; }

Saturday, August 24, 2019

TÀI LIỆU SNIE 14.3-67 : MỘT BÀI HỌC ĐẮC GIÁ CỦA VIỆC CHÍNH TRỊ HÓA TÌNH BÁO



Lâm Vĩnh Thế

Librarian Emeritus, M.L.S.
University of Saskatchewan
CANADA

Cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân (từ cuối tháng 1-1968) của phe Cộng Sản trên toàn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, mà báo chí sách vở Hoa Kỳ thường gọi là Tet Offensive, đã được đánh giá như là một thất bại lớn về tình báo của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Việt Nam. Việc đánh giá như vậy có hoàn toàn đúng hay không ? Bài viết này tìm hiểu những tranh luận chung quanh tài liệu SNIE 14.3-67 của CIA nhằm cố gắng trả lời câu hỏi đó. SNIE 14.3-67 là tài liệu gì ?
SNIE, chữ viết tắt của Special National Intelligence Estimate, tạm dịch là Bản Ước Lượng Tình Báo Quốc Gia Ðặc Biệt, là một dạng đặc biệt của NIE (National Intelligence Estimate), tài liệu về tình báo của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency, thường được viết tắt là CIA) đã được xét duyệt và thông qua bởi United States Intelligence Board (USIB = Hội Ðồng Tình Báo Hoa Kỳ) và sau đó sẽ được ấn hành bởi một bộ phận của CIA là Office of National Estimates (ONE).
Mỗi NIE được tạo ra nhằm cung cấp cho các cấp lãnh đạo của Hoa Kỳ những thông tin căn bản cần thiết về tình hình về mọi mặt của từng quốc gia trên thế giới. Các NIE luôn luôn được cập nhật dựa trên tình hình phát triển của các quốc gia đó, và thỉnh thoảng, theo nhu cầu của tình hình, các SNIE sẽ được soạn thảo. Việc soạn thảo các NIE và SNIE là nhiệm vụ của một đơn vị thuộc quyền của Phó Giám Ðốc Tình Báo của CIA (Deputy Director for Intelligence, thường được viết tắt là DDI; Ray S. Cline (1962-1966) và Russell Jack Smith (1966-1971) là hai người kế tiếp nhau giữ vị trí DDI trong giai đoạn này của Chiến Tranh Việt Nam). Như trên đã trình bày, các NIE và SNIE luôn luôn phải được xét duyệt và thông qua bởi USIB gồm các đại diện có thẩm quyền của tất cả các cơ quan an ninh tình báo của Hoa Kỳ mà quan trọng nhứt là các cơ quan sau đây: CIA, DIA (Defense Intelligence Agency, cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng), các cơ quan tình báo của 3 quân chủng (Hải, Lục và Không Quân), và cơ quan tình báo của Bộ Ngoại Giao (Bureau of Intelligence and Research – State Department, thường được viết tắt là INR).

Tài liệu SNIE 14.3-67 có trang bìa như hình dưới đây: 

Nhan đề của tài liệu này cho thấy rõ ràng nội dung của nó là đề cập đến khả năng chiến đấu của các lực lượng Cộng sản tại Miền Nam Việt Nam, và số hiệu 14.3-67 gồm 2 phần: 14.3 là ám số của CIA dùng cho khu vực Ðông Dương (Indo-China), và 67 là của năm 1967. Sam Adams là ai ?
Nói đến câu chuyện của tài liệu SNIE 14.3-67 thì không thể nào không nhắc đến cái tên Sam Adams được. Vậy Sam Adams là ai ?
Người nhân viên CIA đã khuấy động chuyện này có tên là Samuel Alexander Adams (1934-1988), thường được biết bằng tên ngắn gọn hơn là Sam Adams, là một nhân viên phân tích tình báo (intelligence analyst) của cơ quan CIA. Ông sinh ngày 14-6-1934 tại thành phố Bridgeport, tiểu bang Connecticut, thuộc dòng dõi họ Adams nổi tiếng của tiểu bang Massachusetts, đã từng sản sinh ra 2 vị Tổng Thống của Hoa Kỳ, đó là hai cha con: cha là John Adams (1735-1826), Tổng Thống thứ nhì (1797-1801) và con là John Quincy Adams (1767-1848), Tổng Thống thứ sáu (1825-1829).[1] Sau khi tốt nghiệp Ðại Học Harvard (Harvard College) về ngành Sử Âu Châu vào năm 1955, ông phục vụ hai năm trong lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ. Sau khi giải ngũ, ông theo học Luật tại Ðại Học Harvard (Harvard Law School), và sau đó làm việc cho một số ngân hàng trong một thời gian. Năm 1963 ông được Cơ quan CIA tuyển chọn làm nhân viên phân tích tình báo và đơn vị đầu tiên ông phục vụ là tổ Congo, thuộc Khối Phi Châu (Congo desk of Africa Division). Nhờ cách làm việc siêng năng, cần mẫn, có phương pháp và với óc nhận xét và phân tích rất sắc bén, chỉ một thời gian ngắn, ông đã được các đồng nghiệp kính nể và các cấp chỉ huy CIA đánh giá cao. Tháng 8 năm 1965, ông chuyển sang tổ Việt Nam, thuộc phân bộ Ðông Nam Á, Khối Viễn Ðông (Vietnam desk, Southeast)
Hình Sam Adams chụp khoảng năm 1984 -- Nguồn: Internet

Vào thời gian này, sau khi quân bộ chiến của Hoa Kỳ ồ ạt đổ vào Việt Nam, cán binh Cộng sản bị dao động tinh thần rất nặng nề: tỷ lệ hồi chánh và đào ngũ tăng lên rất nhiều. Adams được phân bộ trưởng Ed Hauck giao cho nhiệm vụ tìm hiểu về vấn đề tinh thần của cán binh Việt Cộng (Viet Cong morale). Adams bắt tay ngay vào việc và đã bỏ ra rất nhiều thời gian cũng như công sức để thực hiện các hồ sơ cần thiết cho công việc được giao phó. Trong bước đầu, ông tạo ra 3 bộ hồ sơ căn bản mà ông đặt tên cho là: 1) Primary Evidence (Bằng chứng nhứt đẳng) gồm các văn kiện, báo cáo trực tiếp từ phía VC như là các tài liệu bắt được (captured documents), cung tù hàng binh (POW interrogations; POW = Prisoner Of War), và các cuộc phỏng vấn với các cán binh VC ra hồi chánh (defector interviews); 2) Statistics (Thống kê) gồm các trang trích ra từ các báo cáo gởi từ Sài Gòn về các con số đào binh và tù binh VC cũng như các con số dân tỵ nạn từ các vùng nằm dưới sự kiểm soát của VC; 3) Everything Else (Tất cả các thông tin khác) gồm tất cả các loại tài liệu không thể xếp vào 2 bộ hồ sơ kia. Về sau, bộ hồ sơ thứ ba này quá lớn nhưng không hữu dụng cho công việc của ông nên ông quyết định vứt bỏ đi. Những con số gây ngạc nhiên
Adams bắt đầu đọc các tài liệu thuộc hồ sơ 1 nhưng không thấy gì đặc biệt. Khi chuyển sang đọc các số liệu thống kê thì ông bắt đầu thấy thích thú và ngạc nhiên. Tài liệu gây ngạc nhiên cho ông là báo cáo về chương trình Chiêu Hồi của tuần lễ đầu tháng 8-1965: báo cáo ghi rõ là tổng số cán binh VC ra hồi chánh trong tuần lễ đó là 211 người. Ông đọc tiếp các báo cáo của các tuần lễ còn lại của tháng 8-1965 và nhận ra rằng con số 211 hồi chánh viên trong một tuần không phải là một trường hợp đặc biệt gì cả mà chỉ là một con số trung bình mà thôi. Ông tính nhẩm: như vậy mỗi năm có trên 10.000 cán binh VC về hồi chánh, một tỷ lệ rất đáng kể là 5% trên tổng số lực lượng VC theo ước tính của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là khoảng dưới 200.000 quân. Thật sự kích động, ông đọc hết tất cả các báo cáo của chương trình Chiêu Hồi, và sau đó khi so sánh giữa con số VC hồi chánh và con số VC tử trận, ông càng kinh ngạc hơn: trong khoảng thời gian từ tháng 8-1964 đến tháng 8-1965 con số VC tử trận chỉ tăng gấp đôi trong khi con số VC hồi chánh tăng gấp 5 lần. Ðiều này có nghĩa là cường độ chiến tranh càng ác liệt thì số cán binh VC ra hồi chánh sẽ càng tăng lên nhanh chóng hơn.[2] Như vậy, xem ra có vẻ chiến lược “lùng và diệt địch” (Search and Destroy) của Tướng Westmoreland,[3] Tư Lệnh MACV [4] áp dụng cho cuộc chiến tranh hao mòn (war of attrition) này đã có kết quả tốt. Và, nếu tiếp tục với cái đà này, chỉ một thời gian ngắn nữa VC sẽ không còn quân để đánh nhau nữa. Nhưng rồi Adams sớm nhận ra rằng sự thật không phải như vậy. Vì VC vẫn tiếp tục đánh phá khắp nơi, không có một triệu chứng nào báo hiệu cho thấy tinh thần chiến đấu của VC bị ảnh hưởng nặng và sẽ đi đến chỗ sụp đổ toàn diện. Adams đang đối diện với 2 khối lượng thông tin hoàn toàn mâu thuẫn nhau: một khối thông tin cho thấy mức độ cán binh VC hồi chánh rất cao và ngày càng gia tăng, còn khối thông tin kia thì cho thấy các lực lượng VC vẫn tiếp tục chiến đấu dữ dội khắp nơi trên lãnh thổ của VNCH. Adams tin rằng như vậy phải có cái gì không đúng đây. Anh quyết định tìm hiểu thêm về các cán binh VC hồi chánh.
