; }

NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA BIỆT ĐỘNG QUÂN TẠI HẠ LÀO


Hải quân Thiếu tá Trần Đỗ Cẩm

 

Phần 1

 

Nhằm mục đích vinh danh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cũng để tìm hiểu những sự thực trong cuộc chiến tranh vừa qua tại Việt Nam, trước đây khá lâu, chúng tôi đã viết loạt bài về cuộc hành quân Lam Sơn 719 xảy ra tại Hạ Lào (còn được gọi là Nam Lào) vào năm 1971. Loạt bài này, dài gần 300 trang, chia thành khoảng 20 chương, mỗi chương nói về một giai đoạn của chiến dịch quan trọng này. Các bài viết đã liên tục đăng gần hai năm (1993-1994) trong Nguyệt San Đoàn Kết xuất bản tại Austin, Texas do chúng tôi chủ trương.

 

Vì tác giả không được vinh dự trực tiếp tham chiến tại Hạ Lào nên bài viết chỉ căn cứ vào các tài liệu thâu thập, đương nhiên kém chính xác và thiếu sót so với những điều mắt thấy tai nghe của các nhân chứng có mặt tại chỗ. Tuy nhiên, cũng rất có thể vì vậy mà bài tường thuật lại có phần khách quan và bao quát hơn, vì đối với một cuộc hành quân lớn và phức tạp như trận Hạ Lào, một cá nhân dù có mặt tại trận địa cũng rất khó nắm vững được toàn bộ chi tiết các biến cố trên chiến trường.

 

Sau này, cùng với việc giải mật (de-classified) các hồ sơ chiến tranh của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, một số tài liệu quan trọng liên quan tới cuộc hành quân Lam Sơn 719 như phúc trình hành quân, báo cáo hậu hành-quân (after-action reports) và các cuộc phỏng vấn nhân chứng (oral reports) v.v... được phổ biến rộng rãi nên những chi tiết được đầy đủ hơn. Ngoài ra, những hiệp hội Cựu Chiến Binh và các phi công trực thăng Hoa Kỳ tham chiến tại Hạ Lào cũng cung cấp nhiều tin tức mắt thấy tai nghe giá trị với tư cách nhân chứng.

 

Một điều nữa khiến những sự thật về cuộc hành quân Lam Sơn 719 được thêm sáng tỏ vì một số các cựu quân nhân Quân Lực VNCH trực tiếp tham chiến đã bắt đầu viết hay kể lại về cuộc hành quân này.

 

Mặc dầu vậy, cũng như những chi tiết khác về chiến tranh Việt Nam, phần lớn các tài liệu về cuộc hành quân Lam Sơn 719 hiện có đều do các phóng viên và "cố vấn" Hoa Kỳ cung cấp nên đôi khi kém trung thực nếu không muốn nói là thiếu thiện cảm và nhiều thành kiến bất lợi đối với Quân Lực VNCH.

 

Điều này cũng dễ hiểu vì một khi Hoa Kỳ đã muốn giải kết để rút chân ra khỏi Việt Nam, họ cần tìm lý do để bào chữa cho sự thất bại của chính họ bằng cách đổ lỗi cho Quân Lực VNCH đã không chịu tự mình chiến đấu và lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong cuộc hành quân tại Hạ Lào, các đơn vị bộ chiến Hoa Kỳ, ngay cả các cố vấn, cũng không được trực tiếp tham chiến vì bị đạo luật Cooper-Church ngăn cấm nên chi tiết về các trận đánh trên đất Lào do người Mỹ cung cấp lại càng sai lạc và khó tin cậy.

 

Cho đến nay, chúng tôi đã thu thập thêm được rất nhiều tài liệu, hình ảnh mới, hiếm có chưa từng được phổ biến liên quan đến cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngoài ra, tác giả còn được dịp trực tiếp phỏng vấn và tiếp chuyện với một số cựu quân nhân Quân Lực VNCH đã từng có mặt tại Hạ Lào, cũng như các phi công trực thăng Hoa Kỳ tham chiến nên đã thâu thập được nhiều chi tiết mới cùng tài liệu "sống" như video tapes, audio tapes, bản đồ hành quân v.v... Có thể nói số lượng tài liệu hiện có nhiều hơn hồi trước gấp mười lần.

 

Vì vậy, căn cứ vào những dữ kiện mới thu thập được, chúng tôi đang viết lại về cuộc hành quân Lam Sơn 719 từ đầu để loạt bài được trung thực và gần với sự thật hơn. Tuy nhiên, tài liệu dù có nhiều đến đâu cũng không thể ghi chép chính xác được một biến cố quan trọng, phức tạp và có tầm ảnh hưởng sâu rộng như cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã diễn ra cách đây hơn một phần tư thế kỷ.

 

Muốn có một tập tài liệu tương đối đầy đủ về trận Hạ Lào, thiết tưởng cần sự đồng lao cộng tác và góp sức của nhiều người quan tâm. Trong khi chờ đợi, mỗi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh và phạm vi hiểu biết của mình cũng nên nói hay viết những điều mình biết để sự thật không bị mai một với thời gian.

 

Thiết tưởng, muốn ghi chép trung thực về một biến cố quân sự xẩy ra trong quá khứ, chúng ta cần căn cứ cả vào tài liệu lẫn lời tường thuật của các nhân chứng tham dự. Phần tài liệu như lệnh hành quân, phóng đồ phối trí lực lượng, nhật ký và phúc trình hành quân v.v... sẽ cho chúng ta biết các chi tiết về chiến lược, chiến thuật, đơn vị tham chiến, kế hoạch điều quân và ngày giờ, địa điểm của các biến cố hay trận đụng độ.

 

Nhưng đây phần lớn mới chỉ là các dự đoán, dữ kiện trên giấy tờ, nhiều khi khác xa với sự thực xảy ra trên trận địa. Cũng vì lý do này, thống chế người Đức Helmuth von Moltke đã nói: "Mọi kế hoạch hành quân trên giấy tờ đều trở thành vô dụng khi bắt đầu đụng độ với địch quân."

 

Ngược lại, các nhân chứng tham dự tuy có mặt tại chỗ, có thể biết nhiều "chuyện" không ghi trong các bản báo cái hay phúc trình, nhưng chưa chắc còn nhớ được những diễn tiến nếu không được các tài liệu trên giấy tờ gợi ý, nhất là những biến cố phức tạp xảy ra đã lâu như trận Hạ Lào. Do đó, cả phần tài liệu tham khảo lẫn lời tường thuật của các nhân chứng đều cần thiết, quan trọng và bổ túc cho nhau.

 

Vì những lý do trên, tuy không phải là một sử gia hay chiến lược gia, chúng tôi cũng mạo muội viết về cuộc hành quân Lam Sơn 719 căn cứ vào tài liệu tức là tạm thời hoàn tất phần giấy tờ. Phần tường thuật "sống" vô cùng quan trọng của những nhân chứng rất mong sẽ được những bậc thức giả, những người "trong cuộc, biết chuyện," nhất là những quân nhân Quân Lực VNCH đã dự trận Hạ Lào sẽ tích cực đóng góp để những thiếu sót hay sai lạc có thể được bổ khuyết đính chính trước khi quá trễ.

 

Được như vậy, hy vọng chúng ta sẽ có một tập tài liệu khả dĩ trung thực, đủ để thế hệ mai sau tham khảo khi muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng của ông cha mình. Ngoài ra, đây cũng có thể là một "Đài Tưởng Niệm" tinh thần khiến các bạn đồng đội đã anh dũng hy sinh tại vùng rừng núi thâm u Hạ Lào sẽ không bị lãng quên và một trang sử hào hùng của Quân Lực VNCH tồn tại mãi với thời gian.

 

Bài viết về các trận đánh của Biệt Động Quân trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào được tạm thời hoàn tất sau khi chúng tôi được vinh hạnh tiếp chuyện với một số chiến sĩ Mũ Nâu anh dũng đã trực tiếp tham chiến. Điển hình là Đại Tá Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân (BĐQ); Trung Tá Vũ Đình Khang, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn (TĐ) 39 Biệt Động Quân; Thiếu Tá Quách Thưởng, nguyên Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân (Thiếu Tá Nguyễn Hiệp, vị Tiểu Đoàn Trưởng anh hùng trong trận đánh tại Căn Cứ Biệt Động Quân Nam tại Hạ Lào đã qua đời sau năm 1975 trong trại tù Việt Cộng.).

 

Hy vọng trong tương lai, khi bài viết này được phổ biến, tác giả sẽ được hân hạnh tiếp xúc thêm với những những cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH khác đã dự trận Hạ Lào, không phân biệt quân binh chủng. Nếu thâu thập được thêm tài liệu mới, chúng tôi sẽ sớm hoàn tất các bài viết về Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Thiết Giáp, Không Quân VNCH v.v... để tập tài liệu Hạ Lào thêm đầy đủ và chính xác.

 

Với niềm kính phục và biết ơn xâu sa, tác giả chân thành cảm tạ Đại Tá Hiệp, Trung Tá Khang và Thiếu Tá Thưởng đã vui lòng trả lời cuộc phỏng vấn mới đây và cung cấp nhiều điều mắt thấy tai nghe quí báu hiếm có về các hoạt động của Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân tại Hạ Lào. Chúng tôi cũng cám ơn Mũ Nâu Nguyễn Phương Hùng, người luôn luôn nặng mang màu cờ sắc áo Biệt Động Quân, đã khuyến khích và tích cực trợ giúp trong việc liên lạc với các chiến sĩ Biệt Động Quân để bài viết này thêm phong phú và đầy đủ. Mũ Nâu Nguyễn Phương Hùng hiện là Webmaster của Trang Biệt Động Quân trên Internet.

 

Tác giả cũng thành thật cáo lỗi vì không sao tránh khỏi những sơ sót. Kính mong độc giả --nhất là những người trong cuộc-- vui lòng cho biết ý kiến để chúng tôi kịp thời sửa đổi.

 

Trân trọng.

Trần Đỗ Cẩm

 

 

Phần 2

 


NGÀY KHAI DIỄN

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 chính thức khai diễn ngày 8 tháng 2 năm 1971 khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vượt biên giới Lào-Việt trên đường số 9 (gần Lao Bảo, Khe Sanh thuộc Vùng I Chiến Thuật).

MỤC ĐÍCH

Cắt đứt đường tiếp vận của Cộng Sản Bắc Việt bên Lào (hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh).

