Trước khi từ giã Chương để xuống đò trở về Cà Mau, Nam cười cười dặn dò bạn:
“Ông ở lại chịu khó học nghề, tôi về Cà Mau lo công chuyện một hai tuần mới xuống, có gì khó khăn đã có bác Hai, chị Tư, anh Út chỉ dẫn. Ở đây tôm cá ăn thoải mái, sông nước tràn bờ tha hồ cho ông làm thơ.”
Nam là bạn của Chương từ hồi hai người còn học chung trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Nam dạy toán còn Chương là giáo sư Việt văn. Sở dĩ giờ đây Chương trôi giạt đến vùng đất Năm Căn, vùng đất cuối Việt với câu ca dao “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh” để chờ một chuyến vượt biên.
Nam nhảy xuống đò, con đò xình xịch rồi tách bờ, những lượn sóng cồn lên trên mặt sông rồi lại êm đềm vỗ vào bờ. Nơi Chương đang đứng là một nhánh sông nhỏ, từ đây ra cửa biển còn xa, làng xóm thưa thớt, nhà cửa ở rải rác ven sông mang cái buồn tịch liêu, cô quạnh. Nhìn theo con đò nhỏ dần phía xa, tự nhiên lòng Chương quặn lên một nỗi bơ vơ.
Ðêm ấy, Chương khó ngủ vì lạ nhà, lạ chỗ, dù ở đây khoảng khoát gió lộng tư bề, nhưng chàng vẫn nhớ căn gác lửng chật hẹp dành cho chàng nơi nhà người anh. Ở đấy có một chiếc rương cũ, vài bài thơ làm từ lúc đi học, mấy xấp hình chụp với gia đình, bạn bè từ những ngày còn trẻ. Hồi tưởng lại, Chương không khỏi nghĩ ngợi đến cái số kiếp hẩm hiu của đời mình. Từ lúc ấu thơ đã mồ côi cha mẹ, ở với anh chị, được ăn học nên người tưởng đời đã khấm khá, ai ngờ lúc ra trường vừa mới dạy học được hai năm thì bị động viên, Chương chấp nhận làm người lính như bao chàng trai trong thời buổi chiến tranh.
Hình ảnh ông giáo sư trẻ tuổi, ngôi trường, khung cửa lớp, những khuôn mặt học trò tưởng đã xa vời trong ký ức của ông thầy trẻ tuổi một trường Trung học tỉnh lỵ. Chương được đưa về đơn vị, làm việc trong ngành Chiến tranh Chính trị. Tiếp theo, khi có đợt giáo sư được biệt phái trở về dạy học, Chương trở về mái trường, khuôn mặt êm ả và bình yên của ngôi trường tỉnh nhỏ, với phấn trắng, bảng đen. Không phải Chương muốn trốn tránh cái vất vả của người trai trong thời ly loạn, nhưng dù là người lính cầm súng hay người thầy cầm phấn đứng trên bảng đen, đối với chàng nghĩa vụ nào cũng cao cả hết.
Mùa hè năm bảy mươi lăm, Chương nằm trong danh sách những giáo sư biệt phái phải đi trình diện cải tạo. Bốn năm trong tù đã dạy cho Chương biết phải dấu cái mớ hiểu biết của mình, chữ nghĩa chỉ là mớ giấy lộn, cần phải dấu diếm, đậy điệm thật kỹ mới mong được trở về. Hai chữ biệt phái đã được những nhà cách mạng hiểu méo mó là thành phần nguy hiểm. Không làm sao giải thích cho họ hiểu hai chữ Biệt Phái đơn giản chỉ là những ông nhà binh gốc nhà giáo, được trở về ngành nghề của họ sau khi khoác áo nhà binh.
