Tám Vạn
(1 tháng 4, 2024)
Nhằm
ổn định lại tinh thần của các binh sĩ đang bị suy sụp, chương trình
phát thanh “Dạ Lan” của Đài Tiếng nói quân đội được thực hiện vào năm
1964 sau khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ. Chương trình “Dạ Lan” được
phỏng theo phong trào đồng minh vận của Nhật-Bản trong thế chiến cũng
như chương trình địch vận “Hoa Hồng Đen” của Đài-Loan hướng về Trung-Hoa
lục địa vào thập niên 50. “Dạ Lan” được xem như một loài hoa nở về đêm,
là lời nhắn nhủ của em gái nơi hậu phương với các anh chiến sĩ ngoài
tiền tuyến và được phát thanh mỗi tối từ 7 giờ đến 9 giờ.
Cô
Hoàng Thị Xuân Lan của đài phát thanh Đông-Hà được tuyển chọn làm xướng
ngôn viên cho chương trình “Dạ Lan”. Với giọng nói êm dịu và truyền
cảm, Dạ Lan gửi gắm những tâm tình cùng những bản hùng ca hay những khúc
tình ca như ân cần rót vào lòng người chiến binh xa nhà. Chiến sĩ ở bốn
vùng chiến thuật như nhận được một niềm khích lệ, an ủi lớn lao từ hậu
phương và biết bao cánh thư gửi về hỏi thăm tin tức cũng như chia sớt
tình thương với cô xướng ngôn viên có giọng nói dễ thương, gần gũi. “Dạ
Lan” báo tin vui, buồn từ những trận đánh khắp bốn vùng khói lửa cũng
như gửi đến các anh tin tức nơi quê nhà và gửi gắm những bài ca được yêu
cầu phát thanh trên làn sóng điện. “Dạ Lan” cũng “mát tay mai mối” cho
những mối tình “anh tiền tuyến, em hậu phương” và mối duyên lành đó đến
hiện giờ vẫn được hạnh phúc bên nhau dù còn ở trong nước hay đã dạt trôi
nơi xứ người.
Chương
trình “Dạ Lan” đang được yêu thích thì khoảng giữa năm 1966 , cô Xuân
Lan xin nghỉ việc bất ngờ. Hai ca sĩ Mai Hương và Phương Dung được mời
thay thế tạm thời cho cô Xuân Lan. Nhưng hai nữ ca sĩ này chỉ phụ giúp
được một thời gian ngắn, vì cả hai bận thu thanh, thu dĩa, trình diễn
hằng đêm ở các phòng trà hay trên sân khấu đại nhạc hội.
Cô
Hồng Thị Phương Lan tức Mỹ Linh là xướng ngôn viên lâu năm của đài
tiếng nói quân đội được chọn thay thế cô Xuân Lan. May mắn thay, giọng
nói của hai cô giống nhau đến nỗi khó ai có thể nhận ra được ngoại trừ
các anh em dàn dựng chương trình hay nhân viên làm việc ở đài phát
thanh. Chương trình vẫn được tiếp tục phát thanh và thăng hoa hằng đêm
với cô Dạ Lan “số 2”.
Tất
cả bài vở, chọn lọc nhạc bản và tin tức gần xa do thi sĩ Mai Trung Tĩnh
(đại úy Nguyễn Thiệu Hùng) phụ trách. Rất nhiều nghệ sĩ đã góp công sức
cho chương trình như nhạc sĩ Ngọc Bích, Đan Thọ, Anh Ngọc, Xuân Tiên,
Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Đức, Trần Thiện Thanh, Trần Trịnh, v.v..
Ngoài ra, các văn, thi sĩ như Huy Phương, Nguyễn Triệu Nam, Nhất Tuấn,
Dương Phục, Phạm Huấn, Tô Kiều Ngân, v.v.. cũng góp phần không nhỏ điểm
tô cho “Dạ Lan” thêm đậm đà hương sắc.
Hãy cùng nhau đọc (nghe) lại những tâm tình của Dạ Lan khi nhắc về binh chủng Biệt Động Quân: “Biệt
Động Quân, những người chiến sĩ mũ nâu với huy hiệu “thần hổ” oai hùng
và dũng cảm, đã làm khiếp đảm địch quân qua những chiến trận kinh hồn
tại Bình-Long, An-Lộc và trên khắp bốn vùng chiến thuật. Những chiến
công từ Quảng-Trị đến mũi Cà-Mau đã làm rạng danh 7 liên đoàn Biệt Động
Quân, những người chiến sĩ vô địch của những trận chiến sình lầy nước
đọng. Noi gương anh dũng của những bậc đàn anh, trung tá Kiệt, tiểu đoàn
42 Biệt Động Quân, Nguyễn Văn Dần, tiểu đoàn 44 Biệt Động Quân và những
anh hùng mũ nâu vô danh khác, thiếu úy Nguyễn Ngọc Lân, tiểu đoàn 31
Biệt Động Quân đã một sớm lên đường thề quyết thi hành nhiệm vụ trai
thời chiến. Tiễn đưa anh, có một lời hứa sắt son của người em gái hậu
phương, kiên trì chờ đợi anh trở về trong vinh quang. Nhưng, người chiến
sĩ đó đã ra đi mãi mãi tại chiến trường Bình-Long, bỏ lại sau lưng cả
một vùng trời thương tiếc.
Nhạc phẩm ‘Một người đi’ của Mai Châu, Dạ Lan xin thân tặng cho các anh chiến sĩ Biệt Động Quân kiêu hùng”.
Bài
hát với lời ca thắm thiết nhưng lời giới thiệu và giọng đọc của cô
xướng ngôn viên đã làm xao xuyến lòng người giữa hoàn cảnh chiến tranh
khốc liệt.
Ngoài
chương trình “Dạ Lan”, một vài chương trình khác được thực hiện như
“chương trình gia binh” với Ngọc Dung, chương trình “bình định và xây
dựng nông thôn” với Mai Trang , chương trình “tình yêu và tổ quốc” với
Mai Hương và Thu Hoài nhằm kêu gọi các cán binh miền bắc ra hồi chánh,
chương trình “quân nhân vui sống” tức “lính hát, lính nghe” với Tâm Đan.
Miền
Nam Việt-Nam bị thất thủ vào cuối tháng tư năm 1975 và chương trình “Dạ
Lan” cũng ngậm ngùi trôi theo mệnh nước. Hai cô Xuân Lan và Phương Lan
không kịp di tản ngày Sài-Gòn hấp hối. Mãi đến sau này nghe tin cô Xuân
Lan (Dạ Lan 1) nương náu ở một kiểng chùa nhưng không xuất gia tu hành.
Cô Phương Lan (Dạ Lan 2) được gia đình bão lãnh sang định cư ở Hoa-Kỳ và
cũng qua đời mấy năm gần đây. Mấy mươi năm vật đổi sao dời nhưng chương
trình phát thanh “Dạ Lan” mãi mãi là một huyền thoại về cuộc đời lính
chiến gian khổ nhưng oai hùng và âm ỉ trong lòng các “anh trai tiền
tuyến và em gái hậu phương” một thời binh lửa đã trôi xa
•Nhớ Về "CHƯƠNG TRÌNH DẠ LAN" – Huyền Thoại “EM GÁI HẬU PHƯƠNG" Một Thời ...
No comments:
Post a Comment