CÁC ĐƠN VỊ QUÂN LỰC VNCH THAM CHIẾN

Các đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn I gồm Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB) với các Trung Đoàn 1 và 3. Sau này, vào giai đoạn đánh chiếm Tchépone, Trung Đoàn 2 Bộ Binh với năm tiểu đoàn mới tham chiến. Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân gồm các Tiểu Đoàn 21, 37 và 39. Sau này Biệt Động Quân được tăng cường thêm Tiểu Đoàn 77 Biên Phòng vào giai đoạn cuối của cuộc hành quân. Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ gồm Thiết Đoàn 11 và 17, sau này được tăng cường thêm Thiết Đoàn 7. Các Tiểu Đoàn 44 và 64 Pháo Binh (PB) thuộc Quân Đoàn 1, được trang bị đại bác 155 ly.

CÁC ĐƠN VỊ TĂNG PHÁI

Sư Đoàn Nhảy Dù (ND) gồm 9 tiểu đoàn thuộc các Lữ Đoàn 1, 2 và 3 cùng các tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly cơ hữu. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) gồm 9 tiểu đoàn thuộc các Lữ Đoàn 147, 258 và 369 cùng các tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly cơ hữu.

KẾ HOẠCH ĐIỀU QUÂN

Các đơn vị Quân Lực VNCH tham chiến tiến sang Lào bằng ba cánh quân chính. Cánh quân xung kích do Sư Đoàn Nhảy Dù đảm trách dưới quyền chỉ huy của viên tư lệnh sư đoàn Nhảy Dù, Trung Tướng Dư Quốc Đống với bộ chỉ huy đóng tại Khe Sanh. Cánh quân này gồm toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù với các Lữ Đoàn 1, 2 và 3, các tiểu đoàn Pháo Binh Dù 1 và 3 với đại bác 105 ly. Lực lượng Quân Đoàn I tăng phái cho Sư Đoàn Nhảy Dù gồm các Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ với các Thiết Đoàn 7, 11 và 17, cùng Tiểu Đoàn 44 Pháo Binh (với đại bác 155 ly) và Tiểu Đoàn 101 Công Binh Chiến Đấu.

Kế hoạch hành quân của cánh quân này được hoạch định như sau: Nỗ lực chính do Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm, gồm Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ và Lữ Đoàn 1 Dù đảm trách, có nhiệm vụ tiến dọc theo đường số 9 về hướng Tây. Mục tiêu quan trọng là A Lưới (tên thật của địa danh là Bản Đông). Mục tiêu chính là thị trấn Tchépone nằm cách biên giới Lào-Việt khoảng 42 cây số (26 miles).

(Ghi chú: A Lưới là tên một địa danh thực sự thuộc vùng thung lũng A Shau trong phần đất VNCH, nhưng được dùng trong lệnh hành quân để đặt tên cho mục tiêu Bản Đông trên đường số 9 nhằm đánh lạc hướng Cộng quân tưởng cuộc hành quân Lam Sơn 719 là đánh vào vùng A Shau. Đây là một phần của kế hoạch nghi binh.).

Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm do Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ chỉ huy. Đại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy Lữ Đoàn 1 Dù. Thành phần yểm trợ sườn Bắc do Lữ Đoàn 3 Dù đảm trách dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Văn Thọ. Toán quân này có nhiệm vụ thiết lập một chuỗi những căn cứ hỏa lực ở mặt Bắc và song song với đường số 9 để bảo vệ cho trục tiến quân chính.

Thành phần trừ bị gồm Lữ Đoàn 2 Dù đóng tại Khe Sanh do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy. Thành phần này dự trù được dành làm lực lượng nhảy trực thăng đánh chiếm Tchépone để nối tiếp với lực lượng Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm tiến trên đường số 9.

Cánh Quân Án Ngữ Mặt Bắc do Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân thuộc Quân Đoàn I và Tiểu Đoàn 64 Pháo Binh (thuộc Quân Đoàn 1) đảm trách. Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân (tương đương với một lữ đoàn) gồm 3 Tiểu Đoàn 21, 37 và 39. Toán quân này có nhiệm vụ thiết lập những vị trí tiền đồn ở vùng cực Bắc của khu vực hành quân để phát hiện và ngăn chận lực lượng tăng viện của Cộng quân từ vùng phi quân sự kéo xuống. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân đóng tại Căn Cứ Hỏa Lực (CCHL) Phú Lộc trong phần đất Việt Nam Cộng Hòa gần Tà Bạt.

Như vậy theo kế hoạch phối trí lực lượng, tại sườn Bắc đường số 9, có hai lớp "khiên" che chở, bên ngoài là Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, bên trong là Lữ Đoàn 3 Dù. Tuy cùng đảm trách nhiệm vụ bảo vệ sườn Bắc (flanking), nhưng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân là một đơn vị hành quân biệt lập có kế hoạch riêng, không thuộc hệ thống chỉ huy của Sư Đoàn Nhảy Dù.

Cánh quân án ngữ mặt Nam do Sư Đoàn 1 Bộ Binh với hai Trung Đoàn 1 và 3 đảm trách, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, và Đại Tá Vũ Văn Giai là tư lệnh phó. Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh đóng tại Khe Sanh.

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến là thành phần trừ bị cho cuộc hành quân, do Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến là Đại Tá Bùi Thế Lân chỉ huy. Bộ Chỉ Huy của sư đoàn này đóng tại Khe Sanh. Một điểm đặc biệt đáng nói là trong khi tư Lệnh các sư đoàn tham chiến khác đều có mặt tại vùng hành quân để trực tiếp điều động cánh quân của mình, riêng Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến vẫn ở tại Sài Gòn.

Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Hiệp (xuất thân Khóa 8 trường Võ Bị Đà Lạt chỉ huy). Liên Đoàn Phó là Trung Tá Lê Bảo Toàn. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân đóng tại căn cứ Phú Lộc trong phần đất Việt Nam cùng với Tiểu Đoàn 64 Pháo Binh.

Các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân tham chiến gồm: Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đóng tại căn cứ Biệt Động Quân Nam (Ranger South) do Thiếu tá Nguyễn Hiệp chỉ huy (không nên lầm lẫn với Đại Tá Nguyễn Văn Hiệp là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân), Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Quách Thưởng. Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân đóng tại căn cứ Phú Lộc để làm trừ bị và bảo vệ bộ chỉ huy liên đoàn, do Thiếu Tá Trần Văn Nghênh chỉ huy với Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Lại Thế Thiết. Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đóng tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc (Ranger North) do Thiếu Tá Vũ Đình Khang chỉ huy với Đại Úy Đỗ Đức Chiến là tiểu đoàn phó.

 


Phần 3

 

 

Sau đây là những hoạt động chính của các Tiểu Đoàn (Tiểu Đoàn) 21, 37 và 39 thuộc Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân (Biệt Động Quân) trong cuộc hành quân Lam Sơn 719:

 

NGÀY 3 THÁNG 2

 

Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân gồm các Tiểu Đoàn 21, 37 và 39 được trực thăng vận tới vùng tập trung quân quanh Phú Lộc (tọa độ XD 6845 & 6846) hướng Đông Bắc Khe Sanh. Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân sẽ thiết lập một căn cứ hỏa lực (CCHL) trong phần đất Việt Nam yểm trợ cho các tiểu đoàn cơ hữu hoạt động bên Lào và cũng để bảo vệ mặt Bắc cho căn cứ chính Khe Sanh, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân Lam Sơn 719 (BCH/HQ/LS 719).

 

NGÀY 5 THÁNG 2

 

Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân và Tiểu Đoàn 64 Pháo Binh (PB) di chuyển từ điểm tập trung quân tới tới Phú Lộc (tọa độ XD 6845).

 

NGÀY 8 THÁNG 2

 

Hồi 1 giờ chiều, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Nguyễn Hiệp chỉ huy được trực thăng vận tới Bãi Đáp Biệt Động Quân Nam (tọa độ XD 5549), khoảng 5 cây số Tây Bắc Căn Cứ Hỏa Lực 30. Phòng không 12.7 ly của Việt Cộng bắn lên dữ dội khiến 11 Biệt Động Quân bị thương. Trực thăng võ trang của toán Không Kỵ Hoa Kỳ bắn phá các ổ phòng không để bảo vệ cho trực thăng tiếp tục đổ quân. Các cuộc oanh kích này gây một số tiếng nổ phụ và phá hủy một số công sự của địch. Cuộc đổ quân hoàn tất vào lúc 11 giờ đêm.

 

- Hồi 7 giờ 20, tại địa điểm XD 632370 gần Căn Cứ Hỏa Lực Phú Lộc nơi đặt Bộ Chỉ Huy (BCH) Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân và Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân trú đóng bị địch pháo kích bằng khoảng 50 quả đạn vừa súng cối 82 vừa đại bác khiến 3 chết và 15 bị thương.

 

NGÀY 9 THÁNG 2

 

- Thời tiết xấu khiến việc chuyển quân bằng trực thăng bị đình hoãn 24 giờ. Các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã sang Lào trong ngày hôm truớc đã lập tức bung ra hoạt động trong vùng trách nhiệm.

 

- Hồi 3 giờ 45 chiều, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân chạm địch khoảng một đại đội khoảng 4 cây số Tây Bắc Căn Cứ Hỏa Lực 30. Kết quả địch 8 chết, 1 AK-47 bị tịch thu. Phía Biệt Động Quân thiệt hại 1 chết, 1 bị thương.

 

NGÀY 10 THÁNG 2

 

- Thời tiết thuận lợi hơn. Hồi 1 giờ chiều tại gần Bãi Đáp Biệt Động Quân Nam (tọa độ XD 5653), một toán 4 trực thăng Không Quân Việt Nam (KQVN) chở các sĩ quan tham mưu Quân Đoàn I bị phòng không 37 ly của địch bắn. Kết quả 2 trực thăng bị rơi, tất cả mọi người trên 2 trực thăng này đều bị chết.

 

- Chiếc thứ nhất chở các Đại Tá Trưởng Phòng 3 và 4 của Quân Đoàn 1. Chiếc thứ hai chở 4 phóng viên ngoại quốc là các anh Larry Burrows của báo Life, Henri Huet của hãng Associated Press, Ken Potter và Keishaburo Shimamoto của tờ Newsweek. Tin cho biết vị Trưởng Phòng 3 có mang theo bản đồ hành quân và đặc lệnh truyền tin. Tuy quân ta có lục soát nhưng không tìm ra chỗ trực thăng bị rơi. Do đó địch có thể đã bắt được các tài liệu quan trọng ngay từ khi cuộc hành quân khởi đầu. Chi tiết về phi vụ trực thăng này được biết như sau:

 

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết 4 trực thăng của KQVN này có nhiệm vụ đưa các sĩ quan tham mưu Quân Đoàn I đến Phú Lộc để giải quyết vài trở ngại về vấn đề tiếp tế lương thực cho Liên Đoàn Biệt Động Quân. Vị Trưởng Phòng 3 Quân Đoàn I là Đại Tá Cao Khắc Nhật, Trưởng Phòng 4 Quân Đoàn I là Trung Tá Phạm Vi.

