; }

ANH ĐẾN THĂM, ÁO ANH MÙI THUỐC SÚNG


Nguyễn Khắp Nơi
 
 
Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt từ bốn mươi năm về trước.
 
Người Việt Nam Tự Do ở miền Nam đã mất quê hương đúng bốn mươi năm rồi.
 
Mặc dù đã chọn nước Úc là quê hương mới, nhưng mỗi năm, cứ đến Tháng Tư là tôi cũng như bạn đều cảm thấy bồn chồn, nhớ lại quê hương xưa, nhớ thành phố cũ, nhớ từ ngôi trường Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nhớ Quân Trường Thủ Đức, nhớ Quân Trường Dục Mỹ, nhớ núi đồi Pleiku, nhớ người bạn đã cùng một thời chiến đấu, có người còn đó, có người đã mất đi:
 
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi
Ôi những tàn xương ở cố hương..!
(Thục Vũ.)
 
Để hồi tưởng lại quá khứ, chúng ta thường mở lại những giòng thơ, những bản nhạc cũ. Đó là lý do tôi đi dự buổi “Chiều Nhạc Thính Phòng – Tưởng Niệm 40 năm – 1975 – 2015”
 
Bạn ạ, bản nhạc mà tôi thích nghe nhất, lời nhạc gợi lại cho tôi nhiều nhớ nhung nhất, tôi mời bạn cùng nghe lại với tôi:
 
“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng...”
 
Chỉ một câu hát đó thôi, đã làm cho tôi vẽ ra hình ảnh oai hùng, lãng mạn, tình tứ và nên thơ của người lính trẻ, đã chiến đấu oai hùng nơi trận tuyến. Khi chiến trận vừa kết thúc, được thưởng vài ngày phép để về thăm nhà, anh không kịp tắm rửa thay bộ chiến y mới, chỉ kịp tháo bỏ sợi dây ba chạc, nhờ bạn bè cất khẩu súng vào kho, anh đã vội vàng lên đường ngay cho kịp chuyến xe tiếp tế vừa mới lên hồi sáng.
 
Về đến nhà, người yêu nghe tiếng gọi của anh, đã thật là ngạc nhiên, hớn hở ra mừng đón... ôm lấy anh... áo anh còn đầy mùi thuốc súng...
 
Hào hùng thay! Lãng mạn thay!
 
Chỉ cần một lời thơ, một câu hát, mà người nhạc sĩ đã vẽ lên hình ảnh của một người Lính Trẻ, vừa làm tròn bổn phận người Trai Thời Chiến, vừa làm vừa lòng người yêu nhỏ ở hậu phương.
 
Tại sao tôi biết người Lính đó còn trẻ?
 
Đó là vì, anh đã hối hả đến thăm người yêu, mặc dù:
“Ngoài trời mưa lê thê, qua ngàn chốn sơn khê...”
 
Nếu người lính đã lớn tuổi, và đã có vợ con rồi, anh ta không có vội vã như vậy. Trời đang mưa tầm tã, đường về lại cong queo qua ngàn chốn sơn khê, về làm chi cho mệt, lỡ tài xế lạc tay lái, đạn bắn không chết, lại chết vì xe lật lãng nhách! Hãy đi tắm rửa thay quần áo cho khỏe rồi sáng mai tàn tàn đi về nhà có phải là có lý hơn không!
 
Tôi ngồi im lặng như chưa bao giờ im lặng như vậy (Nhạc thính phòng mà! Phải im lặng mới nghe được từng lời ca tiếng nhạc chứ!) để tiếp tục nghe bản nhạc tuyệt vời này. Người ca sĩ, chị Dương Hòa, với giọng hát trong trẻo, uốn theo từng lời ca nốt nhạc, giọng chị cao vút lên:
 
“Anh như làn gió... bay ngược xuôi,
Theo đường mây... tóc tơi bời... lộng gió bốn phương...”
 
