Người Sài gòn di tản hôm 29/4/1975.
42 năm sau biến cố 30.4.1975, có vô vàn câu hỏi về cuộc chiến tranh đã qua, về thực tại
đất nước, vẫn tiếp tục làm nhức nhối trái tim những ai có lòng với đất
nước, dân tộc. Người viết bài này chỉ muốn đặt lại hai câu hỏi:
+Trong cuộc chiến VN, người Mỹ tất nhiên đã thua, VNCH tất nhiên đã
thua, nhưng rốt cuộc đảng cộng sản VN có phải đã chiến thắng?
Đã có rất nhiều bài viết của người VN và người nước ngoài nhận định
về “chiến thắng” của đảng cộng sản VN ngày 30.4.1975, nhưng nhìn lại,
điều đó chả có gì đáng phải tự hào ngây ngất, tạo nên niềm “kiêu ngạo
cộng sản” suốt một thời gian dài. Bởi vì đó là một “chiến thắng” dựa
trên vũ khí, tài chính, sự viện trợ tối đa từ Liên Xô, Trung Cộng, và
phe XHCN, đồng thời lợi dụng, khai thác lòng yêu nước của người VN để
tuyên truyền dối trá, bóp méo sự thật, khiến hàng triệu con người lao
vào cuộc chiến mà cứ tưởng mình đang đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải
phóng miền Nam bị kềm kẹp dưới ách Mỹ ngụy và để xây dựng một đất nước
công bằng, ngàn lần tốt đẹp hơn. Nếu không có sự viện trợ đó và không có
sự tuyên truyền dối trá đó, đảng cộng sản có thắng không?
Chưa kể, “đánh ngoại xâm bằng ngoại nhân”, vi phạm Hiệp định Paris,
quyết tâm cưỡng chiếm miền Nam bất chấp VNCH lúc đó là một thực thể quốc
gia độc lập, bất chấp ý nguyện của người dân miền Nam, thực tế là một
hành động xâm lược cho dù biện minh bằng lý do thống nhất đất nước (bởi
vì người miền Nam có muốn thống nhất theo cách đó hay không?). Và vì vậy
chả có gì để tự hào cả.
Thứ hai, thắng trong chiến tranh, nhưng bại trong hòa bình, đảng cộng
sản đã thất bại trên nhiều khía cạnh. Thất bại trong việc thu phục nhân
tâm, đất nước thống nhất nhưng lòng người chưa bao giờ thôi chia rẽ.
Thất bại trong việc xây dựng VN trở thành một quốc gia độc lập, tự do,
hạnh phúc, giàu mạnh; không những thế, VN dưới sự lãnh đạo của đảng cộng
sản sau cuộc chiến còn tiếp tục phải lao vào hai cuộc chiến tranh khác
với Khơ Me Đỏ và Trung Cộng, bị mất thêm nhiều đất đai, lãnh thổ lãnh
hải vào tay Bắc Kinh.
Thất bại trong việc thực hiện và xây dựng đất nước theo mô hình thể
chế chính trị và lý tưởng xã hội chủ nghĩa/cộng sản chủ nghĩa mà ban đầu
họ theo đuổi. Ngược lại, họ đã lẳng lặng từ bỏ, phản bội tất cả những
lý tưởng, tuyên ngôn, tuyên bố, mục tiêu ban đầu đó, điều chỉnh, chắp vá
mô hình thể chế hiện tại như một sự cóp nhặt nửa vời giữa nền kinh tế
tự do, thị trường của phe tư bản, nhưng vẫn giữ lại sự lãnh đạo duy nhất
của đảng theo thể chế độc tài.
Thất bại trong việc tiêu diệt những giá trị của chế độ VNCH, ngược
lại, theo thời gian, những giá trị, ảnh hưởng trong văn học, âm nhạc, tư
tưởng tự do, nhân bản… của VNCH vẫn tiếp tục lan tỏa; hình ảnh lá cờ
vàng vẫn tiếp tục tồn tại trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại nhiều
quốc gia, được chính phủ nhiều nước công nhận đó là lá cờ đại diện cho
cộng đồng người Việt tỵ nạn, và thậm chí, thỉnh thoảng lá cờ vàng còn
xuất hiện ngay trong nước. Ngày càng ngày người dân càng mất lòng tin và
ngao ngán, chán ghét chế độ, nhà cầm quyền.
Như thế có thể gọi là chiến thắng hay không?
+Vì sao người Việt vẫn tiếp tục nói về ngày 30.4.1975?