Lúc từ giã nhà binh trở về đời sống nhà giáo, Chương cảm thấy rất thích hợp với môi trường này. Chương chưa kịp lấy vợ, dù đã yêu và có cảm tình với một cô bạn đồng nghiệp, hay là cả hai đang thời kỳ tìm hiểu và thương mến nhau. Thời buổi mà những quan súng ngắn, súng dài có giá hơn anh nhà giáo nghèo cuộc đời bằng phẳng, học trò của Chương một sáng một chiều đã trở thành phu nhân, cái thuở mà con gái thích làm vợ những người hùng, Chương cũng tìm được chỗ chia sẻ buồn vui nơi cô bạn đồng nghiệp. Một chút ấy không đáng gì để nàng hy sinh chờ đợi Chương khi chàng bị đi “cải tạo”, dường như cuộc tình cũng chấm dứt ngay từ đấy. Sau này, Chương nghe nói nàng đã sang ngang với một anh nhà giáo miền Bắc vào làm hiệu trưởng, nắm đầu lũ giáo chức miền Nam. Chương không tiếc gì cả, còn có ý khen nàng đã có một chọn lựa sáng suốt, đâu dại khờ làm thân Tô Thị cho uổng một đời xuân xanh.
Gặp lại mấy người bạn còn may mắn ở lại làm nhà giáo xã hội chủ nghĩa, Chương mới thấy cái nhục nhã của những người trí thức cắn răng mà sống. Chàng bị gạt ra khỏi thành phần đó. Thành phần mà mỗi tháng làm việc cật lực, kiểm thảo liên miên để tháng tháng nhận mấy chục bạc, ngần ngừ, chọn lựa, băn khoăn trước mấy chục kí gạo hẩm, miếng thịt, con cá, gói bột ngọt như chút ân huệ bố thí của nhà nước. Ðể rồi cũng chỉ vì chút vật chất nhỏ nhoi ấy, có người đã đánh mất nhân cách của nhà giáo, sẵn sàng đấm ngã bạn bè.
Âu cũng là cái may của chàng, dù chỉ là thứ may mắn khốn khổ của một nhà giáo không còn chỗ đứng. Chương sống lang thang nhờ sự giúp đỡ của anh chị trong nhà, người nào cũng như người nấy chẳng hơn gì nhau. Lúc chạy xe đạp ôm, khi dẫn mối cho dân buôn mua máy may, tủ lạnh, kẹt lắm lại làm thợ hồ trộn xi măng, đất đá. Những giờ nghỉ trưa ăn cơm, Chương xúc những muỗng cơm vào miệng mà tưởng như mình đang ăn đá sỏi, nghe chát đắng cả lòng. Nắng trưa hừng hực, mồ hôi nhễ nhại từ trán ròng ròng nhỏ xuống,Chương cứ tưởng mình đang nếm phải những giọt nước mắt. Tự nhiên chàng ngậm ngùi, thời buổi mà người ta không còn nhận ra cái đẹp của những giọt sương long lanh trên chiếc lá xanh.
Ðể rồi tình cờ gặp Nam, cuộc đời Chương hình như cứ đi từ cái tình cờ này đến tình cờ khác. Như lúc học hết Ðại học, làm thầy giáo, Chương đâu ngờ mình lại dây dưa với nghiệp nhà binh, rồi khi làm lính chàng không hề nghĩ mình sẽ trở lại nhà giáo, cho đến lúc đất nước hết binh đao, lại xô đẩy nhà giáo vào nhà tù. Mai kia, nếu cuộc đời không có gì thay đổi, ở tương lai Chương có thể phải vào nhà thương, rồi đi lần vào nhà xác.
Nam gốc người Cà Mau, gia đình cách mạng, nhờ vậy sau cuộc đổi đời, anh ta bình chân như vại. Nhưng chỉ ít lâu óc nhận xét bén nhậy của nhà giáo đã khiến Nam sớm nhận ra cái tệ hại của một cuộc đời không lối thoát, khi mà trí thức, phu xe, hốt rác cùng “cá mè một lứa” như nhau, nếu không có cái vỏ cách mạng bọc bên ngoài. Gặp lại Chương, thấy bạn xác xơ như cái mền rách, Nam động lòng thương, nên bây giờ mới có chuyện đưa bạn về gởi gấm nhà bà con, tiếng là học nghề thợ mộc, đóng ghe đóng xuồng, nhưng thực ra nằm đấy chờ Nam móc nối người vượt biển.
