; }

NHỰT KÝ SAU GIẢI PHÓNG

 

Nhật ký sau giải phóngNhật ký sau giải phóng

Ông Walter Skrobanek, sinh năm 1941 ở Graz (Áo), lớn lên trong vùng Wiesbaden (Đức), học đại học trong nửa sau của thập niên 1960 về chính trị học, xã hội học và lịch sử tại trường Đại học Heidelberg (Đức), bảo vệ bằng tiến sĩ về chính trị Phật giáo ở Thái Lan. Sau đại học, ông là nhà báo tự do và biên tập viên tại nhiều nhật báo trong vùng Mainz (Đức). Năm 1973, ông cùng với vợ người Thái Siriporn sang Sài Gòn để làm việc tại đó cho tổ chức giúp đỡ trẻ em terre des homme. Từ 1976, ông là điều phối viên của terre des hommes cho Đông Nam Á và sống ở Bangkok cho tới khi về hưu và qua đời vì bệnh tật năm 2006.

Quyển nhật ký của ông, được bắt đầu ở Sài Gòn vào ngày 28 tháng Tư 1975, thành hình từ ý nghĩ rằng lịch sử bây giờ đang được viết ở xung quanh ông.

Sài Gòn, ngày 28 tháng Tư 1975

Từ Chủ Nhật hôm qua, Sài Gòn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Trong một giờ yên lặng vào chiều tối – đài phát thanh Mỹ vẫn còn phát nhạc ướt át đang thịnh hành – tôi chợt muốn gửi cho các người thêm một vài dòng, để các người biết rằng cuộc sống vẫn còn tiếp tục.

Ngày thứ hai hôm nay đã mang lại cho chúng tôi nhiều điều mới. Ví dụ như lần trở về đầy phiêu lưu của các cộng tác viên chúng tôi, đã mang sữa và dược phẩm đến cho những người tỵ nạn ở Vũng Tàu. Chúng tôi nghĩ rằng họ đã “ở phía bên kia”. Vì lực lượng của Mặt Trận Giải phóng (MTGP) đã cắt đứt con đường giữa Sài Gòn và Vũng Tàu vào chiều thứ bảy. Lúc đó là vài giờ sau khi một chiếc xe buýt nhỏ của trung tâm với bảy người của chúng tôi lên đường đi đến trại tỵ nạn ở đó. Mãi sang ngày chủ nhật, chúng tôi mới nhận ra rằng chuyến trở về là ít có khả năng, khi một nhóm nhân viên thứ hai của terre des hommes muốn lên đường đi Vũng Tàu. Chiếc xe buýt nhỏ chỉ tới được lối rẽ đi Vũng Tàu của xa lộ Biên Hòa. Quân cảnh chỉ cho phép họ quay trở lại Sài Gòn ngay lập tức. Suýt chút nữa thì chuyến trở về Sài Gòn cũng đã không thành công, vì quân đội MTGP đã chiến đấu ở ngay cạnh cầu Sài Gòn rồi. Xuyên qua làn đạn, chiếc xe Hồng Thập Tự của terre des hommes tìm đường trở về trung tâm. Vào chiều tối ngày chủ nhật, đài phát thanh của MTGP loan báo đã chiếm được hai thành phố Long Thành và Phước Lễ trên đường về Sài Gòn.

Vì vậy mà chúng tôi ngạc nhiên không ít, khi nhóm bảy người đó, nhóm mà đã đi Vũng Tàu ngay từ hôm thứ bảy, lại trở về đến trung tâm, tất nhiên là không còn chiếc xe. Họ đã để chiếc xe đó lại trong sân của sở Bưu Điện ở Vũng Tàu, và đi về Sài Gòn qua một con đường vòng khủng khiếp bằng tàu thủy và taxi. Họ đã qua đêm ở ngoài trời. May mắn là họ có mang thẻ của terre des hommes theo mình, chứ nếu không thì họ đã bị xem như là người tỵ nạn và đã bị chận lại.

Cũng vào ngày hôm nay, một ủy ban chấp hành của trung tâm xã hội-y khoa terre des hommes được thành lập, cái sẽ đưa ra mọi quyết định về nguyên tắc. Ủy ban này sẽ họp mỗi tuần một lần, và hy vọng rằng trong cấu trúc của nó sẽ lường trước được những gì còn chưa đạt tới về chính trị ở Nam Việt Nam. Nó bao gồm tất cả các lãnh đạo dự án có trách nhiệm và một người đại diện nhân sự. Trong lúc đang thành lập, một trong những trận mưa giông đầu tiên của năm nay đã ập xuống, và giữa những tiếng sấm đã có thể nghe được tiếng hỏa tiển nổ. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc họp. Sau khi họp xong, tiếng ồn máy bay và tiếng bom nổ trở nên lớn bất thường. Người ta hầu như không thể phân biệt được cái nào là tiếng sấm cái nào là tiếng nổ. Mới hai giờ trước đây, chúng tôi đã quyết định di tản các trẻ sơ sinh và trẻ em của trại mồ côi Dieu Quang vào trong nhà trẻ của chúng tôi. Họ đến đúng trong khoảnh khắc này. Dựa trên lời thỉnh cầu của ban lãnh đạo trại mồ côi, chúng tôi đã quyết định như vậy, vì trại này nằm trên đường phía nam vào Sài Gòn và ở gần trạm radar trung tâm đã bị bắn phá nhiều lần của Nam Việt Nam. Vài phút sau đó, nhiều đứa bé sơ sinh khác tiếp tục được đưa vào nhà trẻ chính của trung tâm. Đó là những đứa bé của “Chương trình dành cho gia đình nghèo” từ nhà đối diện, cái mà trong trường hợp báo động thì cần phải được di tản. Một ban chuyên về khủng hoảng của trung tâm đã đưa ra những kế hoạch này.

Terre des homme cho chở trẻ em bị thương sang Đức để chăm sóc. Hình: tdh

Terre des homme cho chở trẻ em bị thương sang Đức để chăm sóc. Hình: tdh

Những đứa bé quá cảnh, tạm thời ở chỗ chúng tôi cho tới khi được mang tới chỗ ở cố định, thêm vào đó là những đứa bé liệt nửa người còn ở lại Sài Gòn và một vài nhân viên đứng trên lũy của cái hầm trú ẩn mà chúng tôi đã cho người đào trong tuần trước để phòng những trận tấn công bằng hỏa tiển. Họ quan sát những chiếc máy bay tiêm kích đang bay lên, những cột khói trên phi trường Sài Gòn vừa mới bị bỏ bom và cố phát hiện ra loại súng, bom, tên lửa, súng phòng không hay súng máy nào đã nổ, khiến cho người ta nhớ tới pháo hoa giao thừa như thế nào đó. Các nhân viên khác nghe tin tức ở nhiều máy bán dẫn. Nhưng vẫn không rõ là trận pháo hoa vào buổi tối này là do ai gây ra. Radio đang truyền đi bài diễn văn của Tổng thống Hương sắp từ chức và của Tổng thống mới Minh.

Sau này mới biết rằng đó không phải là truyền trực tiếp. Vào thời điểm đó, Tổng Thống, Thượng Viện và Hạ Viện đã rời Dinh Độc Lập. Chứ nếu không thì họ đã lãnh bom của những nhóm chống lại lần bổ nhiệm người tổng thống trung lập.

Nhiều nhân viên, bạn bè và trẻ em đổ vào trung tâm. Cửa được khóa kín. Sự hoảng loạn giảm dần, khi biết rằng MTGP không có kế hoạch tấn công Sài Gòn bằng hỏa tiển. Họ đứng cách Sài Gòn ba ki-lômét và còn chờ một đối tác để đàm phán. Tất cả đều hy vọng rằng Tướng Minh có thể là đối tác này. Tôi đi về nhà, liên kết ngày lẫn đêm với trung tâm qua điện thoại, nơi mà cũng đã bố trí trực điện thoại suốt ngày đêm.

Lúc đó, đài phát thanh của Mỹ nói rằng: “Chúng tôi xin quý vị chú ý. Bắt đầu ngay từ bây giờ là giới nghiêm 24 tiếng đồng hồ. Yêu cầu tất cả mọi người hãy ở lại tại chỗ.” Liệu lệnh giới nghiêm này có được hủy bỏ vào sáng ngày mai hay không thì không ai biết. Ngày mai sẽ biết công việc của chúng tôi có thể sẽ được tiếp tục như thế nào.

Những giờ cuối cùng của chế độ cũ

29/04/1975

Ngày hôm nay là một ngày lễ bất thường và bi thảm, vì lệnh giới nghiêm tiếp tục có giá trị sau 24 giờ đã tuyên bố. Nhưng vì nó không được giữ đúng một cách nghiêm ngặt nên nếu ai muốn đi hay phải đi thì cũng đều vào được tới Trung Tâm.

Không ai ngủ được nhiều trong đêm qua. Máy bay trinh sát và trực thăng quay vòng vòng liên tục trên thành phố. Tôi ngồi ngoài ban công trong bóng tối và nhìn lên bầu trời có ít mây, nơi một mặt trăng bị che khuất đang chiếu sáng như trong cơn lo âu xuống quang cảnh thành phố. Lần cố gắng đi ngủ sau đó cũng không thành công. Vào ba giờ rưỡi sáng, những tiếng nổ lớn của hỏa tiển đã lôi chúng tôi ra khỏi giấc ngủ. Phi trường lại bốc cháy. Mọi người trong nhà chúng tôi kéo hết xuống tầng trệt. Cứ hai mươi phút thì điện thoại reo một lần. Vào lúc bốn giờ, tôi được thông báo là những đứa bé sơ sinh của nhà trẻ đã được mang xuống hầm. Như sau này tôi nghe được, chúng chỉ ở dưới đó nửa giờ đồng hồ, vì tiếng nổ giảm dần và vì kiến đã quấy rối nhân viên với trẻ em rất nhiều. Còn hai giờ để ngủ.

Phi trường Tân Sơn Nhứt, ngày 29 tháng Tư 1975

Phi trường Tân Sơn Nhứt, ngày 29 tháng Tư 1975

Từ trên mái nhà, người ta có thể quan sát được cuộc chiến. Lửa cháy ở phi trường. Máy bay trinh sát bay vòng vòng. Trong Trung Tâm, người ta bắt đầu sơn chữ thập đỏ ở bất cứ nơi đâu có thể được. Vì trong lúc đang ngồi ở dưới hầm trong đêm qua, một chiếc máy bay trực thăng trinh sát đã bay đến gần để xem xét tình hình. Cả hàng rào kẽm gai ở cửa ra vào cũng được mở rộng. Có tin đồn là MTGP đã có mặt ở Phú Lâm và Gia Định. Hiện giờ, một vài nhân viên đã mang gia đình họ vào Trung Tâm, vì nhà của họ nằm ở nơi không an toàn. Nhưng không có hoảng loạn, thậm chí tinh thần còn là tốt nữa, sau những cực nhọc của đêm qua. Rồi vào cuối buổi sáng, tiếng phành phạch không ngưng của trực thăng bắt đầu. Mãi sau đó chúng tôi mới nghe qua radio là người ta bắt đầu di tản những người Mỹ còn lại và những người Việt tỵ nạn chính trị. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ – theo quy định của tổng thống mới – việc này cần phải được kết thúc.

Trong Trung Tâm, người ta ăn cá khô, gạo và mì sợi, vì chợ đã đóng cửa. Tôi không ăn gì và chạy về nhà để ngủ bù một chút. Hoài công: vừa mới thiếp ngủ thì những tiếng nổ dữ dội của hỏa tiển lại đánh thức tôi dậy và buộc tôi phải đi xuống tầng trệt. Vào buổi trưa này, chúng tôi cũng mất cả người chủ nhà của chúng tôi. Trên những chiếc Honda, ông với toàn bộ gia đình của ông đã vội vã rời ngôi nhà kế cận của ông để ẩn náu trong Chợ Lớn – có lẽ là tại một người họ hàng “vô sản” của ông.

Nỗi lo lắng của tôi tăng lên theo cùng với tiếng ồn trực thăng, tiếng nổ và với sự không chắc chắn nằm trong bầu không khí. Người ta khó có thể ước lượng được khoảng cách của những nơi hỏa tiển rơi xuống. Một hỏa tiển đã rơi xuống một ngôi nhà cách Trung Tâm độ chừng một ki-lô-mét. Một chiếc xe của terre des hommes tình cờ chạy ngang qua đó và đã mang những người bị thương vào bệnh viện. Không ai có thể lo cho người chết. Không ai biết đã có bao nhiêu người chết trong vòng 24 giờ vừa qua. Một nhân viên của Trung Tâm hoảng loạn. Tất cả lính tráng đều biến mất trên đường phố. MTGP chẳng bao lâu nữa sẽ tiến vào và rồi sẽ có hòa bình. Một người thuật lại rằng tòa đại sứ Mỹ đang bốc cháy. Không ai biết thật sự là điều đó có đúng hay không. Dẫu sao thì vào chiều tối, máy bay chiến đấu của chính phủ Nam Việt Nam vẫn còn bay trên bầu trời, và người ta nghe được tiếng súng máy trên đường phố.

Chúng tôi không biết nhiều hơn những gì mà các đài BBC, “Voice of America” và “Voice of Vietnam” (Hà Nội) phát đi bằng tiếng Anh. Dường như đài phát thanh Mỹ ở Sài Gòn đã chấm dứt chương trình nhạc và tin ngắn vào tối qua vào lúc mười giờ rưỡi. Bây giờ thì có lẽ là cả người cuối cùng cũng đã được mang đi bởi những chiếc trực thăng vẫn còn bay vòng vòng trên Sài Gòn.

Nếu như tôi không can thiệp thì ngay trong Trung Tâm chúng tôi cũng đã có trực thăng Mỹ đến. Michael Ardin, một người Thụy Sĩ, muốn đón đứa con nuôi của ông vào giờ chót, vì lo sợ mà sẵn sàng làm mọi việc: đưa một vài đứa bé bị bệnh tim, đứa con nuôi của ông và những đứa bé bị liệt nửa người lên một chiếc máy bay trực thăng Mỹ, nếu như có thể. Tôi phải dùng giọng nói gay gắt để ngăn chận, vì đối với tôi vấn đề to lớn hơn là một vài đứa bé muốn rời bỏ đất nước.

Ai – đặc biệt là trong khoảnh khắc này – liên minh với Hoa Kỳ thì có thể gói gém đồ đạc để rời Việt nam vĩnh viễn. Tôi thì nghĩ đến những đứa bé sơ sinh trong nhà trẻ, tới tất cả những đứa bé không thể đi cùng, tới các nhân viên, và cũng tới việc tiếp tục hoạt động như là một tổ chức phi chính trị.

Giọng nói buồn rầu của nhà họa sĩ Thai Tuan, người vừa mới gọi điện cho tôi, vẫn còn vang trong tai tôi. Vợ của ông và vài đứa bé đã được di tản trước đó với một tổ chức xã hội. Ông được dự định đi theo sau với những đứa bé khác. Nhưng đã quá muộn. Ông lo sợ. Giọng nói của ông nghe như ông đã uống khá nhiều. Hỏa tiển nổ 20 giây một lần.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên Dinh Độc Lập

01/05/1975

Bắt đầu từ ngày hôm qua, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, một ngôi sao vàng trên nền đỏ xanh, đã bay trên dinh Độc Lập, nơi mà các tổng thống của chế độ cũ đã cư ngụ trong hai thập niên qua.

Cũng như không ai tin rằng nó sẽ diễn ra nhanh như vậy vào lúc cuộc tổng tấn công bắt đầu. Thế nhưng hệ thống cũ đã đổ sụp xuống như một ngôi nhà xếp bằng lá bài, sau khi các lãnh tụ chính trị và nhân viên thân cận của họ rời bỏ đất nước. Ngày cuối cùng, ngày 30 tháng Tư, là một ngày khắc nghiệt cho toàn Sài Gòn. Quy mô các trận đánh không lớn lắm, nhưng sự căng thẳng về tinh thần thì lên đến đỉnh điểm. Với quân đội cách mạng trước cửa ngõ thành phố, ông tổng thống mới nhậm chức thậm chí còn không có thời gian để bổ nhiệm nội các và thành lập chính phủ. Ông chỉ còn có thể tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tin này được phát qua radio vào lúc trưa ngày 30 tháng Tư. Lúc đó nó còn chưa là “đầu hàng vô điều kiện”, mà là “ngưng bắn”. Thế nhưng người ta biết rõ rằng chẳng có gì để mà thương lượng cả.

Những giây phút cuối cùng của lá cờ vàng

Những giây phút cuối cùng của lá cờ vàng

Khi tin báo chấm dứt chiến tranh đến qua radio, phần lớn người dân đều mừng rỡ. Sự hồi hộp biến mất, và con người ôm chầm lấy nhau. Cả trong Trung Tâm, những gương mặt cũng rạng rỡ lên. Ngay cả những người lúc nào cũng biểu lộ sự sợ hãi trước một chế độ cộng sản rõ ràng bây giờ cũng chấp nhận rằng họ vẫn có thể sống được dưới chế độ này. Tôi cảnh báo những người trong Trung Tâm: Trận đánh vẫn còn chưa chấm dứt. Có ai đó đã nói rằng những người chết cuối cùng của một cuộc chiến mới là những sự điên rồ to lớn nhất. Nhưng rõ ràng là còn có nhiều lắm. Tôi không quên đợt tấn công bằng máy bay của Phó Đô đốc Ky lên phi trường. Thật sự thì vẫn nghe được liên tục tiếng nổ của hỏa tiển, đạn pháo binh và súng máy. Hệ thống cũ đang giãy chết, nhưng nó vẫn còn chưa chết. Qua khe cửa của Trung Tâm, người ta có thể quan sát thấy hàng đám người đang hôi của trong một hộp đêm Mỹ ở kế bên và trên thực tế là đã lấy đi tất cả những gì có thể lấy đi được – ngay cả những thanh ván của kết cấu mái nhà. Tôi nghĩ rằng những người bị tước đoạt bây giờ lấy lại những gì mà người bóc lột đã cướp đi từ họ. Thế nhưng phương pháp này chắc chắn là tư sản. Những người hôi của mạnh nhất cũng là những người thành công nhiều nhất. Cả Tổng thống Minh lẫn chính phủ cách mạng đều cấm ngặt việc cướp bóc hôi của. Thế nhưng cả hai quyền lực này cho tới nay vẫn chưa thể đứng vững được. Tôi nhìn thấy người ta vác giường bệnh đi dọc theo trên đường Cách Mạng. Sau đó tôi mới biết, Adventist Hospital, trước đây là bệnh viện của quân đội Mỹ ở Sài Gòn, đã bị hôi của và phá hủy toàn bộ trong những giờ phút này. Không còn có quyền lực nào nữa, sau khi các bác sĩ và nhân viên quản lý Mỹ được di tản bằng trực thăng vào phút cuối. Người ta không chuẩn bị đầy đủ cho lần bàn giao sang cho người Việt.

Bây giờ tiếng súng nổ càng lúc càng đến gần hơn. Tôi ở lại trong Trung Tâm, vì sau khi tuyên bố ngưng bắn đã xuất hiện một khoảng thời gian vô chính phủ mà chuyến đi trở về nhà trong thời gian đó có thể nguy hiểm tới tính mạng. Quân lính chế độ cũ của Thiệu đứng trước cánh cửa luôn luôn đóng kín của Trung Tâm và muốn vào hôi của. Chúng tôi có thể thuyết phục được họ, rằng có người sống ở đây và ngôi nhà này không bị bỏ trống. Vì vậy mà họ đã bỏ đi.

Mặt trận chậm chạp kéo đi dọc theo đường Cách Mạng về hướng Trung Tâm. Hiện giờ thì chúng tôi đã phân biệt được tiếng súng sắc nhọn của MTGP với tiếng súng của chế độ cũ đang chấm dứt. Đạn rớt ầm ầm xuống mái nhà của Trung Tâm. Chúng tôi vào các gian phòng để ẩn nấp. Khi cả tiếng súng đại bác cũng to lên tới mức không thể chịu đựng được nữa, mệnh lệnh được đưa ra là ngay lập tức phải di tản tất cả trẻ em xuống hầm. Ở đó, chúng tôi có hai người khách đặc biệt. Một người là người thầy dạy cho các em trai quá cảnh loại võ Vovinam và bình thường thì là lính. Ông, không còn súng ống nữa, đã chạy trốn bằng Honda vào Trung Tâm an toàn của terre des hommes, để tuân theo lời kêu gọi từ bỏ chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông thay quần áo trong Trung Tâm và lẫn vào trong đám đông tẻ con, nhân viên và người nhà của họ. Người thứ nhì là Hue Phat, một giờ trước đó đã đến đây với chiếc xe buýt nhỏ mang hàng chữ “Chào Hòa Bình” và sau đó muốn tiếp tục đến thăm những người bạn khác. Ông đã công khai biểu lộ niềm vui mừng quá sớm. Quân lính của chế độ cũ – đang trên đường rút lui – đã bắn vào chiếc xe và Hue Nhat đã trúng đạn sượt qua ở bụng và tay. Ngay cả trong Trung Tâm, sau lần tuyên bố ngưng bắn, chúng tôi đã gởi hai xe với y tá, nhân viên làm việc xã hội và thuốc men đi, để gom những người bị thương lại và mang vào bệnh viện. Chiếc đầu tiên đã quay lại ngay sau đó. Thế nhưng chiếc thứ nhì vẫn còn chưa trở về trong lúc có bắn nhau dữ dội ở trong vùng của chúng tôi. Tôi rất lo lắng cho nhóm này.

Cuối cùng họ cũng trở về, khi người dân từ trong nhà và những nơi ẩn náu đổ trở ra các con đường chính. Tôi rất cẩn thận cho tới thời điểm này, vì không muốn lâm vào tình thế nguy hiểm là bị nhầm lẫn với một người lính Mỹ. Nhưng bây giờ thì tôi cũng bước ra khỏi Trung Tâm. Đã rõ: quận Phú Nhuận ở gần phi trường đã bị chiếm. Xe tăng và xe tải của Mặt trận Dân tộc Giải phóng với những lá cờ mà tôi đã nhìn thấy nhiều lần ở châu Âu như là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của Thế giới thứ Ba chống lại Chủ nghĩa Tân Đế Quốc, đang chạy chậm chậm qua đường phố. Người dân vẫy tay và chào mừng. Ít lâu sau đó, ở tại một góc đường cách Trung Tâm tròn 200 mét, có hai người lính Bắcc Việt đứng với bộ quân phục đồng nhất đặc trưng của họ và không có quân hàm. Và tất cả những người nhìn thấy họ đều cho họ là đáng mến, thật thà và hơi ngây thơ với sự thích thú của họ đối với một thành phố lớn như thành phố Sài Gòn mà họ chưa từng bao giờ nhìn thấy.

Sài Gòn, ngày 30 tháng Tư. Hình: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS

Sài Gòn ngày 30 tháng Tư, quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn trên xe tăng và xe tải, chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Hình: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS

Bác sĩ Ariel, người bác sĩ Pháp-Ấn của chúng tôi, không thể chia sẻ niềm vui và sự nhẹ nhỏm mà chúng tôi đã trải qua ở Phú Nhuận. Ông sống gần Dinh Tổng Thống và gần ngôi nhà riêng của Tổng thống Minh đã từ chức. Sau khi quận Phú Nhuận bị chiếm đóng, tôi gọi điện thoại cho ông, ông chỉ ở cách có ba ki-lô-mét, và nghe qua điện thoại của ông tiếng súng máy bắn dữ dội. Airel phải cúp máy. Nhà của ông bị quân lính chính phủ bắn, những người đang cố thủ trong một trường trung học nằm phía đối diện và vẫn còn không đầu hàng. Khi quân đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng phá được ổ kháng cự này thì suýt tí nữa Ariel đã bị quân đội cách mạng bắt giữ như là kẻ thù. Chỉ nhờ vào tài thuyết phục và sự giúp đỡ của láng giềng mà đã có thể tránh được một sự hiểu lầm.

Chúng tôi đi trở về nhà. Giới nghiêm vẫn còn có hiệu lực, nhưng chỉ vào đêm từ 18 giờ đến 6 giờ. Quy định mới của chính phủ, treo cờ trước nhà như là dấu hiệu của sự trung thành đối với chính quyền mới,  khiến cho chúng tôi bận rộn vào chiều tối. Đêm của một giấc ngủ dài mà trong đó mọi tiếng súng đều im bặt, đã mang lại cho chúng tôi ngày 1 tháng Năm, ngày đầu tiên dưới chế độ của chính phủ cách mạng Nam Việt Nam.

Rõ ràng là các nhà cách mạng, nhiều người trong số họ là con nhà nông, đã không nghĩ đến vấn đề điều khiển giao thông. Ý định của chúng tôi, làm quen nhiều hơn với chính phủ mới qua một chuyến đi quanh thành phố, sau năm phút đã mang chúng tôi vào trong một trận kẹt xe khổng lồ. Người dân trên hàng ngàn chiếc Honda và ô tô đang đi trên đường phố, hoặc là từ cùng một ý định như chúng tôi, hoặc là cùng với toàn bộ đồ đạc trở về nhà của họ từ những nơi ẩn náu an toàn, hoặc là để trình diện ở nơi làm việc của họ theo lời yêu cầu của chính phủ. Cố gắng điều khiển giao thông là quân đội chính quy Bắc Việt, những người không quen biết Sài Gòn, cũng như thiếu niên địa phương có thiện cảm với họ, nhưng lại hoàn toàn không hiểu gì về điều khiển giao thông. Họ vung vẩy những khẩu súng có đeo băng đỏ của họ, và bắn lên trời khi hoàn toàn không có ai nghe theo họ.

Mặc cho sự hỗn loạn của giao thông, mà trong đó không có dấu hiệu giao thông nào còn hiệu lực và các con đường một chiều lúc trước luôn luôn được chạy theo chiều ngược lại, chúng tôi thấy tất cả mọi người đều rất lịch sự và tự kiềm chế, giống như người dân đã thay đổi một cái gì đó ở bản tính của họ chỉ qua một đêm. Chúng tôi tới được dinh Độc Lập, nơi mà một trại lính khổng lồ của Bắc Việt với xe tăng và pháo binh đã thành hình. Chúng tôi là những người xem hơi đặc biệt, vì con số người nước ngoài ở Sài Gòn hiện giờ đã giảm xuống chỉ còn một vài ngàn. Không còn ai nói “người Mỹ” nữa, mà phần lớn đều tin rằng chúng tôi là người Pháp, những người mà bây giờ được nhìn với ánh mắt tốt hơn. Chỉ có một lần là chúng tôi bị một người lính Bắc Việt xét hỏi. Đó là trước nhà của Ariel, người mà chúng tôi cần phải đón.

Người Bắc Việt vào Sài Gòn. Hình: Francoise de Mulder/CORBIS

30 Apr 1975, Saigon, South Vietnam — North Vietnamese Arrive in Saigon — Image by © Francoise de Mulder/CORBIS

Rõ ràng là chúng tôi đã nhìn quanh quá chăm chú. Những lỗ thủng của đạn bắn nhà của ông ấy và cả một người chết từ hôm qua vẫn còn nằm trên lể đường và không có ai mang đi. Đó là một người hôi của, đã bị quân đội cách mạng bắn chết ngay tại chỗ. Khi tôi thông báo quốc tịch Đức của tôi thì người lính đó, thuộc vào một nhóm trông có vẻ thật sự dữ tợn, an tâm.

Chúng tôi không có thời gian để lắng nghe những câu khẩu hiệu của các đoàn sinh viên đi biểu tình, và chỉ có thể vẫy tay chào những người tham gia. Chúng tôi trở về quá muộn, vì tôi đã dự định tổ chức một cuộc họp với những người có trách nhiệm của Trung Tâm vào lúc mười giờ. Cuộc họp này cho thấy các thành viên của Trung Tâm, kể cả những người thủ cựu, đã nhanh chóng thích hợp với tình hình mới ra sao. Chúng tôi quyết định tạm thời cứ tiếp tục tiến hành tất cả các chương trình như cũ, nhưng đồng thời mở rộng sự phục vụ y tế của chúng tôi, để làm giảm bớt sự khó khăn nhất thời của những người bệnh và bị thương. Đúng trong khoảnh khắc đó, chiếc ô tô đầu tiên của Mặt Trận Giải Phóng đi vào Trung Tâm. Một chiếc xe Hồng Thập Tự của Ủy ban Cách mạng Phú Nhuận, xin chúng tôi bông băng và dược phẩm – những thứ mà tất nhiên là họ cũng nhận được.

Rồi vào xế chiều, Trung Tâm cũng bị quân đội chính quy Bắc Việt chiếm đóng. Đầu tiên, một ủy viên của phòng chính trị đến và tham quan Trung Tâm, sau đó có thêm một nhóm nữa tới và hỏi liệu một vài người lính có thể ở trong Trung Tâm được không. Chúng tôi chấp nhận. Và chẳng bao lâu sau đó đã có một cuộc trao đổi sống động với nhân viên và những đứa bé. Tất cả những điều đó đã diễn ra khi tôi vắng mặt. Khi rồi tôi đến chào nhóm người đó, tôi cũng gặp một người trưởng nhóm thân thiện cũng như hết sức ngoại giao, người đưa ra lời khen chúng tôi nhiều hơn là câu hỏi. Ông giải thích cho chúng tôi, rằng bây giờ họ muốn làm quen với vùng này và muốn tìm kiếm những người chống lại hệ thống mới.

Điều thứ nhì làm cho chúng tôi hơi lo ngại, cũng như thông tin, rằng vào buổi sáng, bốn nhân viên của Tổng thống Thiệu đã bị xử tử công khai trước dinh. Mặc dù vậy, tôi yêu cầu tất cả các nhân viên của chúng tôi hãy giúp đỡ quân đội cách mạng với mọi khả năng và đừng biểu lộ nỗi lo sợ của họ về những gì còn có thể đến. Vào buổi tối, khi tôi gọi điện thoại thêm một lần nữa vào Trung Tâm thì rõ ràng là một bầu không khí tốt đã thành hình, không ai còn lộ vẻ lo sợ nữa, mặc dù phần lớn những con đường nhỏ trong khu lân cận của Trung Tâm đều bị quân đội chính quy và quân đội của MTGP chiếm đóng. Đến tối thì biết được tại sao. Cái khách sạn và nhà chứa Milan ở đối diện đã trở thành bộ chỉ huy quân sự địa phương cho khu phố của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng với sự tiếp xúc gẩn gũi như vậy thì chúng tôi ít phải lo sợ hơn là nằm trong sự vô danh.

Sau những vui mừng đầu tiên là nỗi lo lắng về tương lai

02/05/1975

Tin mới duy nhất, mà BBC có thể tường thuật từ Việt Nam do bị cấm đưa tin nói chung, là cuộc sống đã trở lại bình thường. Thật sự là như vậy, có nhiều cửa hàng mở cửa hơn là ngày hôm qua, trên đường phố có nhiều giao thông hơn và trong Trung Tâm của chúng tôi thì công việc vẫn được tiếp tục như thông thường, không ít thì nhiều.

Nhưng ít nhất thì có thể thấy rõ rằng chế độ mới được thành lập từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Sài Gòn treo đầy cờ. Nhà nào cũng có cây cờ sao vàng trên nền đỏ – xanh, như chính phủ đã yêu cầu. Ai nắm quyền ở thành phố và điều này diễn ra như thế nào thì cho tới nay vẫn còn chưa rõ. Chính phủ Cách mạng Lâm thời dường như vẫn còn chưa có mặt trong thành phố. Một bộ chỉ huy quân sự trung tâm vẫn còn chưa được biết tới. Cả trong ủy ban hành chánh địa phương, những con người mới đó hầu như cũng không được biết tới. Chỉ đường phố là đầy xe của chế độ mới. Những người đàn ông mặc quân phục này rõ ràng là quân đội chính quy Bắc Việt. Những người không mặc đồng phục là người miền Nam có thiện cảm với MTGP, thế nhưng người ta không biết phải xếp họ vào đâu. Đối với nhiều người thì họ không khác gì hơn Nhân Dân Tự Vệ trước đây, chỉ khác với những người đó ở chỗ bây giờ họ mang dấu hiệu của MTGP và một cái băng đỏ trên khẩu súng.

Sài Gòn 1975

Sài Gòn 1975

Hôm nay, chúng tôi tiếp xúc hai lần với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tôi muốn biết ủy ban hành chánh Phú Nhuận có dự định làm gì về mặt y tế, nhất là vì chúng tôi ở Trung Tâm đã được một nhóm người đến thăm hai lần để xin vật liệu sơ cứu. Trong ngôi nhà đã xuống cấp mà trước đây các cô gái đỏng đảnh của ủy ban hành chánh ngồi ở trong đó, chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi trong bộ quân phục, người trông có vẻ như đã lâu lắm rồi không còn ngồi ở cạnh một cái bàn viết. Sau này chúng tôi mới biết rằng đó là ông chủ tịch ủy ban hành chánh. Chúng tôi đưa ra lời đề nghị giúp đỡ về mặt y tế và chẳng bao lâu sau đó đã thống nhất rằng có thể thành lập một trạm khám bệnh nhi đồng trong Trung tâm Y tế Xã hội của terrre des hommes. Qua cuộc trao đổi sau này mới biết rằng đó là một người của miền Nam, biết rất rõ terre des hommes. Trong đợt tấn công dịp Tết Mậu Thân, anh ta đã làm việc cho terre des hommes để giúp đỡ những người tỵ nạn, nhưng mà rồi sau đó đã đi vào bí mật. Con người sinh viên từ Sài Gòn trước đây đã cởi bỏ hoàn toàn vẻ ngoài của một người dân đô thị. Một người đã quen gian khổ nhưng mặc dù vậy vẫn không đánh mất một sự nồng nhiệt thân thiện.

Sau đó, chúng tôi đi tới trại mồ côi Lam Ty Ni, nơi hiện giờ đã trở thành trụ sở chính của những người chịu trách nhiệm cho quận này. Những người có trách nhiệm ở đây còn trẻ hơn nữa. Tất cả đều mang vũ khí, những người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi đó nhảy lên xe Jeep và lái đi qua những con đường lân cận – với một nhiệm vụ nào đó. Một người đàn ông trẻ tuổi với tấm hình Hồ Chí Minh trước ngực, nhưng với thái độ của một người tư sản sinh viên trẻ tuổi, tự giới thiệu – ngay cả khi khá ngần ngừ – ông là bác sĩ.

Lúc này, các đứa bé lớn hơn của trại mồ côi, tất cả đều có huy hiệu của MTGP, mang sữa bột và các loại thực phẩm khác chạy qua sân như là “lực lượng phụ trợ của MTGP”. Nhiều trò ồn ào biểu diễn, nhiều gương mặt cố làm ra vẻ dữ tợn và trình diễn, điều mà rõ ràng là ban điều hành cũ của trại mồ côi – được cho là tham nhũng – chỉ miễn cưỡng chấp nhận. Thế nhưng họ không có sự lựa chọn, nhất là khi người thư ký của trại mồ côi, là cán bộ của MTGP lâu nay, đã biết rõ về việc tham nhũng của bà giám đốc được đào tạo ở Đức.

Qua đó, chúng tôi đã làm quen được với hai mặt của chính quyền MTGP địa phương vào ngày hôm nay. Đó chắc hẳn không phải là những người điều hành cuối cùng của đất nước này. Sự lộn xộn ở Sài Gòn trước sau vẫn không thể diễn tả được: trên đường phố, trên chợ, v.v. Không ai biết rõ mình sẽ ra sao và đường lối tương lai là như thế nào. Những người phản cách mạng vẫn còn có thể công khai nói họ nghĩ gì về tất cả những việc này, về những gì còn sẽ đến. Lệnh giới nghiêm bây giờ đã được bãi bỏ.

Sau những vui mừng đầu tiên về nền hòa bình đã được lập lại, bây giờ nỗi lo sợ về tương lai đã pha trộn vào bầu không khí. Nhiều tin đồn lan truyền trong thành phố. Những cuộc xử tử hình, mà người ta cho rằng đã tiến hành trước Dinh Tổng thống, cho tới nay vẫn chưa được xác nhận. Nhưng đã có những cuộc họp tổ dân phố mà người ta cho rằng tuyên truyền chính trị đã được thực hiện ở đó, và người dân được khuyên là nên dậy vào lúc năm giờ sáng, tập thể dục và tham gia vào các hoạt động của khu phố, ví dụ như tổ chức đổ rác.

Biện pháp mới, có tác động không tốt đến Trung Tâm, là việc các bác sĩ bây giờ phải làm việc cả ngày tại nơi làm việc của họ và phải cởi bỏ sự lười nhát của hệ thống cũ. Qua đó, chúng tôi mất bác sĩ Chinh, người điều hành phần y tế của “Chương trình dành cho gia đình nghèo” và chỉ làm việc nửa ngày.

Bắt đầu từ ngày mai, các sinh viên, những người làm việc ở chỗ chúng tôi và chỉ ghi danh trên danh nghĩa ở trường đại học, được yêu cầu phải trình diện tại các trường đại học của họ để nhận phân công lao động. Qua đó, việc giúp đỡ cho những người tỵ nạn đã gặp nguy, vì chủ yếu được ba sinh viên này tổ chức. Chương trình giúp đỡ y tế xã hội cho trẻ em tật nguyền cũng mất người đứng đầu, ông Tung, người cũng còn là sinh viên.

Trong Ủy ban Hành chánh Phú Nhuận

03/05/1975

Một đặc tính mới có ảnh hưởng quyết định tới cuộc sống bắt đầu hiện dần ra ở Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ ở trong ủy ban hành chánh của Phú Nhuận. Trước đây, tôi rất hiếm khi phải đến đây, để ghi nhận những thay đổi vào trong quyển sổ gia đình, để xác nhận chữ ký, v.v. Tôi chỉ miễn cưỡng đặt chân qua ngưỡng cửa, vì cơ sở hành chánh này đối với tôi đã trở thành hiện thân cho tệ quan liêu của Việt Nam. Luôn có một đoàn người chen chúc nhau trước các quầy và rồi được các nhân viên nhà nước mang vẻ chán nản gửi đi nơi khác. Các cô “thơ ký đánh máy” trẻ tuổi trong chiếc áo dài xinh đẹp hay cáu bẳn và hành hạ người dân, những người không biết gì nhiều về tất cả những quy định của nhà nước. Rồi phải có chữ ký của người phó quận. Người này trông có vẻ như đã trở nên rất khá giả nhở vào công việc của mình. Và tôi còn nhớ, vừa bực mình vừa buồn cười, rằng sau đó còn phải để cho đóng dấu vào các văn kiện nữa, những cái trước sau gì thì cũng đã có chữ ký rồi. Là người nước ngoài, tôi bình thản chấp nhận số phận của mình, số phận mà tôi đã tự lựa chọn nó – ngược với người dân Việt Nam.

Chợ Lớn, tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images

Chợ Lớn, tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images

Hôm nay tôi lại đi vào trong ủy ban hành chánh, vì bệnh xá mà Trung Tâm Xã hội Y tế đã quyết định thành lập sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng. Bây giờ không còn nhìn thấy những nhân viên nhà nước mập mạp đó nữa, mà là nhũng người trẻ tuổi mang súng, nhưng cũng có một người phụ nữ đã có tuổi trong quần và áo khoác màu đen, làn da rám nắng, tóc được tết lại thành một bím ngắn. Lần này còn có cả trà cho chúng tôi, hẳn là những người khách hơi đặc biệt một chút. Chúng tôi phải chờ, vì người mà chúng tôi muốn gặp không có ở đây. Thế nhưng sau một thời gian thì chúng tôi được gọi trở vào tòa nhà chính. Nó tạo ấn tượng của một trại lính: đạn dược, vũ khí và quân phục được đặt ở nhiều góc nhà. Trong một gian phòng khác, nhiều chiến binh giải phóng đang ăn cơm. Chúng tôi bước vào gian phòng của người sếp, cái mà tôi đã biết từ thời gian trước đây. Bây giờ, bên cạnh cái bàn làm việc có một cái giường lớn với mùng, vì người ta phải hoạt động cả ngày lẫn đêm. Gian phòng hôi mùi thuốc lá, giống như người ta đã hội họp cả đêm ở đây. Người ta xin lỗi vì thiếu khả năng tiếp đón trong những ngày này, và mặc dù vậy chúng tôi lại được mời trà.

Rồi hai người đàn ông bước vào, được giới thiệu cho chúng tôi là cán bộ cao cấp của cách mạng. Lần đầu tiên, đây là những người đàn ông đã lớn tuổi. Người nói chuyện mặc một bộ quân phục màu xanh, lại không có quân hàm. Khuôn mặt nổi bật, rất gầy guộc của ông để cho phỏng đoán rằng đối với ông, mục tiêu của một cuộc chiến đấu và của một cuộc đời đầy gian khổ đã đạt tới. Ariel thông dịch từ tiếng Việt. Cuộc trao đổi bắt đầu với nghi thức truyền thống, mà trong đó người ta hỏi thăm về sức khỏe của tôi và gia đình tôi. Tôi trả lời rằng gia đình tôi và cả mọi thành viên trong Trung Tâm đều khỏe mạnh, tất cả đều đã an toàn qua được các trận đánh của những ngày vừa qua và bây giờ thì vui mừng rằng hòa bình đã được lập lại.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi phần lớn chỉ là một sự trao đổi những lời tuyên bố. Người ta trình bày tất cả những dòng suy nghĩ, đúng theo phép tắc Việt Nam. Người đối thoại với chúng tôi bắt đầu mô tả lại cuộc đấu tranh hào hùng giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Bây giờ thì mục tiêu đã đạt được rồi. Tôi trả lời, rằng tôi luôn luôn muốn tránh việc terre des hommes ghép đặt chương trình của mình từ bên ngoài vào, và tôi luôn luôn muốn phát triển kế hoạch với các nhân viên người Việt, để làm những gì có lợi nhất cho trẻ em Việt Nam. Câu trả lời này, cái cố gắng gạt sang một bên phương cách hơi tân thực dân của terre des hommes, dường như đã gây được nhiều ấn tượng.

Người đối thoại với tôi bắt đầu gọi tôi là “anh bạn”. Ông ấy không quan tâm nhiều cho lắm tới những việc nhỏ của bệnh xá. Ông thừa nhận ông là  người của quân đội và không thể nói chiều về chi tiết với chúng tôi. Mặc dù vậy ông vẫn cố gắng đưa ra nhiều lời khuyên và hứa sẽ thông báo về việc chúng tôi đã khai trương bệnh xá trong Phú Nhuận. Người đồng chí kia của MTGP im lặng cho tới cuối. Ông chỉ lắng nghe, quan sát và thỉnh thoảng gật đầu tán thưởng. Chỉ vào lúc cuối là ông có nói một lời ngắn gọn. Ông chúc mừng tôi, rằng tôi đã ở lại đây như là người Đức, nhưng cũng bày tỏ sự đáng tiếc của ông, rằng cả trong Đại sứ quán Đức cũng bị cướp bóc trong thời gian hôi của. Trong lúc đó, một quả lựu đạn đã được quẳng vào trong sứ quan và nhiều người đã tử thương. Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe được về vụ việc này.

Daily Life In Saigon, Vietnam In May, 1975 -

Sau cuộc trao đổi, chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể tiếp tục công việc của chúng tôi thêm một thời gian nữa, nhưng sẽ nhanh chóng có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ nhà nước. Chúng tôi cần phải suy nghĩ xem những gì là cần thiết cho xã hội Việt Nam. Trong trường hợp có những kế hoạch nào đó mâu thuẫn với chính phủ cách mạng, theo những người đối thoại với chúng tôi, thì người ta không ép buộc có những thay đổi mà chỉ cố gắng trao đổi với nhau. Người ta khuyên chúng tôi không nên đi ra khỏi thành phố ngay vào lúc này, vì hệ thống thông tin nhà nước chưa được thành lập. Điều có thể xảy ra ví dụ như là một giấy đi đường được cấp ở Sài Gòn sẽ bị nghi ngờ là giả mạo ở Đà Lạt.

Cả ở trên một phương diện khác, Việt Nam cũng có một hình ảnh mới. Không còn có thể nhận ra được văn hóa thành thị tinh tế trong radio được nữa. Thay vào đó là những bài tường thuật và lời kêu gọi cách mạng hùng hồn cũng như nhạc hành quân và cách mạng. Các chương trình nhạc trước đây đầy những lời ca đa cảm. Bây giờ là những bài hát hân hoan và mộc mạc của một dân tộc nông dân đã chiếm lĩnh các thành phố.

Gặp các nhà báo nước ngoài trong Continental

04/05/1975

Lần đầu tiên sau giải phóng, hôm nay tôi cùng với Siriporn đi vào trung tâm Sài Gòn, cũng với ý định thực tế là muốn biết thêm được tin tức từ các nhà báo nước ngoài, những người sống hầu hết trong khách sạn Continental. Nhưng chúng tôi chỉ nhận được thêm ít thông tin từ các nhà báo. Những nhà báo tương đối thủ cựu thì rõ ràng là đang nghỉ ngơi và không làm gì cả, những người tương đối tiến bộ hơn lại rơi vào trong một sự cực đoan khiến tôi phải phát ngượng.

Đường Lê Lợi, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Đường Lê Lợi, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Chúng tôi thăm Dietrich Mummenday, thông tín viên châu Á của tờ “Thế Giới”, người đã ở tại Sài Gòn gần năm tuần rồi. Ông ấy đang ngồi cạnh bàn ăn sáng vào lúc 10 giờ 30, hết sức ngược lại với những lời khuyên dậy sớm mà chính phủ cách mạng lâm thời đã đưa ra cho người dân Việt Nam. Vì dường như ông là ký giả nhật báo Đức duy nhất ở Sài Gòn, ông đã làm việc cật lực trong những ngày vừa qua. Câu hỏi hành hạ ông nhiều nhất là không biết bài tường thuật cuối cùng của ông về lần giải phóng thành phố – đó là lúc trước cấm truyền tin tức hoàn toàn – có ra được nước ngoài hay không. Từ khi những chiếc máy điện báo ghi chữ câm lặng, ông đã rơi hoàn toàn vào trong sự lười biếng. Ông nói là ông cần phải nghỉ ngơi. Chúng tôi nói về những gì đã qua, về các trải nghiệm, điều vụn vặt của những ngày vừa qua. Ngoài ra thì Mummenday cười nhạo sự bận rộn sốt sắng của các nhà báo trẻ tuổi hơn, ví dụ như đi xe ra tới Long Thành để chụp hình. Đối với Mummenday thì tất cả mọi việc là đã xong rồi.

Ngồi đối diện là một nhiếp ảnh gia của tờ “Tấm Gương”. Ông ấy hài lòng nhìn những bức ảnh của ông ấy, những bức ảnh – như ông hãnh diện tường thuật lại – đã rất thành công mà không cần máy đo ánh sáng. Ông có một cuộn băng ghi âm lại lời tuyên bố từ dinh Độc Lập vào ngày giải phóng. Ông cảm nhận mình như một nhà cách mạng, nhưng rõ ràng là không nhận ra rằng giữa cuộc sống của ông và cuộc sống của những nhà cách mạng có nhiều khác biệt hơn là giữa các đối thủ giai cấp ở Việt Nam. Ông mặc một chiếc áo thun Polo với chiếc lá phong từ quốc kỳ của Canada mà ông đã gắn một huy hiệu Hồ Chí Minh ở trên đó. Ông đối xử với những người bồi bàn như với những con lừa ngu ngốc, một biến thể Đức trẻ tuổi của những cách thức đối xử thực dân với người bản địa. Tất nhiên là ông ra vẻ kiêu căng, vì ông biết lịch sử thế giới sẽ đi về đâu, và ông có cảm giác rằng với “Tấm Gương”, ông ở về bên phía tốt đẹp hơn khi so với tờ “Thế Giới”.

Sau đó, Tiziano Terzani cũng tham gia, thông tín viên Đông Nam Á của tờ “Tấm Gương”, người đã nhận được nhiều tiếng tốt không những vì mới đây đã bị chính phủ Thiệu trục xuất ra khỏi nước do viết nhiều bài báo cực đoan, mà cũng vì “nét đẹp Playboy” ở tuổi già của ông, Tôi đã quen biết ông từ trước, từ một chuyến đi thăm Trung Tâm, và trong lúc đó đã kính nể cách hỏi của ông rất nhiều. Ông đang tổ chức một câu lạc bộ báo chí quốc tế để xin các nhà cách mạng cấp giấy phép hoạt động.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sắp tới đây, một chính phủ mới phải được thành lập, tôi cũng nghĩ như vậy, để đưa ra một chính sách rõ ràng. Hệ thống cũ đã có thể thích hợp được rất tốt: mãi dâm, ăn xin, trẻ bụi đời và trộm cắp lại nhiều lên, trước hết là ở gần khách sạn Continental.

Ít ra thì lãnh đạo của “Ủy ban Quân Quản” và thành viên của nó cũng đã được công bố, trong số đó cũng có bộ trưởng bộ kinh tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Hy vọng là đường lối kinh tế xã hội sẽ nhanh chóng rõ ràng hơn.