 

Không hiểu vì lý do gì, toán trực thăng bay lạc xa về hướng Tây Bắc tới gần các căn cứ của Biệt Động Quân trong phần đất Lào. Khoảng 3 giờ chiều, khi thấy toán trực thăng bay khá lâu mà vẫn chưa thấy báo cáo đã tới Phú Lộc nên tướng Lãm có hỏi Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân. Cùng lúc đó, Đại Tá Hiệp nhận được tin có hai chiếc trực thăng của Viêt Nam bị bắn rơi tại Lào. Sở dĩ Bộ Tư Lệnh Hành Quân không biết tin vì hai chiếc trực thăng còn lại bay thẳng về Đông Hà.

 

Về phía Hoa Kỳ, một trong những phi công trực thăng có mặt tại chỗ là Trung Tá Robert F. Molinelli, Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2, Lữ Đoàn 17 Không Kỵ, lúc đó đang chỉ huy toán trực thăng Hoa Kỳ yểm trợ cho các đơn vị Biệt Động Quân trong vùng, cho biết: "Toán trực thăng VN bay quanh theo một khúc sông, nhưng thay vì bay bên bờ Nam, lại quẹo ngược sang bờ Bắc là nơi chúng tôi biết rõ Cộng quân tập trung rất nhiều súng phòng không 37 ly. Lúc đó, toán trực thăng gồm 4 chiếc Hueys, bay hàng dọc, tốc độ chừng 80 knots, cao độ 1,500 feet. Chúng tôi thấy rõ toán toán trực thăng này đang bay vào nơi nguy hiểm và đã cố gắng liên lạc trên mọi tần số để báo động. Tôi thấy chiến trực thăng dẫn đầu (trên chở các sĩ quan tham mưu Quân Đoàn 1) trúng đạn nổ tung trên trời, còn chiếc thứ nhì (chở các phóng viên) bị bắn bay mất một cánh quạt."

 

- Khoảng 7 giờ 20 tối: toán thiết giáp trên đường số 9 bắt tay được với các đơn vị của Tiểu Đoàn 9 Dù được trực thăng vận tới A Lưới từ trước. Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm đã tiến sâu được chừng 20 cây số trong phần đất Lào.

 

NGÀY 11 THÁNG 2

 

- Để yểm trợ cho nỗ lực chính trên đường số 9 tiến xa hơn về hướng Tây nhắm vào Tchépone, Bộ Tư Lệnh Hành Quân quyết định tung thêm các đơn vị bảo vệ sườn Bắc và Nam vào trận địa.

 

- Khoảng 1430 H, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân được trực thăng vận tới Bãi Đáp Biệt Động Quân Bắc, khoảng 2 cây số Tây Bản Na để tăng cường cho Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đã trấn đóng Bãi Đáp Biệt Động Quân Nam từ ngày 8 tháng 2, án ngữ mặt cực Bắc của vùng hành quân. Cùng lúc đó, Tiểu Đoàn 3/1 Bộ Binh được trực thăng vận tới Căn Cứ Hỏa Lực Delta thuộc vùng Nam đường số 9.

 

Tới đây, cần nói qua về kế hoạch phối trí và phân nhiệm của các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân vì có một vài chi tiết đáng ghi. Thiếu Tá Quách Thưởng (lúc đó là Đại Úy, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân) cho biết đúng ra Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân được chỉ định phụ trách căn cứ Biệt Động Quân Bắc, còn Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đóng tại Phú Lộc cùng với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân. Nhưng các trực thăng Hoa Kỳ đã thả lộn địa điểm nên Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đã có mặt trên đất Lào.

 

Trung Tá Vũ Đình Khang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân nói rằng theo thông lệ luân chuyển trong mỗi cuộc hành quân, 3 tiểu đoàn thay phiên nhau, 1 làm trừ bị và bảo vệ BCH/Liên Đoàn còn 2 Tiểu Đoàn kia hành quân. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, tới phiên Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân làm trừ bị, nhưng lại được bốc sang Lào.

 

Đại Tá Nguyễn văn Hiệp, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân giải thích: đúng ra theo lệnh hành quân, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân có nhiệm vụ trấn giữ Phú Lộc, còn 2 tiểu đoàn bạn hoạt động bên Lào. Nhưng vào ngày 3 tháng 2, các trực thăng Hoa Kỳ đã đổ quân lộn tại địa điểm chuẩn bị trong vùng lân cận Phú Lộc. Khi bốc quân sang Lào, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân ở vào vị trí thích hợp nhất nên đã được chỉ định hoán đổi vị trí với Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân.

 

Điều đáng lưu ý là mặc dầu có sự thay đổi bất ngờ vào giờ chót, các đơn vị Biệt Động Quân vẫn hăng hái chu toàn nhiệm vụ. Về phương diện hành quân, đây không phải là một mối quan tâm lớn, vì mỗi vị trí được chỉ định đều có một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân trấn giữ. Điều đáng ca ngợi là các đơn vị trưởng Biệt Động Quân đã rất uyển chuyển đưa ra những quyết định thay đổi nhanh chóng phù hợp với tình thế cũng như tuyệt đối thi hành thượng lệnh, không khiếu nại hay than phiền. Đây là một điểm son về tinh thần kỷ luật cao độ rất đáng kính phục của các chiến sĩ Biệt Động Quân.

 

Tuy nhiên, việc trực thăng Hoa Kỳ thả lộn địa điểm, cùng với biến cố các trực thăng VN bay lạc ngay khi cuộc hành quân mới khai diễn chứng tỏ Quân Lực VNCH đã thất thế từ đầu vì phải chiến đấu tại một địa bàn hết sức xa lạ. Mất yếu tố "địa lợi" này, lực lượng tham chiến đã phải trả giá rất đắt trong suốt cuộc hành quân.

 

TỪ NGÀY 11 THÁNG 2

 

Tại vùng trách nhiệm của Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, địch gia tăng áp lực rất nặng. Quanh vùng Phú Lộc, Tiểu Đoàn 37 luôn luôn chạm những toán tiền phong địch, ngoài ra, cũng bị pháo liên miên. Trên phần đất Lào, các Tiểu Đoàn 39 và 21 Biệt Động Quân là các đơn vị bị địch quân tấn công thăm dò nhiều nhất.

 

NGÀY 12 THÁNG 2

 

- Hồi 11 giờ trưa, Tiểu Đoàn 37 đụng địch cấp tiểu đoàn tại tại địa điểm XD 670466, khoảng 3 cây số Bắc Tây Bắc Phú Lộc. Được trực thăng võ trang yểm trợ, Biệt Động Quân hạ 13 địch, bắt sống 1, thu 10 súng AK. Bên ta 4 chết, 6 bị thương và 2 trực thăng võ trang loại Cobra (AH-1G) bị phòng không 12.7 ly bắn hạ khiến 2 phi hành đoàn bị tử thương và 2 bị thương.

 

- Hồi 6 giờ 25 chiều, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân chạm khoảng 1 Trung Đội Việt Cộng (VC) thuộc Trung Đoàn 88, Sư Đoàn 308 VC tại 4 cây số Đông Bắc Bãi Đáp Biệt Động Quân Nam (tọa độ XD 585520), bắn hạ 11 tên địch.

 

- Đến 10 giờ đêm cùng ngày, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân bị địch pháo kích khoảng 40 đạn súng cối 82 ly khiến 6 bị thương.

 

NGÀY 13 THÁNG 2

 

- Hồi 1 giờ 50 sáng, tại địa điểm XD 575503 khoảng 3 cây số Tây Tây Nam Bãi Đáp Biệt Động Quân Bắc, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân chận đánh một đơn vị Việt Cộng (VC), bắn hạ 43 tên, thu 2 đại bác phòng không 37 ly, 2 thượng liên 12.7 ly và một số lượng lớn súng cá nhân và đạn dược. Phía Biệt Động Quân chỉ có 1 chết và 10 bị thương

 

- Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đụng độ lẻ tẻ với chừng 1 Trung Đội VC, bắn hạ 15 tên.

 

- Trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 giờ sáng, Tiểu Đoàn 21 chạm địch quân số không rõ. Kết quả Biệt Động Quân 1 chết, 7 bị thương. Cộng quân 4 chết. Biệt Động Quân tịch thu 300 thùng đạn đại bác chiến xa.

 

NGÀY 15 THÁNG 2

 

- Hồi 1 giờ 30 chiều, tại địa điểm phía Nam Bãi Đáp Biệt Động Quân Bắc (tọa độ XD 595515), Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân bị pháo kích khiến 5 bị thương.

 

- Hồi 10 giờ 45 tối, cũng tại vùng Nam Bãi Đáp Biệt Động Quân Bắc (tọa độ XD 590514), một thành phần của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân chạm địch, giết 5 VC, 2 Biệt Động Quân bị thương.

 

NGÀY 16 THÁNG 2

 

- Hồi 10 giờ tối, tại khía Bắc Bãi Đáp Biệt Động Quân Nam (tọa độ XD 583503), một thành phần của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân chạm địch không rõ quân số, bắn hạ 6 VC, tịch thu 50 trái sáng. Biệt Động Quân 6 bị thương.

 

Cho đến thời điểm này, Quân Lực VNCH đã chiếm Bản Đông được gần một tuần lễ nhưng không tiến thêm tới gần mục tiêu Tchépone.

 

TÌNH HÌNH TỔNG QUÁT TẠI CHIẾN TRƯỜNG TRƯỚC KHI XẢY RA NHỮNG TRẬN ĐÁNH

 

Tính cho đến ngày 16 tháng 2 tức là sau khi cuộc hành quân được khai diễn hơn một tuần, tình hình chung tại chiến trường tương đối khả quan và thuận lợi cho Quân Lực VNCH. Các đơn vị tham chiến chỉ gặp sức chống cự lẻ tẻ không đáng kể của địch, tiêu diệt chúng dễ dàng và đã chiếm đóng những vị trí trọng yếu sau đây trong phần đất Hạ Lào:

 

Mặt Trận Bắc Đường Số 9: Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc do Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân trấn đóng từ ngày 11 tháng 2. Căn Cứ Biệt Động Quân Nam: do Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân trấn đóng từ ngày 8 tháng 2. Căn Cứ Hỏa Lực 30 do Tiểu Đoàn 2 thuộc Liên Đoàn 3 Dù trấn đóng từ ngày 8 tháng 2 cùng với Pháo Đội C/44 Pháo Binh và Pháo Đội C/3 Dù. Căn Cứ Hỏa Lực 31 do Tiểu Đoàn 3 thuộc Liên Đoàn 3 Dù trấn đóng từ ngày 8 tháng 2 cùng với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 3 Dù và Pháo Đội B/3 Dù.

