Song Thao
Cũng là một tình cờ mà tôi đến Los Angeles lần này. Ông anh tôi, một người suốt đời ăn ở hiền lành như một cục đất, vậy mà tới cái tuổi trên 60 lại vướng vào chứng bệnh ung thư bao tử. Cả nhà vẫn giấu không cho anh tôi biết là ông bị cái bệnh quái ác này. Thư viết cho tôi ông vẫn lạc quan cho là ông chỉ bị đau bao tử, căn bệnh mà ông đã khổ với nó từ ngày còn ở Việt Nam, và với tiến bộ của nền y khoa Hoa Kỳ trước sau gì cũng hết bệnh. Bà chị tôi điện thoại qua kể là bác sĩ đã mổ nhưng đành bó tay không chữa trị gì được và họ cho biết anh chỉ còn sống được 1 tháng nữa là cùng.Bà
chị tôi nghẹn ngào nói là tự nhiên mấy hôm nay anh cứ mong mỏi được gặp
tôi. Tôi mua vé máy bay ngay và trù tính sẽ đi vào 2 tuần nghỉ Giáng
Sinh.
Tôi tính trong bụng chuyến
đi này sẽ là một công đôi ba chuyện. Tránh được 2 tuần mùa đông của xứ
Montréal lạnh lẽo này cũng là một cái hay. Tới thăm đất thánh điện ảnh
Hollywood một đời ao ước được đặt chân tới là một cái hay khác. Tiện thể
nếu gặp bà già Audrey Hepburn thì nói nhỏ với bà chẳng nên chường mặt
trên TV nữa vì bà đã sói mòn trong tôi hình ảnh một Audrey mát rời rợi
trong Vacances Romaines của thời mộng mơ cũ. Lại còn gặp đám bạn đông
như kiến ở một nơi được mệnh danh là một quê hương ngoài quê hương nữa
chứ. Trước kia gặp nhau ngày một bên những ly cà phê buổi sáng ở Pagode,
những chai la ve lạnh buổi chiều ở Givral, vậy mà đã 15 năm rồi không
trông thấy mặt nhau. Kể cũng lâu thật. Bằng cả một đời lưu lạc của tiểu
thư Thúy Kiều chứ ít sao. Phải tới tận nơi xem cái đám công tử Saigon
ngày xưa bây giờ râu tóc ra sao. Tôi không qua thăm thì chắc tới tết
Congo tụi nó cũng chưa qua thăm tôi. Thói đời thì anh nghèo bao giờ cũng
phải tới thăm anh giàu cũng như tôi ở cái xứ lạnh lẽo thì phải qua thăm
cái xứ nắng ấm chứ ít khi có chuyện ngược đời lắm.
Mọi chuyện tính đâu ra đó chỉ còn vài hôm nữa là khăn gói lên máy bay thì nhận được điện thoại của bà chị:
- Anh chú mất rồi chú ơi!
Tiếng nức nở khi có khi mất lùng bùng bên tai:
-
Dù sao chú cũng phải qua nhìn mặt anh ấy lần chót. Tiếng khóc nỉ non
làm tôi nẫu gan nẫu ruột. Thật chẳng ra làm sao. Tính đi thăm người sống
lại hóa ra đi đưa người chết. Lên máy bay mà người cứ bần thần như lỡ
một cái hẹn quan trọng.
Mấy tên
bạn đến đón tôi ở phi trường hét ầm lên khi thấy mặt tôi ló ra khỏi cửa.
Vẫn đùa nghịch như xưa. Tránh ra! Tránh ra cho quan đi! Quan quách gì
nữa. Mỗi đứa chỉ đập vào vai tôi một cái mà hai vai như xệ xuống:
- Trông nó vẫn như vậy, chẳng khác gì cả.
Tôi
nhận ra từng tên bạn ngay tức thì. Chẳng khó khăn gì lắm. Nhưng vẫn như
vậy sao được. Tóc tai đã xơ xác đổi màu, da dẻ đã từng vẩy xếp lớp, bộ
điệu đã nặng nề chậm chạp. Dung nhan nào cũng đã tới cuối thu. 15 năm
chứ ít ỏi gì. Thịt da chứ có phải sắt đá đâu mà không hư hao. Cười nói
huyên thuyên cho hả nỗi mừng tái ngộ mà có nghe được câu nào ra câu nào
đâu. Mấy khi lại có dịp sống lại những ngày tươi tắn cũ.
Tôi
thả người cho mấy tên bạn lôi xềnh xệch ra xe. Trời đất gì mà đã thiệt.