Hôm nay, chúng tôi đã gom lại tất cả những gì mà nhân viên Hieu của chúng tôi có thể mang theo trên chuyến đi trở về Đà Nẵng vào ngày mai của anh ấy: thuốc men, sữa và tiền, tất cả đều trong những lượng nhỏ. Nhưng ít ra thì xe đò đã hoạt động trở lại. Mười hai giờ cho tới Đà Nẵng, như trước đó, giá chính thức vẫn còn hơi cao: 13.000 đồng, khoảng 2,5$. Nhưng không phải là điều đáng để ngạc nhiên với giá xăng đang tăng lên. Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng nhận được tin từ anh ấy.

Truyền hình Việt Nam tiếp tục phát đi những cuốn phim về chiến tranh và giải phóng với nhiều cảnh bắn nhau và người chết, về sự tàn phá của người Mỹ và tranh biếm họa Nixon mà nước mắt của ông ấy biến thành máy bay ném bom B-52. Dáng vẻ quân sự này có hơi nhiều đối với tôi. Từ tối hôm nay, “Radio of Liberation” cũng phát bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Phong cách ở đây thì khác, vì Nam Việt Nam trình diễn mình ra nước ngoài. Bên cạnh tin tức là những bài ca cách mạng và nhạc truyền thống dân tộc. Thật đáng tiếc là những kỹ thuật viên trong đài phát thanh Sài Gòn vẫn còn chưa có khả năng điều khiển được các thiết bị.

Sài Gòn không có chính phủ hiển thị

06/05/1975

Người ta thất nghiệp ở trong Bộ Y tế. Các cán bộ phải có mặt đúng giờ ở nơi làm việc. Nhưng vì vẫn còn chưa có bộ trưởng và thiếu các hướng dẫn về chính sách y tế nên họ ngồi ở cạnh những cái bàn làm việc đã được dọn dẹp sạch sẽ của họ, hay đứng ở ngoài hành lang và nói chuyện phiếm. Mong muốn của chúng tôi, muốn biết cụ thể hơn về tương lai của terre des hommes, không được toại nguyện. Bà nữ Bộ trưởng vài tuần nữa mới có thể có mặt ở đây và trao đổi.

Hơi thất vọng, rằng người ta đã làm cách mạng, nhưng cho tới nay thì chưa có gì cụ thể xảy ra cả. Tất cả đều diễn ra như thể không có một cấp thẩm quyền trung tâm. Cuộc sống cũ cứ tiếp tục theo một cách nào đó, dưới những điều kiện khó khăn hơn. Chợ đen trong con hẻm nhỏ trước Trung Tâm của chúng tôi hoạt động mạnh cho tới mức hồi sáng nay, xe của chúng tôi hầu như không thể đi xuyên qua được. Giá xăng tăng vô tận vì không còn có nguồn cung cấp nữa. Bánh mì và các loại thực phẩm khác cũng vậy. Vẫn còn hôi của. Nếu như người của Mặt trận Giải phóng bắt được quả tang ai đó thì có quyền xử theo cách của tòa án quân sự. Maria thuật lại rằng một em trai 15 tuổi đã bị bắn chết ngay tại chỗ theo cách này và rồi bị treo lên trên một cột điện để răn đe. Khi người mẹ muốn tháo xác con của mình xuống và mang đi chôn cất thì các lực lượng cách mạng đã không cho phép. Xác chết phải treo ở đó vài ngày.

Saigon In Vietnam In May, 1975 -

Bán xăng lậu, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Tôi bắt đầu nghi ngờ, liệu Mặt trận Giải phóng có được sự ủng hộ từ một phần đáng kể của người dân Sài Gòn hay không. Trong Trung Tâm của chúng tôi – theo như tôi biết – thì không có ai đã là thành viên bí mật cả. Ngay cả Tuong ở Đà Nẵng cũng sống không được tốt cho lắm. Anh ấy lúc nào cũng mơ ước giải phóng hãy về cho sớm, vì hầu như tất cả các bạn bè của anh ấy đều ở bên MTGP hay ngồi trong nhà từ của chế độ Thiệu. Thời kỳ chuyển tiếp giữa hệ thống cũ và mới dường như chỉ hoạt động như nó đang hoạt động vì chính phủ Thiệu đã lan truyền đi những câu chuyện khủng khiếp về Việt Cộng, cho tới mức người dân đã chuẩn bị tinh thần trước cho điều xấu nhất, nếu như không được thực hiện đúng các quy định. Thế nhưng cho tới nay thì MTGP đã rất dè dặt trên mọi phương diện, ngoài trừ bắn chết những người hôi của bỏ chạy. Vì vậy mà những câu chuyện do tuyên truyền của chế độ cũ lan truyền đi trước đây đều là những lời nói dối.

Chúng tôi đã chào mừng hệ thống mới với nhiều chờ đợi và hy vọng, cả dưới mối nguy hiểm là Sài Gòn có thể bị ném bom. Bây giờ, khi các chờ đợi và hy vọng này không được toại nguyện thì điều đó giống như một nhát đâm vào trái tim và là một lời xác nhận đáng buồn cho những gì mà những người phản cách mạng luôn quả quyết.

Hiện giờ đang có tin đồn mà theo đó chúng tôi không còn được hoan nghênh ở đây nữa và phải đóng cửa. Người ta nói rằng một bệnh viện quân đội đã được thành lập trong làng trẻ em SOS ở Đà Lạt. Viên giám đốc mới từ miền Bắc của bệnh viện dân sự Đà Lạt rõ ràng là đã hỏi rằng liệu ngôi nhà dành cho trẻ em bị liệt nửa người có thể được sử dụng cho những mục đích chung của bệnh viện hay không. Ni cô, người mà chúng tôi quen biết tốt và rất quý mến, và cũng là người đã làm việc với Giáo sư Erich Wulff ở Huế trước đây, bây giờ lại muốn rút lui về trên một hòn đảo để thiền. Bà hết sức hoài nghi rằng Trung tâm Đào tạo Nhân viên Xã hội của bà bây giờ vẫn còn được chấp nhận. Bà đã thuộc vào giới đối lập Phật giáo chống lại chính phủ Thiệu.

Bây giờ thì cuối cùng tôi cũng muốn biết liệu tất cả những điều đó có đúng hay không. Về tương lai của terre des hommes thì tôi muốn đi gặp Ủy ban Quân Quản để hỏi rằng sự hiện diện của terre des hommes có còn được hoan nghênh và mong muốn nữa hay không. Tuy tôi vẫn hy vọng vào điều đó. Vì ở Việt Nam, terre des hommes luôn luôn cố gắng đối xử trung lập về mặt chính trị và không bước vào cộng tác quá chặt chẽ với các tổ chức nhân đạo đế quốc. Tất cả những mạo hiểm này có đáng giá không? Tôi sẽ rời bỏ Việt Nam càng sớm càng tốt, nếu như trong những ngày tháng này, tổ chức không nhận được gì nhiều hơn ngoài sự dung thứ. Tôi không muốn sống trong một đất nước mà sự hiện diện của tôi được xem như là một cái gai trong mắt.

Ủy ban Quân quản ra mắt

07/05/1975

Hôm nay, Ủy ban Quân quản (UBQQ) của thành phố Hồ Chí Minh đã được giới thiệu công khai. Trước sau vẫn là một chính quyền quân đội thay vì một chính phủ dân sự, và không ai biết rằng họ nói chung là ở đâu.

Tất cả các hiệp hội công cộng, trường học, đại học và cơ quan nhà nước đều được kêu gọi hãy tham gia cuộc biểu tình vào tám giờ sáng. Hàng chục ngàn người đã tụ hợp lại trước dinh Độc Lập, bây giờ là nơi ở của chính quyền quân đội. Tôi xem cuộc hội họp đó qua truyền hình vào buổi tối: hàng ngàn biểu ngữ và hình ảnh của người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Người sếp của UBQQ đọc một bài diễn văn nửa giờ. Đó là Trung tướng Trần Văn Trà, người sếp quân đội của chiến dịch Tết Mậu Thân, là một người miền Nam, cũng trong bộ quân phục xanh đặc trưng với chiếc nói cối xanh. Trên đường phố thì thật là khó mà phân biệt được liệu một người lính thuộc quân đội chính quy Bắc Việt hay thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Nam Việt Nam. Ở trên màn hình, nơi mà người ta phải cho rằng đó là những hình ảnh đã được kiểm duyệt, lần tuyên bố này trông có vẻ hơi mệt mỏi. Tướng Trà không phải là một nhân vật có sức thu hút. Ông đọc bài diễn văn của ông. Người dân thường chỉ vỗ tay khi những người trong quân đội khác trên ban công bắt đầu vỗ tay. Người ta cũng nói rằng một vài hiệp hội đã bị bắt buộc phải tham gia. Tôi không thể xác nhận điều này. Thế nào đi nữa thì các sinh viên của chúng tôi cũng không tham dự mà làm việc ở trong Trung Tâm.

Victory Celebration in Saigon May 1975

Chào mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sự bi quan về chế độ mới ngày một bộc lộ ra nhiều  hơn. Các thành viên thiên tả của Trung Tâm cũng bộc lộ sự bất bình về tin mà hẳn là đúng, rằng một em trai 12 tuổi đã bị bắn chết lúc chạy trốn, vì em đã lấy trộm 250 đồng, một vài xu Đức.

Cả một nhà báo trong Continental, ông Köster của Đài Phát thanh Tây Đức, cũng đã quan sát thấy được một vụ hành hình tương tự. Hai người đàn ông gật chiếc giỏ xách của một người phụ nữ. Một người phụ nữ khác của MTGP nhìn thấy, kêu họ đứng lại. Khi hai người đàn ông không tuân theo lời của bà, bà đã rút khẩu súng ngắn ra và bắn chết họ ngay tại chỗ.

Nếu như Chủ nghĩa Xã hội muốn đẩy mạnh Chủ nghĩa Nhân văn, điều mà tôi thật sự tin, thì phải từ bỏ những biện pháp đó. Hình thức bắn chết người theo kiểu tòa án quân sự này tuy có thể được lòng người dân, nhưng là một hình thức từ thời Trung cổ xa xưa, và chỉ có thể được xem như là một phản chiếu mới cho sự tàn bạo hóa xã hội Việt Nam. Và điều đáng tiếc nhất là chúng hoàn toàn không phục vụ cho công cuộc xây dựng một xã hội nhân văn.

Những câu chuyện như vậy làm tăng thêm sự hoài nghi. Các nhà báo còn chưa có sự hoài nghi này. Họ sống trong các grand hotel của thành phố và hưởng sự tự do được phép đi lại khắp nơi. Họ chỉ nhận thông tin từ UBQQ. Họ không nhìn thấy những khu phố nhỏ, nơi người ta tập những bài ca để củng cố “tinh thần cách mạng”, họ không nhìn thấy sự miễn cưỡng của sinh viên khi đi dọn sạch đường phố, họ không nhận thấy gì những nỗi sợ hãi thầm kín đang nẩy mầm của người Việt.

Làng trẻ em SOS đã nhận được lời chấp thuận cho trẻ em được phép trở về Đà Lạt bằng xe tải quân đội. Margrit đến tìm ông Kutin, vì bà nhận được tin rằng làng trẻ em ở Đà Lạt đã được cải tạo thành một bệnh viện quân đội. Bà gặp một ông Kutin đang mất hết tinh thần, người mà vào cùng ngày hôm đó đã có một trải nghiệm hết sức xấu: có một chiến binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đi cùng, ông đã tìm đến một văn phòng an ninh của quân đội ở trên đường Võ Tánh. Suýt nữa thì ngay cả nhà cách mạng đi cùng cũng không được phép đi vào, mặc dù ông đã chiến đấu từ 30 năm nay cho một Việt nam độc lập. Các nhân viên an ninh hẳn là sĩ quan Bắc Việt. Giữa các nhà cách mạng đã bùng nổ một cuộc tranh cãi gay gắt ngay trước mắt ông Kutin. Người này bị đối xử không tốt. Ngoài những điều khác, người ta có ý muốn nói rằng ông cần phải trình diện ở đây từ ngày 10 tới ngày 15 tháng Năm – như tất cả những người nước ngoài khác. Trong lúc đó thì có tin đồn rằng tất cả người nước ngoài đều phải rời khỏi nước. Việc các đại sứ quán phải thay đổi nhân sự của họ nếu như họ muốn trở lại thì đã được tuyên bố qua radio. Cuối cùng, người ta đã để cho Kutin đi ra mà không có một lời chào tạm biệt.

Saigon June 1975 - PRG Carries Out Execution In Saigon

Nguyen Tu Sang bị xử bắn ở Sài Gòn vì tội cướp giật có mang vũ khí. Hình: Rolls Press/Popperfoto/Getty Images

Ngày càng có thể thấy là có thể xảy ra một xung đột lớn giữa giới quân đội của miền Bắc và của MTGP Nam Việt Nam. Điều đó cũng giải thích được, tại sao không những người ta không tuyên bố một chính sách rõ ràng của chính phủ mà cả chính phủ dân sự cũng không thấy xuất hiện. Ý tưởng của hai nhóm này được cho là rất khác nhau.

Có nhiều điều ủng hộ cho việc là một cuộc tái thống nhất cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt dưới quyền chỉ huy của những người nguyên tắc từ miền Bắc. Sự lựa chọn khác mà các nhà báo đã nói về nó là một Nam Việt Nam trung lập, không liên kết, có người xã hội chủ nghĩa và người dân tộc chủ nghĩa đứng đầu.

Liệu những xung đột giữa hai phe có thể dẫn tới đánh nhau trực tiếp hay không thì không thể đánh giá được trong lúc này. Ông Kutin đã nói rằng ông phải dọn ra khỏi vài ngôi nhà trong làng trẻ em ở Sài Gòn của ông ấy, vì một tuyến phòng thủ với công sự v.v. cần phải được xây dựng ở đây. Vì Tướng Trà trong bài diễn văn ngày hôm nay của ông đã kêu gọi quần chúng hãy cảnh giác, để ngăn chận một cuộc công kích của những kẻ phản cách mạng. Tôi không muốn trải qua một cuộc nội chiến như vậy giữa hai nhóm xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thư gửi chính quyền cách mạng

10/05/1975

Chế độ mới tự thể hiện ở hai mặt: ngồi trong tất cả các cơ quan là người trong quân đội thuộc UBQQ. Họ rất thân thiện và cảm thấy không được thoải mái trong những thứ bàn ghế được bọc da của chính quyền cũ. Cho tới nay, công việc của họ là chiến tranh – trong bùn lầy và trong rừng rậm. Họ vẫn còn mặc cùng bộ quân phục đó, giày xăng đan từ lốp xe. Quản lý hành chánh trong công sở không phải là việc làm của họ. Nhưng người ta được tiếp đón một cách nồng nhiệt, ngay cả khi các câu trả lời của họ không chứa đựng nhiều thông tin cho lắm. Dường như người ta cũng không biết rằng sẽ tiếp tục như thế nào. Cho tất cả mọi việc, đầu tiên là họ cần một văn kiện từ UBQQ.

Tướng Trần Văn Trà họp báo sau khi Saigon sụp đổ

Tướng Trần Văn Trà họp báo sau khi Saigon sụp đổ

Bây giờ chúng tôi đã viết một lá thư như vậy, để có thể tiếp tục công việc của terre des hommes. Trước cánh cổng sắt có một nhà cách mạng ngồi và đưa ra lời khuyên cho những người đến đây với các vấn đề của họ và hy vọng rằng chúng sẽ được giải quyết ở đây. Chúng tôi cũng trao bức thư của chúng tôi ra ở đây. Chúng tôi không biết bao giờ thì sẽ có câu trả lời. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng đó là một câu trả lời tốt đẹp.

Chế độ mới cũng tạo ra nhiều nỗi lo sợ về tương lai ở nhiều người. Hôm qua, Margrit đã gặp ông tổng thư ký trước đây của Bộ Y tế cùng với một vài nhà cách mạng. Trước những người tháp tùng, ông ấy không dám để lộ ra rằng ông là một người bạn của bà. Cả những nhà cách mạng cũng không thể không nhìn thấy điều đó. Người thư ký trước đây của ông đã xin lỗi vì thái độ này. Người ta phải hiểu là trong lúc này, tình bạn trước đây không thể được thể hiện ra.

Một trường hợp khác: trong một cuộc họp của “Chương trình giành cho gia đình nghèo” của terre des hommes, tôi đã đề nghị với các nhân viên xã hội rằng họ hãy tham dự những cuộc họp chính trị ở khu phố họ và phát biểu ý kiến, để giúp cách mạng phát triển tốt đẹp. Một cô nhân viên trả lời rằng trong khu phố của cô, người dân đã bị ghi tên ngay khi chỉ yêu cầu cán bộ của MTGP đi đến gần micrô hơn một chút hay bước vào ánh sáng thêm một chút.

Cũng cùng người nữ nhân viên đó, người đã tổ chức một nhà trẻ nhỏ và một bệnh xá, ở quận thì người ta cho phép cô tiếp tục công việc làm của cô. Người sếp ở khóm, được cho rằng đã là nhà cách mạng từ 13 năm nay, thì lại cấm cô tiếp tục công việc đó. Nếu như cô muốn tiếp tục làm công việc này thì phải cần có một công văn của UBQQ. Và cô sẽ không bao giờ nhận được nó. Trong lúc họp, một nhân viên xã hội khác kêu gọi hãy dè dặt và cẩn thận trong những cuộc họp như vậy. Loạt chứng cớ, rằng một hệ thống Stalinít có thể đang bắt đầu, có thể được kéo dài ra thêm.

Xung đột giữa những các chính trị gia cách mạng Bắc và Nam Việt Nam dường như đang lộ dạng rõ hơn, điều có thể là lý do cho tất cả những sự lưỡng lự và mâu thuẫn đó. Người ta không nghe được gì trực tiếp từ CPCMLT, đừng nói chi đến việc họ xuất hiện ở Sài Gòn. Quan điểm của CPCMLT – ví dụ như về việc sử dụng không phận Nam Việt Nam – được ủy ban Quân Quản Sài Gòn/Gia Định tuyên bố. Trước đây một vài ngày, một tuyên bố của nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bình được truyền đạt mà theo đó thì cuộc tái thống nhất không thể nhanh chóng hiện thực được, vì có nhiều khác biệt về văn hóa và kinh tế. Nhưng hôm nay, đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) lại nói rằng trong các buổi lễ chào mừng vào tuần tới, tất cả các công sở đều phải treo cờ MTGP và của Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, Đài Phát thanh Hà Nội tường thuật về di sản của Hồ Chí Minh, được Liên bang Xô viết ủng hộ: tức là niềm mong muốn thống nhất ngay lập tức Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc đã đưa ra quan điển tại Liên Hiệp Quốc, rằng CPCMLT là đại diện hợp pháp duy nhất của Nam Việt Nam.

Các nhà cách mạng và những người có thiện cảm với họ cứ làm như không có cuộc xung đột giữa Liên bang Xô viết và Trung Quốc. Họ giải thích việc thiếu thốn một đường lối chính phủ rõ ràng theo cách tốt đẹp: Đầu tiên là nhân dân phải tự tổ chức lấy đã. Các cán bộ phải bảo đảm việc chính trị hóa các khu phố, những người mà về phần mình thì thu thập dữ liệu cho tương lai chính trị của người dân qua công việc làm của họ và khuyến khích người dân cùng làm. Như người ta nói với chúng tôi, những người có thể thực hiện đường lối lao động cách mạng thì không cần phải lo sợ là liệu có được phép tiếp tục công việc làm của mình hay không. Đối với chúng tôi thì điều đó có nghĩa cụ thể là: Tự tìm kiếm xem ý muốn và nhu cầu của nhân dân nằm ở đâu và hướng công việc làm của chúng tôi đến đó. Tiếp tục sự tha hóa, chủ nghĩa đế quốc và sai lạc đường lối chính phủ sẽ tự động lấy đi nền tảng cho việc công việc làm tiếp theo.

Đó có phải là chính sách xã hội chủ nghĩa nhất quán hay không, nhất là khi tất cả các câu hỏi về đường lối chính trị chung còn phải được soạn thảo? Đối với tôi, điều này trông giống như một lời biện luận từ những người có thiện cảm thì nhiều hơn, những người mà không thể thừa nhận rằng chính họ cũng đã thất vọng trước sự bất động mà cuộc cách mạng đang nằm ở trong đó sau giải phóng. Trong đầu óc của các cán bộ chính trị Mặt trận Dân tộc Giải phóng chắc chắn là phải đã có những kế hoạch cần được chia sẻ và đưa ra thảo luận xem xét.

Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng bắt đầu tự tìm kiếm, xem lợi ích của nhân dân nằm ở đâu. Trong cuộc họp của chương trình trại mồ côi hôm nay, quyết định được đưa ra là tham gia tích cực vào việc giải tán các nhà dành cho trẻ em mồ côi. Một nhóm đặc biệt đã được thành lập cho mục đích này. Nhóm này có nhiệm vụ tìm những đứa trẻ bị bỏ rơi vì các lý do xã hội, nhưng vẫn còn cha mẹ và gia đình của các em sẵn sàng đón nhận các em về. Nếu như đó là một vấn đề về tài chính thì terre des hommes có thể giúp đỡ.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, người nước ngoài được yêu cầu trình diện ở Bộ Ngoại giao trong vòng hai tuần tới. Phần lớn hồ sơ ở đó đã bị cướp bóc hay đánh mất trước khi MTGP có thể chiếm cứ tòa nhà đó. Người nước ngoài cũng được yêu cầu không sử dụng các đài phát thanh và máy thu. Có nghĩa là người ta không được nghe radio nữa? Bây giờ chỉ có thể đi ra ngoài Thành phố Hồ Chí Minh với giấy phép của UBQQ. Vào ngày thứ Hai, chúng tôi sẽ giải thích các vấn đề cá nhân của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao.

Chính sách thông tin thật là rất đáng tiếc. Tờ báo tuyên truyền Sài Gòn Giải Phóng không thể làm thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dân. Radio cũng chỉ cung cấp thông tin rất giới hạn. Giống như chính phủ Thiệu đã quy định, bây giờ người ta cũng lại cấm nghe đài phát thanh của địch. Thuộc vào trong số đó là BBC, đài đã bị chính quyền Thiệu tố cáo là phiến diện theo cộng sản.

Suy đồi, không có lãnh đạo và tuyên truyền

11/05/1975

Hôm nay, lần đầu tiên tôi mới dám đi dọc theo con đường chính của Sài Gòn từ khách sạn Continental tới chợ Sài Gòn, điều mà những nhà báo liều lĩnh hơn đã làm từ lâu. Tất cả đều trở lại như trước đó. Các gian hàng trên đường còn mở rộng ra hơn nữa, vì không còn có cảnh sát cấm đoán. Ngoại trừ sản xuất phế thải của văn hóa Mỹ, cái cũng kích thích những người lính Bắc Việt mua, chế độ mới đã yêu cầu phải bày bán biểu tượng MTGP và cờ Bắc Việt.

Cờ Bắc Việt bắt đầu được bày bán từ ngày hôm qua, từ khi người ta tuyên bố ở Sài Gòn là sẽ chào mừng lần giải phóng miền Nam ba ngày liền bắt đầu từ ngày thứ Năm. Trong lúc đó, cờ MTGP và Bắc Việt cũng như hình Hồ Chí Minh là bắt buộc. Tôi chỉ có thể trả giá cho lá cờ tôi mua từ 700 đồng xuống còn 600 đồng. Sáu trái xoài mà tôi mua cho Mummenday có giá 1000 đồng, gần gấp đôi giá mà Siriporn vợ tôi nói với tôi.

Bán cờ ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Bán cờ ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Memmenday đi theo chúng tôi vì ông – cũng như phần lớn các nhà báo – cảm thấy nhàm chán vào thời gian sau này. Ở những người nhiệt tình thì niềm hy vọng vào hệ thống mới đã dần biến mất. Thậm chí họ còn không biết rằng còn có bao nhiêu phần trong các bài báo của họ đến được với các trung tâm báo chí của thế giới tư bản. Vì vậy mà họ giải khuây với gái bán dâm hay với những bữa ăn thịnh soạn, điều đối với họ vẫn còn rẻ tiền, vì họ đổi tiền của họ ở chợ đen. Bây giờ thì bán kính hoạt động của họ bị giới hạn trong vùng Sài Gòn/Gia Định, trừ phi nhận được một giấy phép đặc biệt. Quy định cho tất cả người nước ngoài này được treo ở Bộ Ngoại giao, cái hiện bây giờ có tên là Foreign Affairs Section of the Military Administration Commission of Saigon.

Thành phố hiện giờ còn suy thoái hơn nữa với một sự tự do mà rõ ràng được tạo nên bởi một khoảng trống chính trị hay – nói cách khác – với việc không có lãnh đạo. Nó ngày càng lan rộng ra ngay cả trong số những người lính của MTGP và Bắc Việt Nam. Họ dùng tiền Hồ Chí Minh để mua sắm, đồng tiền mà không hề được phép lưu hành công khai ở miền Nam Việt Nam. Không còn ai muốn dollar nữa. Hôm nay, chúng tôi được hỏi có muốn đổi dollar lấy tiền Việt hay không. Còn hơn thế, người ta cũng chào mời chúng tôi tiền Hồ Chí Minh. Giá 1 đổi 1000 đồng Sài Gòn.

Những người lính Bắc Việt dường như choáng ngợp vì hàng hóa của miền Nam, trong số đó là nhiều thứ từ những nhà bị hôi của. Sự phi lý của tình hình hiện tại tự hiện ra quá rõ ràng ở đây. Những người hôi của thì bị các nhà cách mạng bắn chết, nhưng đồ hôi của thì lại được các nhà cách mạng mua. Các nhà cách mạng đóng cửa hộp đêm, như chính họ thì lại tiếp xúc với gái mãi dâm. Hồ Chí Minh chắc sẽ cựa mình ở trong mồ nếu như biết được rằng chính những người lính của ông ấy đang đi lại với cùng những người con gái mà trước đây vài tuần còn thường xuyên đi lại với quân đội Mỹ.

Tung đến gặp chúng tôi hôm nay, một trong những nhân viên xã hội tốt nhất của chúng tôi, xuất thân từ một gia đình giàu có. Cha của anh đã chết trong một vụ ám sát, có lẽ vì ông đã đại diện cho Nam Việt Nam tại Hội nghị Đông Dương ở Genève năm 1954. Không ai biết bên nào đã giết chết ông ấy. Tung đến, khiêm tốn như mọi khi, bằng xe đạp và tường thuật nửa buồn cười về việc công ty dược phẩm của ông anh rể bị tịch thu. Anh chưa từng bao giờ kể về hoàn cảnh xã hội của anh, vì thế mà lần đầu tiên chúng tôi mới biết về nhà máy này. Và cũng không ai trong chúng tôi cũng biết rằng nhiều người trong gia đình anh đã chạy trốn sang Mỹ.

Anh đã từ chối tiếp nhận công ty vẫn còn đang tiếp tục làm việc đó. Bạn của người anh rể đóng vai trò giám đốc. Tung chỉ sống trong ngôi nhà đó thôi. Cách mạng đã tiếp quản công ty đó với lý do sau đây: vì những người chủ đã rời bỏ đất nước nên doanh nghiệp đứng dưới quyền quản lý của UBQQ cho tới khi họ trở về. Sau đó, những người lính đến thêm một lần nữa để kiểm kê tài sản. Tung, người đến sau đó, phải tốn nhiều công sức mới có thể giữ lại được đồ đạc của anh, trong số đó là một chiếc máy cassette và một chiếc xe gắn máy.

Nhân viên phục dịch bị gởi về nhà – được “giải phóng” trái với ý muốn của họ. Mặc dù vậy, Tung đã hoàn toàn đồng ý. Anh chỉ phàn nàn về giọng nói lỗ mãng của một vài người lính và những cố gắng đe dọa anh của họ. Các nhà cách mạng đã chịu đựng gian khổ và hy sinh cuộc sống của họ, trong khi giai cấp tư sản ở Sài Gòn hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Tung tìm được một người bạn mà anh có thể sống tạm ở chỗ anh ấy. Anh không còn gì nhiều nữa, vài người họ hàng, vài món đồ cá nhân và ý muốn lui trở về một mảnh đất cô độc để tự nuôi sống lấy mình. Lãng mạn trầm cảm của một người con trai giới tư sản, người cũng có thể có được một vị trí lãnh đạo trong hội đồng lập kế hoạch kinh tế của chính phủ cách mạng, nếu như anh không phải là một người lý tưởng có tính khiêm nhường, người bị cỗ máy tuyên truyền của sự dối trá chính trị đè bẹp, là một người lý tưởng hẳn là đã bị lừa dối bởi một cuộc cách mạng mà cho tới nay không mang tính xã hội chủ nghĩa nhiều cho lắm.

Những gì mà Tung biết về chủ nghĩa xã hội hẳn là nhiều hơn những gì mà các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa biết, ít nhất là trên lý thuyết. Trong ngôi trường tinh hoa “Marie Curie”, cái mà chế độ thực dân Pháp đã để lại ở Sài Gòn, anh đã học kinh tế học xã hội chủ nghĩa tại một người thầy giáo Pháp – một trang bị mà anh không muốn thiếu. Nhưng nó cũng không phải là cuộc cách mạng đã trải qua của những người chiến đấu trong rừng rậm cho nền độc lập và bây giờ đã chiếm được những thành phố tư bản suy đồi.

Bộ máy tuyên truyền chính trị của cách mạng làm việc không ngưng nghỉ. Tôi không còn có thể nghe nó được nữa, câu chuyện của những người Việt bị ép buộc phải chạy trốn sang Mỹ, cái được cho là do chính phủ của Tổng thống Mỹ Ford tiến hành. Nếu như còn có nhiều khả năng để chạy trốn hơn nữa thì sẽ còn có nhiều người rời bỏ đất nước này hơn nữa. Các nhà báo đã thuật lại cho tôi rằng hai giờ đồng hồ sau khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn, mái nhà của đại sứ quán Mỹ vẫn còn đen đặc những người chờ một khả năng di tản. Chủ nghĩa xã hội không cần phải đưa ra những câu chuyện cổ tích lừa dối như vậy. Tuyên truyền chống cộng sản của người Mỹ và của chính phủ Thiệu đã đủ là lý do cho việc tại sao có nhiều người như vậy, trước hết là những tầng lớp khá giả, rời bỏ đất nước. Rõ ràng là từ nỗi lo sợ trước những hàng động trả thù của cộng sản mà cho tới nay hoàn toàn không thấy ở đâu cả.

Tập dượt cho buổi lễ chào mừng ngày giải phóng –

Tin đồn về việc đóng cửa Trung Tâm

13/05/1975

Hôm qua, một người đàn ông lạ nói giọng Bắc đã bước vào bệnh xá của terre des hommes ở mặt sau của Trung Tâm. Ông hỏi một bà dọn dẹp về các điều kiện làm việc và về terre des hommes. Ông cũng hỏi bà sẽ làm gì khi không nhận được tiền lương vào cuối tháng: “Tiếp tục làm việc!”, bà trả lời. Sau đó, ông cũng quay sang bà Anh, người lãnh đạo “Chương trình cho gia đình nghèo”, với những câu hỏi tương tự như vậy. Các câu trả lời hầu hết cũng đều giống nhau. Vào cuối buổi sáng, có ai đó vào Trung Tâm và tự xưng là thành viên của Ủy ban Cách mạng quận Phú Nhuận. Ông hỏi về bệnh xá của chúng tôi rồi lại biến mất. Vào khoảng mười một giờ, một người đàn ông lạ gọi điện thoại tới Trung Tâm và hỏi rằng terre des hommes đã có được cách mạng “tiếp quản” chưa. Chúng tôi tự nguyện đưa ra thông tin rằng việc đó còn chưa xảy ra. Ông ta thông báo sẽ đến đây ít lâu sau để tiến hành tiếp quản. Nhưng không có ai đến vào ngày hôm qua, và hôm nay cũng không.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Bắt đầu từ lúc đó là có tin đồn rằng Trung Tâm sắp bị đóng cửa. Một người nhân viên của chúng tôi nói rằng đã nhìn thấy tờ công văn mà theo đó việc tiếp quản terrre des hommes đã được UBQQ chấp thuận. Thời gian sau này tôi đã không còn suy nghĩ về những thông tin không chắc chắn như vậy nữa. Nhưng về mặt xã hội và lịch sử đương đại thì có lẽ không phải là không lý thú, khi thu thập tất cả những tin đồn như vậy và kiểm nghiệm xem những gì thể hiện ra là đúng từ những tin đó.

Trong khi đó, thành phố đang chuẩn bị chào mừng lần giải phóng. Đài phát thanh lan truyền những câu khẩu hiệu chính trị và dạy cho người dân những bài hát cách mạng chọn lọc. Đêm qua, quân đội đã tập duyệt binh. Khi chúng tôi chở một nhà báo dùng cơm tối với chúng tôi trở về nhà vào lúc nửa đêm, toàn bộ nội thành bị chặn. Xe tăng, xe thiết giáp trinh sát, đại bác, súng lớn và – người ta hầu như không thể tin được – 18 chiếc tên lửa SAM đang chạy dọc theo đường Cách Mạng ở gần dinh tổng thống. Ở đó, những người lính trên xe giơ tay chào trong đêm tối trống vắng, giống như là đã có thành viên của chính phủ ngồ trên khán đài vẫn còn đang được xây dựng, một chính phủ mà cho tới nay vẫn còn chưa lộ diện ở Sài Gòn.

Toàn bộ sự náo động vào nửa đêm này đã để lại một ấn tượng dữ tợn nhưng cũng mang tính cách mạng qua những lá cờ MTGP to lớn được dựng lên trên những chiếc Jeep chạy ở giữa. Bị đánh thức dậy bởi tiếng ồn của những chiếc xe tăng, dân cư sửng sốt ở quanh đó quan sát cảnh tượng này với những gương mặt ngạc nhiên. Có rất ít biện pháp bảo vệ an ninh. Thậm chí chúng tôi còn được phép vượt qua mặt đoàn xe của những chiếc tên lửa SAM.

Vào sáng ngày hôm nay, chúng tôi nhận lại hộ chiếu của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao. Chúng tôi đã để chúng lại ở đó vào ngày hôm qua vì chúng tôi muốn tuân theo lời kêu gọi của UBQQ mà theo đó tất cả người nước ngoài đều phải đăng ký. Nhiều sinh viên biết tiếng nước ngoài giúp người nước ngoài trong lúc đăng ký. Họ thân thiện và không biết gì. Từ hôm nay, chúng tôi có hai tờ giấy lớn mà trong đó nói rằng chúng tôi được phép đi lại trong vùng Sài Gòn / Gia Định ba tháng. Ngoại trừ các cơ sở quân sự và những khu vực cấm. Để vượt qua hạn chế này, tôi định nộp đơn ví dụ như xin đi thăm Đà Nẵng. Các sinh viên phục vụ chỉ có thể thông báo cho tôi biết rằng còn chưa có thể gửi những lá đơn như vậy.

Người bác sĩ Việt-Pháp biết nói tiếng Việt của chúng tôi gặp khó khăn nhiều hơn. Người ta báo cho ông biết là nói chung ông không thể đăng ký ở đây được mà chỉ ở bên cảnh sát ngoại kiều. Tình cờ, ông gặp được hai người bạn học cùng lớp từ trường tinh hoa Jean Jacques Rousseau của Pháp ở Sài Gòn. Họ bây giờ là cán bộ của MTGP. Bây giờ thì ông lại nhanh chóng có thể đăng ký ở Bộ Ngoại giao – như chúng tôi.

Hai tổ chức Mỹ đã bị tiếp quản, trong đó có “Foster Parents Plan”. Ông giám đốc người Mỹ đã bỏ đi hai tuần trước đây, phát hai tháng tiền lương cho nhân viên, nhưng đồng thời cũng nói rõ ý cho nhân viên người Việt biết là hãy đừng bỏ rơi vị trí. Tiền bạc và quản lý hành chánh được ủy quyền lại cho các nhân viên người Việt. Những người này đã hết sức ngạc nhiên khi họ muốn đến làm việc vào sáng ngày thứ hai và nhìn thấy cửa bị khóa kín. Mặt trận Giải phóng đã tịch thu tòa nhà và toàn bộ vật dụng bên trong của nó.

Phần lớn nhân viên của chúng tôi lo ngại là chúng tôi sẽ phải chịu số phận tương tự. Hầu như không ai tin rằng còn có thể nhận được tiền lương vào cuối tháng này. Lúc nào người ta cũng chờ một phái đoàn của Mặt trận Giải phóng đến Trung Tâm. Theo nhận xét của tôi thì một bước đi như vậy là thiển cận. Ngoài ra, cả UBQQ lẫn CPLT cho tới nay đều không phát triển một chính sách cho những người mà chúng tôi đang hoạt động xã hội vì họ. Các trại mồ côi gặp khó khăn hơn rất nhiều khi so với trước đây, vì sự trợ giúp của nhà nước và trợ giúp nhân đạo đã không còn nữa. Các em bé đau tim cần phải được giám sát thường xuyên, nhưng dịch vụ trong các bệnh viện thì lại còn hoàn toàn không đầy đủ. Để đặt một cái ống thông trong Bệnh viện Chợ Rẫy, người ta cần phải có sự chấp thuận của UBQQ. Khoảng chân không tại các dịch vụ công cộng hiện nay thật là to lớn, và còn lớn hơn nữa khi công việc của chúng tôi bị buộc phải chấm dứt.

Sự không chắc chắn và niềm lo âu đã góp phần vào việc là không còn ai còn có nhiều can đảm và hăng hái cho công công việc nữa. Các nhân viên của Trung Tâm không còn nhìn thấy ý nghĩa nào nữa trong công việc làm của họ và chỉ mệt mỏi bước đi cho qua hết ngày. Theo tôi, các bài tường thuật của MTGP và của đài phát thanh Bắc Việt Voice of Vietnam đứng trong mâu thuẫn đáng ghi nhớ với những gì tôi nhìn thấy.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”

15/05/1975

Đối với nhiều người ở Sài Gòn, cái ngày hôm nay bắt đầu với những cuộc họp chuẩn bị, ở bên trong những chiếc xe buýt và trong những hàng dài người đang chờ đợi. Nhiều người đã không ngủ cả đêm. Vài ngày trước đó là người ta đã chuẩn bị cho lần chào mừng chiến thắng đế quốc Mỹ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kéo dài ba ngày bắt đầu từ ngày hôm nay. Nhiều đoàn thợ sơn đã viết khâu hiệu lên tường nhà và căng băng rôn. Quân đội tập duyệt binh trong đêm. Hôm qua, toàn bộ khu nội thành quanh dinh Độc Lập đã bị ngăn lại.

Ngay từ bảy giờ sáng đài truyền hình đã bắt đầu tường thuật trực tiếp về cuộc duyệt binh. Chúng tôi muốn có một ấn tượng chân thực. Dùng ô tô, chúng tôi chạy qua những con đường còn có thể đi lại được, đầy cờ Bắc và Nam Việt, đến càng gần dinh Độc Lập càng tốt và rồi đi bộ tới. Từ nhiều năm nay, có lẽ là nhiều thập niên nay, Sài Gòn đã không nhìn thấy nhiều người tụ họp lại như vậy. Áp lực nhẹ của những nhà cách mạng, tò mò và nhiều hân hoan hẳn là những lý do cho việc tại sao cái quảng trường trước dinh Độc Lập có nhiều người chen chúc ở đó tới như vậy. Với những biểu ngữ đỏ, băng rôn và cờ, họ chào mừng Chính phủ Lâm thời (CPLT) và các đại diện của chính phủ Bắc Việt, những người mà bây giờ nói chung là xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng Sài Gòn. Nhiều người đã chờ ở đây từ năm giờ sáng. Một trận mưa to đã làm cho họ và bãi cỏ ướt sũng. Nhiều người đã mệt mỏi và đói.

VIETNAM - MAY 15: The Fall of Saigon in Vietnam on May 15, 1975 - New Masters of the capacity at the time of the military procession, of left on the right, Messrs Tong Duke Tang, Guyen Hu To and the Duke To (glasses). (Photo by Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images)

Lễ chào mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 15 tháng Năm 1975. Hình: Herve Gloaguen

Nhưng sau các bài diễn văn mà trong đó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thề thốt về lần thống nhất đã diễn ra trên thực tế thì lại là lần diễu hành của quân đội, công nhân, sinh viên và học sinh. So với các cuộc duyệt binh Bắc Việt, như người ta có thể quan sát trong truyền hình, thì đây là một lễ hội tương đối tự do. Người dân chỉ chừa lại một lối hẹp cho những chiếc xe tăng chạy hàng hai. Giữa các đoàn công nhân đi diễu hành là những người phụ nữ bán kem và nước uống. Bông hoa được đặt trước và được ném lên khán đài. Một người phụ nữ già với chiếc nón đặc trưng của Việt Nam, ngẫu nhiên chen lên được tới khán đài, ôm choàng lấy bà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bình. Một nữ nhà báo người Ấn cùng hoan hô với chủ tịch Thọ.

Vào khoảng mười giờ, khi những người khách danh dự lui về phía sau một chút vì nắng nóng, cuộc diễu hàng của các phái đoàn vẫn còn chưa chấm dứt. Đến lượt các nhà sư và thanh niên, luôn luôn có lá cờ của MTGP và Bắc Việt. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ liên tục bước ra khán đài và chúc mừng Việt Nam giành được độc lập. Độc lập là động cơ đã thống nhất tất cả mọi người trong cuộc đấu tranh mà giờ đây đã chấm dứt. Nó cũng đứng ở trên khán đài dưới bức chân dung to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh: Không Có Gì Quí Hơn Độc Lập Tự Do. Vẫn còn ít nghe được gì về chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày tới đây – nhiều người hy vọng là vậy – sẽ biết được chính phủ mới, mà hôm nay đã tự giới thiệu mình một cách ngoạn mục như vậy, sẽ đi theo đường lối nào.

Phần còn lại của ngày hôm nay cũng là một lễ hội cho Sài Gòn. Trước dinh Độc Lập, nơi mà hiện bây giờ có nhiều hàng bán thức ăn và người bán tụ lại, người ta nhìn thấy những đoàn người khổng lồ cho tới chiều tối. Vào buổi chiều, máy bay chiến đấu trình diễn nghệ thuật của các phi công Việt Nam trên bầu trời Sài Gòn. Vào buổi tối có cuộc bắn pháo hoa thật lớn, đã được thông báo trước vào buổi trưa qua những lần bắn pháo hoa cá nhân.

Các nhà báo Phương Tây thì ngược lại càng ngày càng chán nản hơn. Sự hăng hái đầu tiên của họ đối với cuộc cách mạng đã biến mất. Nhất là giờ đây, khi các nhà báo từ những nước cộng sản đến và được cung cấp cho rất nhiều thông tin chỉ trong vài ngày. Các nhà báo Phương Tây, những người đã vượt qua được khổ cực của những ngày cuối cùng dưới chế độ Thiệu, cũng vẫn còn chờ một khả năng để nói chung là họ có thể mang tin tức của họ ra khỏi nước. Người ta cho rằng ngày mai họ sẽ có giấy xuất cảnh, và có tin đồn là máy bay sẽ mang họ tới Vientiane trong những ngày tới đây. Ông Gallasch của tờ “Tấm Gương”, vào ngày giải phóng còn thấy đứng trên một chiếc xe tăng Bắc Việt với nắm đấm giơ cao của phong trào công nhân, mong muốn những người xã hội chủ nghĩa xuất hiện ở đây càng nhanh càng tốt, để cuối cùng rồi người ta cũng tiến hành một chính sách tốt. Ông cũng bực mình là ông đã không được mời tới dự buổi tiệc chiêu đãi của MTGP vào tối nay, nhưng đồng nghiệp của ông thì lại được, ông người Ý Terzani. Bài tường thuật hoàn toàn phiến diện của ông ấy đã được đọc qua đài phát thanh Hà Nội trước khi về tới ban biên tập báo “Tấm Gương”. Terzanie bây giờ là con “cừu đen”, hay tốt hơn là con “cừu đỏ” trong đoàn nhà báo Phương Tây, vì ông đã vứt bỏ nguyên tắc báo chí của một khoảng cách phê phán để mà mua được sự tiếp cận đến các cán bộ cao cấp.

Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 15 tháng Năm 1975

Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 15 tháng Năm 1975

Ai nắm quyền ở thành phố cho tới ngày hôm nay? Chính quyền hầu như vô hình. Giao thông hiện nay được điều khiển bởi học sinh và sinh viên. Không có cảnh sát. Các đơn vị quân đội chính quy không can thiệp, mặc dù người ta nhìn thấy họ ở khắp nơi trong những chiếc Jeep và xe tải.

Không ai để ý tới những con đường một chiều. Bảng hiệu giao thông của hệ thống cũ mất hiệu lực. Nhưng vì xăng rất đắt nên có ít giao thông hơn. Người ta không còn hay nhìn thấy những cán bộ mặc đồ đen như trước đây nữa, bù vào đó là nhìn thấy những người lính chính quy mặc quần áo màu xanh nhiều hơn, những người mà người ta không bao giờ có thể nhận ra được là họ đến từ miền Bắc hay từ miền Nam.

Chỉ có ít cán bộ chính trị ngồi trong các công sở. Người ta hầu như không hề đưa ra những quy định phải được thực hiện. Để tiến hành con số ít những quy định đó, người ta dùng người cũ của chính quyền Thiệu hay những người có thiện cảm với cách mạng. Không có khám xét nhà một cách có hệ thống, không đóng cửa chợ đen, không cấm bán dâm, không có giờ giới nghiêm.

Đó có phải là sự tự do lớn lao không có trật tự hay không? Nhưng nó hoạt động tốt. Có lẽ là phần lớn đang im lặng lo ngại rằng trật tự lớn sắp sửa sẽ được tuyên bố. Và vì vậy mà sự tự do lớn đó còn chưa trở thành hỗn loạn.

Những khác biệt về ý thức hệ và phương án

18/05/1975

Luận điểm, rằng có những sự khác nhau về ý thức hệ và phương án giữa các chính trị gia Bắc và Nam Việt Nam, bị phần lớn những người có thiện cảm với Mặt trận Giải phóng bác bỏ, nói đó là tin đồn do mật vụ Hoa Kỳ CIA lan truyền đi.

Nhưng khi so sánh các bài diễn văn của Lê Duẩn, tổng bí thư Đảng Lao động Bắc Việt Nam và của Nguyễn Hữu Thọ, thủ tướng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Nam Việt Nam, được đọc nhân dịp giải phóng miền Nam thì có thể thấy rõ nhiều sự khác biệt.

Sài Gòn, 07 tháng Năm 1975, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình: Herve GLOAGUEN

Sài Gòn, 07 tháng Năm 1975, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hình: Herve GLOAGUEN

Trong bài diễn văn của Nguyễn Hữu Thọ, không bao giờ chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ dẫn dắt của chính sách trong tương lai. Ngược lại, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn được nhắc tới trong bài diễn văn của Lê Duẩn. Nguyễn Hữu Thọ nói rằng (Nam) Việt Nam muốn đi theo một đường lối ngoại giao hòa bình và phi liên kết. Lê Duẩn nói về tình hữu nghị trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa. Hai bài diễn văn thống nhất với nhau về lần đại chiến thắng chủ nghĩa đế quốc Mỹ và vai trò dẫn đầu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thống nhất này có thể là cái duy nhất quyết định sự gắn bó của MTGP mà trong đó cũng có những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm tôn giáo khác nhau. Lời nói của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cái mà bây giờ đập vào mắt người từ nhiều bức tường và băng rôn, là biểu tượng cho mặt trận chính trị thống nhất này. Rõ ràng là Bắc Việt Nam biết rằng chủ nghĩa xã hội không thắng thế nhiều ở Nam Việt Nam, và chỉ có nhu cầu độc lập là cái gắn bó chung. Vì vậy mà cần phải đào tạo chính trị lâu dài cho các cán bộ ở Nam Việt Nam, cho tới khi một chính sách xã hội chủ nghĩa như vậy có thể được viết lên trên lá cờ dẫn đầu. Một lý do thứ nhì cho sự dè dặt của Nam Việt Nam đối với chủ nghĩa xã hội dường như là sự cố gắng vẫn muốn giữa lấy Hiệp định Ngưng bắn Paris 1973 bằng lời nói.

Sự không rõ ràng trong đường lối chính trị có thể cũng là lý do cho việc thiếu một chương trình chính trị cho tới ngày hôm nay. Ngoại trừ dự định quốc hữu hóa các ngân hàng, ngành giao thông vận tải và truyền thông, không có ý định cụ thể nào được tuyên bố. Tất cả các kế hoạch tiếp theo dường như chỉ là những phỏng đoán do các cán bộ không có tầm quan trọng về chính trị đưa ra, rồi lan truyền đi như là tin đồn vì nhu cầu thông tin của người dân còn chưa được thỏa mãn. Những tin đồn này nói rằng ví dụ như không lâu nữa sẽ có tòa án nhân dân, những người phản cách mạng sẽ bị nhận diện qua lục soát nhà ở vào ban đêm, người ta từ chối sự giúp đỡ từ các nước tư bản, nhân viên của chế độ cũ sẽ bị phạt cắt lương ba tháng. Những người theo dõi chính sách của Mặt trận Giải phóng từ một khoảng cách nhất định thì hy vọng vào một giải pháp Nam Việt Nam. Trong lúc đó, họ quên mất di sản của “Bác Hồ”: thống nhất Việt Nam, cái cũng là mục đích của Mặt trận Giải phóng.

