TÂM HỒNG
Chuyện kể như một nén hương chiêu niệm gởi đến
linh hồn của gần nửa triệu đồng bào đã bỏ mình dưới đáy biển Đông và trong rừng
thẳm Campuchia, trên đường vượt thoát tìm dự do.
Người viết xin thay mặt 262 thuyền nhân sống sót
tri ân tòa đại sứ Mỹ ở Bangkok, vị thuyền trường và thủy thủ đoàn của tuần dương
hạm US ROBINSON 12 đã cứu sống chúng tôi đêm 12-12-1980 trên biển Đông.
Vào một buổi tối đầu tháng 12 năm 1980, gia đình
chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn tròn giữa nhà trong một chung cư ở Sài Gòn. Nét
mặt mọi người lúc đó thật u buồn, hiện hữu nét trầm uất đọng lại từ bao ngày.
Tôi nói cho các con tôi biết cái quyết định vượt biên của tôi và đứa con trai út
duy nhất 15 tuổi mà tôi và mẹ chúng đã suy nghĩ, toan tính từ lâu. Chúng tôi
bàn với nhau về hậu quả có thể có của chuyến đi.
Những giọt nước mắt bắt đầu ứa ra, giọng nói của
vợ tôi ngắt quãng, nghẹn ngào. Tôi hỏi thằng út: “Con bằng lòng đi với ba
không?”. Nó gật đầu quả quyết, nét ngây thơ biến hẳn, đưa tay gạt nhanh giọt
nước mắt đang đọng. Tôi nói tiếp: “ Trên đường đi nếu ba chết, con phải tiếp
tục đi với mấy người trong nhóm của mình. Nếu con chết, ba sẽ cùng chết với
con.” Đó là lời nói cuối của một cuộc họp mặt gia đình hiếm có, bi thảm như
một lời trăn trối. Chúng tôi chỉ có ba đứa con, 2 gái, 1 trai. Giây phút đó,
đứa con gái lớn và chồng nó đang ngồi gục đầu trên bàn, đứa con gái kế vòng tay
trước ngực, ngước mặt lên trần nhà, bất động. Trời Sài Gòn nóng bức. Tôi nghe
buốt cả lòng. Tôi bước ra hiên trong khi vợ tôi đang ôm thằng út. Tang thương
đến thế là cùng. Trên cao hãy còn đôi vì sao sáng. Thuyền chưa tách bến mà
những gian truân nội tại đã bắt đầu.
Một tuần sau, chuyến đi xa thật sự xảy ra. Tổ
chức có xe đưa đón từ tụ điểm. Phải đi tới, đi lui nhiều lần mới thoát. Lần
nào vợ con tôi cũng đưa chúng tôi đến nơi lúc trời chưa sáng, đứng núp ở đâu đó
nhìn theo mà khóc thầm. Trong số người đưa tiễn đứng bất động trên đường nhìn
xe lăn bánh có một người cha tuổi trung niên tiễn hai đứa con ở tuổi vị thành
niên. Lần nào ông cũng cưỡi vespa chạy theo xe ra quá Phú Lâm, đến khi xe khuất
dạng mới ngừng lại ngơ ngác đứng nhìn. Ôi, hành trình biển Đông! Đây mới chỉ
là những bước đi trên bộ mà sao đã đẫm đầy nước mắt. Rồi đến một hôm, từ 8 giờ
sáng xe đưa chúng tôi đi suôn sẻ, qua bắc, qua phà, vượt những dặm dài trên quê
mẹ. Ở mỗi chặng dừng chân, số người đi “hôi” cũng không ít. Trời tối dần,
trăng lên thật sáng. Xe lướt qua những cánh đồng mênh mông, vắng lặng. Đây là
lúc những kẻ đi “hôi” bị đạp xuống đường. Xe băng băng để lại đằng sau tiếng la
hét, chửi rủa nhỏ dần. Đồng ruộng miền Nam cò bay thẳng cánh. Nghĩ đến quê
hương bỏ lại, nghĩ đến vợ con, tôi ôm chặt thằng út vào lòng, thương quá đi thôi.
