Khỉ gió… con bú dù!
REUTERS/Bobby Yip
Nhân dịp đầu năm Bính Thân
2016, RFI xin trích đăng bài viết của Giáo sư Nguyễn Dư tại Lyon, Pháp,
nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, về xuất xứ hình ảnh, ngôn ngữ
liên quan đến con khỉ trong kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam.
Tết Bính Thân đi xông đất, nói
chuyện Khỉ… Đừng làm trò khỉ. Không ai muốn bị giông cả năm đâu! Tết
con khỉ mà không được nói đến khỉ thì nói gì bây giờ? Chẳng lẽ lại lải
nhải những cái «biết rồi, khổ lắm, nói mãi»?
Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều. Cứ nói chuyện Khỉ. Ai chửi người ấy nghe…
Khỉ Việt Nam…
Trong số 12 con giáp của lịch ta thì chỉ có Khỉ là bị mang nhiều tiếng xấu. Vì sao vậy? Vì khỉ… khỉ lắm. Nhưng… khỉ là cái gì?
Khỉ là tiếng Việt. Con khỉ có tên trong Từ điển Alexandre de Rhodes (1651).
Dĩ nhiên là Khỉ không có mặt trong các sách viết bằng chữ hán của ta. Khỉ chỉ xuất hiện trong văn bản viết bằng chữ nôm hay quốc ngữ.
Có hai cách viết chữ nôm Khỉ:
1- Khỉ (nôm) = bộ Khuyển + chữ Khỉ (bộ Đậu).
(Maiorica (1646)(1), Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895), Tự điển Génibrel (1898), Tam thiên tự, Ngũ thiên tự v.v.).
2- Khỉ (nôm) = bộ Khuyển + chữ Khỉ (bộ Tẩu) (2), (3).
Khỉ (bộ Đậu) nghĩa là Há (nghi vấn từ, tỏ ý còn ngờ).
Khỉ (hay Khởi, bộ Tẩu) nghĩa là đứng lên, dấy lên, bắt đầu (khởi nghĩa, khởi công…).
Con vật biết đứng lên bằng hai chân được tiếng Việt gọi là con Khỉ hay con Khởi.
Dùng chữ Khỉ (bộ Đậu) để viết tên con Khỉ không khéo bằng dùng chữ Khỉ (bộ Tẩu).
Họ hàng nhà khỉ sinh sống tại Việt Nam khá đông đúc. Có Vượn (đến từ chữ hán Viên), có Tườu (Tiêu)… Thời Tây, vùng núi Hải Vân có con Voọc (biến âm của Vượn?), con Douc (khỉ Đột?), miền Bắc có con Bú dù…
Bú dù…
Vào khoảng những năm 1930, văn học Việt Nam bỗng xuất hiện một con khỉ mới lạ tên là bú dù. Con «bú dù» vốn loài tinh quái,
Khi bỏ đời xuống dưới âm cung.
Đoạ đày mãn hạn lao lung,
Đầu đơn lên chốn bụi hồng tái sinh.
(…)
Diêm vương lại cho lên dương thế
Bắt làm anh thuyết sỹ nửa mùa
Đua đòi mỏ múa, môi khua
Bạ đâu cũng đọc «đít cua» tì tì
Miệng soen soét khác gì con vẹt
Bộ múa may lại hệt khỉ già
Thực là khỉ vẹt tinh hoa ?
(Tú Mỡ, Ba kiếp con bú dù, 1934)
Tháng 8 năm 1937, Đông Dương tạp chí đăng truyện ngắn Đi săn khỉ của Vũ Trọng Phụng. Truyện có con bú rù:
(…) Nửa giờ sau chiếc xe đế vương ấy đến động Khao Kỳ (Bắc Cạn). Anh chàng thổ, người gác am và gác đền, đã đón chúng tôi:
- Bẩm các quan, mời các quan hãy đi xem động đã, chứ bú rù thì chốc nữa chúng mới kéo nhau xuống ruộng.
Đoạn sau, Vũ Trọng Phụng lại viết:
Tôi hỏi anh chàng thổ thì hắn đáp:
- Bẩm quan, bây giờ thì khỉ nó xuống ăn trộm ngô rồi còn gì! (4).