 

Mặt Trận Đường Số 9: Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới (Bản Đông) do Liên Đoàn 1 Thiết Kỵ, Liên Đoàn 1 Dù, Pháo Đội B/44 Pháo Binh, Pháo Đội A/1 Dù và thành phần của Tiểu Đoàn 101 Công Binh Chiến Đấu trấn đóng từ ngày 10 tháng 2.

 

Mặt Trận Nam Đường Số 9: Căn Cứ Hỏa Lực Hotel do Tiểu Đoàn 4/3 Bộ Binh cùng với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 3 Bộ Binh và Pháo Binh trấn đóng từ ngày 8 tháng 2. Căn Cứ Blue do các Tiểu Đoàn 1/3 và 2/3 Bộ Binh trấn đóng từ ngày 8 tháng 2. Căn Cứ Hỏa Lực Delta do Tiểu Đoàn 4/1 Bộ Binh, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 1 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Điềm chỉ huy cùng với Pháo Binh. Căn Cứ Don do các Tiểu Đoàn 1/1 và 3/1 Bộ Binh trấn đóng từ ngày 11 tháng 2. Căn Cứ Delta 1 do Tiểu Đoàn 2/1 Bộ Binh trấn đóng từ ngày 12 tháng 2. Căn Cứ Green do Tiểu Đoàn 2/3 Bộ Binh trấn đóng từ ngày 16 tháng 2 sau khi di chuyển từ Căn Cứ Blue.

 

Như vậy, sau hơn một tuần lễ tiến quân, các đơn vị Quân Lực VNCH đã đánh sâu vào đất Lào hơn 20 cây số, khoảng nửa đường tới mục tiêu chính Tchépone. Song song với đường số 9, một hệ thống căn cứ hỏa lực à tiền đồn cũng đã được thiết lập tại mặt Bắc và Nam để bảo vệ và yểm trợ cho nỗ lực chính tiến sâu về hướng Tây. Mặt Bắc do Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân và Liên Đoàn 3 Dù đảm trách. Mặt Nam do Sư Đoàn 1 Bộ Binh với hai Trung Đoàn 1 và 3 chịu trách nhiệm.

 

Tuy chiếm được lợi thế lúc ban đầu vì hỏa lực mạnh và di-động tính (mobility) của chiến thuật trực thăng vận, nhưng sau hơn một tuần lễ hành quân, đà tiến quân của Quân Lực VNCH bỗng nhiên chậm hẳn lại. Sau khi đánh chiến mục tiêu A Lưới dễ dàng chỉ sau hai ngày hành quân, nỗ lực chính là Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm vẫn không tiến sâu hơn quá 2 cây số về hướng Tây. Tình trạng này kéo dài cho đến ngày 16 tháng 2, tức là lực lượng xung kích chính gồm có Thiết Giáp với sở trường "đánh mạnh đánh mau" đã dừng lại tại A Lưới khoảng 1 tuần lễ mà không tiến xa hơn.

 

Cho tới bây giờ người ta cũng vẫn chưa rõ nguyên nhân. Có giả thuyết cho rằng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lo ngại Quân Lực VNCH sẽ bị nhiều thiệt hại nên ngầm chỉ thị cho Tướng Lãm thâu hẹp vùng hành quân, không cần tiến tới Tchépone như dự trù. Dư luận khác cho rằng có sự trục trặc trong hệ thống chỉ huy và thiếu phối hợp giữa quân Dù và Thiết Giáp. Chẳng hạn như Sư Đoàn Dù thiếu kinh nghiệm xử dụng Thiết Giáp hoặc Thiết Giáp than phiền quân Dù không giữ được an ninh lộ trình khiến nhiều chiến xa bị thiệt hại vì mìn và súng B-40 của Cộng quân.

 

Có người lại nói toán Thiết Giáp nghe tin Việt Cộng có chiến xa T-54, trang bị đại bác 100 ly trong khi Liên Đoàn 1 Thiết Kỵ chỉ có chiến xa M-41 trang bị đại bác 76 ly, không phải là đối thủ, nên ngần ngại không muốn tiến. Nhưng dù vì lý do nào đi nữa, việc "án binh bất động" này đã khiến Quân Lực VNCH mất dần thế chủ động, đang từ ở thế tấn công bỗng trở thành những lực lượng phòng thủ. Quan trọng hơn cả, Cộng quân đã có đủ thì giờ lượng định tình thế cũng như gửi quân tăng viện để bao vây và tiêu diệt những vị trí cô lập của Quân Lực VNCH tại Hạ Lào.

 

Trong khi đó tại Saigon, tướng Abrams đã gặp tướng Viên để hối thúc và thảo luận về việc tiến quân chậm trễ có hậu quả không hay này. Tướng Abrams lo ngại nếu tình trạng trì trệ cứ kéo dài sẽ vô cùng nguy hại cho lực lượng hành quân. Lý do vì Cộng quân sẽ càng ngày càng mạnh vì được tăng viện trong lúc Quân Lực VNCH mỗi lúc mỗi yếu vì bị thiệt hại và đã xử dụng tới lực lượng tổng trừ bị cuối cùng.

 

Trong công điện thượng khẩn số 00843 đề ngày 14 tháng 2 hồi 14:35 giờ Zulu của Bộ Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ gửi Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, tướng Abrams thúc giục tướng Viên hãy ra lệnh tiến quân nhanh hơn và chiếm mục tiêu Tchépone càng chóng càng tốt, trước khi Cộng quân kịp tăng viện và phản ứng.

 

Liền sau đó, vào chiều ngày 16 tháng 2, hai tướng Viên và Abrams đã bay ra Đông Hà để họp khẩn với tướng Lãm và tướng Sutherland, Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV của Hoa Kỳ (đóng tại Vùng I) trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tại phiên họp quan trọng này, các tướng lãnh Việt-Mỹ quyết định đẩy mạnh cuộc tấn công vào Tchépone bằng cách trực thăng vận cánh quân Bộ Binh tại mặt Nam đường số 9 chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng mới nằm sâu hơn trong lãnh thổ Lào để yểm trợ cho Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm tiến xa hơn về hướng Tây. Kế hoạch chuyển quân mới này được dự trù sẽ hoàn tất trong vòng 5 ngày.

 

Tuy nhiên những đột biến quan trọng tại chiến trường đã đảo lộn kế hoạch dự trù. Sau thời gian đầu chống trả yếu ớt như để dọ dẫm mà nhiều người cho rằng Cộng quân cố tình dụ Quân Lực VNCH vào sâu trong đất Lào (thật ra, chúng chưa dủ sức đánh trả), phản ứng của Cộng quân mỗi ngày một mạnh.

 

Những trận đụng độ quanh các vị trí của Quân Lực VNCH ngày càng gia tăng về số lượng cũng như cường độ. Điều này chứng tỏ Cộng quân đã hoàn tất giai đoạn củng cố lực luợng và bắt đầu chuyển sang giai đoạn bao vây, chia cắt, tấn công từng vị trí Quân Lực VNCH nằm rải rác trong phần đất Lào.

 

Trước hết, Cộng quân gia tăng áp lực vào những căn cứ Biệt Động Quân nằm chơ vơ tại khu cực Bắc của vùng hành quân. Nhìn vào bản đồ phối trí lực lượng, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân chỉ được trang bị nhẹ để dễ di chuyển, lại không có Pháo Binh cơ hữu yểm trợ, nhưng phải đảm đương trách nhiệm coi như nặng nề nhất, đó là án ngữ trục lộ 1032B, đường chuyển quân duy nhất của Cộng quân từ vùng Phi Quân Sự tới.

 

Có thể nói hai Tiểu Đoàn 39 và 21 tại các Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc và Nam đã khóa cứng yết hầu tăng viện của Cộng quân vì vậy như những cây gai trước mắt cần phải nhổ gấp.

 

Khi dùng những đơn vị nhẹ này trấn đóng vùng cực Bắc, ý định của tướng Lãm là xử dụng họ như những tổ tiền đồn chỉ có nhiệm vụ phát hiện, báo động và tạm thời cầm chân các đơn vị tăng viện của Cộng quân dự trù từ vùng phi quân sự kéo xuống. Sau khi phát hiện địch, phi pháo và các đơn vị nặng tăng cường sẽ được nhanh chóng điều động tới để chận đánh và tiêu diệt địch quân. Có thể nói, trong số các mũi tiến quân, cánh Biệt Động Quân tương đối bị coi là yếu thế nhất.

 

Như trên đã nói ở phần trước, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân do Đại Tá Nguyễn Văn Hiệp chỉ huy, Trung Tá Lê Bảo Toàn là Liên Đoàn Phó. Các đơn vị trực thuộc được phối trí như sau:

 

Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân, Pháo Đội A/44 PB (đại bác 155 ly) đóng tại Phú Lộc (XD 675450) sát biên giới Lào-Việt, bên trong phần đất VNCH. Thiếu Tá Trần Văn Nghênh là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân, Đại Úy Lại Thế Thiết là tiểu đoàn phó.

 

Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Vũ Đình Khang chỉ huy, Đại Úy Đỗ Đức Chiến là tiểu đoàn phó, đóng tại Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc (XD 593537) là vị trí cực Bắc của vùng hành quân trong phần đất Hạ Lào. Căn Cứ này nằm cách đường số 9 chừng 17 cây số về hướng Bắc và cách biên giới Lào-Việt chừng 5 cây số về hướng tây. Tiểu Đoàn này được trực thăng vận vào vị trí từ ngày 11 tháng 2.

 

Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Nguyễn Hiệp chỉ huy, Đại Úy Quách Thưởng là Tiểu Đoàn Phó, trấn thủ Căn Cứ Biệt Động Quân Nam (XD 5504905) trong nội địa Lào, cách đường số 9 về hướng Bắc chừng 11 cây số và cách biên giới Lào-Việt chừng 8 cây số về hướng Tây. Tiểu Đoàn này được trực thăng vận tới vị trí ngay từ ngày đầu của cuộc hành quân.

Phần 4

 


TRẬN ĐÁNH TẠI CĂN CỨ BIỆT ĐỘNG QUÂN BẮC (RANGER NORTH)

 

Sang ngày 17 tháng 2, tin tình báo cho biết lực lượng tăng viện cấp sư đoàn của Cộng quân từ vùng phi quân sự đã bắt đầu xâm nhập phía Bắc vùng hành quân. Rạng sáng ngày 18 tháng 2, địch gia tăng áp lực vào các đơn vị Biệt Động Quân. Các Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân bị tấn công thăm dò và pháo kích kiên tiếp. Tuy nhiên, được pháo binh và phi cơ yểm trợ rất hiệu quả, các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân vẫn giữ vững vị trí.

 

Hồi 8 giờ 30 sáng cùng ngày, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân tại Phú Lộc cũng bị pháo kích 8 đạn súng cối 82 ly khiến 2 chết, 4 bị thương. Tin tình báo do cung từ của tù binh xác nhận Sư Đoàn 308 Cộng quân với ba Trung Đoàn 64, 88 và 102d đã tham chiến và hiện tập trung quân tại vùng trách nhiệm của Biệt Động Quân.

