; }

BỆNH PARKINSON


Càng ngày chúng ta càng nghe nói nhiều đến bệnh Parkinson và thường trong chúng ta ai cũng có biết ít nhất một người mắc bệnh này, điển hình là tài tử đẹp trai nhỏ con Michael Fox, vai chánh trong các cuốn phim Back To The Future.
Bệnh Parkinson là một bệnh của hệ thần kinh, phát ra triệu chứng ở những cử động của thân xác. Bệnh khởi phát rất chậm, thường bắt đầu từ một bàn tay run rẩy rất nhẹ, hoặc cử động bị chậm hay “đông cứng” lại. Người thân thường nhận thấy mặt bệnh nhân không lộ cảm xúc hay tay không đong đưa khi bước đi. Triệu chứng bệnh sẽ càng ngày càng nặng khi bệnh tiến triển thêm. Hiện chưa có thuốc chữa dứt bệnh này.

Triệu chứng
Triệu chứng bệnh khác nhau ở mỗi người. Những triệu chứng đầu tiên có thể không được nhận ra lúc đầu. Thường một bên người sẽ có triệu chứng trước rồi mới tới bên kia tuy bên bị trước bao giờ cũng nặng hơn. Triệu chứng gồm có:
- Run rẩy: Thường một bên bàn tay sẽ bắt đầu run rẩy. Bệnh nhân có thể có cử động “vê viên thuốc” giữa ngón cái và ngón trỏ khi ngồi nghỉ. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng run rẩy.
- Cử động chậm: Theo thời gian, bệnh nhân mất dần khả năng cử động khiến họ không thể làm những việc giản dị nhất. Bước đi của họ trở nên ngắn và loạng choạng hoặc bàn chân như bị dính xuống đất khiến khó bước.
- Bắp thịt cứng lại ở bất cứ nơi nào trong thân thể, đôi khi rất nặng khiến bệnh nhân không cử động được nhiều và bị đau. Người thân sẽ nhận ra bệnh nhân không đong đưa tay khi đi bộ.
- Thăng bằng và bộ dáng bị thay đổi: Bộ dáng bệnh nhân bị khòm, thăng bằng cũng bị ảnh hưởng vào giai đoạn cuối của bệnh.
- Mất những cử động tự nhiên như chớp mắt, cười, đong đưa tay khi đi bộ. Nhiều người có vẻ mặt vô cảm, mắt không chớp hoặc nói chuyện một cách cứng nhắc, không hồn.
- Thay đổi tiếng nói: Bệnh nhân có thể nói nhỏ, nhanh hay nói một cách đều đều vô hồn. Tiếng nói có thể không rõ, hay nhắc đi nhắc lại, hoặc nói ngập ngừng.
- Bị lú lẩn: Ở giai đoạn cuối, nhiều bệnh nhân bị giảm trí nhớ hay không còn minh mẫn.

Nguyên nhân
Hiện chưa tìm được nguyên nhân rõ rệt gây bệnh Parkinson nhưng các yếu tố sau có thể có liên quan tới bệnh:
- Di truyền: Một số gene bị thay đổi có thể do di truyền hoặc do môi trường bên ngoài, gây ra bệnh.
- Môi trường: Bị nhiễm chất độc hay siêu vi trùng có thể làm khởi phát bệnh.
- Thiếu chất dopamine: Nhiều triệu chứng bệnh Parkinson có thể do thiếu chất dopamine, một chất truyền tín hiệu thần kinh trong óc, do các tế bào tiết ra chất này bị chết đi hay bị hư hoại, không rõ vì đâu.
- Thiếu chất norepinephrine: Chỗ cuối dây thần kinh, nơi tiết ra chất truyền tín hiệu norepinephrine, bị hư hoại. Chất này có nhiệm vụ trong hệ thần kinh tự động, điều khiển những chức năng tự động như điều chỉnh huyết áp.
- Hạt Lewy: Là những cục chất đạm tìm thấy trong nhiều bệnh nhân Parkinson. Nguồn gốc và tác dụng của các hạt này vẫn còn là một bí ẩn.

Ai dễ bị bệnh?
- Tuổi tác: Người tuổi trung niên hay tuổi già dễ bị bệnh hơn người trẻ.
- Di truyền: Có người thân bị bệnh sẽ dễ bị bệnh hơn.
- Phái tính: Đàn ông dễ bị bệnh hơn đàn bà.
- Bị nhiễm chất độc: Làm việc thường xuyên gần chất độc như thuốc diệt cỏ hay thuốc giết sâu bọ sẽ dễ bị bệnh hơn.