Tú Mỡ và Vũ Trọng Phụng nói rằng bú dù hay bú rù đều là con khỉ. Người miền Bắc phát âm không phân biệt dù và rù. Bú dù hay bú rù chỉ là một.
Tên bú dù từ đâu ra?
Tự vị Huỳnh Tịnh Của, Tự điển Génibrel xuất bản trong Sài Gòn hay Tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) xuất bản ngoài Hà Nội đều không có bú dù.
Tạm cho rằng năm 1931, Việt Nam chưa có bú dù. Phải chờ đến năm 1937, Tự điển Gustave Hue mới có từ bu du. Hue chỉ viết bu du là biến âm (đúng hơn là ghi âm) của từ bouzou của tiếng Pháp. Tiếc rằng Hue không cho biết bu du nghĩa là gì.
Các từ điển của ta sau này (Đào Đăng Vỹ, Khai Trí, Văn Tân, Hoàng Phê) đều có bú dù, có nghĩa là con khỉ (macaque).
Bú dù có phải là bu du không? Bouzou của Hue là cái gì?
Tra tìm trong từ điển Larousse và Robert thì không thấy từ Bouzou. Cũng không thấy giống khỉ nào có tên phát âm gần giống Bouzou.
Tra tìm kĩ hơn nữa thì thấy Robert có từ Boubou (bu bu).
Theo Robert thì Boubou là tiếng malinké, một thổ âm của vùng xung quanh nước Guinée (châu Phi). Boubou du nhập vào tiếng Pháp vào cuối thế kỉ 19 và có nghĩa là «con khỉ, hay bộ da khỉ. Boubou còn có nghĩa (lóng?) là cái áo của người da đen Phi châu».
(Larousse cũng có từ Boubou nhưng Boubou của Larousse chỉ có nghĩa là áo của người da đen Phi châu).
Năm 1884, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, Pháp đã đưa nhiều lính Phi châu sang Việt Nam. Mấy ông nhọ nồi, cột nhà cháy này đã dắt theo Boubou sang Viễn Đông. Kể từ ngày ấy, núi rừng Việt Nam bắt đầu có món boubou, đặc sản ẩm thực của lính Phi châu.
Boubou vốn là một thổ âm, rất có thể đã được đám lính Phi châu thuộc một bộ tộc nào đó phát âm thành Bouzou như Hue đã ghi. Bouzou (bu du) của Tự điển Gustave Hue là con khỉ Boubou của từ điển Robert. Bouzou đã được Việt hoá thành bú dù. Rốt cuộc, bú dù là con khỉ của… tây đen rạch mặt!
Trở lại truyện Đi săn khỉ (1937) của Vũ Trọng Phụng. Anh chàng người thổ sống ở Khao Kỳ (Bắc Cạn) cũng gọi khỉ là bú rù. Tên Bú rù đã được phổ biến rộng rãi đến các dân tộc thiểu số Việt Bắc hay Vũ Trọng Phụng đã cho người thổ dùng ngôn ngữ của người Hà Nội?
Khỉ của dân gian…
Phong tục xưa của ta khá kì thị Khỉ.
- Người buôn bán kiêng nghe người ta nói tiếng «con khỉ» (5).
- Ngày Tết, kiêng nói «con khỉ» (6), e làm ăn xúi quẩy (7).
Tại sao vậy?
Tại mấy ông đồ đã đem rao giảng mớ chữ nghĩa nửa mùa cho dân quê.
Tự điển Thiều Chửu có chữ Khỉ (bộ Mịch) nghĩa là:
1- Các thứ the lụa có hoa bóng chằng chịt, không dùng sợi thẳng, đều gọi là khỉ.
2- Xiên xẹo, lầm lẫn. Khỉ đạo là đường lối ngoắt ngoéo như vằn tơ xiên xẹo vậy.
3- Tươi đẹp.
(Từ điển Đào Duy Anh đọc chữ Khỉ (bộ Mịch) là Ỷ và định nghĩa là : Tấm vải nhiều sắc. Đẹp đẽ).
Dân gian đã hiểu Khỉ là xiên xẹo, lầm lẫn, ngoắt ngoéo.
