Cali Today News –
Quốc hiệu của nước ta (Việt Nam), với thời gian gần năm nghìn năm
(4.896 năm = 2879 TCN+2017 SCN), soạn giả đã tham khảo qua các sử liệu,
những Quốc hiệu đã ghi:
1-
Xích Quỷ: Theo cổ sử, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần
thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay Hồ Nam, nước Tàu) kết hôn với con
gái bà Vụ Tiên, sinh một người con trai tư chất thông minh đặt tên là
Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương
Bắc. Và phong Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương vào
năm 2879 (TCN), quốc hiệu là Xích Quỷ, lãnh thổ rộng lớn, phía bắc tới
sông Dương Tử, phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), đông giáp Đông
Hải, tây giáp Ba Thục (nay là tỉnh Tứ Xuyên nước Tàu). Dân số vào thời
Văn Lang được ước tính khoảng 500.000 người. Kinh Dương Vương là thủy tổ
của người Việt.
2-
Văn Lang: Văn Lang là quốc hiệu thời Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu
nay thuộc tỉnh Phú Thọ, truyền được 2.622 năm (2879 TCN-258 TCN), gồm
có: “18 Chi với 47 Đời Vua”. Một đời vua trị vì trung bình 55 năm là
đúng (2.622/47), không thể một đời vua trị vì 145 năm (2.622/18). Lãnh
thổ Văn Lang: Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình
hồ, nam giáp nước Hồ Tôn (tức Chiêm Thành).
3-
Âu Lạc: Năm 221 (TCN), Tần Thuỷ Hoàng cử quân xâm lược nước ta. Thục
Phán đã liên minh được các bộ lạc Âu Việt, lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống Tần. Năm 208 (TCN), đánh đuổi được quân Tần ra khỏi bờ cõi. Thục
Phán lên ngôi làm vua, đế hiệu là An Dương Vương. Nước Âu Lạc được hình
thành với sự sáp nhập bởi 2 lãnh thổ Văn Lang (Lạc Việt) và Âu Việt. Địa
bàn chính của nước ta khi ấy nằm trên ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật
Nam. Nước Âu Lạc tồn tại 50 năm (257 TCN-207 TCN). Dân số cuối thời Âu
Lạc, vào năm 210 (TCN) có khoảng 600.000 người.
4-
Nam Việt: Quốc hiệu Nam Việt vào thời nhà Triệu trị vì là 96 năm
(207-111 TCN), lãnh thổ Nam Việt gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (nay
thuộc nước Tàu) và miền Bắc Việt Nam ngày nay. Dân số thời nhà Triệu có
khoảng 670.000 người. Kinh đô ở thành Phiên Ngung ở Quảng Châu (nay
thuộc Quảng Đông nước Tàu). Có người nêu rằng Triệu Vũ Vương tổ tiên ở
châu Chân Định (Tàu) nên không chính thống?! Nhưng khi xưa người Lạc
Việt sống ở phía Nam bờ sông Dương Tử (nay đất Tàu) sau đấy bị người Hoa
Hạ xâm chiếm. Ngoài ra, thời Triệu Đà các quý tộc bản xứ vẫn được giữ
thái ấp. Thế nên, nhà Triệu cũng là chính thống vậy. Sau khi quân Hán
chiếm được Nam Việt đổi ra Bộ Giao Chỉ.
5-
Vạn Xuân: Là quốc hiệu nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế: 503-548) và Triệu Việt
Vương (544-602 SCN). Dân số vào năm 544, khoảng 1.000.000 người. Sau đấy
bị nhà Tùy xâm lược.
6-
Đại Cồ Việt: Đinh Tiên Hoàng (968-979) đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào
năm 968, kế đến nhà Tiền Lê (980-1009). Quốc hiệu này tồn tại 86 năm
(968-1054). Dân số nước Đại Cồ Việt vào năm 968 có khoảng 2.000.000
người.
7-
Đại Việt: Năm 1054, Lý Thánh Tông lên ngôi lấy quốc hiệu là Đại Việt,
dân số nước ta lúc ấy khoảng 2.200.000 người. Lãnh thổ gồm Bắc Việt hiện
nay và một phần nhỏ của tỉnh Quảng Tây (nước Tàu), phía nam tới Hà Tĩnh
ngày nay. Quốc hiệu Đại Việt không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà
Hồ và 20 năm thời thuộc Minh, cộng lại 27 năm). Cuộc khởi nghĩa chống
quân Minh của Lê Lợi, sau 10 năm (1418-1428) chiến đấu được toàn thắng,
lấy lại quốc hiệu Đại Việt. Nước Đại Việt đã qua các triều đại: Nhà Lý:
215 năm (1010-1225), Nhà Trần: 275 năm (1225-1400), Nhà Hậu Lê: 100 năm
(1428-1527), Nhà Mạc: 65 năm (1527-1592), Nhà Lê Trung Hưng: 255 năm
(1533-1788), Nhà Tây Sơn: 14 năm (1788-1802). Quốc hiệu Đại Việt tồn tại
723 năm (1804- 1054-27). Đến năm 1804 lấy quốc hiệu là Việt Nam.
8-
Đại Ngu: Khi Hồ Quý Ly làm vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, quốc hiệu này
tồn tại 7 năm (1400-1407). Khi Lê Lợi lên ngôi, quốc hiệu Đại Việt được
dùng lại. Và Dân số Đại Việt thời Lê Thánh Tông (1490) khoảng 4.000.000
người.
