; }

Tuesday, March 24, 2020

TƯỞNG NIỆM CỐ THIẾU TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO

Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong lần tham dự hội ngộ Sư Đoàn 18 ở Little Saigon năm 2015. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tướng Lê Minh Đảo trong lòng chiến sĩ và đồng bào Miền Nam Tự Do

Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từ trần tại bệnh viện Hartford Connecticut vào ngày 19 Tháng Ba, 2020, hưởng thọ 87 tuổi.
Thánh lễ, di quan, và an táng được tổ chức ngày 27 Tháng Ba, 2020, tại nhà thờ và nghĩa trang Fairfax Memorial Park.
Sự ra đi của “Người Hùng Xuân Lộc” 45 năm sau ngày diễn ra trận đánh lịch sử tại Xuân Lộc ở Long Khánh, nơi Sư Đoàn 18 Bộ Binh do ông chỉ huy đã cùng với các binh chủng bạn chận đứng cuộc tiến quân hùng hổ của Quân Đoàn 4 Cộng Sản Bắc Việt (gồm ba sư đoàn quân chính quy cộng với các lực lượng du kích địa phương do Thiếu Tướng Cộng Sản Hoàng Cầm chỉ huy) trên đường tiến về thủ đô Sài Gòn, tuy không làm mọi người ngạc nhiên lắm vì tuổi già của ông nhưng đã gây nên nhiều xúc động trong lòng chiến sĩ và đồng bào Miền Nam Tự Do đang sống lưu vong tại hải ngoại hoặc còn ở lại trong nước sau ngày Việt Nam Cộng Hòa mất vào tay Cộng Sản hồi Tháng Tư, 1975.
Qua 12 ngày giao tranh ác liệt, từ ngày 9 đến ngày 21 Tháng Tư, 1975, phòng tuyến Xuân Lộc vẫn đứng vững bằng xương máu của các chiến sĩ Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Không Quân cùng các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Tiểu Khu Long Khánh. Các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, không hề khuất phục trước biển người tràn ngập, mưa pháo xối xả, cùng tiếng xe tăng T-54 gầm rú của địch quân, khiến họ phải từ bỏ Mặt Trận Xuân Lộc mà đi đường vòng xuống Biên Hòa để tiến về Sài Gòn, là mục tiêu cuối cùng của Cộng Quân trong chiến dịch đánh chiếm toàn bộ Miền Nam Tự Do.
Niềm xúc động chân thành của mọi người trước tin buồn này phải nói là đã xuất phát từ lòng cảm phục và kính mến sâu xa đối với một vị tướng lãnh vừa tài ba vừa anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong những giờ phút đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Mặc dù chiến công to lớn của Tướng Lê Minh Đảo cũng như gương hy sinh cao cả của chiến sĩ các cấp khác trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không cứu vãn được Miền Nam Việt Nam khỏi nanh vuốt của Cộng Sản Quốc Tế, và trong tương lai cận kề là Cộng Sản Trung Quốc, chí can trường và lòng tận trung báo quốc của Tướng Đảo trong cơn quốc biến vẫn là tấm gương sáng muôn đời soi rọi trong sử sách, chừng nào mà dân tộc Việt Nam còn tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.
Đối với chiến sĩ và đồng bào Miền Nam Tự Do, Tướng Lê Minh Đảo là biểu tượng của sự hy sinh vô bờ bến của người lính Cộng Hòa, là niềm hy vọng sau cùng của một đất nước trước mối đe dọa bị tiêu diệt, là tiếng thét bi hùng của một đội quân tinh nhuệ bị bỏ rơi một cách oan uổng, và là hồi chuông cảnh tỉnh cho một thế giới lầm mê trước thảm họa của các dân tộc bị Cộng Sản thống trị.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo (Hình: vi.wikipedia.org)
Thật vậy, Tướng Lê Minh Đảo chính là biểu tượng của sự hy sinh và gian khổ tột cùng của người lính Cộng Hòa trong suốt 20 năm dựng nước và giữ nước qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam, từ Trận Ấp Bắc ở Mỹ Tho hồi năm 1962 cho tới Trận Xuân Lộc ở Long Khánh hồi năm 1975 cũng như nhiều trận đánh khốc liệt khác trước và sau hai trận đánh cột mốc này. Người lính Cộng Hòa ở đây không phải chỉ bao gồm các chiến binh nòng cốt và tinh nhuệ như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân… mà còn là những chiến sĩ Địa Phương Quân và Nghĩa Quân chịu trách nhiệm an ninh diện địa tại các tỉnh thành, thị trấn và quận lỵ, thậm chí là tại các thôn xã hẻo lánh trên 4 Vùng Chiến Thuật của Miền Nam Việt Nam.
Tướng Đảo cũng là biểu tượng của niềm hy vọng sau cùng của đất nước trước mối đe dọa bị tiêu diệt, sau khi các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng 2 rồi Vùng 1 Chiến Thuật, theo lệnh thượng cấp, phải lần lượt di tản cùng với hàng chục ngàn thường dân bám theo – để rồi bị Cộng Quân tàn sát không nương tay – mà không có cuộc kháng cự nào đáng kể trước sức tiến quân của Cộng Sản Bắc Việt về hướng thủ đô Sài Gòn sau khi Ban Mê Thuột thất thủ vào ngày 13 Tháng Ba, 1975.
Cho đến khi Tướng Lê Minh Đảo cùng Sư Đoàn 18 Bộ Binh và các đơn vị bạn quyết tâm tử thủ tại phòng tuyến Xuân Lộc để cản bước tiến của Cộng Quân, quân và dân Miền Nam Việt Nam đã lóe lên niềm hy vọng rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau cùng, sẽ không lùi bước nữa mà sẽ đứng lại chiến đấu để đảo ngược thế cờ, chận đứng được cuộc tổng tấn công của quân địch.
Nhưng than ôi, khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã được quyết định từ xa rồi – giữa Washington, Bắc Kinh và Moscow – và Miền Nam Việt Nam đã trở thành con chốt thí trên bàn cờ chính trị giữa các đại cường, thì niềm hy vọng mong manh kia do Tướng Lê Minh Đảo đem lại qua trận chiến oai hùng tại Xuân Lộc chẳng mấy chốc đã biến thành mây khói.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài BBC vào ngày 17 Tháng Năm, 2015, Tướng Đảo nhận định: “Cái ván cờ này thua nói thật ra là cái ván cờ của vấn đề của những thế lực ở trên sắp xếp bắt bọn tôi phải thua để cho Cộng Sản nắm…”
Cuộc chiến đấu một mất, một còn của Tướng Lê Minh Đảo và các chiến hữu của ông trước đoàn quân xâm lược Cộng Sản đông gấp bội phần cũng còn là tiếng thét bi hùng của một đội quân tinh nhuệ bị bỏ rơi một cách oan uổng. Những trận đánh lớn trong Chiến Tranh Việt Nam sau kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, tiêu biểu là trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, ngoài các đơn vị cực kỳ thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân và Biệt Cách Dù, khả năng chiến đấu của các đơn vị bộ binh – tiêu biểu là các Sư Đoàn 1 và 18 Bộ Binh – cùng các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thường tỏ ra vượt trội hơn quân địch mặc dù các chiến trường đều do Cộng Quân chọn lựa, như tại An Lộc, Kon Tum, Quảng Trị, và cả Thường Đức sau đó nữa.
Người Hùng Xuân Lộc – Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. (Hình: Facebook BPhuong Le)
Tiếc thay, dân chúng Mỹ hồi thập niên 1970 vừa thiển cận vừa không biết hy sinh vì đại nghĩa và cũng không hiểu được giá trị chiến lược của Miền Nam Việt Nam cũng như các đảo hoang trên Biển Đông, tức Biển Nam Hoa (South China Sea), cho nên đã để cho bọn phản chiến to mồm ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các chính quyền Johnson, Nixon và Ford, dẫn tới việc nước Mỹ phải đánh mất một đồng minh quan trọng và một quân đội thiện chiến vào bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, rồi luôn cả một hải lộ huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương như ngày nay.
Và rồi, chỉ ba thập niên sau đó, nước Mỹ đã phải hao tốn biết bao nhiêu tiền của và sinh mạng của người lính trên các chiến trường Afghanistan và Iraq mà cũng không tìm đâu ra được một người bạn đồng minh nào có khả năng chiến đấu tuyệt vời như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Đó là chưa nói tới sự thể người lính Việt Nam Cộng Hòa, dù biết chắc rằng mình đã bị đồng minh Mỹ bỏ rơi, vẫn không hề quay súng bắn lại các chiến hữu người Mỹ, như đã và đang xảy ra tại Afghanistan và Iraq bây giờ.
Sau cùng, sức chiến đấu kiên cường của Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18 Bộ Binh, nói riêng, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho một thế giới lầm mê trước thảm họa bị cộng sản thống trị. Nếu cứ tin theo lời xuyên tạc và dụ dỗ của các thành phần phản chiến từ Washington và Paris tới Stockholm rằng dân chúng Miền Nam Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn trong một nền hòa bình dưới chế độ Cộng Sản thì có lẽ Tướng Đảo và các chiến hữu của ông trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không phải chiến đấu và hy sinh cao độ đến thế trên chiến trường qua Trận Xuân Lộc vào những ngày đầu Tháng Tư, 1975.
Chính vì biết chắc rằng dân chúng miền Nam Việt Nam sẽ bị đọa đày và toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ trầm luân dưới ách cai trị của Cộng Sản Việt Nam, kẻ đang là con nợ khốn khổ của Cộng Sản Trung Hoa và chỉ có một cách duy nhất là bán hết giang sơn, đất nước cho họ mới trả hết nợ được mà Tướng Đảo cùng các chiến hữu của ông mới phải chiến đấu đến cùng, mong giữ vững được từng tấc đất của Miền Nam Tự Do khỏi rơi vào tay đoàn quân Cộng Sản xâm lược được Tàu Cộng và Liên Xô yểm trợ tối đa. Thảm họa bộ nhân và thuyền nhân Việt Nam vượt biên giới và vượt biển đến các bến bờ tự do để trốn tranh chế độ Cộng Sản kéo dài hàng thập niên sau ngày Sài Gòn sụp đổ đã cho thế giới thấy rõ cái “Thiên Đường Cộng Sản” mà họ từng mơ ước giùm cho dân tộc Việt Nam chỉ là ảo vọng mà thôi!
Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo còn có một người em ruột đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc, đó là cố Trung Tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” Thủy Quân Lục Chiến, tử trận tại Thừa Thiên ngày 29 Tháng Sáu, 1966.
Ngoài binh nghiệp, Tướng Đảo còn là một nhạc sĩ sáng tác. Nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” do ông và Đại Tá Đỗ Trọng Huề đồng soạn trong thời gian bị Cộng Sản cầm tù sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, rất được ưa chuộng ở hải ngoại và cả ở trong nước: “Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều/ Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi cứ trôi cho bạc mái đầu…”
Theo cáo phó của gia đình về di nguyện của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trước giờ lâm chung, người quá cố xin “miễn lễ nghi quân đội và không có lễ phủ quốc kỳ trên linh cữu vì người quá cố không được vinh dự hy sinh cho tổ quốc trên bãi chiến trường. Các bằng hữu đã tuẫn tiết, các chiến sĩ anh hùng, quý vị quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vào những giờ phút cuối trong Tháng Tư, 1975, đều không có dịp, mà cũng chẳng còn ai phủ quốc kỳ trong tang lễ.”
Giờ đây, trước anh linh của cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cũng như anh linh của quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có anh linh của các vị tướng, tá trong quân đội và cảnh sát, đã tuẫn tiết hoặc hy sinh vì tổ quốc trong và sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, những người Việt lưu vong trên toàn thế giới cùng đoàn hậu duệ xin kính cẩn dâng lên vị tướng lãnh anh hùng nén hương lòng cùng với tình cảm mến phục sâu xa. (Vann Phan)

