; }

ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO BẢO VỆ CHỦ QUYỀN HOÀNG SA (1954 - 1975)




Trong chiến lược bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, các quốc gia tiến hành bằng những hình thức khác nhau. Trong đó, đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao được tiến hành đồng bộ với mức độ tùy theo tình hình, bối cảnh và tính chất của sự việc. Bài viết này đề cập đến những hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời gian 1954-1975, khi quần đảo Hoàng Sa được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), đặc biệt mỗi khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa. Từ đó đặt ra những bài học về việc đấu tranh đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay.

Từ năm 1954 đến năm 1975, bằng con đường ngoại giao, chính quyền VNCH đã có nhiều cố gắng trong việc đề nghị các nước tôn trọng, công nhận và ủng hộ chủ quyền của Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa và họ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bộ Ngoại giao VNCH đã có những hoạt động nhằm mục đích để công luận quốc tế biết rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, trên cơ sở phân tích những chứng cứ về lịch sử, địa lý và pháp lý. Hoạt động của họ thể hiện rõ nét nhất qua việc sử dụng các diễn đàn quốc tế để lên tiếng về Hoàng Sa, Trường Sa; cung cấp sử liệu, chứng cứ cho các hãng thông tấn trong và ngoài nước; ban hành “sách trắng” bằng song ngữ, ra các thông cáo, tuyên cáo ngoại giao… đối với phần lãnh thổ này, theo quy định của công pháp quốc tế. Những hoạt động này được thể hiện một cách bền bĩ, liên tục.

Ngay sau khi phát hiện Trung Quốc lén lút chiếm đảo Phú Lâm vào năm 1956, Bộ Ngoại giao VNCH đã tiến hành họp báo, lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ. Đồng thời, tiến hành các hoạt động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan ngoại giao, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế nhằm khẳng định tính hợp pháp và sự phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao VNCH đã cung cấp bản tin để Việt tấn xã (VTX) phát vào ngày 10-6-1956 phản đối Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm; cung cấp tư liệu để báo Manchester Guardian viết bài "Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là có giá trị hơn" (được VTX lượt dịch và phát vào ngày 2-9-1956). Tòa Lãnh sự Việt Nam tại Singapore cũng tiếp và cung cấp tư liệu cho một phóng viên báo Straits Times về Hoàng Sa (Paracels) vào ngày 8-6-1959.

Thời kỳ Đệ Nhị Cộng hòa, Bộ Ngoại giao VNCH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa lên cao hơn. Đại sứ quán VNCH tại các nước, đều xem đây là một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng của mình. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền VNCH nhiều quyết sách quan trọng về vấn đề Hoàng Sa. Tổng Thống và Thủ tướng VNCH luôn tham vấn ý kiến của Bộ Ngoại giao, trước khi hoạch định những hoạt động về quân sự, kinh tế, hành chính tại Hoàng Sa. Trong một công văn trả lời năm 1964, Bộ Ngoại giao cho biết về tình trạng của đảo Paracels (Hoàng Sa) trên các phương diện chính trị, hành chính và quân sự như sau: “Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, lúc ký kết Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, nước này đã từ bỏ các quyền lợi trên quần đảo ấy và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị ấy đã đương nhiên xác nhận chủ quyền của Việt Nam mà không gặp một sự chống đối nào bất cứ của ai (Điều 2)... Ngày 01-6-1956, Chính phủ Việt Nam liền ra thông cáo xác nhận chủ quyền Việt Nam trên các đảo ấy cũng như trước kia, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình San Francisco đã từng xác nhận vấn đề này”[1].

Chính phủ và Bộ Ngoại giao VNCH khá khôn khéo và cương quyết trong việc tranh chấp chủ quyền giữa các bên liên quan về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Do Đài Loan là “đồng minh” và cũng là nước do Hoa Kỳ hậu thuẫn, nên trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa (qua những vụ xâm phạm chủ quyền) thì VNCH “tạm thời chấp nhận thực tế hiện hữu” và tăng cường đối thoại. Đối với Trung Quốc, nước càng ngày càng bộc lộ rõ dã tâm chiếm đoạt Hoàng Sa thì chính quyền VNCH rất cương quyết: họ bắt giữ và trục xuất ngư dân, quân đội giả dạng ngư dân đổ bộ lên Hoàng Sa, sử dụng diễn đàn ngoại giao trong mọi điều kiện để phủ nhận, lên án những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc hay gửi công hàm phản đối.
Đầu những năm 1970, khi quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp (sự thỏa hiệp, “đi đêm” giữa Mỹ và Trung Quốc), thì sự tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu trở nên quyết liệt.

