Dọc theo chiều dài lịch sử nước Mỹ, kể từ nỗ lực ám sát đầu tiên đối với Tổng thống Andrew Jackson vào năm 1835, cho đến nay đã có hơn 20 vụ mưu sát được thực hiện khi những vị Tổng thống còn đương chức hoặc đã kết thúc nhiệm kỳ.
Trong số đó có 4 vụ sát hại thành công khi cướp đi sinh mạng của bốn vị Tổng thống gồm: Abraham Lincoln (1865), James A. Garfield (1881), William McKinley (1901) và John F. Kennedy (1963).
1. Abraham Lincoln (1865)
Khoảng 22 giờ 15 phút ngày 15/4/1865, tức chỉ 5 ngày sau khi cuộc Nội chiến vừa kết thúc, Tổng thống Abraham Lincoln và phu nhân Mary Todd Lincoln, cùng một số quan chức chính phủ đang xem vở kịch "Our American Cousin" tại nhà hát Ford ở thủ đô Washington.
Lúc này, John Wilkes Booth (26 tuổi) là một diễn viên nổi tiếng nhưng cũng là gián điệp của Liên minh miền Nam nước Mỹ, người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng - nhân lúc cận vệ của Tổng thống không có mặt, Booth đã tận dụng cơ hội để tiếp cận khu vực dành riêng cho những nhân vật cấp cao, nhanh chóng rút súng bắn vào đầu của Abraham Lincoln.
Thiếu tá Henry Rathbone là người chứng kiến đã lập tức áp sát John Booth để khống chế anh ta, nhưng y đã dùng dao găm đâm vào cổ và chém vào tay của vị thiếu tá rồi bỏ chạy.
Tổng thống thứ 16 của Mỹ đã bị bắn bằng một khẩu súng lục Derringer cỡ nòng 44 ly. Lincoln được đưa tới Petersen House để cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ông đã qua đời vào lúc 7 giờ 22 phút sáng hôm sau (15/4/1865).
Booth và những kẻ đồng lõa ban đầu dự định chỉ bắt cóc Tổng thống Lincoln để uy hiếp, ép buộc ông thả tù binh của Liên minh miền Nam. Nhưng sau khi tham dự và nghe bài diễn thuyết của Lincoln, y chuyển sang lòng căm thù đối với ông khi Lincoln tán thành việc trao quyền bầu cử cho những người Mỹ gốc Phi từng phục vụ trong Quân đội Liên minh. Do đó, thay vì chỉ dừng lại ở việc bắt cóc, Booth bắt đầu nghĩ đến việc giết người.
Mục tiêu của Booth ban đầu bao gồm Tổng thống Lincoln và tướng Ulysses Grant. Nhưng vào đêm định mệnh đó, tướng Grant đột nhiên thay đổi ý định và không tới nhà hát.
Sau vụ ám sát, Booth bỏ trốn và lẩn tránh trong gần hai tuần. Vào ngày 26/4, sau khi bị dồn vào một kho thóc bên ngoài ngôi làng Port Royal (Virginia), Booth đã bị quân đội Hoa Kỳ bắn chết vì không chịu đầu hàng.
Vụ ám sát Tổng thống Lincoln thực tế chỉ là một phần trong âm mưu lớn hơn nhằm tiêu diệt hàng loạt những người đứng đầu, và gây ra sự hỗn loạn trong chính phủ Liên bang Hoa Kỳ sau cuộc Nội chiến. Tuy nhiên âm mưu này đã thất bại khi những nhân vật quan trọng trong nội các của Abraham Lincoln vẫn an toàn.
2. James A. Garfield (1881)
Chỉ với 6 tháng 15 ngày, James A. Garfield có lẽ là một trong những Tổng thống có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 02/07/1881, khi Garfield đang chuẩn bị lên tàu tại nhà ga xe lửa ở Washington DC, Tổng thống thứ 20 của Mỹ đã bị bắn hai phát vào cánh tay phải và lưng bằng khẩu súng lục Bulldog Webley, cỡ nòng 42 ly của Anh.
Hung thủ là một người có quen biết đối với Tổng thống Garfield. Y là Charles J. Guiteau, một nhà truyền giáo, nhà văn kiêm luật sư. Tuy nhiên ông ta chỉ là một kẻ rối loạn tâm thần.