Cơ quan giám sát đến thăm

20/05/1975

 Hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi tiếp khách chính thức từ ban y tế xã hội của UBQQ Sài Gòn/Gia Định. Có bốn người đến, nhưng họ thể hiện một hình ảnh của hệ thống cấp bậc đôi kỳ lạ đó, cái bây giờ đang thống trị trong các công sở. Các nhân viên cũ, những người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nhưng không có quyền, và những nhà cách mạng mới, có quyền như không biết chi tiết. Vì vậy, để nghiên cứu các chi tiết họ lúc nào cũng phải dựa vào kiến thức chuyên môn của các nhân viên chế độ trước đây. Cuộc trao đổi được khởi đầu bởi chị Mai, người là trung tâm điểm. Chị Mai đại diện cho cách mạng. Khiêm tốn, không biết tiếng Pháp, không khoe khoang. Dấu hiệu duy nhất cho thấy chị thuộc cách mạng là một cái nón mềm màu xanh. Ngoài ra thì áo trắng và quần đen. Không có phù hiệu và huy hiệu. Sau khi kiểm tra cơ sở của chúng tôi, chị yêu cầu chúng tôi tiếp tục làm việc và làm tốt hơn là cho tới nay.

Sài Gòn, ngày 01 tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN

Sài Gòn, ngày 01 tháng Năm 1975. Hình: Herve GLOAGUEN

Đất nước trước sau vẫn không có một quyền lực nhà nước tập trung. Nó bị chia ra thành nhiều UBQQ làm việc tương đối độc lập với nhau. Ví dụ như chị Mai không thể cung cấp thông tin về những hoạt động nằm ngoài Sài Gòn/Gia Định. Đối với chúng tôi vẫn còn tồn tại vấn đề đi thăm và giúp đỡ cho các trại mồ côi nằm ở ngoài Sài Gòn. Ví dụ như hôm qua Tan đã bị tịch thu thẻ căn cước ở Long Bình, vì người ta cho rằng anh không có hộ chiếu để đi lại. Các cơ quan địa phương tại Sài Gòn thì lại nói rằng chính quyền cách mạng ở Long Bình không có quyền tịch thu thẻ căn cước của anh. Y tá Lee của chúng tôi, người cần phải đi Tuy Hòa, cũng bị tương tự như vậy. Không ai thật sự có thẩm quyền xác nhận với anh rằng anh được phép đi đến Tuy Hòa. Cả cơ quan hành chánh của Phú Nhuận lẫn Bộ Xã hội lẫn Bộ Y tế. Cuối cùng, người ta nói sang Bộ Ngoại giao. Thế nhưng tôi đã quá chán ngán rồi, và đề nghị là cứ đơn giản đi đến Tuy Hòa để nhận giấy tờ từ các cơ quan ở đó.

Khái niệm “giải phóng” là hoàn toàn hợp lý

21/05/1975

Vẫn còn có nhiều người nhạo báng khái niệm “giải phóng” Nam Việt Nam. Thế nhưng khái niệm này là hoàn toàn hợp lý. Vì trong cách dùng từ là đã rõ ràng, rằng đây là một cuộc giải phóng khỏi sự xâm lược của nước ngoài. Việt Nam đã thành công trong việc xóa bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Sự hiện diện này tồn tại cho tới giây phút cuối cùng, ngay cả khi rất tinh vi. Tất nhiên là cũng không đúng khi nói rằng suốt cả thời gian vừa qua là một cuộc chiến đấu chống quân lính Mỹ. Sự tiêu hao quân đội Mỹ đã trở nên quá tốn kém và phải trả giá quá đắt về mặt chính trị. Vì vậy mà kể từ Hiệp định Ngưng bắn Paris năm 1973, sự hiện diện của Mỹ đã được giới hạn ở một vai trò rất khó nhìn thấy, nhưng không phải là không quan trọng: nhập vật liệu chiến tranh, đào tạo quân lính và sĩ quan, sửa chữa vật liệu chiến tranh, xác định vị trí của quân địch, viện trợ phát triển mang tính chống cộng sản, phụ thuộc tài chính vào cơ quan viện trợ phát triển Mỹ US-AID và cuối cùng là tuyên truyền cho Mỹ. Để làm những việc đó, rõ ràng là không cần nhiều hơn 5000 người Mỹ, tức là không nhiều hơn số người Pháp đã có là bao nhiêu.

Sài Gòn thất thủ

Sài Gòn thất thủ

Thời khắc thuận lợi đến với Việt Nam khi công luận ở Hoa Kỳ chia rẽ. Ở một bên là quan điểm quân sự, chống cộng sản của các lực lượng Mỹ ở Việt Nam và đại diện của họ trong Lầu Năm Góc, ở mặt kia là mặt trận thống nhất của nước Mỹ tự do cánh tả và những người theo chủ nghĩa biệt lập (bảo thủ). Vì vậy mà cho tới giờ phút cuối cùng, một hình ảnh Mỹ vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, hình ảnh mà không còn có dưới hình dáng đó ở Mỹ nữa. Và hình ảnh phiến diện này của Mỹ cuối cùng rồi cũng không nhiều hơn là một con cọp giấy. Giới quân đội bị trói tay, họ thiếu sức mạnh kỹ thuật để giữ vững vị trí của họ ở Việt Nam. Người dân Việt Nam thì đã quá mệt mỏi với tất cả những cuộc chiến đó rồi. Bỏ cuộc, chạy trốn hay bắn cho tới chết, vì người ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài cái chết. Nhiều người đã tự sát, trước khi họ biết liệu những người giải phóng từ trong rừng ra có thật sự lập kế hoạch kết thúc họ hay không.

Cho tới giờ phút cuối cùng, trong số phát hành nào tờ Saigon Post cũng vẫn còn đăng những lời nói rằng quân đội Sài Gòn không thiếu dũng cảm và tinh thần chiến đấu, mà chỉ thiếu sự giúp đỡ về vật chất. Nhưng rõ ràng là điều đó không đúng. Thiếu cả hai: tinh thần chiến đấu và vũ khí. Giới chỉ huy phải chịu trách nhiệm cho tinh thần chiến đấu. Chính quyền Thiệu tham nhũng. Và sau khi tổng thống từ chức thì tất cả mọi người, cả các tướng tá với số tiền có được từ tham những, cũng chạy trốn. Vé máy bay sang Hoa Kỳ đã mua, khi chính những con người đó vẫn còn lan truyền đi các câu khẩu hiệu hô hào giữ vững. Tướng Kỳ nhanh chóng đi ra khỏi nước như ông ấy mạnh mẽ tuyên truyền cho một cuộc tử thủ. Chế độ cũng đã đi đến kết thúc. Nếu không như vậy thì MTGP đã không thể chiến thắng một cách nhanh chóng như vậy và ít phải hy sinh mạng người tới như vậy.

Rồi khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ bay khỏi Sài Gòn thì tiếng chuông tự do thoát khỏi sự xâm chiếm Việt Nam từ người nước ngoài đã vang  lên. Các trận đánh cuối cùng trước khi chiếm được thành phố hẳn là đẫm máu, nhưng mặc dù vậy vẫn là nhỏ khi so sánh với toàn bộ quy mô của cuộc chiến, cái mang lại hòa bình và độc lập. Trong những phút đầu tiên, những người không có thiện cảm vói Mặt trận không nhìn thấy rõ nền độc lập. Nhưng các gương mặt ôn hòa và tuy vậy vẫn có kỷ luật đến mức không thể tin được của những người lính xanh từ miền Bắc đã nhanh chóng nhắc nhở rằng Việt Nam là một nước. Hồ Chí Minh nhanh chóng được nêu ra như là nhân chứng.

Những người phê phán nói về một cuộc “xâm lược” Nam Việt Nam của Bắc Việt Nam. Nhưng cho tới ngày hôm nay, không ai biết tỷ lệ Bắc Việt trong cuộc tấn công này là bao nhiêu. Thêm vào đó, theo tôi, yêu cầu về đạo lý của miền Bắc, cùng với những phần đất của miền Nam thống nhất thành Việt Nam, chắc chắn là phải được đánh giá cao hơn là yêu cầu về đạo lý của những lực lượng chống cộng sản, những lực lượng do chính Hoa Kỳ đào tạo và thành lập nên mà không có nền tảng trong người dân, là một việc nhạo báng các lý tưởng của cái được gọi là thế giới tự do. Mặt trận Giải phóng có thể chỉ là một thiểu số tiên phong, nhưng họ là một quân đội của nhân dân. Họ không bao giờ có thể sống sót được nếu như họ đã không có sự trợ giúp của người dân. Một quân đội nhân dân muốn hiện thực di chúc về một Việt Nam xã hội chủ nghĩa duy nhất theo những lời nói của chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã có thể thành công với quyết tâm và kỷ luật, và với sự giúp đỡ về quân sự của những người anh em từ miền Bắc.

Độc lập đã đạt được. Bây giờ vấn đề là phải giữ được nó, vì cả những nước xã hội chủ nghĩa cũng không phải là hoàn toàn không có cám dỗ quyền lực chính trị. Trật tự xã hội mới cũng phải đấu tranh mới có. Chỉ tới lúc đó, Việt nam mới hoàn toàn tự do.

Những dấu hiệu chống đối giải phóng

23/05/1975

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước vẫn còn chưa bắt đầu. Cho tới nay, có nhiều điều để cho người ta phỏng đoán rằng một tập thể bí mật muốn phát triển một chính sách dân chủ, đó một việc thật là phi lý. Các nhà báo Phương Tây, những người phải rời khỏi nước vào ngày hôm nay, lại bị đối xử một cách thậm tệ. Vào buổi trưa, chúng tôi gọi điện thoại vào Continental để hỏi xem Mummenday có còn đó hay không. “Ông ấy đã rời khỏi nước rồi”, người ta thông báo với chúng tôi. Khi Siriporn trở về từ nội thành và kể rằng đã nhìn thấy một chiếc xe buýt quay trở lại khách sạn với tất cả các nhà báo đã chuẩn bị khởi hành, chúng tôi lại cố gắng hỏi thăm Mummenday. “Ông ấy đã đi ra ngoài rồi”, lần này thì người ta nói với chúng tôi như vậy. Khi chúng tôi hỏi cặn kẽ hơn thì là: “Vâng, ông ấy đã trở về từ phi trường, nhưng lúc này không có mặt trên phòng của ông ấy.” Đối diện với một sự lộn xộn như vậy, tôi thật không muốn biết các nhà báo đang ở trong tâm trạng nào. Nhiều ngày trước đây, chuyến bay đã “sắp có”, người ta chỉ “còn chưa thể đưa ra thời điểm”.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sáng nay, người nước ngoài thêm một lần nữa không được phép đi vào trung tâm thành phố. Những người da trắng muốn làm điều đó bằng ô tô hay đi bộ đều bị đuổi trở ra mà không có một lời giải thích. Vào buổi chiều, Siriporn đi vào nội thành và hỏi mua phim Agfa. Ông chủ tiệm, một người tỵ nạn chống cộng sản từ miền Bắc, cay đắng trả lời rằng trữ bán những loại phim này không còn có ý nghĩa gì nữa. Sau giải phóng, không một ai còn có quyền tự do gởi những phim này ra nước ngoài để xử lý nữa. Siriporn cũng hỏi lý do ngăn cấm nội thành, đặc biệt là đường Tự Do, đối với người nước ngoài. Nhún vai. Vào buổi tối, có hai phiên bản được lan truyền đi trong trung tâm, tại sao lại ngăn cấm: đốt sách phản động hay là một cuộc gặp gỡ nhiều căng thẳng giữa đại diện của hai phái Công giáo.

Ba ngày trước đó, cuộc tự thiêu đầu tiên để phản đối giải phóng cũng đã diễn ra trong nội thành, và rõ ràng là đã được các nhà báo người nước ngoài quan sát và chụp ảnh tận tường. Sự việc diễn ra ngay trước bức tượng của một người lính trước Quốc Hội. Tượng đài này, biểu tượng cho cuộc chiến đấu chống cộng sản của nền độc tài Thiệu, đã bị Mặt trận Giải phóng phá hủy. Việc tự hủy hoại của một con người – theo thông tin của các nhà báo – là một hành động mang tính thiêng liêng tới mức không ai ngăn cản người đàn ông trẻ tuổi đó. Thậm chí những người lính có mặt ở đó cũng không. Sau này, người ta chỉ lấy phim ra khỏi máy chụp hình của các nhà báo. Theo như tôi nghe được thì không hết tất cả. Vẫn còn có phim không bị hủy về vụ việc này nằm trong tay các nhà báo. Sự phản kháng chống giải phóng dường như đang mạnh lên. Ngày càng có nhiều tin đồn về những vụ tấn công, giết người và mưu sát quân lính của phong trào giải phóng. Margrit tường thuật từ làng trẻ em SOS, là những người lính giải phóng đã khước từ không đưa một người đồng chí dẫm phải mìn vào một bệnh viện của Mỹ trước đây. Anh ấy được điều trị trong một bệnh viện dã chiến của MTGP trong sân bay. Và đó là nhờ vào sự việc, rằng không có người lái xe nào khác ở đó, rằng ông Kutin, sếp của làng trẻ em, đã tình nguyện làm người lái xe.

Cũng mang tính kỳ bí một ít là chuyến đến thăm Trung Tâm trưa nay của bốn người đàn ông, trong đó có một người mang súng. Người dẫn đầu giới thiệu ông là người của hành chánh quận và lại hỏi về bệnh xá mới của chúng tôi. Bây giờ thì đó đã là người đại diện thứ ba của hành chánh địa phương tỏ vẻ không hiểu biết. Ông quả quyết rằng ông chỉ đi dạo và không có ordre de mission nào. Ông chỉ muốn khuyên chúng tôi nên xin giấy phép cho bệnh xá. Tôi cảm thấy điều đó hết sức khôi hài, vì chúng tôi đã xây bệnh xá dựa trên lời đề nghị của hành chánh địa phương. Khi tôi đề cập tới điều đó, ông hỏi tôi có giấy tờ gì cho điều đó hay không. Lúc nào cũng hỏi đến giấy tờ. Cái khó chịu nhất ở tất cả mọi điều này là bao giờ cũng có những kẻ làm ra vẻ quan trọng, tự xưng là người có thẩm quyền của nhà nước, nhưng không biết mảy may là cần phải làm gì. Nhưng có lẽ điều này chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt, khi chính quyền nhà nước được tổ chức tốt hơn. Khi chúng tôi hỏi tên ông, ông nói rằng một người trong chúng tôi đã ghi lại tên của ông trong quận. Hoàn toàn không có. Sau một vài câu nói thân thiện và lịch sự, nhóm người đó với khẩu súng đã bỏ đi.

Đêm nay, tôi bước ra ngoài để mua thuốc lá. Tôi tìm thấy một cửa hàng còn mở và hỏi mua hiệu của tôi, Bastos có đầu lọc. Giá 550 đồng – gần gấp ba trước giải phóng. Người ta nói rằng nhà máy, một doanh nghiệp thời thuộc địa Pháp, đã ngưng sản xuất. Những điếu thuốc cuối cùng trên thị trường được bán với giá khủng khiếp một thời gian nữa. Tôi chuyển sang một hiệu mới: nó gồm 13 điếu thuốc trong một cái bao nhựa với hàng chữ Nam Kỳ. Trên giấy thuốc lá có chữ Baykham. Có lẽ chúng được quấn bằng tay, ít nhất thì nhãn hiệu mới này trông giống như vậy. Lúc đầu, người ta nghĩ rằng tôi là người Mỹ. Rồi người ta đoán tôi là người Pháp. Khi tôi nói tôi là người Đức thì người ta hỏi ngay: người Đông Đức? Tôi nhận đùa. Nhưng dường như những người này không ngạc nhiên cho lắm khi nhìn thấy người nước ngoài từ nửa kia của thế giới trên đường phố của họ sau giải phóng. Thật sự là đã có nhà báo Đông Đức ở Sài Gòn.

Truyền hình đưa nhiều thông tin mới, trước hết là về cuộc chiến giành độc lập, về cuộc chiến của Việt Minh, về trận Điện Biên Phủ, phim tài liệu về những lần ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam và về chất lượng của công cuộc phòng thủ. Phim hoạt họa không bao giờ thuần túy là để giải trí, mà lúc nào cũng giảng dạy về chính trị. Trong lúc đó, chúng dựa vào những khuôn mẫu văn hóa truyền thống. Vào ngày 21 tháng Năm, Siriporn đi xem một buổi biểu diễn vũ balê kết nối những biểu hiện truyền thống với các hình thức thể hiện hiện đại, và qua một cách hết sức đặc biệt đã yêu cầu hãy trung thành với nhóm (dân tộc?, giai cấp?) của mình.

Các ông chúa ở tỉnh

24/05/1975

Hôm nay, hai nhân viên của chúng tôi tường thuật lại chuyến đi hai ngày của họ về các trại mồ côi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cho tới Mo Cay, chấm dứt vào tối hôm qua. Trong nhiều phần lớn của đoạn đường đi, vùng đất không do quân đội chính quy kiểm soát mà là do các maquisard (du kích quân). Vì vậy mà hai nhân viên của chúng tôi có cảm giác không an toàn. Trong những lần kiểm tra xe đò, hầu như lúc nào cũng là hai người đàn ông trẻ tuổi này, những người luôn gây sự chú ý của các maquisard, rõ ràng là vì vẽ ngoài ngoại quốc của họ. Đến Truc Giang, họ chuyển sữa và dược phẩm sang một chiếc xe nhỏ và chạy tới trại mồ côi ở đó. Vừa mới đến nơi thì một nhóm maquisard với súng ống của họ cũng đã có mặt. Không nói lời nào, họ quan sát hoạt động của nhân viên chúng tôi và khám xét trại mồ côi. Rồi sau đó họ mới hỏi họ là ai. Trong trại mồ côi thuộc Phật giáo Bach Van gần đó, họ loan tin ngay rằng người Công giáo ở Truc Giang lại nhận được quà tặng, người ta cần phải đi tới đó để lấy phần. Sự nghi ngại của các maquisard là vô lý. Chúng tôi cũng có ý định tới thăm trại mồ côi Bach Van. Sau khi trại mồ côi Truc Giang dành ra một phòng cho những người khách của terre des hommes, nó còn bị các maquisard khám xét hai lần. Ngay cả vào lúc mười một giờ đêm, họ còn gõ cửa trại mồ côi để kiểm soát. Bà giám đốc không giám mở cửa và lo ngại cho sự an toàn của những người terre des hommes đã đến đây để giúp đỡ.

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Sài Gòn, tháng Năm 1975

Các nhân viên của chúng tôi có ấn tượng là các maquisard ở vùng Truc Giang đặc biệt cuồng tín. Rõ ràng là các công văn chính thức đều không quan trọng đối với họ. Hầu như không có cấp thẩm quyền nào mà được họ công nhận. Hẳn là họ cũng đứng dưới một UBQQ tương ứng, thế nhưng khi họ không thích cái mũi của một người lạ thì rồi họ có thể gây nhiều phiền phức. “Các anh làm gì ở đây? Xã hội? Tại sao các anh không cắt tóc?” Các maquisard, những người không biết gì nhiều hơn là khẩu súng của họ và cuộc sống trước đây của họ như là con trai nông dân, cho thấy rằng bây giờ họ nắm quyền lực ở trong tay họ. Dường như chính họ bây giờ cũng không còn có kỷ luật cao nữa. Nếu không thì làm sao mà có thể xảy ra việc là nhóm người của chúng tôi bị kiểm soát bởi nhiều nhóm khác nhau, chỉ cách nhau có 100 mét. Các maquisard không hỏi lâu về thẻ căn cước. Từ người lạ, họ đơn giản muốn biết rằng những người đó làm gì trong vùng của họ.

Nếu lời tường thuật hai nhân viên của chúng tôi là đúng thì người ta phải đoán rằng một sự nhận dạng quốc gia-nhà nước trong Nam Việt Nam cũng đã không được MTGP thể hiện, mà nguyên tắc của các tư lệnh quân đội (war-lords) lại tái diễn trong lúc thành lập các UBQQ. Điều này luôn tồn tại và hiện bây giờ đang kéo dài qua những cuộc chiến mà người ta đã tường thuật giữa giáo phái Hòa Hảo và MTGP ở trong vùng. Phái Hòa Hảo trước đó đã chiến đấu chống lại quân đội của Tổng thống Thiệu.

Tôi không nghĩ là các nhà báo Phương Tây biết về tất cả những điều này. Vì vậy mà đã dẫn đến những diễn đạt méo mó. Hôm nay, một nhóm 80 nhà báo Phương Tây thật sự là đã được chở bằng máy bay rời Sài Gòn sang Vientiane, và một thông tín viên Reuters – theo BBC – tường thuật rằng người ta có thể đi lại tự do. Ông hẳn là đã giữ kín rằng người nước ngoài chỉ được phép làm điều đó trong Sài Gòn mà thôi, và theo các tường thuật của nhân viên chúng tôi thì hẳn là không thể đi lại tự do trong vùng đồng bằng sông Cửu Long vì những lý do về an toàn. Bây giờ thì có thể hiểu lời nói của một cán bộ ở xã tốt hơn, mà theo đó thì người nước ngoài chưa nên đi lên Đà Lạt vì những lý do về an toàn. Đó không chỉ là viện cớ. Một chính quyền quốc gia trung ương, cái có khả năng tạo kỷ luật cho những nhóm địa phương và war-lord, hẳn là còn chưa có.

Bây giờ thì chúng tôi dự định liên hệ với tất cả các UBQQ ở nơi mà chúng tôi cần phải làm việc và xin phép họ. Vùng hoạt động của terrre des hommes vượt quá vùng của một UBQQ duy nhất rất nhiều. Qua ý kiến tích cực của các chính quyền địa phương, ít nhất thì rủi ro nguy hiểm cho nhân viên của chúng tôi cũng giảm xuống, ngay khi không hề được loại trừ.

Dường như Đài phát thanh Hà Nội không coi trọng sự thật cho lắm trong lúc tường thuật chính trị qua tiếng Anh. Người ta nói rằng theo các nhà báo Tiệp Khắc, giá cả trên Chợ Sài Gòn đã giảm đi một phần tư so với dưới thời chính phủ bù nhìn. Không thể nói như vậy được. Giá của hầu như tất cả các loại lương thực thực phẩm đều tăng lên so với trước đây. Cũng có thể là ngay đến nhà báo người Tiệp đó cũng không nhìn thấy được sự thật. Siriporn đã nhìn thấy những người lính của MTGP mang ra khỏi chợ những lượng khoai tây thật lớn, trong khi mua một kilo đối với chúng tôi là quá đắt. Có thể là những người phụ nữ ở chợ bán hàng giá rẻ hơn cho các thành viên của MTGP, ngay cả khi tôi không rõ lý do. Thuốc lá và bia không còn được sản xuất bằng máy nữa, vì vậy mà giá tăng vọt. Bơ nói chung là sẽ hoàn toàn không có nữa, vì chúng được nhập khẩu. Tôi cũng hoài nghi về việc sản xuất bánh mì, vì bột mì hầu hết cũng được nhập khẩu. Giá xăng trước sau vẫn ở khoảng tròn 1000 đồng so với 240 dưới thời chính phủ Thiệu. Thậm chí xăng cũng không phải là xăng nguyên chất nữa, mà bị pha bằng dầu hỏa và được bán trên chợ đen. Về mặt chính thức thì người ta nói rằng có phiếu để mua xăng với giá rẻ, tuy vậy chúng tôi còn chưa có đặc quyền này, nhưng đang cố gắng ở tại các đồng chí của UBQQ trong Bộ Tài chính. Đứng trước việc giá cả tăng nói chung, vẫn còn chưa rõ là tại sao tiền lương của nhân viên nhà nước cần phải cắt giảm một phầm hay hoàn toàn, ít nhất là trong vài tháng. Chúng tôi chờ xem liệu điều này có thật sự đúng như các tin đồn lan truyền hay không và thông tin từ các tỉnh khác nói gì.

Cách mạng văn hóa với người kiêu ngạo và đàn accordion

25/05/1975

Hôm qua và hôm nay chúng tôi mới biết rằng tại sao người nước ngoài bị cấm vào nội thành trước đây ba ngày. Hệ thống mới bắt đầu định hướng và giới hạn việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Hôm qua, tờ Sài Gòn Giải Phóng nói rằng có một đoàn sinh viên dài hàng kilômét đã yêu cầu người dân nộp những quyển sách và tạp chí phản cách mạng cũng như các ấn phẩm khiêu dâm cho chính quyền cách mạng. Qua đó, tư tưởng phản cách mạng cần phải được tiêu diệt và một cuộc cách mạng văn hóa mới được khởi đầu, cái có nhiệm vụ thay thế cho nền văn hóa đồi trụy của đế quốc Mỹ. Hôm nay, cả trong con hẻm nhỏ của chúng tôi cũng có những tấm áp phích, ví dụ như với hàng chữ sau đây: “Hãy mang các sách báo có nội dung khiêu dâm, phản cách mạng và phá hoại giao cho chính quyền cách mạng. Đó là hành động thực tế để xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa mới.”

Sài Gòn, 29 tháng Năm 1975, học sinh sinh viên biểu tình chống "văn hóa đồi trụy phản động" như là một phần của chiến dịch đốt sách ở Nam Việt Nam. Ước tính có hàng chục ngàn quyển sách và băng thu đã bị đốt cháy kể từ khi chiến dịch bắt đầu vao ngày 21 tháng Năm. Tất cả các nhà sách đều bị đóng cửa bởi sắc lệnh cấm bán sách và băng ghi được sản xuất trong thời gian của chế độ cũ.

Sài Gòn, 29 tháng Năm 1975, học sinh sinh viên biểu tình chống “văn hóa đồi trụy phản động” như là một phần của chiến dịch đốt sách ở Nam Việt Nam. Ước tính có hàng chục ngàn quyển sách và băng thu đã bị đốt cháy kể từ khi chiến dịch bắt đầu vao ngày 21 tháng Năm. Tất cả các nhà sách đều bị đóng cửa bởi sắc lệnh cấm bán sách và băng ghi được sản xuất trong thời gian của chế độ cũ.

Rõ ràng là nền văn hóa Nam Việt Nam cần có một sự biến đổi, nếu như muốn ủng hộ cho các ý tưởng xã hội tiến bộ. Chỉ đáng tiếc là biện pháp này, biện pháp mà các hoàng đế độc đoán đã từng áp dụng trước đây 2000 năm, cũng như là Hitler, đối với tôi là hoàn toàn không phù hợp để đạt tới mục đích. Sẽ không bao giờ đi đến tiến bộ qua cắt giảm thông tin, mà chỉ qua mở rộng. Lực hấp dẫn, rõ ràng là xuất phát từ các tác phẩm phản động, chỉ có thể được làm giảm bớt đi bằng cách làm giảm bớt tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống của con người chứ không phải bằng cách là chính quyền cách mạng loại trừ chúng ra.

Trước sau tôi vẫn tự hỏi tại sao người nước ngoài da trắng lại bị ngăn cản không cho quan sát diễn tiến sự việc này. Có thể là hành động này không phải là một hành động của UBQQ, mà thật sự là một hành động của sinh viên, ngay khi được chính phủ chấp thuận. Nhưng ít nhất thì chính phủ muốn tránh việc là người ngoại quốc nhìn thấy điều đó. Thế nào đi nữa thì quân đội chính quy cũng đã được giao nhiệm vụ giữ dân da trắng lại.

Bây giờ, sau khi các nhà báo Phương Tây bị lấy đi quyền tự do tường thuật những gì mới về Việt Nam, vì họ có thể rời bỏ đất nước, cả họ cũng xác nhận rằng cuộc sống còn chưa trở về bình thường, rằng ngân hàng trước sau vẫn đóng cửa, không có liên lạc thư tín ra ngoài Việt Nam và họ không thể trao đổi với các dại diện cấp cao của chính phủ. Nhưng tin tức có nguy cơ là sai. Như BBC nói về một sự hiện diện áp đảo của Bắc Việt Nam. Điều đó có thể đúng cho những người lính, nhưng không đúng đối với hành chánh. Theo như tôi gặp cán bộ của MTGP trong các bộ thì tất cả họ đều là người miền Nam. Tôi cũng dám nghi ngờ là thông tín viên của BBC có thể phân biệt được ai là người miền Nam ai là người miền Bắc.

Hôm nay, truyền hình phát đi một chương trình về cuộc cách mạng văn hóa mà các sinh viên đã báo hiệu. Đó là lần phát sóng buổi biểu diễn của một nhóm kịch miền Bắc, hiện đang trình diễn tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn. Rõ ràng là các nghệ sĩ miền Bắc muốn đưa ra một cái gì đó thích hợp với ý thích có yêu cầu cao tại Sài Gòn. Chỉ có điều tôi không biết là tại sao nói chung người ta lại vỗ tay. Nều văn hóa Việt Nam dường như đã tàn lụi ở BắcViệt Nam còn nhiều hơn là ở Nam Việt Nam. Có thể, vì người ta cho rằng văn hóa cổ truyền là lỗi thời và đã hướng tới sản phẩm nghệ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa, theo như tôi thấy trước hết là của Nga và Đông Đức. Ví dụ như người ta thấy một người đàn ông kiêu ngạo hát theo đàn accordion, tất nhiên là trong bộ comlê sẫm màu và cà vạt. Hay một nhà cách mạng xắn tay áo mà nụ cười của ông ấy không được ai quan tâm tới. Một nữ ca sĩ trong chiếc áo dài với lần đơn ca của cô lại khiến cho người ta nhớ tới một ngôi sao nhạc opera người Ý, những gì được thể hiện là vũ điệu của các dân tộc thiểu số Việt Nam thì lại khiến cho người ta nghĩ đến các biểu diễn trong hộp đêm thì nhiều hơn. Tôi thật phải nói rằng những lần trình diễn ít ỏi được truyền hình phát sóng có lẽ phải là được lựa chọn tồi tệ, vì những sản phẩm âm nhạc khác từ Bắc Việt Nam, thời gian sau này có thể nghe được ở đây, cũng đã phát triển tốt hơn về mặt nghệ thuật.

Sẽ tiếp tục ra sao?

26/05/1975

Với một tương lai không chắc chắn, một đường lối chưa ngã ngũ cho Nam Việt Nam và tình trạng thảm họa kéo dài của nền kinh tế, căng thẳng chính trị trong nước cũng tăng lên. Niềm vui mừng về nền hòa bình và thống nhất vừa được tái lập đã đi qua. Sẽ tiếp tục như thế nào?

Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Thời gian vừa qua ngày càng có nhiều tin tức về sự chống đối – vâng, tôi không hiểu lắm là chống điều gì – chống ảnh hưởng Bắc Việt hay chống cộng sản? Hôm nay, Ariel thuật lại là ba người lính chính quy của MTGP đã bị một người đàn ông lạ mặt dùng súng máy bắn chết ngay trên đường phố, khi họ đang mua hàng ở trên chợ Sài Gòn. Hai nhân viên của chúng tôi, lo giúp đỡ về vật chất cho các trại mồ côi, tạm thời không dám đi xe về Cà Mau ở phía Nam, vì người ta cho rằng thời gian sau này, chiến sự giữa MTGP và Hòa Hảo đã kéo ra cho tới tận con đường dẫn về phía Nam. Ariel cũng tường thuật về lần được mời đi ăn tối mà cũng có một chiến binh của MTGP đến dự, người được đào tạo rất tốt và đã sống ở Liên bang Xô viết mười năm. “Chúng tôi ở miền Nam không giống như người ở Hà Nội. Người của MTGP tự do hơn rất nhiều. Họ sẽ không buộc người dân phải mặc chiếc áo nào. Trong lúc này, chúng tôi có nhiều khó khăn lớn với người từ miền Bắc.” Ông không muốn nói tiếp về điều này nữa.

Hôm nay, trong Trung Tâm người ta thảo luận về một vụ việc chứng minh cho mặt xấu của cuộc “cách mạng văn hóa”. Nó xảy ra ở gần Trung Tâm trong một nơi cho thuê sách mà các sinh viên quá khích muốn tẩy trừ sách báo cặn bã và suy đồi của Mỹ ra khỏi đó. Người chủ không đồng ý. Ông dựa vào một người anh em họ là lính chính quy từ Bắc Việt và đang ở trong nhà ông vào đúng thời điểm đó. Khi các sinh viên không lùi bước, ông cho nổ một quả lựa đạn. Người ta nói rằng đã có nhiều người chết qua vụ nổ này, được nói là tự tử để phản kháng về mặt chính trị. Trong số đó có cả người lính của MTGP và các sinh viên có thiện cảm với Mặt trận Giải phóng.

Hôm nay, chúng tôi nhận được tin mới từ Đà Lạt thông qua giám đốc người Đức của Làng Trẻ em SOS, người đã đi đến đó để chuẩn bị đưa những đứa trẻ của ông về. Vì không có giấy phép đi lại nên ông bị bắt ngay lập tức lúc vừa vào đến Đà Lạt. Ông còn may là không bị bắt giam. Ông hoàn toàn không thể làm gì cụ thể được, chỉ là: chờ. Tổ chức của xã hội mới ở Đà Lạt đã tiến bộ rất nhiều. Các cán bộ cũng có ý gần như là khinh miệt, rằng Sài Gòn vẫn còn chưa được tổ chức. Người sếp làng SOS có ấn tượng rằng quyền lực chính trị của người Bắc Việt ở Đà Lạt là không thể tranh cãi, ngay cả khi các cán bộ chính trị của MTGP Nam Việt Nam không thích thú với điều đó. Có một làn gió hết sức không thân thiện với người nước ngoài đang thổi ở Đà Lạt, cho tới mức người ta có ấn tượng là trong tương lai sẽ không người nước ngoài nào được phép làm việc trong Làng Trẻ em SOS nữa.

Về các tòa án nhân dân

27/05/1975

Một tin đồn đã được xua đi, tức là tin đồn rằng nhân viên của chế độ cũ không được phép nhận nhiều hơn một vài một lít gạo và một vài ngàn đồng như là tiền lương, giống như là hình phạt cho sự cộng tác của họ với chế độ bù nhìn. Tôi đã dùng thời gian của buổi tối hôm qua để xua đuổi tin đồn này ra khỏi đầu óc của tôi, bằng cách dịch một thông báo của tướng Trà, sếp UBQQ Sài Gòn/Gia Định. Theo đó, nhân viên của chính phủ, làm việc trong các nhà máy của chính phủ, trong khu vực y tế và giáo dục, được nhận số tiền lương như trước đây. Nhân viên trong cơ quan nhà nước nhận một mức tiền lương thấp hơn, từ 10.000 đến 23.000 đồng cộng với trợ cấp gia đình trên cơ sở gạo: mười kí gạo cho người vợ và năm kí cho mỗi một đứa con. Nhà máy tư nhân được yêu cầu hãy trả cùng mức lương như trước đây. Rất đáng tiếc là thông báo này không bao gồm thông tin về việc làm sao mà có được tiền mặt để có thể trả lương. Như thế này thì chúng tôi ở terre des hommes cũng không làm gì được vì ngân hàng trước sau vẫn đóng cửa. Vì chúng tôi đã nhìn thấy trước vấn đề này nên chúng tôi đã viết thư cho các đồng chí trong Bộ Tài chính và hỏi họ cách có được tiền mặt và mua xăng. Hôm nay, khi chúng tôi hỏi lại thì lá thư đã được chuyển sang cho các đồng chí trong Bộ Y tế, những người cho tới nay chỉ nhún vai khi chúng tôi hỏi là chúng tôi có thể thực hiện chỉ thị của tướng Trà như thế nào, trả tiền lương cho nhân viên.

Saigon June 1975 - PRG Carries Out Execution In Saigon

Nguyen Tu Sang bị xử bắn ở Sài Gòn vì tội cướp giật có mang vũ khí. Hình: Rolls Press/Popperfoto/Getty Images

Ngược lại, một tin đồn khác, rằng có các tòa án nhân dân, thì hiện giờ đã được các tường thuật báo chí xác nhận. Hôm qua, tờ Sài Gòn Giải Phóng đã tường thuật về một cuộc phán xét như vậy, chấm dứt với lần hành quyết xử bắn. Con người xấu xa đó bị kết án cướp giật. Các nguyên tắc, khi nào thì những tòa án như vậy được tự phát thiết lập, là mơ hồ đối với tôi. Người ta cho rằng điều đó phụ thuộc vào việc các ủy ban cách mạng địa phương có quan điểm nào về việc này. Trước sau gì thì thành phố này cũng đầy tội phạm, vì phong trào giải phóng đã mở cửa tất cả các nhà tù. Có thể là họ cho rằng các phán xét của chế độ cũ về nguyên tắc là không có hiệu lực. Nhưng nếu như một trong các tù nhân được phóng thích đó mà còn phạm lỗi thêm một lần nữa thì có nguy cơ bị án tử hình qua quyết định của nhân dân.

Hôm nay, các sinh viên cách mạng đả phá tín ngưỡng cũng đã gõ cửa nhà Ariel, để thu thập văn học phản động và khiêu dâm. Chị của Ariel không cho họ vào nhà, mà chỉ giải thích rằng bà không biết đọc. Theo tường thuật của nhân viên chúng tôi thì các tác phẩm văn học Việt Trung như “Tam Quốc Chí” cũng thuộc vào hàng văn hóa đồi trụy như tạp chí tin tức Mỹ “Time”. Giá như các sinh viên đó biết rằng ví dụ như Kim Vân Kiều đang phục sinh lại ở Bắc Việt Nam và được diễn giải như là một phê bình văn học của phong trào chống phong kiến. Người ta nói rằng vào ngày 31 tháng Năm sẽ có một cuộc đốt sách lớn.

Ngày càng có nhiều tin tức về các căng thẳng trong nội bộ của Mặt trận Giải phóng, trước hết là giữa những người dân tộc chủ nghĩa và những người cộng sản, mà trong đó những người cộng sản có ý định thống nhất trực tiếp và xây dựng xã hội theo khuôn mẫu của Hà Nội. Theo tin đồn thì Madame Bình, nữ bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã từ chức.

Hôm nay, chúng tôi nhận được tin bất ngờ của Milo từ Hà Nội. Bức thư do người mang thư mang đến và có ghi người gửi là “Milo Roten ở Hà Nội”, thế nhưng không có tem và không có dấu bưu điện. Bức thư được viết vào ngày 15 hay 16, tức là cần hơn mười ngày để đến nơi. Milo được một ủy ban hòa bình mời đi bốn ngày, để tham dự lễ mừng chiến thắng và cũng để thám thính tình hình cho terre des hommes. Bức thư của anh là một bài hát ca ngợi Bắc Việt Nam.

Ví dụ như: “Hôm nay chúng tôi chào mừng chiến thắng ở trong sân vận động của Hà Nội! Đó là một buổi lễ tuyệt vời với nhiều ấn tượng khó tả. Ngoài ra, Hà Nội là thành phố đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy ở Việt Nam: ba hồ nước đẹp ở ngay trong trung tâm. Hà Nội thật sự tỏa vẻ yên tịnh; không có mùi hôi và sự hối hả của Sài Gòn trước đây; cũng như ít có trộm cắp, người ăn xin, v.v. Thật là tuyệt vời khi đi dạo dọc theo bờ hồ mà không sợ bị đẩy xuống nước, bị trộm cắp hay những điều tương tự như vậy. Người dân ở đây tự nhiên, thiếu ảnh hưởng nước ngoài, và đó là điều làm cho thành phố này và cuộc sống của nó dễ mến …”

Tôi thật không biết việc ảnh hưởng nước ngoài là như thế nào. Hôm nay, chúng tôi lại nhìn trên màn hình nhiều biểu diễn nghệ thuật: hát, múa, ba lê, mà trong số đó chỉ có một phần nhỏ mới thật sự là văn hóa Việt Nam. Đặc biệt các điệu múa dường như là một sự pha trộn từ tất cả, thiếu sự thống nhất và hài hòa, vì nhiều nguyên tố phong cách được pha trộn quá lộn xộn.

Milo hy vọng là chúng tôi ở Sài Gòn có thể gặp nữ bộ trưởng mới của Bộ Y tế, tiến sĩ Hoa. Hôm nay chúng tôi làm thử việc này. Tôi tường thuật cho các đồng chí trong Bộ Y tế về đại biểu của chúng tôi ở Hà Nội và lời khuyên của ông, xin được gặp bà nữ bộ trưởng Bộ Y tế. Các đồng chí của UBQQ không phủ nhận, rằng bà tiến sĩ hiện đang ở Sài Gòn. “Nhưng bà chưa bắt đầu làm việc.” Đến lúc đó người ta sẽ thông báo cho chúng tôi biết, các chiến binh tự do trong Bộ Y tế tường thuật lại cho chúng tôi, vẫn còn hãnh diện mang đôi xăng đan được cắt ra từ lốp xe của họ. Tôi thấy không cần thiết phải làm gì nhiều hơn là chờ đợi. Ít ra thì chúng tôi cũng có được một quan điểm, rằng sự hiện diện của terre des hommes được xem là có ích.

Sơ kết cho Sài Gòn

28/05/1975

Bây giờ thì đã gần một tháng, kể từ khi đất nước được giải phóng khỏi ảnh hưởng của Mỹ, nhưng vẫn còn chưa có một tổng kết. Khó có thể làm được việc đó, vì đất nước vẫn còn bị chia cắt ra trong nhiều quyền thế khác nhau của các UBQQ đang nắm quyền trên đất nước. Không rõ là ai đứng đầu họ. Hoặc là Mặt trận Giải phóng Dân tộc với các ủy ban trung ương của họ hay là cả hai chính quyền ở Nam và Bắc Việt Nam. Vì sự phát triển trong vùng quyền lực của mỗi một UBQQ là khác nhau, và cũng phải khác nhau vì thời gian kể từ khi được giải phóng, cho nên tôi chỉ có thể tập trung vào Sài Gòn trong một tổng kết.

Sài Gòn tháng Năm 1975: Bài trừ "văn hóa đồi trụy và phản động"

Sài Gòn tháng Năm 1975: Bài trừ “văn hóa đồi trụy và phản động”

Theo tôi thấy, kinh tế dường như vẫn còn ở trong một tình trạng xấu hơn là trước đây. Ngân hàng trước sau vẫn đóng cửa, qua đó mà một tuần hoàn của kinh tế quốc gia đã bị cắt đứt. Nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài và dưới sự lãnh đạo của người nước ngoài đã mất người đứng đầu hoặc là đã đứng dưới sự quản lý của nhà nước. Nhưng không rõ là liệu các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động được hay không và như thế nào (ví dụ như nhà máy thuốc lá Bastos và nhà máy bia BGI). Sản xuất nông nghiệp còn chưa thể tốt hơn trước đây, vì người tỵ nạn còn chưa trở về hết. Bây giờ đã có nhiều an toàn hơn cho sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có nhiều bất lợi: thiếu phân bón hóa học. Hệ thống bán buôn nông nghiệp bị giới hạn rất nhiều vì các địa phương kiểm soát rất chặt, giá cả mà nông dân bán ra rất thấp và thêm vào đó là chi phí chuyên chở và xử lý rất cao bởi giá xăng cao. Trong sản xuất công nghiệp, người ta phải tiến hành nhiều cuộc tái cơ cấu, vì không thể chờ đợi cung cấp phụ tùng thay thế từ các nước Phương Tây trong quy mô lớn được nữa. Sự phụ thuộc được dịch chuyển sang các nước xã hội chủ nghĩa, việc có thể phải cần nhiều thời gian. Đối với người dân Sài Gòn, các vấn đề về kinh tế lại càng trầm trọng hơn đặc biệt là vì giá cả nói chung vẫn tiếp tục tăng lên, tiền lương thì lại giảm đi (như một phần trong lĩnh vực nhà nước). Nhiều người khác thậm chí đã thất nghiệp, do không còn có các sở làm nước ngoài hay do quân đội Sài Gòn đã bị giải tán. Việc đưa người tỵ nạn trở về nông thôn với sự giúp đỡ của nhà nước qua các ủy ban ở địa phương và phân phát gạo không mất tiền cho người nghèo hoàn toàn không đủ để có thể đảo ngược được xu hướng xấu đi. Nhưng đó không phải là lỗi của UBQQ, mà là do thiếu một chính quyền trung ương và cơ quan kế hoạch cho kinh tế.

Tình hình vẫn chưa rõ về mặt chính trị. Không có bộ, và các bộ trưởng vẫn còn chưa bắt đầu làm việc. Thống trị ở Sài Gòn cũng như ở nơi khác là UBQQ với nhiều bộ phận khác nhau, đang đóng trong các bộ – ở Sài Gòn. Vẫn còn chưa rõ là ai nắm quyền ở Nam Việt Nam. UBQQ hoạt động cho tới chừng nào, và liệu sẽ sáp nhập trực tiếp với Bắc Việt nam và liệu có bầu cử tự do hay trưng cầu dân ý để quyết định việc đó.

Ngược với các tường thuật của Voice of America, tôi cho rằng an ninh ở Sài Gòn trước sau vẫn cao hơn là trước giải phóng, ngay khi trong thời gian sau này đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp và cướp của hơn. Nhưng cũng không phải là điều đáng để ngạc nhiên trước tình hình kinh tế đói kém. Tuy vậy, UBQQ vẫn muốn hành động nghiêm khắc hơn tại các tội trộm cướp. Vì vậy mà báo chí bây giờ tường thuật về những vụ xử tử công khai và tòa án nhân dân. Tuy vậy, mối nguy hiểm cho những người lính chính quy dường như đã tăng lên trong thành phố. Ngày nào tôi cũng nghe tin tức về những vụ mưu sát hiểm ác, không chỉ về ban đêm mà còn giữa ban ngày.

Các dịch vụ xã hội và y tế vẫn còn chưa làm việc bình thường trở lại. Điều này một phần là do thiếu tiền mặt và cũng vì người ta lo ngại sẽ tiêu dùng hết số vật liệu ít ỏi. Các xét nghiệm cấp bách nhất được tiến hành trong các phòng thì nghiệm. Mặt trận Giải phóng vẫn còn chưa đưa ra được lãnh đạo chuyên môn cho các dịch vụ này. Thiếu cán bộ MTGP được đào tạo, và người ta không tin tưởng những người lãnh đạp cho tới nay và thỉnh thoảng cũng không được phép tin.

Trường học vẫn còn chưa hoạt động trở lại. Rõ ràng là cả việc đào tạo chính trị cho lực lượng giảng dạy cũng đã chùng xuống trong thời gian vừa qua. Ở các tỉnh khác, người ta cho rằng trường học đã bắt đầu với kế hoạch giảng dạy mới. Các trường đại học vẫn còn bận rộn với những hoạt động của sinh viên như vệ sinh đường phố và cách mạng văn hóa. Một chính sách văn hóa rõ ràng nói chung là vẫn chưa nhìn thấy được. Người ta nói rằng mới đây có một con tàu từ miền Bắc Việt Nam, chở đầy sách, đã cập cảng Sài Gòn. Ngay cả nhà trẻ, mà tầm quan trọng xã hội của chúng cho người lao động luôn được nhấn mạnh, dường như vẫn còn đóng cửa.

Hệ thống giao thông nội bộ đã được tái thiết lập hoàn toàn. Nhưng giá trên các xe buýt đã tăng lên rất mạnh vì phí tổn xăng dầu cao. Người ta đang tích cực xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Hà Nội, và cũng đã hoạt động từng đoạn rồi. Nhưng vẫn còn chưa có liên kết trong giao thông quốc tế. Phi trường Sài Gòn vẫn chưa mở cửa cho giao thông hàng không dân sự. Ở cảng, cho tới nay chỉ có những con tàu giúp đỡ từ Bắc Việt Nam cập bến. Hệ thống điện tín quốc tế đã hoạt động trở lại từ một tuần nay. Nhưng vẫn không được phép gửi thư ra nước ngoài lẫn nhận từ đó. Tức là thành phố phần lớn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Nói tóm lại, người ta có ấn tượng là tất cả những gì hoạt động trở lại đã hoạt động vì chúng được thiết lập mà không có sự can thiệp của nhà nước hay nhờ vào điều là đã có hòa bình. Phần lớn những gì do UBQQ ban hành đều được thi hành một cách tài tử. Các cấp chính quyền cách mạng rõ ràng là không có cán bộ thạo chuyên môn.

Sài Gòn – từ hòn ngọc suy đồi thành một ngôi làng

31/05/1975

Thành phố ba triệu dân Sài Gòn, từng được gọi là hòn ngọc của Phương Đông, sau này hẳn đã thành một thành phố sôi động nhưng suy đồi và phi bản sắc, bây giờ sau giải phóng đã trở thành một cái gì đó giống như một ngôi làng. Vấn đề giao thông đã được tự giải quyết qua giá xăng cao. Hình ảnh đường phố khiến cho người ta nhớ tới những đoạn phim về Hà Nội. Số lớn là xe đạp, không có nhiều Honda và đôi lúc có ô tô. Sài Gòn đã trở nên yên tịnh hơn, và người đi bộ không còn phải sợ chết ngạt trong làn khói thải nữa.

