; }

CÁI THẺ BÀI CỦA MẤY ÔNG QUAN


Đó là một cái thẻ bằng ngà voi, dài chừng một ngón tay, rộng chừng hai phân. Đó là huy hiệu danh dự của vương quốc An Nam thời xưa.
Về mặt tinh thần mà nói thì nó cũng ngốc nghếch như tất cả các huy hiệu danh dự khác. Đó là sự ngu xuẩn của con người khắc trên một miếng ngà voi. Trái lại về mặt lịch sử thì cái thẻ bài của các quan có rất nhiều điểm đáng chú ý.
Giống như con khỉ có thói quen gặp cái gì cũng hít hít đánh hơi, con người nguyên thuỷ thời Cổ đại cũng có thói quen đeo trên mình một thứ: miếng đá đẽo nhọn dùng làm khí giới, bộ da của con thú đã giết được, những món đồ cần dùng và có ích mà anh ta sợ mất hay sợ bị ai đó ăn cắp. Cũng như ngày nay, những phụ nữ sống ở những vùng sa mạc vẫn còn đem theo trên mình, trong cuộc sống lang thang nay đây mai đó, tất cả những bàn ghế tủ giường. Cũng như anh chàng cao bồi chăn bò bên Huê Kỳ không thể rời bỏ bộ quần áo cao bồi cổ điển, mấy cây súng lục và con ngựa của mình. Với trường hợp anh cao bồi thì còn hiểu được bởi vì không có bộ quần áo cao bồi cổ điển, không có súng lục, không có ngựa thì anh cao bồi không phải là cao bồi nữa. Tới lúc các nồi chảo, các mảnh đá đẽo, các bộ da thú phổ biến có mặt ở khắp nơi thì người ta chỉ còn mang trên mình những món mà người khác không có, những đồ vật mà người khác không làm ra được, không chế tạo được. Điểm đáng chú ý là ở đó. Những món đồ mà người khác không làm ra được khiến cho người khác phải ngắm nghía trầm trồ và sự ngắm nghía trầm trồ này mơn trớn và làm nở phình cái tự đắc tự hào của người chủ sở hữu món đồ. Có lẽ điều này cắt nghĩa tại sao phụ nữ ngày nay ưa chuộng và kiếm mua những thứ nữ trang quí hiếm nhất, và tại sao các đấng mày râu chạy theo những huy hiệu sắc hàm.
Nhưng việc này cũng chưa cắt nghĩa được nguồn gốc của các huy hiệu ấy, của hình dạng và màu sắc của chúng.
Chúng ta đã nói là cái thẻ bài cua các quan, về mặt tinh thần là một món ngốc nghếch tầm phào như bất cứ loại huy hiệu nào, nhưng về mặt lịch sử, trái lại, nó cũng có những điểm’ rất đáng chú ý Bởi vì cái thẻ bài ngà là vi tồ tiên độc nhất vẫn còn tại thế của tất cả những huy hiệu sắc hàm của những xứ tân tiến hiện nay.
Xưa kia, khi muốn khoe ra cho ai nấy biết sự dũng cảm hay sự oai hùng của mình, bọn đàn ông thường đeo trên mình những dấu vết của những hành động hiển hách của họ. Và cũng vì ở những thời xa xưa đó, duy nhất chỉ có thần Mars là thần chiến tranh là có thẩm quyền ban tặng vinh quang cho loài người, nên tất cả các anh hùng đều là chiến binh. Họ đeo trên mình cái sọ, mớ tóc hay mấy cái răng của những kẻ thù bị họ đánh bại.
Nhưng chẳng bao lâu sau các nhà thi sĩ lại xen vào cuộc, làm thơ ca tụng kỳ tích của các trang anh kiệt. Và mấy trang anh kiệt này nhận thấy các câu thơ có giá trị thẩm mỹ hơn, gọn gàng đỡ vướng hơn nhiều xâu chuỗi kết bằng mấy cái sọ, nên bỏ luôn cái huy hiệu sặc mùi chết chóc kia để đeo trên cổ một tấm bảng bằng cây trên đó có dán những câu thơ được làm để tôn vinh họ. Dĩ nhiên là người nào càng có nhiều hành động hiển hách thì tấm bảng đeo trên cổ càng to ra. Và cuối cùng, những bậc đại anh hùng đâm ra khó chịu vì tấm bảng kềnh càng vướng víu quá. Vậy là người ta nghĩ tới chuyện rút nhỏ bớt kích cỡ của tấm bảng và ban cho nó tất cả những danh vọng mà nó phải có bằng cách dùng đến những dấu hiệu và những chữ đã qui ước sẵn. Do vậy mà cái thẻ bài của các quan được ra đời, nó là vị tổ tiên của tất cả những huy hiệu sắc hàm phong tặng của thời hiện đại. Nếu các chiếc mề đay hiện nay được đúc bằng kim loại quí, còn cái thẻ bài của các quan được làm bằng ngà, là bởi vì ngà cũng được ưa chuộng ngang hàng với bạc với vàng. Nó có hình chữ nhật là để nhắc lại nguồn gốc nguyên thuỷ của tất cả các huy hiệu trước đây tấm bảng bằng cây ghi công trạng của người được phong tặng.
Ngày nay nếu mà chỉ làm theo tục lệ xưa, Nhà nước cho ghi trên những chiếc mề đay trao tặng những lý do của lòng ưu ái của Nhà nước, thì có lẽ người ta sẽ thấy con số những kẻ sùng bái và ham thích được đeo mề đay và thẻ bài ngà có lẽ sẽ giảm xuống.
Bởi vì ghi như vậy là vạch ra cho ai nấy thấy hết những mưu mô dơ bẩn, những ngón đê tiện xấu xa, những vai trò mất tư cách mà những ai được thưởng mề đay đã được giao cho và đôi khi cũng thấy luôn tên của những bà vợ bị mấy đức ông chồng ham được thưởng mề đay đem dâng cho quan thầy của họ nữa.
Và nếu có ai có thể được lợi trong cái chuyện quay về với những tục lệ xưa này thì có lẽ không phải lúc nào cũng là những người chủ hiện thời của xứ An Nam đâu.
Chính luận bằng tiếng Pháp 1924 – Nguyễn Minh Hoàng dịch

No comments:

Post a Comment