; }

THANH KIẾM CỦA DAMOCLES

“Thanh kiếm của Damocles” là một câu chuyện đạo đức được kể bởi học giả người La Mã là Cicero. Damocles là người hầu của vua Dionysius II sống vào khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 5.
Đức vua Dionysius II là một vị vua khốn khổ, người cai trị đế chế của mình với một trái tim lạnh lùng, tạo ra nhiều kẻ thù trong thời gian trị vì. Vì luôn sợ bị ám sát nên ông cho xây một con hào bao quanh nơi ở của mình. Nỗi sợ của ông lớn đến mức ông chỉ cho phép các con gái tỉa râu cho mình.
Một lần nọ, một người hầu cận nịnh hót tên là Damocles đã làm nhà vua khó chịu vì những lời khen tụng của hắn. Damocles nói với nhà vua rằng ông hẳn có một cuộc sống tuyệt vời và thoải mái nhất. Bực bội với sự ngây thơ của Damocles, Dionysius II trả lời: “Vì cuộc sống của ta khiến ngươi thích thú, ngươi có muốn tự mình nếm thử vinh hoa của ta không?”
Tất nhiên, Damocles đã rất ngạc nhiên trước phản ứng của nhà vua và ngay lập tức chấp nhận đề nghị. Đầu tiên, nhà vua Dionysius II cho Damocles ngồi trên một chiếc trường kỷ bằng vàng và để những người hầu phục vụ hắn như một vị vua. Damocles được chiêu đãi đồ ăn thức uống và những thú vui bậc nhất của một vị vua.
Tuy nhiên, ngay khi Damocles bắt đầu tận hưởng cuộc sống mới đầy xa hoa của mình, hắn ta nhận thấy mạng sống của mình bị đe dọa bởi một thanh kiếm treo trên trần nhà. Trên đầu của Damocles, vua Dionysius II đã treo một thanh kiếm sắc bén bằng một sợi lông ngựa.
Canh cánh trong lòng với thanh kiếm, Damocles không còn có thể tận hưởng những vinh hoa phú quý xung quanh mình. Không lâu sau, hắn xin nhà vua miễn cho hắn khỏi “vận may” này.

Tác phẩm ‘Thanh kiếm của Damocles’ của họa sĩ Richard Westall:
Richard Westall, họa sĩ người Anh sống vào khoảng thế kỷ 18 và 19 là một họa sĩ bậc thầy, đã từng vẽ tranh cho Nữ Hoàng Victoria. Ông đã vẽ một khung cảnh tuyệt vời mô tả khoảnh khắc cao trào của câu chuyện.
Tâm điểm của bức tranh là Vua Dionysius II vận áo choàng đỏ, đứng chính giữa bố cục. Một tay của ông đặt lên thứ trông như một vương trượng, và tay kia hướng về thanh kiếm treo ở phía trên bên trái của bố cục.
Thanh kiếm hướng chúng ta đến Damocles, người mà vua Dionysius II đang theo dõi. Damocles mặc trang phục lộng lẫy như một vị vua, ngồi trên ngai vàng và đang với lấy một ly rượu do người hầu gái dâng lên. Hắn ta nhận ra thanh kiếm treo trên đầu khi vừa với lấy chiếc ly.
Cận cảnh là một vòng hoa và một vương trượng. Có vẻ như Damocles đã từng đội vòng hoa và cầm vương trượng, có khả năng cả hai món đồ đã rơi xuống khi hắn phát hiện ra thanh kiếm bên trên.
Damocles được bao bọc bởi những thứ xa hoa. Xung quanh hắn là những món ăn, đồ nội thất bằng vàng và các tác phẩm nghệ thuật được trang trí công phu đẹp mắt. Có trái cây trên bàn bên cạnh và những người hầu gái đang đợi để dâng đồ ăn thức uống. Ở hậu cảnh phía bên trái của bố cục là những thiếu nữ đang cầm nhạc cụ, có thể đoán rằng họ đang chơi nhạc cho Damocles. Ở hậu cảnh bên phải, một người lớn tuổi và một người lính đang quan sát cảnh tượng diễn ra.

Đừng đứng núi này trông núi nọ:
Họa sĩ Westall mô tả Damocles vào khoảnh khắc hắn ta nhận ra rằng “đứng núi này trông núi nọ” là sai lầm. Damocles đã tin rằng cuộc sống của nhà vua thú vị hơn cuộc sống của mình. Chỉ khi trải qua những khó khăn trong cuộc sống của một vị vua, hắn mới biết trân trọng cuộc sống của mình với những thú vui và tiện nghi của chính mình.
Tôi nghĩ rằng Dionysius II trỏ tay về phía thanh kiếm không chỉ để chứng minh quan điểm của ông rằng làm vua không phải là dễ dàng như Damocles nghĩ, mà còn để được cảm thông. Mặc dù là một vị vua lạnh lùng, Dionysius II đã cho Damocles một bài học về lòng trắc ẩn: Ngay cả một vị vua như Dionysius II cũng muốn ai đó thấu hiểu và quan tâm đến những khó khăn của mình.
Đôi khi, chúng ta thấy những người dường như sống một cuộc sống tốt đẹp và có tất cả những thứ mà chúng ta muốn. Chúng ta cũng mơ tưởng được sống như vậy. Nhưng chúng ta có thể không thực sự nghĩ thấu đáo về những gì họ đã trải qua để có được cuộc sống đó; chúng ta có thể không hiểu những đau khổ của họ.
Là con người, ai cũng khổ, và ai cũng muốn nhận được tình yêu thương và sự đồng cảm; những người giàu có, quyền lực, nổi tiếng và vương giả cũng đều mong muốn được thấu hiểu.
Tuy nhiên, bức tranh còn cho ta thấy một khía cạnh khác của trí huệ: Tất cả những thứ mà chúng ta nghĩ là cần thiết để có một cuộc sống thoải mái hơn đều là phù du.
Damocles nhận ra những thú vui hắn vừa có được là vô giá trị khi cái chết đang cận kề. Hắn thậm chí không thể nhìn vào ly rượu mà tay hắn với tới, và hắn không nhận ra rằng vòng hoa đã rơi khỏi đầu hay tiếng nhạc đã dừng hẳn. Tất cả những thú vui xung quanh đều không quan trọng so với thanh kiếm treo trên đầu.
Chúng ta không thể mang theo bất kỳ của cải vật chất, thú vui, danh vọng hay quyền lực nào khi chết. Có lẽ chúng ta nên xem nhẹ những điều này trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ khi Damocles đối mặt với cái chết cận kề, hắn ta mới biết trân quý cuộc sống của mình và không còn “đứng núi này trông núi nọ” nữa. Hy vọng rằng chúng ta không cần trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy để biết ơn sâu sắc đối với cuộc sống của chính mình.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những hình mẫu và biểu tượng tâm linh mà ý nghĩa của chúng có thể không còn được những người hiện đại chúng ta biết đến. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình hướng vào nội tâm của chính chúng ta để trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).

Nguồn: Phương Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times 

No comments:

Post a Comment