Xe bỗng nhiên dừng lại giữa đồng cạnh một xe tải
bít bùng. Cánh cửa nhỏ ngụy trang bên hông xe tải mở ra, họ đầy chúng tôi chui
vào như bầy gia súc vào chuồng. Cửa đóng lại, xe chạy đi. Trong xe tối đen như
mực. Sàn xe và đám người lổn ngổn như bầy thú. Xe tải lớn chạy trên đường
ruộng hẹp, lồi lõm, hất chúng tôi lên xuống như những quả banh. Những đứa trẻ
mới đáng thương làm sao! Xe chạy đến quá khuya, họ đưa chúng tôi xuống một ghe
chài khá lớn. Từ bờ sông bò xuống ghe y như đang đột kích vào đất địch. Ngồi
trong ghe tối như bưng. Biết là trong ghe đang có đông người nhưng nhìn không
rõ mặt. Mệt quá chúng tôi thiếp đi. Sáng ra nhìn quanh trong ghe, số người quá
đông, già trẻ ước chùng trên 300 người như là đi “bán chính thức”! Sau này biết
ra là họ mua bãi, mua bến. Chúng tôi là đợt chót được tiếp nhận. Đây là bến
nước Cần Thơ, ghe sẽ đi trên sông này đưa chúng tôi xuống Cà Mau để lên tàu ra
biển. Ghe đi chầm chậm trên sông. Nắng nung lửa trên đầu. Ghe thường chui qua
các cây vắt ngang, sợ lộ, họ dùng bạt che kín chúng tôi lại. Một số đông bị
ngộp thở, nhất là trẻ nít. May là một ngày trên sông rồi cũng qua nhanh.
Chiều lại trời mát, mọi người có vẻ hồi sinh.
Họ cho ăn trưa và tối. Khẩu phần là tô cơm với chút mắm dưa. Tôi là anh Th.
tình nguyện chia phần ăn đến mọi người. Được biết anh Th. trước đây du học Mỹ,
có bằng BS. Anh vượt biên với vợ và đứa con trai độc nhất 9 tuổi. Cùng đi với
người chị và ba con nhỏ, với hai cháu gọi chị bằng cô, ở tuổi vị thành niên, con
của người đàn ông cỡi vespa nói ở trên. Ngoài số thuyền nhân trên 300 người,
trong ghe còn có vài ba người mặc sắc phục công an, bộ đội, có võ trang, đi qua
đi lại nhằm gây cảm giác sợ hãi để dễ bề uy hiếp. Tôi linh cảm có cái gì không
ổn trong tổ chức. Đưa người vượt biển lúc đó là một thực tế đầy bẫy rập. Họ
chỉ cần thu đủ vàng rồi đầy con thuyền ra biển, sống chết mặc bay. Tôi và nhiều
người đã nhận ra điều đó, nhưng trễ rồi, đành phó mặc cho số mạng, cầu xin một
may mắn tình cờ. Mặt trời đang xuống thấp. Ghe đi trong hoàng hôn đổ ra cửa
biển. Hai bên bờ sông lúc ấy vắng lặng. Những tấm bạt được cuộn lại. Bầu trời
thật sâu với cả một vòm sao. Trăng sáng nhàn nhạt. Giờ ra khơi sắp điểm. Tôi
nắm chặt tay con tôi trong một tâm trạng lo âu, trí óc chai cứng. Th. và tôi
nhìn nhau thầm khuyến khích và chúc lành.
Khoảng 2 giờ sáng ghe ngừng, cặp vào một ghe
khác nhỏ hơn. Họ nói đó là tàu đi biển. Tên chỉ huy lên cò súng, ra lệnh tất
cả bỏ hành lý tại chỗ kể cả giày dép đang mang, xếp hàng một, lần lượt sang
tàu. Tàu dài khoảng 14m, rộng 4m. Họ ghép thêm một căn gác lửng để chứa cho
được nhiều người. Họ bắt chúng tôi ngồi xổm sát vào nhau. Một lớp trên gác,
một lóp trên sàn tàu, hỏ đầy ba trăm người chúng tôi ra biển trên con tàu mong
manh đó, không lương khô, không nước uống. Trên tàu có số thanh niên đi theo
phân làm 3 tốp, chia nhau án ngữ lối ra mũi tàu. Tất cả chúng tôi thật sự đã bị
nhốt kín trong khoảng tàu. Nhìn ra bên ngoài, chiếc ghe chài lớn gấp bốn lần
chiếc ghe vượt biên, đèn điện sáng choang, đang quay mũi vào bờ. Thuyền chúng
tôi nổ máy ra khơi, bắt đầu chuyến hải hành mà biên giới sanh tử mong manh như
tơ tóc. Đất mũi lùi xa dần, những gì thân thiết nhất đã bỏ lại sau lưng. Tàu
đi với tốc độ 20 dặm giờ. Cửa biển rộng thênh thang, trời nước mênh mông, tiếng
máy tàu nổ nghe nhỏ mà vang thật xa. Cả tàu im lặng như nín thở. Tôi chợt bắt
gặp cái cảm giác trong một đêm khuya khoắt của 5 năm về trước khi tôi cùng cả
ngàn sĩ quan bạn ngồi trên những chiếc Molotova bít bùngm có bộ đội ghìm súng
canh chừng, rời trường Nguyễn Bá Tòng (nơi tập trung) lên Trảng Lớn để cải tạo!
Tiếng máy nổ trên biển, trong rừng, đồng vọng trong đêm nghe thật giống nhay,
rờn rợn như đi vào cõi chết.
Tàu đi vài giờ thì mắc cạn. Trai tráng nhảy
xuống đẩy rồi đi tiếp. Bỗng: “Rầm!” một tiếng! Căn gác lửng chứa cả trăm người
sập xuống làm bị thương một số và đè chết 2 em bé. Máu đã chảy. Nhiếu tiếng la
thất thanh. Khủng khiếp quá! Tai nạn, chết chóc, thật sự đã đổ ập lên đầu
chúng tôi rồi. Hoàn cảnh bắt mọi người phải xử trí nhanh. Không dừng lại để
than khóc. Phải vượt sóng dành sự sống. Những tấm ván từ căn gác đó được dựng
vào hai bên hông tàu thành hình chữ V như hai sườn núi. Giải quyết được một số
chỗ ngồi nhưng lại gây khó thở cho số người ngồi bên dưới trên sàn tàu. Số phận
chúng tôi đã bị kẻ cướp an bài. Phải ngồi yên tại chỗ. Nếu xê dịch tạo hỗn
loạn tàu sẽ chìm xuống biển sâu. Nỗi hốt hoảng lắng xuống. Con tàu dập dềnh
đi, với tốc độ lười biếng, mỏi mệt, ngược với sự nôn nóng của mọi người. “Đi
thế này thì bao giờ mới tới hải phận quốc tế?” Người ta nhìn nhau chán nả. Đã
gần trưa rồi, từ khi đi chưa có chút gì lót lòng. Nhiều người khát nước lả ra.
Bỗng đàng xa có tàu đi tới. Tưởng là tàu ngoại
quốc, nhiều người vẫy tay kêu cứu. Tàu lạ phăng phăng chạy về hướng chúng tôi.
Hy vọng được cứu tắt ngấm khi một loạt đại liên nổ giòn thị uy, đảo một vòng
quanh tàu chúng tôi rồi quăng dây kéo giữ lại. Mọi người kêu trời sửng sốt. Đó
là tàu tuần duyên của Việt Cộng. Tháp buồng lái được sơn lá cờ đỏ sao vàng thật
lớn. Đỉnh tháp đặt một khẩu đại liên. Có khoảng bảy, tám quân nhân sắc phục võ
trang. Dưới vành nón cối, vẻ mặt họ lạnh lùng. Một vài người nhanh trí liền
nhảy qua tàu họ để thương lượng. Trong lúc đó mọi giấy tờ mang theo chúng tôi
đều vo tròn ném xuống biển. Cái thủ tục “đầu tiên” đã được đặt ra. Hai cái nón
lật ngửa được chuyền tay nhau. Vàng bạc, đôla góp vào rồi đem nạp. Chưa đủ!