Guiteau tuyên bố bắn chết Tổng thống vì sự thất vọng do không được bổ nhiệm làm Đại sứ Pháp. Nhiều tháng trước đó, ông ta đã viết một bài phát biểu thay mặt Garfield. Phần lớn bài phát biểu đã bị phớt lờ, nhưng Guiteau đã ảo tưởng rằng nó là yếu tố quyết định dẫn đến chiến thắng của Tổng thống, và vì vậy y xứng đáng được nhận một vị trí quan trọng trong chính phủ.
Guiteau bị bắt ngay khi thực hiện thành công vụ mưu sát. Sau một phiên tòa chóng vánh, y bị xử tử bằng cách treo cổ vào ngày 30/06/1882.
Về phần Tổng thống, ông đã không chết tại thời điểm bị bắn, Garfield vẫn sống được thêm khoảng hai tháng và qua đời vào lúc 22 giờ 35 phút ngày 19/09/1881.
Thực tế, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông là do điều kiện vệ sinh kém, và thiếu thuốc kháng sinh vào thời bấy giờ dẫn đến nhiễm trùng. Các bác sĩ đã liên tục thăm dò vết thương, tìm kiếm mảnh đạn ở lưng dưới của Garfield trong nhiều tuần sau vụ mưu sát nhưng bất thành.
Vụ ám sát và động cơ của Guiteau đã dẫn tới sự ra đời Đạo luật Dịch vụ Dân sự Pendleton.
3. William McKinley (1901)
William McKinley dường như là một người tin vào vận may. Ông thường cài một bông hoa cẩm chướng trên ve áo mỗi khi đến bất kỳ đâu và coi đó như một lá bùa hộ mệnh.
Có lẽ niềm tin của ông phần nào đã đúng vì trong một lần duy nhất cũng là lần cuối cùng, khi McKinley đang bắt tay trong buổi tiếp đón công chúng tại một hội chợ ở Buffalo (New York), ông rút bông hoa từ áo mình ra tặng một bé gái. Vài giây sau, Mckinley bị ám sát vào lúc 16 giờ 07 phút ngày 06/09/1901.
Một kẻ vô chính phủ tên là Leon Czolgosz đã giấu vũ khí bằng chiếc khăn tay và bắn hai phát vào bụng của McKinley ở cự ly gần. Viên đạn đầu tiên mà y bắn ra trúng vào cúc chống đạn, hoặc huân chương trên áo khoác của McKinley và lọt vào tay áo của ông. Tuy nhiên, viên đạn thứ hai lại trúng vào bụng.
Tổng thống thứ 25 của Mỹ đã bị trọng thương và qua đời vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 14/09/1901, sau 8 ngày chống chọi với chứng hoại tử.
Hung thủ Czolgosz đã bị bắt ngay tại hiện trường, và bị đánh đến mức tưởng chừng không thể sống sót để hầu tòa. Mặc dù động cơ giết người của anh ta vẫn còn được giấu kín, nhưng với tội ác của mình, y bị tuyên án tử hình và hành quyết bằng ghế điện vào ngày 29/10. Trước khi chết, Czolgosz đã để lại lời nhắn: “Tôi không cảm thấy có lỗi về hành động của mình. Tôi chỉ tiếc nuối vì đã không thể gặp được cha”.
Vụ ám sát Tổng thống McKinley đã dẫn đến việc thành lập Cơ quan Mật vụ hiện đại. Trước khi McKinley qua đời, hàng rào an ninh bảo vệ Tổng thống hết sức lỏng lẻo và mỏng manh. Sau khi ông qua đời, Cơ quan Mật vụ - ban đầu là một nhánh của Bộ Ngân khố được thành lập để điều tra tiền giả, đã trở thành cơ quan an ninh chuyên dụng vĩnh viễn cho mục đích bảo vệ Tổng thống sau này.
4. John F. Kennedy (1963)
Vụ ám sát Tổng thống John Kennedy (hay còn gọi là “sự kiện JFK”) sẽ luôn là một bí ẩn, và là sự kiện mãi được nhắc đến chừng nào những ẩn số xung quanh nó chưa được giải mã.
John Kennedy là Tổng thống thứ 35 của Mỹ. Dù có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhưng ông vẫn được xem là một trong những Tổng thống vĩ đại trong lịch sử Hoa Kỳ với nhiều hành động quyết liệt, táo bạo đem lại lợi ích cho quốc gia và thế giới.
Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 12/11/1963, Tổng thống John Kennedy đang đi trên một đoàn xe mui trần di chuyển từ sân bay qua quảng trường Dealy Plaza, cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, Thống đốc bang Texas John Conally và phu nhân của ông.
John Kennedy vẫy tay tươi cười với công chúng. Ông không hề biết rằng ở phía trước đang bị phục kích và đây cũng là ngày định mệnh của cuộc đời.
