; }

CHIẾC VALI HẠT NHÂN CỦA TỔNG THỐNG MỸ CHỨA NHỮNG GÌ ?

Trong thời hiện đại ngày nay, nó là đồ vật có ý nghĩa tương đương với vương miện và quyền trượng thời Trung cổ - biểu tượng của quyền lực tối cao. Luôn "sát cánh" cùng vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ đến bất cứ nơi đâu, chiếc vali với vẻ ngoài hiền lành vô hại này đã được phim ảnh và tiểu thuyết tô vẽ thành công cụ quyền lực tối thượng, một "cỗ máy hủy diệt" có thể đặt dấu chấm hết cho toàn bộ thế giới. 
Nhưng rốt cuộc chiếc vali hạt nhân có chứa những gì? Và quyền lực của nó thực sự khủng khiếp đến đâu?

Lai lịch và nguồn gốc của chiếc vali hạt nhân


Được đặt tên chính thức là "Túi khẩn cấp của Tổng thống" và thường được gọi bằng biệt danh "Football", chiếc vali xách tay này có cấu tạo gồm một khung nhôm vững chắc được bọc bởi lớp da thuộc màu đen. Hiện nay có một chiếc đã "nghỉ hưu" và hoàn toàn trống rỗng bên trong đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Lịch sử Mỹ.  
Nói về ý nghĩa của chiếc vali hạt nhân, người phụ trách trông coi hiện vật tại bảo tàng này là Harry Rubenstein nói: "Khi chúng ta muốn tìm một thứ gì đó thể hiện được quyền lực quân sự không tưởng và những trách nhiệm của Tổng thống, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến món đồ mang tính biểu tượng này".

Mục đích ban đầu của nó được tạo ra là để xác nhận danh tính của Tổng thống Mỹ và cho phép Tổng thống giao tiếp với Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia tại Lầu Năm Góc, vốn là cơ quan giám sát các mối đe dọa hạt nhân trên toàn thế giới và có thể ra lệnh phản ứng ngay tức thì. 
Chiếc vali "Football" cũng cung cấp cho vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ một danh sách giản lược các sự lựa chọn tấn công hạt nhân. Chẳng hạn như nó sẽ cho phép Tổng thống Mỹ quyết định hủy diệt tất cả các mối đe dọa của nước Mỹ bằng một đòn duy nhất, hoặc chỉ xóa sổ riêng một thành phố hay quốc gia nào đó mà thôi.  
Mặc dù nguồn gốc chính xác của chiếc vali hạt nhân luôn là thông tin tối mật, nhưng có thể nói là nó ra đời từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tổng thống John F. Kennedy khi đó đã cho rằng việc tốt nhất mà người ta nên làm với vũ khí hạt nhân là ngăn chặn và loại bỏ nó. Ông cảm thấy "thật điên rồ khi hai người ngồi ở hai phía đối lập của thế giới lại có khả năng quyết định kết liễu nền văn minh này".
Sợ hãi trước giả thuyết được gọi bằng cái tên MAD (mutually assured destruction - sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn), Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã ra lệnh khóa hết vũ khí hạt nhân lại và yêu cầu phải có các phương án thay thế cho kế hoạch chiến tranh hạt nhân có nguy cơ hủy diệt tất cả. Một bản ghi chép được công bố của Tổng thống Kennedy có viết về những nỗi quan ngại đã dẫn đến sự ra đời của chiếc vali "Football" với vai trò là một hệ thống xác nhận danh tính của vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Tổng thống J.F. Kenedy đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi rất đỗi bình thường nhưng cũng đầy ám ảnh: "Mình sẽ nói gì với Phòng Chiến tranh Liên quân để phát động một cuộc tấn công hạt nhân ngay lập tức?", "Người nhận được các chỉ thị của mình sẽ làm thế nào để xác nhận chúng?". Chính những suy nghĩ đó đã góp phần vào sự ra đời của chiếc vali hạt nhân - thiết bị giúp Tổng thống có thể nhận được thông tin và ra lệnh tấn công nhanh chóng nhưng không hề tùy tiện.

Chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ thực sự chứa những gì?


