; }


Vũng Lầy Của Tòa Bạch Ốc
Nguyễn Kỳ Phong
 

Chương 9
 Những Con Khỉ của Năm Mậu Thân

 
Năm 1968. Năm của thế kỷ. Năm của nổi loạn. Một năm mà tất cả các định chế của xã hội bị nghi ngờ và đặt trong câu hỏi: 1968 là một năm không may cho Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Mọi nơi trên quả địa cầu, sinh viên, học sinh nổi lên phản đối chính phủ; họ đứng lên đặt câu hỏi về giá trị của những định chế của xã hội, về ý thức hệ chính trị mà chính phủ bắt họ phải tin và nghe. Các nhóm biểu tình phản đối từ bất công xã hội cho đến sự dã man của chiến tranh; từ phi lý của cuộc sống cho đến phi lý của ý thức hệ chính trị. Nhiều cuộc biểu tình trở thành bạo động đến độ chính quyền phải ban hành lệnh thiết quân luật. Ở Việt Nam, hỗn loạn xảy ra trong đêm giao thừa.

Ngay đêm Giao Thừa tết Mậu Thân, cộng sản tấn công vào một số thị xã ở Vùng II. Sau đó, từ tối mồng 1 trở đi, cộng sản tấn công bằng lính bộ binh hay pháo kích vào 44 tỉnh lỵ của VNCH. Riêng tại thủ đô Saigon, nhiều nơi đã trở thành biển lửa khi quân đội VNCH phải dùng mọi biện pháp để thanh toán các ổ kháng cự của cộng sản.

Mặc dù lợi dụng ba ngày hưu chiến để bất ngờ tấn công VNCH, cuộc tổng công kích của cộng sản hoàn toàn thất bại: CSVN không đạt được một kết quả nào, dù nhỏ đến đâu. Theo lời khai của các sĩ quan cao cấp cộng sản sau này, hơn 90 phần trăm lực lượng nòng cốt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị thiệt mạng; toàn bộ các cơ sở hậu cần địa phương bị phá hủy trong hai đợt tấn công 1 và 2. Nhưng đổi lại những thiệt hại nặng nề đó, cộng quân đã thắng được những chiến thắng chính trị và tâm lý mà chính họ không ngờ hay dự định trước. Cuộc tổng công kích năm 1968 của CSVN đưa đến hai kết quả: Một mặt, cuộc tổng công kích của CSVN năm 1968 đã làm cho mọi người thấy được sự tàn bạo của cộng sản, và nung đúc thêm tinh thần chống cộng ở miền Nam. Mặt kia, cuộc tấn công toàn diện của cộng sản dù bị thiệt hại như thế nào đã làm cho dư luận nội địa Mỹ thêm hoài nghi và bi quan về tiến trình kế hoạch quân sự ở Việt Nam. Cuộc tấn công của cộng sản đã chuyễn những thắng lợi quân sự của Hoa Kỳ thành những thất bại về chính trị và tâm lý. 

Năm 1968. Chiến tranh Việt Nam đang xảy ra và vẫn tiếp tục. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó Hoa Kỳ không tiếp tục đánh nữa. Người Mỹ đã chán: Giới quân sự nhận thấy rõ họ không được phép đánh để thắng. Giới chính trị thì phải lo cho xã hội của họ đang bị lung lay tận gốc, hơn là lo cho một mảnh đất ở viễn phương, xa lạ. Còn người dân Mỹ thì rất thực tế với một phán đoán hợp lý: Hoặc đánh để thắng, hoặc rút quân về.
Với tất cả những lạc quan MACV báo cáo về Ngũ Giác Đài; với những tuyên bố đầy niềm tin của Westmoreland trước báo chí trong lần viếng thăm Hoa Thịnh Đốn vào cuối năm 1967, nhưng dư luận nội địa Hoa Kỳ vẫn không tin Hoa Kỳ và VNCH đang nắm thế thượng phong vào mùa xuân năm 1968 ở Việt Nam. Làm sao dư luận tin được khi thấy hình ảnh cái quốc ấn của Hoa Kỳ nằm dưới đất, bên cạnh là xác những người lính Mỹ chết để bảo vệ nó. Làm sao tin được tình hình an ninh ở miền Nam bắt đầu an toàn và cộng sản đang quay trở lại giai đoạn chiến tranh du kích vì bị thiệt hại nặng ở chiến trường, khi tòa đại sứ Mỹở trung tâm thủ đô Saigon bị xâm nhập và bắn nát. Với những hình ảnh đó được chiếu ngày đêm trên màn ảnh truyền hình ở Mỹ, với báo chí loan tải đầy những bình luận bi quan và thất thiệt, những người tin tưởng vào cuộc chiến, bây giờ hoài nghi; những người đang hoài nghi, bây giờ không còn tin; và những người đã không tin, bây giờ có thêm lý do để tuyên truyền về một thất bại của kế hoạch quân sự Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam.

