NGUYỄN NGỌC CHÍNH
Hồi còn trẻ, tôi rất thích sưu tầm của lạ. Tôi “mê” nhiều thứ, từ những bài thơ tình thời tiền chiến đến những danh ngôn bất hủ; từ những con tem đến từ khắp thế giới cho tới những vỏ hộp quẹt cũ lẽ ra đã phải vất đi… Người Bắc gọi “hộp quẹt” là “diêm” trong khi những chiếc “hộp quẹt máy” lại gọi là “bật lửa”.
Ở
miền Nam trong thời chiến tranh xuất hiện một loại hộp quẹt mang tên Zippo. Thoạt
đầu người ta không chú ý đến nó vì Zippo chỉ dùng trong quân đội Mỹ. Zippo có
thể được mua trong PX (Post Exchange), một loại cửa hàng dành riêng cho các chú
GIs (Government Issues - vì lính Mỹ do chính phủ trang bị từ đầu đến chân),
tương tự như “quân tiếp vụ” của quân lực VNCH.
Hộp quẹt Zippo
Dần
dà hộp quẹt Zippo đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân miền Nam, kể cả những
người không hút thuốc và các bà nội trợ. Đơn giản chỉ vì Zippo còn được dùng để
nhóm bếp củi, bếp than hay lò dầu hôi. Mỗi lần bật nắp Zippo nghe tiếng “cắc”
thật lạ tai, nhưng riết thành quen. Chỉ nghe tiếng “cắc” là biết ngay có sự hiện
diện của Zippo!
Ngoài
đặc điểm “windproof” (chống gió), Zippo còn có thể giữ được ngọn lửa trong mọi
thời tiết nhờ thiết kế “chắn gió”. Khó có thể dập tắt một chiếc Zippo đang cháy bằng
cách thổi vào ngọn lửa, tuy nhiên ngọn lửa sẽ dễ dàng tắt nếu bị thổi từ trên
xuống.
Bộ phận đánh lửa và bấc của Zippo
Cách
tốt nhất để dập tắt ngọn lửa Zippo là đóng nắp hộp quẹt, ngọn lửa sẽ tắt vì thiếu
oxy. Tuy nhiên, không giống các loại bật lửa khác, việc đóng nắp không làm cắt
nguồn nhiên liệu cung cấp cho hộp quẹt.
Zippo
cháy bằng sợi bấc, được tẩm xăng và chứa trong phần thân của hộp quẹt. Ngoài bấc,
bên trong hộp quẹt còn có loại bông gòn đặc biệt thấm xăng, phần chứa đá lửa chạy
dài theo thân có lò so và có một con ốc khóa trục phần đựng đá lửa.
Lớp trong thân của Zippo
“Nghề
chơi” Zippo cũng lắm công phu vì ngoài chiếc hộp quẹt nhà sản xuất còn có những
“phụ tùng” đi kèm với sản phẩm chính. Xăng dùng cho Zippo là loại xăng đặc biệt,
tương tự như xăng máy bay, nên có ngọn lửa màu hơi xanh xanh. Nếu dùng xăng thường
sẽ có ngọn lửa màu vàng, đôi khi lại còn có khói.
Tôi
còn nhớ, thời thanh niên anh nào cũng có một chiếc Zippo, những người háo thắng
còn thi nhau bật hộp quẹt, hộp quẹt của anh nào không cháy sau một lần đánh lửa
thì coi như thua và bị… “bắt xác”. Điều này có nghĩa là chiếc hộp quẹt đó trở
thành vật sở hữu của người thắng!
Zippo cháy với ngọn lửa pha chút màu xanh
Đá
lửa của Zippo được chế tạo với độ đánh lửa rất nhạy, chỉ cần một động tác xoay
bánh xe đánh lửa là bấc Zippo bắt tia lửa và hộp quẹt cháy ngay, không đợi đến
lần đánh lửa thứ hai.
Ngay
từ đầu thập niên 50 hãng Zippi đã đăng quảng cáo “Zip-A-Flint” là một dụng cụ nạp
đá lửa trong đó có 6 viên đá để người sử dụng Zippo nạp vào hộp quẹt, mỗi lần một
viên. Giá vào thời đó, 6 viên đá lửa chỉ có 15 xu!