Khách sạn Majestic 1975

Khách sạn Majestic, 1975

Hôm nay là một ngày chủ nhật hơi buồn tẻ. Trời lúc nào cũng đầy mây và có mưa lất phất hàng giờ liền. Vào buổi chiều không phải làm việc này, ở nhà không phải là một việc hấp dẫn. Chúng tôi khởi hành đi dạo phố trên đường Tự Do. Đường Tự Do, một nơi chốn tội lỗi của lính Mỹ với nhiều hộp đêm, quán rượu, nhưng cũng có những cửa hàng trông có vẻ quốc tế một chút, đã trở nên rất yên tịnh. Khách sạn Continental tuy vẫn sáng đèn, nhưng người ta chỉ còn nhìn thấy một vài người khách nước ngoài, sau khi hầu hết các nhà báo Phương Tây đã ra đi. Trong cửa hàng phim ảnh, tinh thần của người chủ tiệm chống cộng sản, người đã chạy trốn từ Bắc Việt nam vào năm 1954, cũng buồn rầu như trên đường phố, nơi mưa đang nhỏ giọt xuống những lá cờ của MTGP và Bắc Việt Nam. Ông đếm những tấm ngân phiếu mà người ta đã dùng chúng để trả tiền cho ông, và do ngân hàng đóng cửa nên ông không thể đổi ra thành tiền mặt được. Tôi nói, có hơi đùa một chút, rằng ông bây giờ chắc không còn có nhiều khách hàng cho lắm. “Đó là số phận của tất cả những người buôn bán trong thành phố này”, ông cay đắng nhận xét. Trên đường phố, chúng tôi không còn bị ai bắt chuyện để đổi tiền hay xin ăn nữa. Không còn có thể làm nghề này được nữa, mặc dù thiếu tiền còn hơn cả trước đây. Một vài người Pháp đi khắp các cửa hiệu bán đồ da, và cố gắng mua giá rẻ trước lúc khởi hành ra đi. Bốn người đàn ông trông khác thường một chút đi dạo ngang qua. Theo ngôn ngữ và thái độ thì chúng tôi đoán là người Cuba, đã đến đây với chiếc tàu chở hàng viện trợ mới đây. Nhưng chúng tôi không chắc chắn. Phần lớn các hàng quán đã đóng cửa. Nhiều hàng quán trong số đó, và đặc biệt là các quán rượu, thì trước sau cũng đã buộc phải đóng cửa. Nhà hàng và quán cà phê vẫn còn tương đối đắt khách. Những thằng bé trên đường phố bây giờ bán báo của MTGP, tờ Sài Gòn Giải Phóng. Cả khách sạn của chính phủ, Majestic, mà tầng trên cùng đã bị một hỏa tiển phá hủy chỉ vài ngày trước giải phóng, dường như cũng không có khách, ngay cả khi  những thằng bé bụi đời vẫn còn tha thẩn ở trước đó. Khách sạn này nằm trên con đường Bạch Đằng của cảng và ở cạnh sông Sài Gòn. Những con tàu ở đó nằm im lặng trong bóng tối, rõ ràng là không có buôn bán lẫn nhiên liệu. Có lẽ thậm chí là còn chưa rõ rằng liệu chúng có bị chính phủ tịch thu hay không. Đối diện với chúng tôi là con tàu Tru Nam, đã mang chiếc ô tô của chúng tôi sang Singapore. Nó cùng với ba chiếc khác được lấy về từ Singapore sau giải phóng. Rõ ràng là một phần thủy thủ đoàn đã bỏ trốn. Trước đây vài ngày, chính phủ còn chào mừng lần trở về được yêu cầu của các con tàu này trong truyền hình.

Nhiều hàng bán nước và thức ăn, lúc nào cũng có ở cảng, không có khách. Các cô bán hàng nằm trên ghế bố và chờ cho đến tối. Rồi thì hẳn là bổn phận đã hoàn thành. Sự yên lặng chắc là đã hứa hẹn nhiều thành công cho những người câu cá, bây giờ xuất hiện nhiều hơn ở bến cảng. Chúng tôi đi đến một nhà hàng có hàng hiên trên mặt nước, cái mà vào thời trước đây bao giờ cũng đông người vào mỗi buổi tối. Hôm nay chỉ có ít người ở đó, nhân viên hầu như là thất nghiệp. Chúng tôi chỉ ăn một món xúp, và bước qua những vũng nước trở về trên đường Tự Do. Một người đàn ông trẻ tuổi say rượu nằm trên vỉa hè, có vài người khách bộ hành vây quanh, cả lính của MTGP nữa, những người cảm thấy không an tâm một chút chỉ vì chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng đó. Chúng tôi đi tiếp tục về ô tô và trở về nhà. Bầu không khí lúc chiều tối, với tất cả những nét buồn rầu của nó, đã không có ảnh hưởng xấu tới chúng tôi.

Voice of America, dựa trên một tin của UPI, tường thuật vào lúc mười một giờ tối rằng, sau ba tuần hội họp, các chính khách Bắc và Nam Việt Nam đã thống nhất với nhau, rằng một cuộc tái thống nhất trong vòng năm năm tới đây là không thể. Phong cách sống và các điều kiện kinh tế là quá khác biệt, để tạo khả năng cho một cuộc thống nhất ngay tức thời. Người ta dự tính chính phủ mới sẽ ra mặt vào thứ sáu tới, tức là ngày 6 tháng Sáu. Ngoài ra, bầu cử để thiết lập Quốc Hội cần phải được tiến hành càng nhanh càng tốt. Ngày 6 tháng Sáu mới được nhắc tới đó từ lâu nay đã là một ngày nổi bật, vì nó kỷ niệm lần thứ sáu ngày thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Nam Việt Nam.

Cứng rắn đối với những người phê phán chế độ và tội phạm hình sự

4/6/1975

Hôm qua, nha sĩ của chúng tôi đã phải miễn cưỡng làm quen với quân đội nhân dân. Khi ông muốn đi về nhà vào lúc 23 giờ 30 tối, ông bất thình lình rơi vào trong một đoàn biểu tình trên đường Trương Minh Giảng, đang dừng lại trước Đại học Vạn Hạnh. Ngay lập tức, quân lính trang bị đầy vũ khí của MTGP đã có mặt và bắt đầu bắn. Ông và người bạn của ông nằm rạp xuống mặt đất để tìm cách ẩn nấp. Rồi với súng ống, những người lính bắt giữ tròn 50 người, trong số đó cũng có cả hai người Pháp. Người nha sĩ của chúng tôi là một trong những người đầu tiên được thả ra, vì ông chỉ tình cờ đi đến đó khi quân đội nhân dân đụng độ với những người biểu tình. Theo thông tin của ông thì cuộc biểu tình là do một linh mục thủ cựu ở Phú Nhuận tổ chức, để phản đối việc thiếu ăn. Có khoảng 100 người đã tham dự. Nhưng thời điểm khác thường – 30 phút trước giờ giới nghiêm – cho thấy rằng tại cuộc biểu tình này, vấn đề không chỉ đơn giản là việc đói ăn.

Bị bắt vì tội mê nhảy đầm

Bị bắt vì tội mê nhảy đầm

Bây giờ, quân đội nhân dân hành động cứng rắn để chống lại những người phê phán chế độ và tội phạm hình sự. Hôm nay, khi đi xe về nhà, chúng tôi nhìn thấy một nhóm bộ đội trang bị đầy đủ vũ khí với lựu đạn, súng chống tăng, tiểu liên, v.v. đuổi theo một người trộm xe đạp – có nhiều người hiếu kỳ đi theo. Cũng trong dịp này, họ tịch thu một cái máy ghi âm trong một quán cà phê nhỏ, vì phát nhạc đồi trụy – có lẽ là nhạc pop Mỹ –, không phù hợp với văn hóa cách mạng mới. Ngoại trừ nhạc và sách, tóc dài cũng đóng một vai trò quan trọng đối với các nhà cách mạng. Hai ngày trước đây, hai đứa trẻ của chúng tôi đã bị chận lại và bị tịch thu thẻ căn cước, vì các bộ đội cho rằng tóc của chúng quá dài. Chúng chỉ nhận lại được thẻ căn cước khi trình diện trước những người lính này với mái tóc đã được cắt ngắn. Ngay sau đó, tôi đã tới thăm trụ sở của đơn vị bảo vệ an ninh mới được thành lập của quân đội cho khu vực mà Trung tâm của chúng tôi nằm ở trong đấy. Điều này đã trở nên cần thiết, vì ngày càng có nhiều lính của MTGP tới thăm Trung Tâm của chúng tôi mà không có nhiệm vụ cụ thể hay vì tò mò. Người sếp của đơn vị này, rất thân thiện và dễ mến, giải thích rằng ông thấy những đứa trẻ của chúng tôi không thỏa mãn các yêu cầu của Bác Hồ, mà theo đó tóc phải ngắn hơn. Thế là phần lớn những đứa trẻ đã cắt tóc của chúng.

Hôm nay, chúng tôi lại có khách từ ban hành chánh của Trung Nhat, hai người bộ đội hỏi thăm chi tiết về Trung Tâm. Chúng tôi không rõ, tại sao họ vẫn còn chưa nhận được một lá thư tương ứng mà chúng tôi đã đích thân giao. Nhưng chúng tôi cũng sẵn lòng cung cấp thông tin của chúng tôi thêm một lần nữa. Một điểm quan trọng trong cuộc trao đổi cũng lại là tóc dài. Khi một thành viên trong ban điều hành nói rằng, cho tới nay, về câu hỏi này thì chúng tôi để cho những đứa trẻ tự quyết định lấy việc chúng thích ứng với đường lối chung của MTGP như thế nào, thì người ta đáp lời chúng tôi, rằng có những việc nhất định mà không thể giao phó cho tự do cá nhân được. Nếu như người ta cũng hành động như vậy ví dụ như đối với những tội trộm cắp và bán dâm, thì người ta  chắc phải chờ rất lâu, cho tới khi những tên trộm cắp và những người bán dâm biến mất. Câu trả lời này –  cũng như nhiều điều khác – cho thấy tính đơn giản của cách hành động. Theo ý tôi, chính sách tốt hơn là thay đổi những nguyên nhân gây ra trộm cắp và bán dâm, chứ không phải bắn chết người ta, khi chính sách kinh tế còn chưa tạo ra được tiền đề mới nào.

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ nổ súng hơn. Tại lần biểu tình đã được nhắc tới ở trên, mà người ta nói rằng những người biểu tình cũng có vũ khí, có ba người dân thường và một bộ đội bị giết chết. Người ta có thể nghe được tiếng súng, giống như tiếng súng máy, xa cho tới tận nhà của chúng tôi. Hôm nay vào lúc mười một giờ cũng có tiếng súng nổ nguy hiểm như vậy ở gần Trung Tâm. Hầu như đêm nào cũng rất lộn xộn. Những người có thiện cảm với MTGP đưa ra lý do cho việc đó, rằng bây giờ thời hạn giao nộp súng ống chứa ở trong nhà đã qua rồi. Bây giờ MTGP đối xử cứng rắn với tất cả những người vẫn còn sở hữu vũ khí sau ngày 31 tháng Năm. Mục tiêu rõ ràng là để tiêu diệt những ổ chống đối.

Cắt tóc dài

Cắt tóc dài

Điều này cũng được Ngô Bá Thành thuật lại cho chúng tôi, một cựu nữ lãnh đạo của “lực lượng thứ ba” ở Nam Việt Nam và của phong trào bình đẳng nữ giới. Tôi tới thăm bà theo lời khuyên của một nhà báo Phương Tây, người thuật lại với tôi rằng bà đã được bà thứ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chọn lựa ra để liên lạc với các tổ chức xã hội từ môi trường quanh chế độ Thiệu trước đây và xem xét về tính đáng tin cậy về mặt chính trị của chúng. Ngô Bá Thành dường như là người duy nhất đã đóng một vai trò chính trị quan trọng dưới thời của chế độ Thiệu và bây giờ cũng được MTGP chấp nhận. Để được như vậy, bà Thành đã phải hứng nhận nhiều cực hình. Trong lần triển lãm về người phụ nữ được giải phóng, cái mà tôi đã có lần tường thuật trước đây, người ta cũng nhìn thấy một bức ảnh của bà, ngồi mỏi mệt trong một nhà tù của chế độ Thiệu. Cho tới gần đây, hàng rào dây kẽm gai vẫn còn được kéo quanh nhà bà, người ta không cho bà tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mãi vào ngày 1 tháng Năm, ngày sau giải phóng, bà mới có thể bước ra khỏi nhà của bà lần đầu tiên. Trong nhà đỗ xe là chiếc xe của bà mà kính của nó đã bị lính của chế độ Thiệu đập nát.

Ngày nay, bà Thành thấy rằng vị trí của Lực lượng thứ Ba đã trở nên thừa thãi. Giới trí thức, mà người ta cũng có thể tưởng tượng họ ở trong phong trào [tự do phóng túng] Bohème ở Paris, kính trọng các thành tích của MTGP, tổ chức mà đã thật sự đạt tới một mục tiêu quan trọng. Với những từ ngữ hùng hồn, bà giải thích những gì bây giờ đang phát triển như là sự hình thành một đường lối của nhân dân. Tôi vẫn còn chưa hiểu rõ, vì sự hiện diện của người nước ngoài trong sự phát triển này được tự nhiên xem như là một trở ngại. Nhưng bây giờ ở khắp nơi đều có các ủy ban nhân dân cách mạng, không chỉ bao gồm thành viên quân đội của MTGP mà còn bao gồm cả người dân thường. Thành phần xã hội của những nhóm này, những nhóm mà trước hết là truyền đi tia lửa của cách mạng, vẫn còn chưa được nghiên cứu. Ví dụ như vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng tôi làm quen với ba trong số những người đó, ba người mà hai ngày sau đó thậm chí đã trao đổi khá lâu với chúng tôi trong Trung Tâm. Một người đàn ông trẻ, lãnh đạo nhóm thiếu niên của Giải Phóng trong quận Phú Nhuận, là một công nhân, người mà tại những câu hỏi khó luôn luôn nói rằng phải hỏi những người bạn của anh. Rõ ràng là anh ta thiếu một tổng quan về chính sách xã hội, ngay cả khi anh có nhiều nguồn thông tin tương đối tốt và chắc chắn là cũng có động lực xã hội mạnh. Vượt trội hơn về mặt trí thức là một cô gái trẻ tuổi, làm nghề y tá, được đào tạo trong một tổ chức Công giáo bảo thủ và có điều kiện vật chất rất tốt. Đó cũng là người đã tự giới thiệu mình với chúng tôi trong một cuộc gặp gỡ với ủy ban điều hành và đã xin một bác sĩ với thuốc chữa bệnh. Tôi không biết được gì nhiều về người đàn ông trẻ thứ ba, anh nói tiếng Pháp tốt nhất. Tất cả ba người đều rất dễ mến, nhưng nói rằng sự hiện diện của người Tây Đức không lâu nữa sẽ chấm dứt.

Hôm nay, Siriporn lại phát hiện ra một tin đồn sai nữa. Nữ Ngoại trưởng của Chính phủ Lâm thời, bà Bình, không hề từ chức mà – theo đài phát thanh Hà Nội – đang ở tại thủ đô của Bắc Việt Nam. Ở đó, bà tuyên bố rằng Nam Việt Nam sẵn sàng nhận sự giúp đỡ từ bất cứ đất nước nào. Phạm Văn Đồng thậm chí còn nói rõ ràng rằng cả sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cũng được chấp nhận nếu như Hoa Kỳ giữ thật đúng các thỏa thuận của Hiệp định Paris. Đồng thời, đài phát thanh tiếng Anh thông báo cho thế giới tư bản rằng ba nhà báo Mỹ sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, được cho là để làm giảm con số nhà báo Tây Phương ở Nam Việt Nam. Đài phát thanh Hà Nội tự hào về cuộc sống mới trong những vùng giải phóng và ở Sài Gòn. Tuy vậy, theo tôi thì vẫn còn chưa thấy được gì nhiều từ điều đó. Về kinh tế thì không chỉ tất cả đều như cũ mà còn khó khăn hơn nữa. Và người ta cho rằng những trận đánh ở miền Nam của vùng đồng bằng đã còn tăng mạnh lên thêm. Cả hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc đã bị lính của chế độ cũ và nhóm của Hòa Hảo “tái chiếm”. Theo tất cả những gì tôi nhìn thấy được thì cả thành phố Sài Gòn cũng còn lâu mới nằm dưới sự kiểm soát. Trong thành phố bốn triệu dân có nhiều nơi ẩn nấp cho tới mức tin tức về những hội kín chống MTGP cũng không phải là hoàn toàn không xác thực.

Tin tức từ các tỉnh

Tối hôm kia, chúng tôi nhận được tin tức từ hai tỉnh khác nhau, nằm cách xa nhau. Dung trở về từ Đà Lạt và Hiếu từ Đà Nẵng.

Tình hình ở các tỉnh dường như phụ thuộc vào đường lối và khả năng của UBQQ tương ứng. Ngay cả việc trả tiền lương và đối xử với các nhân viên của chế độ cũ dường như cũng được thực hiện rất khác nhau. Ví dụ như ở Đà Nẵng, họ nhận được 18 lít gạo và 5000 đồng. Ở Đà Lạt, họ nhận được nhiều gạo hơn, nhưng còn ít tiền mặt hơn nữa. Ở Đà Lạt – và hẳn là cũng ở Đà Nẵng – dường như người ta đã thành công trong việc kiểm soát và tổ chức thành phố. Giảng dạy chính trị rất nhiều trong thời gian nhàn rỗi sau giờ làm việc. Cựu nhân viên chính phủ dường như bị thất nghiệp và bây giờ lo làm nông nghiệp nhiều hơn, ngay cả khi sự phát triển ở đây cũng là không chắc chắn. Vẫn còn chưa có mô tả về việc nông nghiệp cần phải được tổ chức như thế nào. Ở Đà Lạt còn có năm thầy giáo người Pháp, những người được phép đi lại tự do trong thành phố nhưng không được rời khỏi quận. Vì những điều kiện kinh tế tồi tệ của người dân mà tờ thực đơn dường như rất nghèo nàn. Hầu như không còn ai có tiền mua thịt, cả những người giải phóng cũng không, những người mà có thu nhập còn thấp hơn nữa. Con chó cuối cùng trong trung tâm sư phạm Đà Lạt, trung tâm mà bây giờ bị các cán bộ y tế của bệnh viện chiếm đóng, đang sắp bị làm thịt. Người ta cho rằng có một hệ thống tổ chức người dân mới. Cứ mười hai người cùng độ tuồi từ các gia đình khác nhau trong cùng một khu phố được gộp lại với nhau và cùng tham gia vào trong các hoạt động công khai. Hệ thống mười hai này cho tới nay dường như vẫn còn chưa có ở Sài Gòn, ít nhất thì tôi chưa từ nghe được gì về điều này.

Đà Nẵng, 05 tháng Năm 1975: Một cửa hiệu người Hoa ở Đà Nẵng, ở phía trước, treo cờ nước CHNDTH, trong khi cửa hàng ở phía sau treo cờ Việt Cộng, sau khi thành phố thất thủ về tay các lực lượng Bắc Việt.

Đà Nẵng, 05 tháng Năm 1975: Một cửa hiệu người Hoa ở Đà Nẵng, ở phía trước, treo cờ nước CHNDTH, trong khi cửa hàng ở phía sau treo cờ Việt Cộng, sau khi thành phố thất thủ về tay các lực lượng Bắc Việt.

Việc trở về Đà Lạt của những đứa bé bị liệt dường như ít còn trở ngại nữa, nếu như UBQQ ở Sài Gòn đồng ý. Chúng tôi vẫn còn chờ họ trả lời. Ủy ban ở Sài Gòn dường như đã tiếp nhận một số chức năng toàn Việt Nam nhất định. Những người có trách nhiệm ở Đà Lạt đã đối xử rất đúng mực và lịch với với Dung và Son. Họ không bị thiệt thòi điều gì vì họ làm việc trong một dự án quốc tế.

Hieu ở Đà Nẵng thuộc trong số các nhân viên bảo thủ của chúng tôi. Vì vậy mà anh khá cẩn thận trong các phán xét của anh về những gì xảy ra ở Đà Nẵng. Rõ ràng là vẫn còn có nhiều người nước ngoài ở Đà Nẵng, riêng người Mỹ đã có bốn người. Nhưng dường như Đà Nẵng đang nằm trong một tình huống còn khó khăn hơn là các tỉnh khác, vì nó được giải phóng sớm hơn và qua đó nằm trong tình huống chờ đợi tạm thời lâu hơn ví dụ như là Sài Gòn. Đà Nẵng ví dụ như chờ ngân hàng mở cửa đã từ hai tháng nay. Văn phòng của chúng tôi ở Đà Nẵng làm việc trước sau vẫn còn bí mật, hơi ngược với ý muốn của tôi, rõ ràng là bị ép buộc bởi vì các bức thư của chúng tôi – gởi qua người đưa thư trong xe đò – đã không tới được Đà Nẵng. Qua đó, các nhân viên không có một vị thế chính thức đối với UBQQ. Tình hình trong các trại mồ côi trước sau vẫn là thảm họa, nhất là khi từ hai tháng nay không có động tĩnh gì trong khu vực xã hội, ít nhất là hết sức ít ỏi cho các trại mồ côi. Hầu như không còn có sữa trên thị trường nữa, và các cấp chính quyền cách mạng cho tới nay cũng giúp cho rất ít trại mồ côi, và cũng chỉ với một quy mô rất ít. Cả điều đó cũng khác với ở Sài Gòn, nơi không thiếu thốn đến mức như vậy, nhưng vẫn thiếu thốn hơn là trước giải phóng.

Theo Đài phát thanh Hà Nội, UBQQ Đà Nẵng đã giao quyền của họ lại có Ủy ban Nhân dân Cách mạng của Đà Nẵng vào ngày 1/6/1975.

Chờ giấy phép

5/6/1975

Nội các của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Nam Việt Nam đã họp lần đầu tiên sau giải phóng vào ngày 4 tháng 6 ở Sài Gòn. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, cuộc họp diễn ra tại nhà của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát. Trong bài phát biểu công khai, người ta tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch chống “các ảnh hưởng tiêu cực của kẻ thù”, “phát triển toàn bộ các ưu thế của cuộc chiến thắng nhân dân”, nhưng cả những việc như mở cửa ngân hàng trung ương và một vài ngân hàng kinh doanh cũng như phục hồi nông nghiệp.

Sài Gòn ngày 15 tháng Năm 1975, tổ chức mừng chiến thắng

Sài Gòn ngày 15 tháng Năm 1975, tổ chức mừng chiến thắng

Hôm nay, chúng tôi lần đầu tiên đến thăm Ủy ban Nhân dân (Xã) Trung Nhut mới được thành lập, sau khi hai đồng chí mặc quân phục đến hỏi thăm chi tiết về Trung tâm Xã hội Y tế vào ngày hôm qua. Hôm tay, chúng tôi đưa cho chủ tịch của ủy ban nhân dân cách mạng này một tập hồ sơ đầy đủ. Anh ấy còn rất trẻ, có bề ngoài đơn giản, hẳn là chưa làm việc lâu trong hành chánh. Ngôi nhà mà ủy ban xã làm việc ở trong đó trông giống như một khối nhà ở cho Mỹ, được xây dựng và cho lính Mỹ mướn làm chỗ ở. Nếu tôi nhớ đúng thì người ta cũng đã chào mời ngôi nhà đó cho chúng tôi, khi Trung tâm Xã hội Y tế dọn ra khỏi đường Phan Đình Phùng. Khi chúng tôi hỏi liệu nhân viên của terre des hommes có được đăng ký ngay hay không, người chủ tịch trả lời rằng còn chưa được và anh cũng không có thông tin cập nhật. Anh ấy có ý nói rằng lần giải phóng Nam Việt Nam đã diễn ra nhanh cho tới mức các việc hành chánh không thể được chuẩn bị kịp thời. Từ phía chính thức, đây là lời xác nhận đầu tiên của ấn tượng mà tôi đã có từ lâu rồi và cũng không giới hạn ở lĩnh vực hành chánh mà cho tất cả các câu hỏi của đời sống công cộng. Cả anh chủ tịch này cũng rất lịch sự và có ý nói rằng Việt nam rất thích nhận được sự giúp đỡ của chúng tôi.

Bộ Y Tế, nơi mà sau đó chúng tôi đã giao ra cùng tập hồ sơ này như là nền tảng để nhận giấy phép hoạt động cho terre des hommes, vẫn còn chưa có gì mới. Tức là chúng tôi tiếp tục chờ, chờ cả giấy phép giải tỏa số tiền của chúng tôi và chúng tôi có thể trả tiền cho nhân viên của chúng tôi.

Trên đường về, chúng tôi lại nhìn thấy một người chết nằm ở vệ đường. Liet, tài xế của chúng tôi, nói rằng đó chắc là một tên trộm bị bắn chết lúc bắt quả tang và nằm công khai ở đó một thời gian để răn đe.

Ngoài ra, sáng nay đã có thêm tin tức về nguyên do cho cuộc biểu tình vào ban đêm trên đường Trương Minh Giảng. Đó là một nhóm linh mục phản động, đã triệu tập giáo xứ của họ vào lúc ban đêm bằng cách gióng chuông, vì họ nghe nói rằng Sứ thần của Tòa Thánh Vatican, Henri Lemaitre đã bị nhiều người công giáo khác bắt cóc. Người ta nói rằng những người Công giáo tiến bộ đã làm việc đó, để chống lại việc bổ nhiệm Monsignore Thuan làm người kế thừa Tổng giám mục Binh. Nhưng vụ việc này đã được hoàn tác, và thậm chí MTGP đã xin lỗi Henri Lemaitre vì lần xâm phạm quyền miễn trừ ngoại giao này. Mặc dù vậy, các linh mục phản động đã triệu tập giáo xứ của họ lại trong đêm. Tròn 1000 người. Sau đó, một phần trong số họ đã mang gậy gộc, dao, v.v. đi trên đường Trương Minh Giảng để “giải phóng” cho chức sắc Công giáo này. Họ đi không được xa. Thật sự là đã có ba người chết, trong số đó là người mang loa của một linh mục. Không người lính nào bị thương. Tất cả mọi người rõ ràng là đã được trả tự do vào sáng ngày hôm sau, sau khi học tập chính trị.

“Phi chính trị có nghĩa là phản động”

7/6/1975

[…]

Trong khi các quyền lực chính trị mới đang cố gắng mang Sài Gòn vào vòng kiểm soát, người nước ngoài dưới sự hỗ trợ của chính phủ vẫn tiếp tục rời khỏi nước. Hàng tuần có một vài máy bay của chính phủ bay sang Vientiane, chở theo những người nước ngoài nào muốn rời khỏi nước. Margit và Jean-Pierre tiễn một người Pháp ra sân bay. Có rất ít kiểm soát ở cổng, nhưng bù vào đó thì người ta kiểm soát càng nhiều va li và phim ảnh của người ra đi. Bất cứ món hành lý nào cũng bị tháo ra. Margit nhìn thấy một tập tài liệu hay tập ghi chép bị tịch thu. Các hành khách chỉ chửi rủa: “Thật không  thể tin được!”, trong lúc những người lính MTGP, với sự lịch sự bình thản, vẫn tiếp tục tiến hành kiểm soát. Tất nhiên là người ta cũng không cho phép mang theo thư từ, và trao đổi thư từ với nước ngoài vẫn còn chưa được thiết lập. Từ hai tuần nay, chỉ có liên lạc điện tín với nước ngoài. Trong khu vực phi trường, người ta có thể nhìn thấy rõ những đống đổ nát của chiến tranh. Ngôi nhà Defense Attache’s Office  (DAO) của quân đội Mỹ là một đống gạch hoang tàn. Rác rưởi chất chồng và tỏa ra một mùi hôi khủng khiếp. Những chiếc xe tăng bị bắn cháy vẫn còn nằm quanh. Ở góc phi trường và đường Võ Tánh, một cái chợ bán bàn ghế đã lan rộng ra, lấn chiếm tới nửa con đường, rõ ràng là xuất phát từ những ngôi nhà bị hôi của thuộc người Việt Nam và người Mỹ giàu có. Chợ đen vẫn còn chưa bị cấm. Chúng tôi vui mừng trở về nhà, vì trên đường phố của chúng tôi ít bị phá hủy hơn.

Một đội xử bắn người Việt nhắm vào một tù nhân bị trói lại ở Sài Gòn trong bức ảnh được công bố trên tờ báo của Chính phủ Cách mạng Nhân dân Nam Việt Nam "Giải phóng". Bức ảnh được công bố ngày 27 tháng 5 tại Sài Gòn, đến New York hôm thứ bảy. Chú thích nói rằng một người ăn trộm có tên là Võ Văn Ngọc đã đền tội trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người dân.

Một đội xử bắn người Việt nhắm vào một tù nhân bị trói lại ở Sài Gòn trong bức ảnh được công bố trên tờ báo của Chính phủ Cách mạng Nhân dân Nam Việt Nam “Giải phóng”. Bức ảnh được công bố ngày 27 tháng 5 tại Sài Gòn, đến New York hôm thứ bảy. Chú thích nói rằng một người ăn trộm có tên là Võ Văn Ngọc đã đền tội trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người dân.

BBC tường thuật rằng sắp tới đây chính phủ sẽ tiếp nhận quyền lực của UBQQ. Nhưng báo Sài Gòn Giải Phóng cho tới nay vẫn không xác nhận bất cứ điều gì tương tự như vậy. Ngày kỷ niệm lần thứ sáu ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, ngày 6/6/1975 đã trôi qua mà không có gì gây sự chú ý. Người ta chỉ biết rằng có chính phủ này, và ai đứng sau nó. Người dân thường chỉ biết tên của những thành viên quan trọng nhất, Phát, Thọ, bà Bình. Hôm nay, một bài diễn văn của Phát, người đứng đầu chính phủ, được in ra trên báo. Nhưng dường như là chính phủ này vẫn còn chưa có ý nghĩa thực tế cho người dân. Có lẽ rồi cuối cùng ngân hàng sẽ mở cửa, khi chính phủ này thật sự bắt đầu nắm quyền ở Nam Việt Nam.

Cuộc tranh cãi giữa những người Công giáo tiến bộ và bảo thủ dường như đã lan rộng ra. Hôm nay, báo Sài Gòn Giải Phóng cũng can thiệp vào trong cuộc xung đột này. Đó là qua một ghi nhận nhỏ với tựa đề “Nhiều tổ chức Công giáo yêu cầu sứ thần của Tòa Thánh Henri Lemaitre hãy rời khỏi Việt Nam”. Theo tờ báo, người ta quy cho ông rằng dưới “nhãn hiệu” chống cộng sản, ông đã tấn công nhân dân và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Các linh mục đã tụ họp lại và đưa ra yêu cầu của họ cho tổng giám mục. Được đưa ra như là các tổ chức tiến bộ: Phong trào Thanh niên Công giáo Đại học, Phong trào Công giáo Xây dựng Hòa bình, Thanh niên Công giáo, các học sinh của dòng Chúa Cứu Thế, Phong trào Công giáo và Nhân dân, Phong trào Công nhân Công giáo Trẻ, Hiệp hội Sinh viên Công giáo Sài Gòn và Hiệp hội Sinh viên Công giáo Minh Đức.

Nhiều Chủ nghĩa Xã hội hơn một chút, ít trung lập hơn một chút

10/6/1975

Thời gian sau này ở Sài Gòn ngày người ta càng nói nhiều hơn một chút về chủ nghĩa xã hội và ít hơn thấy rõ về sự trung lập. Mặc dù vậy, tôi thấy cái chủ nghĩa xã hội đang phát triển ở Nam Việt Nam trước sau vẫn rất kém phát triển. Tuy là Đài Phát thanh Hà Nội ghi nhận rằng cuộc chiến giải phóng miền Nam Việt Nam được tiến hành ở ba mặt trận – chiến dịch quân sự Hồ Chí Minh, phong trào nổi dậy của nhân dân và cuộc đấu tranh chính trị. Nhưng tôi thấy rằng dường như trước hết là cuộc chinh phục bằng quân sự với rất nhiều sư đoàn từ miền Bắc đã bảo đảm cho chiến thắng. Tôi còn nhớ, vài ngày trước khi tiếp nhận Sài Gòn, một nhân viên cao cấp của đại sứ quán Tây Đức đã phân tích tình hình khi các lực lượng của Mặt trận Giải phóng đã đứng trước cửa ngõ Sài Gòn. Ông ấy nói, quyết định tiến quân vào hay không, được Moscow và Bắc Kinh cùng quyết định. Bắc Kinh phê phán MTGP, rằng còn chưa chuẩn bị đủ về mặt chính trị và ủng hộ việc tạm thời chia ba đất nước nhiều hơn. Nhưng sự lựa chọn này không thắng thế. Nó hơi giống lần nước Nga can thiệp vào Tiệp Khắc. MTGP tuy có sức mạnh quân sự để chiếm toàn bộ Nam Việt, nhưng họ đã không tiến hành các công việc chuẩn bị nhằm tạo nhận thức về chính trị. Tình huống khó xử ngày nay có thể giải thích được từ chiến lược sai lầm đó. Người ta nói rằng trong toàn Nam Việt Nam không có tới 60.000 cán bộ, trong đó chỉ có tròn mười phần trăm là cán bộ trí thức. Con số cán bộ thật sự có đủ năng lực là rất ít. Điều đó đã dẫn đến tình trạng nghiệp dư và tầm thường. Thêm vào đó, các cán bộ lâu năm không tin tất cả những người trước đây đã làm việc bên phía chế độ Thiệu.

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, tháng Năm 1975

Tình trạng thiếu đào tạo của các cán bộ thể hiện ra ở nhiều mặt trong Sài Gòn. Việc xử bắn những người trộm cắp, trong khi chợ đen với đồ ăn cắp lại nở rộ. Cắt giảm lưu thông tiền tệ đã cản trở việc tăng sản xuất. Ngoài ra, người ta chắp vá rất nhiều ở thượng tầng tư tưởng hệ. Thay vì thay đổi nền tảng kinh tế trước hết, việc sẽ làm giảm các tội phạm trộm cướp, thì các tội phạm trộm cướp bị trừng phạt bằng cách xử bắn. Qua đó mà tình trạng kinh tế còn tồi tệ thêm cho người dân. Ngày nay, các tội phạm trộm cắp giảm xuống thì điều đó là vì sợ bị xử bắn công khai trước các tòa án nhân dân, chứ không phải vì tính thật thà đã tăng lên như người ta nghĩ là vậy. Thay vì tạo những tiền đề xã hội hỗ trợ cho một nền văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa thì chỉ cấm các sản phẩm văn hóa cho tới nay và cắt tóc ngắn viện dẫn Hồ Chí Minh. Thay vì tiến hành phân tích giai cấp chính xác và nêu rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thì người ta lại quả quyết rằng không bao giờ có thể chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc thắng lợi nếu như không có tinh thần yêu nước đứng vào với chủ nghĩa Mác Lê-nin. Qua đó, một hiện tượng thượng tầng kiến trúc như chủ nghĩa dân tộc được đặt lên cùng một bậc với một lý thuyết khoa học như của chủ nghĩa xã hội và ngoài ra còn quả quyết rằng hiện tượng tư tưởng hệ này là tiền đề không thể thiếu được trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, “bậc cao nhất của chủ nghĩa tư bản”. Với một sự lẫn lộn như vậy thì người ta không cần phải lấy làm ngạc nhiên khi công việc làm về chính trị của chính phủ trông thật tồi tệ.

Nếu như tình hình hiện nay còn kéo dài sáu tháng vì Việt Nam sẽ hỏng và MTGP không còn có thể nắm quyền đất nước này bằng cách nào khác ngoài bạo lực thuần túy và tiến hành chống lại những ổ kháng cự bây giờ đã hình thành ở khắp nơi. Người ta nhìn thấy trước hết là những người thất vọng và rất ít những người tin vào công việc làm của chính phủ mới.

Bình thường hóa trong lĩnh vực xã hội và y tế

12/6/1975

Hôm nay, trên 3000 người trong Khóm 4, cũng là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Xã hội Y tế, đã được tiêm chủng. Con số đó nhiều hơn số người sống trong khóm và cho thấy rằng người dân ở những khóm khác, nơi mà chiến dịch tiêm ngừa còn phải đi tới đó, cũng đã tham gia. Lần tổ chức hoạt động này, mà UBQQ gián tiếp chịu trách nhiệm, thật là đơn giản. Vào ngày hôm trước, hai người lính của MTGP đến chỗ chúng tôi và hỏi mượn một cái bếp điện và một cái nồi. Hôm nay, chúng tôi nhìn thấy nó là dụng cụ khử trùng duy nhất. Họ có đủ người, lúc đầu họ nói với chúng tôi như vậy vào ngày hôm qua, thế nhưng rồi không lâu sau đó họ xin chúng tôi giúp đỡ. Hôm nay, nhóm của chúng tôi (một bác sĩ, nhiều y tá và một vài người để ghi chép) lớn hơn là nhóm mà những người có trách nhiệm của khóm mang lại, kể cả thanh niên của hội Hồng Thập Tự. Thuốc tiêm chủng có đủ. Không rõ nó được MTGP sản xuất hay là nhập từ nước ngoài. Nhưng thiếu kim tiêm, cho nên trong nửa sau vào buổi chiều chúng tôi phải mua thêm kim tiêm ngừa bằng tiền của chúng tôi ở chợ đen. Một vài người lính của MTGP và Bắc Việt với súng ống đứng giữ trật tự. Hai nhân viên của phòng y tế khu vực giám sát việc xử lý kỹ thuật. Ngoài ra thì người dân chen nhau đến chỗ người nào có thể tiêm cho họ. Sau đó, người ta nhận một sổ tiêm chủng do người đăng ký ký tên chứ không phải từ bác sĩ. Đưa cho thấy nơi được tiêm và nói tên họ ra là đủ. Các tiêm chủng chống dịch tả và thương hàn này cần phải được lập lại thêm hai lần nữa. Như chúng tôi nghe được, lý do cho lần tiêm chủng này là một vài ca bệnh dịch tả đã xuất hiện trong vùng của chúng tôi. UBQQ ngay lập tức đã trả lời với những biện pháp phòng ngừa. Toàn bộ sự việc diễn ra trong ngôi nhà mới của Khóm 4, trước đây là một hộp đêm và nhà thổ, được gọi là Hideaway. Tôi nhìn ngôi nhà này lần đầu tiên. Ít có thể nhận ra được mục đích sử dụng trước đây của nó. Trên bãi cỏ trước nhà còn có một tờ thực đơn nằm ở đó. Một diva bằng thạch cao đã bị đập gãy đầu trong cơn hăng say của cách mạng. Người chủ trước đây là người Mỹ nhưng đã qua đời và đã để lại cơ ngơi của ông cho họ hàng. MTGP rõ ràng là đã tịch thu nó từ những người này.

Phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Sài Gòn, nơi bào chế vắc-xin chích ngừa bệnh đậu mùa cho Việt Nam Cộng hòa

Phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Sài Gòn, nơi bào chế vắc-xin chích ngừa bệnh đậu mùa cho Việt Nam Cộng hòa

Công cuộc bình thường hóa hoàn cảnh xã hội, mặc cho những cuộc cải cách kinh tế còn đứng trước, thời gian sau này cũng đã bắt đầu thành hình trong lĩnh vực làm việc của chúng tôi. Đường lối của chế độ mới, hạn chế bớt các trại mồ côi càng nhiều càng tốt, hiện bây giờ cũng hiện ra rõ nét. Đó là công lao của chúng tôi, tham gia vào sự phát triển này từ một thời gian gần đây và qua đó là làm việc theo cùng một hướng. Nhiều trại mồ côi ở Sài Gòn đã trống vắng đi một cách đáng kể, hoàn toàn không cần có sự tham dự của các cấp chính quyền cách mạng. Đó rõ ràng là ý muốn của các gia đình, tái đoàn tụ trong những thời gian khó khăn và không chắc chắn này. Một lý do nữa là việc đoàn tụ đã lại có thể, vì đất nước không còn bị chia cắt nữa. Trong một vài vùng, cán bộ địa phương đã đẩy mạnh việc giải tán các trại mồ côi, thường rất ngược lại với ý muốn của các xơ Công giáo, đang nhìn thấy thành quả của chính sách Kitô giáo hóa và hoạt động xã hội từ thiện của họ bị cướp đi. Như chúng tôi nghe được từ hai nhân viên hoạt động xã hội của terre des hommes vào ngày hôm nay, bà giám đốc của trại mồ côi Mo Cay đã khóc cay đắng khi những đứa con của bà rời trại.

Nhưng ngay cả trong Trung Tâm, cùng với lần tái thiết lập hòa bình, các vấn đề cũng trở nên đơn giản. Hết đứa bé này đến đứa bé khác, còn tạm trú ở chúng tôi, bây giờ rời terre des hommes, để cùng gia đình trở về với nông nghiệp, điều mà bây giờ lại có thể. Trước đây vài ngày là Diem, hôm nay là Quyen, sau khi anh của bé đã trở về từ nhà tù trên đảo Côn Sơn. Tất cả các nhà tù đều được MTGP mở cửa. Sự tập trung vào các thành phố ăn bám phồng to ra được xóa bỏ một cách nhanh chóng bằng cách này. Vấn đề người tỵ nạn trước sau gì thì cũng có vẻ như đã được giải quyết gần xong rồi. Hầu như không còn thông tin về những người tỵ nạn còn chưa trở về nữa. Chính quyền đã tổ chức chiến dịch trở về quê này và đã giúp đỡ mạnh về mặt tài chính, ngay cả khi có lẽ là không đầy đủ.

Thiếu thốn trong cung cấp nhiên liệu dường như đã giảm xuống một ít, có lẽ là nhờ những chuyến tàu nhất định mới tới từ Nga và Trung Quốc. Hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi đã có thể mua xăng nguyên chất của Nga, ngay cả khi với giá thật khủng khiếp (1.300 đồng/lít). Ngoài ra, chúng tôi nhìn thấy xăng được cung cấp tại một vài trạm bán xăng. Đó rõ ràng là nhân viên nhà nước, những người nhờ vào phiếu do phường cấp mà có được đặc quyền này. Hiện giờ, chúng tôi đang cố gắng xin phép để được mua với số lượng lớn cho tất cả ô tô và Honda của chúng tôi ở Esso (tất nhiên là đã quốc hữu hóa từ lâu). Chúng tôi chỉ cần nộp đơn, rồi thì chúng tôi sẽ nhận được suất của chúng tôi. Tôi ngóng chờ. Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời từ UBQQ mà chúng tôi đã nộp một tờ đơn tương tự như vậy. Nhưng ga thì đắt, hầu như không còn có nữa. Chúng tôi đã chuyển sang than từ nhiều tuần nay, nhưng giá cũng ngày một tăng cho tới mức chúng tôi đã phải mua trữ. Chỉ có hàng xa xỉ là giảm giá ở chợ đen. Hôm nay, Siriporn mua một cái va li nhôm với giá là 3.000 đồng, tức là ít hơn giá của ba lít xăng. Giá thuốc lá được sản xuất trong nhà máy cũng đã giảm xuống, vì công việc đã được tái khởi động, có lẽ cũng vì công nhân ở đó được trả lương bằng thuốc lá chứ không phải bằng tiền mặt.

Hiện giờ tính nghi ngờ về sự hiện diện của chúng tôi từ phía MTGP và những người lính Bắc Việt đã giảm xuống đáng kể. Người ta biết chúng tôi. Và qua hoạt động tiêm ngừa hôm nay, chúng tôi còn được tích hợp vào tổ chức nữa.

Đổi sang giờ Đông Dương

14/6/1975

Bà Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời (cho tới tháng Bảy 1975, khi bộ máy bị giải thể). Bà xin ra khỏi Đảng năm 1979

Bà Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời (cho tới tháng Bảy 1975, khi bộ máy bị giải thể). Bà xin ra khỏi Đảng năm 1979.

Trong Bộ Y tế, người ta không tìm thấy bà nữ bộ trưởng lẫn những người có trách nhiệm cho phòng Y tế và Xã hội của UBQQ, mặc dù một tấm bảng lớn trên tòa nhà đã loan báo đầy hứa hẹn về việc này. Những người có trách nhiệm của phòng Y tế và Xã hội chỉ đến khi họ phải làm gì đó trong bộ. Hàng ngày và thường xuyên thì chỉ có một đồng chí ngồi ở đó, người rõ ràng là trạm trung chuyển. Ông biết không nhiều lắm, ít nhất thì ông không cung cấp được nhiều thông tin. Nhưng ông sẵn sàng giúp đỡ, lịch sự và có lẽ là cảm thấy không thoải mái cho lắm trong vai trò của ông. Hôm nay, chúng tôi lại muốn tới thăm ông, để hỏi xem đã có câu trả lời cho đơn xin được công nhận của chúng tôi chưa. Chúng tôi bị tạm thời giữ lại ở tầng trệt, vì cô tiếp tân không biết người mà chúng tôi muốn tới gặp nói chung là có mặt hay không; hôm nay là ngày học tập, tức là học chính trị. Nhưng ông có mặt ở đó. Lần này thậm chí ông còn cởi cả bộ quần áo lính màu xanh ra và thay vào đó là một cái áo màu xanh nước biển. Các nhân viên cao cấp của MTGP ngày một mang tính dân sự nhiều hơn, cả những đôi dép nhựa nổi tiếng được làm từ lốp xe cũng bị những người có nhiều đặc quyền hơn vứt bỏ đi. Lần này thì rõ ràng là ông có thông cảm với chúng tôi, những người đã nhiều lần hoài công gõ cửa ở ông. Ông ấy rất thân thiện và cố gắng giúp chúng tôi, ngay cả khi không thành công. Ông cũng hiểu vấn đề lớn nhất của chúng tôi, thiếu tiền mặt. Vì ngân hàng vẫn còn đóng cửa nên chúng tôi vẫn không thể trả tiền lương tháng Năm cho nhân viên của chúng tôi. Ông để cho một tia hy vọng lóe lên trong chúng tôi khi nói rằng chúng tôi nên quay lại vào ngày thứ Hai.

Tuy vậy, trên con đường tìm tiền mặt, chúng tôi vẫn tới sở tài chánh của UBQQ ngay lập tức. Ít ra thì chúng tôi vẫn có thành công, rằng người ta nói cho chúng tôi biết tên của người chịu trách nhiệm đổi tiền. Điều này là một tiến bộ, vì những người có trách nhiệm của MTGP ít nhiều đều ẩn danh và chỉ để cho người ta gọi họ là anh Hai, anh Ba v.v.. Nhưng biết được cái tên thì chúng tôi cũng đã đi tới kết thúc. Vì đồng chí tài chánh cao cấp đó cũng tham gia học chính trị. Chúng tôi nên quay lại vào ngày thứ Hai. Tức là lại có một tia hy vọng.

Chúng tôi cũng trải qua như vậy ở Ngân hàng Quốc gia, mà đài phát thanh tường thuật rằng từ đó họ đã đưa những số tiền đáng kể ra cho nông nhân và các doanh nghiệp bị tịch thu. Nhưng vì đồng chí chịu trách nhiệm cũng tham gia học chính trị nên chúng tôi chỉ đứng lại ở quầy tiếp tân và có thể chiêm ngưỡng gian sảnh chính vẫn còn chưa hoạt động của Ngân hàng Trung ương.

Việc tìm kiếm xăng, vấn đề hiện thời thứ hai, đã thành công vào hôm qua. Chúng tôi đã nộp một tờ đơn cho phòng vật liệu trong công ty Esso và Shell hiện giờ đã bị tiếp quản. Cô thư ký trẻ của chúng tôi đứng đối diện với một số lớn lính của MTGP, những người hỏi cô như: Tại sao người nước ngoài không bỏ chạy trước giải phóng. Nhưng cuối cùng thì cô nhận được phiếu cho 300 lít xăng đắt giá, như là một cử chỉ thân thiện, cho tới khi chúng tôi có giấy phép để tiếp tục công việc. Nhưng chúng tôi không cần phải quay lại trước khi có giấy phép.

Những người lính của MTGP bận rộn học chính trị trong toàn thành phố vào ngày hôm nay. Ngay cả trong những khu trú đóng nhỏ, những sự kiện như vậy cũng được tổ chức. Chúng tôi thậm chí đã đưa ra băng ghế cho nơi đóng quân của chúng tôi.

Hiện giờ, chúng tôi đã chuyển sang giờ Đông Dương, để – như người ta nói – tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc tái thống nhất. Nhà báo người Đức-Ý Terzani, thông tín viên báo Spiegel, một trong những nhà báo Phương Tây cuối cùng còn ở Sài Gòn, đã tường thuật trong một bức điện báo về châu Âu, rằng chính quyền mới chỉ đưa ra lời khuyên mà người dân nên làm theo, rằng đứng trước nền dân chủ mới, họ sợ đưa ra mệnh lệnh. Điều này cuối cùng đã dẫn đến việc, theo Terzani, là đồng hồ ở Sài Gòn cho tới hôm nay cũng còn chỉ giờ khác nhau. Thật sự thì các cơ quan nhà nước đã luôn luôn dùng giờ Đông Dương, trong khi người dân ít nhiều vẫn còn dùng giờ Sài Gòn sớm hơn một giờ. Ba ngày, sau khi bức điện báo của Terzani chạy qua máy điện báo ghi chữ, mệnh lệnh chính thức xuất hiện: bắt đầu từ hôm qua, đồng hồ đã được chỉnh lại. Giờ Đông Dương cũng là giờ thông dụng ở Bangkok, ngoài Đông Dương.

Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani

Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani

Terzani, một trong những người ủng hộ cực đoan nhất cho chiến thắng của MTGP, cũng muốn rời đất nước trong thời gian sắp tới, có lẽ ông còn ở lại thêm một vài tuần. Ông cho chúng tôi hiểu rằng chính quyền mới không thích nhìn thấy nhà báo người nước ngoài, và dường như ông thậm chí còn có vẻ thông hiểu cho điều đó một ít nữa. Có ý muốn nói tới ở đây là nhà báo người nước ngoài, không phụ thuộc vào câu hỏi là họ có đến từ những nước xã hội chủ nghĩa hay không. Ông thuật lại về trường hợp của một thông tín viên TASS đã bị nhốt cả một ngày. Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam rất lớn, và những đặc quyền mà các nước xã hội chủ nghĩa có không dẫn tới việc ảnh hưởng nước ngoài lan rộng ra và làm cho người ta không còn có thể hưởng thụ thành quả của cuộc đấu tranh được nữa. Sự giúp đỡ cả từ những nước xã hội chủ nghĩa chỉ được tiếp nhận khi không có điều kiện. Vì vậy mà phỏng đoán của đài BBC rất đáng ngờ, rằng Nam Việt Nam sẽ cho Liên bang Xô viết sử dụng một cảng biển.

Cho tới nay, tin tức phía Việt Nam vẫn còn im lặng về trận đánh giữa MTGP với Khmer Đỏ vì một hòn đảo ở trước bờ biển Campuchia. Theo thông tin muộn của BBC thì người Việt đã chiến thắng trận đánh đó, không phải là điều ngạc nhiên trước sự yếu đuối về quân sự của Khmer Đỏ. Ngược lại, tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) thì nhắc lại rằng các quan hệ anh em tốt đẹp giữa các chính quyền Việt Nam, Campuchia và Lào vẫn bình thường ra sao.

Những cái bao tải đầy tiền

17/6/1975

Tờ Sài Gòn Giải Phóng số ra chiều hôm qua đưa tin mới, rằng Ngân hàng Quốc gia và một vài ngân hàng khác đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy vậy – như chúng tôi thấy – các cổng chính vẫn còn đóng. Vào buổi sáng chúng tôi đã hoài công đứng chờ ở đó. Đồng chí đó đi họp. Thế nhưng vào buổi chiều thì chúng tôi được phép đi vào Ngân hàng Quốc gia, sau khi làm tròn nhiều thủ tục và điền một tờ giấy về ý định của chúng tôi. Trong ngôi nhà từ thời thuộc địa Pháp, trước đây là Banque de l’Indochine, chúng tôi chìm sâu vào trong những cái ghế bành bằng da, để chờ người đàn ông muốn gặp đó nửa giờ. Cũng như tất cả các cán bộ chịu trách nhiệm khác, ông cũng đến trong bộ quần áo màu xanh của quân đội. Ông lập tức chỉ chúng tôi sang gặp một nhân viên khác, người mang chúng tôi sang một ngân hàng khác, ngân hàng Thương Tín. Trên đường đi, chúng tôi nghe ta thán về những số tiền kinh hoàng mà những người Việt Nam giàu có bỏ chạy đã lấy ra ngay trước khi giải phóng và đã mang ra nước ngoài. Nếu như tôi nhớ đúng thì ông ta nói đến một số tiền là 300 tỉ đồng (kể cả vàng), số tiền mà nhân dân qua đó đã mất.

Mặt tiền của trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành năm 1971

Mặt tiền của trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được in trên tờ tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành năm 1971

Trong ngân hàng Thương Tín có một đồng chí mới lắng nghe vấn đề của chúng tôi. Đổi tiền mặt dường như rất đơn giản, đơn giản hơn là rút tiền từ một tài khoản của ngân hàng Pháp. Để làm việc đó, đầu tiên là cần phải có một xác nhận của ngân hàng Pháp, rồi phải chuyển khoản sang Thương Tín (hiện giờ là phần phụ của ngân hàng nhà nước cho các quan hệ với nước ngoài) và cuối cùng là phải nộp một lá đơn, bao gồm cả lý do chi tiêu. Việc chuyển tiền từ nước ngoài, đặc biệt là từ nước ngoài tư bản, dường như là vẫn còn chưa rõ. Việc mất 5.000.000 đồng, biến mất trên đường giữa ngân hàng Sài Gòn và ngân hàng Đà Nẵng trong lúc giải phóng, vẫn còn chưa được giải quyết.

Việc đổi tiền mặt trước sau vẫn còn phức tạp vào ngày hôm nay, vì các ngân hàng vẫn còn chưa chuẩn bị cho các hoạt động như vậy. Chúng tôi được các đồng chí gọi điện thoại yêu cầu đi đến nơi. Qua cửa sau, nơi có nhiều người lính nam nữ của MTGP đứng gác, chúng tôi đi vào phòng của ngân hàng chính. Tôi phải đưa trình hộ chiếu của tôi và giấy phép cư trú tạm thời cũng như một lá thư nêu lý do đổi tiền dollar Mỹ. Người đồng chí này xem xét các số tiền và giấy tờ rất kỹ lưỡng. Trong lúc đó, các nhân viên ngân hàng trẻ tuổi vẫn còn mang vẻ tư bản của thời trước đây chuẩn bị nhiều loại giấy tờ mà ngoài những người khác cả tôi cũng cần phải ký tên. Cuối cùng, chúng tôi nhận được hai bao tải tiền thật to, tất cả đều là tờ 200 đồng, ngược với tờ 1000 đồng thường hay được phát ra. Xấp tiền nhỏ bé của 160 tờ tiền mệnh giá 100 dollar Mỹ trước đống giấy này cho thấy một cách hình tượng về sự lạm phát của nền kinh tế ăn bám Nam Việt Nam. Tiền giấy trước sau vẫn không đổi. Có thể là người ta tránh in tiền mới, vì việc tái thống nhất trên thực tế là không còn phải chờ lâu nữa.

Nhân viên của chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, sau 17 ngày quá hạn trả lương cho họ. Vừa về tới trung tâm, chúng tôi bắt đầu ngay với việc trả tiền lương. Các tờ tiền 200 đồng tất nhiên là làm cho người ta tốn thêm nhiều công sức, vì tiền lương là từ 20.000 đến 50.000 đồng. Nhưng ai mà lại muốn than trách số phận, khi đó là một trường hợp ngoại lệ lớn rồi, việc chúng tôi nói chung là có thể đổi được tiền, cũng có thể là vì chính quyền mới rất cần ngoại tệ và muốn tránh việc là tất cả đều được mua bán trên thị trường chợ đen, và cuối cùng thì người nước ngoài cùng với ngoại tệ thoát ra ngoài nước.

Tất nhiên, terre des hommes không phải là tổ chức đầu tiên được nhận một trường hợp ngoại lệ như vậy. Nhiều doanh nghiệp, đã bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự lãnh đạo của những nhóm công nhân cách mạng, cũng đã có thể nhận được tiền từ ngân hàng, để khởi động nền kinh tế. Thêm vào đó, chính phủ đã phân phát một số lượng tiền đáng kể như là tín dụng nông nghiệp. Mặc dù vậy, terre des hommes có một vai trò đặc biệt, vì nó thuộc vào trong số ít các tổ chức nước ngoài nói chung là vẫn còn ở trong nước và hoạt động. Tổ chức kia là hội Hồng Thập Tự Quốc tế. Hôm nay, chúng tôi gặp một bác sĩ của tổ chức này trong trại mồ côi Gò Vấp, nơi ông chăm sóc y tế hàng ngày cho 800 đứa trẻ. Hiện giờ, Hồng Thập Tự đã có quan hệ tốt cho tới mức hàng dược phẩm từ nước ngoài có thể được chở bằng máy bay trực tiếp qua Bangkok sang Sài Gòn. Thật ra thì đó là một giải pháp quá toàn hảo cho một nước phát triển đang tự sản xuất dược phẩm – ngay cả khi với thành phần không chính xác. Đối với một người bác sĩ đã quen với các tiêu chuẩn Phương Tây thì đưa ra liều lượng thuốc với các loại thuốc trong nước là một việc khó khăn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn ưu tiên cho thị trường trong nước, cái cũng cần được giúp đỡ. Vì vậy mà chúng tôi sử dụng trước hết là dược phẩm Việt Nam và chỉ nhập khẩu những loại nào không có ở đây.

Cuộc đấu tranh giành những con tim

18/6/1975

Tấm màn trước màn ảnh của rạp chiếu phim đã được kéo kín lại khi chúng tôi bước vào trong rạp chiếu phim. Cho chúng tôi, những người khách duy nhất, màn lại được kéo ra và phim được bắt đầu chiếu. Đó là phim Kim Đồng, phim mà một vài đứa trẻ của chúng tôi đã xem và đã phê phán rất mạnh, vì đó thuần túy chỉ là tuyên truyền. Chúng tôi không thể ủng hộ ý kiến này. Cuốn phim, diễn ra trong thời đấu tranh chống thực dân của Việt Minh trong năm 1943, nói về một em trai  – như trong trò chơi – làm quen với cách mạng, liên kết với những đứa bé khác và giúp đỡ các chiến binh chống người Pháp giành độc lập. Em trải qua ngày một nhiều hơn tính nghiêm trọng của cuộc xung đột, lần bắt giam một thành viên trong gia đình, cưỡng bức lao động trong trại giam của Pháp và cuối cùng là lần bị bắn chết trong lúc chạy trốn. Đây là cuốn phim thứ hai được quay toàn hảo về mặt kỹ thuật, sau Nguyễn Văn Trỗi. Diễn xuất, trước hết là của những đứa bé, thật là xuất sắc. Vì chúng tôi không hiểu nhiều về lời thoại nên tôi chỉ có thể phán xét một ít về việc này. Tất nhiên là lời thoại, theo như tôi hiểu được, gắn liền với một lời kêu gọi chính trị, với một lời kêu gọi những đứa bé hãy đấu tranh. Điều này cũng phù hợp với các tin tức, rằng trẻ em cả từ những vùng đất của MTGP cũng tham gia tích cực vào trong việc giải phóng miền Nam, bằng cách là mang tin tức bí mật vượt qua chiến tuyến hay ném lựu đạn. Phim này rõ ràng là để phục vụ cho việc ghi nhận lại lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương và cuộc đấu tranh của giới nông dân. Ở đây, cuộc kháng chiến diễn ra trong vùng thuần túy là nông thôn. Một cuộc sống nông dân với những phong cảnh tuyệt đẹp của vùng đồi núi miền Bắc được thể hiện, cũng như nhiều kỹ thuật truyền thống của nền văn hóa làng mạc. Thế lực thực dân Pháp – trừ một trường hợp ngoại lệ – chỉ xuất hiện dưới dạng những người lính lê dương Việt Nam, được diễn tả một cách tàn ác cũng như đần độn. Ngược lại, các du kích quân nông dân trông giống như hiện thân của cái tốt, đi đầu là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng, cái mà ngay nay là quốc kỳ của Bắc Việt Nam. Theo ý của chúng tôi, phim này bắt đầu với một sai lầm hết sức lớn: Trong giấc mơ, ngay trước khi chết, em Kim Đồng nhìn thấy thiên đàng xã hội chủ nghĩa, cái được mô tả giống như đất nước huyền diệu của Walt Disney: với những ngôi nhà nông thôn sạch sẽ, tất cả mọi người đều mặc áo lụa, có những ngôi vườn đẹp và đèn đường với ánh sáng điện. Những đứa bé cảm thấy buồn cười về con bù nhìn ở dưới dạng một người sĩ quan Pháp, phải cử động giống như một con rối. Giấc mơ tiên giới xã hội chủ nghĩa là một sự đơn giản hóa không thề nào tha thứ cho được.

Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud

Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud

Có thể thấy rõ rằng những sự việc này, cũng như việc nhồi sọ chính trị quá rõ rệt, là không dễ tiêu hóa cho người dân Sài Gòn, ngay cả khi họ có một quan điểm tốt đẹp đối với cách mạng. Tôi không biết việc tuyên truyền chính trị được tiếp nhận như thế nào ở nông thôn, nhưng ở Sài Gòn thì dường như là những cố gắng như vậy có một hiệu ứng tiêu cực nhiều hơn. Các khóa học hiện tại trong các khu phố, mà bây giờ cũng được tổ chức cho hết thảy người dân, đặc biệt gây thất vọng tại những người có học. Người ta thuật lại cho tôi rằng một cán bộ đã bị cười nhạo thật sự, ông trả lời các câu hỏi của những người đang tụ họp lại ở đó tệ cho tới mức như vậy. Ông chỉ có thể tạo lại được sự kính nể bằng cách bắn nhiều phát súng lên trời. Trong một cuộc họp khác, được tiến hành cho các quan chức bậc thấp của chế độ cũ, người diễn thuyết đã không đến đó trong suốt cả ngày đầu tiên. Đơn giản hóa và tổ chức không tốt, điều đó cho thấy rằng chính quyền cách mạng thiếu trước hết là cán bộ có mức đào tạo trung cấp. Dường như là chỉ có cán bộ mang trách nhiệm cao mà người ta chỉ có thể kính nể năng lực trí tuệ và sự hiểu biết xã hội chủ nghĩa của họ, và ngoài ra thì các cán bộ và lính MTGP (hay Bắc Việt) được đào tạo đơn giản, dường như là không có khả năng tạo động lực cho người dân. Họ có thể đạt được chiến thắng về mặt quân sự, nhưng dường như là họ đã thua mất lần chiến thắng các con tim.

Một ví dụ là số phận nhà trẻ chúng tôi trong khu Bình Đông của Sài Gòn, thuộc Trung Tâm Y tế Xã hội. Ngày hôm nay, bà lãnh đạo nhà trẻ này đã chán nản trở về Trung Tâm. Người lính chịu trách nhiệm cho an ninh của Khóm ở đó yêu cầu đóng cửa, mặc dầu UBQQ đã yêu cầu chúng tôi tiếp tục công việc làm của chúng tôi. Cả người cán bộ (miền Nam) chịu trách nhiệm về hành chánh của Khóm cũng ủng hộ chúng tôi tiếp tục công việc. Từ Phường còn có một văn bản, nhưng dường như đã trở thành vô giá trị, vì người ta nói rằng Phường này đã ở trong tình trạng giải tán. Và ngay cả người lính chịu trách nhiệm về an ninh của toàn Quận (nhưng cũng là một người miền Nam) cũng dường như bất lực trước mệnh lệnh này. Rõ ràng là người lính an ninh của Khóm có nhiều quyền lực hơn. Người trong khu phố ngay lập tức đã biết rõ rằng lý do cho điều này là việc ông ấy đến từ Bắc Việt Nam. Ông cũng đưa ra những lời tuyên bố chính trị, theo kiểu không có tổ chức cá nhân nào có thể hoạt động ở Nam Việt Nam. Người dân, những người quen biết nhà trẻ này (cũng có cả một trạm y tế), sẽ nghĩ gì về chính quyền mới khi họ qua đó phải nhận lấy sự thiệt thòi của lần đóng cửa một tổ chức xã hội ở địa phương. Đó là một vùng đã chống lại chính phủ Thiệu rất mạnh ngay từ trước khi cách mạng chiến thắng và sau những hoạt động đánh đập do cảnh sát Thiệu tiến hành, thậm chí còn được cho là theo cộng sản.

Mới đây, những người lính an ninh bắt đầu kiểm soát cả người và xe. Một em trai câm điếc bằng cách đó đã mất chiếc xe đạp của em 24 tiếng đồng hồ. Tuy là em có mang theo thẻ căn cước của em, nhưng không có biên nhận mua chiếc xe đạp. Vì vậy mà những người lính cho rằng chiếc xe này là xe bị đánh cắp. Chỉ nhờ vào một xác nhận của tôi mà mới lấy chiếc xe đạp ra được. Người ta thuật lại từ một vài vùng rằng việc đăng ký tài sản trong mỗi một hộ gia đình, cũng do các cán bộ MTGP tiến hành, còn đi tới mức là số chén dĩa trong bếp cũng còn được ghi nhận lại.

Rõ ràng là MTGP không thích để cho người nước ngoài biết điều đó. Đơn xin thị thực, đặc biệt là từ kiều dân Pháp, được giải quyết tương đối nhanh và mới đây thì người nước ngoài còn được yêu cầu rời khỏi nước càng sớm càng tốt, “trước khi quá muộn”. Dường như chỉ còn có một vài nhà báo, ba hay năm người, và họ cũng đã có kế hoạch rời khỏi nước. Chúng tôi không có ý định nhất định muốn ở lại trong nước, nếu như chúng tôi không còn được cần đến nữa. Nhưng trước quan điểm tốt đẹp của UBQQ về công việc của terre des hommes, chúng tôi cũng không có nguyên nhân nào để lên kế hoạch ra khỏi nước trước thời hạn. Cuối cùng thì tất cả chúng tôi đều chờ để tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Nam Việt Nam. Có chính phủ này, đó là điều mà hiện giờ ai cũng rõ, thế nhưng nó tồn tại hầu như chỉ ở phía sau. Theo thông tin của UBQQ, các bộ trưởng vẫn còn chưa đi vào các bộ. Nhưng thỉnh thoảng, ví dụ như trong lúc tuyên bố đổi giờ sang giờ Đông Dương hay mở cửa ngân hàng, thì các thông cáo đó được người sếp chính phủ Huỳnh Tấn Phát ký tên chứ không phải do người sếp của UBQQ, Trần Văn Trà. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng nhiều thứ chẳng bao lâu nữa sẽ tốt hơn và các sai lầm, những cái thật dễ hiểu, chẳng bao lâu nữa sẽ được sửa chữa.

Đến đây để giúp đỡ, bây giờ là người đi xin

20/6/1975

Từ đâu mà chúng tôi vẫn còn có can đảm để tiếp tục ở lại Việt Nam? Sau khi suy nghĩ và bị lương tâm cắn rứt rất nhiều, tôi đã tới Việt Nam, để làm việc gì đó có ích cho người dân trong Thế giới thứ Ba, đặc biệt là ở nơi mà các chính phủ tham nhũng phá hỏng cái tương lai tốt đẹp hơn đó của người dân. Tất cả những việc đó không thể nào nhiều hơn là một sự giúp đỡ tạm thời, cho tới khi một chính phủ mới với một chính sách mới tạo nên khả năng và nền tảng để phát triển một tương lai cho người dân. Ở Việt Nam, chúng tôi đã luôn chờ đợi khoảnh khắc đó, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng tiến vào. Bây giờ, khi khoảnh khắc mong mỏi đó đến, thì những chờ đợi và hy vọng của chúng tôi đã trở thành thất vọng cay đắng. Và điều có tác động mạnh nhất đến xúc cảm của từng người một là sự xem thường tất cả những chờ đợi và sự ủng hộ của chúng tôi đối với chính sách nhân dân đã được kỳ vọng.

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 1975

Mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 1975

Việc tố cáo công việc làm của chúng tôi, thuần túy là một sự tưởng tượng, phản ánh tính thù ghét người nước ngoài một cách cực đoan. Việc đóng cửa nhà trẻ ở Bình Đông, mà không ai chối cãi sự cần thiết của nó. Hôm nay, hai nhân viên xã hội trở về từ Xã. Lời xin của họ, cấp giấy chứng nhận để mang hàng cứu trợ ra Đà Nẵng, đã bị từ chối. Cuối cùng, họ nhận được giấy đó từ phòng an ninh của ủy ban hành chánh tỉnh Gia Định, cái mới vừa được thành lạp và rõ ràng là chưa biết đến terre des hommes. Nếu như chúng tôi muốn tuân theo lời khuyên của UBQQ, nộp đơn xin phép cho mỗi một chuyến đi của một nhân viên, thì chúng tôi có thể đóng cửa ngay bộ phận ngoại vụ. Hôm nay, chúng tôi đã từ chối, không đưa ra một nữ bác sĩ và không nhận thiết lập một tiểu trạm y tế mới ở trong một huyện ngoại thành rất nghèo của Sài Gòn. Vì UBQQ vẫn còn chưa cấp phép cho công việc của chúng tôi. Và không có phép này thì đó luôn là một việc may rủi, liệu người ta có thể tiến hành công việc thực tế được hay không. Chúng tôi đến đây để giúp đỡ người dân. Ngày nay, chúng tôi là người đi xin, thường đứng trước những cánh cửa đóng kín.

Thỉnh thoảng, người nước ngoài chúng tôi thậm chí còn có ấn tượng, rằng các cơ quan nhà nước không thích gì nhiều hơn là chuyến đi ra khỏi xứ sắp tới của chúng tôi. Lần đầu tiên, tôi bắt đầu suy nghĩ thật sự nghiêm chỉnh là liệu điều đó có phải là giải pháp tốt nhất hay không. Cái còn giữ tôi ở lại đây chỉ là nhiệm vụ của tôi. Hôm nay, tôi cùng với Magrit đến Bộ Ngoại giao. Trước khi cô có thể nói rõ ý muốn của mình thì người ta đã thân thiện nói rằng cô có thể nộp đơn xin thị thực rời nước. Tuy vậy, điều đó dường như hoàn toàn không đơn giản, vì một người ngoại quốc khác, ông Ardin, được nói lại rằng ông không cần nộp đơn trước tháng Bảy, vì các cơ quan nhà nước đang có quá nhiều việc. Lý do sâu xa có thể là thiếu giấy phép đáp xuống Vientiane. Trong Bộ Ngoại giao, chúng tôi được biết rằng các cơ quan chức năng của Lào không còn đồng ý cho các máy bay chở người rời nước đáp xuống, vì phi trường Sài Gòn vẫn còn cấm máy bay Lào. Ông Ardin đã bị bắt ngay trên đường phố và đã bị giam giữ một thời gian vì bị tình nghi là điệp viên của CIA. Sáng nay, ông đã đột quỵ trong Bộ Ngoại giao vì yếu tim. Do có nhiều người nước ngoài muốn ra khỏi nước nên bầu không khí đã trở nên quá tệ.

Một ví dụ rất hình tượng của một người Việt Nam thất vọng là ông Rau, một nhà văn cực tả, người không mơ ước gì nhiều hơn là một nước Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa. Ông đã phải chịu đựng rất nhiều dưới chế độ Thiệu vì quan điểm của ông, và chỉ được đền bù với một chức vụ nhỏ nhoi. Trong thư viện của ông có những trường hợp sách cấm, đặc biệt là từ Bắc Việt Nam. Ông là một người đấu tranh cho tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nhưng dưới MTGP thì việc đó cũng chẳng được gì. Các đồng chí mời ông giữ một chức vụ trong cơ quan kiểm duyệt. Ông từ chối. Ông cũng từ chối một chiếc xe công mà người ta đưa cho ông. Hôm nay, Siriporn muốn đến thăm ông. Thế nhưng ông đã biến mất. Vợ ông chỉ còn có thể buồn rầu tường thuật rằng ông đã bị các cán bộ đến tận nhà rước đi trong một chiếc xe hơi đẹp, không biết đi đâu và trong thời gian bao lâu. Rõ ràng là ông cũng phải tham gia học tập chính trị như những người đại diện cao cấp của chế độ cũ. Nhưng nơi chốn học tập này được giữ bí mật, có thể là để tránh những cuộc tấn công của các nhóm kháng chiến. Lúc đi, ông bảo bà đừng nói gì với các người con, để họ đừng lo.

Cũng có những hình thức khác của sự khước từ hay chống đối. Vào một trong những ngày đầu tiên sau cách mạng, tôi đã nhìn thấy một nhà sư đi khất thực dọc theo một con đường giao thông chính. Và hôm nay, nhà văn Bùi Giáng đến thăm chúng tôi, ăn mặc như một tên hề. Tác giả kỳ dị này vào lúc bình thường đã có một thói quen tương tự, nhưng lần này thì dường như tình trạng sức khỏe của ông còn tệ hại hơn nữa. Trước đây vài tuần, ông đã còn tặng cho tôi bản dịch Heidegger sang tiếng Việt của ông. Lần này thì đối với những người lính MTGP, ông chỉ là một người điên. Họ từ bỏ ý định bắt giam ông. Tôi còn nhớ một hình thức phản đối im lặng chống trật tự Nho giáo trong Việt Nam xưa cũ: Đi ra khỏi xã hội và trở thành người ẩn dật hay nhà sư. Có lẽ các ví dụ được mô tả này là biến thể trong một thời gian khác, nhưng dưới những điều kiện tâm lý xã hội tương tự.

Thiếu giáo dục chính trị

24/6/1975

Tôi vừa đọc xong “Chiến tranh nhân dân – Quân đội nhân dân” của Võ Nguyên Giáp, quyển sách thể hiện kinh nghiệm của cuộc kháng chiến Việt Minh chống thực dân Pháp. Bà nấu bếp mới của chúng tôi, người đã trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng, đã mô tả vấn đề trong lời nói đơn giản của bà như sau: Ở lần Việt Minh giải phóng khỏi sự xâm lược của Pháp thì đó là người trong vùng, tức là từ Sài Gòn Gia Định, những người tiến hành cuộc giải phóng đó. Nhưng lần này thì cuộc giải phóng đã được người Bắc Việt tiến hành.

Sài Gòn thất thủ

Sài Gòn thất thủ

Sự thật sâu xa của lời nói này ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tường thuật phim từ Hà Nội từ năm 1954 cho thấy là người dân đã thật sự hoan hô nền độc lập đã giành lại được. Nhân dân đứng ở sau lưng cách mạng. Cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự đan kết với nhau. Không có tổ chức chính trị của kháng chiến thì đã không có chiến thắng về quân sự. Nếu như không có sự nhận dạng của người dân với Việt Minh thì hoan hô ở Hà Nội đã không lớn tới như vậy. Cuộc giải phóng mới đây rõ ràng là đã bỏ qua tính đồng thời của tiến hành đấu tranh chính trị và vũ trang. Các cán bộ địa phương quá yếu để mà có thể đạt tới một chiến thắng về quân sự. Huấn luyện chính trị của MTGP quá không đầy đủ, như bây giờ có thể thấy được ở việc thiếu cán bộ. Lần này thì một cuộc chiến tranh nhân dân, cứng rắn hơn nhiều và gian khổ hơn nhiều, và thâu tóm mọi sức lực, không được tiến hành. Một quân đội chính quy từ miền Bắc đã ưu tiên cho chiến thắng quân sự, cho cuộc xâm chiếm.  Điều đó vi phạm các nguyên tắc tiến hành đấu tranh cách mạng, và cũng vi phạm các ý tưởng của Võ Nguyên Giáp. Ngay cả khi người ta nói rằng chính Giáp đã ủng hộ cho giải pháp quân sự này,

Bây giờ có thể thấy rõ tới mức xấu hổ về việc thiếu chuẩn bị về chính trị. Toàn bộ dân tộc phải đi học, không chỉ các sĩ quan và các viên chức cao cấp của chính quyền Thiệu, mà cả người dân trong mọi khu phố. Các khóa học tập chính trị mang nhiều tính tuyên truyền, dường như không thích hợp và mang tính tấn công người dân. Vì niềm tin chính trị không được rút ra từ trải nghiệm sống thực tế nên trong phần lớn các trường hợp, chúng thậm chí còn có tác động xấu. Ngoại trừ những người cơ hội thì có không ít những người có nhiều trách nhiệm, cho tới nay không thuộc về MTGP, đã bị MTGP làm cho thất vọng trong những chờ đợi của họ. Thời gian, mà người ta đã không giành ra trước giải phóng để tiến hành đào tạo chính trị bây giờ sẽ còn kéo dài hơn nữa. Và vì những người chiếm đóng không tin tưởng người địa phương, nếu như họ không thuộc MTGP, nên vấn đề thiếu cán bộ trước sau vẫn không giải quyết được.

Áp lực tạo phản áp lực

28/6/1975

Số thứ bảy hôm nay của tờ Sài Gòn Giải Phóng yêu cầu hãy tố cáo “các băng nhóm đồi trụy” trong những chữ cái thật lớn. Một chiến dịch giáo dục chính trị đang được tiến hành với cường độ mạnh ở Sài Gòn. Nó cũng bao gồm cả việc tố cáo những người chống chế độ. Điều này được nói trong những lần họp tổ dân phố cũng như trong những khóa học tập cho nhân viên và quân lính các cấp cao thấp. Khóa học cho những người lính thường và nhân viên cho tới cấp hạ sĩ quan chỉ kéo dài vài ngày, nhưng thỉnh thoảng được lặp lại. Các khóa học cho các nhân viên và sĩ quan cao cấp hơn kéo dài ít nhất là một tháng và bao gồm cả công việc khai thác gỗ, công việc rừng cực nhọc. Thời gian sau này, bộ đội đã phát hiện ra rằng người bác sĩ của chúng tôi, bác sĩ Chinh, nguyên là lính nhảy dù và đã là bác sĩ quân y. Vì vậy mà bây giờ ông cũng phải đi học khóa dài hạn. Ông phản đối một ít, vì ông khó có thể tiến hành những công việc trong rừng do đã mất một chân trong chiến tranh. Không biết ông có được tha cho việc đó hay không. Mỗi chiều vào lúc năm giờ, người ta nhìn thấy nhũng người có chức vụ thấp hơn đi bộ trên đường phố trở về nhà từ nơi học tập. Ngoài những việc khác, họ phải học thuộc lòng một tệp sách nhỏ, một loại giống như sách giáo lý, cái bao gồm những câu hỏi như “Tại sao quân nhân cũng được cách mạng giải phóng?” hay “Tội của chúng tôi đối với cách mạng là gì?” Các khóa học kết thúc với những bài luận văn tự kết tội mình. Các thành viên có ấn tượng rằng những người tự kết tội mình nhiều nhất và mạnh mẽ nhất là những người được nhìn nhận tốt nhất.

Một lớp học tập cải tạo

Một lớp học tập cải tạo

Phần lớn các học viên rõ ràng là bị ảnh hưởng theo chiều ngược lại từ các khóa học tập chính trị. Nói với Ariel, một thành viên đã dọa là sẽ đi kháng chiến. Về việc bí mật này thì chỉ có tin đồn thôi. Cũng như tin là đường đi Đà Lạt phải bị chận lại vài ngày. Thật sự là trong những ngày này đã có ít rau cải hơn. Người ta nói rằng tỉnh Rạch Giá đã bị những người chống chế độ, quân lính của chế độ cũ, chiếm đóng. Cũng từ lý do này mà nhân viên của chúng tôi không dám về những tỉnh cực Nam của sông Cửu Long nữa. Trụ sở trước đây của Khóm 4 đã bị chuyển đi, vì pháo binh được đặt trong tòa nhà đó. Trong đêm qua, những vụ bắn nhau trong khu phố của chúng tôi đã lại tăng lên, độ chừng như trong thời bình thường dưới chế độ Thiệu.

Hiện giờ, nhiều người cũng không thể cưỡng lại được ấn tượng, là UBQQ Sài Gòn Gia Định không còn kiểm soát được quân lính của họ nữa. Trong những khu phố riêng lẻ, có những hoạt động được khởi hành mà không nhất định là có sự đồng ý của Ủy ban Quân quản. Hôm qua, UBQQ phải thông báo qua đài phát thanh, rằng tất cả những người tiến hành kiểm tra phải có một thẻ căn cước. Ngay cả ông chủ tịch ủy ban địa phương, người mà vào lúc kiểm tra nhà của chúng tôi, cũng không có một tờ giấy như vậy. Việc tịch thu xe đạp mà chủ sở hữu của nó không có biên lai mua, cũng không được phép.

Hôm qua, người ta nói rằng ở rất gần nhà của chúng tôi có một người lính của MTGP đã bị giết chết bởi một quả lựu đạn do hai người ném. Áp lực tạo phản áp lực, và như thế thì dân tộc Việt Nam không còn có thể dứt ra khỏi cuộc chiến được nữa.

Ngay cả khi đến văn phòng của chúng tôi, người lãnh đạo Sở Xã hội của UBQQ, Chị Mai, cũng có vũ khí. Một đứa bé nhỏ, độ 12 tuổi, với một khẩu súng trường, đi theo nhóm người này. Dường như là sự giúp đỡ mà chúng tôi đưa ra là cần thiết đối với chính quyền cách mạng. Ít nhất thì có thể nhận ra được từ những lời bình luận của chị là chính chị cũng dự tính sẽ có một thỏa thuận giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời và terre des hommes.

Tối hôm kia, chúng tôi lại được thưởng thức nghệ thuật. Một nhóm nhạc từ Hà Nội, rõ ràng là nổi tiếng. Rất đáng tiếc là nhóm này lại trình diễn cũng cùng một loại nghệ thuật tư sản mà ở Đức tôi cũng đã không thể chịu đựng được. Các nữ ca sĩ trang điểm thật nhiều đến mất tự nhiên. Các nghệ sĩ độc tấu, trong bộ com lê đen và cà vạt theo kiểu ca sĩ opera, trình bày những bài ca cách mạng cũng với nhiều sự đa cảm và nháy mắt như các bài hát opera từ thế kỷ 19, những cái mà họ cũng có trong chương trình biểu diễn của họ. Việc trình diễn một cây vĩ cầm và một cây kèn co trông giống như một cuộc phô diễn cái tốt nhất mà người ta có thể biểu diễn được. Trang bị kỹ thuật hết sức tốt và để cho người khác nhận ra sự đào tạo ở châu Âu, dù đó là Moscow hay Đông Berlin, tuy vậy, về việc hay hay dở thì tôi có nhiều điều để phàn nàn. Buổi hòa nhạc vào tối kế tiếp được cho là hay hơn. Tôi không thể đến nghe, vì dàn nhạc chỉ biểu diễn một ngày duy nhất ở Sài Gòn. Cũng như phần lớn các biểu diễn nghệ thuật khác, khán giả theo một cách nào đó đã tượng trưng cho cố gắng của một xã hội phi giai cấp. Các cô gái từ giới trung lưu khá giả bên cạnh trí thức từ giới bí mật và lính MTGP với xăng đan làm từ lốp xe, những cái bây giờ cũng là thời trang của người dân Sài Gòn. Người ta thể mua chúng tại nhiều góc phố ở Sài Gòn.

Với tất cả những lời nhận xét phê phán, người ta đừng quên rằng cuộc tắm máu, mà mật vụ Mỹ CIA tiên đoán, đã không xảy ra. Các khóa học tập cải tạo chính trị thật sự là một sự trừng phạt hết sức vô hại cho các đại diện của chế độ cũ. Trạm y tế được thành lập ở khắp nơi. Người dân nhận được gạo. Ai muốn trở về làng cũ thì nhận được ít nhất là phí tổn vận tải, thậm chí là đất và gạo cho tới mùa kế tiếp. Hoạt động chích ngừa chống dịch bệnh cho toàn bộ người dân đã được bắt đầu. Các trại trẻ mồ côi giải tán dần dần. Sản xuất trong nhiều nhà máy công nghiệp – hẳn là đại đa số – cũng được tái khởi động. Cướp giật đã giảm xuống. Vấn đề mãi dâm, ăn xin và ma túy ít ra thì cũng đã được giải quyết theo kiểu chữa theo triệu chứng. Giao thông bưu điện và vận tải đi tới các tỉnh đã được tái lập. Các khoa Y, Dược và Nha đã mở cửa rồi. Trường học đã thông báo thời điểm tựu trường, sau khi hết hè. Việc phân chia sở hữu ở nông thôn một phần đã được tự giải quyết, một phần thì qua thiết lập các hợp tác xã.

Cũng đáng chú ý là các xu hướng trong công nghiệp dược phẩm. Vì đã có phương thức sản xuất tư bản từ lâu như vậy nên Việt Nam đã có nhiều nhà máy dược phẩm. Những nhà máy tốt hơn trong số đó sản xuất dưới giấy phép hay hoàn toàn đơn giản là chi nhánh của các tập đoàn quốc tế. Trong phần lớn các nhà máy này, người ta đã bắt đầu tái sản xuất dưới sự lãnh đạo gián tiếp của chính quyền cách mạng. Nhưng sản phẩm không cứ thế mà được tiếp tục cung cấp cho thị trường dược phẩm vẫn còn được tổ chức theo lối tư bản. Các nhà thuốc tây chỉ nhận một phần nhỏ và thêm vào đó là sống với nỗi lo ngại bị tịch thu vào bất cứ lúc nào. Vì vậy mà các sản phẩm của họ phần lớn được ném ra thị trường chợ đen (hay xám). Chính phủ dường như không xem trọng khía cạnh này. Vì phần lớn hơn rất nhiều vẫn còn nằm trong tay của chính phủ. Cho tới nay vẫn không rõ là chính phủ sản xuất để dự trữ hay phân chia về cho các trạm y tế của các ủy ban nhân dân cách mạng. Tuy vậy, có một điều chắc chắn là phần lớn sản xuất dược phẩm sẽ trực tiếp có lợi cho người dân. Tuy vậy, vài tuần nữa sẽ thiếu những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thuốc chữa bệnh. Nếu như hợp đồng với các nhà máy dược phẩm không xong hay không bảo đảm được việc mua nguyên liệu ở các nước xã hội chủ nghĩa thì công nghiệp dược phẩm phải ngưng sản xuất một phần.

Chùa là khu vực quân sự

29/6/1975

Ngày hôm nay, chuyến trốn chạy vào thiên đường mỹ thuật của chúng tôi đã chấm dứt trong chính trị, tuy là không cố ý. Vào chủ nhật này, chúng tôi đã dự định đi thăm chùa Bà Thiên Hậu, thuộc trong số những tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất của cộng đồng tôn giáo người Hoa. Lần đầu tiên tôi thấy rõ những khác biệt đáng kể giữa nghệ thuật Việt Nam và Trung Hoa. Chùa này thờ Thiên Mẫu A Phò. Cảnh thông thường của những người ăn xin mắc bệnh cùi ở cổng vào chùa. Người bán thứ này và thứ nọ ở bên trong. Thỉnh thoảng có một vài tín đồ tới cúng hoa quả trước bàn thờ hay cắm nhang. Trong một gian phòng trước chánh điện, buổi ăn trưa vừa mới bắt đầu cho những người làm việc trong chùa, trong số đó cũng có hai người lính MTGP. Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy trong một ngôi chùa những tờ giấy dán tuyên bố về chủ nghĩa Mác-Lênin.

chùa Bà Thiên Hậu

chùa Bà Thiên Hậu

Chúng tôi hỏi một người trông chừng, liệu chúng tôi có thể đi thăm và chụp hình ngôi chùa hay không, điều mà người ta cho phép chúng tôi. Khắp nơi trên trần của toàn bộ ngôi chùa đều có treo nhanh theo dạng hình tròn, được cho là cháy liên tục ba tháng. Chúng mang lại cho nội thất, đầy những công trình chạm trổ và màu đỏ với vàng, một nét kỳ dị. Chúng tôi vừa chấm dứt tham quan thì một người rõ ràng là cán bộ MTGP mặc đồ dân sự cáu gắt hỏi chúng tôi muốn làm gì ở đây. Mang theo vũ khí, ông ta mang chúng tôi tới gặp cấp trên của ông, một sĩ quan của MTGP trong ngôi trường ở ngay cạnh bên. Sự việc, rằng người nước ngoài có thể thoải mái đi lại trong chùa ở Chợ Lớn, rõ ràng là làm cho những người giải phóng nghi ngờ. Chúng tôi bị hỏi giấy tờ, những thứ mà tất nhiên là chúng tôi đã để lại ở nhà tại một chuyến đi chơi ngày chủ nhật vô hại như thế này. Chúng tôi có giấy phép tham quan chùa hay không. Bây giờ thì tôi bắt đầu bực mình và giải thích bằng tiếng Việt, rằng điều đó là không cần thiết, vì tất cả mọi người, cả người nước ngoài, đều có thể đi lại tự do trong Sài Gòn – Gia Định. Điều này dường như gây ấn tượng cho ông ta Mặc dù vậy, ông ấy vẫn giải thích, chúng tôi không nên bén mảnh tới đây mà không được cho phép một cách cụ thể. Ngôi chùa này được cho là khu vực quân sự. Vì điều đó không được ghi lại ở đâu và cũng không có lính gác ở trước chùa, ngay cả những người lính đang ăn cơm cũng nhìn thấy chúng tôi từ lâu, nên tôi xem lời giải thích của ông như là một lời biện hộ để giữ thể diện. Hơi bực mình một chút với sự phi lý người ta đối xử với chúng tôi, chúng tôi quay trở về nhà.

Hai tháng sau giải phóng

1/7/1975

Tháng thứ nhì trôi qua kể từ khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng chiếm Sài Gòn. Hiện giờ, nhiều điều đã trở thành bình thường, những cái mà mới đây dường như là còn không thể tưởng tượng ra được. Đặt dấu ấn lên hình ảnh của thành phố là bộ đội mặc đồ màu xanh, lính của Bắc Việt Nam và MTGP. Phần lớn họ không sở hữu gì nhiều hơn là quần áo và vũ khí của họ. Nhưng vũ khí mạnh nhất của họ là niềm tin, rằng họ đã chiến đấu cho chính nghĩa. Nhưng họ cũng phải nhận ra, với một ít ngạc nhiên, rằng chính bản thân họ cũng không thể cưỡng lại được trước những cám dỗ và sự giàu có vật chất của thành phố Sài Gòn. Họ cũng có mặt đông đảo ở chợ như người dân Sài Gòn. Một chợ bán đồng hồ đeo tay đã thành hình, kể từ khi người ta biết được các bộ đội thích chúng. Mặt hàng thứ nhì là rađiô bán dẫn. Nhưng bây giờ cũng có những bộ đội hãnh diện mua được một cái máy băng ghi âm Akai trên chợ đen. Các bộ đội cũng thống lĩnh hình ảnh ở các khu phố. Họ chiếm đa số trong lực lượng trật tự địa phương, vì các cán bộ dân sự tại chỗ hoàn toàn không có tầm quan trọng.

Các bộ đội đang tò mò ngắm nghía một cái radio, có lẽ được người phụ nữ trong hình chào bán.

Các bộ đội đang tò mò ngắm nghía một cái radio, có lẽ được người phụ nữ trong hình chào bán.

Đường phố trước sau vẫn trống vắng. Ô tô nằm lại trong nhà đỗ xe, vì rất khó mua được xăng, và trên thị trường chợ đen thì nó đắt và bị pha. Những chiếc xe to lớn của Mỹ và những chiếc xe tương đối tốt, mà chủ nhân của chúng đã bỏ chạy ra nước ngoài trước giải phóng, bây giờ là xe công vụ của bộ đội và cán bộ, tất nhiên là với tài xế. Những chiếc xe Jeep của Mỹ đã đổi màu sơn và biển số của chúng, và bây giờ cũng phục vụ cho những người giữ trật tự mới. Người dân bây giờ hầu như chỉ đi bằng xe đạp, một số ít còn nhận được xăng cho Honda của họ.

Người Sài Gòn ít thay đổi vẻ ngoài của họ. Tuy người ta nghe nói rằng thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên, Học sinh và Sinh viên của MTGP đã tuột váy mini của một vài cô gái, và đưa ra những quy định y phục cho độ rộng của ống quần mà người ta mặc cùng với áo dài, thế nhưng kiểu cắt may thời trang từ chế độ cũ vẫn còn thống trị. Chỉ một ít người là tham gia thời trang mới, được biểu lộ qua chiếc áo màu đen và xăng đan được làm từ lốp xe (những cái mà bây giờ còn có cả cho trẻ con nữa). Cũng được khuyên là không nên làm, vì việc kháng cự chống cộng sản vẫn còn đó.

Những kỳ vọng từ cách mạng đã trở nên mệt mỏi một chút. Những lá cờ Bắc Việt và MTGP, bắt buộc phải được treo ra vào những ngày đầu tiên, vẫn còn đó – thế nhưng đã bị mưa gió làm phai mờ, một vài lá cờ bây giờ gần như là hoàn toàn trắng. Cờ Trung Quốc đã biến mất từ lâu, vì đối với chính quyền cách mạng – cả thiểu số người Hoa – thì Việt Nam vẫn phải là Việt Nam. Nhưng con số các trụ sở hành chánh hiện giờ đã tăng lên. Ngày càng có nhiều tấm bảng hiệu xuất hiện, chỉ tới cơ sở hành chánh cách mạng địa phương. Có ủy ban nhân dân cách mạng trên bình diện Khóm, Phường và Quận. Có phòng An ninh của Quận và ban hành chánh tỉnh của Gia Định. UBQQ hiện giờ không chỉ có các sở Ngoại Vụ, Nội Vụ, Xã hội và Y tế, mà còn có cả cho những điều khác thường như Nông nghiệp. Dường như là người ta lập kế hoạch dài hạn trong Ủy ban Quân quản. Và đó là vì cuộc kháng cự chống cộng sản, theo như tin đồn.

Ngoài các nhà báo ra thì chỉ có một vài người nghe được điều gì đó từ Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Khi chúng tôi cứ nhất định hỏi tới bà nữ bộ trưởng trong Bộ Y tế, cuối cùng chúng tôi cũng có được địa chỉ nhà riêng của bà ấy. Chúng tôi gởi những lá thơ của chúng tôi đến đó. Người ta nghe nhiều nhất là về bà Bình nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà theo các tờ báo thì đang đi công du ở nhiều nước. Nhưng theo các tin đồn thì bà đã từ chức từ lâu rồi, để phản đối.

Trước sau Sài Gòn chỉ có một tờ nhật báo duy nhất: Sài Gòn Giải Phóng. Thêm vào đó còn có thể mua được tờ Quân Đội Nhân DânNhân Dân từ Hà Nội. Nhưng chỉ có những chỗ nhất định mới có báo Bắc Việt. Đài Phát thanh hiện nay đã mở rộng ra trên nhiều làn sóng khác nhau. Thế nhưng người ta ít nghe được nhạc rađiô từ hàng xóm. Cái to tiếng nhất mà người ta nghe được trong khu phố vào những dịp nhất định là tiếng rè rè của những cái loa, phát đi những công bố và lời kêu gọi, tập những bài hát hay dạy chính trị cho một nhóm lớn khán giả. Những giờ học tập này cũng bao gồm cả việc khai báo lý lịch của người dân địa phương. Bà nấu bếp của tôi cho biết rằng trước đây bà đã làm cho người Mỹ. Ông cán bộ khuyên bà bây giờ hãy quên đi tất cả các nghệ thuật nấu ăn Mỹ của bà. Bà thấy rằng bộ đội không biết cách làm việc, tức là tiếp cận với công việc mà không có kế hoạch và phương pháp. Đó là hiểu lầm, vì cuối cùng thì tất cả các sáng kiến đều được tiến hành theo một cách nào đó, giống như với một bàn tay bí mật. Hôm qua, người ta thông báo, tuy muộn nhưng vẫn còn kịp thời, là bây giờ việc chích ngừa lặp lại sẽ được tiến hành trong khu phố của chúng tôi. Vào chiều tối, các bộ đội hỏi chúng tôi rằng liệu chúng tôi có thể cung cấp phòng ốc cho việc này hay không, vì bây giờ thì súng phòng không đã được đưa vào ngôi nhà lần trước của Khóm 4. Tất nhiên là chúng tôi đồng ý. Hôm nay, ngoài việc chính ngừa lặp lại, chúng tôi còn nhận được thuốc chích ngừa bệnh dịch hạch, và vì số người đến chích quá ít nên việc chích ngừa còn được tiếp tục vào ngày mai.

Bạn bè của chúng tôi từ Đà Nẵng tường thuật rằng cuộc sống ở đó đã được quy định chặt chẽ hơn. Ngay cả những người lái xích lô cũng nhận được quy định về việc ai được phép chở đi đâu, vào lúc nào, với giá nào. Ở Đà Nẵng đã có phong trào được khởi động, qua đó thanh niên đi về miền nông thôn để phát hoang và trồng trọt. Ở Sài Gòn còn chưa có những phong trào như vậy, nhưng có chính sách hủy bỏ cuộc đô thị hóa bắt buộc. Có thông tin nói rằng 70 phần trăm người dân Sài Gòn cần phải trở về nông thôn. Lao động ở nông thôn dường như cũng là thời gian thử thách cho tất cả những người muốn tiếp nhận một vai trò quan trọng trong công cuộc lãnh đạo đất nước. Ngay các bác sĩ cũng đã chuẩn bị tinh thần để làm việc ở nông thôn, thậm chí có thể là cày ruộng. Tuy vậy, niềm hy vọng, rằng cuộc sống ở nông thôn được tổ chức ít nghiêm ngặt hơn, đã trở thành ảo tưởng. Bà giúp việc trong nhà trước đây của chúng tôi, đã trở về nông thôn và mới đây lên Sài Gòn để thăm viếng, thấy rằng cuộc sống ở Sài Gòn tương đối thoải mái và tự do. Có lẽ những người bên quân quản lo ngại rằng họ có thể gây ra quá nhiều sự chống cự nếu như họ hành động nghiêm khắc quá nhanh.