Người lính trẻ về thăm người yêu được vài giờ ngắn ngủi rồi lại phải ra đi như một làn gió, bay ngược, bay xuôi, theo đường của mây trôi, mái tóc bồng lên vì lộng gió bốn phương. Nhưng dù có bay ngược bay xuôi, dù có gió lộng mưa nguồn, người trai vẫn chỉ có một tấm lòng yêu nước non và chung thủy với người yêu:
 
“Nước non còn đó, một tấm lòng,
Không mờ phai... cùng năm tháng...”
 
Người nhạc sĩ nào mà lại tài ba quá như vậy! Nhạc vừa hay, lúc thì cao vút lên tận trời mây, lúc thì chùng xuống mãi tận đáy của con sông, ngọn suối. Lời ca lại vừa tình tứ lại vừa oai hùng như vậy?
 
Người nhạc sĩ này phải là một người Lính!
 
Không những là Lính, anh phải là một người Lính Chiến Đấu, ở nơi trận tiền.
Đúng! Bạn đoán đúng rồi đó.
 
Người nhạc sĩ tài hoa này là Đại Tá Nguyễn Văn Đông, là nhà thơ Phượng Linh, Phương Hà, nhà viết tuồng cải lương Đông Phương Tử...
 
Nguyễn Văn Đông, với ba lô nón sắt hành quân.
 

Nguyễn Văn Đông sinh năm 1932, tại Quận Nhất, Sài Gòn.
 
Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu (14 tuổi). Tại đây, ông vừa học làm lính, vừa được học nhạc với các giáo sư âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn sau, ông trở thành một thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, học cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay, bản nhạc “Thiếu sinh quân hành khúc” đã được chọn làm bài hát chính thức của Trường Thiếu Sinh Quân.
 
Sau khi tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, năm 1951, ông được cử theo học khóa 4 trường Võ bị Sĩ quan Vũng Tàu và tốt nghiệp thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy vào năm 1952. Năm sau, ông được cử đi học khóa huấn luyện “Ðại đội trưởng” tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu Đoàn Trưởng” tại Trường Chiến Thuật Hà Nội. Ra trường, ông nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trọng pháo 553, trở thành Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia Việt Nam khi mới 24 tuổi.
 
Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, ông được chuyển vào Nam, phục vụ tại Phân khu Đồng Tháp Mười với chức vụ Trung úy Trưởng phòng Hành quân. Thời gian này, ông còn kiêm nhiệm chức Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu, dưới quyền Đại tá Nguyễn Văn Là, tham gia Chiến Dịch Thoại Ngọc Hầu 1956 do Tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh chiến dịch.
Những bài hát như Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê đều đã được ông sang tác ở nơi trận tiền miền Bắc và Đồng Tháp Mười miền Nam, khi ông còn rất trẻ, mới có người yêu, vì thế, những bản nhạc này mới đầy... Mùi Lính, lãng mạn và chứa đầy tình quê hương đất nước.
 
Hai MC chính trong buổi văn nghệ, một là Quốc Việt, một người mà đa số dân tỵ nạn chúng ta đều biết anh là ai, không cần nhìn mặt, chỉ cần nghe cái giọng trầm ấm phát lên là chúng ta đã biết chàng là ai. Lần này, anh không đọc thông tin nữa, mà giới thiệu từng bài hát với lời lẽ thật là chau chuốt mà trước đây, chỉ có Hà Huyền Chi, Văn Quang, Phan Nhật Nam viết mà thôi.
 
Người MC thứ hai, có thể đã xuất hiện nhiều lần rồi nhưng tôi ít đi đó đây, nên đây là lần đầu tiên tôi được nghe giọng nói của chị. Giọng của chị là giọng Bắc, hơi cao, thật là đặc biệt. Cái giọng này... hình như tôi đã được nghe từ lâu lắm rồi:

“Người lính trưởng thành theo nhịp độ gia tăng của cuộc chiến, đầu đội nón sắt, vai mang ba lô, tay siết chặt khẩu súng, anh bước đi mòn vẹt đế giày sau trên khắp mọi nẻo đường để canh giữ quê hương.
 