Quảng cáo đá lửa Zippo
Lịch
sử của Zippo cũng có nhiều tình tiết thú vị. George G. Blaisdell (1895-1978),
biệt danh “Mr. Zippo”, là người đã sáng lập Zippo Manufacturing Company tại Bradfold,
Pennsylvania, vào năm 1932 và sản xuất chiếc hộp quẹt Zippo đầu tiên một năm
sau đó. Thực ra, Zippo chịu ảnh hưởng của một loại hộp quẹt của nước Áo về kiểu
dáng nhưng tên gọi Zippo được Blaisdell đặt ra nhại theo chữ “zipper” là dây
kéo, fermature!
Ý
tưởng sản xuất một chiếc hộp quẹt đến với Blaisdell thật tình cờ và cũng bất ngờ.
Đó là vào năm 1932, trong một buổi khiêu vũ Blaisdell thấy một “quý ông” lịch
lãm phải mất nhiều lần mới châm lửa để hút thuốc với chiếc hộp quẹt xấu xí, cọc
cạch.
Blaisdell
thấy điểm yếu của hộp quẹt là dễ tắt khi gặp gió. Thế là ông thuê một góc trên tầng
hai của một công ty với giá 10 đô la một tháng và cùng với 3 người thợ ông bắt
đầu mày mò để chế ra chiếc hộp quẹt mới. Tổng chi phí cho các dụng cụ là 260 đô
la, được coi là vốn ban đầu của công ty.
Bản vẽ thiết kế Zippo, ngày 3/3/1936
Ý
tưởng đầu tiên Blaisdell là tạo ra chiếc hộp quẹt nhỏ hơn, có thể nằm gọn trong
tay để người sử dụng có thể bật lửa bằng một tay. Quan trọng hơn cả là bộ phận
chắn gió được thiết kế quanh chiếc bấc.
Chỉ
một tháng sau, 82 chiếc Zippo ra đời mang lại tiền lời 69,15 đô la sau khi trừ
các chi phí. Để tiếp thị sản phẩm mới, Blaisdell đưa ra chính sách bảo hành: Công
ty Zippo sửa chữa mọi hỏng hóc mà không lấy một đồng. Zippo sau khi sửa còn được
gửi qua bưu điện trong vòng 48 giờ với một lời nhắn: “Chúng tôi cảm ơn vì đã có cơ hội được phục vụ cho bật lửa của bạn”.
Một
khi Zippo xuất xưởng luôn được “Bảo hành
trọn đời” (Lifetime guarantee), được quảng bá với khẩu hiệu “It works or we fix it for free” (Nó hoạt
động hoặc chúng tôi sửa nó miễn phí). Hãng Zippo tự hào: “Trong gần 75 năm, không một ai mất một xu nào để sửa chữa hộp quẹt Zippo,
bất chấp tuổi thọ hay điều kiện của nó”.
George G. Blaisdell (1895-1978)
Zippo,
còn được bằng cái tên thân mật Yipee, trở nên phổ biến trong quân đội Hoa Kỳ, đặc
biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi Công ty thông báo tạm dừng việc
sản xuất những sản phẩm cho thị trường tiêu thụ trong nước và chỉ dành cung cấp
cho quân đội Hoa Kỳ. Chiếc hộp quẹt Zippo đã trở thành người bạn đồng hành với
các quân nhân Mỹ kể từ đó.
Điều
thú vị là Blaisdell chưa bao giờ đặt bút ký một hợp đồng chính thức nào với
quân đội Hoa Kỳ nhưng tại các PX ở nước Mỹ và nước ngoài luôn bầy bán những chiếc
Zippo cho các khách hàng quân nhân và gia đình họ.
Cũng
có một số “huyền thoại” về Zippo. Chuyện kể một người lính ra trận bị trúng đạn
vào ngực nhưng anh ta không chết vì… viên đạn chỉ trúng vào chiếc Zippo anh để
trên túi áo! Điều rõ ràng là tiếng “cách” khi bật nắp Zippo có thể dùng làm
tín hiệu nhận diện “bạn” cho đồng đội khi ở trên chiến trường vì chỉ lính Mỹ mới
có.
