; }

TÌNH BÁO ĐIỆN TỬ LIÊN XÔ/NGA

Phòng Đặc biệt

18ceb812

Chúng ta đã biết ghi chép của Lenin năm 1922: “Người ta đã nói về phát minh của người Anh trong lĩnh vực điện báo vô tuyến có thể bí mật phát đi các bức điện vô tuyến. Nếu mua được phát minh này thì liên lạc điện báo vô tuyến và điện thoại vô tuyến sẽ có ý nghĩa lớn hơn nữa đối với quân sự”.
Đồng thời với việc hoàn thiện mật mã, Liên Xô bắt đầu tích cực tiến hành nghiên cứu mã thám ứng dụng. Mối quan tâm này của Nhà nước Xô-viết đối với các hệ mã nước ngoài đã được thể hiện rõ nhất trong hoạt động bất hợp pháp của Uỷ ban Đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống phản cách mạng và phá hoại VChK (tiền thân của KGB sau này) được thành lập vào năm 1918. Ban đầu, trong các chức năng của cơ quan này có chức năng kiểm soát điện tín liên lạc của nước ngoài.
Ngay vào nửa đầu thập niên 1920, tại Moskva đã có các sứ quán và phái bộ thương mại của Anh, Afghanistan, Đức, Iran, Italia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Pribaltic. Bản sao các bức điện mật mã mà nhân viên các sứ quán và phái bộ này gửi đi từ trung tâm điện báo Moskva nhất định được đưa đến VChK. Một phần điện tín mật mã ngoại giao, cũng như các bức điện vô tuyến mật mã của bạch vệ được chặn thu tại trạm vô tuyến điện quân sự ở ngoại ô Moskva và trạm vô tuyến điện Shabolovskaya ở Moskva.
Các bức điện mật mã chặn thu được gửi đến VChK để giải mã. Ngày 5 tháng 5 năm 1921, theo nghị định của chính phủ Xô-viết, một cơ quan cơ yếu được gọi là Phòng Đặc biệt đã được thành lập trong VChK. Do vai trò đặc biệt của Phòng Đặc biệt, cũng như ảnh hưởng rất lớn trong lãnh đạo đảng của vị trưởng phòng nên đơn vị này trên thực tế không trực thuộc ban lãnh đạo các cơ quan an ninh nhà nước, mà thuộc quyền chỉ đạo của đảng. Nhờ thế mà dù có nhiều cuộc cải tổ trước chiến tranh đối với các cơ quan này, nhưng Phòng Đặc biệt vẫn nằm ngoài các bộ ngành, tức là có sự độc lập. Nhân viên các đơn vị Cheka khác có thái độ ngờ vực đối với Phòng Đặc biệt bởi vì “ở đó, người ta không bắt giữ và thẩm vấn một ai”.
Cùng với việc thành lập Phòng Đặc biệt, ngày 25 tháng 8 năm 1921, VChK đã ban hành mệnh lệnh yêu cầu tất cả các đơn vị ở trung ương và địa phương phải gửi mọi loại mật mã, khoá mã và điện mật mã phát hiện được trong các cuộc lục soát và bắt giữ, cũng như thu được qua điệp viên hay thu được tình cờ đều phải gửi cho Phòng Đặc biệt.
Phòng Đặc biệt bắt đầu hoạt động từ việc nghiên cứu chi tiết hồ sơ lưu trữ của các cơ quan mã thám của nước Nga trước cách mạng, trong đó còn lưu giữ các mật mã và tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết, mô tả các phương pháp giải mã và các tài liệu chặn thu. Trong số các tài liệu lưu trữ đó có cả bản sao và bản thật các loại mật mã của Bulgaria, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, các báo cáo về hoạt động giải phá chúng, các loại giáo trình. Các nhân viên của Phòng Đặc biệt nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu này và thấy hết được tầm quan trọng của công việc này. Trong thời kỳ này, điều có ý nghĩa quan trọng là các kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia mật mã lâu năm. Với sự tham gia tích cực của họ, Phòng Đặc biệt đã tổ chức các khoá học nửa năm để giảng dạy kiến thức mật mã căn bản, học các bài học mã thám. Tham dự các khoá học là những người có năng lực và trình độ. Số học viên tốt nghiệp đầu tiên các khoá học là 14 người, gần như một nửa số đó chuyển đến làm việc cho Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt, số còn lại được tăng cường cho các đơn vị của nó.
Ngoài những khó khăn mà Phòng Đặc biệt gặp phải trong những năm hoạt động đầu tiên do mặt bằng đào tạo khá thấp của các nhân viên và thiếu người, còn những khó khăn do tài liệu để mã thám thiếu và chất lượng thấp. Máy thu vô tuyến điện không hoàn thiện, máy móc thiếu và quá cũ không thể bảo đảm độ chính xác cao cho điện văn của các bức điện mật mã chặn thu được. Nhiệm vụ tổ chức và thu xếp hoạt động của tất cả các bộ phận của cơ quan mã thám, kể cả thu thập các tài liệu mật mã và trang bị kỹ thuật cho các trạm chặn thu được đặt ra trước lãnh đạo Phòng Đặc biệt.
