sự kết hợp này chống lại các tàu chiến trong cuộc xung đột Falklands, không có kết luận quan trọng nào có thể rút ra, vì việc phân tích chi tiết cho thấy rằng phần lớn các tàu chiến Anh tổn thất ở Nam Đại Tây Dương, đi xuống đáy do khả năng sinh tồn trong chiến đấu chưa đủ và chưa hoàn thiện các hệ thống phòng chống hỏa hoạn của chúng.

Cuộc chiến giành quần đảo Falkland, giống như các cuộc chiến tranh hiện đại trước đây, đã được thảo luận trong cuốn sách này, ngoài ra còn tiết lộ những thiếu sót trong lĩnh vực tình báo. Mặc dù có dấu hiệu rõ ràng về các hoạt động chiến đấu sắp xảy ra của Argentina chống Quần đảo Falkland, Vương quốc Anh không dự đoán được cuộc xâm lược. Sẽ là đủ nếu phái các tàu ngầm hạt nhân và nhiều
phi cơ và chiến hạm đến trước để ngăn cản người Argentina bắt tay thực hiện các hành động, mà như các sự kiện đã qua cho thấy, chắc chắn gặp thất bại.

Sai lầm lớn nhất của phía Argentina là đánh giá thấp phản ứng của Anh quốc. Họ tự lừa dối mình, khi tin rằng sự việc đã rồi sớm hay muộn sẽ được người Anh chấp nhận, những người mà trong các thập kỷ vừa qua, đã đánh mất các lãnh thổ còn quan trọng hơn quần đảo Falkland, và những người đang trên ngưỡng tiếp tục giảm mạnh hạm đội của mình.

Tuy nhiên, ở cấp độ chiến dịch, công tác trinh sát rất được quan tâm, đặc biệt là người Anh và nó đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến kết quả cuộc chiến giành quần đảo Falkland. Thật vậy, khi sử dụng nhiều nguồn khác nhau và đa dạng về kỹ thuật, quân đội Anh luôn luôn có thông tin tốt hơn về mức độ chuẩn bị của các lực lượng vũ trang Argentina, sự phân bố của họ, chiến thuật và ý định so với chất lượng và số lượng thông tin mà người Argentina có về lực lượng Anh. Có thể nói chắc chắn rằng, tình báo Anh đã có ảnh hưởng lớn đến kết quả của các trận đánh trên đất liền giành quần đảo Falklands và nếu không có sự đóng góp của họ, trận chiến của người Anh sẽ còn kéo dài lâu hơn nhiều.

Nhìn chung, kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Falklands đã chứng minh sự cần thiết phải có thông tin chính xác, kịp thời về các đặc điểm kỹ thuật, chiến thuật của các loại vũ khí và hệ thống cảm biến (nghĩa là radar, các hệ thống hồng ngoại và laser khác) của tất cả các nước trên thế giới, cho dù họ là đồng minh hay kẻ thù tiềm năng. Hơn nữa, chiến tranh đã chứng minh rằng cần phải có nhiều nỗ lực lớn để thu thập và phân tích thông tin liên quan đến tất cả các mối đe dọa tiềm tàng và không chỉ của quốc gia mà những nước phương Tây coi là lớn nhất - Liên bang Cộng hòa Xã hôi Chủ nghĩa Xô Viết.

Các sự kiện tại quần đảo Falkland và Lebanon cũng khẳng định rằng cuộc chiến tranh trên mặt đất đã thay đổi hoàn toàn. Người Anh ở quần đảo Falklands hầu như luôn luôn tấn công ban đêm, sử dụng kính hồng ngoại và các vũ khí được thiết kế đặc biệt cho chiến đấu ban đêm, và sử dụng chiến thuật tấn công đối phương nhanh, bất ngờ, trong khi vẫn không bị phát hiện. Ở Lebanon, người Israel sử dụng các khí cụ chống tăng tiên tiến tự phát triển và chiến thuật tối tân
đã tiêu diệt một số lượng lớn xe tăng T-72 - niềm tự hào của ngành công nghiệp quân sự Liên Xô.

Do đó, để sống sót, các quân đội tân tiến phải bảo đảm rằng chiến thuật của họ phải phù hợp với các phát triển mới nhất trong lĩnh vực công nghệ điện tử và quang điện tử, mà cùng với việc huấn luyện thật chu đáo và tính thiện chiến là những yếu tố đạt chiến thắng trên chiến trường.