“Bên thắng cuộc” tất nhiên là vẫn tiếp tục ăn mừng hàng năm, để tiếp
tục tuyên tuyền về “tính chính danh” và “công lao” thống nhất đất nước
của đảng cộng sản, đặc biệt khi thực trạng đất nước ngày càng tệ hại,
rối beng, lòng dân đa phần mất lòng tin vào đảng, vào nhà cầm quyền thì
lại càng phải rầm rộ ăn mừng, “ăn mày dĩ vãng”.
“Bên thua cuộc” cũng có những lý do. Bởi theo thời gian, khi đảng và
nhà nước cộng sản ngày càng chứng tỏ đó là một tập đoàn cai trị độc tài,
yếu kém, bất lực, tham nhũng và phá hoại nặng nề đất nước; khi sự tụt
hậu thê thảm về mọi mặt của VN so với các nước láng giềng trong khu vực
và so với thế giới, khi độc lập-tự do-hạnh phúc chưa bao giờ thực sự có
trên đất nước này và những quyền tối thiểu của con người vẫn còn bị chà
đạp…thì nỗi đau, sự tiếc nuối về một cuộc chiến tranh vô nghĩa, về sự
bức tử của một quốc gia dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng đã có những nền
móng của một xã hội dân chủ, văn minh và nhân bản, về những cơ hội bỏ lỡ
của đất nước, những chữ “nếu” oan nghiệt được đặt ra…càng làm trái tim
người Việt nhức nhối.
Người miền Nam đã chấp nhận thua. Đã giao lại cả một quốc gia VNCH
thuộc vào loại phát triển so với các nước chung quanh vào thời điểm ấy
cho “bên thắng cuộc”. Nhưng “bên thắng cuộc” đã không biết cách thắng.
Bằng việc áp đặt một mô hình thể chế chính trị độc tài toàn trị và mô
hình kinh tế quốc doanh bao cấp quan liêu học theo Liên Xô, cộng với vô
số những chính sách sai lầm về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, những chính
sách trả thù, phân biệt đối xử với người miền Nam… kết quả là chỉ trong
một thời gian ngắn nền kinh tế miền Nam bị phá sản, cả nước rơi vào
cảnh đói nghèo, thậm chí đứng trên bờ vực của sự chết đói, và hàng triệu
người bỏ nước ra đi..
Sau 42 năm, đảng và nhà nước cộng sản không những không biết nhìn
lại, thành tâm hối lỗi vì những tội ác, những chính sách sai lầm, không
những không thành tâm hòa hợp hòa giải mà cũng không hướng tới tương
lai, dũng cảm lựa chọn con đường thay đổi thể chế chính trị lỗi thời
bằng biện pháp hòa bình, như nhiều nước và mới đây là Myanmar đã thực
hiện, vì quyền lợi và tương lai của đất nước, dân tộc.
Ngược lại, đảng và nhà nước cộng sản vẫn quyết liệt bám giữ quyền lực
bằng mọi giá, tiếp tục bám lấy mô hình thể chế chính trị độc tài toàn
trị, tiếp tục phá nát đất nước bởi sự ngu dốt, tham lam, tham nhũng, về
ngoại giao thì tiếp tục đưa VN vào con đường lệ thuộc lâu dài và yếu thế
về mọi mặt trước Trung Cộng.
Chính vì thế mà trong lúc nhiều dân tộc khác, quốc gia khác, có thể
dễ dàng khép lại quá khứ sau một cuộc nội chiến, ví dụ như nước Mỹ sau
cuộc nội chiến Nam-Bắc thế kỷ XIX, Đông Đức và Tây Đức sau ngày thống
nhất, còn VN thì không dễ.
Chính vì thế mà người VN vẫn cứ còn tiếp tục nói về ngày 30.4-dù đã
42 năm. Lòng người vẫn chia rẽ sâu sắc. Và khi nào đảng cộng sản còn tồn
tại, khi nào thể chế chính trị này còn tồn tại thì vết thương còn mãi
chưa lành.
Từ lâu, sự tồn tại của nhà nước cộng sản đã trở thành lực lượng phản
động, kìm hãm sự phát triển của VN, đảng cộng sản càng nằm quyền lâu dài
thì khoảng cách giữa VN và các nước khác càng lớn, hệ lụy do đảng cộng
sản gây ra và để lại càng nặng nề, VN càng mất nhiều thời gian để làm
lại từ đầu.
Câu hỏi là người Việt chúng ta còn phải tiếp tục nói về những chuyện
như thế này cho đến bao lâu nữa? Bao giờ thì một giai đoạn lịch sử đen
tối sẽ thực sự khép lại và một chương mới, tươi sáng hơn cho dân tộc, sẽ
mở ra?
Song Chi, 30/04/2017
NGUỒN : http://www.rfa.org/vietnamese/ blog/vietnam-war-42years- later-songchiblog05022017103951.html
No comments:
Post a Comment