Mối nghi ngờ chớm nở
Tháng 1-1966, Adams được biệt phái sang làm việc tại Việt Nam trong 3 tháng. Ðây là lần đầu tiên Adams tiếp nhận được kinh nghiệm trực tiếp về chiến tranh Việt Nam nói chung, và về tổ chức nhân sự của VC nói riêng.
Nơi Adams được chỉ định đến công tác là Phân Bộ Thu Xếp (Collation Branch) của CIA tại Sài Gòn. Phân bộ này được đặt dưới quyền chỉ huy của George Allen là người phó của George Carver lúc đó đang đảm nhận chức vụ Phụ Tá Ðặc Biệt về Việt Nam (SAVA = Special Assistant for Vietnam Affairs) của Giám Ðốc CIA, Richard Helms. Dưới sự hướng dẫn của Allen, Adams bắt tay vào công tác tìm hiểu về các hồi chánh viên (defectors). Ông được biết là lúc đó trạm CIA tại Sài Gòn không có giữ một danh sách gốc (master list) về các hồi chánh viên. Allen khuyên ông nên tìm gặp Leon Gore, người đứng đầu phân bộ đặc trách về Ðộng Cơ và Tinh Thần của Việt Cộng (VC Motivation and Morale Branch) của Rand Corporation,[5] mà trụ sở đặt tại biệt thư số 176 đường Pasteur ở Sài Gòn, để có thể nắm được thông tin tin đầy đủ về vấn đề này. Tuy nhiên, Allen cũng dặn Adams là không nên sa lầy trong vấn đề này vì, theo Allen, còn một vấn đề còn quan trọng hơn nữa là vấn đề các cán binh VC đào ngũ (deserters). Ðây là những cán binh VC, vì nhiều lý do khác nhau, đã rời bỏ hàng ngũ Cộng sản nhưng không ra hồi chánh, và cũng không thể trở về quê quán vì sợ bị VC thanh toán, họ trốn về và sinh sống bất hợp pháp trong các thành phố. Khi đến gặp và làm việc với Gore, Adams càng kinh ngạc hơn khi được Gore cho biết con số đào ngũ còn cao hơn con số hồi chánh: tỷ lệ là gấp 7 lần.[6] Như vậy, mỗi năm lực lượng VC mất đi, không phải 10.000 quân hay 5% (do hồi chánh), mà đến 80.000 quân hay 40% (10.000 hồi chánh + 70.000 đào ngũ). Ðó là chưa kể đến số thương vong. Và cho một đạo quân chưa đến 200.000 người theo ước tính của MACV. Vậy mà cường độ chiến tranh không hề suy giảm chút nào cả, ngược lại ngày càng ác liệt, với số thương vong của quân đội Mỹ không ngừng gia tăng.[7] Như vậy rõ ràng là lực lượng VC phải cao hơn con số 200.000 quân rất nhiều. Mối nghi ngờ gia tăng
Ngày 2-2-1966, từ Sài Gòn Adams đáp chuyến bay trực thăng của Air America [8] xuống Tân An làm việc tại Trung Tâm Chiêu Hồi của tỉnh Long An. Tại đây, Adams đã tiếp cận với toàn bộ hồ sơ của 146 cán binh VC đã ra hồi chánh trong thời gian 4 tháng trước đó. Trong suốt thời gian 2 tuần lễ, với sự giúp đỡ rất tích cực của một nữ thông dịch viên, Adams đã ghi chép thật cẩn thận về tất cả 146 hồi chánh viên đó với những thông tin cá nhân của từng người cần thiết cho công tác của ông như là: tên họ, tuổi tác, thành phần (quân sự, chính trị, chính quy, địa phương, liên lạc viên, du kích, dân quân tự vệ, vv.), thời gian phục vụ trong hàng ngũ CS. Ông nhận ra trong số 146 hồi chánh viên này có khoàng gần 90 người thuộc thành phần quân sự, và trong số nầy chỉ có 6 người thuộc các đơn vị chính quy hay địa phương, phần còn lại khoảng 80 người là thuộc diện du kích – dân quân (guerilla-militia). Kiểm tra lại với con số du kích – dân quân liệt kê cho tỉnh Long An trong bảng trận liệt (Order of Battle, hay OB) của MACV, ông giựt mình vì bảng OB của MACV ghi rõ là tỉnh Long An chỉ có tổng cộng 160 du kích – dân quân. Ông tính nhẩm: vậy thì lực lượng du kích – dân quân của VC trong tỉnh Long An đã bị tổn thất đến 50% nghĩa là rất nặng. Nhưng rõ ràng tình hình hoạt động của VC tại Long An vẫn không bị ảnh hưởng. Ngay trong thời gian đó, vào ngày 11-2-1066, đã xảy ra một trận đánh lớn tại quận Tân Trụ, cách tỉnh lỵ Tân An khoảng 10 km về phía Nam, trong cuộc Hành Quân An Dân 14/66, giữa các đơn vị của Sư Ðoàn 7 Bộ Binh của QLVNCH và Tiểu đoàn 506 địa phương của VC. Tiểu Ðoàn 506 của VC đã bị tổn thất thật nặng với trên 100 binh sĩ tử trận, bỏ xác tại chỗ mà QLVNCH đã đếm được.[9] Mấy hôm sau, Adams được gặp và đã nêu thắc mắc về con số du kích – dân quân của VC với Ðại Tá Phạm Anh, Tỉnh Trưởng Long An. Ðại Tá Anh cho biết ngay là con số 160 trong OB của MACV là sai, con số du kích – dân quân tại Long An đúng phải là 2000, và ông cũng yêu cầu Adams sau này về Sài Gòn, nếu có cơ hội, nên báo cho MACV điều chỉnh lại con số này trong OB của họ. Adams hứa sẽ làm chuyện này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Adams có dịp đến làm việc tại Quận Tân Trụ, và được biết Tiểu đoàn địa phương 506 của VC, vừa bị thiệt hại nặng trong cuộc Hành quân An Dân 14/66 vừa nói trên, đã bổ sung xong quân số và hoạt động trở lại như trước.[10] Như vậy rõ ràng là con số 2000 du kích – dân quân (nguồn bổ sung cho các đơn vị quân sự địa phương của VC) của ông đại tá tỉnh trưởng Long An hoàn toàn có thể tin được. Ðây là lần đầu tiên Adams được biết một cách gần như chắc chắn là con số du kích – dân quân trong OB của MCV là quá thấp. Ngày hôm sau, trở về Sài Gòn, Adams báo cáo ngay cho George Allen về chuyện này. Allen không ngạc nhiên chút nào cả, và còn cho Adams biết rằng từ nhiều năm qua MACV đã bỏ qua, không để tâm đến vấn đề du kích – dân quân của VC. Nhớ lại lời hứa với đại tá tỉnh trưởng Long An, Adams đã gọi cho Ban Phụ Trách Trận Liệt (Order of Battle Branch) của MACV để cho họ biết về con số chính xác của du kích – dân quân tại Long An. Người nhân viên trực ban ghi nhận và cho biết sẽ báo cáo lại cho Ðại Tá Gaines Hawkins, Trưởng Ban OB của MACV. Sau vụ Long An, mối nghi ngờ của Adams về các con số liên quan đến lực lượng du kích – dân quân trong OB của MACV càng gia tăng thêm, và ông quyết định tìm đọc các tài liệu tịch thu được của VC để xem thông tin và nhận định của chính đối phương về vấn đề ra sao. Ông càng bàng hoàng hơn khi thấy ngay chính trong các tài liệu bắt được của địch tỷ lệ giữa con số hồi chánh và con số đào ngũ của cán binh VC còn cao hơn cái tỷ lệ 1/7 mà Gore đã nói với ông rất nhiều: [11]