Chương giã từ gia đình liều thân đánh ván bài chót, cùng lắm thì gởi thân vào bụng cá, đỡ phải chôn cất lôi thôi. Ðời chàng chẳng còn gì nữa ngoài chút kỷ niệm của một thời làm thầy, một thời làm lính.
Trong bóng đêm, Chương trằn trọc mãi không ngủ được. Những hình ảnh chập chờn, nhảy múa theo cơn gió lùa qua cửa sổ. Ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ ẩn hiện vài khuôn mặt của người khuất bóng, mấy bức tranh phong thủy màu sắc lòe loẹt trông rờn rợn trong cảnh tranh tối tranh sáng nơi bàn thờ, sau này Chương mới biết trên ấy có cả hình anh chồng liệt sĩ của chị Tư. Anh ta chết trong một cuộc đụng độ với lính Cộng Hòa, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Mãi gần sáng, Chương mới thiếp đi với giấc ngủ đầy mộng mị. .
* * *
Thấm thoát rồi Chương ở nhà bác Hai cũng được ba tháng, Nam thỉnh thoảng có xuống lo chuyện bến bãi rồi đi, chuyện vượt biên đâu phải cứ muốn đi là được. Cũng chẳng có gì để Chương lo lắng, sống ở đâu chả vậy, có khi nơi này Chương lại đỡ băn khoăn vì chuyện cơm áo hằng ngày.
Bác Hai và thằng Út làm nghề thợ mộc, đóng xuồng đóng ghe cho những người quanh vùng. Chương làm thợ vịn, sai đâu làm đó, chàng cũng khéo tay nên chẳng bao lâu cả nhà bác Hai đều quí mến chàng. Cô con gái của bác Hai, chị Tư, đi kéo vó bắt tôm, đặt lờ bắt cá. Ông Trời dường như cũng ưu đãi cho người dân quê, chẳng có trường học cho trẻ con vì trước kia là vùng xôi đậu, năm bảy hôm máy bay đảo qua bắn phá một lần. Chẳng có đèn đóm nhưng đã có trăng sao vằng vặc đầy trời, sáng ngủ dậy không cần đánh răng, chỉ súc miệng sùng sục mấy cái, tối đi ngủ rửa chân cẳng qua loa, vỗ phành phạch mấy cái rồi đánh một giấc tới sáng.
Người ta không bận tâm lắm về hai chữ văn minh, văn hóa, chỉ mong hết chiến tranh, hết bom đạn, hết chết chóc là đủ. Bác Hai và thằng Út, nay có thêm Chương, chiều nhậu sương sương mấy con khô, trái soài sống rồi lăn ra ngủ. Chị Tư chiều nào cũng um một đống vỏ dừa đuổi muỗi, căn nhà như càng mịt mùng thêm với cái buồn heo hút của miền quê.
Càng sống lâu với gia đình bác Hai, Chương mới thấy cái lối làm việc rập khuôn không sáng tạo, nghĩ ngợi gì của sự hiểu biết. Xưa làm sao thì nay vậy, họ làm không thắc mắc, không hiểu tại sao một chiếc ghe có trọng tải mười giạ lúa có đáy rộng lại không dễ chìm như một chiếc ghe lòng hẹp cũng cùng một trọng tải như thế. Chương cố cắt nghĩa cho thằng Út hiểu khi hai người làm việc chung với nhau, nó chả hiểu gì nhe hàm răng vàng ệch khói thuốc ra cười, bụng có vẻ nghi ngờ cho những rối rắm của sự học.
Riêng hai đứa con của Tư thật tội, suốt ngày chúng đi chân đất, giang nắng trên bãi sông bắt cua, bắt còng, hái những trái ổi non, nhặt bần rụng về chấm mắm ruốc. Hai đứa nhỏ, thằng anh khoảng mười tuổi và con em lên tám, không biết một chữ i. Có lần, Chương gợi chuyện với hai đứa nhỏ:
"Ba con đâu?"
Thằng nhỏ chỉ lên bàn thờ, một khuôn mặt thanh niên còn trẻ với cái mặt khờ ệch:
"Tía hả? Chết "gồi".
