; }

Thursday, June 14, 2018

LUẬT QUỐC TẾ NÓI GÌ VỀ DỰ THẢO ĐẶC KHU ?


Lê Đình Thông
12/Jun/2018
Ngày 10/06/2018, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra đồng loạt tại Hà Nội, Saigon, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Mỹ Tho, Bình Thuận chống lại dự thảo luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Trước làn sóng phẫn nộ của người dân, chỉ một ngày sau (11/06/2018), 423 trên tổng số 432 đại biểu quốc hội đã bỏ phiếu hoãn biểu quyết đến tháng 10/2018, tránh cảnh tức nước vỡ bờ, đưa đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản.

Trong bài sau đây,

- Phần I nhằm xét xem dự thảo luật đặc khu có những quy định nào khiến toàn dân phải phẫn nộ, chống đối ?

- Phần II : đối tượng của dự thảo luật nhắm tới ‘‘nhà đầu tư chiến lược’’ là ‘‘bọn phản động bành trướng Bắc Kinh’’ theo chính ngôn từ của bộ Ngoại giao Hà Nội trong cuốn Bạch thư (nhà xb Sự Thật ấn hành ngày 04/10/1079). Trong phần II, ta thử đối chiếu một số điều ghi trong dự thảo luật với các quy định của công pháp quốc tế.

I - Điều Khoản Bán Nước :

Dự thảo luật (sau đây gọi tắt là dự luật) đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là đặc khu) gồm 6 chương 85 điều. Điều 58 quy định :

- đặc khu Vân Đồn trực thuộc tỉnh Quảng Ninh;

- đặc khu Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa;

- đặc khu Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Ba đặc khu ở ba miền đất nước mở đường cho Bắc Kinh từng bước thôn tính Bắc, Trung, Nam. Về mặt địa lý chiến lược, việc thiết lập ba đặc khu còn cho phép Bắc Kinh xâm nhập vùng lãnh hải, chiều rộng 12 hải lý của nước ta, theo quy định của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, công bố ngày 10/12/1982.

Sau đây, ta sẽ lần lượt xét đến một số quy định chính yếu của dự luật.

1.1. Từ ngữ : Điều 3 của dự luật giải thích các từ ngữ sau đây :

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (sau đây gọi là đặc khu) là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Khu thương mại tự do là khu chức năng thực hiện các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 29 của Luật này, có ranh giới ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu thương mại tự do với thị trường trong nước là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu; được áp dụng cơ chế, chính sách của khu phi thuế quan và cơ chế, chính sách đặc biệt khác.

- Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản trị, có cam kết bằng văn bản về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch hoặc công nghệ cao; cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài.

1.2. Việc áp dụng pháp luật của Bắc Kinh tại các đặc khu :

Điều 6 cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài (tức pháp luật của tập đoàn bá quyền Bắc Kinh) tại các đặc khu.

1.3. Về thời hạn 99 năm :

Điều 32 quy định ‘‘thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm’’.

1.4. Các chế độ ưu đãi dành cho đặc khu :

Điều 41 ấn định chế độ ‘‘ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu’’.

Theo điều 50, ‘‘chính phủ quyết định các chính sách đặc thù về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối áp dụng tại từng đặc khu’’.

II - Đối chiếu dự luật với các nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế :

Đối tượng của dự luật là ‘‘nhà đầu tư chiến lược’’ duy nhất là Bắc Kinh. Yếu tố nước ngoài cho phép đối chiếu dự luật với một số nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế.

Trước hết, ta xét đến nguồn gốc của dự luật.

2.1. Nguồn gốc dự luật :

Dự luật đặc khu được soạn thảo theo mô hình ‘‘kinh tế đặc khu’’ (經濟特區) của Bắc Kinh. Năm 1979, Bắc Kinh thiết lập bốn đặc khu kinh tế tại các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Hiện nay, Bắc Kinh có tham vọng thực hiện chủ nghĩa bá quyền thông qua lãnh vực kinh tế, tài chánh, áp đặt việc thiết lập đặc khu kinh tế tại các nước lân bang có mức độ tham nhũng cao, theo chỉ số của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Corruption Perceptions Index 2017):

- Việt Nam (35 điểm) ;

- và Pakistan (32 điểm).

Vì vậy, Bắc Kinh dễ dàng mua chuộc các lãnh đạo đảng cầm quyền (đảng cộng sản) và Nhà nước Việt Nam.

2.2. Dự luật vi phạm nguyên tắc chủ quyền :

Theo định nghĩa, chủ quyền của một quốc gia có nghĩa là Nhà nước không bị chi phối bởi chính quyền nước ngoài. Trong dự luật, bóng đen Bắc Kinh hoàn toàn che phủ các quy định của dự luật, khiến Nhà nước không còn khả năng hành sử quyền lợi được luật pháp quốc tế công nhận tại các đặc khu. Từ ngữ ‘‘Nhà nước’’, tiếng Pháp là État (tiếng Anh : State) gốc la tinh ‘‘status’’ có nghĩa là đứng thẳng. Ngôn ngữ của ta dịch là ‘‘Nhà nước’’ (viết hoa) là muốn nói đến định chế này có chức năng bảo đảm đời sống của người dân. Với dự luật đặc khu, thử hỏi Nhà nước có còn đứng thẳng, hay phải khom lưng trước thế lực ngoại bang ?