Sunday, March 22, 2020

TỪ BÁC SĨ YERSIN ĐẾN CORONA VŨ HÁN

Trần Thị Vĩnh-Tường

Tháng 3/2020, thế giới đang hỗn loạn trước dịch bệnh coronaVũ-Hán, nên cùng nhau nhớ bác sĩ Alexandre Yersin từ giã cõi đời 77 năm trước cũng tháng Ba năm 1943. 80 năm trên cõi thế, Yersin cứu nhân loại khỏi dịch hạch, sốt rét, và có thể góp phần chữa dịch coronaVũ-Hán, theo loan báo của Tổng Thống Trump chiều nay 19/3/2020.
NGƯỜI CỦA BỐN PHƯƠNG Alexandre Emile Jean Yersin sinh ngày 22/9/1863 ở Thụy Sĩ, làng La Vaux bên hồ Leman xinh đẹp trong một gia đình gốc Pháp. Cha, Jean Alexandre Marc Yersin, tử thương 3 tuần trước khi Yersin ra đời. Mẹ, Fanny Yersin ở vậy nuôi 3 con Emilie, Frank và Alexandre.
Yersin học y khoa ở Lausanne (Thụy Sĩ), Marburg (Đức) và Paris (Pháp). Để được làm việc tại viện Pasteur Paris, Yersin gia nhập quốc tịch Pháp.
 