Người buôn bán không muốn nghe ai ám chỉ mình là xiên xẹo, ngoắt ngoéo hay lầm lẫn. Ngày Tết lại càng phải kiêng nói đến những tính xấu này. Sợ bị giông cả năm.
Đoàn Triển viết An Nam phong tục sách bằng chữ hán. Con Khỉ là Hầu.
Chữ Hầu không giải nghĩa được những cái «xiên xẹo, ngoắt ngoéo» như chữ Khỉ. Chỉ có Khỉ mới giải nghĩa được một phong tục lạ của Việt Nam.
Cầu khỉ…
Ngày xưa, nhiều làng quê (miền Nam) nước ta có cái cầu khỉ.
Có nhiều định nghĩa khác nhau.
- Cầu khỉ là cầu làm dối, bắc một hai cây sơ sài. (Huỳnh Tịnh Của).
- Cầu khỉ (pont de singes) là cầu khó đi. (Génibrel).
- Cầu khỉ là cầu làm bằng một hay hai cây tre, gỗ, v.v., bắc qua suối, lạch, thường có tay vịn. (Hoàng Phê).
Cầu khỉ của Génibrel có thể bị hiểu lầm là cầu của khỉ, được khỉ dùng để qua lại.
Đúc kết lại, có thể định nghĩa:
- Cầu khỉ là cầu tre sơ sài có tay vịn, khó đi, được bắc qua suối, lạch.
Tại sao lại gọi là cầu khỉ?
Tại cầu ngoắt ngoéo khó đi. Chân cầu là những ống tre cắm xiên xẹo (hình X). Nhìn từ xa giống như chân người (hay khỉ) đứng. Ngoắt ngoéo, xiên xẹo hay đứng lên đều là khỉ cả. Trông mặt đặt tên, gọi là cầu khỉ cho tiện.
Cầu khỉ là cầu của người. Từ xưa tới nay, nước ta chưa hề bắc cầu để cho khỉ qua lại. Génibrel dịch tên cái cầu «khó đi» của ta sang tiếng Pháp thành cầu của khỉ!
Khỉ khô, khỉ mốc, khỉ gió…
Khỉ khô, khỉ mốc là tiếng mắng, nói không có sự chi, không nên sự chi (Huỳnh Tịnh Của). Khỉ gió là tiếng rủa thân mật khi tức bực hoặc coi thường (Hoàng Phê).
Khô nghĩa là khô héo, khô ráo. Mốc là tình trạng bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.
Con gà béo bán bên Ngô, con gà khô bán láng giềng.
Nghĩa rộng của khô là kém, là xấu.
Tại sao khỉ khô lại có nghĩa là không có gì?
Chữ Khỉ (bộ Mịch) cũng có nghĩa là tươi đẹp. Khỉ khô là cái tươi đẹp đã bị khô héo, hết đẹp rồi. Ví như hoa héo, người hết duyên.
Hỡi bạn đường xa. Hái hoa (ừ) cho khéo. Hoa nào heo héo, thì hái bỏ đi. Chớ để làm chi (ứ ư ừ) hoa tàn.
Khỉ khô bị coi như hết đẹp, không còn gì, «không có sự chi», «không nên sự chi».
Khỉ khô không phải là xác con khỉ phơi khô.
Khỉ gió (nói đủ là Khỉ phải gió) là thành ngữ của miền Bắc dùng để mắng, chửi.
Phải gió là bị trúng gió độc. Gà phải gió là gà sắp chết. Khỉ gió là cái tươi đẹp bị trúng gió độc. Hết đẹp, hết duyên.
Khỉ gió ngoài Bắc tương đương với Khỉ khô trong Nam.
Miền Trung cũng có Khỉ khô, Khỉ mốc như miền Nam. Ngoài ra, còn có thêm Khỉ họ, Khỉ gió. Khỉ họ là tiếng rủa thân mật. Khỉ gió là con cu li (8).
Thời Pháp, nước ta có thằng cu li. Không ngờ có cả con cu li.
Con cu li có phải là con courlis (cuốc li) của Pháp không ? (Courlis là chim chân dài, mỏ cong, sống ven bờ nước, đại khái như con cuốc của ta). Người Pháp đã đưa vào mấy thành phố lớn nước ta mốt làm trò khỉ (singer). Được giới thượng lưu «tân tiến» sốt sắng hưởng ứng.
