Lời dẫn: Ngày 30 tháng 4 đang về. Xin ghi
lại một vài tư tưởng về một khoảng thời gian biến động của Việt Nam.
"Chữ Trầm Chữ Thăng" đã hình thành bởi tác giả vẫn gặp khá nhiều em
thanh niên tuổi hai hoặc ba mươi hỏi, "Sao hồi đó cha lại đi vượt biên
vậy?" “Chữ Trầm Chữ Thăng” là cách tác giả chia sẻ lý do "Tại sao?"
Giờ này là những ngày cuối tháng 4 mùa Xuân. Tấm hình máy bay trực thăng đậu trên nóc tòa nhà của thủ đô Sài Gòn giờ phút hấp hối với hàng người nối đuôi dưới chân trực thăng bất ngờ lần đường quay về lại trong đầu. 30 tháng 4, thủ đô miền Nam sụp đổ! Chữ “Trầm” chữ “Thăng” có lẽ là hai danh từ chính xác đánh dấu một khoảng thời gian dài sau ngày định mệnh!
Ký ức của Sài Gòn đập mạnh nhất trong bộ nhớ của tôi (tính đến ngày hôm nay) là một buổi chiều tối tháng 4 năm 74, anh em tôi xuống phố coi phim chiếu trong rạp. Phim tên gì? Tôi quên rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ đèn đường xanh đỏ huyền ảo chớp sáng trên những trục lộ giao thông rực rỡ đường Lê Văn Duyệt. Sau Ngã Sáu (?), đường đổi sang mấy tên khác, cuối cùng dẫn thẳng tới tòa nhà Quốc Hội. Về đêm đèn đường, đèn xe hơi, đèn xe “bus,” đèn xe taxi, đèn xe máy, đèn tòa nhà Quốc Hội, ngàn vạn ngọn đèn thắp sáng rực rỡ thành phố một thời tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông.
Hơn một tháng sau, anh tôi tuổi nhập ngũ khoác lên quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Sáng Chúa Nhật, chị tôi tóc đen áo dài trắng nữ sinh dẫn tôi đón xe lửa lên Thủ Đức thăm. Căn cứ Sóng Thần nắng trưa hè hôm đó chiếu sáng rực rỡ chị tôi áo trắng tinh khôi và anh tôi màu xanh áo lính. Tôi ngồi trên ghế gỗ yên lặng nhìn anh nói chuyện với chị và ăn xôi đậu phộng, mẹ tôi nấu. Giây phút chia tay, mắt chị đỏ hoe hoe! Anh tôi quyết định dậy, vẫy tay chào!
Tháng 12 năm 1974, hai chị em lại dẫn nhau lên căn cứ Sóng Thần thăm anh. Nhưng lần đó, đợi hoài vẫn không thấy. Mãi sau, hai chị em lủi thủi dẫn nhau ra ga xe lửa về lại nhà. Mấy lon Guigoz cơm, ruốc chà bông và thịt heo kho trứng vịt ngày hôm đó phải mang về, bởi giờ này anh tôi đã theo sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra trấn Cổ Thành Quảng Trị. Khuya hôm đó, tôi thấy Mẹ tôi ngồi trước bàn thờ miên man với những lời kinh. Bên ngoài, Sài Gòn thủ đô của những ngày cuối năm 74 gió Bắc Cực thổi về se da thịt; Sài Gòn vẫn sáng rực rỡ đèn đường; Sài Gòn vẫn rộn ràng những dòng xe cộ ngược xuôi; Sài Gòn có mẹ tôi nằm trên giường, khóc!
Sài Gòn thủ đô lăn những vòng quay dẫn tới biến cố 30 tháng 4, trận đại hồng thủy bôi xóa chính quyền, tư duy, tên đường phố và nhiều sinh mạng. Sáng định mệnh, tôi đứng ngay bên lề đường Lê Văn Duyệt nhìn những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh trên đường lộ thủ đô. Tôi con nít ngơ ngác nhìn những người chủ nhân mới của thành phố. Sài Gòn mùa Xuân 75 trời kéo mây đen khi đài phát thanh Sài Gòn vang vang lời kêu gọi đầu hàng của vị Tổng Thống cuối cùng.
Sài Gòn, giờ thứ 25 tháo chạy trên bầu trời và hỗn loạn dưới đường phố!
Sài Gòn, xe tăng Bắc Việt húc tung cửa sắt Dinh Độc Lập!