 

Khi trời sáng rõ, một trực thăng tải thương loại Huey thuộc Phi Đoàn 237, Tiểu Đoàn 16, Lữ Đoàn 44 Tải Thương của Hoa Kỳ (có tên là DMZ Dust Off. DMZ là tên tắt của De-Military-Zone tức là vùng Phi Quân Sự. Dust Off là tên lóng để gọi chung các trực thăng tải thương Hoa Kỳ) nhận được lệnh tải thương khẩn cấp cho Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân. Nên nhớ đại đa số những trực thăng tham chiến tại Hạ Lào không phải của Không Quân mà thuộc các Sư Đoàn Bộ Binh Không Kỵ Hoa Kỳ nên được tổ chức thành các tiểu đoàn hoặc đại đội theo hệ thống Lục Quân.

 

Chiếc trực thăng tản thương cất cánh tại Khe Sanh, hai phi công là Trung Úy Joseph Gordon Brown và Darrel Monteith, với hai Trung Sĩ y tá tên Fujii và Simpco cùng cơ khí viên Costello. Trên đường bay, phi hành đoàn đã được thông báo là bãi đáp rất "nóng" (hot) vì bị phòng không và súng cối địch vây chặt.

 

Khi còn cách Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc chừng 3 cây số, phòng không địch đã bắn lên như mưa. Toán trực thăng võ trang hộ tống vội nhào xuống bắn hỏa tiễn và minigun để tiêu diệt các ổ phòng không nhưng không mấy hiệu quả vì những ổ súng này được ngụy trang rất kỹ càng, khéo léo và chôn sâu trong các công sự, hầm hố vững chắc.

 

Sau một hồi bắn phá, hai chiếc Cobra đã hết đạn, vả lại nhiên liệu cũng gần cạn nên phải quay về Khe Sanh tái tiếp tế. Phi công Brown nhận thấy phòng không địch vẫn còn quá mạnh, không thể vào bãi đáp nên đã quyết định hủy bỏ công tác. Nhưng chỉ một lát sau, anh đổi ý, bay vòng trở lại, mặc dầu trực thăng võ trang hộ tống đã bay về Khe Sanh.

 

Gần tới Bãi Đáp Biệt Động Quân Bắc, chiếc trực thăng tản thương bay thật thấp để cố tránh màng lưới phòng không, nhưng những lằn đạn lửa AK và 12.7 ly vẫn chằng chịt đuổi theo. Từ trên trực thăng, anh y tá Fujii người Hawai trông thấy rõ các binh sĩ Biệt Động Quân trong giao thông hào đang chiến đấu dưới làn mưa đạn súng cối của Cộng quân. Trực thăng tản thương nhào vội xuống bãi đáp.

 

Toán tản thương của Biệt Động Quân đẩy vội các thương binh lên trực thăng. Nhưng khi vừa rời mặt đất, một quả súng cối nổ ngay bên cạnh máy bay khiến phi công Brown chết ngay tại chỗ, còn phi công phụ Monteith bị thương nặng, hai anh Fujii và Simpco đều bị trúng mảnh đạn súng cối ở lưng, chỉ có anh Costello là vô sự.

 

Chiếc trực thăng rơi xuống đất. Tất cả những người sống sót, kể cả các thương binh Biệt Động Quân vội rời trực thăng chạy vào giao thông hào cách trực thăng chừng 10 thước. Sau đó, một trực thăng Huey cấp cứu khác liều lĩnh đáp xuống và cứu được phi hành đoàn Hoa Kỳ, ngoại trừ anh y tá Fujii bị kẹt lại vì chạy ra không kịp. Từ lúc đó, các phi công Hoa Kỳ được lệnh tránh xa khu vực này vì hỏa lực phòng không quá dữ dội. Trong khi đó, Cộng quân cũng pháo kích vào Căn Cứ Biệt Động Quân Nam.

 

Sang ngày 19 tháng 2, áp lực tại căn cứ Biệt Động Quân Nam tương đối giảm, tuy không bị tấn công nhưng cường độ pháo kích vẫn dữ dội và liên tục. Ngoài ra, phòng không địch và súng cối vẫn khóa kín bãi đáp khiến Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân làm mọi hoạt động của vị trí này bị ngưng trệ.

 

Khi đã cô lập và phá được thế liên hoàn giữa hai tiểu đoàn Biệt Động Quân, Cộng quân tập trung toàn bộ lực lượng Trung Đoàn 102d, Sư Đoàn 308 tấn công Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đóng xa hơn về phía Bắc. Tuy bị vây hãm và tấn công dữ dội, các binh sĩ Mũ Nâu dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Khang vẫn bình tĩnh chiến đấu, đẩy lui nhiều đợt tấn công biển người của Cộng quân. Các trực thăng thuộc Tiểu Đoàn 158 Trực Thăng (158 CAB - Combat Assault Battalion) Hoa Kỳ do Trung Tá Peachy chỉ huy bay liên tục để tản thương, tiếp tế và yểm trợ hỏa lực cho tiền đồn bị tấn công này. Các pháo đội thuộc Tiểu Đoàn 44 Pháo Binh đặt tại Phú Lộc về hướng Đông và Căn Cứ Hỏa Lực 30 về hướng Nam cũng tác xạ tối đa vào các vị trí Cộng quân.

 

Để tránh hỏa lực dữ dội của phi pháo, địch quân đã liều lĩnh áp dụng tối đa chiến thuật "bám sát" (hugging). Nhiều khi chúng nằm sát lớp hàng rào phòng thủ khiến nhiều trực thăng tiếp tế bị trúng đạn địch vì lầm tưởng là binh sĩ VNCH. Vì đôi bên quá gần nhau nên phi cơ thả bom yểm trợ cũng rất khó khăn.

 

Trận đánh tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc kéo dài suốt ngày 19 tháng 2. Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân báo cáo địch tấn công mạnh nhất vào sườn phía Đông bằng súng không giật trực xạ và súng cối 82 ly đặt rất gần căn cứ nên bắn rất chính xác. Nhưng sau nhiều đợt tấn công tiền pháo hậu xung của địch, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân vẫn giữ vững vị trí.

 

Cung từ của tù binh xác nhận đơn vị Cộng quân tấn công là Trung Đoàn 102d, được trang bị toàn vũ khí và quân trang mới. Trung Đoàn này có nhiệm vụ thanh toán căn cứ Biệt Động Quân Bắc bằng mọi giá để dọn đường cho lực lượng tăng viện của chúng có thể tiến sâu hơn vào vùng hành quân.

 

Tuy bị bao vây và tấn công liên tục nhưng dưới sự chỉ huy bình tĩnh và gan dạ của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Vũ Đình Khang, các chiến sĩ Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân vẫn bình tĩnh chiến đấu, đánh bật những đợt tấn công biển người.

 

Cộng quân tuy bị thiệt hại nặng nhưng vẫn bám sát trận địa và liên tiếp mở nhiều đợt tấn công vì chúng được bổ xung quân số và tăng viện rất nhanh chóng. Nhưng đến chiều Cộng quân đành phải rút lui để chỉnh đốn hàng ngũ vì bị chết quá nhiều. Xác và vũ khí đủ loại của Cộng quân bỏ lại ngổn ngang trên các sườn đồi.

 

Trận đánh ngày 19 tháng 2 là một chiến thắng lớn của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân nhưng những con cọp rừng gan dạ cũng đã bị yếu sức vì nhiều binh sĩ bị chết và bị thương không được di tản đã nhiều ngày, lại không được tăng viện hay giải tỏa áp lực. Nguy hiểm hơn nữa, đạn dược cũng gần cạn vì không được tiếp tế.

 

Đến đêm, Cộng quân sau khi bổ xung lực lượng lại tiếp tục tấn công. Cũng vào lúc đó, các căn cứ Biệt Động Quân Nam và Phú Lộc bị pháo kích và đánh cầm chân nên không thể tăng viện hay yểm trợ hữu hiệu cho tiểu đoàn bạn đang bị áp lực nặng nề.

 

Trên bốn sườn đồi bao quanh căn cứ Biệt Động Quân Bắc, địch quân đồng loạt tấn công biển người vào các tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân. Tại hầm chỉ huy, Thiếu Tá Vũ Đình Khang, vị Tiểu Đoàn Trưởng can trường vẫn bình tĩnh điều động đơn vị phòng thủ và phản công. Ông dùng anh y tá người Mỹ Fujii như một chuyên viên truyền tin bất đắc dĩ để đảm trách việc liên lạc với các phi cơ Hoa Kỳ.

 

Anh Fujii hoạt động rất đắc lực chuyển lời yêu cầu của Thiếu tá Khang lên các trực thăng võ trang và các phản lực cơ của Không Quân Hoa Kỳ những tọa độ mục tiêu chính xác để xin oanh tạc. Nhiều lúc, Cộng quân vì quá đông nên môt số đã lọt được vào phòng tuyến của Biệt Động Quân, chiếm được một khúc giao thông hào. Các chiến sĩ Mũ Nâu can trường đã phải cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn để đẩy lui chúng.

 

Đến đây, tạm thời mở một dấu ngoặc để nói thêm về anh y tá Fujii. Lúc đó, các phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình đa số thuộc loại phản chiến của Hoa Kỳ luôn tìm đủ mọi dịp loan tin giật gân nhằm mục đích triệt hạ uy tín Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Quân Lực VNCH). Vì đạo luật Cooper - Church ngăn cấm không cho quân bộ chiến Hoa Kỳ có mặt trên phần đất Lào nên gặp dịp anh y tá Fujii bị bắn rơi, chạy không kịp nên bắt buộc phải chiến đấu bên cạnh Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân.

 

Nhiều phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình liền nắm lấy cơ hội. Họ ca tụng Fujii như một vị anh hùng trong trận đánh tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc, coi như một mình anh y tá này đã cứu nguyên một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân tinh nhuệ. Có người lại còn "phong" cho anh ta chức vị "cố vấn" bất đắc dĩ của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân! Đây là một sự thổi phồng lố bịch và quá đáng!

 

Chúng ta hãy tưởng tượng trong lúc dầu sôi lửa bỏng, mạng sống như chỉ mành treo chuông, một anh y tá chuyên cầm kim chích bị kẹt lại dưới đất vì không chạy kịp, dù là người Mỹ đi nữa đã "cố vấn" được những gì cho một một Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân dạn dầy kinh nghiệm chiến trường như Thiếu tá Khang?