Trong không trung,
hỏa tiển không-đối-không AIM-9L Sidewinder được máy bay tiêm kích Anh Harrier áp dụng rất thành công để tiêu diệt phi cơ Argentina và các phi cơ tiêm kích Israel sử dụng chống lại các phi cơ Syria. Đó là một chiến thắng lớn của công nghệ hồng ngoại. Khả năng của phiên bản AIM-9L sửa đổi tiêu diệt được  đối phương từ bất kỳ hướng nào (khả năng tấn công toàn hướng - ALASCA), mà không chỉ từ bán cầu sau, như các mô-đen trước đó của AIM-9, cho các phi công Anh và Israel ưu thế to lớn mà dù dùng  bất kỳ cách nào cũng không bù đắp được bằng sự di chuyển của ngay cả một số Aces của kẻ đich (cần lưu ý rằng Liên Xô vào giữa những năm 70 đã phát triển và đưa vào trang bị hỏa tiển có đầu tự dẫn hồng ngoại R-60, và sau đó là phiên bản của nó R-60M và R-60MK, có khả năng tấn công toàn hướng (всеракурсный). Hỏa tiển có khả năng sử dụng với cự ly tối thiểu 250 mét ở trạng thái quá tải đến 7g, bản thân hỏa tiển chịu được quá tải 42g. Phẩm chất chiến đấu của chúng đã được khẳng định trong các trận đánh giữa các phi cơ Syria và Israel trên bầu trời Lebanon năm 1982. Khi phóng chúng, đã ghi nhận các trường hợp hỏa tiển lao thẳng vào đúng ống xả động cơ phi cơ địch.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp chứng minh người Syria đã tiêu diệt được các
phi cơ Mỹ A-6E và A-7E trên vùng trời Lebanon, việc sử dụng ngày càng tăng công nghệ hồng ngoại, đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất cho các phi công chiến đấu và cường kích. Phi cơ thực hiện nhiệm vụ đột phá phải được trang bị bộ cảnh báo sớm SPRA (IRWR) có khả năng phát hiện hỏa tiển không chỉ vào phút cuối, mà từ thời điểm quả đạn được phóng, để bảo đảm phi công có đủ thời gian áp dụng biện pháp đối kháng điện tử phù hợp và thực hiện lập tức động tác cơ động gấp tránh đạn phòng không.

Panel thông tin hệ thống cảnh báo sớm bị chiếu xạ radar SPO-15LM (СПО-15ЛМ) sử dụng trên một số tiêm kích Liên Xô-Nga như Su-27 và MiG-29

Tàu chiến khó phát hiện
hỏa tiển hơn, vì chúng thường được phóng từ cự ly lớn hơn nhiều so với hỏa tiển không đối không. Do đó, tàu phải có phương tiện SPRA (IRWR) có khả năng phát hiện các hỏa tiển tiếp cận ở độ cao cực thấp, mà do chúng có EPR thấp (RCS - Radar cross-section) cũng như radar và hệ thống định vị dẫn đường của chúng có thể không bức xạ, nên có khả năng tránh được sự phát hiện của radar và hệ thống RTR (ESM) của chiến hạm.

Có lẽ, nhiều khả năng trong tương lai công nghệ tàng hình sẽ được sử dụng để làm cho
phi cơhỏa tiển vô hình hoặc gần như vô hình với radar. Khi điều này xảy ra, radar quan sát nhất thiết phải tích hợp với các hệ thống khác: SPRA (IRWR) và các cảm biến khác được chế tạo trên cơ sở công nghệ mới (Hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ các hoạt động xây dựng mạng lưới phòng không và bố trí phân tán các cảm biến, chẳng hạn như phân tán các máy phát và máy thu radar (bistatic radar) để phát hiện các mục tiêu khó nhận ra hoặc mục tiêu tàng hình. Có lẽ, lần đầu tiên trong một tình thế chiến đấu, một số yếu tố của kỹ thuật này đã được áp dụng trong cuộc xung đột Nam Tư và Kosovo.).

Công nghệ tàng hình dựa trên một số nguyên tắc. Đối với bản thân
phi cơ về mặt vật ký, điều quan trọng là phải giảm dấu hiệu vô tuyến (RF signature) và dấu hiệu hồng ngoại (IR signature). EPR (RCS) của nó, bao gồm cả khả năng của nó tiêu tán năng lượng chiếu xạ và đặc tính nhiễu xạ, là tiêu chí của tính hiệu quả trong phát hiện và tiếp nhận các tín hiệu phản hồi của radar - dấu hiệu (chữ ký) RF của nó phụ thuộc vào hình dạng của phi cơ, kích thước của nó, tính định hướng và đặc tính điện môi của lớp vỏ của nó. Nó có thể giảm bằng cách sử dụng các vật liệu hấp thụ sóng radar (RAM) và lựa chọn hình thức hình học thích hợp (hình dạng và cách bố trí). Để làm ví dụ về sự tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực này có thể dẫn ra việc sử dụng các công nghệ đó trong oanh tạc cơ chiến lược "tàng hình" B-1B của Mỹ và phương tiện mang hỏa tiển không-đối diện ASM, dự kiến phải trang bị cho Không lực Hoa Kỳ vào năm 1987 và có RCS bằng một phần trăm RCS của phi cơ B-52 tương đương với nó về kích thước, và một phần mười RCS (EPR ) của nguyên mẫu B-1A những năm 60-70! (Hiện nay, Không lực Hoa Kỳ đã trang bị : oanh tạc cơ hạng nhẹ F-117A, oanh tạc cơ chiến lược B-2A và đang phát triển các máy bay tiêm kích F-22 và máy bay cường kích JSF, tất cả dựa trên công nghệ tàng hình. Theo tuyên bố của Bộ Chỉ huy Mỹ, hai loại đầu đã được sử dụng thành công trong cuộc xung đột Kosovo. Đã chính thức xác nhận hệ thống phòng không Nam Tư bắn hạ được một và làm bị hư hại nặng một F-117A khác. Các nguồn không chính thức còn cho biết một B -2A bị bắn rơi ở Nam Tư.. Dấu hiệu hồng ngoại của phi cơ hoặc hỏa tiển - tức nhiệt bức xạ bởi động cơ và ống xả phản lực, có thể giảm bằng hệ số hiệu suất nhiệt lớn và che chắn, nhưng không thể loại bỏ hẳn nó. Trong lĩnh vực thiết bị, sử dụng radar bistatic có thể hữu ích, đó là loại radar đặc biệt, máy thu của nó được đặt trên phi cơ tàng hình còn máy phát - trên phi cơ khác hoặc trên mặt đất. Radar bám sát địa hình khu vực, cho phép bay ở độ cao rất thấp và tránh chướng ngại vật nằm thấp dưới khu vực quét của radar trong suốt chuyến bay cả khi đến và khi đi khỏi mục tiêu, dùng nhiễu địa vật để ngụy trang, là thiết bị "tàng hình" tiêu chuẩn được sử dụng, ví dụ, trên các phi cơ chiến thuật Phantom FGR.2 (F-4M) của Không quân Hoàng gia kể từ đầu những năm 70, và những kẻ kế nhiệm nó, trên phi cơ Anh-Pháp hợp tác sản xuất Jaguar GR.1, được thiết kế đặc biệt để bay ở các độ cao thấp. Trong ý nghĩa ứng dụng chiến đấu, nhiều việc có thể thực hiện để bảo vệ các phi cơ bằng công nghệ "tàng hình", đặc biệt bằng việc sử dụng radar bám sát địa hình và lựa chọn biên dạng (profil) đường bay thích hợp nhất bằng các điều kiện truyền sóng radio, tức là liên quan đến bức xạ hồng ngoại và bức xạ RF.

Phantom FGR.2 phi đoàn 23 Không lực Anh quốc tại căn cứ Finningley năm 1977

Một lần nữa, liên quan đến hoạt động của
phi cơ ta cần lưu ý rằng, tổn thất trên không tại quần đảo Falkland, đặc biệt của người Argentina và ở Lebanon, đặc biệt của người Syria, là quá cao so với số lượng phi cơ được sử dụng. Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là hầu hết các phi cơ Argentina và Syria thiếu phương tiện ECW chủ động - các máy phát nhiễu tạp và nhiễu mô phỏng trong dải tần RF và IR, làm cho chúng cực kỳ khó tránh khỏi bị tiêu diệt bởi rất nhiều hệ thống vũ khí phòng không : Sea Dart, Sea Wolf, Sea Cat, Rapier, Roland và Sidewinder. Tất cả những lý lẽ trên đã khẳng định, và chúng ta cũng đã thấy trong các cuộc xung đột trước đó, rằng hệ thống RF và IR là một yếu tố quan trọng trong việc làm giảm tổn thất của phi cơ.

Cuối cùng, cuộc xung đột Falklands và Lebanon đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh bởi vì chúng đã chứng minh rằng EW là một công cụ không thể thiếu cho sự thành công và trong các chiến dịch tấn công cũng như phòng thủ. Đặc biệt, cuộc chiến tại Li-băng đã chứng minh không chút nghi ngờ rằng, kết quả của các trận chiến trong tương lai sẽ phụ thuộc số lượng được sử dụng của các loại
phi cơ, chiến hạm và xe tăng ở mức ít hơn hẳn so với việc phụ thuộc vào chất lượng của chúng, trong đó, tất nhiên có những phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ điện tử (trong cuộc xung đột Kosovo cả hai bên đã sử dụng rộng rãi các phương tiện ECW, tung thông tin giả và trinh sát. Lực lượng NATO sử dụng phổ biến loại phi cơ  gây nhiễu EA-6B Prowler để bảo vệ các chiến đấu, thậm chí cả phi cơ tàng hình, gây nhiễu, các chiến đấu cơ sử dụng máy phát nhiễu mô phỏng và bẫy RF kéo theo và bẫy IR, áp dụng tích hợp các khí cụ radar không gian và hàng không, hồng ngoại và trinh sát ảnh. Đến lượt mình, các lực lượng vũ trang Nam Tư cũng sử dụng phương tiện ECW để gây nhiễu các phi cơ chỉ huy và kiểm soát C-130ABCC và các phi cơ trinh sát-radar chiến trường E-8 JointSTARS, sử dụng rộng rãi các mục tiêu giả: xe tăng, phi cơ, hệ thống hỏa tiển phòng không.