• Một tài liệu có tựa đề là “Các biện pháp đối phó với các thành phần hồi chánh, đào ngũ và phản bội” (Countermeasures against defectors, deserters, and traitors) cho biết số hồi chánh “hiếm” hơn số đào ngũ
• Một tài liệu khác, lần đầu tiên cho biết cái tỷ lệ giữa đào ngũ và hồi chánh: 138 đào ngũ trong đó chỉ có 5 ra hồi chánh, tỷ lệ là 5/138 = 27 lần
• Một tài liệu khác cho biết: trong vòng 1 tháng, một đơn vị có 47 người đào ngũ, trong đó chỉ có 2 ra hồi chánh: tỷ lệ là 2/47 = 23 lần
• Một tài liệu nữa, cụ thể hơn rất nhiều: Đại đội vũ khí của Tiều đoàn 269, thuộc Trung đoàn 2 Ðồng Tháp, trong 3 tháng cuối năm 1965, đã có đến 20 người đào ngũ; tính theo cấp số của đại đội vũ khí là 87 người, tỷ lệ đào ngũ của đơn vị này là 20/87 = 22.9% nghĩa là rất cao
Thời gian còn lại tại Việt Nam, Adams đến làm việc tại Trung Tâm Khai Thác Tài Liệu Hỗn Hợp của MACV (Combined Document Exploitation Center – CDEC [12]) tại Sài Gòn. Tại đây, Adams đọc tất cả các tài liệu bắt được của địch, đặc biệt là các danh sách của các đơn vị địch (enemy rosters), và nhận rõ là tất cả các tài liệu này đều cho thấy một mức độ đào ngũ trầm trọng trong hàng ngũ cán binh VC. Adams đã sao chụp và mang về Mỹ một số lớn tài liệu loại này. Ông trở về Tổng Hành Dinh của CIA ở Langley, Virginia vào ngày 2-5-1966, và bản báo cáo của ông về vấn đề đào ngũ của cán binh VC rất được chú ý và đánh giá cao. Do đó, Adams đã được gọi lên thuyết trình cho Ðô Ðốc William F. Raborn, người vừa được bổ nhiệm thay cho John A. McCone trong chức vụ Giám Ðốc CIA. Sau vụ thuyết trình này của Adams, Giám Ðốc Raborn quyết định cử 1 đoàn chuyên viên về phân tâm (psychiatrists) của CIA sang Việt Nam (cùng với Adams với tư cách cố cấn cho đoàn) để nghiên cứu tại chỗ về tinh thần của cán binh VC. Sau một tháng rưỡi làm việc tại Việt Nam, đoàn chuyên viên trở về Mỹ và báo cáo của họ khẳng định là, mặc dù với tỷ lệ đào ngũ cao như thế, tinh thần chiến đấu của cán binh VC vẫn rất tốt. Sau khi trở lại Mỹ, dùng nhiều cách tính khác nhau, Adams ước tính con số cán binh VC đào ngũ trong một năm rất cao, không bao giờ dưới 50.000, có khi lên đến trên 100.000. Trong khi đó, tổng số cán binh VC tử trận, bị thương và bị bắt làm tù binh là vào khoảng 150.000 mỗi năm. Như vậy, nếu căn cứ vào con số ước tính toàn bộ lực lượng của VC trong OB của MACV là 280.000 (vào tháng 6-1966) thì lực lượng này sẽ bị triệt tiêu trong một thời gian ngắn sắp tời. Nhưng rõ ràng, qua kinh nghiệm bản thân của Adams trong thời gian 3 tháng công tác tại Việt Nam, cũng như qua kết quả điều tra của đoàn chuyên viên về phân tâm học của CIA, tinh thần chiến đấu của cán binh VC không hề giảm sút và cường độ chiến tranh vẫn ngày càng ác liệt, không có một dấu hiệu gì cho thấy cuộc chiến sắp đi đến kết thúc cả. Adams nhớ kinh nghiệm thu nhận được trong thời gian công tác tại Long An: 1) Sự sai biệt quá lớn giữa 2 con số về du kích – dân quân do đại tá tỉng trưởng Long An cung cấp và con số trong OB của MACV; và 2) Vụ Tiểu đoàn địa phương 506 của VC tại Long An, đã bổ sung quân số thật nhanh và hoạt động trở lại ngay, sau khi bị thiệt hại nặng trong cuộc hành quân An Dân 14/66 tại Tân Trụ trong tháng 2-1966. Lúc bấy giờ, CIA vừa trải qua một cuộc cải tổ, và xếp mới của Adams là Dean Moor. Adams lập tức báo cáo ngay cho Moor các phát hiện của mình về Long An và xin phép được nghiên cứu thêm về vấn đề nhân sự của VC. Ðược sự chấp thuận của Moor, Adams bỏ thì giờ tìm đọc tất cả các tài liệu bắt được của VC (đã được CDEC chuyển dịch sang Anh ngữ) và sưu tập lại trong các thông cáo nội bộ của CIA, gọi là “Bulletin” lưu giữ trong văn khố của CIA. Ngày 18-8-1966, ông đọc đến Bulletin mang số 689 mang tựa đề là “Recaptitulated Report on the People’s Warfare Movement from Binh Dinh Province” (Báo cáo tóm lược vể phong trào chiến tranh nhân dân tại tỉnh Bình Định). Tài liệu này chỉ gồm có 3 trang và do Sư Ðoàn 1 Kỵ Binh Không Vận của Hoa Kỳ (U.S. First Air Calvary Division, VC thường gọi là Sư Ðoàn 1 Anh Cả Ðỏ) tịch thu được trong một cuộc cuộc hành quân tại phía Bắc Bình Ðịnh vào ngày 30-5-1966. Tài liệu không có đề ngày, nhưng liệt kê các con số du kích và dân quân tại Bình Ðinh của 3 tháng đầu năm 1966. So lại với các con số du kích – dân quân VC tại tỉnh Bình Ðịnh trong OB của MACV, Adams lại một lần nữa giựt mình vì rất giống trường hợp của Long An: [13]
Lực Lượng VC Tài Liệu của VC Tài Liệu của MACV
Du kích 15.800 1.446
Dân Quân Tự Vệ 34.441 3.222
Tổng Cộng 59.241 4.668
Adams lập tức báo cáo ngay cho George Allen, và Dean Moor và được lệnh viết ngay một báo cáo chính thức về chuyện này. Trong lúc viết báo cáo này, Adams lại phát hiện thêm một tài liệu về lực lượng du kích – dân quân của VC trong tỉnh Phú Yên, ở phía Nam của tỉnh Bình Ðịnh, và nhận ra sự khác biệt giữa con số trong tài liệu của VC và tài liệu của MACV cũng giống hệt như các trường hợp của các tỉnh Long An và Bình Ðịnh: tài liệu của VC cho biết tổng số là 20.407 trong khi tài liệu của MACV chỉ ghi có 3.210. Cũng trong thời gian này, Adams lại tìm thấy một tài liệu khác còn quan trọng hơn rất nhiều. Ðó là một tài liệu của Trung Ương Cục Miền Nam tức là Bộ Chỉ Huy Tối Cao của tất cả lực lượng Cộng sản tại Miền Nam Việt Nam (người Mỹ thường dùng chữ tắt để gọi là COSVN = Central Office for South Vietnam; tên chính thức là Ban Chấp Hành Trung ương của Ðảng Nhân Dân Cách Mạng = Central Executive Committee of the People’s Revolutionary Party). Tài liệu này ghi rõ là “…cố gắng gia tăng lực lượng du kích và dân quân lên mức 250.000-300.000 vào cuối năm 1965.” [14] Như vậy, rõ ràng là con số ước lượng 100.000 du kích – dân quân trong OB của MACV là hoàn toàn quá thấp, khó có thể chấp nhận được. Adams quyết định đưa con số 250.000 ước tính cho lực lượng du kích – dân quân VC vào báo cáo của ông. Tuy không được mọi người hoàn toàn ủng hộ, sau cùng, ngày 8-9-1966, báo cáo của Adams cũng được R. Jack Smith, lúc đó là Phó Giám Ðốc CIA Đặc Trách về Tình Báo (Depuy Director for Intelligence, hay thường được gọi tắt là DDI) cho phép in và lưu hành giới hạn (chỉ in 25 bản, thay vì 200 bản) như là một bản thảo mà thôi (draft working paper), với chỉ một bản duy nhứt gửi đi Việt Nam cho Trưởng Ban OB của MACV là Ðại Tá Hawkins. Người mang bản duy nhứt này về Việt Nam cho Ðại Tá Hawkins là George Fowler, một nhân viên của Cơ Quan Quân Báo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Defense Intelligence Agency, hay DIA). Ðương đầu với MACV