 

Đồng ý là anh Fujii đã trợ giúp Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân rất đắc lực trong lãnh vực liên lạc truyền tin, nhưng các chiến sĩ Biệt Động Quân còn đóng góp đắc lực hơn nhiều trên phương diện thực sự chiến đấu. Thật ra, vai trò của anh y tá này đơn thuần chỉ là một âm thoại viên, nhận những quyết định, dữ kiện cùng lời yêu cầu oanh tạc yểm trợ từ Thiếu tá Khang rồi chuyển lại cho các phi công Hoa Kỳ vì lý do anh nói tiếng Anh dĩ nhiên thành thạo và dễ hiểu hơn. Rất có thể việc "liên lạc" thông thường này được người Mỹ coi là vai trò quan trọng của cố vấn chăng?

 

Cũng anh Fujii này, sau đó có dịp nhẩy lên được một trực thăng rời khỏi căn cứ Biệt Động Quân Bắc, nhưng không may trực thăng này cũng bị trúng đạn, nhưng đáp được xuống căn cứ Biệt Động Quân Nam nên lại bị kẹt tại đây. Chuyện chỉ có vậy, thế mà báo chí Hoa Kỳ lại có dịp thổi phồng, nói là anh y tá này tình nguyện ở lại với Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân để giúp đơn vị này phòng thủ căn cứ!

 

Trở lại trận đánh tại Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc. Tuy bị Cộng quân bao vây chặt chẽ và tấn công suốt đêm nhưng Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân dù đã bị thiệt hại khá nặng và đạn dược cũng gần cạn nhưng vẫn còn giữ vững vị trí chiến đấu. Thiếu Tá Khang luôn đôn đốc các chiến sĩ của mình đề phòng cẩn mật và tiết kiệm đạn dược vì ông biết trong hoàn cảnh nguy nan này, trực thăng tiếp tế hay tải thương không còn cách nào đáp xuống được nữa. Về trận đánh tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc trong đêm 19 tháng 2 này, chính anh "cố vấn" Fujii đã kể lại cho các phóng viên Hoa Kỳ nghe như sau:

 

"Trận đánh vô cùng khốc liệt. Cả ngọn đồi như bốc lửa vì hỏa lực bom đạn đôi bên. Tuy có một vài sĩ quan Biệt Động Quân hoảng hốt gỡ bỏ phù hiệu và thiêu hủy thẻ quân nhân, nhưng vị Tiểu Đoàn Trưởng vẫn bình tĩnh và gan dạ chỉ huy cuộc phòng thủ và phản công."

 

"Có lúc địch quân đông như kiến tràn vào, tôi đã phải dùng súng M-16 bắn hết băng đạn này đến băng đạn khác vào những đợt xung phong biển người. Địch chết như rạ nhưng vẫn liều lĩnh xông vào. Có lúc toán tiền phong cảm tử của địch đã lọt được vào trong vị trí phòng thủ, nhưng bị các chiến sĩ Biệt Động Quân can trường dùng lưỡi lê và lựu đạn cận chiến đánh bật ra trong vòng 10 phút."

 

"Sáng hôm sau, chúng tôi bắn hết đạn, tôi thấy các chiến sĩ Mũ Nâu phải đi lật từng xác đồng bạn cũng như xác địch để kiếm thêm đạn dược và vũ khí còn xử dụng được. Những người còn chiến đấu được thiết lập một tuyến phòng thủ quanh hầm chỉ huy để sẵn sàng tử chiến".

 

Sang ngày 20 tháng 2, ngay từ lúc hừng đông, khi lớp sương mù chưa tan hết trên rừng núi Hạ Lào, từng đợt phi cơ đủ loại đã ào tới trợ chiến. Bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 sáng cho tới 2 giờ 30 chiều, tổng cộng có 32 phi vụ oanh tạc yểm trợ cho hai căn cứ Biệt Động Quân đang bị vây hãm khiến hàng trăm Cộng quân bị tan xác.

 

Mặc dầu bị thiệt hại rất nặng vì hỏa lực phi pháo, Cộng quân vẫn không rời bỏ trận địa và được yểm trợ đắc lực bằng một rừng phòng không đủ loại tạo thành màng lưới lửa dầy đặc khiến trực thăng tiếp tế và tản thương không thể nào vượt qua nổi.

 

Nhiều phi công trực thăng Hoa Kỳ cố lao qua bức tường lửa phòng không nhưng chỉ có hai trực thăng may mắn đáp xuống được trong khoảnh khắc. Khi cất cánh, cả hai phi cơ này đều bị trúng đạn phòng không, một chiếc phải đáp khẩn cấp xuống căn cứ Biệt Động Quân Nam, chiếc kia may mắn bay được tới Căn Cứ Hỏa Lực 30 xa hơn về phía Nam.

 

Đến trưa, các máy bay quan sát báo cáo Cộng quân lại pháo kích dữ dội và có chừng 400 đến 500 tên đang vây kín vị trí của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân. Những trận mưa pháo liên tiếp của địch khiến ngọn đồi nhỏ như vỡ tan thành từng mảnh vụn. Những lớp bụi đất đá Hạ Lào màu vàng nhạt liên tục tung lên sau mỗi đợt pháo kích, che phủ cả các chiến sĩ Mũ Nâu anh dũng vẫn gìm sùng chờ địch dưới giao thông hào.

 

Không được tăng viện, không được tiếp tế, không được tản thương, số tổn thất mỗi lúc một cao và đạn dược đã hết sau nhiều ngày tử chiến, số mạng của các chiến dĩ Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân như chỉ mành treo chuông. Mọi yểm trợ sinh tử cứu nguy chỉ còn trông mong vào các phi cơ Hoa Kỳ và pháo binh từ các vị trí bạn bắn tới.

 

Đúng lúc đó, một toán trực thăng từ Khe Sanh bay đến để tiếp tế khẩn cấp cho Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân bằng mọi giá. Các trực thăng võ trang hộ tống thay phiên nhau nã hỏa tiễn và đại liên như mưa lên đầu địch cho tới khi hết đạn, trong khi các trực thăng tiếp tế lượn vòng trên cao để chờ cơ hội, nhưng vẫn không thể nào đáp xuống được.

 

Dưới đất, ngọn đồi nhỏ đôi bên dành giự đã mấy ngày đêm hầu như trơ trụi, tan nát vì bom đạn. Mặc dù trực thăng võ trang oanh kích dữ dội, Cộng quân chấp nhận thiệt hại, tràn tới gần vị trí phòng thủ cuối cùng là hầm chỉ huy của Thiếu tá Khang.

 

Chung quanh đó, các chiến sĩ Biệt Động Quân cận chiến với địch quân, dành nhau từng khúc giao thông hào hay hố cá nhân giữa hàng trăm xác chết. Mãnh hổ nan địch quần hồ, Thiếu tá Khang nhận thấy tình thế đã không còn cách cứu vãn và vị trí sắp bị địch tràn ngập nhưng ông vẫn muốn ở lại chiến đấu vì không đành lòng bỏ lại các chiến hữu bị thương. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, trước số lượng địch quân quá đông và các chiến sĩ Biệt Động Quân đã bắn hết đạn, Thiếu tá Khang đành cho lệnh rời bỏ căn cứ.

 

Trong lúc anh Fujii chuyển lời của Thiếu tá Khang thông báo cho các phi cơ Hoa Kỳ biết Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc không còn cố thủ được nữa, các chiến sĩ Biệt Động Quân lại đi thu lượm vũ khí và đạn dược của ta cũng như địch để tổ chức một cuộc rút kui có trật tự dưới sự chỉ huy của vị Tiểu Đoàn Trưởng can trường.

 

Vào giây phút nguy kịch đó, một trực thăng Huey lao xuống bãi đáp, xô vội ra mấy thùng đạn. Anh y tá Fujii cố chạy ra trực thăng dù đạn AK của Công quân bắn theo dữ dội khiến bụi đất tung tóe khắp nơi. Anh này phóng được lên trực thăng, nhưng khi vừa bay kên, trực thăng bị bốc cháy vì trúng đạn phòng không. May mắn, hai phi công Lloyd và Nelson đáp khẩn cấp được xuống căn cứ Biệt Động Quân Nam cách đó chừng 4 cây số.

 

Đến chiều ngày 20 tháng 2, từ trên phi cơ nhìn xuống, các công sự và sườn đòi quanh căn cứ Biệt Động Quân Bắc phủ ngập xác Cộng quân. Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân kiệt lực, hết đạn vì những trận cường tập liên tiếp hết ngày này sang ngày khác của Cộng quân vối quân số đông hơn gấp 10 lần. Cuối cùng, các chiến sĩ Mũ Nâu phải mở một con đường máu xuyên qua vòng vây của Cộng quân.

 

Dưới quyền điều động của Thiếu tá Khang, các sĩ quan và binh sĩ còn mạnh khỏe đi đầu, thương binh được dìu theo sau. Bộ Tư Lệnh Hành Quân tại Khe Sanh và Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân tại Phú Lộc mất liên lạc vô tuyến với Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân lúc 5 giờ 10 chiều ngày 20 tháng 2. Mãi tới khuya mới nhận được tin thành phần còn lại của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân, gồm gần 200 quân nhân trong số đó có 107 người còn khả năng chiến đấu và 92 người bị thương, đã di chuyển đến được căn cứ Biệt Động Quân Nam cùng với vũ khí.

 

Theo các tài liệu báo cáo của Hoa Kỳ, trong tổng số trên 400 quân nhân, thiệt hại của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân được ghi nhận là 178 người chết hay mất tích, 148 bị thương. Thiệt hại về phía Cộng quân gồm 639 chết và gần 500 vũ khí bị phá hủy hay tịch thâu.

 

Sau khi Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân rút đi, dưới hỏa lực khủng khiếp của phi pháo dội thẳng vào vị trí, Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc trở thành một bãi tha ma lớn chôn vùi hàng trăm Cộng quân "sinh Bắc tử Nam." Trên đỉnh đồi, gần hầm chỉ huy của Thiếu Tá Khang, cảnh tượng còn hãi hùng hơn. Từng đống xác Cộng quân tan nát không còn nhận ra hình thù vì bom đạn của phi cơ Hoa Kỳ vá pháo binh VNCH. Mùi thuốc súng, mùi bom đạn, mùi thịt người chết chết cháy khét lẹt vì bom napalm... khiến bầu không khí trở nên rùng rợn, nghẹt thở.

 

Tuy máy bay chỉ đếm được 639 xác Cộng quân, nhưng còn hàng trăm xác khác bị vùi sâu trong hầm hố hay tan nát cùng đất đá Hạ Lào không thể đếm được. Trên đường di tản đến căn căn cứ Biệt Động Quân Nam, binh sĩ Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân phải đạp qua hàng trăm xác địch nằm ngổn ngang quanh căn cứ và lội qua những con "suối máu" tràn ngập kbắp chân đồi. Thiếu Tá Khang cũng cho biết khi rời bỏ căn cứ, chính mắt ông đã nhìn thấy hàng đống xác Cộng quân chết thành từng chùm ba, bốn chục tên.