Làm trò khỉ là làm trò cười, bắt chước một cách lố bịch.
Thành ngữ thường được dùng để phê bình mấy ông «nghị gật » bù nhìn thời Pháp, để chế giễu các cô gái tân thời mặc quần soóc (quần cụt) đánh ten nít, các cậu diện giầy đơ cu lơ (hai màu), phì phèo thuốc lá, đi bát phố (battre le pavé).
Nói gì thì nói, người làm trò khỉ khó mà vui nhộn bằng khỉ làm trò. Xem khỉ của bọn Sơn Đông mãi võ bán «thần dược trị bá bịnh» gánh nước, đẩy xe, đu giây… thích hơn nhiều.
Ngày nay, du khách có thể lấy tàu ra Đảo Khỉ (Khánh Hoà) xem khỉ làm trò, hát xiệc (cirque). Thư giãn. Sướng mắt.
Văn học có một con khỉ (vượn) nổi tiếng
Sưu thần ký kể rằng:
- Có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, trông thấy kêu thảm thiết. Ít lâu sau vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt ra từng đoạn.
Văn học cổ dùng từ đoạn trường (đứt ruột) để nói sự đau đớn, khổ não quá trong cuộc đời (9).
Điển hình là truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện có đến 19 tình cảnh đoạn trường.
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.
Truyện Kiều được người đời sau gọi là Đoạn trường tân thanh.
Ngày Tết nói toàn chuyện Khỉ vớ vẩn. Bị giông đừng có… nhăn như khỉ!
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Bính Thân, 2016)
(1)- Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ nôm thế kỷ XVII, TP Hồ Chí Minh, 1992.
(2)- Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ XVII,
Hội Ngôn Ngữ Học TP Hồ Chí Minh, 1994.
(3)- Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng, 2004.
(4)- Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Thanh Niên, 2008, tr.223, 225.
(5)- Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách (1908), Hà Nội, 2008, tr. 99.
(6)- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói (1968), Đại Nam, tr. 308.
(7)- Toan Ánh, Phong tục Việt Nam qua Tết lễ, hội hè, Đại Nam, 1997, tr.44.
(8)- Đặng Thanh Hoà, Từ điển phương ngữ tiếng Việt, Đà Nẵng, 2005, tr.120.
(9)- Đinh Gia Khánh, Điển cố văn học, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr.138.
Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều. Cứ nói chuyện Khỉ. Ai chửi người ấy nghe…
Khỉ Việt Nam…
Trong số 12 con giáp của lịch ta thì chỉ có Khỉ là bị mang nhiều tiếng xấu. Vì sao vậy? Vì khỉ… khỉ lắm. Nhưng… khỉ là cái gì?
Khỉ là tiếng Việt. Con khỉ có tên trong Từ điển Alexandre de Rhodes (1651).
Dĩ nhiên là Khỉ không có mặt trong các sách viết bằng chữ hán của ta. Khỉ chỉ xuất hiện trong văn bản viết bằng chữ nôm hay quốc ngữ.
Có hai cách viết chữ nôm Khỉ:
1- Khỉ (nôm) = bộ Khuyển + chữ Khỉ (bộ Đậu).
(Maiorica (1646)(1), Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895), Tự điển Génibrel (1898), Tam thiên tự, Ngũ thiên tự v.v.).
2- Khỉ (nôm) = bộ Khuyển + chữ Khỉ (bộ Tẩu) (2), (3).
Khỉ (bộ Đậu) nghĩa là Há (nghi vấn từ, tỏ ý còn ngờ).
Khỉ (hay Khởi, bộ Tẩu) nghĩa là đứng lên, dấy lên, bắt đầu (khởi nghĩa, khởi công…).
Con vật biết đứng lên bằng hai chân được tiếng Việt gọi là con Khỉ hay con Khởi.
Dùng chữ Khỉ (bộ Đậu) để viết tên con Khỉ không khéo bằng dùng chữ Khỉ (bộ Tẩu).