Ấm áp như một làn da mềm mại. Mấy cái áo lạnh trên người trông ngớ ngẩn
lạ. Nắng chiều thoi thóp cũng vẫn còn đẹp chán. Lại còn những bóng cây
xanh rậm xanh rì, hoa hoét lả lơi cười cợt. Chẳng bù với những cành cây
gầy guộc khô khốc, những vạt tuyết lạnh lùng câm nín nơi tôi vừa rời xa.
- Phải đưa ông quan lạc loài này đi ăn phở “dân biểu” chứ tụi bay?
Một giọng đề nghị vang lên. Một giọng khác hỏi:
- Mày còn nhớ thằng Hùng dân biểu không?
Tôi
chẳng cần lục soạn trí óc lâu. Một khuôn mặt rắn rỏi cùng cái miệng lúc
nào cũng tía lia với hai cục nước miếng trắng đục luôn luôn đứng chầu
hai bên mép hiện ra rõ rệt trong đầu.
- Nhớ chứ!
- Bây giờ nó là “bếp trưởng” của tiệm phở nổi tiếng nhất ở đây đấy. Hồi xưa nó nói bây giờ nó làm!
Cả
bọn cười ồn ào vì câu pha trò duyên dáng nhưng nghiệt ngã. Tôi nghĩ
thầm trong đầu. Mấy cái trại cải tạo của Việt Cộng có những tác dụng bên
lề thật tức cười. Khi không mà các quan đi vài năm về có cái nghề tay
trái sang đây lại hữu dụng. Có quan nghiên cứu được nghề xem tử vi như
thần, kiếm mỗi lá số vài chục như không. Có quan hớt tóc nhuyễn như từ
thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ chỉ biết có hớt tóc, cứ ngày ngày vít đầu
đồng hương lấy tiền khoẻ ru. Hùng dân biểu ở trong trại rất chăm chỉ pha
pha chế chế “cải thiện” với thịt rắn thịt cóc thế mà thành tài nấu phở
bò nổi tiếng ở xứ lạ quê người mới chết chứ!
Tiệm
phở đã có khá đông thực khách. Mấy cái bàn kê lại với nhau mới đủ chỗ
cho đám công tử già kề vai nhau hội ngộ. Một tên chạy vào bếp kéo Hùng
lên. Chiếc tạp dề màu cháo lòng được giữ trên người bằng hai sợi dây đeo
ngang vai và mái tóc bạc trắng của Hùng làm hắn lạ hoắc. Chỉ khi hắn
nhảy xổ vào tôi vừa cười nói huyên thuyên nước bọt kéo ra hai bên mép
vừa đưa hai tay nắm vai tôi lắc lắc như muốn biết chắc chắn có thật là
tôi không thì tôi mới thấy đúng là ông dân biểu ngày xưa. Hùng rút vội
xuống bếp sau khi đã đe dọa sẽ làm cho tôi một tô phở thịt cóc nấu
bằng... lon guigoz! Đang vui là thế mà câu nói của Hùng làm đầu tôi nặng
chĩu hình ảnh nhếch nhác của những ngày nhọc nhằn truyền nhau lon
guigoz canh thịt cóc nấu với mấy cọng rau dại vớ vẩn trong trại cải tạo.
Thấy tôi ngồi thừ mặt ra một tên lớn tiếng mắng là vừa mới bày đặt đi
giang hồ đã lo...nhớ vợ. Mấy tên này chưa mất nước đã cao chạy xa bay
đâu có hiểu được tình nghĩa bạn bè trong lúc bi cực. Nó như một chất keo
tội nghiệp gắn bó những mảnh hồn vụn nát tiêu điều trong cảnh u uất của
đời tù tội.
Mỗi tên có một tô phở nghi ngút khói thơm lừng trước mặt. Hùng trở ra với điếu thuốc trên môi hỏi tôi:
-
Cậu còn nhớ mấy tên “đồng đớp” của tụi mình không? Chữ “đồng đớp” kéo
tôi trở lại những tháng ngày mỏi mệt cũ. Mấy tên quản giáo gọi nhau là
“đồng chí” thì mấy tên tù có “đồng đớp” ăn chung với nhau, “đồng sàng”
nằm chung với nhau, và khi bị giải đi 2 tên chung một cái còng khóa lại
với nhau thì có “đồng khóa”.
Tôi gật đầu:
- Nhớ chứ! Lạng “héo” này, Bình “tồ” này, Chí “ngỏng” này.
Hùng nhìn tôi:
- Giờ chỉ còn cậu và tôi.
