Nguồn:Internet
Tại một thôn làng nhỏ bé trên xứ Ấn, trai thì làm ruộng cầy cấy, gái thì trồng trọt, hái trái, dệt lụa, cuộc sống rất đơn sơ và hiền hòa. Có một chàng trai khoảng chừng 18 tuổi, thân thể lực lưỡng, cường tráng, mặt mày chất phác và phúc hậu đang phải lòng một cô gái sống cùng thôn xóm. Cô gái mới chừng 16 tuổi, khuôn mặt tròn trĩnh, chiếc mũi cao và đôi mắt to đen, là cô gái có nhan sắc nổi bật nhất trong thôn làng. Cả hai gia đình của chàng trai và cô gái đã từng thân thiết với nhau từ khi hai trẻ còn bé nhỏ, nên khi biết đứa con gái cũng sinh lòng cảm tình với đứa con trai, hai gia đình cùng nhau tổ chức một đám cưới cho đôi trẻ xây tổ ấm và sống trọn đời bên nhau.
Đời sống hôn nhân của đôi trai gái thật hạnh phúc, chỉ hơn 5 năm sau người vợ đã sinh ra 5 đứa con cho chồng, khiến anh chồng làm việc hăng say và cực nhọc hơn. Vì thế đôi vợ chồng đã tạo được một tài sản dư dật, giàu nhất trong làng và sống trong một căn nhà to rộng với gần chục gia nhân. Dĩ nhiên anh chồng không còn làm việc lao động nữa, mọi việc đồng áng có gia dân làm thay, hằng ngày anh chồng đi dạo quanh làng, quan sát xem gia đình nào thiếu thốn về mặt tài chánh hay cần trợ giúp về y tế, thuốc men, anh chồng liền mở kho bạc ra giúp đỡ. Sự hào phóng, rộng lượng và nhân đức của anh chồng được dân làng yêu mến và kính trọng. Vì thế chưa tới tuổi 25 anh chồng được dân quê trong làng tôn lên bậc trưởng giả, với uy quyền hơn các quan chức trong chính quyền.
Theo thời gian 5 đứa con của trưởng giả càng lớn, dù có gia nhân giúp đỡ, người vợ của trưởng giả cũng bơ phờ và mệt nhòa việc nuôi con. Viện lý do đó ông trưởng giả một hôm dẫn về nhà một cô gái, là cô em họ, trạc tuổi cô vợ và nói:
" Anh muốn lấy cô em họ của em làm vợ, để hai chị em luân phiên nuôi dạy bầy con mình một cách kỹ lưỡng hơn. Em vui lòng chứ?"
Cô vợ nhìn chồng với nét bỡ ngỡ và ngạc nhiên, rồi nhìn sang cô em họ bấy lâu không gặp, trong lòng thầm nghĩ dù sao chồng mình lấy người trong họ, nên buồn bã trả lời:
" Nếu anh muốn lấy thêm vợ, em đành bằng lòng thôi."
Nghe thế anh trưởng giả liền nói như ra lệnh:
" Từ đây em là vợ cả và em họ em là vợ hai của anh. Hai chị em phải thương yêu và hòa thuận với nhau, cùng nhau dạy dỗ đàn con để giai đình chúng ta mãi được hạnh phúc."
Thời gian cứ mãi trôi đều, đến vài năm sau chàng trưởng giả chưa đến 40 tuổi, trong nhà có thêm ba đứa nhỏ được người vợ thứ hai sinh cho chàng trưởng giả. Công việc làm ăn của anh trưởng giả phất lên như diều gặp gió, ruộng cò bay thẳng cánh, bạc tiền chất đầy tủ, khiến việc chi thu trở nên rắc rối và bề bộn. Viện lý do sổ sách kế toán khó khăn và phức tạp, một hôm ông trưởng giả dẫn về nhà một cô gái trẻ khoảng 30 tuổi và nói với hai bà vợ:
" Anh muốn lấy cô thủ quỹ nầy để giúp anh việc kế toán. Hai em có vui lòng không?"