Ðầu tháng 10-1966, Fowler trở về Mỹ và cho biết MACV, thông qua một yêu cầu từ Ðại Tá Hawkins gửi cho các toán Cố vấn quân sự Mỹ ở khắp 44 tỉnh của VNCH, đã bắt đầu tiến hành việc xét duyệt lại tất cả các ước tính trong OB, kể cả lực lượng du kích – dân quân của VC. Một tháng sau, vào ngày 7-11-1966, Adams nhận được một tin làm ông rất phấn khởi: báo cáo đầu tiên về lực lượng du kích – dân quân của VC, theo yêu cầu của Ðại Tá Hawkins, từ tỉnh Quảng Tín cho biết con số là 17.027, so với con số cũ trong OB của MACV chỉ có 1.760,[15] nghĩa là gấp 10 lần, hoàn toàn rất giống như điều mà Adams đã khám phá trước đây. Ðiều quan trọng hơn là lần này, con số lớn hơn 10 lần đó là do chính 1 đơn vị của MACV ghi nhận và báo cáo.
Cũng trong thời gian này, Adams khám phá thêm 2 chuyện rất quan trọng: • Thứ nhứt là tầm quan trọng của lực lượng du kích – dân quân của VC trong Chiến Tranh Việt Nam: theo một bài báo đăng trên tờ New York Times, số ra ngày 7-10-1966, số thương vong của quân đội Hoa Kỳ trong Ðệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Việt Nam là như sau:
Nguyên Nhân Thế Chiến 2 CT Việt Nam
Pháo binh 61% 21%
Lựu đạn 2% 16%
Mìn bẫy 3% 21%
Adams tìm hiểu thêm qua trao đổi với các nhân viên CIA vốn là các cựu sĩ quan đã từng tham chiến tại Việt Nam và được biết mìn bẫy là do các lực lương du kích – dân quân của VC thực hiện. Như vậy du kích – dân quân của VC là lực lượng đã gây hơn 1/5 thống kê về thương vong của binh sĩ Hoa Kỳ, một con số thống kê rất đáng kể. • Thứ hai là MACV đã từng cố tình hạ thấp con số về du kích – dân quân của VC trong OB của họ. Thông tin này do chính George Allen cung cấp cho Adams. Chuyện này xảy ra từ đầu năm 1963 lúc MACV còn mang danh hiệu là MAAG (Military Assistance Advisory Group) dưới quyền Tướng Paul D. Harkins. Dựa vào một tài liệu bắt được của VC, Allen tính ra con số du kích – dân quân của VC lúc đó là vào khoảng trên 100.000. Con số này đã được Ban 2 (J-2 = Tình báo) của MAAG chấp nhận nhưng khi J-2 trình lên thì Harkins không chấp nhận và chỉ cho phép ghi 70.000 thôi. Như vậy, rõ ràng cái khó khăn của CIA sẽ là thái độ coi thường của MACV đối với tầm quan trọng của lực lượng du kích – dân quân của VC cũng như thói quen tùy tiện của MACV trong việc ước lượng lực lượng của địch trong OB của họ. Ðể có thể đương đầu với MACV, lực lượng đang thi hành chủ trương sử dụng quân sự tại Việt Nam của Chính phủ Hoa Kỳ, CIA cần phải đoàn kết và thống nhứt ý kiến trong nội bộ. Adams quyết định xin chuyển sang làm việc trực tiếp với George Carver và George Allen như một nhân viên của SAVA, trực thuộc dưới quyền của Giám Ðốc CIA lúc đó là Richard Helms.[16] Adams chính thức làm việc với SAVA từ tháng 1-1967. Ngay trong tuần lễ đầu tiên, Adams dàn xếp để được SAVA chỉ định thuyết trình cho Hội Ðồng Ước Tính Tình Báo Quốc Gia (Board of National Estimates = BNE, là một bộ phận của ONE gồm khoảng trên dưới 10 chuyên gia cao cấp về tình báo)) về lực lượng du kích – dân quân của VC. Trên cơ sở của bài thuyết trình này của Adams, BNE soạn thảo và phổ biến một tài liệu đến tất cả các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ, và lần đầu tiên ghi rõ con số ước tính cho lực lượng du kích – dân quân của VC là “từ 250.000 đến 300.000.” Phấn khởi với thành quả này, ngày Thứ Ba, 10-1-1967, Adams soạn thảo một văn kiện quan trọng, mang tính chất như một nghị định (decree), cho George Carver, với tư cách là SAVA, trình cho Richard Helms ký, mang tựa đề “Revising the Viet Cong Order of Battle” (Duyệt xét lại Bảng Trận Liệt của Việt Cộng), và chỉ thị cho DDI (Deputy Director for Intelligence, lúc đó là R. Jack Smith) thi hành. Mười ngày sau, Thứ Sáu 20-1-1967, CIA nhận được một văn thư từ Ðại Tướng Earl G. Wheeler, Tham Mưu Trưởng Liên Quân (Chairman of the Joint Chiefs of Staff, sĩ quan cao cấp nhứt của quân đội Hoa Kỳ, dứng đầu Bộ Tham Mưu Liên Quân gồm 4 vị tướng Tham Mưu Trường của 4 quân chủng Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến, do chính Tổng Thống bổ nhiệm, với nhiệm kỳ là 2 năm và có thể được tái bổ nhiệm). Văn thư nói lên phản ứng tiêu cực của Bộ Quốc Phòng và Quân Ðội đối với con số ước tính mới về lực lượng du kích – dân quân của CIA trong văn kiện do BNE phổ biến. Wheeler cũng quyết định triệu tập một hội nghị tại Honolulu (tiểu bang Hawaii) vào ngày 6-2-1967 để các đại diện chính thức của CIA, DIA, MACV, vv. thảo luận và giải quyến vấn đề khác biệt giữa các con số OB của CIA và MACV. Trên thực tế, hội nghị này chẳng giải quyết gì cả, chỉ khẳng định là OB là thuộc lãnh vực thẩm quyền của MACV mà thôi. Như vậy, lập trường của MACV về OB đã lộ rõ. MACV sẽ không theo đề nghị của CIA về con số ước tính lực lượng du kích – dân quân VC của CIA, mà MACV cho là quá cao. CIA cũng không nhượng bộ, không chấp nhận con số của MACV mà CIA cho là quá thấp. Theo MACV, toàn bộ (kể cả du kích – dân quân) lực lượng của VC là khoảng 270.000 người, trong khi đó CIA tin rằng con số này phải là gần 600.000.[17] Các cuộc tranh luận về SNIE 14.3-67
Ngày 12-6-1967, ONE công bố bản thảo của SNIE 14.3-67 trong đó sử dụng con số ước tính 250.000 cho lực lượng du kích – dân quân của VC. Cuộc thảo luận đầu tiên về SNIE 14.3-67 được ấn định vào ngày 23-6-1967.