Cuộc xung đột, được cho là đang tồn tại giữa những người lính Bắc Việt và Nam Việt của MTGP, dường như là đã bị phóng đại lên. Luôn có thông tin về những cuộc đối đầu như vậy, nhưng có vẻ rõ ràng rằng đây là một cuộc tranh cãi của những người anh em, xảy ra trong nội bộ. Chỉ những người phản cách mạng ngây thơ mới có thể nghĩ rằng qua đó là có thể thay đổi được lịch sử một cách cơ bản.

Ám sát bộ đội gia tăng

4/7/1975

Hôm nay, hầu như toàn bộ nhân sự của Trung Tâm đã đi ra ngoài. Đó là ngày đầu tiên mà tất cả mọi người phải đăng ký tại Sở Ngoại vụ. Một tờ giấy với nhiều câu hỏi nằm sẵn ở đó, muốn biết nhiều chi tiết từ lý lịch của mỗi một nhân viên, đặc biệt là lý lịch trước 1945. Theo như tôi biết, một vài nhân viên cao tuổi của chúng tôi đã giấu nhẹm những sự việc nhất định, ví như đã tham gia quân đội thực dân Pháp. Lúc đầu, nhân viên của sở này còn tra hỏi thêm nhân viên của chúng tôi, nhưng sau đó họ đã bỏ qua việc này, rõ ràng là biết rằng tổ chức của chúng tôi có uy tín không đến nỗi tệ. Cuối cùng, nhân viên người Việt nào cũng phải ký tên vào dưới tờ tra hỏi đó, cái bao gồm cả lời hứa là sẽ chỉ điểm những người chống chế độ và một lời xin lỗi cho tất cả các hoạt động phản cách mạng.

Lính Bắc Việt Nam trên đường lê Lợi, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Lính Bắc Việt Nam trên đường lê Lợi, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Các điều khoản cuối cùng này rõ ràng là những cái làm cho phần lớn người dân bực mình và khiến cho họ phản lại cách mạng. Họ cảm thấy như vậy là bất công, bị đối xử một cách cơ bản như thể họ đã làm điều bất công nào đó. Vì vậy mà sự chống đối ngày càng mạnh hơn. Những cuộc mưu sát bộ đội ngày càng nhiều hơn trong Sài Gòn. Mới đây, hai người lái xe Honda đã chạy ngang qua một nhóm quân lính và ném một quả lựu đạn vào họ, ngay giữa ban ngày. Kết quả là ba người chết và ba người bị thương. Trong cuộc rượt đuổi sau đó, những người ám sát bị giết chết và các xác chết được phô ra trên vỉa hè để răn đe. Mới đây, một bộ đội bị bắn vào đầu từ ở trên cao trên đường Tự Do, rõ ràng là từ một trong những cửa sỏ của các ngôi nhà Pháp nhiều tầng.

Tình hình thêm căng thẳng. Vì trộm xăng mà trước đây vài ngày một tên trộm trong Trung tâm Phục hồi Chức năng đã bị xử bắn. Trong một trường hợp khác, hai người lái xe Honda giật giây chuyền ở cổ một người phụ nữ đã bị bộ đội bắn chết sau một cuộc rượt đuổi quyết liệt. Trong đó, một người phụ nữ bán hàng của mình trên vỉa hè ở gần đó đã bị bắn vào bụng. Không nói từ nào, bà ôm vết thương và ngã xuống. UBQQ rõ ràng là muốn dùng những phương tiện cứng rắn nhất để chống lại tội phạm hình sự, trộm cướp, nhưng dường như qua đó mà chính họ cũng đã gieo xuống bạo lực. Thương hại và sẵn lòng giúp đỡ còn ít hơn cả thời trước, vì ai cũng lui vào trong cái góc nhỏ của mình, để đừng bị chú ý tới. Vì vậy mà vào chiều tối ngày hôm qua, người ta nhìn thấy một người da trắng bê bết máu đi loạng choạng dọc theo đường phố, dựa vào cô vợ người Việt. Không ai giúp ông ấy, rõ ràng là các bộ đội cũng không, những người mà có thể nhìn thấy ở khắp nơi.

Thiếu thốn vật chất của con người vẫn còn chưa được làm giảm đi một cách đáng kể. Tại lần đăng ký nhân sự vào ngày hôm nay, một cán bộ hỏi một nữ nhân viên, cô lãnh được bao nhiêu tiền lương. Cô nói 30.000 đồng, đó là 120 Mark trong một tháng. Người cán bộ chỉ nhận xét cay độc rằng làm sao mà người ta có thể có được đến từng ấy tiền. Các tin tức về việc sản xuất đã được tái khởi động trong một số lớn nhà máy công nghiệp và trong nông nghiệp đứng trong mâu thuẫn lớn với sự thật, rằng giá thuốc chữa bệnh, sữa và nhiều thứ khác tăng lên đến phát sợ. Hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng lớn cho rằng các hàng hóa mới được sản xuất ra đã được mang về Bắc Việt Nam. Điều đó cũng làm cho người ta có thể hiểu được rằng ngay cả Sở Xã hội của UBQQ cũng xin chúng tôi sữa uống. Đứng trước sự thống trị của Bắc Việt Nam trong tái tổ chức và tái xây dựng, cũng có nhiều tin đồn nói rằng xung đột giữa MTGP Nam Việt Nam và quân đội Bắc Việt hiện nay đã có nhiều nét căng thẳng. Người ta cho rằng các nữ bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Y tế đã bị tước quyền lực rồi. Vì Chính phủ Cách mạng lâm thời không xuất hiện, nên cho tới nay cũng không có sứ quán nước ngoài, chỉ có một vài phái bộ ngoại giao của những nước bạn mà đại diện của họ có lẽ cũng đã đi khỏi rồi.

Chứng loạn thần kinh CIA và Chủ nghĩa Sô vanh

8/7/1975

Cuộc sống ở Việt Nam cũng trở nên không thể chịu đựng được cả cho người nước ngoài. Ngoại trừ việc bị cô lập trong thành phố Sài Gòn, tuyên truyền chống người nước ngoài cũng đã tăng lên. Lúc đăng ký nhân sự tại Sở Ngoại vụ của UBQQ thì đã rõ là tất cả các tổ chức giúp đỡ của nước ngoài đều được xem là Ngụy. Anh chị đã làm gì cho chế độ Ngụy và quân đội Ngụy? Nếu như có ai đó trả lời là hoàn toàn không có thì người đó bị yêu cầu hãy ghi công việc làm của mình tại terre des hommes vào trong đó. Một khóa Học Tập đặc biệt đã được định trước cho tất cả những người

làm việc cho các tổ chức của người nước ngoài, giống như họ bị nhìn với ánh mắt xấu hơn là những người bình thường đã không hề làm gì cho sự sống còn của trẻ em trong đất nước này. Tối hôm qua, chúng tôi đã mời hai đại diện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng đến thăm. Cả ở đây, chúng tôi cũng nghe được rằng người ta cần phải nghi ngờ tất cả các người nước ngoài. Người ta không biết được liệu có một gián điệp nấp ở đằng sau hay không. Chứng loạn thần kinh CIA này rõ ràng là ngày càng được sử dụng nhiều hơn để biện hộ cho chính sách Sô vanh.

Một lớp học tập cải tạo

Một lớp học tập cải tạo

Tin tức về phong trào đối lập ngày càng nhiều hơn. Người ta nói rằng vào một buổi sáng nào đó, ba cái đầu bị chặt ra của ba người bộ đội đã được treo trên một tòa nhà văn phòng ở góc đường Lê Lợi / Nguyễn Huệ. Phụ nữ đã biểu tình nhiều lần trước dinh Độc Lập, sau khi người ta thông báo là chồng của họ, bị mang đi học tập cải tạo, đã qua đời và có thể lấy xác về. Có tin đồn về lý do tử vong, rằng đoàn xe của những người này đã bị phong trào kháng chiến tấn công. Họ đã chết trong trận đánh này. Các tin đồn không thống nhất với nhau là điều này xảy ra trên đường đi Đà Lạt, Tây Ninh hay Vũng Tàu. Sống ở Việt Nam lại trở nên nguy hiểm.

Tôi muốn mô tả lại bài văn, cái mà một nữ đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng đã diễn thuyết trong Trung Tâm. Đó là một người đàn bà mang vẻ mạnh mẽ, xương xẩu và có ý chí mạnh mẽ, đã có gia đình, với một đứa con nhỏ. Bà tường thuật lại rằng bà đã bị chế độ Thiệu tra tấn. Bây giờ, bà là một trong những người tuyên truyền chính trị quan trọng trong quận Phú Nhuận. Bà cần phải nói về vai trò của người phụ nữ trong xã hội mới, nhưng lại tập trung nhiều hơn vào việc trình bài chính trị chung chung. Trước hết là tập trung vào lịch sử cách mạng và việc các thế lực phản động chống giải phóng. Phản ứng của người nghe, khoảng 60 phụ nữ, thiếu nữ và đàn ông, là khác nhau. Một vài người chú ý lắng nghe và dõi theo mỗi một nét mặt và mỗi một câu chuyện đùa của nữ diễn giả, những người khác giữ một khoảng cách phê phán bất kiểm soát, một nhóm thứ ba tỏ vẻ theo dõi những lời diễn thuyết để thể hiện rằng họ hết sức đồng ý với mọi điều và họ có thiện cảm cho tới đâu. Cuộc thảo luận tiếp theo sau đó rất sống động, thế nhưng chỉ tập trung vào một vài người, những người có đủ can đảm và trình độ để diễn đạt công khai. Kim Thanh còn hỏi là làm sao để có thể gia nhập hội. Tôi thấy dường như là tính cơ hội trong cô thêm một lần nữa lại trỗi dậy. Cô chỉ phạm phải một lỗi lầm, đưa ra câu hỏi thứ hai: Người ta có thể chống lại như thế nào, khi có người, với sự giúp đỡ của bộ đội trong gia đình của người đó, muốn tạo áp lực lên người khác. Người nói chuyện chỉ sang cô Ngọc, người chỉ dẫn học tập cho nhân viên, chính là cô Ngọc đó, người mà ba tháng trước đây không muốn gì nhiều hơn là rời bỏ đất nước trước khi cách mạng vào, người mà bây giờ là thành viên đầu tiên của tổ chức và chẳng bao lâu nữ sẽ trở thành tổ trưởng. Sắp tới đây thì những tổ như vậy cũng được thành lập cả trong Trung tâm Y tế Xã hội.

“Tôi là cách mạng”

31/07/1975

Thiếu chuyên môn trong tổ chức một xã hội, điều mà có thể nhận thấy được ở khắp nơi, cũng trở nên rõ ràng sau khi Trung tâm Y tế Xã hội bị tiếp quản. Sau khi kiểm kê, người ta không biết làm gì tốt hơn là ngưng hầu hết các việc làm và thay vào đó là tổ chức lại kho dược phẩm. Cũng đã có một vài cuộc tranh cãi tương đối gay gắt. Lúc tịch thu tiền giấy, điều diễn ra ít nhiều ngược lại với ý muốn của tôi, người ta còn có ý nghi ngờ các thông tin có minh chứng bằng giấy tờ của tôi. Tôi nổi giận. May mắn là người đó chỉ là một nữ cán bộ “cách mạng 30 tháng Tư”. Một vụ đụng đầu khác thành hình khi cô Kim Thanh nhận thấy đồ đạc cá nhân của cô cũng nằm trên danh sách kiểm kê, trong số đó là một cái máy truyền hình và một cái tủ lạnh (cô sống trong Trung Tâm). Khóc sướt mướt, cô cố gắng giải thích số phận của mình cho đồng chí Nhiem. Thế nhưng việc này lại gây ra một cuộc thảo luận tương đối lâu về những diễn đạt trong biên bản tiếp quản, vì vậy mà người đồng chí đó đã nổi giận vì người ta thiếu tinh thần cách mạng tới như vậy. Cả dược phẩm của nhóm trên Đà Lạt cũng nằm trong danh sách đó. Vì vậy mà Son là nạn nhân của một cuộc xung đột nữa, vì anh muốn toàn quyền sử dụng nó giống như trước đây. Người đồng chí cũng nổi giận trước việc người ta thiếu tin tưởng vào cách mạng cho tới mức như vậy. Ông ta đe dọa cho Son đi học tập chính trị trong thời gian sắp tới đây. Vì vậy mà Son không dám mở miệng ra nữa. Thái độ “Tôi là cách mạng” làm cho tất cả mọi người tương đối bực mình và được cảm nhận là tương đối phi dân chủ.

Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths

Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths

Trong những ngày tiếp theo, nhân viên đã chặn lại không cho điền thêm dược phẩm vào, và các đồng chí còn thấy rằng thúc giục nhân viên làm việc là điều không nên. Vì vậy mà tới giờ thì một tuần đã trôi qua với công việc dọn dẹp hay không làm gì hết trong phần lớn các phòng ban.

Các đồng chí cũng rất hiếm khi đi đến đây với những ý tưởng rõ ràng về công việc làm trong tương lai hay với những góp ý thảo luận. Hoặc là tất cả đều đã được quyết định mà không có sự tham gia của chúng tôi, hoặc là hoàn toàn không có gì được quyết định cả. Ngày mai, công việc làm ở trại mồ côi cần phải được tái khởi động qua một chuyến đi thăm ở Phu My. Đó là trại mồ côi giàu nhất, cái mà các đồng chí muốn biến nó trở thành tổ chức mô hình. Ở đó, cả trẻ em bị bại liệt và người già cũng được tiếp nhận, cho nên các vấn đề xã hội có thể được trình bày qua một cái nhìn. Vì có tới 25 người tham dự chuyến đi thăm này nên người ta phải gọi cả một chiếc xe tải. Tôi rất hồi hộp chờ đợi sự kiện náo nhiệt này.

Bây giờ Tan hoạt động hết sức tích cực, tôi không thể vứt bỏ được suy đoán, rằng anh đã tích cực giúp các đồng chí trong vụ tiếp quản sắp tới đây. Bây giờ anh ấy cũng muốn kết hôn hết sức gấp gáp. Vì vậy mà mới đây anh đã về thăm gia đình ở Bảo Lộc, để thông báo tin vui này cho gia đình anh. Thật ra thì anh đã chọn một cô gái cũng có thể làm được công việc đồng áng. Nhưng sau khi trở về thì anh đã tạm thời xếp lại kế hoạch trở về Bảo Lộc. Anh sợ những vụ mưu sát của những người công giáo phản động sống rất nhiều trong vùng đó. Và chắc chắn là Tan cũng không giữ kín được quan điểm tốt đẹp của anh đối với cách mạng. Theo như anh ấy thuật lại thì đường đi rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trong vùng Di Linh, những tên cướp, gồm lính từ quân đội Thiệu đã tan rã cũng như người của nhóm dân tộc thiểu số Montagnard dường như hoạt động rất tích cực ở đó. Thế đấy, lý do tại sao Trung tâm Đà lạt vẫn còn chưa có cơ hội để trở về.

Người ta nói rằng lâu nay đã có giờ giới nghiêm, ở Sài Gòn là 23 giờ và ở Gia Định là 22 giờ. Mới đây, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc nhỏ từ giã Jean-Pierre sắp rời hỏi nước. Chúng tôi không xem trọng giờ giới nghiêm cho lắm. Vì thế mà Ariel và Jean-Pierre rời nhà chúng tôi trên con đường không có người vào lúc 23 giờ 30. 15 phút sau đó họ đã quay lại. Họ đã đi qua được ba chốt chặn, ở chốt thứ tư thì người ta không cho phép đi tiếp nữa. Lúc đầu, người ta thậm chí còn không cho phép quay trở lại. Họ cần phải ngủ lại ở đó. Phải thuyết phục mãi các dân quân mới nhìn nhận, rằng chuyến trở về nhà của chúng tôi sẽ kéo dài không lâu.

Tham nhũng gia tăng

10/08/1975

Cho tới nay tôi không muốn tin. Thế nhưng thời gian sau này xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu, rằng sự tham nhũng cũ đã tiếp tục trong hệ thống mới và với các cán bộ mới. Ví dụ như có tin đồn lan truyền đi lâu nay, rằng đại đa số xăng mà hiện nay những người phụ nữ với trẻ em bán trong chai từng lít một trên hầu như khắp đường phố của Sài Gòn, là bắt nguồn từ bộ đội, những người đã bán đi để kiếm thêm tiền. Có người mới kể cho tôi nghe về một người phụ nữ đã mua 10.000 lít với giá 450 đồng một lít từ một người của MTGP. Giá bán trên thị trường chợ đen là 600 đồng. Giá chính thức, chỉ có thể mua với phiếu của chính phủ, là 250 đồng.

Saigon In Vietnam In May, 1975 -

Bán xăng lậu, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Việc cấm rút tiền ra từ tài khoản ngân hàng dường như cũng bị tham nhũng lũng đoạn. Người ta nói rằng có thể rút ra bao nhiêu tiền cũng được nếu như trả tiền: tròn 60.000 đồng cho một triệu. Điều này tất nhiên là vẫn trợ giúp cho những kẻ bóc lột, những kẻ có các tài khoản khổng lồ, trong khi người dân thường phải làm những thủ tục giấy tờ không thể hiểu nỗi để sống khá hơn cho tới nay một chút. Mới đây, một người phụ nữ kể lại cho tôi nghe rằng bà đã nhìn thấy hai cán bộ cấp thấp của Sở Xã hội thuộc Gia Định lén nhét kem đánh răng vào túi xách riêng của họ. Corry và Olivia gửi tiền dollar cùng với những đứa bé tới Sài Gòn, những em mà được trao cho một nhân viên của Liên Hiệp Quốc và được chuyển tiếp sang hội Hồng Thập Tự. Nhưng cho tới nay tiền vẫn không được nhắc tới. Chúng tôi chỉ biết được việc này qua một tờ điện tín. Có lẽ sự việc sẽ được làm rõ. Nhưng thật là đáng ngạc nhiên khi những việc như vậy cứ liên tục tăng lên.

Tiến bộ trong báo chí – Trung tâm mất nhân viên y tế

11/08/1975

Hôm nay, tôi có thể mua được số thứ nhì của nhật báo Tin Sáng, tờ báo mà đã tồn tại từ trước cách mạng, nhưng rồi trong khuôn khổ chiến dịch báo chí của Thiệu đã bị đóng cửa. Người quen của chúng tôi, ông Rau, đã từng từ chối lời đề nghị làm việc tại cơ quan kiểm duyệt của MTGP, đã trở thành tổng thư ký của tờ báo này. Nó có nhiều thông tin hơn là tờ Sài Gòn Giải Phóng, cái giống như một tờ thông cáo chính thức của Ủy ban Quân quản nhiều hơn.

Tự do báo chí, điều mà những người chống lại chế độ Thiệu luôn đấu tranh cho nó, vẫn còn chưa được tái lập với Tin Sáng, nhưng có điều chắc chắn là con số báo chí ở Sài Gòn đã tăng lên thêm. Về nhật báo thì chỉ có hai tờ đã được nhắc tới. Tuy vậy, vẫn còn có báo định kỳ của những người Công giáo tiến bộ, của Phụ nữ Giải phóng và của Nghệ sĩ Giải phóng.

Sài Gòn, tháng Sáu 1975, lính MTGP tham quan Sài Gòn

Sài Gòn, tháng Sáu 1975, lính MTGP tham quan Sài Gòn

Có một điều mới trong điều khiển giao thông: bộ đội trong đồng phục có màu mà tôi muốn miêu tả nó như là màu nâu nhạt-hồng, thi hành những luật lệ giao thông – hẳn vẫn là những luật lệ cũ – một cách nghiêm khắc. Tuy vậy ít khi nào mà người ta phạt.

Dường như Sài Gòn đang chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2 tháng Chín. Báo chí đầy những tường thuật về việc đó. Ngoài ra, có những đoàn người dân sự đi làm vệ sinh, để xóa cái dơ bẩn ra khỏi hình ảnh đường phố. Thậm chí công việc tu bổ cũng được tiến hành. Trong Trung Tâm của chúng tôi, một nhóm bộ đội xanh đang tập hành quân và bồng súng chào. Ngoài ra, người ta nói rằng chính phủ cách mạng dân sự Nam Việt Nam sẽ được thiết lập. Người ta đang hết sức chờ đợi điều này, vì nhiều phương pháp tốt đẹp trong phát triển một đường lối chính trị mới đã bị kẹt lại trong tất cả những ủy ban quân quản địa phương đó. Ví dụ như trong việc tái hồi hương về nông thôn, người dân được hứa hẹn giúp đỡ rất nhiều về đất đai và lương thực cho tới vụ mùa kế tiếp. Nhưng khi họ về đến tỉnh của họ thì chính phủ quân đội ở đó thiếu điều kiện để giữ đúng những lời hứa đó.

Cả chúng tôi cũng rất mong chờ chính phủ dân sự, cái có thể định nghĩa dứt khoát thể chế của Trung Tâm và của terre des hommes. Bây giờ thì người ta nói rằng trong dự tính trước của các quyết định, chúng tôi sẽ được xếp vào trong hội Hồng Thập Tự (đã hợp nhất từ Hồng Thập Tự cũ và của MTGP) hay ít nhất là dứng dưới trách nhiệm của họ. Điều đó có nghĩa là những cố gắng của chúng tôi tại bác sĩ Thu đã không thất bại hoàn toàn, ngay cả khi cho tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một câu trả lời.

Chợ dược phẩm phát đạt – đặc biệt là trên đường Nguyễn Huệ – cần phải được ngăn chận. Theo thông báo của chính quyền quân sự thì chợ dược phẩm này thậm chí đã bị đóng cửa rồi. “Chợ quần áo” trước ngôi chợ trung tâm ít nhiều đã bị giải tán. Bộ đội luôn canh giữ để không có người phụ nữ buôn bán mới nào đến đây. Người ta chỉ tự hỏi là họ còn phải đứng đó bao lâu, vì những người phụ nữ buôn bán này đến đó ngay lập tức khi các bộ đội không nhìn tới đó nữa,

Rất đáng tiếc là công việc phục vụ y tế của Trung Tâm đã bị hạn chế. Ví dụ như ông bác sĩ đã thông báo. Mặc dù ông phải tham gia nhiều khóa học tập chính trị khác nhau và biết rất tốt ngôn ngữ của cách mạng, thì chính việc tiếp quản là lý do để ông ra đi. Lý do cá nhân của ông là ông không muốn làm việc cả trong thời gian rảnh rỗi của mình dưới sự chỉ huy của những cán bộ không biết chuyên môn. Một lý do chính thức cũng là việc chính phủ rõ ràng là không chấp nhận việc người ta làm việc ở hai nơi khác nhau, ít nhất là đối với nhân viên nhà nước thì không, và vì là bác sĩ của bệnh viện nên ông cũng là nhân viên nhà nước. Bà Mai cũng thông báo rằng bà sẽ hạn chế việc làm của bà ở một trạm hộ sinh, nếu như có thay đổi lớn trong nhà trẻ. Loại bỏ tình trạng làm việc ở hai nơi của nhân viên nhà nước nhanh hay chậm cũng là lý do khiến cho nhà trẻ hoàn toàn không có bác sĩ. Cuối cùng hiện nay tình trạng của Ariel cũng tồi tệ cho tới mức ông quyết định trở về Pháp. Điều đó có nghĩa là không còn một bác sĩ duy nhất nào làm việc ở chỗ chúng tôi.

Chờ thống nhất

12/08/1975

Trước sau người ta vẫn tự hỏi là có bao nhiêu việc trong công cuộc tái thống nhất đã đạt được rồi và khi nào thì nó sẽ được hoàn thành. Khái niệm Thống Nhất đã có một giá trị tuyên truyền lan rộng ngay từ khi cách mạng vào. Mặt khác, các tin đồn về những khác biệt đáng kể giữa MTGP Nam Việt Nam và đảng Lao động Bắc Việt vẫn không im tiếng. Đồng chí Nhiem của chúng tôi có lần đã nói với tôi rằng mọi quyết định có tầm quan trọng ở phía Nam của vĩ tuyến 17 đều chỉ được đưa ra ở Nam Việt Nam. Theo các thông tin khác thì tất cả giấy phép quốc tế, ví dụ như điều hành Làng Trẻ em SOS, đều phải được Hà Nội cho phép. Tức là điểm này trước sau vẫn còn chưa rõ.

Thế nhưng ý muốn tái thống nhất có mặt ở khắp mọi nơi. Các đài phát thanh từ Sài Gòn và Hà Nội thường xuyên đưa tin tức về việc này từ phần bên kia của đất nước. Vào ngày 2 tháng Chín, người ta cũng kỷ niệm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam. Ở Sài Gòn có thể nhìn thấy nhiều xe công vụ Bắc Việt Nam. Các phái đoàn thương mại và văn hóa dường như luôn có mặt trong thành phố. Ngược với những giả định trước đây, bộ máy hành chánh dường như nằm đa số trong tay Nam Việt Nam. Không ai biết rõ con số lớn lính Bắc Việt đã đi đâu, vì thời gian sau này nhiều người lính thường cũng là người Nam Việt Nam. Giờ đồng hồ đã được thống nhất, nhưng tiền thì chưa. Và khả năng đi từ miền Nam ra Bắc rõ ràng là cũng còn hạn chế. Việc sẽ có một chính phủ Nam Việt Nam rõ ràng là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa. Chỉ không rõ là khi nào thì điều này xảy ra và liệu chính phủ này có thể thực thi chủ quyền nhà nước của nó hay không.

Sài Gòn, tháng Sáu 1975, lính MTGP tham quan Sài Gòn

Sài Gòn, tháng Sáu 1975, lính MTGP tham quan Sài Gòn

Việc kiểm soát người ngoại quốc rời khỏi nước ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Ví dụ như người ta không được phép mang ra khỏi nước 10 cuốn băng thâu âm và 10 băng cassette, những cái thêm vào đó phải qua kiểm duyệt của Bộ Văn hóa Tuyên truyền. Cả sách cũng bị kiểm duyệt. Hàng lý trên máy bay về nguyên tắc là không có giới hạn, thế nhưng nạn quan liêu có mặt ở khắp nơi, gây rất nhiều khó khăn cho việc mang ra ngoài. Trong cùng chuyến bay đó, người ta chỉ được phép mang theo 20 kg. Phần hành lý còn lại (cho người Pháp với 2,5 dollar mỗi một kí lô tới Paris) phải được giao ra trước đó một ngày và đến một lúc nào đó thì sẽ đến nơi nhận. Không có bảo đảm. Tất cả những gì vượt quá ví tiền riêng của mình thì người nước ngoài đưa chúng cho các công ty vận tải, những công ty mà đã xây nhiều nhà kho khổng lồ rồi, nhưng lại không biết lúc nào giao thông hàng hải sẽ được tái thiết lập. Tôi chỉ hy vọng các đại sứ sẽ đến đây, mà sự hiện diện của họ có thể sẽ góp phần làm giảm nhẹ các quy định.

Sài Gòn vẫn bận rộn như mọi khi

13/08/1975

Hôm nay, tôi có dịp rời khỏi khu thành phố của Sài Gòn / Gia Định hai giờ đồng hồ. Chúng tôi đi xe tới trại mồ côi Da Phuoc, có lẽ là đã nằm ngoài vùng mà người nước ngoài được phép đi lại tự do. Tôi cảm thấy mình nhận được sự bảo vệ của chính quyền cách mạng, không tìm hiểu thêm, và cũng không có kiểm soát. Sau một thời gian dài, tôi lại nhìn thấy vùng nông thôn.

Thành phố đã trở nên sống động hơn với số lượng ô tô và xe gắn máy nhiều hơn, vì đã có thể mua xăng trên thị trường chợ đen dễ dàng hơn. Trong tiếng nói của cách mạng thì đó là “chợ trời”, vì nếu mà nó đen thì người ta thật ra phải tiến hành những biện pháp chống lại nó. Mặc dù vậy, lệnh cấm bán hàng không rõ nguồn gốc, không có kiểm soát, vẫn được treo lơ lững trên đầu những người bán. Nhưng dường như nó vẫn chưa thắng thế. Dọc theo đường Võ Tánh và Quốc lộ 1 theo hướng Thy Minh, một cái chợ bàn ghế khổng lồ đã thành hình, trong số đó có những món được thợ mộc làm mới, ví dụ như tủ chạm xà cừ.

Xe chạy ngang qua một chiếc xe tăng Xô viết cũ đã bị bắn cháy, có lẽ là chiếc cuối cùng mà người ta còn có thể nhìn thấy trong thành phố. Có thể nhận thấy rõ sự lan truyền của các cấp chính quyền cách mạng trong các ủy ban tự quản. Phục vụ cho việc này là những ngôi nhà mà sở hữu chủ của chúng phần lớn đã chạy trốn trước cách mạng. Những chữ cái vàng trên bảng màu đỏ công bố đó là gì: ủy ban nhân dân cách mạng, ủy ban văn hóa tuyên truyền, quân đội nhân dân, v.v. Trước lối vào thường là một cái cổng lớn có tấm hình được trang hoàng của Hồ Chí Minh với những tấm băng rôn. Thường có những nữ cán bộ mặc pyjama đen cầm súng ngồi ở trước để bảo vệ. Thế nhưng tình hình quân sự bây giờ dường như đã lắng xuống. Những khẩu đại bác quanh phi trường đã được mang đi khỏi. Dưới chế độ Thiệu, chúng luôn được hướng ra xa. Đất nước mang hình ảnh quen thuộc, khi người ta loại trừ cờ, băng rôn và những người lính bộ đội mới. Người ta vẫn bận rộn như mọi khi – có lẽ chẳng bao lâu nữa cũng sẽ rất thành công, vì bây giờ thì chiến tranh đã chấm dứt.

Trại mồ côi nằm trong một ngôi làng nhỏ và được một mục sư của một dòng Tin Lành thành lập. Vài ngày trước cách mạng, ngôi nhà của ông đã bị quân lính của chế độ cũ chiếm đóng, thế như họ chỉ chống cự lại với quân đội MTGP một cách yếu ớt nên những người chủ nhà chẳng bao lâu sau đã lại có thể dọn vào. Tôi không thể nhận ra dấu vết của chiến sự. Trại mồ côi đã thích ứng với thời kỳ mới. Trong phòng tiếp tân có một là cờ lớn của MTGP và hình Bác Hồ. Trong các lớp học là năm điều Hồ dạy cho trẻ em – một lời kêu gọi theo các nguyên tắc tiểu tư sản: học tốt, lao động tốt, vệ sinh, yêu tổ quốc, v.v. Thầy cô đã tham gia các khóa đào tạo chính trị và được phép tiếp tục làm việc. Con số trẻ mồ côi đã giảm từ 100 xuống còn 30. Chúng nhận phải nhiều thiếu thốn, vì sự giúp đỡ của cách mạng cho tới nay là ít ỏi. Da Phuoc tập trung trước hết vào trường học cho trẻ em ở bên ngoài. Đặc biệt một cô gái của trại – viên mục sư không bao giờ có mặt – để cho người ta vẫn còn có thể nhận rõ được một chút nào đó của hệ thống cũ. Trong chiếc quần rộng và chiếc áo dài thời trang, ngắn và trong suốt, y phục của cô ít phù hợp với những lời tuyên bố trực quan, ủng hộ cách mạng của trại hay cũng ít phù hợp với một người anh em mặc quần áo hoàn toàn đen theo phong cách của cán bộ. Nhiều điều trước sau vẫn còn mang tính hời hợt. Trong vòng bốn tháng của chế độ mới, người ta cũng không thể làm thay đổi hoàn toàn tâm lý xã hội.

“Wait and see”

26/08/1975

Áp phích thời đó của terre des homes

Áp phích thời đó của terre des homes

Tình hình trong Trung Tâm rất đáng tiếc là vẫn không thay đổi về cơ bản. Nhà trẻ chỉ làm việc với nửa con số trẻ em. Toàn bộ nhân viên – ngay cả ở nơi còn có công việc làm – hầu như không biểu lộ sáng kiến nào. Chỉ còn một vài nhân viên là báo nghỉ phép khi họ biến mất. Ban quản lý Trung Tâm của cách mạng rõ ràng cũng không làm gì nhiều hơn là giữ nguyên hiện trạng trong lĩnh vực vật liệu. Thậm chí nhà trẻ thì thiếu sữa để nuôi những đứa bé, mặc dù trong kho của chúng tôi vẫn còn có nhiều sữa cho tới mức chúng đủ dùng ba tháng cho toàn bộ các trại mồ côi trong tỉnh Gia Định. Dịch vụ y tế trong Trung Tâm hầu như đã sụp đổ hoàn toàn vì không còn có bác sĩ nữa. Ariel đang chuẩn bị trở về châu Âu. Bác sĩ Chinh đã xin nghỉ việc. Bác sĩ Trong đã chạy sang Mỹ. Viên bác sĩ của cách mạng cũng đã không xuất hiện từ một tuần nay. Chỉ còn lại bà bác sĩ Mai, nhưng bà cũng chỉ đến một tuần hai lần.

Điểm sáng duy nhất cho công việc làm trong tương lai là các điều tra nâng cao của một nhóm nhân viên được lựa chọn ra. Họ đã được Ban Xã Hội lựa chọn ra cho mục đích đó. Có lẽ là một chính sách nhân sự mới của các nhà cách mạng cũng đã được biểu lộ qua đó. Những nhân viên mà họ không thể sử dụng được thì họ cứ bỏ mặc đó. Trong văn phòng của Ban Xã Hội đã có một cuộc trao đổi công khai về công việc làm trong tương lai tại các trại mồ côi và nhà trẻ mà trong đó nhân viên một phần được tham dự như cán bộ, ngay cả khi các nhân viên xã hội và các y tá của terrre des hommes cảm nhận được rằng các nhà cách mạng tự hào nhìn chính bản thân họ như là những người chiến thắng. Đó rõ ràng là về việc tập trung các trẻ em mồ côi vào một vài tổ chức lớn, cũng thích hợp về chuyên môn để chăm sóc trẻ em. Các trại mồ côi nhỏ cần phải được giải tán. Ngoài ta, trẻ em cần phải được xếp nhóm theo tuổi.

Tuy giải pháp này không phải là ý muốn của tôi, nhưng hẳn là có định hướng tới phương án giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á. Tôi thì lại nghĩ đến việc lập thành những nhóm nhỏ từ các em có đội tuổi và giới tính khác nhau, mà trong đó độ lớn tối ưu của trại mồ côi là độ chừng 100 em. Tôi nhớ tới một tường thuật về Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên mà những cấu trúc cho một chương trình kỷ luật hóa như vậy đã là thành phần của một chế độ chuyên chế mới ở châu Á. Nhưng có lẽ là hoàn toàn không có nhiều cân nhắc về sư phạm được liên kết tới những giải pháp đó. Ít ra thì nhân viên chúng tôi – ngay cả khi chỉ là tám – cũng có việc làm và hy vọng là cũng góp phần làm thay đổi một cách tốt đẹp số phận của những đứa bé mồ côi.

Trong thời gian đó, Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chợ đen (hay “chợ trời”) bị đóng cửa qua khuyên bảo hay đe dọa. Nhiều đoàn vệ sinh đi quét đường phố. Cổng chào với hình Hồ Chí Minh và với những lời kêu gọi chính trị được xây ở lối vào những con đường nhỏ và băng ngang qua các con đường lớn, tất cả đều có màu vàng trên nền đỏ. Những câu khẩu hiệu chính trị không còn nhấn mạnh tới cuộc cách mạng ở Nam Việt Nam nữa, mà trước hết là đến việc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, mặc dù họ hầu như không xuất hiện ở Nam Việt Nam ngoài trừ trên các tấm băng rôn chính trị.

Cho tới nay, không ai biết có những gì đã được dự định trước cho ngày 2 tháng Chín. Người ta đoán là sẽ có duyệt binh và giải thích về tương lai Nam Việt Nam. Những người đặc biệt bi quan cho rằng sẽ không có một chính phủ Nam Việt Nam riêng, mà người ta sẽ tuyên bố tái thống nhất ngay lập tức. Ai mà biết được? Có người quả quyết rằng chừng nào bà Bình còn ở Bắc Việt Nam thì sẽ không có chính phủ Nam Việt Nam. Chỉ chừng nào quan điểm của Nam Việt Nam thắng thế thì bà mới vào Sài Gòn. Người ta tiếp tục đồn rằng sẽ có một loại tiền tệ mới. Nhưng trong bốn tháng qua đã có nhiều điều vẫn y như cũ, nhiều cho tới mức không thể chờ đợi được nhiều điều mới vào ngày 2 tháng Chín.

Áp phích của terre des hommes. Trên hình là hàng chữ "Trẻ em Việt Nam, bị thương trong chiến tranh, bị quên lãng trong hòa bình".

Áp phích của terre des hommes. Trên hình là hàng chữ “Trẻ em Việt Nam, bị thương trong chiến tranh, bị quên lãng trong hòa bình”.

Nhiều người lo sợ là tình hình kinh tế ở Nam Việt Nam đang từ từ đi tới một thảm họa. Giá cả tiếp tục tăng. Chỉ ở tại một vài loại hàng hóa là giá không tăng. Việc phân phát tem phiếu cho những loại hàng hóa quan trọng sống còn vẫn còn chưa hoạt động tốt. Phần lớn xăng trước sau vẫn được bán ở lề đường với giá 600 đồng. Bây giờ người ta mới nhận ra được là Nam Việt Nam phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ ở mức độ to lớn cho tới đâu. Bây giờ, vì không còn thị trường quốc tế nữa, ngày càng thiếu hàng hóa. Ví dụ như chúng tôi không ăn mứt nữa, đừng nói đến bơ. Còn có bánh mì cho tới chừng nào chỉ là một câu hỏi về thời gian. Trên thực tế là người ta không trồng lúa mì ở Việt Nam. Xăng, cái mà bây giờ vẫn còn được sử dụng, là do các nước xã hội chủ nghĩa khác tặng. Giá đường trong lúc này đã là 2800 đồng một kí lô. Việc đóng cửa “chợ trời” dược phẩm chỉ làm cho tình hình thuốc chữa bệnh của người dân thêm tệ hại. Không ai biết là còn có thể mua thuốc chữa bệnh ở đâu nữa. Các nhà thuốc tây gần như trống trơn, bệnh viện cũng hầu như không còn thuốc chữa bệnh nữa. Và các trạm y tế được thành lập ở tại tất cả các khómphường cũng có rất ít thứ. Công nghiệp dược phẩm còn làm việc với phần còn lại của nguyên liệu, nhưng không ai có thể giải thích là sản phẩm đi đâu. Ở nông thôn tình hình chắc hẳn còn tồi tệ hơn nữa, vì các trung tâm sản xuất thành thị vẫn còn được cung cấp tốt hơn. Nhiều người hy vọng sẽ có cải thiện nhờ vào vụ thu hoạch lúa sắp tới. Con số 170.000 người cho tới nay đã trở về nông thôn từ Sài Gòn ít hơn là tôi chờ đợi rất nhiều. Lý do cho điều này dường như là những lời hứa hẹn to lớn về sự giúp đỡ sáu tháng (cho tới vụ mùa kế tiếp), nhưng các ủy quan quân quản địa phương lại không có khả năng để thực hiện những lời hứa đó. Điều đó tất nhiên là đã làm giảm mạnh lòng sẵn sàng trở về nông thôn của người dân. Từ lâu rồi không còn ga nữa. Tất cả đều nấu với than đá hay dầu.

Lý do cho lần phá sản về kinh tế này cũng phải nằm trong sự quản lý kém cỏi: những lời đề nghị giúp đỡ, như của terre des hommes, còn chẳng được trả lời nữa. Trung Tâm lẽ ra có thể sử dụng một ngân sách lớn hơn rất nhiều, nếu như có kế hoạch thích hợp. Thế nhưng kế hoạch này không tồn tại. “Wait and see”, các đồng chí nói với tôi.

Một hiện tượng mới là những nghi thức mới của ngôn ngữ, khi đó là về chính trị. Thật là ngạc nhiên, người dân học những từ vựng mới đó nhanh cho tới đâu. Khi người ta diễn thuyết thì dường như là người diễn thuyết bấm nút để dùng vốn từ ngữ lặp đi lặp lại đó của cách mạng. Ngay cả trong những tường trình của các nhân viên xã hội chúng tôi bây giờ cũng xuất hiện những khái niệm như “cỗ máy chiến tranh Mỹ-Thiệu” và niềm mong muốn trở thành “một quốc gia hùng cường”. Ai phê phán cách mạng quá thường xuyên là “phản cách mạng”. Trong Trung Tâm, các nhân viên có trình độ đại học lao vào những xuất bản mới, trước hết là những định đề của Stalin về Chủ nghĩa Lê-nin. Trong lúc này, Stalin dường như là tác giả được mua nhiều nhất. Về Marx thì cho tới nay tôi chỉ nhìn thấy Tuyên ngôn Cộng sản . Thể theo đường lối đối nội theo Xô viết của Bắc Việt Nam, những tác giả như Mao cho tới nay không đứng trên danh sách đọc cho người dân Nam Việt Nam.

Trước sau tôi vẫn không biết rõ thật ra tại sao tôi lại ở đây và sự giúp đỡ của terre des hommes là để làm gì. Trung Tâm được lãnh đạo rất tồi và không có dự án. Giúp đỡ trực tiếp từ châu Âu không đi qua kiểm soát nhà nước. Mới đây, một con tàu chở hàng đã cập bến Đà Nẵng. Tôi không biết ai đã tiếp nhận hàng hóa và chúng được phân phát như thế nào. Hàng hóa cho terre des hommes cũng nằm trong cảng Sài Gòn từ một tháng nay. Chúng đã được gửi đi từ châu Âu lúc trước cách mạng, thế nhưng rồi vì những sự kiện ở Việt Nam mà được giữ lại ở Singapore. Cuối cùng, một chiếc tàu Xô viết đã mang chúng về Sài Gòn, nhưng tôi chỉ được thông báo mãi một tháng sau đó. Cho tới nay, tôi không thể mang những hàng hóa này ra khỏi hải quan được. Dường như là nhà nước chẳng hề quan tâm tới việc đưa thuốc chữa bệnh cho người dân. Tức là tôi hiện diện ở đây để làm gì? Có lẽ câu hỏi này sẽ được trả lời sau ngày 2 tháng Chín.

Lo ngại không có gì xảy ra tại các buổi lễ

02/09/1975

Hôm nay, một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử giải phóng của dân tộc Việt Nam được kỷ niệm: tưởng nhớ đến lần Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây 30 năm. Đối với Nam Việt Nam, lễ kỷ niệm này đặc biệt quan trọng, vì nền độc lập toàn vẹn đã đạt được. Cuối cùng thì lễ kỷ niệm ngày hôm nay đánh dấu tương lai của đất nước sẽ ra sao, người ta đi theo đường lối chính trị nào ở Nam Việt Nam và liệu Nam Việt Nam có tự giới thiệu mình với một giới lãnh đạo chính trị riêng biệt hay không.

Sài Gòn tháng 5 1975

Sài Gòn tháng 5 1975

Sài Gòn đã chuẩn bị từ nhiều ngày và tuần qua cho lễ kỷ niệm. Không chỉ tất cả những tấm bảng công cộng, thậm chí trạm xe buýt cũng được sơn bằng hai màu quốc gia vàng và đỏ, mà rất nhiều tấm băng rôn cũng như cổng khải hoàn cũng được dựng lên và được sơn cùng những màu đó, và một phần là do tiền từ người dân của những khu phố đó quyên góp. Những cổng khải hoàn đó đã được vội vã làm từ gỗ và tấm kim loại. Nổi bật ở giữa là hình Hồ Chí Minh, được bao bọc bởi những câu khẩu hiệu về chiến thắng của Đảng Lao động, tầm quan trọng của ngày 2 tháng Chín, v.v… Có một danh mục chính thức của những câu khẩu hiệu chính trị mà có thể đọc được ở khắp nơi trên tường của thành phố và không còn chỉ nhấn mạnh đến lần giải phóng đơn thuần Nam Việt Nam như tại lễ mừng trong tháng Năm năm nay. Ngoài ra, tường nhà đầy những tấm áp phích và những tờ dán tự làm khác. Người dân của từng khu phố đã tập dượt diễu hành cho lễ kỷ niệm hôm nay. Trên một số những đường phố vào những ngày trước đó, người ta cũng nhìn thấy những cô gái trong áo dài trắng và khăn quàng đỏ đi diễu hành cũng như nhiều đơn vị bộ đội. Mỗi một khu phố của Sài Gòn được đại diện bởi một phái đoàn trong cuộc duyện binh ngày hôm nay trước dinh Độc Lập. Những đoàn công nhân từ nhiều khu phố khác nhau đã quét sạch đường. Chợ đen đã bị dọn đi.

Những lá cờ cũ bị mưa gió làm cho phai màu, vẫn còn được treo ở trước phần lớn nhà dân từ lúc giải phóng, đã được thu hồi và rồi được thay thế bằng những lá cờ mới có màu sắc tươi đẹp vào ngày 31 tháng Tám. Ủy ban Quân quản cũng đã tuyên bố ngày thứ hai hôm qua là ngày lễ. Bù vào đó, người lao động phải vào văn phòng và nơi làm việc của họ vào ngày chủ nhật trước đó, nhưng thường chỉ là để tập trung học chính trị. Vào những buổi tối trước đó, giao thông cũng đã bị cản trở đáng kể bởi những cuộc luyện tập của Quân đội Giải phóng Nhân dân, chạy ngang qua dinh Độc Lập với xe tăng, xe tải, hỏa tiển SAM và đại bác.

Ngày hôm nay, chúng tôi không có ý định chiêm ngưỡng thêm một lần nữa toàn bộ kho vũ khí quân sự ở cuộc duyệt binh, nhất là khi lần này có những cảnh báo được lan truyền đi rằng du kích của quân đội đã tan rã của Thiệu sẽ tấn công buổi lễ này. Vì vậy mà mãi tới tám giờ tôi mới bị đánh thức dậy, khi máy bay phản lực MIG bay ầm ầm ở độ cao thấp qua thành phố và qua đó cho thấy cuộc duyệt binh đã kết thúc. Khi chúng tôi tuy vậy lại có mặt trên đường Hai Bà Trưng vào lúc khoảng mười giờ, chúng tôi vẫn còn nhìn thấy phần kết của cuộc diễu hành dân sự. Đàn ông, đàn bà và trẻ con, ở trước là những lá cờ của MTGP và Bắc Việt Nam cũng như hàng trăm hàng ngàn bức ảnh của Hồ Chi Minh, được tổ chức theo khu phố và các hiệp hội cách mạng, đang đi đều bước qua khán đài lớn vừa mới được tái dựng trước Dinh vài ngày trước đây. Tuy vậy, sự hiện diện ít ỏi của các nhân vật quan trọng cho thấy rằng không có sự kiện lớn nào cần phải được tuyên bố. Ngày mai, chúng tôi sẽ đọc được trên báo, ai có ở đó và ai đã đọc diễn văn. Thế nhưng trong so sánh với lễ mừng chiến thắng trong tháng Năm thì nhu cầu trật tự và kỷ luật của Bắc Việt Nam lần này đã có thể thấy rõ. Thay vì vui mừng và ngẫu hứng về nền hòa bình đạt được và về một chính phủ của nhân dân thì quan trọng hơn ở lần này là bước hành quân, tổ chức chính xác các đoàn người diễu hành ngang qua và sự hoạt động hữu hiệu của các thiết bị kỹ thuật. Các nhân vật quan trọng trên khán đài vẫy tay đều đặn và đồng thời, và những đoàn người diễu hành ngang qua hô to khẩu hiệu của họ theo đúng sự sắp xếp của người dẫn đầu tương ứng, được trang bị với một cái loa phát thanh cầm tay. Rõ ràng là những người Sài Gòn diễu hành ở đây cảm thấy hơi buồn cười khi ví dụ như trong câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” thì họ phải đồng thanh hô to “sống mãi”. Đồng thời, những lá cờ nhỏ bằng giấy được vẫy theo nhịp điệu trong không khí.

Để tạo khả năng tổ chức trật tự, cả một đạo quân bộ đội và những người công an mới trong bộ đồng phục màu nâu-hồng đã được đưa ra. Toàn bộ nội thành đều bị cấm vào, không chỉ cấm giao thông mà cấm cả người đi bộ không có nhiệm vụ tham gia vào cuộc diễu hành. Trạm y tế được thiết lập ở bên trong Nhà thờ Lớn cũng như ở chung quanh đó. Từ sau giải phóng, chúng tôi cũng biết tới những cái nhà vệ sinh di động nhỏ, rõ ràng là được các nhà kế hoạch xã hội chủ nghĩa có ý thức vệ sinh phát triển. Hôm nay chúng tôi nhìn thấy những cái xô nước tiểu, khi chúng đã đầy, được đơn giản đổ xuống các lỗ cống thoát nước của thành phố.