Tôi giật mình hất đầu lên chờ đợi. Hùng hạ giọng như nói thầm:
- Lạng bỏ xác trong trại tù ngoài Bắc, Bình mất tích trên biển Đông, Chí chết vì bệnh phổi khi vừa được thả về với gia đình.
Tôi
lặng người nhìn Hùng. Trông hắn như một con cú chỉ biết báo những tin
ai oán. Chưa để cho tôi rũ bỏ được nỗi thảng thốt, Hùng hỏi tôi:
- Cậu quen thân với Vĩnh phải không?
- Quen quá đi chứ, giờ hắn ở đâu?
- Vợ hắn ở đây này.
Giọng
nói của Hùng nghe bình thản, nét mặt phẳng lì, đôi mắt chớp tự nhiên
nhưng sao tôi thấy trong ngực tôi cuồn cuộn từng hơi thở nhoi lên mệt ứ:
- Để tôi cho cậu địa chỉ. Gần đây thôi.
******
Chính
chị Vĩnh ra mở cửa cho tôi. Gầy hơn, đen hơn và buồn hơn so với lần
cuối tôi gặp ở Saigon 7 năm trước đây. Thấy tôi chị như hét lớn:
- Trời ơi, anh Nam!
Rồi chị òa khóc nức nở. Đôi vai mảnh mai rung lên cùng với tiếng nói nghẹn ngào như không muốn thoát ra khỏi cổ họng:
- Anh Vĩnh chết rồi anh Nam ơi!
Tôi
đứng như trời trồng, đầu óc trống rỗng, ngơ ngẩn như vừa lạc vào một
bãi sa mạc mênh mông chỉ có tôi với cát. Chiều hôm qua tôi cũng đã chôn
chân lặng nhìn ông anh tôi nằm bất động giữa thảm hoa trắng đến lạnh
người. Cái chết thật gần và thật tinh quái. Ông anh tôi, Lạng, Bình,
Chí. Và bây giờ là Vĩnh. Chỉ trong vòng một ngày đặt chân tới thành phố
xa lạ này tôi đã 5 lần đụng đầu cái chết. Chết như ông anh tôi đã ra một
lẽ. Gần tới tuổi “cổ lai hi” mà chết một cách có lớp có lang như vậy
thì cái chết cũng nhẹ nhàng đi nhiều. Còn lũ bạn tôi đời chưa tắt nụ
cười mà xác thân đã gục xuống. Chúng bị xô đẩy thô bạo tới cái chết một
cách tức tưởi. Thảm cho người chết và hụt hẫng cho người sống.
Chị
Vĩnh gục mặt xuống như một bức tượng thảm sầu. Tôi ngồi chịu trận cứng
đơ như một tượng đá. Vĩnh đã chết. Tôi cố làm quen với cái sự thực khốn
nạn này. Ngày tôi bỏ nước ra đi tôi có tới gặp Vĩnh để chào tạm biệt.
Tôi nghĩ rằng tạm biệt vì tôi biết thể nào Vĩnh cũng ra khỏi nước được.
Hắn đã chẳng đi tới cả chục lần rồi đấy sao! Số chưa tới thì chịu vậy.
Hai lần bị bể nặng nề nhất đã đưaVĩnh vào tù mỗi lần cũng ngót nghét 1
năm. Ấy là nhờ vợ hắn xông xáo chạy chọt mỗi lần tốn cả vài cây vàng chứ
không thì cũng mọt gông. Mỗi lần đi hụt lại làm cho hắn cương quyết
thêm. “Vượt biên cũng như đánh bạc ấy ông ạ, càng thua càng cay cú muốn
đánh thêm”. Vẻ mặt hắn bình thản khi nói. Cái cay cú khi đã vượt một mức
độ nào đó lại mang một bộ mặt hết sức hiền lành. Như nhìn mặt nước
phẳng lặng đâu có ngờ tới những đợt sóng ngầm dữ dội nằm ở bên dưới.
Vượt biên đối với Vĩnh như một cái đạo. Chỉ có nhắm mắt đi theo chứ
chẳng cần phải nghĩ ngợi lôi thôi. Vài tháng trước khi tôi đi, Vĩnh đạp
xe ghé qua nhà tôi, cởi mấy sợi dây thung cột chằng chịt trên
“poóc-ba-ga” lôi xuống một cái bị cói nặng chình chịch. Hắn đã cho tôi
coi mấy cục gang:
- Ông có biết cái gì đây không?
Thấy bộ mặt ngẩn tò te của tôi coi bộ thiếu ánh sáng quá hắn trả lời luôn cho khỏi mất thời giờ:
- Cối xay bột làm bánh phở. Nghề này ở bên đó bây giờ ăn chết. Tôi mang một cái qua làm mẫu cho chắc ăn. Tôi góp ý với hắn:
- Sao ông không vẽ mẫu ra giấy mang theo có tiện hơn không! Nặng như cái cùm thế này ông đi chui sao mà mang theo được?