Sài Gòn, mặc cho ngày ngày mẹ tôi đứng ngóng trước cửa, bóng của anh tôi, người lính Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng Cổ Thành, vẫn khuất dạng nơi đường chân trời! Tôi đã từng nghĩ nhưng không dám nói với ai về suy nghĩ anh tôi có thể đã gục ngã ở một góc rừng nào đó. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn hy vọng!
Sài Gòn, cải tạo không bản án!
Sài Gòn, kinh tế mới!
Sài Gòn, đổi tiền!
Sài Gòn, đói xanh xao!
Sài Gòn, đêm khuya tiếng gõ cửa công an vang dội!
Sài Gòn, mất niềm tin vào mình, vào người và vào xã hội!
Rồi thuyền gỗ!
Rồi biển xanh!
Rồi hải tặc!
Rồi trại tỵ nạn!
Có những quãng đời Sài Gòn sau biến cố 75, viết thêm chi tiết hóa ra dư thừa. Chỉ nhắc lại vài chữ, tựa như tên một cuốn sách, thế cũng đã đủ thấm thía!
Đến ngày hôm nay, nghe Việt Dũng hát Lời Kinh Đêm, Khánh Ly hát Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của Châu Đình An, xúc động xôn xao nổi dậy, bởi vẫn còn nằm nguyên vẹn trong góc hồn tôi những tháng ngày của chữ Trầm.
Mỗi lần có dịp nhìn thấy hình ảnh của trại tỵ nạn Pulau Bidong, nhìn tượng đài thuyền nhân trên đồi Tôn Giáo, nhìn cầu gỗ Jetty, tôi vẫn bồi hồi, bởi dù muốn dù không, ký ức của một thời lang thang tại đảo lại quay về. Năm 82, khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706. Thời đó, trên nghĩa trang khu F, tôi nhận ra mộ của bạn thời tiểu học. Hắn ngủ yên trên nghĩa trang khu F. Pulau Bidong giờ này còn đó, chứng tích và cũng là hình ảnh của chữ Trầm.
Có lần tôi gặp một người sinh viên Việt Nam du học tại Úc Châu. Em đọc một số bài tôi viết về biến cố 75 và đời tỵ nạn, khi thuyền lênh đênh trên biển, những kinh nghiệm gặp gỡ ngư phủ Thái, những hung tàn trên khoang thuyền gỗ, những tàn nhẫn nhân gian không gặp trong cơn ác mộng. Em hỏi tôi,
— Những chuyện chú viết về thuyền nhân là chuyện thật hay là giả tưởng vậy?
Tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng như có người hỏi, “Chuyện Hitler và lò hơi ngạt là chuyện thật hay giả tưởng vậy?”
Cái thời của chữ Trầm nó thấm sâu và bùi ngùi với câu hỏi của người trí thức tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm đó. Câu hỏi vẫn đi theo tôi. Khi có dịp, tôi lại nhắc lại câu hỏi của em với người Việt và người ngoại quốc. Những hương hồn của thiếu nữ Việt Nam bỏ mình trên biển. Bạn tôi nằm ngủ yên trên nghĩa trang Khu F của đảo Bidong. Bao nhiêu thân xác Việt Nam đã chìm sâu trong lòng biển và gục ngã trên đường bộ. Xác thịt đã tan, xương trắng đã biến mất, nhưng linh hồn của họ vẫn còn đó, vẫn còn anh linh hiển hiện trong cõi muôn trùng. Và riêng tôi, vẫn còn đây, vẫn là một nhân chứng cho một thời của chữ Trầm.
Nhưng cuối cùng chữ Trầm rồi cũng chuyển mình, từ sâu hóa bướm, hóa ra chữ Thăng.
Trận hồng thuỷ trong trang sử Việt mang nhiều mảnh đời Việt Nam trôi dạt sang xứ người. Nhiều sinh mạng đã bỏ mình trên đường bộ và đường biển. Nhưng cũng nhiều sinh mạng đã đặt chân tới bờ.
Sau những ngày tháng vật vờ tại trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông, những người sống sót không tuyệt vọng, nhưng âm thầm và kiên nhẫn làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.
Rồi thương xá Việt: Little Saigon, Thung Lũng Hoa Vàng.
Rồi con cái Việt lớn lên hoặc sinh ra trên vùng đất mới, vươn vai cao lớn, sắc son giữ gìn truyền thống Việt Nam.
Rồi những thành tựu mới tinh khôi trên vùng đất mới.
Rồi niềm tin vào mình và vào người, niềm tin vững vàng.