Bất chấp khó khăn, ngày từ những tháng tồn tại đầu tiên của mình, Phòng Đặc biệt đã bắt đầu tiến hành mã thám thành công các mật mã của nước ngoài. Họ giành được thành công đầu tiên khi “nghiên cứu” loại mật mã ngoại giao của Đức mà đại diện toàn quyền của chính phủ Đức ở Moskva sử dụng. Kể từ tháng 6 năm 1921, toàn bộ điện tín liên lạc mật mã trên kênh Moskva-Berlin đã bị giải mã tại Phòng Đặc biệt. Trong tháng 8 cùng năm, họ đã giải mã được các bức điện ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc giải phá các mật mã của Ba Lan đã có các kết quả thực tiễn vào năm 1924, ba năm sau Phòng Đặc biệt bắt đầu đọc được các điện tín mật mã của Nhật Bản, còn sau ba năm nữa đến lượt điện tín mật mã của Mỹ.
Cuối thập niên 1920, các nhân viên của Phòng Đặc biệt đã tham gia tích cực vào việc tổ chức hoạt động mã thám trong Hồng Quân. Nhờ các nỗ lực này, một đơn vị tình báo vô tuyến điện tử kết hợp của OGPU (một trong những tên gọi viết tắt của KGB) và Cục 4 – Bộ Tổng tham mưu Hồng Quân đã được thành lập trong Phòng Đặc biệt vào đầu thập niên 1930.
Từ năm 1921 đến 1937, Trưởng Phòng Đặc biệt là Gleb Ivanovich Boky. Boky sinh năm 1879 trong gia đình một nhà giáo Ucraina. Là đảng viên từ năm 1900, tham gia các cuộc cách mạng năm 1905 và 1917, ông đã 12 lần chịu án trong các nhà tù sa hoàng và hai lần bị đi đày ở Siberia. Năm 1896, Boky vào học Đại học Mỏ ở St. Petersbourg. Do nhiều lần bị bắt và đi đày, Boky không được nhận bằng sau khi chỉ hoàn thành bốn năm học ở trường này. Tuy nhiên, nhờ trình độ giảng dạy cao của các môn học ở Đại học Mỏ, đặc biệt là toán và lý, nên ông đã thu lượm được những kiến thức sâu sắc. Ngoài ra, là một trong những nhà lãnh đạo của lực lượng bí mật ở Peterbourg trong 20 năm nên Boky có nhiều kinh nghiệm tổ chức, tập hợp quanh mình một nhóm những người tin cậy và hiểu biết.
Boky vào làm việc ở VChK theo lời mời riêng của chủ tịch VChK  đầu tiên Dzerzhinsky. Cuối tháng 8 năm 1919, theo lệnh của Dzerzhinsky, Boky đã lãnh đạo lực lượng Cheka ở Petrograd (tên khác của St. Peterbourg) thay cho M.S. Uritsky bị giết.
Người ta đánh giá khác nhau về con người này. Một số trong đó phác hoạ Boky như một người u sầu và bị giày vò bởi những dục vọng tội lỗi. Một số khác tuy không phủ nhận Boky có những điểm yếu và khuyết điểm, nhưng lại tin vào sự trung thực, thẳng thắn, điều đã khiến Boky nằm trong lực lượng đối lập với Stalin ngay từ giữa thập niên 1920 và nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của các cuộc thanh trừng đối với các cơ quan an ninh.
Phòng Đặc biệt còn đảm nhiệm các vấn đề mã hoá, cũng như mã thám. Năm 1933, các nhân vien cơ yếu làm việc trong một phòng lớn ở tầng 4 của toà nhà ở Lubyanka, trụ sở của OGPU. Các nhân viên mã thám chiếm giữ tầng cao nhất của toà nhà cũ của Bộ Dân uỷ Ngoại giao ở góc ngã tư các phố Bolshaya Lubyanka và Kuznetsky Most. Các hộ tư nhân được bố trí ở tầng dưới của toà nhà để làm bình phong cho Phòng Đặc biệt. Năm 1935, cả các nhân viên cơ yếu lẫn các các chuyên gia mã thám đều chuyển sang toà nhà mới của NKVD trên phố Bolshaya Lubyanka, lúc đó đã được đổi tên là phố Dzerzhinsky.
Quân số của Phòng Đặc biệt gồm quân số chính thức và mật. Quân số mật là các chuyên gia mật mã và phiên dịch viên mà Phòng Đặc biệt gọi là “chuyên viên” và “phiên dịch viên”. Quân số công khai là các thư ký, giao thông viên và nữ nhân viên đánh máy. Năm 1933, quân số công khai của Phòng Đặc biệt là 100 người, quân số bí mật là 89.
Trong thập niên 1930, Phòng Đặc biệt trở thành một trong các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử được trang bị kỹ thuật lớn nhất thế giới. Phòng Đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với OGPU và Cục 4-Bộ Tổng tham mưu – hai cơ quan này đã theo gương cơ quan mật thám sa hoàng coi việc thu thập điện tín mật mã là một trong những ưu tiên chính của mình.
Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt được chia theo nguyên tắc địa lý và ngôn ngữ thành các phân ban: Trung Quốc, Anh-Mỹ… Ban này hoạt động khá hiệu quả vì thế các nhân viên của Ban thường được công nhận là chiến sĩ thi đua xã hội chủ nghĩa trong OGPU.
Nổi bật trong Ban mã thám là Ivan Kalinin. Ông thỉnh thoảng đến chỗ các các chuyên gia mã thám để bàn bạc với họ và vị giáo sư già nhưng đầy sức lực Shungsky, người từng phục vụ trong quân đội sa hoàng và là chuyên gia ngôn ngữ chính của phân ban Nhật Bản. Ngoài họ, Phòng Đặc biệt còn có nhiều người thú vị và phi thường khác, trong đó có một người Đức để râu dài chấm đất, một phụ nữ rất yêu những gì là Nhật Bản đến mức cứ ở nhà là mặc kimono. Tổ công đoàn của Phòng Đặc biệt do một cựu chuyên gia mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng, người từng đọc điện tín mật mã của Lenin thời trước cách mạng, lãnh đạo. Ngoài ra, còn có con gái một giáo sư về Nhật Bản, người đã bị bắt trong thập niên 1930 vì bị buộc tội là tổ trưởng một lưới tình báo Nhật trong nhiều năm ở Moskva. Trong số cán bộ của Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt còn có nhiều quý tộc Nga, trong đó có các các cựu bá tước và nam tước. Sở dĩ, người ta có thái độ bao dung trái hẳn với thái độ chung đối với “những kẻ thuộc chế độ cũ” thời đó như thế là do quá thiếu các nhà ngôn ngữ cần cho công tác mã thám. Còn người có chuyên môn mã thám hiếm đến nỗi kể cả khi họ bị vào tù cũng được huy động làm việc theo chuyên môn. Chẳng hạn Vladimir Krivosh-Nemanich, người một thời từng giữ cương vị khá cao trong cơ quan mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng. Thời Xô-viết, ông đã nhiều lần bị bắt vì từng là nhân viên cơ quan ác ôn của kẻ thù là mật vụ sa hoàng Okhrana. Nhưng khi ở tù tại nhà tù Butyrskaya, ông đã thực hiện nhiệm vụ của Phòng Đặc biệt và một vị trưởng phân ban của Ban mã thám đã đem việc làm “tại nhà” đến cho ông ngay tại phòng giam. (ít ra người ta không phải lo vấn đề bảo mật khi sử dụng các tù nhân-chuyên gia mã thám). Nhưng đối với những người còn lại thì vấn đề này luôn là rất cấp thiết. Các nhân viên Phòng Đặc biệt bị cấm nói về cơ quan mình đang làm việc và vị trí của nó. Thậm chí, họ không được phép đến các nhà hàng vì gián điệp nước ngoài nghe lén có thể các cuộc trò chuyện của họ ở đó.
Trước cách mạng, Krivosh-Nemanich nhiều lần được cử đi công tác nước ngoài với nhiệm vụ thu thập tin tức về hoạt động của các cơ quan cơ yếu nước ngoài. Khi trở về từ các chuyến công tác đó, ông ta viết báo cáo cho lãnh đạo, viết các báo cáo đặc biệt, đưa ra các đề xuất hoàn thiện hoạt động của cơ quan mã thám của Nha Cảnh sát sa hoàng. Người ta không tận dụng mọi thứ ông quan sát được, hay chấp nhận tất cả những lời khuyên và khuyến nghị. Boky không chỉ phân tích kỹ lưỡng tất cả những tin tức Krivosh-Nemanich cung cấp, mà còn cố sử dụng chúng trên thực tế. Chẳng hạn, Boky coi kinh nghiệm thu thập thông tin cần thiết bằng các phương pháp khác nhau của các cơ quan mã thám Pháp là rất có ích. Các nguồn tin đó là bản sao tất cả các bức điện mà các sứ quán nước ngoài gửi hoặc nhận, các loại thư tín ngoại giao khác, cũng như các tin tức có thể thu thập bằng cách mua chuộc, hăm doạ các nhân viên sứ quán. Nhiều kênh cũng cung cấp những tin tức như nhau, hoặc dưới dạng bản nháp bị xé, một bức điện mật mã hay một câu chuyện nghe lén được. Phương pháp thu tin từ nhiều kênh này lập tức được Boky đưa vào sử dụng.
Thời trước chiến tranh, Phòng Đặc biệt nhiều lần cho thành lập các nhóm đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Các nhóm này gồm các chuyên gia mã thám giàu kinh nghiệm và được cử đến các vùng chiến sự. Mà những nơi như thế có không ít trong thập niên 1930.
Năm 1936, một số chuyên gia mã thám của Phòng Đặc biệt đã cùng đơn vị chặn thu đi tàu thuỷ sang Tây Ban Nha và vừa đến nơi họ bắt đầu làm việc ngay trong Bộ Tổng tham mưu quân đội cộng hoà. Trước hết, họ tổ chức chặn thu điện tín của quân nổi loạn Franco và quân đoàn Italia đến cứu viện chúng. Ban đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn như không biết tiếng và đặc điểm trao đổi điện tín nên các thành tựu đầu tiên của họ là rất khiêm tốn. Nhưng dần dần công việc diễn biến tốt đẹp nên bộ chỉ huy quân đội cộng hoà cùng các cố vấn quân sự Liên Xô bắt đầu nhận được ngày càng nhiều thông tin giá trị.
Các chuyên gia mã thám thuộc nhóm tác chiến đặc biệt ở Tây Ban Nha được các đồng nghiệp của họ ở Moskva giúp đỡ. Chẳng hạn, họ đã giải mã được bức điện của bọn Franco báo tin sẽ có một chiếc tàu chở quân tiếp viện cho quân cộng hoà từ Marseille đến Barcelona. Bức điện có chứa mệnh lệnh đánh đắm con tàu bất kể nó treo cờ nước nào. Thông tin này lập tức được Moskva thông báo đến Marseille trước khi con tàu ra khơi chở theo nhiều phi công, bộ đội xe tăng Liên Xô và binh sĩ các lữ đoàn quốc tế đang vội đến giúp đỡ phe cộng hoà Tây Ban Nha. Nhờ được cảnh báo kịp thời, họ đã được cứu sống. Ngoài các điện tín liên lạc quân sự, nhóm tác chiến đặc biệt còn đọc các bức điện của lưới điệp báo của bọn Franco vốn đang theo dõi sát tàu bè cập các cảng của Cộng hoà Tây Ban Nha.
Một nhóm tác chiến đặc biệt khác gồm các nhân viên Phòng Đặc biệt đã được cử đến Trung Quốc để hỗ trợ cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống Nhật. Hàng tháng, nhóm này giải mã được gần 200 bức điện mật mã của Nhật và trong tổng cộng 1,5 năm hoạt động ở Trung Quốc, nhóm đã giải phá 10 loại mật mã quân sự của Nhật.
Làn sóng thanh trừng đã không bỏ qua ngành tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, cũng giống như các cơ quan khác của NKVD. Hơn 40 chuyên gia mật mã Xô-viết đã trở thành nạn nhân. Cuối năm 1937, Boky và vị phó của ông P.Kh. Kharkevich đã bị xử bắn. Người kế nhiệm của Boky cũng làm việc không lâu trên cương vị của mình và ông bị bắt sau đó một tháng. Tuy vậy, ở cấp thấp hơn, các chuyên gia mã thám cấp thấp không bị tổn thất nhiều vì thanh trừng như các cán bộ của cơ quan điệp báo. S. Tolstoi, trưởng phân ban Nhật của Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt, có lẽ là phân ban hiệu quả nhất của ban, đã làm việc trên cương vị này cả trong thời kỳ thanh trừng và chiến tranh thế giới thứ II. Thành công của Tolstoi đã được đánh giá cao hơn thành tích của bất kỳ chuyên gia mã thám mã thám Xô-viết thời chiến nào khác và ông đã được tặng thưởng hai huân chương Lenin.
Trong thập niên 1920-1930, Hồng Quân không có truyền thống và lực lượng có thể so sánh về thành tích với của các cán bộ Cheka trong lĩnh vực mã thám. Việc nhóm tình báo vô tuyến điện tử quân sự được đưa vào biên chế của Phòng Đặc biệt vào năm 1933 chứng tỏ nhóm này thuộc quyền của Phòng Đặc biệt. Dù sao chăng nữa thì người ta biết đến lịch sử của nó ít hơn nhiều so với Phòng Đặc biệt. Có thể đó là vì mỗi quân chủng Lực lượng vũ trang Xô-viết chỉ mã thám điện tín liên lạc của quân chủng tương ứng của quân đội nước ngoài. Chẳng hạn, các chuyên gia mã thám của Hồng Quân thì hoạt động nhằm vào lục quân Anh, Đức, Mỹ, Nhật và các nước khác. Hải quân và Không quân Liên Xô cũng hoạt động như thế.
Các chuyên gia mật mã Liên Xô học nghề tại một loạt cơ sở đào tạo. Ví dụ, khoá đào tạo cơ yếu tại Trường Thuỷ lôi điện của Hải quân ở Kronshtadt có cả môn mã thám. Phó giám đốc học viện (không phải về mật mã mà là về công tác chính trị) của Học viện Công binh mang tên Kuibyshev nguyên là một chuyên gia cơ yếu giàu kinh nghiệm Maslennikov có biệt danh Kriptus. Ông là một nhà thông thái về cơ yếu và nổi danh là giảng viên xuất sắc về mật mã.
Năm 1938, khi Beria còn lãnh đạo NKVD, đơn vị hỗn hợp của ngành tình báo vô tuyến điện tử của NKVD và của Cục 4 trong cơ cấu Phòng Đặc biệt đã bị giải thể. Hoạt động mã thám đối với các bức điện mật mã quân sự được chuyển giao cho tình báo quân sự và nhằm mục đích đó vào tháng 2 năm 1941, Cục 4-Bộ Tổng tham mưu, nay là Tổng cục Tình báo GRU, đã thành lập một cơ quan tình báo vô tuyến điện tử thực sự của riêng mình. Còn Ban Mã thám của Phòng Đặc biệt thì thuộc biên chế một cục của NKVD.

