; }

"FINGER IN A DYKE" NGÓN TAY BỊT LỖ ĐẬP CỦA CẬU BÉ HÒA LAN

Đây là bức tượng của một cậu bé, đặt ở thành phố Harlingen vùng tây bắc Hà Lan. Bức tượng này là một điểm thu hút khách du lịch, nhờ vào huyền thoại về cậu bé đó. Ngoài bức tượng này, cậu bé còn được dựng tượng ở nhiều thành phố khác của Hà Lan. Chuyện là,
Trong một đêm mưa gió rét mướt, nước sông dâng cao, một con đập ở Haarlem bị thủng một lỗ nhỏ xíu và nước bắt đầu rò qua. Cậu bé Peter một mình đi ngang qua nhìn thấy cái tia nước phun ra từ chỗ thủng đó. Ta có thể biết rằng nước chảy qua một chỗ vỡ nhỏ sẽ khoét dần thành rộng ra, càng rộng ra thì sức nước lại càng khoét nhanh, và chẳng bao lâu chỗ thủng sẽ trở thành một cái họng xả lớn, rồi có thể vỡ nguyên cả con đập.
Là người Hà Lan đẻ ra và lớn lên dưới chân các con đập, Peter biết nguy cơ đó. Cậu nhanh trí lấy ngón tay nhét vô cái lỗ thủng rồi la hét cầu cứu. Chẳng may, chỗ ấy quá xa làng nên chẳng ai nghe thấy. Peter kiên cường cắn răng ngồi trong giá rét đến đông cứng người, với một ngón tay nhét trong thân đập. Trời sáng, người lớn trong làng đi ra và phát hiện sự cố. Họ nhanh chóng cùng nhau vá kín cái lỗ thủng. Peter thông minh, dũng cảm và lỳ lợm đã cứu được con đập, cứu được người dân của cả vùng.
Về mặt nguyên lý kỹ thuật, đây là một tình huống và giải pháp hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Cũng như chuyện cái anh gì người mình đè người lên mấy bao cát để chặn dòng nước phá đập, mà báo chí vừa đưa. Đó là tình huống chặn đỡ tạm thời một chỗ vỡ nhỏ để làm chậm tiến trình nước khoét rộng thêm ra, trong khi chờ lực lượng ứng cứu hàn vá với những vật liệu hữu hiệu hơn. Chứ đó không phải là giải pháp thực sự và cuối cùng.
Trên thực tế, một tình huống chặn đỡ tương tự đã được ghi nhận trong lịch sử ở Hà Lan vào đêm mồng 1 tháng 2 năm 1953. Khi một con đập bị vỡ một đoạn dài 15 mét và nước bắt đầu ồ ạt tràn qua đổ xuống hạ lưu, thuyền trưởng Evergroen đã tức tốc lái chiếc thuyền Twee Gebroeders dài 18 mét đến chặn ngang chỗ thủng. Những người khác nhanh chóng dùng bao cát hàn kín chỗ vỡ được con tàu che đỡ. Họ kịp thời cứu được con đập, tránh được một trận lụt khủng cho một vùng có đến 3 triệu cư dân. Cũng trong đợt mưa lụt đó, một con đập ở vùng khác không may mắn được cứu như vậy, đã vỡ và lấy đi sinh mạng của 1796 người.
Nhưng cũng trên thực tế, không một người Hà Lan nào từng biết tới Cậu bé Hà Lan dũng cảm nọ. Chưa từng tồn tại một cậu bé Hà Lan nào ngồi suốt đêm nhét một ngón tay vào lỗ thủng trên thân đập. Câu chuyện về cậu bé Hà Lan đó nổi lên rần rần ở... Mỹ và ở Anh, được dựng cả thành phim, sau một cuốn truyện thiếu nhi về các cậu bé dũng cảm xuất bản năm 1863 của nữ văn sỹ Mỹ Mary Mapes Dodge. Và bà Dodge thực ra lại mượn cái tình tiết "cậu bé Hà Lan nhét ngón tay vô lỗ đập" đó từ một cuốn truyện thiếu nhi khác xuất bản năm 1848 của văn sỹ Eugenie Foa người... Pháp. Mấy người này, trước khi viết truyện, chưa từng tới Hà Lan.
Bức tượng trong hình, thực ra là được tạc năm 1960 để dùng trong một bộ phim, rồi sau đó được tặng lại cho thành phố Harlingen. Họ để đó để dụ dỗ khách du lịch mà thôi.
Nhưng, về nguyên lý kỹ thuật mà nói, hoàn toàn có thể tồn tại một cậu bé Hà Lan, hay một chàng trai Việt Nam nào đó, ngồi cả đêm với một ngón tay nhét trong một cái lỗ! Fb Đỗ Nguyệt Ái

No comments:

Post a Comment