Thời ấy chế độ đa thê là một thực thể hiển nhiên và được chấp nhận công khai. Hai bà vợ bắt buộc phải chấp nhận, nên bà vợ cả đáp:
" Nếu anh muốn lấy thêm vợ, hai em đành bằng lòng thôi."
Ông trưởng giả mỉm cười, chỉ tay vào cô thủ quỹ và nói với hai người vợ:
" Đây là bà vợ thứ ba của anh. Hai em phải thương yêu người vợ mới nầy như là thương yêu anh vậy."
Tiếng tăm và uy tín của ông trưởng giả càng ngày càng cao, tỷ lệ thuận với công việc kinh doanh, buôn bán. Đến khi ông trưởng giả được 50 tuổi, ruộng vườn, nhà cửa, đất đai, cho đến bạc tiền do ông trưởng giả làm chủ đếm không xuể. Con cháu trong gia đình ông cùng với nhân công và gia nhân giúp việc nhiều gần bằng số tuổi ông. Mọi người đều kính trọng và yêu thích ông, ai cũng muốn gần gũi và bầu bạn với ông. Vì thế hầu như ngày nào ông cũng đi dự tiệc tùng ở trong làng hay ở các làng lân cận. Bà vợ cả bận ở nhà chăm sóc bầy con, bà vợ hai bận việc bếp núp và bà vợ ba bận việc sổ sách chi thu, không ai cùng đi với ông dự các buổi tiệc hết. Lại lần nữa, một hôm ông trưởng giả dẫn về nhà một cô gái trẻ khoảng 20 tuổi và nói với ba bà vợ:
" Anh muốn lấy cô gái trẻ nầy làm vợ để đi bên cạnh anh trong những buổi lễ yến tiệc. Ba em có vui lòng không?"
Nét mặt của ba bà vợ toát lên nổi buồn hiu hắt khi nhìn thấy cô gái trẻ đẹp, đáng tuổi con gái các bà và tự nhủ từ đây các bà sẽ không còn được ông trưởng giả đoái hoài như trước nữa. Nhưng ba bà vợ bắt buộc phải ưng thuận, nên bà vợ cả đáp:
" Nếu anh muốn lấy thêm vợ, tụi em đành bằng lòng thôi."
Ông trưởng giả mỉm cười sung sướng, ôm cô vợ trẻ nhỏ vào lòng như ôm đứa con gái, đắc chí nói với ba bà:
" Đây là người vợ thứ tư của anh và anh hứa sẽ không lấy thêm ai nữa. Các em phải thương yêu người vợ trẻ nầy, không ghen ghét, ganh tị gì hết nhé."
Đúng như ý nghĩ của ba bà vợ, ông trưởng giả sủng ái và yêu thương bà vợ trẻ thứ tư nhất. Sự tươi trẻ, xinh đẹp và tân thời của cô vợ thứ tư khiến ông trưởng giả say đắm, đi đâu ông cũng dẫn cô vợ thứ tư đi bên cạnh với niềm hãnh diện cùng cực. Nhưng sự vô thường đến từng ngày, từng giờ, niềm vui vật chất nào rồi cũng đến hồi hạ màn. Do bởi tham luyến ngũ dục quá độ, ông trưởng giả chưa đến lục tuần mà phải nằm liệt trên giường bệnh. Nhiều vị danh y đến thăm bệnh, cho thuốc, bệnh tình ông vẫn không thuyên giảm, trái lại bệnh ông càng ngày càng nặng thêm, đến thân thể ốm oi, mặt mày đờ đẫn. Tự biết thần chết đang ở trước mặt, ông triệu thỉnh 4 bà vợ đến ngồi bên giường bệnh, nhìn từng bà vợ rồi hạ giọng hỏi:
" Tôi như ngọn đèn trước gió, cái chết gần kề, không thể cưỡng lại được. Tôi muốn biết khi tôi lìa trần, có bà nào muốn đi theo với tôi hay không?"