Cuộc thảo luận đầu tiên này chỉ là để cả hai phe, CIA và MACV, thăm dò phản ứng của nhau thôi nên không đi tới đâu cả. Cả hai phe đều giữ vững lập trường, cố gắng bảo vệ con số của mình đưa ra, và phản bác con số của đối phương đưa ra. Trong tháng 6-1967 còn có thêm ba cuộc thảo luận nữa nhưng lập trường của cả hai phe cũng vẫn như cũ. Ðầu tháng 7-1967, Adams nhận được 1 công điện mật từ Sài Gòn do George Carver gởi về. Carver cho biết đã có một buổi họp với Ðại Tá Hawkins, Trưởng Ban OB của MACV và Thiếu Tướng Philip B. Davidson, vừa mới thay thế Thiếu Tướng Joseph A. McChristian trong chức vụ Trưởng Ban Tình Báo (J-2) của MACV. Buổi họp diễn ra khá tốt đẹp với kết quả là lập trường của MACV đã có nhiều thay đổi và tiến gần với lập trường của CIA. Cụ thể là: 1) Ðại Tá Hawkins đồng ý trên căn bản đối với con số ước tính 100.000 người của CIA về lực lượng du kích của VC; ông cũng cho rằng con số 75.000 của CIA về lực lượng hậu cần (service troops) của VC chỉ là hơi cao một chút mà thôi; 2) Sau khi nghe Tướng Davidson cho biết nếu chấp nhận hoàn toàn con số OB cao của CIA, MACV sẽ gặp khó khăn lớn về chính trị, nhứt là với báo chí, Carver đã đề nghị một giải pháp thỏa hiệp như sau: chia OB (với tổng số khoảng 500.000) thành 2 phần, phần “quân sự” bao gồm các lực lượng chính quy, hậu cần, và du kích, với tổng số khoảng 300.000, và phần “dân sự” bao gồm dân quân tự vệ, và cán bộ chính trị, với tổng số khoảng 200.000; với cách này, MACV sẽ dễ biện minh hơn cho tổng số mới của OB. Tướng Davidson cho rằng đây có vẻ là một ý kiến hay và hứa là ông sẽ trình lại với Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV. Ðể cho MACV có thời gian giải quyết những khó khăn trong nội bộ, CIA quyết định dời phiên họp kế tiếp về SNIE 13.4-67 sang tháng 8-1967, khi đó chính Ðại Tá Hawkins sẽ từ Sài Gòn sang dự.[18]
Khi cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 8-1967 với sự hiện diện của Ðại Tá Hawkins từ Sài Gòn sang thì Adams bị hoàn toàn bất ngờ. Bảng OB trình bày lực lượng của VC gần như không thay đổi gì cả với tổng số là 298.900 như sau: [19]
Quân Chính Quy 120.400
Quân hậu cần  26.000
Du kích – Dân Quân  65.000
Cán bộ chính trị  87.500
Tổng số 298.900

Về phía MACV, cùng tham dự buổi họp với Ðại Tá Hawkind còn có Chuẩn Tướng George A. Godding, Deputy J-2 của MACV, tức là phó tướng của Thiếu Tướng Davidson. Ngoài ra, trong các lúc nghỉ giải lao, Ðại Tá Hawkins luôn luôn cho các nhân viên CIA biết là ông tin rằng các con số của CIA là đúng hơn các con số của MACV, nhưng mỗi khi họp thì ông luôn luôn nói theo các con số chính thức của MACV. Các tín hiệu này cho phép Adams nghĩ và tin rằng Ðại Tá Hawkins đã bị trói tay và sự hiện diện của Tướng Godding là để kềm chế ông. Cuộc họp về SNIE 14.3-67 lần này diễn ra trên 10 ngày với rất nhiều buổi họp nhưng cũng chẳng đi tới một thỏa hiệp nào gữa CIA và MACV. Một điều chắc chắn là MACV, mà Tư Lệnh là Ðại Tướng William Westmoreland và Tư Lệnh Phó là Ðại Tướng Creighton Abrams, đã dứt khoát quyết định không chấp nhận ước tính về lực lượng VC của CIA. Tại sao vậy ? Chính-trị-hóa tình báo
Adams không phải chờ đợi lâu để hiểu rõ lập trường của MACV. Ngày 21-8-1967, Tướng Abrams, Tư Lệnh Phó của MACV, gửi 1 công điện cho Tướng Wheeler, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và Tướng Wheeler đã chuyển cho CIA. Trong công điện, Abrams nói rõ quan điểm của MACV đối với SNIE 14.3-67 là phải loại bỏ ước tính của CIA về lực lượng dân quân của VC vì, nếu giữ lại, thì tổng số lực lượng của VC sẽ vượt xa con số mà Bộ Tư Lệnh MACV đã trình bày với báo chí tại Việt Nam. Từ mấy tháng qua, MACV đã tiên đoán về một chiến thắng sắp tới; nếu bây giờ con số lực lượng cao như vậy của VC được công chúng biết đến thì khó mà ngăn cản báo chí đi đến một kết luận đen tối và sai lầm. Một lúc sau, Tướng Westmoreland cũng gởi một công điện cho biết hoàn toàn đồng ý với Tướng Abrams.[20]