Chúng tôi đã để máy ảnh ở lại nhà, thì trong thời gian mới đây thường hay xảy ra việc là các bộ đội nghi ngờ hoạt động gián diệp và tịch thu máy chụp ảnh. Thật sự là chúng tôi không nhìn thấy ai chụp hình, thậm chí những ngươi trẻ tuổi cũng không, những người mà muốn có một bức ảnh cho cô bạn gái. Trước sau thì chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy một vài người ngoại quốc chụp hình. Từ vài tuần nay, con số người ngoại quốc, ít nhất là người ngoại quốc da trắng, đã giảm đi rất nhiều. Hầu hết những người còn lại cũng đang chờ một thị thực xuất cảnh.

Tôi không lo sợ sẽ có điều gì xảy ra trong ngày này, mà sợ là không có gì xảy ra. Nhưng trong thời gian hơn bốn tháng trôi qua kể từ khi giải phóng thì về cơ bản là chưa từng có điều gì gây chấn động đã xảy ra hay được tuyên bố, tại sao bây giờ nó lại cần phải xảy ra? Các thay đổi diễn ra mà không có báo trước và trong sự im lặng. Vì vậy mà trên đường trở về nhà, chúng tôi nhận thấy đó đã là một thay đổi lớn, khi đường Công Lý được đổi tên thành đường Giải Phóng.

Cuộc trao đổi với Hồng Thập Tự Việt Nam

4/9/1975

Hôm nay có một cuộc trao đổi với tổng giám đốc Hồng Thập Tự Việt Nam trong khu vực Hồng Thập Tự về công việc làm trong tương lai của terre des hommes ở Việt Nam. Tổng giám đốc Hồng Thập Tự là một bác sĩ Nam, người đã nói chuyện với Margrit Rohbani trước đó. Rõ ràng là ông đảm nhiệm bớt cho bác sĩ Hung, người cũng có mặt vài phút tại cuộc trao đổi. Đó là một cuộc trao đổi rất lâu mà trong đó tôi nhấn mạnh rằng terre des hommes rất muốn làm việc dưới sự lãnh đạo của Hồng Thập Tự Việt Nam và là từ nhiều lý do:

  1. Hồng Thập Tự làm việc tại mọi tỉnh
  2. Hồng Thập Tự có quan hệ quốc tế
  3. Theo quan điểm của chúng tôi, Hồng Thập Tự làm việc rất tốt,
  4. Chủ tịch Hồng Thập Tự, bác sĩ Thu là người đầu tiên xác nhận trên giấy tờ cho terr des hommes rằng sự hiện diện của hội là có ích cho công cuộc tái xây dựng.
Đường Phạm Hồng Thái, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Đường Phạm Hồng Thái, Sài Gòn, tháng Năm 1975

Thêm một lần nữa, tôi giải thích lịch sử của terre des hommes và những hoạt động của hội ở Việt Nam, về cơ bản cũng đã được trình bày trong quyển sách mỏng đề ngày 31 tháng Năm 1975 và đã được trình ra để xin phép được hoạt động. Tôi cũng giải thích quan hệ của chúng tôi với chế độ cũ, những cái tôi cho rằng rất lỏng lẻo đối với Bộ Xã hội và chỉ là có định hướng kỹ thuật với Bộ Y tế. Trên thực tế là chúng tôi hoàn toàn không có quan hệ nào với Hồng Thập Tự cũ, ngoài những điều khác là vì nguy cơ tham nhũng và sự cộng tác chặt chẽ của họ với chế độ cũ.

Tôi cũng giải thích rằng terre des hommes từ lâu đã sẵn sàng làm việc dưới MTGP ở Việt Nam, và ngay trước đây cũng đã cố gắng giúp đỡ trong các vùng đã được giải phóng.

Sau khi trình bày tỉ mỉ về công việc làm của chúng tôi và phê bình thật mạnh từ phía tôi hướng tới ban lãnh đạo của Trung tâm Y tế Xã hội, tôi được yêu cầu hãy đưa ra một vài đề nghị cho công việc làm trong tương lai của terre des hommes. Những đề nghị do tôi đưa ra là những đề nghị sau: Hồng Thập Tự tiếp nhận tất cả nhân viên cần thiết; tiếp nhận mọi tài sản còn lại của Trung tâm Y tế Xã hội; Giải tán Trung tâm ở vị trí hiện nay; Tiếp tục các hoạt động trại mồ côi trên toàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồng Thập Tự; Tiếp tục và mở rộng Trung tâm Dinh dưỡng; Xây dựng một nhà trẻ kiểu mẫu.

Về các phương tiện sẽ có thì tôi không thể đưa ra những hứa hẹn dứt khoát, nhưng hẳn là có thể đưa ra ngân sách cho năm 1975. Bác sĩ Nam hứa sẽ đến thăm Trung tâm trong những ngày tới đây để có được một ấn tượng cá nhân. Sau đó, các đề nghị của chúng tôi sẽ được soạn thảo cùng với những ý tưởng của cách mạng trong một ủy ban của Hồng Thập Tự và sẽ trình cho chúng tôi.

Chở bàn ghế ra khỏi Trung tâm Y tế Xã hội

6/9/1975

Hôm qua, văn phòng xã hội Gia Định, thời gian sau này đã sáp nhập với Sở Thương binh Xã hội, đã lấy một số lớn bàn ghế và dụng cụ văn phòng ra khỏi Trung tâm bằng hai xe tải, để có thể trang bị cho văn phòng mới, riêng của họ. Điều này diễn ra mà không có thỏa thuận với chúng tôi. Hôm trước đó, ông Nghiem chỉ tình cờ đưa ra lời nhận xét rằng trong những ngày tới đây ông muốn lấy đi vài cái máy đánh chữ v.v. Tôi đã phản đối sau đó, rằng tốt hơn thì hãy đợi xem vai trò trong tương lai của terre des hommes và của Trung Tâm là vai trò gì. Sau đó thì người ta có thể biết là đồ vật nào thừa. Tôi đã quan sát lần chở đi bàn ghế đi mà không đưa ra lời bình phẩm nào, nhất là khi cả Nhiem cũng không hiện diện mà chỉ gửi vài đồng chí đến.

Tuy vậy, vào buổi chiều, tôi đã đến gặp đại diện của chủ tịch Hồng Thập Tự, để trình bày sự bất bình của tôi về hành động này. Tôi đã trình bày ý muốn của tôi, rằng người ta nên nói thẳng với chúng tôi là liệu terre des hommes nói chung là có cần làm việc gì trong tương lai hay không, và nếu như có thì việc gì? Trong lúc đó, tôi đã nói rõ ý muốn của chúng tôi là chúng tôi thích cộng tác với Hồng Thập Tự hơn là với Sở Thương binh Xã hội. Cả ngày trời, tôi cũng như nhiều người trong số nhân viên rất chán nản trước biện pháp mà người ta đối xử với chúng tôi. Thậm chí một vài nhân viên xã hội còn rơi nước mắt nữa, khi họ nhìn thấy Trung tâm Y tế Xã hội bị tháo dỡ đi. Trước sau họ vẫn không biết điều gì sẽ xảy ra với chính họ. Họ chỉ nhìn thấy lần chở bàn ghế đi, vì vậy mà đội ngũ của “Chương trình cho gia đình nghèo” bây giờ tiếp tục ngồi trên chiếu để đan áo, vì vẫn còn chưa có việc làm.

Bù vào đó, Trung tâm Y tế Xã hội đã nhận được một cuộc sống mới cùng với những đứa bé bị liệt đã dọn về đây từ Trung tâm Hồi phục. Ngược với những lời quả quyết của ông Nhiem, tất nhiên là người ta đã không chuẩn bị trước điều gì ngoài những gì mà chính người của chúng tôi đã làm: ví dụ như sơn lại những chiếc giường cũ còn lại, vì những chiếc giường tốt hơn – đã được sơn xong – đã bị phòng Xã hội Gia Định lấy đi mất. Trong chuyến đi chơi đầu tiên vào thành phố Sài Gòn, thành phố mà những đứa bé từ Trung tâm Phục hồi còn chưa nhìn thấy kể từ khi các em trở về từ Vientiane, một chuyến tham quan cuộc triển lãm tội ác của chế độ Mỹ-Thiệu được tiến hành. Triển lãm này rất tốt. Đối với những người bộ đội ở cổng vào, tất nhiên đó là một điều kỳ lạ, khi nhìn thấy người nước ngoài, trông không giống người Mỹ, bước vào cuộc triển lãm này.

Đứng chụp hình với đồng hồ và xe gắn máy

7/9/1975

Hôm nay, Siriporn đi sao ảnh hộ chiếu cho tôi, vì tôi cần giấy tờ mới để đăng ký chiếc xe công vụ của chúng tôi. Cô ấy tháo tấm ảnh từ trên thẻ căn cước chính thức của Bộ Ngoại giao và đi tới một cửa hiệu chụp ảnh ở gần nhà. Khi cô ấy muốn lấy những tấm ảnh sao vào buổi chiều thì chúng vẫn còn chưa xong. Vì vậy mà cô ấy có thể quan sát một anh bộ đội để cho chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau khi thương lượng giá cả xong, anh ấy hỏi người chủ tiệm rằng anh có thể chụp ảnh cùng với chiếc xe gắn máy được dựng ở gần đó hay không. Tất nhiên là người chủ đồng ý, vì người ta sẵn sàng làm nhiều việc cho những ông chủ mới. Rồi anh bộ đội nhìn thấy một cái đồng hồ trên tay của một nhân viên. “Anh ơi, tôi mượn đồng hồ anh tí có được không?” Cả điều đó cũng được cho phép. Rồi anh bộ đội làm dáng trên chiếc Honda, với cái đồng hồ trên tay, môi trên hơi nhếch lên để người ta có thể nhìn thấy chiếc răng vàng, trước hậu cảnh là một ngôi nhà xưa ở Huế. Ánh mắt của Siriporn gặp ánh mắt của người chủ tiệm và người ta cười.

Sài Gòn, 1975

Sài Gòn, 1975

Thời gian sau này, các bộ đội đã đánh mất nhiều sự kính trọng, vì người Sài Gòn nhận ra rằng tính đơn giản của  họ không phải là sự thể hiện của một quá trình phát triển tính cách một cách đặc biệt hay của một quá trình giáo dục sâu sắc. Ở Sài Gòn, bộ đội rơi vào tất cả những cái bẫy và sự quyến rũ của chế độ cũ và của nền kinh tế tư bản. Sự điên cuồng mua sắm của họ, cái đã dẫn tới tham nhũng như bán xăng nhà nước, hiện nay đã làm cho người Sài Gòn bực tức. Trong khi người dân thường phải bán bàn ghế và những đồ vật khác của họ với giá rẻ mạt ở trên chợ đen để có đủ cái ăn, thì đó chính là các bộ đội, những người mua lại tất cả mọi thứ. Cả một cái chợ bán đồng hổ đã thành hình, phần lớn nằm trong tay những gã trông giống như du đãng và các bộ đội không hiếm khi bị lừa ở đó. Thời gian sau này, các bộ đội đã có thêm nhiều biểu tượng địa vị: giày cao su hiện nay đã hiếm khi nhìn thấy. Dưới bộ quân phục màu xanh thỉnh thoảng có thể nhìn thấy được một cái áo len cổ lọ, không ít người trong số họ đeo một cái kính mát. Nhiều chiếc xe gắn máy hiện nay đã là vật sở hữu của bộ đội, và không ít thành viên giao thông khác đã phải bực tức khi nhìn thấy những người lính này học cách lái xe gắn máy và trong lúc đó thì không hề quan tâm tới hết thảy các luật lệ giao thông. Mới đây, một người cảnh sát giao thông mới đã bực tức nói với một anh bộ đội: “Chúng ta không phải ở trong rừng, đây không phải nơi muốn lái xe như thế nào thì lái.”

 Thật ra thì chỉ có tham nhũng mới tạo khả năng cho các bộ đội đi theo những quyến rũ vật chất theo cách này. Vì chính thức thì tiền lương của họ với khoảng 3000 đồng thấp cho tới mức nó hầu như không đủ cho bất cứ một sự hoang phí nhỏ nào như đi xe buýt. Ngoại trừ tiền lương, quân đội chỉ đảm bảo cuộc sống, lương thực, thuốc lá, v.v. Hoàn toàn không còn đủ tiền để mua đồng hồ và Honda. “Chiến lợi phẩm Nam Việt Nam” to lớn không hề dễ dàng tiêu hóa cho Bắc Việt Nam và cho MTGP Nam Việt Nam sau những năm khó khăn thiếu thốn. Trong bài diễn văn của mình nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày tuyên bố độc lập của Bắc Việt Nam, Phạm Văn Đồng đã có ý muốn nói tới sự xét lại của chủ nghĩa xã hội. Có thể là ông đã nhận ra rằng tình hình trong miền Nam không phải là sẽ không có ảnh hưởng tới miền Bắc và qua đó là đến một nước Việt Nam thống nhất.

Cửa hàng trở thành hợp tác xã

8/9/1975

Từ lúc bàn ghế bị lấy đi khỏi Trung tâm Y tế Xã hội, tôi làm việc hướng đến một sự cộng tác chặt chẽ với Hồng Thập Tự một cách có hệ thống. Tôi tạm thời không quan tâm tới một sự cộng tác với Sở Thương binh Xã hội. Hôm nay, trong lúc thăm viếng ngẫu nhiên bác sĩ Hung, ông ấy giải thích với tôi rằng Hồng Thập Tự cũng không đồng ý với hành động đó của Sở Thương binh Xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc phê bình nặng nề một đồng chí, nhất là nó được nói với một người nước ngoài.

Cũng tại cơ hội này, tôi đưa ra những bản sao của tin báo về việc dược phẩm và những thứ khác đã đến cảng. Những món hàng này đã được gởi đi từ châu Âu lúc trước giải phóng. Cảng trước sau vẫn còn đóng cửa, ngoại trừ những chuyến hàng đặc biệt. Con tàu mang đến trước hết là vật phẩm của UNICEF cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Nhưng cho tới ngày hôm nay, Hồng Thập Tự vẫn không thể lấy hàng hóa ra khỏi cảng được, vì đối với cả các đồng chí này thì những quy định mà Ủy ban Quân quản đặt ra cũng không phải là những quy định có thể dễ dàng vượt qua được. Nếu như cuối cùng hội Hồng Thập Tự có thể lấy được hàng hóa của chính họ thì họ cũng sẽ có khả năng nhận được những món hàng của terre des hommes.

Một cảnh thời bao cấp

Một cảnh thời bao cấp

Ngoài ra, hôm nay, lần đầu tiên kể từ khi Ban Xã hội tiếp quản Trung tâm, sữa bột được phân phát với số lượng tương đối lớn từ kho của chúng tôi. Đến các trại mồ côi và nhà trẻ ở Gia Định. Cuối cùng thì cũng có một phần đóng góp của terre des hommes để làm giảm bớt khó khăn đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Các bao tải vẫn còn ở trong một tình trạng tương tốt mặc cho chuột và độ ẩm đã thâm nhập vào. Trong số tròn 300 bao chỉ có một vài bao bị hưu hại, nhưng ngay cả số này cũng vẫn còn dùng được,

Hôm nay, giám đốc của chúng tôi, ông Nhiem, đến đây với một lời đề nghị thân thiện. Ông ấy muốn cung cấp cho người Âu chúng tôi lương thực thực phẩm và thuốc lá với giá nhà nước. Ví dụ như hai kí lô đường hàng tháng. Đó là gấp đôi những gì một gia đình bình thường nhận được. Giá còn là 1000 đồng, thế nhưng giá nhà nước này rẻ rất nhiều so với giá 2200 đồng của thị trường tự do. Ông cũng lấy được bảy tút thuốc lá cho tôi. Cuộc cách mạng trong phân phối hàng hóa bây giờ đã xuất hiện rõ nét hơn. Ngày càng có nhiều “hợp tác xã” xuất hiện, những cửa hàng bán hàng hóa theo giá chính phủ. Đó là những cửa hàng cũ, trước đây được điều hành theo các nguyên tắc tư bản. Những người chủ của họ rõ ràng là thấy trước được các phát triển mới và biến đổi chúng thành những hợp tác xã tiêu thụ.

Tổ chức biểu tình chống tư sản mại bản

12/9/1975

Từ hai ba ngày nay, chính quyền cách mạng đã công khai tuyên bố cuộc đấu tranh chống tư sản mại bản người Hoa. Qua đó, một cái van cho tình hình khó khăn về kinh tế ngày một lớn hôn của người dân đã được tạo thành. Trên những đoàn người biểu tình, được tổ chức trước hết là từ “Thanh niên Giải phóng” và “Phụ nữ Giải phóng”, xuất hiện những băng rôn sau đây: “Chúng làm giàu trên xương máu nhân dân”. Những cuộc biểu tình chống tăng giá này diễn ra ở chợ và trong các cửa hàng. Thế nhưng phần lớn người dân nghèo thì lại bực mình về “những cuộc biểu tình theo mệnh lệnh”, vì theo họ thì chính sách tồi tệ của chính quyền mới là cái đã đẩy giá cả lên cao, chứ không phải lòng tham của những người sở hữu những cửa hàng nhỏ, những người mà hầu như không có thu nhập. Thế nhưng chính bản thân nó thì đây là cuộc đấu tranh của chính quyền cách mạng chống lại đại tư sản và tư sản mại bản người Hoa. Trước đây hai ngày, Ba Nhiem nói rằng người ta đã chiến thắng một phần ở đây. Vì vậy mà chính quyền có đủ gạo cho người dân. Chiến dịch cũng được tiến hành trên báo chí, Tin Sáng đưa ra tên họ của những kẻ bóc lột quan trọng nhất, trong đó cũng có cả một “vua gạo” và một “vua vải”. Ở một số tên họ bị tố cáo công khai, người ta cũng tố giác cả việc cộng tác với cỗ máy chiến tranh của Thiệu.

Khó khăn về kinh tế bây giờ cũng bắt đầu cho nhân viên của Trung tâm, sau khi terre des hommes giao lại quyền lãnh đạo. Để không mâu thuẫn với các văn phòng khác, lương cơ bản bây giờ được ấn định là 10.000 đồng, và là cho tất cả mọi người. Trước đây, lương tối thiểu đã là 20.000. Nhưng thêm vào đó tiền trợ cấp gia đình và mười kí lô gạo. Tiền lương cơ bản 10.000 đồng chỉ tương ứng với khoảng 15 USD, rất ít so với giá cả đắt đỏ cho hầu hết các loại thực phẩm.

Ngoài ra, dịch vụ bưu điện quốc tế đã mở cửa lại kể từ ngày 1 tháng Chín, thế nhưng tôi chưa thử xem nó kéo dài bao nhiêu lâu và cần phải thực hiện đầy đủ những thủ tục nào.

Thư gởi Milo Roten ở Đức

“Vẻ ngoài óng ánh vàng” của Mặt trận Giải phóng, sáng lấp lánh như thế trong tuyên truyền quốc tế, đã lộ ra chỉ là vẻ ngoài. Những tường trình có lẽ là rất tiêu cực, mà các anh có được ở châu Âu, là đúng, và tôi sẽ cung cấp thêm một tường trình như vậy nữa, không phải để bôi nhọ Chính phủ Cách mạng Lâm thời, mà chỉ để kín đáo giúp các anh đánh giá tình hình ở đây một cách thực tế.

Để làm việc này, tôi dùng bức thư của anh vào ngày 29 tháng Tám làm cơ sở, vì vẫn còn nhiều hy vọng được thể hiện ở trong đó, những hy vọng mà cả chúng tôi cũng đã có trước đây, và là những hy vọng mà ngày nay chỉ còn có thể tạo niềm vui cho sự kiểm duyệt. Nó đã bắt đầu với sự kiểm duyệt, vì chúng tôi chỉ nhận được một bản sao qua Hà Nội. Nhưng qua nhiều con đường khác, chúng tôi biết từ Trung tâm Phục hồi, rằng đã có một lá thơ của anh tới trước đây, cái mà chúng tôi không bao giờ nhìn thấy. Có thể đó là bản gốc của lá thư mà bây giờ chúng tôi đang có được bản sao.

Chúng tôi cũng có những trải nghiệm tương tự như vậy với các đồ vật được gởi từ Vientiane cùng với lần chuyển những đứa bé về Sài Gòn. Qua điện tín, chúng tôi biết được là cũng có cả 3000 dollar cho chúng tôi ở trong đó. Mãi cho tới khi hỏi Hồng Thập Tự, người ta mới trả lời cho chúng tôi rằng số tiền này đã được giữ lại để chi trả cho thời gian trú ngụ trong Trung tâm Phục hồi. Chúng tôi chỉ nhận được số tiền mặt cho các em ở Đà Lạt cũng như các báo cáo y khoa.

Các anh vui mừng là terre des hommes tới nay vẫn còn có thể giúp cho trẻ em nghèo ở Việt Nam. Nếu như thật sự là như vậy thì tôi đã không quyết định rời khỏi đất nước này cả ngàn lần rồi. Ngoại trừ các đứa bé Đà Lạt và 38 trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng tốt của nhà trẻ thì người ta có thể nói rằng tất cả mọi chi tiêu đều là vô ích hay không có giá trị nào khác ngoài việc giữ vững sự hiện diện của terre des hommes ở Việt Nam cho tới chừng nào mà sự lộn xộn về quản lý hành chánh, cái đang thống trị ở đây, giảm bớt đi một chút. Vì vấn đề chính không phải là việc terre des hommes có thể có một thanh danh không tốt mà là việc các nhà cách mạng còn phải học cách nắm quyền một đất nước, và còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề nội bộ và quốc tế. Thêm vào đó là những cám dỗ của một thành phố mà đối với những người cách mạng là tương đối giàu có như Sài Gòn. Thói xấu cũ, tham nhũng, dường như cũng không đứng lại trước những người giải phóng. Và người dân thì không còn nhiều nhẫn nại nữa. Nếu như terre des hommes vẫn kiên trì ở lại đây thì điều này có thể được diễn giải như là một tạm ứng niềm tin thật lớn cho cách mạng.

Thời gian sau này, tôi xem việc Trung tâm Xã hội được chuyển giao qua cho phòng Xã hội Gia Định là một sự phát triển rất xấu, vì các cán bộ hay lãnh đạo của Trung tâm Y tế Xã hội gắn kết sự thiếu thốn kiến thức chuyên môn về hành chánh và chính sách xã hội với sự chuyên quyền độc tài, cho tới mức mà người ta muốn nói về tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa thì ít, mà nói về sự chuyên quyền phương Đông thì nhiều hơn, nếu như được phép. Anh cũng có thể tưởng tượng là điều đó gây ấn tượng nào cho các nhân viên người Việt, khi ông Nhiem vào tối thứ bảy hay chủ nhật đi vào nhà kho của Trung tâm trong màn đêm và lấy đi vài loại thuốc chữa bệnh hay vài hộp sữa. Vì vậy mà tính cơ hội lại trỗi dậy trong Trung tâm. Những kẻ cơ hội viết – có lý do hay vô cớ – nhiều lá thư tố cáo chống lại các nhân viên khác trong phòng Xã hội và hy vọng có được một con đường thăng tiến ở bên cách mạng.

Tôi có ấn tượng rằng thất thoát vì trộm cắp trong những ngày này cao hơi là ở dưới thời terre des hommes chịu trách nhiệm. Vì ông Nhiem không chỉ thiếu một tầm nhìn bao quát, mà còn chỉ có mặt ở đây 2-3 ngày một lần thật ngắn ngủi. Thật ra thì ngay từ đầu chúng tôi đã muốn tránh không cho phòng Xã hội tiếp quản. Thế như khi ông Nhiem nhận được mệnh lệnh tương ứng từ bên quân quản thì chúng tôi không thể phản đối được.

Tôi không hoài nghi, rằng các cán bộ cao cấp và có tinh thần trách nhiệm đang có những kế hoạch chi tiết cho công tác xã hội trong tương lai. Nhưng chúng không được biết tới, hay là không được công bố, và những gì mà người ta thực hiện về mặt vật chất cho người dân, cho trẻ mồ côi và cho những nhóm ở rìa xã hội, là hoàn toàn không đầy đủ và đối với tôi nói chung là nằm dưới mức của chế độ cũ. Một trong những lý do khách quan, ngoại trừ cách tổ chức không tốt của hệ thống hiện nay, tất nhiên là việc thiếu tiền và thiếu vật chất vì Mỹ chấm dứt viện trợ và vì những vụ trộm cắp kinh hoàng của những người phản cách mạng mà bây giờ đang sống ở Hoa Kỳ.

Tôi đồng ý với anh, rằng nếu đứng dưới sự lãnh đạo của Hồng Thập Tự thì đó là một việc đáng mừng. Tổ chức này có liên hệ quốc tế và bây giờ cũng hoạt động rất tích cực ở Việt Nam. Hai người đại diện mà tôi vừa làm quen với họ có vẻ như đang cố gắng để đừng đưa ra những quyết định tài tử. Nhưng tôi không muốn đánh thức dậy những ảo tưởng mới trong tôi. Chúng tôi đã đề nghị giúp đỡ hàng chục lần và cho tới nay vẫn còn chưa có câu trả lời, rằng sự giúp đỡ của chúng tôi có thể được sử dụng theo cách nào, mặc dù các vấn đề ở Việt Nam còn cấp thiết hơn trước đây nữa. Bản thân tôi không còn muốn ở lại đây mà không có thể làm được việc gì hợp lý. Cho tới tháng Mười, nếu Hồng Thập Tự không có khả năng đưa ra một câu trả lời nào đó cho tương lai, thì tôi sẽ ra khỏi nước. Trên thực tế, điều này có nghĩa là: chỉ còn hoạt động của Trung tâm Sư phạm Đà Lạt, nếu như việc trở về nói chung là có thể cho tới cuối năm. Margrit đã đặt ra giới hạn thời gian này (cho tới bắt đầu sang năm mới), nếu như công việc làm tiếp tục thêm hai năm của chị ấy trong vai trò trước đây không được chính quyền ở đây xác nhận và mong muốn.

Tôi phải thay đổi quan điểm ban đầu của tôi, không xen vào giữa hai cơ quan khác nhau của hệ thống, vì rất nhiều cơ quan đứng trong một cuộc tranh giành quyền lực liên tục và cạnh tranh với nhau, và hầu như không thể nhận ra một quyền lực nhà nước trung ương được. Terre des hommes không còn có sự lựa chọn nào khác hơn là cùng bước vào trong đấu trường, nếu như chúng tôi không muốn bị nghiền nát. Trung tâm đã phải chịu đựng nhiều việc và người ta chỉ còn có thể hy vọng rằng những mảnh còn lại có thể được gắn ghép với nhau một cách hữu ích càng nhanh càng tốt, để mang lại thành quả cho trẻ em Việt Nam. Thật là chán nản khi nhìn thấy bao nhiêu đó tính sẵn sàng ở nhân viên của Trung tâm Y tế Xã hội bị lãng phí và thậm chí còn bị đánh mất nữa. Tôi sẵn sàng cộng tác trong một thời gian dài, để ghép những mảnh rời đó trở lại thành một ngôi nhà mới. Nhưng trong thời gian tới đây, nếu hệ thống này cho thấy rằng nó không có khả năng chỉ cho chúng tôi một chỗ đứng rõ ràng hay có thể là một câu trả lời từ chối, thì tôi sẽ không ở đây lâu nữa. Tôi hy vọng là các anh hiểu được điều này.

Mặc cho lời phê phán này, cái phải được che dấu trước những người phản cách mạng để họ đừng lợi dụng nó, điều chắn chắn là về mặt khách quan thì Việt Nam đang cần đến sự giúp đỡ và tình đoàn kết quốc tế hơn bao giờ hết. Cả các cán bộ cao cấp cũng không hoài nghi điều này. Và tôi thấy rằng terre des hommes cũng được coi trọng. Ít nhất là đối với tôi thì hình thức hợp tác quốc tế vẫn còn chưa rõ ràng, và cả đường lối xã hội cho tương lai nữa. Tệ hại là việc những vấn đề này không thể được giải quyết nhanh hơn, khi mà sự giúp đỡ đang được cần đến một cách cấp thiết tới như vậy. Tới một ngày nào đó thì tất cả những sự phát triển không hay này cũng sẽ được xóa bỏ. Câu hỏi chỉ là khi nào? Chúng ta cần phải hy vọng rằng những hy sinh cho tới chừng đó là không quá lớn.

Cung cấp thiếu thốn

19/9/1975

Mẹ và em gái của Ariel hiện giờ đã rời khỏi nước sau nhiều khó khăn. Mặc dù họ là người Ấn có quốc tịch Pháp, cơ quan di trú không muốn cho họ ra đi, vì họ sinh ra ở Việt Nam và cư ngụ ở đây. Và những người này được đặt vào hàng cuối cùng trong số những người ngoại quốc đang chờ đợi, nhìn theo nhiều góc khác nhau. Ariel chỉ thành công với lý lẽ rằng anh từ Pháp sang đây là chỉ để đón họ. Vào một ngày nào đó, anh nhìn thấy tên mẹ và em gái của mình, hoàn toàn không biết trước là họ có thể ra khỏi nước, trên một danh sách được treo hàng ngày trước Bộ Ngoại giao: các hành khách có thể rời khỏi nước với chiếc máy bay kế tiếp. Mẹ của Ariel không thấy điều gì quan trọng hơn là việc đến thăm ngôi mộ người chồng quá cố của bà. Chuyến bay đã được dự định cho ngày kế đến. Vì vậy mà chỉ còn có buổi trưa để mang hành lý đến Air Vietnam (bây giờ là Air Giải Phóng). Nữ trang có giá trị cao không qua được kiểm soát. Người ta phải bán chúng lại cho Ngân hàng Quốc gia. Một anh bộ đội kiểm tra đến cả phần bên trong của cây dù, để xem người ta có nhét kim cương vào trong đó hay không.

Bây giờ thì bộ đội cũng đến tận nhà ở để kiểm kê các đồ vật còn lại. Ariel nhận xét, rằng ông vẫn còn sống ở đây. “Tôi là con trai của người chủ nhà.” Nhưng anh không phải là sở hữu chủ. Cuối cùng, các bộ đội đồng ý không kiểm kê một số đồ vật nhất định mà Ariel muốn mang đi, và anh có thể “quản lý” ngôi nhà cho tới khi ra đi. Các bộ đội cũng lo ngại rằng chiến lợi phẩm này có thể lọt vào tay người khác.  Nếu như có ai đó từ phường hay khóm muốn kiểm kê thêm một lần nữa thì anh cần phải nói là người ta đã làm rồi. Và nếu như những người khác vẫn không muốn từ bỏ ý định của họ thì Ariel cần phải báo ngay cho các bộ đội biết. Chỉ còn có thể đưa ra thêm nhận xét rằng một bộ đội đã lén nhét ba băng cassette vào trong túi quần: tất cả đều là nhạc “đồi trụy”.

Ngay cả những người không tham gia chiến đấu cũng muốn có phần chiến lợi phẩm. Một nữ nhân viên của chúng tôi mới đây nhận được một lá thư từ Hà Nội, nhờ cô mua một cái quạt máy và những dụng cụ điện khác. Tất nhiên là cô không biết lấy tiền ở đâu ra để mua, bởi tất cả những thứ đó có ở trên chợ cũng là vì người Nam Việt Nam phải bán trang bị nội thất của họ đi để có tiền sinh sống.  Tất cả các phản ứng này của những người giải phóng từ Bắc Việt Nam sau công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa 20 năm quả thật là bất ngờ. Và ngụ ý nằm trong bài diễn văn kỷ niệm Quốc Khánh của Phạm Văn Đồng, rằng cả chủ nghĩa xã hội ở Bắc Việt Nam cũng phải được cải tổ, đã nhận được thêm một ý nghĩa có thể hiểu được.

Tình trạng kinh tế của người dân vẫn tiếp tục xấu đi. Ngoại trừ gạo, cái được những công ty thành lập chuyên cho việc này bán ra với giá chính thức, thì bây giờ phường nhận việc bán những món hàng hóa khác theo giá chính thức. Chúng tôi được báo trước một ngày khi có phân phối cho tháng này. Với Tờ Khai Gia Đình của họ, mỗi gia đình đều có thể mua được những món hàng hóa giá rẻ này. Cho chúng tôi thì đó là hai gói miến (220 đồng), hai gói thuốc Ruby (760), hai gói [thuốc lá] Bastos lux (260), một gói Bastos bleu (110), một cục xà phòng (85), một tuýp kem đánh răng (200), 100 gam bột ngọt (380) và một gói đường nhỏ, độ 200 gam (180). Khi nghĩ rằng lần phân phối này là cho một tháng, và khi nghĩ rằng người trong Trung tâm của chúng tôi nhận lương không nhiều hơn 10.000 đồng, thì chúng hoàn toàn không đầy đủ.

Tết Trung Thu và đổi tiền

19/9/1975

Hôm kia và hôm qua, trẻ em ở Việt Nam mừng Tết Trung Thu, một lễ hội vào giữa mùa Thu. Cả lần này thì người ta cũng làm những cái lồng đèn nhiều màu để trẻ con cầm chúng đi trên đường phố vào ban đêm. Thế nhưng nhà nước không bỏ lỡ cơ hội để mang lại cho lễ hội mang tính truyền thống Nho giáo – duy linh này một nét chính trị – cách mạng. Vâng, cán bộ trên cả nước ít nhiều đều được kêu gọi hãy tổ chức lễ hội cho trẻ em một cách thích hợp. Vào những ngày trước đó, thành viên của Thanh niên Giải phóng đã đến từng nhà trong nhiều khóm để xin tiền quyên góp. Cuối cùng, vào thứ sáu vừa rồi, chúng tôi nghe được một buổi lễ tổ chức Tết Trung Thu qua loa cho tới tận nhà của chúng tôi. Trẻ em hát những bài ca về Hồ Chí Minh và về lần giải phóng Nam Việt Nam. Thật ra thì chúng tôi rất tiếc là không thể đi đến đó được. Nhưng là người nước ngoài thì chúng tôi cảm thấy mình thừa thãi tại một lễ hội truyền thống như thế này, trước sự tránh né và khước từ người nước ngoài nói chung. Trước dinh Độc Lập cũng có một khán đài lớn được dựng lên, và người ta nhìn thấy một bức ảnh của Hồ Chí Minh đang vuốt tóc một em bé. Cũng đã có những bài hát nhi đồng về Hồ Chí Minh và Tết Trung Thu. Tôi ngẫu nhiên nghe được một bài như vậy tại một lễ hội nhỏ của những đứa bé bị liệt nửa người, được tổ chức trong Trung tâm. Các em đã học nó ở trong trường của Trung tâm Hồi phục, vừa mới mở cửa và hầu như chỉ gồm trẻ em của cách mạng. Trong Trung tâm Hồi phục cũng có một lễ mừng có trẻ em tham dự, do những người tàn tật tổ chức, có cả trẻ em mồ côi tham dự. Làm không tệ.

Tờ tiền 2 đồng của MTGP

Tờ tiền 2 đồng của MTGP

 Mặc dù người ta cho rằng đã có một vài người biết trước, nhưng lời tuyên bố đổi tiền vào ngày hôm nay bất ngờ giống như một tia sét đánh xuống từ bầu trời mà trước sau gì thì cũng đã xám xịt. Ngay từ trong đêm của ngày trước đó, tôi đã đoán là sẽ có việc lớn xảy ra, thậm chí cũng đã nghĩ là có thể sẽ đổi tiền. Sau nửa đêm, xe gắn loa chạy xuyên qua thành phố và thông báo một điều gì đó mà tôi không thể hiểu được. Đáng chú ý là thông báo này đến sau 24 giờ, tức là bắt đầu giờ giới nghiêm, và là đêm chủ nhật nên nó phải có ý nghĩa nào đó cho tuần mới sắp bắt đầu. Vào ngày hôm sau, chúng tôi biết được là loa không phải thông báo đổi tiền, mà chỉ báo trước sẽ có một tin tức quan trọng vào lúc năm giờ sáng qua truyền thông. Người ta ban hành giới nghiêm có hạn chế cho tới mười một giờ sáng. Người đi bộ và đi xe đạp được phép đi lại trong khu phố của họ và cũng được phép đi vào thành phố, nhưng bị kiểm soát rất nghiêm ngặt. Cấm giao thông cơ giới. Việc đổi tiền được tiến hành ngay lập tức. Vào buổi sáng cho tới mười một giờ, người dân phải kê khai số tiền mặt của họ. Điều này phải được tiến hành tại các cơ quan tự quản ở địa phương, tức là tại các ủy ban cách mạng của khóm, phường, quận, v.v., tùy theo tổng số tiền mặt. Các văn phòng này phải được xem như là chi nhánh của ngân hàng nhà nước và cũng được ghi rõ là như vậy. Dần dần thì mới rò rỉ ra chính xác hơn về việc đổi tiền như thế nào. 500 đồng của “chế độ cũ Sài Gòn”, như bây giờ người ta nói một cách thân thiện hơn, đổi lấy một đồng tiền mới. Cho dù người ta có khai báo bao nhiêu đi chăng nữa thì số tiền mới được trao trực tiếp ngay cho cá nhân cũng bị giới hạn: cho gia đình (với tờ khai gia đình), 100.000 đồng tiền cũ được đổi ngay lập tức, cho cá nhân không có gia đình thì chỉ được 15.000. Phần tiền còn lại bị tạm thời giữ lại, nhưng người ta nói là được phép đổi ở ngân hàng trong những ngày tới đây. Mãi đến chiều mới có tiền, khi giới nghiêm được bãi bỏ. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy ít có những biện pháp an ninh phòng ngừa, lúc người ta thật sự cầm được tiền mới trong tay. Chỉ trước ngân hàng TT là có nhiều cảnh sát. Những xe nào không phải đến để nhận tiền đều bị xua đuổi đi ngay lập tức. Một người Đức, đã giao ra tiền Việt của ông ở đó, bị hỏi rằng tiền lương của ông là bao nhiêu. Ông nói rằng được trả tiền lương ở Đức. Tiếp theo đó, người ta nói với ông rằng ngày hôm sau hãy quay trở lại. Vấn đề đó không cấp bách đối với các cán bộ. Trung tâm Y tế Xã hội đã vội vã đếm tiền. Chính bản thân tôi cũng có một số tiền mặt của terre des hommes trong nhà riêng và thành thật đưa nó vào két sắt. Trong Trung tâm, chúng tôi chờ đại diện của Sở Thương binh Xã hội, những người phải giải quyết vấn đề này vì họ là những người quản lý. Vào buổi trưa, chúng tôi mang toàn bộ tiền đến nơi đó, người ta đếm và giữ số tiền đó lại. Khi nào thì tiền mới được phát ra cho các tổ chức xã hội và bao nhiêu thì vẫn còn chưa rõ. Rõ ràng là một số lớn các tổ chức xã hội từ Sài Gòn Gia Định đã gửi tiền của họ ở đây.

Tờ 50 đồng tiền MTGP

Tờ 50 đồng tiền MTGP

Tiền mới trông khá ngộ nghĩnh, với những tờ tiền thật nhỏ và những trang trí kỳ lạ. Hình trên đó rõ ràng là có liên hệ tới cuộc đấu tranh giải phóng ở Nam Việt Nam, và qua đó dường như chỉ được dùng cho Nam Việt Nam. Bản thông cáo chính thức về lần đổi tiền này cũng được Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký tên. Người ta nhìn thấy trên tiền này xe tăng, cờ của MTGP v.v. Tiền này cũng đã mang tính lỗi thời, cuộc chiến đã qua rồi. Một chi tiết nhỏ mà tôi lúc nào cũng nghĩ về nó là câu hỏi tại sao các tờ tiền này được đánh dấu 1966. Nếu như thời điểm in tiền đã lâu như vậy thì có lẽ là người ta đã có kế hoạch lưu hành một loại tiền tệ mới vào một thời điểm sớm hơn rất nhiều – có lẽ là trong vùng giải phóng.

Những người giàu, vẫn còn vài triệu đồng tiền mặt, hết sức tức giận và phải cố gắng lắm mới che dấu được sự bực tức của họ. Họ lo mất sự giàu có đã được tích trữ lại ở đó của họ. Điều này không phải là hoàn toàn vô cớ, vì bây giờ thì lần đổi tiền rơi vào đúng giữa thời gian của chiến dịch chống lại những kẻ bóc lột tư bản. Có thể là lần đổi tiền này theo đuổi mục đích chính trị, lấy đi sự giàu có còn được tích trữ lại đó và hướng sự phê phán về tình trạng kinh tế tồi tệ của đất nước tới những người tư bản (trước hết là người Hoa). Vì cho tới nay, thì theo tôi, đổi tiền không phải là một trong những biện pháp cấp bách nhất trong chính sách kinh tế. Hôm nay vào lúc giữa đêm, toàn bộ việc khai báo và giao tiền phải chấm dứt. Nhưng chắc chắn là sẽ còn kéo dài sang những ngày tới đây nữa. Cửa hàng đóng cửa cả ngày. Vì không ai có tiền, và khi những người đầu tiên ngập ngừng đi tìm thuốc lá vào buổi tối (mà giá đã tăng cao tới mức hãi hùng trong ngày), thì vẫn còn chưa có giá theo tiền mới. Chỉ có giá theo tiền cũ: những tờ 50 đồng tạm thời vẫn còn có giá trị và nhận được trị giá của một xu, đơn vị con của đồng. Ngày mai, trên chợ hẳn sẽ có cảnh lộn xộn về giá cả, vì vẫn còn chưa có mức giá mới cho nhiều loại hàng hóa khác nhau. Tuy vậy, người ta cũng thông báo là sẽ có một tuyên bố quan trọng mới qua đài phát thanh và truyền hình vào lúc năm giờ sáng ngày mai. Chúng tôi hồi hộp chờ xem liệu qua đó có một chính sách giá cả mới được thành lập hay không.

Tin đồn và chứng loạn thần kinh trong lúc đổi tiền

25/9/1975

Lần đổi tiền rõ ràng là đã góp phần khiến cho người dân thêm bực tức về tình trạng kinh tế của họ. Trong khi đó, các tầng lớp dân nghèo thật ra hầu như không có gì để lo lắng. Nhưng tại bất kỳ sự thay đổi nào, người dân thường vẫn lo mất vài đồng xu của họ cũng giống như những người tư bản lớn, là những người bị nhắm tới qua hoạt động này. Đã xảy ra những sự cố rất đáng tiếc trong hoạt động mà ngoài ra thì được lập kế hoạch khá tốt. Ví dụ như người dân phải đứng xếp hàng trước trụ sở của khóm cho tới khuya ngày 22 tháng Chín, và tuy vậy vẫn hoài công chờ đợi. Ngay cho tới ngày hôm sau đó, một vài người vẫn còn chưa nhận được 200 đồng tiền mới của họ, mà mãi tới ngày thứ ba. Các trại mồ côi và tổ chức xã hội, đổi tiền qua cơ quan nhà nước lãnh đạo họ, còn phải chờ lâu hơn như vậy. Ví dụ như Trung tâm Y tế Xã hội vẫn hoàn toàn không có khả năng mua được thứ gì sau ba ngày trời, vì ông Nhiem còn chẳng mang lại một phần nhỏ của số tiền mới nữa. Người ta phải ăn cơm với nước mắm, mặc dù chợ đã họp lại. Trung tâm Đà Lạt, là khách trong Trung tâm Y tế Xã hội, có thể dễ dàng đổi tiền hơn, vì vẫn còn bán độc lập và người ta trực tiếp đi tới ngân hàng. Vào ngày thứ ba, Son có thể đưa ra 200 đồng và qua đó cũng đã góp phần tạo khả năng cho nhà bếp nấu thức ăn – ngay cả khi phải tiết kiệm.

Tờ 5 đồng của MTGP

Tờ 5 đồng của MTGP

Ngoài ra thì tin tức trên báo chí đã làm cho người dân lo sợ, mà theo đó thì mãi một tháng rưỡi sau người ta mới có thể lấy thêm được từ số tiền còn lại ở ngân hàng. Thêm vào đó là các tin đồn rằng bộ đội đã đổi trực tiếp những số tiền khổng lồ của người giàu, nhưng trong lúc đó thì đã thu về cho họ hơn 50 phần trăm. Những tin đồn này có đúng hay không thì tôi khó có thể nói được, nhất là khi tôi không thể nhìn thấy được những sự việc đó diễn ra như thế nào, khi mà người ta kiểm soát chặt chẽ như vậy. Đối với người dân, những câu chuyện như vậy là một chỉ dấu cho tham nhũng. Nhưng chính quyền cách mạng hẳn đã bất ngờ về việc có bao nhiêu tiền nằm trong giới tư nhân. Chúng tôi quen biết nhiều gia đình mà chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng họ có nhiều triệu đồng tiền mặt ở trong nhà, vì không ai tin tưởng vào ngân hàng.

Thật ra, mục đích của lần đổi tiền là xác định có bao nhiêu tiền đang lưu hành, và rồi mang số vốn này vào trong tầm tay của nhà nước, để mà có thể quyết định trong bất cứ trường hợp nào là liệu việc sử dụng số tiền đó có nằm trong lợi ích của công cộng hay không. Những người giàu rõ ràng rất sợ lần đổi tiền này. Có tin đồn là những người kê khai số tiền lớn sẽ bị đưa ra trước tòa án nhân dân để trình bày tại sao họ lại có nhiều tiền mặt như vậy. Thậm chí còn có cả nhiều vụ tự tử nữa. Một người Hoa giàu có được cho là đã đốt hết tất cả tiền giấy của mình trong một ngôi chùa và rồi đã tự cắt cổ. Người ta chỉ có thể lắc đầu trước những chứng loạn thần kinh của sự tôn sùng vật chất như vậy. Bản thân tôi thì không tin là chính phủ sẽ tiến hành tổ chức các tòa án nhân dân, vì cho tới nay hầu hết các biện pháp đều được tiến hành theo con đường hành chánh. Đối với chính phủ thì chận tiền lại ở ngân hàng và sử dụng chúng cho đầu tư v.v.. là đã đủ. Trong tương lai, người ta cần phải có lý do để lấy tiền ra khỏi ngân hàng, những cái sẽ được ban hành chánh xem xét và có thể bị từ chối, nếu như việc này không phục vụ cho lợi ích công cộng hay không phục vụ cho cuộc sống cá nhân của sở hữu chủ.

Bằng cách này, vấn đề tiền nhà của chúng tôi cũng sẽ được giải quyết. Trước đây một tháng, chúng tôi đã xin chủ nhà giảm bớt tiền thuê nhà, vì điều này bây giờ là thông thường. Thế nhưng ông ấy đã từ chối, rõ ràng là vì tiền thuê nhà đối với ông ấy vẫn còn là nguồn thu nhập lớn nhất. Ông ấy cũng cố giữ vững giá trị của ngôi nhà ngay lập tức, vì rất có thể là chính quyền cách mạng không cho rằng gia đình của ông – ngay cả khi là một gia đình lớn – cần tới ba ngôi nhà. Trong những ngày vừa rồi, một người môi giới đã tới với một người muốn mua. Nhưng bây giờ thì lần đổi tiền đã phá hủy mọi sự toan tính. Người mua chắc chắn mà không còn có đủ tiền nữa (bằng tiền mới), và ngay cả số tiền thuê nhà của chúng tôi cũng còn chắc chắn nữa. Để trả tiền nhà, tôi phải làm đơn gửi đến ngân hàng. Thế nhưng rất có thể là giá thuê nhà 70.000 (140 đồng tiền mới) sẽ được xem là cao và người ta không muốn lại phải bãi bỏ lần bình đẳng hóa số tiền mặt nằm trong tay tư nhân. Không loại trừ khả năng người chủ nhà sẽ không nhận được gì, ít nhất là trong một thời gian nhất định.

Hai ngày sau lần đổi tiền có một tuyên bố quan trọng của Chính phủ Lâm thời: nhiều mặt hàng cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống, không được phép bán trên thị trường tự do nữa. Được dán lên trên khắp các tường nhà là thông báo quy định giá cả cho những loại này. Theo đó, không cửa hàng nào được phép bán các loại hàng hóa này với giá đắt hơn. Thế nhưng ngày hôm qua và hôm nay cho thấy rằng người ta không thành công nhiều cho lắm ở khía cạnh này. Giá cả còn tăng cao hơn nữa cho phần lớn mặt hàng. Không có “cảnh sát giá” để mà thực thi quy định này. Và người dân dường như cũng không thích thú với việc yêu cầu bộ đội can thiệp. Nhưng thông cáo này dường như cũng chỉ là chương đầu tiên trong việc tiến hành thực thi giá bảo đảm cho các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống. Có thể là chính phủ sẽ phản ứng bằng cách đóng các cửa hàng không giữ đúng quy định, hay là các của hàng này tự đảm nhận việc này, như việc thành lập các “hợp tác xã” (có lẽ đúng hơn là hợp tác xã tiêu thụ) đã báo trước.

Tham nhũng trong đổi tiền

27/9/1975

Việc tổ chức đổi tiền hiện nay đã lan rộng ra thành một sự hỗn loạn. Từ các thông tin mới đây trên báo chí, người ta có thể suy ra là tại sao tham nhũng lại có thể xảy ra lúc đổi tiền. Bộ đội và cán bộ có thể đổi tiền không giới hạn, và tiền cũ thì còn có thể giao cho ngân hàng cho tới hết ngày 30 tháng Chín. Hiện nay, một loạt tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức đã đưa tiền của họ cho Sở Thương binh Xã hội, vẫn còn chưa có tiền mới. Người ta nói rằng các xơ Công giáo đã bật khóc khi nhìn thấy 100 đồng đầu tiên, số tiền mà mãi sau nhiều ngày họ mới nhận được, vì đến ngày đó thì họ đã hết khả năng nuôi những đứa trẻ mồ côi của họ.