9-
Việt Nam: Năm 1804, vua Gia Long cử Lê Quang Định đi sứ sang Tàu xin
lấy quốc hiệu là Nam Việt, chữ “Nam” là “An Nam” ở phương Nam và “Việt”
có ý là “Việt Thường”. Nhưng quốc hiệu Nam Việt lại trùng với Nam Việt
thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây nước Tàu. Nhà Thanh ngại
lẫn lộn, đổi ngược lại là Việt Nam. Lãnh thổ Việt Nam phía bắc giáp ải
Nam Quan, phía nam giáp mũi Cà Mau. Dân số Việt Nam vào năm 1804, có
khoảng 5.780.000 người.
Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào năm 1804, nhưng tham
khảo qua một số sử liệu và tài liệu, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện nhiều
lần trước đấy khá lâu. Trong cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi
(1380-1442) có nói đến hai chữ “Việt Nam”. Tác phẩm của Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay lời mở đầu tập Trình tiên sinh quốc
ngữ đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Ngoài ra, bia Thủy Môn Đình ở
biên giới Lạng Sơn, do Đô đốc phủ Lạng Sơn là Nguyễn Đình Lộc soạn năm
1670, thời vua Lê chúa Trịnh. Dòng đầu tiên của bài minh nơi bia đã viết
“Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan”, có nghĩa là: “Đây là cửa ngõ
yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc”.
10-
Đại Nam: Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi đổi quốc hiệu Việt Nam thành
Đại Nam, ngụ ý một nước Nam rộng lớn, nhà Thanh không tán thành. Dù vậy,
đến ngày 15-2-1839, vua Minh Mạng vẫn chính thức công bố quốc hiệu là
Đại Nam. Dân số Việt Nam vào năm 1840 có khoảng 7.764.000 người. Quốc
hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945.
11-
Đế quốc Việt Nam: Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Sau đấy, Hoàng
đế Bảo Đại tuyên bố độc lập, xé hòa ước Patennôtre (1884) đã ký với
Pháp, mời học giả Trần Trọng Kim lập chính phủ “Quân chủ lập hiến” ngày
17-4-1945, tồn tại chỉ được 5 tháng (17-4-1945 đến 25-8-1945). Việt Minh
cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị ngày 25-8-1945, Đế Quốc Việt Nam
chấm dứt. Dù thời gian ngắn ngủi, Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được
nhiều việc hữu ích: Thả hàng ngàn tù nhân chính trị của các đảng phái,
trong đấy có đảng viên cộng sản đã bị Pháp giam giữ. Cứu đói dân miền
Bắc “Nạn đói năm Ất Dậu: 1945”. Một việc làm rất ý nghĩa do học giả
Hoàng Xuân Hãn đề ra: Thay chương trình giáo dục chữ Hán và Pháp qua
Quốc ngữ. Từ đấy, chương trình giáo dục bằng Việt ngữ được dùng sau
này.
12- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: VNDCCH là tên gọi của nhà nước miền Bắc Việt Nam, từ năm 1945-1976.
13-
Quốc gia Việt Nam: QGVN là danh xưng của toàn nước Việt Nam, từ khi
Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée
ngày 8-3-1949. Danh xưng Quốc gia Việt Nam tồn tại trong 6 năm
(1949-1955).
14-
Việt Nam Cộng hòa: Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo
Đại, giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập chính thể Việt Nam Cộng Hòa
(VNCH) tại miền Nam Việt Nam. Dân số Việt Nam vào năm 1962, có khoảng
31.275.000 người (miền Bắc: 17.000.000 và miền Nam: 14.275.000). Việt
Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975.
15-
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Ngày 2-7-1976, Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hoà đổi tên thành Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên toàn quốc
cho đến nay (2017). Dân số Việt Nam hiện nay (2017) khoảng 95 triệu
người.
*-
Giao Chỉ đổi thành Giao Châu (Năm 203 SCN): Sau khi Mã Viện đánh thắng
Trưng Vương, đất Giao Chỉ thuộc về nhà Đông Hán, phủ trị đóng ở Mê Linh,
đến cuối thời Đông Hán dời về Long Biên. Năm Quý Mùi (203), “Sĩ Nhiếp
xin đổi tên Giao Chỉ thành Giao Châu, vua Hán chấp thuận.
*-
An Nam: Tên gọi là An Nam có nguồn gốc từ thời Bắc thuộc (Việt Nam bị
người phương Bắc/Tàu đô hộ), nhà Đường đặt vùng đất miền Bắc Việt Nam
ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673-757 và 768-866). Và danh hiệu An Nam
Quốc vương xuất hiện từ năm 1164, thời vua Lý Anh Tông, do sứ thần Đại
Việt là Doãn Tử Tư yêu cầu vua Tống. Từ đó, người Tàu thường gọi nước ta
là An Nam. Trước năm 1945, người châu Âu (thời Pháp thuộc), người Pháp
gọi Annam để chỉ người Việt cho cả 3 miền: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ
(Annam, vì có triều đình Huế) và Nam Kỳ (Cochinchine).
Cảm tưởng: QUỐC HIỆU VIỆT NAM
QUỐC gia bền vững, vẹn toàn mong
HIỆU chỉnh sửa sang, tha thiết lòng
VIỆT tộc, giống nòi lưu luyến mến
NAM phương, bờ cõi giữ gìn trông.
Nguyễn Lộc Yên
No comments:
Post a Comment