Ông đưa mắt nhìn bà vợ thứ tư, bởi vì đó là người mà ông yêu quí vô vàn và muốn cận kề bên ông nhất. Nhìn ông một cách lạnh lùng, bà vợ trẻ chân dài model không suy nghĩ gì cả, liền đáp thẳng thừng:
" Tôi hoàn toàn không muốn đi theo ông đâu. Dẫu biết rằng được ông sủng ái và thương yêu tôi nhất, nhưng khi mà hơi thở ông vừa dứt, tôi phủi áo ra khỏi nhà nầy ngay lập tức. Hiện tại có nhiều tiểu gia, đại gia đang dang tay chờ đón tôi. Vì vậy tôi xin tiễn ông ngay tại cửa nhà nầy, mong ông nhớ cho."
Lòng ông trưởng giả buồn rười rượi và thất vọng vô cùng khi nghe bà vợ thứ tư không chịu đi theo ông. Ông quay mặt nhìn bà vợ thứ ba, chưa kịp hỏi thì bà vợ kế toán của ông đáp ngay không chút do dự:
" Tôi cũng không muốn đi theo ông đâu, ông ơi! Nhưng tôi không bỏ đi ngay lập tức như bà vợ thứ tư, mà tôi sẽ theo ông đến nhà quàn, dự lễ đội khăn tang, đọc thời kinh cho ông nghe và nhìn ông nằm trong quan tài lần cuối, rồi vẫy tay ra đi. Tôi vẫn còn son trẻ, cuộc đời vẫn còn tươi đẹp, nên tôi sẵn sàng tái hôn với người muốn bảo bọc tôi. Vì vậy tôi xin tiễn đưa ông đến nhà quàn thôi ông nhé."
Ông trưởng giả thở dài, lòng buồn nặng trĩu tâm can khi nghe bà vợ thứ ba không chịu đi theo ông. Ông từ từ nhìn hai bà vợ còn lại, thì bà vợ thứ hai nhỏ nhẹ đáp:
" Tôi cũng như bà ba và bà tư, không muốn đi theo ông đâu, ông ơi! Nhưng hằng đêm tôi sẽ niệm Phật và đọc kinh cầu siêu cho ông cho đến ngày quan tài ông được lấp đầy ba tấc đất. Ai sẽ chăm sóc và dạy dỗ đàn con chúng ta và ai sẽ lo hương khói, cúng giỗ cho ông, nếu tôi đi theo ông. Vì vậy tôi xin tiễn đưa ông đến nghĩa trang thôi ông nhé."
Hơi thở ông trưởng giả yếu dần, lòng buồn ghê gớm khi ba bà vợ không ai muốn đi theo ông. Ông không muốn hỏi bà vợ cả nữa, bởi ông nghĩ bà vợ cả cũng từ chối đi theo ông. Nhưng bà vợ cả đứng lên, nắm tay ông, hứa rằng:
" Tôi sẽ đi theo ông. Ông đi đâu thì tôi theo đó. Chúng ta đã quen biết nhau từ thuở ấu thơ cho đến sống chung đời vợ chồng với nhau, cùng nhau chia sẻ nỗi cơ hàn, khổ cực đến tột cùng giàu sang, phú quí như ngày hôm nay. Ông và tôi như hai mà một. Vì vậy ông hãy an tâm, tôi bằng lòng đi theo ông.
Nghe bà vợ cả nói xong, ông trưởng giả mãn nguyện, mắt khép lại, đôi tay buông lỏng, rồi đi luôn.
Trong ngôi chùa nhỏ vị giảng sư già ngưng kể, nhìn khoảng vài chục phật tử đang ngồi chung quanh lắng nghe câu chuyện trên. Nâng chầm chậm chén trà lên môi, nhấp vài ngụm trà thơm đã nguội tanh, rồi đặt xuống khai trà, vị giảng sư kể tiếp về câu chuyện ông trưởng giả có 4 bà vợ.
Bà vợ thứ tư ẩn dụ cho TÀI SẢN. Tài sản có hai loại: động sản và bất động sản. Động sản là những trị giá có thể cất giữ và di chuyển được, như là bạc tiền, vàng bạc, nữ trang, kim cương, hột soàn v..v.. Còn bất động sản là những trị giá không thể cất giữ hay di chuyển được, như nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, dinh thự v..v.. Vì thế một khi thân tứ đại tan rã, hơi thở chấm dứt, tất cả tài sản mà chúng ta đang chiếm hữu đều mất đi ngay lập tức. Từ bạc tiền, nữ trang dành dụm và dấu kín từ bấy lâu nay, sống keo kiết, bủn xỉn đến không muốn giúp đỡ, bố thí ai hết, cho đến làm chủ vài căn nhà cho thuê, đều tan tành ra mây khói.