Căn nhà nơi Yersin sinh ra. Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

Những năm 1890, nước Pháp thời "Hoàng Kim-Belle Epoque" trong kiến trúc, hội họa, viễn du... kích thích tuổi trẻ châu Âu khám phá mọi lãnh vực. Bác sĩ Louis Pasteur, tiên phong làm cuộc cách mạng vĩ đại trong ngành vi trùng học, rất chú ý tới tài năng trẻ Yersin. Sau 2 năm làm việc tại viện Pasteur, Yersin đầu quân với công ty Messageries Maritimes làm bác sĩ trên tàu để được phiêu lưu.
YERSIN PHIÊU LƯU 50 NĂM Ở VIỆT NAM
Tháng 9/1890 tàu Oxus rời cảng Marseilles, cặp bến Saigon ngày 15/10/1890. Bác sĩ Yersin 27 tuổi nhảy lên bờ đối diện miền đất mới đầy mời gọi và thử thách: nông học, vi trùng học, thiên văn học.

 
Tàu Oxus cặp bến Saigon 1882 - Ảnh : Tim Doling 2014
Năm 1891, hết hợp đồng với Messageries Maritimes, Yersin chọn ở lại Việt Nam. Đời sau biết về công việc Yersin qua 1000 bức thư đều đặn mỗi tuần gửi Mẹ. Khi Mẹ mất năm 1905 Yersin viết cho chị, có thơ dài tới 10 trang, được giữ nguyên vẹn.
 
Yersin 30 tuổi, nhiếp ảnh gia Pierre Petit chụp năm 1893
Institut Pasteur - Musée Pasteur
Yersin yêu núi non sông nước Việt Nam như La Vaux quê mẹ. Năm 1892-1894, Yersin thám hiểm cao nguyên Lang-Bian nơi về sau ông khai sinh thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Yersin một mình len lỏi làng mạc xa xôi chữa bệnh miễn phí như tiếng gọi thiêng liêng tựa tu sĩ cống hiến cho đời. Ông viết cho chị "Em chụp ảnh mấy người Sedang nè. Họ vạm vỡ vẻ mặt cương quyết kiêu ngạo, tóc xõa trước trán đằng sau cài lược sừng trâu, quấn vải đỏ trang điểm hạt thủy tinh dây da...”
 
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017
 
Ảnh Xuan Nhu Tran


YERSIN ĐỂ LẠI NHỮNG GÌ
?

Yersin yêu cây cỏ, 1899 Yersinmang cây cao su từ Brazil, cây cà phê từ Liberia về trồng đầu tiên tại Việt Nam. Ông tìm ra thuốc chữa bệnh cho trâu bò gà vịt và cả cá. Thơ ngày 3/4/1892 cho chị "Ở đây không nhiều loại hoa như châu Âu nhưng Lan đẹp lắm. Em đã sưu tập một số Lan rừng hình dạng kỳ lạ, màu sắc tuyệt vời...”
 
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

Năm 1915 bệnh sốt rét tung hoành, Đông Dương thiếu thuốc quinine nên Yersin quyết định phải tự cung cấp từ cây Cinchona. Tìm được giống và đất thích hợp không phải đầu hôm sớm mai nhưng Yersin đã thành công mang hạt giống Cinchona từ Java. Trong cuốn "Yersin un pasteurien en Indochine", hai tác giả Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossollet viết "1915 Ouvre une nouvelle station agricole au Hòn Bà. Premiers essais d'acclimatation des Cinchonas pour produire la quinine nécessaire à l'Indochine -Năm 1915, Yersin lập trại mới ở Hòn Bà, lần đầu trồng thử cây Cinchonas làm thuốc trị sốt rét Đông Dương đang cần".
  
 
Hòn Bà, nơi Yersin trồng Cinchona
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

Quả thật, thuốc quinine cứu Đông Dương khỏi sốt rét thời Thế Chiến II 1939-1945. Chuyện kể gia đình chạy tản cư 1946, ngoài Bắc có được 1 viên kí-ninh trị "sốt rét ngã nước" là quí lắm, "bệnh gì cũng khỏi".

DỊCH HẠCH 1894 Ở QUẢNG ĐÔNG

Năm 1855, bệnh dịch tàn phá thế giới, Ấn Độ chết 10 triệu và Trung quốc chết 2 triệu người. Năm 1894 dịch quay lại Quảng Đông trong 2 tháng giết 100.000 người. 15/6/1894, theo đề nghị của Calmette, Yersin đi Hongkong nghiên cứu nhưng không được người Anh cho sử dụng bệnh viện Superintendents House and Government Civil Hospital. Ông mang theo hai người phụ giúp, một người ẵm hết tiền của Yersin ... rồi trốn mất.
 