- Lo chi! Lần này chủ tàu là chỗ bà con tôi có thể gửi xuống tàu trước được.
Tôi
không nói gì thêm nữa. Tính Vĩnh thì tôi quá biết. Muốn gì là làm cho
bằng được. Có trời cản nổi hắn. Bữa tôi mới ở tù về chẳng biết làm nghề
ngỗng gì nuôi vợ con thì Vĩnh bảo tôi hắn có một chiếc xe nước mía tôi
lấy mà dùng cho qua cơn túng bấn. Lúc đó bụng dạ tôi rối mù như một nùi
chỉ suốt chẳng biết quyết định ra sao. Từ nhỏ tới giờ chỉ biết đi học
rồi đi làm có biết bán buôn gì đâu, lại là cái loại buôn bán cùng mằng
đầu đường xó chợ thế này. Vĩnh chẳng nói chẳng rằng kéo tôi về nhà hắn.
Thế rồi hắn cùng tôi lễ mễ đẩy chiếc xe nước mía từ Ngã Ba Ông Tạ về tới
Thị Nghè. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà mặt hắn vẫn tỉnh bơ trong khi tôi
mắc cở muốn chết chỉ sợ gặp người quen. Chính hắn đi cất mía, chỉ dẫn và
bán với tôi cả tuần lễ cho tôi tập quen dần. Chiếc xe nước mía giúp tôi
sống qua ngày cả năm trời sau đó.
Tính
Vĩnh cương quyết như vậy mà khi tôi tới chào hắn để ra đi hắn đã mềm
nhũn như một sợi bún thiu. Mắt hắn chớm đỏ như chỉ chực ứa nước mắt ra.
Giọng nói rạn nứt thốt ra từ đôi môi giật giật run rẩy. Hắn cứ luôn
miệng giục tôi đi về và chúc tôi may mắn nơi xứ người. Tôi thì lại cứ
nấn ná không đành lòng rời hắn ra về. Tôi biết hắn không mảy may tị nạnh
với sự may mắn của tôi nhưng hắn cũng chẳng thể bình thản với sự không
may mắn của hắn. Vĩnh không muốn kéo dài nỗi nhức nhối và tôi cũng chẳng
thể đành đoạn mau chóng xa lìa một tên bạn thân nhất đời. Cuối cùng
cũng tới lúc tôi phải ra về. Vĩnh đưa tôi ra cửa, đưa tay cho tôi bắt,
và rụt phắt tay quay mặt đi vào trong nhà. Tôi như mường tượng ra giọt
nước mắt mà Vĩnh không muốn tôi thấy.
Bây
giờ tôi ngồi trước mặt chị Vĩnh thần trí bảng lảng, mắt vẫn ráo hoảnh.
Tôi chưa làm quen được với cái chết của Vĩnh. Vĩnh đã cháy túi sau ván
bài rủi ro cuối cùng. Một sự cháy túi rốt ráo chẳng còn cơ hội để gỡ
lại. Tôi hỏi lại chị Vĩnh:
- Vĩnh mất trên đường vượt biên phải không?
Chị
Vĩnh gật đầu, hai vai vẫn rung lên từng cơn. Tôi đan hai tay vào nhau
loay hoay một cách tội nghiệp chẳng biết lựa lời hỏi thăm câu chuyện ra
sao cho khỏi chạm tới mối thương đau của vợ bạn. Chị Vĩnh như nói một
mình:
- Lầm lỡ một lần mà mất mạng. Nếu ngày đó anh ấy đừng về.
Một
ngày sau khi Việt Cộng chiếm Saigon, tôi tới sở trình diện theo lời kêu
gọi hàm ý đe dọa của Ủy Ban Quân Quản, lòng nặng chĩu những âu lo. Vừa
bước chân qua cánh cổng lớn tôi hoảng hốt không tin ở mắt mình khi thấy
Vĩnh đứng ngay giữa sân. Tôi kéo hắn ra chỗ vắng gằn giọng hỏi:
- Ông về làm chi vậy?
Vĩnh cố lấy giọng bình tĩnh:
-
Phải về chứ ông. Mình đâu cỏ bỏ được đất nước mình. Việt Cộng vào mà
không có đổ máu thì mọi việc đâu sẽ vào đấy. Chẳng sao cả đâu!
Tôi
nhìn sâu vào mắt Vĩnh cố tìm những nét ẩn giấu sau những lời biện bạch
tội nghiệp này. Tôi nghe giọng Vĩnh như có ý bào chữa cho bước sẩy chân
đáng tiếc của hắn. Cả trăm ngàn người dẫm lên nhau chạy đi trong khi
Vĩnh lù lù dẫn xác trở về.
Tôi
và Vĩnh ở chung phòng với nhau khi cùng đi tu nghiệp tại Manila. Hai
đứa cùng mới có con đầu lòng được 6 tháng nên hợp nhau ở chỗ nhớ con.
Nhớ quay nhớ quắt, bồi hồi như mang lòng dạ ra phơi nắng. Mỗi lần đi phố
là y như rằng thế nào cũng tìm vào tiệm bán quần áo hoặc đồ chơi trẻ
con mua một thứ mang về vứt vào tủ. Riết rồi tủ đứa nào đứa nấy đầy
nhóc. Có ai về Việt Nam lại gửi về một ít. Gửi xong ngồi thừ ra một đống
chẳng muốn nhúc nhích tay chân. Đầu năm 1975 tôi về nước trước cũng
mang về cho con Vĩnh cả nửa xách tay đồ của bố gửi. Theo chương trình
thì Vĩnh còn phải ở lại tới tháng 7 mới mãn khóa tu nghiệp. Tôi cứ đinh
ninh giờ này Vĩnh còn yên lành ở Manila. Vậy mà Vĩnh đã bỏ về sớm. Những
ngày cuối tháng tư khi Saigon đang ở trong những giờ phút tuyệt vọng
Vĩnh lên Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila đòi về. Họ hỏi Vĩnh có điên không mà
quay về vào giờ phút này. Vĩnh cương quyết đòi về vì lý do gia đình còn ở
Việt Nam. Tôi chắc đứa con mà Vĩnh nhớ quay quắt đã là một quả cân có
trọng lượng làm lệch cán cân suy nghĩ của Vĩnh. Cơ quan USAID đã đưa
Vĩnh đi tu nghiệp thì nếu Vĩnh đòi về họ phải đưa về. Nhưng người Mỹ cố
thuyết phục Vĩnh lần chót nên chờ xem tình hình ra sao đã rồi sẽ quyết
định sau. Vĩnh lớn tiếng phản đối và nhất định đòi về. Viên Lãnh Sự cũng
lớn tiếng cho Vĩnh biết là muốn ra khỏi Việt Nam mới khó chứ về thì dễ
lắm. Muốn một ngàn chỗ cũng có ngay. Và Vĩnh đã ngồi thênh thang một
mình trên chiếc máy bay quân đội Mỹ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt
ngày 28 tháng 4. Vừa bước chân ra khỏi máy bay Vĩnh đã ngất ngư trong
trận pháo kích vào phi trường. Hắn phải chui vào quầy vé bỏ trống của
các hãng hàng không để tránh đạn. Số Vĩnh còn may nên không lãnh thẹo
trong ngày qui hồi cố hương.
Nhưng
vết thẹo trong lòng Vĩnh thì chẳng có cách gì tẩy xóa được. Cuộc sống
càng ngày càng tệ mạt cả tinh thần lẫn vật chất đã làm Vĩnh tê tái nuối
tiếc. Trong đầu Vĩnh chỉ còn nỗi ám ảnh duy nhất là toan tính vượt biên.
Đó là cái “nghề” duy nhất của Vĩnh trong 12 năm ở với Cộng Sản. Và Vĩnh
đã tử vì nghiệp.
Nước mắt là
phương tiện chuyên chở nỗi buồn ra khỏi con người khá hữu hiệu. Chị Vĩnh
ngồi khóc một hồi rồi như chợt nhớ ra địa vị chủ nhà của mình:
- Tôi thật vô ý quá. Để bảo cháu rót nước mời anh. Anh vẫn còn thích nước trà đá như ngày xưa chứ?
Tôi
cảm thấy ấm lòng khi nhớ lại những ngày lui tới nhà Vĩnh. Vậy mà đã âm
dương đôi ngả. Tôi bước tới trước bàn thờ đơn sơ có khung hình của Vĩnh.
Tấm hình Vĩnh chụp tại nhà 1 người Phi Luật Tân làm ở trong trường Đại
Học. Công chức Phi thường cũng phải có thêm một nghề tay trái mới đủ ăn.
Bữa chụp hình Vĩnh đã nói đùa là vừa giúp đỡ ông già tốt bụng vừa có
cái để trên bàn thờ sau này. Câu nói gở của Vĩnh lúc đó tôi nghe ra như
một câu vui đùa ngang tàng nên tôi cũng rỡn lại:
- Chân cẳng còn dơ hầy mà đòi leo lên bàn thờ. Còn lâu!