Bo bo mà giữ lấy tiền
Ngay khi tắt thở, nó liền ra tro
Bà vợ thứ ba ẩn dụ cho ĐỊA VỊ, DANH VỌNG. Suốt cuộc đời bon chen, mua quan bán chức, nịnh hót bợ đỡ cấp trên, mua chuộc đút lót kẻ quyền quí để chiếm được địa vị và danh vọng mong muốn. Nhưng "nghĩa tử là nghĩa tận", đồng nghiệp, bạn bè và thuộc cấp đến nhà quàn, bằng tấm lòng xúc động nghẹn ngào và xử dụng ngôn từ hoa mỹ, lần lượt lên đọc điếu văn ca ngợi công lao to lớn của hình hài đang nằm trong quan tài. Sau đó từng người lượn qua quan tài, nhìn lần cuối thân tứ đại đang nằm bất động trong đó, rồi từ biệt ra về. Tiền tài, danh vọng, rốt cuộc cũng quay về với cát bụi!
Bà vợ thứ hai ẩn dụ cho THÂN NHÂN, HỌ HÀNG, BẠN BÈ. Đoàn xe của thân nhân và họ hàng, đèn bậc sáng lên nối đuôi nhau, chạy theo chiếc xe mang chở quan tài hướng ra nghĩa trang, phía trước có một chiếc xe cảnh sát dẫn đường. Đứng trước mộ huyệt với thân bằng quyến thuộc, bạn bè gần xa chung quanh, theo nghi thức tôn giáo một vị sư tụng thời kinh lần cuối trước khi chiếc quan tài từ từ hạ xuống huyệt sâu ba tấc đất. Rồi từng khuôn mặt thương tiếc của thân nhân, họ hàng ném cành hoa xuống theo từng nấm đất xuống mộ, mỗi người mang chở lòng buồn vời vợi khi nghĩ đến bao giờ phiên mình nằm tại đây. Sau đám tang, họ hàng rồi cũng xa, bạn bè rồi cũng quên, vĩnh biệt và vĩnh biệt. Từ hư không rồi trở về với hư không mà thôi!
Bà vợ cả ẩn dụ cho NGHIỆP của mình. Một khi thân tứ đại nầy tan rã, ngay tức khắc bạc tiền, danh vọng, thân bằng quyến thuộc đều bỏ lại hết, chỉ mang theo nghiệp mà thôi. Nghiệp được tạo ra bởi thân, khẩu và ý, mà ý nghiệp là quan trọng nhất. Nghiệp theo ta như bóng theo hình, như nhìn mình trong gương, như vết chân xe vật kéo, mà Đức Phật đã dạy hơn 2500 năm trước trong kinh Pháp Cú. Nghiệp gồm có nghiệp lành và nghiệp ác. Trong lục đạo luân hồi, nếu sinh thời ta tạo nghiệp lành thì khi chết được tái sinh vào 3 đường lành là cõi nhân, thiên và A Tu La. Ngược lại, nếu tạo nhân ác thì tái sinh vào 3 đường dữ là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ.
Để kết luận cho câu chuyện về ông trưởng giả có 4 bà vợ, vị giảng sư muốn nhắc nhở các phật tử hãy đừng noi gương ông trưởng tham luyến ngũ dục một cách thái quá. Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống và ngủ nghỉ tuy là nhu cầu vật chất của con người, nhưng hãy đừng say đắm hưởng thụ. Đến khi hơi thở ngưng hẳn, thì tất cả bạc tiền và danh vọng cũng tan biến theo. Chính Đức Phật đã từng nói con người đắm chìm trong ngũ dục như kẻ cầm lửa đi ngược gió, như con chó gặm khúc xương khô, như người khát nước uống nước muối, càng uống càng thêm khát.
Phan Minh Hành
No comments:
Post a Comment