Yersin và Calmette
Tác phẩm điêu khắc gia M. Nguyen, Saigon 1963, kỷ niệm Yersin mất 20 năm
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

Với sự giúp đỡ của một tu sĩ người Ý, Yersin dựng túp lều tranh cạnh bệnh viện, dụng cụ duy nhất là một kính hiển vi và đồ khử trùng. Để thí nghiệm, Yersin lượm chuột chết ngoài đường và... hối lộ nhân viên nhà xác để có vài cục hạch trên tử thi. Sau 5 ngày làm việc, ngày 23/6/1894 Yersin tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch từ chuột lây qua người do bọ chét, vi khuẩn được đặt tên Yersin Pestis, từ đó với liều chích ngừa nhân loại đã thoát dịch hạch kinh hoàng.  
 
Căn lều nhỏ Hongkong-
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017
Năm 1891 Calmette lập viện Pasteur ở Saigon. Năm 1895 Yersin lập viện Pasteur ở Nha Trang. Năm 1902, Yersin lập trường y khoa Hà Nội. Ngày nay, thế giới có 100 Viện Pasteur, riêng Việt Nam có tới ba viện ở Saigon, Hà Nội và Nha Trang.
Việt Nam có nhiều tượng đài, tên đường, trường học... mang tên ba bác sĩ: Louis Pasteur, Albert Calmette và Alexandre Yersin. Học trò Đà Lạt được học ngôi trường Yersin đẹp nhất Đông Dương, kiến trúc sư Paul Moncet vẽ kiểu và coi sóc xây cất năm 1927, gạch ngói đỏ nhập từ châu Âu.Hiện bản vẽ gốc của chính quyền Pháp về kỹ thuật kiến trúc của trường lưu trữ tại “Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV”, hồ sơ số 4295 RSA/HC, 4296 RSA/HC, 429 RSA/HC.
  
Lycée Yersin, Ảnh Peter Dung Nguyen 2020
YERSIN TRỞ LẠI?
Hôm 19/3/2020, Tổng Thống Donald Trump họp báo, loan báo cơ quan FDA Mỹ đã chấp thuận cho THỬ "chloroquine và hydroxychloroquine-thuốc trị sốt rét và phong thấp" để chữa trị dịch bệnh do virusVũ-Hán. Dr. Stephen Hahn tiếp lời tổng thống "Có thể chúng ta đã dùng đúng thuốc, nhưng cần xem xét kỹ liều lượng...”
Nếu đúng là chất quinine có thể chữa virusVũ-Hán thì thế giới lại lần nữa nghiêng mình trước Yersin.

 

Viện Pasteur cho dân hay muỗi anophèle chích truyền sốt rét nhưng có Quinine
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017
SANH NƠI KIA TỬ NƠI NÀY
Cộng tác viên cuối cùng của Louis Pasteur ngủ yên giấc cuối lúc 1 giờ sáng ngày 1 tháng 3 năm 1943. Tại Nha Trang, căn nhà trên ngọn đồi nhỏ trồng cao su, Yersin sống quạnh quẽ ra đi một mình. Theo di chúc, ông được chôn nằm sấp đầu hướng ra biển. Bạn bè của Yersin là ve sầu chim chóc lao xao trong không gian thanh tịnh. Dân cư Suối Dầu, Nha Trang vinh dự thay mặt thế giới tôn kính mộ phần hương khói quanh năm cảm tạ người khiêm nhường ấy.
 
Mộ Yersin, Suối Dầu
Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

TÀN HÉO CŨNG ĐẸP CHỨ SAO!
 
Chữ viết tay Yersin - Ảnh: giáo sư Jacques-Henri Penseyres, 2017

Thiên tài và tấm lòng nhân ái khiến cuộc đời của Yersin như bài hát trong phim Le Papillon 2003
"Enfin… Pourquoi les jolies fleurs se fanent?
Parce que ça fait partie du charme
Rồi ra…Tại sao hoa xinh rồi cũng tàn héo?
Ô kìa! Bởi vì tàn héo cũng đẹp chứ sao

Đối diện với coronaVũ-Hán 2019, nhiêu người trong chúng ta có được một giọt mong manh như tấm lòng Yersin bao la ấy? Yersin đang ở trên cao nhìn xuống mỉm cười.

Tham khảo
http://www.historicvietnam.com/arthur-delteil-in-1882-part-1/
https://www.medicographia.com/2015/06/a-touch-of-france-and-vietnam
https://web.archive.org/web/20050127011915/http://www.pasteur.fr/infosci/archives/yer0.html
https://web.archive.org/web/20050413083336/http://www.nimr.mrc.ac.uk/millhillessays/2003/yersin/
https://www.unine.ch/files/live/sites/u3a/files/shared/documents/Archives/PENSEYRES-Alexandre%20Yersi-1.pdf