Bức Tường Berlin, nhìn từ Đông Đức trước ngày sụp đổ. Jean-Claude Mouton
Vào lúc
nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, nhiều nơi trên
thế giới, thanh thiếu niên nắm lấy vận mệnh tương lai, RFI nhìn lại vai
trò của giới trẻ tại Đông Berlin 30 năm trước đã góp phần dẫn tới sự
tan rã của khối Xã Hội Chủ Nghĩa: Âm nhạc là nhát búa đầu tiên đánh sập
Bức Tường Berlin.
Ngày
09/11/1989 bức tường chia cách thành phố Berlin trong suốt 28 năm sụp
đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Trên thực tế bức tường tưởng chừng là
kiên cố này đã rạn nứt từ lâu. Tháng Giêng 1989 chủ tịch Hội Đồng Nhà
Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức Erich Honecker tuyên bố bức tường Berlin còn
đứng vững mãi cả ”trăm năm nữa”. Chỉ mười tháng sau, người dân Berlin
với búa rìu đã đập tan nát biểu tượng của sự chia cắt và qua đó khép lại
hơn 40 năm chiến tranh lạnh, khối Xã Hội Chủ nghĩa tan rã, Liên Xô và
chủ nghĩa cộng sản cáo chung.
Âm nhạc vũ khí lợi hại của phương Tây
Những
nhát búa đầu tiên giáng xuống bức tường thực ra đã được khởi động từ
trước năm 1989. Mọi việc khởi đầu với buổi trình diễn của nam danh ca
người Mỹ, Bruce Springsteen ngày 19/07/1988. Anh là nghệ sĩ Tây phương
nổi tiếng đầu tiên đến Đông Berlin trình diễn. Trong vỏn vẹn bốn giờ
đồng hồ, hơn 300.000 thanh niên Đông Đức khao khát tự do bị ca
khúc Chimes of Freedom, nhạc và lời của Bob Dylan làm mê hoặc. Cho dù
trước đó, Bruce tuyên bố với khán giả rằng anh đến diễn trên sân khấu
Đông Berlin không để ủng hộ một chính quyền của ”phe này hay phe khác mà
chỉ để đưa dòng nhạc rock’n roll đến với khán giả Đông Berlin”. Dù vậy,
Spingsteen không quên nói lên nguyện vọng tự đáy lòng : Anh "hy vọng
một ngày nào đó những rào cản sẽ được dỡ bỏ”.
Vài tháng
trước đó, tiếng hát của hai nhạc sĩ lớn của thế giới tự do là David
Bowie và Michael Jackson từ phía bên kia bức tường vọng sang đã chinh
phục con tim của giới trẻ đông Đức. Cũng chính vì tránh để cho giới trẻ
cứ ”dán mãi tai vào bức tường” nghe lóm những buổi trình diễn ở phía Tây
Berlin, mà chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Đức dưới thời đại của Honecker
đã mời một vài nghệ sĩ ngoài khối xã hội chủ nghĩa đến biểu diễn.
Một nhà
nghiên cứu về lịch sử âm nhạc từng đánh giá đêm biểu diễn tại Đông
Berlin của Bruce Springsteen là sự kiện âm nhạc ”quan trọng nhất trong
thế kỷ 20”. Trong đêm diễn ấy, nam danh ca người Mỹ đã gieo vào 300.000
trái tim tiếng chuông tự do. Khán giả của anh đêm đó nhận thấy một làn
gió thay đổi đang thổi tới Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Tiếng đàn Violoncelle của nhạc sĩ người Nga
Hơn một
năm sau, tháng 11 năm 1989, hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kéo
đàn violoncelle dưới chân bức tường ngay tại trạm kiểm soát Checkpoint
Charlie đi vòng quanh thế giới. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây
đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Berlin đang hồi
sinh.
Là một
nhạc sĩ đàn violoncelle/cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch 30
năm trước đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris.
Qua đài phát thanh ông hay tin bức màn sắt đang bị khai tử và thế là ông
lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân,
Rostropovitch với cây đàn đáp xuống sân bay Berlin. Ra khỏi phi trường,
họ biết đi đâu ? Không ngần ngại, ông lấy tắc xi đến thẳng trạm kiểm
soát Checkpoint Charlie, biểu tượng giữa hai thế giới Đông và Tây.
Những nốt
nhạc đầu tiên từ bản Suites của Johann Sebastian Bach được cất lên,
tiếng búa rùi nện vào bức tường im bặt. Chính nhạc sĩ Mstislav
Rostropovitch kể lại trong, buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989,
hai ngày sau làn sóng người Đông Berlin đầu tiên chính thức qua hàng rào
biên giới dưới sự kiểm soát của lính biên phòng đôi bên, nhạc sĩ
Rostropovitch đã tuyên bố đấy là “một ngày hạnh phúc”, bởi ông biết rằng
kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một
khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn
của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự
rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch
sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi này.