Cuộc tấn công bất thần của cộng sản năm 1968 đưa đến nhiều thay đổi đột ngột hay hối thúc thêm thẩm quyền Hoa Kỳ phải quyết định về chính trị, quân sự, và đường lối ủng hộ chiến tranh Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ.

Từ đầu năm 1968, tổng thống Johnson đã quyết định nhiều thay đổi về phương diện quân sự và ngoại giao liên quan đến tình hình Việt Nam. 19/1/1968, Johnson đề cử Clark Clifford thay McNamara ở chức tổng trưởng quốc phòng; 22 tháng 3, Johnson triệu hồi Wesmoreland trở lại Mỹ thay thế tướng Harold K. Johnson làm Tư Lệnh Lục Quân, và bổ nhiệm tướng Creigton Abrams thay Westmoreland ở MACV. Không phải vì cuộc tổng tấn công vào đầu năm làm cho tổng thống Johnson có những quyết định này: Ông đã có hai quyết định đó từ tháng 11-1967 sau khi McNamara thay đổi ý định theo đuỗi cuộc chiến và đề nghị Johnson ngưng dội bom, tìm cách thương lượng với Hà Nội. Lúc đầu, các cố vấn quan trọng của Johnson kể luôn vị tân tổng trưởng quốc phòng Clifford không đồng ý với đề nghị của ông tổng trưởng bỏ cuộc McNamara. Nhưng đến tháng 3/1968, trừ giới quân nhân, tất cả những cố vấn có ảnh hưởng với Johnson đều khuyên Johnson nên giảm thiểu cuộc chiến và tìm giải pháp thương lượng. Rồi chuyện khó khăn này dẫn đến chuyện khó khăn khác: Cuộc tổng tấn công của cộng sản; Westmoreland xin thêm hơn 200 ngàn quân để dứt điểm đối phương; và những cuộc trưng cầu dân ý của năm bầu cử tổng thống cho thấy đa số cử tri không còn ủng hộ Johnson thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Chiến tranh Việt Nam đến giai đoạn này là một ung nhọt mà tổng thống Johnson không thể làm lơ.

Sự lo lắng của tổng thống Johnson không phải không có lý do. Từ một vị tổng thống được sự ủng hộ nhiệt liệt của dân chúng, bây giờ thì tên tuổi ông bị những đám biểu tình gọi ra để thóa mạ hàng ngày. Dư luận công chúng đối với Johnson trong năm đầu (1965) nhiệm kỳ tổng thống so với năm cuối (1968) hoàn toàn trái ngược.

Cuối năm 1965, khi Hoa Kỳ có gần 150 ngàn quân ở Việt Nam, giới trí thức, khoa bảng, dân biểu, nghị sĩ, và đa số các thành phần ở xã hội đều ủng hộ chính sách quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam. Khi các thành phần khuynh tả phần lớn là sinh viên, giáo sư bắt đầu biểu tình chống chiến tranh, chống lệnh bắt quân dịch, họ gặp những kháng cự mạnh từ những nghị viên cầm đầu quốc hội và các thành phần trí thức khuynh hữu. Sau những vụ biểu tình chống chiến tranh đầu tiên ở các thành phố vào tháng 10-1965, chủ tịch hạ viện Carl Albert lên tiếng chỉ trích các phần tử tham dự biểu tình là hành vi của họ gần như có tính cách sách động và phản quốc. Chủ tịch Albert nhấn mạnh ... giới lãnh đạo ở hai viện và cả quốc hội đoàn kết ủng hộ những quyết định của những tổng thống. Dân biểu Gerald Ford, chủ tịch khối thiểu số ở hạ viện (đảng Cộng Hòa) tuyên bố, khi cộng sản quốc tế giựt dây những cuộc biểu tình phản chiến, họ đã nghĩ sai về sự đoàn kết của dân chúng Mỹ. Ngoài hai nhân vật quan trọng ở hạ viện, chủ tịch khối đa số và thiểu số ở thượng viện cũng lên tiếng chỉ trích các hội đoàn tổ chức biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Chủ tịch thượng viện Mike Mansfield gọi những thanh niên biểu tình đã nối giáo cho giặc, cho Hà Nội, Bắc Kinh, và Việt Cộng. Chủ tịch khối thiểu số Everett Dirksen nhắc những người biểu tình là, nhiệm vụ của quốc gia, của Mỹ quốc là bảo vệ tự do. Ngay cả những nghị sĩ chống đối chiến tranh từ quan điểm cá nhân, cũng lên tiếng khuyên nhóm biểu tình phải thống nhất ý chí, đứng sau những quyết định của chính phủ. Richard B. Russel, chủ tịch ủy ban quốc phòng, thú nhận mặc dù ông phản đối đem quân vào Việt Nam, nhưng lá quốc kỳ của chúng ta đã thể hiện; danh dự của quốc gia đã thể hiện, tiếng tăm của chúng ta đã thể hiện, và khả năng ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử để bảo vệ nền hòa bình thế giới đang đối diện Hoa Kỳ ở Việt Nam. Đa số nghị viên quốc hội đồng ý cộng sản đã ảnh hưởng và đứng sau lưng các cuộc biểu tình.

Về phía trí thức khoa bảng hay những nhân vật có thẩm quyền ở thế hệ trước, họ đã đồng ký tên vào những kiến nghị ủng hộ đường lối chiến tranh ở Việt Nam. Những công thần của nước Mỹ như Dean Acheason, Lucius D. Clay, Douglas Dillon. Các tay khoa bảng như Wesley Fishel của đại học cộng đồng Michgan, Samuel Beer của Harvard, và 190 giáo sư của những trường đại học danh tiếng ở miền đông Hoa Kỳ ký tên ủng hộ chính phủ. 

Nhưng đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, lòng dân và thế lực chính trị tại nội địa Mỹ thay đổi. Nhiều khó khăn quốc nội làm ảnh hưởng đến những quyết định của Johnson đối với chiến tranh Việt Nam. Những người ủng hộ kế hoạch và đường lối chính trị của Johnson trong quá khứ lần lượt lên tiếng phản đối. Mục sư Martin Luther King, một trong những người ủng hộ các chương trình xã hội và dân quyền của tổng thống Johnson từ năm 1964, bắt đầu lên tiếng phản đối, tuyên cáo Johnson đã bỏ rơi chương trình Đại Xã Hội, một chương trình nâng cao quyền bình đẳng và mức sống cho dân nghèo ở Hoa Kỳ, vì quá chú tâm về vấn đề Việt Nam. Năm 1967 ngân sách quốc gia Hoa Kỳ bị thâm thủng gần 30 tỉ, và Johnson phải quyết định hoặc là tăng thuế, hoặc là giảm ngân sách quốc phòng. Nhưng tăng thuế thì mất lòng cử tri; giảm chi phí quân sự thì lại càng không được đối diện với cuộc chiến ở Việt Nam và tình hình an ninh chung trên thế giới. Những dân biểu nghị sĩ thủ lãnh ở quốc hội, trước đây vẫn trung thành với Johnson, bây giờ chỉ trích Johnson và cuộc chiến ở Việt Nam. Họ nói chiến tranh Việt Nam làm đổ vỡ nhiều kế hoạch quốc nội và quốc ngoại. Nghị sĩ William J. Fulbright, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện hăm dọa ông sẽ đình trệ ngân khoản quốc phòng khi vấn đề được đem lên thượng viện bàn thảo. Theo Fulbright, không những chương trình Đại Xã Hội của Johnson không thành công, ngược lại xã hội Hoa Kỳ đang trở thành một xã hội bệnh hoạn. Ông nghĩ Hoa Kỳ không có đủ tiền để chiến thắng hai cuộc chiến: cuộc chiến chống cộng ở Việt Nam và cuộc chiến chống bất bình đẳng và nghèo đói cho dân hạ lưu ở nội địa Mỹ. Trong hai cuộc chiến đó, chẳng những Johnson không thắng được trận chiến nào, mà không chừng thua luôn cả hai. Ngoài Fulbright ra, những dân biểu, nghị sĩ có ảnh hưởng ở quốc hội bắt đầu đặt câu hỏi về sự thành công của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Quân chúng ta đông, nhưng đối phương đánh theo sự lựa chọn [chiến trường] của họ, nghị sĩ Stennis thổ lộ với nghị sĩ Hollings.