Anh đi qua những địa danh trên đất nước mình mà nghe sao xa lạ: Ashau, Ia Drang, Kontum, Pleime, trong rừng già trùng điệp, giữa ban ngày giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Anh băng mình dưới lửa đạn thù phủ chụp Cồn Tiên, Ái Tử; nằm phục kích bên ven phá Tam Giang nghe tiếng hò Nam Ai vẳng trên đầm nước mênh mông theo gió lướt về nghe thảm đến não lòng ... Anh lặn lội ngày đêm trong bùn lầy ngập nửa thân mình nơi những cánh rừng Tràm, rừng Ðước, ở Ðồng Tháp Mười, ở U Minh để nghe muỗi vo ve như sáo thổi, thấy đỉa lội như bánh canh ....
 
Trong hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn cỏ đẫm sương mai. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm đen, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá.
 
Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ. Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn, đem hy vọng cuộc đời đặt trên nòng súng thân quen.
 
Anh đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc...”
 
Người xướng ngôn viên nào đã nói lên những nỗi cơ cực, hiểm nguy của đời Lính rồi sau đó mời người Lính nghe một bản nhạc đầy tình quê hương... bạn có nhớ được ai chưa...?
 
DẠ LAN!
 
Đúng rồi, bạn ạ!
 
Người xướng ngôn viên đang đứng trước mặt tôi, trên sân khấu, đang giới thiệu bài hát, đã có giọng đọc giống như Dạ Lan, người điểu khiển “Chương Trình Dạ Lan, tiếng nói của người Em Gái Hậu Phương gởi cho người anh nơi tiền tuyến”.
 
Thời còn làm lính, tôi chưa hề được hân hạnh giáp mặt Dạ Lan, và cô cũng ít khi nào xuất hiện trước hàng binh. Những người lính như tôi, như bạn, chỉ có dịp nghe tiếng nói của cô trên làn sóng điện, và nhận được những tấm hình của cô do Nha Tâm Lý Chiến hoặc Chiến Tranh Chính Trị gởi tới chúc Tết đầu xuân mà thôi. Qua tới bên Úc rồi, qua sự giới thiệu của nhà văn Hoàng Hải Thủy, tôi mới có dịp nói truyện trực tiếp với cô, qua điện thoại. Dạ Lan 1 hiện còn ở Việt Nam, Dạ Lan 2 đang ở bên Mỹ, nên cả hai đều không có thể xuất hiện ở đây được, mãi đến khi chị tự giới thiệu tên, tôi mới biết đó là chị Linh Hà. Trước 1975, chị Hà đã từng là xướng ngôn viên của đài phát thanh Đà Nẵng, nên chị đã có thật nhiều kinh nghiệm trong công việc của một người xướng ngôn viên.
 
Chị NiNi, chủ nhân của nhà hàng Candelles và anh Châu Xuân Hùng đã rất hãnh diện chỉ cho tôi thấy... Bức Tượng Thương Tiếc do ban tổ chức (Quốc Việt, Châu Xuân Hùng, Kiều Tiến Dũng và Nguyễn Quỳnh Châu) đã dựng lên, ở góc trái của sân khấu, phỏng theo bức tượng chính “Thương Tiếc” của Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu, đặt tại Nghĩa Trang Biên Hòa. 
 
Cũng vì cảm động về tấm lòng Thương Lính của ban tổ chức, mà chị NiNi đã góp phần bằng cách không lấy lệ phí mướn nhà hàng, tặng luôn cả tiền điện, tiền ga sưởi ấm, để... ấm lòng người chiến sĩ.
 
Cũng vì mục đích cao đẹp nói trên của ban tổ chức, mà các cựu quân nhân và đồng hương tham dự buổi nhạc thính phòng đã tự nguyện đóng góp một số tiền lớn, mà sau khi trừ mọi chi phí nhỏ, ban tổ chức đã có được số tiền lên đến $18, 385. Ban tổ chức đã tuyên bố, chia hết số tiền này ra làm hai phần bằng nhau để trao tặng lại cho Hội Vietnamese American Foundation (VAF) để trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và Hội Tình Thương Foundation (TTF) để tặng lại cho các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa còn lại ở Việt Nam.
 