Một vòng góp thứ hai được mang sang. Hai người đại diện đã quay về. Tất cả
chúng tôi hồi hộp đợi. Thình lình con tau đỏ nổ máy chạy xa bỏ chúng tôi lại
trong nỗi mừng vừa trải cơn ác mộng. Niềm hy vọng lúc ra đi vẫn còn.
Tàu lại tiếp tục nhảy sóng. Tôi thở phào, siết
chặt con tôi vào lòng, mừng thấy con còn khỏe. Mặt trời xuống sâu ở chân trời.
Đêm đến thật nhanh. Hoàng hôn trên biển buồn nát ruột. Ngọn đèn điện treo giữa
khoang tàu tỏa ánh sáng vàng vọt. Con người trở thành những bóng đen chập
chờn. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh con tàu ma đang đi trên vùng biển chết. Hy
vọng sống sót thật mong manh. Đói khát, ngột, lả, lo sợ, hốt hoảng, tinh thần
suy sụp, đã có người mất trí, điên loạn. Những lời nói vô nghĩa thốt ra. Các
bà níu nhau đòi nợ, đòi góp hụi, đòi chồng, đòi con. Người ta dẫm lên nhau. Có
người cố lách hàng rào người để ra khỏi khoang thuyền nhưng bị đạp trở lại.
Khoang tàu bấy giờ là một địa ngục. Dưới sâu của sàn tàu chắc đã có người chết
ngộp hoặc đè lên nhau mà chết. Có những thanh niên lực lưỡng lách mình ra ngoài
rồi nhảy xuống biển tự nhiên như đi tắm. Chua xót bi thảm quá! Họ đánh mất
sinh mạng trong cơn mê sảng.
22 năm trôi qua nhớ lại mà ngậm ngùi muốn khóc.
Con trai tôi cũng bị khủng hoang tinh thần, nó vùng đứng lên vung tay nói thao
thao bất tuyệt. Tôi hoảng hốt điếng người, ôm lấy con rồi van xin những thanh
niên cho tôi đem con ra ngoài năm phút cho nó tỉnh. Họ cho, tôi kéo con tôi ra,
một chân ôm cột neo thuyền, tay và chân kia quấn chặt lấy tay con tôi, sợ nó
nhảy xuống biển. Chiếc lon Guigoz ở đâu lăn tới, tôi chộp lấy múc nước biển
tưới lên người. Tôi nói cho con tôi nghe về mẹ và các chị nó ở nhà “đang cầu
nguyện cho con và ba. Gắng lên nghe con!”.
Từ đó đến sáng, tôi không còn biết gì thêm về
cảnh điên loạn trong khoang tàu. Mặt trời đã lên, bình minh trên biển rạng rỡ
vả êm ả. Những thanh niên không còn án ngữ khoang tàu. Họ khiêng các xác chết
thả nhẹ xuống biển. Trong lúc đó có một thanh niên tên D. từ khoang tàu bước
ra, mỉm cười, vươn vai rồi nhảy tòm xuống biển. Hoảng quá, chúng tôi chỉ kịp
ném theo cho D. mấy cái can nhựa. Sát chỗ tôi ngồi có 5 xác chết, không biết họ
đưa ra từ lúc nào. Ước lượng số người chết đã gần 40 người! Một số nữa còn
đang thoi thóp. Tàu đi không gặp hải tặc, thời tiết tốt, chỉ vì điều kiện sống
trên tàu quá tồi tệ, chở quá đông, chỉ một ngày trên biển mà số người chết nhiều
đến như vậy. Tàu bắt đầu rộng và thoáng. Hải phận quốc tế có nhiều tàu đi
lại. Chúng tôi vẫy gọi mà chẳng ai buồn nghe. Lúc 2 giờ chiều có chiếc máy bay
từ đâu bay đến lượn nhiều vòng trên không rồi bay đi. Có nhiều hy vọng được
cứu.