Trong khi đó, xã hội Mỹ càng ngày càng rối thêm. Từ mùa hè năm 1967, bạo động đã xảy ra ở nhiều thành phố trên đất Mỹ, phần lớn là những thành phố có dân da đen cư ngụ. 26 người chết ở Newark, New Jersey; 40 ở Detroit, Chicago. Bạo động càng dữ dội hơn khi mục sư Martin Luther King bị bắn chết vào đầu tháng 4-1968. dân da đen nổi lên làm loạn ở 110 thành phố. Thẩm quyền an ninh dân sự và quân sự phải vận động 75 ngàn lính để tái lập trật tự. Kết quả những cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của King có 39 người chết và hơn 2.500 người bị thương, phần lớn là dân da đen. Nhưng đó chỉ là những bạo động nhỏ so với cuộc bạo động ở Chicago vào tuần lễ nghị hội đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ (Democratic Nomination Convention) vào mùa Hè năm 1968.

Với những biến chuyễn dồn dập, tổng thống Johnson phải quyết định.
Trưa ngày 26 tháng 3-1968, một số nhân vật quan trọng và thân cận với tổng thống Johnson họp lại ăn trưa tại tòa Bạch Cung và đồng thời thảo luận, cho ý kiến về vấn đề Việt Nam. Những người trí giả (Wise Men) đang tụ họp vào buổi trưa thứ Ba này là những công thần của nước Mỹ họ đã phục vụ nước Mỹ từ ngày đầu của Đệ Nhị Thế Chiến cho đến ngày đầu của Chiến Tranh Lạnh, cho đến giai đoạn khó khăn đang đối diện Hoa Kỳ ngày hôm nay. Có mặt trong bữa ăn đó là những công thần lão thành như Dean Acheson, Douglas Dillon, John McCloy, Arthur Dean, Robert Murphy. Hay những đàn em với danh tiếng lẫy lừng sau này như McGeorge Bundy, Omar Bradley, Maxwell Taylor, Matthew Ridgway, Henry Cabot Lodge, George Ball, Cyrus Vance. Trước khi gặp tổng thống Johnson vào bữa ăn trưa hôm nay, những nhân vật quan trọng trên đã gặp nhau ngày hôm qua trong bữa ăn tối tại Bộ Ngoại Giao và nghe những chuyên viên quân sự, ngoại giao và tình báo thuyết trình cho họ những biến chuyển mới nhất về tình hình Việt Nam, để họ có những dữ kiện quyết định trước khi gặp tổng thống hôm nay.
Trước khi gặp các trí giả cố vấn, sáng hôm đó Johnson đã gặp tham mưu trưởng liên quân Wheeler và đại tướng Abrams tại tòa Bạch Ốc để nghe họ tường trình. Khi nghe Wheeler và Abrams xin Johnson thêm quân, xin được đánh qua Lào và Cambodia, xin gia tăng dội bom Bắc Việt ... để dứt điểm dối phương trong lúc đối phương đang bị thiệt hại nặng và hấp hối, Johnson trả lời họ bằng một giọng rất buồn và đau khổ. Ông nói cho hai sĩ quan cao cấp là ông muốn làm cho đúng, dù ông bị thất cử trong nhiệm kỳ tới. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho chuơng trình Đại Xã Hội khi ông lấy bớt ngân quỹ dùng để xây cất gia cư cho dân ngèo, ngân quỹ của chương trình giáo dục và chương trình nâng đỡ giai cấp lao động? Ông nhấn mạnh năm nay là năm bầu cử mà ngân sách thì cần thêm tiền, phải tăng thuế, trong khi Việt Nam thì cần thêm quân. Ông nói ông có thể chịu đựng áp lực chính trị để thõa mãn những đòi hỏi của giới quân nhân. Nhưng dù như vậy, ông vẫn chưa có thể nói cho người dân biết được tương lai cuộc chiến Việt Nam sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo con đường đang đi. Ông kết thúc cuộc nói chuyện với Wheeler và Abrams bằng lời hứa hẹn, là nếu đại tướng Westmoreland cần thêm 206 ngàn quân nữa thì ông sẽ cho nếu quân đội có dư được số quân đó. Nội dung những gì Johnson muốn nói, chúng ta có thể đoán được, là dân Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến ở Việt Nam nữa.
Cuộc họp trưa ngày 26 tháng 1-1968 giữa các trí giả và tổng thống Johnson xảy ra như dự định. Và chúng ta có thể đoán được những lời cố vấn của họ sẽ thốt ra. McGeorge Bundy, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Kennedy và Johnson đại diện cho phía muốn ngưng đánh phát biểu vắn tắt: Chúng ta không còn thì giờ để đạt được mục tiêu đã định; đa số trong buổi họp này nghĩ chúng ta không nên gia tăng cường độ cuộc chiến, hay kéo dài cuộc chiến. Gia tăng hay kéo dài cuộc chiến là đi ngược lại quyền lợi quốc gia. chúng ta phải thay đổi dường lối hiện tại ngay trong mùa hè này, Dean Acheson tiếp lời Bundy. Johnson nghe những lời cố vấn trong sự ngỡ ngàng và có thái độ giận dữ khi nói chuyện trong phòng riêng với hai tổng trưởng Clifford và Rusk. Dù thất vọng với những lời cố vấn của đa số trí giả, Johnson biết mình không thể nào đi ngược lại ý dân. Làm sao đi ngược lại ý dân khi ý dân đã nói lên ý nguyện: Tháng 3-1968 chỉ còn 36% dân tín nhiệm Johnson; và chỉ còn 43% dân Mỹ muốn đánh mạnh ở Việt Nam. Đây là sự bất tín nhiệm thấp nhất của người dân vào một tổng thống từ thời tổng thống Hary Truman. Sau buổi họp với những trí giả cố vấn, Johnson có khoảng năm ngày để soạn thảo một bài diễn văn, nói cho dân Mỹ biết ý định của ông về chiến tranh Việt Nam. Ông dự định sẽ đọc một bài diễn văn trước quốc dân vào ngày 31 tháng 3-1968 một chiều Chủ Nhật.