CHUYỆN XƯA NGÀY ẤY THÁNG TƯ
 
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc bốn mươi năm qua rồi, vết thương do chiến tranh tạo ra tưởng chừng như đã được phương thuốc thời gian xóa nhoà đi rồi. Thế nhưng, vì bọn Việt cộng xâm lược đã không ngừngtạo ra quá nhiều tang thương máu lửa cho đất nước, cho người dân Việt, cho người Lính Việt Nam Cộng Hòa, làm cho người dân Việt, người Lính Cộng Hòa không thể nào quên được những hành vi giết chóc, trả thù dã man, những hành động cướp đất cướp nhà, mà lúc nào chúng cũng mở miệng ra là đem lại cơm no áo ấm, hạnh phúc nơi thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một điển hình, sau ngày mất nước, ông và hầu hết những người Lính Cộng Hòa đã bị bắt đi tù trong cái nhà tù mà bọn Việt cộng gọi là “Trại Học Tập Cải Tạo”, nhưng mục đích chính của chúng là để cho người Lính Cộng Hòa chết dần chết mòn giữa rừng sâu nước độc. Kết quả là sau hơn 9 năm ở trong tù, vì bị làm việc lao động quá sức, vì bệnh tật mà chúng không cho thuốc men điều trị, vì bị khủng bố tinh thần, Đại Tá Đông chỉ còn da bọc xương, chờ chết. Tới lúc đó, bọn chúng mới gọi người nhà lãnh ông về để chờ đem chôn. Khi được chính phủ Hoa Kỳ nhận cho đi định cư theo chương trình HO, ông đã không thể nào nhúc nhích tay chân, nên đành xin ở lại chờ chết trên quê hương nơi ông sinh ra. Khi thuốc tây không trị bệnh cho ông được, gia đình ông không còn con đường nào khác ngoài việc uống đại liều Thuốc Bắc, Thuốc Nam, đằng nào cũng chết. Nhưng, may mắn thay, căn bệnh thấp khớp, co quắp bắp thịt làm cho tay chân ông không cử động được, đã từ từ bớt đi, cho đến nay, mặc dù tính mạng ông không còn bị đe dọa nữa, ông cũng chỉ có thể đi đứng chút đỉnh mà thôi, và không bao giờ có thể sáng tác nhạc trở lại nữa (Tài liệu lấy trên nhiều nguồn internet).
 
Trở lại ngày 30 tháng tư năm ấy, 1975, chúng ta đang ở đâu? Làm gì? Suy nghĩ gì? Bạn và tôi chắc chắn không bao giờ quên.
 
Anh Cảnh, Khóa 8/68 Đồng Đế (vì Thủ Đức quá đông) nhớ lại ngày đó như sau:
 
Lúc đó, tôi giữ chức Trung Đội Trưởng Pháo Đội B của Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Phòng Không, đóng tại Nhà Bè, để bảo vệ cho kho xăng của các hãng dầu Shell, Caltex và Mobil. Pháo đội của tôi, sau khi tham dự chiến trường Tây Ninh Trảng Lớn, đã được đưa về Nhà Bè từ tháng 3/1975. Pháo đội của tôi có hỏa lực rất mạnh, gồm 6 khẩu đội, mỗi khẩu đội trang bị bốn dàn đại liên Swatt bốn nòng, mỗi dàn được gắn trên một xe GMC Cargo 5 tấn. Trên xe, ngoài pháo tháp đại liên, chung quanh chứa cả trăm thùng đạn.
 
Để bảo vệ kho xăng Nhà Bè, ngoài pháo đội B của tôi, còn có toán Thám Sát Điện Tử (dùng các thiết bị điện tử để đo hơi nóng, chấn động và từ trường) và đoàn Quân Khuyển nữa. Bên ngoài kho xăng, còn có Đặc Khu Rừng Sát của Hải Quân và Địa Phương Quân trú đóng nữa.
 