 

1 - Sorge và tình báo vô tuyến điện

 Đầu thập niên 1930, kỹ thuật cài cắm điệp viên mà KGB xây dựng trong thập niên trước đó để đối phó với cộng đồng bạch vệ di cư đã được thích ứng để xâm nhập vào các bộ máy chính phủ và cơ quan quân sự nước ngoài. Điệp viên thành công nhất là Reinhard Sorge. Nhưng những lời ca tụng đối với ông không chỉ là để tưởng nhớ đến nhà tình báo lỗi lạc, mà còn để che giấu những thành tích của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, một phương thức thu thập tin tình báo mà người ta  cố tình ít nói đến ở Liên Xô.

Trong thập niên 1930, đối với Liên Xô, hoạt động chặn thu là nguồn tin về Nhật Bản không kém quan trọng so với các báo cáo của Sorge. Chẳng hạn, trong bức điện mật mã mà trung tá Kasahara, tuỳ viên quân sự Nhật ở Moskva, gửi về Bộ Tổng tham mưu Nhật nửa năm trước các sự kiện ở Mãn Châu Lý và hai năm trước khi Sorge đến Tokyo, có nói rằng: “Sớm hay muộn cũng không tránh khỏi đụng độ với Liên Xô”. Tiếp đó là: “Chiến tranh Xô-Nhật bắt đầu càng sớm thì càng tốt đối với ta. Chúng ta phải hiểu rằng, tình thế mỗi ngày càng trở nên có lợi hơn cho Liên Xô. Nói ngắn gọn, tôi hy vọng chính quyền sẽ quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh nhanh chóng với Liên Xô và sẽ thực thi một đường lối thích hợp”.

Không có gì ngạc nhiên khi Moskva lo ngại các sự kiện ở Mãn Châu Lý có thể là khúc dạo đầu cho cuộc tấn công Liên Xô như Kasahara đang kêu gọi. Đáng lo hơn nữa là những lời của đại sứ Nhật tại Liên Xô Hirota nói trong cuộc nói chuyện với một viên tướng Nhật đang ở thăm Moskva và được trích dẫn trong một bức điện mật mã khác của Nhật: “Gạt sang một bên vấn đề có nên đánh nhau với Liên Xô hay không, có thể nói rằng, cần phải tiến hành một đường lối cứng rắn đối với Liên Xô với ý đồ khởi chiến với Liên Xô vào bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, mục đích không phải là bảo vệ chống chủ nghĩa cộng sản mà là đánh chiếm Đông Siberia”.

Moskva quá lo âu nên vào tháng 3 năm 1932 đã đưa ra một tuyên bố chính thức đáng lưu ý nói rằng, Liên Xô đang có trong tay các tài liệu do các quan chức đại diện cho giới quân sự cao cấp nhất của Nhật viết và chứa đựng các kế hoạch tấn công, chiếm đóng lãnh thổ Liên Xô. Điều đáng lưu ý hơn là việc tờ báo Izvestya đã đăng những đoạn được giải mã của các bức điện của Nhật, trong đó nêu đề nghị của Kasahara tiến hành “cuộc chiến tranh nhanh chóng” và lời kêu gọi đánh chiếm Đông Siberia của Hirota. Chính phủ Liên Xô sẵn lòng cho công bố các tin tức này là vì Nhật Bản đã biết là mật mã ngoại giao của họ bị giải phá. Năm 1931, chuyên gia mã thám Herbert Yardley đã cho in cuốn hồi ký gây chấn động, trong đó có kể lại việc cơ quan mã thám Mỹ đọc điện tín ngoại giao của Nhật Bản. Vụ xì căng đan quốc tế liền nổ ra ngay sau đó và ngoại trưởng Nhật đã công khai cáo buộc Hoa Kỳ.

Một thắng lợi lớn nữa của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô hồi giữa thập niên 1930 là việc tiếp cận được nội dung các cuộc đàm phán kéo dài giữa ngoại trưởng Đức Ribbentrop và tướng Oshima, tuỳ viên quân sự Nhật (sau này là đại sứ). Các cuộc đàm phán này kết thúc với việc ký kết hiệp ước Đức-Nhật được công bố ngày 25 tháng 11 năm 1935. Sứ quán Đức ở Tokyo vốn vẫn cho Sorge biết phần lớn các bí mật của mình khi đó cũng chỉ có hình dung mơ hồ về diễn biến đàm phán. Nhưng nhờ có tình báo vô tuyến điện tử, Moskva đã thu được thông tin đầy đủ và nhanh chóng hơn nhiều.

Mùa xuân năm 1936, một điệp viên Liên Xô ở Berlin do Krivitsky chỉ đạo đã lấy được một quyển mã của sứ quán Nhật. “Kể từ đó, - Krivitsky khoe khoang, - toàn bộ điện tín liên lạc giữa tướng Oshima và Tokyo thường xuyên qua tay chúng tôi”. Ngoài ra, các bức điện mật mã mà Tokyo liên lạc với sứ quán Nhật ở Moskva cũng bị các chuyên gia mã thám Liên Xô giải mã và là nguồn tin tình báo bổ sung về diễn biến đàm phán Đức-Nhật.

Do công lao đóng góp cho tình báo vô tuyến điện tử Xô-viết, Krivitsky đã được đề nghị tặng thưởng huân chương Lenin, nhưng cuối cùng đã không nhận được vì không lâu sau hắn đã trốn chạy khỏi “mặt trận thầm lặng”.

Chỉ ba ngày sau khi công bố hiệp ước Đức-Nhật, Dân uỷ ngoại giao Liên Xô Litvinov đã công khai tuyên bố ở Moskva về sự tồn tại của hiệp ước bí mật này - hiệp ước không được in và phải mất 15 tháng đàm phán giữa tuỳ viên quân sự Nhật và ngoại trưởng Đức.