Nhiều sử gia về chiến tranh Việt Nam cho rằng quyết định của thổng thống Johnson vào cuối tháng 3-1968 là cây đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài về liên hệ trực tiếp của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Nhưng đa số sử gia cũng dẫn chúng ta đến một số tài liệu, văn kiện liên hệ, để chúng thấy nhiều nhân vật đã ảnh hưởng đến quyết định của tổng thống Johnson. Một trong những người có nhiều ảnh hưởng đến các tổng trưởng, cố vấn, và chính tổng thống Johnson về đường lối chiến tranh Việt Nam là Clifford người thay McNamara ở Bộ Quốc Phòng từ đầu năm 1968. Theo nhiều sử liệu và hồi ký, tổng trưởng Quốc Phòng Clifford đã có ác cảm về cuộc chiến Việt Nam ngay trong những ngày đầu nhậm chức. Ông đã tỏ thái độ chống lại chiến tranh Việt Nam ngay sau trận tổng công kích Mậu Thân, và khi Westmoreland yêu cầu viện thêm 206 ngàn quân để thanh toán chiến trường. Dựa vào phản ứng bi quan của dư luận, Clifford muốn:

(1) Quân đội Hoa Kỳ ngừng đánh và nhường chiến trường đó lại cho quân đội VNCH
(2) Tìm một thương lượng trên mặt trận ngoại giao để đem Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến.