Với hỏa lực pháo binh hùng hậu như vậy, với đầy đủ quân lính trang bị đầy đủ, tinh thần vững chắc, tôi không bao giờ tin rằng miền Nam có thể thất trận, mặc dù lúc đó đã có nhiều tin tức xấu dồn dập từ Miền Trung gởi về. Qua đến Tháng Tư, có nhiều đơn vị báo cáo tình trạng bỏ ngũ, tôi cảnh giác đơn vị mình, tập hợp anh em, tuyên bố:
-   Hỏa lực của chúng ta còn đầy đủ, Quân Đoàn III còn đây, đơn vị bạn còn đó, chúng ta không thể nào thua. Tôi còn đây với anh em, anh em hãy bền tâm, cố gắng chiến đấu, chu toàn nhiệm vụ bảo vệ kho xăng, bảo vệ đồng bào và đất nước mình.
 
Đến ngày 29/4, tôi mất liên lạc với Đại Đội, với Tiểu Đoàn, nhưng với máy truyền tin nội bộ, tôi được biết tất cả pháo binh của Quân đoàn và các binh chủng khác đã tập trung về Trường Đua Phú Thọ để yểm trợ cho những toán quân bạn, nhất là cho anh em Nhảy Dù, Biệt Động Quân và Sư Đoàn 18 còn đang chiến đấu thật can trường ở khu Biên Hòa Long Khánh. Đêm 29, tôi tự quyết định cho gom hết 6 khẩu đội đại liên lên xe để sáng sớm mai trực chỉ Phú Thọ, tiếp tục chiến đấu cùng với anh em pháo binh khác.
 
Sáng sớm, anh em chúng tôi đã cơm nước sẵn sàng, lên xe mở máy đi về Trường Đua Phú Thọ, máy truyền tin nội bộ vẫn mở 24/24 để liên lạc với anh em, tôi mở thêm cái radio để theo dõi tin tức. Bất chợt, tôi nghe giọng Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố: “Đầu hàng vô điều kiện, anh em binh sĩ đâu ở đó, chờ bàn giao.”
 
Tôi giựt mình luống cuống, không biết làm sao, cho đoàn xe dừng lại, tập họp anh em binh sĩ. Mọi người vào hàng, đứng nghiêm chỉnh chờ lệnh. Tôi cho tất cả anh em, ai có radio cũng mở hết lên để nghe lại, có phải là Tổng Thống ra lệnh đầu hàng hay không?
 
Nghe lại lần thứ hai... thứ ba... vẫn là đầu hàng vô điều kiện, ai ở đâu ở đó, chờ bàn giao.
 
Những người lính của tôi, họ bật khóc, gào lên đầy tức tối, không tin được những gì mình nghe là sự thật:
-   Đầu hàng? Tại sao lại đầu hàng? Lính mình còn đây, pháo binh đầy những đạn, tại sao không chiến đấu tới cùng mà lại đầu hàng? Lại đầu hàng vô điều kiện nữa? Rồi anh em chúng ta ra sao?
 
Tôi nói lời cuối cùng với anh em trong trung đội:
-  Tôi và anh em đã ở lại đơn vị, đã đồng lòng về Phú Thọ chiến đấu tới cùng, nhưng tiếc thay, Tổng Thống của chúng ta đã đầu hàng giặc rồi, chúng ta đành phải buông súng mà rã ngũ. Anh em hãy cùng tôi, chào lá Quốc Kỳ lần cuối, rồi tan hàng, ai về nhà nấy, không bàn giao, nhục lắm.
 
Chúng tôi cùng đứng nghiêm chào lá Quốc Kỳ, rồi từ từ hạ nó xuống, tôi cuộn lại đem vào trong phòng, thay đồ dân sự, cất lá cờ vào trong túi. Ngoài kia, anh em lính tráng đang tháo cơ bẩm của tất cả các khẩu đại liên, liệng đi tứ phía rồi vừa khóc vừa ra đi.
 