Như vậy, quan điểm của MACV đã rất rõ ràng: họ dứt khoát không chấp nhận, và sẵn sàng bỏ qua ước tính tình báo của CIA không phải vì ước tính này sai lầm mà chỉ vì ước tính này đi ngược lại cái nhìn lạc quan (sắp thắng VC đến nơi rồi) của họ về Chiến tranh Việt Nam. Lập trường lạc quan này của MACV dựa trên hai tiền đề như sau: 1) chiến lược “Search and Destroy = Lùng và Diệt địch,” nồng cốt của quan niệm chiến tranh tiêu hao (war of attrition) làm cho địch bị kiệt quệ dần về nhân lực và sau cùng phải chịu bỏ cuộc; 2) quan niệm về “Crossover Point = Điểm vượt,” thời điểm khi sự hao mòn về nhân lực của địch vượt quá khả năng bổ sung của địch. Dựa vào OB của VC mà họ đã ước tính thì tại thời điểm giữa năm 1967 này, VC đã sắp đến “điểm vượt” rồi.[21] Ðến tháng 6, dựa trên một báo cáo của Ðại Tá Daniel Graham, một phân tích viên của ban OB thuộc J-2, MACV tin rằng VC đã đến “điểm vượt” rồi.[22] Lập trường lạc quan này cũng chính là điều mong ước của Chính phủ Hoa Kỳ do Tổng Thống Johnson lãnh đạo. Từ khi lập quốc, trong gần 2 thế kỷ, Hoa Kỳ chưa bao giờ bại trận, và từ sau Thế Chiến 2, Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số 1 của thế giới. Chuyện tin tưởng là Hoa Kỳ cũng sẽ thắng trong cuộc chiến tranh này tại Việt Nam cũng là một điều có thể được chấp nhận đễ dàng. Lập trường lạc quan của Bộ Tư Lệnh MACV tại Việt Nam, dĩ nhiên, đã được báo cáo về Mỹ và hoàn toàn được Chính phủ Johnson hoan nghênh và tích cực ủng hộ. Trên thực tế, nó đã trở thành lập trường chính thức của Chính phủ Mỹ. Cơ quan CIA là một bộ phận của Chính phủ Mỹ, và Giám Ðốc CIA, Richard Helms, do chính Tổng Thống Johnson bổ nhiệm, không thể đi ngược lại đường lối, chủ trương của Chính phủ Mỹ được. Do đó, chuyện phải xảy ra đã xảy ra. Ðầu tháng 9-1967, cùng với Carver cầm đầu phái đoàn CIA, Adams bay sang Sài Gòn để dự một hội nghị về OB tại tổng hành dinh của MACV tại Tân Sơn Nhứt. Hội nghị OB khai mạc đúng 10:30 sáng Thứ Bảy, 9-9-1967, dưới sự chủ tọa của Tướng Davidson, J-2 của MACV. Carver giữ vững lập trường của CIA, tích cực chống lưng cho Adams trong việc đối phó với Tướng Davidson và các thủ hạ của ông ta, từng bước đánh đổ các ước tính của MACV. Trước tình hình này, MACV đành phải dùng đến con bài chủ để đánh bại Carver: lệnh của Chính phủ Hoa Kỳ. Cơ quan CIA, mà đứng đầu là Giám Ðốc Richard Helms, đã bị áp lực rất nặng nề từ phía chính quyền Johnson. Kết quả là ngày Thứ Hai, 11-9-1967, Carver đã nhận được một công điện từ Helms ra lệnh cho ông phải, bằng mọi cách, đi đến đồng thuận với MACV. Ngay ngày hôm đó, Carver điện về cho Helms, với câu mở đầu như sau: “We have squared the circle.” (Tạm dịch: Chúng ta đã đóng khung vuông được cái vòng tròn rồi, nghĩa bóng: Chúng ta đã làm xong được cái chuyện không thể nào làm được). Ngày hôm sau, Thứ Ba, 12-9-1967, ước tính OB của VC mà MACV và CIA đồng thuận là như sau: [23]
Quân chính quy 119.000
Quân hậu cần  37.000
Quân du kích  80.000
Tổng số quân 236.500
Cán bộ Chinh Trị  80.000

Trở về Mỹ, CIA tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận về SNIE 14.3-67 với các cơ quan tình báo khác của Hoa Kỳ. Adams tiếp tục chống đối trong vô vọng. Sau cùng, SNIE 14.3-67 cũng được thông qua và công bố ngày 13-11-1967 với chữ ký của Richard Helms, Giám Ðốc CIA và với sự đồng thuận của: • Thomas L. Hughes, Giám Ðốc INR của Bộ Ngoại Giao
• Trung Tướng Joseph F. Carroll, Giám Ðốc DIA, Bộ Quốc Phòng
• Trung Tướng Marshall S. Carter, Giám Ðốc NSA (National Security Agency = Cơ Quan An Ninh Quốc Gia)
Trong tài liệu này, lực lượng quân sự của Cộng sản tại Miền Nam được ghi rõ như sau: [24]
• Quân chính quy Bắc Việt:                               54.000
• Quân chính quy và địa phương của Việt Cộng:  64.000
Tổng cộng: 118.000
Con số quân du kích được ước tính vào khoảng 70.000 – 90.000 (tr. 14 của SNIE 14.3-67). Tài liệu SNIE 14.3-67 cũng có bàn đến lực lượng dân quân tự vệ của VC, và có ghi nhận là một số tài liệu có cho biết là vào đầu năm 1966 lực lượng này gồm khoảng 150.000 nhưng nói rõ là lực lượng này hoàn toàn bị loại bỏ, không được tính vào tổng số lực lượng quân sự của VC.[25] Hậu quả của việc chính-trị-hóa tình báo
Các cơ quan tình báo của các quốc gia đều có nhiệm vụ cung cấp cho các nhà lãnh đạo những tin tức mà họ thu thập được và đã được họ đánh giá là có mức độ khả tín cao để giúp cho các nhà lãnh đạo thực hiện được những chính sách đúng đắn. Vì thế, trên nguyên tắc, về phương diện tổ chức, các cơ quan tình báo thường có cơ chế độc lập, không lệ thuộc nặng nề vào các tổ chức chính quyền. Do đó, một khi cơ quan tình báo chịu sự sai khiến của chính quyền, và chỉ cung cấp cho chính quyền những tin tức mà chính quyền muốn có, muốn nghe thì hậu quả chắc chắn sẽ không tốt đẹp. Và đó chính là hoàn cảnh mà CIA đã lâm vào trong thời gian cuối năm 1967, đưa đến việc họ đã không tiên đoán được vụ Tổng Tấn Công Mậu Thân vào cuối tháng 1-1968.