Tuy nhiên, EW không có tính chất thống kê: việc sở hữu đơn thuần của một số phương tiện RTR (ESM) và ECW (REP) nhất định là không đủ để bảo
đảm thành công. EW, đang hoạt động hôm nay có thể không làm việc vào ngày mai và tiến bộ của hệ thống EW phải luôn luôn tương ứng chặt chẽ những thành tựu đạt được trong lĩnh vực các mối đe dọa. Sự phát triển liên tục của công nghệ quân sự ứng dụng, vũ khí điều khiển bằng máy móc điện tử luôn ngày càng tiến gần đến sự hoàn hảo và vì thế cần phải liên tục nâng cấp và cải tiến thiết bị EW (REB).

Tuy nhiên, thật không may, đặc điểm rất năng động và luôn tiến hóa của EW yêu cầu phải có những chi phí tài chính đáng kể, thường xuyên. Nếu một đối thủ tiềm năng thay đổi tần số của một trong những radar của nó, phát triển các phương tiện mới phản-ECW hoặc thực hiện một số thay đổi quan trọng trong các hệ thống hướng dẫn hồng ngoại
hỏa tiển, đối thủ tiềm năng sẽ phải thay đổi hoặc thậm chí nâng cấp hoàn toàn thiết bị EW của riêng mình. Tuy nhiên, từ bất kỳ quan điểm nào đi nữa - nó chắc chắn vô cùng xứng đáng với sự quan tâm đầu tư trong các lực lượng vũ trang.

Khi, trong buồng lái chiến đấu cơ hoặc trong Trung tâm Chỉ huy và Thông tin của chiến hạm, đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bắt đầu nhấp nháy màu đỏ đèn chỉ thị RWR hoặc IRWR, có nghĩa là sau vài giây nếu không có biện pháp gì được thực hiện,
phi cơ hoặc chiến hạm sẽ bị hỏa tiển bắn trúng. Trong những khoảnh khắc ấy, cuộc sống của toàn bộ phi hành đoàn hay thủy thủ đoàn, sự sống còn của phi cơ hoặc chiến hạm và sự thành công của bản thân nhiệm vụ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc nhận dạng lập tức hỏa tiển và kích hoạt các phương tiện ECW thích hợp. Nếu tất cả các hệ thống EW và IR-ECW có thể tham chiến ngay và hoàn toàn với mối đe dọa không tránh khỏi, thì trên một mức độ lớn việc bảo vệ và sự sống còn của kíp vận hành, và sự thành công của nhiệm vụ sẽ bảo đảm được.

Mặc dù thoạt đầu có vẻ như việc trang bị cho các
phi cơ và chiến hạm các phương tiện điện tử làm tăng cơ hội sống sót cho chúng và sự thành công của nhiệm vụ - một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém, chúng ta phải nhớ rằng chi phí của chiến đấu cơ, chiến hạm, xe tăng tối tân, hoặc thậm chí hơn cả thế, một kíp điều khiển được đào tạo tốt, còn lớn hơn nhiều so với chi phí trang bị phương tiện EW cho chúng. Các khoản đầu tư này phải được thực hiện trong thời bình vì giá phải trả ngay khi chiến tranh bất ngờ nổ ra, sẽ rất cao.

Vì vậy, điều tối quan trọng là trong thời bình công tác trinh sát với sự giúp đỡ của các phương tiện SIGINT và IRINT và các biện pháp khác phải không ngừng thu thập thông tin về các thông số của hệ thống vũ khí mới đang được các đối thủ tiềm tàng triển khai hoặc phát triển. Và cuối cùng, trọng tâm cần làm là bảo đảm cho ngành công nghiệp quốc gia các nguồn lực để nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc phát triển các công nghệ cần thiết để đạt được và duy trì ưu thế trong lĩnh vực tác chiến điện tử, mà bây giờ đã trở thành một yếu tố bắt buộc để đạt đến sự thành công và sự sống còn của các lực lượng vũ trang.



HẾT

No comments:

Post a Comment