Trong bài phát biểu của mình, Litvinov không nêu rõ nguồn cung cấp tin về hiệp ước bí mật này. Tuy nhiên, trong lời nói của Litvinov có một ví dụ thú vị của lĩnh vực nghiên cứu mã thám lời văn của hiệp ước: “Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, hiệp ước Đức-Nhật được viết bằng loạt mật mã đặc biệt, trong đó từ “chống cộng” có nghĩa hoàn toàn khác so với nghĩa nêu trong từ điển của từ này và rằng người ta giải mã được mật mã này bằng nhiều cách khác nhau”.



2 - Tin giả như thật

  Ngày 14 tháng 4 năm 1939, Dân uỷ ngoại giao Liên Xô M.M. Litvinov đã thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm biến hệ thống an ninh tập thể trên lục địa châu Âu thành hiện thực khi đề nghị bắt đầu thương lượng với Anh và Pháp để ký hiệp ước tương trợ chống xâm lược ở châu Âu. Cũng trong ngày đó, đại sứ Liên Xô ở Berlin đã gọi đến Bộ Ngoại giao Đức đề nghị bắt tay đàm phán cải thiện quan hệ Xô-Đức. Đầu tháng 5, V.M. Molotov đã thay Litvinov trên cương vị Dân uỷ ngoại giao Liên Xô. Trong vòng mấy tháng sau đó, Molotov đã tiến hành đàm phán song song để ký hiệp ước một bên với Anh và Pháp và một bên với Đức.

Vào thời gian đó, NKVD đã vạch kế hoạch các chiến dịch bí mật tinh vi nhằm lôi kéo Đức ký hiệp ước. Mấy ngày sau khi đại sứ Liên Xô chuyển qua điện thoại đề nghị của phía Liên Xô cho ngoại trưởng Đức, sứ quán Đức ở London đã nhận và gửi đi Berlin nội dung của loạt bức điện của Anh với báo cáo về tiến trình đàm phán với Liên Xô.

Tuy nhiên, cũng có những đoạn trống và sai trong các bức điện này. Chẳng hạn, trong đó có nói rằng, tại các cuộc đàm phán với Liên Xô, các đại diện Anh và Pháp đã đề nghị các điều kiện có lợi hơn và đã đạt được những tiến bộ lớn hơn so với thực tế.

Tình báo Đức khó có thể là nguồn cung cấp thông tin đó nhất. Các cơ quan tình báo Đức không thể giải phá các mật mã ngoại giao của Anh và không có điệp viên có khả năng tiếp cận bản rõ các bức điện mật mã tại Foreign Office. Khả năng tiếp cận thư tín ngoại giao Anh bất thần xuất hiện vào tháng 4 năm 1939 và nguồn tin này cũng ngừng cung cấp thông tin bất ngờ như thế chỉ 1 tuần trước khi ký hiệp ước Xô-Đức, và những đoạn bỏ trống và sai sót trong các bức điện chặn thu trở nên hoàn toàn dễ hiểu nếu cho rằng NKVD đã tung các bức điện làm giả vào sứ quán Đức ở London nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán về hiệp ước song phương. Các bức điện giả đó có thể được tung ra từ một hoặc lập tức từ hai nguồn.

Một nguồn có thể là đại uý King, hai là Phòng Đặc biệt của NKVD đang hoạt động mã thám hiệu quả với sự trợ giúp đắc lực của các điệp viên Liên Xô trong Foreign Office. Quả thực tin giả như thật này là thừa: những lợi ích của hiệp ước ký với Stalin lớn nên Hitler vẫn ký mà chẳng cần NKVD phải tác động, thúc đẩy.

Như vậy, thắng lợi lớn nhất trong hoạt động chống Anh của tình báo Liên Xô trong thập niên 1930 là việc tuyển mộ được hai nhân viên cơ yếu Anh - Oldham và King, cũng như hai nhà ngoại giao trẻ Maclean và Cairncross. Các tài liệu hiển nhiên là quan trọng mà họ cung cấp còn hỗ trợ các chuyên gia mã thám Xô-viết giải phá các mật mã của Anh.

Toàn bộ bốn điệp viên NKVD trong Foreign Office này đã thường xuyên gửi về Moskva nội dung các bức điện ngoại giao của Anh. Sau đó, NKVD có thể so sánh chúng với các bản điện mật mã và đây là sự trợ giúp quan trọng để giải phá mật mã. Cả bốn người còn đều có khả năng cung cấp cho NKVD tin tức tình báo liên quan đến các hệ mã của Bộ Ngoại giao Anh.


3 - Trên bộ và trên biển, trên không và trên làn sóng

Sự thiết lập nhà nước cảnh sát, việc cấm Đảng Cộng sản Đức, sự ủng hộ tăng lên của dân Đức đối với chế độ độc tài Hitler, cũng như một loạt những kẻ đào ngũ trong lực lượng mật trước giữa thập niên 1930 đã dẫn đến sự đổ vỡ của lưới tình báo Liên Xô tại Đức.
Sự đổ vỡ của lưới này còn gây ra tổn thất lớn hơn cho tình báo vô tuyến điện tử bởi vì Đức là nước duy nhất có những mật mã rất phức tạp mà các chuyên gia mã thám Xô-viết chưa giải phá được. Cho đến tận khi Đức xâm lược Liên Xô, họ không giải phá được một khoá mã nào của máy mã Enigma.

