– Đối lĩnh, hay giao lĩnh, có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Tay áo giao lĩnh cắt thụng, khi buông xuống dài bằng gấu áo. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều có áo này. Dưới thời Nguyễn ở Việt Nam phụ nữ không mặc giao lĩnh. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, người mình vẫn mặc áo giao lĩnh.
– Trực lĩnh, tức là áo có vạt xẻ dọc ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng. Trong khi đó các nam đạo sĩ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được cắt y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông.
– Bàn lĩnh, tức áo cắt cổ tròn, có hay không có cổ đứng đính liền, vạt cài sang phải. Lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ở nước ta trước đây. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long bào, phượng bào của vua, hoàng thái hậu, hoàng quý phi; và mãng bào của thân vương, hoàng tử và các quan. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể hay ngũ thể quý hiếm, và có cổ tròn không đính cổ đứng. Áo rất rộng, xẻ bên. Tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến.
Nhưng lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng, gọi là áo Tấc. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy bên phải như áo dài. Áo Tấc rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.
Sử sách cận đại của Nguyễn triều ít khi đề cập đến triều phục của quan lại. Thảng hoặc mới có nhắc đến một vài đạo dụ liên quan đến vấn đề này. Thí dụ như dụ năm 1886 của vua Đồng Khánh, hay các đạo dụ 1920 và 1921 của vua Khải Định. Các đạo dụ này thật ra có chủ ý khiển trách các sự cẩu thả trong việc xử dụng triều phục, cũng như tiếm lạm trong mầu sắc trang phục của các quan thời bấy giờ. Thí dụ như thường dân dám mặc áo mầu chính hoàng. Rồi việc quan cấp dưới dám tiếm dụng sắc áo của hoàng tử, hoàng thân. Hay về việc vì công quỹ không đủ để tiếp tục cấp nhung phục cho các quan với các sắc mầu và hoa văn đúng theo lệ cổ, cho nên phải thay bằng các áo tứ linh mầu xanh lá cây cho văn ban và mầu huyền cho võ ban từ chánh nhị phẩm đến tòng tam phẩm (thực ra hai sắc vải này có vẻ đã được dùng để may áo chầu nhiều hơn là may nhung phục).
Nhưng điều quan trọng là qua các đạo dụ này người ta biết thêm một loại lễ phục nữa trong triều đình, bên cạnh các áo lễ tay rộng (phổ phục) vẫn phổ biến như áo cổn, áo chầu. Đó là nhung phục. Nhung phục cũng được may rộng như phổ phục, với cùng loại vải, hoa văn và mầu sắc với áo chầu của người mặc. Nhưng nhung y có tay áo cắt chẽn như tay áo dài. Nói cách khác, nhung y là áo tấc tay hẹp.
Áo cổn thuộc dạng giao lĩnh là loại lễ phục cao quý nhất, chỉ dùng trong lễ tế giao. Áo đại triều, hay áo chầu, được mặc trong các dịp đại triều nghi vào các ngày 1 và 15 âm lịch tại điện Thái Hòa. Áo thường triều được xử dụng khi chầu vua trong các ngày 5, 10, 20 và 25 mỗi tháng tại điện Cần Chánh. Nhung phục được ban cho các ấn quan để mặc khi thù tiếp các quý quan (quan Tây), hoặc khi chầu vua ở điện Văn Minh.
Loại nhung phục cao quý nhất là những áo được vua ngự tứ đặc biệt cho các công thần, được lấy ra từ kho ngự dụng của nhà vua. Áo này thường được trang trí theo dạng cửu long, mà trên thực tế là các con phi giao hay còn được vua Khải Định gọi là rồng bay ngang.
Một loại áo chiến tay chẽn nữa, với hai đầu tay được may đáp miếng vải gọi là mã quải, được mặc khi dự lễ ngoài trời như duyệt binh hay tịch điền. Loại áo này khi vua mặc gọi là long trấn. Còn của thân vương, hoàng tử hay các quan thì gọi là mãng lan.
Điều quan trọng nhất khi khảo về trang phục của quan lại triều Nguyễn là việc phân biệt cấp bậc và ban hệ theo mầu sắc và hoa văn của áo.