 

Về hỏa lực phòng không của Cộng quân tại vùng căn cứ Biệt Động Quân Bắc, trong một dịp tiếp xúc mới đây, Trung Tá Khang cho biết ông không rõ chi tiết về các ổ phòng không của Cộng quân bố trí dọc theo đường bay tới căn cứ. Nhưng các trực thăng đã bị bắn lên dữ dội từ xa. Riêng quanh vị trí Biệt Động Quân Bắc, địch đặt rất nhiều súng cối đã điều chỉnh sẵn nên pháo kích rất chính xác, gây thiệt hại nặng cho những trực thăng vừa đáp xuống.

 

Về việc yểm trợ của phi cơ Hoa Kỳ, nhất là trực thăng, Trung Tá Khang nói dường như các phi cơ chỉ bắn phá với mục đích yểm trợ ưu tiên cho trực thăng đáp xuống để bốc anh y tá Fujii ra. Còn phần yểm trợ cho Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân phòng thủ căn cứ chỉ là thứ yếu.

 

Riêng phi công trực thăng tản thương Hoa Kỳ Joel Dozhier (DMZ Dust Off) kể lại về phi vụ của anh như sau:

 

"Chiều tối hôm đó, toán tản thương chúng tôi được lệnh phải chuẩn bị gấp 5 trực thăng để tản thương chừng 100 người tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc. Thuyết trình viên cho biết có rất nhiều vị trí phòng không địch trong vùng nên Bộ Tư Lệnh Hành Quân đã dự trù một hàng rào đạn pháo binh hình móng ngựa để bảo vệ các trực thăng bay bên trong. Lúc đó, chúng tôi đã bay tản thương suốt ngày nên ai nấy đều mệt mỏi, do đó có phi công đề nghị hãy hoãn phi vụ đến sáng mai. Bộ Tư Lệnh trả lời rằng tình hình rất nghiêm trọng, rất có thể sẽ chẳng còn ngày mai cho căn cứ Biệt Động Quân Bắc! Vì vậy, toán trực thăng phải lên đường gấp.

 

Chúng tôi đã thiết lập đội hình và kế hoạch lần lượt bay vào bên trong hàng rào hỏa lực. Khi tất cả đã vào trong hình móng ngựa tưởng tượng, lúc đó pháo binh sẽ chuyển xạ tiến lần về căn cứ Biệt Động Quân Bắc. Nhưng khi sắp sửa thi hành, không may một trực thăng trong toán là Dust Off 30 bị tai nạn trong lúc đổ xăng nên chúng tôi lại phải dành một chiếc khác trong toán để đưa những phi công bị thương về Quảng Trị. Vì chỉ còn lại có 3 chiếc, Bộ Tư Lệnh phải kiếm thêm một chiếc nữa để thay thế. Khi trực thăng này tới thì đã quá trễ. Chúng tôi hay tin căn cứ Biệt Động Quân Bắc đã di tản nên công tác được hủy bỏ".

 

Sau đây là lời tường thuật của một số nhân chứng Hoa Kỳ và Việt Nam có mặt tại căn cứ Biệt Động Quân Bắc khi vị trí này bị thất thủ.

 

Trung Tá Robert F. Molinelli, Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2, Lữ Đoàn 17 Không Kỵ Hoa Kỳ là người có mặt trên không phận căn cứ Biệt Động Quân Bắc trong lúc trận đánh diễn ra ác liệt nhất, đã mô tả:

 

"Quân số địch đông hơn Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân ít nhất 8 lần. Trong 3 ngày liền, hỏa lực phòng không địch cực kỳ dữ dội khiến trực thăng của chúng tôi không thể nào đáp xuống để tiếp tế hay tản thương. Khi đã bắn hết đạn, các chiến sĩ Biệt Động Quân phải lật từng xác địch quân để tìm kiếm vũ khí và đạn dược của chúng để tiềp tục chiến đấu. Lúc phải rời bỏ vị trí, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đánh xuyên qua lực lượng bao vây của cả một Trung Đoàn địch, dùng chính vũ khí của Cộng quân để đánh lại chúng".

 

Đại Úy Không quân William Cathay, một phi công phản lực cơ Phanton F-4 thuộc Phi Đoàn Khu Trục 40, nói: "Căn cứ Biệt Động Quân Bắc trông giống như một bãi chiến trường hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi đã thả bom napalm thật gần, chỉ cách quân bạn chừng 100 thước. Chúng tôi còn trông thấy rất rõ ràng địch quân đang ẩn nấp dưới giao thông hào".

 

Trong tác phẩm Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lửc 30 của Đại Úy Pháo Binh Trương Duy Hy, Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C/44 Pháo Binh, có kể lại việc Hạ Sĩ Phan văn Đăng thuộc Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân, khoảng trên 20 tuổi, người Huế, đã thuật lại những giờ phút oai hùng nhất của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân như sau:

 

"Sau ngày toàn thắng 19 tháng 2, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân chiến thắng lớn, tịch thu trên 500 vũ khí đủ loại, phá nát các kho chứa hàng ven đường mòn Hồ Chí Minh, giết trọn một Tiểu Đoàn Cộng quân, xác nằm la liệt trên trận địa. Sau đó, chúng phản công mãnh liệt, đại đội của anh bắn đến viên đạn cuối cùng mới rút đi theo lệnh của Thiếu Tá Khang, Tiểu Đoàn Trưởng."

 

Anh Đăng còn cho biết Cộng quân đã thí mạng khủng khiếp chưa từng thấy so với mấy chục trận đụng độ ác liệt anh từng tham dự trong chiến trường quốc nội. Đại Đội của anh đã phải cận chiến vô cùng dữ dội với địch quân để giữ vững vị trí. Sau cùng, Đại Đội của anh phải phân tán mỏng để khỏi bị biển người của Cộng quân tiêu diệt.

 

Nhìn chung, nếu so sánh thiệt hại về nhân mạng cũng như vũ khí, Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đã thắng lớn với tỉ số nhân mạng 1 đổi 10. Nhưng về mặt chiến thuật, việc căn cứ Biệt Động Quân Bắc bị thất thủ được coi như một bước lùi quan trọng trong kế hoạch tấn công của cuộc hành quân Lam Sơn 719. Chẳng những Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân đã không còn khả năng tác chiến, mà màng lưới phòng thủ mặt Bắc của Quân Lực VNCH cũng đã bị thủng một lỗ lớn khiến Cộng quân dễ dàng theo đó tràn sâu xuống vùng hành quân Nam gần đường số 9.

 


Phần 5

 

 

TRẬN ĐÁNH TẠI CĂN CỨ BIỆT ĐỘNG QUÂN NAM (RANGER SOUTH)

 

Sau khi tiền đồn Biệt Động Quân Bắc bị thất thủ và thành phần còn lại của Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân rút về được căn cứ Biệt Động Quân Nam vào tối 20 tháng 2, Cộng quân tiếp tục tấn công và bao vây các vị trí của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân.

 

Trong suốt ngày 21 tháng 2 và cả đến đêm, địch pháo kích không ngừng, kể cả đạn đại bác hạng nặng 130 ly và hỏa tiễn 122 ly. Cộng quân vừa pháo kích, vừa tung ra những cuộc tấn công biển người vào các vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân. Nhưng dù trong hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi và bị cô lập, các chiến sĩ Biệt Động Quân vẫn can đảm chiến đấu khiến Cộng quân không sao xâm nhập được vị trí.

 

Sang ngày 22 tháng 2, dưới màng lưới phòng không dầy đặc, 13 chiếc trực thăng tải thương đã liều lĩnh đáp xuống căn cứ Biệt Động Quân Nam, di tản được 122 chiến sĩ Biệt Động Quân bị thương cùng với anh y tá Fujii và một phi công trực thăng Hoa Kỳ bị kẹt lại từ ngày hôm trước. Lúc này, căn cứ Biệt Động Quân Nam còn lại chừng 400 binh sĩ, kể cả khoảng 100 người thuộc Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân vừa di tản tới.

 

Mặc dù có nhiều phi vụ oanh tạc dữ dội, kể cả pháo đài bay B-52 trải thảm bom, Cộng quân vẫn bám sát trận địa và liên tục pháo kích vào các vị trí Biệt Động Quân. Sau những đợt pháo, địch lại tung ra nhiều đợt tấn công biển người nhằm tràn ngập lực lượng trú phòng, nhưng các chiến sĩ Mũ Nâu gan dạ của Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Hiệp, Tiểu Đoàn Trưởng chỉ huy vẫn bình tĩnh chiến đấu và đẩy lui hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác trong nhiều ngày liên tiếp.

 

Tuy nhiên, sau nhiều trận đánh dằng giai, sang ngày 24 tháng 2, Bộ Tư Lệnh Hành Quân tại Khe Sanh lượng định lại tình hình và nhận thấy rằng nỗ lực bảo vệ căn cứ Biệt Động Quân Nam trở nên quá nặng, đòi hỏi hầu hết các phương tiện yểm trợ phi pháo của toàn chiến trường khiến các mặt trận quan trọng khác không được yểm trợ đầy đủ như ý muốn. Do đó, Bộ Tư Lệnh Hành Quân quyết định di tản Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân bằng trực thăng về Căn Cứ Hỏa Lực 30.

 

Khoảng 9 giờ sáng ngày 25 tháng 2, Kế hoạch "Zulu 1" để triệt thoái Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân được ban hành. Qua sự điều chỉnh pháo binh của Trung Úy Kim, sĩ quan tiền sát pháo binh của cánh quân Biệt Động Quân tại Căn Cứ Hỏa Lực 30, hai khẩu đại bác 155 ly thuộc Pháo Đội C/44 tại Căn Cứ Hỏa Lực 30 và toàn thể Pháo Đội A/44 tại Phú Lộc tác xạ liên tục để yểm trợ cho cuộc rút quân.

 

Trên không, khi pháo binh vừa ngưng, từng đoàn tực thăng võ trang và phi cơ oanh tạc Hoa Kỳ thay phiên nhau trút bom đạn và hỏa tiễn vào các vị trí của Công quân khiến chúng không ngóc đầu lên được. Tới khoảng 10 giờ sáng, sau khi phi pháo cày nát vùng đất quanh Căn Cứ Biệt Động Quân Nam, bốn chiếc trực thăng võ trang Cobra hộ tống một đoàn trực thăng chở quân bất thần nhào xuống để bốc Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân.

 

Tuy bị oanh kích dữ dội, các ổ phòng không địch vẫn đồng loạt khai hỏa. Đạn phòng không nổ đầy trời tạo thành những đóa hoa của tử thần nhưng những phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ vẫn can đảm hoàn tất nhiệm vụ. Từng chiếc trực thăng lao vội xuốn bãi đáp chật hẹp mới được thiết lập vội vã trong đêm, bốc những chiến sĩ Biệt Động Quân thuộc 2 Tiểu Đoàn 21 và 39 đã đơn độc chiến đấu với Sư Đoàn 308 của Cộng quân cả tuần lễ tại mặt trận Bắc đường số 9.