Vài giờ sau, từ xa trực chỉ một con tàu đánh cá
Thái Lan, tiến sát vào tàu chúng tôi rồi quăng dây kéo. Phong cách họ rất hải
tặc: đóng khố, mình trần, tay cầm búa, nhưng họ có vẻ thân thiện, đến cứu hơn là
đến cướp! Trong lúc đó, anh chàng D. cũng được một tàu khác vớt ở đâu đó, được
một sà lan chở đến nhập bọn. Thật là một chuyện lạ! Tàu chúng tôi ép sát tàu
đánh cá Thái, mọi người nhảy sang tìm thức ăn, nước uống, nói cười rôm rả, tàu
đùa sóng rào rạt, nước biển và khói sóng sáng lên dưới ánh đèn, toàn cảnh linh
hoạt lạ thường. Vừa chập choạng tối thì tàu chúng tôi được kéo đến gần một
chiến hạm Mỹ đèn giăng sáng choang, thủy thủ đứng trên tàu nhìn xuống rất đông.
“Sống rồi! Được cứu rồi!” mọi người hét lên mừng rỡ. (Sau này tôi biết
được là phi cơ sau khi phát hiện tàu chúng tôi, họ đã điện về tòa đại sứ Mỹ ở
Bangkok. Nơi đây thuê tàu Thái đi kéo, cùng lúc điện cho tuần dương hạm đón
chúng tôi).
Một chiếc thang sắt được thả xuống, hai thủy thủ
Mỹ đứng ở cuối thang, dìu chúng tôi từng người lên chiến hạm. Họ đưa chúng tôi
xuống sàn tàu bên dưới, trút bỏ quần áo, chỉ giữ lại tiền của, nữ trang. Tất cả
được tắm rửa và nhận mỗi người một cái mền rồi lên boong tàu tập họp. Tuần
dương hạm US ROBINSON 12 quá lớn. 262 người chúng tôi chiếm một diện tích lớn
đủ rộng để nằm. Mỗi người được phát một phần ăn như đang picnic! Thoát chết,
trước mặt là cuộc sống tự do, cái mà chúng tôi vừa đổi mạng sống để có được.
Làm sao mà tả hết được nỗi vui trong lòng. Bộ chỉ huy tàu cần vài người lên may
giúp áo quần cho hai em bé vì người trong gia đình cháu đã chết hết. Thì ra đó
là hai cháu nhỏ nhất trong nhóm 9 người của anh Th. ..Tôi hết sức bàng hoàng,
chợt nghĩ đến người đàn ông lái xe vespa, làm sao ông sống được khi biết tin
buồn này.
Nghe nói ngay đếm tàu chúng tôi được vớt, đài
VOA đi loan tin, và mãi tháng sau gia đình bên nhà mới biết ai còn, ai mất...Gần
40 người đã nằm lại dưới biển sâu, 262 người đã được cứu. Họ đang ở trên boong
tàu, súng sính trong những bộ áo quần quá cỡ của thủy thủ trên tàu cho mặc tạm,
trông thật ngộ nghĩnh. Về khuya, tất cả nằm la liệt. Tôi cũng thiếp đi. Khi
tỉnh dậy nhìn quanh, tôi lặng người xúc động. Vây quanh chỗ chúng tôi nằm là
những sĩ quan và thủy thủ. Họ đang ngồi canh thức, nhìn chúng tôi, vẻ mặt đăm
chiêu, xót thương, pha lẫn chút kinh ngạc. Họ sợ chúng tôi mê sảng rồi nhảy
xuống biển. Có tiếng la ú ớ, có kẻ đạp tung mền...là có anh hải quân chạy đến
vực dậy, cho ướng nước rồi kéo chăn đắp lại.