Điều 50 ấn định đặc khu có chính sách đặc thù về tiền tệ.

Quy định này hoàn toàn đi ngược lại chủ quyền quốc gia về tiền tệ (souveraineté monétaire est un atribut propre à l’État).

2.3. Về thời hạn 99 năm :

Trong dự luật, thời hạn 99 năm rập khuôn 99 năm mà triều đình nhà Thanh bán đứng Hồng Kông cho đế quốc Anh, theo các quy định của Hiệp ước Nam Kinh. Ngày 04/02/1861, Đế quốc Anh tiếp nhận bán đảo Cửu Long, đảo Ngang Thuyền. Ngày 09/06/1898, Tân Giới (les Nouveaux Territoires) ở phía bắc bán đảo Cửu Long và 230 đảo nhỏ được giao cho Anh trong 99 năm. Quy định này đã hết hạn ngày 01/07/1997.

Đế quốc Anh có ưu thế về hàng hải, muốn chiếm cứ Hồng Kông để khống chế toàn bộ khu vực Hoa Nam, về chiến lược lẫn kinh tế. Năm 1842, người Anh giương cờ đế quốc trên đảo Hồng Kông. Họ cần kho hàng chứa nha phiến sản xuất ở Ấn Độ để bán cho thị trường Tầu. Triều đình nhà Thanh chống lại nên phát động chiến tranh nha phiến lần I. Vì thua trận nước Tầu phải nhưởng cho Anh đảo Hồng Kông, diện tích 1110 km².

Ngày nay, Bắc Kinh muốn lập lại kịch bản này trên đất nước ta. Ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc mà đảng cộng sản Việt Nam muốn mượn tay Quốc hội giao cho nước Tầu thực chất là ba tô giới (租界)[Tô : cho thuê - Giới : giới hạn].

Hiệp ước Nam Kinh quy định thời gian cho mướn là 99 năm, giống như dự luật đặc khu hiện nay, danh từ pháp luật gọi là cho mướn dài hạn (enphytéose). Từ ngữ này do chữ hy lạp ἐμφύτευσις có nghĩa là xâm nhập.

2.4. Tính cách lỗi thời của dự luật :

Hiệp nước Nam Kinh (1842) đưa đến việc giao Hồng Kông cho đế quốc Anh cũng như hòa ước Thiên Tân (accord de Tienjin en 1884) và hiệp ước Thiên Tân (traité de Tianjin - 1885) liên hệ đến nước ta đều là ‘‘bất bình đẳng điều ước’’ (不平等條約), được ký kết 100 năm về trước, trong bối cảnh cá lớn nuốt cá bé. Như vậy, dự luật đặc khu giật lùi một thế kỷ, thật đáng hổ thẹn !

2.5. Tại sao đặc khu đươc thiết lập dưới hành thức đạo luật ?

Tập đoàn bá quyền Bắc Kinh cũng thừa biết 100 năm sau, cả hai đảng cộng sản Tầu - Việt chỉ còn là thây ma nên chỉ thị cho đảng cộng sản Việt Nam chuyển qua Quốc hội biểu quyết luật đặc khu. Theo hệ cấp quy phạm (hiérarchie des normes) do Hans Kelsen thiết lập, hiến pháp đứng đầu hệ cấp, tiếp đó là luật, hiệp ước, sau mới đến sắc lệnh, nghị định, thông tư.

Bắc Kinh muốn các đặc khu của Tầu trên đất Việt được ban hành dưới hình thức đạo luật để ràng buộc Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng trong suốt 99 năm, mặc dù dù vật đổi sao dời, chế độ cộng sản sẽ sụp đổ.

Kết luận :

Ngày 10/06/2018 vừa qua, 423 đại biểu quốc hội trên tổng số 432 đã biểu quyếu hoãn thảo luận và biểu quyết dự luật đặc khu đến tháng 10/2018. Quyết định này chỉ nhằm xoa dịu nhất thời sự bất mãn của người dân. Có 9 đại biểu không biểu quyết. Với các nhận định trên đây, dự luật không chỉ trì hoãn, mà các đại biểu quốc hội phải nhận trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử, hủy bỏ hẳn dự luật bán nước này.

Trong thời gian vừa, dư luận trong nước đã mệnh danh lãnh đạo đảng và Nhà nước nhắm mắt làm theo chỉ thị của Bắc Kinh là ‘‘tội đồ’’. Ta đừng quên : Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền (Quân giả chu giã, thứ nhân giả thủy giã ; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu : 君 者舟也, 庶人者水也 ; 水則載舟, 水則覆舟).

Paris, ngày 12/06/2018

Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment