![]() |
Máy phát hiện nói dối được cho là một công cụ vừa mang lại hy vọng lớn lao vừa gây ra nỗi đau sâu sắc. (Nguồn: Ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo với sự hỗ trợ của Gemini từ Google) |
Từ
thời xa xưa, con người đã tìm cách phát hiện sự gian dối thông qua các
phản ứng sinh lý của cơ thể. Ở TQ cổ đại, nghi phạm sẽ bị ép ngậm một
miệng đầy gạo sống trong khi thẩm vấn, sau đó phải há miệng để kiểm tra.
Nếu gạo trong miệng vẫn còn khô, thì tức là do miệng của nghi phạm bị
khô, có thể là do căng thẳng, lo sợ – một dấu hiệu của tội lỗi. Trong
một số trường hợp, dấu hiệu này đủ để dẫn đến án tử hình.
Quan
niệm rằng việc nói dối có thể gây ra những phản ứng vật lý có thể quan
sát được đã tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ. Vào những năm 1920, khi Hoa
Kỳ phải đối mặt với làn sóng tội phạm bùng nổ trong thời kỳ Cấm đoán (Prohibition).
Trong thời kỳ này, các băng nhóm tội phạm buôn lậu rượu mọc lên như nấm
sau mưa, chỉ riêng Chicago đã có 1,300 băng đảng. Một khoa học gia tin
rằng mình đã tìm ra phương pháp khoa học để phát hiện kẻ nói dối
Để
đối phó, nhiều sở cảnh sát đã sử dụng các biện pháp ép cung tàn bạo:
đánh đập, đốt thuốc lá và dí lên người, hoặc không cho họ ngủ. Dù vi
phạm Hiến pháp vì tính phi nhân đạo, các biện pháp này vẫn được áp dụng
rộng rãi trên toàn quốc. Theo một phúc trình được thực hiện theo yêu cầu
của Tổng thống Herbert Hoover, những biện pháp này tuy khiến nhiều
người thú tội nhưng phần lớn là sai sự thật.
Giữa
tình hình này, August Vollmer, cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát Berkeley
ở California, đã đề ra mục tiêu cải cách ngành cảnh sát: sử dụng khoa
học để thay thế những phương pháp thẩm vấn tàn bạo bằng cách tiếp cận
chính xác và nhân văn hơn. Tầm nhìn của Vollmer khá hiện đại, ông bắt
đầu tuyển dụng những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở
lên để nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát.
Trong
số đó có John A. Larson, một tiến sĩ về sinh lý học từ Đại học
California, Berkeley. Larson không chỉ là khoa học gia mà còn rất quan
tâm đến công lý, rất hợp ý Vollmer. Năm 1920, Larson gia nhập lực lượng
cảnh sát Berkeley, trở thành tân binh đầu tiên ở Hoa Kỳ có bằng tiến sĩ.
Larson
và Vollmer nhanh chóng bị hấp dẫn bởi một ý tưởng mới: một thiết bị
phát hiện nói dối do William Marston phát triển. Marston là một luật sư
kiêm nhà tâm lý học, về sau nổi tiếng với việc sáng tạo nhân vật huyền
thoại Wonder Woman và vũ khí “Lasso of Truth” (Thòng lòng Sự thật, hay Sợi dây Sự thật). Dù chỉ sử dụng thử nghiệm thiết bị này trong một số ít vụ án, nhưng ý tưởng của Marston đã truyền cảm hứng lớn cho Larson.
Phát minh mang tên “polygraph”
Larson
dành hàng giờ trong phòng thí nghiệm để chế tạo một thiết bị tinh vi
hơn. Thiết bị này bao gồm băng đeo tay và dây đeo ngực kết nối với các
máy đo nhịp tim, hô hấp và huyết áp. Thiết bị này đo cùng lúc nhịp tim,
hô hấp và huyết áp khi nghi phạm bị thẩm vấn, liên tục ghi lại dữ liệu
trên một tờ giấy quay bằng bút stylus. Larson tin rằng các dao động bất
thường trên giấy sẽ tiết lộ lời nói dối, và người vận hành máy sẽ phân
tích, diễn giải các chỉ số để đưa ra kết luận.