Tại các diễn đàn Quốc tế về lãnh hải, lãnh thổ, các hiệp ước song phương, đa phương… chính quyền VNCH và Bộ Ngoại giao thường tranh thủ để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình tại Hoàng Sa. Ngày 13-7-1971, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cộng hòa Trần Văn Lắm có mặt tại Hội nghị lần thứ VI của Hiệp hội các Quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ở Manila (Philippines) đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trên cơ sở đó, Nha Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ra Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT ngày 15-7-1971 về chủ quyền của VNCH trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nội dung tuyên bố nếu rõ: “Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa long trọng xác nhận lại một lần nữa chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thật vậy, trên căn bản lịch sử và pháp lý, chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên hai quần đảo này đã được thể hiện từ nhiều thế kỷ nay… Việt Nam Cộng hòa là quốc gia duy nhất có chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vì đã thực hiện được các điều kiện ấn định trong Hiệp định năm 1885, liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả các đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này”[2].

Đầu năm 1974, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc và nhận thấy âm mưu họ sẽ tiến hành chiếm trọn quần đảo bằng vũ lực, chính quyền VNCH liên tiếp chỉ trích, ra các tuyên bố, gửi công hàm, văn kiện ngoại giao cho Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 11-1-1974, khi Trung quốc tuyên bố mạo nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình thì lập tức Bộ Ngoại giao VNCH phản ứng rất quyết liệt. Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại phòng họp của Bộ Ngoại Giao VNCH, vào chiều 15-1-1974, trước đông đảo Đại diện báo chí trong nước và ngoài nước, ông Tổng Trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung quốc vi phạm chủ quyền VNCH trên quần đảo Hoàng Sa.
 

Hội nghị Sanphanxico đại diện VNCH khẳng định chủ quyền của VN trên Hoàng Sa và Trường Sa, phía Trung Quốc im lặng
Hội nghị Sanphanxico đại diện VNCH khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, phía Trung Quốc im lặng

Ngày 16-10-1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Ngày 11-1-1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó. Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cải được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý lịch sử và pháp lý quốc tế”[3].

Sau vụ hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, chính quyền VNCH liên tiếp ra các tuyên bố, đề nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và kêu gọi các nước và lực yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ chủ quyền chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20-1-1974, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết, trước tình hình khẩn cấp này và nêu rõ hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH, đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trước các hành động đó, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia…, các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương,…đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc.

Ngày 21-1-1974, Bộ Ngoại giao VNCH đã gửi công hàm cho các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, để tố cáo Trung Quốc xâm phạm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH và khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới tích cực trợ giúp VNCH trong việc tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. “Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa trân trọng lưu ý các thành viên ký kết định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Paris ngày 02-3-1973 về tình hình trầm trọng đang xảy ra trên các đảo Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển VNCH”[4].

Ngày 14-2-1974, Chính phủ và Bộ Ngoại giao VNCH đã ra tuyên cáo về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi. Tuyên cáo khẳng định: “Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”[5].