Cảnh tượng đó không có gì để kể cho dài, đơn sơ
mà đầy ắp tình người, xúc động làm rơoi nước mắt. Sáng hôm sau, vị thuyền
trường cho biết là tất cả sẽ được gửi ở trại tị nạn Leamsing, Thái Lan 40 ngày,
ở trại Galang, Indonesia 3 tháng, rồi đi định cư ở Mỹ. Vì tàu đang thực tập
hành quân. Chúng tôi được ở trên tàu 4 ngày, sống thật là thoải mái. Ngoại trừ
đêm thứ hai sau đêm được vớt, cả tàu làm lễ thủy táng cho 3 người phụ nữ bị
thương quá nặng không cứu được. Mọi người trên tàu đứng nghiêm, tiễn ba thuyền
nhân đi vào lòng biển lạnh trong tiếng kèn buồn não ruột.
Từ đó, 262 người chúng tôi trở thành cái tên gọi
“Boat 262 P” của con tàu bất hạnh. Cái tên mãi mãi nằm sâu trong ký ức tôi, chập
chờn những nét mặt u buồn lãng đãng như sương khói. Chiều ngày thứ tư, chúng
tôi bùi ngùi từ giã con tàu cứu mạng, từ biệt những tấm lòng vàng. Đi chân đất
đặt chân lên đất liền, chúng tôi bắt đầu cuộc sống của người tị nạn thất quốc, ở
trong các trại tị nạn đúng theo lịch trình đã quy định. Đời sống ở các trại tị
nạn lúc đó thật bình thường, được Cao Ủy Tị Nạn nuôi ăn, ngày hai buổi lo học
Anh Văn làm vệ sinh trại giữ gìn sức khỏe. Ngày 27-4-1981, tất cả được định cư
ở nhiều nước. Bố con tôi và một số nữa được định cư ở Mỹ.
Giờ đây sau 22 năm ngồi ghi lại chuyến hải hàng
tang tóc, tôi nhớ đến những người bạn đồng thuyền năm nào vừa mới quen đã mất.
Ôi! Sinh mạng con người sao mà tiêu tan dễ dàng quá. Tôi nghĩ đến gần nửa triệu
đồng bào vượt bên đã chết bằng đủ cách, đủ nghiệp. Chết phơi xác trong rừng sâu,
chết âm thầm trên đảo vắng. Chết khô, chết rửa. Chết đói, chết khát. Chết vì
điên. Chết vì bịnh. Chết vì bọn hải tặc man rợ, chết vì bọn tham vàng đẩy
người ra biển. Chết vì bị bắn để phi tang, chết ngay trên cửa biền, trong lòng
sông của đất nước mình. Và còn biết bao nhiêu cô gái đang bị bọn hải tặc nhốt
trên hoang đảo, hoặc đang bị bọn buôn người đày ải. Thương quá! Đau đớn qua!
Buồn nát ruột! Trên đường vượt biên, quả đã không có cái chết nào yên lành dành
cho họ.
Tôi lại nghĩ đến thân nhân của họ đang ở quê
nhà. Người ra đi nếu rủi ro chết thì cũng đã xong, nhưng thân nhân họ ở bên hà
thì đang nửa điên, nửa tỉnh. Họ là cha, là mẹ, là ông, là bà, là chồng, là vợ,
là anh, chị, em, là con của những người đã oan thác. Họ là người đàn ông cưỡi
xe Vespa tiễn con đi mà đứt từng đoạn ruột. Họ là 2 cháu bé 5 và 6 tuổi còn
sống sót trong nhóm 9 người của anh Th...Hai cháu đã mất mẹ, mất em, mồ côi ngay
trên biển, phải ở lại trên tàu Mỹ chờ kiếm người bảo trợ. Hai cháu đã bơ vơ,
lạc loài trong nỗi mất mát tận cùng. Ở bên nhà, có ai đó thường ra đứng bên bờ
Thái Bình Dương dõi mắt ra khơi...
Bút mực nào tả cho hết những niềm đau dằng dặc
đó. Cái giá của Tự Do thật sự đã quý hơn sinh mạng. Trang thảm sử của người
vượt biên đã đóng lại nhưng ánh sáng của tự do luôn lấp lánh hào quang. Những
ai đã từng là THUYỀN NHÂN, BỘ NHÂN xin hãy làm người giữ lửa.
No comments:
Post a Comment