Các mật mã ngoại giao chủ yếu của Đức còn khó giải mã hơn Enigma. Do đó mà tuy có trong tay lưới tình báo lớn nhất thế giới, nhưng ngày 22 tháng 6 năm 1941, Liên Xô đã phải hứng chịu một đòn thất bại chí tử. Trước hết, đó là thất bại của tình báo Liên Xô. Mặc dù công bằng mà nói thì nguyên nhân thất bại không chỉ là do thiếu thông tin tin cậy về địch mà cả do phân tích và sử dụng sai những tin tình báo đã có.

Trong giai đoạn đầu chiến tranh chống Liên Xô, Hitler cho rằng, quân đội Đức sẽ chiến thắng trước mùa đông và rất hy vọng được bắt tay người Nhật ở tuyến đường xuyên Siberia. Ribbentrop đã yêu cầu sứ quán Đức ở Tokyo thuyết phục Nhật xé bỏ hiệp ước trung lập với Liên Xô mới chỉ được ký ba tháng trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch Barbarossa.

Tin tức tình báo về ý đồ của Nhật do nhóm của Sorge cung cấp khi Đức đã tấn công Liên Xô không phải là những tin tức duy nhất. Người ta đồng thời cũng đã thu được cái gì đó từ các bức điện ngoại giao Nhật bị giải mã (hệ mã Purple đã bị giải phá). Có lẽ chính nhờ được tin tức mã thám xác nhận cho các bức điện của mình mà Sorge mới giành được sự tin tưởng hoàn toàn của Moskva. Thông tin về ý đồ của Nhật tiếp tục được cung cấp kể cả sau khi Sorge đã bị bắt.

Trong bức điện mật mã gửi ngày 27 tháng 11 năm 1941 từ Tokyo đến sứ quán ở Berlin có nói: “Cần phải gặp Hitler và bí mật giải thích với ông ta lập trường của chúng ta đối với Mỹ. Hãy giải thích với Hitler rằng, các nỗ lực chính của Nhật Bản sẽ được tập trung ở hướng Nam (nhằm chống Mỹ và Anh - TG) và chúng ta không dự định tiến hành các hành động lớn ở hướng Bắc (chống Liên Xô - TG).

Tin tức về các kế hoạch chiến tranh của Nhật mà Sorge và các chuyên gia mã thám của NKVD thu thập được đã cho phép Stalin điều động một nửa quân lực của quân khu Viễn Đông sang mặt trận Xô-Đức. Lực lượng tăng viện này đã đến đó vào thời điểm gay cấn nhất của chiến tranh thế giới thứ II khi Hitler bắt đầu cuộc tấn công Moskva và gọi là “trận quyết chiến cuối cùng”.

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô chống Đức được cải thiện vào mùa xuân năm 1943 là nhờ công tác chặn thu được hoàn thiện. Ngay từ đầu cuộc chiến, các chuyên gia mã thám của NKVD và GRU đã vật lộn để giải phá Enigma. Thông tin thu được từ Anh nhờ Philby, Long và Cairncross không có ý nghĩa lớn đối với họ. Nhưng việc người Anh đã thu được các thông tin đó bằng cách đọc điện tín của Đức đã khiến các chuyên gia mã thám Liên Xô hy vọng là họ sẽ cũng làm được điều đó.

Tuy nhiên, tất cả đều hiểu đó là nhiệm vụ rất nan giải. Hải, Lục, Không quân Đức - tất cả đều dùng máy mã Engima và sử dụng các khoá mã khác nhau cho những mục đích khác nhau, ở những địa điểm và thời gian khác nhau. Kể từ năm 1941, có tới không dưới 50 khoá mã Enigma đồng thời được sử dụng và tất cả đều được thay đổi hàng ngày.

Ngày 17 tháng 1 năm 1943, trước khi bị đánh tan ở Stalingrad, Cục Thông tin liên lạc của Wehrmacht đã kết luận rằng, các chuyên gia mã thám Xô-viết đã giải phá được Enigma. Nhờ thu giữ được các máy mã, khoá mã và bắt được các nhân viên cơ yếu-thông tin, tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô đã đọc được điện mật mã chặn thu từ một số kênh liên lạc của Đức.

Trận đánh Stalingrad đã tạo thêm cơ hội để phát triển ngành mã thám ứng dụng của Liên Xô. Trong tay nhóm quân Đức bị vây gần Stalingrad có ít nhất 26 máy mã Enigma mà trong điều kiện bị bao vây thì tiêu huỷ chúng đơn giản là không thể. Lọt vào tay Hồng Quân cùng với các máy mã chắc còn có một số vị trí đặt khoá mã.

Điều không kém phần quan trọng là trong số gần 100 ngàn tù binh bị bắt gần Stalingrad có cả những lính thông tin và cơ yếu và có lẽ không phải tất cả họ đều có thể cưỡng lại những đề nghị kiên trì yêu cầu giúp đỡ các chuyên gia mật mã Liên Xô.