Trong
thời Đệ nhị thế chiến, Zippo đã từng là một thứ quân nhu bắt buộc phải có trong
quân trang của binh sĩ Hoa Kỳ. Zippo cũng có mặt trong ba lô của binh sĩ Mỹ trong
cuộc chiến Cao Ly hoặc trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương.
Năm
1943, trong một bức thư gửi Blaisdell, Tướng Dwight D. Eisenhower, Tư lệnh Tối
cao Lực lượng Viễn chinh Đồng minh thời Đệ nhị Thế chiến, đã ca tụng Zippo: “Đó là chiếc hộp quẹt duy nhất lúc nào cũng
cháy”. Ông Eisenhower sau này là Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ từ năm 1953 đến
năm 1961.
Một
nhân vật khác trên mặt trận Thái Bình Dương, Tướng Douglas MacArthur, năm 1944
cũng không tiếc lời ca ngợi sự gắn bó của chiếc Zippo với cuộc đời của quân
nhân Hoa Kỳ: “Đó là cả một công trình nghệ
thuật mà tôi sử dụng liên tục trong suốt đời mình”.
Quân nhân Hoa Kỳ bên hình ảnh Zippo
Sau
Thế chiến II, Công ty Zippo bước vào sản xuất các loại hộp quẹt mang nhiều logo
của các công ty đặt hàng để quảng cáo. Việc sản xuất của Zippo ngày một phát
triển, năm 1988 Zippo kỷ niệm chiếc hộp quẹt thứ 200 triệu xuất xưởng, năm 1996
đã có 300 triệu chiếc được tung ra thị trường, đến năm 2003 con số lên đến 400
triệu và năm 2012 có 500 triệu hộp quẹt Zippo có mặt trên khắp thế giới.
Tuy
vậy, việc kinh doanh của Zippo không phải lúc nào cũng thuận lợi. Zippo gắn liền
với người hút thuốc nên khi việc hút thuốc trên thế giới giảm sút vì những cảnh
báo về sức khỏe, doanh số của Zippo do đó cũng giảm theo. Từ việc bán ra 18 triệu
chiếc mỗi năm trong thập niên 1990, doanh số chỉ còn 12 triệu chiếc vào những
năm 2000.
Để
đối phó với tình trạng bất lợi này, Zippo phải sản xuất thêm các mặt hàng khác
cũng mang nhãn hiệu Zippo như bút máy, đồng hồ, dao bấm, quần áo, nước hoa… Dĩ
nhiên các sản phẩm này không thể nào nổi tiếng như chiếc hộp quẹt Zippo đã một
thời tung hoành trên thị trường.
Hiện
nay giá bán lẻ một chiếc Zippo thấp nhất là 14,95 đô la và cao nhất là 15.620 đô la cho phiên bản bằng vàng 18K.
Vào năm 2001, theo tạp chí IUP, một kiểu Zippo 1933 được giao dịch ở mức 18.000
đô la tại Tokyo. Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập (năm 2007), Zippo đã bán một
chiếc đời 1933 gần như mới nguyên với giá 37.000 đô la.
Một chiếc Zippo mua tại Nhật
Tôi
còn nhớ, Sài Gòn xưa xuất hiện một nghề lạ lẫm: khắc trên hộp quyẹt Zippo,
khách hàng là những người lính Mỹ muốn lưu giữ kỷ niệm trong thời gian phục vụ
tại Việt Nam. Họ viết những lời muốn khắc lên giấy và chỉ ít phút sau, tác phẩm
trên hộp quẹt đã hoàn thành.
Thợ
khắc có hai loại, hoặc khắc thủ công bằng tay hoặc bằng máy. Máy khắc được chế
tạo rất đơn giản chứ không phải khắc bằng tia laser như ngày nay. Máy khắc hồi
đó chỉ gồm những thanh sắt nối với nhau thành một hình chữ nhật với 2 đầu: một
đầu có gắn mũi khoan để khắc trên hộp quẹt một đầu di chuyển trên các con chữ
đã xếp từ trước.