Họ hàng nhà khỉ sinh sống tại Việt Nam khá đông đúc. Có Vượn (đến từ chữ hán Viên), có Tườu (Tiêu)… Thời Tây, vùng núi Hải Vân có con Voọc (biến âm của Vượn?), con Douc (khỉ Đột?), miền Bắc có con Bú dù…
Bú dù…
Vào khoảng những năm 1930, văn học Việt Nam bỗng xuất hiện một con khỉ mới lạ tên là bú dù. Con «bú dù» vốn loài tinh quái,
Khi bỏ đời xuống dưới âm cung.
Đoạ đày mãn hạn lao lung,
Đầu đơn lên chốn bụi hồng tái sinh.
(…)
Diêm vương lại cho lên dương thế
Bắt làm anh thuyết sỹ nửa mùa
Đua đòi mỏ múa, môi khua
Bạ đâu cũng đọc «đít cua» tì tì
Miệng soen soét khác gì con vẹt
Bộ múa may lại hệt khỉ già
Thực là khỉ vẹt tinh hoa ?
(Tú Mỡ, Ba kiếp con bú dù, 1934)
Tháng 8 năm 1937, Đông Dương tạp chí đăng truyện ngắn Đi săn khỉ của Vũ Trọng Phụng. Truyện có con bú rù:
(…) Nửa giờ sau chiếc xe đế vương ấy đến động Khao Kỳ (Bắc Cạn). Anh chàng thổ, người gác am và gác đền, đã đón chúng tôi:
- Bẩm các quan, mời các quan hãy đi xem động đã, chứ bú rù thì chốc nữa chúng mới kéo nhau xuống ruộng.
Đoạn sau, Vũ Trọng Phụng lại viết:
Tôi hỏi anh chàng thổ thì hắn đáp:
- Bẩm quan, bây giờ thì khỉ nó xuống ăn trộm ngô rồi còn gì! (4).
Tú Mỡ và Vũ Trọng Phụng nói rằng bú dù hay bú rù đều là con khỉ. Người miền Bắc phát âm không phân biệt dù và rù. Bú dù hay bú rù chỉ là một.
Tên bú dù từ đâu ra?
Tự vị Huỳnh Tịnh Của, Tự điển Génibrel xuất bản trong Sài Gòn hay Tự điển Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) xuất bản ngoài Hà Nội đều không có bú dù.
Tạm cho rằng năm 1931, Việt Nam chưa có bú dù. Phải chờ đến năm 1937, Tự điển Gustave Hue mới có từ bu du. Hue chỉ viết bu du là biến âm (đúng hơn là ghi âm) của từ bouzou của tiếng Pháp. Tiếc rằng Hue không cho biết bu du nghĩa là gì.
Các từ điển của ta sau này (Đào Đăng Vỹ, Khai Trí, Văn Tân, Hoàng Phê) đều có bú dù, có nghĩa là con khỉ (macaque).
Bú dù có phải là bu du không? Bouzou của Hue là cái gì?
Tra tìm trong từ điển Larousse và Robert thì không thấy từ Bouzou. Cũng không thấy giống khỉ nào có tên phát âm gần giống Bouzou.
Tra tìm kĩ hơn nữa thì thấy Robert có từ Boubou (bu bu).
Theo Robert thì Boubou là tiếng malinké, một thổ âm của vùng xung quanh nước Guinée (châu Phi). Boubou du nhập vào tiếng Pháp vào cuối thế kỉ 19 và có nghĩa là «con khỉ, hay bộ da khỉ. Boubou còn có nghĩa (lóng?) là cái áo của người da đen Phi châu».
(Larousse cũng có từ Boubou nhưng Boubou của Larousse chỉ có nghĩa là áo của người da đen Phi châu).
Năm 1884, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, Pháp đã đưa nhiều lính Phi châu sang Việt Nam. Mấy ông nhọ nồi, cột nhà cháy này đã dắt theo Boubou sang Viễn Đông. Kể từ ngày ấy, núi rừng Việt Nam bắt đầu có món boubou, đặc sản ẩm thực của lính Phi châu.
Boubou vốn là một thổ âm, rất có thể đã được đám lính Phi châu thuộc một bộ tộc nào đó phát âm thành Bouzou như Hue đã ghi. Bouzou (bu du) của Tự điển Gustave Hue là con khỉ Boubou của từ điển Robert. Bouzou đã được Việt hoá thành bú dù. Rốt cuộc, bú dù là con khỉ của… tây đen rạch mặt!