Gần
20 năm có phải là lâu không? Bây giờ Vĩnh đã chễm chệ cười mỉm trên bàn
thờ. Tôi thắp 1 cây nhang. Làn khói vắt vẻo uốn lợn trước mặt Vĩnh.
Khuôn mặt đầy đặn, trắng trẻo, đôi môi lúc nào cũng hé mở phô ra hàm
răng thưa, hai hàng lông mày rậm rạp nằm thẳng trên đôi mắt nhanh nhẹn
sắc lẻm.
Chính nhờ khuôn mặt bảnh
trai này mà Vĩnh đã được anh em lựa đóng vai chú rể trên sân khấu lộng
lẫy huy hoàng giữa thủ đô Manila. Trong Đại Hội Văn Nghệ sinh viên quốc
tế theo học tại Phi năm đó, sinh viên Việt Nam chơi trội trình diễn một
đám cưới cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi xúm xít nhau may áo dài, làm khăn
làm nón và còn làm luôn cả một chiếc lọng óng ánh rực rỡ. Một tên thổ
công ở Manila còn đặt nguyên một con heo quay cho đám cưới gây được ấn
tượng mạnh với người ngoại quốc. Cô dâu là vợ của một Việt kiều trẻ
trung và vui tính. Lúc cô dâu chú rể áo quần tươm tất đứng cạnh nhau,
mọi nguời khen là rổ rá cạp lại mà cũng đẹp đôi ra phết. Đám cưới nhiều
màu sắc và lễ nghi lạ lùng đã làm xôn xao cử tọa đông nghẹt hội trường
rộng lớn và mang lại cho sinh viên Việt Nam giải thưởng danh dự một cách
không khó khăn lắm. Sau giờ trình diễn chúng tôi kéo về học xá ngả thịt
heo quay ăn với bánh mì. Không thấy Vĩnh đâu mọi người nhớn nhác tìm
kiếm. Một lúc sau Vĩnh mới chui từ phòng tắm ra đầu tóc ướt sũng chải
chuốt gọn gàng. Anh Việt kiều chồng của cô dâu nhìn Vĩnh nhẩn nha nói:
- Nhiêu đó đủ rồi ông bạn, làm chi mà tắm rửa sạch sẽ thế? Cứ tưởng bở!
Mọi
người lăn ra cười trong khi mặt Vĩnh đỏ bừng như một chú gà chọi hay
mắc cở. Ngọn đèn đỏ trước khuôn hình Vĩnh làm tôi nắm bắt được vẻ mặt
sượng trân của hắn một đêm xưa. Những kỷ niệm như làm cho người ta níu
kéo được cuộc sống dù là một cuộc sống đã mất tăm mất hút trong cái biền
biệt của thời gian. Cuộc tử sinh sao quá suồng sã!
Tôi
đã đọc được đâu đó một ý tưởng như thế này. Cái chết là một cuộc chuyển
đổi nhẹ nhàng sự sống của con người. Khi chết phần tâm linh rũ bỏ thể
xác để đi tới một cuộc sống khác giống như người ta thay một chiếc áo
cũ. Có sá chi cái phần vật chất vô dụng của người chết để lại như một
miếng giẻ rách mà người sống gào thét tiếc nuối. Thác là thể phách còn
là tinh anh. Mà cái tinh anh thì còn mãi trong cõi bất diệt. Nghĩ được
như vậy thì cái chết nhẹ được nhiều phần lắm.
Tôi
nói với chị Vĩnh ý tưởng này như một lời an ủi khi tới từ giã chị trở
về Montréal. Chị tần ngần ngồi vân vê chéo áo, đôi mắt chĩu nặng như
phải gánh chịu ngàn cân buồn phiền. Cái buồn phiền như được lên men
trong giọng nói chầm chậm mỏi mệt:
-
Không những tôi nghĩ mà tôi còn tin chắc là anh Vĩnh vẫn còn đâu đó
quanh tôi. Nhưng cái mất mát từ một hiện diện sờ mó được tới một ý niệm
thấp thoáng nét hư không, phải cần có thời gian mới nuốt trôi được anh
ạ. Nếu bây giờ tôi nói với anh là tôi đã nhìn thấy anh Vĩnh bên ngoài
cõi sống này anh có tin không?
Tôi
gật đầu không nói, trong đầu nghĩ là sự khắng khít vợ chồng và nỗi tiếc
thương khôn nguôi có thể đưa chị phiêu bồng qua thế giới trừu tượng
giao hòa trong khoảnh khắc với cái phần tinh anh của Vĩnh. Nhưng câu
chuyện chị kể sau đó đã đi xa hơn ý nghĩ của tôi rất nhiều.