Và khi Clifford đã quyết định thì khó có tướng lãnh nào ở Ngũ Giác Đài từ chối, hay cãi lại. Khó có thể cãi lại một người đã từng ngồi đánh phé với tổng thống và nhiều nguyên thủ thế giới, trong khi các sĩ quan cao cấp nhất ở Ngũ Giác Đài vẫn còn mang lon trung, đại tá ở ngoài chiến trường. Làm sao cãi lại với một người đã viết ra bộ luật đẻ ra chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Quân Chủng Không Quân, CIA, hay Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Trong chiến tranh Việt Nam, nếu Henry Kissinger là người bắt buộc VNCH phải ký vào tờ giấy khai tử của chính mình vào năm 1973, thì năm 1968 Clark Cliford là người đã bắt buộc VNCH phải tự đơn thân gánh vác cuộc chiến. Tổng trưởng Quốc Phòng Clark McAdam Clifford không giống tổng trưởng Quốc Phòng McNamara trong nhiều ý nghĩa: McNamara được Kennedy mời làm tổng trưởng quốc phòng vì thông minh và khoa bảng; Clifford được mời làm vì ông quen biết nhiều và có ảnh hưởng rộng lớn hơn tổng thống. McNamara điều khiển người qua phương cách làm việc khoa học; Cliford điều khiển người qua lý luận. McNamara theo đuổi kế hoạch dù sai lầm đến đâu với lòng tự ái của một nguời lúc nào cũng nghĩ mình đúng; Clifford không tự ái và rất thực tiễn như một luật sư khi thi hành kế hoạch. McNamara đi sau lưng các tướng lãnh để làm lén nhiều chuyện; Clifford nói thẳng trước mặt và muốn các tướng lãnh phải thi hành.

Sanh năm 1906 ở Kansas, nhưng lớn lên ở Saint Louis, Missouri, giòng họ hai bên nội ngoại của Clifford thuộc giai cấp trung lưu, thành công về thương mại hoặc báo chí truyền thông. Ra trường và hành nghề luật sư từ năm 21 tuổi, với một ước mơ thật bình thường: Có một lợi tức đều đặng từ nghề nghiệp và một mái gia đình ấm cúng rồi sống suốt đời tại tiểu bang miền trung Mỹ đã lớn lên. Khi Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra, Clifford không phải nhập ngũ vì đã lớn tuổi. Nhưng đến năm 1944, khi bạn bè chung quanh nhập ngũ, Clifford thấy mình cũng phải làm một cái để được gọi là góp phần giúp đỡ quê hương. Clifford tình nguyện đầu quân vào sĩ quan trừ bị Hải Quân và được đồng hóa vào cấp bậc thiếu úy khi đã 37 tuổi và vẫn chưa biết chào hay chào trả lễ theo quân phong như thế nào. Nhưng nhờ kiến thức và phong cách làm việc của một luật sư, ông được gọi về Hoa Thịnh Đốn làm việc trong Bộ Hải Quân. Hai tháng sau, Hải Quân cử ông vào đoàn thanh tra về tiếp liệu cho Hải Quân ở miền Tây Hoa Kỳ, để chuẩn bị quân nhu dụng cho mặt trận Thái Bình Dương. Bản tường trình của Clifford được sự chú ý của một đô đốc chi huy tiếp liệu Hải Quân toàn vùng Thái Bình Dương, và chỉ vài tháng sau được về làm phụ tá cho đại tướng hải quân Royal E. Ingersoll (Ingersoll là bạn cùng khóa với thủy sư đô đốc (Fleet Admiral) Chester Nimitz, một trong ba vị tướng năm sao duy nhất của Hải Quân Mỹ).
Rồi như một chuyện huyền thoại về sự thành công của một đời người, sự nghiệp của Clifford thăng thiên nhờ vào những tình cờ khó tưởng. Trong thời gian làm việc cho đô đốc Ingersoll, Clifford gặp lại một người bạn thân cùng quê Missouri. Theo lời kể trong hồi ký, Clifford nói cuộc đời ông thay đổi nhờ người bạn James K. Vardaman này. Thân phụ của James Vardaman là một người có thế lực ở tiểu bang Missouri, từng là thống đốc và nghị sĩ của tiểu bang. Với thế lực và tiền bạc, gia đình Vardaman ủng hộ một ứng cử viên nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ có tên là Hary S Truman. Như chúng ta đã biết, năm 1944 tổng thống Franklin D. Roosevelt chọn Truman làm phó tổng thống. Khi Roosevelt chết vào tháng 4-1945, Truman lên thay làm tổng thống. Để đền ơn lại sự giúp đỡ của gia đình Vardaman, tổng thống Truman chọn James K. Vardaman về làm phụ tá quân sự cho ông đây là một chuyện chưa bao giờ xảy ra, vì tất cả tùy viên quân sự cho tổng thống đều là sĩ quan hiện dịch chứ không phải là trừ bị. Khi gặp lại nhau, Vardaman nói sẽ kéo Clifford về làm chung với ông hoặc ở Tòa Bạch Ốc, hoặc ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tháng 7-1945 Clifford được thăng chức thiếu tá nhiệm chức và về Tòa Bạch Cung làm phụ tá cho Phụ Tá Hải Quân Tổng Thống. Đầu năm 1946, qua vài lủng củng trong liên hệ cá nhân giữa Truman và Vardaman, Truman đổi Vardaman qua một chức vụ khác, và với nhiều do dự đề cử Cliford vào chức vụ Phụ Tá Hải Quân Tổng Thống. Với chức vụ mới, từ chức thiếu tá nhiệm chức Clifford được lên thẳng chức đại tá Hải Quân. Như vậy, chỉ trong vòng hơn hai năm, từ một thiếu úy vô danh, Clifford trở thành đại tá phụ tá cho tổng thống. Báo chí và bạn bè thường chế nhạo Clifford về chức vụ đại tá hải quân của ông. Cliford cũng công nhận như vậy, ông là một đại tá hải quân nhưng chưa một ngày nếm mùi biển mặn. Nhưng Clifford đóng vai trò Phụ Tá Hải Quân Tổng Thống không lâu: Hai tháng sau Truman tiến cử ông vào chức vụ Cố Vấn Đặc Biệt Tổng Thống. 