Biến chứng
Người bệnh Parkinson thường có thêm những vấn đề sau:
- Trầm cảm: Bệnh nhân cần được chữa bệnh này thì mới đối phó với bệnh Parkinson được.
- Vần đề giấc ngủ: Bệnh nhân bị khó ngủ và hay thức giấc nhiều lần trong đêm. Họ cũng có thể thình lình ngủ gục ban ngày.
- Khó nhai và nuốt
- Vần đề tiểu và đại tiện: Bệnh nhân hay bị bí tiểu, có thể do từ thuốc đang uống để trị bệnh. Họ cũng thường bị bón vì ruột chuyển động chậm hay do từ thuốc chữa bệnh.
- Không còn ham muốn sex.
- Thuốc chữa bệnh Parkinson có thể gây ra nhiều vấn đề như tay chân bị giật nhẹ, bị ảo giác, buồn ngủ hay bị giảm huyết áp khi đứng lên.

Định bệnh
Không có một thử nghiệm gì có thể dùng định bệnh Parkinson và những triệu chứng của bệnh cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác khiến định bệnh khó khăn. Bác sĩ thường định bệnh Parkinson dựa trên bệnh sử, những triệu chứng và khám nghiệm thần kinh. Bệnh nhân được coi như mắc bệnh Parkinson khi:
- Có 2 trong 3 triệu chứng chính của bệnh: run rẩy, cử động chậm và cứng bắp thịt.
- Bệnh bắt đầu từ một bên thân thể
- Run rẩy xẩy ra nhiều hơn khi nghỉ, thí dụ như khi tay đặt trên đùi không cử động gì cả.
- Bệnh bớt nhiều khi lần đầu dùng thuốc levodopa, một loại thuốc chữa bệnh Parkinson.

Chữa trị
Hiện không có thuốc chữa hết bệnh nhưng thuốc men có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Thoạt đầu, bệnh khá hơn lên rõ rệt nhưng dần dần thuốc không còn hiệu nghiệm mấy tuy rằng bệnh nhân đã bớt đi các triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể khuyên bệnh nhân tập thể lý (physical therapy) để giúp bệnh nhân dễ cử động hơn. Đôi khi có thể phải giải phẫu đặt một mạch điện kích thích trong óc, dành cho bệnh nhân nặng và không còn dùng thuốc được nữa.
Tự giúp
Bệnh nhân sau khi được định bệnh cần nói chuyện nhiều với bác sĩ để tìm ra cách chữa trị thích hợp đem tới sự giải tỏa khỏi những khó khăn do bệnh gây nên, với những phản ứng phụ vừa phải.
- Ăn uống lành mạnh, nhiều rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Những thức ăn này chứa nhiều chất sợi giúp tránh bón. Ăn nhiều chất dinh dưỡng tốt, thí dụ như omega 3 fatty acids, tốt cho người bệnh.
- Nếu uống thêm chất sợi như psyllium powder, Metamucil hay Citrucel, cần uống nhiều dần lên từ từ và chung với nhiều nước. Nếu không sẽ bị bón nặng hơn. Nếu thấy tốt nên uống thường xuyên.
- Đi đứng cẩn thận vì dễ bị mất cân bằng. Tránh chuyển động quá nhanh và nên dùng gót chân đưa tới trước. Nếu tự thấy mình đang lê chân, nên ngừng lại sửa tư thế, nên đứng thẳng lưng.
- Tránh bị té vì vào những giai đoạn cuối của bệnh, người ta rất dễ mất thăng bằng. Khi cần xoay lại, tránh quay thân người mà nên bước vòng lại. Không nên dựa vào hay với tới trước, nên giữ trọng tâm giữa hai bàn chân. Không mang đồ vật gì khi đang đi bộ. Tránh bước ngược đằng sau.
- Việc mặc quần áo rất khó khăn cho người bệnh vì họ bị mất khả năng làm những cử động nhỏ như cài nút áo, kép zipper hay xỏ ống quần. Có thể phải cần người giúp chỉ cho cách mặc quần áo. Nên dành nhiều thì giờ cho việc này để tránh vội vàng. Chọn quần áo dễ mặc có lưng dây thun, thí dụ như sweat pants, cài bằng băng dính velcro.
- Gia nhập những nhóm hỗ trợ. Tìm những nhóm này qua National Parkinson Foundation hay American Parkinson Disease Association.

No comments:

Post a Comment