Cuối tháng 11-1967, Walt W. Rostow, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Johnson, yêu cầu Trạm CIA tại Sài Gòn gởi một báo cáo về những phát triển mới nhứt trong chiến lược của phe Cộng sản. Một ngày sau Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) của năm 1967, tức là ngày Thứ Sáu, 24-11-1967, Trạm CIA tại Sài Gòn gửi về cho Rostow một báo cáo do phân tích viên Joseph Hovey thực hiện. Trong báo cáo, Hovey nói rõ là Chiến dịch Ðông-Xuân 1967-1968 của Cộng quân gồm 3 đợt; đợt 1 đã bắt đầu trong tháng 9-1967 vừa qua, và đợt 3 sẽ chấm dứt vào tháng 6-1968; nhiều tài liệu tịch thu được của địch, đã được ghi chú trong báo cáo, cho biết Cộng quân, nhắm đạt một chiến thắng quyết định trong năm 1968, sẽ thực hiện một cuộc tổng tấn công nhắm vào các thành phố trên khắp lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.[26] Rostow đã chuyển cho CIA một bản của báo cáo này và người nhận chính là George Carver, Phụ Tá Ðặc Biệt về Việt Nam (SAVA = Special Assistant for Vietnam Affairs) của Giám Ðốc CIA Richard Helms. Carver chính là người đã ủng hộ Adams rất tích cực trong vụ tranh chấp về OB của VC với MACV, nhưng sau đó, theo lệnh của Helms, đã thỏa hiệp với MACV. Carver giao cho phụ tá của mình là George Allen xét duyệt báo cáo này. Carver bác bỏ báo cáo, cho rằng những tài liệu tịch thu được của địch đã được nêu trong báo cáo là không đáng tin vì VC cũng đã từng rêu rao về một “chiến thắng quyết định” như vậy từ năm 1966. Sang đầu tháng 12-1967, ngày 8-12-1967, Joseph Hovey lại gởi thêm một báo cáo nữa, khẳng định lại điều đã ghi nhận trong báo cáo trước (về cuộc Tổng Tấn Công sắp diễn ra của VC vào các thành phố của VNCH) nhưng với nhiều chi tiết hơn, đặc biệt nhấn mạnh là VC sẽ tổ chức các cuộc tấn công lớn ở biên giới để cầm chân các lực lượng của Hoa Kỳ để cho cuộc tổng tấn công vào các thành phố được dễ dàng thành công hơn. Lần này, khi nhận được báo cáo thứ nhì của Hovey, Carver giao cho Phòng Tình Báo Hiện Hành (Office of Current Intelligence = OCI) xét duyệt, và OCI cũng đã bác bỏ báo cáo này, cho rằng Trạm CIA Sài Gòn đã thổi phồng, cường điệu tình hình của địch. Khác với lần trước, lần này Carver cũng tham khảo cả Adams. Adams tin là phân tích của Sài Gòn là rất đáng tin. Như vậy, chỉ có một mình Adams là tin vào báo cáo của Sài Gòn, toàn thể CIA đã không tin, và đã báo cáo như thế cho Rostow. Cuối năm 1967, Tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, được triệu về Mỹ để khẳng định lập trường lạc quan này của Chính Phủ Johnson. Ngày 21-11-1967, Westmoreland tuyên bố tại Washinton, D.C. là chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc tới nơi rồi.[27] Thay Lời Kết
Về sau, tất cả mọi người đều đã biết là mọi việc đã diễn ra đúng như báo cáo của Hovey. CIA đã thất bại hoàn toàn, không tiên đoán được cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân đã diễn ra trên khắp lãnh thổ của VNCH vào cuối tháng 1-1968. Cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân sau đó đã là thất bại quân sự rất lớn cho VC nhưng đã đạt được thành quả chính trị vô cùng to lớn. Dân chúng Mỹ không còn tin vào chính phủ nữa, phong trào phản chiến ngày càng mạnh thêm. Tổng Thống Johnson bác bỏ yêu cầu tăng thêm quân của Tướng Westmoreland, chấm dứt nhiệm vụ Tư Lệnh MACV của ông, và cử Tướng Abrams lên thay. Tổng Thống Johnson cũng quyết định không ra tái tranh cử Tổng Thống, và quyết định xuống thang chiến tranh, ngưng oanh tạc Bắc Việt, và kêu gọi phe Cộng sản đến bàn hội nghị. Về phần Adams, sau khi CIA thỏa hiệp với MACV, ông đã chính thức yêu cầu văn phòng Tổng Thanh Tra của CIA mở cuộc điều tra nhưng không đi tới đâu. Ông đã mang một số khá lớn các tài liệu mật của CIA về vụ này ra khỏi cơ quan và chôn dấu trong một khu rừng gần nhà ông. Tháng 5-1973, ông từ chức không làm cho CIA nữa. Sau đó ông liên lạc với nhiều dân biểu quốc hội Mỹ để nói cho họ biết về việc này nhưng không có dân biểu nào quan tâm. Do đó ông quyết định phải viết báo. Năm 1975, ông viết một bài báo cho tạp chí Harper’s; bài báo được đăng vào tháng đầu 5-1975 nhưng đúng vào lúc VNCH sụp đổ nên bài báo bị chìm đi. Năm 1982, đài truyền hình CBS mời ông cộng tác trong việc thực hiện một chương trình phóng sự điều tra mang tên “The Uncounted Enemy: A Vietnam Deception.” Tướng Westmoreland cho rằng ông bị lăng mạ bởi phóng sự đó nên đã kiện CBS ra tòa. Nội vụ kéo dài mấy năm, với rất nhiều nhân chứng quan trọng. Sau cùng, trước khi tòa án giao cho bồi thẩm đoàn thảo luận, Westmoreland rút lại đơn kiện vào ngày 18-2-1985. Adams đột ngột qua đời vào ngày 10-10-1988 khi còn đang viết chưa xong cuốn hồi ký của ông “War of Numbers.” Từ 2002, các bạn đồng nghiệp CIA của ông tạo ra một giải thưởng mang tên là “Sam Adams Award for Integrity in Intelligence” để tưởng niệm ông.
Ghi Chú:
1. Adams political family, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Adams_political_family
2. Adams, Sam. War of numbers: an intelligence memoir ; introduction by Colonel David Hackworth. South Royalton, Vermont. : Steerforth Press, 1994. Tr. 33-35.
3. Tướng William C. Westmoreland (1914-2005) là một Ðại Tướng. Hệ thống tướng lãnh của quân đội Mỹ là như sau: Brigadier-General = Chuẩn Tướng, 1 sao); Major-General = Thiếu Tướng, 2 sao; Lieutenant-General = Trung Tướng, 3 sao; và Full General hay General = Ðại Tướng, 4 sao. Trước kia, còn có cấp General of the Army = Thống Tướng, 5 sao, như các Tướng Douglas McArthur, Dwight Eisenhower, và Omar Bradley. Tướng Bradley là vị Thống Tướng sau cùng của quân đội Hoa Kỳ; sau khi ông qua đời chưa có một tướng lãnh nào được phong lên cấp bậc này nữa cả). Tướng Westmoreland sinh ngày 26-03-1914 tại Spartanburg County, tiểu bang South Carolina. Ông tốt nghiệp trường Võ Bị West Point khóa 1936. Trong thời gian Ðệ Nhị Thế Chiến, ông chỉ huy một tiểu đoàn pháo binh tại mặt trận Bắc Phi, Sicile và Pháp, và là Tham Mưu Trưởng cûa Sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ trong giai đoạn cuối cûa Thế Chiến 2. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ông là Tư Lệnh Trung đoàn 187 nhảy dù. Sau chiến tranh Triều Tiên ông là Tư Lệnh Sư đoàn Dù 101 nổi tiếng của Hoa Kỳ. Năm 1960, ông được bổ nhiệm làm Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị West Point. Ðầu năm 1964, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Phó lực lượng cố vấn quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, dưới quyền Tướng Paul Harkins. Từ tháng 6 năm 1964, ông thay thế tướng Harkins làm Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong thời gian 1964-1968, với sự hỗ trợ tích cực của Tổng Thống Johnson, ông đã đưa quân số cûa lực lượng này lên đến trên nửa triệu quân. Ông cũng là người đã thực hiện chiến lược “Lùng và Diệt Ðịch” cûa quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam. Sau cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân cûa Việt Công, ông bị rút về Mỹ vào tháng 7 năm 1968. Sau đó ông giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Chief of Staff) cho đến khi ông về hưu năm 1972. Ông là tác giả quyển sách “A Soldier Reports” (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1976).
4. MACV là chữ viết tắt của Military Assistance Command – Vietnam, tức là Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
5. RAND Corporation là một tổ chức bất vụ lợi (non-profit organization) do Công ty sản xuất phi cơ Douglas Aircraft Company của Hoa Kỳ thành lập vào năm 1948 để phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển (Research and Development, vì thế nên tổ chức được đặt tên là RAND) cho Không Lực Hoa Kỳ. Sang thập niên 1960, RAND trở thành 1 think tank có mục tiêu là trợ giúp chính phủ Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu và hình thành các chính sách. Do đó, RAND đã tham gia rất tích cực vào các dự án nghiên cứu cho Chính phủ Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
6. Adams, sđd, tr. 46.
7. Số binh sĩ tử trận (KIA = Killed In Action) của quân đội Mỹ trong năm 1966 đã gia tăng như sau:

– Tháng 1: 196
– Tháng 2: 208
– Tháng 3: 231
– Tháng 4: 245
– Tháng 5: 255
– Tháng 6: 268
– Tháng 7: 277
– Tháng 8: 297
– Tháng 9: 313
– Tháng 10: 342
– Tháng 11: 356
– Tháng 12: 385
Nguồn: Vietnam War deaths and casualties by month, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.americanwarlibrary.com/vietnam/vwc24.htm
8. Air America là 1 công ty hàng không do chính phủ Hoa Kỳ thành lập, và được cơ quan CIA sử dụng trong các hoạt động cả công khai lẫn bí mật. Nó là đề tài cho cuốn phim của Hollywood có cùng tên, sản xuất năm 1990, do 2 tài tử Mel Gibson và Robert Downey, Jr. đóng vai chánh, nói về các hoạt động bí mật của CIA (buôn thuốc phiện trắng) tại Lào.