Như một sự ghi nhận thành tựu của tình báo vô tuyến điện tử Xô-viết, trong quyết định tổ chức hội nghị sĩ quan thông tin liên lạc vào năm 1943, người Đức viết: “Cấm truyền các chỉ thị của Hitler trên kênh liên lạc vô tuyến dưới mọi hình thức”. Tuy có trong tay các chuyên gia mật mã xuất sắc của NKVD và GRU, nhưng vẫn thiếu các thiết bị Bombes và Colossus mà các đồng nghiệp ở GCHQ của Anh có được.

Mùa xuân năm 1943, các cơ quan mã thám Liên Xô đã giáng đòn tấn công chính vào đỉnh chứ không phải vào nền móng của nghệ thuật cơ yếu Đức. Họ tiến hành mã thám các mật mã thủ công của địch, chứ không phải máy mã Enigma hoặc Triton. Cuối năm 1942, Đại bản doanh Tổng tư lệnh Tối cao Xô-viết đã quyết định thành lập các tiểu đoàn vô tuyến điện đặc nhiệm.

Các sử gia Liên Xô, không định vi phạm lệnh cấm áp đặt đối với chủ đề tình báo vô tuyến điện tử, đã nói về vai trò của các tiểu đoàn này trong việc gây nhiễu vô tuyến và trong các chiến dịch tung tin giả, những đã “quên” đề cập đến việc mỗi tiểu đoàn vô tuyến điện đặc nhiệm phải được trang bị 18-20 máy chặn thu và 4 máy định vị. Mặc dù các tiểu đoàn vô tuyến điện đặc nhiệm bắt đầu được thành lập ngay vào cuối trận Stalingrad, nhưng phải sau này chúng mới có đóng góp rất lớn trong thời gian trận đánh Kursk. Thành công của họ có được một phần là nhờ tính kỷ luật vô tuyến điện kém của các báo vụ viên Đức.

4 - Mật mã đánh cắp ngày nay có giá bao nhiêu

Từ năm 1937 đến 1939, đến lượt Liên Xô trở thành nạn nhân của các vụ “đánh cướp mật mã”.
Bị đánh cắp đầu tiên là mật mã dùng để liên lạc giữa Moskva và bộ trưởng quốc phòng của phe cộng hoà Tây Ban Nha là phe người được Liên Xô giúp đỡ chiến đấu chống Franco.

Sau đó, Cục trưởng NKVD ở Viễn Đông, uỷ viên dân uỷ an ninh quốc gia cấp 3 Genrikh Samoilovich Lyushkov, trong khi thanh tra một khu vực biên giới Liên Xô-Mãn Châu Lý, đã chạy sang phía quân Nhật và cung cấp cho chúng tin tức chi tiết về công tác tổ chức liên lạc mật trong khu vực ven biên.

Việc đánh cắp thường xuyên tài liệu mật mã của nhau cuối cùng đã suýt dẫn đến một phiên toà vớ vẩn có thể diễn ra vào năm 1939. Hai người lưu vong Nga, vợ chồng nhà Azarov, đã bí mật đưa ra khỏi Liên Xô, như sau này họ nói, “một quyển mã bí mật chứa loại mật mã hiện dụng ở Liên Xô để liên lạc cơ yếu”. Đồ đạc của họ, kể cả quyển mã nêu trên, đã đưa lên boong chiếc tàu vận tải Baltabor, sau đó được đưa xuống Riga, ở đây toàn bộ hành lý bị mất.

Vợ chồng nhà Azarov đã kiện công ty tàu thuỷ đòi đền bù 511.900 đô la, trong đó 11.900 đô là là đền bù cho tài sản cá nhân bị mất, nửa triệu đô la là cho mật mã bị mất mà theo Azarov như thế là “hoàn toàn phù hợp với giá trị của quyển mã trên thị trường thế giới vào thời điểm bị mất”.

Vụ này đã được dàn xếp để không phải đưa ra toà và không ai biết vợ chồng Azarov đã được trả bao nhiêu tiền bồi thường giá trị của quyển sách không thể định giá kia.

Hoạt động của Liên Xô trên vũ đài mã thám ứng dụng không chỉ dừng ở việc thu thập các loại mật mã và khoá mã bằng mọi cách. Tình báo Liên Xô còn chú ý thu thập các bản rõ cho phép các chuyên gia mã thám giải phá các mật mã. Người ta đã biết đến câu chuyện về các giấy tờ mà cựu đảng viên cộng sản Mỹ Whittaker Chambers cho là đã được một điệp viên được tình báo Liên Xô tuyển mộ trao cho ông ta để chuyển về Moskva.

Và mặc dù các tài liệu này không đi xa hơn tay của Chambers, chúng vẫn chỉ là một phần trong số lượng lớn các bức điện mà điệp viên này chụp được.

Chẳng hạn, trong số đó có một bức điện của sứ quán Mỹ ở Paris đề ngày 13 tháng 1 năm 1938 và có ghi chú: “Tuyệt mật. Gửi riêng cho ngoại trưởng”. Một số bức điện đã từng được gửi ở dạng bản rõ, số còn lại, theo lời trợ lý ngoại trưởng Mỹ Wells, “có thể được gửi bằng một trong những loại mật mã bí mật nhất đang được sử dụng”. Người ta hỏi Wells rằng, liệu việc có được cả bản rõ và bản mật mã của nó có phải là các tư liệu hỗ trợ cho việc giải phá mật mã hay không thì ông ta nói: “Theo tôi, đúng là thế đấy”.



  

No comments:

Post a Comment