Con em lanh chanh nói:
" Hi sinh "gồi".
Chương buồn cười nghe hai đứa nhỏ nói chuyện với nhau. Chúng nó chơi trò chiến tranh, hái lá cây ngụy trang trốn máy bay, súng là mấy bẹ dừa khô tuốt hết lá. Hai đứa nhỏ đối đáp với nhau:
"Anh Hai đi ngã này, coi chừng máy bay nghe."
"Mày im đi, tao rình bắn cái tăng này cho coi".
Chơi chán, con em bảo thằng anh:
"Má nói hòa bình "gồi", chơi "uýnh" nhau làm chi, mình chơi nhà chòi đi anh Hai".
Chương quan sát hai đứa nhỏ con anh liệt sĩ, giá anh ta còn sống đời chúng nó chắc đã có gì hơn. Một nỗi thương cảm dâng lên trong lòng chàng, những đứa trẻ con quê mình như thế này sao? Chiến tranh quả là tồi tệ, sự sung sướng, nỗi bình yên chỉ dành cho một số nào còn thì giờ đây, những đứa nhỏ trên vùng kinh tế mới, những đứa nhỏ sinh ra và lớn lên ở đây, không giày dép, không sách vở, không tương lai.
Những lúc rảnh rỗi, Chương tìm cách dạy cho hai đứa nhỏ học. Với một tập giấy trắng, cây bút chì chàng mang theo để viết thư khi cần, Chương dùng làm tập vở dạy cho hai đứa con anh liệt sĩ học chữ. Có khi thầy trò dùng những cái que viết đầy trên mặt đất, Tư rất ngỡ ngàng khi thấy con mình dùng hòn than trong bếp để viết những nét chữ nguyệch ngoạc đầu tiên trong đời . Thật cay đắng mà cũng cảm động biết bao, Chương không ngờ có ngày chàng lại ngồi lê la trên nền đất với hai đứa trẻ thơ, để tròn môi uốn theo từng chữ o, chữ ô. Thoảng trong cái buồn heo hắt đó, Chương vẫn thấy cái vui của một việc làm hữu ích, chàng thương quá những đứa trẻ miền quê Việt Nam, dù biết rằng ngày xưa, khi tía nó còn sống, sẽ không ngại gì bắn vào đầu chàng những viên đạn.
* * *
Chương lờ mờ hiểu là Tư yêu chàng, bởi sự săn sóc lộ liễu mà Tư quá mộc mạc không che đậy, dấu diếm nổi. Có lẽ chuyện làm Tư cảm động nhất là hai đứa con của chị quấn quýt bên ông thầy giáo, đã biết đọc biết viết. Nhặt được một tờ nhật trình cũ gói hàng hai đứa nâng niu lắm, chúng cất để dành và tranh nhau đọc cho cả nhà nghe. Ông ngoại và cậu Út cũng vui ra mặt, ngấm ngầm họ cũng ước muốn, giá Chương đừng tính chuyện vượt biên, có ở với họ đến mãn đời cũng tiện.
Chương thương hai đứa nhỏ bằng cái tâm của một nhà giáo, bằng trái tim biết rung động, biết xót xa trước cái khổ, cái nghèo, cái tối tăm của đồng loại, cùng chung một dòng máu Việt Nam. Hận thù làm sao nổi trước những gương mặt ngây thơ, mộc mạc đó, dù những người phía bên kia đã có lúc hành hạ chàng, sống dở chết dở trong trại tù, vất vưởng mưu sinh giữa chợ đời đen bạc,Chương vẫn không tìm ra được lý do để không yêu thương hai đứa nhỏ.