Ở vào
những năm 1950 Rostropovitch là một trong những tinh hoa của Liên bang
Xô Viết. Ông là một nghệ sĩ tài hoa được đào tạo trong học viện âm nhạc
quốc gia, là học viên hiếm hoi mới 23 tuổi đời đã đoạt giải thưởng mang
tên Stalin. Nhưng bước vào đầu thập niên 1970 ông phạm phải hai điều cấm
kỵ : một là tiếp xúc với nhà văn Soljennitsine, tác giả của Quần Đảo
ngục Tù và hai là đứng về phía nhà bác học, nhà đấu tranh cho nhân quyền
Sakharov. Gia đình Rostropovitch bị chính quyền Brejenev đưa vào danh
sách đen.
Năm 1974
nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch rời Liên Xô sanh định cư hẳn tại Mỹ, rồi
Pháp. Ông là nghệ sĩ bốn bể là nhà với những vòng lưu diễn bất tận. Đã
nhiều lần đi vòng quanh trái đất, nhưng theo lời con gái người nhạc sĩ
nổi tiếng này, dù bị Liên Bang Xô Viết tước quyền công dân năm 1978, ông
luôn thầm mơ có được ngày trở về.
Làn gió cách mạng tại Đông Âu
Dù vậy
tất cả các nhà sử học đều đồng ý trên một điểm đó sự sụp đổ của Bức
Tường Berlin chỉ là hồi kết từ những vết nứt chính trị trước đó trong
khối cộng sản. Ngay tại Liên Xô, lần đầu tiên thành trì của chế độ Cộng
Sản này tổ chức bầu cử tự do vào tháng 3/1989. Hungrary tháng 2/1989
không còn là một quốc gia độc đảng. Lại cũng Hungary ngày 10/09/1989 mở
cửa biên giới với Áo. Đây là cửa ngõ đầu tiên giữa hai khối Cộng Sản và
Tư Bản. Tháng 6 cùng năm, tại Vacxava, công đoàn Solidarnosc của Lech
Valesa đắc cử trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ kể từ sau Thế Chiến.
Một lần
nữa Hungary lại tiên phong, tuyên bố thoát khỏi vòng kềm tỏa của
Matxcơva. Chỉ một tuần sau ngày Bức Tượng Berlin bị phá vỡ, đến lượt
Tiệp Khắc tuyên bố độc lập. Tại Bulgari để tồn tại, đảng Cộng Sản phải
chấp nhận mở cửa. Riêng tại Bucarest nhà độc tài Roumani Nicolae
Ceausescu không cầm cự được thêm bao lâu trước khi nhận lấy cái chết
thảm khốc đúng ngày lễ Giáng Sinh.
Một cách
ôn hòa hơn, ba quốc gia ven biển Baltic trong vòng từ tháng 3 đến tháng
5/1990 tuyên bố độc lập. Tại Nam Tư chế độ của Slobodan Milosevic bị
chống đối. Tiếp theo đó là một cuộc xung đột kéo dài cho đến tận năm
1999.
Nước Đức thống nhất và sự hình thành của Liên Hiệp Âu Châu
Về phần
hai miền nước Đức là Cộng Hòa Liên Bang Đức thuộc khối tư bản và Cộng
Hòa Dân Chủ Đức cùng bị Bức Tường Berlin dồn vào chân tường. Đông Đức
kiệt quệ về kinh tế và không còn có thể trông chờ vào Liên Xô. Tây Đức
cũng lúng túng không kém vì phải cưu mang người anh em bên sườn đông.
Bonn cầu viện các đối tác Tây Âu và hướng về giải pháp thống nhất đất
nước.
Hai đối
tác lớn của Bonn là Anh và Pháp. Tại Luân Đôn, nữ thủ tướng Thatcher
thận trọng. Tại Paris, François Mitterrand đồng tình với điều kiện, Bonn
và Paris nhanh chóng đẩy mạnh khối Âu châu , hình thành một Liên Hiệp
có tiếng nói quan trọng về chính trị.
Từ “Thị
trường chung” phát triển thành “Cộng đồng kinh tế Âu châu”, rồi “Cộng
đồng Âu châu”, dự án xây dựng “Liên Hiệp Âu Châu ” được hình thành vào
tháng 04/1990, tức là chưa đầy một năm sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ.
Tháng 2/1992, hiệp ước chính thức được ký kết, khai sinh ra Liên Hiệp Âu Châu .
Thanh Hà
No comments:
Post a Comment