Trên
lề đường Lê Lợi có rất nhiều thợ khắc chữ không những trên hộp quẹt mà còn trên
thẻ bài, bút máy và các vật dụng khác. Một khúc của đường Lê Lai hồi xưa cũng có
nhiều kiosk nhận khắc chữ, khắc hình. Xem ra nghề khắc làm ăn cũng khấm khá vì
người ta phỏng đoán có khoảng 200.000 bật lửa Zippo đã được lính Mỹ sử dụng tại
Việt Nam.
Thợ khắc thủ công
Đối
với nhiều người, sưu tầm hộp quẹt Zippo là một “hobby”, một cái thú vừa tốn tiền
nhưng cũng không kém phần thú vị như sưu tầm tem bưu chính. Trong cái thú đó, nội
việc sưu tầm những hộp quẹt đã được sử dụng bởi các quân nhân Mỹ tham chiến tại
Việt Nam cũng đã thu hút sự quan tâm của giới sưu tập.
Phía
sau những chiếc Zippo luôn có nhiều chuyện để nhớ và những lời được khắc trên hộp
quẹt phản ảnh tâm trạng của người sở hữu. Một người lính thuộc Lực lượng Đặc biệt (Special Forces – Green Berret) khắc dòng chữ
“Mess with the best… Die like the rest”
(tạm dịch: “Sống với những người giỏi nhất… Chết như bao người khác”).
Một
người thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến có một câu than thở: “Đánh nhau ban ngày, làm tình ban đêm, say xỉn
là sự lựa chọn, vào Thủy quân Lục chiến là sai lầm” (Fighter by day, lover
by night, drunkard by choice, Marine by mistake). Hoặc nhái lời Tổng thống
Kennedy về Tổ quốc: “Ask not what your
head can do for you but what you can do for your head”, tạm dịch là: Đừng hỏi
đầu óc có thể làm gì cho bạn nhưng hãy hỏi bạn đã làm gì cho đầu óc của mình).
Những chiếc Zipppo khắc những dòng kỷ niệm về chiến tranh
tại Việt Nam
Một
câu nói có phần “khát máu” như trong vụ Mỹ Lai lính Mỹ đốt nhà thường dân:
“Hãy để ta chinh phục trái tim và tâm hồn ngươi, bằng không ta sẽ thiêu rụi túp lều khốn nạn của
ngươi” (Let me win your heart and mind or I’ll burn your god damn hut down)
Tình
tứ nhưng cũng không kém phần bi thảm có câu: “Who ever may rend this will see that there is no other but one girl
for me and her loverly name is Beverly Dennington: I love her very much”.
Người chủ chiếc hộp quẹt này tưởng tượng có một ngày ai đó gửi lại chiếc hộp quẹt
này khi anh đã chết cho một cô gái tên Beverly Dennington và lời trăn trối cuối
cùng: Tôi yêu nàng rất nhiều!
Ngổ
ngáo hơn có một thông điệp trên hộp quẹt: “Khi
tôi chết hãy chôn tôi nằm sấp, để cả thế giới này có thể hôn vào mông tôi”
(When I die, bury me face down so the whole world can kiss my ass)!
Một thông điệp ngổ ngáo
Một
cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam tâm sự:
“Chiếc Zippo thực sự là bức tranh tái hiện một cách chân thật những tâm trạng và cảm xúc của người lính. Chúng cũng có thể là di vật cuối cùng người lính trước khi tử trận. Giờ đây, đối với nhiều người, chiếc hộp quẹt Zippo sẽ là một kỷ niệm vô giá của quá khứ”.
“Chiếc Zippo thực sự là bức tranh tái hiện một cách chân thật những tâm trạng và cảm xúc của người lính. Chúng cũng có thể là di vật cuối cùng người lính trước khi tử trận. Giờ đây, đối với nhiều người, chiếc hộp quẹt Zippo sẽ là một kỷ niệm vô giá của quá khứ”.
***
No comments:
Post a Comment