Có dịp Nam từ Cà Mau xuống Năm Căn, Chương nhờ Nam mua hộ bàn chải đánh răng, cục sà bông thơm, ít giấy mực, bút viết. Chàng dạy cho mấy đứa nhỏ hiểu thế nào là ích lợi của sự sạch sẽ, thế nào là sự nguy hiểm của bệnh tật, phát sinh bởi bẩn thỉu mà ra. Hai đứa nhỏ chăm chú nghe, chăm chú học. Bây giờ chúng có thể biết tại sao nước lớn, nước ròng, tại sao quả đất tròn và làm sao người ta đứng vững trên mặt đất, còn một thế giới mênh mông ngoài kia và có nhiều dân tộc, màu da khác nhau trên trái đất. . . Chương biết Tư cảm động lắm về những hiểu biết của hai đứa con, lúc ấy mắt Tư chớp liên hồi, Tư có cái hiền hậu, duyên dáng của người phụ nữ miền quê, không điểm trang mà lại rất mặn mà.
Ðêm ấy là một đêm trăng sáng, bác Hai và Út đi Ông Ðốc ăn đám cưới nhà bà con, chỉ có Chương ở nhà với mẹ con Tư. Trăng sáng lạ lùng, trăng giãi trên mặt sông mông mênh, trăng huyền ảo làm cảnh vật hữu tình, làm lòng người xôn xao, lay động. Và dưới ánh trăng dịu hiền, Tư đêm ấy trông cũng lạ hẳn đi.
Cả nhà đều đi ngủ, hai đứa nhỏ đã ngủ say, Chương cố nhắm mắt mà không sao ngủ được. Bên kia vách lá mỏng tanh, Chương nghe rõ cả tiếng thở dài của Tư. Trăng sóng sánh len vào khung cửa sổ, để Chương nhìn thấy bóng Tư đã bước tới bên chiếc chõng tre của chàng. Chương nhắm mắt lại, cố xua đuổi nỗi thèm khát một vòng tay say đắm, tim chàng đập thình thịch trong lồng ngực.
"Anh Năm".
Tư gọi khẽ, xem chàng còn ngủ hay thức? Chương cố gồng mình nằm im, chàng nghe rõ cả tiếng thở của Tư, và tiếng rột rệt của chiếc chõng tre trong đêm tối. Tư ngồi xuống mé chõng, lần mò nắm lấy tay chàng, cảm giác kỳ lạ từ trong lòng chàng đột ngột dâng lên như cơn sóng lớn. Dù Tư không phải là người mà chàng ước mơ, nhưng đơn giản nàng là một người đàn bà, Chương cũng đâu phải là gỗ đá, với một cuộc đời không tình yêu, không cơm áo, chàng vẫn là hiện thân của một Adam nơi vườn địa đàng trên trần thế. Tư thì thầm bên tai chàng:
"Em thương anh, anh Năm. . ."
Trong giây phút đó, Chương tưởng như mình có thể ngất lịm đi vì khát khao nhục thể. Nhưng đúng khi ấy, chàng bỗng vùng dậy, thảng thốt đẩy Tư ra như lúc rụt chân lại trước bờ vực để tránh cái chết nát thịt, tan xương. Chàng hít một hơi dài, lấy lại bình tâm, đẩy Tư ra lần nữa:
“Không, không được, tôi sắp đi rồi, tôi không muốn làm ai khổ hết. . .”
Tư hiểu, nhưng vẫn thút thít, thật thiết tha:
“Anh Năm, em biết sớm muộn gì anh cũng đi, nhưng em chấp nhận vì em thương anh. Em muốn anh cho em một đứa con, thông minh như anh, có lòng như anh. . .”
Chương lắp bắp:
“Em có con rồi, thêm một đứa nữa làm chi cho khổ. Tôi không lo được cho ai hết.”
Giọng Tư chân tình:
“Anh đừng lo, ở đây tôm cá, gạo thóc ê hề, mai đây anh có đi xa, em vẫn không sợ chi hết”.
Tư làm sao hiểu nổi lương tri của một nhà giáo ở nơi chàng. Thằng đàn ông trong chàng có thể làm điều đó nhưng lương tâm nhà giáo thì không, nếu lấy Tư làm vợ thì Chương không hề băn khoăn về chuyện đó, nhưng để trả ơn cho những tấm lòng đã thương mến chàng chân thật, thì Chương không bao giờ làm thế, dẫu đời có tàn mạt đến đâu.