Trở lại truyện Đi săn khỉ (1937) của Vũ Trọng Phụng. Anh chàng người thổ sống ở Khao Kỳ (Bắc Cạn) cũng gọi khỉ là bú rù. Tên Bú rù đã được phổ biến rộng rãi đến các dân tộc thiểu số Việt Bắc hay Vũ Trọng Phụng đã cho người thổ dùng ngôn ngữ của người Hà Nội?
Khỉ của dân gian…
Phong tục xưa của ta khá kì thị Khỉ.
- Người buôn bán kiêng nghe người ta nói tiếng «con khỉ» (5).
- Ngày Tết, kiêng nói «con khỉ» (6), e làm ăn xúi quẩy (7).
Tại sao vậy?
Tại mấy ông đồ đã đem rao giảng mớ chữ nghĩa nửa mùa cho dân quê.
Tự điển Thiều Chửu có chữ Khỉ (bộ Mịch) nghĩa là:
1- Các thứ the lụa có hoa bóng chằng chịt, không dùng sợi thẳng, đều gọi là khỉ.
2- Xiên xẹo, lầm lẫn. Khỉ đạo là đường lối ngoắt ngoéo như vằn tơ xiên xẹo vậy.
3- Tươi đẹp.
(Từ điển Đào Duy Anh đọc chữ Khỉ (bộ Mịch) là Ỷ và định nghĩa là : Tấm vải nhiều sắc. Đẹp đẽ).
Dân gian đã hiểu Khỉ là xiên xẹo, lầm lẫn, ngoắt ngoéo.
Người buôn bán không muốn nghe ai ám chỉ mình là xiên xẹo, ngoắt ngoéo hay lầm lẫn. Ngày Tết lại càng phải kiêng nói đến những tính xấu này. Sợ bị giông cả năm.
Đoàn Triển viết An Nam phong tục sách bằng chữ hán. Con Khỉ là Hầu.
Chữ Hầu không giải nghĩa được những cái «xiên xẹo, ngoắt ngoéo» như chữ Khỉ. Chỉ có Khỉ mới giải nghĩa được một phong tục lạ của Việt Nam.
Cầu khỉ…
Ngày xưa, nhiều làng quê (miền Nam) nước ta có cái cầu khỉ.
Có nhiều định nghĩa khác nhau.
- Cầu khỉ là cầu làm dối, bắc một hai cây sơ sài. (Huỳnh Tịnh Của).
- Cầu khỉ (pont de singes) là cầu khó đi. (Génibrel).
- Cầu khỉ là cầu làm bằng một hay hai cây tre, gỗ, v.v., bắc qua suối, lạch, thường có tay vịn. (Hoàng Phê).
Cầu khỉ của Génibrel có thể bị hiểu lầm là cầu của khỉ, được khỉ dùng để qua lại.
Đúc kết lại, có thể định nghĩa:
- Cầu khỉ là cầu tre sơ sài có tay vịn, khó đi, được bắc qua suối, lạch.
Tại sao lại gọi là cầu khỉ?
Tại cầu ngoắt ngoéo khó đi. Chân cầu là những ống tre cắm xiên xẹo (hình X). Nhìn từ xa giống như chân người (hay khỉ) đứng. Ngoắt ngoéo, xiên xẹo hay đứng lên đều là khỉ cả. Trông mặt đặt tên, gọi là cầu khỉ cho tiện.
Cầu khỉ là cầu của người. Từ xưa tới nay, nước ta chưa hề bắc cầu để cho khỉ qua lại. Génibrel dịch tên cái cầu «khó đi» của ta sang tiếng Pháp thành cầu của khỉ!
Khỉ khô, khỉ mốc, khỉ gió…
Khỉ khô, khỉ mốc là tiếng mắng, nói không có sự chi, không nên sự chi (Huỳnh Tịnh Của). Khỉ gió là tiếng rủa thân mật khi tức bực hoặc coi thường (Hoàng Phê).
Khô nghĩa là khô héo, khô ráo. Mốc là tình trạng bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.
Con gà béo bán bên Ngô, con gà khô bán láng giềng.