Trong gần sáu năm (1945-1950) làm việc cho Truman thời gian khai mào và quan trọng nhất của Chiến Tranh Lạnh, Clifford tham dự và cố vấn rất nhiều về liên hệ ngoại giao Hoa Kỳ đối với thế giới sau đệ nhị thế chiến. Ông có mặt bên cạnh thủ tướng Churchill khi vị lãnh đạo Anh quốc đọc bài diễn văn Bức Màn Sắt để bắt đầu kỷ nguyên của Chiến Tranh Lạnh và chạy đua nguyên tử. Ông có mặt và cố vấn cho Truman khi Hoa Kỳ chuẩn bị công nhận và thành lập quốc gia Do Thái; hay lúc Hoa Kỳ tạo ra chuơng trình Marshall Plan để viện trợ và tái thiết Âu Châu chống lại hiểm họa cộng sản. Ngoài kinh nghiệm về các vấn đề hệ trọng ngoại giao đó, ông còn tham dự và phác họa những cơ cấu an ninh quân sự căn bản của Hoa Kỳ qua Bộ Luật An Ninh Quốc Gia 1947, một bộ luật nền tảng của nhiều cơ cấu an ninh và quốc phòng của Hoa Kỳ sau này. Rời chính quyền đầu năm 1950, Clifford mở văn phòng luật sư tại Hoa thịnh Đốn và bắt đầu một sự nghiệp có ảnh hưởng quan trọng nhất trong giới luật sư ở thủ đô cho dến ngày ông chết. Sau Truman, ông là cố vấn thân cận không chánh thức cho hầu hết các tổng thống dù đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Trong hai thập niên 60s và 70s, Clifford là tên họ cần biết nếu một người muốn hiểu ngõ ngách quyền lực ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn; Clifford trở thành là một luật sư có nhiều thế lực, ảnh hưởng và vây cánh ở ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp. Năm 1959, khi Kennedy thắng Nixon, ông là người được Kennedy gọi từ sáng sớm để báo tin mừng. Chính ông cũng là người được Kennedy nhờ coi ủy ban bàn giao nội các khi Kennedy nhận nhân sự của nền hành pháp từ đương kim tổng thống Eisenhower. Clifford cũng có mặt ngay trong buổi lễ bàn giao đó. Kennedy mời ông gia nhập nội các nhưng ông từ chối, chỉ nhận một chức không lương, không quyền hành, là Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Quốc Ngoại, một ủy ban cố vấn cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Khi Kennedy bị ám sát chết, mọi việc ngoại giao nội bộ Johnson phải nhờ vào Clifford vì Johnson dù là phó tổng thống không thân với nội các và nhân sự do Kennedy chọn. Johnson mời ông nhận nhiều chức vụ quan trọng trong nội các nhưng ông vẫn từ chối làm việc chính thức cho Johnson. Từ năm 1965 cho đến măm 1967,với tư cách đại diện tổng thống, Clifford viếng thăm Việt Nam (1965); đi chung với Johnson trong hội nghị thượng đỉnh Manila (1966); và thị sát các đồng minh trong khối SEATO ở Đông Nam Á (1967). Khi McNamara từ chức, một lần nữa, Johnson mời gọi, và Clifford đồng ý nhận chức tổng trưởng quốc phòng. Trong hồi ký, ông viết: Tôi biết đôi chút về chín người tổng thống Hoa Kỳ một phần tư tất cả tổng số tổng thống của lịch sử Mỹ ... và ... liên hệ của tôi và tổng thống [Johnson] là một liên hệ thẳng thắn: tôi không nhờ đến tổng thống; tôi lớn tuổi hơn, và liên hệ của tôi với tổng thống khác xa những liên hệ của các cố vấn khác của ông.