Tờ 10 đồng tiền MTGP

Tờ 10 đồng tiền MTGP

Vào lúc đầu, không có quy định rõ ràng nào cho người nước ngoài. Một người Anh đi đến khóm, và sau khi nhận được một tờ giấy để điền vào đó sau nhiều giờ chờ đợi thì mới biết rằng ông cũng có thể đổi tiền ở ngân hàng. Thế là ông đi đến ngân hàng, và sau khi đổi được số tiền theo quy định cho ông thì ông trở về khóm, trình số tiền ra và nói rằng bây giờ có thể gạch tên ông ra khỏi danh sách những người còn chờ. Nhưng vào lúc mười giờ tối, cán bộ của khóm đến gõ cửa nhà ông và muốn tiến hành đổi tiền, vì bây giờ đến lượt ông. Lấy tiền ra từ tài khoản rõ ràng là cũng không thể được cho tới hôm nay, thứ bảy. Những người cố thử ở tại ngân hàng Thương Tín vào ngày hôm nay nghe một người cầm loa đi khắp ngân hàng: “Thông tin quan trọng, tiền hôm nay đã hết.” Người ta phải trở lại vào ngày thứ hai. Hiện giờ đã có nhiều cố gắng xoa dịu trên các báo. Người dân được cho là vui mừng vì tiền Ngụy đã biến mất. Các vấn đề đã được nhanh chóng giải quyết. Các gia đình với ngân quỹ riêng biệt, được ghi nhận trong tờ khai gia đình, bây giờ có thể nhận được số tiền riêng tương ứng cho họ. Trong những ngày tới đây có thể rút được cho tới 400 đồng tiền mới. Những tiếng hô hào cảnh cáo, đặc biệt là chống tăng giá, bị lên án là sai và xuất phát từ nguồn phản cách mạng.

Bây giờ thì người dân lo ngại là toàn bộ nhà ở sẽ bị lục soát. Người ta nói rằng ở một vài khu phố đã có xe gắn loa chạy xuyên qua và thông báo rằng tin giới nghiêm 24 giờ là sai. Tôi cũng có nghe tin đồn này, sau khi chính phủ có ý định kiểm kê hay chiếm lấy các dự trữ tiền, đá quý và ngoại tệ. Biện pháp này không phải là vô cớ, vì trong những tuần và tháng trước đó, người ta mua bán những thứ này trên chợ đen rất nhiều, cho tới mức phải phỏng đoán là có nhiều kho tàng to lớn ở nằm trong tay tư nhân. Vì các doanh nhân thật sự khôn ngoan thì chắc chắn là không trữ với số lượng lớn loại tiền mặt cũ của chế độ Thiệu, mà ai cũng biết rằng một ngày nào đó nó sẽ không còn có giá trị nữa.

Đi dạo phố

12/10/1975

Hôm qua lại là thứ bảy, là ngày mà chúng tôi lúc nào cũng đi dạo trong khu trung tâm. Ở cạnh quốc hội cũ, bây giờ là một nhà hát, có một băng rôn lớn với cờ của Bắc Việt Nam, Mặt trận Giải phóng và của Lào: kỷ niệm 30 năm ngày khởi nghĩa giành độc lập ở Lào. Trên quảng trường trước đó, các bộ đội đang tập đi đều bước. Hầu như không còn có thể tưởng tượng ra được một hình ảnh thành phố mà không còn có họ nữa. Họ ngồi trong các cửa hàng, nói chuyện phiếm với các chủ quán cà phê, chơi bóng bàn trên những con đường nhỏ cạnh đường Tự Do hay tập bắn súng. Từ sau cách mạng, ngày càng có nhiều người trong số họ chuyển về Sài Gòn. Dường như đó cũng là chính sách có toan tính trước, rằng các bộ đội không chỉ sống trong các quân trại kín cửa hay trong các cơ quan quân đội, mà cũng đi vào quần chúng. Nhiều ngôi nhà cá nhân hay phòng riêng đã bị bộ đội chiếm đóng. Thêm vào đó, một loạt gia đình có các thành viên mà lúc trước đi theo quân giải phóng và bây giờ thì đã trở về. Qua đó, tiếp xúc với người dân đã được nhanh chóng thành lập.

Bùng binh chợ Bến Thành, tháng Năm 1975

Bùng binh chợ Bến Thành, tháng Năm 1975

Tôi không rõ hệ thống mệnh lệnh hoạt động như thế nào ở hình thức rải rác này. Có lẽ là cả trong Maquis thì sự phân tán cũng lớn, nhưng tuy vậy vẫn cần phải có một hệ thống mệnh lệnh có hiệu quả cao. Vì vậy mà nhìn bề ngoài thì quân đội này là quân đội chểnh mảng nhất thế giới. Trước con mắt nhìn của tất cả mọi người, họ phạm phải những lỗi lầm khôi hài nhất trong lúc tập luyện, ví dụ như đá vào mông của người đi trước. Và ở trước dinh Độc Lập thì có đôi lúc người ta phải tìm nơi ẩn nấp, vì các bộ đội ở đó tập bắn bia giấy. Hôm kia, dưới trời mưa, chúng tôi nhìn thấy các bộ đội kéo xuyên qua phố những phần đã được tháo rời ra của một khẩu đại bác. Trong thời gian vừa qua, người ta nhìn thấy rất nhiều nhóm đeo hành trang. Người dân nói là bây giờ, trận đánh cuối cùng với những phần chống đối còn lại từ quân đội của chế độ Thiệu sẽ bắt đầu. Những người khác quả quyết rằng đó chỉ là diễn tập chiến đấu, để giữ tư thế sẵn sàng cho quân đội. Sự kính trọng các bộ đội không được nhiều cho lắm ở trong lòng người dân Sài Gòn. “Ngây thơ, không có học, không thân thiện” là những từ còn tương đối ôn hòa dành cho họ.

Tôi tiếp tục đi trên đường Tự Do. Nhiều tiệm đã đóng cửa. Một vài tiệm trong số đó đã nhận chức năng mới, thể theo chính sách của cách mạng, như là cửa hàng bán gạo nhà nước, như là cơ sở bán ra của một công ty dệt may mà hiện nay đã đứng dưới quyền kiểm soát của nhà nước, là văn phòng của một cơ quan chính phủ tại địa phương, ví dụ như Phòng Văn hóa và Tuyên truyền của quận 21 [?] gần khách sạn Majestic, nơi mà người ta có thể ngắm hình ảnh từ cuộc đời của Hồ Chí Minh.

Khách sạn Caravelle, đã tạm thời đóng cửa cùng với các nhà báo Phương Tây cuối cùng rời khỏi nước và rồi chỉ tiếp đón khách chính thức, bây giờ đã mở cửa lại như là quán ăn nhân dân. Những kẻ ngồi trên hàng hiên ở đó đúng chính xác là những người mà người ta đã đóng dấu với từ là “Ngụy”: giới trẻ và giới buôn bán khá giả, mặc quần áo thời trang, vẫn còn mang định hướng Hoa Kỳ hay Pháp. Người dân thì không có tiền để ít nhất là uống một ly cà phê ở đây.

Nhiều hộp đêm trước đây cũng đã mở cửa lại, nhưng là “quán cà phê”. Cũng vẫn là những cô gái đó, phong cách cũng chỉ sáng sủa hơn một chút. Ngoài ra thì những quán này vẫn còn lôi kéo đúng những người trước đây.

Ý định của Margrit, phóng ảnh ra từ một cuộn phim, đã thất bại vì giá cả. Giấy ảnh đã đắt tiền hơn. Trên đường đi tới “chợ trời” ở đường Nguyễn Huệ, tôi nghe được những đứa trẻ em ở phía sau tôi đang đoán tôi là người nước nào. Pháp, Anh, Đức, Xô Viết, đó là những lựa chọn phổ biến nhất.

Hiện nay, khó khăn về kinh tế ngày càng lớn hơn. Con số người bệnh tâm thần cũng rõ hơn. Một người nằm ngay trên đường Nguyễn Huệ và la hét. Ông ấy chắc chắn là đói ăn. Ô tô chạy vòng tránh ông ấy. Sau đó, tôi thấy ông ấy lảo đảo đi trên đường phố. Ông tấn công một người đi xe đạp, người mà không thể chống cự lại được do đang ngồi trên xe. Một người đàn ông trẻ tuổi khác bước tới ông ấy và có ý nói ông hãy đi khỏi đó đi. Người xem từ “chợ trời”, nơi mà trước sau vẫn bán đủ mọi thứ từ cái vặn vít cho tới máy truyền hình, bắt đầu thưa dần. Giá cả đã lại tăng lên thêm một chút, mặc dù vẫn còn rẻ hơn nhiều khi so với trong các cửa hàng khác. Người dân bán đồ của họ, và những người mà có thể mua chúng thì cũng không có nhiều tiền. Người ta nhìn thấy trước hết là bộ đội đứng trả giá mua đồng hồ và ra điô.

Lần trở về nông thôn đầy khó khăn

13/10/1975

Cố gắng của chính quyền mới, thúc đẩy người dân từ thành phố trở về nông thôn, về mặt khách quan là đúng và được tiến hành với công sức tuyên truyền rất lớn. Ví dụ như khu đô thị Sài Gòn có gần bốn triệu người – đứng trong một tỷ lệ bất xứng thật lớn với tổng cộng 19 triệu dân cư trong toàn Nam Việt Nam. Chạy trốn bom đạn và cưỡng bức di tản trong thời chính phủ Thiệu đã dẫn đến việc là nhiều phần lớn người dân đã tìm công việc làm trong khu vực thứ hai và thứ ba của các thành phố, và khu vực thứ nhất, trước hết là sản xuất nông nghiệp, ngày càng giảm đi. Vì vậy mà Nam Việt Nam, đã từng là một trong những nước xuất khẩu chính, bây giờ phải nhập nhiều gạo. Sự phát triển này cũng phản ánh tình cảnh không tốt của một nền kinh tế ăn bám trong chiến tranh và bây giờ cần phải được dẫn trở về một mức độ bình thường. Đứng trước các thiếu thốn về kinh tế và con số ít ỏi những phương tiện sẵn có, kể cả của chính phủ, thì ý định đó chứa đựng nhiều khó khăn. Người ta cho rằng chính phủ muốn sau này Sài Gòn không có nhiều hơn một triệu dân cư. Thế nhưng kết quả cho tới bây giờ, năm tháng sau khi chiến dịch bắt đầu, vẫn còn nghèo nàn. Theo tường thuật báo chí, không có nhiều hơn 240000 người rời thành phố.

Sài Gòn tháng Năm 1975

Sài Gòn tháng Năm 1975

Trong số những người muốn trở về nông thôn tất nhiên là có nhiều người còn sở hữu ruộng đất mà bây giờ có thể tiếp tục trồng trọt ở đó hay có thể sử dụng với cường độ lớn hơn qua các thành viên gia đình trở về từ các thành phố. Chính phủ đã tạo ra Vùng Kinh Tế Mới cho những người không có đất đai. Đó thường là đất chưa được khai phá. Tức là không phải tái canh tác những mảnh đất đã bị bỏ hoang, mà là mở rộng diện tích trồng trọt. Trong khi mô tả những “Vùng Kinh Tế Mới”, rất đáng tiếc là tôi chỉ có thể dựa vào những gì mà người ta thuật lại. Và theo những lời ta thán của họ, và đứng trước sự miễn cưỡng làm theo lời của chính phủ, thì tất cả những người khởi hành đi tới những vùng đất mới đều đứng trước một cuộc sống hết sức cực nhọc gian khổ. Các trợ cấp của chính phủ hoàn toàn không hấp dẫn. Như người ta nói, ở một vài vùng, chính phủ chỉ đơn giản là cho ba năm gạo và một ngôi nhà lá do sinh viên dựng lên trước đó. Đất thường rất bất lợi, vì đất tốt hơn đã được giao cho các gia đình đứng gần với cách mạng. Người ta cũng tường thuật về những ngôi làng mà trong đó một cán bộ đã tổ chức lao động theo các nguyên tắc tập thể. Người ta cùng nhau làm công việc, ngay cả nhà của những người mới đến cũng được cùng nhau xây lên. Vào buổi tối, các cư dân phải họp lại để Học Tập, tức là những khóa học chính trị. Mới đây, tôi có nói chuyện với một cô nhân viên xã hội đã được đưa vào danh sách ứng viên cho các vùng kinh tế mới sau ba tháng học tập. Sau một tháng, ba nhóm nhân viên xã hội đã chỉ có thể thúc đẩy được chín gia đình đi về cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng đó là những gia đình nghèo cho tới mức họ không có lối thoát nào khác. Những gia đình khác lo sợ một tương lai mù mịt, đói ăn, bệnh tật, vì hệ thống hạ tầng còn lâu mới được xây dựng, đất xấu, mìn, thiếu nước và cuối cùng là một sự kiểm soát cá nhân và chính trị còn nghiêm ngặt hơn là được tiến hành ở Sài Gòn. Trong tất cả các phường đều có một văn phòng riêng cho việc trở về nông thôn. Nhưng người ta chỉ nhìn thấy rất ít người đến đó. Thỉnh thoảng, người ta nhìn thấy những đoàn xe với gia đình và đồ đạc nghèo nàn của họ chạy về nông thôn. Nhưng cho tới nay rõ ràng là không nhiều hơn 240.000.

Ngay cả khi những khó khăn trông dường như vô tận vào ngày hôm nay, có lẽ là vào một ngày nào đó thì dân cư của những vùng kinh tế mới sẽ là những người tiến bộ nhiều nhất trong cuộc xây dựng một nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, trong khi chính phủ mãi sau này mới tiến hành tái tổ chức nông nghiệp trong những vùng đã được khai phá từ lâu và có địa chủ cũng như đại địa chủ.

Giải phóng, nhưng không có cách mạng

14/10/1975

Sau một thời gian tương đối dài, tôi lại cầm lấy các bài viết của Erich Wulf. Và dường như điều đó lại được xác nhận thêm một lần nữa, rằng có một sự khác biệt lớn giữa những gì mà cánh tả mới ở châu Âu và châu Mỹ hiểu dưới khái niệm chủ nghĩa xã hội và những gì đang xảy ra trong Thế giới thứ Ba, lớn cho tới mức người ta không muốn tin rằng điều đó được đặt dưới chung một khái niệm. Và sự thất vọng, hay ít nhất là sự buồn chán của giới cánh tả châu Âu thì thật là lớn khi họ phải đối mặt với thực tế này. Điều này có thể được chứng minh từ những bài viết trong hai số ra của tạp chí Kursbuch trước đây một vài năm. Lần Nam Việt Nam sụp đổ, mà vào lúc người ta soạn thảo các bài viết đó thì còn chưa xảy ra việc này, dường như đã cung cấp một minh chứng mới cho sự hiểu lầm to lớn này.

Sài Gòn, ngày 26 tháng Năm 1975

Sài Gòn, ngày 26 tháng Năm 1975

Cuộc đấu tranh ở Nam Việt Nam trước hết là một cuộc đấu tranh giành lại độc lập từ sự thống trị của người nước ngoài. Giải phóng khỏi ảnh hưởng văn hóa quá lớn từ nước ngoài, đặc biệt là trong tư tưởng của Bắc Việt Nam, chính là tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân, mà bây giờ thì không còn chống người Pháp nữa, mà là chống người Mỹ, những người tại Hội nghị Genève năm 1954 đã ngăn cản không cho toàn bộ Việt Nam độc lập. Quan điểm của Bắc Việt Nam, rằng đó là tiếp tục cuộc đấu tranh của Việt Minh, cũng có tầm quan trọng cụ thể về mặt chiến lược quân sự. Vì cùng với việc chính danh hóa cuộc tiến quân vào miền Nam, nơi kẻ thù vẫn còn chiếm giữ, người ta có thể gởi những đơn vị khổng lồ qua vĩ tuyến 17. Họ chính là cái đã đẩy chế độ Thiệu đến chỗ sụp đổ, chế độ mà trong tiếp tế quân sự không còn có thể dựa vào một nước Mỹ chống cộng sản vô điều kiện nữa. Quân du kích địa phương hay cả quân đội chính quy, chỉ gồm toàn người Nam Việt Nam, đã không nhanh chóng có được khả năng đó. Đó không chỉ là từ lý do về con số và vì được trang bị kỹ thuật yếu kém, mà còn vì thiếu kiến thức công nghệ nữa. Về miền Nam thì người ta có thể đi thêm một bước nữa, và nói rằng đó chỉ là lần giành lấy quyền lực chính trị. Lực lượng sản xuất còn chưa đạt tới mức mà một cuộc cách mạng xã hội xảy ra. Cuộc cách mạng xã hội bây giờ phải được tiến hành dưới tiếng rên xiết của người dân và với kiến thức nghèo nàn của con số cán bộ mà dù sao đi nữa thì cũng quá ít. Và nếu như miền Bắc, nơi các lực lượng sản xuất và công cuộc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa đã phát triển, không giúp đỡ về mặt cán bộ, thì người ta phải lo ngại là các vấn đề còn to lớn hơn nữa.

Người ta hẳn có thể gọi những gì đã diễn ra cho tới ngày 30 tháng Tư là một cuộc giải phóng khỏi ảnh hưởng của nước ngoài. Nhưng thế nào đi nữa thì đó không phải là một cuộc cách mạng, một cuộc nổi dậy. Đó là lần đi trước của một cuộc giành lấy quyền lực chính trị, đi trước cuộc cách mạng xã hội. Một quân đội chính quy, phần nhiều là Bắc Việt, đã chiến đấu để giành lấy quyền lực này. Các du kích quân, những người không mặc quân phục, thế nào đi nữa thì cũng không quan trọng về mặt số lượng. Trong những tuần và ngày trước ngày 30 tháng Tư, tuy có đào ngũ từ quân đội Thiệu, nhưng đó là một sự đổi cờ trong sợ hãi. Thành phố Sài Gòn với bốn triệu dân của nó không nghĩ đến một cuộc nổi dậy vì người cộng sản, nhiều lắm nổi dậy cho lực lượng thứ ba. Vì vậy mà họ chờ – một phần bị sự sợ hãi hành hạ, một phần chấp nhận số phận của mình – quân đội tiến vào. Cuối cùng thì họ ít nhất là cũng vui mừng, rằng một bên đã chiến thắng và cuộc chiến qua đó mà đã chấm dứt. Hố sâu giữa hai bên lớn cho tới mức những người lính đầu tiên tiến vào được nhìn ngắm như một kỳ quan của thế giới. Về phần họ thì những người lính nghĩ rằng họ sẽ gặp phải người Mỹ, và rồi không tìm thấy. Họ nghĩ rằng người dân ít nhất là ngay trước lúc họ tiến quân vào thì sẽ nổi dậy. Nhưng cả việc đó cũng không xảy ra. Người dân Sài Gòn đã tin vào tuyên truyền của Thiệu và lo sợ sẽ có một biển máu, mà rồi việc đó cũng không xảy ra. Từ các trung tâm chỉ huy, những người lính giải phóng đã được yêu cầu phải tự kiểm soát hết sức nghiêm ngặt và phải thân thiện.

Cuộc cách mạng xã hội bây giờ được ban bố tiếp theo đó chớ không phải đã được thực hiện trước khi chiếm lấy quyền lực chính trị qua công tác trong bí mật như ở cuộc cách mạng Việt Minh. Trong báo chí, tuy là nhân dân quyết định, nhưng đó là nhân dân mang tính cách mạng hay là nhân dân của cách mạng, một thiểu số, các du kích quân Nam Việt Nam, những người có thiện cảm công khai với họ ngay từ trước ngày 30 tháng Tư cũng như những người lính của quân đội từ miền Bắc. Các địch thủ phản cách mạng chiếm đa số, những người bị đóng dấu bằng từ Ngụy, người dân thành phố với sự suy đồi và nền văn hóa chịu ảnh hưởng có chọn lọc từ nước Pháp và nước Mỹ của họ, và ý muốn kiếm tiền ích kỷ của họ. Người dân phi cách mạng ít nhiều chấp nhận số phận của họ. Họ hy vọng rằng có lẽ chủ nghĩa xã hội sẽ không quá xấu xa, nhưng mặc dù vậy vẫn còn nhiều sợ hãi, vì những dấu hiệu đầu tiên của cuộc cách mạng xã hội được ban hành là những dấu hiệu mang tính đe dọa. Tất nhiên là các nhà cách mạng sử dụng kiến thức của những người Ngụy. Họ làm việc trước hết là trong nền hành chánh của nhà nước, trong ngân hàng, v.v. Nhưng họ phải đứng dưới. Lúc nào họ cũng có sếp là một cán bộ – thường là với kiến thức kỹ thuật ít hơn rất nhiều.

Các bộ có nhiều đặc quyền, có thể nói là phần thưởng cho những thiếu thốn của cuộc đấu tranh kéo dài. Họ nhận hàng hóa với giá chính thức dễ dàng hơn. Họ có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác dễ dàng hơn. Lúc đổi tiền, họ có thể đổi không có giới hạn. Con cái của họ nhận được chỗ ưu tiên trong những trường tốt hơn, và những người quan trọng trong số họ hiện nay đã vào cư ngụ trong những ngôi biệt thự đồ sộ mà chủ trước của chúng đã bỏ mặc trong lúc chạy trốn ra nước ngoài.

“Anh chắc là đã ở đây lâu tới mức tin vào những chuyện đó”

29/10/1975

Trao đổi với ông Lafosse trong tòa Đại sứ quán Pháp: Ngược với ý kiến phổ biến trong người dân, mà theo đó sẽ có một giải pháp Nam Việt Nam, ở đây người ta cho rằng năm 1976 sẽ có tuyên bố thống nhất đất nước. Khi tôi chỉ ra một vài yếu tố ủng hộ cho một đơn vị chính trị đặc biệt của Nam Việt Nam, Lafosse vừa cười vừa trả lời: “Anh cũng đã ở đây lâu cho tới mức bắt đầu tin vào những câu chuyện đó.” Cả đại sứ Ấn Độ và Triều Tiên của Cộng hòa Nam Việt Nam cũng không phải là những đại sứ trú ngụ ở Sài Gòn. Đại sứ Ấn Độ chỉ có mặt ở Sài Gòn hai ngày rưỡi và còn không thể gặp người tiền nhiệm của mình được nữa, người mà vẫn còn ở Sài Gòn.

Sài Gòn, 1975

Sài Gòn, 1975

Cũng thú vị là một tin tức từ phần phía cực Bắc của Nam Việt Nam. Ở đó, việc kết nối – ít nhất là về mặt tiền tệ – đã được tiến hành. Vào ngày đổi tiền, trong khi tiền tệ của Ngân hàng Việt Nam được phân phát và có hiệu lực trong những phần đất khác của Nam Việt Nam thì trong cùng ngày hôm đó, ở các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, người ta đổi ra tiền Hồ Chí Minh Bắc Việt Nam. Qua đó, một biểu hiện của chủ quyền quốc gia, tức là quyền tối cao về tiền tệ, đã bị xóa mờ hay đã bước qua biên giới của vĩ tuyến 17.

Tiếng đại bác và tin đồn chiến sự

30/10/1975

Một ngày trước khi chế độ quân quản được cho rằng chấm dứt cho các thành phố của Nam Việt Nam kể cả Sài Gòn, có nhiều tin đồn về việc chiến sự đã tăng lên vì quân đội của chế độ cũ chống cự. Trước đây vài ngày đã xảy ra một vụ khủng bố lớn trên phi trường Biên Hòa mà trong đó đã có rất nhiều bộ đội bị thiệt mạng. Trong vùng đó người ta đã giới nghiêm 24 tiếng trong vòng một ngày. Người ta cho rằng dân chúng Sài Gòn đang nói rằng cái ngày của trận đánh lớn và giải phóng đang sắp sửa đến. Những gì là thật trong toàn bộ những tin đó, điều đó thì khó có thể xác định được, nhất là khi báo chí im lặng một cách dễ hiểu trước những vụ việc đó, ngay cả khi họ nhìn thấy chúng. Nhưng rõ ràng là quân đội giải phóng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích trong thành phố. Trong những ngày này, người ta có thể tận mắt nhìn thấy các bộ đội với súng tiểu liên luyện tập đánh cận chiến ra sao. Vì tất cả những điều này đều khác thường và trông có vẻ dữ dằn cho hình ảnh của thành phố nên những người dân đi ngang qua đều lo sợ bị vướng vào một tai nạn. Thật sự là bây giờ thì hai bên đã đảo ngược lại. Bây là thì quân đội giải phóng mới là quân đội đóng trong thành phố, trong khi quân đội kháng chiến của chế độ cũ lại ở trong rừng và cố thủ ở đồng bằng. Có lẽ là quân đội giải phóng thiếu luyện tập cho một cuộc xung đột như vậy, vì trước đó thì họ hầu như không kiểm soát được thành phố nào của Nam Việt Nam. Việc thành lập các vùng kinh tế mới cũng có thể là một mối nguy hiểm cho chế độ mới, cho tới chừng nào mà quân đội kháng chiến vẫn còn hoạt động ở đồng bằng. Vì dường như người ta không thể tưởng tượng được là những nhóm dân cư trong thành phố, chỉ sẵn sàng làm công việc mới trong nông nghiệp vì được thuyết phục, với một vài sự trợ giúp về vật chất và không hề có cơ sở kinh tế nào, lại là những người bạn đặc biệt của Mặt trận Giải phóng. Các điều kiện thiếu thốn trong cung cấp và trong hạ tầng cơ sở của các vùng kinh tế mới có thể thật sự trở thành môi trường sinh sản cho những nhóm chống đối, hợp tác với quân đội kháng chiến để mà hai bên bị đảo ngược về mặt chiến lược quân sự.

Bây giờ là về xây dựng chủ nghĩa xã hội

18/11/1975

Trong khi người dân vẫn đi làm việc như bình thường thì rõ ràng là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam đang diễn ra trong dinh Độc Lập: Hội nghị về việc thống nhất đất nước. Các đại diện của miền Bắc, theo như báo chí tường thuật, đã bất ngờ vào trước đây vài ngày và được người dân chào đón nồng nhiệt. Cho tới khi chiếc xe chở Chủ tịch nước Trường Chinh chạy ngang qua thì họ không biết tại sao họ đã được gởi tới con đường vào ra phi trường với lá cờ trên tay. Khu vực quanh dinh Độc Lập bị chận lại. Rất nhiều xe đỗ trong khu vườn rộng lớn, và hình ảnh hàng ngày trên báo chí để cho người ta phỏng đoán rằng hội nghị đang diễn ra ở đó. Thật ra thì không có nhiều biện pháp an ninh. Nếu như thật sự có nguy cơ là quân đội của chế độ cũ có kế hoạch tấn công Sài Gòn thì nơi họp hội nghị chắc chắn là được giữ kín.

Lễ chào mừng chiến thắng ở Sài Gòn, 15 tháng Năm 1975. Hình: Herve Gloaguen

VIETNAM – MAY 15: The Fall of Saigon in Vietnam on May 15, 1975 – New Masters of the capacity at the time of the military procession, of left on the right, Messrs Tong Duke Tang, Guyen Hu To and the Duke To (glasses). (Photo by Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images)

Tuy vậy, không thể nhận ra được nhiều điều gì đặc biệt – ngoại trừ cắm cờ của cả hai nước – từ hình ảnh thành phố. Chỉ các công sở là làm việc cầm chừng, vì rõ ràng cả các cán bộ tương đối cao cấp của Mặt trận Giải phóng cũng tham dự hội nghị thống nhất. Tính công khai của hội nghị cho thấy rằng nó có một mục đích chính trị tuyên truyền, chuẩn bị tinh thần người dân cho lần tái thống nhất. Hàng ngày, báo chí in trên nhiều trang chỉ toàn là hình ảnh chụp các lãnh đạo đang trao đổi với nhau hay đang ôm nhau rất hữu nghị. Ngày nào cũng có một tuyên bố về các sự kiện trong ngày. Người dân được thông tin trong buổi học tập lúc chiều tối về các diễn tiến. Các dấu hiệu chỉ tới một cuộc thống nhất sắp sửa xảy ra. Người ta tự hỏi khi nào thì lá cờ của MTGP biến mất và câu khẩu hiểu trung lập bị gạch bỏ, cái vẫn còn đứng ở trên đầu các giấy tờ của Cộng hòa Nam Việt Nam. Vì đề tài bây giờ rõ ràng là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, như người ta có thể nghe và đọc được ở khắp nơi. Trường Chinh rõ ràng cũng đã trả lời một vài câu hỏi của công chúng, tức là sẽ có một cuộc bầu cử cho một Quốc Hội lập hiến, cơ quan ấn định những việc như thủ đô tương lai, cờ, các cơ quan chính trị, v.v. ngoài những việc khác. Nhiều người, những người hoàn toàn không có liên quan gì tới cách mạng, bắt đầu lờ mờ hiểu rằng lần tái thống nhất là hệ quả mang tính lịch sử của lần chiến thắng muộn màng trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho toàn Việt Nam.

Phạm Hùng, người mà trước đây chỉ có những người trong cuộc mới biết tới và được bầu làm trưởng đoàn của nhóm từ miền Nam, tự mình bước ra đứng trước Nguyễn Hữu Thọ, lãnh đạo MTGP, ngày càng nhiều hơn. Hình ảnh trên báo chí thể hiện ông ấy như một người đàn ông già, thân thiện và rộng rãi, và có nhiệm vụ đánh đổ những tin đồn cho rằng ông ấy thuộc số các cán bộ cứng rắn và không thỏa hiệp.

Hiện nay, người dân đã cam chịu với tình cảnh mới. Bà giúp việc của chúng tôi, chị Ba, không còn chửi mắng cách mạng nhiều như trước nữa, mà công nhận rằng họ tiến hành mọi thứ cẩn thận hơn và thận trọng hơn là Việt Minh trong năm 1945. Tất nhiên là thường xuyên phải đi họp, và giá cả tăng cao trước sau vẫn còn làm cho chị bực tức. Bây giờ, giá thịt đã lên tới hơn 2400 đồng tiền cũ, tức là hơn ba dollar một kí lô. Nhưng các tin đồn về một cuộc tấn công của quân đội kháng chiến của chế độ cũ dường như đã câm lặng rồi.

Nếu như không xảy ra điều gì nữa trong những ngày này thì dường như là đã qua được cơn khủng hoảng rồi. Nhưng rõ ràng là vẫn còn có chiến sự trên cao nguyên. Những cán bộ biết tin tức cũng đã cảnh báo chúng tôi không nên dùng con đường đi lên Đà Lạt. Nó không an toàn trong lúc này. Nhưng những mối nguy hiểm đó thì xa lắm.

Hiện nay, trong các cơ quan chính trị của Nam Việt Nam, người ta không biết tình hình sẽ tiếp tục như thế nào. Vì chế độ quân quản – ngoại trừ Sài Gòn – đã gần chấm dứt, và hệ thống hành chánh dân sự của Cộng hòa Nam Việt Nam đang được dựng lên một cách khó nhọc. Bây giờ thì cấu trúc với các bộ được hợp nhất lại hay là các cơ quan song song dường như lại bị thay đổi thêm một lần nữa. Có người cũng chỉ còn viết ngắn gọn là „chính phủ Việt Nam“, bỏ trống việc đó là chính phủ của Nam Việt Nam, chính phủ của Bắc Việt Nam hay là bộ máy quân quản.

Nỗi cay đắng của người dân

1/12/75

Hiện nay, sau sự kính nể thì nỗi sợ hãi trước các bộ đội cũng đã biến mất. Nếu như người ta được phép tin vào những câu chuyện kể thì người dân thất vọng và bực tức những người giải phóng mặc quân phục. Họ – ít nhất là trong tuyên truyền tiêu cực – được xem như là phường trộm cắp và quân chiếm đóng. Nếu trước đây còn rụt rè trước một ly nước trái cây thì bây giờ họ ngồi dang rộng dựa ra sau trên những các ghế bành, và nhiều người cũng không chê bai rượu bia với số lượng lớn cũng như các cô gái mà trước đây đã đi lại với người Mỹ. Theo tin đồn thì người ta đã nhìn thấy cô vũ nữ khỏa thân nổi tiếng nhất từ thời Thiệu đi cùng với một sĩ quan cao cấp Bắc Việt. Cũng theo tin đồn thì việc tán tỉnh không mang lại nhiều thành công, vì các cô gái Nam Việt Nam không thích những người lính thô lỗ từ miền Bắc. Họ thậm chí nhiều lúc còn bị cho là ngu ngốc, và điều này còn làm cho người ta càng thêm bực tức, khi họ mua hết hàng trên chợ và để cho giá cả tăng cao, trong khi người dân Việt Nam nghèo hơn lúc nào hết. Chợ quần áo, tức có nghĩa là bán quần áo cá nhân, hiện nay đã trở thành một chướng ngại cho giao thông, đặc biệt là trên đường Hàm Nghi. Thêm vào đó là những câu chuyện về tính tàn bạo bất cần của các bộ đội khi họ không ưa một điều gì đó. Người ta đã biết là họ dùng lựu đạn để chống trộm xe đạp. Ariel nhìn thấy một tên trộm xe đạp bị một bộ đội dùng súng ngắm bắn nhưng không trúng. Thế là anh bộ đội này đuổi theo trên một chiêc xe Jeep, nhanh chóng bắt kịp tên trộm. Người chạy xe đạp ngã xuống, chiếc Jeep tiếp tục chạy tới và người đàn ông bị tấm bửng dùng để bước lên xe Jeep đánh vỡ sọ. Tất nhiên là chết.

Các bộ đội đang tò mò ngắm nghía một cái radio, có lẽ được người phụ nữ trong hình chào bán.

Các bộ đội đang tò mò ngắm nghía một cái radio, có lẽ được người phụ nữ trong hình chào bán.

Tường thuật về một vụ việc khác cũng tương tự: Một người đi xe đạp bị một cảnh sát giao thông chận lại, vì anh mặc quân phục của chế độ cũ để đi làm. Người cảnh sát ra lệnh cho anh ta phải trở về nhà và thay đồ. Nếu không thì anh sẽ bị phạt tiền cảnh cáo. Sau đó người đi xe đạp bực tức chận một chiếc xe Jeep chở bộ đội ở một chỗ khác lại và đứng ngay trước đầu xe. Được hỏi, tại sao anh làm điều này thì anh ấy lại hỏi: Tại sao các anh lại sử dụng xe Jeep Mỹ sau khi Cách Mạng đã chiến thắng? Mới đây anh đã bị cảnh cáo là không được mặc quân phục của chế độ cũ. Để trả lời, người bộ đội lái xe đạp chân ga và cán qua người đi xe đạp. Câu chuyện này ít đáng tin một chút, nhưng thể hiện tinh thần cay đắng của một phần lớn người dân Sài Gòn.

Hầu như không thể khiếu nại những vụ bị hành hung. Nó cũng không có nhiều hy vọng, vì người đi khiếu nại thuộc dân Ngụy, phản cách mạng, trong khi người phạm tội đại diện cho người dân cách mạng. Những cuộc xung đột giữa người dân và bộ đội ngày một tăng lên, nhưng trong đó thì con số ít ỏi những người nước ngoài hiếm khi là nhân chứng, vì họ nhanh chóng tìm nơi an toàn. Nếu như chính quyền không nhanh chóng góp phần giữ kỷ luật cho quân đội thì người ta có thể lo ngại về những việc còn tồi tệ hơn nữa. Vào ngày chủ nhật có tiếng nổ ở xa xa. Sau đó, tôi mới biết là ở Hóc Môn, người ta đã quẳng lựu đạn vào một cuộc họp của người dân mà trong đó cũng có nhiều bộ đội. Người ta cho rằng có hơn 20 người đã bị thiệt mạng. Vì những vụ việc như vậy không được báo chí tường thuật lại nên người ta chỉ biết nó qua tin đồn, liệu có đúng hay không thì thường khó mà kiểm tra được.

Ai nắm quyền ngày nay?

3/12/75

Các dữ liệu có thể tiếp cận được thì còn lâu mới đủ cho một khảo sát về câu hỏi ai đã nắm lấy quyền lực cùng với cuộc cách mạng trong Nam Việt Nam. Người ta chỉ có thể cố gắng xét lại hình ảnh một cuộc nổi dậy của nhân dân với một vài nhận xét.

Những người xuất thân từ phần tiến bộ của giới tư sản Nam Việt Nam: Đó là các cá nhân từ những gia đình lớn, nổi tiếng ở Sài Gòn hay trong các thành phố khác, thường được đào tạo đáng kể, trước hết là ở Pháp. Một vài người trong số họ đã đi theo Việt Minh cũ từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập năm 1945, và qua đó đã có 30 năm hoạt động bí mật. Trong lần chia đôi đất nước năm 1954, họ thường ra Bắc, nơi mà họ tiếp tục được đào tạo về chính trị và để trở thành cán bộ, và chuẩn bọ cho ngày giải phóng. Tuy vậy, cũng có những đại diện sau này mới đi theo MTGP, ví dụ như sau Tết Mậu Thân. Cuối cùng, có một vài thành viên của Lực lượng thứ Ba trước đây, đại diện cho một chiều hướng hòa bình và trung lập trong thời của chế độ Thiệu, và qua đó mà mãi sau giải phóng mới được xem như là thuộc phái cách mạng. Đặc biệt những người xuất thân từ giới tư sản tiến bộ đó dường như đã chiếm những vị trí cao hơn trong các cơ quan và bộ trong thành phố Sài Gòn. Thường thì vẫn còn nhận ra được một cung cách sống tư sản, ngay cả khi họ đã tiếp tục công cuộc đào tạo của họ ở những nước cộng sản, trước hết là ở Nga và Trung Quốc, trong khi họ hoạt động bí mật. Quan điểm chính trị về việc tái thống nhất có những sắc thái khác nhau, rõ ràng là phụ thuộc vào việc nhóm đó đã tham dự bao lâu vào công cuộc giải phóng Nam Việt Nam. Ý tưởng thống nhất tất nhiên là mang tính thời sự nhiều nhất ở những người sống trong truyền thống của Việt Minh, có nhiều tiếp xúc với Hà Nội hay thậm chí sống ở đó và đã trở thành cán bộ của đảng Lao Động Bắc Việt Nam nữa, mà chi nhánh Nam Việt Nam của nó cho tới nay vẫn còn rất thưa thớt.

VIETNAM - MAY 07: Saigon in Vietnam on May 07, 1975 - Anniversary of the victory of Dien Bien Phu, Speech by General Tran Van Tra. (Photo by Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images)

VIETNAM – MAY 07: Saigon in Vietnam on May 07, 1975 – Anniversary of the victory of Dien Bien Phu, Speech by General Tran Van Tra. (Photo by Herve GLOAGUEN/Gamma-Rapho via Getty Images)

Lính của quân đội Bắc Việt Nam: chiếm tuyệt đại đa số trong quân đội chính quy của bộ đội là người Bắc Việt Nam, ngay cả khi trong các vị trí chỉ huy cũng có nhiều người xuất thân từ Nam Việt Nam. Nhưng phần lớn bộ đội đều tương đối ít học và theo suy nghĩ của miền Nam thì là những người bị nhồi sọ một cách đơn giản. Sự hãnh diện của họ về Hà Nội, Bắc Việt Nam và chủ nghĩa xã hội đối với người dân Sài Gòn thì chỉ là vẻ ngoài và cuối cùng thì cũng lộ nét dối trá qua hành động và tính thích mua sắm của họ. Những người lính hầu như chỉ nhận những nhiệm vụ về an ninh và của cảnh sát, và hiếm khi xuất hiện trong chính trị và hành chánh – ngoại trừ như là người gác cửa, v.v.. Tuy vậy, có nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội xuất thân từ Bắc Việt Nam và làm việc trong những vị trí hành chánh nhất định, trước hết là trong an ninh, hay kiểm soát các đồng chí Nam Việt Nam.

Du kích Nam Việt Nam và thành viên MTGP: nếu như đó là du kích quân bình thường thì họ hầu như chỉ có chức năng bảo vệ an ninh hay nhiệm vụ bảo vệ các nhân vật nổi tiếng cao cấp hơn. Nhưng nếu như đã có đi học qua trường lớp thì các du kích quân Nam Việt Nam và thành viên MTGP cũng được cử vào trong ban hành chánh địa phương và trong các cơ quan. Nhưng thường thì họ thiếu đào tạo tương ứng cho những việc đó, nên chỉ qua quá trình học tập đang diễn ra mà mới có khả năng thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách thích hợp. Về cơ bản thì đây là những người chiến đấu thật sự của cuộc xung đột Nam Việt Nam, đã chịu đựng nhiều gian khổ, và thường cũng mang dấu tích hay tàn tật. Vì họ không có tiếp xúc trực tiếp với Bắc Việt Nam nên hầu như không được đào tạo về chính trị. Họ cũng thiếu tầm nhìn xa và sự nhẹ nhàng trong đối xử với người dân. Tính ngoan cố của họ thường khiến cho người dân Sài Gòn chống lại cách mạng.

Giúp đỡ kỹ thuật từ Bắc Việt Nam: từ khi giải phóng, đã có một số người chuyên môn từ miền Bắc vào và bây giờ được cử vào những vị trí lãnh đạo. Ảnh hưởng của họ về mặt gián tiếp không phải là không quan trọng, vì họ có kinh nghiệm về việc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa và giúp làm giảm thiểu việc thiếu cán bộ ở mức trung cấp trong hành chánh.

Khó mà đánh giá được quyền lực trên thực tế của những nhóm khác nhau, nhất là khi vai trò của những nhóm này cũng khác nhau theo từng địa phương. Ví dụ như ở tỉnh thì có thể xác định được tính áp đảo rõ ràng của những người lính thuộc quân đội Bắc Việt Nam và những người đấu tranh của MTGP. Ở Sài Gòn với trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng Lâm thời thì nhóm đầu tiên từ giới tư sản Nam Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn. Vì vậy mà phong cách tự do của cuộc sống trong Sài Gòn luôn được nhấn mạnh. Nhưng có thể phỏng đoán rằng quyền lực chính trị nằm trước hết ở một nhóm của những người xuất thân từ giới tư sản này, đặc biệt là khi họ có quan hệ với hà Nội và đảng Lao Động, và ở các đại diện cho quân đội Bắc Việt Nam. Tầm quan trọng của MTGP đã kém đi, vì nhiều tổ chức khác đã xuất hiện, những tổ chức mà cùng với MTGP thể hiện phần đóng góp của Nam Việt Nam vào trong cuộc cách mạng.

Tình hình kinh tế xấu đi

6/12/75

Tình hình kinh tế của người dân ngày càng xấu đi và đó chắc hẳn là một trong những lý do quan trọng nhất, tại sao sự chống đối cách mạng của nhiều tầng lớp rộng lớn lại tương đối mạnh như vậy, ngay cả khi họ buộc phải chấp nhận số phận của họ. Hiện nay, giá một chiếc Honda cao gấp đôi và gấp ba lúc trước, người ta cho là vào khoảng một triệu đồng tiển cũ, và giá xe đạp cũng đã đạt tới tròn 200.000 đồng. Bù lại thì ô tô rất rẻ tiền, vì hầu như không ai có khả năng mua xăng với giá đắt (500 đồng một lít) trên thị trường tự do. Nhưng khó khăn nhất là việc giá cả tăng cao trên thị trường lương thực thực phẩm. Giá thịt nằm trong khoảng từ 2000 đến 3000 đồng một kí lô. Một kí lô hành cũng có giá 2000 đồng. Một quả trứng tới 85 đồng và nửa kí cà chua 250 đồng. Tất cả những thứ đó đều là những sản phẩm không phụ thuộc vào nhập khẩu, việc mà trước sau gì thì cũng đã bị cấm. Người ta quả quyết rằng thiếu thốn trong cung cấp này là kết quả của việc người nông dân chỉ sản xuất cho nhu cầu của chính họ, do giá cả bị nhà nước ấn định, và các cơ sở lớn như trại gà đã không hoạt động được kể từ khi được đặt dưới quyền quản lý của nhà nước.

Sài Gòn, tháng Bảy 1975

Sài Gòn, tháng Bảy 1975

Mặt khác, thu nhập của các gia đình chỉ được cải thiện một ít. Chính phủ đã cân bằng hệ thống tiền lương một chút – ngay cả khi vẫn không thống nhất. Tiền lương bình thường cho người Ngụy nằm trong khoảng từ 10.000 tới 40.000 đồng của hệ thống cũ. Mặt khác, nguồn thu nhập lớn không còn nữa, vì ít nhiều thì buôn bán lớn và vận tải đều đã bị quốc hữu hóa. Tôi nói là quốc hữu hóa chứ không xã hội hóa, vì các nhà sản xuất và công nhân hầu như không được tham gia vào trong các quyết định. Toàn bộ các quyết định và biện pháp của chính phủ thật ra thì rò rỉ ra ngoài nhiều hơn là được công bố, chúng thường đến hoàn toàn bất ngờ và người ta chỉ nhận ra ý nghĩa khi tất cả đều đã xảy ra rồi. Ai than phiền, có những người như vậy, và bị bắt quả tang trong lúc đó, thì có thể bị gởi đi học tập, đi học những khóa học về chính trị, thường cũng gắn liền với công việc lao động chân tay.

Chính sách khắt khe của các bộ đội ít ra thì cũng đã dẫn tới điều là các vấn đề về an ninh do trộm cắp gây ra đã ít đi. Những quả lựu đạn chống trộm xe đạp rõ ràng là đã có tác động răn đe của chúng. Hiện nay, trong khu phố của tôi, người ta hiếm khi nghe được tiếng nổ. Tức là người ta được phép suy đoán rằng bây giờ ít còn phải làm gì trong lĩnh vực an ninh nữa. Các tin đồn cũng giảm đi, về việc vẫn còn có chiến sự ở nông thôn. Dường như là chính phủ cách mạng đã kiểm soát chắc tình hình rồi.

Cơ sở cho một sự cộng tác

9/12/75

Hôm nay có một trong những cuộc họp quan trọng nhất giữa Hội Hồng Thập Tự và terre des hommes mà trong đó có bác sĩ Hung, thành viên của Ủy ban Trung ương Hồng Thập Tự, dược sĩ Nam, Tổng thư ký của Hồng Thập Tự, và tôi như là người điều phối của terr des hommes tham dự.

Nhưng mọi lần, cuộc trao đổi diễn ra trong một bầu không khí rất thân mật và hầu như là mang tính bạn bè, ngay cả khi không phải là không mang tính ngoại giao, và rất đáng tiếc là hay bị cắt ngang bởi những cú điện thoại và câu hỏi từ văn phòng. Đầu óc của hai người đầy những vấn đề khác. Như là ấn tượng chung còn lại, họ quan tâm trước hết là đến những đồng dollar, nhưng mặt khác thì cũng rõ là điều đó không thể diễn ra một cách đơn phương, mà phải là trong một dạng hợp tác, để tạo động lực cho bên tài trợ. Vì vậy mà cũng có những nhượng bộ được đưa ra theo ý muốn của bên tài trợ, cho tới chừng nào mà những nhượng bộ này không đi ngược lại các nguyên tắc chung của đường lối chính phủ. Ví dụ như về một mặt thì người chê rằng số tiền năm triệu dollar Mỹ mà Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã hứa cho năm tới đây là tương đối ít, mặt khác thì luôn được nhấn mạnh rằng Việt Nam phải dựa vào kiến thức chuyên môn của các đại diện quốc tế. Có thể đó là một trong những thí dụ cho tính lịch sự. Thực tế sẽ cho thấy như thế nào.

Ngoài ra, tôi được thông báo là vào ngày thứ Năm sẽ có buổi tiệc trà từ giã cho tôi ở bác sĩ Thu. Người ta không thể phủ nhận rằng tuy các đại diện của Hồng Thập Tự cố gắng đưa ra quan điểm của họ một cách ngoại giao và gián tiếp, nhưng mặt khác thì họ cũng rất cố gắng thể hiện thiện chí của họ và hoạt động theo ý muốn của các đại diện từ nước ngoài. Terre des hommes hẳn cần phải là một thí dụ điển hình. Vì có nhiều vấn đề lớn trong việc hợp tác với Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cho tới nay, và làng trẻ em SOS với các ý tưởng nguyên tắc của nó thì ít linh hoạt trong việc định hình cho các dự án trong tương lai. Có thể là thí dụ terre des hommes và khả năng cộng tác cũng có nhiệm vụ thúc đẩy các tổ chức khác tham gia cộng tác với Hồng Thập Tự, tương tự như vậy, và có thể là còn nhiều hơn nữa về mặt tài chính. Qua sự hiện diện liên tục của terre des hommes ở Việt Nam, rõ ràng là người ta chờ đợi nhiều điều hơn từ sự cộng tác, hơn là sự giúp đỡ với vài chục ngàn dollar Mỹ từ phía bên kia./.

*****

Nguồn : https://phanba.wordpress.com/nhat-ky-sau-giai-phong/

No comments:

Post a Comment