* * *
Ông Trời dường như cũng thấu hiểu được nỗi khổ của anh thầy giáo hết thời, nghèo kiết xác mà vẫn có số đào hoa như Chương, nên chỉ hai tuần sau, Nam báo tin cho biết chuyến đi đã sẵn sàng, chuyến tàu sẽ ra khơi vào một đêm tối trời. Chương nói dối Tư chàng sắp trở về thành phố, nàng gật đầu nhưng có vẻ hiểu kỳ này Chương sắp đi xa, rồi không bao giờ trở lại đây nữa.
Lúc sắp lên đường, tự nhiên Chương lại nao nao muốn khóc, khi nhìn thấy đôi mắt Tư đỏ hoe lúc hai người cùng ngồi với nhau trong căn bếp đầy bồ hóng. Chương chỉ nói được vài câu từ biệt ngắn ngủi với nàng, rồi vội vã theo Nam xuống chiếc vỏ lãi ra sông lớn, từ đấy mới lên tàu ra khơi. Không ngờ con tàu mỏng manh, nhỏ nhoi như một chiếc lá giữa biển khơi, liều lĩnh ra đi để rồi may mắn vượt thoát được sang bờ biển bên kia, cho Chương có cơ hội làm lại cuộc đời trên đất khách.
Chương vẫn nhớ mãi mái tranh nhà bác Hai bên dòng sông có cây trâm bầu, có rặng bần lập lòe đom đóm. Nhớ bác Hai thật thà, chơn chất, nhớ thằng Út đơn sơ, nhớ hai đứa nhỏ con anh liệt sĩ ngây thơ, trong sáng, ê a đánh vần từng chữ những ngày chàng bắt đầu khai tâm cho chúng. Ðể rồi chàng không thể nào quên, đôi mắt Tư ứa lệ khi xin chàng một đứa con, mà không đòi hỏi một trách nhiệm nào.
* * *
Ngày được định cư ở Hoa Kỳ, sống ở một nước văn minh mà những người đàn bà, những đứa trẻ con được tôn trọng và nâng niu, quần áo, lương thực, sách vở thừa thãi, Chương cứ ngậm ngùi nhớ mãi hai đứa nhỏ vùng Năm Căn, Cà Mau của đất nước chàng, lòng dấy lên một nỗi xót xa.
Sau này, khi ổn định đời sống và đã có việc làm, việc đầu tiên của Chương là nhờ chị của Nam còn ở Cà Mau, chuyển ngay cho gia đình bác Hai một thùng quà, có rất nhiều đồ chơi, vải vóc và bút chì màu cho hai đứa nhỏ.
Chàng tưởng ra những ánh mắt ngạc nhiên và hạnh phúc của gia đình bác Hai khi nhận quà của chàng, hai đứa nhỏ sẽ nhẩy cẫng lên vì sung sướng, bỡ ngỡ nhìn những món mà cả đời chúng không hề thấy, không hề có. Nhất là Tư, người vợ liệt sĩ đã xin chàng một đứa con, vì nhận chân được cái đẹp của con người. Dù không yêu Tư, Chương vẫn trân quí tấm lòng của người phụ nữ quê mùa đó, chàng yêu cái tình yêu của nàng, nó hơn hẳn tình yêu của cô bạn đồng nghiệp với chàng năm xưa, vì nó không tính toán.
Làm sao Tư có thể hiểu được rằng, chàng có thể tằn tiện gởi về tặng Tư và hai đứa nhỏ, vài thùng quà và những đồng đô la, bằng chật vật của mồ hôi nước mắt, nhưng để tặng nàng một đứa con thì không.
Chương hình dung lại ngày ấy, nếu lương tri của nhà giáo đi vắng, chàng sẽ để lại cho Tư một đứa con không cha. Và giờ đây khi nó lớn lên, ở một vùng đất xa xôi bên kia tổ quốc, lại có thêm một đứa trẻ lang thang đuổi bắtnhững con còng trên bãi sông vắng. Chỉ nghĩ thế thôi, lòng Chương tự nhiên buồn rười rượi . . .
Tác giả : Nguyên Nhung
Bài & ảnh sưu tầm
No comments:
Post a Comment