Như một điềm xấu, rạng sáng ngày 31 tháng 1-1968 (rạng sáng mùng 2 tết ở Saigon; trưa ngày 30 ở Hoa Thịnh Đốn) khi Việt Cộng tấn công vào thủ đô Saigon, thì buổi trưa ở Hoa Thịnh Đốn, quốc hội Mỹ biểu quyết chấp thuận Clifford chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng. Tin đặc công cộng sản tấn công Saigon được loan ra ngay bữa ăn trưa có mặt đầy đủ bá quan văn võ ở tòa Bạch Ốc. Rồi trong hai tuần lễ liên tiếp, những tin tức dồn dập từ MACV gởi về chẳng những không làm cho Bộ Quốc Phòng và Tòa bạch Ốc lạc quan, trái lại càng làm cho giới thẩm quyền bên nhà rối loạn vì những tin tức trái ngược. Quân đội Hoa Kỳ đụng trận trên bốn vùng chiến thuật. Căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ ở Lang Vei, 10 cây số nam Khe Sanh bị tràn ngập vào 7 tháng 2. Trong trận này, lần đầu tiên cộng sản dùng xe tăng để áp đảo một căn cứ. Căn cứ Khe Sanh thì bị áp lực dồn dập từ ngày 20 tháng 1; và từ tháng 2 trở đi căn cứ chỉ có thể nhận tiếp liệu bằng cách thả dù, vì phi trường không còn an toàn cho phi cơ lên xuống. Tổn thất Mỹ trong hai tuần lễ đầu tiên là 400 và 416 tử thưởng. Tuần lễ thứ ba, 17-2-68, Hoa Kỳ có 543 tử thương và 2.547 bị thương¾năm lần số thương vong trung bình hàng tuần trước tết (tuần lễ có số thương vong cao nhất của năm 1967 là 232 chế; 1.381 bị thương). Từ 6 tháng 1 đến 30 tháng 3, Hoa Kỳ có 4.778 tử thương. Chính con số tử thương này làm cho thẩm quyền Hoa Kỳ bên nhà ngạc nhiên, khi so sánh tình hình hiện tại và tình hình trong hai tường trình của Westmoreland và đại sứ Bunker trước đó hai tháng. Tháng 11-67 Westmoreland báo cáo với Hoa Thịnh Đốn, quân đội Đồng Minh nắm thế thượng phong, dần dần có thêm sức mạnh để ngăn chận đối phương mở những cuộc tấn công có cấp số cao. Vài tuần sau, trong tờ tường trình chung cho tổng thống, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia W.W. Rostow, Giám Đốc CIA Richard Helm và Westmoreland đồng báo cáo Trong năm qua sức chiến đấu của các lực lượng chính quy cộng sản đã giảm nhiều. Và đại sứ Bunker, trong báo cáo một tuần trước tết, 24-1-68, gởi thẳng về cho Johnson, viết, Chúng ta có thể khá hơn năm 1967, cũng như năm tình hình 1967 khá hơn năm 1966 ... có thể nói [tình hình VNCH] từ giai đoạn bò chuyển sang giai đoạn đứng. Năm nay sẽ là giai đoạn tập đi. Nằm trong báo cáo của Bunker là những quan sát khả quan tình hình phát triển nông thôn về hai mặt an ninh và đời sống nông dân. Bunker có nhắc sơ về tình hình quân sự khi ông nói các đơn vị chủ lực của cộng sản đã lẫn tránh qua bên kia biên giới Lào và Cam Bốt để tái bổ sung và dưỡng quân, hay có thể ủng hộ các lực lượng cộng sản ở Thái Lan, Lào, và đó có thể là một nguy hiểm trong tương lai đối với các mục đích của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

No comments:

Post a Comment