Ngày 30-3-1974, tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông ở Colombia, Bộ Ngoại giao VNCH tiếp tục công bố văn kiện ngoại giao khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Việt Nam Cộng hòa không đi tìm một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Bởi vậy không có vấn đề thành lập hoặc tìm cách thành lập một liên minh quân sự với một số quốc gia để chống lại các quốc gia khác…Tuy nhiên, tại Hoàng Sa hay bất kỳ một nơi nào, Chính phủ và nhân dân phải bảo vệ lãnh thổ; Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng hòa không có ý định chia sẽ chủ quyền các đảo này; Việt Nam Cộng hòa lúc nào cũng sẵn sàng theo phương thức thương nghị ôn hòa để giải quyết tranh chấp quốc tế. Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa trân trọng kêu gọi các Thành Viên đặc biệt lưu ý đến điều 1 của Hiệp định Paris và điều 4 của định Ước của Hội Nghị Quốc Tế Paris, cả hai đều long trọng công nhận rằng sự bất khả phân lãnh thổ của Việt Nam phải được tích cực tôn trọng bởi mọi Quốc Gia và bởi các Thành Viên của Định Ước. Trước tính cách trầm trọng của tình hình hiện nay và vì lý do phải bảo vệ hòa bình và sự ổn cố trong vùng Tây Thái Bình Dương, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi các Thành Viên tìm mọi biện pháp mà Thành Viên xét thấy thích ứng nhất, chiếu Điều 7 trong Định ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa trân trọng kính chào các Thành Viên ký kết Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam”[6].

Ngày 14-2-1975, Chính phủ VNCH đã ra tuyên bố về việc ra mắt cuốn “sách trắng” với đầy đủ dữ kiện chứng minh chủ quyền của VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Cách đây vừa đúng một năm, trước việc Trung Cộng ngang nhiên dùng bạo lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra tuyên cáo long trọng khẳng định rằng: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy”[7].

Nhờ những hoạt động mạnh mẽ của chính quyền VNCH, trong năm 1974, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực. Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lúc này là Tiến sĩ G.J. Facio (cũng là Ngoại Trưởng Costarica), sau khi được VNCH thông báo nội tình và thể theo lời yêu cầu, trước đó (25-1-1974), ông đã mở một cuộc tham khảo sôi nổi vào ngày và đề nghị đưa vụ Hoàng Sa vào Nghị trình của Hội đồng Bảo an. Tuy việc triệu tập một phiên họp của Hội đồng Bảo an không thành vì Trung Quốc hiện là hội viên thường trực có quyền phủ quyết. Nhưng VNCH đã đạt được thắng lợi ngoại giao đáng kể vì Tiến sĩ Facio tuyên bố đáng lẽ Hội đồng Bảo an phải thảo luận vụ này, và ông cho biết riêng Costarica hậu thuẫn cho VNCH.

Tóm lại, trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dù tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam có nhiều biến động, thậm chí rơi vào khủng hoảng cao độ song chính quyền VNCH đã kế tục và kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa, trước hết là đấu tranh ngoại giao theo công pháp quốc tế. Hiện nay, quần đảo Hoàng Sa tạm thời bị Trung Quốc cưỡng chiếm, tuy nhiên trên trường ngoại giao quốc tế, Việt Nam có đầy đủ tính pháp lý và lịch sử lâu đời về chủ quyền tại Hoàng Sa, Việt Nam có chính nghĩa và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, trong việc đấu tranh đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện nay, chúng ta phải tiếp tục thực hiện cả 2 yếu tố vật chất và tinh thần bằng nhiều cách khác nhau về mặt quản lý nhà nước, luôn khảng định ý chí đấu tranh, tăng cường đấu tranh ngoại giao, bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của họ tại Hoàng Sa, chuẩn bị hồ sơ pháp lý để đấu tranh hòa bình theo công pháp quốc tế, đến một lúc có điều kiện thuận lợi trong quan hệ quốc tế, Việt Nam sẽ giành lại Hoàng Sa.


[1] Công văn số 394-HC/3M ngày 31/01/1964 gửi Tổng trưởng Bộ Nội vụ tại Sài Gòn về tình trạng hiện hữu của đảo Hoàng Sa.
[2] Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
[3] Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 16/01/1974.
[4] Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa gửi các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris năm 1973 ngày 21/01/1974.
[5] Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bời biển Việt Nam Cộng hòa ngày 14/02/1974.
[6] Bộ Dân vận Sài Gòn (1974), “Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”, Sài Gòn.
[7] Tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa nhân dịp ra mắt “cuốn sách trắng” về Hoàng Sa ngày 14/02/1975.

Tác giả: Võ Hà
[Nguồn]: Bài đã sử dụng trên Tạp chí Huế xưa và nay, số 33, 2015

No comments:

Post a Comment