Theo lời cựu Thư ký Bộ Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara, cái tên "Football" (Bóng bầu dục) của chiếc vali bắt nguồn từ một kế hoạch chiến tranh hạt nhân trước đó có mật danh là "Dropkick" (thuật ngữ chỉ một hành động trong môn bóng bầu dục, trong đó quả bóng được thả xuống đất trước khi bị đá đi), bởi muốn "dropkick" được thì trước tiên phải có "quả bóng" đã.  
Chiếc vali được thiết kế theo một phiên bản đã được chỉnh sửa của mẫu túi xách Zero-Halliburton, và bức ảnh đầu tiên chụp một nhân viên hỗ trợ quân sự xách theo chiếc vali màu đen nổi tiếng này đi cùng Tổng thống Mỹ xuất hiện vào ngày 10 tháng Năm năm 1963, tại khu phức hợp nhà ở của gia đình Kennedy tại Cảng Hyannis thuộc bang Massachusetts. 
Kể từ năm 1963, "Football" đã trở thành một phần thiết yếu trong các chuyến công du của Tổng thống Mỹ, và thậm chí đã được chụp ảnh tại Quảng trường Đỏ vào tháng Năm năm 1988, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ronald Reagan tới Liên bang Xô viết. Người đồng cấp bên phía Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev cũng có một nhân viên hỗ trợ quân sự đi cùng, xách theo một thiết bị tương tự được gọi bằng cái tên chemodanchik, nghĩa là "chiếc vali nhỏ". 
Vậy thực sự bên trong chiếc túi nhỏ gọn đó có chứa những gì?

Trái với suy nghĩ của công chúng được vẽ nên bởi phim ảnh giả tưởng, chiếc vali bí ẩn này thực ra không hề chứa một nút bấm màu đỏ ra lệnh phát động chiến tranh hạt nhân. 
Cựu giám đốc của Văn phòng Quân sự Nhà Trắng Bill Gulley đã tiết lộ về những vật được giữ bên trong chiếc túi đen này trong cuốn sách Breaking Cover của ông vào năm 1980: "Có bốn món đồ trong chiếc "Football": cuốn "Sách Đen" chứa các lựa chọn để tấn công trả đũa, một cuốn sách khác liệt kê các địa điểm tối mật, một bìa hồ sơ có tám hay mười trang giấy kẹp chung vào nhau mô tả các quy trình của Hệ thống Truyền tin Khẩn cấp, và một tấm thẻ 3x5 inch ghi mã xác thực (mà Tổng thống thường tách riêng ra để mang theo bên mình)."
Bên cạnh những vật dụng phức tạp đó, bản thân quy trình thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân cũng không hề đơn giản. Trước hết, chiếc vali chỉ được dùng đến vào những lúc Tổng thống Mỹ không ở tại Nhà Trắng (ở đó việc phát động tấn công hạt nhân sẽ được phụ trách bởi trung tâm tình báo an ninh do Hội đồng An ninh Quốc gia điều hành). Sau khi mở chiếc "Football", Tổng thống Mỹ cũng không thể tự mình phóng đầu đạn mà sẽ ra lệnh cho quân đội thực hiện việc đó, với điều kiện phải có tấm thẻ nhựa ghi mã xác thực.
Một khi vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ đã "bật đèn xanh", mã phóng hạt nhân sẽ được xác nhận bởi Lầu Năm Góc và được truyền đi tới các chỉ huy máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa để tạo thành bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. "Quy tắc hai người" được áp dụng trong mọi bước của quy trình này nhằm đảm bảo không có bất kỳ một cá nhân riêng lẻ nào có thể tự mình thực hiện cuộc tấn công. Nếu mọi việc vận hành trơn tru, đầu đạn hạt nhân đầu tiên sẽ chạm tới mục tiêu trong vòng 30 phút kể từ khi có lệnh phóng.
Theo luật định, Thư ký Bộ Quốc phòng là người cần có mặt để thừa lệnh Tổng thống, và một cuộc tấn công hạt nhân chỉ bị chặn lại nếu có nhiều người trong quy trình trên không tuân lệnh. Như cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã giải thích vào năm 2008, "Tổng thống có thể phát động một cuộc tấn công hủy diệt thuộc loại mà thế giới chưa từng thấy. Ông ấy không phải hỏi ý ai cả. Ông ấy không cần gọi cho Quốc hội. Ông ấy không cần hỏi ý kiến tòa án. Ông ấy có quyền hành như vậy là do bản chất tự nhiên của thế giới mà chúng ta đang sống.
Mùa thu năm 2017, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần để xem xét sự cần thiết phải có sự chấp thuận của Quốc hội đối với một cuộc tấn công hạt nhân. Thượng nghị sĩ Ed Markey cũng đã đưa ra một bản dự luật với tiêu đề "Không Tấn Công Trái Hiến Pháp Chống Lại Triều Tiên," nhưng có vẻ nó vẫn sẽ chưa được thông qua trong tương lai gần. 

Trách nhiệm nặng nề đối với an nguy của thế giới


Khi Tổng thống Mỹ ra khỏi Nhà Trắng, sẽ luôn có một nhân viên hỗ trợ quân sự xách theo chiếc vali này và không bao giờ đứng cách xa Tổng thống quá vài bước chân. Trọng trách đó được xoay vòng cho năm nhân viên, cũng chính là những người có nhiệm vụ thông báo ngay cho Tổng thống trong trường hợp xảy ra một "sự cố" hạt nhân nào đó.
Các nhân viên hỗ trợ quân sự cũng như phục vụ Tổng thống đã nhiều lần than phiền rằng chiếc "Football" chứa quá nhiều tài liệu giấy tờ khiến cho nó trở nên nặng nề với cân nặng khoảng 45 pound (khoảng 20,4kg). Tổng thống Jimmy Carter, vốn xuất thân là một chỉ huy tàu ngầm hạt nhân, sau đó đã ý thức được rằng mình chỉ có vài phút ngắn ngủi để quyết định cách thức phản ứng với một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào nước Mỹ. Do đó ông đã ra lệnh cho các kế hoạch chiến đấu chứa trong chiếc vali phải được đơn giản hóa đi đáng kể. Một cựu nhân viên hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Bill Clinton, Đại tá Buzz Patterson, sau này đã mô tả các sự lựa chọn đó sau khi được rút gọn trông giống như "thực đơn bữa sáng của Denny" (một chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Mỹ). "Giống như ta chọn ra một món từ Cột A và hai món từ Cột B vậy," ông nói. 

Để chiếc vali có thể thực hiện được chức năng như thiết kế, người nhân viên hỗ trợ quân sự bắt buộc phải ở cạnh Tổng thống Mỹ mọi lúc mọi nơi, và Tổng thống phải luôn giữ mã xác thực bên mình. Cả hai yếu tố đó đã từng đôi lần "gặp trục trặc". 
Tổng thống Jimmy Carter trong nhiệm kỳ từ năm 1977 tới 1981 của mình đã có lần bỏ quên chiếc thẻ ghi mã phóng hạt nhân - được đặt biệt danh là "Biscuit" - trong túi áo khoác và gửi đi giặt. Một vụ việc thậm chí còn suýt dẫn đến thảm họa đã xảy ra trong vụ ám sát Tổng thống Reagan vào tháng Ba năm 1981. Trong cơn hỗn loạn sau phát súng, nhân viên hỗ trợ quân sự đã bị tách khỏi Tổng thống và không đi cùng ông tới bệnh viện Đại học George Washington. Tại thời điểm trước khi được đẩy vào phòng phẫu thuật, Tổng thống Reagan đã được tháo bỏ hết quần áo và đồ đạc trên người. Chiếc thẻ "Biscuit" sau đó được FBI phát hiện là đã bị bỏ quên, vứt chỏng chơ trong một túi nhựa của bệnh viện.
Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ "đãng trí" của Tổng thống Bill Clinton. Theo lời cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Hugh Shelton, Tổng thống Clinton từng quên mất mình đã để tấm thẻ “Biscuit” ở đâu trong suốt nhiều tháng vào năm 2000. 
"Đó là chuyện lớn, chuyện cực lớn đấy," vị tướng này kể lại trong cuốn tiểu sử của mình vào năm 2010.  
Một lần khác, vào năm 1999, Tổng thống Clinton đã rời khỏi cuộc họp của NATO vội vã đến mức chiếc vali "Football" đã bị bỏ lại phía sau. May mắn là người nhân viên hỗ trợ sau đó đã mang nó về Nhà Trắng bình an vô sự. 
Mới đây nhất, trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc vào năm 2017, các quan chức nước chủ nhà đã cố ngăn nhân viên hỗ trợ quân sự mang chiếc vali hạt nhân vào thính phòng của Đại Hội trường Nhân dân Bắc Kinh, nhưng vụ việc đã ngay lập tức được giải quyết ổn thỏa. 
Xem ra trong những trường hợp này, chiếc "vương miện" hay "quyền trượng" của Tổng thống Mỹ có vẻ đã không được đối xử đúng phép tắc cho lắm.

No comments:

Post a Comment