Mùa xuân năm 1921, Larson ra mắt phát minh mang tên “cardio-pneumo-psychogram,” sau này gọi là “polygraph” (máy phát hiện nói dối). Tờ San Francisco Examiner mô tả thiết bị này trông giống như sự kết hợp kỳ lạ của “máy thu thanh, ống nghe của bác sĩ, máy khoan của nha sĩ và bếp ga,”
tất cả được lắp ráp trên một chiếc bàn gỗ dài. Tuy bề ngoài thô sơ,
nhưng khả năng đo lường liên tục của thiết bị này vượt trội hơn hẳn so
với các phương pháp trước đây nhằm theo dõi các phản ứng không tự chủ
của cơ thể. Báo chí nhanh chóng tung hô đây là “máy bắt bài nói dối,” với những cái tít giật gân như: “Tất cả những kẻ dối trá, dù tinh vi đến đâu, đều sẽ bị vạch trần.”
Sự thật phũ phàng và nỗi thất vọng của Larson
Dù
được ca ngợi như vậy, Larson lại không hoàn toàn tin tưởng vào phát
minh của mình. Trong các thử nghiệm, ông nhận thấy máy có tỷ lệ sai sót
cao và ngày càng lo ngại về việc máy được chính thức sử dụng. Nhưng
nhiều sở cảnh sát trên khắp nước Hoa Kỳ đã nhanh chóng áp dụng máy polygraph, bất chấp sự hoài nghi từ các thẩm phán.
Năm
1923, Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ tại Quận Columbia đã ra phán quyết rằng
kết quả từ máy phát hiện nói dối không được chấp nhận làm bằng chứng
trước tòa, vì phương pháp này chưa được giới chuyên gia công nhận rộng
rãi. Tuy nhiên, điều này không ngăn được các sở cảnh sát tiếp tục sử
dụng máy “phát hiện nói dối.” Năm 1931, Larson chưng hửng khi
biết một đồng nghiệp cũ ghi danh bằng sáng chế cho một phiên bản nâng
cấp của ý tưởng mà chính ông đã tạo ra.
Dần dần, những cỗ máy polygraph
hiện đại hơn với thiết kế gọn gàng hơn bắt đầu xuất hiện. Dù được cải
tiến, các phiên bản này vẫn hoạt động dựa trên nguyên lý cơ bản mà
Larson đã thiết lập. Những cỗ máy mới nhanh chóng được áp dụng rộng rãi,
và hàng triệu người phải trải qua các bài kiểm tra nói dối trong nhiều
tình huống khác nhau.
Trong
thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dùng máy này để loại bỏ
những người bị nghi ngờ là các thành phần bất hảo hoặc là người đồng
tính khỏi chính phủ liên bang. Kết quả là, nhiều người vô tội bị mất
việc làm dù họ chẳng làm gì sai. Trớ trêu thay, một số người thực sự
“bất hảo,” chẳng hạn như điệp viên khét tiếng Aldrich Ames, lại vượt qua
được bài kiểm tra này một cách dễ dàng.
Trong
khi đó, Larson đã rời bỏ lĩnh vực này, theo học ngành y và trở thành
bác sĩ tâm thần. Tuy nhiên, ông vẫn luôn ám ảnh và hối tiếc không nguôi
về phát minh của mình. Larson gọi nó là “quái vật Frankenstein” – một thứ không thể kiểm soát hay tiêu diệt.
Năm 1988, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật cấm hầu hết các nhà tuyển dụng tư nhân sử dụng máy polygraph
để kiểm tra nhân viên. Chỉ một số cơ quan chính phủ và cảnh sát vẫn
được sử dụng thiết bị này trong các trường hợp điều tra đặc biệt.
Kristen Frederick-Frost, người phụ trách lĩnh vực khoa học hiện đại tại Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ, nhận xét: “Đây là một công cụ vừa mang lại hy vọng lớn lao vừa gây ra nỗi đau sâu sắc.” Chiếc máy polygraph
nguyên bản của Larson từng suýt bị Sở Cảnh sát Berkeley vứt bỏ vào
những năm 1930, nhưng may thay đã được Vollmer quyết định giữ lại.
Đến năm 1976, chiếc máy được tặng cho Smithsonian.
Nhưng trong nhiều thập niên, máy chỉ nằm im lìm trong kho, không được
chú ý. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, một nhóm bảy chuyên gia bảo tồn đã
phục hồi chiếc máy, sửa chữa những bộ phận cao su và nhựa bị cứng, giòn
và bám bụi, hư hỏng. Giờ đây, chiếc máy “bắt bài nói dối” đời đầu đã được phục hồi. Janice Stagnitto Ellis, người phụ trách bảo tồn giấy của bảo tàng, tự hào khẳng định: “Chiếc máy giờ đây không còn mang dáng vẻ của một món đồ cũ kỹ, bụi bặm và chẳng ai quan tâm nữa. Nó trông thật sống động.”
Nguồn:
“Why the Creator of One of the First ‘Lie Detectors’ Lived to Regret
His Invention” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
No comments:
Post a Comment