******
Lần
này Vĩnh ra đi một mình để lỡ có bị bắt nữa thì có người ở ngoài xoay
sở dễ dàng hơn. Vợ con Vĩnh sẽ đi sau nếu Vĩnh thoát. Canh bạc này Vĩnh
đã hầu như nắm chắc phần thắng vì Vĩnh đã đổi cách đi. Thay vì nhào ra
biển như những lần trước, Vĩnh theo đường bộ xuyên qua Kampuchia và đáp
một chiếc ghe nhỏ vượt eo biển qua Thái Lan. Chơi xả láng với Hà Bá
không xong thì chơi một tiếng bạc nhỏ với anh Hà Bá tép riu chắc khá
hơn. Mà khá thật. Chị Vĩnh đã nhận được mật mã của chồng do người môi
giới đưa tới nhà khoảng một tuần sau đó. Và chị đã trả tiền liền như đã
thỏa thuận trước. Vả lại người môi giới cũng là chỗ quen biết nên chị
thở phào nhẹ nhõm cả người khi trao tiền. Thế là cuối cùng Vĩnh đã thoát
và đang phây phây trên đất Thái. 3 tháng sau hai mẹ con chị Vĩnh cũng
khăn gói ra đi. Và cũng tới Thái Lan an toàn. Chị dò hỏi khắp nơi, liên
lạc với tất cả thân nhân, bè bạn đang tị nạn tại Thái mà vẫn không một
ai biết chút tin tức gì về Vĩnh. Nỗi lo lắng trong chị như thiêu như
đốt. Cho tới ngày chị bắt liên lạc được với vài người đi cùng chuyến với
Vĩnh. Họ cũng chẳng biết Vĩnh ở đâu. Chị Vĩnh thực sự hốt hoảng. Chị
chẳng biết bấu víu vào đâu cho ra tung tích chồng. Chỉ còn một cách là
đặt lòng tin vào các đấng thiêng liêng. Chị tìm vào ngôi nhà nguyện bằng
cây nhỏ bé đơn sơ trong trại quì cả tiếng đồng hồ trước bàn thờ để cầu
nguyện. Khuya hôm đó chị chập chờn trong giấc ngủ đang tới, nửa mê nửa
tỉnh, thần trí nặng chĩu váng vất thì chị nghe thấy tiếng chồng. Giọng
kể lể vang vọng từ một nơi chốn mù khơi nghe rõ mồn một. Vĩnh kể là cuộc
hành trình đã đưa anh tới bờ biển Thái Lan vào lúc rạng sáng ngày cuối
năm dương lịch. Tài công nương theo bóng tối đưa tàu vào bờ rồi còn phải
quay tàu về trước khi mặt trời mọc nên thời gian đổ người xuống rất lụp
chụp vội vàng. Khi tàu còn cách bờ một khoảng cách vừa đủ cho mọi người
có thể bơi vào đất liền được thì họ giục hành khách gồm toàn đàn ông
ghi mật mã và nhảy xuống biển bơi vào. Người nào người nấy vội vàng thi
hành lệnh của chủ tàu. Vĩnh là người chót đứng ở boong tàu. Anh nhìn
xuống mặt biển đen ngòm chẳng thấy gì hết nên ngập ngừng chưa dám nhảy
xuống. Một bàn tay đẩy Vĩnh xuống biển. Đầu Vĩnh va vào một tảng đá
ngầm, Vĩnh hôn mê và chết đuối.
Chị
Vĩnh ngồi bất động khi kể tới đây. Chị liếc nhìn lên khung hình của
Vĩnh trên bàn thờ. Ánh mắt Vĩnh thấp thoáng sau những vệt khói đang lững
lờ kéo nhau lên cao. Chị khẽ thở dài như muốn trút tất cả muộn phiền ra
khỏi lồng ngực:
- Khi nghe nhà
tôi nói vậy tôi buột miệng than, sao người ta ác với anh quá vậy? Nhà
tôi trả lời là người ta không có ý giết vì họ chỉ xô nhẹ xuống biển cho
nhà tôi bơi vào bờ nhưng chẳng may gặp tảng đá ngầm. Giọng nói nhà tôi
đầy vẻ nhân ái khoan hòa. Tôi hỏi tiếp, sao người ta biết anh chết mà
còn mang mật mã tới nhà để lấy tiền? Vẫn với giọng tha thứ, mềm mỏng,
nhà tôi nói là con người ai chẳng có tính tham, chẳng nên trách người
ta.