Rồi niềm hy vọng vào một ngày mai, hy vọng tràn trề.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại như rồng vàng Thăng Long ngày nào vươn cao, chuyển mình thay đổi.
Thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố 75 là một điều không thể từ chối.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu di tản tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối. Mấy năm sau, nhờ những thước vải và hộp thuốc tây anh gửi về, gia đình tôi cầm cự với cơm trộn bo bo và khoai sắn.
Năm 82, sau những hãi hùng với biển và người, thuyền tôi dừng lại tại bến cảng Mã Lai.
Năm 87, mẹ tôi, chị và em đường bộ đặt chân tới đất Thái.
Giờ này Thung Lũng Hoa Vàng trở thành quê hương thứ hai (riêng Mẹ tôi, quê hương thứ ba). Nơi đó, thế hệ thứ ba và thứ tư của gia đình tôi đang vươn cao hóa ra thiếu nữ thanh niên, vừa nói tiếng Việt giọng Bắc vừa nói tiếng Anh giọng Mỹ. Cháu tôi đọc bài tôi viết, và không bao giờ hỏi tôi chuyện đó chuyện thật hay giả tưởng, bởi chính bố mẹ các cháu là nhân chứng cho một giai đoạn của chữ Trầm.
Biến cố tháng 4 năm 1975 sẽ được ghi lại trên trang sách lịch sử Việt Nam. Hậu thế Việt Nam sẽ đánh giá và nhận xét về một giai đoạn đánh dấu bằng hai cột mốc: Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 và Hiệp Định Paris dẫn tới biến cố năm 1975. Nhận xét và đánh giá ra sao, không ai biết. Nhưng mỗi lần tháng 4 quay về trên những trang lịch, người Việt hải ngoại vẫn nhắc nhở nhau những câu chuyện của một thời, thời của chữ Trầm. Riêng đối với tôi, nhắc để nhớ và trên hết tất cả hy vọng tôi học được một bài học quý giá cho riêng mình để chữ Trầm sẽ không bao giờ lập lại thêm một lần nữa.
Ngày 30 tháng 4, như một thường lệ vẫn quay về trên những trang lịch. Tờ lịch 30 tháng 4 hằng năm nhắc nhở người Việt một thời bể dâu và cũng là dấu mốc thành công của cộng đồng hải ngoại. 30 Tháng 4 của ngày hôm nay là của chữ Trầm và trên tất cả cũng là của chữ Thăng.
Nguyễn Trung Tây – 30/4
Giờ này là những ngày cuối tháng 4 mùa Xuân. Tấm hình máy bay trực thăng đậu trên nóc tòa nhà của thủ đô Sài Gòn giờ phút hấp hối với hàng người nối đuôi dưới chân trực thăng bất ngờ lần đường quay về lại trong đầu. 30 tháng 4, thủ đô miền Nam sụp đổ! Chữ “Trầm” chữ “Thăng” có lẽ là hai danh từ chính xác đánh dấu một khoảng thời gian dài sau ngày định mệnh!
Ký ức của Sài Gòn đập mạnh nhất trong bộ nhớ của tôi (tính đến ngày hôm nay) là một buổi chiều tối tháng 4 năm 74, anh em tôi xuống phố coi phim chiếu trong rạp. Phim tên gì? Tôi quên rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ đèn đường xanh đỏ huyền ảo chớp sáng trên những trục lộ giao thông rực rỡ đường Lê Văn Duyệt. Sau Ngã Sáu (?), đường đổi sang mấy tên khác, cuối cùng dẫn thẳng tới tòa nhà Quốc Hội. Về đêm đèn đường, đèn xe hơi, đèn xe “bus,” đèn xe taxi, đèn xe máy, đèn tòa nhà Quốc Hội, ngàn vạn ngọn đèn thắp sáng rực rỡ thành phố một thời tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông.
Hơn một tháng sau, anh tôi tuổi nhập ngũ khoác lên quân phục Thủy Quân Lục Chiến. Sáng Chúa Nhật, chị tôi tóc đen áo dài trắng nữ sinh dẫn tôi đón xe lửa lên Thủ Đức thăm. Căn cứ Sóng Thần nắng trưa hè hôm đó chiếu sáng rực rỡ chị tôi áo trắng tinh khôi và anh tôi màu xanh áo lính. Tôi ngồi trên ghế gỗ yên lặng nhìn anh nói chuyện với chị và ăn xôi đậu phộng, mẹ tôi nấu. Giây phút chia tay, mắt chị đỏ hoe hoe! Anh tôi quyết định dậy, vẫy tay chào!