 

Những trực thăng chở quân sau đó đáp an toàn xuống Căn Cứ Hỏa Lực 30 chỉ cách khoảng 5 cây số về phía Nam. Có vài binh sĩ Biệt Động Quân vội vã bám cả vào càng trực thăng. Khi về tới bãi đáp Căn Cứ Hỏa Lực 30, Thiếu tá Hiệp, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân cho biết tình hình mặt Bắc rất nặng. Quân số Cộng quân có cả sư đoàn với nhiều trung đoàn phòng không và pháo binh nặng trợ chiến.

 

Sau đó, hầu hết các chiến sĩ Biệt Động Quân được trực thăng bốc về Phú Lộc nội trong ngày, chỉ còn một số nhỏ còn kẹt lại tại Căn Cứ Hỏa Lực 30. Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân, trong cuộc phỏng vấn mới đây cho biết thêm nhiều chi tiết về cuộc di tản trong hoàn cảnh ngặt nghèo này như sau:

 

Ngày 24 tháng 2, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân được lệnh chuẩn bị di tản khẩn cấp bằng trực thăng vào sáng hôm sau. Theo chỉ thị của thượng cấp, đơn vị phải phá hủy 4 khẩu đại bác 106 ly không giật bằng cách phá cơ bẩm vì những khẩu súng này quá nặng và cồng kềnh không đủ thì giờ mang theo và cũng không đủ trực thăng để chuyên chở vì ưu tiên được dành cho người. Do đó, cả 4 khẩu đại bác dùng để bắn chiến xa đã bị phá hủy.

 

Khuya hôm đó, từ những vị trí phòng thủ sát đường 1032A, các chiến sĩ Mũ Nâu nhìn thấy rõ ràng một đoàn xe thiết giáp của Cộng quân di chuyển ngay bên cạnh tiến về hướng Nam. Rất tiếc, loại vũ khí chống chiến xa duy nhất là các khẩu đại bác 106 ly không giật đã bị phá hủy nên Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân đã không còn cơ hội tiêu diệt dễ dàng những chiến xa này.

 

Tiểu đoàn cũng được lệnh vào sáng sớm ngày 25 tháng 2 phải chặt cây rừng để thiết lập một bãi bốc quân mới vì những bãi đáp cũ đã bị những tổ súng cối của địch chấm sẵn tọa độ và điều chỉnh nên pháo kích rất chính xác. Nhưng vì mở lầm khóa truyền tin nên đơn vị đã ra lệnh khai quang bãi đáp vào lúc nửa đêm. Do đó, địch đã không phát hiện được bãi đáp mới nên chưa kịp điều chỉnh súng cối khi trực thăng bất thần đáp xuống bốc quân khiến cuộc di tản được tương đối an toàn. Kết quả, Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân tuy bị áp lực nặng nề nhưng không bị thiệt hại nặng.

 

Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân có một đại đội làm tiền đồn trên đỉnh đối lân cận cao hơn. Đêm trước khi di tản, đại đội này được lệnh rút về căn cứ chính. Ngay sau đó có một trực thăng Hoa Kỳ bị bắn rơi nên các trực thăng võ trang và phi cơ Hoa Kỳ lập tức tới bắn phá bắn gần như san bằng ngọn đồi cao nơi đại đội Biệt Động Quân vưa mới rút đi này. Nếu đại đội tiền đồn còn ở lại ngọn đồi, chẳng hiểu thiệt hại sẽ ra sao, nhưng chắc chắn sẽ rất nặng.

 

Phòng không địch vô cùng mãnh liệt, các ổ súng đặt xen kẽ nhau bắn chéo cánh sẻ như đan lưới mỗi khi thấy trực thăng tới gần. Ban đêm, đạn phòng không bắn lên như pháo bông đỏ trời.

 

Đặc biệt, chúng tôi có dịp trực tiếp hỏi Thiếu Tá Thưởng về trường hợp người hùng của báo chí Hoa Kỳ là anh y tá Fujii đã trợ giúp Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân được những gì trong việc đẩy lui Cộng quân, và việc anh tình nguyện ở lại để trợ giúp có thật hay không?

 

Thiếu Tá Thưởng cho biết anh "cố vấn" không may này lúc đó bị kẹt lần thứ hai tại mặt trận nên đã quá sợ, không giúp được gì cho Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân, kể cả việc liên lạc truyền tin, còn nói gì đến chuyện tình nguyện ở lại làm cố vấn! Lúc đó, chỉ có Thiếu Tá Thưởng và sĩ quan truyền tin là Thiếu Úy Nguyễn Sơn đảm trách việc liên lạc với phi cơ Hoa Kỳ và Pháo Binh yểm trợ.

 

HẬU QUẢ VÀ NHẬN XÉT

 

Nhìn chung, các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân tại mặt Bắc bị thiệt hại khá nặng vì các trận cường tập biển người liên tiếp của Cộng quân, nhưng số thương vong của địch còn cao hơn nhiều. Nếu chỉ kể về nhân mạng hay về mặt chiến thuật, Cộng quân đã bị thảm bại. Nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, thiệt hại về nhân mạng tuy đáng kể, nhưng không quan trọng bằng việc "cắt đứt đường tiếp vận của địch tại Lào" để giết địch về lâu về dài, không nhất thiết gây thiệt hại nhân mạng ngay tại chỗ.

 

Do đó, tuy các Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đã giết được nhiều địch quân, nhưng lại phải di tản nên bỏ trống những vị trí quan trọng nên thật ra lực lượng hành quân đã bị yếu thế về phương diện chiến lược vì những lý do sau đây:

 

1. Quân Lực VNCH đang từ thế tấn công trở thành phòng thủ, trong khi ngược lại, Cộng quân từ thế bị động trở thành chủ động. Với khả năng tăng viện từ vùng Phi Quân Sự, quân số Cộng quân ngày càng gia tăng tại chiến trường trong khi Quân Lực VNCH ở thế phòng thủ thụ động nên lực lượng bị chia cắt không yểm trợ được lẫn nhau.

 

Quan niệm liên hoàn "hỗ tương yểm trợ" của các căn cứ hỏa lực bị phá vỡ vì căn cứ nào cũng bị bao vây cô lập nên phải tự chống trả. Mỗi vị trí Quân Lực VNCH bị biển người Cộng quân có chiến xa và trọng pháo bao vây nên trở trở thành những ốc đảo, khiến địch tự do thao túng, lựa chọn mục tiêu để dứt điểm.

 

2. Về mặt tinh thần, tin hai Tiểu Đoàn Biệt Động Quân phòng thủ mặt Bắc phải di tản khiến các binh sĩ Dù tại các Căn Cứ Hỏa Lực 30 và 31 là lớp khiên phòng thủ thứ hai phần nào hoang mang giao động.

 

Kể từ nay, hai Căn Cứ Hỏa Lực này bỗng nhiên trở thành các vị trí tiền đồn, vừa phải nhận lãnh trách nhiệm ngăn chặn địch quân do Biệt Động Quân để lại, vừa phải tự bảo vệ, coi như "lưỡng diện thọ địch." Ngoài ra, lại còn phải đảm đương trách nhiệm yểm trợ và bảo vệ cho nỗ lực chính trên đường số 9 tiến chiến Tchepone.

 

Riêng đối với các chiến sĩ Mũ Nâu, sau các trận đánh để đời tại mặt trận Bắc đường số 9, toàn bộ lực lượng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân được rút về căn cứ Phú Lộc nên không còn trực tiếp tham dự cuộc hành quân trong phần đất Lào từ đó.

 

3. Với tin hai tiểu đoàn Biệt Động Quân bị thiệt hại và di tản, các phóng viên ngoại quốc lại càng thổi phồng những tin tức bất lợi cho Quân Lực VNCH. Hình ảnh vài quân nhân Biệt Động Quân ngồi trên càng trực thăng hay những chuyến trực thăng tải thương đầy xác chết và những người lính bị thương hoặc những khuôn mặt bơ phờ hốc hác sau nhiều ngày tử chiến không được tiếp tế hay tăng viện đã là những đề tài nóng hổi để báo chí Hoa Kỳ triệt để khai thác...

 

Những hình ảnh này đã được các hãng thông tấn ngoại quốc loan truyền đi khắp thế giới khiến dư luận quốc tế cũng như quốc nội lầm tưởng rằng Quân Lực VNCH đang bị sa lầy và tìm đủ mọi cách để chạy trốn khỏi Hạ Lào. Bàn về dư luận không thuận lợi này, anh y tá Fujii, người đã trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân trong lúc chiến trường nóng bỏng nhất đã phát biểu:

 

"Tôi cho rằng các chiến sĩ Biệt Động Quân Quân Lực VNCH là những binh sĩ chuyên nghiệp và tài giỏi nhất mà tôi đã rất hân hạnh được cộng tác. Nếu có dịp, tôi sẽ không ngần ngại lại cùng chiến đấu với các Biệt Động Quân."

 

Trung Tá Molinelli, chỉ huy trưởng đơn vị trực thăng trực tiếp yểm trợ cánh quân Biệt Động Quân cũng bầy tỏ cảm tưởng tương tự: "Đúng, một số Biệt Động Quân đã bám vào càng trực thăng để được di tản mau chóng khỏi trận địa. Nhưng một số lớn khác đã không hốt hoảng như vậy."

 

4. Một thiệt hại gián tiếp khác của Quân Lực VNCH vì hậu quả của các trận đánh tại các căn cứ Biệt Động Quân là cái chết của Trung Tướng Đổ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III và là người hùng trong trận đánh vượt biên sang Cam Bốt vào năm 1970.

 

Việc các căn cứ Biệt Động Quân thất thủ là thất bại quan trọng đầu tiên cho lực lượng VNCH trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Do đó, theo các tài liệu Hoa Kỳ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng tướng Lãm đã không có những quyết định đúng lúc, đúng mức và đúng chỗ khiến cuộc hành quân bị trì trệ và lực lượng hành quâm lâm vào tình thế bất lợi.

 

Vì vậy, Tổng Thống Thiệu đã mời Tướng Trí từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III về Sài Gòn để thảo luận. Nguồn tin Hoa Kỳ cũng nói rằng, vào ngày 23 tháng 2, Tổng Thống Thiệu đã trao chức vụ Tư Lệnh cuộc hành quân Lam Sơn 719 cho Tướng Trí. Nhưng trên đường đi nhận nhiệm vụ mới được trao phó, chẳng may ông bị tử nạn trực thăng. Tướng Lãm vì vậy vẫn còn giữ chức Tư Lệnh Hành Quân.

 

HẾT

 


No comments:

Post a Comment