Lee Harvey Oswald - từng là một quân nhân Thủy quân Lục chiến, nay lại là nhân viên thư viện Dealey Plaza, đã chờ sẵn trên tầng 6 của kho sách với khẩu súng trường Mannlicher-Carcano, cỡ nòng 6,5 ly do Italy sản xuất.
Khi đoàn xe của Tổng thống bắt đầu đi vào tầm bắn, Oswald bằng kinh nghiệm của mình đã nhanh chóng nổ súng. Trong ba viên đạn được bắn ra, có hai viên nhắm trúng Kennedy với một viên trúng ở cổ và viên còn lại găm vào đầu. Viên thứ ba đã bay trúng Thống đốc bang Texas Connally khiến ông bị thương nặng.
Video vụ ám sát Kennedy:
Cái chết của Tổng thống được tuyên bố chính thức sau đó nửa giờ tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland, riêng vị Thống đốc bang Texas đã may mắn được cấp cứu kịp thời và bình phục.
Sự kiện JFK là vụ ám sát đầu tiên trong kỷ nguyên truyền thông hiện đại. Tin tức về vụ nổ súng đã thống trị trên khắp các mặt báo, TV và đài phát thanh trong nhiều tuần sau khi ông bị bắn.
Chỉ hai ngày sau khi Kennedy bị bắn chết, vào lúc 11 giờ 21 phút ngày 24/11/1963, khi đang được chuyển từ nhà tù thành phố Dallas tới nhà tù khác, hung thủ Oswald đã bị bắn chết ngay trước ống kính truyền hình.
Video vụ ám sát Oswald ngay trước ống kính truyền hình:
Lần này hung thủ giết Oswald là chủ câu lạc bộ đêm tên là Jack Ruby. Ông ta nói rằng mình đã bị quẫn trí trước cái chết của Tổng thống. Ruby bị bắt ngay sau đó, tuy nhiên, ông này cũng lại chết bất thường trong tù vào ngày 03/01/1967.
Video bác sĩ thông báo về cái chết của Ruby trước khi phiên tòa xét xử thứ hai diễn ra:
Một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng của Ủy ban Warren kết luận rằng Oswald đã hành động một mình khi ám sát Tổng thống Kennedy. Tuy nhiên kết quả này đã không thuyết phục được đa số người dân Mỹ.
Nhiều người tin rằng Oswald chỉ là một trong số những hung thủ đã phục kích sẵn tại thời điểm đoàn xe Tổng thống xuất hiện ở quảng trường. Một số thậm chí còn cho rằng Cục Tình báo (CIA), và cả những người thân tín của cố Tổng thống Kennedy đã trực tiếp nhúng tay gây ra cái chết của ông.
Trước khi qua đời, Tổng thống Kennedy đã đề xuất luật dân quyền cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia. Luật đã gây ra tranh cãi và đã bị đình trệ tại Quốc hội trước khi Tổng thống Kennedy qua đời. Vụ ám sát Kennedy đã thay đổi động lực chính trị của phong trào dân quyền.
Cũng có thuyết âm mưu cho rằng, cái chết của John Kennedy liên quan đến việc ông từng tuyên bố sẽ phơi bày ra ánh sáng thế lực ngầm đứng sau chi phối chính trường Mỹ.
Video bài phát biểu của JFK về hiệp hội bí mật và ngân hàng trung ương 27/4/1961:
Có thể tình cảm lớn mà người dân Mỹ dành cho Tổng thống Kennedy phần nào lý giải cho những đòi hỏi về một lời giải thỏa đáng sau cái chết của ông, cùng với rất nhiều thuyết âm mưu được đưa ra nhằm biện bạch cho sự ra đi bất thường.
Tuy nhiên dựa vào các sự kiện đã xảy ra, với những cái chết liên tiếp từ Tổng thống cho đến cả hung thủ và kẻ đã giết hung thủ, phải chăng có một thế lực ngầm đứng sau giật dây? Liệu thuyết âm mưu về sự cấu kết giữa cơ quan tình báo, và các thế lực ngầm nhằm che đậy những manh mối thật sự dẫn đến cái chết của John Kennedy là đúng hay không?
Có lẽ đây sẽ mãi là những câu hỏi chưa có lời giải đáp, cũng giống như bí ẩn về sự tồn tại của Khu vực 51 ở bang Nevada (Hoa Kỳ) - nơi được xem là căn cứ quân sự có sự hiện diện của người ngoài hành tinh.
Hoàng Tuấn
No comments:
Post a Comment