Tháng 12 năm 1974, hai chị em lại dẫn nhau lên căn cứ Sóng Thần thăm anh. Nhưng lần đó, đợi hoài vẫn không thấy. Mãi sau, hai chị em lủi thủi dẫn nhau ra ga xe lửa về lại nhà. Mấy lon Guigoz cơm, ruốc chà bông và thịt heo kho trứng vịt ngày hôm đó phải mang về, bởi giờ này anh tôi đã theo sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ra trấn Cổ Thành Quảng Trị. Khuya hôm đó, tôi thấy Mẹ tôi ngồi trước bàn thờ miên man với những lời kinh. Bên ngoài, Sài Gòn thủ đô của những ngày cuối năm 74 gió Bắc Cực thổi về se da thịt; Sài Gòn vẫn sáng rực rỡ đèn đường; Sài Gòn vẫn rộn ràng những dòng xe cộ ngược xuôi; Sài Gòn có mẹ tôi nằm trên giường, khóc!
Sài Gòn thủ đô lăn những vòng quay dẫn tới biến cố 30 tháng 4, trận đại hồng thủy bôi xóa chính quyền, tư duy, tên đường phố và nhiều sinh mạng. Sáng định mệnh, tôi đứng ngay bên lề đường Lê Văn Duyệt nhìn những chiếc xe tăng Bắc Việt lăn bánh trên đường lộ thủ đô. Tôi con nít ngơ ngác nhìn những người chủ nhân mới của thành phố. Sài Gòn mùa Xuân 75 trời kéo mây đen khi đài phát thanh Sài Gòn vang vang lời kêu gọi đầu hàng của vị Tổng Thống cuối cùng.
Sài Gòn, giờ thứ 25 tháo chạy trên bầu trời và hỗn loạn dưới đường phố!
Sài Gòn, xe tăng Bắc Việt húc tung cửa sắt Dinh Độc Lập!
Sài Gòn, mặc cho ngày ngày mẹ tôi đứng ngóng trước cửa, bóng của anh tôi, người lính Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng Cổ Thành, vẫn khuất dạng nơi đường chân trời! Tôi đã từng nghĩ nhưng không dám nói với ai về suy nghĩ anh tôi có thể đã gục ngã ở một góc rừng nào đó. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn hy vọng!
Sài Gòn, cải tạo không bản án!
Sài Gòn, kinh tế mới!
Sài Gòn, đổi tiền!
Sài Gòn, đói xanh xao!
Sài Gòn, đêm khuya tiếng gõ cửa công an vang dội!
Sài Gòn, mất niềm tin vào mình, vào người và vào xã hội!
Rồi thuyền gỗ!
Rồi biển xanh!
Rồi hải tặc!
Rồi trại tỵ nạn!
Có những quãng đời Sài Gòn sau biến cố 75, viết thêm chi tiết hóa ra dư thừa. Chỉ nhắc lại vài chữ, tựa như tên một cuốn sách, thế cũng đã đủ thấm thía!
Đến ngày hôm nay, nghe Việt Dũng hát Lời Kinh Đêm, Khánh Ly hát Đêm Chôn Dầu Vượt Biển của Châu Đình An, xúc động xôn xao nổi dậy, bởi vẫn còn nằm nguyên vẹn trong góc hồn tôi những tháng ngày của chữ Trầm.
Mỗi lần có dịp nhìn thấy hình ảnh của trại tỵ nạn Pulau Bidong, nhìn tượng đài thuyền nhân trên đồi Tôn Giáo, nhìn cầu gỗ Jetty, tôi vẫn bồi hồi, bởi dù muốn dù không, ký ức của một thời lang thang tại đảo lại quay về. Năm 82, khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706. Thời đó, trên nghĩa trang khu F, tôi nhận ra mộ của bạn thời tiểu học. Hắn ngủ yên trên nghĩa trang khu F. Pulau Bidong giờ này còn đó, chứng tích và cũng là hình ảnh của chữ Trầm.
Có lần tôi gặp một người sinh viên Việt Nam du học tại Úc Châu. Em đọc một số bài tôi viết về biến cố 75 và đời tỵ nạn, khi thuyền lênh đênh trên biển, những kinh nghiệm gặp gỡ ngư phủ Thái, những hung tàn trên khoang thuyền gỗ, những tàn nhẫn nhân gian không gặp trong cơn ác mộng. Em hỏi tôi,
— Những chuyện chú viết về thuyền nhân là chuyện thật hay là giả tưởng vậy?
Tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng như có người hỏi, “Chuyện Hitler và lò hơi ngạt là chuyện thật hay giả tưởng vậy?”
Cái thời của chữ Trầm nó thấm sâu và bùi ngùi với câu hỏi của người trí thức tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm đó. Câu hỏi vẫn đi theo tôi. Khi có dịp, tôi lại nhắc lại câu hỏi của em với người Việt và người ngoại quốc. Những hương hồn của thiếu nữ Việt Nam bỏ mình trên biển. Bạn tôi nằm ngủ yên trên nghĩa trang Khu F của đảo Bidong. Bao nhiêu thân xác Việt Nam đã chìm sâu trong lòng biển và gục ngã trên đường bộ. Xác thịt đã tan, xương trắng đã biến mất, nhưng linh hồn của họ vẫn còn đó, vẫn còn anh linh hiển hiện trong cõi muôn trùng. Và riêng tôi, vẫn còn đây, vẫn là một nhân chứng cho một thời của chữ Trầm.
Nhưng cuối cùng chữ Trầm rồi cũng chuyển mình, từ sâu hóa bướm, hóa ra chữ Thăng.
Trận hồng thuỷ trong trang sử Việt mang nhiều mảnh đời Việt Nam trôi dạt sang xứ người. Nhiều sinh mạng đã bỏ mình trên đường bộ và đường biển. Nhưng cũng nhiều sinh mạng đã đặt chân tới bờ.
Sau những ngày tháng vật vờ tại trại tỵ nạn Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông, những người sống sót không tuyệt vọng, nhưng âm thầm và kiên nhẫn làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.
Rồi thương xá Việt: Little Saigon, Thung Lũng Hoa Vàng.
Rồi con cái Việt lớn lên hoặc sinh ra trên vùng đất mới, vươn vai cao lớn, sắc son giữ gìn truyền thống Việt Nam.
Rồi những thành tựu mới tinh khôi trên vùng đất mới.
Rồi niềm tin vào mình và vào người, niềm tin vững vàng.
Rồi niềm hy vọng vào một ngày mai, hy vọng tràn trề.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại như rồng vàng Thăng Long ngày nào vươn cao, chuyển mình thay đổi.
Thành công của cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố 75 là một điều không thể từ chối.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu di tản tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối. Mấy năm sau, nhờ những thước vải và hộp thuốc tây anh gửi về, gia đình tôi cầm cự với cơm trộn bo bo và khoai sắn.
Năm 82, sau những hãi hùng với biển và người, thuyền tôi dừng lại tại bến cảng Mã Lai.
Năm 87, mẹ tôi, chị và em đường bộ đặt chân tới đất Thái.
Giờ này Thung Lũng Hoa Vàng trở thành quê hương thứ hai (riêng Mẹ tôi, quê hương thứ ba). Nơi đó, thế hệ thứ ba và thứ tư của gia đình tôi đang vươn cao hóa ra thiếu nữ thanh niên, vừa nói tiếng Việt giọng Bắc vừa nói tiếng Anh giọng Mỹ. Cháu tôi đọc bài tôi viết, và không bao giờ hỏi tôi chuyện đó chuyện thật hay giả tưởng, bởi chính bố mẹ các cháu là nhân chứng cho một giai đoạn của chữ Trầm.
Biến cố tháng 4 năm 1975 sẽ được ghi lại trên trang sách lịch sử Việt Nam. Hậu thế Việt Nam sẽ đánh giá và nhận xét về một giai đoạn đánh dấu bằng hai cột mốc: Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 và Hiệp Định Paris dẫn tới biến cố năm 1975. Nhận xét và đánh giá ra sao, không ai biết. Nhưng mỗi lần tháng 4 quay về trên những trang lịch, người Việt hải ngoại vẫn nhắc nhở nhau những câu chuyện của một thời, thời của chữ Trầm. Riêng đối với tôi, nhắc để nhớ và trên hết tất cả hy vọng tôi học được một bài học quý giá cho riêng mình để chữ Trầm sẽ không bao giờ lập lại thêm một lần nữa.
Ngày 30 tháng 4, như một thường lệ vẫn quay về trên những trang lịch. Tờ lịch 30 tháng 4 hằng năm nhắc nhở người Việt một thời bể dâu và cũng là dấu mốc thành công của cộng đồng hải ngoại. 30 Tháng 4 của ngày hôm nay là của chữ Trầm và trên tất cả cũng là của chữ Thăng.
Nguyễn Trung Tây – 30/4
No comments:
Post a Comment