Trong tập Bulletin des Amis du Vieux Huế (tháng 7-9 năm 1916), cụ Nguyễn Đôn có viết rõ về mầu sắc của từng cấp bậc triều phục dựa theo lệ vào năm Thiệu Trị ngũ niên (1845). Theo tài liệu này thì mầu sắc áo chầu, tức áo đại triều, của các quan được định rõ như sau:
Chánh nhất phẩm: Vải đoạn bát ti mầu cổ đồng (古銅), tiếng Pháp là vieux cuivre; dệt hoa văn ngũ thể (năm mầu) cộng thêm chỉ kim tuyến. Vải đoạn tức là satin gấm. Tất cả các loại vải từ đây trở xuống đều dệt bằng tơ tằm.
Tòng nhất phẩm: Vải đoạn bát ti mầu thiên thanh (天青), tiếng Pháp là pourpre sombre (tím đậm, hay mầu tương); dệt hoa văn ngũ thể với kim tuyến.
Chánh nhị phẩm: Vải đoạn bát ti mầu cam bích (紺碧), tiếng Pháp là poupre rougeat(tím đỏ); dệt hoa văn ngũ thể với kim tuyến.
Tòng nhị phẩm: Vải đoạn bát ti mầu quan lục (官綠), tiếng Pháp là verte (xanh lục); dệt hoa văn ngũ thể với kim tuyến.
Áo chầu tòng nhị phẩm võ ban mầu quan lục
Chánh tam phẩm: Đoạn bát ti mầu bửu lam (寶藍), tiếng Pháp là bleu foncé (lam đậm); dệt hoa văn ngũ thể với kim tuyến.
Áo chầu chánh tam phẩm võ ban mầu bửu lam
Tòng tam phẩm: Đoạn bát ti mầu ngọc lam (玉藍), tiếng Pháp là bleu de jade (xanh ngọc bích); dệt hoa văn ngũ thể viền kim tuyến.
Hai cấp tứ phẩm và ngũ phẩm cả văn lẫn võ ban đều mặc áo chầu may bằng vải trừu (lụa), dệt hoa văn tròn toàn hoa (trong sách viết nhầm là viên giao) mầu ngũ thể với kim tuyến. Áo tứ phẩm mầu quan lục. Áo ngũ phẩm mầu bửu lam. Phân biệt văn võ bằng mão đội đầu.
Chánh và tòng lục phẩm mặc áo bào may bằng loại lụa dệt hoa văn đơn sắc gọi là quang tố trừu, mầu ngọc lam. Nhưng thật ra cho đến thời điểm 1916, sắc áo đại triều của cấp bậc chánh tòng lục phẩm là quan lục. Từ cấp bực này trở xuống ở lễ đại triều phải đeo bổ tử.
Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ thì mầu sắc và chất liệu áo chầu của chánh thất phẩm cũng giống như của lục phẩm, chỉ khác nhau ở bổ tử. Nhưng trên thực tế thì từ trước thời Khải Định các quan từ chánh thất phẩm trở xuống đến cửu phẩm đã không còn được cấp áo đại triều nữa. Tất cả đều chỉ mặc áo giao lĩnh thường triều may bằng vải sa đoạn với bổ tử các cấp.
Cũng theo Khâm định Đại nam hội điển sự lệ thì áo rộng giao lĩnh thường triều được may bằng vải sa đoạn (sa Bắc), với các mầu lam, lục hay hắc; với cổ mầu bạch tuyết. Nhưng trên thực tế thì áo thường triều của tất cả các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm đều may bằng vải sa đoạn mầu lam. Cấp bậc được phân biệt qua nội dung bổ tử.
Một vài mẫu bổ tử thời cuối Nguyễn triều:
Sự khác biệt hoa văn giữa văn và võ ban không thấy chỉ rõ trong tài liệu này. Và cũng không được nhắc đến trong bộ Khâm định Đại nam hội điển sự lệ hay bất cứ một tài liệu nào khác. Nhưng trong bài viết về lễ Nguyên Đán trong cung năm Bính Tuất (1886) thời Đồng Khánh, bác sĩ người Pháp là Hocquart có nhắc đến việc quan văn mặc áo chầu có chim phượng và quan võ mặc áo có trang trí mặt tròn (medaillon). Có lẽ vì từ xa nhìn loáng thoáng không rõ cho nên khi các quan văn đứng chầu với hai tay chắp trước ngực, con phượng trên tay áo rộng được thấy rõ nhất và che phủ các chi tiết khác của áo tứ linh.
Nhưng rõ nhất là chi tiết thấy được trên những tượng quan hầu ở các tôn lăng. Các tượng quan văn đội mão viên phác đầu (đỉnh tròn) đều mặc áo chầu tứ linh. Trong khi các tượng quan võ đội mão phương phác đầu (đỉnh vuông) trên áo có hoa văn ổ tròn.
Trịnh Bách
No comments:
Post a Comment