Cõi không gian mà Vĩnh đang
có mặt chan hòa những ý niệm hồn nhiên trong lành. Như những phiến mây
lờ lững êm ả dưới ánh mặt trời rạng rỡ chói chang. Vĩnh tả lại niềm hạnh
phúc thanh thản của một nơi chốn toàn thiện toàn mỹ chỉ có những bậc
thánh nhân ngự trị. Chị Vĩnh muốn được tận mắt nhìn thấy chồng trong
chốn hoan lạc đó. Chị lại tới ngôi giáo đường nhỏ bé nài nỉ Đấng Toàn
Năng cho ý nguyện của chị được viên mãn. Không hiểu là do cái tình quá
khắng khít của chị với người chồng đã khuất bóng hay là do sự dễ dãi bất
ngờ của Đấng Tối Cao mà chồng chị đã được phép tỏ hình hài với chị.
Cũng vào một buổi tối tâm trí chị nửa mê nửa tỉnh, tâm linh chị như đang
thoát khỏi xác phàm thì Vĩnh bỗng xuất hiện trong cõi phiêu bồng trắng
xóa nét tinh tuyền. Chiếc áo choàng trắng trùm trên người làm Vĩnh như
lơ lửng bập bềnh trong chốn huyễn mộng. Khuôn mặt Vĩnh ánh lên vẻ sáng
láng thiêng liêng. Ánh sáng từ trong làn da mịn màng thấm ra làm như thể
chính khuôn mặt là ánh sáng, một vẻ sáng kỳ diệu lóng lánh được kết
bằng muôn triệu vì sao li ti xinh xắn. Nét mặt Vĩnh thanh thản một cách
lạ kỳ, cái thanh thản không thể có nơi người trần thế. Chị Vĩnh chưa bao
giờ nhìn được khuôn mặt chồng trút bỏ được mọi phiền toái của cuộc đời
như vậy. Chị muốn bày tỏ nỗi thương nhớ với chồng thì Vĩnh biến đi như
một giọt nước hối hả bốc hơi. Như chưa hề hiển hiện. Như chẳng có chẳng
không. Mây trời khói núi muôn đời vẫn cứ lãng đãng phiêu diêu.
Trí
óc tôi thuộc loại bướng bỉnh trì chậm. Nó chưa được điều chỉnh để làm
quen với một Vĩnh thanh cao như vậy. Vĩnh trong tôi vẫn cứ là một Vĩnh
loay hoay với những canh bạc trần thế, một Vĩnh buồn vui với bạn bè thân
quen, một Vĩnh rất người, rất trần tục. Manila có một tiệm nhảy topless
khá nổi tiếng mang một cái tên thoát tục là The Saint. Mặt tiền nhỏ bé
của tiệm gợi lên tượng hình của một ông thánh kết bằng đèn huỳnh quang
màu xanh có vòng tròn thánh màu đỏ bao quanh đầu đàng hoàng. Anh chủ
tiệm chắc có máu mất dạy trong người nên mới trần tục hóa một hình ảnh
thanh cao vào một nơi chốn ăn chơi khét tiếng như vậy. Hai nhà tiểu
trong tiệm một dành cho đàn ông được mang bảng chữ Santo, một dành cho
đàn bà mang bảng chữ Santa. Các thánh bà ngực trần thỗn thện ra vào qua
khung cửa hẹp và các thánh ông vừa giải thủy vừa được một anh bồi dí cái
máy đấm bóp vào lưng cho khoan khoái cuộc đời. Có lần Vĩnh đã dí dỏm
bảo tôi là làm thánh kiểu này sướng hơn là làm thánh thứ thiệt tối ngày
chắp tay đọc kinh.
Tôi
vội xóa bỏ trong đầu cái hồi ức phàm tục sỗ sàng đã làm tôi cơ hồ quên
bẵng đi ranh giới của sống và chết. Những Vĩnh, Lạng, Bình, Chí và ông
anh tôi sao vẫn cứ thanh thản đi lại trong đầu óc tôi dưới mảnh hình hài
thân thiết của những ngày xưa cũ. Ngày hôm qua, trước khi đóng nắp quan
tài để đưa ông anh vào lòng đất tôi đã nắm lấy tay ông, bàn tay lạnh
ngắt như những thước không khí mùa đông nơi tôi sắp trở về, và tôi đã
nói với ông anh tôi: “Anh ngủ yên nhé, em về”. Nhìn khuôn mặt an bình
của ông anh, tôi đã thật sự thấy là ông đang nằm ngủ.
Song Thao
No comments:
Post a Comment