Nghĩa rộng của khô là kém, là xấu.
Tại sao khỉ khô lại có nghĩa là không có gì?
Chữ Khỉ (bộ Mịch) cũng có nghĩa là tươi đẹp. Khỉ khô là cái tươi đẹp đã bị khô héo, hết đẹp rồi. Ví như hoa héo, người hết duyên.
Hỡi bạn đường xa. Hái hoa (ừ) cho khéo. Hoa nào heo héo, thì hái bỏ đi. Chớ để làm chi (ứ ư ừ) hoa tàn.
Khỉ khô bị coi như hết đẹp, không còn gì, «không có sự chi», «không nên sự chi».
Khỉ khô không phải là xác con khỉ phơi khô.
Khỉ gió (nói đủ là Khỉ phải gió) là thành ngữ của miền Bắc dùng để mắng, chửi.
Phải gió là bị trúng gió độc. Gà phải gió là gà sắp chết. Khỉ gió là cái tươi đẹp bị trúng gió độc. Hết đẹp, hết duyên.
Khỉ gió ngoài Bắc tương đương với Khỉ khô trong Nam.
Miền Trung cũng có Khỉ khô, Khỉ mốc như miền Nam. Ngoài ra, còn có thêm Khỉ họ, Khỉ gió. Khỉ họ là tiếng rủa thân mật. Khỉ gió là con cu li (8).
Thời Pháp, nước ta có thằng cu li. Không ngờ có cả con cu li.
Con cu li có phải là con courlis (cuốc li) của Pháp không ? (Courlis là chim chân dài, mỏ cong, sống ven bờ nước, đại khái như con cuốc của ta). Người Pháp đã đưa vào mấy thành phố lớn nước ta mốt làm trò khỉ (singer). Được giới thượng lưu «tân tiến» sốt sắng hưởng ứng.
Làm trò khỉ là làm trò cười, bắt chước một cách lố bịch.
Thành ngữ thường được dùng để phê bình mấy ông «nghị gật » bù nhìn thời Pháp, để chế giễu các cô gái tân thời mặc quần soóc (quần cụt) đánh ten nít, các cậu diện giầy đơ cu lơ (hai màu), phì phèo thuốc lá, đi bát phố (battre le pavé).
Nói gì thì nói, người làm trò khỉ khó mà vui nhộn bằng khỉ làm trò. Xem khỉ của bọn Sơn Đông mãi võ bán «thần dược trị bá bịnh» gánh nước, đẩy xe, đu giây… thích hơn nhiều.
Ngày nay, du khách có thể lấy tàu ra Đảo Khỉ (Khánh Hoà) xem khỉ làm trò, hát xiệc (cirque). Thư giãn. Sướng mắt.
Văn học có một con khỉ (vượn) nổi tiếng
Sưu thần ký kể rằng:
- Có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, trông thấy kêu thảm thiết. Ít lâu sau vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt ra từng đoạn.
Văn học cổ dùng từ đoạn trường (đứt ruột) để nói sự đau đớn, khổ não quá trong cuộc đời (9).
Điển hình là truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện có đến 19 tình cảnh đoạn trường.
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.
Truyện Kiều được người đời sau gọi là Đoạn trường tân thanh.
Ngày Tết nói toàn chuyện Khỉ vớ vẩn. Bị giông đừng có… nhăn như khỉ!
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Bính Thân, 2016)
(1)- Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ nôm thế kỷ XVII, TP Hồ Chí Minh, 1992.
(2)- Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ Nôm sau thế kỷ XVII,
Hội Ngôn Ngữ Học TP Hồ Chí Minh, 1994.
(3)- Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Đà Nẵng, 2004.
(4)- Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Thanh Niên, 2008, tr.223, 225.
(5)- Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách (1908), Hà Nội, 2008, tr. 99.
(6)- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói (1968), Đại Nam, tr. 308.
(7)- Toan Ánh, Phong tục Việt Nam qua Tết lễ, hội hè, Đại Nam, 1997, tr.44.
(8)- Đặng Thanh Hoà, Từ điển phương ngữ tiếng Việt, Đà Nẵng, 2005, tr.120.
(9)- Đinh Gia Khánh, Điển cố văn học, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr.138.
No comments:
Post a Comment