Tôi bước ra ngoài, còn hai người lính đứng đó: Một Thượng Sĩ và một Binh nhì của Tiểu Đoàn 3 Phòng Không từ Quân Đoàn II về tăng cường cho trung đội, cả hai đều không có bà con thân thích gì ở đây cả, họ đứng chờ tôi cho họ đi theo. Ba anh em chúng tôi đi bộ, đi xe lam, xe ôm về nhà tôi ở Sài Gòn, sáng sớm hôm sau, anh em chúng tôi ăn chung với nhau bữa ăn sáng cuối cùng, rồi tôi đưa hai anh ra bến xe Miền Trung để về quê quán, anh em chúng tôi ôm nhau khóc ròng, không biết tới bao giờ mới được đoàn tụ.
 
Anh Nguyễn Thành Vinh, khóa 6/68 kể lại:
 
Ra trường, tôi được chỉ định về Tiểu Khu Phong Dinh, rồi về Trung Đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21. Sau một thời gian chiến đấu, tôi được đưa về học khóa 4/71 Hành Chánh Tài Chánh rồi về lại Trung đoàn làm việc. Ngồi văn phòng chán quá, tôi xin ra Trinh sát, mới được hơn một tháng thì lại có công lệnh gọi về làm ở Ban Lương Bổng, trực thuộc Tổng Nha Tài Chánh.
 
Đến ngày 30 tháng Tư, tôi vẫn còn đi làm, gặp anh Nghĩa, bạn cùng khóa, anh cho biết, Tướng Lê Văn Hưng vẫn còn đó, ông vừa cho lệnh anh em đi lấy lương khô chuẩn bị hành quân, ông nói với anh em:
-  An Lộc tôi không bỏ anh em, thì lúc này tôi cũng càng không thể bỏ anh em mà đi.
 
Tới sáng hôm sau, Nghĩa tới nhà tôi, mặt mày trắng nhợt:
-  Tướng Hưng tự sát rồi. Ổng chết hồi 6 giờ gì đó, tối hôm qua. Xác đã đem qua Quân Y Viện Phan Thanh Giản rồi. Tao với mày phải đi mua đồ để liệm cho ổng rồi đem chôn.
 
Tôi bàng hoàng xúc động, thương cho đất nước, thương ông Tướng đã không bỏ anh em mà đi. Tôi khóc một hồi cho vận nước, rồi hỏi Nghĩa:
- Mày... có tiền hông?
- Hổng còn đồng cắc, vừa cho anh em Lính để họ về quê quán hết rồi.
- Tao có chút ít, nhưng chắc không đủ để mua đồ.
- Thôi, chờ tao một chút, tao đi kiếm.
 
Một hồi sau, Nghĩa trở lại, nói “Ông Nam Hòa, chủ lò bánh mì đi quyên góp bà con được $70,000 đây”. Tôi xách chiếc Vespa chở Nghĩa đi mua đồ, không biết mua gì, tôi ghé nhà Trung Tá Bia hỏi thăm, ông chỉ nơi mùa trà và vải liệm. Mua xong, chúng tôi tới Quân Y Viện, đi ngang Phòng Lựa Thương, thấy xác của Tướng Nguyễn Khoa Nam còn nằm đó, đang có người lo. Tới nơi đặt xác Tướng Hưng, chị Hoàng tắm rửa thân xác ông lần cuối rồi thay quần áo, bỏ ông vào trong quan tài, tụi tôi quấn vải liệm cho ông, đặt vào trong quan tài, rải trà chung quanh rồi ra ngoài mướn xe lam đem quan tài ông đi chôn ở khu đất đường Nguyễn Viết Thanh.
 
Thưa bạn, vào giờ đó, ngày đó, tháng đó, năm đó, bạn đang ở đâu? Làm gì? Nghĩ gì? Bạn có thể cho tôi và mọi người cùng biết, hay không?
 
 
Nguyễn Khắp Nơi

No comments:

Post a Comment