9. Ðoàn Thêm. 1966: việc từng ngày; tựa của Lãng Nhân. Sài Gòn: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968. Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu tái bản, 1989. Tr. 29.
10. Adams, sđd, tr. 58. Nguyên văn trong sách như sau: “…The 506th’s up in the northern part of the province, up near Hau Nghia. It’s back up to T, O and E.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… Tiểu đoàn 506 đã có mặt tại phía Bắc của tỉnh, gần Hậu Nghĩa. Nó đã bổ sung xong đầy đủ quân số và trang bị.” Các chữ “T,O and E” là viết tắt cho “Table of Organization and Equipment” trong ngữ vựng tình báo Mỹ và có nghĩa là “đầy đủ quân số và trang bị.”
11. Adams, sdd, tr. 59-60.
12. Lâm Vĩnh Thế. Tình báo trong Chiến Tranh Việt Nam, tài liệu trực tuyến, đã đăng trong trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/tinh-bao-trong-chien-tranh-viet-nam, tr. 18-19.
13. Adams, sđd, tr. 65-66.
14. Adams, sđd, tr. 68.
15. Adams, sđd, tr. 77.
16. Richard Helms, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Richard_Helms Helms là 1 nhân viên tình báo chuyên nghiệp, xuất thân từ tổ chức OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA, trong thời gian Ðệ Nhị Thế Chiến); khi CIA được thành lập, ông là Chief of Operations, dưới quyền DDP (Deputy Director for Plans) Frank Wisner; sau đó ông trở thành DDP dưới thời Tổng Thống Kennedy, và sau cùng được Tổng Thống Johnson bổ nhiệm làm Giám Ðốc CIA (DCI = Director of Central Intelligence).
17. Ford, Ronnie E. Tet 1968: understanding the surprise; forewords by General William C. Westmoreland and George W. Allen. London: Frank Cass, 1995. Tr. 172-173.
18. Adams, sđd, tr. 96-97.
19. Adams, tr. 101.
20. Adams, sđd, tr. 106. Công điện của Abrams có những đoạn như sau: “… the resulting sum would be in sharp contrast to the current overall strength figure of about 299,000 given to the press here… We have been projecting an image of success over recent months… if the higher numbers were to become public, all caveats and explanations will not prevent the press from drawing an erroneous and gloomy conclusion…” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… tổng số đưa đến sẽ nghịch hẳn với tổng số hiện nay cho toàn bộ lực lượng [của VC] là 299.000 đã cung cấp cho báo chí ở đây… Mấy tháng vừa qua, chúng ta đã đưa ra một hình ảnh chiến thắng … nếu những con số cao hơn đó được công bố , tất cả những báo động, giải thích sẽ không ngăn chận được báo chí đi đến kết luận sai lầm và ảm đạm …” Công điện của Westmoreland có những đoạn như sau: “… I have just read General Abrams’ [message], and I agree… no possible explanations could prevent the erroneous conclusions that would result.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… Tôi vừa đọc xong [công điện] của Tướng Abrams, và tôi đồng ý… không có lời giải thích nào có thể ngăn chận được những kết luận sai lầm từ đó.”
21. Ford, Harold P. CIA and the Vietnam policymakers: three episodes, 1962-1968. Langley, Va.: Central Intelligence Agency, Center for the Study of Intelligence, 1998. Tr. 87. Tác giả viết rõ như sau: “… the MACV staff had been claiming for some time that the enemy was suffering great losses in Vietnam, and in mid-1967 predicted that a “crossover” would soon occur when losses would exceed the replacement capacity;…” Tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… nhân viên MACV, trong một thời gian, đã cho rằng địch đã bị thiệt hại nặng tại Việt Nam, và vào giữa năm 1967 đã tiên đoán rằng “điểm vượt” sắp xảy ra khi thiệt hại vượt quá khả năng bổ sung; …).
22. Wirtz, James J. The Tet Offensive: intelligence failure in war. Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1991. Tr. 119. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “In June 1967, MACV analysts claimed that the crossover point had been reached throughgout South Vietnam. In the “Crossover Memo of June 1967,” Col. Daniel Graham, an analyst in the order-of-battle section at MACV J-2, stated that the monthly infiltration rate had dropped to 6,000-7,000 men per month, and that VC recruitment had dropped to 3,500 per month. At these rates, the enemy was losing men faster than they could be replaced. Graham’s memo formed the basis of the June measurement of progress report, which stated that the crossover point had been reached.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Vào tháng 6-1967, các phân tích viên của MACV cho rằng đã đạt đến điểm vượt trên khắp lãnh thổ của Nam Việt Nam. Trong “Công văn về điểm vượt tháng 6-1967,” Ðại Tá Daniel Graham, phân tích viên của ban OB của J-2 của MACV, cho biết là mức độ xâm nhập hàng tháng của địch đã giảm xuống còn 6.000-7.000 người một tháng, và mức độ tuyển mộ của VC đã giảm xuống còn 3.500 một tháng. Với các mức độ này, địch quân đang tổn thất người nhanh hơn mức bổ sung. Công văn của Graham đã tạo nên căn bản cho các tính toán trong báo cáo của tháng 6 cho rằng điểm vượt đã đạt đến.”
23. Adams, sđd, tr. 117.
24. Special National Intelligence Estimate Number 14.3-67: Capabilities of the Vietnamese Communists for Fighting in South Vietnam, tr. 11.
25. Tài liệu SNIE 14.3-67 vừa kể trên, tr. 15-16.
26. Ovodenko, Alexander, “Visions of the enemy from the field and from abroad: revisiting CIA and military expectations of the Tet Offensive,” Journal of strategic studies, v. 34, no. 1 (Feb. 2011), tr. 125. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “…that the Winter–Spring campaign consisted of three phases, with the first phase having begun in September 1967 and the third phase expected to end in June 1968. Captured documents referenced in the report suggested that the communists intended to achieve a decisive victory in 1968 by launching large-scale offensives, including against urban centers throughout South Vietnam,…”
27. Valentine, Tom. Credibility gap, tài liệu trực tuyến, đăng trong trang Web The Vietnam War, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://thevietnamwar.info/vietnam-war-fact-credibility-gap/ Bài viết này có ghi như sau: “Throughout 1967, Johnson administration began to propagate an optimistic picture about the U.S. situation in Vietnam. In late 1967, General William Westmoreland, the head commander of Military Assistance Command, Vietnam (MACV), returned to the United States to give an upbeat assessment of the American War in Vietnam. In the speech before the National Press Club in Washington D.C. on November 21, Westmoreland announced the U.S. “had turned the corner in the war” and that the end of the war in Vietnam “began to come into view”. Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Suốt năm 1967, chính phủ Johnson bắt đầu phổ biến một hình ảnh lạc quan về tình hình của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cuối năm 1967, Tướng William Westmoreland, cầm đầu Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, về Mỹ để cung cấp một đánh giá phấn khởi về Chiến tranh Việt Nam. Trong bài diễn văn tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia tại Washington, D.C. vào ngày 21 Tháng Mười Một, Westmoreland tuyên bố là Hoa Kỳ “đã vượt qua khúc quanh của cuộc chiến” và kết thúc của cuộc chiến “đã bắt đầu hiện ra trong tầm nhìn.”


No comments:

Post a Comment